Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 11 tháng 2, 2020

Không thể có an toàn nếu không có tự do ngôn luận

– Thư ngỏ của học giả Trung Quốc gửi Quốc hội và Ủy ban Thường vụ
Phạm Thị Hoài dịch
Trong số những người đồng ký tên bức thư ngỏ sau đây có hai giáo sư nổi tiếng từ hai trường đại học danh giá: Trương Thiên Phàm (Zhang Qianfan, 张千帆) của Đại học Bắc Kinh, một trong những học giả đầu đàn về luật hiến pháp tại Trung Quốc, và Hứa Chương Nhuận (Xu Zhangrun,许章润) của Đại học Thanh Hoa, người cách đây không lâu đã gây chấn động với bài tiểu luận đặc sắc, trực tiếp phê phán chính sách của Tập Cận Bình “Nỗi sợ hãi và niềm hy vọng của chúng ta hiện nay”. Cả hai ông, cũng như một số học giả khác, đều nhiều lần thẳng thắn lên tiếng về các vấn đề chính trị xã hội khi đang thành đạt với sự nghiệp chuyên môn và giữ những cương vị cao trong môi trường hàn lâm ở Trung Quốc.
Người dịch
Ngày 6 tháng 2 năm 2020, bác sĩ Lí Văn Lượng, người thổi còi cảnh báo 2019-nCoV, đã qua đời giữa ôn dịch ở Vũ Hán. Ông cũng là một nạn nhân của sự áp chế ngôn luận. Người dân Trung Quốc rất đau lòng và vô cùng thương tiếc.
Virus corona chủng mới có thể hoành hành ở Vũ Hán và khắp Trung Quốc vì các nhà đương cục đã đàn áp ngôn luận và sự thật. Giữa mùa lễ hội truyền thống tối hỉ, ức vạn người lâm cảnh cách li và sợ hãi, toàn dân đang bị quản thúc tại gia. Cả xã hội và nền kinh tế bị đình đốn. Ít nhất 637 đồng bào của chúng ta cho đến nay đã thiệt mạng và hàng triệu người ở thành phố Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc bị kỳ thị, xua đuổi, lưu ly thất sở trong giá lạnh và không nơi nương tựa.
Khi thảm kịch này mới bùng phát đầu tháng Một, bác sĩ Lí và bảy chuyên viên y tế khác đã bị cảnh sát cảnh cáo vô căn cứ. Nhân phẩm của họ quá bé mọn trước bạo quyền của cảnh sát chống lại tự do ngôn luận. Ba mươi năm nay, người Trung Quốc đã từ bỏ tự do để đổi lấy an toàn, để giờ đây lún vào một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, bất an hơn bao giờ hết. Một thảm họa nhân đạo đang cận kề. Toàn bộ phần còn lại của thế giới đang lùi xa khỏi Trung Quốc với tốc độ nhanh hơn sự lây lan của virus, khiến Trung Quốc rơi vào tình trạng cô lập toàn cầu chưa từng thấy.
Tất cả những điều đó là cái giá phải trả cho việc từ bỏ tự do và áp chế ngôn luận. Mô hình Trung Quốc đang trở thành phao bọt. Song các nhà chức trách vẫn đang lo khóa miệng dân hơn lo ngăn chặn dịch bệnh. Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan hành chính đã vượt quyền hạn, thực thi tình trạng khẩn cấp mà không công khai tuyên bố. Họ đã sử dụng việc kiểm soát dịch bệnh như một cái cớ để tước đoạt bất hợp pháp những quyền được hiến pháp bảo trợ của công dân như quyền tự do ngôn luận, tự do đi lại và quyền sở hữu tư nhân.
Đã đến lúc những điều đó phải kết thúc. Không thể có an toàn nếu không có tự do ngôn luận. Nhân danh các công dân, chúng tôi đề xuất năm yêu cầu chính sau đây:
1. Chúng tôi yêu cầu lấy ngày 6 tháng Hai là Ngày Tự do Ngôn luận Quốc gia (Ngày Lí Văn Lượng).
2. Chúng tôi yêu cầu, kể từ hôm nay, người dân Trung Quốc phải được hưởng quyền tự do ngôn luận quy định tại điều 35 trong hiến pháp.
3. Chúng tôi chủ trương, kể từ hôm nay, không một công dân Trung Quốc nào còn bị bất kỳ một bộ máy chính quyền hoặc một tổ chức chính trị uy hiếp chỉ vì phát ngôn chính kiến, và không một thế lực chính trị hay một bộ máy chính quyền nào được phép xâm phạm quyền tự do hội họp và tự do truyền thông của công dân. Chính quyền phải lập tức chấm dứt việc kiểm duyệt các mạng xã hội, việc chặn hay xóa các tài khoản tại đó.
4. Chúng tôi hy vọng, người dân Vũ Hán và Hồ Bắc được đối xử công bằng và mọi bệnh nhân nhiễm virus corona toàn quốc phải được hưởng sự chăm sóc y tế kịp thời, thích đáng và hiệu quả.
5. Chúng tôi kêu gọi Quốc hội triệu tập ngay hội nghị khẩn cấp để ngăn chặn việc phiên họp dự định vào năm nay có thể bị một thế lực chính trị bãi bỏ phi pháp, và thảo luận lập tức vấn đề bảo vệ quyền tự do ngôn luận của công dân. Hãy thực thi hiến pháp, bắt đầu từ hôm nay, bắt đầu từ tự do ngôn luận!
Chúng tôi hoan nghênh mọi người cùng góp chữ ký, liên tục cập nhật và mãi mãi rộng mở.
Đồng ký tên:
Cựu sinh viên Đại học Nhân dân: Lỗ Nan, Ngô Tiểu Quân, Tần Vị, Điền Trọng Huân
Giáo sư luật, Đại học Bắc Kinh: Trương Thiên Phàm
Giáo sư luật, Đại học Thanh Hoa: Hứa Chương Nhuận
Học giả độc lập: Tiếu Thục, Quách Phi Hùng
Cựu sinh viên Đại học Địa chất: Vương Tây Xuyên
Nguồn: Bản tiếng Trung và Bản tiếng Anh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

