Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 4 tháng 12, 2019

Mỹ muốn triệt giấc mộng vũ trụ của Trung Quốc


Mỹ và Trung Quốc đang đẩy mạnh phát triển vũ khí không gian trong cuộc chạy đua thống trị vùng nằm ngoài bầu khí quyển Trái Đất.
Chỉ huy Bộ tư lệnh Vũ trụ Mỹ, tướng không quân John Raymond nhấn mạnh mối đe dọa tấn công các vệ tinh quan trọng của Mỹ là "có thật".
"Theo quan điểm của tôi, quy mô, phạm vi và sự phức tạp của mối đe dọa này là rất đáng lo ngại", ông Raymond phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược ngày 18/11.
Tên lửa Trường Chinh 3B mang tàu thám hiểm mặt trăng Thường Nga 4 rời khỏi bệ phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 8/12/2018. Ảnh: Reuters.
Tên lửa Trường Chinh 3B mang tàu thám hiểm mặt trăng Thường Nga 4 rời khỏi bệ phóng tại Trung tâm phóng vệ tinh ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 8/12/2018. Ảnh: Reuters.
Báo cáo thường niên của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc (USSCC) cảnh báo Trung Quốc muốn thống trị vùng không gian nằm giữa Trái Đất và Mặt Trăng trong chiến lược được gọi là "giấc mơ chinh phục vũ trụ".
Trung Quốc lên kế hoạch đặt cơ sở thường trực trên Mặt Trăng trong chương trình không gian kết hợp quân sự và thương mại, theo báo cáo của USSCC. Năm 2018, Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã đặt mục tiêu phải kiểm soát không gian vũ trụ.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ tháng 6, tướng Raymond lần đầu tiên hé lộ Lầu Năm Góc đang phát triển các loại vũ khí không gian mới phục vụ chiến dịch tấn công lẫn phòng thủ. Tướng 4 sao nhấn mạnh Trung Quốc và Nga là mối đe dọa chính trong không gian vũ trụ nên Mỹ phải nhanh chóng phát triển kho vũ khí mới, nhưng không nêu chi tiết.
Giới chuyên gia cho biết Lầu Năm Góc đang tiến hành chương trình phát triển vũ khí không gian tuyệt mật tại một số đơn vị, bao gồm Cơ quan Phát triển Không gian và căn cứ không quân Kirtland ở bang New Mexico. Các loại vũ khí không gian hiện hữu bao gồm tên lửa, thiết bị gây nhiễu sóng điện từ và vũ khí laser. Tàu vũ trụ không người lái X-37B tối mật dự kiến đóng vai trò quan trọng trong kho vũ khí không gian của Mỹ.
Kể từ thập niên 1950, nhiều đời tổng thống và quốc hội Mỹ ngăn chặn hoặc hạn chế phát triển vũ khí không gian do lo ngại nguy cơ "quân sự hóa vũ trụ". Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Trung Quốc và Nga đẩy mạnh chế tạo và triển khai tên lửa, vũ khí laser diệt vệ tinh.
Theo báo cáo của tổ chức tư vấn RAND Corp, Mỹ cũng có tên lửa diệt vệ tinh. Đó là tên lửa ASM-135 được phóng từ chiến đấu cơ F-15, tiêu diệt một vệ tinh Mỹ trong cuộc thử nghiệm thành công năm 1985. Tuy nhiên, chương trình này bị hủy cuối năm đó. Không quân Mỹ bắt đầu phát triển hệ thống gây nhiễu vệ tinh hồi 2002 nhằm ngăn chặn nguy cơ bị quân địch do thám, nhưng hai năm sau đó quốc hội ngừng cấp ngân sách cho chương trình này.
Dù vậy, quân đội Mỹ sở hữu nhiều hệ thống tên lửa và laser lưỡng dụng có thể được nâng cấp thành vũ khí diệt vệ tinh. Chẳng hạn, Mỹ dùng tên lửa đánh chặn SM-3, được cải tiến hồi 2008, để bắn hạ vệ tinh của Cơ quan Trinh sát Quốc gia Mỹ (NRO) và ngăn nó quay lại bầu khí quyển, rơi trúng khu vực đông dân cư. NRO có nhiệm vụ cung cấp hình ảnh chụp từ vệ tinh cho chính phủ và các cơ quan tình báo khác của Mỹ. Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ được cho là có khả năng bắn hạ vệ tinh. Ngoài ra, hải quân Mỹ đã thử nghiệm vũ khí laser hóa học hồng ngoại sóng trung tiên tiến (MACL) dùng để bắn hạ máy bay không người lái và tên lửa. Trong tương lai, MACL có thể được dùng để tiêu diệt vệ tinh.
USSCC nhấn mạnh các nhà chiến lược quân sự Trung Quốc xem không gian vũ trụ là "đỉnh cao chỉ huy" phải thống trị trong tình huống xung đột bùng nổ. Quân đội Trung Quốc áp dụng nguyên tắc sử dụng vũ khí có thể "gây bất ổn không gian vũ trụ", theo USSCC.
"Trung Quốc xem không gian vũ trụ là điểm yếu của Mỹ về mặt quân sự lẫn kinh tế. Chính vì thế, Bắc Kinh không ngừng phát triển vũ khí nhắm vào từng tài sản của Mỹ trong không gian vũ trụ. Tuy nhiên, Mỹ không thể ngăn chặn Trung Quốc tấn công hàng trăm vệ tinh thương mại lẫn quân sự của nước này. Mục tiêu của Trung Quốc là nhằm thiết lập vị thế dẫn đầu trong không gian vũ trụ về kinh tế lẫn quân sự hay còn được gọi là giấc mơ chinh phục vũ trụ", USSCC lưu ý.
Larry Wortzel, cựu quan chức tình báo quân đội và là thành viên USSCC, đánh giá Trung Quốc trở thành đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Mỹ từ lĩnh vực quân sự cho đến thương mại. "PLA có thể dẫn trước quân đội Mỹ trong phát triển vũ khí không gian. Nếu phải hành động, Trung Quốc có lợi thế hơn vì chỉ cần sự phê chuẩn của chính phủ. Quân đội Mỹ phải vượt qua hàng loạt rào cản từ luật sư, Hội đồng An ninh Quốc gia cho đến Nhà Trắng và quốc hội trước khi hành động", chuyên gia Wortzel nói.
Ông Wortzel cho biết thêm Trung Quốc đang sử dụng hệ thống định vị riêng BeiDou nhằm thay thế GPS cùng lúc xúc tiến hợp tác kinh tế toàn cầu trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường. "Đây chính là thách thức lớn cho Mỹ", theo ông Wortzel.
Trong bức thư gửi cho Ủy ban Quân vụ Thượng Mỹ, tướng Raymond cảnh báo: "Trung Quốc trở nên vượt trội trong lĩnh vực không gian với nhiều loại vũ khí và ưu thế của chúng ta đang bị hạn chế. Quân đội Mỹ cần có thêm ngân sách để tăng cường vũ khí không gian phục vụ mục tiêu tấn công lẫn phòng thủ".
Rick Fisher, chuyên gia của Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Quốc tế, cho biết báo cáo của USSCC phơi bày nhiều chi tiết mới về tham vọng chiến lược của Trung Quốc trong không gian vũ trụ và tác động đối với nền an ninh Mỹ trên Trái Đất.
"Cách duy nhất là ngăn Trung Quốc kiểm soát Mặt Trăng cùng vùng nằm giữa Mặt Trăng và Trái Đất", theo ông Fisher.
Trân Châu (Theo Washington Times)


