Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

Tin không còn nóng"

Vừ Già Pó, một người đàn ông người dân tộc Mông ở Mèo Vạc (Hà Giang), bị cho là mất tích cách đây 2 năm, không hiểu bằng cách nào lưu lạc hơn 5.800 km băng qua Himalaya đến tận bang Azad Kashmir (Pakistan).

Anh bị tạm giữ ở cơ quan phòng chống tội phạm ở Muzaffarabad rồi chuyển sang đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam vùng Neelum từ tháng 10.2013 đến nay vì không thể xác minh được nhân thân.
Trước đó, anh bị Lực lượng Quân báo Pakistan bắt được khi đang lơ ngơ xâm nhập biên giới từ phía bang Jamu & Kashmir của Ấn Độ. Đây vốn dĩ là vùng tranh chấp căng thẳng, được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt giữa 2 quốc gia Nam Á.

Kẻ đột nhập nói ngôn ngữ lạ lùng

Lưu lạc 5.800 km từ Mèo Vạc, băng qua Himalaya, đến Pakistan
Vừ Già Pó vượt qua quãng đường từ Mèo Vạc đến Pakistan dài khoảng 5.800 km - Ảnh: Na Sơn
Dựa vào cách phát âm khi được bàn giao từ Lực lượng Tình báo quân đội Pakistan (MI - Military Intelligence), anh được cảnh sát phòng chống tội phạm ở Muzaffarabad đặt tên là Wu Ta Puma. Trên người anh không một mảnh giấy tờ tùy thân, không biết một thứ tiếng nào để giao tiếp ngoài ngôn ngữ rất lạ lùng của mình.
Sau thời gian kiểm tra an ninh, đơn vị tình báo quân đội bàn giao người đàn ông cho cơ quan cảnh sát phòng chống tội phạm của tiểu bang (CIA - Crime Investigation Agency) đóng ở Muzaffarabad tiếp nhận để điều tra tiếp vì tội xâm nhập bất hợp pháp.
Theo thông tin đăng tải trên một tờ báo địa phương, dẫn lời của ông Raja Yasir, một điều tra viên cho biết: “Ban đầu chúng tôi nghĩ anh ta bị câm vì chả nói năng gì cả, có lẽ do quá hoảng loạn. Tuy nhiên sau khoảng 10 đến 12 ngày, anh ta bắt đầu nói chuyện bằng thứ tiếng kỳ lạ của mình mà chúng tôi hoàn toàn không thể hiểu được”.
Ông Raja Yasir sau đó đã mời một số công nhân người Trung Quốc, Hàn Quốc đang làm việc tại một số công ty xây dựng ở Muzaffarabad đến để thử giao tiếp và “giám định” xem nhưng cũng không một ai hiểu được ngôn ngữ của anh cả.
Ông Yasir cũng cho biết thêm là cơ quan điều tra cũng không nhốt anh vào buồng giam có khóa hay gửi anh ta vào nhà tù trung tâm vì e ngại “anh ta sẽ ở đó đến cuối đời mất”.
Không khai thác, điều tra được gì từ kẻ đột nhập nói thứ ngôn ngữ lạ lùng ngoài cái tên mà dựa theo phát âm là: Wu Ta Puma, cơ quan cảnh sát phòng chống tội phạm tiểu bang đành gửi Wu Ta Puma về đồn cảnh sát thị trấn nhỏ Athmuqam vùng Neelum cách đó 75 km về phía bắc, nơi gần với biên giới chỗ anh bị Lực lượng Quân báo Pakistan bắt được vào trung tuần tháng 11.2013.

Mừng rỡ khi nhìn thấy cờ Việt Nam, tiền Việt Nam

Ở Đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam, Wu Ta Puma cũng không bị giam giữ. Anh được bố trí ở khu nhà đổ trong khuôn viên, sau lưng trụ sở đồn. Sự xuất hiện của anh ở thị trấn nhỏ cũng là một sự kiện gây xôn xao cho cư dân nơi đây với rất nhiều tò mò.
Amiruddin Mughal, một phóng viên ảnh tự do, cộng tác viên của Reuters và EPA tại Neelum và cũng là một biên tập viên của Đài truyền hình địa phương Saama TV đã đến đưa tin.
Trả lời người viết, anh cho biết: “Tôi gặp anh ta ở Đồn cảnh sát Athmuqam, anh ta được tự do đi lại trong khu vực đồn với sự cho phép của cảnh sát. Họ cung cấp cho anh ta 3 bữa ăn mỗi ngày. Thỉnh thoảng những người dân xung quanh còn mang cho anh ta một ít thức ăn và cho tiền tiêu vặt nữa”.
Lần gặp gỡ ấy, Amiruddin thất bại trong việc làm tin tức vì không khai thác được thông tin gì từ Wu Ta Puma do chả ai hiểu ai nói gì, anh chỉ quay một đoạn video trong đó Wu Ta Puma nói hơn 2 phút rồi post lên trang cá nhân của mình kêu gọi mọi người ai hiểu được ngôn ngữ và biết thông tin gì thì báo về cho anh để giúp người đàn ông kia tìm được gia đình.
Cảnh sát ở Athmuqam nhận định Wu Ta Puma chỉ đi lạc vào đất Pakistan chứ không có động cơ gì khác nên họ đối xử thoải mái với anh. Họ còn mua cho anh quần áo ấm, mũ len vì thời tiết ở vùng ven Himalaya này rất lạnh. Cảnh sát cũng nhờ các cơ quan, báo chí, truyền thông sở tại giúp tìm tông tích gia đình Wu Ta Puma để anh sớm đoàn tụ mặc dù đây thực sự là công việc “mò kim đáy bể”.
Thật may mắn là vài ngày sau đó, có người đã giúp cảnh sát ở thị trấn Athmuqam xác định được quốc tịch của Wu Ta Puma. Đó là ông Mukhtar Qureshi, nhân viên của Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ địa phương đến đồn cảnh sát.
Ông mở mạng internet, tìm hình ảnh cờ và tiền giấy của những nước châu Á và cho Wu Ta Puma xem. Khi nhìn thấy ảnh cờ và tiền Việt Nam trên màn hình, “Anh ta rất phấn khích và hạnh phúc. Anh ta nói gì đó và ra dấu hiệu để nói rằng: những thứ này của tôi” - ông Mukhtar cho biết.
“Sau đó, với sự nhẫn nại quan sát ngôn ngữ cử chỉ kết hợp với những gì anh ta nói, tôi có thêm một số thông tin là: anh ta có vợ và có 5 con, 2 con gái lớn và 3 con trai nhỏ. Bố mẹ anh ta đều đã chết. Và những ngày sau đó thì anh ta trở nên muộn phiền, khóc lóc thảm thiết cả ngày lẫn đêm” - ông Mukhtar trao đổi thêm.
Mấy hôm sau, ông Mukhtar Qureshi đã viết thư, thông báo đến Đại sứ quán Việt Nam tại Islamabad về câu chuyện của Wu Ta Puma.
Trong thư có đoạn viết: “Với lòng từ tâm của một con người và cũng là người đang làm việc cho một tổ chức nhân đạo, tôi gửi những thông tin này cho các ông để xem xét và có hướng giải quyết tiếp theo”. Bức thư gửi ngày 7.1.2014. (Còn tiếp)
Na Sơn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tin Nóng:

Trung Quốc ép lao động VN công nhận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa ?


Lao động không chính thức sang Trung Quốc được trả về VN - Ảnh: Thái Hà
Chủ tịch MTTQ VN đề nghị Chính phủ lưu ý và giải quyết thực trạng này.
Ngoài ra, theo Nghị định số 78 của Chính phủ, kể từ 1.7 người VN định cư ở nước ngoài quá 5 năm nếu không đăng ký lại quốc tịch sẽ không được công nhận. Trong số 4 triệu Việt kiều hiện nay, mới có 6.000 người đi đăng ký lại. Nếu vẫn giữ quy định này sẽ có hàng triệu người có nguy cơ mất quốc tịch VN.
Vì vậy, ông Nhân đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa luật để có quyết định.
Anh Vũ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bài khảo cứu: Nhà văn sinh ra để làm gì?

Lê Phú Khải
index
Nhà thơ, nhà báo Lê Phú Khải
 Các cụ nhà ta xưa kia gọi những người lao động trí óc trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng bằng chữ … “thầy”: thầy giáo, thầy thuốc, thầy cúng… Nhà văn được các cụ suy tôn là thầy đời.
Thầy của cuộc đời, sứ mạng được xã hội giao cho nhà văn thật nặng nề và cao cả.
Lỗ Tấn trước là thầy thuốc, nhưng ông chỉ chữa bệnh được cho một số người. Lỗ Tấn muốn chữa bệnh cho cả dân tộc Trung Hoa đang chìm đắm trong chủ nghĩa thắng lợi tinh thần, luôn tự hào về quá khứ huy hoàng để tự ru ngủ mình, bằng lòng với thực tại tối tăm lúc đó. Vì thế, Lỗ Tấn đã bỏ nghề thuốc để trở thành nhà văn. Ông đã viết nên thiên truyện ngắn “AQ chính truyện” bất hủ, thức tỉnh cả dân tộc Trung Hoa thời đó.
Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện cũng đã có lần tâm sự với bạn đọc: Khi là bác sĩ chữa bệnh cho công nhân Việt kiều tại Pháp, ông nhận thấy bác sĩ là cần thiết, nhưng chỉ cứu chữa được một số công nhân nghèo khổ mắc bệnh lao thời đó mà thôi. Cái gốc của bệnh lao phổi là nghèo đói, ông muốn chữa nghèo đói cho công nhân nên phải cầm bút dấn thân vào con đường đấu tranh giải phóng cho đồng bào. Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã trở thành nhà văn hóa lớn của Việt Nam nửa cuối thế kỷ 20. Những “trước tác đẳng thân” của ông đã góp phần to lớn cho công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước trong thế kỷ 20.
Ông bà ta xưa đã không nhầm lẫn khi gọi nhà văn là “thầy đời”, vì chính ngòi bút của nhà văn đã dự báo những hiểm họa cho dân tộc mình, báo trước giông tố ở phía chân trời.
Shakespeare (1564-1616), đại văn hào nước Anh ở thế kỷ 16-17, tác phẩm của ông một mặt phê phán xã hội phong kiến quý tộc đang tan rữa, một mặt báo trước những đám mây đen giông tố của chủ nghĩa tư bản đang ló dạng phía chân trời.
Nhân vật của Shakespeare đã gào lên trên sân khấu của nước Anh thời đó: “Hãy mạ vàng tội lỗi đi, anh có thể bẻ gãy lưỡi gươm của công lý!”. Nếu anh có thật nhiều vàng thì “Thần Công lý cũng bẻ gãy lưỡi gươm thiêng quỳ dưới chân anh!”. Chủ nghĩa tư bản hoang dã thời kỳ tích lũy ban đầu của nó là như thế, như Shakepear đã cảnh báo cho nhân loại.
Khi đại văn hào Balzac qua đời (1799-1850), trong tang lễ ông, điếu văn của Stefan Zweig có đoạn viết: “Balzac là nhà toán học của ý chí, là nhà hóa học của những dục vọng, nhà thiên văn học của những luồng khí quyển lưu hành trong xã hội, là người lính tiên phong, là người lính tiên phong của thời đại…”.
“Những luồng khí quyển lưu hành trong xã hội” chỉ có nhà văn với tố chất là “cái râu mềm mại của loài ốc sên”, “là thính giác đa nghi của thằng kẻ trộm” mới nhận biết được để cảnh báo cho xã hội. Vì thế, có lần nhà văn Nguyên Ngọc đã hỏi tôi: “Nhà văn sinh ra để làm gì?”. Nói rồi ông lại tự trả lời: “Nhà văn sinh ra để chăm chú quan sát xã hội, để nhìn thấy những điều mà người khác không nhìn thấy, bỏ qua”.
Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, cả miền Bắc ngây ngất trong khẩu hiệu tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội… thì các văn nghệ sĩ trong nhóm “Nhân văn Giai phẩm” đã nhận ra hiểm họa và cảnh báo. Tờ Nhân văn vẽ tranh biếm họa: Một người ngồi ở vỉa hè, anh ta lấy rìu đẻo chân mình, máu me chảy ra lênh láng. Mọi người xúm lại xem. Có người hỏi vì sao lại phải đẻo chân? Anh ta chỉ vào một đôi giày mới mua ở mậu dịch ra và nói: Chân tôi phải đi số 42 mà mậu dịch chỉ bán đồng loạt một cỡ số 39 nên phải đẻo chân để… đi cho vừa giày!
Nhóm Nhân văn Giai phẩm bị đàn áp. Chế độ toàn trị không chấp nhận phản biện, dự báo… vì đảng cầm quyền đã tự cho là “đỉnh cao trí tuệ” của dân tộc. Nhưng nhận ra sự lợi hại của ngòi bút có thể làm “đòn xoay chế độ” nên các nhà văn của chế độ rất được ưu ái. Họ được đi dự đại hội nhà văn bằng máy bay từ tiền thuế của nhân dân. Xe ô tô chở nhà văn đi dự họp đại hội có xe cảnh sát kéo còi chạy trước như xe chở nguyên thủ quốc gia. Các giải thưởng văn học nghệ thuật được ban ra, nở rộ như măng mọc mùa xuân. Giải thưởng cả trăm triệu cũng lấy từ tiền thuế của nhân dân. Mục đích của họ là để bộ phận “nhạy cảm” này thành vô cảm trước số phận của đất nước, nhân dân.
Nhưng văn học không phải là chính trị. Nhà văn khác nhà chính trị ở chỗ là làm chính trị nhưng không mưu đồ quyền lực. Cái mà anh ta mưu đồ là lẽ phải, là chân lý khách quan, là lợi ích của dân tộc, của đất nước. Tác phẩm văn học chuyển tải những thông điệp của mình bằng hình tượng nghệ thuật. Không có nghệ thuật, không đi vào lòng người thì không phải là văn học. Vì thế, nhà chính trị Lê Duẩn trước đây đã định nghĩa: “Văn học nghệ thuật là quy luật của tình cảm. Người ta có thể cùng nhau hát vang một bài ca để cả đoàn quân lao lên phía trước, vì một bài thơ, người ta có thể “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước. Nhưng đó phải là khúc ca thật, bài thơ thật, có sức truyền cảm, lay động lòng người. Khi những người cộng sản Việt Nam được xem là đồng nghĩa với chính nghĩa dân tộc, những sáng tác văn học theo phương pháp hiện thực chủ nghĩa một thời đã từng có những tác phẩm đích thực, được người đọc chấp nhận như “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc và nhiều sáng tác khác. Nhưng nay thì văn học đương đại Việt Nam đã chết hẳn vì nó quay lưng với hiện thực, với số phận của nhân dân. Cho dù nó có “ăn mày quá khứ” thì nó vẫn bị người đọc ghẻ lạnh, vì nó không phải là quá khứ. Cũng không phải là tương lai!
Văn học nghệ thuật là một sản phẩm độc đáo của con người, “là niềm vui thích cao nhất mà con người tự đem lại cho mình” (Marx), là sản phẩm của tư duy khám phá và sáng tạo nên nó có quy luật riêng của nó. Tagor nói: Nếu ở đâu mà mọi con đường được vạch sẵn thì… tôi đi lạc! Còn nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện thì cho rằng văn học nghệ thuật là con chim bay, con cá lặn. Lúc con chim chao mình, con cá quẫy đuôi là lúc nó đẹp nhât, đừng ai vẽ đường cho chim bay cá lượn cả!
Nền văn học của chúng ta bấy lâu nay “mọi con đường được vạch sẵn” bởi các nhà tuyên huấn nên các nhà văn “đi lạc”! Đáng lẽ phải xây đắp con đường dân chủ cho đất nước thì họ quay lại “ăn mày quá khứ”.
Từ một “đất nước đứng lên”, “ra ngõ gặp anh hùng” thì nay ra ngõ gặp lưu manh, ra ngõ gặp người Trung Quốc xâm nhập lãnh thổ Việt Nam làm ăn không hợp pháp. Từ một đất nước sống theo các đạo lý đã được khắc vào “bia miệng”: “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”,  “lá lành đùm lá rách”, “đói cho sạch, rách cho thơm”… nay trở thành một xã hội vô cảm, văn hóa đạo đức suy đồi, tham nhũng và cường quyền toàn trị đất nước.
Đánh thức lương tri và bồi đắp đạo đức, phục hưng văn hóa dân tộc, nhiệm vụ đó phải giao cho tầng lớp nào đi tiên phong, nếu không phải là các “thầy đời”, các  nhà văn của đất nước ngàn năm?
3/2014

