Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 21 tháng 8, 2013

“Ông Cục phó Cục CSGT đang tự đặt... lệ làng”

(GDVN) - "Ông Cục phó C67 ký một văn bản như vậy là không đúng, về mặt luật pháp nó không được thừa nhận. Và như vậy, ông Cục phó Cục CSGT tự lập ra 'lệ làng', bắt người khác phải theo".

Như Báo Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, mới đây Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67 - Bộ Công an) có văn bản số 1042/C67-P3/2013 do Đại tá Trần Sơn Hà, Phó Cục trưởng ký gửi Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có đoạn: “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ, hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiệm vụ.

Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản
; nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.

Văn bản của C67 đang "đè" lên luật
Trao đổi với Báo Giáo dục Việt Nam, ĐB Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc) thẳng thắn đánh giá, việc C67 ra văn bản này chẳng khác gì tự đặt “lệ làng”.
“Đây là một văn bản sai trên mọi khía cạnh, nếu nó làm ảnh hưởng tới hoạt động của báo chí thì đã vi phạm luật. Nhà báo có quyền tác nghiệp và được luật báo chí bảo vệ, các đồng chí CSGT làm nhiệm vụ không có quyền yêu cầu phải xuất trình thẻ mới cho quay phim, chụp ảnh.

Còn nếu không phải là báo chí thì là người dân quay phim, chụp ảnh và CSGT cũng không có quyền ngăn cản. Do vậy, Cục phó C67 ký một văn bản như vậy là không đúng, về mặt luật pháp nó không được thừa nhận. Và như vậy, ông Cục phó Cục CSGT tự lập ra 'lệ làng', bắt người khác phải theo”, ông Bảo nói.
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo: Văn bản của C67 chẳng khác gì tự lập ra lệ làng.
Theo ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo, Việt Nam đang hướng tới “một đất nước pháp quyền”, mà đã là "pháp quyền" thì mọi việc làm phải căn cứ trên luật, không thể có chuyện một văn bản ở cấp cục mà lại đè lên luật.
“Hàng năm, Quốc hội họp để bàn chuyện làm luật, rất tốn kém thời gian, sức lực và kinh phí. Nếu C67 ra văn bản kiểu này thì ở Bộ khác cũng có các cục ra văn bản kiểu như vậy, thế thì luật Quốc hội thông qua không còn hiệu lực? Đó là chưa nói, Cục phó C67 cũng không có đủ thẩm quyền để ra một văn bản với nội dung hạn chế quyền của báo chí và quyền của người dân”, ông Bảo bày tỏ.
Trước những thông tin Đại tá Trần Sơn Hà – Cục phó C67 lý giải rằng, văn bản này nhằm ngăn chặn những đối tượng không phải là phóng viên nhưng lại quay phim, chụp ảnh làm ảnh hưởng tới hoạt động của CSGT, ông Bảo phản biện: “Lý giải của đồng chí Cục phó chỉ là biện minh và nó không đúng, nếu phát hiện ra trường hợp nào vi phạm pháp luật thì họ được phép ngăn chặn, điều tra và đề nghị khởi tố.

Còn nếu viện ra lý do này để đưa vào văn bản nội dung yêu cầu nhà báo, phóng viên phải xuất trình thẻ, gây khó khăn cho hoạt động báo chí là hoàn toàn sai. Với người dân, CSGT càng không được phép ngăn cản họ, còn ai làm điều ấy vì ý đồ xấu thì sẽ bị xử lý theo luật”.

CSGT làm đúng quy trình không sợ quay phim, chụp ảnh
ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo cũng thẳng thắn nói rằng, nếu CSGT làm nhiệm vụ và tuân thủ đúng các quy trình của ngành thì không phải lo ngại ai quay phim, chụp ảnh. Tuy nhiên, trong một chương trình trả lời trên Cổng điện tử Chính phủ gần đây, chính một lãnh đạo của C67 thừa nhận khi thực hiện công vụ đã có những CSGT vướng vào tiêu cực và bị xử lý kỷ luật.
Ông Bảo nói: “Chỉ có đồng chí nào làm không đúng thì mới sợ bị quay phim, chụp hình, còn nếu làm đúng thì chẳng việc gì phải sợ; thậm chí để chống tiêu cực trong ngành thì còn phải khuyến khích nhân dân và báo chí tăng cường giám sát.

Lâu nay, chúng ta cứ nói đi nói lại là người dân phải được biết, được quyền giám sát – kiểm tra các hoạt động của cơ quan công vụ, vậy thì tại sao lại ra văn bản trái khoáy như vậy. Tôi nhắc lại là một Cục phó không có thẩm quyền ra văn bản với nội dung như vậy, nội dung này đè lên cả luật khác, sai trầm trọng”.
PV Báo Giáo dục Việt Nam cũng đề cập tới thông tin trước đó Báo Lao động đã đăng tải, cho biết khi tác nghiệp ở Hải Phòng đã bị một nhóm CSGT chặn xe, gây sức ép, buộc phải trình thẻ nhà báo mới cho đi.

ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo cho biết: “Tôi đã đọc thông tin này, nhà báo tác nghiệp ở khu vực không bị hạn chế, và cũng không phỏng vấn, làm việc trực tiếp với nhóm CSGT, do đó CSGT ép họ phải trình thẻ mới cho đi là sai luật.

Thời gian qua, đã có rất nhiều vụ việc tiêu cực ở lực lượng CSGT đã được báo chí công khai, đây là việc làm cần thiết để góp phần làm trong sạch lực lượng Công an nhân dân. Nếu phóng viên báo cho CSGT rằng sẽ chụp ảnh, quay phim thì liệu có còn phát hiện ra tiêu cực? Tôi nghĩ là không”.
Ông Bảo cho hay, những năm gần đây, các cơ quan công quyền đã ra hàng nghìn văn bản dưới luật không đúng luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, và cũng có nhiều văn bản trái luật, không phù hợp với thực tế đời sống và văn bản này của C67 cũng là mộ trong những trường hợp như vậy.
“Tôi cho rằng, C67 cần phải rút lại văn bản này và có sự điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời công khai để dư luận cả nước được biết. Tôi và nhiều ĐBQH khác sẽ nêu vấn đề này trong kỳ họp Quốc hội tới đây”, ông Bảo cho biết.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sợ giả danh Nhà báo?

Giám đốc Công an Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung – phát động cuộc thi  ‘Công an Hà Nội vì nhân dân phục vụ – Vì thủ đô bình yên’ và đã tìm được các bức ảnh để trao giải về “hình ảnh đẹp của công an”.