Nhóm thầy thuốc tuyên bố chế nước trường sinh


TRUNG QUỐCNhóm thầy thuốc ở Quảng Tây quảng bá rằng "nước trường sinh" họ điều chế sẽ giúp con người sống đến 120 tuổi, buộc nhà chức trách vào cuộc.
Mạng xã hội Trung Quốc tuần trước lan truyền bức ảnh một nhóm bác sĩ đông y chuẩn bị pha chế một loại nước uống, bên cạnh một biểu ngữ với nội dung quảng cáo loại nước này.
Trong ảnh, các bác sĩ mặc áo khoác trắng, đứng xung quanh hai chiếc thùng lớn và một người chuẩn bị múc nước từ trong thùng. "Các bác sĩ ở Tân Dương, Quảng Tây giới thiệu loại nước uống trường thọ. Chuyện con người sống đến 120 tuổi không còn là hoang đường", tấm biểu ngữ phía sau họ ghi.
Nhóm bác sĩ ở huyện Tân Dương, Quảng Tây, Trung Quốc đứng bên hai thùng được gọi là nước trường sinh hôm 29/11. Ảnh: SCMP.
Nhóm bác sĩ ở huyện Tân Dương, Quảng Tây, Trung Quốc đứng bên hai thùng được gọi là "nước trường sinh" hôm 29/11. Ảnh: SCMP.
Nhóm thầy thuốc này đã tham dự một hội thảo ở huyện Tân Dương tuần trước nhằm nghiên cứu về tác dụng của loại nước trường thọ này. Nước được quảng bá chế từ thảo dược theo công thức đặc biệt, theo Zhong, một thành viên ban tổ chức.
Zhong cho hay những người tham dự hội thảo từng thử uống loại nước đó và nói họ cảm thấy hạnh phúc hơn, trông trẻ hơn, ăn ngon miệng hơn và giấc ngủ cũng được cải thiện. Zhong nói mới chỉ có nhóm bác sĩ tham gia nghiên cứu uống thử nước, đồng thời nhấn mạnh họ chưa bán hoặc quảng cáo sản phẩm. "Đây là một hội thảo kín, không được công khai. Thông tin chắc chắn bị rò rỉ từ một ai đó", Zhong nói.
Ông Zhong cho biết thêm các bác sĩ dự hội thảo tuần trước đến từ các phòng khám y học cổ truyền trong huyện Tân Dương, nhiều người là chuyên gia y học cổ truyền Trung Quốc.
"Nếu chỉ cần uống loại nước này và bạn có thể sống tới 120 tuổi, vậy thì còn cần tới các thiết bị y tế hiện đại làm gì?", một người dùng mạng xã hội hoài nghi.
Phòng y tế huyện Tân Dương, Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc hôm 2/12 cho hay họ đang điều tra sự việc.
Mai Lâm (Theo SCMP)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

CZECH - TRUNG CĂNG THẲNG, HUAWEI, ZTE BỊ LÔI VÀO CUỘC


04/12/2019 10:41

TGVN. THEO MẠNG TIN TỨC NOVINY.CZ, TRUNG QUỐC ĐÃ HỦY BỎ DIỄN ĐÀN KINH TẾ CZECH - TRUNG NĂM 2019 MẶC DÙ CHỦ TỊCH TRUNG QUỐC TẬP CẬN BÌNH VÀ TỔNG THỐNG MILOS ZEMAN HỒI THÁNG 10/2019 ĐÃ TRAO ĐỔI THÔNG BÁO CHO NHAU BẰNG THƯ TỪ.