THÔNG TIN VỀ DỊCH BỆNH


Ai hiểu cơ chế vận hành của chế độ CS thì đương nhiên hiểu cách người ta quản lý thông tin về dịch bệnh, cũng như thiên tai hay các khủng hoảng khác. Chả có gì phải thắc mắc. CS là phải thế mới đúng chất CS.
Chế độ CS vận hành trên nguyên tắc là kiểm soát thông tin. Thời CS nguyên thủy thì kiểm soát dễ hơn, vì truyền thông nhà nước chiếm tuyệt đối. Hiện nay thì khó kiểm soát hơn, vì có mạng xã hội, nhưng họ vẫn kiểm soát báo chí quốc doanh và dùng công an để hốt những người đưa tin lộn lề nhằm đe dọa những người tương tự.
Nói gì nói, 1 số anh em, PĐ cũng nhiều, tung tin đần độn bỏ mẹ. 1 số người khác tung tin để trục lợi, đại khái chú bán khẩu trang sẽ tung tin để dân sợ, đi mua khẩu trang. 1 số anh em PĐ tung tin có thể chỉ đơn giản như việc quấy cho nước đục rồi rung đùi ngồi hóng xã hội hỗn loạn, cho nó vui, rồi chờ chế độ sụp! Một số anh em share tin giả, đơn giản vì...ngu, không đánh giá được thật giả, share để câu view. Như chuyện thằng bé gì xúi ăn trứng gà để chống virus! Hay chuyện chính quyền phun thuốc bằng máy bay. Đại khái thế.
Mấy hôm nay, đảng và chú phỉnh liên tục phải trấn an dư luận, cứ yên tâm về dịch bệnh, đã có đảng và nhà nước lo! Nhưng mà hiệu quả rất là thấp, vì nhiều khi chính báo chí CM hay anh em DLV (tay sai của chính quyền) lại cũng từng tung tin giả. Thế thì nói chó nó tin! Ví dụ như vụ Đồng Tâm, nào là hầm chông, nghiện tiểu lý phi đao...toàn phe đó tung tin chứ ai. Thế mà có bị xử lý đâu? Rồi chính BCA phải đứng ra bác bỏ, khóa mõm anh em lại! 1 sự bất tín, vạn sự bất tin. Tin giả cũng là 1 truyền thống CM rồi, từ thời Lê Văn Tám, mới khai sinh ra đất nước.
Tin giả là thứ không bao giờ hết được, dù có chống cách nào và éo le thay, càng các nước bưng bít thông tin thì lại càng là thiên đường của tin giả, thậm chí tin giả của chính những kẻ chống tin giả đưa ra.
Kiểm soát thông tin là nguyên tắc sống còn của chế độ, qua đó, người ta khống chế dư luận và quản lý đám đông dựa trên dư luận 1 chiều. Sống dưới chế độ CS thì phải biết cách đánh giá thông tin dựa trên lý trí, suy luận cá nhân, hoặc dựa vào ai đó đáng tin cậy. Nhưng dù có dựa vào ai, thì cũng nên động não để kiểm tra, đừng có ăn sẵn nằm ngửa há miệng chờ tin.
Về dịch nCoV, đây là virus nguy hiểm, với tốc độ lây lan rất nhanh, vì thế dễ gây nên hoảng loạn cho xã hội, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy chính trị, kinh tế. Vì thế, chính quyền CS ở cả TQ lẫn VN sẽ phải kiểm soát rất chặt.
Với thông tin do TQ công bố, theo mình thì khả năng cực cao chính là tin giả. Tuy nhiên, không ai có thể tiếp cận tin thật để đưa tin khách quan, nên ta cứ tạm công nhận. Mấy hôm trước, có nguồn từ mạng XH TQ cho thấy tỷ lệ người chết/tổng số ca nhiễm bệnh là 1 con số gần như bất biến, xấp xỉ 2,1% (mình đã tự tính lại), sai lệch rất nhỏ. Mình có kiểm tra lại số liệu của 2 ngày tiếp theo (sau khi có nguồn tin kia), thì thấy vẫn rất khớp. Nên khả năng cao là thông tin về số người chết và tổng số ca nhiễm virus là do Tuyên giáo TQ đưa ra. Con số thật là bao nhiêu, may ra 10 năm nữa mới được công bố. Thực tế mình mới biết thông tin thật về dịch SARS ở VN dựa trên các bài báo viết về trận dịch đó khi kỷ niệm 10 năm! Mới đọc thì rất bất ngờ, vì thấy BV Việt Pháp, ngay gần nhà mình, lúc đó là ổ dịch, gần như tê liệt với khung cảnh tang thương. Lúc dịch diễn ra mình đâu có biết nó tới mức độ đó, chỉ biết đại khái là virus rất nguy hiểm, nhưng ảnh hưởng bên Hongkong là chính!
Dịch nCoV lần này ở TQ, tuy đến hôm nay chưa chết nhiều bằng dịch SARS, nhưng hứa hẹn là sẽ gấp vài lần (số liệu chính thức). Ngoài ra, do số lượng người bị cách ly quá đông, nên lượng người chết lây có lẽ đông hơn lượng chết vì virus rất nhiều. Tất nhiên, những nạn nhân này không được đưa vào danh sách nạn nhân do dịch.
Do phong tỏa, nên dân ở khu vực đó sẽ bị giam lỏng, họ có nguy cơ bị lây bệnh chéo. Ngoài ra, những người bị các bệnh khác cũng rất dễ chết, đơn giản vì không có chỗ ở BV. Ví như 1 ca đột quỵ, không gọi được xe cấp cứu, là chết. 1 phụ nữ đau đẻ, không thể tới BV, cũng có thể chết. Lượng đó dự là rất đông, âm thầm chết, còn chả có chỗ mà chôn hay thiêu.
Ngoài ra, do tiện nghi sinh hoạt bị giảm tối thiểu, thức ăn thiếu, mất vệ sinh, cướp bóc...cũng dễ chết. Tầm này mà trộm cướp, giết người, phi tang rất dễ, vì người chết đông, khó kiểm soát xác chết.
TQ kiểm soát xã hội rất sắt máu, xem clip cảnh sát đi săn người trốn cách ly như săn chó dại, đủ hiểu là cuộc sống ở khu vực cách ly kham khổ, dễ chết cỡ nào.
Kiểm soát dịch tầm này cũng chả có cách gì tối ưu hơn việc cách ly người bệnh và người nghi ngờ bị bệnh. Vì thế, cuộc sống ở trại cách ly có kham khổ cũng đành chịu thôi, coi như tại số. Muốn có chỗ tử tế hơn, có lẽ cần có tiền và quan hệ, để xin chuyển sang chỗ tốt hơn. Chứ đừng hi vọng lang thang bên ngoài. Trong tình trạng khẩn cấp, nhân quyền bị đẩy xuống thứ yếu. Muốn tránh rơi vào tình huống đó, thì cố mà giữ mình để tránh nhiễm virus.
Mình viết dài về TQ vì VN cũng có thể bị tương tự, có thể ở vài tỉnh, có thể cả nước. Biết trước thì mọi người có thể bình tĩnh hơn. Với tình huống khủng hoảng, thì quan trọng nhất là cần bình tĩnh, tránh hoảng loạn. Trước mắt là để đỡ tốn tiền ngu. Như nhà mình, mới mua 2 hộp khẩu trang, bạn tặng 2 nữa là 4, tức là có gần 200 cái, coi như tạm đủ cho khoảng 2-3 tháng. Dịch này mình dự là kéo dài từ 3-6 tháng. Nếu cần thì mua thêm sau. Vậy việc gì phải mua nhiều hơn với giá cắt cổ để tích trữ làm gì?
Hay như việc đeo khẩu trang cũng chỉ cần lúc cần thiết, những chỗ nguy cơ cao. Và cũng chỉ cần bỏ đi khẩu trang sau khi giao tiếp ở chỗ có nguy cơ cao. Sẽ đỡ tốn kém không cần thiết.
Thông tin về dịch bệnh ở VN thì sao? Mình cho là người ta kiểm soát rất chặt và rất thận trọng khi công bố thêm ai đó nhiễm virus. Lưu ý là lượng người đang bị cách ly vì nghi nhiễm là rất đông, có thể tới hàng ngàn. Có thể lượng nhiễm virus trong đó cũng tương đối, nhưng lượng được công khai thì CẦN KIỂM SOÁT cho hợp lý, tránh hoảng loạn. Việc này cũng không hẳn là tồi tệ, đáng lên án, chỉ cần những người nhiễm virus bí mật kia phải được cách ly và điều trị, tránh kiểu giấu bệnh và để bệnh nhân lông nhông ngoài xã hội. Tâm lý đám đông dân trí thấp thường nguy hiểm hơn ở các nước có dân trí cao.
Hi vọng Bộ Y tế, Ban Tuyên giáo, Bộ CA và các cơ quan chức năng khác, có biện pháp cách ly hữu hiệu và đưa tin 1 cách HỢP LÝ!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2020