Phần nhận xét hiển thị trên trang

GS NGUYỄN HUỆ CHI DẠY CON…

 by nguyentrongtao


DƯƠNG KỲ ANH
GS Nguyễn Huệ Chi
GS Nguyễn Huệ Chi
Khi hay tin GS Nguyễn Huệ Chi thôi phụ trách trang mạng nổi tiếng Bauxitte Việt Nam , một trang mạng có hàng triệu độc giả , tôi có phần ngạc nhiên và muốn đến nhà GS để hỏi vì sao ? Đến thăm GS , tôi mới biết được nhiều điều …
Hóa ra , cụ đỗ đầu xứ Nguyễn Hiệt Chi, ông nội GS Nguyễn Huệ Chi, là một trong sáu người đã sáng lập ra trường Dục Thanh (Phan Thiết) nổi tiếng, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy học. Em cụ, Nguyễn Hàng Chi, mới 24 tuổi đã bị nhà cầm quyền Pháp và Nam triều xử chém năm 1908 vì cầm đầu phong trào chống sưu thuế của Nghệ Tĩnh. 
Dòng họ Nguyễn Chi là một dòng họ nổi tiếng ở Hà Tĩnh, nơi GS Nguyễn Huệ Chi sinh ra và lớn lên. Bác ruột của GS, bác sĩ Nguyễn Kinh Chi, thân sinh nhà dân tộc học tài danh Nguyễn Từ Chi, là Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên (năm 1946) của Chính phủ Cụ Hồ, một Thứ trưởng Bộ Y tế xuất sắc trong suốt thời kháng chiến chống pháp.
Thân phụ của GS Huệ Chi là nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa uyên bác Nguyễn Đổng Chi, ông vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên. Ông có nhiều tác phẩm như “Túp lều nát” tố cáo cường hào bóc lột nông dân, in năm 1937,“Việt Nam cổ văn học sử” in năm 1941 được cả ba học giả Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố và Đặng Thai Mai đều đánh giá cao. Công trình khảo cứu “Đào duy Từ” được giải thưởng Alexandre de Rhodes năm 1943. Cuốn “Hát dặm Nghệ Tĩnh” tôi đã đọc và rất thích.
Em ruột GS Huệ Chi là cố PGS Nguyễn Du Chi cũng là một nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ có tiếng, được giải thưởng Nhà nước với cụm công trình đi rất sâu vào kiến trúc hoa văn truyền thống Việt.
Theo từ điển Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: GS Nguyễn Huệ Chi sinh năm 1938 tại Can Lộc (nay là Lộc Hà), Hà Tĩnh. Ông là nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Văn học, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là người có kiến thức, có tầm suy nghĩ, thường tỏ ra độc lập, không lệ thuộc vào “khuôn khổ”, luôn gắn với mục tiêu dân chủ hóa xã hội…
Năm 2009, ông cùng nhà giáo Phạm Toàn, GS Nguyễn Thế Hùng khởi xướng trang Bauxite Việt Nam nổi tiếng, “là tiếng nói phản biện nhiều mặt của trí thức”.
“Mộng Thương thư Trai” là thư viện lớn của chí sĩ và nhà giáo, Tú tài Nguyễn Hiệt Chi, biệt hiệu Mộng Thương, ông nội của GS Huệ Chi. Thư viện này có hàng vạn cuốn sách kể từ thế kỷ XIX, chính là nơi nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách, tri thức của các thế hệ con cháu dòng họ Nguyễn Chi.
Bây giờ GS Huệ Chi cũng nối tiếp cha ông xây dựng được một kho sách lớn, để lại cho con cháu. GS dẫn tôi đi xem kho sách của ông. Dù chưa được xem kỹ, tôi vẫn cảm thấy choáng ngợp. Nói như người xưa “thư trung hữu kim” (trong sách có vàng). Quả là một kho “vàng” vô giá .
Vợ ông, bà Nguyễn Kim Hưng, tốt nghiệp Đại học Hán Nôm, nhiều năm công tác ở Viện Hán Nôm, người dịch “Đại Việt sử ký tục biên” kể rằng, vài năm sau ngày giải phóng miền Nam, bà kiếm được một ít tiền do dịch sách và tài liệu, bà đưa cho ông vào Sài Gòn để mua một ít đồ dùng. Khi ông trở ra, cả nhà đi đón, nào hộp nhỏ, hộp to, hai con bà cứ tưởng bố mua được nhiều quà lắm, những thứ thời đó ngoài này không có, những thứ mà người ta vẫn mang từ miền Nam ra như tủ lạnh, quạt máy, tivi… Nào ngờ khi mở ra toàn sách là sách. “Tôi bực quá anh ạ… Nhưng thế mà lại hay, các con tôi vốn mê sách, có khi còn quý hơn các thứ hàng hóa khác ấy chứ…”, bà Hưng nhớ lại.
Bà nhớ lại những ngày gian khổ, khi con gái bà là Nguyễn Thu Hương mới sinh được 20 ngày, máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội, cả nhà vội vã theo cơ quan đi sơ tán vào tận Hà Tây (cũ). “Nhiều hôm vừa bế con lên khỏi hầm, thì máy bay lại đến, lại bế con chui xuống, giẫm trên nước lõm bõm… Tôi còn nhớ khi các cháu bắt đầu đi học cấp một, cứ chủ nhật, nhà tôi lại dẫn các cháu đi chơi ở ngoại thành, đi câu tôm ở Hồ Gươm. Có ngày, cả mấy bố con câu được khá nhiều tôm, tôm tươi rói, nhảy tanh tách… làm các cháu rất vui. Tôi rang giòn lên, thế là cả nhà được một bữa tươi…