Tác phẩm “Phân luồng giao thông” của tác giả Ngô Lịch đoạt giải nhất. Ảnh: CAND
Liền sau đó video clip tố cáo hai Cảnh sát giao thông ở Đất Đỏ – Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chặn xe lập biên bản rồi ăn chặn tiền người vi phạm được tung lên mạng. Dù cho tờ Công an TPCHM đã ra tay cứu bồ bằng bài viết “Sự thật…”. Nhưng, ai mà chẳng biết cái sự thật đó là gì. Thỉnh thoảng, trên báo Công an xuất hiện những bài viết hô hoán là “sự thật” thì hãy hiểu rằng, sự thật ẩn giấu đâu đó xa xa. Cuối cùng dưới áp lực dư luận thì sau đó công an Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã phải đình chỉ công tác hai viên cảnh sát giao thông nói trên.
Mãi lộ, nếu không thì lấy ai làm việc?
Nạn mãi lộ ở Việt Nam nhức nhối và gây tác hại khủng khiếp cho tính mạng người dân, đó là việc mất an toàn giao thông, phá nát cơ sở hạ tầng mà cái phá nát lớn nhất lại là kỷ cương, luật pháp.
Chuyện cảnh sát giao thông nhận mãi lộ ở Việt Nam, xưa nay là chuyện “ắt, dĩ, tất, ngẫu” không cần bàn cãi. Nạn mãi lộ, tham nhũng cứ leo thang ngày càng cao theo những lời thề hứa, những chính sách, những chủ trương ngày càng ráo riết và tốn tiền dân của ngành công an.
Lệnh công an giao thông: “Ðưa tiền mới được đi.” Ảnh: Báo Tuổi Trẻ)
Đến mức, báo chí đã có hàng loạt phóng sự, bài viết, ký sự… với rất nhiều đợt và rất cụ thể. Ngay từ thời ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng đã phải kêu lên “CSGT nào nhận 5 ngàn đồng từ lái xe, sẽ bị đuổi khỏi ngành”. Rồi khi Tổng cục Cảnh sát tổ chức các đoàn Kiểm tra Đặc biệt. Chỉ một thời gian ngắn, nhiều chiêu trò tham nhũng, hối lộ và nạn cướp cạn bị đưa ra trước công luận xã hội đã làm hoảng hốt nhiều người. Cứ tưởng tình hình vậy thì sẽ tốt hơn.
Nhưng rồi đâu lại có đó, tất cả vẫn như cũ. Đến mức, báo chí đã phải kêu lên rằng trò này còn “Ghê hơn cướp cạn” mà cũng ít thấy ai bị đuổi khỏi ngành bao giờ. Người ta có cảm giác nếu đuổi, nếu kỷ luật CSGT ăn mãi lộ thì “lấy đâu cán bộ mà làm việc”.
Chỉ có nhà báo viết những bài báo này thì hiện đang nằm trong nhà tù.
 Những hình ảnh mãi lộ tại Thanh Hóa do phóng viên Hoàng Khương của Báo Tuổi Trẻ thực hiện đầu tháng 9/2011. Ảnh: Báo Phụ nữ
Nguy cơ lộ sáng hình ảnh các “đầy tớ nhân dân”
Thế rồi mạng internet ra đời và các mạng xã hội đã phát huy tác dụng của nó là phản ánh sự thật cuộc sống. Hàng loạt thông tin, hình ảnh, video được đưa lên từ nhiều nguồn, từ báo chí và người dân. Từ cảnh ăn chặn tiền trắng trợn của người dân, đến ngang nhiên vi phạm luật pháp, vi phạm quy định, hống hách, hách dịch và hoạnh họe người dân nhằm kiếm tiền… Tất cả được phản ánh nhanh chóng trên mạng, trên các diễn đàn… nhờ các phương tiện ghi âm, ghi hình ngày càng đa dạng và phổ biến. Rồi những cảnh công dân vặn lại cảnh sát cố tình bắt lỗi khi họ không vi phạm thành bài học cho nhau. Vì thế việc bóp nặn và kiếm ăn càng ngày càng khó khăn hơn. Lúc đầu, thì công an đánh bài lờ.
Viên CSGT đang thực hiện hành vi “mãi lộ” với 1 người điều khiển xe gắn máy vi phạm (ảnh cắt từ clip). Ảnh: VTC
Dù một cảnh sát có công phu, kín đáo ra sao đi nữa, thì việc nhận mãi lộ vẫn thường xuyên xảy ra trước mắt người dân, vì thế việc giấu nhẹm không phải dễ dàng. Đặc biệt là khi người dân cảnh giác. Bởi vì, nếu là báo chí nhà nước thì có thể nắm đầu Tổng Biên tập kiểm soát tin tức đưa lên báo là xong. Nhưng báo chí nhân dân thì không dễ dàng như thế.
Đến mức này thì công an cũng… hoảng.
Để đối phó với trường hợp này, nhiều chiêu trò đã được sử dụng. Từ việc dừng xe chỗ khuất, di chuyển địa điểm, đến việc cuộn tiền vào cây gậy chỉ huy giao thông ra sao, những cuộc điện thoại giải thoát cho con ông cháu cha, việc mua tuyến, bảo kê… tất cả đều được sử dụng thành thạo. Nhưng chưa đủ để chống lại con mắt nhân dân đang ngày càng cảnh giác khi mỗi người dân là một chiến sĩ thông tin nhờ các công cụ hiện đại và mạng internet.
Và những chiêu mới được bày ra.
Sài Gòn có chiêu “chống cãi cự CSGT” bằng những người không hề quen biết, không hằn thù với nạn nhân tấn công họ những trận đòn nên thân, thậm chí là thiệt mạng sau khi cự cãi với CSGT (!). Nhiều nơi, cứ có chốt CSGT đóng để nhận mãi lộ, thì ở đó có đám cò mồi hoặc bặm trợn gây sự với lái xe, người có ý định quay phim, chụp ảnh. Mô hình này có tác dụng nhất định và đang được nhân rộng ra một số tỉnh phía Bắc. Tờ Thanh Niên viết “Thời gian gần đây, Báo Thanh Niên tiếp nhận nhiều đơn thư, phản ánh của người vi phạm giao thông bức xúc về việc họ bị xử “oan”, nhưng sau khi tranh cãi với CSGT thì đa phần là thua, thậm chí bị ăn đòn”.
Người đàn ông to con đánh người vi phạm. Ảnh: Thanh Niên
Đấy là cách xử lý cấp thấp, còn ở cấp vĩ mô, ngành công an làm gì?
“Xử lý nghiêm” – lời nói của quan chức
Đó là câu cửa miệng kiểu “ơn Đảng ơn Chính phủ”. Bất cứ vụ việc tiêu cực nào, khi dính đến lực lượng công an, cảnh sát vi phạm, thì câu đầu tiên người dân nhận được là “sẽ xử lý nghiêm”. Còn thực tế, cái nghiêm là thế nào, xin hãy đợi.
Tai nạn giao thông tăng chóng mặt với giai điệu “Năm sau cao hơn năm trước” và tính mạng người dân cứ ra đi nhiều hơn một cuộc chiến tranh khốc liệt. Thế nhưng, đã bao đời bộ trưởng, bao tiếng gào thét, bao kế hoạch và tiền dân đã ra đi, tình hình vẫn không cải thiện.
Mới đây, ngày 2/7 trong cuộc tọa đàm “Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông”, một người dân đã đề nghị Bộ trưởng CA lập Facebook để giúp người dân dễ dàng chuyển thẳng cho bộ trưởng những hình ảnh nhà xe mỗi khi tới chốt CSGT chỉ mất 5-10 giây là lại lao vun vút, xe chở quá số người quy định, chở quá tải “vẫn đi ngon”.
Khi đề cập đến vấn đề này, Ông Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt – Bộ Công an, cho biết đây là câu hỏi mà ngành công an trăn trở trong nhiều năm. Và cũng theo ông Hà, Bộ Công an đã chỉ đạo chặt chẽ các lực lượng, phải thực hiện theo pháp luật và sự giám sát của nhân dân. “Chúng tôi có quy chế để kiểm soát và có đường dây nóng của Cục CSGT đường bộ, đường sắt và các tỉnh thành, mong nhân dân giám sát, phát hiện trường hợp sai phạm phản ánh qua đường dây nóng hoặc có đơn thư khiếu nại, chúng tôi sẵn sàng giải quyết” – ông Hà nói.Thế nhưng, chính ông Hà đã tự mâu thuẫn với câu nói này của ông khi chỉ trước đó 2 tháng, ngày 26/4/2013, ông ký văn bản số 1042/C67-P3/2013 gửi Trưởng phòng CSGT các tỉnh. Văn bản viết: “Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ, hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiệm vụ”.
Như vậy, văn bản này đã mặc nhiên coi việc quay phim, chụp ảnh các hoạt động của CSGT “khi chưa được phép” là hành động phạm tội và cách xử lý là “Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản; nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.
Hẳn nhiên là nếu đúng là nhà báo, Phó Cục CSGT Đường Bộ – Đường Sắt của Bộ Công an có thể can thiệp với Tòa soạn hoặc TBT để kiểm soát thông tin. Còn nhân dân thì chắc sẽ khó khăn hơn, nên phải “tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”  - Nhưng chưa hiểu ông căn cứ vào điều luật nào? Khi bị phản ứng bởi báo chí, ông Hà lập tức giải thích ngược lại hoặc rất tự mâu thuẫn.
Chống… lộ sáng
Trước những câu hỏi của báo chí, ông Cục Phó cũng phải bật ra câu nói sau“Bây giờ anh em cứ bị báo chí giám sát từng bước của nhà báo thì làm ăn được cái gì”.
À, thì ra vậy, vấn đề là ở chỗ nếu bị chụp ảnh, quay phim, thì không “làm ăn được cái gì” nên ông cấm.
Hình ảnh viên CSGT nhận mãi lộ dưới cầu Rạch Chiếc. Ảnh chụp từ video clip. Người Đưa Tin
Ừ, thì thà ông nói thẳng toẹt ra là: Tao đếch cần luật lệ gì nhé, tránh xa chỗ CSGT cho chúng nó làm ăn, không quay phim, chụp hình gì ráo, thằng nào quay, chụp mà không xin phép để bố trí trước, thì bắt giữ và điều tra”.  Vậy có phải tiện hơn cho tất cả không?
Và vấn đề cần đặt ra, là vì sao ông Hà phải đi ngược luật pháp để quy định ngăn cản việc người dân có thể giám sát các “đầy tớ” của mình làm ăn khuất tất? Tại sao chỉ trong hai thời gian cách nhau không dài, ông Trần Sơn Hà – Cục Phó cục CSGT lại thay đổi nhanh chóng lời nói và hành động của mình?
Còn nhớ, cách đây không lâu, một số CSGT Thừa Thiên – Huế đã phải nộp 120 triệu đồng để mua lại đoạn phim cho một nhóm thanh niên đã quay được trong quá trình “tác nghiệp” của CSGT. Việc này, các thanh niên này giả danh báo chí nên bị kết tội tống tiền.
Vấn đề là vì sao, khi “tác nghiệp” bị quay phim lại thì CSGT phải nộp 120 triệu đồng? Câu trả lời của viên CSGT ôm tiền đi mua đoạn phim chỉ vì “Mặc dù biết bị tống tiền, nhưng vì sợ ảnh hưởng đến công việc, uy tín… nên cả 5 anh em tổ công tác đã góp mỗi người 24 triệu đồng để gửi cho Bảo và Trung nhằm được yên chuyện” xem ra không mấy thuyết phục và chẳng ai tin.
Còn việc ông giải thích là để chống lại những kẻ giả danh nhà báo? Tại sao lại có những kẻ giả danh nhà báo đến với CSGT? Mà họ giả danh để làm gì nếu CSGT luôn “trung thành, tận tụy, kính trọng và lễ phép với nhân dân”?
Chỉ cần trả lời câu hỏi đó, đủ hiểu cái văn bản của ông Trần Sơn Hà cục phó là cái phao cứu những CSGT đang làm loạn xã hội bằng nạn nhũng nhiễu và hối lộ, mãi lộ ra sao.
Thực chất, những chiến sĩ cảnh sát, công an được mệnh danh là đầy tớ nhân dân, có nhiệm vụ thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi… giờ đây đã đổi vị trí. Nạn nhũng nhiễu, hối lộ đã biến họ thành gánh nặng, nỗi sợ hãi của người dân.
Và cái văn bản nói trên, không phải vì ông sợ những kẻ giả danh nhà báo mà ông chỉ sợ những kẻ giả danh đầy tớ bị lột mặt mà thôi.
Hà Nội, ngày 21/8/2013
N.H.V.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

MUỐI MẶT

CHUYỆN VẶT NHƯNG... MUỐI MẶT

1.Cái chuyện cục CSGT ra "công văn nội bộ" về việc cấm quay phim chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ đã gây ra hiệu ứng ngược.  "nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh làm rõ với những đối tượng quay phim, chụp ảnh CSGT khi chưa được phép. Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản; nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật". Minh bạch thì sợ quái gì "đứa" nào? lại nhớ hồi nào có bác gì rất to hỏi trước quốc hội hay sao ấy: Ngoài đường có gì mà ai cũng thích ra đường đứng, ai cũng thích làm CSGT. Cái lạ là, dù rất nhiều thanh kiểm tra, nhưng những vụ CSGT nhận tiền mãi lộ thì toàn do báo chí và dân phát hiện. Và phát hiện chú nào thì chú ấy chịu, các chú còn lại vẫn yên lành. Có đi xe đò hoặc xe tải trên đường mới thấy, cái sự mãi lộ, trấn tiền tài xế nó công khai đến như thế nào, nó trơ ra trước hàng vạn cặp mắt như thế nào, ai cũng biết, chỉ ít người không biết, huhu...

