Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

200 ĐỐI TÁC NƯỚC NGOÀI BẮT ĐẦU SIẾT NỢ NOVALAND.


Một cơ sở của tập đoàn Novaland ở đường Cách mạng Tháng 8- thành phố Hồ Chí Minh. Bản quyền ảnh: Nghiệp đoàn báo chí
Hàng ngàn khách hàng trong nước đang thấp thỏm vì bị tập đoàn Novaland quỵt nợ, chưa bàn giao nhà. Tuy nhiên, 200 đối tác nước ngoài thì đang tìm cách siết nợ đối với tập đoàn này, mà người Tây thì chẳng nói chơi bao giờ.
Điều mà các tư bản nước ngoài cần chưa chắc đã là tiền trả nợ của Novaland. Trong thế kỷ 19, 20, các nước tư bản và đế quốc cho triều đình nhà Thanh vay tiền, đến khi nhà Thanh không có tiền để trả thì phải nhượng đất. Ngày nay ở Việt Nam cũng vậy, khi ngành công an vỡ nợ, để tránh bị đòi nợ, họ buộc phải làm ngơ cho các nhà tư bản nước ngoài lũng đoạn từ kinh tế đến đời sống nhân sinh của người Việt Nam. Novaland có thể vận dụng luật phá sản, phủi tay với đồng bào trong nước, nhưng không thể thoát được bàn tay sắt của tài phiệt nước ngoài. Tưởng rằng Novaland là công ty Việt góp phần xây dựng quê hương đất nước, nào ngờ đây là công ty Việt đưa toàn bộ dân Việt làm nô lệ cả đời. “Nén bạc đâm toạc giang sơn”.
Novaland được giao đất không qua đấu giá, chia chác nhau hàng nghìn tỷ tỷ.
Ông Nguyễn Thịnh, một người cao niên ở Sài Gòn tố cáo: "Novaland lấy đất của dân oan Thủ Thiêm."
Anh Nguyễn Phạm Văn Quang, Việt Kiều sống tại Australind, Australia bình luận rằng: "Tư sản đỏ núp bóng....chết chưa đủ trả nợ"
Bà Nguyễn Thị Phương sống ở Sài Gòn nói: <<Ăn tạp nhiều quá thì bội thực là chuyện bình thường, nhất là ăn trên nền tảng "quan hệ">>. Ông Nguyễn Phụng sống ở Nha Trang nói thêm: "Quan hệ mà không chịu thúc đẩy mạnh thì phá sản là phải rồi."
Một quân Domino phá sản thì những quân Domino trên băng chuyền không thể yên. Nếu Novaland sập thì hàng loạt đại gia ngân hàng cũng sập, lúc đó nhà nước càng thêm khủng hoảng nợ. Ngoài bề mặt, Việt Nam có nhiều ngân hàng cho dân lựa chọn. Trên thực tế Việt Nam chỉ có một ngân hàng.
Một mắt xích rất quan trọng trong đường dây "rửa đất" của Novaland là Vũ Nhôm (tên thật là Phan Văn Anh Vũ) đang ngồi tù. Không biết ở trong đó Vũ nhôm đang nghĩ gì.
Một vài người nghĩ rằng tập đoàn này có chân của cục tình báo an ninh trong đó. Tình hình tồi tệ hơn như thế. Ngành công an chính là chủ sở hữu của tập đoàn Novaland, thể hiện qua các văn bản có đóng dấu đòi mua các khách sạn lớn ở Sài Gòn như Continental hotel ở ngay trung tâm quận 1. Xem ảnh chụp văn bản có đóng dấu son của tướng công an Bùi Văn Thành (bố của Bùi Cao Nhật Quân) và trung tướng công an Ksor Nam. Đây là các bằng chứng không thể chối cãi. Trong các văn bản này, các tướng dùng từ "công ty bình phong" để gọi doanh nghiệp do ngành mình sở hữu và điều khiển.
Các tập đoàn địa ốc, lợi dụng tư duy coi đất đai như một loại hàng hóa của trung ương, đã thổi giá bất động sản lên quá cao, đẩy bao nhiêu người vào tình cảnh vô gia cư. Nay, chuyện thằng Bờm có cái quạt mo ở nước Việt đến hồi kết. Thiếu gia Bùi Cao Nhật Quân hiện đang bỏ trốn.
Anh Thanh Lâm, một trong số các gia đình bị cưỡng ép nhượng đất giá bèo cho Novaland. Anh viết thư tố cáo: "Tập đoàn đi đêm với quan chức địa phương cướp đất phát triển thì nay trả giá, tập đoàn này xây cao ốc trên đất của gia đình tôi tại Hồng Hà phường 2, Tân Bình trên diện tích trên 3 hec-ta của chúng tôi."
Những khách hàng mua nhà của Novaland kỳ này, nhiều người tán gia bại sản.
Mã chứng khoán của Novaland luôn nằm trong nhóm Blue Chip luôn cao ngất ngưởng. Và rồi cái gì tới cũng phải tới , bong bóng bất động sản tại Việt Nam sắp nổ , thị trường nhà đất sẽ trở lại giá trị thật của nó , nợ xấu ngân hàng sẽ tăng...Những xáo trộn với quy mô lớn là nguy cơ cho bất cứ nền kinh tế nào một khi mất kiểm soát.
Ở bên ngoài, tác giả bài viết báo hiệu giờ phút sụp đổ của Novaland là nhà báo Hàn Ni. Có người khen đây là người con gái Tây Ninh, người phanh phui vụ 'Càphê xin chào', luật sư của người nghèo, tác giả cuốn 'Hãy sống như hạt đậu nhăn nheo', tấm gương vươn lên cho lớp trẻ. Tuy nhiên cần biết rằng, Hàn Ni tự nhận mình là người đồng tính nữ, tự nhận mình lừa được biết bao nhiêu sinh viên nữ vào nhà ở miễn phí rồi "chén"- từ ngữ của Hàn Ni sử dụng. Người dân còn trêu rằng lâu lắm rồi không nghe về vụ clips, ảnh sex của thiếu gia họ Bùi, tức Bùi Cao Nhật Quân. Tư bản bất lương gặp nhà truyền thông bất lương, nhân tâm thế đạo trở thành đống tro tàn.
Tanhia Nguyễn, một cô gái lai Việt-Nga tóc vàng, xinh đẹp hỏi rằng: "Sao không cầu cứu "người đốt lò vĩ đại" nhỉ ?" Ý của Tanhia là Bùi Thành Nhơn phải cầu cứu chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thì mới đúng cửa. Tuy nhiên Nguyễn Phú Trọng cũng không thể in được tiền. Nếu in một số series trùng trên hai tờ tiền thì quốc tế sẽ biết, như đã từng một lần. Công thức bỏ tiền vào túi riêng, đòi nhà nước cứu cũng đã đến hồi hết hạn sử dụng.
Ông Nguyễn Thanh Tân, một đồng bào sống cùng thành phố nói: "Mong cho các tập đoàn địa ốc phá sản hết để chúng khỏi cướp đất cuả dân nghèo và thổi giá bất động sản."
Ông Sơn Cao, một cựu quân nhân bình luận: <<Của ăn cướp phi nghĩa thì sao vững bền được ?" Kinh tế Trung Quốc, nhà đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, đang trên bờ vực thẳm. Chúa chết Trạng cũng "băng hà". >>
Đây là hệ quả tất yếu cho một nền kinh tế không có bản sắc, phải chạy theo những sự sai khiến của tư bản nước ngoài dưới danh nghĩa "hợp tác", "đầu tư".
Ông Lê Tăng Định, công dân Việt Nam sống ở thành phố Sài Gòn đề nghị: "Cho tay Novaland này vào lò thôi".
Việc này giống như cắt bỏ khối u, nếu đã định làm thì phải làm cho nhanh, cách ly không cho nó kịp lây lan sang những bộ phận khác. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng viết: "Cần cương quyết cách ly, cách duy nhất để ngăn chặn lay lan! Mọi do dự là tội lỗi! Nhà cầm quyền do dự là kẻ vô dụng nên cho về vườn đuổi gà! Kẻ yên lặng là người vô tích sự, kém cỏi tốn cơm áo của nhân dân!"

