Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2020

Thế giới hậu đại dịch Corona


Cơn bão này rồi sẽ qua đi nhưng những lựa chọn bây giờ có thể sẽ thay đổi cuộc sống của chúng ta trong tương lai.
Nhân loại đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Có lẽ đây là khủng hoảng lớn nhất đối với thế hệ chúng ta. Những quyết định mà người dân và các chính phủ đưa ra trong mấy tuần tới có thể sẽ định hình thế giới trong tương lai. Không chỉ hệ thống y tế bị ảnh hưởng lớn mà còn cả kinh tế, chính trị và văn hóa. Lúc này chúng ta phải hành động nhanh và dứt khoát. Nhưng chúng ta cũng nên cân nhắc đến hậu quả về lâu về dài của những hành động này. Khi đắn đo giữa các lựa chọn, chúng ta nên tự hỏi không chỉ làm sao để vượt qua mối đe dọa hiện tiền mà còn về thế giới mà chúng ta sẽ sống sau khi cơn bão này đi qua. Rồi bão sẽ qua đi, loài người sẽ vượt qua biến cố này, phần lớn chúng ta sẽ sống sót – nhưng là sống sót trong một thế giới đã đổi thay.
Nhiều biện pháp khẩn cấp mang tính tạm thời lúc này sẽ trở thành những thứ gắn chặt với đời sống về sau. Đó là bản chất của khẩn cấp. Các biện pháp khẩn cấp đẩy nhanh tiến trình của lịch sử. Bình thường người ta có thể mất nhiều năm để cân nhắc khi đưa quyết định nhưng trong thời đại này các quyết định được thông qua chỉ trong vài giờ. Những công nghệ còn non yếu, thậm chí gây nguy hiểm, bị “ép chín” đưa vào sử dụng vì rủi ro sẽ còn lớn hơn nếu không làm gì cả. Các quốc gia trở thành những con chuột bạch trong các cuộc thử nghiệm xã hội trên quy mô lớn. Chuyện gì xảy ra khi chúng ta làm việc ở nhà và giao tiếp với nhau từ xa? Chuyện gì xảy ra khi tất cả các trường đều học trực tuyến? Bình thường, chính phủ, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục sẽ không đời nào đồng ý thực hiện một cuộc thử nghiệm như thế. Nhưng bây giờ không phải là lúc bình thường.
Trong khủng hoảng, chúng ta đối mặt với hai lựa chọn đặc biệt quan trọng. Thứ nhất là chọn lựa giữa sự giám sát độc tài hay trao quyền cho công dân. Thứ hai là chọn lựa giữa sự cô lập mang tính dân tộc chủ nghĩa hay sự đoàn kết toàn cầu.
Giám sát phía-dưới-lớp-da
Để ngăn chặn đại dịch, tất cả dân chúng phải tuân thủ các quy định cụ thể. Có hai cách khiến người dân tuân theo. Cách thứ nhất là chính phủ giám sát và trừng phạt những người làm trái quy định. Ngày nay, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, nhờ công nghệ, việc giám sát tất cả mọi người vào mọi lúc trở nên khả thi. 50 năm trước, KGB, cơ quan tình báo Nga, không thể theo dõi 240 triệu công dân Xô Viết 24 giờ/ngày, và cũng không hy vọng có thể xử lý hiệu quả tất cả thông tin thu thập được. KGB dựa vào con người - các đặc vụ và các nhà phân tích. Cơ quan này không thể cắt cử một đặc vụ kèm một công dân. Nhưng giờ đây các thiết bị cảm biến và các thuật toán mạnh có thể thay thế cho những bóng ma-bằng-xương-bằng thịt trước kia.
Trong cuộc chiến chống đại dịch corona, nhiều quốc gia đã triển khai các công cụ giám sát mới. Trường hợp điển hình nhất là Trung Quốc. Bắc Kinh theo dõi chặt chẽ điện thoại thông minh của công dân, sử dụng hàng trăm triệu camera an ninh có khả năng nhận diện khuôn mặt, buộc người dân tự kiểm tra và báo cáo thân nhiệt và tình hình sức khỏe. Bằng cách này, chính quyền Trung Quốc không chỉ nhanh chóng xác định được những ca nghi nhiễm mà còn truy lùng ra được hành tung của các cá nhân này cũng như bất cứ ai từng tiếp xúc với họ. Hàng loạt ứng dụng điện thoại ra đời nhằm cảnh báo người dân khi có một ca nhiễm bệnh ở gần.
Công nghệ này không chỉ được sử dụng ở đông Á. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gần đây cho phép cơ quan tình báo triển khai công nghệ giám sát, vốn dùng để lùng bắt các phần tử khủng bố, vào việc theo dõi các bệnh nhân nhiễm virus corona. Khi ủy ban phụ trách của quốc hội phủ quyết, ông Netanyahu thông qua bằng một “sắc lệnh khẩn cấp”.
Bạn có thể cho rằng điều này có gì lạ đâu. Những năm gần đây chính phủ và các tập đoàn đã và đang sử dụng những công nghệ phức tạp để theo dõi, giám sát và thao túng người dân. Nhưng nếu chúng ta không thận trọng, đại dịch lần này sẽ tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử chính phủ giám sát công dân. Việc triển khai các công cụ giám sát hàng loạt sẽ trở thành điều bình thường ở cả những quốc gia cho đến nay vẫn từ chối áp dụng. Hơn thế nữa, đó còn là một bước chuyển đột ngột từ giám sát “trên bề mặt da” sang giám sát “dưới bề mặt da”.
