Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

Thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc


07/10/2013 11:32 - Trần Trọng Dương

Ngày nay, khi hỏi bất kỳ người Việt Nam nào về thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc mở đầu cho kỷ nguyên độc lập, hầu như câu trả lời chắc chắn sẽ là năm 938. Dấu chấm hết cho một giai đoạn lệ thuộc là chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng trước quân Nam Hán. Tuy nhiên, ít người để ý đến việc vì sao các sử gia, các nhà nghiên cứu lịch sử lại CHỌN thời điểm đó, tiêu chí để xác định là gì, và họ chọn thời điểm đó với mục đích gì. Ngoài ra, còn có những thời điểm nào khác đã được đề xuất, với tiêu chí khác, và dĩ nhiên với những mục đích khác? Bài viết này sẽ giới thiệu CÁC mốc thời gian đã từng được đề xuất cũng như thảo luận về những vấn đề có liên quan như đã nêu.


Mô phỏng chiến thắng Bạch Đằng năm 938

Giả thuyết 1: năm 938

Đề xuất này có từ khá sớm, ít nhất là từ thế kỷ XV qua cách phân kỳ lịch sử của Ngô Sĩ Liên. Tuy nhiên, Ngô Sĩ Liên chọn năm 939 làm thời điểm đầu tiên của kỷ nguyên độc lập tự chủ, còn năm 938 được chọn làm thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc. Có hai tiêu chí được sử dụng ở đây. Trong đó, CHIẾN THẮNG trước quân đội phương Bắc được dùng để chọn thời điểm kết thúc; xây dựng triều đại được dùng để xác định thời điểm mở đầu1.

Cách phân kỳ của Ngô Sĩ Liên hẳn đã có ảnh hưởng lớn đến phần lớn các sử gia trong nhiều thế kỷ sau. Sách “Lịch sử Việt Nam” (1971) ghi: “Chiến thắng oanh liệt của quân dân ta dưới sự lãnh đạo của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng cuối năm 938 kết thúc hoàn toàn thời kỳ mất nước kéo dài hơn nghìn năm. Dân tộc ta đã giành lại được quyền làm chủ đất nước. Một thời kỳ độc lập lâu dài của dân tộc bắt đầu.”2 Giáo trình “Tiến trình lịch sử Việt Nam” (2010) ghi: “Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 là cái mốc bản lề của lịch sử Việt Nam. Nó chấm dứt vĩnh viễn nền thống trị hơn 1000 năm của phong kiến phương Bắc, mở ra thời kỳ độc lập thực sự và lâu dài của dân tộc.”3 “Dấu chấm cuối cùng là để ở năm 938: bút là giáo gươm, mực là sông Bạch Đằng, theo tôi hợp lý hơn và đẹp hơn.”4 Cách bình luận của GS Trần Quốc Vượng cho thấy ông đang phải lựa chọn giữa các mốc thời điểm khác nhau. Mốc 938 được chọn phải chăng vì nó gắn với một chiến thắng rực rỡ, oanh liệt, có tầm về nghệ thuật quân sự: một trận thủy chiến với sự thông hiểu con triều. Rồi sau đó, cách đánh này còn được dùng lại thời Lê Hoàn chống Tống và Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên Mông: “trận Bạch Đằng lịch sử, vừa xóa sổ cả đạo thủy quân Nam Hán xâm lược, vừa giết chết cả chủ tướng: Thái tử Hoằng Thao”5. Hơn nữa, có thể thấy, từ góc độ rộng lớn hơn, Ngô Quyền đã “trấn diệt thù trong, tiêu diệt giặc ngoài”6. Cách dùng chữ như vậy, hẳn có đối chiếu với lịch sử Việt Nam quãng những năm sáu bảy mươi của thế kỷ XX. Ở đây, chúng ta đã thấy việc nghiên cứu của các nhà sử học đã ít nhiều có sự điều chỉnh của bối cảnh lịch sử Việt Nam hiện đại.

"Nhưng dù sao, với thời điểm năm 938, chúng ta có thể thấy, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX, các sử gia và các nhà nghiên cứu lịch sử đã dùng chung một tiêu chí để xác định thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc, ấy là một CHIẾN THẮNG.

Nhưng điểm đáng bàn đến ở đây, chiến thắng Bạch Đằng không phải là chiến thắng đầu tiên của thế kỷ X. Chính vì thế, trước nay đã có một số đề xuất khác, như sẽ trình bày dưới đây.

Giả thuyết 2: năm 931

Ý kiến này được đưa ra bởi hai nhà sử học Nguyễn Diên Niên và Phan Bảo trong bài viết “Dương Đình Nghệ với ba nghìn người giả tử của ngài (Hay ai là người khai sinh nền độc lập dân tộc lần thứ nhất?)”7 Khởi đầu bài viết, các tác giả đã dẫn một đoạn sử liệu như sau:

“Dương Đình Nghệ người Ái Châu, nuôi ba nghìn giả tử, mưu đồ khôi phục Giao Châu. Viên tướng cai quản Giao Châu người Hán là Lí Tiến đã biết, nhưng ăn hối lộ của Nghệ nên làm như không nghe thấy. Năm này (tức năm Tân Mão 931), Đình Nghệ dấy quân bao vây Giao Châu, vua Hán sai Thừa chỉ Trình Bảo sang cứu, chưa đến nơi thành đã nguy ngập. Tiến bỏ trốn về bị vua Hán giết chết. Bảo vây Giao Châu, Đình Nghệ ra đánh, Bảo phải thua và tử trận.”8 Dương Đình Nghệ tự xưng làm Tiết độ sứ, vua Nam Hán “biết chẳng thể tranh với ngài được nữa, đành bái tướng Tiết độ sứ châu Giao”9.

Trong đó, các tác giả đã đưa ra những lý lẽ như sau:

(1) Dương Đình Nghệ đã gây dựng “một tổ chức chính trị bí mật” (ba ngàn giả tử) với mục tiêu khôi phục lại Giao Châu;

(2) Đánh đuổi Thứ sử Lý Tiến về nước, và đánh bại quân tiếp viện Trần Bảo;

(3) Tiếp tục việc tự trị, “trông coi việc ở châu”, “khước từ mọi sự can thiệp từ bên ngoài”.

Có thể thấy, các tác giả vẫn lấy tiêu chí “chiến thắng quân sự” để xác định lại thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc. Điều quan trọng nhất mà các tác giả đưa ra ở đây chính là sự kiện chiến thắng Trần Bảo xảy ra trước chiến thắng Bạch Đằng bảy năm10.

Giả thuyết 3: năm 905

Đây là một thời điểm mà cũng không ít người nghĩ đến, như trăn trở của GS Trần Quốc Vượng11. Suy nghĩ này dựa trên sử liệu trong sách Tư trị thông giám: “năm Ất Sửu, tặng Tĩnh Hải Quân Tiết Độ Sứ Khúc Thừa Dụ chức Đồng Bình chương sự. [Trước đó] Khúc Thừa Dụ nhân loạn mà chiếm cứ An Nam”12.

Năm 1996, A.B. Poliacop trong cuốn “Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X-XIV” đã lần đầu đề xuất thời điểm năm 905 một cách chính thức. Ông đánh giá Khúc Thừa Dụ là người mở ra một thời đại mới. Ông xác định năm 905 “là bước khởi đầu của các triều đại độc lập thực sự đầu tiên”13. Tác giả cho rằng, với sự truyền thừa qua ba đời (Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ)14 và với việc xây dựng hệ thống hành chính và luật lệ mới, họ Khúc thực sự đã chứng tỏ “tinh thần độc lập tự chủ”15, “chấm dứt thời kỳ mất nước”16.