Vài câu ngụy biện điển hình của người Việt



Có một thói quen rất nguy hiểm mà người Việt thường xuyên sử dụng trong giao tiếp, đó là thói quen ngụy biện. Thói quen này đã lây nhiễm một cách vô hình từ giao tiếp thường nhật, từ tâm lý thắng thua khi tranh cãi, và nhất là trong cộng đồng cư dân mạng…
Ngụy biện hay Fallacy là khái niệm để chỉ những cách lập luận tưởng chừng là đúng, nhưng thực chất lại là sai lầm và phi logic trong tranh luận. Ngụy biện có thể biến một vấn đề từ sai thành đúng, và từ đúng trở thành sai. Ngụy biện có thể dẫn đến những cái nhìn sai lệch và tư duy sai lầm mà chính bản thân người nói cũng không nhận ra được.
Những ai đã có kiến thức về ngụy biện đều hiểu một điều đáng buồn rằng: Người Việt rất hay ngụy biện và tư duy ngụy biện! Chúng ta đều biết hai chữ “ngụy biện”, nhưng liệu chúng ta có thật sự hiểu về nó? Bạn có tin rằng tại Việt Nam, ngụy biện đã cướp đi mạng sống của con người?
Người Việt và "văn hóa" ngụy biện
Trên thế giới, ngụy biện đã trở thành một kiến thức được biết đến rộng rãi, và các nhà nghiên cứu đã thống kê khoảng trên dưới 100 loại ngụy biện khác nhau. Đáng tiếc là tài liệu về ngụy biện tiếng Việt chỉ có một vài nguồn, đó là trang GS Nguyễn Văn Tuấn, trang Thư viện khoa học, hay trang Ngụy biện – Fallacy của TS. Phan Hữu Trọng Hiền.
Dưới đây xin được tổng hợp lại 9 câu “ngụy biện” điển hình của người Việt đã được nêu ra tại các nguồn tài liệu trên:
1. “Nhìn lại mình đi rồi hẵng nói người khác”
Mình làm sai thì là sai rồi, sao lại không nhận sai, không nói thẳng vào vấn đề “mình sai” mà lại quay qua tìm điểm yếu của người khác? Ví dụ khi nhận được góp ý: “Viết sai chính tả rồi kìa”, thì thay vì sửa sai, bạn lại nói: “Thế mày chưa viết sai bao giờ à?”
2. “Có làm được gì cho đất nước đâu mà to mồm”
Người ta có làm được gì hay không thì là điều mình chưa biết, hơn nữa bạn đã “lạc đề” rồi. Vấn đề người ta nêu ra thì bạn không trả lời, không đưa ra luận điểm logic, mà lại đi đường vòng, chuyển qua công kích người khác.
3. “Nó ăn trộm chó thì cứ đánh cho nó chết”
Lập luận này đã khiến cho những kẻ trộm chó vốn không đáng phải chết bị giết chết bởi chính những người dân tưởng chừng “lương thiện”“Ăn trộm chó” là sai, nhưng “giết người” cũng là sai, hai sai thì không phải là một đúng, mà là sai lại càng sai.
4. “Làm được như người ta đi rồi hãy nói”
Đây cũng là một hình thức “lạc đề” và công kích cá nhân. Bạn không cần phải là tổng thống Mỹ thì mới có quyền chỉ ra lỗi sai của tổng thống Mỹ, phải vậy không?
5. “Nếu không hài lòng thì cút xéo ra nước ngoài mà sinh sống”
Lời nói này không chỉ “lạc đề”, mà còn rất bất lịch sự, chuyên dùng để làm người đối diện tức giận, chứ chẳng có một chút logic nào trong đó cả. Ví dụ, hàng xóm ồn ào quá mức, thì việc đầu tiên là phải chỉ ra và trao đổi với họ, giúp họ thay đổi, chứ không phải là bán nhà đi nơi khác sống.
6. “Chỉ có những người chân lấm tay bùn từ nhỏ mới là người cần cù chăm chỉ xây dựng đất nước”
Câu khẩu hiệu này đã từng xuất hiện ở Việt Nam trong quá khứ. Người ta có câu “vơ đũa cả nắm”, ấy là để chỉ việc lập luận cảm tính, khái quát cảm tính, mà không hề đưa ra logic hợp lý nào cả. Cũng như vậy, khi phân chia giai cấp và tuyên truyền đấu tranh giai cấp, thì người ta đã mắc sai lầm ngụy biện, chủ đất không nhất định là xấu, chủ doanh nghiệp cũng không nhất định là xấu, và người làm công ăn lương hay nông dân chắc gì đã là một người tốt cần cù chăm chỉ?
7. “Nước nào mà chẳng có tham nhũng”
Vì nước nào cũng có tham nhũng nên Việt Nam được phép có tham nhũng hay sao? Vì mọi người đều vượt đèn đỏ nên tất nhiên tôi cũng phải vượt đèn đỏ? Vì xã hội thiếu gì nghiện hút nên trong nhà có người hút chích cũng là bình thường? Chưa nói đến mức độ tham nhũng, cách pháp luật xử lý tham nhũng, mức độ ảnh hưởng tới dân sinh, v.v..
8. “Nếu là họ mà anh làm được thì hẵng nói”
Đặt mình vào vị trí người khác là một tiêu chuẩn người xưa dùng để tu sửa bản thân, hướng vào bản thân tìm lỗi, là một nét văn hóa rất độc đáo của phương Đông. Tuy nhiên tiêu chuẩn đó chỉ sử dụng khi một người tự răn mình, chứ không phải là một câu nói dùng trong tranh luận. Việc sử dụng nó trong tranh luận không chỉ là sự bịt miệng những phê bình của người khác, không giải thích các luận điểm của người khác, mà còn chứng tỏ rằng chúng ta đang phá hoại và lãng quên văn hóa truyền thống của chính mình.
9. “Tại sao anh dám nói chúng tôi sai? Anh là một tên phản bội dân tộc”
Kiểu lập luận chụp mũ này mặc nhiên coi mình là đúng, họ là sai, và những người đồng quan điểm với họ cũng là sai. Nó không hề đưa ra một thứ logic nào, nhưng lại cắt ngang một cái giới tuyến, và tùy tiện định tội cho người khác.
Tất nhiên đây mới chỉ là những câu ngụy biện cơ bản nhất, thường thấy nhất. “Văn hóa ngụy biện” đã ngày càng xuất hiện thường xuyên hơn, muôn hình vạn trạng, và luôn ẩn giấu trong tư duy của người Việt. Vậy nguyên nhân của thói quen này là từ đâu?
Trong phần nhiều các lỗi ngụy biện thường gặp của người Việt, có một tâm lý cơ bản hiện rõ ra khi tham gia thảo luận, đó chính là tâm tranh đấu, hiếu thắng, và không hề tôn trọng người đối diện. Ngoài đó ra, chúng ta cũng hay bị ảnh hưởng của tâm lý đám đông, lợi dụng tâm lý đám đông để che đi trách nhiệm của bản thân mình.
Muốn tránh cách tư duy ngụy biện, chúng ta không những phải sửa lối tư duy vòng vo, thiếu suy nghĩ, mà còn phải sửa chính từ tâm thái của mình khi trao đổi và luận bàn về mọi việc. Điều cơ bản nhất khi tham gia tranh luận là có trách nhiệm trong lời nói của chính mình và biết tôn trọng người đối diện.
Quang Minh tổng hợp / Trithucvn
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2020

