Người năm ấy
Thoáng ập ngay về một quá vãng buồn.
Mà đã xa ngái gì. Những năm đầu chín mươi. Ông Tạ Đình Đề đưa tôi về nhà ông ở Khu tập thể Đường sắt chỗ phố Khâm Thiên. Căn hộ bít bùng những cót ép quây tạm. Một bàn nước bằng gỗ thùng ọp ẹp. Cái điếu bát hút thuốc lào cóc cáy. Chiếc quạt con cóc không đủ độ mát, chủ khách phải phành phạch quạt nan.
Giữa những âm thanh phành phạch quạt nan và roanh roách cái điếu bát, tôi cố chắp nối những mảng miếng, những khúc nhôi khi rành rẽ cụ thể, khi mơ hồ thoáng qua trong câu chuyện để có một thứ lý lịch tạm gọi là trích ngang của chủ nhân.
… Mười lăm tuổi, cậu bé Tạ Đình Đề đi làm cu ly trên những chuyến tàu hỏa nối Vân Nam với Hải Phòng. Mười bảy tuổi được giác ngộ cách mạng, được gặp những yếu nhân của cách mạng Việt Nam hoạt động ở Côn Minh, rồi con đường dẫn ông đến đại bản doanh của quân đội Mỹ đóng ở Côn Minh thời ấy và làm tình báo cho Mỹ trong liên minh chống phát xít...
Rồi thời gian ông là Phó Ban tình báo Liên khu III dưới trướng của tướng Hoàng Sâm. Rồi Đội trưởng Đội Biệt động thành Hà Nội. Hòa bình, thiếu chi ngành để chuyển, việc để làm nhưng Tạ Đình Đề lại chuyển về ngành đường sắt! Ông nói ông có duyên với đường sắt. Duyên nhưng không ít nợ?
Chuyện đầu năm 1971, ông Đề tạo dựng cơ nghiệp mới những năm đầu bảy mươi trên bãi trống Láng Hạ. Ông phải cho chuyển 380 ngôi mộ vô chủ và lấp bốn cái ao để làm nền cho Xưởng cao su. Phải tôn một lối đi từ Đê La Thành xuống xưởng mà bây giờ lối ấy là đại lộ Láng Hạ!
Thẳng tính ngang tàng, phóng túng nhưng Tạ Đình Đề không phiêu lưu trong kinh kế. Bằng chứng là vợt bóng bàn định mức trên cho làm thử hai mươi cái/ngày. Thấy bán chạy ông Đề nâng lên trăm cái. Rồi mấy ngàn chiếc mỗi ngày khi vợt bóng bàn duy nhất Made in Vietnam sản xuất tại Xưởng cao su Đường sắt của ông Tạ Đình Đề xuất biên đi 9 nước XHCN.
Danh tiếng Xưởng cao su Đường sắt loang xa. Ông Đỗ Mười thời ấy ghé qua chầm bập vỗ vai ông thằng này khá, khá lắm!
Thuở ấy, thiên hạ đang mênh mông bao cấp mà ông Đề lại nhô lại nhỉnh lên những là lương tháng 13. Những là khoán sản phẩm đến tay người lao động. Những là kết hợp Ba lợi ích... Và cả việc đưa đám mãn hạn tù, đào ngũ như Lưu Quang Vũ vào làm công nhân của Xưởng.
Ấy là duyên. Còn nợ? Đó là buổi sáng ngày 27/11/1974, Tạ Đình Đề cùng ông phó Nguyễn Văn Luật bị còng tay ngay tại Xưởng, bị giam cứu tận hai năm để điều tra. Rồi phiên tòa xét xử Tạ Đình Đề và đồng bọn với tội danh tham ô tài sản XHCN nổi tiếng 6 ngày ròng rã từ mồng 7 đến 12/6/1976.
Qua 6 ngày xét xử, chủ tọa Phùng Lê Trân dõng dạc tuyên tại tòa tha bổng Tạ Đình Đề cùng 5 bị cáo khác...
Chín năm sau, Tạ Đình Đề lại bị bắt với tội danh tuyên truyền chống CNXH. Hơn 3 năm bị giam không xét xử. Mãi đến tháng 12/1987 mới được tha.
