Vài lời khuyên gửi ngài Nguyễn Xuân Phúc, ứng cử viên thủ tướng.
Báo chí vừa tiết lộ danh tánh của 12 vị trong tổ tư vấn của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Khi ngài Phan Văn Khải lên thủ tướng cơ bản vẫn giữ nguyên thành viên tổ tư vấn của thủ tướng Võ Văn Kiệt. Khi ngài Nguyễn Tấn Dũng lên thì toàn bộ tổ tư vấn gồm rất nhiều chuyên gia nhiều lĩnh vực xã hội, kinh tế, văn hóa hàng đầu quốc gia bị giải tán thay vào đó là tổ tư vấn mới.
Ngài Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp cuối cùng của nội các cho biết, ông Trương Đình Tuyển tổ trưởng tổ tư vấn của ngài nói với ngài rằng, tổ tư vấn cũng xin tự giải tán.
Thưa ngài Nguyễn Xuân Phúc, nếu không có gì thay đổi thì một tuần nữa ngai thủ tướng vào tay ngài. Liệu ngài có cần một tổ tư vấn của mình như các tiền nhiệm không?
Lời khuyên của gã giành cho ngài : Không.
***
Gã xin kể tiếp câu chuyện về bác bắt ếch nửa đêm tìm gã nhờ xin gã tư vấn. Nhà bác chỉ hai sào ruộng, hai con lợn và bốn đứa con đang đi học. Bác biết chỉ có học mới thoát khỏi nghèo đói, nhưng bác không đủ tiền cho cả bốn đứa ăn học . Cả bốn đứa bác đều rất thương và đều có quyền mà Luật pháp VN bảo vệ đó là quyền được học.
Gã đã ngậm đắng nuốt cay mà tư vấn rằng: Bác phải xem trong bốn đứa, đứa nào thông minh nhất, sáng nhất lại có chí học nhất tập trung toàn bộ cho nó ăn học đàng hoàng tại một trường học đàng hoàng.
- Còn ba đứa kia thì sao? Bác bắt ếch không kìm được nước mắt.
- Nghỉ, làm nông, chăm lợn, đan lát, bắt ếch mò cua.
- Vậy thì tội nghiệp cho chúng quá!
- Đứa được học sẽ hiểu nghĩa vụ của nó là gì trước sự hy sinh của ba đứa kia, chắc chắn nó sẽ ngày đêm học thành tài. Khi thành tài rồi, có điều kiện kinh tế rồi nó sẽ đầu tư trở lại cho ba đứa kia làm cái gì mà chúng muốn và học cái gì mà chúng có năng lực...
Thưa ngài Nguyễn Xuân Phúc, câu chuyện này mang tính kinh tế thị trường định hướng XHCN đấy.
Thị trường về cơ bản là nơi chỉ người có năng lực, có tài mới có thể tồn tại và phát triển.Còn định hướng XHCN về cơ bản là nguồn lợi nhuận thu được phân phối lại và tạo điều kiện cho những thành phần khác xứng đáng cùng tồn tại và phát triển.
Có một đại biểu QH vừa nói rằng chúng ta đang sống trong giai đoạn của đạo đức giả. Đạo đức giả điển hình nhất là chúng ta bao năm nay trộn lẫn giữa kinh tế thị trường với cái đuôi định hướng XHCN mà không dũng cảm nhận ra sự thật- đạo đức thật đây là hai quá trình khác nhau liên quan tới việc tạo ra của cải và việc phân phối của cải một cách công bằng. Sự thật- đạo đức thật : Chỉ có làm ra nhiều của cải thì XHCN mới không là cái bánh vẽ. Nước Thụy Sĩ tiến lên XHCN với đạo đức thật của mình khi nguồn tài sản dư thừa để chia cho mỗi công dân mỗi tháng hơn 2000 đola, dù công dân đó có làm việc hay không. Và XHCN với đạo đức thật ở chỗ, mọi công dân Thụy Sĩ tự cảm thấy nhục nhã, xấu hổ nếu mình chỉ ngồi không để hưởng cái số tiền ấy.
Gã xin nhắc lại, lời khuyên của gã giành cho ngài là: Không!
Tuyệt đối không, vì nếu các ngài tư vấn kia chỉ giúp cho thói đạo đức giả mông má cho các quyết sách không thay đổi về cơ bản của mình, không thay đổi theo Quy luật của nhân sinh và Luật của tạo hóa tự nhiên, thì có để làm gì, có chỉ thêm rách việc và tốn kém tiền của của nhân dân.
Các nhà tư vấn bao lâu rồi với rào cản vòng kim cô của mình chưa một lần được vượt qua cái rào cản vòng kim cô ấy dù có tài năng đến đâu nên họ đành chấp nhận chỉ mon men tới cái gọi là “cải cách” mà thôi.
Thưa ngài, chắc ngài thừa biết liệu pháp cho đất nước này thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình và cái bẫy ì ì không chịu...phát triển không chỉ là đôi ba thứ sáng kiến, chính sách gẩy gẩy mông má, cải cách được mà phải là Cách mạng. Cách mạng không khoan nhượng. Cách mạng triệt để.