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bộ Công an: Dữ liệu danh sách nội bộ công an, quốc phòng cũng bị rao bán

Dân trí 

“Các gói dữ liệu thô được rao bán liên quan tới nhiều lĩnh vực: danh sách cán bộ, danh sách nội bộ (cả các đơn vị công an, quốc phòng, thuế...), ngân hàng, hồ sơ đăng ký kinh doanh, bất động sản...”.

Đó là những thông tin rất đáng lo ngại vừa được Bộ Công an đưa ra trong Hồ sơ dự thảo đề nghị xây dựng Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, được đăng tải công khai lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bộ Công an: Dữ liệu danh sách nội bộ công an, quốc phòng cũng bị rao bán - 1
(Ảnh minh họa).
Phát hiện hơn 60 tổ chức, cá nhân liên quan
Theo Bộ Công an, việc mua, bán dữ liệu cá nhân diễn ra dễ dàng, phổ biến và hiện đang được thực hiện theo 2 hình thức chính. Một là, các doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ, để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho các đối tác khác.
Hai là, các doanh nghiệp chủ động thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, hình thành kho dữ liệu cá nhân, phân tích, xử lý các loại dữ liệu đó để tiến hành kinh doanh, buôn bán.
Các dữ liệu này được mua đi, bán lại nhiều lần, cung cấp dưới dạng dịch vụ như databox.vn, databoxviet.com, laydata.com, laydata.net, khodata.net, databox.biz, fff.com.vn, cokhach.com, vltoolkit.com.
Các gói dữ liệu thô được rao bán liên quan tới nhiều lĩnh vực: danh sách cán bộ, danh sách nội bộ (bao gồm cả các đơn vị công an, quốc phòng, thuế...); điện lực; thuê bao Internet; ngân hàng (chi tiết tới cả số dư tài khoản); bảo hiểm; hồ sơ đăng ký kinh doanh; giáo dục (phụ huynh, giáo viên, học sinh sinh viên); bất động sản (kèm theo khả năng tài chính); nhân sự có chọn lọc (mức thu nhập, chức vụ); danh sách khách hàng sử dụng các dịch vụ Internet (danh sách thành viên đăng ký Facebook, fpt, vnn.com, yahoo.com, gmail.com, gov.vn, hopthu.com, hotmail.com, saigonnet.vn)”- Bộ Công an cho hay.
Các loại dữ liệu được mua bán trong thời gian dài, có cam kết về độ chính xác, cam kết cập nhật dữ liệu, hỗ trợ xuất dữ liệu theo yêu cầu người mua.
Nhiều khả năng, nguồn của các dữ liệu thô xuất phát từ hệ thống nội bộ của cơ quan, nhà nước hoặc từ hệ thống hành chính điện tử”- Bộ Công an nhận định.
Qua rà soát sơ bộ, Bộ Công an phát hiện hơn 60 tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động mua bán, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng, bao gồm: các công ty cung cấp giải pháp cong nghệ, nhân viên môi giới bất động sản, nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước, người có khả năng truy cập vào hệ thống chính quyền điện tử về giáo dục, y tế, chứng khoán, bệnh viện...
“Do quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, chế tài chưa bao trùm được các hành vi vi phạm, chưa đủ sức răn đe nên việc xử lý các đối tượng có hành vi kinh doanh dữ liệu cá nhân trái pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu”- báo cáo của Bộ Công an đánh giá.
Bộ Công an: Dữ liệu danh sách nội bộ công an, quốc phòng cũng bị rao bán - 2
Theo Bộ Công an, tình hình phạm tội liên quan tới lĩnh vực ngân hàng diễn ra nghiêm trọng, nhiều thủ đoạn chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng, trộm cắp thông tin để làm giả thẻ ngân hàng.
Sử dụng mã độc, phần mềm có tính năng gián điệp để thu thập dữ liệu
Bộ Công an cho biết đã xuất hiện các công ty cung cấp dịch vụ bán cho khách hàng phần mềm thu thập thông tin cá nhân trái phép, được cài ẩn trong các trang mạng bán hàng.
Khi người dùng truy cập vào các trang mạng này, doanh nghiệp sẽ thu thập được các thông tin cá nhân sâu hơn về phiên truy cập như địa chỉ IP, thời gian, số điện thoại, địa điểm. Về nguyên lý, chỉ có nhà mạng viễn thông mới biết, tại một thời điểm bất kỳ, địa chỉ IP được cung cấp cho thuê bao di động (3G, 4G) nào.
Các đối tượng phạm tội tiến hành thu thập thông tin cá nhân trái phép bằng cách sử dụng mã độc, phần mềm có tính năng gián điệp để thu thập dữ liệu cá nhân trong môi trường mạng qua máy tính và điện thoại di động; tấn công, xâm nhập hệ thống máy tính, làm gián đoạn, tổn hại tới tính bí mật, tính toàn vẹn và sẵn sàng của máy tính người người sử dụng để chiếm đoạt thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân.
“Hình thức này đang diễn ra phổ biến, ngày càng có tính chất nguy hiểm như file chứa dữ liệu của 163.666.400 tài khoản Zing ID của Công ty VNG; hơn 5 triệu email và hàng chục ngàn thông tin thẻ thanh toán như Visa, thẻ tín dụng... được cho là của Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh; gần 2 triệu khách hàng của Ngân hàng Hàng Hải bị đăng tải trên mạng”- Bộ Công an dẫn chứng.
Thực tiễn an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay cho thấy, các vụ việc xâm phạm an ninh mạng, bảo mật máy tính ngày càng gia tăng, đặc biệt là các vụ tấn công ứng dụng web.
Nhiều trang mạng ở Việt Nam chưa chú trọng công tác bảo mật nên là mục tiêu cho các đối tượng xâm nhập, chiếm đoạt dữ liệu. Một số đối tượng còn thực hiện hành vi tấn công vào hệ thống lưu trữ dữ liệu cá nhân, thông tin khách hàng như hệ thống cước phí Internet của các ISP để xóa cước phí, đánh cắp thông tin của các doanh nghiệp để bán cho đối thủ của họ, ăn cắp mật khẩu của các tài khoản nhằm mục đích biển thủ tiền...
Điển hình như vụ việc hơn 14.000 điện thoại tại Việt Nam bị Công ty công nghệ Việt Hồng cài phần mềm nghe lén Ptracker đã âm thầm thu thập nhiều thông tin từ các điện thoại bị cài đặt như tin nhắn, danh bạ, ghi âm cuộc gọi, định vị điện thoại, quay phim, chụp ảnh, bật tắt 3G/4G.
Tình hình phạm tội liên quan tới lĩnh vực ngân hàng diễn ra nghiêm trọng, nhiều thủ đoạn chiếm đoạt thông tin thẻ tín dụng, trộm cắp thông tin để làm giả thẻ ngân hàng, thanh toán hàng khóa khống diễn ra với các thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm hơn.
“Nhiều thiết bị skimming bị phát hiện lắp tại các máy ATM để chiếm đoạt thông tin; hàng triệu thẻ tín dụng giả bị phát hiện, thu giữ; người nước ngoài vào Việt Nam sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng để rút tiền, thanh toán khống hàng hóa dịch vụ”- Bộ Công an nêu thực trạng đáng lo ngại
Chế tài còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe
Bộ Công an cho rằng các hành vi vi phạm, xâm hại đến dữ liệu cá nhân có thể bị buộc bồi thường thiệt hại, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm và hậu quả do hành vi vi phạm gây ra.  
Tuy nhiên việc xử lý hành vi mua bán thông tin cá nhân gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân, ví dụ như khó truy ra đầu mối ai là người tiết lộ, đánh cắp, sử dụng thông tin cá nhân. Nhiều hành vi vi phạm chưa được thể chế phù hợp.
Bên cạnh khái niệm dữ liệu cá nhân, thông tin cá nhân, một số văn bản quy phạm pháp luật còn sử dụng khái niệm thông tin riêng, thông tin bí mật đời tư dẫn tới trùng lặp, khó áp dụng trong thực tiễn.
Hiện tại mới chỉ có Luật An toàn thông tin mạng quy định về nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân nhưng theo hướng cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật. Điều này đặt ra vấn đề cần bổ sung thêm các nguyên tắc khác để bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Thế Kha


