Gần hai thập kỷ đã qua kể từ khi một chủng của virus corona được biết đến với tên SARS xuất hiện ở Trung Quốc, làm chết hàng trăm người và kéo theo sự ảm đạm cho nền kinh tế toàn cầu. Loại virus hiện nay đang hoành hành ở Trung Quốc thậm chí còn gây thiệt hại nặng nề hơn.
Trung Quốc đã trở thành một phần không thể thiếu của nền kinh tế toàn cầu kể từ thời điểm dịch SARS bùng phát năm 2003. Trung Quốc hiện là công xưởng của thế giới, tạo ra các sản phẩm như iPhone và là động lực đằng sau nhu cầu về các loại hàng hóa như dầu mỏ và đồng.
Trung Quốc cũng cung cấp hàng trăm triệu người tiêu dùng giàu có, sẵn sàng chi mạnh cho các sản phẩm xa xỉ, du lịch và xe hơi đắt tiền. Nền kinh tế Trung Quốc chỉ chiếm 4% GDP toàn cầu vào năm 2003 nhưng nay đã chiếm 16% sản lượng toàn cầu.
SARS làm 8.098 người nhiễm bệnh và 774 người chết trước khi được khống chế. Chủng mới của virus corona xuất phát từ thành phố Vũ Hán, miền Trung đất nước, đã làm hơn 1.000 người thiệt mạng và lây nhiễm cho hơn 40.000 người tại hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhà chức trách Trung Quốc đã đóng cửa Vũ Hán và nhiều thành phố khác nhưng virus vẫn tiếp tục lan nhanh.
"Sự bùng phát dịch bệnh có khả năng gây ra sự biến đổi to lớn đối với thị trường và nền kinh tế. Tuy nhiên, quy mô của những tác động cuối cùng sẽ được quyết định bằng việc virus phát tán và phát triển, mà việc này cũng như cách mà chính phủ phản ứng trước dịch bệnh là không thể dự đoán", Neil Shearing, trưởng nhóm các nhà kinh tế của tổ chức nghiên cứu cố vấn kinh tế Capital Economics, nói.
Ngoài ra, nguy cơ càng trở nên lớn hơn khi thực tế rằng thế giới bên ngoài Trung Quốc cũng đã thay đổi từ năm 2003. Toàn cầu hóa đã thúc đẩy các công ty xây dựng chuỗi cung ứng xóa bỏ đi ranh giới quốc gia, khiến các nền kinh tế trở nên kết nối và phụ thuộc vào nhau nhiều hơn.
Các ngân hàng trung ương lớn đã sử dụng ngày càng nhiều hơn các nguồn lực mà họ thường sử dụng để chống lại suy thoái kinh tế từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 trong khi nợ toàn cầu lên đến mức cao chưa từng thấy. Chủ nghĩa dân tộc dâng cao có thể khiến việc phản ứng toàn cầu trở nên khó khăn hơn nếu dịch bệnh bùng phát.
Dịch bệnh tác động lên các chuỗi cung ứng và công ty toàn cầu
Các nhà máy sản xuất ôtô trên khắp Trung Quốc đã phải đóng cửa sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khiến các nhà sản xuất ô tô hàng đầu như Volkswagen (VLKAF), Toyota (TM), Daimler (DDAIF), General Motors (GM), Renault (RNLSY), Honda (HMC) và Hyundai (HYMTF) không thể trở lại hoạt động bình thường tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới.
Theo S&P Global Ratings, dịch bệnh bùng phát sẽ khiến các nhà sản xuất xe hơi ở Trung Quốc phải cắt giảm sản xuất tới 15% trong quý đầu tiên. Toyota hôm 7/2 cho biết sẽ đóng cửa các nhà máy đến ít nhất là ngày 17/2.
