Nguồn: Yu Liu & Dingding Chen (2012). “Why China will Democratize”,
The Washington Quarterly, Vol. 35, No. 1, pp. 41 – 63.
>>PDF
Biên dịch: Nguyễn Thị Thu | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương
Đằng sau vẻ bề ngoài đình trệ của môi trường chính trị trong nước, có nhiều dấu hiệu cho thấy một sự thay đổi về chính trị mang tính căn bản đang diễn ra tại Trung Quốc. Vào mùa thu năm 2011, một nhóm các công dân độc lập với số lượng lớn bất thường đã thực hiện nhiều chiến dịch gây tiếng vang nhằm cạnh tranh các vị trí đại biểu tại nhiều hội đồng địa phương. Cùng thời gian đó, nhiều nhóm ”cư dân mạng” đã đến một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Sơn Đông với mục đích thăm Trần Quang Thành, một nhà hoạt động nhân quyền đang bị quản thúc tại gia, bất chấp các báo cáo liên tiếp về việc những người đến thăm ông trước đó bị đánh đập. Tháng 7 năm 2011, một vụ tai nạn tàu hỏa gần thành phố Ôn Châu đã gây ra một cơn bão chỉ trích chính phủ trên “weibo”- các trang blog nhỏ tại Trung Quốc thu hút gần 200 triệu người theo dõi. Mặc dù trên đây chỉ là ba ví dụ nhỏ, nhưng chúng cho thấy sự phát triển của một một xã hội dân sự mang tính độc lập và phản ánh chế độ chính trị của Trung Quốc đang ngày càng bị thách thức.
Trong thập kỷ vừa qua, những thuật ngữ thường được sử dụng bởi các học giả phương Tây để mô tả nền chính trị Trung Quốc gồm có ”chế độ chuyên chế dẻo dai”, ”sự thích nghi phi tự do” và ”sự phản kháng chính đáng,” ám chỉ một cái nhìn bi quan về nền dân chủ ở Trung Quốc trong tương lai.1 Tuy nhiên, thực tế đôi khi thay đổi nhanh hơn so với những gì các học giả dự tính. Trung Quốc đang di chuyển gần hơn đến việc chứng minh tính đúng đắn của lý thuyết hiện đại hóa cổ điển, rằng sự phát triển kinh tế cuối cùng cũng sẽ dẫn đến dân chủ hóa. Chúng tôi có lý do để lạc quan rằng Trung Quốc sẽ trở thành một nền dân chủ, và dự đoán Trung Quốc sẽ tiến hành dân chủ hóa vào khoảng năm 2020, tuy nhiên điều đó sẽ xảy ra như thế nào, tiến trình này sẽ mất bao lâu, và thậm chí điều đó có phải là quá trình được mong chờ hay không lại là các vấn đề nằm ngoài phạm vi của bài viết này. Sự lạc quan tương đối của chúng tôi bắt nguồn từ bốn xu hướng lớn kết nối chặt chẽ với nhau: quá trình phát triển kinh tế, sự thay đổi về văn hóa, xu hướng lãnh đạo chính trị, và môi trường toàn cầu.
Xu hướng phát triển kinh tế
Hai yếu tố kinh tế quan trọng nhất ảnh hướng tới quá trình dân chủ hóa là trình độ phát triển và mức độ bất bình đẳng. Trong trường hợp của Trung Quốc, nền kinh tế nước này đang phát triển nhanh chóng, và các nhà kinh tế lớn đều cho rằng nền kinh tế Trung Quốc có rất ít dấu hiệu sẽ phát triển chậm lại trong khoảng thời gian sắp tới.2 Vấn đề là ở những tác động về mặt chính trị của quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng này. Có hai quan điểm nổi lên. Quan điểm phổ biến hơn cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn sẽ giữ được vị thế của mình cho đến khi nào nền kinh tế vẫn còn tăng trưởng, hay còn được được gọi là “tính chính danh dựa trên hiệu quả” (performance legitimacy – tức tính chính danh mà chính quyền đạt được thông qua thành tích phát triển kinh tế – xã hội của đất nước – NBT). Tuy nhiên một số người lại dự đoán rằng ĐCSTQ sẽ là nạn nhân của chính sự thành công đó. Ví dụ, Henry Rowen, một giáo sư tại Đại học Stanford, dự đoán rằng Trung Quốc sẽ “tự do một phần” vào năm 2015 và ”tự do hoàn toàn” vào năm 2025.3 Khác với quan niệm phổ biến cho rằng người Trung Quốc đang được “gắn kết” rộng rãi bởi chế độ, chúng tôi lập luận rằng có một số lý do để xem xét lại giả thuyết “tính chính danh dựa trên hiệu quả”.
