Người ta hay nói bình đẳng trước pháp luật. Chả thế mà đảng và nhà nước ở xứ này thỉnh thoảng lại nhắc cho dân chúng khỏi quên, rằng họ chống tham nhũng không có vùng cấm. Cấm hay không thì các vị ấy biết, chứ dân biết đằng nào mà lần. Càng nhắc càng khiến người ta nghi, kiểu như nếu không cấm thì cứ thế mà chống, cần gì lâu lâu lại nhắc. Vả lại, cấm hay không, nào phải cứ căn vào lời nói, dù của cụ tổng chủ, mà cứ nhìn thực tế là rõ ngay. Dân bây giờ nó quái lắm, đâu cả tin ngây thơ như hồi xưa dễ bị dụ khị.
Thiên hạ cũng thường nói với nhau bình đẳng trước cái chết. Thì đúng rồi, người ta có thể khác nhau một tỉ điều, nhưng ai cũng giống nhau hai điều: được sinh ra và chết đi. Làm to đến hoàng đế, nhà vua, tổng bí thư, chủ tịch nước, tổng thống, hay chỉ là đứa dân quèn nón mê áo vá bụng lỏng chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi, đều giống nhau cái chết. Có đổ sâm cao ly vào mồm, được ban chăm sóc sức khỏe trung ương lo cho từng giây, nhưng thần chết tới mời về âm ti họp thì vẫn cứ chết. Có mà chạy đằng giời. Bình đẳng ở chỗ ấy, chỉ chỗ ấy thôi, chứ nhiều ông bà tới chết vẫn không chịu bình đẳng, đòi chôn riêng, đòi quốc tang tỉnh tang, bãi tha ma riêng, đòi mộ to mả lớn, chiếm hết bao nhiêu đất ruộng của nông dân. Nói đâu xa, trường hợp tử sĩ Trần Đại Quang và Đỗ Mười rõ nhất. Với quan chức cộng sản, họ sẽ nói, có mà bình đẳng cái khối ông đây, còn khuya nhá.
Thôi, kệ. Chính chuyên chết cũng ra ma, lẳng lơ chết cũng đem ra ngoài đồng. Đã làm bạn với giun, lăng mộ hoành tráng hay nấm cỏ tẹt, 60 nghìn mét vuông hay chỉ 2 mét, thì cũng thế thôi. Vì vậy chỉ bàn sự bình đẳng trong đời sống thực.
Đang có đại dịch. Cả thế giới chứ không phải riêng xứ này. Những đứa láu táu thông tin sớm chuyện đại dịch đã bị nhà cai trị phạt lên bờ xuống ruộng, cun cút nộp tiền, cấm cho cãi. Giờ tôi nói đại dịch đó, chả sợ phạt, bởi ông bà nào định phạt tôi, cứ cởi khẩu trang ra mà nói chuyện. Dịch nó đã vươn tới tận trung ương, tới ông to bà nhớn rồi, đâu phải chỉ đặc sản dành cho dân nghèo, bình dân, thứ dân. Ít nhiều, đó chính là sự bình đẳng trước dịch.
Tuy thế, người ta vẫn cố cưỡng lại, vẫn nhất quyết không bình đẳng, vẫn cái thói chia bôi theo đẳng cấp, như hồi cửa hàng Tôn Đản, Nhà Thờ, vỉa hè. Kể cả đối với dịch.
Chả nói đâu xa, cùng chung chuyến bay VN0054 của VNA từ nước Anh về An Nam có ông bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, ông Nguyễn Quang Thuấn phó chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, cô Nguyễn Hồng Nhung, và nhiều người khác. Tất nhiên (về lý thuyết) chả ai trong số đó biết mình bị lây nhiễm, và theo thói xấu chung, nếu tự nghi ngờ mình bị làm sao thì cũng cố lờ đi nhằm tránh bị cách ly. Càng quan chức càng cố lờ. Tao mà lại dính dịch, chúng bay chỉ vớ vẩn.
Xét một cách công bằng, ai trên chuyến bay đó cũng đều có thể là chủ thể lây dịch. Chả biết ai lây cho ai, đừng vội vàng quy kết mà sa vào khẩu nghiệp. Thế nhưng mấy ngày qua, cả chính quyền, báo chí mậu dịch của chính quyền, và nhiều người tử tế nhẹ dạ khác, đã lớn tiếng mạt sát, lên án cái nhà cô tên Nhung kia, thậm chí rất nhiều người hăng hái đòi khởi tố, truy tố cô ta, làm thơ mắng cô ta đú, rước giặc vào nhà, ví giống như “Nguyễn Ánh cõng rắn cắn gà nhà” (thật tội nghiệp, tới thời buổi này còn lôi Nguyễn Ánh ra chửi giúp chính quyền, không hiểu cái đầu họ chứa trong đó thứ gì). Nói túm lại, với họ, phải xử bắn cô Nhung mới hả dạ.
Tôi không bênh cô Nhung, quyết không bênh. Nhất là vụ cô hình như có ý trốn tránh để lọt qua cửa khẩu. Cô gian dối thì cô chịu, cô nhiễm bệnh, đã đi một nhẽ, nhưng cô còn làm khổ, làm vất vả, gây nguy hiểm cho bao người, trong đó có anh phó Đam, hì hì. Sau này, cô khỏi bệnh (tất nhiên ở xứ này cô sẽ được khỏi bệnh bởi đó là thành tích), nhớ coi đó là bài học đắt giá, dù nhiều tiền như bố con cô cũng không nên để lặp lại.
Cô Nhung chịu búa rìu dư lận, còn những vị đồng hành chuyến đằng vân kia thì sao. Suốt hôm qua tới hôm nay, báo chí hễ cứ nhắc tới tình trạng sức khỏe ông Nguyễn Chí Dũng, ông Nguyễn Quang Thuấn, cả mấy bác phi công chuyến bay VN0054 nữa, đều cố tình gắn họ vào với cô Nhung Cô Vít thứ 17. Ra cái điều tự cô Nhung gây nên hết, các ông ấy đang khỏe, không may đi cùng chuyến, ngồi cùng khoang, bị con bé ấy nó lây nhiễm sang. Cái con giời đánh, tại mày mà chúng ông, cán bộ của chúng ông chịu lụy…
Tôi hỏi thực, đã có ai nghĩ ngược lại, biết đâu chính ông Thuấn, ông Dũng hay một vị khách nào đấy làm lây nhiễm sang con bé Nhung kia. Ai dám khẳng định các ông ấy không bị trước, đã tiềm ẩn bệnh từ trước. Thấy nó thấp cổ bé miệng, cứ chửi nó, đổ riệt cho nó, và lờ các quan chức đi, liệu đã khách quan, tử tế, đàng hoàng? Giả dụ tôi là người nhà cái Nhung, tôi bật lại, rằng con tôi cháu tôi bị lây tại ông Dũng, tại ông Thuấn số 21, đòi truy tố các ông ấy, các vị nghe có thuận nhĩ không. Hay lại nói ai bảo mày là dân, chứ quan chức có bao giờ sai.
Trước dịch cũng phải bình đẳng, dù ở đẳng cấp nào. Vậy thôi.
Nguyễn Thông.