…Có nhiều lần tôi đến căn phòng khách tuềnh toàng ấy, nhưng chủ nhân đi vắng. Cũng may được ngồi với bà vợ ông Đề. Bà người đậm. Ngó vẻ lam lũ tất bật nhưng những nét cao sang từng bầu nên thời hoa khôi của thiếu nữ Hà thành vẫn chưa lặn hẳn?
Thì ra bà là con gái một nhà tư sản có tiếng.
(Đến đây phải mở một ngoặc. Sau này may mắn lúc sinh thời, cụ bà Trịnh Văn Bô (Hoàng Thị Minh Hồ) có kể cho nghe chuyện cụ Đặng Thị Huyền tức nhà tư sản Nghĩa Tường giàu có tiếng ở phố Hàng Ngang rất gần với đại gia Trịnh Văn Bô hằng tâm hằng sản với cách mạng.
Nhà Nghĩa Tường có một người con gái, bà Đặng Thị Thọ sau này là vợ ông Tạ Đình Đề. Nhà Nghĩa Tường vốn chỗ thân tình lẫn hàng xóm gia đình ông Trịnh Văn Bô. Theo gương hàng xóm, ông bà đã từng hiến cho cách mạng trong từng thời kỳ hàng chục vạn đồng bạc với mấy căn nhà.
Chuyện cô con gái nhà tư sản ấy theo không Tạ Đình Đề nhân một lần ra chiến khu úy lạo quân sĩ là cả một câu chuyện thú vị! Khuôn khổ bài báo này có hạn, đành khất bạn đọc một dịp khác vậy!).
Đang nói cái đoạn ngồi với vợ chủ nhân. Bà khá kiệm lời. Đành cố lọc trong cái thở dài kín đáo, cả ánh nhìn như vô hồn của bà để đọc được phần nào những ngày gian nan mà tai họa oan khiên có tên là vụ án Tạ Đình Đề bỗng dưng úp chụp xuống cái nhà này?
Và lần ấy, cả hai ông bà đều vắng. Trước tôi là một người rất khó đoán tuổi. Th. anh con trai thứ hai của ông Đề.
Người này lạ. Thoắt cứ như một ông già. Nhưng cũng nhoáng cái, cung cách của một cậu bé? Ngạc nhiên chưa tới 30 tuổi? Dáng lầm lì. Lử khử. Cũng roanh roách cái điếu bát. Nhưng chừng như hút chưa thạo? Cái động thái gẩy điếu, nạp thuốc, cái ánh nhìn lạ, như có đám mây u tối… Ánh mắt cùng cung cách như tố rằng, anh không muốn tiếp chuyện với khách?
Rồi mấy lần qua ông Đề, qua bà vợ và trực tiếp gặp Th. tôi cũng chắp nối được một câu chuyện bi thương. Th. làm ở Đường sắt Hà Nội. Đâu như ở bộ phận toa xe. Có cậu bạn hào phóng trút cho Th. mấy lít xăng để Th. đổ xe máy đi chơi với người yêu dịp quốc khánh 2/9/1985. Người ta truy ra. Th. bị kết tội phá hoại. Bị giam mấy ngày. Bị vặn vẹo đủ điều. Tạm tha nhưng vẫn phải bị tiếp tục gọi hỏi. Cũng chính thời điểm đó, ông Tạ Đình Đề có lệnh bắt vì tội tuyên truyền phản động!
Bố bị giam, con bị gọi lên gọi xuống! Cả hai bố con đều bị quy kết phản động phá hoại! Từ một chàng trai nhanh nhẹn, vui tính, Th. bị đuổi việc. Những ngày ở cơ quan điều tra, Th. thoắt trở thành thể trạng gần như hoảng loạn, tâm thần. Những tưởng sau này không bị gọi hỏi nữa, Th. dần nguôi ngoai… Nhưng căn bệnh hoảng loạn quái ác ấy dường như mấy năm liền không buông tha Th. Nhiều bận tôi đến nhà ông Đề thì lần nào cũng chứng kiến cảnh ông con trai thứ lầm lỳ, lử khử... Rồi bà vợ ông Đề luôn thở dài và cái cách ông Đề cố tếu táo để không khí nhà cửa đỡ nặng nề?
