Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

Đến với những nạn nhân « gu-lắc » Trung Quốc (1)




Orinbek Koksebek, 38 tuổi, người Kazakhstan, bị tống đi cải tạo 125 ngày.

(Brice Pedroletti, LeMonde 30/12/2018) 

Chế độ Bắc Kinh lưu đày người Kazakhstan và người Duy Ngô Nhĩ trong những trại cải tạo. Le Monde đã thu thập được lời chứng hiếm hoi của các cựu tù nhân.

Xếp hàng đôi, 500 tù nhân được quản giáo ra lệnh lên xe buýt, đội nón trùm đầu. Đến cuối cuộc hành trình, họ phát hiện một trại cải tạo mới, gần như tương tự với trại mà họ vừa rời đi.

« Có những tòa nhà mới xây, và những tòa nhà khác còn dang dở. Phải có đến 3.000 người, trong đó nhiều tù nhân người Kazakhstan như tôi – sinh ra ở Trung Quốc và người ta bảo không nên đổi quốc tịch. Có những người bị bắt do đã sử dụng WhatsApp, người khác thì do nói ‘Assalamu alaykum’(Cầu bình an cho bạn, bằng tiếng Ả Rập) ».

Orinbek Koksebek, 38 tuổi, đã bị giam giữ 125 ngày tại Trung Quốc vào đầu năm 2018, nhưng không thể nói được có bao nhiêu người tù ở hai trại cải tạo mà anh đã bị nhốt, ở Tarbaghatay - tiếng Hoa là Tháp Thành (Tacheng) - một địa khu ở phía tây khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, vuông góc với biên giới Kazakhstan.

Dù nói tiếng quan thoại rất dở, anh phải học thuộc lòng ba bài hát Trung Quốc : « Nghĩa dũng quân tiến hành khúc » (quốc ca Trung Quốc), và hai bài hát mao-ít là « Đông Phương Hồng », « Một hữu cộng sản đảng tụ một hữu tân Trung Quốc » (Không có đảng Cộng Sản, thì không có một nước Trung Hoa mới). Những người thẩm vấn anh nói, nếu không chấp hành thì phải ở tù 5 năm. Anh bị biệt giam sáu lần – một không gian đen ngòm, hết sức chật hẹp – mỗi lần 24 tiếng đồng hồ, chỉ được cho ăn mỗi một chiếc bánh rán, không có nước.

Orinbek Koksebek, và ba người bạn cựu tù khác gặp ở Almaty (Kazakhstan) hay Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), là những nhân chứng hiếm hoi của chương trình bắt cải tạo hàng loạt người thiểu số theo đạo Hồi ở Tân Cương, vùng đất rộng mênh mông ở cuối Trung Á, mà chế độ cộng sản Bắc Kinh quản lý bằng bàn tay sắt.

Tại đây người Duy Ngô Nhĩ, với dân số 11 triệu ở khu tự trị Tân Cương, và cả người Kazakhstan (1,5 triệu), bị bắt vào các nhà tù bí mật, những trường học của đảng, và cả những trại cải tạo rộng mênh mông mới được xây dựng, trong đó khoảng 60 trại bị phát hiện nhờ hình ảnh vệ tinh và các chuyên gia.

Về mặt chính thức, Trung Quốc nói rằng đó chỉ là các trung tâm giáo dục người cực đoan và « trung tâm huấn nghiệp » dành cho người thiểu số, học viên được trả thù lao khi làm việc. Theo đài RFA, một số trại đang được sửa chữa theo hướng này để đón tiếp các thanh tra nước ngoài trong tương lai, và như vậy họ sẽ không thấy được thực tế của các « quần đảo ngục tù » Trung Quốc.

Tống giam tùy tiện

Những cái cớ để giam giữ trong chương trình siêu dân tộc chủ nghĩa và chống tôn giáo này là rất tùy tiện, không có cơ sở pháp lý và đôi khi phi logic. 

Orinbek Koksebek sống tại Kazakhstan từ năm 2005, tại thành phố Semei, gần biên giới Nga. Anh đã nhập quốc tịch Kazakhstan và chỉ trở lại Trung Quốc hai lần để thăm thân nhân, vào năm 2016 và cuối 2017. Chuyến thăm cuối cùng này thật tồi tệ : tại hải quan Trung Quốc, anh bị phê phán là đã rời Hoa lục mà không từ bỏ quốc tịch Trung Quốc. Anh phải ký vào một tờ giấy bằng tiếng Hoa, mà người ta bảo đảm là để thôi quốc tịch, và về nhà chờ đợi thủ tục xong xuôi.

Ngày 15/12/2017, công an đến tìm anh để hộ tống đến biên giới Kazakhstan, cách đó khoảng 20 kilomet, khẳng định rằng tất cả đều ổn thỏa. « Trước hết họ đưa tôi đến đồn công an với cớ cần phải ký giấy, rồi đến một bệnh viện làm xét nghiệm. Sau đó chúng tôi bước vào một trại có hàng rào bao quanh, như một nhà tù. Họ nói với tôi : anh chỉ phải ở đây ba ngày, đó chỉ là vấn đề thủ tục ».