Lý thuyết về “tính chính danh dựa trên hiệu quả”
Đầu tiên, kinh nghiệm quốc tế đã bác bỏ cái gọi là “tính chính danh dựa trên hiệu quả”. Dân chủ hóa đã diễn ra tại nhiều quốc gia thành công về phát triển kinh tế, bao gồm Brazil, Chile, Hy Lạp, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, và Đài Loan. Các quốc gia đã trải qua giai đoạn phát triển kinh tế đến mức trung bình đặc biệt dễ dàng chấp nhận dân chủ. Vào cuối thế kỷ 20, khi xảy ra cái gọi là “làn sóng thứ ba” của dân chủ hóa, “27 trong số 31 quốc gia đã tự do hoá hay dân chủ hóa có mức thu nhập trung bình”.4 Những trường hợp tương đồng nhất với Trung Quốc, các quốc gia chia sẻ các di sản văn hóa và lịch sử tương tự, sẽ làm sáng tỏ hơn luận điểm này. Năm 1988, khi cả Hàn Quốc và Đài Loan tiến hành dân chủ hóa, hai nước này có GDP đầu người tính theo sức mua tương đương (PPP) lần lượt là $6.631 và $7.913 ($12.221 và $14.584 tính theo giá trị đồng đô la năm 2010). Năm 1989, GDP đầu người tính theo PPP của Liên Xô (sau này là Nga) và Hungary – 2 nước lúc đó cũng đang trên con đường hướng tới dân chủ hóa – lần lượt là $9.211 và $6.108 ($16.976 và $11.257 đô la năm 2010).5 GDP đầu người tính theo PPP của Trung Quốc năm 2010 là $7.544.6
Những người ủng hộ “chủ nghĩa ngoại lệ Trung Quốc” đã bỏ qua một thực tế là còn quá sớm để có thể kết luận trường hợp của Trung Quốc đã có thể chứng minh hay bác bỏ lý thuyết hiện đại hóa. Một dự đoán vừa phải về tăng trưởng của Trung Quốc cho thấy với mức tăng trưởng thực tế hàng năm vào khoảng 7%, Trung Quốc có thể đạt GDP bình quân đầu người tính theo PPP là $12.000 (theo giá trị đồng đô-la năm 2010) vào năm 2017, và $15.000 vào năm 2020. Chỉ đến khi đó mới có thể đưa ra một đánh giá công bằng về việc liệu Trung Quốc có thể trở thành một ngoại lệ hay nước này vẫn sẽ tuân theo quy luật thông thường. Cũng cần lưu ý rằng, khi so sánh với các nhà nước toàn trị khác, các chế độ tại Đông Á và tại khu vực thuộc Đông Âu/Liên Xô cũ cần sở hữu các ngưỡng phát triển kinh tế cao hơn để có thể tiến hành dân chủ hóa. Điều này không hẳn là xấu. Các học giả có thể không đồng ý với ý kiến cho rằng quá trình chuyển đổi dân chủ có liên quan tới trình độ phát triển kinh tế, nhưng nhìn chung họ đồng ý rằng quá trình củng cố dân chủ có mối quan hệ nào đó với trình độ phát triển kinh tế. Theo nghĩa đó, sự trì hoãn quá trình dân chủ hóa có thể được coi là một điều tốt để củng cố dân chủ, hay để thực hiện một sự chuyển đổi êm thấm hơn khi Trung Quốc thực sự tiến hành dân chủ hóa.
Thách thức thứ hai đối với quan điểm “tính chính danh dựa trên hiệu quả” chính là khoảng cách ngày càng tăng giữa kỳ vọng của người dân với các phương thức của chính phủ để giành được sự ủng hộ của xã hội. Thật sự nhà nước Trung Quốc vẫn rất mạnh, có sức mạnh tài chính, sức mạnh cưỡng bức và thậm chí là sức mạnh mang tính quy chuẩn rất lớn. Tuy nhiên, phát triển nhanh hơn nữa chưa phải là những gì mà người dân Trung Quốc kỳ vọng. Với ký ức ngày càng phai nhạt về Cách mạng Văn hóa, tiêu chuẩn về cuộc sống tốt đẹp đang thay đổi. Giới trẻ Trung Quốc ngày càng không muốn so sánh các tiêu chuẩn sống của họ với thế hệ cách mạng đi trước. Quá trình mở cửa của Trung Quốc và tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã tạo ra hàng loạt các quy chuẩn sống mới, và người dân ngày càng cho rằng việc có được một cuộc sống bảo đảm là hiển nhiên, với việc xem giáo dục, chăm sóc y tế và sở hữu một chỗ ở ổn định như các yêu cầu phúc lợi cơ bản.