Đây là động thái thể hiện phản ứng của Trung Quốc đối với các hành động của Thị trưởng Praha Zdenek Hrib và Chủ tịch Thượng viện Jaroslav Kubera.
Nguyên nhân của hành động trên được cho là xuất phát từ quyết định của ông Hrib về việc chấm dứt thỏa thuận kết nghĩa giữa 2 thành phố Bắc Kinh và Praha. Thay vì Bắc Kinh, Praha đã chuẩn bị ký thỏa thuận kết nghĩa với Đài Bắc, thuộc Đài Loan. Sự việc tiếp tục diễn biến theo chiều hướng căng thẳng khi Chủ tịch Thượng viện Kubera tuyên bố sẽ đi thăm Đài Loan vào năm tới, bất chấp lời cảnh báo về việc cắt đứt mối quan hệ cá nhân của Tổng thống Zeman.
Nhà lãnh đạo Czech cũng chỉ trích rằng, hành động của ông Kubera sẽ chống lại lợi ích kinh tế của nước này và sẽ gây ra tác động tiêu cực đến các công ty của Czech tại Trung Quốc.
Theo kế hoạch, Diễn đàn kinh tế Czech - Trung, sự kiện truyền thống trong quan hệ song phương, sẽ được tổ chức vào đầu tháng 12 tại Lâu đài Praha và được Tổng thống Zeman luôn ủng hộ từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, sự kiện đã bị hoãn mà không có thông báo lý do chính thức. Mặc dù đã hứa hẹn đầu tư hàng trăm tỷ USD, song Trung Quốc hiện chỉ đầu tư rất ít vào Czech, thậm chí còn thấp hơn rất nhiều so với Đài Loan.
Diễn đàn kinh tế Czech - Trung năm nay từng được kỳ vọng sẽ chứng kiến lễ ký kết dự án lớn nhằm xây dựng một nhà máy mới sản xuất thiết bị phụ kiện nhôm dành cho xe ô tô giữa Công ty CITIC Dicastal của Trung Quốc và Công ty Zdas của Czech.
Trong khi đó, một Người phát ngôn của sân bay Vaclav Havel ở Thủ đô Praha tuyên bố: "Theo các quy định của Đạo luật An ninh mạng, chúng tôi đã đi đến quyết định loại khỏi danh sách đấu thầu các giải pháp quét an ninh liên quan đến phương tiện kỹ thuật hoặc phần mềm của Huawei Technologies và ZTE Corporation".
Hành động này được thực hiện theo cảnh báo của Cơ quan An ninh Mạng và Thông tin và mạng Quốc gia Czech (NUKIB) không sử dụng phần cứng và phần mềm từ Huawei và ZTE. Trước cảnh báo này, một số cơ quan thuộc chính phủ Czech cũng đã hạn chế sử dụng các sản phẩm của hai doanh nghiệp Trung Quốc.
Huawei không bình luận về các điều kiện đấu thầu, nhưng ngay từ đầu đã chỉ trích cảnh báo từ NUKIB và đe dọa sẽ kiện ra tòa, nếu Chính phủ Czech không thay đổi quan điểm, song công ty Trung Quốc cuối cùng đã không triển khai bất cứ hành động pháp lý nào.
...
QT
(theo Noviny.cz, TTXVN)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vì sao người Mỹ không tiết kiệm?