Cháu trai đầu, Nguyễn Đĩnh Chi, từ nhỏ đã mê đọc sách. Cháu thuộc rất nhiều thơ Đường, chưa học cấp II, cháu đã đọc hết “Đại Việt sử ký toàn thư”. Đĩnh Chi rất thích văn, muốn thi vào đại học khoa văn, nhưng vợ chồng tôi lại quan niệm rằng, muốn theo nghề văn phải thật giỏi văn, cần một năng khiếu đặc biệt,chỉ đạt mức tiên tiến là chưa đủ, nên đã hướng cho cháu thi khối A.
Cháu học ngành xây dựng, bây giờ cháu là kỹ sư xây dựng, vợ cháu là kiến trúc sư. Cả hai vợ chồng đều là người say mê sáng tạo, nhiều bản thiết kế của cháu được đánh giá cao. Vợ chồng cháu mở công ty tư vấn thiết kế. Tuy nhiên, cái ngành này giờ cũng khó khăn, cận kề thất nghiệp, cháu lại không thích chạy chọt đấu thầu thi công nên kiếm tiền thời buổi này rất khó…”.
Bà Kim Hưng nói, hai đứa con của bà tính tình gần như trái ngược nhau. Cậu con trai Nguyễn Đĩnh Chi (sinh năm 1969) lành tính, nhưng thẳng thắn . Ngược lại, cô con gái Nguyễn Thu Hương (sinh năm 1972), tính tình quyết đoán, mạnh mẽ. Thu Hương học giỏi, nhận được học bổng sang học ở Mỹ; hiện đã có hai bằng thạc sỹ, đang làm việc tại thư viện của đại học danh tiếng Harvard. Gia đình Nguyễn Thu Hương giờ đinh cư ở Hoa Kỳ. Con gái của thạc sỹ Nguyễn Thu Hương đã 13 tuổi, theo bà Hưng cháu học bên đó cũng rất giỏi, môn nào cũng A+. Vợ chồng GS Nguyễn Huệ Chi cũng đã có hai cháu nội, hiện sống với bố mẹ tại Sài Gòn.
“Nhà tôi lành tính thế nhưng dạy con rất nghiêm khắc” – bà Hưng nói về chồng mình, GS Nguyễn Huệ Chi. Điều đầu tiên chúng tôi dạy các con là tính trung thực. Đó là đức tính hàng đầu. Trung thực và thẳng thắn. Cái gì không phải của mình thì tuyệt nhiên không được đụng đến. Có lần cháu Đĩnh Chi mang về nhà một cái thước kẻ. Tôi hỏi cháu ở đâu ra? Cháu bảo mượn của bạn. Tôi bảo dù là cái thước kẻ hay một mẩu bút chì, một hòn tẩy nhỏ, nếu không phải của mình thì không được mang về, nếu con mượn của bạn, dùng xong rồi thì phải mang đi trả ngay…
Chúng tôi luôn nhắc nhở các con làm việc gì cũng phải làm đến cùng, làm dở dang rồi bỏ, theo kiểu đẽo cày giữa đường là điều chúng tôi ghét nhất. Khi các cháu đã lớn khôn, cho đến tận bây giờ, chúng tôi luôn hướng cho các con, các cháu phải chuyên chú đi sâu vào chuyên môn, có thật giỏi về chuyên môn thì ở đâu, trong hoàn cảnh nào mình cũng sống được, sống đàng hoàng, ngay thẳng…” – bà Hưng tâm sự .
Cách đây vài năm, cuốn “Các nhà văn Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh” được xuất bản, tôi đọc thấy có tên mình nhưng không có tên GS Nguyễn Huệ Chi. Tôi có viết một bài báo ngắn đặt câu hỏi vì sao? Bài đăng trên một tờ báo mạng. Các anh ở ban biên tập cuốn sách gọi điện nói do sơ suất về kỹ thuật chứ không có ý gì cả và hứa sẽ bổ sung. Tôi rất mừng vì liền sau đó cuốn sách được in lại đã có tên GS Nguyễn Huệ Chi. Tuy nghe tiếng ông đã lâu với niềm kính trọng một trí thức có nhân cách, có nghĩa khí nhưng hôm nay mới có dịp đến nhà ông trò chuyện …
Đến đây, tôi mới hiểu được nhiều điều. Hiểu được trong một gia đình trí thức lâu đời như gia đình GS Nguyễn Huệ Chi điều cốt lõi để dạy con, dạy cháu là tấm gương sáng của những bậc tiền nhân. Sống ở đời không chỉ biết bo bo sống cho riêng mình mà nhắm mắt làm ngơ  trước cường quyền , bạo ngược …
 Từ người sáng lập ra trường Dục Thanh nổi tiếng đến người sáng lập ra trang Bauxite Việt Nam cũng nổi tiếng không kém, và chuyện người con trai của GS Huệ Chi là kỹ sư xây dựng Nguyễn Đĩnh Chi, mà theo bà Hưng kể, đã sống rất ngay thẳng, nhiều lần đứng ra phê bình, góp ý với “sếp” trong những cuộc họp toàn cơ quan… Phải chăng là sợi chỉ đỏ nhân cách xuyên suốt thời gian, xuyên suốt tính nhân bản của con người …?!
Nhà vườn Sóc Sơn đầu năm 2014