Đi ngược lại các kỳ vọng ngày càng tăng của dân chúng là các những hạn chế về phương tiện chính sách từ chính phủ Trung Quốc. Trên lý thuyết, chính phủ có thể đáp ứng nhu cầu gia tăng phúc lợi xã hội bằng ba cách: in tiền, giảm bớt lãng phí và/hoặc tăng thuế. Lựa chọn đầu tiên được coi là thuận tiện nhưng có thể gây ra lạm phát – vốn đã trở thành vấn đề nghiêm trọng trong những năm gần đây.7 Trong một cuộc khảo sát trực tuyến về nhận thức của người dân tới lạm phát được tiến hành vào tháng 11 năm 2010, 94,93% trong tổng số 3.529 người được hỏi đã chọn câu trả lời “Tôi cảm nhận [những tác động của lạm phát] một cách rõ ràng. Giá cả mọi thứ đều tăng”.8 Lựa chọn thứ hai, giảm lãng phí, là một hành động khó khăn về mặt chính trị trong giới tinh hoa xuất phát từ những cơ hội tìm kiếm đặc quyền đặc lợi mà giới này phải từ bỏ. Một học giả ước tính vào năm 2004, chi tiêu cho các bữa tiệc chiêu đãi, xe hơi, và công tác nước ngoài của các quan chức chính phủ là 900 tỷ nhân dân tệ (NDT) mỗi năm.9 Mặc dù một quan chức thuộc Bộ Tài chính đã bác bỏ điều này bằng việc đưa ra một con số thấp hơn nhiều – 120 tỷ, nhưng cái cách mà vị quan chức này đưa ra số liệu mập mờ và dè dặt đã cho thấy thực tế chắc chắn phải cao hơn rất nhiều so với con số 120 tỷ.10 Để so sánh, các chi phí quân sự của Trung Quốc trong năm 2004 ở mức 220 tỷ NDT. Tăng thuế cũng là một vấn đề khó khăn. Trung Quốc xếp hạng hai trong danh sách Chỉ số khốn khổ về Thuế và Cải cách (Tax Misery and Reform Index) của Forbes năm 200911. Mặc dù phương pháp tính toán của Forbes còn gây nhiều tranh cãi,12 nhưng một điều không thể phủ nhận là tỷ lệ gia tăng tổng thu ngân sách của chính phủ đã tăng nhanh hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng GDP ở Trung Quốc trong những năm qua. Một ví dụ gần đây là từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2011, tăng trưởng thu nhập từ thuế của chính phủ Trung Quốc tăng nhanh hơn hai lần so với tăng trưởng GDP.13 Gánh nặng về thuế ngày càng lớn không chỉ tác động xấu tới môi trường kinh doanh mà còn gây ra sự phản ứng mạnh về mặt chính trị. Vì thế, rất khó hình dung làm thế nào để đáp ứng nhu cầu phúc lợi xã hội tăng cao của người dân nếu không gánh chịu lạm hay những chi phí đánh đổi to lớn về mặt chính trị.
Khó khăn thứ ba, tính chính danh dựa trên hiệu quả có thể gặp rắc rối nếu tăng trưởng kinh tế bị ngừng lại. Suy giảm đáng kể về kinh tế, hay bất ổn định vĩ mô, đi liền theo sau giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng có thể gây ra mối đe dọa lớn hơn nhiều cho chế độ toàn trị khi so sánh với tình trạng đình đốn kéo dài. Điều này đã được chứng minh qua trường hợp của Indonesia và Ba Lan. Do các yếu tố khác nhau, nền kinh tế của Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí là trải qua những cú sốc trong những thập kỷ tới. Toàn cầu hóa đã làm cho nền kinh tế quốc gia dễ bị tác động hơn, minh chứng là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Dù vậy, mối nguy lớn hơn lại đến từ mô hình tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, vốn phụ thuộc một cách bất cân đối vào đầu tư công. Một số hậu quả kèm theo: thứ nhất, các khoản đầu tư như vậy dựa ngày càng nhiều vào các khoản vay ngân hàng, tạo ra mầm mống khó khăn tài chính. TheoVăn phòng Tổng kiểm toán Nhà nước, chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã vay nợ khoảng 10,7 nghìn tỷ nhân dân tệ tính đến cuối năm 2010,14 và nhiều người đã bày tỏ mối lo ngại về việc liệu các chính quyền địa phương có khả năng chi trả các khoản nợ đó hay không. Ngoài ra, phát triển dựa trên đầu tư không hẳn sẽ giúp tạo ra công ăn việc làm, do sản lượng không được phân bổ một cách rộng rãi nhất có thể; và cuối cùng, đầu tư liên quan đến chính phủ là không bền vững trừ khi nó được cân bằng bởi sức tiêu thụ tương đương, và việc dư thừa sản xuất nghiêm trọng xảy ra tại một số ngành đã được nhận thức hầu như rõ ràng. Gần một thập kỷ trước, khi nhận ra sự mất cân đối, chính phủ Trung Quốc đã kêu gọi “chuyển đổi phương hướng phát triển kinh tế, từ mô hình dựa trên đầu tư sang mô hình dựa trên tiêu dùng”. Tuy nhiên, sự chuyển đổi kỳ diệu vẫn chưa xảy ra.
Chính trị chính là vấn đề. Mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư có thể không phải là tốt nhất cho nền kinh tế trong dài hạn, nhưng nó tạo ra cơ hội tìm kiếm đặc quyền đặc lợi và tạo điều kiện cho sự thăng tiến của các quan chức chính phủ; vì vậy, các lợi ích nhóm và bộ máy quan liêu có lý do để kéo dài mô hình này. Sự ổn định kinh tế vĩ mô là một dạng “hàng hóa công cộng” khi chính quyền địa phương có thể trục lợi từ đó nhưng lại không có mong muốn đóng góp nào trở lại. Trong khi đó, chế độ toàn trị tại Trung Quốc nói chung có xu hướng cản trở các chính sách tái phân phối, tổ chức lại lao động, và các chính sách thuế tiến bộ – những yếu tố cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng dựa trên tiêu dùng.