Trước kia, khi ngón tay bạn chạm vào màn hình điện thoại thông minh và nhấn vào một đường link, chính phủ muốn biết chính xác bạn đã truy cập thông tin gì. Nhưng sau dịch corona, mục tiêu quan tâm của các chính phủ đã thay đổi. Giờ đây chính phủ muốn biết nhiệt độ trên đầu ngón tay của bạn và huyết áp phía dưới đó.
Một trong những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt khi bàn về việc chính phủ giám sát công dân là không một ai biết chúng ta đang bị giám sát như thế nào, việc này sẽ tiếp diễn ra sao trong tương lai. Công nghệ giám sát đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Những thứ mà 10 năm trước dường như chỉ có trong khoa học viễn tưởng ngày nay không còn mới lạ. Thử suy nghĩ, giả dụ có một chính phủ giả định yêu cầu mọi công dân đeo vòng tay sinh trắc học giúp theo dõi thân nhiệt và nhịp tim 24 giờ/ngày. Chính phủ sau đó sẽ dùng thuật toán để lưu trữ và phân tích dữ liệu thu thập được. Các thuật toán máy tính sẽ biết bạn dính virus trước cả khi bạn có triệu chứng, chúng cũng nắm được bạn đã đi đâu và gặp gỡ ai. Nhờ vậy, dây chuyền lây nhiễm sẽ bị cắt ngắn lại, thậm chí là cắt đứt ngay lập tức. Một hệ thống như vậy chắc chắn có thể ngăn chặn dịch bệnh lây lan chỉ trong vài ngày. Nghe tuyệt vời, phải không?
Nhưng mặt trái, đương nhiên, điều này mở đường cho việc hợp thức hóa một hệ thống giám sát đáng sợ. Ví dụ nếu bạn biết tôi nhấn vào đường link dẫn đến Fox News thường xuyên hơn CNN, điều này có thể hé lộ cho bạn biết về quan điểm chính trị và thậm chí tính cách của tôi. Nhưng nếu bạn biết thân nhiệt, huyết áp và nhịp tim của tôi khi tôi xem một video trên mạng, bạn có thể biết điều gì khiến tôi vui, điều gì khiến tôi buồn và điều gì khiến tôi thực sự, thực sự tức giận.
Nên nhớ tức giận, hạnh phúc, buồn chán và yêu thương là những hiện tượng sinh học cũng giống như cơn sốt hay cơn ho. Thứ công nghệ dùng vào việc xác định tiếng ho cũng có thể nhận diện được một tràng cười. Nếu các công ty và các chính phủ bắt đầu thu thập dữ liệu sinh trắc học trên diện rộng, họ sẽ hiểu chúng ta hơn chính chúng ta hiểu bản thân mình. Đến lúc đó họ không chỉ đoán trước mà còn có thể thao túng cảm xúc của chúng ta và nhờ đó họ có thể thuyết phục ta tin vào bất cứ thứ gì, dù đó là một sản phẩm hay một chính trị gia. Giám sát sinh trắc sẽ khiến cho vụ bê bối Cambridge Analytica thu thập thông tin nhận cá nhân của 87 triệu người sử dụng Facebook trở thành “tiền cổ”. Tưởng tượng Bắc Triều Tiên vào năm 2030, mọi người dân phải đeo vòng sinh trắc học 24 giờ/ngày. Khi anh lắng nghe bài phát biểu của Lãnh tụ và chiếc vòng thu thập được tín hiệu cảm xúc tức giận thì anh toi đời chắc!
Đương nhiên, bạn có thể phản biện rằng giám sát sinh trắc học chỉ là biện pháp tạm thời trong tình trạng khẩn cấp quốc gia. Người ta sẽ dẹp nó đi khi đời sống trở lại bình thường. Nhưng đáng tiếc, lịch sử đã chứng minh các biện pháp tạm thời thường tiếp tục tồn tại sau khi tình thế khẩn cấp qua đi, đặc biệt nếu như luôn có một mối đe dọa mới lẩn khuất đâu đó ở phía trước. Lấy ví dụ, Israel, quê hương tôi, tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong cuộc chiến giành độc lập năm 1948. Điều này hợp thức hóa hàng loạt các biện pháp tạm thời từ kiểm duyệt báo chí, tịch thu đất đai, cho đến quy định đặc biệt liên quan đến việc làm bánh pudding (Tôi không đùa đâu). Dù cuộc chiến đã kết thúc từ lâu, Israel chưa bao giờ tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp và cũng không gỡ bỏ các biện pháp tạm thời năm 1948 (vào năm 2011, chính phủ cuối cùng cũng “nhân từ” xóa bỏ nghị định về bánh pudding).
Kể cả khi số ca nhiễm corona giảm về 0, một vài chính phủ thèm khát dữ liệu công dân có thể sẽ trần tình rằng họ cần duy trì hệ thống giám sát sinh trắc học vì lo ngại đợt sóng corona thứ hai hoặc bởi virus Ebola đang biến chủng ở Trung Phi hay bởi vì… bạn hiểu ý tôi nói rồi đấy! Một cuộc chiến dằng dai xoay quanh quyền riêng tư của mỗi cá nhân đã diễn ra suốt những năm qua. Dịch corona có thể chính là “điểm bùng phát” trong cuộc chiến này. Khi người dân phải chọn giữa quyền riêng tư và sức khỏe, họ sẽ luôn chọn sức khỏe.
Cảnh sát-xà phòng
Gốc rễ của vấn đề nằm ở việc đưa ra câu hỏi buộc người dân phải lựa chọn giữa sức khỏe và quyền riêng tư. Bởi vì nó sai ngay ở cách đặt vấn đề. Chúng ta có thể và nên có cả sức khỏe lẫn quyền riêng tư. Thay vì thiết lập nên các thể chế giám sát chuyên chế nhằm ngăn chặn đại dịch, chúng ta có thể thực hiện bằng cách trao quyền lực cho người dân. Những tuần gần đây, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore nổi lên là những quốc gia khống chế đại dịch corona thành công nhất. Ngoài các ứng dụng theo dõi, các nước này chủ yếu dựa vào hoạt động xét nghiệm trên diện rộng, báo cáo số liệu trung thực và sự hợp tác tự nguyện của quần chúng hiểu biết.