Người nghèo Mỹ lái xe Ford hoặc Toyota đi lĩnh trợ cấp, điều này khiến người châu Á ngạc nhiên.
Gần đây Sohu, một trong những cổng thông tin điện tử hàng đầu Trung Quốc có bài phân tích về chủ đề này, gây xôn xao dư luận:
"Tiền là thứ để tiêu. Chúng tôi không có tiền tiết kiệm và cũng không bận tâm về điều đó", một người dân Mỹ nói.
Rất nhiều người Trung Quốc khi đến Mỹ đều có chung câu hỏi: Tại sao người Mỹ không có tài sản ngân hàng hay tiền tiết kiệm mà họ chẳng hề lo lắng?
Theo Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), tỷ lệ người gửi dưới 1.000 USD giảm từ 69% năm 2016 xuống còn 57% vào năm 2017. Cũng theo thống kê, tháng 2/2018, tỷ lệ tiết kiệm cá nhân ở Mỹ chỉ là 3,4%, trong khi tỷ lệ khuyến cáo ít nhất là 25%.
Người dân ở những nước phát triển như Mỹ thích tiêu dùng hơn là tiết kiệm. Ảnh minh họa.
Người dân ở những nước phát triển như Mỹ thích tiêu dùng hơn là tiết kiệm. Ảnh minh họa.
Điều đó có nghĩa là 40% người Mỹ không có tiền gửi ngân hàng.
Ngược lại tỷ lệ tiết kiệm tại Trung Quốc luôn ở mức cao nhất thế giới. Đầu những năm 1990, tiết kiệm hộ gia đình chiếm hơn 35% GDP, đến năm 2005, con số này là 51%. Trong khi đó tỷ lệ trung bình tiết kiệm của thế giới luôn ở mức dưới 20%.
Dựa trên tổng dân số là 1,37 tỷ người, tính trung bình mỗi người dân Trung Quốc gửi ngân hàng 40.291 tệ (129 triệu đồng).
Những con số trên phản ảnh một hiện tượng điển hình của nền kinh tế hiện đại: Người dân ở các nước giàu yêu thích tiêu dùng, còn người dân ở các nước đang phát triển - đặc biệt ở châu Á - lại thích tiết kiệm hơn.
Nhiều người Mỹ có châm ngôn "Hãy dành tiền của ngày mai để tận hưởng cuộc sống hôm nay", bởi vậy tiêu dùng cá nhân ở đất nước này chiếm 70% tổng nền kinh tế. Để ổn định tăng trưởng kinh tế, xã hội Mỹ đang thay đổi mô hình nhằm thúc đẩy tiêu dùng và không khuyến khích tiết kiệm. Hiện trung bình mỗi người Mỹ có tới 8 thẻ tín dụng để cho vay tiêu dùng.
Với người Trung Quốc nói riêng và người Á đông nói chung, luôn có xu hướng tiết kiệm tiền, phần lớn trong số đó đều được gửi vào ngân hàng, mục đích cao nhất không phải để kiếm lợi nhuận mà để giải quyết 3 vấn đề sau:
-  Tiết kiệm để chi trả tiền giáo dục cho trẻ em
-  Tiết kiệm để mua nhà, mua xe
-  Tiết kiệm phòng khi về già bệnh tật, thất nghiệp và các nhu cầu khác.
Vậy chẳng lẽ người Mỹ không muốn mua nhà cửa, sinh con hay kết hôn? Tại sao người Mỹ lại có lối sống phong lưu như vậy?
Theo số liệu từ New York Times, trung bình cứ 7 người Mỹ thì có một người sống dưới mức nghèo khổ. Tuy nhiên những người Mỹ sống dưới mức chuẩn của xã hội chưa bao giờ phải lo lắng về tương lai của mình.
Theo thống kê, 46% gia đình nghèo ở Mỹ nhà có 3 phòng ngủ, 80% hộ nghèo đều có điều hòa. Hầu hết những hộ nghèo đều có điều hòa và 75% trong nhà có tivi. Thậm chí nhiều gia đình vẫn có xe hơi.
