Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Đức Thọ cho biết TP.HCM đã mời chủ tài khoản Facebook Nguyễn Sin đến làm việc với thanh tra sở vào thứ hai, 30/3.
Trao đổi với Zing.vn chiều 29/3, Chánh thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Đức Thọ cho biết TP.HCM đã mời chủ tài khoản Facebook Nguyễn Sin đến làm việc với thanh tra sở vào ngày 30/3, để làm rõ việc loan tin sai sự thật về người tử vong vì Covid-19.
Ông Thọ cho biết thanh tra sở đã liên hệ và mời chủ tài khoản trên đến làm việc từ ngày 28/3. Sau khi làm việc với chủ tài khoản, căn cứ kết quả, thanh tra sở sẽ có hình thức xử lý chủ tài khoản này theo quy định pháp luật.
Chủ tài khoản gỡ bài đăng cũ về tin TP.HCM có người tử vong và đăng bài đính chính. Ảnh:FBNV.
Hiện, Facebooker Nguyễn Sin đã gỡ bỏ bài đăng này. Đồng thời, anh ta nhận khuyết điểm trên trang cá nhân.
Người này viết: Facebooker là Facebooker, vừa là phóng viên vừa làm luôn việc của biên tập viên và cũng là người cuối cùng ấn nút xuất bản, nên dù muốn hay không thì chất lượng tin bài cũng không thể nào chất lượng bằng một cơ quan báo chí".
"Khi nhận được thông tin, tôi đã xác minh từ nhiều nguồn, tiếc là kết quả không chính xác. Đôi khi sự nhiệt huyết, năng nổ quá lại trở thành phá hoại", Facebooker Nguyễn Sin thừa nhận.
Tại cuộc họp và thị sát qua hệ thống trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương sáng 29/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam hiện chưa có người tử vong vì dịch Covid-19 và yêu cầu xử lý việc tung tin thất thiệt về vấn đề này.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính đến 8h ngày 29/3 thành phố ghi nhận 45 trường hợp dương tính với Covid-19 (3 người đã khỏi bệnh, xuất viện). Tổng số ca nghi ngờ đến 28/3 là 296 trường hợp, trong đó có 291 ca có kết quả âm tính và 5 ca đang chờ kết quả.
Sự kết hợp chết chóc giữa vi khuẩn kháng thuốc và và virus corona có thể là nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong ở Ý tăng cao.
Hơn 7.500 người đã qua đời ở Ý do đại dịch COVID-19. Tỷ lệ tử vong cao ở bệnh nhân COVID-19 tại nước này đã khiến cả thế giới run sợ. Ít nhất, ở Nauy, NRK (Hãng thông tấn quốc gia lớn nhất của Nauy – chú thích của người dịch) trong một chương trình tranh luận của mình đã sử dụng Ý để phác thảo ra kịch bản tồi tệ của dịch bệnh trong tương lai tại Nauy.
Rất nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ tử vong tại Ý cao phần lớn là do nước này có dân số già. Nhưng đó không phải là một cách giải thích đầy đủ, thuyết phục.
Bên cạnh việc bị dịch bệnh tấn công, Ý còn có một cuộc khủng hoảng ngầm khác khiến cho tình trạng mau chóng trở nên vô cùng tồi tệ. Sự kết hợp chết chóc giữa vi khuẩn kháng thuốc và virus corona có thể là một nguyên nhân khiến cho tỷ lệ tử vong tại Ý tăng cao.
Rất nhiều người nhiễm virus corona tại Ý không chết vì virus corona, mà chết vì nhiễm trùng thứ cấp nào đó do các loại vi khuẩn kháng thuốc gây nên. Vậy hai điều đó có liên quan với nhau như thế nào?