2.Các xã phía Nam của huyện Chư Sê dân sống trên mỏ đá. Chỉ đào xuống 20 cm là gặp đá, miên man đá, dằng dặc đá. Mình đã có chuyến đi viết về... đá ở đây. Với 20cm đất, bây giờ dân chỉ có thể trồng ớt để nó không bị gãy đổ khi lên cao- có cái gì đấy hơi giống với Hà Giang. Vừa rồi có bà kia đào ao, xin phép đàng hoàng, và đào được một hòn đá đẹp. Lại phải nói, dân ở đây hầu như ai cũng chơi đá, cứ thấy màu đẹp, hình cổ quái là sửa sang rồi bày, kể cả các đc... lãnh đạo. Bà này mang đi sơn tút thì bị huyện lập biên bản, phạt 2 triệu và còng viên đá ở trụ sở huyện. Bà này cú, kiện ra tòa. Trong lúc tòa đang xử lý thì huyện chuyển hòn đá cho tỉnh, tỉnh cẩu lên đặt ở cái bệ nguyên là nơi đặt tượng ông anh hùng Núp. Nói thật, 1000 người đi qua thì đều có 1000 linh 5 câu hỏi là can cớ gì mà tương hòn đá lên đấy, khi nó không phải là đá quý hình thì không đẹp. chịu, hỏi ông thầy dùi nào đấy may ra. Hôm nay tòa mới tuyên vụ bà ấy kiện chủ tịch huyện về hòn đá, nhưng hòn đá đã chễm chệ nằm trên cái bệ anh hùng ấy cả năm rồi. Chủ tịch huyện không dự tòa mà ủy quyền cho trưởng phòng Tài Môi, và thấy ông này trả lời mấy câu hỏi của luật sư rất ấm ớ. tất nhiên rồi áo chả qua khỏi đầu, gần như mọi người đã đoán tòa tuyên như thế nào, bởi nếu tuyên bà kia thắng thì lại phải rầm rộ kéo lên thành phố làm lễ động thổ hạ viên đá chở trả về cho bà chủ đá à? Chả ai hiểu cái kiểu làm việc lạ lùng ấy nó ra làm sao cả. Riêng mình, mình ủng hộ bà kia, đã mệt mệt luôn, kiện đến cùng xem sao. câu hay nhất của bà nông dân này nói trước tòa là: nhà lãnh đạo huyện cũng đầy đá sao không thu???

Giới thiệu với các bạn hòn đá đặt ở ở bệ anh hùng, và khi nó đang bị cùm ở trụ sở huyện. Ông trường phòng Tài Môi lý giải đóng rọ sắt nhốt cục đá tức là niêm phong rồi đấy- 
Người đứng trong ảnh nhỏ là bà nông dân Trần Thị Sắc, chủ của viên đá::



3. Mình là thằng mê bóng đá, có thể thức cả tháng để xem bóng đá quốc tế. Bóng đá quốc nội thì từng tai thì nghe radio anh Đình Khải, Hoài Sơn, mắt thì vtv3... Thế nhưng từ hồi có anh bầu nửa đêm gọi điện thông báo với báo chí đòi... bán đội bóng (như bán củi ấy) vì phản ứng với ban tổ chức thì mình nản. Và linh cảm mọt sự đổ vỡ sẽ đến với bóng đá VN, vì nó phụ thuộc vào sự ngẫu hứng của các ông bầu, chỉ 1 ông bầu, chả bị ai ràng buộc, kể cả khán giả, cổ động viên, nhưng người làm nên bóng đá. Và y như rằng, sau khi Thanh Hóa liên tục dọa BTC vì cho rằng bị ép thì đến lượt SGXT bỏ giải, bỏ ngang xương như kiểu vợ giận chồng bà không ăn cơm (trước đấy làm tô phở cho chắc dạ rồi). Họ làm bóng đá không phải vì nhân dân, vì khán giả, mà vì họ, vì chính sự khoe khoang và tự ái của họ. May, mình biết điều này từ cách đây chục năm, và cả chục năm nay, cái chỗ quen thuộc của mình trên khán đài sân PK đã không có mình (dù vẫn... xem trực tiếp qua TV, hehe).

4. Cái chị Oanh ở bệnh viện Hoài Đức đang kêu cứu vì bị khởi tố bị can. Nghĩ cũng tội cho chị này. Là người đầu tiên ký tên vào đơn tố cáo, nhưng bị lộ ngay ngày đầu tiên gửi đi, (chắc công an cũng sẽ điều tra xem lộ từ khâu nào), nên bị gia đình và chính giám đốc áp lực, phải "tự nguyện" rút đơn tố cáo nhưng vẫn tham gia rất tích cực vào việc thu thập chứng cứ, thậm chí là người có công nhất, vì chỉ chị mới có điều kiện để đặt camera... thế và, khi 3 đồng nghiệp kia nhận giấy khen và 320.000vnđ tiền thưởng thì chị nằm trong diện điều tra, và hôm kia thì chính thức bị khởi tố điều tra. Tình ngay lý gian, chắc khi điều tra họ cũng chú ý tới tình tiết này. Nhưng giá mà, họ nghiên cứu trước, đừng khởi tố chị thì hay hơn. Bởi với một người bình thường như thế, bị khởi tố thì mất ăn mất ngủ là cái chắc. Và nữa, Hà Nội cũng tuyên bố là sẽ bảo vệ người tố cáo... Chị Oanh là người tố cáo đang mất ăn mất ngủ đấy, huhu...

5. 
Trên đây là nụ cười tươi rói của bà hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhung, trường THCS Hà Bình khi tiếp phóng viên và được phóng viên hỏi về vụ có 2 học sinh trong trường bị một cô giáo cũng trong trường đưa đi làm gái mát xa. Cô này cười cợt từ đầu đến cuối và thản nhiên nói: "đến thời điểm này tôi chưa được trao đổi hay nghe thông tin gì, mà chỉ nghe được thông qua công an xã, huyện báo đến nhờ đấu mối cho gặp cô Lê Thị H"... Điều kinh dị là, 2 cháu gái này vì xấu hổ mà đã nghỉ học, nhưng cô hiệu trưởng vẫn không mảy may xúc động, không một động thái bảo vệ hoặc đến nhà các cháu chia sẻ động viên các cháu đi học. Cứ ngồi cười như... đười ươi giữ ống thế mà vẫn làm hiệu trưởng được, tài thật, tiên sư anh...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

An Thảo

PHIẾM NHẠT


1.
Tự dưng thấy mọi sự ngoài bốn bức tường căn hộ bé xíu của em chả quan trọng gì. À quên, trừ những thứ em nối dây vào tim, vào lòng. Những gì phải vận gan ra để đọ, để khỏi đụng... thì không có cơ lọt vào không gian này.

Chả tức, chả thú, chả gì đời sất. Y như một gã ma men không còn biết say dù uống bằng phễu chứ chén vứt ra cống lâu rồi, vì hệ miễn dịch của gã đã không buồn chấp
 rượu nữa. 

2.
Tivi nhà em hỏng do chập mạch chứ ko do bị đấm khi xem. Có đứa bảo hay vì nước bọt văng vào lúc đang xem kèm chửi. Em nghĩ do mấy vị chập dây trên tivi lây cho tivi nhà em thì có.

Thôi, đêk sửa. Báo mới nhiều lề chứ tivi quan trọng zề. Công nhận ko!

Bố nó đỡ nghiện tivi, con cái đỡ băn khoăn hóng hớt nhạc Hàn, mắt nó đỡ lồi dở xịt dở. Em có FB rồi.

3.
Xe em chả chính chủ. Mấy ngày rồi em đi rất ngoan, không leo hè, không đè vạch, không vượt đèn, không chèn ô tô. Ý là em không có thừa triệu nào lận lưng mà giấy tờ mượn của bà dì nhà ông chú rể thằng cu em họ nhà ông trẻ bà thím nhà chồng đương nhiên đầy đủ nhưng vì chưa ai tìm ra nguyên nhân cháy xe nên em kinh, em chả dám bỏ vào cốp mang theo. Nhỡ cháy thì ngu, thì khổ lây cả công an nhọc công chứng minh xe em không chính chủ.

Hơi lạ là đầy người bị chặn vì các lỗi nào đó mà kiểu gì họ cũng mắc, chỉ có công an mới chỉ cho họ ngộ ra được, rồi có thể kèm cả lỗi không chính chủ, nhưng họ không hề bị túm áo, vặt chìa như trước. Các chú áo vàng chả hiểu sao giữ kẽ với dân hẳn, toàn giơ tay chào kiểu điều lệ trước khi xem giấy (nếu có).

Thôi kệ, cũng hay. Cái sự chính chủ với không lại làm các anh ấy tử tế hẳn thì có khi đừng ai phản đối anh # nữa nhé.

4.
Hàng bưu thiếp rộn lắm rồi. Còn hơn là dùng phong bì bưu điện trơ lắm. Mua hoa thì người nhận còn tiếc hơn người mua chưa chừng.

Em khá mệt mỏi với mấy bài toán lòng vòng này. Vì không kiềm chế được đà theo đời chứ bản thân em có khối cách để thực lòng kỷ niệm nghề giáo. Mà lòng kính trọng thày cô giáo của con, của em thực ra liên quan rất ít đến cái phong trào em đang mềm yếu sa ngã vào kia.

Thôi, không sao. Đời sống mãi cũng qua. Ai thích mấy cái gạch dòng trên đâu. Chẳng qua tự dưng em muốn ghi lại sự đời nhân một ngày thấy gì cũng nhạt hoét.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những người từ chối lương triệu đô

Với 8 con người này, có những thứ là vô giá mà cả triệu đô cũng không mua chuộc được!

1. Nhà toán học thiên tài từ chối giải thưởng 1 triệu USD
nhà toán học Nga Grigori Perelman
Nhà toán học Nga Grigori Perelman
Năm 2003 nhà toán học Nga Grigori Perelman đã chứng minh được giả thuyết Poincaré, vốn được mệnh danh là "bài toán hóc búa nhất thiên niên kỷ".

Perelman được coi là một trong những thiên tài thông minh nhất thế giới. Phải đến tận năm 2010, phương pháp chứng minh được công bố năm 2003 của ông mới được giới khoa học xác nhận.


Phần thưởng cho bất cứ ai giải được bài toán Poincaré là huy chương Fields danh giá cùng 1 triệu USD. Và Perelman đã... từ chối với lý do là "kiến thức quan trọng hơn tiền bạc". Ông cũng hạn chế tiếp xúc với báo chí vì không thích sự phiền toái của danh vọng.

Hiện, nhà toán học trẻ tuổi sống bình dị ở vùng quê St Petersburg cùng chị gái và mẹ.

2. Người trúng xổ số từ chối giải thưởng 2,8 triệu USD
Một người đàn ông Đức 70 tuổi đã từ chối phần thưởng 2 triệu euro (2,8 triệu USD)
Một người đàn ông Đức 70 tuổi đã từ chối phần thưởng 2 triệu euro
Hẳn ai trong chúng ta cũng mơ ước được một lần trúng xổ số? Chưa chắc là ai cũng vậy! Một người đàn ông Đức 70 tuổi đã từ chối phần thưởng 2 triệu euro (2,8 triệu USD) với lý do... không biết làm gì với số tiền đấy.

Người đàn ông về hưu cho biết, ông mua tấm vé chỉ vì bà vợ quá cố là một tín đồ xổ số, và hoàn toàn không có ý định giành giải thưởng.