Vậy nguyên nhân chính khiến người Mỹ không tiết kiệm tiền là gì?
Đầu tiên, người nghèo ở Mỹ được đảm bảo những quyền lợi cơ bản. Nếu được coi là nghèo, bạn sẽ có 4 lợi ích để hưởng: trợ cấp thu nhập thấp, được trợ cấp thực phẩm, được trợ cấp nhà và có bảo hiểm y tế đầy đủ. Vì thế nhiều người nghèo tại nước này vẫn lái Toyota, Ford và những chiếc xe cao cấp khác đi nhận trợ cấp của chính phủ.
Có được một cuộc sống khá đầy đủ dù chỉ là người nghèo, bởi vậy người Mỹ không cần phải tiết kiệm nữa.
Vậy làm thế nào để được coi là người nghèo ở Mỹ? Điều này phải dựa trên các chỉ số về mức giá và tỷ lệ lạm phát của từng năm. Lấy báo cáo khủng hoảng tài chính năm 2009 làm ví dụ. Chuẩn nghèo 2009 tại Mỹ được tính như sau: Thu nhập trước thuế hàng năm của người độc thân thấp hơn 10.830 USD và một gia đình 4 người thấp hơn 22.050 USD. Tại nhiều quốc gia đang phát triển, mức thu nhập trên thuộc về tầng lớp trung lưu.
Thứ hai, lãi suất tiền gửi ngân hàng tại Mỹ gần như bằng 0. Trong khi đó một số kênh đầu tư khác có thể mang lại thu nhập cố định rất tốt cho người dân như thị trường chứng khoán. Bởi vậy người Mỹ chẳng mặn mà gì khi gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng.
Thứ ba, người Mỹ không có nhu cầu tiết kiệm tiền cho tuổi già, bởi họ đã có lương hưu. Thậm chí nếu bạn từng làm việc cho những công ty nổi tiếng, người ta sẽ có một quỹ tiền dành riêng cho tuổi già của bạn. Nếu vẫn chưa hài lòng, bạn có thể tự mua bảo hiểm an dưỡng tuổi già. Thông qua bảo hiểm này, người già sẽ không phải lo lắng các khoản chi tiêu khổng lồ khi họ nghỉ hưu.
Một lý do khác khiến người trung niên và cao tuổi ở Mỹ không có xu hướng tiết kiệm tiền là bởi thuế đánh vào tài sản thừa kế rất cao, lên tới 55%. Con số khổng lồ này khiến nhiều người không muốn để dành tiền cho con cháu.
"Nước Mỹ có phúc lợi xã hội tốt, lợi tức đầu tư cao, lãi suất ngân hàng thấp và được cho vay dễ dàng. Đây chính là nguyên nhân khiến dân Mỹ không mặn mà với việc tiết kiệm tiền để dành cho con cháu", sohu kết thúc bài viết.
Khi bài viết này được đăng tải, nhiều người Trung Quốc đã thể hiện quan điểm của bản thân. Một độc giả cho hay, không tiết kiệm không phải là điều nên học hỏi. "Đối với những người có ít hoặc không có tiền tiết kiệm, việc thiếu nguồn thu nhập từ đầu tư và thiếu kế hoạch dài hạn, cùng với tuổi thọ tăng lên có thể phá hỏng bất kỳ giấc mơ nào của họ về quãng đời hưu trí".
Trong khi một độc giả khác lại viết: "Người Mỹ có quan niệm cuộc sống rất ngắn ngủi nên lo cho bản thân mình trước. Với suy nghĩ ấy họ đã tận hưởng cả cuộc đời với thanh xuân đầy hưởng lạc và âm thầm khi về già. Đó là do sự khác biệt về văn hóa mà thôi".
Hải Hiền (Theo sohu)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2019