Đến năm 2010, cách phân kỳ này chính thức được nhóm Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh đưa vào giáo trình Đại cương lịch sử Việt Nam. Giáo trình này đã dành riêng một chương để viết về “Thế kỷ X: xây dựng và bảo vệ quốc gia độc lập, tự chủ và thống nhất thời Khúc - Ngô – Đinh - Tiền Lê” (Chương V) thuộc “thời đại phong kiến dân tộc”17. Các tác giả đã viết như sau: “từ năm 905, dù những người đứng đầu đất nước chưa thành lập vương triều và theo xu hướng chung của thời điểm đó, nhận chức Tiết độ sứ, “kỷ nội thuộc Tùy - Đường” như cách nói của người xưa hay đầy đủ hơn là thời Bắc thuộc nói chung đã chấm dứt vĩnh viễn… Nói cách khác, từ năm 905, đất nước ta chuyển sang một thời đại mới, thời đại độc lập, tự chủ dưới chế độ phong kiến”18.
***
Có thể thấy, từ thế kỷ XV đến thế kỷ XX-XXI, tiêu chí quan trọng nhất được dùng để xác định thời điểm chấm dứt ngàn năm Bắc thuộc chính là CHIẾN THẮNG trước giặc ngoại xâm. Đây là tiêu chí được đưa ra bởi những học giả theo các giả thuyết 931 và 938. Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 được chọn có thể dựa trên những lý do: (1) Đây là một chiến thắng lớn, một chiến thắng đẹp về lịch sử quân sự; (2) Ngô Quyền đã xưng vương ngay sau đó. Lý do để họ bác bỏ thời điểm năm 931 là vì Dương Đình Nghệ thì lại xin “sách phong”19 Tĩnh hải quân Tiết độ sứ từ phương Bắc. Đến thế kỷ XX, tiêu chí CHIẾN THẮNG QUÂN SỰ tiếp tục được đề cao trong bối cảnh Việt Nam đã/ đang phải tiến hành các cuộc chiến tranh trước các thế lực của Pháp, Mỹ và Trung Quốc. Có thể thấy rõ điều này qua bài viết của Văn Lang. Tác giả cho rằng trong thế kỷ X, yếu tố tiên quyết của nền độc lập chính là BẠO LỰC QUÂN SỰ, bạo sự quân sự là “động lực”, là “người đỡ đẻ” của độc lập tự chủ20.

Trong khí đó, Poliacop lưu ý rằng, các “nhà nghiên cứu Việt Nam hiện đại đánh giá quá cao ý nghĩa của chiến thắng trên sông Bạch Đằng trong bối cảnh giành lại nền độc lập”21. Ông khẳng định Dương Đình Nghệ cũng đã làm được một chiến thắng trước đó bảy năm (931). Và như những gì mà nhà nghiên cứu này đưa ra trong giả thuyết 905, dường như ông đã từ chối tiêu chí chiến thắng. Ông viết: năm 905, nhà Đường suy vi, viên Tiết độ sứ Trung Quốc cuối cùng là Độc Cô Tôn bị triệu khỏi Giao Châu, Khúc Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ chiếm đóng phủ Tống Bình. Nhà Đường buộc phải công nhận Khúc Thừa Dụ như một việc đã rồi. Năm 907, nhà Đường cũng mất, nhà Hậu Lương lên thay cũng đã công nhận chính quyền của họ Khúc22.

Đến đây, chúng tôi muốn tổng kết lại các tiêu chí mà các nhà nghiên cứu trước đây đã sử dụng.
Có thể thấy, tiêu chí quan trọng nhất nên được dùng ở đây là sự TỰ TRỊ và HỆ THỐNG HÀNH CHÍNH do NGƯỜI BẢN ĐỊA hoặc những người đã bản địa hóa điều hành. Việc giành được chính quyền năm 905 của Khúc Thừa Dụ dường như đã bị quên lãng chỉ vì phương thức khá “hòa bình”23 của Khúc Thừa Dụ và sự thất bại của Khúc Thừa Mỹ vào năm 930. Đây chính là lý do khiến các sử gia có tinh thần quốc gia dân tộc đã không lấy ba đời họ Khúc làm triều đại mở đầu, thay vào đó họ dùng các uyển ngữ “người đặt cơ cở cho nền độc lập”, hoặc đặt vào kỷ “Nam Bắc phân tranh”. Nhiều học giả đã tuyệt đối hóa tiêu chí thắng - bại để ra kết luận cuối cùng. Thế nhưng, ngay cả khi dùng tiêu chí chiến thắng, họ dường như cũng cố gắng bỏ qua sự kiện năm 931 của Dương Đình Nghệ; lý do đưa ra là Dương Đình Nghệ đã nhận sách phong của phương Bắc. Song qua bảng trên, ta thấy việc sách phong của Tĩnh hải quân Tiết độ sứ Ngô Quyền cũng đã bị bỏ qua. Thực chất, người ta đã không biết rằng: việc sách phong này luôn được thực hiện như một đối sách ngoại giao mềm mỏng của tất cả các triều đại trong lịch sử.

Tóm lại, với quan niệm nền độc lập phải được xác quyết bằng một chiến thắng trước giặc ngoại xâm, phần lớn các sử gia Việt Nam từ thế kỷ XV đến nay đã ấn định năm 938 như là dấu chấm hết cho giai đoạn Bắc thuộc. Tiêu chí chiến thắng bằng bạo lực quân sự dường như là một công cụ thường hằng của các sử gia nhằm phục vụ cho bối cảnh chính trị của Việt Nam - nơi luôn trải qua các cuộc xâm lăng của ngoại quốc.