Việc giám sát tập trung và trừng phạt nặng tay không phải là cách duy nhất khiến người dân tuân thủ quy định. Khi người dân được tiếp cận thông tin khoa học, khi họ tin rằng chính quyền đang nói thật, họ sẽ hành xử đúng đắn mà không cần một Ông Kẹ kè kè theo dõi. Một xã hội có ý thức và được thông tin đầy đủ thường mạnh mẽ và hiệu quả hơn một xã hội mù mờ thông tin và bị kiểm soát.
Hãy lấy ví dụ việc rửa tay bằng xà phòng. Đây là một trong những cải tiến lớn nhất trong hoạt động vệ sinh cá nhân của con người. Hành động rửa tay đơn giản mỗi năm giúp cứu sống hàng triệu mạng người. Chúng ta ngày nay có thể coi nhẹ việc rửa tay nhưng mấy ai biết rằng mãi đến tận thế kỷ thứ 19, các nhà khoa học mới phát hiện ra tầm quan trọng của việc rửa tay bằng xà phòng. Trước đó, thậm chí bác sĩ và y tá không rửa tay giữa các ca phẫu thuật. Giờ đây hàng tỷ người rửa tay mỗi ngày, không phải bởi vì họ sợ lực lượng cảnh sát-xà phòng giám sát, mà bởi vì họ ý thức được những lợi ích sức khỏe. Tôi rửa tay với xà phòng bởi vì tôi đã nghe về vi khuẩn và virus, tôi hiểu những sinh vật nhỏ bé này gây ra bệnh tật và tôi biết xà phòng có thể giúp diệt khuẩn.
Nhưng để đạt được mức độ tuân thủ và hợp tác như việc rửa tay bằng xà phòng, anh cần niềm tin. Người ta cần phải tin khoa học, tin chính quyền, và tin báo chí. Các chính trị gia vô trách nhiệm trong những năm gần đây đã chủ ý phá họai niềm tin của công chúng vào khoa học, chính quyền và truyền thông. Giờ đây lấy lý do rằng không thể đặt niềm tin vào công chúng sẽ hành xử đúng, cũng chính họ đang có ý định lựa chọn con đường chuyên quyền.
Bình thường khi niềm tin đã xói mòn qua năm tháng thì không thể gây dựng lại trong ngày một ngày hai. Nhưng đây không phải là lúc bình thường. Trong cơn khủng hoảng, người ta thay đổi suy nghĩ rất nhanh. Anh có thể cãi cọ với chị em trong nhà suốt bao năm qua nhưng khi tình thế khẩn cấp ập đến, anh bỗng phát hiện ra trong lòng ẩn chứa niềm tin và tình thương và vội chạy đến giúp người thân của mình. Thay vì xây dựng một chế độ giám sát công dân, hiện vẫn chưa quá muộn để gây dựng niềm tin của người dân vào khoa học, chính quyền và báo chí. Chúng ta đương nhiên cũng nên tận dụng sức mạnh của công nghệ nhưng công nghệ phải nhằm mục đích gia tăng sức mạnh cho người dân. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc theo dõi thân nhiệt và áp huyết nhưng những dữ liệu đó không phải để phục vụ một chính phủ nắm mọi quyền lực mà nó nên giúp tôi có đủ thông tin hơn để đưa các quyết định cá nhân đồng thời khiến chính phủ chịu trách nhiệm với mỗi quyết sách.
Nếu tôi có thể theo dõi các chỉ số sức khỏe của mình 24 giờ/ngày, tôi sẽ không chỉ biết liệu mình có gây hại cho người khác hay không mà còn biết những thói quen nào ảnh hưởng đến sức khỏe của mình. Và nếu tôi có thể tiếp cận và phân tích các thống kê đáng tin cậy về sự lây lan của virus corona, tôi có thể đánh giá liệu chính phủ đang nói thật hay không và liệu chính phủ có áp dụng các chính sách đúng đắn để phòng chống dịch hay không. Khi nói đến giám sát, người ta thường chỉ nghĩ công nghệ giúp chính phủ giám sát mỗi cá nhân mà không nhớ rằng công nghệ cũng có thể giúp mỗi cá nhân giám sát chính phủ.
Đại dịch corona vì vậy là một bài kiểm tra lớn về quyền công dân. Trong những tháng ngày trước mắt, mỗi chúng ta nên chọn tin vào số liệu khoa học và các chuyên gia y tế thay vì tin vào các thuyết âm mưu và những chính trị gia chỉ biết tư lợi. Nếu chúng ta không lựa chọn đúng, chúng ta có thể đang tự tay ký vào văn bản tuyên bố từ bỏ sự tự do quý giá mà trong đầu thì nghĩ rằng đó là cách duy nhất để bảo vệ mình.
Chúng ta cần một kế hoạch toàn cầu
Lựa chọn quan trọng thứ hai mà chúng ta đối mặt là lựa chọn giữa sự cô lập mang tính dân tộc chủ nghĩa hay sự đoàn kết toàn cầu. Đại dịch corona và khủng hoảng kinh tế theo sau là những vấn đề toàn cầu. Chỉ có hợp tác toàn cầu mới có thể giải quyết hiệu quả các vấn đề này.
Đầu tiên, để đánh bại con virus này, chúng ta cần chia sẻ thông tin trên toàn cầu. Đó là lợi thế lớn của chúng ta khi đương đầu với đám virus. Một con virus corona ở Trung Quốc và một con virus ở Mỹ không thể phím nhau cách thức lây nhiễm cho con người. Nhưng Trung Quốc có thể truyền cho Mỹ những bài học quý giá để hiểu về virus corona và làm sao để chống lại nó. Thông tin mà một bác sĩ ở Milan, Italy phát hiện ra lúc đầu buổi sáng có thể giúp cứu sống nhiều người ở Tehran vào cuối buổi chiều. Khi chính phủ Anh do dự, đắn đo giữa các chính sách, họ có thể tham khảo Hàn Quốc vì trước đó một tháng Hàn Quốc đã trải qua tình cảnh tương tự. Nhưng để làm được như thế, chúng ta cần một tinh thần hợp tác và tin tưởng toàn cầu.