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một đánh giá mới về Nhân Văn - Giai Phẩm

Photobucket

 Lê Quỳnh, BBCVietnamese.com
 - thứ sáu, 2 tháng 9, 2011

Nhân Văn - Giai Phẩm thường được xem là phong trào đòi tự do dân chủ mạnh mẽ và có ảnh hưởng lớn nhất trong giới trí thức sống dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bị dập tắt vào cuối thập niên 1950, phong trào này đến hôm nay vẫn tiếp tục được nghiên cứu và nhiều nhân vật có vai trò lớn trong giai đoạn đó vẫn để lại cảm hứng và ảnh hưởng cho văn nghệ sĩ người Việt trong ngoài nước.

Tuy vậy, một nghiên cứu công bố gần đây của chuyên gia nổi tiếng về lịch sử Việt Nam, Peter Zinoman, cho rằng danh tiếng của Nhân Văn - Giai Phẩm (NVGP) như một lực lượng đối kháng mạnh mẽ đã bị "thổi phồng".

Tác giả, một người rất quen thuộc với giới nghiên cứu ở Việt Nam, nhận định thời gian qua đã có thêm nhiều nghiên cứu mới "thành công khi thể hiện một hình ảnh đáng tin về NVGP như một phong trào mạnh của sự bất đồng quan điểm chính trị chống lại đảng-nhà nước".

Nhưng ông cho rằng các học giả đã không phân tích sâu sắc nội dung các bài viết đã đăng của NVGP, mà chỉ có xu hướng tập trung vào những tuyên bố chống đối kịch tính nhất.

Lấy ví dụ, sử gia Peter Zinoman, đang là Phó Giáo sư khoa Lịch sử của ĐH Berkeley, Hoa Kỳ, đề cập bài viết Bài học Ba lan và Hung-ga-ri của nhà thơ Lê Đạt, in ở Nhân văn số 5, ngay sau khi xảy ra các biến cố rung chuyển hai nước Đông Âu.

Theo đúng những gì người ta trông đợi từ một phong trào đối kháng, bài này bị chính quyền ở Hà Nội phê phán là "bào chữa cho bọn phản cách mạng".

Nhưng tiến sĩ Zinoman lưu ý người đọc rằng trong phần kết luận, Lê Đạt cho rằng phong trào đối lập ở hai nước Đông Âu bị "bọn đế quốc" kích động và lại còn tán thành với việc dùng bạo lực dập tắt sự nổi dậy ở Hungary.

Ví dụ này phải chăng cho thấy sự hạn chế trong nghị trình của NVGP. 

Ngoài ra, phong trào khi ấy không thể liên kết với công nhân, sinh viên và cộng đồng tôn giáo, và dường như người dân cũng không bày tỏ ủng hộ giới văn nghệ sĩ.

Bài nghiên cứu của tiến sĩ người Mỹ này muốn bác lại việc xem NVGP là phong trào "bất đồng chính kiến". 

Theo ông, khi so sánh với sự trỗi dậy của các phong trào cải cách trong thế giới cộng sản thập niên 1950, thì NVGP là "nỗ lực tương đối hạn chế nhằm 'cứu' chủ nghĩa Cộng sản Việt Nam bằng cách chuyển hóa nó từ bên trong".

Thách thức mức nào?

Tiến sĩ Peter Zinoman nói "mặc dù NVGP nhắc đến nhiều sự lạm dụng độc đoán của giới chức bậc trung, nó hiếm khi thách thức ban lãnh đạo đảng hay sự chính danh của hệ thống Cộng sản".

"Thông thường NVGP tìm cách giảm nhẹ cường độ công kích bằng việc đi kèm các tuyên bố trung thành với chính thể và ý thức hệ cai trị."

Giọng điệu trung dung của NVGP "thật tương tự với dòng chảy chính trị Cộng sản cải cách hoặc xét lại tăng tốc trong thế giới Cộng sản sau cái chết của Stalin, lên đến đỉnh điểm đúng vào khi NVGP bắt đầu năm 1956".

Lập trường của các phong trào này, như Andras B. Hegedus đã nói về tình hình ở Hungary, là họ tin rằng "có thể cải thiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa Marx có thể được tái sinh".

Tiến sĩ Peter Zinoman nhận thấy ở NVGP có sự trung thành chính trị với Đảng Cộng sản, khẳng định đi theo chủ nghĩa Marx, ngưỡng mộ Khrushchev, Lenin và tôn sùng nhà thơ Mayakovskii như biểu tượng chống sự sùng bái cá nhân.