Công an buộc Koksebek cởi quần áo, còng tay và chân, đánh đập khi anh phản đối và tống vào một buồng giam có giường tầng. « Một tuần sau, họ gọi tôi đến. Tôi ngỡ rằng sẽ được trả tự do. Họ bảo : ‘’Anh giữ hai quốc tịch, như vậy là mắc nợ Trung Quốc, và anh là một tên gián điệp’’. Họ nói rằng tờ giấy mà tôi đã ký khi nhập cảnh chứng tỏ tôi muốn giữ quốc tịch Trung Quốc, chứ không phải để từ bỏ - tôi không đọc được Hoa ngữ. Tôi kêu lên rằng tôi là công dân Kazakhstan ». Để trả lời, bốn tên đầu gấu tóm lấy hai tay, hai chân Koksebek quẳng vào một cái giếng sâu hai mét, xối nước lạnh xuống.

(Còn tiếp)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

XUYÊN QUA MỌI LỐI ĐI


Nguyễn Quang ThiềuTheo dõi
THƯ BIÊN TẬP trong các số của VIẾT & ĐỌC thực ra là một tiếu luận ngắn mà tôi thay mặt những người thực hiện chuyên đề này viết. Mỗi bức thư đề cập đến một cái nhìn của nhà văn với đời sống và nghệ thuật.
VIẾT & ĐỌC chuyên đề mùa đông 2018 đang được phát hành. Tôi xin đưa lên bức thư trong chuyên đề mùa đông 2018 với phụ bản của họa sỹ Trần Văn Duy.
THƯ BIÊN TẬP :
Lúc nào cũng có một lối đi xuyên qua tất cả mọi lối đi. Nó dẫn chúng ta, chỉ trong chớp mắt, đến được nơi chốn mà hầu hết chúng ta không bao giờ đến được bằng những lối đi thông thường và cỏ vẻ an toàn nhất mà chúng ta thường lựa chọn với một khoái cảm ngu ngốc là chúng ta đã khôn hơn và hiểu biết hơn những kẻ khác . Nhưng chúng ta không nhận ra lối đi đó. Và nếu có một lần nào đó, chúng ta bất chợt nhìn thấy nó hiện ra trước mắt thì đôi mắt chúng ta lại chứa đầy sự ngờ vực. Không phải chỉ vì chúng ta thiếu lòng tin mà là chúng ta thật sự không hiểu được nó. Và tồi tệ hơn là chúng ta không chấp nhận nó, thậm chí tìm cách chống lại nó.
Thuở ấu thơ, tôi sống ở làng quê, nơi có những khu vườn hoang nối nhau từ đầu làng chạy đến cuối làng. Suốt ba năm liền, từ bảy tuổi đến mười tuổi, tôi mắc bệnh mộng du. Đấy là sau này mẹ tôi nói lại với tôi như thế. Suốt ba năm đó, bà nội tôi và mẹ tôi đã lo sợ cho tôi. Cứ đêm xuống, bà và mẹ tôi bắt đầu đóng cửa kỹ lưỡng và canh chừng tôi. Nhưng trong cơn mộng du, tôi luôn tìm được cách đi qua mọi rào cản. Tôi đi xuyên qua khu vườn hoang trong khi mắt tôi vẫn nhắm nghiền. Mẹ tôi bảo lúc đó tôi vẫn đang ngủ.
Trong những khu vườn hoang, cây cối mọc rậm rì. Nhưng chưa một lần nào tôi đâm vào một bụi cây gai hay va vào một thân cây. Thi thoảng, lối đi đó lại chạy sát mép một cái ao hoặc một đầm nước. Tôi đã vừa ngủ vừa đi men theo bờ đầm mà chưa một lần nào rơi xuống nước. Ai đã dắt tôi đi xuyên qua những khu vườn hoang trong đêm tối một cách chính xác như vậy.
Cuối cùng thì bà và mẹ tôi vẫn tìm thấy tôi đang nấp sau một gốc cây, đang ngủ bên một bụi cây gai hoặc đang nhắm nghiền mắt đứng sát mép đầm nước. Tôi được dắt về nhà và bị đánh mấy roi cho tỉnh lại. Lần nào cũng vậy, sau khi tỉnh dậy, tôi cũng không hề biết chuyện gì đã xẩy ra. Nhưng một lúc nào đó khi đi qua khu vườn, tôi bất chợt nhìn thấy con đường chạy vòng vèo qua những bụi cây gai và những thân cây. Con đường đó hiện ra rõ nét như tôi đã đi trên con đường đó hàng thế kỷ. Đó chính là con đường tôi vẫn đi trong những đêm tối với một đôi mắt nhắm nghiền.
Tôi không có ý định nhờ các nhà tâm lý học hay các bác sỹ chuyên ngành thần kinh lý giải cho tôi vì sao tôi lại có thể đi trong khi ngủ. Nhưng một hiện thực cho thấy, cho dù khi mộng du, đôi mắt tôi nhắm nghiền thì chắc chắn có một đôi mắt khác mở to và dọi thẳng về phía trước con đường mà những bước chân tôi sẽ tới. Đôi mắt đó có thể là của ký ức. Bởi trước đó, khi thức, tôi đã đi biết bao lần trên lối đi đó và toàn bộ cảnh vật trên lối đi đó đã được ký ức hóa trong tôi. Việc ký ức hóa có phải là sự mã hóa sơ đồ con đường không ? Đúng là vậy ở một góc cạnh nào đó. Nhưng nếu chỉ là sự mã hóa sơ đồ con đường một cách máy móc như người ta lập trình cho các máy móc tự động thì tôi sẽ bị rơi xuống hồ nước hoặc đâm vào một bụi cây khi con đường đó thay đổi ở một khúc nào đó và một bụi cây vừa mọc lên. Thực tế con đường chạy qua khu vườn hoang và men theo bờ đầm nước trong những năm tôi mắc bệnh mộng du đã luôn có những thay đổi. Có một điều kỳ diệu đã hiện ra ở đây. Đó là con mắt của ký ức cũng lại chính là con mắt của tương lai – con mắt của trí tưởng tượng phong phú. Chính cái phần tương lai của con mắt ấy đã chỉ dẫn cho đôi chân của tôi đi qua những thay đổi của con đường. Và một điều tối quan trọng giúp tôi hay bất cứ ai đó đi qua con đường một cách kỳ diệu khi đôi mắt thông thường của chúng ta vẫn nhắm nghiền. Điều tối quan trọng ấy chính là sự không sợ hãi và thấm đẫm tinh thần lãng mạn của đời sống và sự sáng tạo .