Sau khi biết mình là người đại thắng, ông đã đến gặp Liên đoàn xổ số Đức và cho biết ông không muốn nhận khoản tiền thưởng. Tuy công ty xổ số đã cố gắng thuyết phục ông nhận giải thưởng, ông vẫn không muốn bởi ông không còn người thân nào xung quanh (vợ ông đã mất và các con đã chuyển đi xa). Cuối cùng, nghe theo nguyện ý của ông già "gàn dở", công ty xổ số đã giữ lại khoản tiền khổng lồ.


3. Người từ chối 4 triệu USD để bán một... cục đá
từ chối 4 triệu USD để bán một... cục đá

Khi đi ngang quả một ngọn núi gần biên giới Yemen, một người đàn ông Ả-rập Xê-út tên là Saleh Gamdi đã tìm thấy một tảng đá tối màu có khắc hình một con chim.

Theo kinh Koran của đạo Hồi, thánh Allah đã cử chim Ababil đi để ném đá Sejil (đá địa ngục) để tiêu diệt quân đội Yemen xâm lăng. Hòn đá này được tìm ở đúng biên giới Yemen, nơi xảy ra trận chiến trong kinh thánh.


Một năm sau, Saleh được mời giá 4 triệu USD để bán hòn đá nặng 131gr. 131gr cũng chính là số từ trong đoạn miêu tả trận chiến trong kinh thánh, càng khiến Saleh tin rằng đây là hòn đá của thánh Allah và quyết tâm không bán nó đi.

4. Nhà sáng chế từ chối 60 triệu USD vì đạo đức
Nhà sáng chế từ chối 60 triệu USD vì đạo đức

Năm 2006, khoa học gia Jeffrey Middlebrook tìm ra cách cô lập khí thải từ việc đốt rác. Đây là một phát minh mà nếu được áp dụng trong sản xuất công nghiệp sẽ tạo ra giá trị vô cùng to lớn.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã rất quan tâm tới phát minh của Middlebrook nhờ tính hữu dụng cao của nó cho công nghệ sản xuất than sạch. Trung Quốc là nước tiêu thụ than lớn nhất thế giới với mục đích chủ yếu cho sản xuất điện. Tuy nhiên, hậu quả của việc này là ô nhiễm khói bụi kinh hoàng ở các thành phố lớn, dẫn đến hơn nửa triệu người Trung Quốc chết mỗi năm vì các bệnh liên quan tới hô hấp.

Chính phủ Trung Quốc đã đề nghị cho Middlebrook 60 triệu USD để chuyển đến một trường đại học ở Trung Quốc và tiếp tục công việc nghiên cứu.

Tuy nhiên, sau khi được nghe về việc bê bối ở các bệnh viện quân y ở Trung Quốc, Middlebrook đã quyết định từ chối lời mời 60 triệu USD và cho biết: "Tôi đã đọc về những điều khủng khiếp xảy ra ở Trung Quốc. Tôi tự bảo mình, tôi không thể nhận khoản tiền này. Dù phát minh của tôi có ý nghĩa thế nào, dù họ có sẽ đầu tư đến đâu, tôi cũng sẽ không thể nhận tiền của Trung Quốc".

5. Tay chơi rock không chịu... cạo râu để đổi lấy 1 triệu USD
Tay chơi rock

Hai ca sĩ của ban nhạc ZZ, Billy Gibbons và Dusty Hill nổi tiếng vì bộ râu ấn tượng của mình. Đã có một lần họ được một người giấu tên đề nghị trả 1 triệu USD để cạo sạch chòm râu này đi và họ đã từ chối.

"Viễn cảnh nhìn vào gương và thấy mình trơn trụi là một ác mộng với chúng tôi. Chuyện đấy sẽ không bao giờ xảy ra, với bất cứ giá nào", Gibbons cho hay.

6. Nữ diễn viên từ chối 1 triệu USD để chụp ảnh khỏa thân
Nữ diễn viên từ chối 1 triệu USD để chụp ảnh khỏa thân

"Cô nàng rắc rối" Lindsay Lohan cho biết, tạp chí Playboy đã từng đề nghị mình chụp ảnh khỏa thân cho ấn phẩm kỷ niệm năm thứ 55 của Playboy. Đây không phải lần đầu tiên Lohan từ chối chụp ảnh khỏa thân, tuy nhiên lần này, mức giá là 1 triệu USD.

Năm 2008, Lohan đã từng được mời chụp ảnh lưng trần với giá 700.000 USD. Khi cô nàng từ chối, Playboy đã đẩy mức giá lên 900.000 USD. Câu trả lời vẫn là "không".

Lohan đã từng chụp ảnh bán khỏa thân vài lần, tuy nhiên chưa bao giờ cô thoát y hoàn toàn.

7. Người đàn ông từ chối công việc 250 triệu USD
Người đàn ông từ chối công việc 250 triệu USD

Với tình hình kinh tế thế giới khó khăn hiện nay, nhiều người đang mơ ước chỉ có được việc làm. Và Greg Coffey, một cư dân London 38 tuổi, đã từ chối lời mời làm việc cho quỹ đầu tư GLG với mức lương cộng thưởng... 250 triệu USD cho 5 năm.

Tuy nhiên Coffey từ chối lời mời này bởi anh vốn đã là một nhà đầu tư rất thành công, với nhiều tài sản như 2 biệt thự bờ biển ở Sydney, nhà sàn ở Thụy Sĩ và một nông trại ở ngoại ô London. Coffey đã kiếm được 300 triệu USD vào năm trước, và đã quyết định từ chối lời mời của GLG để thành lập công ty đầu tư của riêng mình.

8. Cha sứ từ chối hàng triệu USD từ chính phủ
Cha sứ từ chối hàng triệu USD từ chính phủ

Cha sứ Rick Warren, một người giảng đạo Công giáo, luôn tin rằng tôn giáo phải từ chối sự tài trợ từ chính phủ thì mới đúng với lời dạy của kinh thánh. Warren đã cho mở nhiều trung tâm chăm sóc y tế và xã hội khắp thế giới, với mục đích cứu giúp và tuyên truyền lời dạy của chúa Giê-su.

Khi chính phủ tổng thổng Bush ngỏ ý tài trợ hàng triệu USD để giúp Warren trong công việc cứu người này, ông đã nhanh chóng từ chối. Chính phủ Obama cũng đã ngỏ lời và nhận được câu trả lời tương tự.

Theo Warren, quyết định này là để tránh lý tưởng của ông bị ảnh hưởng bởi chính trị và tránh để bị áp lực bên ngoài chi phối.

                                                                                 
                                                                                                 
                       Theo VTC News 
Phần nhận xét hiển thị trên tran
g

Thiền của tôi

 Vệ Tuê 






Ở Madrid
    

Phải đối diện với sự thực thôi. Một khi có đàn ông đẹp trai xuất hiện, không ít trong số phụ nữ chúng ta đã cam tâm tình nguyện cởi quần lót ra lau giầy cho hắn.
    - Lynda Barry - 

    
    

Vừa xuống máy bay, đi trong phòng chờ ồn ào, ai nấy đều ra sức hút thuốc lá, nuốt và nhả khói. Điều này lập tức nhắc nhở bạn: nơi đây đã không còn là nước Mỹ với kiểu giáo đồ sạch bong và cấm hút thuốc, mà đây là châu Âu với khói thuốc mịt mùng và bụi mù.
    
    Thoắt một cái, tôi thấy nhẹ nhõm hẳn. Xe ô tô của nhà xuất bản đang đậu ở bên ngoài. Anh tài xế cất cái biển đề tên tôi, cẩn thận đặt va ly vào dãy ghế sau, rồi phi như bay trên đường.
    
    Do được nghe quá nhiều các câu chuyện thần thoại về Tây Ban Nha, tôi ra sức mở to đôi mắt đang sưng đỏ, tham lam ngắm nghía phong cảnh bên đường như những bức tranh thơ mộng, cùng những kiến trúc tuyệt đẹp, những thiếu nữ La Tinh ngực căng tròn, eo thon. Tất nhiên cũng khao khát muốn ngắm khuôn mặt tuấn tú của hai đấu sĩ bò tót Tây Ban Nha...
    
    Khi xe đột ngột dừng lại trước cổng một khách sạn vô cùng thanh nhã, tôi mở choàng mắt, nhận ra mình vừa thiếp đi. Nghe nói đây là khách sạn tốt nhất Madrid. Muju chưa kịp đến nên chi phí tiếp đãi của nhà xuất bản càng thoải mái hơn, đặt luôn khách sạn tốt nhất, chỉ ở có hai đêm.
    
    Hai tiếng sau lập tức có phỏng vấn. Biên tập viên và lãnh đạo của nhà xuất bản, ngoài ra còn có một nữ phiên dịch gốc Đài Loan tính tình hoạt bát cùng đi với tôi tới tiệm ăn ở lầu hai của khách sạn. Trên bàn ăn đã bầy ngập tràn đồ ăn. Bao tử của tôi luôn phản ứng thật kinh khủng, đó là lúc đói ghê gớm.
    