Các nước nên sẵn lòng chia sẻ thông tin một cách cởi mở đồng thời khiêm tốn lắng nghe lời khuyên, bên cạnh đó, tin tưởng vào các số liệu và phân tích chuyên sâu mà họ nhận được. Chúng ta cũng cần một nỗ lực toàn cầu trong việc sản xuất và phân phối các thiết bị y tế, quan trọng nhất là các kit thử và máy thở. Thay vì tất cả các nước bươn ra tự sản xuất và tích trữ bất cứ thiết bị nào mua được, một nỗ lực hợp tác trên quy mô toàn cầu sẽ giúp đẩy nhanh việc sản xuất và phân phối các thiết bị hiệu quả hơn. Cũng giống như việc quốc hữu hóa các ngành công nghiệp quan trọng trong chiến tranh, cuộc chiến giữa con người và virus corona khiến chúng ta phải “nhân tính hóa” những dây chuyền sản xuất quan trọng. Một quốc gia giàu có ít các ca nhiễm virus nên sẵn lòng tiếp viện những thiết bị y tế quý giá cho những nước nghèo hơn đang bị ảnh hưởng nặng nề với niềm tin rằng khi đến lượt mình cần giúp đỡ, các quốc gia khác sẽ chung tay.
Một chiến dịch hợp tác tương tự cũng có thể áp dụng với lực lượng y tế. Các nước hiện đang ít bị ảnh hưởng có thể gửi nhân viên y tế đến những vùng dịch trong khu vực vừa để giúp cứu người kịp thời vừa có thể thu thập được những kinh nghiệm quý giá. Nếu sau đó tâm dịch chuyển hướng, sự giúp đỡ sẽ quay theo chiều ngược lại.
Sự hợp tác toàn cầu cũng quan trọng trên mặt trận kinh tế. Xét bản chất toàn cầu của kinh tế và chuỗi cung ứng, nếu mỗi chính phủ tự ý hành động mà không đếm xỉa gì đến những quốc gia khác, hậu quả sẽ là hỗn loạn và suy thoái sâu. Chúng ta cần một bản kế hoạch hành động toàn cầu và chúng ta cần xúc tiến nhanh.
Ngoài ra chúng ta cũng cần đạt được thỏa thuận toàn cầu về việc di chuyển giữa các quốc gia. Đi lại quốc tế bị ngừng trệ trong nhiều tháng sẽ đẩy chúng ta vào tình cảnh vô cùng khó khăn và cản trở cuộc chiến chống lại virus corona. Các quốc gia cần hợp tác để ít nhất cho phép một số ít những người quan trọng tiếp tục di chuyển qua biên giới như các nhà khoa học, bác sĩ, nhà báo, chính trị gia, và thương nhân. Chúng ta có thể ký một thỏa thuận toàn cầu về việc sàng lọc ngay tại quê hương của các du khách. Nếu ta biết chỉ những hành khách được sàng lọc cẩn thận mới được phép lên máy bay, ta sẽ sẵn lòng cho họ nhập cảnh.
Đáng tiếc hiện nay các quốc gia gần như chưa thực hiện bất cứ biện pháp hợp tác nào kể trên. Sự tê liệt tập thể đang bóp nghẹt cả thế giới. Và dường như không có một người lớn nào trong dàn lãnh đạo. Đáng nhẽ ra chúng ta phải chứng kiến từ nhiều tuần trước một cuộc họp khẩn cấp giữa các nhà lãnh đạo quốc tế để đưa ra một bản kế hoạch hành động chung. Cho đến tận tuần này các nhà lãnh đạo khối G7 mới thu xếp một cuộc họp trực tuyến nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu.
Trong những cuộc khủng hoảng toàn cầu trước đây, ví dụ như khủng hoảng tài chính 2008 hay đại dịch Ebola 2014, Mỹ luôn nắm vai trò dẫn dắt. Nhưng chính quyền Mỹ hiện nay đã từ bỏ vai trò lãnh đạo. Washington nói rõ lập trường rằng nước Mỹ hiện nay quan tâm đến sự vĩ đại của mình hơn là tương lai của nhân loại.
Chính quyền Trump thậm chí đã bỏ rơi cả các đồng minh thân cận nhất. Khi cấm tất cả các chuyến bay từ EU, Mỹ chẳng buồn báo trước với EU, chứ đừng nói đến việc hỏi ý kiến của EU về biện pháp mạnh tay này. Mỹ vừa khiến Đức nổi đóa sau khi bị cho là đã đề nghị trả 1 tỷ đô cho một công ty dược phẩm của Đức để mua độc quyền sáng chế vaccine Covid-19. Kể cả khi chính quyền Mỹ hiện nay thay đổi cách tiếp cận và đưa ra một kế hoạch hành động toàn cầu, hiếm ai chịu đi theo một lãnh đạo không biết chịu trách nhiệm, không bao giờ thừa nhận sai lầm, và có thói quen nhận hết công trạng về phần mình còn đổ thất bại lên đầu người khác.
Nếu không có quốc gia nào đứng ra thế vào chỗ trống mà Mỹ để lại, thì không chỉ việc ngăn chặn đại dịch trở nên khó khăn hơn mà hậu quả còn làm quan hệ quốc tế xấu đi trong những năm tới. Tuy nhiên trong nguy có cơ. Chúng ta hy vọng đại dịch này sẽ giúp con người nhận ra sự nguy hiểm của chia rẽ toàn cầu.
Nhân loại cần đưa ra quyết định. Chúng ta sẽ tiếp tục đua xuống đáy vực chia rẽ hay chúng ta sẽ rẽ lối sang con đường của đoàn kết toàn cầu? Nếu chúng ta chọn chia rẽ, nó sẽ không chỉ kéo dài cuộc khủng hoảng này mà còn có thể dẫn đến thảm họa khốc liệt hơn trong tương lai. Nếu chúng ta chọn đoàn kết, đó sẽ không chỉ là chiến thắng virus corona mà còn là chiến thắng mọi đại dịch và khủng hoảng khác sẽ dồn dập tấn công nhân loại trong thế kỷ 21.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