Nhìn từ một góc độ thuần túy sử học như Poliacop thì nền độc lập đã được hình thành do áp lực quân sự của người bản địa trong bối cảnh đế chế Đại Đường đang ở chặng cuối của sự tan rã. Xu thế phân mảnh của một đế quốc và ý thức tự trị (cát cứ24) của các nhóm thế lực là hai nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự hình thành mười quốc gia thời Ngũ Đại và sự độc lập của mảnh đất phương Nam.
----------------------   
1 Tuy nhiên, bài này sẽ chỉ tập trung khảo sát, thảo luận về thời điểm kết thúc. Còn thời điểm khởi đầu xin được trình bày trong một dịp khác.
2 Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam. 1971. Lịch sử Việt Nam. (Tập 1). NXB Khoa học Xã hội. H. Tr.141.
3 Nguyễn Quang Ngọc (chủ biên), Vũ Minh Giang, Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Đình Lê, Trương Thị Tiến, Phạm Xanh. (2010). Tiến trình lịch sử Việt Nam (tb. Lần 10). NXB Giáo dục Việt Nam. HN.
4 Trần Quốc Vương. 1984. Việt Nam thế kỷ X - văn hóa - văn minh. Trong “Thế kỷ X: những vấn đề lịch sử”. NXB KHXH. H. Tr.222.
5 Văn Lang. 1984. Thế kỷ X - một đặc điểm quân sự và quân sự học. Trong “Thế kỷ X: những vấn đề lịch sử”. NXB KHXH. H. Tr. 189. Hoằng Thao: thực ra là “Hồng Tháo”.
6 Như trên
7 http://vanhoanghean.com.vn (Thứ hai, 21/11/2011 10:12)
8 Tư Mã Quang. 1084. Tư trị thông giám. quyển 277.
9 Âu Dương Tu. 1053.  Tân Ngũ đại sử, quyển 60.
10 Mặt khác, nhiều học giả đã khẳng định tầm ảnh hưởng của họ Dương trong suốt thế kỷ X. Thời đại của Dương Đình Nghệ tồn tại trong sáu năm, cho đến khi ông bị Kiều Công Tiễn sát hại. Nhưng nhìn từ tổng thể, họ Dương đã để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử thế kỷ X. Con rể ông - Ngô Quyền ngay sau đó đã đem quân từ châu Ái ra diệt Kiều Công Tiễn và làm nên chiến thắng Bạch Đằng. Những con rể khác của họ Ngô như Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn ít nhiều nắm được quyền tối cao đều phải dựa vào mối quan hệ hôn nhân này.
11 Trần Quốc Vượng. 1984. bđd. Tr.222.
12 Nguồn sử liệu này không thấy đề cập trong Đại Việt sử ký toàn thư, nhưng đã được Việt sử thông giám cương mục đề cập.
13 A.B. Pôliacốp. 1996. Sự phục hưng của nước Đại Việt thế kỷ X- XIV. Vũ Minh Giang, Vũ Văn Quân dịch; Lê Đình Sỹ, Nguyễn Xuân Mạnh, Hán Văn Tâm hiệu đính. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - NXB Chính trị Quốc gia. H. Tr.22.
14 Quãng thời gian tồn tại hiện có hai giả thuyết: (1) 18 năm (905-923) theo Toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục; (2) 26 năm (905-930) theo Việt sử lược, An Nam chí lược [xem thêm Đỗ Danh Huấn. 2012. Lại bàn đến sử liệu viết về họ Khúc. Trong “Sử học Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa”. NXB Thế giới. H. 485- 506].
15 A.B. Pôliacốp. 1996. sđd. Tr. 23.
16 A.B. Pôliacốp. 1996. sđd. Tr.29.
17Đây là một cách phân loại rất khác so với các sử gia truyền thống (như Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh, Phạm Công Trứ, Lê Hy), qua các thuật ngữ “Nội kỷ”, “Ngoại kỷ”, xem Phan Huy Lê. 1998. Đại Việt sử ký toàn thư: Tác giả- văn bản - tác phẩm. Trong “Đại Việt sử ký toàn thư”. NXB KHXH. H. Tr.25.
18 Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Phan Đại Doãn, Nguyễn Cảnh Minh. (2010). Đại cương lịch sử Việt Nam (tập 1). NXB Giáo dục Việt Nam. Hà Nội. tr.102
19 Sách phong: là chế độ ngoại giao mà các triều đại Trung Hoa công nhận quan hệ với các nước lân bang mà họ coi là phiên quốc bằng cách phong tước cho những người đứng đầu của các nước này. Ví dụ một số tước phong:  An Nam đô hộ phủ, Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ hoặc An Nam quốc vương.
20 Văn Lang. 1984. bđd. Tr.192.
21 A.B. Pôliacốp. 1996. sđd. Tr. 28.
22 A.B. Pôliacốp. 1996. sđd. Tr.21-22.
23 Keith Weller Taylor. 1983. The Birth of Vietnam. University of California Press. Berkeley. tr.259.
24 Keith Weller Taylor. 1983. sđd. tr.261
.

https://tiasang.com.vn/-giao-duc/Thoi-diem-ket-thuc-ngan-nam-Bac-thuoc--6827

Phần nhận xét hiển thị trên trang

XIN ĐỪNG GIỮ NƯỚC NHƯ "ĐƯỜI ƯƠI GIỮ ỐNG"