    Những cuộc phỏng vấn này dù có giày vò người ta, song cũng lần lượt trôi qua. Trong mỗi cuộc phỏng vấn, tôi và Susan như chơi một trò chơi giản đơn. Người phục vụ lần lượt mang tới từng tách trà và cà phê, còn có đủ loại sô cô la đựng trong đĩa nhỏ. Cũng may còn có những thứ đó, mọi cuộc phỏng vấn trong ngày đầu tiên coi như kết thúc mỹ mãn. Tất cả mọi người đều rất hài lòng.
    Tôi và Susan thảo luận xem nên đi ăn tối ở đâu. "Không nên ăn tại khách sạn", cô nói, "Cô cũng muốn đi thăm thú Madrid, đúng không?".
    "Tôi cũng nghĩ vậy", tôi đáp.
    Chúng tôi đi giày thấp, lượn khắp hang cùng ngõ hẻm ở Madrid, xục vào tiệm giày, tôi mua một đôi ủng làm thủ công, hai cái váy đầm hàng hiệu "Lurdes Bergada" của Tây Ban Nha. Khi Susan kiên trì ép tôi phải đứng chụp hình trước quầy sách chất một dãy dài sách của tôi bản tiếng Tây Ban Nha, tôi có phần căng thẳng. Cái kiểu chụp như vậy chẳng đẹp tí nào. Nhất định nom tôi sẽ có bộ dạng giống hệt như e sợ đống sách kia đổ ụp vào người.
    Có lúc tôi thích mình nom không giống như dân viết lách, đi trên đường với bộ mặt ngơ ngác, chỉ có nụ cười nhẹ nhõm, bất cần. Tin rằng mình có thể "men theo đường công giáo gả tới tới cuối cùng" - y hệt kiểu viết trong một cuốn sách khá ăn khách.
    Chúng tôi ngồi trong một tiệm ăn cổ, nổi tiếng nhờ món thịt cừu nướng. Đèn lờ mờ, sàn nhà nom ướt nhẫy, bốn bức tường treo những bức tranh sơn dầu cũ kĩ, giống như một con tàu cướp biển thần bí chìm sâu dưới đáy biển nhiều năm.
    Susan giúp tôi chọn thức ăn. Nhưng dù có dịch tiếng Tây Ban Nha ra tiếng Anh, tôi vẫn thấy đau đầu. "Thôi, tôi quyết định rồi, cô cứ giới thiệu món. Món gì tôi cũng muốn thử", tôi gấp thực đơn lại, tuyên bố dõng dạc.
    Cô ta chớp chớp mắt, "Đừng lo, nhất định cô sẽ thích. Tất cả đồ ăn ở đây đều tuyệt lắm".
    Tôi thích nghe thứ tiếng Anh mang nặng khẩu ngữ Tây Ban Nha của cô. Khi cố nói, luôn có cái kiểu "trời không sập được đâu", khiến bạn thấy hứng thú lạ. Mặc dù những lúc cô nhăn mày nói điện thoại hoặc to tiếng với đám phóng viên, nhưng cô vẫn đem lại cho người ta một cảm giác sáng rỡ và khỏe khoắn. Những lúc cô vui vẻ phá lên cười, rõ ràng nhưu một luồng sáng mạnh, tỏa ra năng lượng tới một ngàn oát.
    Tóm lại, tôi thích cô.
    Sau soup và salad, món thịt cừu nướng thơm nức được bê tới. "Trời, tuyệt quá, món ngon nhất thế gian đây", Susan vỗ tay kêu lên sung sướng. Tôi cũng tin rằng món này ngon hơn tất cả đồ ăn Trung Quốc ở Madrid.
    "Vất vả một ngày rồi, nhưng hãy tin tôi, cô rất cừ đấy", Susan bưng một ly rượu vang lên nói.
    Tôi bưng một ly nước suối Evian, nhã nhặn đáp, "Cám ơn".
    "Thực sự không muốn uống một chút rượu sao?"
    "Vâng"
    "Tiếc quá, thịt cừu ở đây kèm với rượu vang thật đúng là nhất... Có ai đã nói với cô rằng, trên thực tế, cô và tiểu thuyết quá khác nhau không? Mà thôi, chúng ta không nói về tiểu thuyết nữa. Chắc chắn cô đã nói nhiều tới mức có thể nôn ra máu rồi..."
    "Không sao, tôi thích nghe cô nói chuyện".
    "Một trong những bí quyết đó chính là rượu vang. Rượu vang luôn giúp cô tươi trẻ".
    Tôi cười, gật gù. Quả thực giờ đây nom cô thật rạng rỡ.
    Cô đặt ly rượu xuống, đột nhiên ghé sát mặt lại gần tôi, "Không được quay đầu lại. Tôi đã phát hiện thấy gã ngồi bàn phía tay trái cứ nhìn cô mãi".
    Tôi nuốt vội một miếng cừu, tròn mắt lên nhìn cô vài giây, "Không được, tôi muốn quay lại nhìn một tí".
    "Không, không, chịu khó một tí. Chúng ta phải giả vờ thật tự nhiên. Trời ạ, anh ta đúng là gãn đàn ông hấp dẫn nhất mà tôi từng gặp. Cứ tin ở tôi".
    Trái tim tôi không chịu nổi cứ đập cuồng loạn. Câu nói cuối cùng của cô khiến tôi thấy căng thẳng lạ thường. Đàn ông hấp dẫn luôn như loài hoa có độc, luôn khiến người ta khát thèm và đói khát. Nhất là khi bạn không thể quay đầu lại hoặc giả bộ như không có chuyện gì xảy ra, ý nghĩ về "anh ta" lại càng lôi cuốn hơn.
    "Ôi giời, anh ta phát hiện ra rồi, đang cười với tôi đây này... Trời, anh ta đứng lên rồi, đang đi về phía chúng ta".
    "Tốt thôi", tôi hít một hơi, quay phắt đầu lại...
    "Trời, đúng là em đó sao? Coco?". Anh đứng trước mặt tôi, giống như một vầng mặt trời to lớn tỏa đầy mùi rượu, mùi bồ đà và mùi đàn ông.
    "Nick?", tôi khẽ ấp tay lên bầy ngực đang đập thình thịch, mỉm cười, cố gắng ép mình nom tự nhiên một chút. Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn buột miệng gọi tên người đàn ông này một cách nhanh chóng và quá dễ dàng, tới mức chính tôi cũng cảm thấy phiền lòng.
    "Chà, sao lại đúng lúc thế nhỉ? Không ngờ lại được gặp em ở đây... Chà chà!". Anh tinh nghịch nháy mắt liên hồi với tôi, ngay cả nụ cười trên môi cũng trần trụi.
    Anh chìa tay ra trước Susan, "Xin lỗi, tôi là Nick". Susan hầu như vẫn hoàn toàn chưa hiểu nổi đã xảy ra chuyện gì. "Tại sao chúng ta lại không cùng ăn nhỉ? Các cô có thấy phiền không nếu tôi và cả bạn tôi nữa cùng ngồi ăn?".
    "Tất nhiên là không rồi!", Susan đáp không kịp nghĩ. Chúng tôi quay đầu lại, nhìn thấy gương mặt tức tối của cô gái tóc vàng đang ngồi ăn cùng Nick.
    Thế là bốn người ăn hết món thịt cừu trong bầu không khí kỳ quái như vậy. Trừ tôi, cả ba người đều uống rất nhiều. Nick cứ dán chặt mắt vào tôi. Còn cô bạn gái anh cứ nhìn qua nhìn lại chúng tôi. Susan hứng chí quan sát cả ba. Tôi chẳng nhìn ai, chỉ mỉm cười.
    Trò chơi đó vừa kích thích vừa vô vị. Thậm chí tôi còn thấy thương thay cho cô gái có mái tóc dài, màu vàng óng ả, cặp mắt xanh tròn và bộ ngực to phải mặc áo lót cỡ D kia. Bạn trai của cô vừa giàu có, thông minh, lại đáng yêu và đẹp trai đến mê hồn. Đáng tiếc vấn đề lại chính ở chỗ đó. Dường như anh sinh ra vĩnh viễn không thuộc về bất cứ một người đàn bà nào. Anh phải thuộc rất nhiều đàn bà.
    "Em nghĩ, em phải quay về khách sạn", tôi mở miệng trước.
    Cả ba người đều nhìn tôi. "Không thể bỏ lỡ cuộc sống về đêm ở Madrid đâu. Trạm tiếp tới ở Barcelona không thể điên rồ như ở đây đâu", Susan phản đối, nhưng khẩu khí không được thuyết phục lắm.
    "Đừng về", Nick lên tiếng, "Anh biết có một chỗ hay lắm, có thể đem lại cho em rất nhiều cảm xúc. Em nhất định phải đi xem".
    "Thôi, em mệt rồi, có lẽ chúng mình cũng nên về khách sạn đi", cô bạn gái tóc vàng của anh cất giọng lạnh lùng và quay người giơ tay ra hiệu với người phục vụ tính tiền.
    "Thế em có thể về trước đi", rõ ràng Nick không hề thích động tác của cô gái gọi phục vụ. Anh mới là người trả tiền, vì thế anh có quyền quyết định khi nào gọi phục vụ.
    Hóa đơn được mang tới. Nick trả luôn tiền cho chúng tôi, mặc dù Susan cứ giải thích mãi là nhà xuất bản trả tiền ăn cho hai đứa.
    Khi chúng tôi phát hiện ra chúng tôi đều trở về cùng một khách sạn, tôi nhận thức được sự việc trở nên phức tạp hơn. Nick xin được số phòng của tôi. Anh ghi số phòng của anh lên vỏ một bao thuốc lá đã hết, trao cho tôi.
    Sau khi ngâm người trong bồn nước nóng, uống một viên thuốc ngủ vì thời gian bị lệch, tôi lăn vào giường. Đúng lúc tôi đang mơ màng đếm đến hơn một trăm chú cừu, chập chờn trong giấc ngủ, điện thoại chợt réo vang. Tôi gắng hết sức mở to mắt, thậm chí phải hít một hơi thật sâu mới nhấc máy. Chẳng phải ai khác, chính là Nick.
    "Anh muốn gặp em", anh đề nghị.
    "Bây giờ sao?"
    "Xin lỗi em. Nhất định là anh có hơi điền rồ, nhưng anh thực sự muốn gặp em".
    Tôi im lặng.
    "Cô ấy bỏ đi rồi... Tụi anh cãi nhau suốt... Anh rất vui vì cô ấy bỏ đi. Anh đã đặt cho cô ấy một khách sạn khác, có xe tới đón. Chắc chắn cô ấy sẽ không có chuyện gì đâu. Anh chỉ muốn gặp em".
    "Mình thật đáng thương quá!", tôi thầm kêu, ôm cái đầu nặng trĩu vì thuốc ngủ đã có tác dụng, không biết làm thế nào để đối phó với gã đàn ông ở đầu dây kia biết gã đã khiến người ta phải phẫn nộ nhưng hết sức gợi cảm khiến người ta liêu xiêu. Tôi đã gặp rất nhiều đàn ông kiểu "hoa có độc" như thế này. Và lần nào hầu như cũng là cảnh tôi như con thiêu thân lao vào lửa, cuối cùng chỉ còn sót lại một đống tro tàn tang thương.
    "Không đùa nữa", tôi hạ giọng nói, "ngày mai có hai mươi phóng viên Tây Ban Nha đang đợi để nghiền nát em. Em phải nghỉ ngơi. Tạm biệt", tôi định gác máy.
    "Đợi đã, vậy mai cùng ăn tối, được không?"
    "Sợ rằng không được", giọng tôi cộc cằn.
    "Thế sau bữa tối vậy, anh đợi em ở đại sảnh lúc mười rưỡi nhé!".
    "Mười rưỡi?"
    "Ngủ ngon nhé! Chúc em mơ một giấc mơ đẹp", anh nói rất dịu dàng. 