KHỐN NẠN ĐẾN THẾ LÀ CÙNG!


VĂN HÓA "TÀU" LÀ ĐÂY!
Bài của Nhà báo Mạnh Quân
Nhiệt liệt chúc mừng đại dịch ở Mẽo cuốc, Chúc dịch bệnh ở tiểu Nhật Bản (tên gọi kiểu miệt thị ) kéo dài (lâu lâu dài dài)".
Cái biểu ngữ "hoành tráng" này (ảnh dưới) ở một nhà hàng tại thành phố Thẩm Dương, tỉnh lị tỉnh Liêu Ninh,
Nhưng chính quyền sở tại không bắt nhà hàng đó gỡ đi.
Trung Quốc là một nước lớn, có nền văn minh lâu đời thật đấy, nhưng đó hình như chỉ còn là trong quá khứ.
Với những gì thể hiện gần đây, nhất là trong đại dịch này, quả khiến cho thế giới bàng hoàng về sự man rợ của nó.
Thường thì trong những biến cố lớn, người ta sẽ thấy bản lĩnh, lòng tự trọng, văn hóa thực sự của một dân tộc.
Như Nhật Bản, thảm họa "kép" sóng thần, động đất làm vỡ nhà máy điện hạt nhân Fukushima 8 năm trước, làm chết hàng chục ngàn người, cả thế giới vẫn phảinghiêng mình trước văn hóa Nhật Bản: Dù đói khát, hàng đoàn người xếp hàng nhận cứu trợ trong yên lặng; hàng ngàn người đăng ký cảm tử vào chữa cháy cho nhà máy Fukushima-dù biết vào là chết...
Đến thảm họa đại dịch ngày nay, chính Nhật Bản là nước đầu tiên bày tỏ sự ủng hộ, chia sẻ với người dân ở Vũ Hán, khi gửi cứu trợ, gửi các đoàn y, bác sĩ...đến hỗ trợ, cứu chữa người dân TQ. Cho dù trước đó, đã từng có câu chuyện công nhân của TQ bôi cả phân vào hàng hóa xk sang Nhật.
Còn bây giờ, TQ đó, lãnh đạo thì đổ lỗi cho Mỹ gây ra đại dịch, dân thì dịch bệnh mới đỡ, đi rủa các nước khác.
Hôm qua thì đọc cái tin một bà khách người TQ nghi nhiễm cúm liên tục cố ý khạc, nhổ khắp đường phố Thái Lan. Bà này được coi là cố ý gây nhiễm dịch và bị bắt giữ ngay sau đó.
Tất nhiên là gọi là dân thì không phải ai cũng như cái ông chủ nhà hàng này. Nhưng quả là có câu chuyện "thượng hành hạ hựu- một câu thành ngữ của TQ: Trên sao dưới vậy!
Văn hoá Trung hoa là vậy đó,
Tỉu nà ma...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trận chiến khốc liệt giữa hệ miễn dịch người với virus corona


Khi virus vào cơ thể, chúng chạy đua với thời gian để xâm nhập tế bào và tàn phá. Hệ miễn dịch chúng ta cũng "không nể nang chút nào" với virus.
Để tiếp tục tồn tại trong cơ thể người, virus buộc phải “nhanh chân”. Vì cơ thể người không ngồi yên.
“Hàng phòng ngự” của chúng ta, tức hệ miễn dịch, đã dàn sẵn đội hình tiếp đón mọi kẻ xâm lược.
Tran chien khoc liet giua he mien dich nguoi voi virus corona hinh anh 1 e5a47b96_682d_11ea_9de8_4adc9756b5c3_image_hires_171026_SCMP.jpg
Trận chiến giữa virus và hệ miễn dịch vô cùng tàn khốc, tế bào xung quanh bị “vạ lây”. Đồ họa: South China Morning Post.

Tấn công tổng lực

Virus SARS-CoV-2 đang gây đại dịch hiện nay cũng vậy. Khi hệ thống cảnh báo của cơ thể cảm nhận sự có mặt của virus, hệ miễn dịch sau hàng triệu năm tiến hóa, sẽ “tấn công tổng lực”, dẫn đầu là các tế bào lympho T.
Hệ miễn dịch là lý do loài người tồn tại đến ngày nay. Khi phát hiện ra mối đe dọa dựa vào vô số hóa chất “tuần tra” khắp cơ thể, hệ miễn dịch sẽ truy lùng quyết liệt kẻ xâm lược.
Những trận chiến đó có thể vô cùng tàn khốc, mọi thứ xung quanh sẽ bị phá hủy. Cũng giống nhưng phim về chiến tranh, mọi thứ bị thiêu rụi. Chỉ có điều đối với virus, chiến trường bị thiêu rụi đó lại là cơ thể chúng ta.
Hiểu được cơ chế tàn phá của virus cũng như cơ chế phản kháng của cơ thể là thiết yếu trong việc chống dịch.
Hệ miễn dịch không “nể nang” chút nào. Khi phát hiện ra tế bào nào bị nhiễm virus, bị virus biến thành nơi để sinh sôi, hệ miễn dịch sẽ “tóm” lấy tế bào đó, và bắn dữ dội các phân tử xuyên vào trong, giết chết tế bào và mọi thứ bên trong.
Trước cuộc chiến tàn khốc, virus đã tìm cách xâm nhập được vào cơ thể, lẻn qua các “lá chắn”, như chất dịch nhày ở mũi và họng, và truy lùng các tế bào mà chúng có thể “trưng dụng” - như cách diễn viên “trưng dụng” xe cộ trong phim hành động.
Đồng thời chúng tìm cách ngụy trang, né hệ miễn dịch - cuộc chơi “trốn tìm” có thể gây chết người.