Nguyễn Trung
Ông ngoại tôi là nhà nho, một thời là hội viên của Hội Trí Tri (tồn tại ở Hà Nội trong thời gian 1882-1945), có lần nói với tôi đại ý: Đừng giữ nước như đười ươi giữ ống! Tôi hồi ấy còn nhỏ, nên lúc đầu không hiểu gì cả, về sau mẹ tôi giảng cho nghe tục ngữ “đười ươi giữ ống”, tôi mới vỡ lẽ điều ông ngoại tôi gửi gắm. Mẹ tôi còn giảng giải cho nghe từ tục ngữ này: Phải sống sao đừng để bị lừa! Tục ngữ này vẫn đồng hành với tôi suốt cuộc đời mình cho đến hôm nay, thế mà trên đường đời tôi vẫn vô khối lần bị lừa – chưa thể nói là hôm nay đã nên khôn! Quả thật đây là bài học khó!
Vài hôm nay, có thể nói cả nước quan tâm đến ý kiến của Bộ Quốc Phòng lưu ý Quốc Hội về tình trạng người Hoa mua được những dẻo đất quan trọng ven biển và nhiều nơi khác tại những vị trí có liên quan đến an ninh quốc phòng của nước ta, tính đến ngày 30/11/2019, có 149 DN có yếu tố Trung Quốc (92 DN 100% vốn Trung Quốc, 57 DN vốn liên doanh) đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22/44 tỉnh, thành biên giới (khu vực biên giới đất liền 24, khu vực biên giới biển 125)[1]. Nhân dịp này trong cả nước lại rộ lên nhiều tiếng nói cùng nỗi lo mất đất ở những vị trí hiểm yếu vào tay người TQ.., trong đó nguyên thứ trưởng Đặng Hùng Võ có bài viết “Người Trung Quốc tậu đất[2] v. v…
Chiều 19-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Tô Văn Hùng, giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường (TN-MT) TP Đà Nẵng, khẳng định không có chuyện người Trung Quốc đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ở Đà Nẵng. Bởi theo quy định của Luật đất đai thì người nước ngoài không được phép đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn gọi là sổ đỏ)[3]. Đọc xong mẩu tin này, tôi buột mồm kêu lên: Trời đất ơi, lời của ông Tô Văn Hùng nên được hiểu là sự thú nhận công khai: Ta giữ cái vỏ là không cấp sổ đỏ, còn người TQ nắm cái ruột là trên thực tế vẫn chiếm hữu được và sử dụng được những mảnh đất ở những vị trí quan trọng đến an ninh quốc phòng của nước ta vào những việc họ muốn làm! Đây chính là chuyện đười ươi giữ ống 100%!
Rất đau lòng xin nói ngay tại đây, trong quan hệ Việt – Trung nước ta không thể đếm xuể những sự việc, sự kiện… cho thấy trên thực tế ta chỉ là đười ươi giữ ống – nghĩa là bị lừa và chỉ giữ cái vỏ! Chuyện đất đai nêu trên tuy rất bức xúc, nhưng có lẽ vẫn là những chuyện nhỏ, thậm chí rất nhỏ so với những gì đã và đang xảy ra.
Chưa nói đến những thao túng khác trên lĩnh vực tài chính tiền tệ và trên mọi lĩnh vực kinh doanh khác, nhất là các vấn đề chính trị càng không. [Tuy nhiên, sẽ có lúc trước sau chúng ta phải bàn cho ra nhẽ đất nước ta đã rơi vào tình trạng đười ươi giữ ống trong những lĩnh vực này như thế nào.]
Ở đây chỉ xin tập trung nói tiếp về vấn đề FDI: Sự thật là hầu như không có một dự án FDI nào của TQ ở VN, kể cả những dự án lớn, rất lớn – như bauxite Tây Nguyên, Formosa Hà Tĩnh, Đường sắt trên cao ở Hà Nội, các nhà máy nhiệt điện than… mà không làm đúng mọi thủ tục và quy trình pháp lý của Việt Nam… Song, tham nhũng vẫn xảy ra, lách luật vẫn xảy ra, biết bao nhiêu tệ hại kinh tế và những tác hại đối với môi trường vẫn xảy ra, sự lệ thuộc và sự can thiệp gây ra từ phía TQ vẫn xảy ra và ngày càng nguy hiểm… – tất cả đã và đang làm trầm trọng thêm tình trạng lạc hậu và tụt hậu của đất nước – nghĩa là đã góp phần đáng kể vào việc làm cho đất nước ta không thể hoàn thành chiến lược công nghiệp hóa vào năm 2020 (trong đó có vấn đề hàng thập kỷ liên tiếp toàn bộ xuất siêu hàng năm của VN đi cả thế giới không đủ bù cho nhập siêu hàng năm từ TQ!). Cũng không có một dự án FDI lớn nào của TQ ở VN mà không có sự phản biện khách quan, khoa học và nhìn chung là chuẩn xác và xây dựng, có nhiều cảnh báo quyết liệt trong nước của giới trí thức và những giới có hiểu biết khác… Song, toàn bộ sự phản biện này chỉ có tác dụng như nước đổ đầu vịt – nghĩa là không bao giờ được lắng nghe, chưa nói đến đã xảy ra những trấn áp trực tiếp hay gián tiếp để bác bỏ, để lấn át…
Nghĩa là hiện tượng đười ươi giữ ống mạnh đến nỗi gần như đủ sức vô hiệu hóa luật pháp và lẽ phải của đất nước!
Mới gần đây thôi cả nước đã phản đối quyết liệt dự án lập 3 đặc khu kinh tế. Thế nhưng vừa qua Chính phủ đã có Quyết định về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn; Quảng Ninh đã tổ chức lễ công bố quyết định này ngày 15-05-2020 – giữa lúc cả nước gồng mình chống đại dịch covid-19 và trong khi TQ đang leo thang uy hiếp VN trên Biển Đông. Báo Nhân Dân giải thích Khu kinh tế Vân Đồn là khu duy nhất nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang – một vành đai” Việt – Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN – Trung Quốc, hành lang kinh tế Nam Ninh – Singapore, trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh… – nghĩa là nằm trong chiến lược “Vành đai – Con đường (BRI) của TQ. Sự việc này đã dấy lên trong cả nước nhiều nỗi lo. Tiến sỹ Tô Văn Trường trong bài viết “Bàn tay ma quỷ và vấn đề thể chế chính trị xã hội” nêu rõ: Mưu đồ của Trung Quốc là khống chế toàn diện Việt Nam về chính trị – tư tưởng, về kinh tế, văn hóa – xã hội, về quan hệ đối ngoại, cô lập, lấn chiếm gây sức ép từ phía biển và trên đất liền… để cưỡng chế VN phải thuận theo chiến lược của họ, thực chất là (muốn) biến VN thành chư hầu, phụ thuộc, không bao giờ ngóc đầu lên được. Đây là điều không thể mơ hồ… Việt Nam càng nhún nhường thì họ càng lấn tới… Đó chính là bàn tay ma quỷ của Trung Quốc, là điều người Việt từ nhà cầm quyền đến dân thường phải nhận thức và có hành động thống nhất.
Bàn sâu về vấn đề đầu tư, bài báo lưu ý về phía ta có đủ các nguyên nhân: Vừa tham nhũng, năng lực quản trị quốc gia yếu kém, vừa không hiểu hết TQ, vừa sợ TQ… Tác giả cho rằng: “Nếu rà soát có hệ thống và khách quan có thể trả lời câu hỏi đó là sự “thông đồng” có hệ thống hay chỉ là sự “ngẫu nhiên đáng ngờ” của từng dự án riêng lẻ, nên làm rõ bản chất của từng vụ tham nhũng này.” Bài viết đi tới kết luận: “Phải cải cách thể chế chính trị và xã hội, dựa trên bài học rất thành công của chống dịch covid 19 để lấy lại lòng tin của nhân dân, dựa vào sức mạnh của cả dân tộc và sức mạnh của thời đại để bảo vệ chủ quyền quốc gia và phát triển bền vững của đất nước[4]”.
Trên Diễn đàn của những nhà quản trị – The Leader, giáo sư Trần Văn Thọ ngày 21-05-2020 có bài viết “FDI, Trung Quốc và kinh tế Việt Nam”[5]. Nội dung: đánh giá (a) toàn diện tình hình FDI vào VN – những yếu kém và sai lầm, và (b) mối quan hệ giữa TQ và kinh tế Việt Nam từ khi VN mở cửa cho đến nay. Đây là một bài viết ngắn, súc tích, nêu rõ được những yếu kém chính về (a) thực trạng thu hút FDI nói chung của VN chủ yếu chạy theo số lượng, do đó không thể hình thành sản phẩm made in Vietnam – [cá nhân tôi cho rằng thực trạng này đã dẫn tới hình thành một nền công nghiệp gia công của một đất nước cho thuê và của những người đi làm thuê]; và về (b) đặc thù của các tập đoàn TQ, trong đó có đến 81% số tập đoàn này được chính quyền của ĐCSTQ chống lưng; nhiều tập đoàn này làm kinh tế ở VN không chỉ vì kinh tế mà còn vì nhiều mục đích khác không phải là kinh tế, và hiện tượng TQ đang lợi dụng khủng hoảng kinh tế và đại dịch covid-19 đẩy mạnh thâu tóm kinh tế nhiều quốc gia dưới hình thức sáp nhập và mua lại (M & A – Merge & Acquivisation); ở VN loại họat động M & A này của TQ trong 4 tháng đầu năm 2020 tăng vọt – từ mờ nhạt nhẩy lên đứng vị trí thứ 2 sau Singapore… Tác giả lo ngại: Trong bối cảnh đại dịch Covid, nhiều công ty Mỹ và Nhật muốn di chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các nước khác, nhưng tại Việt Nam chỉ thấy sự hiện diện của Trung Quốc là rõ nét…
[Trên thế giới hiện nay Úc là một trong những quốc gia thấm thía nhất những quả đắng trong quan hệ kinh tế với TQ – với nhiều hệ quả: phân tán/chia rẽ trong nội bộ nước Úc, kinh tế và đất nước bị lũng đoạn… Và ngay giữa lúc còn đang phải chống đại dịch covid-19, Úc đã phải tìm cách thoát Trung, bất chấp mọi đe dọa chính trị, tẩy chay kinh tế và những áp lực khác rất quyết liệt từ phía TQ. Rất nhiều nước phát triển khác – trong đó có Mỹ và một số nước EU – đang phải rà soát lại toàn bộ quan hệ kinh tế đối ngoại với TQ…]
Giáo sư Trần Văn Thọ nhấn mạnh VN cần… khẩn trương đặt lại chiến lược FDI, ban hành các đạo luật có thể ngăn chặn được các dự án FDI có vấn đề,...cần đưa ra các chính sách đối ngoại và ban hành các đạo luật nhằm một mặt thu hút FDI trong các ngành công nghệ cao, giúp chuyển dịch cơ cấu công nghiệp lên cao hơn, mặt khác tránh các ảnh hưởng liên quan an ninh kinh tế và an ninh quốc gia…
Có thể kết luận với câu hỏi: Không một giây phút nào và cho bất kỳ vấn đề gì quốc gia thiếu vắng những tiếng cảnh báo dứt ruột, nghiêm khắc về hiện tượng giữ nước như đười ươi giữ ống. Thế nhưng tại sao hiện tượng này vẫn ngang nhiên ngự trị hầu như toàn diện đời sống đất nước?
Hiện tượng nguy hiểm chết người này ở mức độ và hoàn cảnh nào là do sự ngu dốt, ở mức độ và hoàn cảnh nào là do sự tha hóa về đạo đức – chính trị – tư tưởng, và ở mức độ nào và hoàn cảnh nào là do nguyên nhân bán nước hoặc có thể dẫn đến mất nước – nhất là trong bối cảnh quyết liệt của một thế giới thời hậu covid-19?
Điều có thể thấy ngay bây giờ: Bất chấp mọi nỗ lực rất lớn và những hy sinh trong những thập kỷ độc lập thống nhất vừa qua cả nước đã phải trả giá, nước ta cho đến hôm nay vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng lạc hậu và tụt hậu, quốc gia vẫn còn bị uy hiếp nhiều bề, trong đó có nguyên nhân quan trọng là đời sống đất nước có quá nhiều chuyện giữ nước như đười ươi giữ ống! Giác ngộ được yếu kém này, cả nước sẽ có câu trả lời, và sẽ khai phá được con đường đất nước ta tất yếu phải đi.
[1] Tham khảo: Bộ Quốc phòng trả lời trước Quốc hội về việc người Trung Quốc thu mua đất khu vực trọng yếu
vietnamnet.vn
[2] Đặng Hùng Võ, Chuyên gia Quản lý tài nguyên vnexpress.net
Thứ tư, 20/5/2020, 07:23 (GMT+7) “Người Trung Quốc tậu đất”
[3] Tham khảo Tuổi trẻ online: tuoitre.vn
[4] Tô Văn Trường, “BÀN TAY MA QUỶ VÀ VẤN ĐỀ THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ XÃ HỘI” 22-05-2020 – http://www.boxitvn.net/
[5] GS. Trần Văn Thọ - ,FDI, Trung Quốc và kinh tế Việt Nam (Leader, 21-5-2020)
viet-studies
VNEXPRESS.NET
Thông tin nhanh & mới nhất được cập nhật hàng giờ. Tin tức Việt Nam & thế giới về xã hội, kinh doanh, pháp luật, khoa học, công nghệ, sức khoẻ, đời sống, văn hóa, rao vặt, tâm sự...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2020