Anh thật hấp dẫn, nhưng có độc



     

Phụ nữ luôn mất nhiều thời gian nói: Không, không, không.
    - Mae West - 
    Thanh lịch là sự quyến rũ không thể cự tuyệt.
    - Coco Chanel - 
     

    


Tôi không biết tôi đang ở đâu.
    Thứ âm nhạc ồn ã như xé rashc người ta thành nhiều mảnh. Đủ các loại mùi tạo nên những đợt sóng nóng bỏng nhấp nhô. Nick bịt chặt tai hét lên với máy điện thoại, mặt mày tươi cười rạng rỡ. Tôi không tin anh có thể nghe thấy rõ. Anh chỉ chìm trong cơn hứng phấn đã thành thói quen.
    Tất cả mọi người ở đây như đều tràn đầy một sức mạnh không bao giờ cạn kiệt, ngoại trừ tôi. Tôi không hiểu nổi tại sao tôi lại ở cái nơi nguy hiểm này với đôi mắt thâm quầng. Lẽ ra tôi phải lên giường từ một tiếng trước để giữ nhan sắc.
    Nick châm thuốc, nhìn tôi, mỉm cười. Tôi uống nước khoáng Evian, đột nhiên nheo mắt, nói với anh, "Anh là một kẻ rất ích kỷ, luôn cho rằng mình là quan trọng, luôn ngưỡng mộ mình. Nhưng anh vẫn còn nhiều chỗ phải tự khống chế".
    Anh cười phá lên.
    "Tại sao anh cười?".
    "Dù sao cười vẫn luôn tốt hơn khóc", anh giải thích, ngừng một lúc nói tiếp, "Em có biết anh rất mê em không?".
    Lúc đó bắt đầu có một cô gái điên rồ cởi quần áo, chỉ còn sót lại cái quần lót nhỏ xíu trên người. Cô ta vừa nhảy nhót vừa dùng roi đánh một gã trẻ tuổi nom cũng điên rồ không kém.
    Chúng tôi nhìn cặp bất bình thường đó, rồi quay lại, nhìn nhau. "Em phải đi đây", tôi nói.
    "Được thôi, em luôn giống cô Lọ Lem đi hài thủy tinh luôn biến mất trước mười hai giờ đêm... Vậy tư thế mà em thích nhất là gì? Chạy trốn? Chạy không ngừng?".
    Tôi nhìn anh, xách túi đứng lên.
    "Xin lỗi, không phải là anh phê phán em. Đó là vấn đề của anh. Từ trước đến giờ anh chưa đem lại cảm giác an toàn cho ai". Anh không cười nữa, túm chặt lấy bờ vai tôi, ra sức xô đẩy đám người chen chúc, mở lối ra cửa.
    Đi bộ trên đường một lúc. Đầu óc sau khi được làn gió nhẹ mang hương thơm thực vật phả vào cũng trở nên hưng phấn hơn. Cơn buồn ngủ cũng tan biến. Nhưng trong cơ thể có một tiếng nói không ngừng nhắc nhở: cần phải ngủ, cần phải ngủ! Về đến khách sạn, tôi sẽ chúc anh ngủ ngon rồi đóng chặt cửa, vùi đầu vào gối.
    Nhưng không tìm ra một chiếc tắc xi trống.
    Nick nom thật vui sướng. "Đêm đẹp quá!", anh hớn hở đút hai tay vào túi, nói giọng đầy tự tin, giống như Shakespear đang yêu. Rồi đúng như tôi lo lắng, một giây sau, anh tuyên bố: "Để anh hát tặng em một ca khúc đêm". Anh bắt đầu hát thật, hát rất to, sai nhạc hết cả, tay chân khua loạn xạ.
    "Cục cưng, cục cưng, em cứ im lặng như vậy làm anh đắm đuối. Vì dường như em không còn ở bên anh. Em có nghe thấy anh đang hò reo? Nhưng tiếng của anh đâu khiến em rung động. Cục cưng ơi, em cứ im lặng mãi vậy khiến anh đắm say", anh hát.
    Tôi thực lòng chỉ muốn bỏ chạy. Anh khiến toàn thân tôi nóng bừng, mặt đỏ dừ. Cảm giác như hàng nghìn hàng vạn con côn trùng nhỏ chui vào xương bạn, ngứa vô cùng, vừa kích thích vừa khiếp sợ. Anh cứ lượn qua lượn lại trước mặt tôi, lén theo dõi nét phản ứng trên mặt tôi. Tôi không nhịn nổi cười, né tránh ánh nhìn của anh.
    Một chiếc xe Jeep đắt tiền chở mấy đứa choai choai lướt qua người chúng tôi. Chúng dùng tiếng Tây Ban Nha hò hét rất lớn với chúng tôi và vỗ tay. Vèo một cái, một chai bia rỗng lao tới, Nick kêu ối lên rồi ngồi thụp xuống. Tôi hốt hoảng lo sợ, vội vã đỡ lấy anh: "Anh có sao không?"
    Anh lập tức ôm lấy tôi, nồng nàn đáp: "Anh không sao, chỉ rất khát khao. Anh rất cần em chú ý, cần một nụ hôn của em".
    Mắt tôi hoa lên, thần điên phách đảo.
    Cô gái đáng thương đang nằm trong lòng anh, toàn thân như tan ra. Đây là một món quà hay là một sự trừng phạt mà Thượng đế đã ban cho cô?
    Trong thang máy của khách sạn đắt tiền nhất ở Madrid, cái gương lớn phản chiếu cảnh một đôi nam nữ đứng cạnh nhau.
    Chúng tôi đều im lặng. Trên môi còn đọng lại hơi ấm nồng nàn sau nụ hôn cuồng cháy. Tránh né nhìn nhau, mắt đăm đăm vào con số từng tầng mà thang máy đi lên, có phần căng thẳng. Phòng của anh ở tầng 10, tôi ở tầng 6. Số hiệu tầng 6 đã lóe sáng, thang máy mở toang.
    Sau nửa giây ngần ngừ, anh đi theo tôi ra khỏi thang máy. Cả hai đều không nói. Chân dẫm lên tấm thảm đắt tiền không một tiếng động. Tới của phòng tôi, cả hai đều dừng lại. "Em...", tôi lắp bắp.
    "Chà", anh vội vã nói, "Em mệt lắm rồi, anh nhìn thấy rõ". Anh có ý phát âm từ "mệt" hơi nặng hơn một chút, nhưng mặt rất chân thành, "Vậy chúc em ngủ ngon nhé. Ngày mai gặp lại ở Barcelona".
    "Gượm đã... Anh nói Barcelona?"
    "Anh sẽ bay tới đó, rồi cùng ngày bay tới Buenos Aires với em, rồi bay về New York".
    Chắc chắn nom tôi rất bàng hoàng vì anh nhìn tôi và nở nụ cười chiến thắng. "Đúng rồi, Susan còn kể với anh hai ngày nữa ở Barcelona có một buổi trình diễn ca nhạc Flamenco rất chuyên nghiệp. Có lẽ anh phải kiếm mấy cái vé hàng đầu".
    Tôi không hé răng một câu, lấy chìa khóa, mở cửa. Rồi đóng rầm một cái.
    "Em không sao chứ?", anh gõ cửa, kêu ầm lên.
    Tôi vừa sập cửa, lại mở ra. Anh vẫn đang cười.
    Đột nhiên tôi trở nên mạnh mẽ hẳn, thậm chí còn mỉm cười và nói: "Em không biết đây có phải là một trò đùa thú vị không? Nhưng em biết thế gian này đầy những gã hợm hĩnh và tự phụ như anh.Thật ghê quá. Thôi, ngủ ngon nhé!". Cửa lại đóng lại một lần nữa, vang lên tiếng rất to. 





Ở Barcelona



     

Tôi nghĩ, thẹn thay mình vẫn độc thân.
    - Liz Winston -

    
    

Máy bay xuyên qua đám mây. Tôi và Susan ngồi cạnh nhau, đang lật mấy tờ báo của Madrid. Susan nói, "Mấy bài viết này tích cực ra phết". "Không ai biết khách sạn của tôi ở Barcelona phải không?", tôi bất ngờ hỏi.
    
    Cô nhìn tôi, có phần không hiểu, rồi "A" lên một tiếng, "Ý cô là...?". Tôi tránh ánh mắt cô. "Yên tâm đi, không ai biết đâu. Tôi dùng tên giả đăng ký khách sạn mà".
    
    Im lặng hồi lâu. "Này, thực ra, tôi không hiểu...", cô có phần không an tâm.
    
    Tôi vội vàng nói: "Không sao...". Tôi cười, cúi đầu chăm chú nhìn tấm hình của tôi trên báo. Đó là nơi duy nhất tôi có thể hiểu được trong đống báo tiếng Tây Ban Nha này.
    
    Tôi đã quyết tâm không quan tâm tới việc có gặp phải người đàn ông "đẹp trai" đó không. Anh ta chỉ là một gã hư hỏng bởi tiền và phụ nữ chiều chuộng, một tay chơi rất biết cách lấy lòng và chi phối những người xung quanh. Giờ đây tôi chỉ mong nhanh chóng tới trạm cuối cùng ở Buenos Aires gặp Muju.
    
    Susan đập vào vai tôi, chỉ xuống thành phố màu trắng và bở biển bên dưới máy bay, "Nhìn kìa, đến nơi rồi".
    Con người ở đây rất thân thiện. Tiếng Tây Ban Nha nghe cứ như hát.
    Trong nửa tiếng đồng hồ nghỉ ngơi, tôi vào phòng dịch vụ Internet dưới khách sạn, check mail.
    
    Hòm thư đầy kín. Tôi đọc thư của Muju trước. Thư của anh không dài, vẫn mở đầu bằng thời tiết. "Nhiệt độ ở New York như lên tới 90 độ. Mọi người lập tức mặc đồ mùa hè. Mọi thứ đều biến đổi. Giờ đây trong phòng làm việc cứ rối tinh cả lên. Anh nhất định phải kiên nhẫn hơn. Mọi việc chỉ có thể giải quyết từng tí một".
    "... . Em khỏe không? Đừng lo lắng thời gian ngủ nhiều hay ít. Quan trọng là chất lượng của giấc ngủ. Ngủ được say là tốt rồi".
    "Nhớ em nhiều. Gặp nhau ở Buenos Aires nhé! M".
    
    Tôi nhấp một ngụm trà hoa cúc, lặng lẽ ngắm cây ngô đồng xanh mướt ngoài cửa sổ. Người Tây Ban Nha cưỡi những chiếc xe máy bé tí lượn qua lượn lại trên phố. Mặt trời sáng rỡ tỏa chiếc một bầu không khí nhẹ nhõm và tươi tắn ở xứ người.
    
    Tôi không nhìn nữa, quay ra đọc lại thư của Muju từ đầu. Đây như thể một thói quen của tôi. Tôi luôn đọc đi đọc lại mail của anh rất nhiều lần. Cũng giống như trước khi vứt lá thư vào thùng bưu điện, tôi luôn đọc kĩ địa chỉ và tên họ trên thư vài lần. Điều này đã hình thành nên một căn bệnh cố hữu. Tôi luôn lo lắng mình sai sót ở chỗ nào đó. Tôi cần phải xác định lại mọi thứ như thể những thứ mà tôi hiểu được đang lồ lộ trước mắt. Bất luận đó là một mối quan hệ tình cảm mà bạn đang để tâm, hay là lá thư trả tiền gửi tới công ty điện nước.
    