Giải nhất Nhân tài Đất Việt tiếp tục nhận huy chương vàng ở Hội chợ phát minh sáng chế lớn nhất thế giới


Dân trí Công trình “Nghiên cứu cải tiến xe thiết giáp bánh lốp BTR-152 thành xe cứu thương phục vụ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình” đạt giải Nhất Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019 ở lĩnh vực Khoa học Công nghệ tiếp tục nhận huy chương vàng ở Hội chợ sáng chế khoa học và công nghệ quốc tế vừa diễn ra ở Hàn Quốc. 
>>Độc đáo với giải pháp tiết kiệm hàng triệu USD từ việc cải hoán xe thiết giáp bánh lốp BTR-152 
>>Quán quân Nhân tài Đất Việt 2019 hân hoan gặp lại nhau sau Lễ trao giải

Giải nhất Nhân tài Đất Việt tiếp tục nhận huy chương vàng ở Hội chợ phát minh sáng chế lớn nhất thế giới - 1
Nhấn để phóng to ảnh
Tiến sĩ Trần Hữu Lý, Thạc sĩ Bùi Đức Nho đại diện cho nhóm tác giả nhận huy chương vàng tại Hội chợ sáng chế khoa học và công nghệ quốc tế vừa diễn ra ở Hàn Quốc. 
Trao đổi với Dân trí, Đại tá. Tiến sĩ Trần Hữu Lý – Viện trưởng Viện kỹ thuật cơ giới quân sự, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Sau khi được Giải nhất Nhân tài Đất Việt năm 2019 và nhận được sự động viên, khích lệ của lãnh đạo cấp trên nên Viện đã tiếp tục giới thiệu công trình nghiên cứu của mình ra Hội chợ sáng chế khoa học và công nghệ quốc tế. Rất vinh dự cho Viện là công trình được đánh giá rất cao về tính ứng dụng, khả năng thương mại hoá nên đã được nhận huy chương vàng”.  
Tiến sĩ Lý cũng cho hay, Hội chợ sáng chế khoa học và công nghệ quốc tế là một trong những hội chợ phát minh sáng chế lớn nhất thế giới, nơi các nhà sáng chế giới thiệu các ý tưởng mới và sản phẩm sáng chế. Đây cũng là dịp để đại diện đến từ các nước được tư vấn quy trình cấp bằng sáng chế quốc tế và chuyển giao công nghệ, qua đó, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà sáng chế thương mại hóa các công trình của mình.
Trước đó, từ nhiệm vụ được giao, các cán bộ của Viện kỹ thuật cơ giới quân sự, đứng đầu là Đại tá, Tiến sĩ Trần Hữu Lý đã vượt qua mọi khó khăn để cải hoán xe thiết giáp bánh lốp BTR-152 thành xe thiết giáp cứu thương phục vụ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Nam Xu Đăng. Giải pháp độc đáo này đã tiết kiệm hàng triệu USD cho ngân sách Bộ Quốc phòng và đã được nhận Giải nhất Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2019 lĩnh vực khoa học công nghệ.
Giải nhất Nhân tài Đất Việt tiếp tục nhận huy chương vàng ở Hội chợ phát minh sáng chế lớn nhất thế giới - 2
Nhấn để phóng to ảnh
Tiến sĩ Trần Hữu Lý, Thạc sĩ Bùi Đức Nho đại diện cho nhóm tác giả nhận Giải nhất Nhân tài Đất Việt năm 2019 lĩnh vực khoa học công nghệ.
Một trong những khó khăn của các tác giả khi nghiên cứu công trình này đó là thời gian vô cùng gấp rút bởi Phái bộ Liên hợp quốc sẽ tiền trạm kiểm tra trang thiết bị sớm. Bên cạnh đó, nhiệt độ ngoài trời ở Nam Su Đăng vào mùa hè lên đến 53-55 độ C trong khi hệ thống làm lạnh thông thường xe của chúng ta thì chỉ giảm được 10 độ C so với ngoài trời mà yêu cầu của lực lượng Quân y xe cứu thương phải duy trì ở khoảng 25 độ C.
Giải nhất Nhân tài Đất Việt tiếp tục nhận huy chương vàng ở Hội chợ phát minh sáng chế lớn nhất thế giới - 3
Nhấn để phóng to ảnh
Hình ảnh xe thiết giáp cứu thương BTR-152 TGCT sau xuất xưởng.
Tuy nhiên với sự miệt mài và sáng tạo, các tác giả đã sử dụng nguyên lý điều hòa làm mát cưỡng bức và thử nghiệm nhiều lần nên đã giải quyết thành công bài toán khó này.
Chia sẻ về việc được Vinh danh ở Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, Đại tá Lý bày tỏ: Khi làm nhiệm vụ thì chúng tôi chỉ biết toàn tâm, toàn sức, toàn ý phục vụ Đảng, Nhà nước và Nhân dân chứ không nghĩ mang lại kết quả ý nghĩa như thế này để đi tham gia các Giải thưởng. Khi được các Thủ trưởng, cơ quan cấp trên động viên, khuyến khích thì chúng tôi đã mang bộ tài liệu thiết kế để đi dự Giải thưởng. Kết quả cũng không ngờ là chúng tôi được đánh giá cao và đạt Giải nhất Giải thưởng Vifotec 2018 và được tham gia dự tiếp Giải thưởng Nhân tài Đất Việt.
“Giải thưởng này là một vinh dự lớn lao cho cán bộ, nhân viên của Viện. Lần đầu tiên Viện của chúng tôi được nhận Giải thưởng Vinh dự này. Để được nhận Giải thưởng này rất là hiếm trong khối quân sự nên vì thế áp lực đương nhiên đối với chúng tôi là khá lớn bởi sau khi nhận được Giải thưởng thì mình được công nhận, được cả xã hội ghi nhận thì bản thân chúng tôi phải nâng cao trách nhiệm để những sản phẩm nghiên cứu, cải tiến tiếp theo của mình càng ngày càng hoàn thiện, càng ngày càng có sức sáng tạo hơn. Tuy nhiên Giải thưởng cũng là nguồn động viên, cổ vũ cho toàn bộ cán bộ, nhân viên của Viện hăng say nghiên cứu, cũng như làm các đề tài nghiên cứu thiết thực với cuộc sống, với xã hội”, Đại tá Lý bộc bạch.
Nguyễn Hùng