Cuộc tấn công của các loại vi khuẩn kháng thuốc
Theo kiến thức phổ thông đã biết, các virus gây nhiễm trùng đường hô hấp thường làm giảm sức đề kháng của cơ thể, vì vậy chúng ta sẽ dễ bị vi khuẩn tấn công hơn. Điều này cũng xảy ra tương tự như những loại virus thường gặp gây cúm mùa influensa hay cảm lạnh. Theo số liệu của Trung tâm Kháng sinh Anh Quốc, 10-30% số bệnh nhân mắc bệnh đường hô hấp do virus phải nằm viện bị nhiễm trùng thứ cấp do vi khuẩn gây ra.
Virus bệnh COVID-19 khác biệt hoàn toàn với các loại virus cúm mùa, nó khiến cho hàng loạt bệnh nhân bị viêm phổi tiến triển nhanh. Những người bệnh nặng sẽ không thể tự thở để có đủ oxy giúp cho hệ miễn dịch có thể chiến đấu chống lại virus. Trong trường hợp các bệnh nhân nặng bị nhiễm khuẩn thứ cấp, kháng sinh sẽ được sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn. Kháng sinh, xin nhấn mạnh, không có tác dụng gì đối với virus SARS-CoV-2, nhưng có thể giúp điều trị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng thứ cấp cho các bệnh nhân đang thoi thóp dưới máy thở.
Một nửa số bệnh nhân tử vong bị nhiễm trùng thứ cấp
Trong một nghiên cứu được đăng trên The Lancet mới đây, các nhà khoa học đã tìm thấy ½ số bệnh nhân tử vong ở Trung Quốc bị nhiễm trùng thứ cấp trước khi họ qua đời. Nghiên cứu cho rằng nhiễm trùng thứ cấp là một trong những yêú tố quyết định dẫn đến tử vong ở bệnh nhân COVID-19.
Nguyên nhân là do vi khuẩn có thể tấn công các tế bào gốc quan trọng trong hệ thống hô hấp, thứ tối quan trọng để giúp cho phổi có thể phục hồi.
Tuy là một tác nhân nghiêm trọng, nhưng chứng viêm phổi gây ra bởi virus thường hầu hết đều có khả năng hồi phục, nhất là khi có sự trợ giúp của hệ thống cấp khí oxy bổ trợ như máy thở, các tế bào gốc ở phổi có thể chữa lành các tổn thương gây ra do virus. Nhưng khi các tế bào này bị vi khuẩn huỷ diệt, đó là dấu chấm hết cho cơ thể.
Rất may mắn, chỉ cần một loại kháng sinh đơn giản cũng có thể ngăn chặn vi khuẩn. Nhờ đó hệ miễn dịch có thể tập trung vào chiến đấu với virus, và bệnh nhân sẽ khoẻ trở lại. Ở Nauy, việc điều trị nhiễm khuẩn thứ cấp có lẽ sẽ khá đơn giản, do đó chúng ta có thể có hy vọng sáng sủa hơn về tỷ lệ tử vong do COVID-19. Nhưng ở Ý (và nhiều nước khác – lời người dịch), tình hình không khả quan như thế.
Vi khuẩn kháng thuốc
Tại châu Âu, Ý là nước có nhiều người tử vong do vi khuẩn kháng thuốc nhất. Hàng năm, có khoảng 11.000 người Ý tử vong vì nguyên nhân này. Con số tương tự ở Nauy chỉ có 69.
Số liệu gần nhất từ Cơ quan kiểm soát bệnh dịch châu Âu ECDC cho thấy, khoảng 30% các trường hợp bị nhiễm khuẩn E.coli ở Ý đã bị kháng thuốc với chủng kháng sinh cephalosporin thứ 3, một trong những loại kháng sinh rất quan trọng.
Các số liệu tương ứng đối với chứng nhiễm trùng klebsiella cho thấy 26,8% vi khuẩn kháng với carbapenem. Theo ECDC, một số vi khuẩn kháng thuốc hiện đang là một trong các vấn nạn đặc biệt tại các bệnh viện ở Ý, chúng đã ít nhiều xâm chiếm vĩnh viễn các bệnh viện. Nếu một bệnh nhân corona không may bị nhiễm trùng thứ cấp do các chủng vi khuẩn kháng thuốc này gây ra, điều đó sẽ dấn đến nhiều khả năng các biện pháp điều trị nhiễm trùng thứ cấp không có tác dụng gì nữa.