Bao năm đã qua. Ông bà Tạ Đình Đề đã theo nhau về cõi. Tôi cũng có loáng thoáng biết bệnh tình Th. cũng tạm lui. Vậy thôi…
Vậy nên bây giờ gặp lại Th. với thể trạng nói là mạnh hẳn cũng chưa nhưng rất khá so với những ngày buồn gần 30 năm trước. Tôi đã rất vui! Lại được biết thêm, Th. đã có một mái ấm. Hai vợ chồng có một sạp hàng bán tạp hóa, đời sống cũng đỡ… Theo lời dặn của Th. tôi đã không đề cập đến hoàn cảnh của anh hiện tại!
Những tử tế gọi nhau
…Dịp truy tặng phần thưởng cao quý Huân chương Độc lập hạng 3 cho ông Tạ Đình Đề và kỷ niệm 90 ngày sinh của ông, tôi có gặp và hầu chuyện cụ Quách Hải Lượng, nguyên đại tá, tùy viên Quân sự Việt Nam tại Trung Quốc nhiều năm vốn bạn rất thân với Tạ Đình Đề. Lại biết thêm, vị cựu đại tá này vừa hoàn thành bản thảo cuốn Tạ Đình Đề, tuyển biên tập hợp hàng trăm trang gồm những tư liệu quý về Tạ Đình Đề. Ông cũng đã làm cái việc nối mạng họ Tạ khắp nước. Như ông cho hay, họ Tạ là dòng họ lớn xưa có nhiều nhà khoa bảng trí thức. Đặc biệt thời hiện đại có nhiều người tham gia cách mạng.
Như Tạ Uyên, Bí thư xứ ủy lãnh đạo khởi nghĩa Nam kỳ. Những Tạ Quang Bửu, những Tạ Quốc Luật (người bắt sống tướng De Cattri), Tạ Thị Kiều, Tạ Quang Tỷ, Tạ Thái An (thượng tướng GS Hoàng Minh Thảo)...
Viết về Tạ Đình Đề thì có nhiều. Tôi nhớ đầu những năm 90 tôi có loạt bài Tạ Đình Đề huyền thoại và sự thật, nhà văn Chu Lai nhăn mặt trách rõ phí. Để tao…
Để tao…là ông làm cái việc nhờ tôi đưa đến gặp bà Phùng Lê Trân, Chánh tòa xử trắng án vụ Tạ Đình Đề, tha bổng ông ngay tại Tòa năm 1976 ấy. Tôi rụt rè gõ cánh cửa căn nhà cũ kỹ phố Cao Bá Quát… Tôi nhớ vị chánh tòa khi ấy sức đã yếu phải miễn cưỡng tiếp khách. Bà tò mò lẫn dè dặt cẩn trọng khi chuyện với nhà văn Chu Lai. Không rõ sau đó nhà văn Chu Lai có tới gặp bà lần nào nữa không. Và tác phẩm không biết loại hình gì nhưng như Chu Lai khoát đạt rằng sẽ hoành tráng bi lẫn hùng? Chắc là phải có độ lùi nào đấy thì mới phát lộ?
Còn thi sĩ kiêm kịch sĩ Lưu Quang Vũ thì luôn kiệm lời như chính cái người đã từng cưu mang mình khi đưa Lưu Quang Vũ hồi ấy đương có vấn đề về tư tưởng vào làm ở Xưởng Cao su Đường sắt mà Tạ Đình Đề là giám đốc. Vở kịch Tôi và chúng ta chiết xuất khéo léo vô số chất liệu từ ông Đề. Từ tính cách cho đến tài kinh doanh lẫn phiên tòa hy hữu nọ…
Chợt nhớ câu Kiều cũng trong nha dịch lại là từ tâm. Trở lại với thời điểm ông Tạ Đình Đề bị công an bắt năm 1985 với tội danh gián điệp phản động. Toàn bộ hồ sơ vụ án được đặt trên bàn Vụ 2C, một vụ đặc biệt của Viện Kiểm sát Tối cao. Người trực tiếp thụ lý coi sóc hồ sơ là Kiểm sát viên cao cấp tên là Dương Thanh Biểu.