Trong một khảo sát về bảy vấn đề lớn chi phối phong trào cải cách ở Hungary, Ba Lan, Đông Đức và Tiệp Khắc giữa thập niên 1950, Vladimir Kusin ghi nhận có sự gần gũi về quan điểm giữa các phong trào.

Bốn trong số bảy vấn đề này cũng xuất hiện nhiều trong các bài viết của NVGP: (1) dân chủ hóa đảng; (2) cải tổ hệ thống chính trị và pháp luật; (3) bảo vệ tự do trí thức; (4) nhân văn hóa chủ nghĩa Marx.

Có hai vấn đề không được nhóm quan tâm là giảm bớt kiểm soát của Liên Xô với các nước vệ tinh, và thực thi cải cách kinh tế.

Về vấn đề thứ bảy - thúc đẩy chung sống hòa bình với phương Tây - NVGP không tỏ ra có một lập trường mạnh mẽ hay thống nhất.

Sự quan tâm của NVGP đối với dân chủ trong đảng, cải cách hệ thống chính trị - pháp luật, và tự do trí thức đặt phong trào vào dòng chính của xu hướng cải tổ chủ nghĩa cộng sản trên thế giới cùng thời điểm.

Nhân Văn - Giai Phẩm vừa giống vừa khác các phong trào cải cách ở Đông Âu
Nhưng hai điểm khác của NVGP giúp giải thích vì sao phong trào không nhận được sự ủng hộ hay biết tới của dân chúng.

Thứ nhất là cải tổ kinh tế (kế hoạch hóa tập trung, tập thể hóa, giá lương tiền). Ngay cả các bài viết của NVGP về cải cách ruộng đất chỉ xem đây là vấn đề chính trị chứ không phải là một chính sách kinh tế thất bại.

Như chuyên gia Tường Vũ từng phân tích, chính các đơn thưa của người lao động liên quan lạm phát, điều kiện lao động...là chủ đề của phong trào lao động rộng lớn trong những năm đầu cai trị của Đảng Cộng sản ở miền Bắc.

Vấn đề thứ hai là NVGP hầu như không đề cập vấn đề tự chủ và bình đẳng trước Liên Xô, khác với giới đòi cải cách ở Đông Âu.

Dĩ nhiên, điều này có thể được giải thích vì khi ấy Liên Xô không có mặt nhiều ở miền Bắc, và Đảng Cộng sản, vừa chiến thắng quân Pháp, không bị công kích về tinh thần dân tộc.

Nhưng, theo tiến sĩ Peter Zinoman, việc thiếu vắng hai chủ đề này cũng đã làm giảm sức mạnh chính trị của phong trào khi so với ở Đông Âu.



Kết lại, tác giả xem NVGP là "sự biểu lộ tương đối nhẹ của một hiện tượng toàn cầu".

Theo ông, danh tiếng "bị thổi phồng" của NVGP một phần là nhờ sự kịch tính trong sự trỗi dậy và sụp đổ của phong trào. Những diễn giải sau này, nhấn mạnh sự táo bạo của NVGP, là phản ứng chống lại sự chỉ trích độc địa của báo chí nhà nước thời bấy giờ.

Truyền thống đối kháng nội bộ bên trong Việt Nam tương đối yếu ớt cũng giúp làm tăng sự quan trọng và sức mạnh của NVGP, phong trào chỉ trích đảng duy nhất trước 1986.

Tiến sĩ Peter Zinoman còn cho rằng một thế hệ văn nghệ sĩ, trí thức mới đối lập trong ngoài nước cũng đã phóng đại nội dung phê phán của NVGP nhằm thiết lập "mối dây phả hệ giữa nỗ lực của chính họ và một truyền thống phê phán Cộng sản trước đó".

Tiểu luận dài 40 trang của tác giả, đăng trên 

Journal of Cold War Studies - http://muse.jhu.edu/journals/journal_of_cold_war_studies/summary/v013/13.1.zinoman.html số Mùa đông 2011, 

là nghiên cứu mới nhất bằng tiếng Anh về NVGP.

Sự diễn giải mà tác giả gọi là "xét lại" với NVGP hẳn sẽ nhận phản hồi khác nhau của giới trí thức người Việt trong ngoài nước, trong bối cảnh vấn đề trí thức và dân chủ đang được bàn đến nhiều thời gian gần đây.

Tiến sĩ Peter Zinoman nói nghiên cứu của ông không nhằm "phủ nhận sự dũng cảm của các lãnh đạo phong trào hay bị kịch của họ dưới bàn tay tàn nhẫn của đảng - nhà nước". Ông muốn có thêm những bài viết tìm hiểu lại mục tiêu của NVGP và đánh giá điềm tĩnh hơn về tiềm năng cũng như hạn chế của phong trào trong vai trò lực lượng chính trị.



Bối cảnh lịch sử của phong trào Nhân văn – Giai phẩm

Trương Quang Đệ
                                                                                                                                  PBVH 16/04/2012                          

Gần đây, trang web tiếng Việt của Đài BBC có đăng bài của Lê Quỳnh giới thiệu một cách đánh giá mới về phong trào Nhân văn-Giai phẩm do một học giả Mỹ, Peter Zinoman, Giáo sư Khoa lịch sử ở Đại học Berkeley, đề xuất . 
Tôi lấy làm tiếc chưa được đọc nguyên bản bài nghiên cứu của vị giáo sư Mỹ, nhưng qua bài giới thiệu của Lê Quỳnh, vị giáo sư Mỹ cho rằng các nghiên cứu từ trước đến nay thường “thổi phồng” giá trị đối kháng chế độ của Nhân Văn Giai Phẩm mà không nghiên cứu kỹ những bài viết thực sự của phong trào này, tìm hiểu bản chất của họ là gì. Căn cứ vào những bài viết của Nhân Văn Giai Phẩm, học giả Mỹ nhận xét như sau:

Nhân Văn Giai Phẩm không phải là một phong trào đối kháng về quan điểm chính trị (như các phong trào tương tự ở Đông Âu) mà chỉ chống đối những sự lạm dụng của các cấp chính quyền.
Nhân Văn Giai Phẩm không hề chống Liên Xô hay các nước xã hội chủ nghĩa khác, không chống chủ nghĩa Marx.
Nhân Văn Giai Phẩm coi phương Tây (Pháp, Mỹ,Anh…) là đế quốc thù địch.
Nhân Văn Giai Phẩm không được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng rộng rãi. Họ được đề cao bởi những thế lực muốn sử dụng họ vào mục tiêu tuyên truyền chống cộng của mình.
Những năm xẩy ra phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, từ năm 1956 đến 1958, tôi là sinh viên Khoa Toán Đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi chứng kiến sự “trỗi dậy” ngoạn mục của phong trào đồng thới theo dõi sát sao những cuộc phê phán dữ dội từ phía chính quyền chống lại Nhân Văn Giai Phẩm. Tôi có quan điểm chính trị riêng của tôi về thới cuộc, nhưng khi viết bài này, tôi cố gắng dẹp hết sang một bên, cố suy nghĩ thật khách quan va khoa học về phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.

Tôi không rõ từ trước đến nay người ta viết những gì về Nhân Văn Giai Phẩm, tôi ghi lại đây một số sự kiện tôi biết chắc chắn và bản thân ít nhiều kiểm chứng được.

Báo chí trong nước dùng cụm từ Nhân Văn Giai Phẩm để chỉ chung những trào lưu “bất mãn” thời kỳ 1956-1958 ở Hà Nội và một số địa phương ở Miền Bắc Việt Nam. Tôi nhớ lại rằng chính vào thời kỳ đó người ta gọi những người thuộc các trào lưu trên là những phần tử “bất mãn”, chưa hề dùng từ “đối kháng”, “chống đối” hay “ly khai”…Tôi nhận thấy từ “bất mãn” rất phù hợp với bước khởi đầu của Nhân Văn Giai Phẩm, một phong trào đa tạp hầu như không liên kết với nhau, một phong trào tự phát không do một ý thức hệ nào điều khiển. 

Thoạt tiên là nhóm nhà văn quân đội, những kẻ dám liều lĩnh phê bình thơ Tố Hữu rồi bị “chấn chỉnh” nên “bất mãn”. Nhóm đó gồm Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm rồi đến Văn Cao….Đặc điểm của nhóm này là uy tín chuyên môn và chính trị, họ là những tác giả được quần chúng ngưỡng mộ, đồng thời họ là những cán bộ xuất sắc trong kháng chiến chống Pháp, đã được tặng thưởng nhiều huân chương cao quí của chế độ. Họ tập hợp thành nhóm “Giai phẩm” vì cơ quan phát ngôn của họ là tạp chí ra không định kỳ “Giai phẩm mùa thu”, “Giai phẩm mùa xuân”. Họ có thần tượng văn nghệ là Maiakovsky, không phải họ thân Liên xô mà họ chủ trương tự do sáng tạo, phá những khuôn mẫu cũ, lấy “thơ bậc thang” làm vũ khí tấn công bọn bảo thủ. 

Nhóm thứ hai, tạm gọi là nhóm Nhân Văn, vì họ tập hợp quanh tờ báo “Nhân văn” của cụ Phan Khôi. Trong lịch sử, cụ Phan vốn nổi tiếng là “người đối kháng”, từng chủ trương những tờ báo chống đố trật tự thuộc địa và phong kiến. Khi tham gia kháng chiến, cụ thấy nhiều điều đáng phê phán nhưng không phát biểu được vì bị ý thức hệ ràng buộc. Thời cơ đến với cụ là việc Đảng nhận sai lầm về cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Việc nhận sai lầm này không phải do lô gích nội tại mà do áp lực chống sùng bái cá nhân do Khơ–rút-sốp đề xuất trong Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Liên Xô. Lá cờ mà cụ Phan phất lên là “tư tưởng nhân văn” của Đại hội 20, chống độc tài chuyên chế trong lãnh đạo, chống sùng bái cá nhân. Tờ Nhân Văn phê phán công khai những sai lầm trong cải cách ruộng đất, những sự lãnh đạo độc đoán trong giới chóp bu văn nghệ (Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Tố Hữu…). Họ kiến nghị xây dựng một nhà nước nhân ái, vì dân, dân chủ, văn minh. 

Nhóm thứ ba là “nhóm đại học”, tập hợp xung quanh tap chí “Đại học sư phạm” gồm những khuôn mặt tiêu biểu của giới trí thức miền Bắc như bộ tứ Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, Đào Duy Anh…Những vị trí thức này có thành tích kháng chiến xuất sắc và có những công trình khoa học tầm cỡ.  Họ chủ trương một nền văn hoá “của con người” chứ không phải “văn hoá của Đảng”. Họ tranh luận với những học giả bảo thủ như Đặng Thai Mai, Hoàng Xuân Nhị xung quanh khái niệm “văn học có tính Đảng” của Lê-nin. Theo Trần Đức Thảo, chuyên chính vô sản phải đảm bảo tự do cá nhân. Nguyễn Mạnh Tường có bài phát biểu nổi tiếng ở Hội nghị Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc. Ông chủ trương nhà nước pháp quyền, đề cao con người, tình đồng loại, tình yêu…

Nhóm thứ tư là tập hợp một sớ sinh viên đại học xung quanh tạp chí “Đất Mới”. Nhóm này chủ trương sinh viên tự quản, chống lại sự ràng buộc của Đoàn Thanh niên Lao động, tay phải của Đảng. Trào lưu “Đất Mới” tạo ra một “mùa xuân” trong giới sinh viên. Nhiều lớp sinh viên lật đổ lớp trưởng, lớp phó do Đoàn Thanh niên của Đảng áp đặt, họ bầu ra những cán bộ lớp mới phù hợp với những tiêu chuẩn mà họ đặt ra. Họ không chịu học chính trị, môn học do các cán bộ ít học vấn đảm nhiệm, họ yêu cầu tổ chức những buổi tranh luận, thảo luận về thời cuộc. “Mùa xuân” ấy tồn tại chừng ba tháng, sau đó các hạt nhân nòng cốt của trào lưu bị trấn áp. 


Nhóm thứ năm là những phần tử tập hợp xung quanh tờ “Trăm hoa” của nhà thơ Nguyễn Bính. Theo Tô Hoài, Nguyễn Bính có sinh hoạt phần nào buông thả nên hay “bất mãn”. Quả vậy, “bất mãn” của nhóm Trăm hoa không rõ rệt về chính trị. 

Nhóm cuối cùng do người chủ Nhà xuất bản Minh Đức hợp tác với Nguyễn Hữu Đang chủ trương xuất bản tự do. Họ in lại những tác phẩm của Tự lực Văn đoàn, của Vũ trọng Phụng, những tác phẩm thời đó coi như cấm kỵ. Ông chủ nhà xuất bản Minh Đức là người có thành tích tham gia kháng chiến. Ông Nguyển Hữu Đang là nhà cách mạng kỳ cựu, thân cận với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ban đầu, chính quyền nể họ mà không dám mạnh tay trấn áp.

Tất cả những trào lưu trên có chung một mục tiêu là đòi tự do, dân chủ, chống độc đoán cá nhân, xây dựng một ý thức hệ “nhân văn”, bình đẳng. Nhà cầm quyền nắm bắt được bản chất đó của những kẻ “bất mãn” nên họ phát động một chiến dịch lớn chống lại khái niệm tự do tư sản. 

Trong một buổi gặp gỡ toàn bộ sinh viên Hà Nội ở Nhà hát Nhân dân, nay là Cung văn hoá hữu nghị, tướng Giáp khuyên sinh viên nên tỉnh táo trước âm mưu của địch xúi dục đòi tư do. Tướng Giáp cho biết quân đội sẵn sàng đứng ra giữ trật tự nếu sinh viên nổi loạn.

 Chu Ân Lai, khi thăm Đai học Hà Nội cũng nói nhiều về “thị du” (tự do, lối đùa của Lỗ Tấn). Ông giảng giải sự khác nhau giữa tự do đìch thực của chế độ mới so với tự do tư sản. Voroshilov khi đến thăm Đại học Hà Nội cũng nói đến tính ưu việt của hệ thống xã hội chủ nghĩa so với chế độ tư bản, khuyên sinh viên cảnh giác với tư do tư sản.

Việc Nhân Văn Giai Phẩm không chống trật tự cộng sản, không chống Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác, họ coi Mỹ, hay Phương Tây nói chung là đế quốc thù địch có thể được giải thích qua bối cảnh lịch sử.

 Bối cảnh đó như thế nào?

1. 
Miền Bắc Việt Nam thời đó chưa phải là một nhà nước cộng sản. Dầu từ năm 1950 trở đi, chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Mao Trạch Đông thâm nhập mạnh, về lí thuyết Việt Nam vẫn sống theo Hiến Pháp 1946, một hiến pháp dân chủ đại nghị theo mô hình Pháp. 

Trong chính phủ, rất nhiều bộ trưởng là người ngoài Đảng: Phan Kế Toại (Nội Vụ), Trần Đăng Khoa (Giao Thông Vận Tải), Nguyễn Văn Huyên (Giáo Dục), Phan Anh (Ngoại Thương), Vũ Đình Hoè (Tư Pháp), Nghiêm Xuân Yêm (Nông Nghiệp), Vũ Đình Tụng (Y Tế), Hoàng Minh Giám (Văn Hoá)…Các cán bộ cao cấp của các ngành, sỹ quan quân đội, vẫn là thành phần lớp trên do chế độ cũ đào tạo, chưa bị thay thế bằng các phần tử công nông vô sản. Việt Nam về hình thức là một nước theo chế độ đa nguyên, đa đảng. 

Bên cạnh Đảng Lao động cầm quyền, còn có các đảng khác không đối lập mà “anh em”, như Đảng Xã hội của Nguyễn Xiển, Đảng Dân chủ của Nghiêm Xuân Yêm. 

Điều đáng chú ý là báo chí được tự do như năm 1946, theo đúng hiến pháp. 

Vì vậy mà có tờ Nhân Văn của cụ Phan, tờ Trăm hoa của Nguyễn Bính, các tập Giai phẩm của nhóm Trần Dần, Lê Đạt, bên cạnh tờ Hà nội mới, ban đầu là của tư nhân, về sau được công hữu thành báo của nhà cầm quyền Hà nội. 

Cán bộ ngoại giao và chuyên gia Liên xô được cử lần đầu sang Việt Nam hình dung mình sẽ đến một nước nhiệt đới nghèo khổ, lạc hậu, ruộng đồng đầy rắn rết và cá sấu. Vốn sống trong một nước bao cấp thiếu thốn, họ ngỡ ngàng phát hiện một Hà Nội xinh tươi với những cửa hàng đầy ắp hàng hoá, với những biệt thự kiểu Pháp sang trọng và những con người thanh lịch có học vấn cao. 

Nhưng điều mà họ ngỡ ngàng nhất là báo chi tự do, chuyện khó xẩy ra ở đất nước họ. Giai đoạn này, từ ngữ chính thống gọi là “dân chủ nhân dân”, y như những năm đầu của Trung Quốc thời Mao. 

Tố Hữu, khi phê phán Nhân Văn Giai Phẩm, cũng nói: “Họ chống lại nền chuyên chính dân chủ nhân dân” mà không nói “chuyên chính vô sản”. 

Trong nền dân chủ nhân dân này, các thành phần kinh tế của chế độ cũ vẫn tồn tại: công thương nghiệp tư nhân, tiểu thương, tiểu chủ, nông dân cá thể, những người hành nghề tự do vv. Các nhà tư sản tên tuổi như Nguyễn Sơn Hà, Ngô Tử Hạ lập ra Hội công thương Hà nội. Nhiều nghiệp chủ có chân trong quốc hội. Các ngoại ngữ Anh, Pháp vẫn được dạy trong các trường chưa bị thay thế bằng tiếng Nga hay tiếng Hoa. Ngôn ngữ giao dịch của ngành ngoại giao là tiếng Pháp. Người dân bình thường trong những năm ấy chưa thấy sức nặng của một hệ thống toàn trị. 

Vì vậy các trào lưu “bất mãn” trên không chống chế độ mà chỉ chống những khía cạnh khắc nghiệt mới nẩy sinh dưới chế độ đó như vấn đề hộ khẩu, vấn đề thành phần giai cấp vv. Có điều nghịch lý khó tin là trong một vài tuần lễ vào năm 1956, Đảng đứng chung trận tuyến với những kẻ bất mãn và quảng đại quần chúng đối diện với hệ thống chỉ đạo cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, kẻ nắm quyền thực sự được các cố vấn phương Bắc hỗ trợ. 

Giáo sư Trần Văn Giàu, dạo đó là bí thư chi bộ (hay Đảng ủy?) đại học, được mời nói chuyện trước sinh viên về chính sách sửa sai của Đảng. Ông Giàu cho biết trong một thời gian dài Đảng bị tê liệt, hễ đội cải cách đến địa phương nào là chính quyền và Đảng nơi đó bị vô hiệu hoá, kẻ thì đi tù, kẻ thì lánh sang địa phương khác hay trốn lên miền núi, kẻ thì ngồi đó chờ số phận định đoạt. 

Ngay các lãnh tụ của Đảng như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Văn Hoan…vì thuộc thành phần bóc lột mà bị các đội cải cách địa phương và bần cố nông gửi giấy triệu tập về quê chịu tội. Tướng Giáp khi công cán qua Quảng Bình bị dân quân vây bắt, may mà cận vệ nổ súng đẩy lùi đám cuồng tín hung hãn. 

Các tên tuổi trong Ban chỉ đạo cải cách như Hồ Viết Thắng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, làm sởn tóc gáy ngay cả Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông Giàu thì Cụ Hồ hai lần bị các vị kia “uốn nắn” vì đã do dự khi hành quyết những phần tử mà Cụ cho là tốt, không có tội gì.

 Ông Giàu kết thúc buổi nói chuyện bằng lời kêu ca rằng đám cải cách làm đất nước lụn bại, làm đời sống nhân dân và cán bộ lâm vào cảnh cùng cực. Ông lấy ví dụ về bản thân ông: cách đó hai năm (cuối 1954) ông được phát một đôi giày da màu nâu để đi đón Nehru, thủ tướng Ấn độ ghé thăm Hà nội, vậy mà cho đến nay (1956) ông vẫn chưa đủ tiền mua đôi giày mới!

Chính nhờ Khơ-rút-sốp và Đại hội 20 của Liên Xô mà Đảng Việt Nam thoát được tình trạng bị đám chỉ đạo cải cách khống chế, mới mạnh dạn sửa sai dầu biết Trung Quốc khó chịu. Các cấp Đảng từ Trung ương đến địa phương nắm quyền trở lại, cán bộ bị oan sai được phục hồi. Sau khi lấy lại vị thế cũ, Đảng quay lại chống  Khơ-rút-sốp kịch liệt, tuy chỉ là ngấm ngầm, đứng hẳn về phía Mao  lên án bọn xét lại hiện đại.

2. 
Hình ảnh Liên xô thời đó đối với mọi tầng lớp nhân dân miền Bắc là tích cực. Trước hết, đó là viện trợ vô tư về kinh tế và quân sự. Nhưng cái quan trọng nhất đối với các trào lưu “bất mãn” là Đại hội 20 của Đảng Cộng sản Liên xô. Việc chống tệ sùng bái cá nhân Staline và lên án những cuộc thanh trừng đẫm máu thời Staline trở thành lá bùa hộ mệnh cho các trào lưu đó. Rõ ràng ai cũng thấy Liên xô là chỗ dựa chắc chắn, còn việc Staline ép Hồ Chí Minh phải thực hiện đấu tranh giai cấp ngay trong giai đoạn giải phóng dân tộc thì ít ai biết được. 

Trung Quốc thì vào thời đó là một nước ôn hoà. Họ chủ trương cải tạo công thương nghiệp bằng chính sách công tư hợp doanh chứ không tiêu diệt tư sản, ku-lắc, trục xuất trí thức ra nước ngoài như nước Nga xô viết. Đại bộ phận nhân sỹ trí thức sống yên ổn trong chế độ mới, thậm chí họ có quyền tự trị đại học. Những sự kiện như Chu Ân Lai buộc Việt Nam chia cắt đất nước, việc các cố vấn Trung Quốc chủ trương giết càng nhiều càng tốt trong cải cách thì không ai biết. 

Trong hoàn cảnh đó không một kẻ bất mãn Việt Nam nào nghĩ đến chuyện chống Liên Xô, Trung Quốc hay phe xã hội chủ nghĩa. Những vụ nổi loạn ở Hungari, Ba Lan.. được tuyên truyền như là xung đột giữa hai phe, chứ không phải là ước vọng của nhân dân đòi tự do dân chủ. Những kẻ bất mãn Việt Nam hoặc suy nghĩ như các nhà cầm quyền, hoặc không muốn dây vào âm mưu đế quốc nên dè dặt khi phát biểu.

3. 
Trí thức Việt Nam ngày nay lấy làm tiếc mà nghĩ rằng sự đoạn tuyệt của đất nước với Phương Tây trong một thời gian dài làm cho đất nước chậm phát triển, nhất là trong tình hình hiện nay khi phải đối mặt một cách cô đơn với người láng giềng hùng mạnh đầy tham vọng lãnh thổ. 

Nhưng vào những năm cuối của thập kỉ 50 thế kỉ trước, Phương Tây như thế nào? 

Đó là nước Pháp với chính sách thực dân lỗi thời gây bao tang tóc cho Việt Nam và các thuộc địa khác. Mãi khi tướng De Gaulle trả độc lập cho Algérie năm 1962  thì bộ mặt nước Pháp mới thay đổi. 

Còn nước Mỹ thì với tư tưởng chống cộng bệnh hoạn, đã tiếp tay cho thực dân trong suốt cuộc chiến tái chiếm thuộc địa, và như “Người Mỹ trầm lặng” vạch rõ, rất ngây thơ trong việc lật đổ những chính thể mà họ không ưa, rồi áp đặt cho nước này nước nọ, trong đó có Việt Nam một cuộc chiến tranh ý thức hệ với phe cộng sản.

 Nếu ngày nay những kẻ “bất mãn” như Dương Thu Hương, Cù Huy Hà vũ, nhìn Phương Tây như chỗ dựa tinh thần trong sự nghiệp đòi tự do, thì vào thời Nhân Văn Giai Phẩm, dầu bất mãn đến đâu cũng không thể nghĩ tốt cho Phương Tây, những kẻ chủ trương chia cắt lâu dài Việt Nam, dội không biết bao nhiêu bom đạn lên đầu người dân vô tội. 

Vả lại ngay trong thời điểm cao trào Nhân Văn Giai Phẩm, liên quân Anh-Pháp-Israel tấn công Ai cập nhằm chiếm lại quyền kiểm soát kênh Suez. Ai Cập là một nước mới được độc lập, cũng như các nước mới được giải phóng khác, phải đối mặt với âm mưu tái chiếm thuộc địa của đế quốc. Trong hoàn cảnh đó, thân Phương Tây đồng nghĩa với phản bội, một sự thực mà kẻ bất mãn nào cũng muốn tránh.

4. 
Nhân Văn Giai Phẩm có ảnh hưởng như thế nào trong nước và trên thế giới? Ai ủng hộ? Ai lợi dụng? Đương nhiên những kẻ chống cộng trong và ngoài nước chớp lấy cơ hội vàng để bôi bác chế độ miền Bắc, coi như minh chứng về sự khắc nghiệt của chế độ cộng sản. 

Điều nghịch lý là, đáng ra chính quyền Ngô Đình Diệm thời đó phải hoan hỉ khai thác thì lại lệnh cho báo chí im lặng vì sợ một Nhân Văn Giai Phẩm rất dễ xẩy ra ở miền Nam khó kiểm soát hơn nhiều.

 Ở miền Bắc, Nhân Văn Giai Phẩm được “đa số thầm lặng”  ủng hộ. 

Tờ Nhân Văn số đầu tiên như một tiếng sét giữa ban ngày. Quần chúng đang xem phim trong các rạp ban ngày bỏ chạy ra đường tìm mua tờ báo. Tờ báo nói lên nguyện vọng của dân chúng về một đời sống bình thường, không bị đe doạ vì đấu tranh giai cấp hay bị trù dập về mặt tư tưởng. 

Trong sinh viên đã xẩy ra thực sự một mùa xuân hiếm có. 

Truyền thống Nhân Văn Giai Phẩm dai dẳng trong giới văn nghệ sỹ và trí thức cho đến hôm nay. 

Sau năm 1986, với chủ trương “đổi mới”, người ta khôi phục cho hầu hết các phần tử Nhân Văn Giai Phẩm. Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường…được trả lương hưu, được xuất bản sách. Hữu Loan, Phùng Quán, Trần Dần, Lê Đạt lại xuất hiện trên văn đàn. Chỉ có những phần tử “hết sức ngoan cố” như Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang ẩn náu kín đáo nơi nào không ai biết. 

Trong những năm cuối thập kỉ 80 của thế kỷ 20, nhiều nhà văn, nhà báo Phương Tây và Liên Xô rồi Nga tìm cách tiếp cận vói các phần tử “cựu Nhân Văn Giai Phẩm”. 

Họ hơi thất vọng, y như vị học giả Mỹ hiện nay ở Berkeley, phát hiện ra đó là những con người không có chính kiến gì rõ rệt. Họ có lí vì trước khi đến Việt Nam họ nghĩ tới những týp như Sakharov, Walesza, Clavel, Soljenitsine..của Đông Âu. 