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ác mộng tuổi xế chiều của những con người đã giúp Trung Quốc trở thành “công xưởng thế giới”


Ác mộng tuổi xế chiều của những con người đã giúp Trung Quốc trở thành "công xưởng thế giới"
Trong sự chuyển mình của Quảng Châu, một nhóm người lao động đang bị bỏ lại. Ngày càng có nhiều người đến tuổi nghỉ hưu và phát hiện ra rằng họ đã bị mạng lưới an sinh xã hội bỏ qua.
Kể cả ở Trung Quốc, nền kinh tế đã lột xác ngoạn mục trong mấy thập kỷ vừa qua và luôn tràn ngập những điều mới lạ, thì Quảng Châu vẫn nổi bật. Chỉ 10 năm trước, thành phố này gắn liền với hình ảnh những nhà máy, công xưởng ngày đêm nhả khói lên bầu trời. Ngày nay, Quảng Châu đang nỗ lực trở thành 1 trung tâm thương mại tầm cỡ toàn cầu. Tháp Quảng Châu, tòa nhà cao 600m được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Zaha Hadid, cùng với hệ thống tàu cao tốc cho phép đi tới Bắc Kinh chỉ mất 8 giờ đồng hồ là những công trình tiêu biểu cho Quảng Châu hiện đại.
Tuy nhiên, trong sự chuyển mình của Quảng Châu, một nhóm người lao động đang bị bỏ lại. Ngày càng có nhiều người đến tuổi nghỉ hưu và phát hiện ra rằng họ đã bị mạng lưới an sinh xã hội bỏ qua. Tỉnh Quảng Đông đã chứng kiến 129 vụ đình công và biểu tình của công nhân kể từ đầu năm đến nay, và ngày càng có nhiều người tham gia là những người sắp đến tuổi nghỉ hưu phát hiện ra rằng 1 tương lai u ám đang chờ đón họ.
Lao động nhập cư, những người mà 30 năm qua đã rời bỏ làng quê ở sâu trong đất liền để tới làm việc trong các nhà máy ở vùng duyên hải, đang dần bước vào tuổi nghỉ hưu. Hiện độ tuổi trung bình của nhóm này là hơn 40 tuổi, và hơn 25% đã bước qua tuổi 50. Khảo sát về điều kiện sống của người trung niên ở thành thị và nông thôn được công bố năm 2018 đã khắc họa rõ nét sự bất bình đẳng. Khoảng 100 triệu người nghỉ hưu ở Trung Quốc được hưởng chế độ lương hưu cơ bản ở thành thị mà theo đó phần lớn các công nhân toàn thời gian ở thành thị sẽ trích một phần lương hàng tháng để đóng bảo hiểm và nhận về trung bình 369 USD mỗi tháng khi nghỉ hưu. Tuy nhiên khoảng 150 triệu người khác đang hưởng chế độ hưu trí áp dụng cho cả nông thôn và thành thị với mức chỉ 17 USD mỗi tháng.
Hiện ở Trung Quốc có 288 triệu lao động nhập cư, trong đó 173 triệu người phải xa quê. Về lý thuyết, họ nên được hưởng cùng chế độ an sinh xã hội với những người có hộ khẩu ở các thành phố lớn như Quảng Châu. Tuy nhiên thực tế không phải như vậy.
Học giả Mark Frazier của New School (New York) gọi những người nhập cư 40-50 tuổi ở Trung Quốc là "thế hệ mất mát". Họ bị mắc kẹt giữa những lao động nhập cư thế hệ đầu - những người sẽ sớm trở về quê nhà để nghỉ hưu và vẫn còn đất đai để dựa vào - và những lao động nhập cư ngoài 20 tuổi sẽ được hưởng lợi từ luật lao động mới mang lại nhiều quyền lợi hơn.
Rất ít người cho rằng hệ thống hưu trí hiện tại là bền vững, với các số liệu u ám về già hóa dân số và dự đoán quỹ bảo hiểm xã hội sẽ vỡ vào năm 2035. Trung Quốc còn đang có kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu. Dẫu vậy điều đó cũng chẳng có nhiều ý nghĩa đối với nhóm 8 lao động nhập cư mà The Economist phỏng vấn.
7 người phụ nữ và 1 người đàn ông chìa ra những đôi tay run run khi rót trà vì những năm tháng làm các công việc nặng nhọc trong nhà máy. Họ thậm chí không thể về thăm quê đôi ba lần mỗi năm, phải bỏ mặc con cái cho ông bà chăm sóc. Ngay cả dịp lễ tết vốn được coi là dịp để đoàn tụ gia đình cũng trở thành quãng thời gian để kiếm thêm tiền vì họ được trả mức lương ngoài giờ rất cao. Một người phụ nữ 50 tuổi đến từ Hồ Bắc cho biết đã có tới 20 năm không ăn Tết ở nhà. Ngoài lý do ở lại đi làm, về quê khá phiền hà vì đó những chuyến đi rất xa và họ còn phải mua quần áo, giày dép, quà cáp cho họ hàng.
Không may là khi đến tuổi nghỉ hưu vào tháng 9 năm sau, bà không thể nhận được toàn bộ tiền lương hưu ở Quảng Đông vì bà mới chỉ bắt đầu đóng bảo hiểm ở đây từ 40 tuổi. Nếu bà có hộ khẩu thì câu chuyện đã khác, nhưng vì là dân nhập cư nên lựa chọn duy nhất của bà là quay trở về Hồ Bắc, đồng nghĩa sẽ chỉ được nhận lương hưu 85 USD mỗi tháng.
Tham khảo The Economist



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhìn lại môn lịch sử bị méo mó mà đau.

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, đại dương, văn bản, ngoài trời và thiên nhiên

 
Thôi thì, đừng vì lập trường giai cấp, đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản nhất thời mà ngậm máu phun người làm xô lệch lịch sử dân tộc để giới trẻ mơ hồ không xác định được đúng sai, thật giả, bạn thù, đâu là
 điều nên làm và đâu là điều phải tránh. 

Lối nhồi sọ yêu tên độc tài của Tố Hữu:
"Ông Sta-lin ơi! Ông Sta-lin ơi!
Hỡi ôi Ông mất! Đất trời có không?
Thương cha thương mẹ thương chồng
Thương mình thương một thương Ông thương mười
Yêu con yêu nước yêu nòi
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu"
Thậm chí còn mù quáng yêu cả mao trạch đông, Trung quốc, yêu thế giới đại đồng viễn vông : "Bên nay biên giới là nhà, bên kia biên giới cũng là quê hương". 
Lịch sử cho thấy, việc chia cắt Việt Nam đã diễn ra đúng như kịch bản sắp xếp của Chu Ân Lai và người Mỹ đổ quân vào Việt Nam.. 
Cố thủ tướng Singapor Lý Quang Diệu nói chỉ có kẻ ngu mới đuổi Mỹ thì thơ Tố Hữu cổ vũ mọi người Việt Nam bừng bừng ra trận "đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng", "thức gác cho hòa bình thế giới":
"Sáng rồi ! Rộn rã trong tim
Đường về phơi phới, cánh chim tung hoành
Cờ bay Vạn lý trường thành
Bắc Kinh tay chị tay anh triệu vòng
Bạn mừng ta những chiến công
Vui như tiền tuyến giữa lòng hậu phương
(Nhật ký đường về).