Khi đôi mắt trần tục của chúng ta mở ra thì có quá nhiều những trần tục cũng ùa vào và nhiều lúc làm chúng ta rối loạn. Những rối loạn này sinh ra trong chúng ta một điều vô cùng tồi tệ. Đó là nỗi sợ hãi. Chúng ta thật dễ dàng đi qua một tấm ván đặt trên mặt đất chỉ vừa hai bàn chân. Nhưng chúng ta lại không thể nào đi qua nổi một tấm ván rộng một mét hoặc rộng hơn nữa bắc qua hai tòa nhà cao tầng. Nỗi sợ hãi bị rơi xuống đã giết chết toàn bộ khả năng và cảm hứng của chúng ta. Một đứa trẻ chạy vô tư và thích thú dọc mép một ban công trên tòa nhà cao giữa bầu trời rộng lớn đầy gió trong khi chúng ta có thể vỡ tim vì kinh hãi. Bởi đứa trẻ kia không nghĩ tới những nguy hiểm có thể xẩy ra với nó, còn chúng ta ngập tràn những sợ hãi và tính toán. Và bởi đứa trẻ kia đang tìm thấy niềm hứng khởi và bao điều lạ lùng đang mở ra theo từng bước chạy của nó. Còn chúng ta rúm mình lại bạc nhược và kinh hãi khi nghĩ mình sẽ bị giết chết.
Nỗi đau đớn và trí tưởng tượng càng lớn thì sự sáng tạo của chúng ta càng kỳ diệu trong khi đó nỗi sợ hãi càng lớn thì cái chết của sáng tạo càng đến nhanh. Nhà thơ giải Mỹ giải Pulitzer Charles Simic viết : “ Chỉ có tưởng tượng, trí tưởng tượng hoang dại nhất mới có thể bắc được cây cầu từ bờ của hiện thực đến bờ của nghệ thuật sáng tạo”. Và bây giờ, không ít người viết trong chúng ta mang quá nhiều nỗi sợ hãi trong mình. Nỗi sợ hãi ấy làm cho trang viết của chúng ta trở nên tẻ nhạt và xa cách. Ngay cả trong trí tưởng tượng của nhà văn, chúng ta cũng không dám đập cánh một cách quyết liệt và vang dội để bay lên. Bởi chúng ta đang mở quá to, mở đến rách cả khóe mắt đôi mắt trần tục của mình. Chính vì thế, chúng ta nhìn thấy quá nhiều những danh vọng thường ngày, những lợi ích cá nhân, những khó chịu, những ghen ghét, những than thở….Và chính tất cả những điều đó đã làm nên nỗi sợ hãi của chúng ta. Hãy mở một đôi mắt khác trong sáng tạo của mình. Đôi mắt ấy sẽ dẫn chúng ta đi qua những con đường mà chính chúng ta đã từng chùn bước vì sợ hãi.
Và lúc này, tôi muốn đặt vào cuối bức thư này một bài thơ của tôi, bài thơ Thiên Nga
THIÊN NGA
Lặng lẽ đi qua cầu
Chúng ta chọn con đường đến với nỗi sợ hãi
Hồ nước lại hiện ra
Em lại hoá thành thiên nga
Vì vẻ đẹp chính mình mà than khóc mãi
Than khóc mãi bên kia bến bờ mùa nước
Những con thiên nga đang nhuộm cánh mình
Những con thiên nga lẩn tránh bình minh
Dần quên những con đường dẫn về hồ nước
Giờ còn một con đường cắt đôi trái đất
Sau lưng chúng ta vọng tiếng khóc cây cầu
Khóc cầu xin sinh thêm một nhịp
Đưa chúng ta về một bến bờ xa
Nơi chúng ta tự do chết trên nước, tự do quên lãng
Chỉ mang theo ngôn ngữ một loài chim
Và bóng đêm đưa ta trên con tàu cũ kỹ
Vĩnh biệt nơi ta hành hạ chính mình
Trên lan can con tàu Thánh thần vừa sơn lại
Ta ôm nhau trong gió và nhìn về hôm qua
Thấy cây cầu tự vẫn trước mùa nước lớn
Trong tiếng rống bầy thiên nga từ chối cánh mình.
Thị xã Hà Đông, tháng 12 năm 2018
THÔNG TIN PHÁT HÀNH:
Bạn nào muốn có VIẾT & ĐỌC ( Chuyên đề mùa đông 2018) xin liên hệ :
1/Hà Nội:
Nxb Hội Nhà văn, 65 Nguyễn Du, Hai Bà Trưng
Trần Thị Phương Thảo, số đt : 0912 85 44 99 * 024 39 42 0835 * 024 38 22 1405
2/ Nhà sách Mụ Hoa, số 5 - Đinh Lễ, Hà Nội
3/Sài Gòn:
Chi nhánh Miền Nam Nxb Hội Nhà văn, Nhà văn Trần Nhã Thụy, số đt : 0989 599 173
4/ Miền Tây Nam bộ
Chi nhánh nxb HNV Miền Tây Nam bộ, Nhà văn Vũ Hồng, số đt : 039 980 8386
5/ Trên các hệ thống hiệu sách Nhã Nam
6/ Tiki.vn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ác ôn !