Cái đầu tiên nghệ sĩ cần là tự do sáng tạo...



Nhà văn Hoàng Quốc Hải kiến nghị: “Nhà nước cần dành cách đối xử đặc biệt với những người sáng tạo có tài, có tâm và có đức. Một, hai người được đối xử tốt sẽ khuyến khích, cổ vũ những người tài khác. Làm hàng chợ, tuy bán được, nhưng không có ai vinh danh cả, người tài họ không thích thế đâu, trừ khi buộc phải mưu sinh.



Nhà văn Hoàng Quốc Hải: “Cái đầu tiên nghệ sĩ cần là tự do sáng tạo chứ không phải tiền”

Cuối năm, tôi có dịp đi cùng nhà văn Hoàng Quốc Hải xuống Ninh Bình. Tình cờ buổi tối lại ở chung phòng với ông trong một khu nghỉ dưỡng sát chân núi. Hôm sau thức dậy, ông bảo, khu này rất đẹp, nhưng không có năng lượng. Thấy tôi tỏ ý thắc mắc, ông giải thích, ngồi thiền cả sáng nay nhưng ông chẳng thu nhận được gì. Thì ra ông đang nói đến năng lượng vũ trụ. Câu chuyện giữa chúng tôi bắt đầu từ chủ đề THIỀN.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải: Ngoài không vướng mắc gọi là thiền, trong luôn tĩnh lặng gọi là định. Muốn thiền định được thì tâm phải sáng, không tham sân si, không màng danh lợi, ngay cả chuyện sống chết cũng coi nhẹ như không. Sinh mệnh đã đành là rất trọng, nhưng sự sống không thể níu giữ được mãi, biết cái chết là tất yếu, thì ta bình thản đón nhận. Tiền bạc không tham, tự kiếm bằng sức lao động của mình, không chiếm đoạt của ai cái gì thì không sợ phạm pháp, không sợ vi phạm đạo đức, thì tâm lúc nào cũng tĩnh. Nhưng muốn giữ được sự tĩnh lặng ấy, phải xả đi tất cả, không dính vướng cái gì, không gì có thể làm mình xao động. Giờ thì lúc nào tôi cũng có thể thiền được, ngay cả khi ngồi giữa đám đông đang trò chuyện, cho nên ở Nhật Bản mới có chuyện thiền hành, nghĩa là vừa đi vừa thiền

Hữu Việt: Hẳn phải đạt một cảnh giới rất cao mới thực hành được như vậy?
Hoàng Quốc Hải: Còn tuỳ vào nhân duyên và năng lực từng cá nhân. Trước kia, trong người tôi nhiều bệnh, được như bây giờ là nhờ tập thiền mấy chục năm nay.

Hữu Việt: Thưa ông, tạm gác chuyện thiền vào một dịp khác, hiện chúng ta đang ngồi trên mảnh đất cố đô, nơi dựng nghiệp của ba triều đại Đinh, Lê, Lý, xin được trò chuyện về đề tài lịch sử qua các tác phẩm văn học, nghệ thuật. Phải chăng, độc giả Việt, khán giả Việt đang “thuộc sử Tàu hơn sử cả ta” như ai đó từng nói bỡn? Nếu đúng thì cần phải làm gì để mọi thứ trở về trật tự của nó?
Hoàng Quốc Hải: Hiện tượng này là có thật. Công bằng mà nói, họ làm hàng chợ rất giỏi. Hàng chợ thì dễ hấp dẫn. Người xem tiếp thu không cần sự lĩnh hội về trí tuệ, vì nó đi vào sinh hoạt đời thường, thậm chí tầm thường. Trước kia là phim Tàu, nay đến phim Hàn xuất hiện dày đặc trên tivi, ngoài rạp chiếu. Bởi vì đã lâu chúng ta không làm ra bộ phim nào thật hay có thể chiếu đi chiếu lại được. Hiện chúng ta không có khả năng làm cái đó. Nhưng thực tế ta có thể làm được không? Được chứ!

Hữu Việt: Cụ thể như thế nào, thưa ông?
Hoàng Quốc Hải: Phải có người làm, người ấy trước tiên phải có tâm. Sau đó phải có tài và có đức, phải đặt lòng tin của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Nhà nước cần dành cách đối xử đặc biệt với những người như thế. Một, hai người được đối xử tốt sẽ khuyến khích, cổ vũ những người tài khác. Làm hàng chợ, tuy bán được, nhưng không có ai vinh danh cả, người tài họ không thích thế đâu, trừ khi buộc phải mưu sinh.

