Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

Dưới áp lực của Trung Quốc Việt Nam cài dây an toàn

Zachary Abuza/Asia Times

Lê Quốc Tuấn dịch 
Ngòi nổ căng thẳng trên biển Đông đã tạm thời được tháo gỡ kể từ khi Trung Quốc rút dàn khoan HD 981 ra khỏi vùng biển tranh chấp với Việt Nam vào ngày 16 tháng 7. Nhưng việc đặt dàn khoan trong vị trí 130 hải lý tính từ bờ biển của Việt Nam trong nhiều tháng trời của Bắc Kinh đại diện cho một mối đe dọa gây chia rẽ nhất trong nhiều năm qua đối với lãnh đạo Đảng Cộng sản Hà Nội.

Hà Nội cho thấy bản thân mình hoàn toàn bất lực không đối phó được sự khiêu khích trên biển của Bắc Kinh. Hành động của Trung Quốc cũng vừa đủ để tránh bất kỳ tiềm năng nào từ Hiệp hội Các Nước Đông Nam Á (ASEAN).

Cả nước đoàn kết thành một mặt trận chống lại việc đặt giàn khoan. Hoa Kỳ, giống như mọi lần, đã không tham gia đến nơi đến chốn. Thật vậy, Trung Quốc đã thành công trong việc thuyết phục các nước khiếu kiện khác trong vùng Đông Nam Á rằng Hoa Kỳ là một đồng minh không đáng tin cậy trong cuộc tranh cãi tương lai trong khu vực.

Nhưng thiệt hại lớn nhất đối với Hà Nội là các hành động của Trung Quốc phô bày sự xích mích lớn rộng giữa hàng lãnh đạo cao cấp của đảng trong việc phải đáp ứng với gây hấn của Bắc Kinh như thế nào.

Giới lãnh đạo Việt Nam đã từng hy vọng một sự nhượng bộ ngoại giao từ Trung Quốc khi uỷ viên Quốc vụ Dương Khiết Trì đến thăm Việt Nam vào ngày 18-19. Tuy nhiên, chuyến thăm này không nhằm mục đích hòa giải khi ông Dương mắng nước chủ nhà đã “thổi phồng” tình trạng và tuyên bố thẳng thừng rằng Trung Quốc sẽ “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ các giàn khoan. Ngay trong thời gian chuyến thăm này, Trung Quốc cũng đưa một giàn khoan thăm dò thứ hai vào vùng biển tranh chấp.

Vào thời điểm đó, dường như Hà Nội đã sẵn sàng cho một cuộc chiến. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định rõ ràng là chủ quyền Việt Nam không phải là để đánh đổi. “Việt Nam chúng tôi luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.”

Phe ủng hộ một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn dường như đã chiếm ưu thế. Một cuộc họp tháng 6 năm 2014 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn toàn nhất trí lên án sự xâm lược của Trung Quốc.

Ông Dương tổ chức các cuộc họp với phó Thủ tướng, bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và ông Dũng, cũng như với bí thư Đảng Cộng Sản Nguyễn Phú Trọng. Trong khi Minh và Dũng duy trì một cách tiếp cận ít thoả hiệp. Trọng, không ngạc nhiên chút nào, đã tỏ ra hòa giải hơn và tập trung vào các quan hệ lâu dài và mối quan hệ giữa hai đảng.

Ngay sau khi Dương ra về, bộ Chính trị đã họp để hình thành cách giải quyết. Một nhóm do Dũng và chủ tịch quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cầm đầu, từng lớn tiếng trong những lần công khai kêu gọi Việt Nam chống lại Trung Quốc, chủ trương đối đầu và tiếp cận cứng rắn hơn. Họ lập luận rằng bất kỳ sự nhượng bộ nào với Trung Quốc chỉ khuyến khích thêm những gây hấn trong tương lai và ủng hộ một chiến lược đa dạng bao gồm các việc sau:

- Nộp một bản báo cáo lên Ủy ban Trọng tài Quốc tế, song hành với bản báo cáo của Philippines vào tháng 3 năm 2014 từng làm Bắc Kinh tức giận.

- Chủ động lãnh đạo khối ASEAN thúc đẩy một bộ luật ràng buộc về quy tắc ứng xử ở Biển Đông;

- Hình thành các mối quan hệ gần gũi, phối hợp hơn với Philippines và Indonesia.

- Tham gia các cuộc tập trận đa phương hơn, bao gồm cả với Mỹ, Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản;

- Phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ và đàm phán về một quan hệ “đối tác toàn diện” rõ rệt hơn.

- Tham gia vào thỏa thuận thương mại quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu (TPP), với các đòi hỏi phải cải cách kinh tế và khởi sự đóng cửa các khu vực kinh tế nặng kiểm soát của Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước;

- Phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với Nhật Bản. Có thể không công khai tuyên bố ủng hộ việc tái diễn giải Điều IX của thủ tướng Shinzo Abe, nhưng lặng lẽ khuyến khích một tư thế ngoại giao và an ninh chủ động hơn trong khu vực.

- Chấp nhận việc kinh tế suy thoái do việc đầu tư thương mại ít hơn với Trung Quốc, với tin tưởng rằng điều này sẽ ép buộc Việt Nam phải đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế của mình và châm dứt mối nguy của các quan hệ kinh tế lệ thuộc ở mức độ cao vào Trung Quốc. Các thành viên khác của nhóm này bao gồm người ủng hộ cải cách Lê Thanh Hải (Bí thư thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh), phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phó Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thị Kim Ngân và Tòng Thị Phóng.

Chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào Trung Quốc

Nhóm còn lại do Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu ít sẵn sàng với việc khiêu khích hoặc làm bất cứ điều gì để gây căng thẳng hơn nữa với Bắc kinh. Họ không đưa ra một chiến lược thực tế nào nhưng chỉ lập luận rằng việc xoa dịu căng thẳng với Bắc Kinh sẽ phục vụ cho lợi ích quốc gia trong dài hạn. Họ lập luận rõ ràng rằng Việt Nam không đủ khả năng để đương đầu một cuộc xung đột với Trung Quốc và nhấn mạnh đến mối quan hệ gần gũi về tư tưởng và lịch sử với Bắc Kinh. Họ bác bỏ việc nộp báo cáo lên cơ quan trọng tài quốc tế và nghi ngờ ý định cùng cách giải quyết của Hoa Kỳ. Điểm mấu chốt trong lập luận của họ là một niềm tin ngây thơ rằng Trung Quốc sẽ thỏa hiệp và nhượng bộ trong tương lai.