    Đọc mail của Muju, tôi thừa nhận một cảm giác luôn thường trực gần đây rằng: chúng tôi giống như một đôi vợ chồng đã kết hôn từ rất lâu, xuyên qua những tầng thứ về kịch tính và tình dục, rơi xuống chiếc giường êm ấm nặng nghĩa gia đình. "Thời tiết", "mất ngủ", "thực phẩm" xuất hiện ngày càng nhiều trong các đề tài giao lưu giữa chúng tôi.
    
    Chuyện này thực ra cũng không có gì xấu, vấn đề chỉ là: chúng tôi vẫn chưa là vợ chồng, lại càng không phải là "vợ chồng đã kết hôn từ lâu".
    
    Đối với một cặp bạn tình nhưng lại rơi vào cảm giác kiểu như "vợ chồng lâu năm" sẽ có hai khả năng không xa xôi như sau: Một là đang dần chia tay. Đó là cảm giác từ một "căn bệnh mãn tính" chuyển dần sang giai đoạn phục hồi từng tí một. Hai là sắp kết hôn, thể nghiệm dần những ồn ào và mênh mang của bụi trần thế gian trong tiếng pháo Trung Quốc đì đùng.
    
    Nghĩ tới đây, tôi không khỏi lắc đầu. Tôi luôn nghĩ quá nhiều. Nếu suốt đời này tôi ở vậy, nhất định nguyên nhân chính là do tôi nghĩ quá nhiều. Nếu cơ thể tôi như một vườn hoa đầy bí ẩn kích thích đàn ông đào bởi dục vọng thì cái đầu tôi sẽ như một mê cung đủ khiến đám đàn ông kia phải khiếp sợ mà lùi bước. Và bên trong đó giăng đầy lưới. Như vậy chẳng tốt tí nào, cứ theo lý luận của Đông y thì nghĩ quá nhiều cũng ảnh hưởng tới chất lượng của tóc.
    Lại uống thêm một ngụm trà hoa cúc, thu lại ánh nhìn từ con đường đẹp đẽ, sáng rỡ bên ngoài kính cửa sổ mới phát hiện thấy thời gian nghỉ ngơi không còn là bao, phải tranh thủ đọc mail của bố tôi và Hỉ Nhĩ.
    Bố tôi khoe ông được mời tới giảng dạy nửa năm tại khoa lịch sử của một trường quốc lập ở Singapore, nửa tháng sau sẽ lên đường. Mẹ tôi sẽ đi cùng ông. Bố tôi cùng nói hai đôi giầy tôi nhờ bà chị Chu Sha mang từ New York về cho bố mẹ tôi đều rất vừa vặn. Chỉ có đế giày của bố tôi hơi thấp một tí. Bố tôi vốn không cao. Nếu đi giày đế cao nom đẹp hơn.
    Đọc tới đây, tôi không nhịn nổi cười. Bố tôi tuổi tác ngày càng cao, song ngày càng chú trọng ngoại hình. Từ sau khi tóc bạc, cứ cách vài tháng, ông lại bắt mẹ nhuộm tóc cho ông. Ông có hơn bốn mươi cái caravat, hơn hai mươi đôi giày. Nhưng ông chỉ hút một loại xì gà hiệu "Đế vương" do Trung Quốc sản xuất.
    "Con một mình ở ngoài phải hết sức cẩn thận. Đồ có thể sắm sanh ít, nhưng ăn uống nhất định không được tiếc. Biết chịu chi vào việc ăn uống mới là cách làm thông minh". Cuối cùng ông vẫn không quên nhồi nhét cho tôi cái triết học về "nhân sinh ẩm thực".
    Mail của Hỉ Nhĩ dài nhất, huyên thuyên không ngớt về tình hình gần đây của cô. Cô vừa mở một nhà hàng, kiếm được rất nhiều tiền, nhưng số bạn tình có thể chung chăn gối ngày càng giảm. Cô có tiền, nhưng không có bạn trai, không vui vẻ, nên rơi vào vòng xoáy cũ của những chuyện kiểu như vậy thường xảy ra.
    "Khi nào cậu quay về đây? Nếu cậu không về, chắc mình chết mất. Thượng Hải bây giờ vô vị quá. Bọn Tây đều là lũ vừa rách, vừa bạc bẽo, nói chuyện nhạt nhẽo vô cùng. Tình hình kém xa so với mấy năm trước, đúng là hết một vòng quay thế kỷ. Lúc đó mọi người đều là DKD (viết tắt của cụm từ: Decadence kill Depression (Suy đồi giết chết yếu kém) hoặc Death kill decadence (Cái chết giết chết sự suy đồi)). Tức là vừa điên rồ, vừa ngây thơ. Con người giờ đây quá thực tế, chỉ nghĩ tới việc kiếm tiền, ngủ với gái miễn phí, rồi lại kiếm tiền. Họ tới Thượng Hải chỉ để kiếm tiền".
    "À, đúng là có rất nhiều tin chưa kể: con Lee ở quán bar Thiền sau khi không chịu nổi đã tới làm ở tiệm Bách Lạc Môn do chủ Đài Loan mở lại, kết quả vừa bị bắt. Nghe nói nó bán ma túy cho khách. Còn gã người Anh Andy Smith làm thiết kế nội thất vừa rời Thượng Hải. Nghe nói gã bị dính AIDS.
    "Còn cả Tề Tề sắp lấy vợ nữa. Mình nhận được thiệp cưới, thấy bên trên ghi tên cậu. Xem ra anh ta không hay cậu đi vắng. Mình sẽ tới dự, rồi báo cho cậu về hình dáng cô vợ anh ta sau nhé. Nhớ giữ ấm! Hỉ Nhĩ".
    Tôi vừa ra khỏi phòng Internet, vừa nghĩ tới mấy bức mail nhận được. Tư duy đang rất rắm rối. Trong đầu tôi như thể có một cánh cửa vừa mở toang, một nửa ý thức của tôi đã bay về Thượng Hải, một phần tư còn lại ở bên cạnh Muju. Còn lại một phần tư cuối cùng vẫn còn ở lại Barcelona, tiếp tục mỉm cười trả lời các câu phỏng vấn, giữ tư thế chụp hình và hăng hái làm việc.
    Cuối thư, Hỉ Nhĩ còn nhắc tới tên thật của Tề Tề là "Tề Phi Ưng". Anh là một thanh niên tài hoa, công việc kinh doanh chứng khoán rất thành công, thường làm việc lúc người ta đi ngủ và thường đi ngủ hoặc tiêu rất nhiều tiền khi người ta làm việc. Anh từng được bầu là một trong "Mười thanh niên kiệt xuất nhất Thượng Hải". Nhưng do tác phong sống ham kiếm lạc thú quá bừa bãi, cuối cùng anh cũng không được nhận thêm danh hiệu tôn vinh nào của chính quyền nữa. Tuy vậy tên tuổi anh luôn xuất hiện trên các tạp chí giải trí hàng đầu của Hồng Kông và không thể thiếu được trong bảng danh sách "Năm mươi viên kim cương đại lục".
    Chúng tôi học cùng cấp ba, anh hơn tôi bốn tuổi. Khi anh được chọn vào danh sách "Mười thanh niên kiết xuất nhất Thượng Hải", anh trở thành chồng chưa cưới của tôi. Chúng tôi sống cùng nhau cho đến một buổi sáng mấy tháng sau, trong thùng thư của tôi phát hiện một đĩa CD không vỏ bọc, bên trên chỉ đề tên của anh. Sau khi xem xong, mặt anh biến sắc, thừa nhận có quan hệ ân oán với xã hội đen. Rồi anh bí mật mất tích một tháng. Tôi quay về sống trong căn phòng thuê của mình.
    Hồi đó, phàm những lúc mọi việc không thuận, việc sáng tác liền chìm nghỉm vào khó khăn. Vì thế trong một đêm mưa gió bão bùng, tôi đã thử cứa đứt động mạch tay. Nó thực sự vừa đau đớn, vừa khiến người ta phải khiếp sợ, không chút thú vị. Tôi vừa để mặc cho máu chảy, vừa quả quyết gọi điện thoại cho một chàng trai đã thầm yêu tôi nhiều năm. Anh ta lập tức tới ngay, cứu tôi.
    Chuyện mới xảy ra năm năm trước, thế mà cảm giác cứ như đã năm mươi năm. Vết máu nhỏ xuống bồn tắm đã vàng, gương mặt trên bức hình đã nhòe, chồng chưa cưới ngày nào cũng sắp kết hôn. Tôi không vui, cũng chẳng buồn, không chút quan tâm tới việc anh ta có thực sự sắp lấy vợ hay không. Tôi chỉ không khỏi chạnh lòng nhớ tới caai chuyện năm xưa một màu u ám. Một cô gái trẻ như một con chim rũ chết trong đêm mưa gió bão bùng. Giờ đây nhớ lại chuyện này, tôi lại thấy sống lưng hơi lành lạnh như bị gió thổi tới.
    Buổi tối, tôi cương quyết từ chối lời góp ý chân thành của Susan, nhất định không chịu ra ngoài ăn cơm. Tôi ở lỳ trong phòng ăn theo dịch vụ của khách sạn. Sau đó tôi xem đài BBC, nghe một đoạn tiếng Anh đúng giọng Anh. Cái thứ tiếng Anh này khi đọc lên cứ như luôn có một quả trunwgs vô hình ngậm trong miệng. Nêu không cẩn thận sẽ cắn vỡ nó. Điều này đem lại cảm giác nhầm lẫn rằng bạn rất có giáo dục.
    Mất nửa tiếng tắm táp, nửa tiếng khoanh chân ngồi thiền luyện theo kiểu Muju dạy.
    Không hiểu tại sao trong quá trình ngồi thiền suy ngẫm này, tôi luôn cảm nhận thấy một cơn khát khao tình dục, tuy chỉ xuất hiện có vài giây. Có lẽ sau khi toàn thân thả lỏng, năng lương cơ thể mới bị kích thích và tự do du ngoạn trong cơ thể. Khi nó đi vào khu vực tình dục, bạn sẽ cảm nhận được thứ mà người ta gọi là "gợi tình".
    Uống thuốc xong, tôi nằm xuống giường, gọi điện cho Muju. Chỉ nghe thấy tiếng ghi âm anh để lại. Xem ra công việc ở văn phòng khiến anh thực sự bận rộn. Tôi tắt đèn ngủ, để cơ thể duỗi thẳng trên đống chăn đệm mềm mại, tay trái đặt trên rốn, tay phải nghịch vú trái. Đó là tư thế khiến tôi thấy dễ chịu nhất. Tôi bắt đầu đếm thầm đàn cừu.
    Đột nhiên, chuống điện thoại réo vang. Thậm chí, tôi còn hơi toát mồ hôi. "Trời ạ!", tôi kêu lên khe khẽ, thò tay dứt luôn sợi dây điện thoại, rồi lăn người sang một bên, tiếp tục đếm đàn cừu. Nhưng đàn cừu không hiểu tại sao lại biến thành gã đàn ông có tên "Nick". Một Nick, hai Nick, ba... Thôi được, cũng chả sao, uống thêm một viên thuốc ngủ vậy. 