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cảm ơn các bạn đã ủng hộ anh Văn Giá

Phan Nguyễn
bigstock-businessman-standing-alone-at-15473195_19230Cảm ơn các bạn đã có ý kiến ủng hộ anh Văn Giá.
Cảm ơn các bạn đã ủng hộ anh Văn Giá.
Trước hết cần phải khẳng định rằng, về cơ bản các nội dung trong bài viết “Luận văn, phê bình luận văn và…” của PGS, TS. Ngô Văn Giá là tích cực, theo nghĩa nó tiếp cận lẽ phải mà bất cứ ai có lương tri cũng dễ đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, tôi không thấy những điều này là đáng phải “ngả mũ bái phục” như có người đã lên tiếng. Còn nếu như, quả thực những điều này cũng trở nên đáng bái phục thì sẽ có thêm rất nhiều điều đáng phải suy nghĩ…
Thậm chí có những ý kiến còn đi xa hơn khi cho rằng: “Bài của thày Ngô Văn Giá nghe phảng phất như bài phi lộ nổi tiếng của Nhược Tống cho bản dịch Nam Hoa Kinh (Trang Tử) của ông. Mừng cho Việt Nam khi những người như thày Giá còn nắm giữ những cương vị có ảnh hưởng đến nền hàn lâm, học thuật và lương tri, đạo đức của nước nhà.”. Hoặc có những ý kiến thể hiện một nhiệt tình ủng hộ hơi đặc biệt: “Đạo đức là đây! nhân cách là đây! sư phạm mẫu mực là đây! Hỡi những kẻ đốn mạt về học thuật, về nhân cách nên…tìm đến thầy Ngô Văn Giá để được…ban cho những liều thuốc để chữa trị!!!”… (Dẫn một số comment qua bài “Luận văn, phê bình luận văn và…” của PGS, TS. Ngô Văn Giá trên trang... Đọc những comment này, tôi chợt nhớ lại cảm giác rùng mình tương tự khi nghe phát thanh viên  điểm sự kiện với một giọng hào sảng hiếm thấy: “Tổ quốc là đây, nhân dân là đây…” để nói về việc đội tuyển bóng đá nam của Việt Nam giành chức vô địch ở giải đấu khu vực. Đó là vào cuối năm 2008, việc đội tuyển bóng đá nam giành chức vô địch trên đấu trường Đông Nam Á có vẻ như đã làm cho phần lớn người Việt Nam được ở trong một trạng thái lâng lâng bồng bột. Điều này được cộng hưởng khi giới truyền thông chính thống nước nhà cũng tung hô hết cỡ, khiến cho không khí cứ như một cơn say.. tập thể.
            Trở lại câu chuyện về bài viết của Văn Giá, liên quan đến vụ việc luận văn thạc sĩ của Đỗ Thị Thoan bị thẩm định lại để hủy bỏ kết quả bảo vệ xuất sắc cách đây 3 năm, tác giả bị tước văn bằng thạc sĩ.
Việc anh Văn Giá lên tiếng ở đây, theo chúng tôi cũng là việc cực chẳng đã, bởi vì anh may/hay không may thay lại chính là người nằm trong cái “Hội đồng” cũ. Nhắc đến nền giáo dục nước nhà đã có đủ chuyện bi hài, nhưng cái việc Nhã Thuyên – Đỗ Thị Thoan lại không phải chỉ đơn giản là cái việc trong phạm vi nền giáo dục ..chứ đâu phải chuyện đúng sai của Hội đồng này, Hội đồng kia??? Người Việt thật lạ kỳ và hèn kém… ở chỗ, nếu chẳng may một ngày nào đó, không còn đứng vững thì những kẻ a dua sẽ có những giọng lưỡi bất chấp mọi lẽ phải thông thường mà chà đạp lên tất cả những gì, bất kể đúng sai.
Anh Văn Giá, theo chỗ tôi biết từng làm việc ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền và từng tuyên bố rằng: Dù công tác trong Học viện Báo chí, nhưng trong tất cả các bài viết của Văn Giá không hề tồn tại một chữ ĐẢNG.
Trong tuyên bố này anh phạm 2 sai lầm cơ bản:
Thứ nhất về khoa học- Không phải anh kiêng chữ ĐẢNG kia thì các bài viết hay công trình của anh là tiến bộ và khoa học. Người ta có thể vi phạm mọi “húy kỵ” về câu chữ nhưng tâm thế và tư thế lại hoàn toàn khác nhau, thưa anh Văn Giá và quí vị.
Thứ hai về luân lý – Anh “ăn lộc” của chế độ, hấp thụ sự hay dở của nó, anh thành Phó giáo sư, Tiến sĩ của chế độ đó, vậy mà anh tuyên bố xưng xưng như vậy thì người ta chỉ có thể hiểu rằng anh bất mãn vì không được chia chác những gì mà anh cho rằng anh xứng đáng được hưởng nhiều hơn. Thế đấy thưa anh Văn Giá, anh không bao giờ trở thành anh hùng được đâu. Tự bản thân anh phải biết rõ những điều chúng tôi nói có đích thực sâu xa trong tâm khảm của anh hay không.
Còn việc đang bộc lộ nhiều tật bệnh, không cần phải có quá nhiều bất mãn, ồn ào cũng đã rõ. Nhưng thử hỏi, trong chúng ta có ai đã từng một lần tự hỏi rằng: đó phải chăng chính là sản phẩm tất yếu của một dân tộc, với số đông (trong đó có bản thân ta) còn mang nặng di sản hàng ngàn năm nông nghiệp cổ truyền, chưa thể trưởng thành và chưa từng sẵn sàng để xứng đáng được hưởng hạnh phúc như nhiều dân tộc khác…
Tôi chỉ thấy lạ lùng: Cả một dân tộc đang tồn tại mặt nạ ngộ nhận và giả tạo trong mọi cảnh huống, vậy mà nó chưa hề có dấu hiệu thay đổi hay chuẩn bị để thay đổi!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

DƯỚI NƯỚC



 Ảnh Nguyễn Hoàng Nam 
Và ngủ lại dưới nước
Mặt hồ khép như chưa từng
10 năm người người trên bờ đi mải miết
Thơ NQH



1.
Bên cầu Đoạn Hà, tôi nói với ông già Tiểu Ngục: Con cần phải đi khỏi nơi này. Con rất nhớ người ấy.
Tiểu Ngục ngao ngán nhìn tôi. Nhưng ông vẫn im lặng. Ông không tỏ vẻ đồng tình với tôi. Ông lưng gù, mắt đầy tròng đen, đôi mắt dường như lúc nào cũng rơi lệ. Đã bao giờ bạn nhìn thấy một người đàn ông khóc chưa? Tôi đã nhìn thấy Tiểu Ngục khóc. Khi ấy vai ông run lên từng chặp. Mái tóc bạc xơ xác của ông như những búi mây trắng trên thiên hà, cuộn lại từng lọn nhỏ, rung trong gió chướng thổi từ sông lên. Tôi không biết ông là ai, từ đâu đến. Khi tôi đến bên bờ sông này thì ông đã ở đây từ rất lâu rồi. Tôi cũng không biết vì sao ông khóc nhiều đến thế?
Tôi tên Thê. Kiếp luân hồi của tôi được tính tuổi bằng khoảng sáu trăm năm, đã bảy lần đổi kiếp.
Bên bờ sông, tôi đứng nhìn từng cơn gió thổi qua. Mái tóc tôi dài ngang lưng, tha thiết như gió. Gương mặt tôi mịn lấm tấm những hạt sương bay qua rồi đọng lại. Tôi luôn xin được làm đàn bà, để khi gặp tôi, người ấy có thể nhận ra tôi.
Tiểu Ngục nhìn tôi: Con thật kỳ lạ. Hình như trên thế gian người ta nói câu đẹp như sương như gió.
Tôi nói với ông: Con nhớ người ấy!
Tiểu Ngục hỏi: Tại sao con cứ mãi nhớ một người như vậy? Con đã uống nước sông Đoạn Hà. Con đã cùng ta chịu thử thách qua bao nhiêu khoảnh khắc của nước trời. Mà con ơi, con đâu có thể nhận ra người ấy, vì con nên nhớ con đã uống nước quên?
Tôi không thể nói với ông tôi nhớ người ấy như thế nào khi tôi hoàn toàn không còn nhớ anh là ai. Ngay cả gương mặt anh, tôi cũng chỉ còn lờ mờ nhìn thấy qua lớp lớp sương mù. Tôi chỉ có thể cảm thấy và tôi luôn nghĩ rằng anh vẫn còn quanh quất đâu đây, trên thế gian đầy ánh nắng.
Thế là ông già Tiểu Ngục đành quay về nơi có đặt những súc gỗ. Ông đóng cho tôi một chiếc thuyền nhỏ, đủ để tôi ngồi lên và chèo đi. Nhân lúc chủ thiên ngục không để ý, ông đẩy tôi cùng con thuyền ra con nước lớn.
Tôi hẹn: Con sẽ có ngày trở về.
Tiểu Ngục cười: Con đã trở về rồi. Con ơi, hãy đi đi. Đừng sợ. Cốt nhất là đừng sợ hãi. Nơi ấy sẽ không chỉ có sương và gió.
Tôi bặm môi bướng bỉnh: Con nhớ người ấy.
Tiểu Ngục lắc lắc mái tóc già nua. Ông nhận hộ tôi những tháng năm dài làm cai lệ bên bến sông đầy gió và sương mù quanh quất.