Hữu Việt: Thưa ông,ta đang nói đến ba điều rất khó là tâm, tài, đức. Tìm được người hội đủ những phẩm chất ấy không phải một sớm một chiều mà cần có thời gian và quá trình hun đúc rất dài…
Hoàng Quốc Hải: Nếu chúng ta đòi hỏi những người như thế hiện ngay trước mắt thì sẽ là điều không tưởng. Nhưng hãy nhớ lại, năm 1936, mặt trận bình dân ở Pháp thắng thế, buộc chính quyền thuộc địa cho tự do báo chí, tự do sáng tác, không được phép ngăn cản. Chỉ có mấy năm trời, một khoảng ngắn ấy thôi, mà ở đất nước thuộc địa lạc hậu này bùng lên một giai đoạn văn chương rực rỡ. Ta thử xem xem, cho đến nay, truyện ngắn mấy ai có thể vượt được Chí Phèo (Nam Cao); kịch mấy ai vượt được Vũ Như Tô (Nguyễn Huy Tưởng), kể cả Lưu Quang Vũ. Và tiểu thuyết ai vượt được Số đỏ (Vũ Trọng Phụng). Cái đầu tiên nghệ sĩ cần là tự do sáng tạo chứ không phải tiền. Vũ Trọng Phụng đói, ho lao ra máu chứ có sung sướng gì đâu, vậy mà vẫn có sự nghiệp để đời. Vì sao? Vì người nghệ sĩ trong ông được tự do thể hiện khát vọng văn chương của mình.
Văn học viết về lịch sử chúng ta có nhiều đầu sách nhưng không có nhiều thứ để đọc. Phần lớn nguyên do là các nhà văn chưa được chuẩn bị tốt. Xã hội không chuẩn bị cho họ và họ cũng không tự chuẩn bị lấy. Cái đáng trách ở chỗ, bản thân nhà văn phải tự chuẩn bị cho mình, xã hội chỉ tạo điều kiện cần cho anh thôi, điều kiện đủ anh phải tự lo lấy chứ.
Ví dụ, Trần Thủ Độ là nhân vật từ lúc đương thời cho đến Trần Trọng Kim chép đều đánh giá là một con người tàn bạo, đạo đức như một đồ chó ngựa. Đến thời của ta mấy chục năm, dễ đến ba phần tư thế kỷ, không có ai phiên cho ông cái án ý cả. Nhưng trong bộ sách Bão táp triều Trần (6 tập), có phải ông ấy lừng lững như một người anh hùng không? Trần Thủ Độ ngày càng được tôn vinh, được đặt tên đường phố, đưa lên phim ảnh. Vì sao, vì tôi đã giải mã ông dựa trên chính những chuyện mà lịch sử chép lại. Thời kỳ ấy có ba thế lực chống nhau, cùng nắm được triều đình đó là: Đoàn Thượng, Nguyễn Nộ, Trần Thủ Độ, trong đó Đoàn Thượng thế lực mạnh nhất. Nếu không thương lượng được để quy về một mối thì khả năng nổ ra cuộc nội chiến rất lớn. Riêng việc Trần Thủ Độ hoá giải nguy cơ, tránh được cuộc nội chiến này, theo tôi đã là một điểm son trong tài thao lược của ông. Còn việc trong khi tranh chấp nhau phe này phái kia, giết chóc nhau tàn bạo, tuy không thể biện minh, tha thứ nhưng cũng là chuyện khó tránh khỏi.
Thêm nữa, nhà Lý lúc bấy giờ sập sệ, không còn đủ khả năng điều hành đất nước, nếu Trần Thủ Độ không lên thì cũng có thế lực khác lên thay. Vậy mà ông ta làm cuộc đảo cung đình ngọt êm, chuyển giao quyền lực bằng một cuộc hôn nhân, tránh được đổ máu, quả là cao tay. Khi trong tay đã nắm quyền lực tuyệt đối, không ai đủ sức chống lại ông, nhưng ông đã không cướp ngôi, mà kiên quyết phò vua mới là cháu mình, đủ thấy ông vừa trung vừa tín. Trung là trung với nước, không để cho nước loạn; tín với dân, với cháu; khác với Minh Thành Tổ cướp ngôi của cháu.

Hữu Việt: Sau khi đọc Bão táp triều Trần, nhiều người mới biết Trần Thủ Độ là bậc đại trí, đại dũng.
Hoàng Quốc Hải: Còn về đạo đức, ông ta là người thế nào? Năm 1226, chính quyền thật sự về tay nhà Trần, thì năm 1230 đã có bộ luật ra đời, đó là bộ Hình luật năm Canh Dần. Tất cả những gì tốt đẹp của nhà Lý được giữ lại hết, từ văn học, nghệ thuật đến quân sự đều tiếp nhận hết, kế thừa. Và người giữ luật công bằng, gương mẫu nhất cũng là chính ông ấy. Đi tuyển câu đương, giống như chức chủ tịch xã bây giờ, bà vợ xin cho cháu làm chức ấy. Ông bảo dễ thôi, tên tuổi nó là gì, ghi vào. Về địa phương, ông hỏi nhà ngươi có phải là cháu của Thiên Cực công chúa không? Thưa, đúng. Công chúa xin cho làm câu đương, có làm không? Muôn vạn lần đội ơn Thái sư! Thế nhưng để phân biệt giữa người nhà của Thiên Cực với người bình thường, ta phải chặt của ngươi một ngón chân, có đồng ý không? Nghe thế người cháu rối rít xin không dám nhận chức này nữa. Một việc rất nhỏ để ngăn không cho vợ chạy chức cho con cháu. Vợ Thái sư còn thế, thì vợ những ông quan khác đời nào dám!
Năm 1247, lần đầu tiên lấy tam hội, tức là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Kỳ thi này rất kỳ lạ, ba chức danh văn học cao nhất rơi vào ba “ông” trẻ con. Trạng nguyên Nguyễn Hiền mới 13 tuổi. Bảng nhãn Lê Văn Hưu 17 tuổi, Thám hoa là Đặng Ma La 14 tuổi. Hôm nhà vua ban yến, vợ Trần Thủ Độ tò mò muốn vào xem mặt các tân khoa, đi kiệu thẳng tới cửa Ngọ môn thì bị lính canh ngăn lại. Bà xưng là cô ruột của đương kim hoàng đế, nhưng tên lính vẫn không cho đi vì đây là nghiêm lệnh quốc gia, không ai được vi phạm. Nếu phu nhân muốn đi qua thì bước qua xác chúng con. Bà về làm mình làm mẩy với chồng: ông là Thái sư mà để lính canh làm nhục vợ. Trần Thủ Độ cho gọi lính canh vào hỏi, lính thưa đây là lệnh cấp trên. Lại cho gọi quan phụ trách tới, người này bẩm, chúng thần làm theo luật, điều bao nhiêu, quyển mấy…, không riêng gì kiệu của phu nhân, ngoại trừ nhà vua, bất cứ ai cũng đều phải đi hai cổng bên. Bấy giờ Trần Thủ Độ mới phán, mấy tên lính kia tuy thân phận thấp hèn mà biết giữ nghiêm phép nước, ta thưởng cho mỗi đứa một tấm lụa. Tướng quân là người biết dạy lính giữ nghiêm phép nước, nay thăng cho hai bậc. Xử vậy, ai còn dám vi phạm?
Một đời gương mẫu như thế, đến lúc sắp chết, Trần Thủ Độ mới vời Trần Thánh Tông và Trần Thái Tông đến bảo, ta suốt đời không nhờ vả gì, nay gần đất xa trời có điều này xin cậy nhờ. Ta có mấy đứa con, không đứa nào có tài cả, khi ta chết rồi, chớ giao bất cứ quyền hành gì cho chúng, chỉ nên ban những chức tước nhàn tản để hưởng lộc là đủ. Nếu cho chúng chức quan thì chỉ làm hại nước thôi.