Bất bình đẳng và áp lực dân chủ hóa
Mức độ bất bình đẳng ở Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến triển vọng dân chủ ở đây. Hệ số Gini quốc gia – thước đo tiêu chuẩn của bất bình đẳng, với 0 tức là mọi người dân sở hữu một khối lượng tài sản hoàn toàn bằng nhau và 1 có nghĩa là một cá nhân nắm giữ tất cả của cải– đạt giá trị 0,48 ở Trung Quốc vào năm 2010, thuộc hàng cao nhất thế giới.15
Kể cả với con số như thế, theo học giả Trung Quốc Wang Xiaolu, nó vẫn còn rất thấp so với thực tế bởi “thu nhập không chính thức” – khoản thu nhập không được công bố, thông thường do tham nhũng – không được nhắc tới trong bất kỳ số liệu chính thức nào.16
Trong giai đoạn đầu của công cuộc cải cách ở Trung Quốc, sự gia tăng bất bình đẳng không gây ra nhiều vấn đề chính trị cho ĐCSTQ bởi hai lý do. Thứ nhất là bản chất của sự bất bình đẳng tại Trung Quốc. Do nhiều yếu tố khác nhau, nguồn gốc chính gây ra sự bất bình đẳng ở Trung Quốc theo truyền thống là khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn; trong khi khoảng cách thu nhập trong nội bộ khu vực nông thôn hay nội bộ thành thị lại không quá lớn. Năm 2002, khi hệ số Gini đạt 0,47, thì con số này trong nội bộ ở cả thành thị và nông thôn chỉ là 0.37.17 Do đó, khoảng cách giàu nghèo không được nhận thấy một cách rõ nét ở Trung Quốc như ở các nước đang phát triển khác, nơi mà những khu ổ chuột xuất hiện bên cạnh các cộng đồng dân cư giàu có, sang trọng. Những điều kiện như thế gây ra một số hậu quả chính trị, bởi vì bất bình đẳng càng rõ nét thì bất mãn chính trị càng gia tăng.
Tuy nhiên, bất bình đẳng hiện nay đã trở thành một vấn đề chính trị lớn. Sự bất bình đẳng mang tính trừu tượng trước đây đang trở nên “thật” hơn, với số lượng ngày càng tăng người dân từ các khu vực nông thôn di chuyển đến những thành phố nơi có các trung tâm mua sắm sang trọng, căn hộ và nhà hàng không ngừng mọc lên, gợi nhắc người nghèo đô thị về những gì vượt quá tầm với của họ. Trong một cuộc khảo sát được tiến hành tháng 3 năm 2010 bởi Cục Thống kê Sơn Tây, 11.510 cư dân Sơn Tây được lựa chọn ngẫu nhiên đã được yêu cầu nêu lên ”mong muốn lớn nhất” của họ cho năm mới.18 “Thu hẹp khoảng cách thu nhập” xếp hạng đầu tiên với 38,59% số phiếu. Theo sau tại vị trí thứ hai và thứ ba tương ứng là “ổn định giá nhà đất” (10,27%) và “tạo ra nhiều công ăn việc làm”(10,19%).
Lý do thứ hai là, trong những thập niên đầu cải cách, người dân cho rằng kể cả khi khoảng cách về thu nhập gia tăng, thì cơ hội thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tốt lên cũng gia tăng theo. Một cuộc khảo sát tiến hành bởi giáo sư đại học Harvard – Martin Whyte cho thấy ít nhất đến năm 2004, người dân vẫn còn cho rằng bất bình đẳng là do khả năng của mỗi người chứ không phải do toàn bộ hệ thống không công bằng.19 Tuy nhiên, trong một cuộc khảo sát tiến hành chỉ hai năm sau đó, tham nhũng được cho là lý do chính gây ra khoảng cách thu nhập đáng báo động.20Dấu hiệu rõ ràng của sự bất mãn gây ra bởi bất bình đẳng xuất hiện với hiện tượng “ghét người giàu” và “ghét cán bộ” (hai nhóm này thông thường được coi là giống nhau) bao trùm khắp Trung Quốc. Những câu chuyện tại địa phương trong đó một cá nhân giàu có hay được hưởng đặc quyền trong khi những người khác nghèo hơn liên tục gây phẫn nộ trên toàn quốc. Cái chết bí ẩn của một cô gái đã dẫn đến bạo loạn ở Weng’an thuộc tỉnh Quý Châu vào năm 2008 khi gia đình cô tuyên bố rằng cô bị hãm hiếp bởi người thân của một cán bộ địa phương. Một tai nạn tông xe bỏ chạy tại tỉnh Hà Bắc đã gây ra một cơn bão trong dư luận vào tháng 10/2010 bởi vì kẻ lái xe, con trai của một quan chức địa phương, đã kháng cự lại khi cảnh sát tìm thấy anh ta bằng việc tuyên bố: “Cha tôi là Lý Cương.”
Sự gia tăng nhanh chóng bất bình đẳng xã hội đang trung lập hóa xã hội Trung Quốc về mặt chính trị bao gồm tầng lớp trung lưu, lao động thành thị, nông thôn và các doanh nhân. Khái niệm về ”yi zu” (bầy kiến) đã xuất hiện, và lần đầu tiên được biết đến rộng rãi ở Trung Quốc vào năm 2008. Nó mô tả một tương lai khó khăn và không sáng sủa của tầng lớp trung lưu mới- những cử nhân tốt nghiệp đại học nhưng có thể không quay về quê bởi có quá ít công ăn việc làm, cũng như không thể sống ổn định tại các thành phố lớn vì giá nhà quá cao so với khả năng chi trả của họ, và do đó họ phải sống trong những điều kiện khắc khổ ở các khu ngoại ô.