Cuộc khiêu vũ kỳ lạ

Gene Olinger, nhà miễn dịch học tại viện khoa học MRIGlobal ở Mỹ, ví những giờ đầu tiên mầm bệnh xâm nhập cơ thể như cuộc “khiêu vũ giữa hệ miễn dịch và virus”.
Virus dùng nhiều chiêu để tránh né mọi “tai mắt” của hệ miễn dịch trên khắp cơ thể.
Sau đó, sẽ là cuộc “chạy đua vũ trang” giữa virus và hệ miễn dịch, theo lời giáo sư Marjolein Kikkert từ trung tâm y tế của Đại học Leiden ở Hà Lan.
“Tất cả virus, bao gồm virus lần này (SARS-CoV-2), có nhiều cách để ‘luồn lách’ hoặc vô hiệu hóa phản ứng miễn dịch... có một cuộc chạy đua vũ trang, nhất là lúc đầu, khi virus cố gắng dập tắt những phản ứng đầu tiên”, bà Kikkert nói với South China Morning Post.
Trận chiến về cơ bản là vậy. Nhưng vì virus SARS-CoV-2 là virus corona chủng mới, các nhà khoa học chưa có đủ thời gian nghiên cứu, hiểu rõ trận chiến đó diễn ra chính xác như thế nào.
Vẫn chưa rõ vì sao một số người khỏe mạnh nhiễm Covid-19 lại có triệu chứng nặng, trong khi những người khác không bị nặng.
Tran chien khoc liet giua he mien dich nguoi voi virus corona hinh anh 2 02_AP.jpeg
Một mẫu vắc-xin đang thử nghiệm chống virus corona mới được đưa trở lại tủ đông. Ảnh: AP.

Dựa vào các nghiên cứu trước đây

Những phỏng đoán của các nhà khoa học về SARS-CoV-2 dựa vào những nghiên cứu trước đây về phản ứng của hệ miễn dịch đối với các chủng virus corona có liên quan, như MERS hay SARS, cũng như những ghi nhận lâm sàng trong hồ sơ các bệnh nhân Covid-19.
Dựa vào những điều đó, có thể thấy “mọi phần của hệ miễn dịch tham gia vào việc chống lại virus này”, theo Stanley Perlman, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Iowa.
Hệ miễn dịch của cơ thể có thể rất quyết liệt và áp đảo, và trận chiến chống virus có thể rất tàn khốc, khiến cơ thể bị tàn phá tới mức tử vong, theo các nhà nghiên cứu.
Cụ thể, phổi, chính là nơi SARS-CoV-2 tấn công, là chiến trường “rất mong manh” trong cơ thể.
Đặc biệt, khi chống lại virus chưa từng gặp, chưa biết rõ, hệ miễn dịch sẽ còn quyết liệt gấp bội, làm cho nhiều tế bào, mô xung quanh bị “vạ lây”.
Tran chien khoc liet giua he mien dich nguoi voi virus corona hinh anh 3 d14d241a_64e8_11ea_8e9f_2d196083a37c_1320x770_171026_AFP.jpg
Hiểu được cơ chế tàn phá của virus cũng như cơ chế phản kháng của cơ thể là thiết yếu trong việc chống virus. Ảnh: AFP.

Đội hình bảo vệ

Khi hệ thống cảnh báo sớm của cơ thể mới phát hiện SARS-CoV-2, cơ thể sản sinh ra các “protein báo động” để cảnh báo với các tế bào xung quanh về sự xuất hiện của virus, và cũng “kích hoạt” nhiều phân tử miễn dịch.
Ngay lúc đó, virus vẫn gấp rút xâm nhập, tấn công thêm nhiều tế bào.
Phổi trở thành chiến trường, và sưng lên vì sự kéo đến đồng loạt của các tế bào miễn dịch, các phân tử, cũng như chất dịch cần thiết để các tế bào, phân tử này di chuyển.
Sau đó, các tế bào lympho T kéo đến, đi sâu vào niêm mạc của phổi để săn tìm và tiêu diệt các tế bào nhiễm virus.
Khi tế bào lympho T tìm thấy tế bào nhiễm virus, chúng sẽ “bám chặt và bắn các phân tử xuyên qua tế bào, giết chết tế bào”, ông Olinger nói.
Các kháng thể, là các protein hình chữ Y, cũng kéo đến. Những phân tử này bao quanh virus, dập tắt các protein gai bên ngoài của virus mà virus dùng để bám vào tế bào khỏe mạnh.
Tiếp đến là sự yểm trợ của các tế bào bạch cầu lớn hơn, gọi là “đại thực bào” (macrophage), tới càn quét, “nuốt chửng” các xác virus chết thành các cụm. Như vậy, trận chiến càng diễn ra, các tế bào chết dính vào nhau thành những cụm lớn ở trong phổi.
“(Các cụm đó) sẽ chặn đường thở, giảm lượng oxy”, Ashley St John, giáo sư tại trường y Duke-NUS tại Singapore, nhà nghiên cứu bệnh học, nói.
Các cụm xác tế bào này càng khiến phổi phải “căng mình”. “Các mô phổi cần phải dãn nở để lấp đầy oxy, nhưng giờ lại đầy tế bào miễn dịch và các chất dịch... có thể khiến người bệnh không thở đủ oxy”, bà nói.
Tran chien khoc liet giua he mien dich nguoi voi virus corona hinh anh 4 4394_AFP.jpg
Chưa tìm hiểu được ngọn ngành trận chiến giữa virus và hệ miễn dịch, việc tìm ra vắcxin có thể gặp trở ngại. Ảnh: AFP.