Tham vọng thành siêu ứng dụng của Facebook lớn cỡ nào: Người dùng sẽ lướt mạng xã hội, nhắn tin, mua sắm, chuyển tiền mà không cần rời khỏi app


Facebook vừa chính thức cho phép 2,6 tỷ người dùng mua hàng trực tiếp trên nền tảng của họ, từ Amazon đến các ứng dụng đặt, giao đồ ăn đều phải run sợ!
Mark Zuckerberg khiến người dùng đã nghiện Facebook càng trở nên nghiện hơn, biến đây trở thành "cỗ máy giết thời gian" đáng sợ.
Mark Zuckerberg vừa công bố tính năng cho phép người dùng mua trực tiếp sản phẩm trên Facebook và Instagram. Đây được cho là tham vọng rất lớn của Mark Zuckerberg, chuyển tập trung từ ứng dụng mạng xã hội sang "siêu ứng dụng" – kết hợp mọi thứ gồm nhắn tin, mua sắm và chuyển tiền.
Theo đó, các doanh nghiệp có thể tạo một Facebook Shop, hoàn toàn miễn phí – chỉ cần tải, phân loại sản phẩm, chọn ảnh nền và chỉnh màu. Khách hàng sau đó có thể lướt xem, lưu và đặt hàng sản phẩm.
Nếu có một hình mẫu cho những gì Facebook đang nỗ lực xây dựng thì đó có thể WeChat của Tencent – mạng xã hội lớn nhất ở Trung Quốc. Có một vài khác biệt chủ chốt giữa 2 sản phẩm nhưng mục tiêu cuối cùng của họ thì giống nhau: Một hệ thống mạng duy nhất, phi thường có thể được sử dụng để phục vụ người dùng tất cả các loại dịch vụ khác nhau từ thanh toán di động, mua sắm đến chơi game hay công việc.
Cỗ máy giết thời gian đáng sợ
Ở Trung Quốc, Wechat được gọi là "ứng dụng tất cả mọi thứ" nhờ lực lượng 800 triệu người dùng điện thoại di động: Đó là ứng dụng game, một ngân hàng, cổng đặt dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn, mua sắm. Nó cũng có mặt ở những khu vực khác, khiến lượng người dùng hoạt động hàng tháng của họ lúc nào cũng trên 1 tỷ người.
Do sự thống trị và phổ biến như vậy, WeChat trở thành một hình mẫu đáng khao khát nhưng không dễ dàng để sao chép với bất kỳ công ty mạng xã hội nào kể cả Facebook.
Tuy nhiên đó là riêng ở Trung Quốc. Thị trường trên toàn thế giới lại là một bài toán khác. Vì một số rào cản pháp lý mà Facebook không thể thâm nhập vào thị trường Trung Quốc nhưng trên toàn cầu, họ đang sở hữu 2,6 tỷ người dùng và đây là một đòn bẩy không thể nào tốt hơn giúp cho tham vọng thành "siêu ứng dụng" của họ.
Trên thực tế, từ vài năm trước Facebook đã ngầm tiết lộ kế hoạch của mình. Thời điểm nằm 2012 và 2014 khi họ thâu tóm Instagram và Whatsapp. Kể từ sau đó, Instagram và WhatsApp đã khi không còn các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, Messenger đã gánh vác phần lớn trách nhiệm trong việc trở thành nền tảng ứng dụng có thể tích hợp mọi thứ của Facebook.
Trong lịch sử phát triển nửa thập kỷ, Messenger đã bắt đầu cho người dùng chơi game, trò chuyện với AI, tích hợp tính năng camera AR, thanh toán di động và nhiều tính năng khác ngoài nhắn tin, để người dùng sử dụng Messenger như một "mini-Facebook".
Năm 2014, công ty đã tuyển David Marcus – một doanh nhân thanh toán kỹ thuật số cực kỳ thành công - người sáng lập PayPal để điều hành Messenger. Đó chính là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy tham vọng của Facebook biến nền tảng này thành nhà cung cấp dịch vụ.
Hiện tại với tính năng mới Facebook Shop, cho phép người dùng mua hàng trực tiếp, Mark hoàn toàn có thể tạo ra phiên bản WeChat bên ngoài Trung Quốc. Nó có thể là một cỗ máy giết thời gian đáng sợ, lôi kéo người dùng gắn bó với ứng dụng không chỉ nhắn tin hay trò chuyện nhóm, công cụ này có thể phục vụ cho các mục đích khác trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng như giải trí, tin tức và thương mại.
Facebook sở hữu một vài lợi thế để giúp biến tham vọng đó thành hiện tức. Trên toàn thế giới, Facebook và WhatsAppl là những mạng xã hội được dùng nhiều nhất, vượt hẳn Snapchat, Twitter, Viber và những ứng dụng khác.
Dĩ nhiên sẽ có một vài vấn đề nảy sinh. Việc kết hợp mọi thứ vào một ứng dụng có thể khiến Hội đồng châu Âu lo ngại. Hạ viện Mỹ cũng sẽ băn khoăn liệu như vậy Facebook có quá độc quyền hay không?
Ngoài ra, một siêu ứng dụng cũng có thể khiến Facebook chứng kiến tốc độ tăng trưởng người dùng chậm lại, họ sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào doanh thu quảng cáo, những chiến lược đối phó với các nhà làm luật. Tuy nhiên với những công bố mới nhất, có vẻ như Facebook đã hoàn toàn sẵn sàng với tất cả những thách thức đó!
Theo The Verge

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vụ án bưu điện Cầu Voi năm 2008 : câu hỏi về Nguyễn Văn Nghị và N.V.N

Giao Blog

Ngày mai, 22/5/2020, công an Long An sẽ tổ chức họp báo. Nên tạm đưa lại một ít tư liệu cũ, do chính công an Long An đã cung cấp cho báo chí, rồi đưa một số phân tích bước đầu.

Nếu cần thiết truy cứu ngọn nguồn, cơ quan có trách nhiệm hiện nay (năm 2020) cần xác nhận lại việc cung cấp thông tin và tiếp nhận - đăng tải thông tin (ở thời điểm từ 14/1 đến 17/1/2008). Ai là người cung cấp thông tin, có văn bản cung cấp hay không. Ai nhận tin, ai duyệt tin. Các tư liệu liên quan đến việc cung cấp và đăng tải thông tin lúc đó hiện còn hay không.

Đại khái chỉ đọc văn bản cũ, cụ thể là mẩu tin ngày 16/1/2008 và mẩu tin ngày 17/1/2008,  thì đã thấy như sau về nhân vật Nguyễn Văn Nghị.


1. Tên ghi rõ Nguyễn Văn Nghị thì xuất hiện ngay sau khi xảy ra vụ án (đêm 13/1/2008), trên chính báo của ngành công an. Cụ thể là báo Công an Nhân dân ngày 16/1/2008, cho biết như sau (đã lưu về mục 1 ở entry này), thông tin rất rõ ràng:

15:05 16/01/2008
(người viết tin cho báo CAND là Nhã Phong)

Ngày 15/1, cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An tiến hành lấy lời khai ba thanh niên quê ở tỉnh Vĩnh Long, tạm trú tại ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An) do có mối quan hệ với hai nạn nhân bị giết tại Bưu điện thị tứ Cầu Voi hôm 13/1. Sau đó, cơ quan điều tra tiếp tục câu lưu một thanh niên được xác định là nghi can chính trong vụ án.

Ba thanh niên không bị câu lưu là Nguyễn Văn S.; Nguyễn Tuấn A., Trần Văn Ch., thợ bạc tiệm vàng K.L. khu vực thị tứ Cầu Voi, thuộc ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa (Long An). Cả ba người này từng có mối quan hệ với hai nạn nhân bị giết chết đêm 13/1 là Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân. Bước đầu, cả ba thanh niên này đưa ra được chứng cứ ngoại phạm. 

- Đối tượng đang bị câu lưu là Nguyễn Văn Nghị, ngụ tại huyện Cai Lậy (Tiền Giang), là bạn của ba thợ bạc tiệm vàng K.L., có dấu hiệu nghiện ma túy. Nghị là một trong hai bạn trai của nạn nhân Nguyễn Thị Ánh Hồng.

- Vào đêm xảy ra vụ án, người dân địa phương thấy Nghị đi xe máy đến Bưu điện Cầu Voi gặp Hồng và Vân. Người dân địa phương còn miêu tả Nghị mặc quần Jean, khoác bên ngoài chiếc áo gió rộng.

- Ngay trong ngày 14/1, cơ quan điều tra đã cử trinh sát đến tất cả những địa chỉ mà Nghị thường xuyên lui tới nhưng không gặp anh ta. Sau đó, cơ quan điều tra cử trinh sát mai phục tại nhà cha mẹ của Nghị ở Cai Lậy (Tiền Giang) đến nửa đêm thì nghi can xuất hiện, các trinh sát thực hiện biện pháp áp giải về cơ quan điều tra lấy lời khai.

- Theo tin ban đầu, Nghị cố tình đưa ra chứng cứ ngoại phạm nhưng không có cơ sở thuyết phục nên cơ quan điều tra quyết định câu lưu để làm rõ.


2. Tin đã công bố ngày 16/1 ở trên, nói rõ là nhà cha mẹ của Nghị ở Cai Lậy (Tiền Giang). Nghị có dấu hiệu nghiện ma túy. Nghị là bạn trai của Hồng. Trong đêm xảy ra vụ án, tức 13/1 thì Nghị đã xuất hiện ở bưu điện Cầu Voi. Đêm 13/1 thì chưa rõ Nghị làm gì, nhưng ngày 14/1 thì công an Long An vẫn chưa bắt được Nghị, phải mai phục ở nhà cha mẹ mới tôm được.

Ngày 16/1, Nghị bị câu lưu tại công an Long An.


3. Sang ngày 17/1, thì công an Long An lại cung cấp cho báo Tuổi Trẻ các thông tin như sau (tin này đã lưu vào mục 0.a của entry này):

17/01/2008 07:52 GMT+7
(người viết tin cho báo TT là Diệu Hi)

 Theo nguồn tin từ Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An ngày 16-1 về vụ hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, Long An) bị sát hại, cơ quan điều tra đã thu thập được khá nhiều dấu vân tay ở cửa nhà vệ sinh, trên bậc thềm cầu thang và ở hai cánh cổng trụ sở bưu điện. Tổng hợp tài liệu với lời khai một số nhân chứng, cơ quan điều tra nhận định khả năng chỉ có một hung thủ sát hại hai nạn nhânKhông loại trừ đây là người quen của một trong hai nạn nhân. Sau khi thủ ác, hung thủ vào nhà vệ sinh của bưu điện, lấy xà bông rửa sạch máu trên người rồi tẩu thoát qua cổng trước.

Động cơ gây tội ác có khả năng liên quan đến tình cảm. Việc cướp tài sản có thể là trong lúc tẩu thoát hung thủ phát hiện có nhiều tiền, hàng trăm sim card và thẻ cào điện thoại di động nên mới nảy sinh chiếm đoạt. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ gia đình nạn nhân, hai nạn nhân Nguyễn Thị Thu Vân và Nguyễn Thị Ánh Hồng bị mất ba trong bốn chiếc bông tai đang đeo, trong người cũng không còn tiền bạc.

Trước đó, các trinh sát hình sự Công an tỉnh Long An tiến hành lấy lời khai một số người. Đó là N.T.A. (29 tuổi, ngụ phường 6, thị xã Tân An, Long An), N.V.C. (ngụ ở Vĩnh Long), T.V.S. (26 tuổi, bạn trai cũ của Hồng, có dạm hỏi cưới nhưng không được gia đình đồng ý) và một người nữa cũng là thợ bạc ở tiệm vàng KL tại khu vực Cầu Voi. Riêng N.V.N. (29 tuổi, ngụ huyện Cai Lậy, Tiền Giang, bạn trai hiện nay của Hồng) được triệu tập đêm 14-1 khi đang phụ gia đình Hồng lo đám tang. N. có những dấu hiệu đi lại bất thường trong đêm xảy ra án mạng.

Theo tổng hợp lời khai tại cơ quan điều tra, lúc 20g10 ngày 13-1N. thấy một người nam dáng cao, trắng trẻo, tóc mái trước quăn đang ở bưu điện, biết là tình địch của mình nên bỏ đi ra. Một nhân chứng đến mua thẻ cào điện thoại tại bưu điện này vào khoảng 18g20 cũng nói có thấy người trong Bưu điện Cầu Voi giống như người mà N. mô tả.

4. Như vậy, chúng ta có các thông tin như sau về nhân vật Nguyễn Văn Nghị và nhân vật N.V. N.

- Nguyễn Văn Nghị trong mẩu tin ngày 16/1 thì là người ở Cai Lậy (Tiền Giang), là bạn trai của nạn nhân Hồng. Anh này bị bắt tại nhà của cha mẹ mình ở Cai Lậy (trinh sát đã mai phục tại nhà cha mẹ).

- N.V.N (29 tuổi ở thời điểm 2008) trong mẩu tin ngày 17/1 thì cũng là người Cai Lậy (Tiền Giang), là bạn trai của nạn nhân Hồng. Anh này bị triệu tập về công an Long An vào đêm 14/1 khi đang hộ tang ở gia đình nạn nhân.

- Nguyễn Văn Nghị ở mẫu tin ngày 16/1 thì có bị nghi là nghiện ma túy. N.V.N ở mẩu tin ngày 17/1 thì có dấu hiệu đi lại bất thường trong đêm xảy ra án mạng (đêm 13/1).

- Cả Nguyễn Văn Nghị và N.V.N đều xuất hiện ở bưu điện Cầu Voi vào khung giờ khoảng 20h đêm xảy ra án mạng.

5. Vậy Nguyễn Văn Nghị và N.V.N có là một người hay không ?

Các bút lục về Nguyễn Văn Nghị và N.V.N còn được lưu giữ hay không ?

Việc tới nhà cha mẹ Nguyễn Văn Nghị ở Cai Lậy để mai phục có đúng không ? Việc N.V.N hộ tang ở nhà nạn nhân vào đêm 14/1, rồi sau đó bị triệu tập, thì có đúng không ?

Đại khái vậy đã, đó mới là khoanh vùng vào hai mẩu tin lên mạng ngay sau khi vụ án xảy ra. Mà mời chỉ khoảnh riêng vào Nguyễn Văn Nghị và N.V.N đã.


Tháng 5 năm 2020,
Giao Blog

---

Những entry liên quan đã đi trên blog này:

---





BỔ SUNG


1.
Như thực tế diễn biến của vụ án đã được bảo chí và mạng xã hội vạch ra cho thấy nhiều lời khai thể hiện trong các bút lục cụ thể của một số nhân chứng có lợi cho HDH đã bị bỏ ra ngoài Hồ sơ vụ án. Thẩm phán của cả 3 phiên sơ, phúc và giám đốc thẩm đều bỏ qua sai sót này. Cụ thể các chứng cứ mới như sau:
1. Lời khai của thiếu tá Đinh Văn Còi về việc nhận dạng người thanh niên mặc áo thun cổ vàng ngắn tay, da trắng, tầm 30-33 tuổi, người hơi mập. Thời gian anh Còi nạp tiền điện thoại sau 19h30.
2. Lời khai của anh Trí bạn anh Còi mô tả người thanh niên mặc áo thun vàng sậm ngắn tay, tầm 28-30 tuổi, mặt tròn. Anh Trí cùng đi với anh Còi nên cũng có mặt sau 19h30 và rời khỏi bưu điện trước 19h39'.
3. Lời khai của anh Thu dân phòng nhìn thấy đèn tăng 2 vẫn sáng vào lúc 22 h.
4. Lời khai của chồng có Phượng, người bán hoa quả cho biết cô Vân mua hoa quả lúc 21 h, giờ này bưu điện mới hết giờ làm việc.
5. Chúng cứ trang phục trên người hai nạn nhân qua ảnh chụp hiện trường cho thấy họ không mặc đồng phục khi bị giết. Nghĩa là thời điểm họ chết phải sau 21h.
6. Biên bản khám nghiệm thì hài nạn nhân cho thấy vết thương bị cắt bằng dao là do hung thủ thuận tay trái, HDH thuận tay phải.
7. Công an Long An cố tính lừa dối, đánh tráo Nguyễn Văn Nghị bằng Nguyễn Hữu Nghị với gia đình HDH và báo chí.

Tóm lại ông Nguyễn Hòa Bình và 16 vì thẩm phán trong Hội đồng Giám đốc thẩm thừa biết nếu điều tra lại HDH sẽ vô tội và ông NHB không thoát trách nhiệm. Vậy nên 17 ông thẩm phán đã đồng loạt biểu quyết đồng lòng giết oan HDH, sẵn sàng đối đầu với dư luận, với lẽ phải và công lý.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

NHÀ VĂN PHẠM THÀNH BỊ BẮT



Vanhoa Le
Vào lúc 8 giờ sáng nay 21/5/2020, công an HN đã đọc lệnh bắt giam ông Phạm Chí Thành, tức nhà văn Phạm Thành- chủ trang blog nổi tiếng Bà Đầm Xoè.
Tin được nhà báo Nguyễn Vũ Bình loan đi lúc 12 giờ 45 cùng ngày. Cho đến khi bản tin này lên sóng, báo chí “lề đảng” chưa đưa tin về vụ bắt giam ông Thành.
Bà Nghiêm vợ nhà văn Phạm Thành cho hay rằng chồng bà bị đọc lệnh tạm giam 4 tháng tại Nhà tù Hoả Lò nhưng không nói rõ ông bị khởi tố với tội danh gì. Dư luận cho rằng nhà văn Phạm Thành có thể bị khởi tố về các điều luật liên quan đến “an ninh quốc gia”.
Nhà văn Phạm Thành năm nay 68 tuổi và hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Ông là tác giả của một số cuốn sách nổi tiếng nhưng không được nhà nước cho phép xuất bản như “Cô hồn xã nghĩa”, “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo". Rất có thể ông bị khởi tố về những cuốn sách kể trên.
Tin tức lúc13g ngày21/5/2020
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 19 tháng 5, 2020

VIỆT NAM - DÂN TỘC TÍNH



NHẬN ĐỊNH RẤT CHỦ QUAN VỀ LỊCH SỬ VÀ DÂN TỘC TÍNH VIỆT NAM 

Chiếc thuyền thúng trước những con nước lớn!

1. Nhân sinh quan/thế giới quan của người Việt là gì? Theo anh/chị nó đã chuyển biến như thế nào theo tình hình đất nước trong từng giai đoạn? 
2. Theo anh/chị, lịch sử Việt Nam có gì đáng tự hào và có gì đáng hối tiếc? 
3. Cái gì hay nhất và dở nhất trong tính cách người Việt? 
4. Cái cần nhứt cho con người Việt hiện nay là gì? Làm sao để thay đổi theo chiều hướng tốt hơn? 
5. Anh/chị đang nghĩ/hy vọng gì về tương lai người Việt/nước Việt? 

Cảm ơn nhà văn Kim Cúc cho tôi có dịp thổ lộ vài điều băn khoăn, ám ảnh không dứt tâm trí mình trong nhiều năm nay. Mà có lẽ cũng ám ảnh nhiều bạn tôi, những người “cả nghĩ” về đất nước, về dân tộc mình qua bao nhiêu biến cố dồn dập suốt hơn một thế kỷ rồi, mà vẫn cứ loay hoay như chiếc thuyền thúng trước những con nước lớn! 

Lịch sử Việt Nam, tôi mạn phép tóm tắt: Không chịu thằng “ngoại” nào cưỡi cổ nhưng lại nhẫn nhục làm “tôi” cho thằng chủ “người mình”! Làm “tôi” cho chủ nhưng mắt trước mắt sau ăn cắp, lãn công, “làm chui” việc riêng. Khi đói quá thì sẵn sàng “cướp kho thóc” nhưng ngày thường thì không chịu nghĩ xa làm sao cho thóc luôn đầy bồ! Hậu quả: Sau mỗi lần đuổi được ngoại bang thống trị, lại rơi vào lạc hậu trì trệ, để rồi lại bị ngoại xâm, bị rơi vào vòng luẩn quẩn!