Như phim Hollywood



    


Những người đàn ông không ngại lãng mạn với chúng ta đáng để nhung nhớ.
    - Marilyn Monroe - 

    
    Vào ngày rời Barcelona, tôi đã được thông báo: sách của tôi đứng số một trong bảng bestseller ở Argentina, trên cả cuốn Lord of the Rings.
    Muju gọi điện tới, thông báo đã xác định lại chỗ cho lượt bay tới Buenos Aires. Anh đến muộn hơn tôi hai ngày.
    Susan tiễn tôi ra phi trường. Cô mua tặng tôi một hộp socola cam tại một tiện nhỏ có tên Gu Gu gần nhà cô. "Bảo đảm cô ăn xong sẽ nghiện ngay. Socola với cam khô ngon tuyệt. Cả thế giới này chỉ nơi đây mới có. Đó chính là tiệm Gu Gu ngay cạnh nhà tôi". Tiếng cười của cô như hàng loạt bọt trong chai cô ca trào dâng, dâng mãi... Thật không nỡ phải rời xa cô.
    "Tôi có thể ăn một miếng không?"
    "Ồ, tất nhiên rồi. Tất cả là của cô mà".
    "Cám ơn".
    Tôi mở lớp giấy bọc, rút ra một miếng chia cho cô, rồi cầm một miếng khác đưa lên miệng. Chao ôi, quả thật đây là món socola ngon nhất từ trước tới nay. Socola chỉ được quết một nửa trên lớp cam khô. Cảm giác miếng socola vừa chui tọt vào miệng, kết hợp với lớp cam khô gắn kết thật kỳ lạ. "Vô cùng gợi cảm", tôi khen.
    Susan cười phá lên. "Nếu luôn được gặp những cô gái như thế này, dẫu có phải chạy khắp thế giới cũng không thấy quá cô đơn và vất vả", tôi thầm nghĩ.
    Để đi đường tắt, xe chạy vào một hẻm nhỏ gần tòa nhà thành phố, bị kẹt cứng bởi một đám biểu tình người Palestine. Đã có không ít xe đang tắc ở đó. Mấy viên cảnh sát đi ra đi vào, song cũng không cứu vãn được tình hình.
    "Họ đang làm gì thế?", tôi lo lắng hỏi.
    "Biểu tình", Susan xem ra cũng lo lắng không kém.
    "Biểu tình vì chuyện gì?"
    "Chà, khó nói rõ lắm, chắc vẫn là những vấn đề Trung Đông cũ kĩ".
    "Tôi cũng đoán vậy", tôi nói. Trong lòng quá rõ tôi và Susan thực ra mãi mãi đều không hiểu rõ được về chính trị, về những cuộc chiến tranh điên rồ. Sao cục diện ở Trung Đông cứ mãi phức tạp như thế nhỉ?
    "Loại người có khuynh hướng bất ổn tạo ra bi kịch", tôi vừa ăn socola vừa lên tiếng.
    Susan gật đầu, "Nhưng chúng ta nhất định không thể để lỡ chuyến bay". Cô nói bằng giọng kiên định và tỉnh táo, mở toang cửa xe, bước xuống đường.
    Tôi nhìn cô đi đi lại lại vài vòng, đang thử tìm cách giải quyết. Thời gian cứ trôi, tôi trở nên sốt ruột. Tôi rất ghét bị trễ máy bay. Cái cảm giác toàn bộ kệ hoạch tự nhiên phải đảo lộn lại thật đáng sợ. Có lẽ điều này có liên quan tới chòm sao của tôi. Tôi thích kế hoạch, nhưng không bao giờ thích kế hoạch bị đảo lộn.
    Tôi hỏi lái xe có thể tìm được đường khác không. Lái xe nói một loạt những từ mà tôi không thể hiểu nổi, trông rất tuyệt vọng. Phía trước và sau xe chúng tôi đã xếp hàng một dãy xe dài. Muốn lui ra khỏi con hẻm cũng không hề đơn giản.
    Susan quay lại. "Không được, chúng ta phải đổi xe thôi!", cô gọi to.
    "Được, nhưng làm thế nào để tìm được xe khác?".
    "Đừng lo", Susan đáp, và lôi di động ra gọi. Mặt cô rất lo lắng.
    Chúng tôi miễn cưỡng đi bộ ra khỏi con hẻm.Susan chửi bới ầm ĩ. Gọi liền mấy cú điện thoại nhưng toàn bận hoặc không ai bắt máy, khiến người ta liên tưởng rằng người Tây Ban Nha hầu như chỉ dùng điện thoại để gọi người tình hoặc đang nằm dài trên bờ biển phơi nắng. Bởi vì đó là một quốc gia rất lãng mạn và sôi nổi.
    Chúng tôi đứng bên đường, vẫy tay gọi tất cả các xe chạy qua. Rồi, "két" một tiếng, nhưu một khuôn hình trong phim, một chiếc Mercedes Benz màu đen đột ngột dừng lại trước mặt chúng tôi.
    Cửa kính xe được hạ xuống, để lộ một gương mặt với nụ cười mê hồn, "Lên xe đi, các cô nương!". Anh ta mở cửa xe cho hai phụ bữ vẫn còn đang tròn mắt kinh ngạc và giục giã, "Nhanh lên".
    Một người đàn ông luôn mặc veston đen hiệu Armani, đi xe hơi đen Mercedes Benz, đẹp trai hơn cả Goerge Clooney. Một người đàn ông luôn xuất hiện đúng lúc bạn không thể ngờ nhất về cả thời gian lẫn địa điểm. Ai có thể chơi hơn được anh ta?
    Tôi im thin thít. Nick ngồi cạnh tôi không ngừng lùa ngón tay vào mái tóc rậm rạp, trò chuyện vui vẻ với Susan.
    "Thật trùng hợp", Susan nói.
    "Đúng vậy, quá trùng hợp", Nick đáp.
    "Không ngờ anh cũng ra phi trường. Trên đời sao lại có chuyện trùng lặp như vậy nhỉ?", Susan ngờ vực.
    "Đúng thế, là do ông trời sắp đặt".
    Rồi trong xe yên tĩnh một lát, chỉ còn nghe thấy tiếng nhạc Jazz lúc được, lúc mất".
    "Cái gì thế?", Nick như thể phát hiện ra châu lục mới khi nhìn thấy hộp socola trên tay tôi.
    Tôi không trả lời, chỉ mở hộp ra. Anh ta nhún vai trước socola, rồi lại mỉm cười nhìn tôi, không nói, nhắc một miếng bỏ tọt vào miệng.
    "Chà!", anh lắc đầu, "Vô cùng gợi cảm!", Susan cười phá lên, tôi cũng bật cười, mặc dù lúc đó thấy mình cũng không nên cười. Đúng lúc hôn nhau như có luồn điện ở New York, anh ta cũng từng nói một câu mà Muju đã nói: "New York khô quá!". Nhưng giờ đây, anh lại nói một câu mà tôi đã nói: "Vô cùng gợi cảm". Nghĩ lại, tần suất những lần trùng lặp như vậy thật không nhỏ.
    Tôi không khỏi nghĩ ngợi sau tất cả những sự trùng lặp này có liên quan gì tới nhau. Một cuốn sách thần bí bán rất chạy có tên "The Celestine Prophecy" từng nhắc rằng: tất cả mọi sự trùng lặp không chỉ là tình cờ, đằng sau nó ắt phải có một lý do bí ẩn nào đó.
    Trước khi tới phi trường, hộp kẹo socola đã hết bay. Sau khi tới nơi, mấy người nom nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
    Tôi và Susan ôm chầm lấy nhau, không nỡ rời xa. Trong cuộc hành trình ngắn ngủi ở Tây Ban Nha, mọi thứ đều rất thuận lợi, tất nhiên cũng có xen vào vài đoạn kịch tính, gây ấn tượng sâu đậm.
    Nick cũng ôm Susan tạm biệt. Từ biểu lộ của Susan có thể thấy rõ anh ta đích thực là kẻ sát gái.
    Susan đi rồi, chỉ còn lại hai người làm thủ tục ở hai quầy khác nhau. Sau đó, anh ta vội vã đưa tôi tới cửa xuất hành của tôi, thời gian quá gấp rút. Anh nhanh chóng rút ra một tấm danh thiếp, bên trên viết số điện thoại cầm tay, điện thoại nhà, hòm thư riêng mà thư ký của anh ta sẽ không thể xem được. Kiểm tra hết một lượt mọi phương thức có thể tìm thấy được anh, anh mới giao vào tay tôi và thở dài.
    "Anh không muốn để em đi. Nhưng chúng ta sẽ còn gặp nhau. Anh tin chắc như vậy", anh nói. Tốt nhất là tôi nên tin tất cả những gì anh nói. Nếu anh ta nói có thể gặp tôi, vậy cứ để mặc anh ta.
    Trước khi đi, anh cúi xuống, hôn lên má tôi, ngần ngử nửa giây, anh lại hôn lên môi tôi.
    Đôi môi anh vừa nóng bỏng vừa mềm mại. Hơi thở thơm tho. Đó cũng là mùi ẩm ướt mà bạn có thể ngửi được giữa hai đùi.
    Phải chuyển máy bay ở Paris. Trên chuyến bay đêm từ Paris tới Buenos Aires, tôi nhét phôn tai và đeo vải bịt mắt, ngủ ngon tới không ngờ. Có lẽ do tôi quá mệt, hơn nữa cũng không còn phải lo lắng nửa đêm có người tới gõ cửa hoặc điện thoại reo bất thình lình.
    Sáng sớm hôm sau, tôi mang theo trinh tiết được bảo toàn kĩ lưỡng từ Tây Ban Nha xuống thành phố Buenos Aires ở Nam bán cầu. 


Vệ Tuệ

Phần nhận xét hiển thị trên trang