Hệ miễn dịch bị đánh lừa có thể gây tử vong

Ởmột số bệnh nhân, nếu đã đến giai đoạn này mà hồi phục được, phổi của họ vẫn có thể khôi phục. Nhưng một số bệnh nhân khác, phổi sẽ bị phá hủy vĩnh viễn.
Dữ liệu từ Trung Quốc cho thấy 80% số ca Covid-19 là nhẹ hoặc trung bình, 14% là nặng, còn lại 6% là nguy kịch - tức suy hô hấp, sốc nhiễm trùng máu, hay suy nội tạng.
Trên toàn cầu, khoảng 3,4% người nhiễm Covid-19 tử vong, theo ước tính của WHO, dù tỷ lệ này sẽ thay đổi khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến.
Các chuyên gia cho biết cách thức chính xác mà SARS-CoV-2 gây hại trong cơ thể đang được nghiên cứu, nhưng rõ ràng là căn bệnh gây hại nhất đối với người cao tuổi và người có miễn dịch yếu. Hơn 20% số ca bệnh trên 80 tuổi nhiều khả năng sẽ tử vong.
Tỷ lệ tử vong đối với những người có bệnh tuần hoàn, tiểu đường, bệnh hô hấp mãn tính gấp đôi tỷ lệ tử vong trung bình, theo thống kê từ WHO công bố cuối tháng 2.
Tran chien khoc liet giua he mien dich nguoi voi virus corona hinh anh 5 e8554318_534a_11ea_8948_c9a8d8f9b667_image_hires_033536_VirPath_AFP.jpg
Các nhà khoa học tại phòng lab Đại học VirPath ở Lyon, Pháp, đang nghiên cứu cách điều trị virus corona. Ảnh: AFP.
Một số nhà nghiên cứu còn nêu giả thuyết trong giai đoạn “trốn tìm” ban đầu, virus cản phá các phản ứng đầu tiên của hệ miễn dịch bằng cách nhân bản quá nhanh để hệ miễn dịch không theo kịp, hoặc làm rối loại cơ chế tự điều tiết của hệ miễn dịch.
Có bằng chứng cho thấy điều đó có thể khiến hệ miễn dịch phản ứng quá mức, khiến mô bị viêm. Nhiều loại tế bào sẽ kéo đến phổi để chống virus, nhưng không phải đúng những loại tế bào cần thiết, thành ra “lợi bất cập hại”, theo ông Olinger.
“Phổi là nơi tệ nhất để (hệ miễn dịch) mắc những sai lầm đó. Những tế bào (miễn dịch) kéo đến để giết, để bao vây, để kiểm soát viêm nhiễm... nếu quá nhiều có thể gây hại cho chính phổi. Tế bào phổi mất đi khả năng vận chuyển oxy có thể khiến các tế bào chết”.
Và điều này có thể dẫn đến tử vong, theo các nhà nghiên cứu. Nếu đúng vậy, chính hệ miễn dịch, chứ không phải bản thân virus, là thủ phạm gây hại cho phổi, khiến các tế bào trong cơ thể thiếu oxy.
Tìm hiểu tận gốc “trận chiến” giữa virus và hệ miễn dịch là điều khó, nếu không quan sát cách mỗi bên vận hành trên các tế bào và trên động vật.
Chưa tìm hiểu được ngọn ngành trận chiến đó, việc tìm ra vắcxin phòng SARS-CoV-2 có thể gặp trở ngại. “Làm sao chế được vắcxin hiệu quả nếu bạn không biết cơ chế nào để bảo vệ người bệnh cho tốt”, giáo sư Stanley Perlman nói.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Việt Nam có ca Covid-19 thứ 117 và 118, xuất hiện mối lo từ cửa khẩu đường bộ

Chiều 23.3, Bộ Y tế thông tin về 2 ca Covid-19 thứ 117 và 118. Đây là ca bệnh thứ 5 trong hôm nay. Điều đáng chú ý là các bệnh nhân này đều lây nhiễm từ Campuchia, về Việt Nam qua cửa khẩu đường bộ. 
Bắt đầu xuất hiện mối lo Covid-19 xâm nhập từ các cửa khẩu đường bộ /// Ảnh Đậu Tiến Đạt
Bắt đầu xuất hiện mối lo Covid-19 xâm nhập từ các cửa khẩu đường bộ
Ảnh Đậu Tiến Đạt
Theo Bộ Y tế, bệnh nhân thứ 117 là nam, quốc tịch Việt Nam, 30 tuổi, trú tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, làm nghề công nghệ thông tin.
Từ ngày 9 - 19.3, bệnh nhân du lịch ở Campuchia, lưu trú tại khách sạn Infinity, thủ đô Phnom Penh.
Ngày 16.3, bệnh nhân phát bệnh với triệu chứng sốt, ho, kèm khó thở (chưa rõ phương pháp điều trị). Đến ngày 19.3, bệnh nhân về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh và được Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Tây Ninh phát hiện, chuyển Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh cách ly, điều trị và lấy mẫu.
Khi nhập viện, bệnh nhân vẫn sốt, ho, khó thở, hình ảnh X-quang có thâm nhiễm 2 phế trường. Hiện bệnh nhân tiếp tục được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh. 
Current Time0:04
/
Duration1:54
Auto
Việt Nam công bố bệnh nhân thứ 117 và 118 nhiễm virus corona, trở về từ Campuchia
Bệnh nhân thứ 118 là nữ, quốc tịch Việt Nam, 23 tuổi, trú tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang, làm nhân viên casino, tiền sử có viêm phế quản mãn tính.
Trong 2 tuần gần đây, bệnh nhân từ Việt Nam sang Campuchia làm nhân viên casino Galaxy.
Ngày 19.3, bệnh nhân từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài - Tây Ninh. Tại cửa khẩu, kiểm dịch viên phát hiện bệnh nhân có sốt, ho, kèm cảm giác khó thở, chuyển bệnh nhân về Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh cách ly, điều trị, lấy mẫu.
Khi nhập viện, hình ảnh X-quang có thâm nhiễm 2 đáy phổi. Hiện bệnh nhân tiếp tục được cách ly, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh.
Như vậy, sau khi Việt Nam thắt chặt đầu vào tại các sân bay, hiện xuất hiện mối lo từ các cửa khẩu đường bộ. Tình hình dịch bệnh ở Campuchia đang diễn biến tương đối phức tạp, được Chính phủ Việt Nam đánh giá là một trong những nguồn lây nhiễm nguy cơ cao.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2020

Thủ tướng: Phải đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống


Dân trí Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tăng dân số, đô thị hoá, dịch bệnh thất thường, an ninh lương thực trở nên bức thiết. Thử thách rất lớn với mục tiêu đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho 104 triệu người.

Ngày 18/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án “An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020”.
Thủ tướng: Phải đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống - 1
Nhấn để phóng to ảnh
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu về vấn đề an ninh lương thực.
Tinh thần chỉ đạo không để ai bị đứt bữa
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, an ninh lương thực luôn luôn và mãi mãi là vấn đề hết sức hệ trọng đối với mọi quốc gia, nhất là trong điều kiện bất ổn chính trị, an ninh phi truyền thống, dịch bệnh xảy ra trên thế giới.
Thủ tướng nêu ra một số kết quả đạt được của Đề án bảo đảm an ninh lương thực, không chỉ căn bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân mà còn xuất khẩu. Trong hoàn cảnh biến động, thiên tai, dịch bệnh, vẫn bảo đảm cho cân đối sản phẩm nông nghiệp. Đi đôi với tăng cường năng lực sản xuất, đã chú ý thích đáng đến phát triển bền vững, an sinh xã hội, với tinh thần “quan tâm đến toàn xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị đứt bữa”. Hằng năm, Chính phủ cấp phát miễn phí hơn 200.000 tấn gạo.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại, bất cập cần khắc phục như liên kết sản xuất chuỗi gắn với vùng sản xuất, chế biến, tổ chức thị trường nhìn chung trên tất cả các ngành hàng còn yếu. Năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp do sản xuất quy mô nhỏ, manh mún. Ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa đạt tỉ lệ thấp, làm cho giá thành cao, khó cạnh tranh.
Thủ tướng cho rằng, quan điểm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là đúng để huy động các nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động nhưng các khâu quan trọng, Nhà nước vẫn phải nắm để điều hành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Huy động nguồn lực toàn xã hội nhưng những “quả đấm then chốt” Nhà nước phải nắm để nâng cao năng lực ứng phó khi có biến động.
Nêu định hướng thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, an ninh lương thực càng trở nên bức thiết hơn khi dân số có xu hướng tăng, gần 900 triệu người trên toàn cầu đang thiếu đói, thiên tai, biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ, tốc độ đô thị hóa cao, dịch bệnh bất thường.
“Thử thách rất lớn. Nếu không xác định sự bức thiết về an ninh lương thực trong giai đoạn tới thì sai lầm trong chỉ đạo. Phải bảo đảm an ninh lương thực một cách vững chắc trong mọi tình huống”, Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu “chốt cứng” diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hằng năm và tăng cường khả năng dự trữ. Chuyển nhận thức phát triển nông nghiệp từ vai trò an sinh, đủ ăn, điểm tựa cho sự phát triển thành vai trò mới, là một lợi thế đặc thù, có tính cạnh tranh cao trong phát triển kinh tế, hội nhập.
Đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho 104 triệu người
Thủ tướng: Phải đảm bảo an ninh lương thực trong mọi tình huống - 2
Nhấn để phóng to ảnh
Hội nghị trực tuyến được tổ chức tới 63 điểm cầu là các tỉnh thành trên cả nước.
Thủ tướng nhấn mạnh một số mục tiêu quan trọng để phấn đấu đạt được. Đó là đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu dinh dưỡng, cơ cấu thực phẩm hợp lý, khoa học trong từng giai đoạn, kể cả lượng và chất, ít nhất cho quy mô 104 triệu người vào năm 2030, góp phần chống tình trạng thấp, bé, còi của người Việt Nam.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt 9-10%/năm, phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu 100 tỷ USD.
Về lúa gạo và diện tích đất lúa, Thủ tướng cho biết, sẽ trình Chính phủ, Bộ Chính trị việc giữ trên 3,5 triệu ha đất trồng lúa để ít nhất có 35-38 triệu tấn lúa, tương ứng 22 triệu tấn gạo trong cân đối.
Về thực phẩm, cần tăng nhanh sản lượng sữa từ 1 triệu tấn lên 3 triệu tấn đến năm 2030 vì đây là loại thực phẩm góp phần cải thiện sức khỏe, tầm vóc giống nòi. Chúng ta tăng nhanh sản lượng trứng, thịt đỏ, thịt gà, thủy sản, rau quả có lợi cho sức khỏe và phù hợp với cơ cấu dinh dưỡng.
Theo Thủ tướng, cần đưa ra lời khuyên giảm thịt lợn trong khẩu phần và cơ cấu sản xuất. Lãnh đạo Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp về vấn đề giá thịt lợn, bàn giải pháp giảm giá thịt lợn. Tăng cường liên kết hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp, mỗi nhóm ngành hàng đều có tập đoàn kinh tế lớn là hạt nhân liên kết.
Thái Anh


Phần nhận xét hiển thị trên trang