Chiến dịch làm giảm căng thẳng được sự tham gia của Huy Rứa, Ủy viên Ban Bí thư, Lê Hồng Anh (thường trực ban bí thư), Ngô Văn Dụ (Chủ tịch Ủy ban Kiểm Tra Trung ương), Đinh thế Huynh (Ủy ban Tuyên giáo) Phạm Quang Nghị (Bí thư TP. Hà Nội), Nguyễn Thiện Nhân (Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Trần Đại Quang bộ trưởng bộ Công an, có lẽ vì sợ hãi sự bất mãn của đại chúng và các cuộc biểu tình tiếp tục sẽ khiến gây căng thẳng thêm cho cuộc xung đột.

Hai cầu thủ nặng cân có thể làm nên một sự khác biệt. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có khả năng ủng hộ phe đa số. Ông là một trong những người ủng hộ cải cách kinh tế hơn cả nhưng lại rất thận trọng với cuộc xung đột. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, người quân nhân cao cấp nhất từng ủng hộ sự cần thiết phải theo đuổi một vụ kiện với Trung Quốc nhưng lại thận trọng về sự phụ thuộc vào phương Tây. Nhận thức được các lựa chọn giới hạn của Việt Nam, Thanh tham gia phe đa số và ủng hộ sự thỏa hiệp.

Dù việc biểu quyết ra sao, kết quả có vẻ rõ ràng: Bộ Chính trị đã thông qua một chính sách để giảm leo thang căng thẳng. Vào đầu tháng Sáu, quyết định khởi kiện lên trọng tài quốc tế, dường như đã được thực hiện với ủng hộ của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, và Chủ tịch Quốc hội. Ngày hôm nay, quyết định đó có vẻ đã bị hoãn lại, chỉ được nhắc đến như một giả thuyết bởi nhân viên Bộ Ngoại giao cấp trung. Các nhà lãnh đạo cấp cao cực kỳ cảnh giác với cơn giận của Bắc Kinh nếu nộp đơn kiện tương tự như Philippines. Hà Nội đã có nộp một đơn khiếu nại với Liên Hợp Quốc nhưng việc khởi kiện chắc sẽ không xảy ra trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Ngoại giao Minh hủy bỏ một chuyến đi từng dự định theo lời mời của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại cao điểm cuộc căng thẳng về giàn khoan dầu. Một phái viên tổng thống Mỹ đã phải đến Hà Nội gặp Minh trong một cuộc gặp thấp hơn nhiều so với cuộc viếng thăm chính thức tới Washington. Được giáo dục ở phương Tây, Minh bị Bắc Kinh xem như một nhân vật thân phương Tây. Ông còn được biết đến là người có quan hệ lâu dài với Kerry. Minh cũng là con trai của Nguyễn Cơ Thạch, người kiến trúc sư mở cửa Việt Nam vào thế giới phương Tây, nhân vật từng bị các nhà lãnh đạo thân Trung Quốc cho ra chầu rìa sau sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu.

Hà Nội lặng lẽ công bố chuyến đi thăm Hoa Kỳ của Phạm Quang Nghị thay cho Minh. Dù cũng là một uỷ viên Bộ Chính trị, nhưng chức vụ chính thức của Nghị chỉ đơn giản là bí thư đảng tại Hà Nội, vì vậy trong các nguyên tắc ngoại giao, tính chất chuyến thăm của ông là rất thấp. Nghị có một công việc quan trọng phải thực hiện, đó là xác định mức độ cam kết của Washington trong việc đóng một vai trò giữa cuộc xung đột tiềm năng với Trung Quốc ở Biển Đông.

Hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong nội bộ 10 thành viên ASEAN dường như đã bị thuần hóa với việc xuống thang, giảm căng thẳng. Các kêu gọi về luật ứng xử trước đó của Hà Nội gần đây đã chuyển vào sau hậu trường. Nói tóm lại, Việt Nam như đã rút lui khỏi chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc trước đây. Thật vậy, cuộc khủng hoảng giàn khoan cho thấy đa số Bộ Chính trị không sẵn sàng đứng lên chống lại Trung Quốc, mặc dù câu chuyện lịch sử của đất nước được xây dựng bằng các cuộc chiến đấu và đẩy lùi sự xâm lược của Trung Quốc.

Có bốn nguyên nhân được cho chính yếu:

1. Cái giá phải trả về kinh tế cho cuộc đối đầu tiếp tục là quá lớn. Mặc dù Việt Nam đang cố gắng đa dạng hóa xuất khẩu của mình, Trung Quốc vẫn là cầu thủ nước ngoài quan trọng nhất trong kinh tế và đóng vai trò là đối tác thưong mại lớn nhất, chiếm gần 50 tỷ USD thương mại song phương vào năm 2013. Số tiền đó tăng dần theo mỗi năm khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Khoảng 10% hàng xuất khẩu của Việt Nam, với chủ yếu thực phẩm và tài nguyên thiên nhiên, là sang Trung Quốc. Trung Quốc đơn giản là quá quan trọng đối với kinh tế Việt Nam vào thời điểm Ngân hàng Thế giới cho biết rằng đất nước đang có biểu hiện kém, dưới tiềm năng của mình.

2. Việt Nam biết Trung Quốc sẽ không lùi bước trong tranh chấp Biển Đông nhưng các chi phí của việc gia tăng căng thẳng và xung đột vũ trang chỉ đơn giản là quá cao. Dù với quy mô giới hạn đến đâu, Việt Nam vẫn thua trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào trên biển. Và điều đó sẽ vừa là tổn thất vừa là một sự sỉ nhục đối với giới lãnh đạo Đảng Cộng sản của nước này.

3. Có một niềm hy vọng trong một số người rằng bằng cách nhượng bộ trên quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ đáp trả lại trong quần đảo Trường Sa. Nhưng đấy chỉ là một hy vọng điên rồ. Cụ thể là, người Việt Nam đã nhượng bộ đáng kể về phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền của mình với hy vọng rằng Trung Quốc sẽ hòa giải trong đàm phán về Vịnh Bắc Bộ, nhưng tất cả đã không hề xảy ra. Thay vì thế, Trung Quốc còn gia tăng hiện diện tại quần đảo Trường Sa, nạo vét ở năm đảo san hô riêng biệt để tạo nên các hòn đảo nhân tạo.

4. Cả ủy viên quốc vụ Dương Khiết Trì và tổng bí thư Trọng đều đã nói về tầm quan trọng của việc hai bên phải duy trì quan hệ thân thiện giữa hai đảng và nhà nước. Đối với Trọng, trò chơi quan hệ hòa bình lâu dài với người hàng xóm khổng lồ là quan trọng hơn các tài nguyên dầu khí được cho là hiện diện ở Biển Đông.