Tôi có dịp ngồi với vị này.
Chuyện của ông như sau.
Năm 1986, tôi được lãnh đạo Vụ Kiểm sát điều tra án an ninh (Vụ 2C, VKSND Tối cao) giao nghiên cứu hồ sơ và đề xuất hướng xử lý vụ án ông Tạ Đình Đề. 10 năm trước, ông Đề từng bị bắt giam và truy tố nhiều tội nhưng được tòa tuyên trắng án, trả tự do ngay tại tòa.
Lần này, theo kết luận của cơ quan điều tra, ông Tạ Đình Đề đã có hành vi thu lượm các câu ca dao, hò, vè có nội dung nói xấu lãnh đạo, sau đó đưa về nói lại cho nhiều người cùng nghe. Cơ quan điều tra đề nghị VKSND Tối cao truy tố ông về tội tuyên truyền chống chế độ XHCN.
Trong hồ sơ, những vị quyền cao chức trọng đã khẳng định như đinh đóng cột là phải xử Tạ Đình Đề về tội chống phá chế độ.
Nhưng hơn một năm giam ông Đề, cơ quan điều tra đã đi xác minh nhiều nhân chứng ở nhiều nơi nhưng kết quả điều tra vẫn không có gì mới. Nếu tiếp tục gia hạn tạm giam đặc biệt cũng không cần thiết và không giải quyết được gì. Nhưng tôi vẫn cứ run. Bởi nếu lãnh đạo không đồng ý thì chẳng những sẽ kéo dài thêm những tháng ngày đau khổ cho ông Tạ Đình Đề mà có khi mình còn bị đánh giá là hữu khuynh. Ranh giới giữa mất - còn thật mong manh! Biết đâu sau đề xuất của mình là những tai ương đang chờ đón, lôi thôi mình bị mất việc như chơi… Nhưng rồi cuối cùng tôi cũng liều mạnh dạn đề xuất, không cần thiết phải tiếp tục tạm giam Tạ Đình Đề!
Tạ Đình Đề (phải) và Thượng tướng Hoàng Minh Thảo tại quê nhà Thanh Oai, Hà Tây
Một hôm, tôi đang ngồi tu chỉnh lại hồ sơ thì anh Lê Mai- Vụ trưởng Vụ 2C gọi tôi sang báo cáo. Anh Mai vào đề ngay: “Mình đã đọc kỹ báo cáo của cậu rồi, ngoài nội dung báo cáo, cậu có thể nói kỹ hơn, suy nghĩ thế nào thì cứ phát biểu thế đó!”. Tôi bày tỏ quan điểm của mình theo hướng như đã nói. Tôi vừa nói xong, anh Mai lắc đầu. Anh nói (đại ý) rằng ý kiến đề xuất mạnh dạn của cậu bọn mình rất hoan nghênh nhưng Tạ Đình Đề có hành vi thu thập, phổ biến và tuyên truyền các câu ca dao, hò, vè có tính chất đả kích lãnh đạo, nói xấu chế độ…
Sau đó ít ngày, Vụ 2C tổ chức cuộc họp để thảo luận nghiệp vụ xoay quanh vụ án Tạ Đình Đề. Trong số các ý kiến buộc tội, có người còn lập luận rằng: “Đã giam người ta chừng ấy thời gian mà bây giờ bảo không có tội thì không ổn. Đề nghị thống nhất với ý kiến của cơ quan điều tra (tức kết tội ông Đề)”!
May thay sau đó, đồng chí Trần Lê, Viện trưởng VKSND Tối cao khi ấy, sau khi coi xét, kết luận: “Thay mặt lãnh đạo Viện, tôi xin biểu dương Vụ 2C đã mạnh dạn nêu quan điểm xử lý vụ án. Ý kiến các đồng chí lãnh đạo Viện thống nhất về quan điểm xử lý…”.
Ngày 8/1/1987, viện trưởng VKSND Tối cao có văn bản trả lời Bộ Công an, trong đó nói rõ không cần đưa vụ án này ra truy tố, xét xử.
Nhưng phải mất gần một năm trao đi đổi lại… Trong khi đó ông Tạ Đình Đề vẫn phải co quắp trong đề lao mà ông sau này ông gọi lần vướng lao lý lần thứ 2 ấy là … tú tài! Tức là tái tù.