Thế giới quan của người Việt: Không ra khỏi luỹ tre làng. Cái này hình như bao trùm lên đời sống và tâm hồn của người Việt. Dù trải qua hơn một thế kỷ Âu hoá cưỡng bách rồi tự nguyện, dù hằng triệu người đã ly tán, trưởng thành trong môi trường Âu Mỹ, nhưng mọi thay đổi dường như vẫn mới ở lớp bên ngoài. Nói hình ảnh: Cái mùi ao bèo và đốt rác bao đời vẫn nằm sâu trong hồn chúng ta! Nói thêm: Bộ phận dân Nam tiến qua bao đời ly hương, rồi được hưởng nền trực trị của Pháp, được viện trợ của Mỹ nhào nặn, có phần nào thoát khỏi luỹ tre, nhưng sau 1975 lại dần dần chịu sự thống trị trở lại của “văn hoá làng”! 

Cái “thế giới quan” ấy quyết định “nhân sinh quan” của người Việt, mà ở đây tôi mạn phép chỉ nói đến một đặc điểm tiêu cực nhất, vẫn còn chi phối xã hội chúng ta ngày hôm nay. Đó là cái lòng riêng tư ích kỷ, chỉ biết đến mình, gia đình vợ con mình, cái nhà riêng của mình, và kết phe nhóm cũng để tranh đoạt cho cái riêng! Theo quan sát cá nhân, sự ích kỷ, chia rẽ, phe nhóm manh mún vẫn là tình trạng nổi bật nhất của mọi cộng đồng người Việt cả trong lẫn ngoài nước. Chỉ khi nào có đại nạn chung như bão lụt, chiến tranh thì người Việt Nam mới tạm quên lợi ích riêng nhỏ nhoi để sát cánh vượt qua. Sau đó, lại tự động trở về bản tính ích kỷ nhỏ nhen! Thứ nữa, cái sự mưu lợi ích kỷ nhỏ nhen ấy, do chỉ có nguồn lực xoay xở từ mẩu đất ruộng nhỏ xíu, nên chủ yếu là dựa vào khôn vặt, ranh vặt, “gà què ăn quẩn cối xay”, không nghĩ lớn làm lớn được! Và cứ phải giả dối, lừa lọc nhau để tồn tại! 

Điều này quyết định đến cả chuyện chính trị và tâm linh. Người Việt rất khó có một lý tưởng sống vượt khỏi nồi cơm bé nhỏ. Về mặt xã hội: Dễ dàng đi theo “Đảng Cộng sản”, lý do trước hết vì ở thế kỷ 20, “Đảng Cộng sản” là lực lượng duy nhất có năng lực giành được độc lập cho đất nước bằng bạo lực (cần nói rõ, bạo lực đã là đường lối của hầu hết đảng phái Việt Nam yêu nước); khi nhanh chóng nhận ra sự huyễn hoặc của “lý tưởng CS”, người Việt không dám công khai chống lại, bèn rũ bỏ/chuồn khỏi bằng mọi thủ đoạn: Dân thì “lách luật”, “chui”; quan thì mồm dạy đạo đức CS trong khi tay cứ việc biến “công” thành “tư” (điển hình nhất là biến đất đai “sở hữu toàn dân” thành nhà, đất của cá nhân!). Về mặt tâm linh, dễ hùa theo tôn giáo A,B,C nhưng không có niềm tin tâm linh thực sự, mà chủ yếu với đầu óc mê tín và thực dụng: Xì xụp cúng bái là để cầu tài cầu lộc cầu danh! 

Điều này quyết định cả chuyện “thể chế”. Trong lịch sử, chế độ tập quyền chưa bao giờ kéo dài được ở Việt Nam. Chỉ ngắn ngủi đầu Lê, đầu Nguyễn. Liệu có thể nói chế độ Việt Nam hiện nay là chế độ “độc tài toàn trị”? Đó là nói cho thuận miệng, chứ thực tế thì sao? Lịch sử Việt Nam hiện đại chỉ biết đến một thời kỳ độc tài thực sự và hữu hiệu ở miền Bắc khi nó làm cuộc chiến tranh thôn tính miền Nam. Nền độc tài ấy sau 1975 đã rạn nứt dần và đổ vỡ khi nó chứng tỏ bất lực trong việc xây dựng đất nước. Giờ đây, chúng ta đang ở trong một thể chế quái lạ, vừa là độc tài toàn trị của một đảng, vừa mang đậm tính vô chính phủ, vô thiên vô pháp, với sự hoành hành của các phe nhóm thân hữu! Đất nước làm thế nào đi lên trong một cấu trúc quyền lực kiểu mafia ấy? 

Tương lai nào cho đất nước? Tôi thực sự buồn trước thực tế cay đắng này: Từ thế kỷ XX, tuơng lai Việt Nam do tương quan thế lực của các cường quốc quốc tế quyết định. Việc mà người Việt Nam có thể làm và nên làm lúc này là: Nỗ lực xây dựng một xã hội tiến bộ, cũng qua đó có được sự trưởng thành để có đủ bản lĩnh và trình độ nhằm tranh thủ đúng thời cơ (đã nhiều lần để mất!), tận dụng mọi nguồn lực trong nước và quốc tế để tự cường, thoát khỏi tình trạng lạc hậu trì trệ và thân phận hoặc là nô lệ hoặc là con bài trong tay người khác! Có lẽ điều may mắn của dân tộc hôm nay là ở chỗ: Sau cả một thế kỷ kẻ thù của độc lập dân tộc bị gắn liền với phương Tây tư bản chủ nghĩa, thì nay ngược lại, đó lại là thế lực ta phải dựa vào để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Nhờ đó, ta xác định được con đường đúng để trưởng thành của dân tộc Việt Nam là: Vứt bỏ ảo tưởng về sự “vĩ đại” (vì “đánh thắng mấy đế quốc”), về “con đường đi riêng” (không giống ai), về “truyền thống, bản sắc” (lạc hậu, đậm Hán) của mình. Kiên trì, kiên quyết thoát Trung (thoát Á)! Học phương Tây một cách toàn diện, căn cơ. 

Đó chính là con đường người Nhật, người Nam Hàn đã đi. Đó là điều khiến cho người Hồng Kông hôm nay khác hẳn người Tàu lục địa. Nói học phương Tây, xin xác định: phải học một cách bài bản từ Giáo dục, Khoa học, Thiết chế (như “thời Tây” đã học), không phải “học đòi” một cách tự phát kiểu “vọng ngoại” như thấy trong đời sống hằng ngày hiện nay, phần lớn là học cái “rỏm”, cái ăn chơi… 

Cuối cùng, nếu nói về hy vọng, niềm hy vọng của tôi đặt vào lớp trẻ hôm nay. Họ không bị bịt mắt bởi một quá khứ hận thù và định kiến, có điều kiện học hỏi thế giới văn minh, nên dễ thấy con đường phát triển hợp lẽ tự nhiên. Tôi đã thấy xuất hiện ngày càng đông những người trẻ có lý tưởng sống không mù quáng, có bản lĩnh, có tầm nhìn vượt khỏi luỹ tre làng, đang tích cực hoạt động hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. Bằng nhiều cách khác nhau, họ đã dứt khoát chọn con đường đúng cho dân tộc! Con đường “thoát Trung, thoát Cộng”! Họ sẽ làm nên tương lai của đất nước.

Sài Gòn, Cuối năm 2019 
Hoàng Hưng

Phần nhận xét hiển thị trên trang