Nguyễn Tiến Tường 


Sự thật dày xéo tâm can nhất ở những dự án như Metro hay Đại lộ Đông Tây trước đây là bộ mặt tàn ác của quan chức. Hơn cả trộm cướp tiền bạc, nó đục khoét niềm tin, chà đạp luân thường đạo lý. 

Quan không thương dân đã đành. Người từ xa lạ đến thương dân cho cây cầu cho tuyến đường, cũng xúm lại đục khoét, ăn tàn ăn mạt. Ăn gốc chưa đủ, lập lên cái BOT cái trạm ăn tận ngọn. 

Ăn cả uy tín quốc gia bởi nước ngoài thấy quan chức là sợ. Ăn cả manh áo rách của dân, bởi dân thấy là thù. Ăn như cái hạm, ăn cả tự trọng liêm sỉ. Ăn cả tiền đồ hậu vận của mình lẫn người khác. Ăn xong thì đi dạy đạo lý, đi chùa chiền nhang khói. Hệt yêu nghiệt xuống đày nhân dân.

Đừng trông chờ liêm sỉ của quan chức. Bởi vì thấy thân phận rách nát của dân Thủ Thiêm vậy mà họ vẫn ăn tàn được. Thấy cuộc sống cơ cực của dân đô thị như vậy mà họ vẫn ăn mạt được thì trông chờ làm gì. Vo tròn nhân dân lại mang đi bán được chắc họ cũng chẳng từ nan. 

Dân cả đời chắt mót, mấy người cuối đời nhìn thấy một tỉ? Họ ăn trăm tỉ nghìn tỉ như con nít chơi đồ hàng. Ăn tận xương tuỷ dân mà không chịu làm. Chỉ tìm cách phá để mà ăn tiếp. 

Dân bị hấp dẫn bởi con số trăm tỉ nghìn tỉ gắn với những thanh củi mà quên mất chính mình phải cày ải, phải chấp nhận thuế khoá hà khắc để bù vào. 

Người ta hay hỏi về cải cách thể chế. Tôi thấy cả một mớ bòng bong như mạng nhện. Ít nhất trong cuộc đốt lò, ông Nguyễn Phú Trọng nên xúc tác để thay đổi luật phòng chống tham nhũng. Phải quy định tội riêng để truy tố ở khung cao nhất, thậm chí thật hà khắc. Chứ cứ quanh tội tham ô hoặc hối lộ thì gãi ngứa họ thôi. Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản lút khung cũng chỉ chung thân.

Địa chủ ngày xưa tích tụ ít ruộng đất thì bị xử tử. Còn ngày nay ăn trăm tỉ nghìn tỉ chỉ đi tù. Vợ con cháu chắt mấy đời sung sướng, lấy gì họ sợ? 

Phải sửa luật, vài chục tỉ cũng phải quy định lút khung tử hình, xử vài ông thì những kẻ cướp cổ cồn mới biết sợ. Thì nhân dân mới cam lòng được. 

Ăn cắp cái bánh mì cùng lắm một người chết đói. Ăn cắp tiền của, niềm tin quốc gia và nhân dân thì bao thế hệ sẽ phải cúi đầu lầm lũi.

Tiêm cho chết bớt đi. ĐM quân ác ôn !


Phần nhận xét hiển thị trên trang

NGHIỆP


Kết quả hình ảnh cho Ảnh đàn gà con bị diều hâu bắt?

Đàn gà con đang mải kiếm ăn, bỗng gà mẹ phát hiện một con diều hâu đang lượn trên trời liền phát tiếng kêu cảnh báo. Đàn gà con vội vàng chui hết dưới bụng gà mẹ. Duy còn 1 con vì ở xa nên không kịp chạy lại bên gà mẹ, bèn rúc đầu vào đống phân ngựa.
Con diều hâu sà xuống. Nó nom rõ ràng con gà con, nhưng nó thắc mắc sao con gà bỗng nhiên lại có cái đầu to thế? Nó muốn quắp con gà lắm, nhưng sợ không mang nổi cái đầu nên đành bay đi.
Gà con thoát nạn, từ đó nó chỉ quanh quẩn bên đống phân ngựa. Mỗi khi gặp chuyện nguy hiểm, nó lại rúc đầu vào đống phân, lâu rồi thành quen. Tự bấy giờ, suốt đời không lúc nào nó rời đống phân ngựa ra nữa, coi đống phân ngựa là cứu cánh...
Cái "nghiệp" phân ngựa ấy mạnh đến nỗi, kiếp sau nó được đầu thai làm người mà trong đầu nó vẫn chứa toàn... phân ngựa.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Xướng họa thời nao ngẫm bẽ bàng?


Cư Nguyễn


Họa
NGÁN NGẪM
Kết lũ gom bầy mở hội bang
Giành tranh lợi ích nhiễu nhương làng
Nương quyền vểnh mặt khoe bè đảng
Cậy thế toe mồm nổ rộn vang
Một kiếp lòn chui loài cẩu hạng
Ngàn năm phỉnh nịnh đám trâu ràng
Khòm lưng chẳng thấy bình minh rạng
Rụt cổ bao giờ rõ ánh quang?
Cư- Nguyễn
Xướng
TỰ NGẪM
Bây giờ lắm kẻ kết thành bang
Mượn gió đè măng để lập làng
Bảy thím vài câu rền một đảng
Năm người mấy chữ hét hò vang
Nhìn ra để thấy điều tươi sáng
Tự ngắm mình hay nét rỡ ràng
Cục bộ bao đời danh mới rạng
Hài hòa khẳng khái sẽ vinh quang.
NQT. Xơ Tày. 22/12/2018.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Biên tập gen: giữa kĩ thuật và đạo đức


December 12, 2018
Cuối tháng qua, một nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố rằng ông đã biên tập bộ gen của một phôi và kết quả là một cặp song sinh nữ ra đời. Tuyên bố này không chỉ là một sự kiện giật gân, mà còn đặt ra nhiều vấn đề về đạo đức khoa học mà giới khoa học thế giới vẫn còn đang lúng túng chưa có lời giải đáp. Trong điều kiện đạo đức khoa học còn lỏng lẻo, có thể nói rằng Trung Quốc là mảnh đất màu mỡ để phát sinh những thí nghiệm mà hậu quả khó lường trước được, và thí nghiệm biên tập gen này chỉ là một ca minh hoạ tiêu biểu nhất.



Để hiểu ý nghĩa đằng sau thí nghiệm của He Jiankui (Hạ Kiến Khuê), chúng ta cần điểm qua vai trò của gen trong cơ chế bệnh tật. Có thể nói tất cả các cơ phận (tim, gan, xương, da, v.v.) và đặc điểm (mắt đen, lông mi, hình dáng của xương, chiều cao, v.v.) mà chúng ta "sở hữu" đều do gen làm nên. Không ai biết hệ gen trong tế bào con người có bao nhiêu gen, nhưng con số được nhắc đến thường xuyên là 23,000 gen. Đa số các gen chúng ta chưa biết chính xác chức năng của chúng là gì, nhưng chúng ta đã biết được chức năng của khá nhiều gen. Những gen có chức năng này sản xuất ra những protein, và chính những protein này là yếu tố có thể ngăn bệnh hay gây bệnh. Chẳng hạn như chúng ta biết rằng gen CCR5 có chức năng sản sinh ra một protein, và protein này giúp cho [virút] HIV xâm nhập tế bào và gây ra bệnh AIDS. Chìa khoá phòng bệnh AIDS, do đó, nằm ở kĩ thuật can thiệp vào gen CCR5.

Một trong những biện pháp can thiệp là thay đổi cấu trúc của gen. Gen được cấu thành từ các mảng DNA (gồm chỉ 4 mẫu tự). Chỉ cần thay đổi các mẫu tự này là protein của gen cũng bị thay đổi. Do đó, một ý tưởng táo bạo là biên tập các mảng DNA này để sản xuất ra những "protein tốt" và qua đó ngăn ngừa hoặc điều trị bệnh tật. Đó là một viễn cảnh tuyệt vời mà bất cứ ai làm trong di truyền học đều mơ đến.

Trong vài năm gần đây, một tiến bộ rất quan trọng trong công nghệ di truyền là sự ra đời của công cụ có tên là CRISPR-Cas9. Sự tiến bộ này được xem là một cuộc "cách mạng" trong sinh học. Công cụ này, nói nôm na, cho phép nhà khoa học biên tập gen. Hai chữ "biên tập" ở đây hiểu đúng theo nghĩa thật của nó, có nghĩa là nhà khoa học có thể cắt một mảng DNA và dán vào một chỗ khác. Với công nghệ biên tập gen và với sự hiểu biết về sự vận hành của gen, người ta kì vọng rằng công nghệ CRISPR-Cas9 sẽ giúp giới khoa học chinh phục bệnh tật. 

Hiện nay, một số nhóm nghiên cứu phương Tây đã hoặc đang thực hiện các nghiên cứu cần thiết để đánh giá hiệu quả của kĩ thuật biên tập gen đối với các bệnh tương đối hiếm như hemophilia, thalassemia và sickle cell anemia. Các nghiên cứu này rất khó thực hiện, vì đòi hỏi sự hợp tác của nhiều chuyên gia từ các chuyên ngành khác nhau, và sự đồng thuận của bệnh nhân, cùng sự phê chuẩn và kiểm soát nghiêm ngặt của các hội đồng y đức. Do đó, tiến bộ và ứng dụng của kĩ thuật CRISPR-Cas9 thường rất chậm, và kết quả có khi cũng rất khó diễn giải.

Trung Quốc không ngớt làm cho thế giới ngạc nhiên về những thử nghiệm táo bạo. Vào cuối tháng 11, Hạ Kiến Khuê, một nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Thẩm Quyến, tuyên bố rằng ông đã thành công trong việc thay đổi bộ gen của một phôi, và cho ra đời một cặp song sinh nữ. Tuyên bố này chẳng những gây ngạc nhiên trong giới di truyền học, mà còn là một thách thức đến các qui ước khoa học, và nguyên lí y đức trong thí nghiệm y học. Tuyên bố của Hạ Kiến Khuê tạo nên một cuộc tranh cãi suốt mấy tuần qua, và có thể nói rằng đa số các nhà khoa học ở Trung Quốc cũng như ngoài Trung Quốc đều cho rằng việc làm của anh ta là nguy hiểm và vi phạm y đức nghiêm trọng.

Bất tuân qui ước khoa học

Điều đáng nói là thí nghiệm của Hạ Kiến Khuê chẳng tuân thủ theo một qui ước khoa học nào cả! Theo qui ước chuẩn mà giới khoa học thế giới đã duy trì hơn 100 năm qua, tất cả các kết quả thí nghiệm phải được công bố trên một tập san khoa học có bình duyệt (peer reviewed journal) trước khi công bố trên báo chí phổ thông. Nhưng ở đây, Hạ Kiến Khuê không hề công bố một công trình nghiên cứu nào liên quan đến thí nghiệm, mà anh ta tự làm một đoạn phim ngắn và phát hình trên youtube! Chưa có nhà khoa học chính thống nào chọn phương tiện truyền thông xã hội để tuyên bố kết quả thí nghiệm khoa học.

Nhưng vấn đề y đức là gây ra nhiều tranh cãi nhất, và có thể nói là Hạ Kiến Khuê đã vi phạm y đức. Ngày nay, bất cứ công trình nghiên cứu và thí nghiệm nào liên quan đến con người đều phải được xét duyệt và phê chuẩn bởi một hội đồng đạo đức khoa học (hay hội đồng y đức nếu trong ngành y). Hội đồng y đức xem xét lợi và hại của thí nghiệm đối với bệnh nhân, đánh giá cẩn thận phương pháp thí nghiệm, và kĩ năng chuyên môn của nhà nghiên cứu, trước khi phê chuẩn cho phép làm thí nghiệm. Ngay cả khi bệnh nhân kí tên đồng ý tham gia vào một nghiên cứu nào đó cũng chưa thể xem là nghiên cứu đó đạt tiêu chuẩn y đức, bởi vì người quyết định kí tên có thể ở trong một tình huống khó khăn và có thể không thể có quyết định sáng suốt.

Công trình của Hạ Kiến Khuê không hề được phê chuẩn bởi một hội đồng y đức nào của Trung Quốc. Thật ra, trường đại học nơi anh ta công tác tuyên bố rằng họ không biết gì về thí nghiệm của anh, và không hề phê chuẩn công trình đó. Đại học Khoa học và Công nghệ Thẩm Quyến đang điều tra về thí nghiệm của Hạ. Một quan chức trong Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cho rằng Hạ Kiến Khuê đã vi phạm luật pháp Trung Quốc. Một cộng sự (và là người thầy của của Hạ Kiến Khuê) thuộc Đại học Rice bị điều tra vì Đại học Rice cũng không chấp nhận người của họ liên quan đến một thí nghiệm vi phạm y đức.


Chỉnh sửa gen: ý tưởng đơn giản, hệ quả khó lường

Theo mô tả của Hạ Kiến Khuê, anh ta biên tập gen trên phôi. Trước hết, anh tách tinh trùng từ tinh dịch, rồi "cấy" tinh trùng đó vào một trứng, để tạo thành một phôi. Sau khi có phôi chừng 3-5 ngày, anh ta dùng kĩ thuật CRISPR-Cas9 để "chỉnh sửa" một gen có tên là CCR5 sao cho gen này không hoạt động. Tại sao chọn gen CCR5? Tại vì gen CCR5 sản xuất ra một protein, và protein này giúp cho [virút] HIV xâm nhập vào tế bào con người và gây bệnh AIDS. Do đó, bằng cách làm "tê liệt" gen CCR5, Hạ hi vọng sẽ giúp cho đứa trẻ không bị nhiễm HIV và mắc bệnh AIDS khi lớn lên.

Tuy nhiên, đó là một suy nghĩ quá đơn giản và nguy hiểm. Phần lớn các nhà khoa học ngoài di truyền học nghĩ rằng sự ảnh hưởng của gen là độc lập với nhau, nhưng suy nghĩ này hoàn toàn sai lầm. Trong thực tế, các gen có tương tác với nhau, và các mối tương tác vô cùng phức tạp. Để hiểu khái niệm tương tác, chúng ta có thể lấy hai gen A và B ra làm ví dụ. Để đơn giản hoá vấn đề, giả dụ rằng mỗi gen có 3 biến thể (có thể hiểu là 3 "giá trị"): gen A có biến thể AA, Aa, aa; và gen B có biến thể BB, Bb, bb. Khi hai gen tương tác nhau, chúng ta có tất cả 9 tác động. Chẳng hạn [chỉ là ví dụ] khi một cá nhân có biến thể AA và BB thì tóc màu vàng, nhưng cá nhân với biến thể AA và Bb thì tóc màu đen. Do đó, khi can thiệp thay đổi biến thể AA mà không biết đến sự tương tác với BB hay Bb thì khó biết được kết quả là gì. 

Trong thực tế, gen có thể tương tác với nhiều gen khác (chứ không phải chỉ 1 gen). Bộ gen con người có khoảng 23000 gen, và số ảnh hưởng tương tác rất lớn (tỉ tỉ ảnh hưởng). Các gen này không bao giờ hoạt động một cách độc lập. Các gen lúc nào cũng tương tác với môi trường và tương tác với nhau để tạo nên một mạng tương tác khổng lồ mà không có nhà khoa học nào trên thế giới và không có một phương tiện khoa học nào giúp chúng ta biết hết. Do đó, can thiệp vào một gen mà không hiểu biết hết các mối tương tác của gen đó, thì có thể ví von như "rút dây động rừng", và hệ quả có thể rất khôn lường và không ai có thể dự báo trước được.

Quay lại trường hợp Hạ Kiến Khuê can thiệp vào gen CCR5 với hi vọng rằng trẻ em sẽ kháng vi khuẩn HIV, nhưng hi vọng này quá đơn giản. Như một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm chỉ ra rằng ngay cả nếu can thiệp thành công vào CCR5 thì người được can thiệp vẫn có nguy cơ nhiễm vi khuẩn West Nile, thậm chí tăng nguy cơ tử vong vì cảm cúm! Ngoài ra, người ta bị nhiễm HIV vì nhiều đường, chứ không phải chỉ do gen CCR5. Can thiệp vào gen này, nhưng vì có tương tác với gen khác, nên sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh lí khác.

Nhà khoa học "tay ngang"

Một điều bất thường nhất là Hạ Kiến Khuê chưa bao giờ được đào tạo về biên tập gen và kĩ thuật IVF (hỗ trợ sinh sản), nhưng anh ta dám thực hiện thí nghiệm trên người! Hạ tốt nghiệp cử nhân vật lí từ Trung Quốc, và tốt nghiệp tiến sĩ về ứng dụng vật lí trong sinh học (biophysics) từ Đại học Rice (Texas, Mĩ). Sau tiến sĩ, Hạ làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ và học về kĩ thuật giải trình tự gen 1 năm tại Đại học Stanford, sau đó anh quay về Trung Quốc theo chương trình Ngàn Nhân Tài vào năm 2012 để lập labo nghiên cứu và khởi nghiệp về di truyền học. Trong thế giới về "gene editing" Hạ Kiến Khuê gần như "vô danh".

Tuy vô danh và không được đào tạo bài bản về kĩ thuật biên tập gen, nhưng Hạ đã tự mày mò học và làm. Hạ đã từng làm nhiều thí nghiệm về biên tập gen trên khỉ, thỏ, chuột. Nhưng người ta cũng không biết cơ quan nào đã phê chuẩn cho Hạ thực hiện những thí nghiệm trên động vật như thế! Có thể nói rằng mài mò là một nhà khoa học "tay ngang" dám nghĩ dám làm.

Nhưng chính vì tính "dám nghĩ dám làm" đó làm cho cộng đồng khoa học thế giới lo lắng. Không ai biết được mài mò có làm đúng như tuyên bố, và chẳng ai biết anh ta có làm đúng qui trình, bởi vì các chi tiết về phương pháp chưa bao giờ được công bố trên một tập san khoa học để các chuyên gia có dịp thẩm định. Tuy nhiên, dựa vào những gì Hạ trình bày trên youtube, các chuyên gia cho rằng anh ta không sáng chế ra cái gì gì mới, và ngay cả kĩ thuật anh ta sử dụng cũng không hẳn là "biên tập".

Không ai có thể dự báo được những gì sẽ xảy ra đối với cặp song sinh, vì thay đổi một mảng DNA của gen CCR5 chưa chắc là ngăn ngừa được HIV. Ngoài ra, các chuyên gia về biên tập gen cho biết không ai làm biên tập bộ gen trên phôi, vì sợ lan truyền cho các thế hệ sau. Đó chính là lí do tại sao ở Mĩ vả các nước tiên tiến, các cơ quan chức trách cấm không cho làm biên tập gen trên phôi.

Chính vì các vấn đề trên, các nhà khoa học trong chuyên ngành di truyền học cho rằng thí nghiệm của Hạ không chỉ vi phạm y đức, mà còn thiếu ý thức, không cần thiết, liều lĩnh, và vô trách nhiệm.