Gã có lần nói thẳng với ngài Trương Đình Tuyển một con người rất đáng kính trọng , yêu nước nồng nàn rằng: Anh chỉ là nhà cải cách mà thôi chứ không là nhà cách mạng. Ngài Trương Đình Tuyển sững lại một lúc lâu rồi chỉ biết lắc đầu im lặng.
Ai? Ai đang cản trở tiến trình Cách mạng này?
Vâng, qua quá nhiều tổ tư vấn của nhiều đời thủ tướng thì cái điều tư vấn quan trọng nhất mà hầu hết các thành viên tư vấn xuất sắc, những chuyên gia rất tài ba và tâm huyết của đất nước chắc chắn đều đã trình lên các đời thủ tướng, đó là :
Muốn giải phóng sức sản xuất cho nông dân thế mạnh của quốc gia thì Đất đai là sở hữu của cá nhân chỉ Lãnh thổ, biên cương mới là sở hữu quốc gia, sở hữu toàn dân mà thôi.
Đó là : Thị trường là thị trường. Mọi thành phần kinh tế bình đẳng với nhau và đều phải minh bạch dưới sự giám sát nghiêm ngặt nhất của Luật pháp.
Đó là: Cơ chế kiểm soát độc lập chỉ tuân theo Hiến pháp và pháp luật, thượng tôn pháp luật, bình đẳng tuyệt đối trước pháp luật sẽ không có đất dung thân cho tham nhũng, ăn cướp, lãng phí , vô trách nhiệm những tệ nạn hủy diệt sức phát triển. Cơ chế đó không gì khác đó là tự do báo chí để đấu tranh, phản biện toàn dân, đó là Tam quyền phân lập, đó là dân chủ hóa xã hội để mỗi công dân đều có quyền làm chủ đất nước và làm chủ chính năng lực, sáng tạo của mình.
Thưa ngài Nguyễn Xuân Phúc, ngài tiên liệu xem những tư vấn như thế liệu có ai chấp nhận không? Nếu không như đã từng các lần...không, thì tốt nhất ngài nên nghe lời khuyên của gã là đừng lập tổ tư vấn cho mình làm gì vì nó cũng sẽ vô ích như bao đời các tổ tư vấn trước mà thôi.
***
Sáng hôm nọ gã nhận được tin nhắn từ một số máy lạ: Anh nghĩ anh là ai? Anh nghĩ anh là người vĩ đại lắm à?
Gã hơi chột dạ, nghĩ vẩn vơ, chắc ai đó thấy gã thường xuyên góp ý này, khuyên răn nọ cho nhiều vị lãnh đạo nên khó chịu vì cho gã không biết mình là ai, vì cho gã ảo tưởng mình là vĩ đại. Gã nhắn tin lại: Người cả gan góp ý, khuyên răn lãnh đạo thậm chí cả cho đấng tối cao nào đó không hề là người vĩ đại mà chính người lãnh đạo, hay đấng tối cao biết lắng nghe lời góp ý, khuyên răn kia, nhận ra điều gì sáng rồi thực hiện nó mới chính là người thực sự vĩ đại.
Tích tắc gã nhận phản hồi: Ối, em xin lỗi, em nhắn tin nhầm cho anh bồ của em, cả tuần nay em gọi cho anh ấy mà anh ấy không chịu trả lời.
Ối giời!
Thôi, dài rồi, gã xin được kết bằng một kỉ niệm của gã với ngài, thưa ngài Nguyễn Xuân Phúc.
Hai mươi năm trước, gã cùng đoàn của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ NN & PTNT đi khảo sát về Luật Hợp tác xã ở các địa phương. Khi tới Quảng Nam thì có cuộc gặp giữa đoàn với lãnh đạo tỉnh.Trong cuộc gặp đó gã nói : Chưa ở đâu nhiều khẩu hiệu như QN nhưng cũng chưa ở đâu ít quầy sách báo như ở QN. Chưa ở đâu nhiều trụ sở công quyền đồ sộ như ở QN và cũng chưa ở đâu ít trường học tử tế như ở QN. Chưa ở đâu nhiều bà mẹ anh hùng như ở QN, nhưng cũng chưa ở đâu nhiều gia đình nghèo khổ như ở QN.
Rào , rào rào...gã nghe những tiếng xì xầm và những ánh mắt giận giữ, bất bình của các quan chức trong tỉnh và của các quan chức trong đoàn khảo sát. Một số quan chức của tỉnh giơ tay xin phát biểu để đập lại gã.
Bỗng gã thấy một người mặc sơ mi trắng, đầu hói láng bóng không thua gã, dang hai cánh tay rộng ra như ra hiệu mọi người im lặng. Tất cả quan chức trong tỉnh phục tùng theo hiệu lệnh ấy.
-Đã đến lúc chúng ta phải tập nghe những lời như thế!
Vâng, người nói câu ấy nếu ngài không quên đó chính là ngài.
Ở cương vị lãnh đạo một tỉnh cách đây 20 năm khi nghe phản biện về những sự thật đến chối tai ngài đã có lời tuyệt vời như thế, vậy hôm nay với cương vị sắp là một thủ tướng quyền lực nhất quốc gia khi nghe những lời chối tai, liệu ngài có nói rằng: Hơn bao giờ hết chúng ta phải nghe những lời như thế.
Vâng thời kì “tập” đã qua rồi. Đất nước không còn thời gian cho những thói đạo đức giả và sự mò mẫm nữa.