Hữu Việt:Ông có những căn cứ nào để giải mã những điều rất khó và cũng rất hay, rất thú vị như vậy? Qua tư liệu hay những chuyến đi điền dã?
Hoàng Quốc Hải: Một ông sử gia người Anh đã nói thế này: Tôi phải tin những điều ghi trong chính sử, nhưng tôi đã làm cái thực nghiệm để xem nên tin như thế nào. Nhân có đám đánh nhau ở dưới nhà, ông cho ba người giúp việc xuống xem rồi về kể lại. Cả ba người đều nói đúng nội dung là đánh nhau, nhưng diễn tả nguyên nhân và kết thúc sự việc lại hoàn toàn khác nhau, không ai giống ai. Từ đó ông, kết luận: cùng một sự việc, nhưng dưới góc nhìn khác nhau đã có sự khác nhau rồi, nữa là những vấn đề của lịch sử.
Vì vậy, vừa đọc sách, nghiên cứu tư liệu, vừa phải đi điền dã. Đi điền dã mới biết, ngay ở Bắc Ninh, đồi Lim, quê hương của nhà Lý, lại có đền thờ Trần Thủ Độ. Nhẽ ra con cháu nhà Lý phải căm ghét ông chứ, qua đó đủ để biết xã hội chấp nhận ông như thế nào.

Hữu Việt: Đúng vậy, ai đã được dân thờ thì không thể sai. Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này. Nhân dịp năm mới, kính chúc ông trường thọ và vẫn luôn dồi dào sức sáng tạo!


Nguồn: Tạp chí Sông Lam

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà vô địch thể hình Trung Quốc Qiu Jun qua đời vì nhiễm virus corona

TTO - Theo tin từ Sina Sports ngày 9-2, vận động viên thể hình Trung Quốc Qiu Jun được nhận định là 'người không bao giờ bị bệnh' đã qua đời ở Vũ Hán do nhiễm virus corona.

Nhà vô địch thể hình Trung Quốc Qiu Jun qua đời vì nhiễm virus corona - Ảnh 1.
Ông Qiu Jun được mệnh danh là "người không bệnh" kể từ khi tập thể hình nhưng đã không thoát khỏi virus corona - Ảnh: Sina Sports
Qiu Jun là công nhân bình thường ở Vũ Hán (Trung Quốc), sau khi nghỉ hưu ông bắt đầu chuyển sang tập thể hình và tham gia nhiều giải đấu trong nước. 
Dù bắt đầu sự nghiệp muộn nhưng ông đã giành chiến thắng ở nhiều giải đấu thể hình quốc gia. Ông cũng xếp thứ 2 giải đấu thể hình quốc tế mang tên "Đêm thế giới Olympic" 2019 diễn ra ở Trung Quốc.  
Vào tháng 11-2019, câu chuyện thành công muộn của ông Qiu Jun từng được các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin rộng rãi. Hình ảnh ông Qiu Jun đã 72 tuổi nhưng thân hình đầy cơ bắp, khỏe mạnh và rất đẹp khiến hàng triệu người Trung Quốc ngưỡng mộ.
Đặc biệt kể từ khi tập thể hình vào năm 42 tuổi, ông Qiu Jun có sức khỏe rất tốt và chưa từng đổ bệnh ngày nào. Tuy nhiên sau khi dịch bệnh corona bùng phát, ông Qiu Jun đang sinh sống ở Vũ Hán đã không thoát khỏi vận mệnh khi nhiễm bệnh và qua đời vào ngày 6-2.
Gia đình của ông Qiu Jun đã gửi tin nhắn thông báo cái chết của ông cho bạn bè như sau: "Người cha không bao giờ bị bệnh của chúng tôi đã không thoát khỏi thảm họa...".

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hà Nội mưa rét ảm đạm đến ngày nào?

Các tỉnh Bắc Bộ có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù từ nay đến 11/2. Từ ngày 12 mưa giảm, trời hửng nắng.

Khu vực Bắc Bộ ngày mai vẫn có mưa và mưa nhỏ; 2 ngày tiếp theo có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù vào đêm và sáng.
Từ ngày 12/2, mưa giảm, trưa và chiều hửng nắng, nhiệt độ có xu hướng tăng. Ngày mai và ngày kia trời rét, các tỉnh phía Đông Bắc Bộ ngày mai có rét đậm, vùng núi rét hại; từ ngày 11/2 đêm và sáng trời rét.
Hà Nội mưa rét ảm đạm đến ngày nào?
Miền Bắc hửng nắng từ ngày 12/2
Mực nước trên các sông suối khu vực Bắc Bộ tiếp tục biến đổi chậm và ở mức thấp. Do các hồ chứa tăng cường cấp nước phục vụ đổ ải đợt 2, mực nước hạ lưu sông Hồng tăng chậm trong những ngày đầu tuần sau đó giảm.
Tại Trung Bộ 2 ngày tới có mưa, mưa rào tập trung ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa, tại Ninh Thuận-Bình Thuận ít mưa, ngày trời nắng. Bắc Trung Bộ trời rét.
Từ ngày 11-14/2, mưa giảm, ngày trời nắng, nhiệt độ có xu hướng tăng nhanh.
 
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ nay đến 14/2, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến ít mưa, ngày trời nắng.
Xâm nhập mặn tăng cao ở đồng bằng Sông Cửu Long trong tuần tới và độ mặn ở mức cao hơn tuần qua.
Thời tiết Hà Nội ngày mai có mưa và mưa nhỏ; từ ngày 10-11/2, có mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù vào đêm và sáng. Từ ngày 12/2 mưa giảm, trưa và chiều hửng nắng, nền nhiệt độ có xu hướng tăng.
2 ngày tới Hà Nội trời rét, ngày mai có rét đậm; từ ngày 11/2 đêm và sáng trời rét.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đồng Tâm sau tròn một tháng..