Tôi chèo đi, để lại những lời ca này cho ông già Tiểu Ngục:
Người đàn ông tôi yêu
Có thể chưa sinh ra trên đời
Có thể là đã chết…


2.
Hôm ấy hồ Nam êm ả, mặt hồ trải rộng mênh mông ra xa tít tắp. Thuyền máy chở khách du lịch lướt rộn rã, trên bờ người người qua lại.
Cô nói với người đàn ông đi cùng đoàn:
“Cách đây chục năm, tôi cũng đã từng đi thuyền trên hồ này…”
Dường như người đàn ông không chú ý mấy đến những gì cô nói. Anh đang mải vẽ sơ đồ mặt hồ và những hòn đảo nhỏ. Họ có nhiệm vụ ghi chép đo đạc tính toán cẩn thận để làm dự án bảo vệ hồ.
“Đôi khi tôi cảm thấy như mình đang biến mất”.
Người đàn ông hơi chững tay lại:
“Cô nói gì?”
“Ngày ấy tôi đi cùng một người con trai. Chúng tôi dạo trên hồ này cũng bằng một chiếc thuyền nhỏ. Anh ấy nom thư sinh nhưng khá mạnh mẽ. Anh ấy đã tự tay điều khiển chiếc thuyền đưa tôi ra giữa hồ”
“Rồi sao nữa?”
Người đàn ông hỏi như kiểu người ta đưa tay ra giúp những người yếu ớt băng qua đường cao tốc.
“Rồi gió và lốc nổi lên. Anh ấy đã cố giữ tay lái. Tôi bám chân vào khoang thuyền để giữ thăng bằng. Nhưng gió mạnh quá, mưa rất to, từng hạt nước như quất vào chúng tôi những chiếc roi khổng lồ. Một con sóng bất ngờ chồm lên. Khi ấy con thuyền nhỏ gần như lộn ngược…”
Một giọt nước mắt lăn xuống gò má cô, tan đâu mất dưới ván thuyền. Người đàn ông dừng tay vẽ, ngẩng lên:
“Sau đó thì sao?”
“Chúng tôi không thể lấy nhau…”
“Vì sao?”
Cô im lặng.
Lát sau cô ngẩng lên nhìn người đàn ông. Chính cô cũng không hiểu tại sao cô lại tin cậy và nói với anh câu chuyện của mình.
“Anh ấy ngủ dưới nước”
Người đàn ông quay phắt về phía cô. Anh hơi sững lại. Lần đầu tiên từ khi ngồi cùng cô, bàn bạc công việc nhóm, nói với nhau những thông số kỹ thuật, sau hết những gì chỉ có thể có giữa hai người xa lạ, anh mới chú ý đến cô gái này.
Lần này thì chính là anh nhìn cô chăm chú hơn. Anh cảm thấy cô thật kỳ lạ. Không như vẻ ngoài của cô.
“Cô không nên cảm thấy tội lỗi”

Chiếc thuyền vòng quanh hồ rồi từ từ tiến sát một hòn đảo lớn, có rừng xa xa và vách đá.
Trưởng đoàn thông báo:
- Chúng ta sẽ lên đảo khảo sát trong vòng bảy tiếng. Sau đó xin mời mọi người quay lại thuyền.
Người đàn ông trẻ và cô chọn cùng nhóm. Hai người đi len lỏi giữa những mỏm đá nhô ra trơ trọi giữa những lùm cây lúp xúp. Cô bước thấp bước cao. Người đàn ông khá nhanh nhẹn. Anh luôn phát hiện ra những vỉa quặng nằm sâu dưới những lớp đất và cỏ mục. Họ nhặt những hòn đá quặng kích thước vừa phải. Cái túi vải thô căng phồng.
Đôi lúc họ dừng lại để chỉnh sửa bản khảo sát và đánh dấu những vỉa quặng.
Ban đầu thì cô không chú ý mấy. Cô đi bên người đàn ông dửng dưng. Con đường dẫn sâu vào vách núi và những tàng cây dày thăm thẳm. Những vỉa quặng nhỏ thưa dần. Có thể phía trong sẽ có những bất ngờ thú vị nên hai người cứ mải miết đi tiếp.
Dần dà chính cô cảm thấy dường như mình đã quen thuộc với cái vóc dáng đang đi phía trước cô. Nỗi buồn của những năm tháng dài dần rơi rụng theo con đường dẫn sâu vào rừng, rơi ít một như những bông hoa gạo bung nở và bay đi theo gió.
Rồi rừng dày đặc cây và gai cũng hết. Họ đến đúng một vỉa quặng thép lộ thiên. Từ trên sườn cao giữa rừng, hai người có thể nhìn thấy con thuyền nhỏ đang neo bên đảo. Người đàn ông dọn bữa ăn nhẹ trên sườn đá. Anh đưa cho cô nước và bánh mì. Cô ngồi ăn nhỏ nhẹ. Cô lúng túng, không hề biết cách thức chăm chút mà một người đàn bà xứ này có thể dành cho người đàn ông trong bữa ăn.
Cô vừa ăn vừa nhìn quanh, và thấy ánh đồng trong những hòn đá lỗ rỗ thiếc.
Người đàn ông giảng giải cho cô những kinh nghiệm anh có về những loại quặng trên những sườn đá và nằm sâu trong những lớp đất rừng dày đặc cỏ mục.
Cô bị thuyết phục vì vẻ chân tình của anh. Giọng đàn ông trầm ấm như nhắc nhớ cô những gì thật quen thuộc đã xa lâu lắm. Dần dà cô nhìn người đàn ông một cách tin cậy, như thể cô đang tựa vào anh, và phía sau lưng cô rừng già huyền bí dịu dàng, trên đầu cô trời xanh thăm thẳm như vòng tay níu giữ cô với mặt đất ấm áp. Cô nhíu mày nhíu trán, tự đấm tay vào đầu mình: ta đã gặp anh ấy hồi nào nhỉ?
Họ cùng nhau nhặt quặng nhét đầy vào túi.
Cô khệ nệ khoác chiếc túi vải chứa đầy quặng lên vai. Nguời đàn ông cũng khoác cái túi của mình.
Chỉ vài bước trên đá, cô bị trượt chân. Cái túi lăn xuống và cô buộc phải nhoài người theo để giữ.
Người đàn ông bảo:
“Đi thôi. Nhanh lên kẻo muộn rồi đấy”
Cô khệ nệ kéo chiếc túi của mình. Bướng bỉnh không muốn ném bớt những viên đá ra.
Người đàn ông bước đi như không chú ý mấy đến những khó nhọc của cô.
Cô rầu rầu nghĩ:
“Mình vẫn không tìm được người ấy. Vẫn không tìm được!”


3.
Tôi cảm thấy như có một luồng điện êm ả luồn sâu trong từng mao mạch. Có thể là em không bao giờ cảm nhận được điều này. Tôi chỉ là một người xa lạ với em.
Tôi đã nhìn thấy gã, dưới nước. Từ trên cao này, tôi nhìn thấy ánh mắt gã nhìn tôi như thôi miên.
Em không nhận ra tôi, nhưng tôi thì nhận ra em. Tôi đã đi chặng đường khá dài để đến bên sông Đoạn Hà, và gặp lão già Tiểu Ngục. Lão ta nheo mắt nhìn tôi giống như tôi là kẻ đã lôi em ra khỏi bàn tay già nua gớm ghiếc của lão. Rồi lão cất lời mắng nhiếc, giống như em là đứa con gái bé bỏng của lão, và tôi là kẻ đã cướp em phũ phàng ra khỏi nước trời, ném em đi lạc lõng giữa bao la vô tận.
Tôi ngồi bên sông, lặng lẽ hút thuốc. Khói thuốc bay lên cao, ấm nhưng cô quạnh muôn trùng.
Gã kia ỉ lại lão già Tiểu Ngục, cứ im lặng chờ đợi dưới nước khiến tôi không tài nào bước được một bước để gần em hơn. Gã là ai tôi cũng không rõ, giống như cái bóng của em vậy. Cái bóng nằm sâu dưới nước, ngủ cùng nước, và lặng lẽ yêu em. Cái bóng ấy thách thức tôi, và chợt gã cất tiếng cười vang như khúc khải hoàn mừng chúng ta mãi mãi không thể nhận ra nhau, lạc lối trên những con đường rừng, đá tai mèo lởm chởm, rắn độc có thể bập vào chân bất cứ khi nào chúng ta sơ hở, nấm độc có thể phả hơi thở hiểm ác vào màng nhĩ, khiến tai chúng ta ù đặc, trí não chúng ta tê liệt.
Và tôi đã nhẫn tâm để mặc em vác túi đá nặng trên vai, đi liêu xiêu trong gió.
Tôi không thể giơ tay ra đỡ.
Ở nơi đây, dưới nước trời, tôi biết tôi đã để mất em. Kẻ chiếm được tình thương của em nằm dưới kia, trong nước.
Gã đang quan sát tôi, và thách đố.


4.
Anh đã bỏ mặc em cô đơn trên thế gian này.
Em nhìn đồng xu nằm xấp trên tay, đây là đồng xu mà ông già Tiểu Ngục đã tặng em bên cầu Đoạn Hà, cùng lời ước duy nhất. Và đồng xu đã nằm xấp.
Tóc em đã rời ra từng lọn. Da mặt đã lấm chấm những vết khóc qua bao tháng bao ngày lê bước trên thế gian tìm anh.
Thời gian của em sắp hết.
Nước trời rơi rơi trên đầu em từng giọt, từng giọt thảm thiết.
Nhưng anh ơi, cho dù nước quên đã ngấm vào từng mao mạch và hơi thở của em, cho dù trái tim anh chỉ còn là một khối quặng trơ lì không tan chảy bởi những lời mắng nhiếc của ông già Tiểu Ngục, và bởi tình yêu của em chỉ như gió như sương, cho dù dưới nước kia một người vẫn lặng lẽ chờ đợi sự trở về nồng ấm của em, cho dù em sẽ bước qua dải thiên hà để về bên sông Đoạn Hà, làm cai lệ ngàn năm để rồi ông già Tiểu Ngục lại đóng cho em một con thuyền, em vẫn sẽ đi tìm anh.
Bởi để quên được anh, em sẽ phải đi qua hết những cuộc đời như cuộc đời này.

VÕ THỊ XUÂN HÀ

Phần nhận xét hiển thị trên trang