Kĩ thuật và thực tế lâm sàng

Có thể nói rằng trong chuyên ngành di truyền học, những thành công trong thời gian 10-20 năm gần đây nghiêng về kĩ thuật và công nghệ. Hai mươi năm trước, các nhà khoa học chỉ có thể phân tích từng gen một, ngày nay các nhà khoa học có thể phân tích toàn bộ hệ gen trong vòng 1 tháng. Hai mươi năm trước, y khoa rất mù mờ về những gen có ảnh hưởng đến các bệnh mãn tính, nhưng ngày nay khoa học đã khám phá hàng ngàn gen có liên quan đến các bệnh như tim mạch, ung thư, tiểu đường, loãng xương, v.v. Kĩ thuật biên tập gen ra đời cung cấp một phương tiện rất lợi hại cho khoa học để can thiệp trực tiếp vào gen.

Nhưng tất cả những tiến bộ vừa kể trên là những "thắng lợi" về kĩ thuật và công nghệ hơn là đem lại lợi ích thiết thực và kinh tế cho bệnh nhân. Với hàng ngàn gen được khám phá có liên quan đến các bệnh mãn tính, nhưng các nhà khoa học chỉ giải thích được chừng 10% những ca bệnh, phần 90% còn lại vẫn còn là ... bí ẩn. Với hàng trăm gen có liên quan đến loãng xương, nhưng không ai biết được chính xác cơ chế ảnh hưởng của gen. Do đó, việc ứng dụng những phát hiện gen vào thực tế điều trị lâm sàng vẫn chưa thành hiện thực. Hay có trường hợp ứng dụng gen trị liệu thì dẫn đến cái chết cho bệnh nhân. Rất nhiều nghiên cứu thành công trên chuột, nhưng khi triển khai trên người thì hoàn toàn thất bại và dẫn đến những hệ quả vô cùng to lớn.

Ở trên, tôi nói về tương tác giữa các gen với nhau đã là phức tạp, nhưng những mối tương tác giữ gen và môi trường còn phức tạp hơn nữa. Những cây cam có cùng hệ gen nhưng trồng ở vùng đất nhiệt đới thì nước chua, còn trồng ở vùng ôn đới thì cho ra nước ngọt. Đó chính là mối tương tác giữa gen và môi trường. Trong thế giới sống, có hàng triệu yếu tố môi trường (khí hậu, thổ nhưỡng, lối sống, mức độ ô nhiễm, phóng xạ, v.v.) và không ai biết hết những gen nào tương tác với yếu tố môi trường nào cho ra đặc điểm nào! Người ta có thể bị nhiễm HIV do môi trường, chứ không hẳn do gen CCR5, và do đó can thiệp vào gen đó thì có thể chẳng có hiệu quả ngăn ngừa bệnh AIDS cho cộng đồng.

Nhưng còn một yếu tố quan trọng khác mà có lẽ ít nhà khoa học nghĩ đến: yếu tố tiến hoá của gen. Hệ gen mà chúng ta thừa hưởng từ cha mẹ là một sản phẩm của quá trình chọn lọc tự nhiên, và quá trình chọn lọc cân bằng giữa lợi và hại. Chọn lọc tự nhiên hay tiến hóa không phải nhằm mục đích tối ưu hóa sức khỏe của sinh vật, mà chỉ quan tâm đến sự tái sản sinh của gen.  Những gì đem lại lợi ích cho gen không có nghĩa là sẽ đem lại lợi ích cho sinh vật, cho chúng ta.  Thành ra, một gen có thể làm cho chúng ta có khả năng tái sản sinh tốt, và gen đó sẽ trở nên phổ biến hơn trong các thế hệ mai sau, nhưng cũng chính gen đó có thể gây tác hại khác đến sức khỏe của chúng ta! Chỉnh sửa gen đó có thể giúp cho chúng ta khoẻ mạnh hơn nhưng phải trả một cái giá khác về tái sản sinh.

Có nhiều bài học có thể rút ra từ thí nghiệm của Hạ Kiến Khuê. Thứ nhất, các viện nghiên cứu và các đại học phải có cơ chế kiểm soát các công trình nghiên cứu và thí nghiệm, không thể để cho những "nghiên cứu chui" hình thành dưới danh nghĩa "nghiên cứu khoa học". Thứ hai, tất cả nghiên cứu phải tuân thủ các qui ước khoa học, chứ không thể để cho nhà khoa học tuyên bố trên báo chí phổ thông mà kết quả và phương pháp chưa được bình duyệt bởi các chuyên gia trong chuyên ngành. Trong y học, từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng trong thực tế là một quãng đường dài và rất gian nan. Nhà khoa học phải tuân thủ theo các qui chuẩn khoa học và đạo đức khoa học, chứ không có chuyện "đi tắt đón đầu."

Do đó, những thành công về công nghệ sinh học trong thời gian qua cung cấp cho giới khoa học những phương tiện rất tốt để hiểu tốt hơn (chứ khó hiểu hết) về bệnh tật, đặc biệt là bệnh mãn tính. Có được phương tiện kĩ thuật trong tay là một lợi thế, nhưng ứng dụng các kĩ thuật đó không đúng hoặc chưa hiểu hết các cơ chế về tương tác giữa gen với gen và giữa gen với môi trường rất dễ biến nhà khoa học thành những kẻ tội đồ.

NVT

Phần nhận xét hiển thị trên trang