Quốc Phương / BBC News Tiếng Việt
Đồng Tâm hình ảnhOTHER
Ông Lê Đình Kình, lãnh đạo phong trào khiếu nại đất đai ở xã Đồng Tâm, đã thiệt mạng trong vụ tập kích, bố ráp đêm 08 rạng sáng 09/01/2020
Sự kiện vụ bố ráp và tập kích do chính quyền và Công an thành phố Hà Nội của Việt Nam thực hiện tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đêm 08/01 rạng sáng 09/01/2020 tính tới thời điểm này đã là đúng một tháng.
Sự việc đã gây ra nhiều tranh cãi, chia rẽ trong cộng đồng, cũng như tiếp tục đặt ra nhiều câu hỏi trong công luận, người dân và các giới quan sát, quan tâm đến vụ việc được cho là có tính chất bạo lực nghiêm trọng và gây ra cái chết của bốn người, trong đó có ba sỹ quan cảnh sát Hà Nội và một công dân cao tuổi, ông Lê Đình Kình, cựu đảng viên với 58 tuổi đảng, 84 tuổi đời và là cựu lãnh đạo nhiều năm trong chính hệ thống chính trị của chính quyền và đảng Cộng sản ở địa phương.
Nhân tròn một tháng của sự kiện này, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, đồng chủ biên Tạp chí Văn nghệ mạng Văn Việt, thuộc Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam, đã dành cho BBC News Tiếng Việt một cuộc trả lời phỏng vấn qua bút đàm, mà sau đây là ý kiến riêng của người trả lời:
Nhà thơ Hoàng Hưng: Có thể nói, ở nước Việt Nam thời Cộng sản, chưa từng có vụ việc về nhân quyền, dân quyền nào có sự lên tiếng mạnh mẽ, thẳng thắn, kiên trì, và đông đảo, bao gồm nhiều thành phần xã hội, như vụ cảnh sát cơ động tập kích làng Hoành, xã Đồng Tâm, Hà Nội sáng sớm 9/1/2020.
Ngay trong đêm 9/1, tức chưa đầy một ngày sau sự biến, đã có bản Tuyên bố do một số tổ chức xã hội dân sự và cá nhân khởi xướng, cực lực phản đối việc làm phi pháp của nhà cầm quyền và nhận định về hậu quả khó lường của vụ này: "Điều cực nguy hiểm là người dân đã bị đẩy thành thù địch, đối đầu với chính quyền, lòng tin của người dân với chính quyền không còn một chút nào!
Vụ Đồng Tâm sẽ đi vào lịch sử như một vết nhơ không bao giờ rửa sạch. Lần đầu tiên, dưới chế độ luôn tự xưng là "của dân", người nông dân công khai trương ra và thực hiện khẩu hiệu: "Phải giữ đất dù phải hy sinh xương máu!".
Tuyên bố này đã được trên 1.000 người trong và ngoài nước ký tên.
Sau đó, với sự lộ diện ngày càng rõ những chi tiết vi phạm pháp luật trắng trợn của lực lượng tập kích, đặc biệt là việc sát hại dã man không thể biện minh Cụ Lê Đình Kình 84 tuổi, đảng viên Cộng sản lão thành chưa hề bị kỷ luật, khai trừ đảng hay khởi tố, người được đông đảo dân địa phương kính mến như một "Già Làng", thì sự căm phẫn (dành cho nhà cầm quyền) và đau đớn (dành cho Cụ cũng như những người dân bị nạn) đã bùng lên như đám cháy rừng mà không một sự đe doạ hay bịp bợm xuyên tạc nào từ các lực lượng đàn áp và tâm lý chiến của nhà cầm quyền dập nổi!
Đại diện cho công luận là những trí thức, nhân sĩ Hà Nội (nhóm của TS Nguyễn Quang A, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình…), Sài Gòn (nhóm GS Tương Lai, bác sĩ Huỳnh Tấn Mẫm…), đại tá công an Nguyễn Đăng Quang, mới nhất là lá thư "Tôi tố cáo" của nhà văn Nguyên Ngọc (gợi nhớ sự kiện "J'accuse" của văn hào Emile Zola hơn 100 năm trước ở Pháp), đã chính thức đòi hỏi nhà cầm quyền công khai mọi khuất tất trong vụ Đồng Tâm, làm rõ trách nhiệm, khởi tố và xét xử những người chủ trương, chỉ đạo, chỉ huy và trực tiếp gây ra vụ tấn công và thảm sát ở làng Hoành.
Tôi đặc biệt quan tâm đến những ý kiến khách quan, công bằng của những vị lâu nay vẫn gần gụi, thiện chí với nhà cầm quyền như cựu đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan, đương kim Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển Hoàng Ngọc Giao… Tôi cũng đọc được trên FB, nhận được nhiều ý kiến qua tin nhắn hay qua điện thoại của những nhà văn, trí thức lâu nay vẫn hợp tác với nhà cầm quyền, trong vụ này cũng phẫn nộ với cách xử lý chà đạp luật pháp của họ.
Tôi tin là có sự bất đồng không nhỏ ngay trong nội bộ ĐCSVN về cách xử lý tàn bạo và chung cuộc là thất bại thảm hại của đảng trong vụ Đồng Tâm.
'Chưa có động thái tìm lối thoát'
Đồng Tâmhình ảnhOTHER/HOANG HUNG
Tác giả, nhà thơ Hoàng Hưng (hàng ngồi, bìa phải) và cựu Đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang (hàng ngồi, bìa trái), thăm gia đình ông Lê Đình Kình vào tháng 1/2019 (hình do tác giả cung câp)
BBC: Ông có bình luận gì về động thái từ các khối lập pháp, tư pháp và chính quyền sau gần một tháng diễn ra vụ tập kích, bố ráp?
Nhà thơ Hoàng Hưng: Đến nay là một tháng sau sự cố Đồng Tâm, nhà cầm quyền chưa có một động thái gì cho thấy họ đã tìm ra lối thoát cho vụ việc chấn động lòng người này!
Cho đến nay, những phản ứng của họ đều sai lầm, chỉ làm mất thêm tính chính danh của một nhà nước đúng nghĩa.
Đầu tiên là việc thông tin nhiều lần bất nhất của công an về vụ tấn công, về cái chết của 3 sĩ quan, của Cụ Lê Đình Kình; việc này đã đi đến chỗ hoàn toàn bất lợi cho họ: từ nay về sau, công luận sẽ không tin bất cứ thông tin nào từ họ nữa!
Rồi đến việc khen thưởng hấp tấp đến vô lý của các cấp cao nhất, cũng như ngăn chặn tiền người dân phúng viếng cụ Kình để rồi lại vội vã chạy theo đối phó bằng cách bắt toàn bộ cảnh sát cơ động góp 1 ngày lương hỗ trợ cho gia đình 3 chiến sĩ bị chết, chỉ làm cho tấn bi kịch được kèm thêm những màn hài… cười ra nước mắt!
Tuy nhiên tôi vẫn mong rằng tới đây họ sẽ có thái độ cầu thị, dám nhìn vào sự thật trần trụi của vụ Đồng Tâm để có cách giải quyết ít nhiều thoả đáng, cứu gỡ phần nào bộ mặt của mình.
BBC: Mi đây đại diện phái đoàn Liên minh châu Âu EU tại Hà Nội đã có tiếp xúc với phía đại diện chính quyền VN và các viên chức đại diện từ Đại sứ quán Hoa Kỳ đã gặp gỡ nhà hoạt động ở Việt Nam để tìm hiểu, dân biểu một số quốc gia phương Tây cũng đã lên tiếng về vụ việc, ông đánh giá như thế nào về các động thái này?