Song hành với sự không tươi sáng của “bầy kiến” là sự bất lực của tầng lớp lao động. Không có gì thể hiện đặc điểm này tốt hơn bằng ví dụ hàng loạt công nhân nhà máy Foxconn – nhà máy chuyên chế tạo máy tính và các sản phẩm điện tử cho các công ty như Apple, Dell và Hewlett-Packard – tự tử vào đầu năm 2010.21 Giống như các thành viên của “đàn kiến”, hầu hết người lao động không thấy tương lai ổn định ở cả các vùng nông thôn và đô thị của Trung Quốc. Những gì họ phải đối mặt là một xã hội khép kín trong đó cơ hội chỉ mở ra cho những người giàu, học vấn cao, và những người có mối quan hệ. Đối với người nông dân, Giáo sư MIT Yasheng Huang đã lập luận rằng họ đã bị đưa ra ngoài rìa xã hội từ sau khoảng giữa thập niên 1990, khi chính phủ tập trung vào phát triển đô thị.22 Các chương trình dân túy ở nông thôn của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo, như hệ thống chăm sóc sức khỏe nông thôn, có thể làm dịu bớt căng thẳng chính trị ở một mức độ nhất định, nhưng những ích lợi thực sự còn rất hạn chế. Khoảng cách thu nhập giữa người dân thành thị và nông thôn tăng từ 3,1:1 năm 2002 lên 3,33:1 năm 2008.23
Thậm chí giới doanh nhân cũng ngày càng bị trung lập hóa về mặt chính trị. Giáo sư Đại học George Washington Bruce Dickson lập luận rằng các nhà tư bản Trung Quốc đã trở nên “đỏ” vì chế độ đã thành công trong việc thu nạp họ.24 Lập luận này không chỉ đánh giá thấp tính dễ bị tổn thương của liên minh này25 mà còn bỏ qua mặt khác của câu chuyện: hơn ba thập kỷ cải cách ở Trung Quốc, ĐCSTQ đã phân biệt đối xử với doanh nghiệp tư nhân địa phương trong khi ưu tiên cho các doanh nghiệp lớn của nhà nước và các tập đoàn nước ngoài, như Yasheng Huang đã ghi lại. Có lý do để cho rằng sự phân biệt đối xử đã tạo nên những làn sóng bức xúc âm ỉ.
Một số chính sách dưới thời lãnh đạo Hồ – Ôn dường như đã khiến các công ty tư nhân bị gạt ra ngoài lề: Luật Hợp đồng lao động năm 2007, một luật mới hạn chế quyền tự do thuê và đuổi việc lao động của người sử dụng lao động, được coi là quá có lợi cho người lao động; sự trở lại của các doanh nghiệp nhà nước độc quyền trong những lĩnh vực quan trọng kể từ giữa những năm 2000 đã làm phá sản nhiều doanh nghiệp tư nhân; và 4 nghìn tỷ NDT gói kích thích kinh tế với mục tiêu giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính hầu như chỉ được sử dụng bởi thành phần kinh tế quốc doanh. Những lời chỉ trích mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông về hiện tượng “gou jin min tui” (quốc tiến dân thoái) sau năm 2008 cho thấy một cách thức định hình vấn đề hoàn toàn mới. Thập niên 1990 nổi lên cuộc tranh luận về việc có nên chấp nhận khu vực tư nhân hay không. Hiện tại, vấn đề là liệu các doanh nghiệp tư nhân có nên được đối xử giống như các doanh nghiệp nhà nước liên quan tới các khoản vay ngân hàng, miễn thuế và đất đai hay không.
Tổng kết lại, chúng tôi không khẳng định rằng đa số người dân Trung Quốc đang tích cực tìm kiếm dân chủ, nhưng chúng tôi gợi ý rằng xu hướng kinh tế gần đây đã trung lập hóa các tầng lớp xã hội quan trọngvề mặt chính trị, tạo ra nguồn động lực thúc đẩy sự dịch chuyển chính trị. Chúng tôi tin rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong tương lai là một tác nhân dẫn đến dân chủ hóa, và coi sự gia tăng bất bình đẳng ở Trung Quốc như là một nhân tố thúc đẩy chứ không phải cản trở dân chủ hóa.
Thay đổi văn hóa chính trị
Nhiều ý kiến cho rằng chính nền văn hóa độc nhất vô nhị của Trung Quốc đã làm cho quá trình dân chủ hóa trở nên khó khăn, nếu như không muốn nói là không tưởng. Những ý kiến này có sự ủng hộ từ thực tiễn nhưng đó lại là một bức tranh tổng thể đầy phức tạp. Trong khi thừa nhận rằng Trung Quốc chịu tình trạng “thâm hụt văn hóa” về dân chủ, chúng tôi vẫn cho rằng sự phát triển về kinh tế và công nghệ đang làm thay đổi định hướng văn hóa của quốc gia.
Những khảo sát khác nhau cho thấy ĐCSTQ đạt sự tín nhiệm chính trị rất cao bất chấp bản chất chuyên chế của nó. Cựu Giáo sư đại học Duke, Tianjian Shi, nhận thấy rằng 92% người Trung Quốc tin tưởng vào chính phủ.26 Các học giả bình luận rằng sự gia tăng đáng kể các cuộc biểu tình tại Trung Quốc vẫn chưa đe doa nghiêm trọng đến tính chính danh của chế độ vì những người biểu tình thường có xu hướng tập trung vào các vấn đề kinh tế xã hội chứ không phải các vấn đề chính trị và họ phân biệt rạch ròi giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương.27 Liệu có phải nền văn hóa Trung Quốc đang ngăn cản quá trình dân chủ hóa của nước này?
Trước hết, những người biểu tình Trung Quốc đúng là có xu hướng đưa ra những đòi hỏi thực tế và mang tính địa phương, nhưng liệu điều đó phản ánh một xu hướng văn hóa hay chỉ đơn giản là một sự lựa chọn duy lý trong ngắn hạn thì không thực sự rõ ràng. Những người biểu tình hoàn toàn có thể có khả năng sửa đổi lý lẽ và đòi hỏi của mình cho tương ứng với những thay đổi trong môi trường chính trị. Ví dụ, nhiều cuộc biểu tình phản đối cưỡng chế tháo dỡ nhà cửa đã ngay lập tức làm dấy lên các tranh luận về quyền sở hữu tài sản sau khi Luật sở hữu tài sản có hiệu lực từ năm 2007. Và Đạo luật về Công khai các thông tin của chính phủ được ban hành trong năm 2008 đã tạo ra một loạt các trường hợp trong đó người dân sử dụng ”quyền thông tin” để đưa ra những đòi hỏi của mình. Vì vậy rất hợp lý khi cho rằng chính thể chế, chứ không phải các xu hướng văn hóa, đã hình thành nên những đòi hỏi đó của những người biểu tình.
Khái quát hơn, một số quan điểm bảo thủ của người dân Trung Quốc có thể mang tính chất dễ thay đổi và hời hợt, phản ảnh sự thành công của quá trình tuyên truyền chính trị hơn là một định hướng văn hóa ăn sâu bám rễ. Tất nhiên, nhận thức về dân chủ tại Trung Quốc vẫn có ”những đặc điểm mang đặc sắc Trung Quốc”. Ví dụ, 62,9% người được hỏi trong cuộc khảo sát Phong vũ biểu Châu Á năm 2005 cho rằng Trung Quốc đã ít nhiều mang tính dân chủ.28Tuy nhiên, rất có thể quan điểm như vậy sẽ thay đổi khá nhanh chóng một khi môi trường chính trị thay đổi. Việc người dân coi trọng sự ổn định hơn tự do không hề gây ngạc nhiên khi mà bộ máy tuyên truyền xung quanh họ khiến cho hai khái niệm trên đối chọi nhau. Việc người dân cho rằng dân chủ đồng nghĩa với sự bảo vệ là điều tự nhiên khi các lãnh đạo quốc gia luôn được khắc họa như những người bảo vệ nhân từ (đối với người dân) bởi giới truyền thông. Một thực tế đáng ngạc nhiên là, bất chấp công tác tuyên truyền, một tỷ lệ đáng kể người dân Trung Quốc vẫn giữ một quan điểm tự do về khái niệm dân chủ, như đã được thể hiện qua nghiên cứu của Tianjian Shi.29
Văn hóa luôn luôn thay đổi, tại cả Trung Quốc và ở phương Tây. Wang Zhengxu tại Đại học Nottingham đã phát hiện ra sự thay đổi thế hệ rất rõ ràng, với những người Trung Quốc sinh năm 1980 có mức độ tin tưởng chính phủ rất thấp.30 Tương tự như vậy, Tianjian Shi thấy rằng ”những người trẻ có nhiều khả năng tán thành khái niệm dân chủ theo truyền thống tư tưởng dân chủ tự do”.31
Những thống kê cũng cho thấy, ở mức độ nào đó, sức sống ngày càng tăng của xã hội dân sự ở Trung Quốc. Số lượng của các vụ “hành động tập thể” (collective action) đã tăng từ 8.700 vụ trong năm 1993 đến 90.000 vụ trong năm 2006, và sau đó tăng gấp đôi đến 180.000 vụ trong năm 2010.32 Số lượng các tổ chức phi chính phủ cũng đã tăng từ 6.000 vào đầu thập niên 1980 lên đến 360.000 vào năm 2006, mặc dù con số thực có thể tới 3 triệu.33 Điều này khó có thể xảy ra trong một xã hội văn hóa tĩnh.
Mỉa mai thay, điều cho thấy rõ ràng nhất sự bất ổn ngày một gia tăng của xã hội Trung Quốc chính là sự gia tăng chi tiêu chính phủ vào việc “duy trì ổn định”. Ngân sách Trung Quốc cho an ninh nội bộ trong năm 2009 là 514 tỷ nhân dân tệ, tương đương với ngân sách chi cho quân đội.34 Tại Đại hội toàn quốc lần thứ 17 năm 2007 của ĐCSTQ, để “duy trì ổn định” tại Bắc Kinh, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Yu Jianrong ước tính rằng khoảng 100.000 người đã được chính quyền địa phương từ khắp các tỉnh gửi đến Bắc Kinh với mục đích ”jie fang” (ngăn chặn những người đi kiện)35
Sự ủng hộ dân chủ của tầng lớp trí thức Trung Quốc cũng tạo ra một thách thức nữa đến quan điểm cho rằng văn hóa Trung Quốc là một trở ngại cho quá trình dân chủ hóa. Một tỷ lệ lớn người Trung Quốc, có thể nói là đa số, có thể vẫn còn bảo thủ hay thờ ơ về mặt chính trị, nhưng nếu xét về xung lực cho quá trình dân chủ hóa, thì thái độ chính trị của giới học giả, sinh viên đại học và tầng lớp trung lưu mới nổi có lẽ quan trọng hơn dư luận xã hội nói chung, dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia khác hoặc của chính lịch sử Trung Quốc.36 Trong những năm gần đây, một nhóm các nhà lãnh đạo có tư duy tự do đã nổi lên tại Trung Quốc, và đã thay đổi quan điểm chính trị của càng nhiều hơn những người trẻ và có giáo dục. Han Han, một nhà văn trẻ cũng và cũng là một người chơi xe đua, là đại diện không chính thức của những lãnh đạo tư tưởng như vậy. Ông đã sử dụng blog của mình để chỉ trích kiểm duyệt và bất công chính trị tại Trung Quốc, và đã trở nên nổi tiếng đến nỗi blog của ông, với hơn 500 triệu lượt truy cập tính tới mùa hè 2011, trở thành trang có số độc giả lớn nhất Trung Quốc.37 Nhiều nhân vật nổi tiếng cũng ngày càng trở nên thẳng thắn hơn. Điều này thực sự gây lo ngại cho ĐCSTQ do chủ nghĩa tự do chính trị ngày càng có liên quan mật thiết đến các nhân vật nổi tiếng trong nước, chứ không phải là những nhân vật lưu vong chính trị bị cô lập hay các học viên Pháp Luân Công.
Những tiếng nói tự do như vậy đang ngày càng được chấp thuận. Vào cuối năm 2010, trong số 10 cuốn sách hàng đầu được liệt kê trên sina.com, trang web được cho là có lượng truy cập nhiều nhất tại Trung Quốc, sáu cuốn sách có liên quan đến chủ đề chính trị và năm cuốn có xu hướng ủng hộ tự do. Cuốn sách gây sốt mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa “Trung Quốc không hạnh phúc” nhận điểm đánh giá 5.2/10 từ khoảng 4.000 độc giả của douban.com – trang web đánh giá sách lớn nhất ở Trung Quốc. Ngược lại, cuốn sách “Lẽ thông thường”(Common Sense), được phát hành cùng năm với nội dung truyền bá các quan điểm tự do, như đã được gợi ý một cách gián tiếp trong tiêu đề mượn từ tác phẩm của Thomas Paine, nhận được điểm đánh giá trung bình là 8.2 từ 13.000 độc giả.
Cuối cùng, sự biến đổi của các phương tiện truyền thông mang tính truyền thống đã góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa. Trong thập niên 1990, tờ Nam Phương Cuối Tuần là biểu tượng của tự do báo chí. Ngày nay, nó chỉ là một trong nhiều các tờ báo như vậy. Mặc dù tăng cường kiểm duyệt, nhưng ngày càng nhiều các tờ báo và tạp chí thể hiện xu hướng tự do, bao gồm Southern Metropolis, Window for the Southern Wind, Liao Wang, Cai Jing, New Century, và Xiaoxiang Morning.
Tuy nhiên, những thay đổi mang tính cách mạng lại đến từ internet. Số lượng cư dân mạng ở Trung Quốc được ước tính lên đến con số đáng kinh ngạc 485 triệu người tính đến tháng 6/2011.38 Dĩ nhiên thay đổi về văn hóa cần có thời gian, nhưng ngày càng có nhiều cư dân mạng đang cố gắng tách mình khỏi chế độ chuyên chế. Một dấu hiệu của quá trình tách rời đó là sự gia tăng chủ nghĩa hoài nghi chính trị: ”tám vinh quang và tám hổ thẹn”, các nguyên tắc đạo đức được ủng hộ dưới sự lãnh đạo của Hồ – Ôn, đã tạo ra nhiều trò cười hơn là sự tôn trọng. Những từ như “democrazy” (dân chủ điên rồ), “freedamn” (tự do chết tiệt), “fewman rights” (quyền của một số người) hoặc “harmoney” (hài hòa nhờ tiền) đã được tạo ra nhằm chế giễu môi trường chính trị hiện tại. Mặc dù đúng là chính phủ Trung Quốc đã thành công trong việc đàn áp tự do ngôn luận trực tuyến thông qua các cơ chế kiểm duyệt nhiều tầng lớp, nhưng cho đến nay chiến lược đó đã thất bại trong việc kiểm soát các hoạt động trực tuyến ở ít nhất bốn lĩnh vực.
Trước tiên, chính phủ không thể hoàn toàn ngăn chặn được dòng chảy thông tin, bởi vì nhiều người đã học được cách làm thế nào để vượt qua “vạn lý tường lửa” với các phần mềm đặc biệt. Có một câu chuyện thú vị về Feng Zhenghu. Được cho là một kẻ gây rắc rối về mặt chính trị bởi chính quyền Thượng Hải, Feng bị cấm quay trở lại Trung Quốc khi đang ở Nhật Bản. Từ tháng 11 năm 2009 đến tháng 2 năm 2010, ông sống tại Sân bay quốc tế Narita ở Nhật Bản, phản đối sự đối xử mà chính quyền Thượng Hải dành cho mình. Trong kỷ nguyên tiền internet, cuộc đấu tranh của ông có thể không được chú ý đến, nhưng Feng đã sử dụng Twitter để cập nhật các hoạt động hàng ngày của mình. Mặc dù cộng đồng sử dụng Twitter ở Trung Quốc rất nhỏ vì những hạn chế của chính phủ, nó đủ lớn để giữ cho câu chuyện trở nên sinh động và tiếp diễn. Cuối cùng, chính quyền Thượng Hải đã trở nên hết sức bối rồi khi cho phép Feng trở về nước.
Thứ hai, có rất nhiều thông tin tồn tại trên mạng trong khu vực chính trị ”màu xám”. Trong năm năm qua, mạng internet tại Trung Quốc đã trở thành một nhà hát chính trị chứa đầy những vở kịch giật gân. Như trường hợp của DengYujiao, một cô gái Hồ Bắc đâm một quan chức địa phương đến chết khi đối mặt với nguy cơ bị cưỡng hiếp vào tháng 5 năm 2009, đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ khổng lồ khi câu chuyện của cô được đưa lên mạng, hay như câu chuyện ”trốn tìm” năm 2009 trong đó một đồn cảnh sát tại Vân Nam đã gán cái chết bí ẩn của một nghi phạm đang bị tạm giam vào trò chơi trốn tìm, nhưng nhiều người lại thấy câu chuyện này nực cười đến khó tin. Trong năm 2010, khi một gia đình tại Giang Tây tự thiêu để phản đối việc chính quyền tháo dỡ nhà cửa, người thân của họ đã cập nhật tình trạng khốn khổ của họ lên mạng. Những câu chuyện như vậy được coi là “xám” vì chính quyền địa phương thường không thích những sự việc như thế được tường thuật lại, nhưng họ lại không có bất cứ quyền hạn nào để kiểm soát luồng thông tin trực tuyến. Ngoài ra, cư dân mạng Trung Quốc đã học được cách phát minh ra các ngôn ngữ “xám”, hay còn được gọi là ngôn ngữ nói giảm nói tránh, để truyền tải thông điệp của họ về những vấn đề chính trị nhạy cảm. Ví dụ, “8 bình phương” là tín hiệu để khởi đầu cuộc thảo luận về phong trào ngày 4 tháng 6 (tức số 64 trong cách nói của người Trung Quốc – NBT), “được mời uống trà” có nghĩa là gần đây bị cảnh cáo bởi cảnh sát, và “đang được hòa hợp” có nghĩa là đang bị đàn áp. Các nhà lãnh đạo hàng đầu đôi khi cũng sở hữu một số biệt danh giúp cho cuộc thảo luận trở nên thuận tiện hơn. Đó là các kỹ năng chiến tranh du kích để vượt qua sự kiểm duyệt trực tuyến.
Thứ ba, internet đang trở thành công cụ để tổ chức các hoạt động chính trị. Cuộc đi bộ vì lý do môi trường tại Hạ Môn trong năm 2006 và tại Quảng Châu trong năm 2009 đều được tổ chức một phần thông qua các cộng đồng mạng. Trường hợp của Qian Yunhui năm 2010, trong đó chính phủ và nhiều cư dân mạng tranh cãi về lý do gây ra cái chết của một nông dân (chính phủ nói rằng đó là tai nạn xe hơi trong khi cư dân mạng lại cho rằng đó là hành động trả đũa mang động cơ chính trị vì người nông dân này đã tập hợp dân làng để đòi hỏi các quyền lợi về đất đai), thu hút sự chú ý rộng rãi của công luận đến mức một số cư dân mạng đã tiến hành các hoạt động điều tra độc lập. Sự thật là những hoạt động như vậy vẫn còn rất ít do thông tin bị kiểm soát và tồn tại những rủi ro về mặt chính trị, nhưng hiện tượng phối hợp hành động thông qua internet không chỉ giúp duy trì sự đoàn kết giữa các nhà hoạt động mà còn cung cấp một kênh cho những nhà bất đồng chính kiến có thể kết nối với cơ sở, một liên minh được coi là nguy hiểm trong mắt ĐCSTQ.
Thứ tư, internet đang thúc đẩy ”vốn xã hội” nói chung, tuy không có những tác động chính trị một cách tức thời, nhưng có thể nuôi dưỡng tư tưởng dân chủ trong dài hạn. Mặc cho sự kiểm soát của chính phủ, rất nhiều những nhóm đọc, nhóm du lịch, thảo luận, tổ chức từ thiện, và thể thao, và nhiều những nhóm khác nữa, đang phát triển mạnh mẽ trên không gian mạng. Nếu lý thuyết của giáo sư Harvard Robert Putnam39cho rằngthái độ ủng hộ mạng xã hội cũng là ủng hộ dân chủ là đúng, thì sự bùng nổ các mối tương tác và liên minh xã hội trên mạng có thể thúc đẩy quá trình dân chủ hóa ở Trung Quốc.
Tóm lại, chúng tôi cho rằng nền văn hóa Trung Quốc không cản trở quá trình dân chủ hóa nhiều đến mức như một số người đã gợi ý. Đặc điểm của văn hóa bản thân nó là sự pha trộn. Nhiều xu hướng bảo thủ chỉ mang vẻ bề ngoài, và văn hóa chính trị đang thay đổi liên tục. Tư duy lãnh đạo đang hướng về chủ nghĩa tự do, các phương tiện truyền thông truyền thống cũng đang trở nên thoáng hơn, và internet đang trở thành một môi trường văn hóa mà nhà nước trở nên quá vụng về để có thể chinh phục nó một cách hiệu quả.
Quá trình chuyển giao lãnh đạo và những hệ quả của nó
Những tác động của toàn cầu hóa
Xu hướng rõ ràng, kết quả không chắc chắn
Chú thích