Họ thấy những con người khác hẳn. Trần Đức Thảo làm cho bạn bè cũ ở Paris phát khóc vì thất vọng khi thấy ông ngoan cố đi theo Marx đến cùng. 

Rõ ràng những phần tử Nhân Văn Giai Phẩm, do bối cảnh lịch sử mà khác xa đám ly khai hay đối kháng Đông Âu.  

Tôi nghĩ nên đánh giá họ trong bối cảnh riêng biệt của họ . Lấy cái nhìn đồng đại để xét đoán một vấn đề lịch đại, theo tôi, không phải là cách làm thích đáng.



 HCM, 6/9/11.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vĩnh Quyền – những thú thật


Nguyễn Quang Lập


1. Thú thật quen Vĩnh Quyền từ 1982 nhưng tới 1998 tôi mới thật lòng yêu mến anh. Chỉ vì mặc cảm ông bọ nhà quê ít học gặp cái nhìn cố tình chiếu cố của ông mệ Huế có bộ não trác tuyệt. Tôi không thích những người giỏi quá, vì với họ tôi là kẻ cực dốt. Vĩnh Quyền giỏi đến nỗi muốn biết gì là biết được cái đó, biết không còn cho ai biết thêm được gì.
Buổi chiều tháng 12 năm 1998 Vĩnh Quyền ngồi với tôi, Bảo Ninh, Phạm Xuân Nguyên nơi khách sạn nhà ga Đà Nẵng. Ngoài việc cho chúng tôi một bữa no về văn hoá cung đình, anh còn lo cho chúng tôi khách sạn 3 sao ăn ở thoải mái cả tuần. Khi đó tôi mới biết ông mệ Huế này yêu và trọng thật lòng mấy nhà văn quê bọ chúng tôi, tất nhiên trừ những thằng ngu và láu.
2. Thú thật tôi đã đọc tất cả các cuốn sách của Vĩnh Quyền, từ “Vầng trăng ban ngày”, “Mạch nước trong”, “Người tử tù không chết”… đến “Chiều hoang đứt gãy”, “Sói hoàng hôn”, “Màu da thượng đế”…. Trừ cuốn “Debris of Debris” (Mảnh vỡ của mảnh vỡ) chỉ đọc được cái bìa vì toàn tiếng Anh, và cuốn “Mạch nước trong” phải đọc kỹ vì biên tập, hầu hết sách Vĩnh Quyền tôi đều bỏ dở giữa chừng.
Không phải vì đó là những cuốn sách dở, chúng khá hay, thậm chí rất hay như cuốn “Trong vô tận”, nhưng đó là những cái hay tôi đã biết. Tôi chờ đợi ở Vĩnh Quyền những cái hay chưa biết, những cái hay chỉ mỗi Vĩnh Quyền có, chờ mãi. Cũng như Nguyễn Khắc Phục, những gì Vĩnh Quyền viết ra còn quá xa những gì anh đã nói ra. Tiếc quá là tiếc. Đôi khi chợt nghĩ, Bọ mà có bộ não của Vĩnh Quyền thì Bọ đã giật giải Nobel từ tám hoánh.
Văn Vĩnh Quyền có đủ cả, tầm vóc của tư tưởng, sắc sảo của chữ nghĩa, vững chắc của bố cục, còn thiếu mỗi sự quyến rũ. Mọi thứ đều có thể có nhờ cố gắng trừ quyến rũ. Đấy là thứ trời cho, trời không cho có mà cố đằng giời.
3. Thú thật tôi đã từng tin Vĩnh Quyền thuộc típ mấy ông sĩ lười biếng, “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm” giống hai ông Cao Duy Thảo và Thái Bá Lợi. Gọi điện cho anh lúc nào cũng nghe anh nói đang ăn, đang ngủ, đang nhậu… kể cả khi anh viết cuốn “Debris of Debris” bằng tiếng Anh quần quật trong 7 năm tôi vẫn cho vì anh giỏi chứ chẳng phải siêng năng kiên trì gì sất.
Một ngày đẹp giời thấy anh tung ra lên facebook những bức ảnh chim và voọc rừng Sơn Trà, mới ngã ngửa người, té ra Vĩnh Quyền là kẻ sĩ siêng năng kiên trì bậc nhất nước Nam. Viết 5,7 ngàn chữ không mất công hao hơi tốn sức như rình chụp cho được một bức ảnh ưa ý về động vật hoang dã. Ở đây còn phục cả Hồ Trung Tú, Huỳnh Ngọc Chênh nhưng hai ông này không bì được với Vĩnh Quyền về độ siêng năng kiên trì.
Không cần biết Vĩnh Quyền thức ngủ với rừng Sơn Trà ra sao, chỉ cần xem những bức ảnh của anh trên facebook, đặc biệt trong cuốn sách “Sơn Trà- Rừng trong phố biển” thì thấy ngay sự lao động kiên trì vô biên của Vĩnh Quyền, cùng với đó người ta còn đọc được khát vọng sáng tạo vô biên của anh.
Cũng như những cuốn sách văn của Vĩnh Quyền, những bức ảnh thiên nhiên Sơn Trà cũng có đủ cả tư tưởng, bố cục và ngôn ngữ – sắc sảo, vững chãi và đẹp. Chúng còn hơn những cuốn sách văn của anh là sự quyến rũ. Sự quyến rũ lịm người trời không cho trong văn nhưng đã cho trong ảnh của Vĩnh Quyền.
Sự quyến rũ của màu sắc. Màu vàng tươi rói của nắng trên lá và quả, cái màu vàng có thể ăn được ngon lành ấy chẳng phải nhờ máy Dương Minh Long và Lê Thanh Phong mua cho, chính là nhờ trực cảm về ánh sáng trời đã ban cho Vĩnh Quyền. Cùng với những sợi sáng trắng mê hoặc, những đốm đỏ thảng thốt, màn sương blue tươi non mơ màng, và chiếc lá green xanh đến nỗi như đâm ra từ trang sách, màu vàng tươi rói ấy đã hút hồn những người mê nhiếp ảnh.
Đặc sắc nhất là những bức ảnh về thế giới Voọc Sơn Trà. Đó là những bức ảnh độc và lạ bậc nhất. Bố cục chắc như Sarah Cheng, De Winne, màu sắc quyến rũ như Hans Strand và những bức ảnh chân dung các chú voọc vá chân nâu sống động và đời đến nỗi những tay máy chân dung số một hành tinh như Rehahn, Manny Librodo cũng phải thèm. Tôi không thèm nói ngoa.
Vì sao có thể so sánh tay máy nghiệp dư Vĩnh Quyền với các tay máy chuyên nghiệp hàng đầu thế giới? Xin thưa, vì đó là ý trời. Trời đã muốn Vĩnh Quyền chụp ảnh thiên nhiên và ngài đã giúp anh làm điều đó.
Sài Gòn ngày 03/02/2020
NQL