Lạm dụng kháng sinh
Sự phát triển của các chủng vi khuẩn kháng thuốc có liên quan trực tiếp đến việc lạm dụng kháng sinh. Theo số liệu, các cơ quan y tế Ý dùng kháng sinh nhiều gấp đôi so với Nauy.
Tệ hơn nữa, ngành sản xuất thực phẩm, đặc biệt là thịt lợn, tại Ý, tình trạng lạm dụng kháng sinh còn đáng báo động hơn. Hàng tấn kháng sinh quan trọng được sử dụng trong việc chăn nuôi, sản xuất thịt lợn tại Ý, nơi xuất xưởng 10 triệu con lợn mỗi năm.
Lombardia, nơi có thủ phủ của ngành chăn nuôi và công nghiệp tại Ý, hiện tại cũng có tỷ lệ tử vong cao nhất do dịch covid 19 gây nên. Cho đến nay, chỉ riêng vùng Lombardia đã có hơn 4000 nạn nhân covid, nhiều hơn con số tử vong của cả Trung Quốc cộng lại.
Điều đó cho thấy, rõ ràng có một sự liên quan giữa tỷ lệ tử vong và sự phổ biến của các chủng vi khuẩn kháng thuốc.
70% số lượng của các chủng vi khuẩn E.coli trong ngành sản xuất thịt lợn tại Lombardia được gọi là các vi khuẩn ESBL – loại vi khuẩn kháng lại hầu hết các loại kháng sinh quan trọng nhất. Và điều quan trọng nhất là các vi khuẩn này tấn công cả con người.
Vấn đề tương tự tại Tây Ban Nha
Không có bằng chứng nào cho thấy virus corona, chỉ riêng mình nó, có thể nguy hiểm đến mức gây chết người, trừ khi xuất hiện sự có mặt của những kẻ ăn theo là vi khuẩn gây nhiễm trùng thứ cấp. Một hệ thống y tế tốt và nguồn lực các phòng bệnh chăm sóc đặc biệt (ICU) sẽ giúp sức đáng kể cho việc điểu trị, và hầu hết các bệnh nhân nghiêm trọng sẽ hồi phục được.
Nhưng sẽ rất tệ hại nếu các bệnh nhân nặng lại bị nhiễm trùng thứ cấp do vi khuẩn kháng thuốc. Thực tế cho thấy rằng phần lớn bệnh nhân bị tử vong ở Ý do COVID-19 đáng lẽ đã có thể được cứu sống nếu kháng sinh phát huy tác dụng. Và đó thực sự là một vụ bê bối về chính sách y tế.
Điều đáng chú ý tiếp theo là Tây Ban Nha cũng có tỷ lệ kháng thuốc cao. Và cũng giống như Ý, Tây Ban Nha đang có số ca tử vong vì COVID-19 tăng cao.
Phải xây dựng biểu đồ tử vong do kháng thuốc
Hàng năm, trên thế giới có hơn 700.000 người chết do vi khuẩn kháng thuốc. Con số này có lẽ sẽ nhanh chóng tăng nhanh hơn trong giai đoạn khủng hoảng y tế hiện nay tại châu Âu. Vì vậy việc xây dựng một biểu đồ về số ca nhiễm COVID-19 bị tử vong do có liên quan đến vi khuẩn kháng thuốc là điều cần thiết.
Tại Nauy, đây là lúc chúng ta nên cảm thấy biết ơn vì các bác sĩ đã hạn chế sử dụng kháng sinh trong điều trị các chứng bệnh thông thường, và các nông dân đã luôn có ý thức khi dùng kháng sinh và các loại thuốc trong chăn nuôi.
Erik Martiniussen / Lê Hương dịch
Đăng theo Facebook Jend Huong với sự đồng ý của người dịch. Vui lòng đọc bài dịch gốc tại đây.