Mao trạch đông thì kích động, khoác lác dụ dỗ: “Bảy trăm triệu nhân dân Trung Quốc là hậu thuẫn vững chắc của nhân dân Việt Nam, đất nước Trung Quốc bao la rộng lớn là hậu phương đáng tin cậy của nhân dân Việt Nam”.
Nhưng sự việc không đơn giản như vậy. Trung Quốc làm gì đều có tính toán sâu xa kể cả dám làm tất cả những điều mà người khác không dám làm, dám bỏ ra 500 năm xây dựng Vạn lý trường thành, Tần Thủy Hoàng dám chôn sống nửa triệu quân nước Triệu dù đã là hàng binh, buông vũ khí .. thì cái đường lưỡi bò chỉ là cái cớ cho cáo đặt chân vào biển Đông khi chính bản đồ của Trung Hoa đã xác định điểm cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam.. nên đất nước ta mới lầm than, tan nát, chia rẻ.. 
Kiệt quệ về kinh tế thì 10, 20 năm vẫn phục hồi nhưng hận thù, chia rẻ thì đôi khi hàng trăm năm nhất là môn lịch sử bị bàn tay bọn tình báo Hoa Nam phá hủy có hệ thống.. 

Chia rẻ để làm gì? ( Phải chăng để bọn cơ hội bán nước cầu vinh được hợp thức hóa " cõng rắn cắn gà nhà " mà không thể buộc được tội chúng?). Đó mới là điều đáng bàn và khắc phục? Hãy bắt đầu học vỡ lòng lại dạy làm Người, dạy yêu nước thương nòi. Có lẽ tình báo của Trung Quốc cài cắm được trong đầu não của bộ giáo dục nên ngành đã tuyển và chọn những người làm giáo dục nhưng thực chất là phản giáo dục qua biết bao nhiêu là vụ việc định hướng loanh quanh cải tiến, cải lùi chắc chỉ nhằm mục đích phá hoại nền giáo dục là cái gốc của văn hoá dân tộc Việt Nam? Mất cảnh giác đến nổi ngay trước hiểm họa của Trung Quốc đang ngày càng xâm lấn chủ quyền, bờ cõi tổ tiên thì chẳng những không củng cố, tăng cường môn lịch sử để hun đúc, khơi dậy, giáo dục lòng yêu nước cho giới trẻ - thế hệ chủ tương lai của đất nước thì lại muốn tích hợp lằng nhằng, rối rắm, tan hoang rồi để xoá ? Miệng nói chủ quyền của Việt nam nhưng không chịu kiện dù Hoàng sa bị Trung quốc cưỡng chiếm gần 50 năm mà lại ngụy biện vô liêm sỹ là để cho con cháu đòi nhưng không giao cho chúng một cái gì dắt lưng làm bằng chứng thì đòi cái gì? Nhớ rằng Công hàm 1958 hay sách giáo khoa Việt Nam trước đây từng in bậy bạ từ bỏ về chủ quyền biển Đông để bây giờ Trung Quốc đã dùng làm bằng chứng mà thấy đau đớn, căm phẫn vô cùng.

Làm người, ai cũng phải mắc lỗi nhất là những người năng nổ làm cách mạng nhưng khi sai lầm biết nhìn nhận và tìm cách làm sao tiến đến tương lai để những hệ quả sai lầm phải được chấm dứt, khắc phục thay vì tìm cách biện minh cho những lỗi lầm đó vì ích kỷ, hèn mọn, vong thân mà nguỵ biện chứng minh cho sự tiếp tục tồn tại những sai lầm để kéo dài sự lệ thuộc Trung Quốc làm đau khổ, lầm than cho dân tộc.. Congtrung Nguyen kính trọng cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông Trần Xuân Bách, tướng Trần Độ, Nguyễn Trọng Vĩnh, giáo sư Nguyễn Đình Cống , giáo sư Nguyễn Khắc Mai, giáo sư Tương Lai, đại sứ Nguyễn Trung.. thật sự là những trí thức, lão thành cách mạng chân chính dù ai cũng đã ngoài 80 tuổi, cụ Vĩnh ngoài 100 tuổi vẫn đau đáu cất tiếng thức tỉnh cho Tổ quốc, dân tộc..

Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng từng phản ứng: " Chửi phong kiến tùm lum thì vô tình đã chửi cha ông mình chứ còn gì nữa? Thử hỏi các vua Trần cùng Trần Hưng Đạo ba lần đánh tan quân Nguyên, Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi diệt quân Minh xâm lược và lên ngôi vua thì đều là " phong kiến " cả chứ gì? LIỆU CÓ AI DUNG TÚNG CHO CHUYỆN XÚC PHẠM ĐẾN ÔNG CHA? Thế mà cứ thoải mái chửi phong kiến thì khoa học cái nỗi gì? ".

Lịch sử không phải để hận thù mà là món quà giá trị cho dân tộc nhất là trí thức biết để thức tỉnh sinh tồn, để làm người khai sáng văn minh, tử tế.. Phải công tâm, khách quan soi rọi làm sáng tỏ cho ra những bài học có giá trị để không lặp lại các sai lầm mà kẻ thù truyền kiếp mong muốn để khai thác và chúng đang rắp tâm thực hiện bằng mọi giá cho dân tộc Việt Nam mất gốc, mất văn hoá, mất lịch sử..
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, đại dương, văn bản, ngoài trời và thiên nhiên


nhận xét hiển thị trên trang