Việc quan tâm của các tổ chức quốc tế đến vụ Đồng Tâm, đặc biệt là của các dân biểu các nước khối E.U sắp họp thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam, và cuộc gặp của Sứ quán Hoa Kỳ với anh Trịnh Bá Phương, một "dân oan" được sự uỷ nhiệm của bà quả phụ Lê Đình Kình và các gia đình nạn nhân Đồng Tâm, cũng như những sự quan tâm tới đây của quốc tế, chắc chắn sẽ là sức ép mà nhà cầm quyền Việt Nam không dễ gì đối phó.
Cần xử lý, giải quyết ra sao?
Đồng Tâm
hình ảnhOTHER/FB HOÀNG HƯNG
Tác giả, nhà thơ Hoàng Hưng (phải), và TS Nguyễn Quang A đứng bên con hào do binh chủng Không quân vừa mới đào để phân ranh giữa đất quốc phòng với 59ha đất Đồng Sênh của dân thôn Hoành, Đồng Tâm, tháng 4/2018, theo tác giả.
BBC: Sau tròn một tháng diễn ra sự việc, nhìn nhận lại một cách bao trùm, quan điểm của ông là thế nào và theo ông cần giải quyết, xử lý ra sao?
Nhà thơ Hoàng Hưng: Vụ Đồng Tâm đã có một lịch sử kéo dài, trong cả quá trình đó nhà cầm quyền không trưng ra được bản đồ qui hoạch gốc (tương tự vụ Thủ Thiêm) để thuyết phục dân thôn Hoành cũng như công luận rằng 59ha đất đồng Sênh thuộc đất quốc phòng, đối lại với những chứng cứ có lý có tình của dân cho thấy họ mới là chủ nhân đích thực. Chính việc đó dẫn người dân đến tâm trạng uất ức, tuyệt vọng, dẫn đến tuyên bố lấy máu để giữ đất, từ đó tạo cái cớ cho nhà cầm quyền đàn áp.
Trong tình thế đó, quyết định tấn công vào làng Hoành, gây nên vụ thảm sát Đồng Tâm là một cái mốc quan trọng, đánh dấu sự lúng túng, bất lực, đi đến manh động của nhà cầm quyền trong việc xử lý các mâu thuẫn xã hội, đặc biệt là vấn đề Đất đai đã tồn tại quá lâu, hậu quả là đẩy người dân đến con đường cùng, không còn sợ hãi, buộc phải đối đầu!
Nhìn một cách tích cực, tôi thật sự hy vọng vụ Đồng Tâm sẽ là giọt nước tràn ly, khiến đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) phải sửa luật Đất đai, xác lập chế độ đa sở hữu, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân trong những qui hoạch về đất đai. Cũng từ đây, ĐCSVN sẽ phải nhận ra sự thất bại của đường lối lấy bạo lực khủng bố để khống chế xã hội trong sự sợ hãi cộng với bưng bít, độc quyền thông tin để lừa dối dân theo định hướng của mình. Tôi muốn nhắc họ, không thừa: Đừng bao giờ nghĩ đến bắt chước Tàu Cộng theo con đường độc tài sắt máu. Xã hội Việt Nam, dân tộc tính Việt Nam từ ngàn xưa không dung chấp độc tài, trong thời đại ngày nay lại càng không thể! Và chế độ độc tài Tập đang đi tới đâu, đã nhìn thấy nhãn tiền!
Tôi cũng tin rằng: người dân Việt Nam, giống như dân thôn Hoành mà tôi đã có dịp về thăm không chỉ một lần, không có ý tưởng chống chế độ, mà chỉ đòi hỏi đảng Cộng sản (ĐCS) bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình, thi hành đúng hiến pháp do chính ĐCS soạn ra. Các vị cầm quyền đừng để nỗi ám ảnh "mất chế độ" làm sa lầy tiếp vào con đường biến mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân thành mâu thuẫn "địch-ta", đẩy dân đến chỗ buộc phải đối đầu. Sự chia rẽ chính quyền- dân chỉ có lợi cho các nhóm đặc lợi mượn danh nghĩa chính quyền mà ông Nguyễn Phú Trọng đang muốn "đốt", xa hơn là lợi cho kẻ thù của cả dân tộc. Sự chía rẽ này do chính các chính sách sai lầm của nhà cầm quyền tạo ra, và thậm chí người dân có quyền có dấu hỏi về khả năng có bàn tay gài độ, phá hoại của ngoại bang thông qua những kẻ hưởng lợi từ những sai lầm đó.
Trước mắt, để giải quyết vụ Đồng Tâm một cách thiết thực, nên tập trung suy nghĩ về vụ án gần 30 bị can là người dân thôn Hoành. Theo tôi, đó sẽ là cơ hội để nhà cầm quyền sửa chữa phần nào những sai lầm quá lớn của vụ Đồng Tâm. Phải đối xử có tình người với những người bị bắt, với gia đình họ. Và thực thi một phiên toà công khai minh bạch, bảo đảm có sự phản biện độc lập của luật sư, xử đúng người đúng tội, ít ra cũng như vụ xử ông Đoàn Văn Vươn. Phía công luận, tôi hy vọng giới luật sư vào cuộc, kể cả có sự tham gia của các luật sư quốc tế, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người bị xét xử.
Đồng Tâm hình ảnhOTHER/QPVN
Lãnh đạo Bộ Quốc phòng thăm gia đình chiến sĩ hy sinh 'vụ gây rối' Đồng Tâm, theo kênh truyền hình quân đội Quốc phòng Việt Nam, hôm 12/01/2020
Việc khởi tố vụ án tấn công thôn Hoành và thảm sát Cụ Lê Đình Kình như yêu cầu của công luận sẽ là điểm son cho nhà cầm quyền. Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo cao nhất xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật các viên chức có trách nhiệm trong vụ này, để tránh được điều tồi tệ nhất: Công luận nghi ngờ vai trò chủ đạo của chính họ trong vụ án tai tiếng chưa từng thấy sau vụ giết hại bà Nguyễn Thị Năm, một ân nhân của cách mạng 70 năm trước!
Họ sẽ không thoát sự phán xét của lịch sử!
Nhà thơ Hoàng Hưng, đồng chủ biên Tạp chí Văn nghệ mạng Văn Việt cũng là dịch giả, nhà báo và cựu nhà giáo, ông hiện sinh sống tại Sài Gòn và là một nhà quan sát và hoạt động xã hội dân sự, vận động cho nhân quyền và các quyền tự do trong xã hội cũng như trong văn nghệ, báo chí, ngôn luận...
Trên đây là ý kiến dựa trên quan điểm riêng của người trả lời phỏng vấn. Trong vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm hôm 09/01/2020, cho tới nay, nhà nước và chính quyền Việt Nam, ngành Công an, thông qua truyền thông, báo chí của nhà nước, chính quyền vẫn giữ quan điểm cho rằng có một nhóm chống đối chính quyền và các chính sách của đảng và nhà nước hoạt động tại Đồng Tâm.
Nhóm này, trong đó có Tổ Đồng thuận, các thành viên và người lãnh đạo là ông Lê Đình Kình, theo quan điểm của chính quyền, đã có các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, chống đối người thi hành công vụ, có các hành vi kích động, sử dụng bạo lực, thậm chí nhận tiền và chịu sự chỉ đạo của một số tổ chức, cá nhân ở nước ngoài bị chính quyền liệt là phản động, khủng bố, để chống đối chính quyền và người thi hành công vụ.


Phần nhận xét hiển thị trên trang