Nguy cơ của sự nhượng bộ

Quyết định lùi bước của Hà Nội có ý nghĩa hết sức nghiêm trọng. Việt Nam rõ ràng đã nhượng bộ Trung Quốc, một hành động hiển nhiên sẽ dẫn đến sự gây hấn hơn nữa. Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục thăm dò và dụ dỗ những nhượng bộ ít nhiều trên thềm lục địa của Việt Nam, tạo nên các “sự đã rồi” để củng cố học thuyết đường chín đoạn và hoàn tất chiến lược bản đồ giả tạo của họ trên vành đai phía đông.

Những người chủ trương hòa giải thân Trung Quốc có thể tranh cãi rằng chính sách ngoại giao rút lui lặng lẽ của họ có hiệu quả, như đã thuyết phục Trung Quốc để giảm bớt căng thẳng vì lợi ích của sự ổn định trong khu vực. Nhưng Trung Quốc đã di dời dàn khoan bởi vì chúng đã đạt được mục đích của mình, cụ thể là:

- Họ đã tìm thấy một số tài nguyên dầu khí, rõ ràng đủ để biện minh cho việc trở lại khu vực này sau một thời gian;

- Họ đã chứng minh rằng họ có thể hành động, không bị trừng phạt và không ai có thể ngăn chặn được mình.

- Họ có thể bắt nạt người Việt Nam không được tham gia với Philippine trong việc tìm kiếm trọng tài quốc tế;

- Họ gieo hạt giống nghi ngờ trong khu vực về độ tin cậy vào Hoa Kỳ như như một đồng minh;

- Họ có thể rút dàn khoan ra để giữ thể diện vì sự xuất hiện sớm của các cơn bão lớn;

Khối ASEAN vẫn chia rẽ, không gần gũi hơn để thu hút Bắc Kinh phải ký một thoả thuận ràng buộc về quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Với việc một mùa mưa bão đến sớm và các cuộc đối đầu dự kiến sẽ diễn ra tại Diễn đàn Khu vực ASEAN trong tháng tám, thời gian điểm là chín mùi để Trung Quố rút dàn khoan ra sớm. Tuy nhiên, một phân tích như vậy sẽ mang lại mối đe dọa cho chính bản thân chế độ. Hầu hết người Việt có thể không biết được quyết định làm giảm căng thẳng của giới lãnh đạo. Họ có thể tìm các cuộc va chạm gần như xảy ra hàng ngày giữa các hạm đội bảo vệ bờ biển nhỏ của mình bị đánh đập tả tơi như là bằng chứng cho việc chính phủ vẫn tiếp tục chống lại Trung Quốc. Tuy nhiên, mối đe dọa thực sự của việc không dám đối đầu với Trung Quốc chính là mối đe dọa đến tính hợp pháp của chế độ. Ý thức hệ cộng sản thì trống rỗng và chính phủ phải đáp ứng được khát vọng ái quốc của người dân.

Nếu công chúng tin rằng lãnh đạo của mình đã đầu hàng, tính hợp pháp của chế độ sẽ bị xói mòn nặng nề và nguy hiểm vào thời điểm kinh tế đang tăng trưởng chậm. Đó là khi các cuộc biểu tình thực sự trên đường phố nhắm vào cả Trung Quốc và chính phủ Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo có thể nổ ra.

Quan trọng hơn, quyết định có khả năng gây nên những rạn nứt sâu hơn trong các lãnh đạo đảng, vốn có thể có những tác động kinh tế rộng rãi. Chiến dịch thân Trung Quốc sẽ tập trung vào các phụ thuộc lẫn nhau của hai nền kinh tế, ngay cả khi Hà Nội đang vận hành dựa trên mức thâm hụt thương mại 20 tỉ với Trung Quốc và chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu thô, gạo thay vì sản xuất hàng hóa. Việt Nam có thể trở thành một trạm lớn trong chuỗi cung ứng phía nam của Trung Quốc nhưng mối quan hệ thương mại thì rất l không đồng đều.

Quyết định thỏa hiệp thay vì đối đầu với Trung Quốc cũng là một thất bại của các cải cách kinh tế trong nước. Những người ủng hộ thỏa hiệp với Trung Quốc vẫn còn thấy một vai trò hàng đầu của khu vực nhà nước trong nền kinh tế mặc dù khu vực này rõ ràng là không hiệu quả. Họ tin rằng những cải cách và các nhượng bộ do yêu cầu của Mỹ để được vào TPP là quá lớn và sẽ đe dọa đến việc kiểm soát cứng rắn nền kinh tế của chế độ hiện nay.

Phe cải cách xem TPP là chìa khóa để đa dạng hóa kinh tế thoát khỏi Trung Quốc và đại tu các khu vực nhà nước. Trong tháng ba, Thủ tướng Dũng đã chỉ thị các Bộ phải gia tăng tốc độ tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ “cổ phần hóa” 74 doanh nghiệp nhà nước vào năm 2013, gấp ba lần con số của năm 2011 và 2012. Trong đầu năm 2014 chính phủ công bố bán cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước chủ chốt, bao gồm Vinashin, Việt Nam Airlines, và một số cảng biển.

Làm cho các công ty này trở nên có hiệu quả kinh tế là ưu tiên hàng đầu của chính phủ khi các doanh nghiệp nhà nước sử dụng khoảng 50% đầu tư công, chiếm 60% các khoản vay của ngân hàng và chịu trách hiệm cho hơn một nửa nợ xấu của cả nước.

Cửa sổ cơ hội để Việt Nam nhập cảnh được vào TPP đang đóng cửa một cách nhanh chóng.

Còn một mối lo là hiện chỉ còn một hay hai cuộc họp Ủy ban Trung ương, nơi các cải cách thực sự có thể xẳy ra trước khi các phần còn lại của phiên họp toàn thể vốn sẽ bị chi phối bởi lịch trình cho đại hội đảng tiếp theo và sẽ được tổ chức trong quý đầu tiên của năm 2016.

Thay đổi đó khiến Trung Quốc được hưởng lợi và ngăn trở các nhà cải cách đang rất muốn giải quyết thách thức của Bắc Kinh bằng việc hiệu chuẩn lại các chiến lược về quan hệ và kinh tế của đất nước.

Nguồn: FB Lê Quốc Tuấn
Bản tiếng Anh: Asia Times


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tuyên bố báo chí về chuyến thăm Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về tự do tôn giáo hay tín ngưỡng

United Nation Human Rights

Heiner Bielefeldt

Nguồn: StatementVietnameseVersion31July2014
Quý vị có thể đọc văn bản tại đây

 














Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ma túy ở vùng Bản Thang và Bản Giốc (Cao Bằng)

Bài báo ở dưới đây chỉ nói đến hai xã Minh Long và Lý Quốc thuộc huyện Hạ Lang. Kèm theo là những địa danh như Bằng Ca, Bản Thang, Đa Trên, Đa Dưới. Đó là tên các bản tự nhiên.




Bản Thang (huyện Hạ Lang) thì rất gần với Bản Giốc (huyện Trùng Khánh), như làng trên với làng dưới, dù là hai huyện khác nhau, mà đúng ra là chỗ giáp ranh của hai huyện. Thật ra là ba huyện nếu nhìn từ góc độ huyện vùng biên: Hạ Lang và Trùng Khánh của Việt Nam, và Tĩnh Tây của Trung Quốc.

Dân chúng hai bên đi sang nhau, tới và về, tương đối tự do. Họ đã quen mặt với toàn bộ các đồn biên phòng.

Nguyên chúBản đồ xã Đàm Thủy do Ủy ban Biên giới Quốc gia công bố

Ở Bản Giốc, những năm gần đây, chúng tôi cũng đã nghe tới những vấn đề liên quan xa gần đến ma túy.

Từ đây, trở xuống là bài trên Tin tức.


---




Thứ Năm, 31/07/2014 08:44
http://baotintuc.vn/dan-toc/nong-bong-nan-ma-tuy-o-lang-ban-vung-bien-20140731084207708.htm

Nằm tiếp giáp bên đường biên giới, các xã Minh Long, Lý Quốc thuộc huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng đã trở thành điểm nóng trung chuyển ma túy qua biên giới của các đối tượng mua bán vận chuyển. Cũng từ đó mà tệ nạn nghiện ma túy của các bản làng vùng biên này ngày càng bùng phát mạnh, kéo theo đó là sự nghèo đói, gia đình tan vỡ. 

Theo thống kê mới nhất của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hạ Lang, hiện tại có 60 người nghiện ma túy, 223 đối tượng nghi sử dụng chất ma túy trái phép, 41 đối tượng đã qua cai nghiện hiện nghi tái nghiện, tập trung chủ yếu ở các xã ven biên giới như Minh Long, Lý Quốc, Thái Đức, Quang Long. Trong đó có một số người hiện làm việc trong cơ quan Nhà nước. 

Cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, chúng tôi đến xã Minh Long, được coi là điểm nóng về vận chuyển mua bán trái phép chất ma túy trong thời gian gần đây. Trưởng công an xã, ông Nông Tiến Lập cho biết, Minh Long có 10 thôn bản thì có đến 7, 8 thôn có người nghiện ma túy, điều đáng buồn là đối tượng nghiện lại toàn là thanh niên, trình độ học vấn thấp, không có việc làm, lười lao động nhưng lại đua đòi nên bị lôi kéo tham gia vào vận chuyển, chích hút. Ma túy đang giết dần thanh niên các bản làng vùng biên này. 

Cũng từ tệ nạn nghiện hút mà các xóm Đa Trên, Đa Dưới, Bản Thang có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất xã, thường hay xảy ra trộm cắp và những mái ấm gia đình đổ vỡ đau thương cũng từ việc đi theo “nàng tiên nâu”. Điển hình như gia đình ông Nông Văn Ái, bị lôi kéo dẫn đến nghiện ngập, chích hút, ông Ái đã không hay biết mình bị lây nhiễm căn bệnh HIV từ những người bạn nghiện khi nào, khi vợ ông mất đi vì chính mình truyền nhiễm sang cho vợ thì ông mới hiểu ra. Nay vợ chồng ông Ái đã mất vì ma túy, vì HIV, bỏ lại cậu con trai quý tử giờ cũng đang sống lay lắt vì nghiện ngập. 

Hoặc như trường hợp anh Nông Văn Tả, trước đây anh Tả lái xe, biết sửa chữa ô tô kiếm nhiều tiền, nhưng cũng vì một phút yếu lòng nghe theo những lời rủ rê của bạn bè nên sa ngã vào con đường nghiện ngập, nay gia đình cũng tan nát, vợ con lánh xa. Sống đơn thân, không có tiền tiêu xài mua thuốc, Nông Văn Tả đã đi ăn trộm của họ hàng. 

Xã Minh Long có 10 thôn bản đồng bào dân tộc Tày, Nùng sinh sống, xóm làng nằm chạy dọc bám quanh đường biên giới với Trung Quốc, là điểm nóng trên tuyến vận chuyển mua bán mua túy của tội phạm. Do vậy, hầu như thôn bản nào cũng có người nghiện, tỉ lệ người mắc nghiện cao nhất là các xóm: Đa Trên có 42 nhà, đã có 7 nhà có người nghiện, Bản Thang có 56 hộ, có tới 10 hộ có người nghiện, Đa Dưới cũng tới 5- 6 hộ có người nghiện và hàng chục người nghi nghiện. Tỉ lệ hộ nghèo của xã còn trên 41%, chủ yếu nằm ở các xóm có nhiều người nghiện. 

Người dân ở Minh Long cho biết, họ rất lo ngại khi phải đi ngoài đường vào buổi tối vì sợ bị người nghiện cướp, hoặc con nghiện đến nhà trộm và mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng tổ chức rà soát, đưa các đối tượng nghiện đi cai để xóm làng bình yên, con cháu họ không còn bị dụ dỗ lôi kéo. 

Cũng như xã Minh Long, xã Lý Quốc từ lâu cũng đã trở thành điểm nóng về tệ nạn nghiện ma túy ở vùng biên. Thống kê sơ bộ đã phát hiện 7 người nghiện cùng 34 trường hợp nghi nghiện, tập trung chủ yếu ở xóm Bằng Ca, Bản Sao và Bang Dưới. Có những gia đình cả hai bố con đều nghiện như gia đình anh Triệu Văn Thảo ở xóm Bằng Ca, cai nghiện về nhưng lười lao động, ham chơi, lại tham gia hút nên tái nghiện. Nay lại thêm cậu con trai lao vào con đường nghiện ngập. Hoặc có gia đình hai anh em đang thụ án về tội vận chuyển và mua bán trái phép ma túy. 

Ông Nông Văn Thàng, Bí thư Đảng ủy xã Lý Quốc cho biết, mới vài năm trở lại đây tỉ lệ người nghiện, nghi nghiện, mua bán vận chuyển trái phép chất ma túy trên địa bàn tăng lên nhanh chóng. Người nghiện tập trung ở lứa tuổi 18-40 khá nhiều, trình độ học vấn thấp, lao động nông nghiệp là chủ yếu nhưng lại lười lao động, ham chơi nên dễ bị các đối tượng xấu lôi kéo. Bên cạnh đó, các làng bản của các xã ở vùng biên đều nằm sát biên giới, nhiều đường mòn lối mở trở thành điểm nóng về trung chuyển ma túy nên nhiều người tham gia lao động bốc vác qua biên trở thành người vận chuyển, tham gia hút hít theo nghiện khi nào không hay. 

Từ năm 2013 đến nay, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn đã bắt 5 vụ vận chuyển ma túy lớn trên địa bàn, thu giữ hơn 10 bánh heroin, 1,2 kg ma túy đá của 9 đối tượng. Hằng năm các cơ quan chức năng địa phương đã tổ chức cho hàng chục đối tượng đi cai nghiện, tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo nhân dân, thế nhưng nạn nghiện ma túy, tham gia mua bán vận chuyển ma túy trên địa bàn dường như vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống, mà vẫn âm ỉ bùng phát gây mất trật tự an ninh địa phương. 

Nằm bên cạnh đường biên mốc giới, có cửa khẩu Lý Vạn là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội, vài năm trở lại đây các xã vùng biên như Lý Quốc, Minh Long,… đã xuất hiện nhiều nhà cao tầng, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. 

Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều thách thức như tệ nạn buôn bán ma túy, nạn nghiện hút cũng đang đe dọa, làm thụt lùi sự phát triển của các làng bản, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của nhân dân cùng các cơ quan chức năng dẹp bỏ tội phạm, nạn nghiện hút ma túy, để các làng bản vùng biên sống trong yên bình, yên tâm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.


QT


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền:Tôi lao động đến thối cả móng tay


Một Thế Giới - Những ngày gần đây, dư luận đang xôn xao trước các thông tin được đăng trên một số tờ báo về khối bất động sản được cho là của nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền. Để rộng đường dư luận, PV đã tìm cách liên hệ với ông Truyền và có cuộc trao đổi xoay quanh những thông tin này.

Ngày 26.2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM qua điện thoại, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nói: “Tôi sẵn sàng cung cấp các thông tin và minh định về tài sản của mình với cơ quan chức năng Trung ương, nếu các cơ quan này có nhu cầu xác minh, làm rõ…”.

Về ngôi dinh thự, nhà gỗ đặc biệt...

Nói về ngôi dinh thự tại ấp 3, xã Sơn Đông, TP Bến Tre, ông Truyền thừa nhận đây là nhà của mình nhưng xây cất trên diện tích đất của người con trai. Ông Truyền cho hay con trai ông đã bỏ tiền ra mua phần đất này từ trước đó.

“Đất này vốn là ruộng phèn, trũng thấp, con trai tôi mua lại của nhiều hộ dân kề cận mới có được tổng diện hơn 16.000 m2 vuông chứ không phải như một số tờ báo nêu trên 30.000 m2” - ông Truyền minh định.

Theo lời ông Truyền, sau khi nghỉ hưu, ông về khu đất này, thuê người đào mương, lên liếp lập vườn… và quyết định dựng một ngôi nhà để cả gia đình cùng cư ngụ.

Ông Truyền kể lại: “Ban đầu tôi cùng con trai lên Tây Ninh tìm mua lại một căn nhà gỗ xưa cũ mang về dựng lên, dự định để làm nơi làm chỗ nghỉ ngơi, uống trà. Có lần cô em gái ở TP.HCM quen thân từ khi tôi còn công tác ở Bến Tre xuống chơi, tỏ ý không hài lòng vì mấy cây cột cũ. Cô này nói có mua cái nhà gỗ định làm nhà vườn và nếu cần thì đem xuống dựng cho tôi (đây được cho là căn nhà có gỗ thuộc nhóm đặc biệt - NV). Còn về căn biệt thự này là do thấy tôi đang tính làm nhà, những người quen ở Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM động viên và giúp cho bản vẽ thiết kế một ngôi nhà có kiến trúc hơi xưa nhưng cách tân một xíu nên nhìn nó rất là sang chứ giá trị không lớn, đồ vật trong nhà cũng bình thường. Thực sự là tôi không lường hết được nó lại lớn như thế vì anh em thiết kế rồi tổ chức thi công luôn”.

Ông Truyền khẳng định tiền xây dựng nên ngôi nhà này, một phần là tiền của tích cóp của gia đình ông bấy lâu nay, một phần từ sự giúp đỡ của nhiều người bạn cho đá, cho gạch… Trong đó có một cô em nuôi ở quận 9, TP.HCM, có hỗ trợ tiền bạc khi thiếu hụt.

Lý giải về sự nhiệt tình giúp đỡ này, ông Truyền cho biết trước đây mẹ nuôi của ông ở quận 9 có làm giấy cho mỗi người một lô đất cất nhà để ở nhưng không cho bán (cái này có di chúc đàng hoàng). Cô em này cũng góp vốn giúp ông cất nhà.

“Giờ tôi xây nhà ở đây, cô em gái nuôi mở lời giúp. Sau này, nếu tôi muốn ở căn nhà ở quận 9 (TP.HCM) thì sẽ trả lại phần tiền đã mượn. Còn nếu tôi không có nhu cầu ở thì giao cho cô ấy, bù lại cô em nuôi chi tiền nong để giúp tôi xây nhà ở Bến Tre” - ông Truyền cho biết.

Về thông tin bốn căn nhà gỗ được cho là dựng lên từ loại gỗ thuộc nhóm đặc biệt (không cần dùng đinh sắt nào) bên trong khuôn viên dinh thự này, ông Truyền cho hay đúng là có thêm một số gian nhà cổ thiết kế bằng gỗ xưa trong khuôn viên ngôi nhà này. Trong đó có gian nhà cổ đang dùng để làm nơi thờ tự khang trang, do cô em gái thân quen mua ở Quảng Nam và thuê thợ từ ngoài đó về dựng lại.

“Gian nhà gỗ này được kết cấu bằng nhiều mộng, dân xứ mình không quen dựng nhà kiểu này vì thế phải thuê thợ từ ngoài đó vào chứ có phải thuê thợ đặc biệt gì ở đâu tới ráp đâu. Và cũng vì nó được kết cấu bằng nhiều mộng nên mới thấy nó dính lại mà không cần cây đinh sắt gì thôi” - ông Truyền lý giải.

Thông tin trên một số báo nêu “có tới bốn căn nhà cổ lợp ngói đỏ”, phía ông Truyền cho hay ngoài gian nhà gỗ trên, nếu tính hết các căn nhà do ông tận dụng gỗ vụn ghép lại thì tới sáu cái chứ không phải bốn, vì tính cả nhà rông dành để tiếp khách, uống trà, nhà bếp, nhà vệ sinh,…

Về chiếc giường ngủ của vợ chồng ông được cho là có giá trị hàng tỉ đồng, ông Truyền khẳng định: “Không có chuyện chiếc giường ngủ của vợ chồng tôi trị giá hàng tỉ đồng như bài báo chí đã nêu. Tất cả giường tủ, bàn ghế để nơi thờ tự, trong nhà là do tôi mua sắm từ trước đó, cụ thể là mua ở đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM. Họ làm theo lối giả cổ chứ không phải là đồ cổ thật sự đâu mà đắt giá”.

“Không có quá nhiều nhà ở, căn hộ như báo nêu”

Riêng những thông tin hiện ông đang sở hữu rất nhiều ngôi nhà, căn hộ ở TP.HCM và Bến Tre, cụ thể như nhà ở khu đô thị “năm sao” Phú Mỹ Hưng, quận 5, phường Thảo Điền (quận 2, TP.HCM) cùng hai ngôi nhà mặt tiền ở phường 6 và trung tâm phường 1, TP Bến Tre, sự thật ra sao?

+ Ở TP Bến Tre, đúng là tôi có căn nhà tại phường 1, tôi mua theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước và đã sửa lại từ nhà cấp 4 để sử dụng, trước khi tôi về Trung ương công tác. Còn căn nhà đối diện chùa Bạch Vân (phường 6, TP Bến Tre), tôi đã trả lại Nhà nước từ rất lâu rồi. Tôi khẳng định bản thân tôi và những người thân không có những ngôi nhà, căn hộ ở các địa chỉ ở TP.HCM mà báo chí nêu ra, trừ mỗi căn nhà ở quận 9, tôi và đứa em gái nuôi góp vốn xây dựng lên trên đất của người mẹ nuôi cho tôi mà tôi nói trên đây.

Vậy trước dư luận không tốt về ông như đã loan tin trên phương tiện truyền thông, ông có đề nghị báo chí cải chính, hay nhờ cơ quan pháp luật can thiệp để bảo vệ danh dự cho mình?

+ Tôi là cán bộ diện Trung ương quản lý, nếu cần xác minh làm rõ, các cơ quan chức năng Trung ương vào cuộc, tôi sẽ cung cấp tất cả thông tin liên quan. Riêng với báo chí, tôi cũng đã trả lời rồi chứ không im hơi lặng tiếng. Còn những ngày qua tôi im lặng là vì không muốn chuyện riêng của mình làm rùm beng, thành vấn đề thời sự khiến mọi người bàn ra tán vào nên thôi không ý kiến gì thêm nữa.

Về phía cơ quan báo chí đã đăng tải thông tin, nếu báo nói có cơ sở thì hãy chỉ ra đây, còn nếu đã thấy đưa tin không chính xác thì cần nên cải chính để không làm tổn hại uy tín danh dự của người khác.

Theo quy định cán bộ đảng viên phải kê khai tài sản cá nhân, là một quan chức cấp cao, việc này lại cần phải gương mẫu, ông có kê khai trung thực?

+ Tôi có kê khai chứ. Riêng ngôi nhà ở Sơn Đông, đây là nhà của con tôi xây cất cho tôi, ai cũng biết. Nhưng vì mới hoàn thành nên phải chờ làm thủ tục cấp chủ quyền. Lúc đó căn nhà này đường nhiên sẽ được kê khai. Tôi giờ về hưu không thuộc diện phải kê khai nữa nhưng con tôi phải kê khai chứ.

Theo TÂM PHÚC (báo Pháp Luật TP.HCM)
***
Tỉnh ủy Bến Tre sẽ báo cáo cấp trên

Trước dư luận và thông tin báo chí liên quan đến ông Truyền, Tỉnh ủy Bến Tre cũng đã nắm cụ thể về tài sản ở Bến Tre của ông. Ngoài ngôi nhà tại phường 1 ông Truyền mua theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước, ông còn một căn nhà mới xây dựng kiên cố và khu đất vườn tọa lạc cùng một địa chỉ: xã Sơn Đông, TP Bến Tre. Riêng các tài sản khác báo chí “đặt vấn đề” ông Truyền đang sở hữu tại TP.HCM, chúng tôi chưa có cơ sở kiểm chứng. Tuy ông Truyền hiện là đảng viên về hưu, sinh hoạt tại tỉnh Bến Tre nhưng ông thuộc diện Trung ương quản lý. Nếu Trung ương có yêu cầu, chúng tôi sẽ phối hợp để xác minh. Cũng có thể để giải tỏa dư luận không tốt liên quan đến cán bộ đảng viên, Tỉnh ủy Bến Tre sẽ báo cáo, xin ý kiến cấp thẩm quyền ở Trung ương về vấn đề này.

Ông NGUYỄN QUỐC BẢO, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre
***
“Một mình không làm nổi”

Trả lời câu hỏi: "Nhiều tin đồn rằng nhà của ông lớn đến nỗi phải xây dựng đúng ba năm mới hoàn thành?", ông Truyền nói: “Làm gì có, tôi khởi công làm nhà tháng Giêng năm ngoái, đúng một năm, tháng Giêng năm nay thì xong”. Và ông cũng không giấu giếm sự thành hình của ngôi biệt thự này có sự giúp góp vật chất của nhiều người, toàn là những người thân quen chứ một mình ông thì không thể nào làm xuể. Còn vườn tược thì cũng trồng các loại cây ăn trái bình thường như dừa, chuối, bưởi… “Khi đã nghỉ hưu, tôi cũng về làm vườn, lao động đến thối cả móng tay, cực nhọc lắm chứ đâu bở” - ông nói.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tòa tháp cao thứ hai Việt Nam sắp khánh thành

Cao ốc Lotte Center Hà Nội (267 mét), sừng sững ven trung tâm thủ đô đang thi công ở giai đoạn cuối. Đây là tòa tháp cao thứ hai Việt Nam, chỉ sau Keangnam Landmark Tower.

Tòa tháp cao thứ hai Việt Nam trước dịp khánh thành
Sau 5 năm thi công và hoàn thiện (từ ngày 22/10/2009, cất nóc vào tháng 7/2013), tòa tháp Lotte Center Hà Nội đang chuẩn bị cho ngày khánh thành vào dịp 2/9.
Tòa tháp cao thứ hai Việt Nam trước dịp khánh thành
Với 65 tầng, 267m, Lotte Center Hà Nội sẽ vượt Bitexco Financial Tower (Sài Gòn) để chiếm vị trí cao thứ nhì Việt Nam, sau tòa tháp Hanoi Landmark Tower (Keangnam - 336m).
Tòa tháp cao thứ hai Việt Nam trước dịp khánh thành
Cao ốc này được xây dựng trên khu đất 14.094m2, tổng diện tích mặt sàn 253.134m2, nằm ngay góc ngã tư Liễu Giai - Đào Tấn, đối diện khách sạn Daewoo Hà Nội.
Tòa tháp cao thứ hai Việt Nam trước dịp khánh thành
Tổng số vốn của dự án lên đến hơn 400 triệu USD, từ chủ đầu tư là Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc). Nhà thầu xây dựng chính của dự án là công ty Lotte E&C thuộc Tập đoàn Lotte cùng các nhà thầu uy tín tại Việt Nam.
Tòa tháp cao thứ hai Việt Nam trước dịp khánh thành
Phần thiết kế do công ty kiến trúc Callison có trụ sở tại Mỹ đảm nhiệm. Cao ốc bao gồm một tòa tháp và khối chân đế; riêng phần chân đế do công ty Benoy có trụ sở tại Anh phụ trách. Công trình này lần đầu tiên áp dụng một số kỹ thuật xây dựng tiên tiến tại Việt Nam như sử dụng bê tông cường độ nén cao để giảm thiểu kích thước kết cấu và bê tông nhiệt thấp để giảm lượng thải CO2, để trở thành một tòa nhà thân thiện với môi trường.
Tòa tháp cao thứ hai Việt Nam trước dịp khánh thành
Lotte Center cung cấp đầy đủ các dịch vụ văn phòng, khách sạn 5 sao, căn hộ dịch vụ, trung tâm mua sắm, siêu thị, đài quan sát... Ngoài ra, tòa tháp còn có khu giải trí chuyên biệt gồm trung tâm thể dục thể thao, sân golf bao lưới, bể bơi, spa...
Tòa tháp cao thứ hai Việt Nam trước dịp khánh thành
Tòa nhà phân bổ khu văn phòng từ tầng 8 đến 31, khu căn hộ dịch vụ từ tầng 33 đến 64 tại tháp phía Tây, khách sạn 5 sao từ tầng 33 đến 64 tháp phía Đông, trung tâm thương mại từ tầng 1 đến tầng 6, đại siêu thị nằm ở tầng hầm 1. Đài quan sát nằm trên tầng cao nhất (tầng 65).
Tòa tháp cao thứ hai Việt Nam trước dịp khánh thành
Khi nhìn bề ngoài Lotte Center Hà Nội là một tòa tháp, nhưng thực chất, bên trong lại là hai. Ý tưởng lấy cảm hứng từ tà áo dài truyền thống của phụ nữ Việt Nam với đường nét mềm mại.
Tòa tháp cao thứ hai Việt Nam trước dịp khánh thành
Hàng nghìn công nhân đang làm việc ngày đêm để hoàn thành các hạng mục cuối cùng.
Tòa tháp cao thứ hai Việt Nam trước dịp khánh thành
Cao ốc 65 tầng trở thành tòa nhà chọc trời nằm giữa nội đô Hà Nội, được kỳ vọng sẽ là biểu tượng mới của kinh tế Hà Nội.
Tòa tháp cao thứ hai Việt Nam trước dịp khánh thành
Ngoài đài quan sát, cao ốc này còn có công trình Sky Walk tại tầng 65 cùng với nhà hàng ngoài trời cao nhất Việt Nam "Top of Hà Nội".
Tòa tháp cao thứ hai Việt Nam trước dịp khánh thành
Lotte Center Hà Nội đã trở thành điểm nhấn nổi bật toàn cảnh thành phố khi quan sát từ phía hồ Tây.

Ảnh: Viết Mạnh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trông cậy vào ai bây giờ ?


Con bị cha đốt, mẹ bị thẩm phán gạ tìnhChị Lê Thị Hà người mẹ khốn khổ trong vụ án "cha tẩm xăng đốt con" gây phẫn nộ dư luận mới đây vừa tiết lộ thêm một tình tiết bất ngờ. Theo chị, vị thẩm phán thụ lý đơn xin ly hôn với người chồng vô nhân tính đã gạ tình, vòi tiền nên việc xin ly hôn của chị bị trì hoãn.

Theo xác minh của PV báo Nguoiduatin.vn, không chỉ chị Hà mà có ít nhất 3 người phụ nữ nữa cũng tố cáo vị thẩm phán này từng gạ tình, vòi tiền khi họ đến tòa xin ly hôn.
Con bị cha đốt, mẹ bị thẩm phán gạ tình - Ảnh 1
Chị Lê Thị Hà, mẹ của bé Vũ Quốc Linh bị cha tẩm xăng đốt
Vừa gạ tình, vừa vòi tiền?
Do mâu thuẫn gia đình, chị Lê Thị Hà (Nông Cống - Thanh Hóa) gửi đơn lên tòa án xin ly hôn. Không đồng ý với quyết định của vợ, anh Vũ Văn Quang (31 tuổi) dội can xăng 2 lít vào con trai, châm lửa ngay trớc cửa nhà mẹ vợ. Theo đó, năm 2006, chị Lê Thị Hà kết hôn với anh Vũ Văn Quang (31 tuổi - xã Tế Thắng - Nông Cống - Thanh Hóa), sau đó chị sinh bé Vũ Quốc Linh. Ở với nhau mới được một thời gian ngắn, đôi vợ chồng trẻ thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Hơn một năm trước, chị Hà đã làm đơn ly thân và bỏ nhà lên thành phố đi làm.
Cảm thấy không thể cứu vãn được cuộc hôn nhân này, chị Lê Thị Hà đã gửi đơn đến tòa án xin ly hôn. Lá đơn ly hôn đã không được anh Vũ Văn Quang chấp thuận mà còn dọa sẽ giết chết cả nhà.
Khoảng 8h sáng 27/4, anh Vũ Văn Quang đưa con trai là Vũ Quốc Linh 3 tuổi đến nhà mẹ vợ ở xã Tế Tân. Anh ta lớn tiếng dọa sẽ dùng xăng thiêu sống con sau đó sẽ chết theo.
Người nhà chạy ra can ngăn, Quang bế con phóng xe máy bỏ đi. Khoảng 30 phút sau, anh ta quay lại mang theo can xăng 2 lít. Trước cổng nhà mẹ vợ, Quang dội can xăng 2 lít vào con trai, nhẫn tâm châm lửa đốt chính con trai của mình. Ngọn lửa bốc lên, người nhà vội bế cháu Linh nhảy xuống ao gần đó. Khi đưa lên bờ thì toàn thân cháu bé như một hòn than đen, hai mắt có nguy cơ bị hỏng nặng.
Sau khi được phát hiện và đưa đi cấp cứu kịp thời đến nay cháu đã qua cơn nguy kịch.
Gây tội ác xong, Vũ Văn Quang lẩn trốn vào nhà người thân. Sau đó 1 tiếng, hung thủ đã bị bắt và được giao cho công an huyện Nông Cống - Thanh Hóa.
Chị Lê Thị Hà cho biết, trong thời gian chờ Tòa giải quyết vụ án ly hôn, thẩm phá D. (người thụ lý đơn xin ly hôn của chị) nhiều lần có biểu hiện gây khó dễ cho chị. Do muốn nhanh chóng thoát khỏi người chồng vũ phu, chị Hà đã đồng ý làm theo gợi ý của ông D. Cụ thể, thông qua một người ở cùng xã, chị Hà đã đưa cho người này 2 triệu đồng để đưa trước cho thẩm phán D. (trong tổng số tiền 3 triệu đồng để vụ việc sớm được đưa ra xét xử theo như thỏa thuận). Sau đó, thẩm phán D. hứa trong vòng một tuần sẽ đưa vụ ly hôn ra xét xử. Nhưng phải đến gần một tháng sau (ngày 21/4/2011) phiên tòa mới được mở và phải tạm dừng do chồng Hà đổ xăng dọa thiêu con giữa phòng xử.
Tiếp đến, thẩm phán D. còn đòi thêm 1 triệu tiền "chi phí đi lại" để vào xã Tế Tân, quê của chị Hà làm việc, nhưng ý định chưa thành thì xảy ra việc chồng chị Hà đốt cháu bé gây phẫn uất trong dư luận vừa qua và vì thế vụ xét xử ly hôn đến nay vẫn chưa tiến hành được.
Không chỉ có chị Lê Thị Hà mà một phụ nữ khác cũng tố cáo thẩm phán D. có hành vi vòi tiền là chị Đới Thị H (SN 1985, ngụ xã Công Liêm, huyện Nông Cống). Theo chị H, vào cuối năm 2010, vợ chồng chị làm đơn lên tòa xin ly hôn. Do phải chờ đợi lâu trong khi muốn được giải quyết nhanh chóng việc ly hôn giữa mình và chồng nên chị đã nhiều lần gặp thẩm phán D. bày tỏ nguyện vọng, nhưng thẩm phán D. nêu khó khăn và nói muốn nhanh được việc thì phải chi 2 triệu đồng.
Sau đó, do chồng chị xuống nhà gây sự, dọa hành hung chị và bắt con chung của hai người nên chị đành đồng ý chi tiền để nhanh xong việc. Vào khoảng thời gian giữa tháng 01/2011, chị tìm gặp và đưa tiền, được thẩm phán D. hứa sẽ đưa vụ án ra xét xử vào ngày 29/03/2011. Đến chiều 20/04/2011 vụ án mới được xử và trước khi xử "Anh D. còn gọi điện bảo tôi lên phòng làm việc rồi kêu đau đầu, ngồi ngả người trên ghế, bắt tôi phải mát xa đầu, bóp vai. May mà vừa khi ấy, có một anh công an vào nên tôi đã thoát ra được"-chị H kể lại.
Ngoài hai trường hợp đã nêu, 2 phụ nữ khác tại huyện Nông Cống cũng tố cáo thẩm phán D đã vòi tiền và có những hành vi bất thường với mình khi thụ lý vụ ly hôn mà các chị là đương sự. Chị Vũ Thị N (SN 1965, ngụ xã Công Bình) tố cáo đã phải ba lần đưa cho thẩm phán D tổng số tiền 1.950.000 đồng mới được giải quyết ly hôn. Còn theo tường trình của chị Nguyễn Thị H (SN 1983, ngụ xã Tượng Sơn), năm 2008, khi làm đơn ly hôn với chồng là một phạm nhân đang thụ án tại trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình), chị đã nhờ thẩm phán D cùng đi với mình ra trại giam gặp chồng để làm thủ tục ly hôn. Khi hai người ngồi trên xe ô tô từ Nông Cống ra Ninh Bình, chị đã bị thẩm phán D nhiều lần có hành vi sàm sỡ. Chưa dừng lại ở đó, lúc xong việc quay về, ông D còn gợi ý chị phải vào nhà nghỉ, khách sạn nhưng chị không đồng ý.
"Không đạt được mục đích, ông D quay sang đòi tiền, nhưng tôi bảo tôi nghèo lắm, chỉ có hai trăm nghìn đã đưa anh hôm nọ, giờ không còn tiền nữa"-chị H kể lại.
Cần làm rõ, xử lý nghiêm sự việc
Để làm sáng tỏ vụ việc, sau khi gặp gỡ các nhân chứng, PV Nguoiduatin.vn đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Thị Huệ, Chánh án TAND huyện Nông Cống và cả thẩm phán D -người bị tố cáo "gạ tình, vòi tiền" đương sự. Ông D thừa nhận đã từng được giao thụ lý các vụ ly hôn của các đương sự trên và gặp gỡ, làm việc với những phụ nữ nêu trên. Tuy nhiên, ông D khẳng định hoàn toàn không có hành vi gạ tình, tiền các đương sự như bị tố cáo.
Theo ông, có thể vụ việc này bắt nguồn từ một ai đó vì ghen tức nên tìm cách dụ dỗ, xúi giục họ làm việc này, mục đích để bôi nhọ, hạ uy tín cá nhân ông.
Chánh án Nguyễn Thị Huệ cho biết, trước khi chuyển về Tòa án huyện Nông Cống vào năm 2004, ông D từng có 10 năm công tác tại TAND huyện miền núi Quan Hóa. "Từ khi về cơ quan đến nay, Thẩm phán D luôn gương mẫu trong công tác, giữ gìn đạo đức, tác phong người cán bộ tòa án, chưa hề có bất cứ vi phạm gì. Do có tín nhiệm cao trong cơ quan, vừa qua, Thẩm phán D đã được tái bổ nhiệm chức danh Thẩm phán. Tôi hoàn toàn bất ngờ trước thông tin báo chí vừa nêu và không tin cán bộ của mình có những hành vi như nội dung tố cáo", bà Huệ nói.
Trong cuộc làm việc này, PV báo Nguoiduatin.vn cũng đã bật cho ông D. nghe những đoạn băng ghi âm các đương sự nữ tố cáo. Sau một hồi suy nghĩ, ông D. xin đứng dậy uống nước để lấy lại bình tĩnh và sau đó không có phản hồi gì trước những lời tố cáo vừa nghe.
Trả lời PV báo Nguoiduatin.vn về những lời tố cáo xung quanh nghi án làm tiền, gạ tình của Thẩm phán D. Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Thành Bộ cho biết: "Đương sự cũng nhiều vấn đề lắm, thông tin đưa ra có thể đúng hoặc không đúng, nếu sai thì sau đó lại phức tạp ra. Nếu thông tin trên là đúng, chúng tôi sẽ có hội đồng kỷ luật của tỉnh đấu mối với huyện để xem xét".
Câu hỏi mà dư luận hiện đang quan tâm đặt ra là có hay không việc gạ tình, tiền các đương sự của Thẩm phán D.? Theo chúng tôi, câu hỏi này cần được lãnh đạo ngành Tòa án tỉnh Thanh Hóa khẩn trương làm rõ, xử lý nghiêm minh; bảo vệ uy tín, sự trong sạch cho cán bộ Tòa án nếu sự tố cáo trên chỉ là vu cáo, bôi nhọ.
Nguoiduatin.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Nhóm phóng viên
Đọc tin tức sự kiện tin mới nhất, nhanh và hay nhất trong ngày tại chuyên mục:Tin tức 24h
Phần nhận xét hiển thị trên trang