Cuối cùng, ngày 7/12/1987, VKSND Tối cao ra quyết định đình chỉ điều tra và trả tự do cho ông Tạ Đình Đề. Vụ án Tạ Đình Đề tuyên truyền chống CNXH được khép lại.
Được biết thêm ông tiến sĩ họ Dương sau này là Viện phó Viện Kiểm sát NDTC. Những năm trận mạc ở chiến trường Tây Nguyên, khi Nguyễn Quốc Thước là Trung đoàn trưởng thì Dương Thanh Biểu là đại đội trưởng một đơn vị chủ công dưới quyền ông Thước. Sau năm 1975, Dương Thanh Biểu chuyển ngành về Viện KSTC.
Về hưu, đầu năm 2014 tiến sĩ họ Dương hoàn thành cuốn sách Tạ Đình Đề, những góc khuất cuộc đời. Sách ngót 300 trang in, khổ (14X20,5cm) được công luận đánh giá cao.
Mạo muội gẫm thêm, có lẽ chưa phải cuốn sách cuối về Tạ Đình Đề. Chắp bút về nhân vật với những oan khuất bi lẫn hùng này vẫn được coi là đề tài bất tận? Bởi chưa bao giờ hết, chưa khi nào kết thúc những cảnh giác những tỉnh táo trước cái ác, về thông điệp vô cảm, về những lòng người thói đời?
Tạ Đình Đề sinh năm 1917 tại Tam Hưng, Thanh Oai, Hà Nội. Năm 1936, cùng với cha và anh trai sang Vân Nam (Trung Quốc) làm việc tại Công ty Hỏa xa. Tại đây, ông tham gia Hội Ái hữu cứu quốc do Việt Minh tổ chức. Tạ Đình Đề từng được cử đi học tại các trường hạ sĩ quan, Trường Đặc vụ và Trường đào tạo gián điệp ở Trung Quốc (nơi đào tạo sử dụng các loại vũ khí, chất nổ, lái xe, lái máy bay…). Ông tốt nghiệp xuất sắc Trường quân sự Hoàng Phố và được tổ chức phân công hoạt động tình báo cùng phái bộ Mỹ trong phe Đồng minh chống phát xít Nhật. Sau đó, Mỹ đưa ông đi đào tạo nhảy dù ở Ấn Độ và Mỹ. Năm 1944, ông được Mỹ và Tưởng Giới Thạch đưa về hoạt động tại Huế, Sài Gòn.
Tháng 8/1945, Tạ Đình Đề tham gia cách mạng, một năm sau ông vào Đảng. Từng làm Phó ban Tình báo Liên khu 2, Trưởng ban Tình báo Tây Tiến, Đội trưởng biệt động Liên khu 2, Giám đốc Trường Hoa văn Liên khu 3…
Ông mất ngày 29/2/1998. Năm 2007, ông được Chủ tịch nước truy tặng huân chương Độc lập hạng Ba. (Nguồn Vụ 2C Viện KSND Tối cao)
Tôi chợt nhớ vẫn còn lưu lại một bút tích của Tạ Đình Đề. Số là bữa ngồi với ông, tò mò hỏi những thơ ca hò vè ông thu thập gọi là nói xấu lãnh đạo, đả kích chế độ gồm những bài gì vậy? Ông cười ngoài thu thập tớ còn sáng tác hẳn hoi. Rồi ông biên ra một mạch bài Vịnh chuột trong tù.
Nó thế này:
Lũ chuột tranh nhau miếng cơm tù/ Một con lăn bể chết êm ru/ ở đời nhiều kẻ ghê hơn chuột/ Tranh nhau nhậu nhẹt cứ lu bù/Lý luận tình suông che giấu dốt/ Dựa dẫm cấp trên cậy lọng dù/ Xã hội tiến lên là phải triệt/Tụt nõ dài đuôi ắt phải tù!
Bút tích Tạ Đình Đề (bài Vịnh chuột trong tù và giấy hẹn làm việc với tác giả. Cáo trạng và hồ sơ vụ bị bắt năm 1976)
N XUÂN BA