Các nhà sản xuất những mặt hàng xa xỉ vốn chủ yếu dựa vào lượng khách hàng Trung Quốc mua sắm trong nước cũng như nước ngoài, nay cũng bị ảnh hưởng lớn. Thương hiệu Burberry (BBRYF) của Anh đã đóng cửa 24 trên 64 cửa hàng tại Trung Quốc đại lục và lãnh đạo hãng này cảnh báo virus đang gây ra "hiệu ứng tiêu cực với nhu cầu hàng xa xỉ". Hàng chục hãng hàng không toàn cầu cũng hủy các chuyến bay đến và đi khỏi Trung Quốc.
Sự ảnh hưởng càng rõ rệt hơn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Qualcomm (QCOM), nhà sản xuất linh kiện điện thoại lớn nhất thế giới, cảnh báo dịch bệnh gây nên những bất định "đáng kể" đối với nhu cầu điện thoại thông minh và nguồn cung dùng để sản xuất chúng.
Hiện tại, hình hình thiếu hụt các linh kiện lắp ráp ô tô cũng đã khiến Hyundai (HYMTF) phải đóng cửa nhà máy ở Hàn Quốc và Fiat Chrysler (FCAU) phải lên kế hoạch dự phòng để tránh trường hợp đóng cửa như một nhà máy của họ tại châu Âu.
Các nhà kinh tế nói rằng mức độ gián đoạn hiện tại đang ở trong tầm kiểm soát. Nếu số lượng các ca nhiễm mới bắt đầu giảm và các nhà máy ở Trung Quốc mở cửa trở lại, thì sẽ là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế Trung Quốc trong quý I và thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, nếu virus tiếp tục lây lan, thiệt hại kinh tế sẽ gia tăng nhanh chóng.
Mohamed El-Erian, trưởng nhóm cố vấn kinh tế của Allianz (ALIZF), nói với CNN rằng ông lo lắng nhất về nguy cơ tác động lan truyền đối với nền kinh tế.
"Đầu tiên, nó làm tê liệt khu vực bị dịch bệnh bùng phát. Sau đó, thiệt hại nhanh chóng lan rộng ra cả nước, làm suy yếu thương mại quốc nội, tiêu dùng, sản xuất và di chuyển của người dân", El-Erian cho biết.
"Nếu virus vẫn chưa được khống chế, quá trình này càng lan rộng hơn, bao gồm ngưng trệ thương mại khu vực và toàn cầu, cản trở chuỗi cung ứng và du lịch", ông nói thêm.
Nguy cơ dịch bệnh
Các nhà kinh tế đã rất vất vả để ước tính thiệt hại mà dịch bệnh có thể gây ra bởi tính đặc thù của dịch bệnh. Dịch bệnh thậm chí còn có thể gây thiệt hại nặng nề hơn cả thiên tai như bão lũ hay sóng thần hoặc các sự kiện khó lường khác.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), một đại dịch có thể gây thiệt hại cho nền kinh tế tới gần 5% GDP toàn cầu, tức hơn 3.000 tỷ USD. Thiệt hại do những đợt dịch yếu hơn như dịch H1N1 năm 2009 cũng đã "xóa sổ" 0,5% GDP toàn cầu.
"Một đại dịch lớn giống như một trận đánh bất ngờ tới toàn cầu, ảnh hưởng sâu sắc và trên diện rộng", Ngân hàng Thế giới đánh giá về đại dịch vào năm 2013. (Hiện tại, virus corona ở Vũ Hán chưa được tuyên bố là đại dịch).
Tuy nhiên, virus không phải là yếu tố gây ra những thiệt hại đó. Thay vào đó, cách thức tiêu dùng, giao dịch của người dân và phản ứng của các chính phủ trước tình hình bệnh dịch ảnh hưởng đến mức độ thiệt hại.
Người dân ở trong nhà để phòng dịch dẫn đến cắt giảm mua sắm, tạm dừng công việc và du lịch, cắt giảm những nhu cầu tiêu dùng và năng lượng. Các công ty và chính phủ ra quyết định đóng cửa quán xá, cửa hàng, tạm đóng cửa nhà máy, tạm dừng sản xuất.
"Và cứ như vậy, sự việc ngày càng phát triển về phạm vi và mức độ. Nó có thể kết thúc vô cùng nghiêm trọng mà hiện tại chúng ta không thể đo đếm được", William Reinsch, cố vấn cao cấp tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế, người từng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Quốc gia Mỹ, nói.
Theo ông Shearing, những đại dịch cho thấy nền kinh tế Trung Quốc thường bị tác động trong quý đầu tiên của năm, nhưng thường nhanh chóng đi vào quên lãng sau khi virus được khống chế.
"Miễn là việc đóng cửa nhà máy không dẫn đến tình trạng mất việc làm, vào giờ này năm sau, số liệu về GDP hầu như cũng không thay đổi nhiều so với nếu không có ảnh hưởng của virus", ông nói.
Chúng ta có thể làm gì?
Chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng phòng vệ và có các biện pháp chống lại các ảnh hưởng của virus corona lên nền kinh tế. Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất chủ chốt vào tuần trước và bơm một lượng tiền mặt khổng lồ vào thị trường để giảm áp lực cho các ngân hàng và người vay. Các quan chức cũng công bố giảm thuế và hỗ trợ mới dành cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Trung Quốc ngày nay cũng dễ lâm vào khủng hoảng hơn so với 17 năm trước khi dịch SARS bùng phát.
"Hiện nay, Trung Quốc có nợ cao hơn, căng thẳng thương mại với đối tác thương mại chủ chốt và tăng trưởng kinh tế của nước này đang chậm dần lại trong một số năm, là những điểm yếu khiến nó bắt đầu đối diện với khủng hoảng", Raphie Hayat, nhà kinh tế cao cấp tại ngân hàng Hà Lan ING, nói.
Các chuyên gia của Capital Economics kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ công bố những biện pháp bổ sung trong những ngày tới. Nếu virus tiếp tục lây lan rộng, họ tin rằng Bắc Kinh sẽ phải từ bỏ những mục tiêu lâu dài để kiểm soát các khoản nợ và bơm tiền trực tiếp cho nền kinh tế.
Ngân hàng trung ương của các nước và vùng lãnh thổ láng giềng gồm Sri Lanka, Malaysia, Thái Lan và Philippines đã hạ lãi suất trong những tuần qua. Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan có thể cũng sớm hành động tương tự.
Những các "ông lớn" của thị trường tài chính thế giới đã khá mệt mỏi sau một thập kỷ chiến đấu với tăng trưởng kém kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ngân hàng Trung ương EU đưa ra lãi suất âm trong năm 2014 và chưa hề tăng lên kể từ đó đến nay. Ngân hàng Nhật Bản cũng có hành động tương tự. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm qua. Giám đốc Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói rằng ông rất thận trọng theo dõi tình hình.
Trong khi đó, mức nợ đã tăng vọt ở Mỹ, Nhật và các nước ở châu Âu bao gồm Italy, hạn chế tác động đến nền kinh tế nếu kinh tế toàn cầu rơi vào trạng thái bất ổn một lần nữa. Nợ toàn cầu, bao gồm vay vốn từ các hộ gia đình, chính phủ và các công ty đã tăng gấp 3 lần so với quy mô của nền kinh tế toàn cầu, tỷ lệ cao nhất từng được ghi nhận, theo Viện Tài chính Quốc tế.
Một điều quan trọng nữa là liệu các chính phủ có khả năng điều hành, ứng phó với dịch bệnh hay không, lý tưởng nhất là dưới sự giúp đỡ của các tổ chức đa quốc gia. Điều này đặc biệt đúng bởi theo WB, sự chuẩn bị cho nguy cơ đại dịch là rất thấp. Sự phối hợp có thể sẽ gặp khó khăn trong thế giới ngày càng chia rẽ khi chủ nghĩa dân tộc được đề cao hơn sự hợp tác.
"Rõ ràng, các tổ chức đa quốc gia đang phải chịu nhiều áp lực và có ít cơ hội hơn so với 10 năm trước đây. Nhưng nếu lạc quan, chúng ta có thể tin rằng đối diện với một dịch bệnh toàn cầu, các tổ chức toàn cầu vẫn có vai trò quan trọng để đối phó dịch bệnh", Shearing nói.
Tham khảo CNN
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang