Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2019

Lịch sử cần sự thật(*)




Hồi đầu năm 2010 đã rộ lên sự kiện một nữ nghiên cứu sinh người Việt tại Mỹ tên là Đào Ngọc Bích viết bài cho BBC nói rằng Việt Nam là từ Trung Quốc mà ra... (!) để rồi ngay sau đó bị đông đảo dư luận trong và ngoài nước phê phán rất dữ dội. Không chỉ vậy, chính cô cựu sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội này, trong nỗ tự lực bào chữa cho mình, đã “đổ tại” quá trình đào tạo môn lịch sử khi cô còn ở Việt Nam đã khiến cô tin như vây (!?). Tiếp theo cuối năm đó, nhân dịp đến tham dự Hội thảo quốc tế về  Biển Đông lần thứ 2 tại Tp Hồ Chí Minh một vị giáo sư danh tiếng của Trung Quốc tên là Vương Hàn Lĩnh đã tuyên bố xanh rờn rằng “Kể từ năm 1885 về trước Việt Nam là thuộc quốc của Trung Quốc...”. Vị này còn tỏ ý vừa khuyên vừa dọa phía Việt Nam nếu không biết "hợp tác" với Trung Quốc thì chỉ có thua thiệt!  
Thực ra, không phải chỉ một mình cô Bích hay ông Lĩnh mà còn khá đông đảo người Việt Nam và  Trung Quốc đều chưa hiểu đúng về lịch sử của đất nước mình, đặc biệt là lịch sử liên quan đến mối quan hệ lâu đời của hai quốc gia dân tộc “núi liền núi, sông liền sông” này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiểu biết lịch sử “lệch lạc” như vậy nhưng có một nguyên nhân sâu xa nằm ở những “góc khuất” trong sử sách  khi nói về nguồn cội dân tộc của mỗi nước. Vẫn biết, kẻ mạnh thường thắng kẻ yếu, và sự thôn tính lẫn nhau giữa các dân tộc, quốc gia vốn là một thực tế hiển nhiên trong lịch sử nhân loại, nhưng điều quan trong có tính nguyên tắc là, mọi sự thật lịch sử cần phải được tôn trọng và giữ gìn một cách trung thực. Với tinh thần đó, người viết bài này xin được nêu lên một vài điều suy nghĩ lâu nay để mọi người cùng suy ngẫm nhằm tìm ra một lời giải.  
       
             Một là, về cội nguồn dân tộc, có thể nói không chỉ truyền thuyết mà cả sử sách (của cả Trung Quốc và Việt Nam) dù có nhiều điều chưa được làm sáng tỏ thậm chí bị xuyên tạc , bưng bít... cũng cho thấy rằng nước Việt Nam ngày nay là một thực thể thống nhất duy nhất còn lại của Bách Việt- một tên gọi chung cho nhiều tộc người Việt đã từng định cư hàng ngàn năm trước Công nguyên trên vùng lãnh thổ rộng lớn từ bờ Nam Sông Dương Tử xuống miền Bắc Việt Nam ngày nay, phía Tây giáp Tân Cương, phía Đông giáp biển Thái Bình Dương. Qua sử sách cho thấy người Hán vào thời sơ khai Nhà Hạ (khoảng 2.000 năm trước CN) chỉ là một vương quốc nhỏ tại vùng xung quanh Bắc Kinh ngày nay. Nhưng từ đó họ đã không ngừng mở mang bờ cõi, chủ yếu theo hướng “nam tiến” với thế mạnh của kỵ binh và đã phải mất hàng ngàn năm để xâm chiếm, chinh phục và đồng hóa hầu hết các bộ tộc hoặc vương quốc có tên tuổi của người Bách Việt (xem bản đồ minh họa dưới đây*).

Đó là một quá trình kéo dài với biết bao biến cố lịch sử phức tạp mà trong đó có nhiều sự kiện đã bị lãng quên hoặc bị xuyên tạc, thậm chí bị “tráo đổi” tùy theo mục đích của các triều đại phong kiến thống trị trong các thời kỳ khác nhau, đặc biệt là thời nhà Hán và nhà Đường. Tuy nhiên có một thực tại không thể bác bỏ là, Lạc Việt (tên nước Văn Lang) mặc dù bị các triều đại phong kiến Hán-Hoa  thay nhau thống trị trong suốt thời kỳ dài được sử ta gọi là “ 1.000 năm Bắc thuộc” nhưng vẫn tồn tại và phát triển với tư cách một quốc gia dân tộc độc lập như ngày nay. Trong suốt quá trình đó đã có rất nhiều cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ của các tộc người Việt liên tục nỗ ra dù không thành công trọn vẹn cũng nói lên sự bất khuất kiên cường của dân tộc này.  Có thể nói, đó là quá trình lịch sử tang thương của Bách Việt nói chung, nhưng cũng là trang sử hào hùng đối với dân tộc Việt Nam nói riêng. Sự tồn tại và phát triển của Việt Nam không phải là trường hợp ngẫu nhiên mà là kết cục của cả quá trình đấu tranh sinh tồn của người Bách Việt nói chung mà các thế hệ sau này không bao giờ được phép lãng quên. Bởi lẽ, với không ít những dân tộc khác, chỉ cần vài trăm năm cũng đủ để "biến mất" trên bản đồ thế giới, thì sự tồn tại của dân tộc Việt sau 1.000 năm mất nước quả là rất đỗi phi thường rồi! Lại càng không thể đem ra so sánh những gì còn lại của ngày hôm nay giữa kẻ thống trị và người bị trị để kết luận rằng ai đã hơn ai! Chỉ có sự thật lịch sử chân chính không bị bóp méo mới có quyền quyết định sự so sánh này.  

Ở đây rõ ràng có vấn đề nỗi cộm là quan niệm thế nào về sự thật lịch sử và truyền thuyết.  Thử hỏi người Việt có thể làm gì trong 1.000 năm dưới ách đô hộ hà khắc của phương Bắc - kẻ duy nhất có quyền viết sử- nếu không sử dụng truyền thuyết?  Và truyềnthuyết đều nói lên rằng nguồn gốc tổ tiên của Việt Nam bắt nguồn từ Hồ Động Đình (thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc ngày nay) bắt đầu bằng Thời đại Hồng Bàng của Kinh Dương Vương (có sách ghi cụ thể năm 2879 TCN, tức cách nay gần 5.000 năm). Thuyết này trùng khớp với các câu chuyện cổ tích về Âu Cơ-Lạc Long Quân, các Vua Hùng, và cũng được thêu dệt bằng nhiều câu chuyện giả sử lưu truyền qua bao đời dân gian khác nữa. Đó là câu dân ca Việt cổ “Công cha như núi Thái Sơn (gần Hồ Động Đình), Nghĩa mẹ  như nước trong nguồn chảy ra…”; ngay cả bản thân truyền thuyết Thánh gióng đánh giặt Ân (tức nhà Thương) cho thấy bờ cõi nước Việt vào thời đó ắt phải ở sâu trên phía Bắc, chứ không thể là Vùng Bắc Ninh bây giờ (?). Nhưng câu chuyện truyền thuyết như vậy đều có giá trị lịch sử của chúng, và trên thực tế cũng đã một phần được kiểm chứng bằng một số kết quả nghiên cứu khảo cổ, nhân chủng và ngôn ngữ,  qua các di chỉ đồ đá,  Trống Đồng, nghề trồng lúa nước và  cả gen di tuyền v.v… Nếu kết hợp cả truyền thuyết với cổ sử đồng thời đối chiếu với các kết quả nghiên cứu của loài người , ta có thể nhận thấy trong suốt quá trình “nam tiến” và “đông tiến” của Hán tộc, các tộc người Bách Việt như Ngô Việt, Âu Việt, Dương Việt, Đông Việt, Nam Việt, Mân Việt, Di Việt v.v…. đều không thoát khỏi bị thôn tính và đồng hóa, để cuối cùng đều biến thành “người Hoa” hiện đại. Nhưng riêng một số tộc Bách Việt ở phía Nam, tiêu biểu là  Lạc Việt, Âu Việt  vẫn tồn tại, có thời kỳ bao gồm cả vùng đất Quảng Tây, Quảng Đông  của Trung Quốc xuống vùng Bắc Bộ của Việt nam ngày nay. Theo dòng lịch sử, ta còn thấy một thực tế là đã từng có rất nhiều người gốc Bách Việt tham gia vào bộ máy đô hộ của phong kiến Trung Hoa trong các thời kỳ khác nhau nhưng đã chọn Lạc Việt ( sau là Chân lạp, Giao Chỉ...) làm "hậu cứ" để chống lại Vương triều trung ương (như Hồ Quý Ly, Lý Bôn, Lý Bí chẳng hạn);  rất nhiều người trong số họ thực sự đã tái hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam và có khá nhiều người đã dựng nên các triều đại huy hoàng cho Đại Việt  như  Lý, Trần v.v...; trường hợp Triệu Đà  cùng đã được sử sách Việt nam từ trước thế kỷ thứ 18 coi là "vua Việt". Cũng đã từng diễn ra những đợt rời bỏ quê hương của người Hoa gốc Bách Việt thuộc nhiều thế hệ trước đến định cư tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Sử cận đại Trung Quốc cho thấy, mãi đến những năm 1940 danh từ “dân tộc Việt” mới bị Tôn Trung Sơn chủ trương xóa bỏ trong bản đồ dân số Trung Quốc. Cho đến này nay để ý thấy ít nhiều vẫn còn những tình cảm kỳ thị giữa các cộng đồng gốc gác Bách Việt tại Trung Quốc với người “từ phương Bắc”. Bản thân người viết bài này mới đây trong chuyến du lịch mấy tĩnh phía Nam Trung Quốc đã được dịp “kiểm nghiệm”điều này qua chuyện trò với một số người bản địa; dân bản địa vùng này bày tỏ bất bình trước các biện pháp hạn chế của chính phủ trung ương ngày càng  làm mai một ngôn ngữ bản địa (gọi là "Việt ngữ" lâu nay vẫn còn được  sử dụng tai các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông và cả Hồng Kông, Macau). Còn nhớ hồi  đầu năm 2000 sau khi Trần Thủy Biển  lên làm thủ tướng Đài Loan đã nêu cao tinh thần  “người bản địa” Mân Việt để đấu tranh  bảo vệ sự tồn tại độc lập với Đại lục. Bản thân Tôn Trung Sơn cũng là gốc người Bách Việt.

Thiết nghĩ, những sử liệu và sự kiện trên đây ít nhiều tự chúng đã nói lên những sự thật  khách quan xung quanh những “góc khuất” trong cổ sử và chính sử liên quan đến cội nguồn dân tộc và quan hệ giữa hai nước Việt-Trung. Khách quan mà nói nghiên cứu để tìm ra sựthật lịch sử mộtcvách khách quan sẽ là hướng đi tích cực nhất cho mục đích xây dựng mối quan hệ hữu nghị bình đẳng lâu dài giữa hai nước và cho lợi ích hợp tác hòa bình hữu nghị trong khu vực nói chung.
                 
Hai là, về nhân văn, tuy chỉ dựa vào các nguồn sử sách cổ để lại từ thời “1.000 năm Bắc thuộc”, ta cũng có thể thấy Việt Nam là kết tinh, là đại diện của Bách Việt. Về  góc độ văn hoá, kể cả phong tục tập quán, ngôn ngữ, Việt Nam và Trung Quốc  ngày nay có rất nhiều điểm tương đồng, đồng thời cũng có rất nhiều điểm khác biệt. Đặc điểm này  nếu được hiểu và vận dụng một cách đúng đắn sẽ có tác dụng tích cực cho việc phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị và bình đẳng giữa hai nước, chứ không có gì là không tốt như một số người có thể nghĩ. Tuy nhiên trên thực tế không được như vậy vì có quá nhiều sự thật đã bị xuyên tạc, có những giá trị đã bị “tráo đổi” trong suốt quá trình lịch sử hàng ngàn năm qua mà trong đó phần lợi bao giờ cũng nghiêng về phía kẻ mạnh. Xin đơn cử vài ví dụ: Thế giới lâu nay vẫn tin rằng Kinh Dịch là của người Trung Quốc. Nhưng thực ra gần đây các chứng cứ khảo cổ quốc tế đã cho thấy Trống Đồng không phải của người Hán mà là của các dân tộc phương Nam. Kết luận này cho phép các nhà nghiên cứu suy ra rằng những hình khắc biểu tượng Kinh Dịch trên trống cũng không phải của người Hán; và do đó chủ nhân của  Kinh Dịch chính là người Bách Việt, cụ thể hơn là của người Âu Việt và  Lạc Việt. Về ngôn ngữ, đã từ lâu người Việt Nam phải an phận đón nhận chữ Nho (tốt đẹp) của người Hán, mặc dù đã cố tạo dựng cho mình chữ Nôm như một nỗ lực độc lập (!) tuy không mấy thành công vì những lý do khác nhau. Nhưng có một số luận điểm khác cho rằng người Hán trong quá trình xâm lược đã sử dụng ngôn ngữ của người Bách Việt, cụ thể là của  Ngô Việt (tại vùng Việt Châu, tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến ngày nay) để cải tiến thành chữ Hán, rồi thành tiếng Trung hiện đại. Lập luận này dựa trên cơ sở nghiên cứu về ngữ nghĩa, âm thanh, ngữ pháp v.v… cho thấy một tỷ lệ rất cao các nhân tố ngôn ngữ Bách Việt trong tiếng Hán cỗ và tiếng Trung ngày nay. Đó là hiện tượng các danh từ nhưng có tính từ được xếp sau danh từ được thấy phổ biến trong Kinh Thi và ngay ở tên gọi các vị Thần Nông, Đế Nghiêu, Đế Thuấn vốn được coi là truyền thuyết  Trung Quốc ; từ “Việt” hiển thị với tầng số rất cao trong các tên địa danh ở miền Nam Trung Quốc; từ “giang” (sông) của tiếng Việt cổ được sử dụng cho hầu hết các con sông miền Nam Trung Quốc (trong khi ở miền Bắc gọi là “hà”); tuồng Kinh kịch ở phía Nam Trung Quốc ngày nay vẫn còn gọi là “Việt kich”; tiếng Quảng Đông được sử dụng ở Quảng Đông, Quảng Tây, Hồng Kông, Macau và nhiều cộng đồng người Hoa trên thế giới  gọi là Việt ngữ, v.v… Thuyết này đồng thời cũng đặt ra mối nghi vấn rằng di chỉ thẻ tre có khắc chữ Hán cổ là “giả mạo” vì vào thời đó người Hán chưa có mặt ở miền đất phía Nam nơi có cây tre đủ to để làm thẻ viết. Tương tự cũng có sự “nhập nhằng” về chủ thể của “con đường tơ lụa” vì đúng ra  người Bách Việt mới có thể là chủ thể của sản vật tơ lụa làm từ cây dâu tằm chỉ có ở vùng đất  phương Nam. Rất nhiều luận điểm và luận cứ tượng tự cũng đã được nhiều học giả Việt Nam và quốc tế nêu ra.
            Tóm lại, dù bị người Hán cố tình đồng hóa bằng rất nhiều thủ đoạn tinh vi và cường bạo như đốt sách, bắt từ bỏ, xóa bỏ  hoặc tráo đổi v.v…, nhưng các dấu tích Bách Việt  vẫn còn đó  cho đến ngày nay. Trong suốt quá trình đấu tranh sinh tồn khốc liệt bên thua trận ắt chịu nhiều mất mát, nhưng những gì là bản sắc riêng vẫn còn đó; và điều này có thể nhận thấy qua nhiều nét tương đồng giữa Việt Nam với các tỉnh phía Nam và Đông Nam Trung Quốc ngày nay cũng như với các nước Đông Nam Á.

Ba là, công tác nghiên cứu và giáo dục về lịch sử cần đi sâu hơn nữa về nguồn gốc dân tộc cùng các giá trị nhân văn trên tinh thần khách quan, dựa trên chứng cứ khoa học biện chứng lịch sử, khảo cổ, nhân chủng… (chứ không chỉ dựa vào sử sách củ để lại từ thời Bắc thuộc) . Thiết nghĩ, trong việc này  những kiến thức xác thực về Bách Việt sẽ giúp giải mã rất nhiều điều mà lâu nay chưa cảm thấy thỏa đáng hoặc chỉ là “ngộ nhận”. Công tác sử học cũng cần tập trung nghiên cứu và bổ cứu lại toàn diện, đặc biệt về lĩnh vực nguồn gốc dân tộc và nhân văn của người Việt nhằm làm sáng tỏ những kiến thức mang tính  truyền thuyết kết hợp với những chứng cứ lịch sử dựa trên cơ sở các kết quả nghiên cứu khảo cổ và gen di truyền v.v…Khi có đủ dữ liệu thì công khai  chỉnh sửa những mọi sự sai lệnh hoặc bị xuyên tạc hoặc bị giả mạo  trong sách sử củ dưới bất cứ hình thức nào, của bất cứ thời đại nào. Lý do là vì toàn bộ sách sử cổ của Việt Nam đều đã bị đốt và thủ tiêu trong các thời kỳ “10000 năm Bắc thuộc”; các sách sử hiện có, kể cả Đại Việt sử ký, đều là sử “chép lại” dựa chủ yếu vào các nguồn sử của các thời Hán, Đường và “hậu Hán Đường” nên không thể đảm bảo tính chính xác, trung thực và đầy đủ được; thật nguy hại nếu đã có những sự thật bị xuyên tạc, thậm chí đã bị tráo đổi trong đó.  Mặc khác, cũng cần thừa nhận những khiếm khuyết trong khâu giáo dục công dân về lịch sử trong thời gian qua ở nước ta với những hậu quả “nhãn tiền” như đã được nhiều lần cảnh báo trước công luận. Thật nguy hại nếu mọi công dân đều hiểu biết sơ sài, thậm chí hiểu sai lệch về lịch sử của đất nước mình. Ví dụ khi nói mình "con rồng cháu tiên" nhưng trong lòng phân vân không biết có đúng thật không vì thấy ở Trung Quốc người ta cũng nói như vậy; không biết tại sao người Việt có các họ giống như  người Trung Quốc, không biết chắc nên thiếu tự tin  rằng Trống Đồng là bảo bối của dân tộc Việt Nam; không dám đòi quyền chủ thể của Kinh Dịch, v.v…Tương tự, trong lĩnh vực ngôn ngữ , sao ta không đặt mạnh vấn đề nghiên cứu xem tiếng Việt có chữ viết cổ? Lẽ nào dân tộc ta chỉ có chữ Hán Nôm? Có lẽ vì không biết mình là ai, nên đến ngày nay vẫn lúng túng không biết nên bảo tồn cái gì, thay thế, xoá bỏ cái gì để thực hiện "trong sáng tiếng Việt"?. Thậm chí có người cứ “vô tư” nhận mình là "con cháu" của người Trung Quốc (trong khi phía bên kia không nghĩ như vậy). Cũng cần xem xét lại một số khái niệm và quan niệm như cho rằng văn hóa Việt “bị ảnh hưởng” của văn hóa Trung Quốc là không hoàn toàn chính xác (mà thực chất đó chỉ là một sự giao thoa và ảnh hưởng qua lại); cách hiểu về nguồn gốc đạo Phật, Đạo Khổng, về Chữ Nho và  Nho Giáo cũng có nhiều điều phải bàn thêm, v.v… Chỉ khi nào hiểu đúng về nguồn gốc dân tộc và tự tin với những giá trị nhân văn riêng biệt của mình, người Việt Nam ngày nay mới thực sự tìm lại chính mình và thoát khỏi nỗi mặc cảm truyền kiếp luôn thấy yếu kém và phụ thuộc các thế lực thần bí, thần quyền của "Vương triều Phương Bắc".
             
Thay cho lời kết     
              Những lập luận trên đây chỉ là ý kiến cá nhân của người viết để nhắc lại rằng dân tộc Việt Nam có cội nguồn lâu đời với những giá trị nhân văn không thua kém các dân tộc khác. Đó là một lịch sử cần được tôn trọng bằng các chứng cứ khoa học khách quan chứ không chỉ bằng truyền thuyết; ngay cả sử sách cũng phải được kiểm chứng lại bằng các kết quả nghiên cứu khoa học nghiêm túc. Theo hướng đó, bài viết chỉ nêu lên một thực trạng tình hình đồng thời gợi ra một số việc cần làm thêm (chứ không nhằm phê phán ai hoặc nước nào) với hy vọng góp phần đem lại sự hiểu biết đúng đắn hơn về lịch sử và cội nguồn dân tộc của Việt Nam cũng như các bên liên quan khác trong khu vực, coi đó là cơ sở để đảm bảo mối quan hệ hữu nghị, bình đẳng lâu dài giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như giữa các nước khu vực với nhau./.

Tài liệu tham khảo
-Mục Bách Việt  trong Bách khoa toàn thư mở -Wikipedia, và rất  nhiều tài liệu khác nhau được liên kết trong tài liệu này.
-Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
-Sử Trung Quốc, Nguyễn Hiến Lê 
-Việt Nam Sử Lược, Trần Trọng Kim 
-Tạp chí Xưa và Nay
-Bộ sách giáo khoa môn sử học phổ thông của Nhà XB Giáo Dục Việt Nam.
-*Công trình nghiên cứu nguồn gốc chủng tộc dựa vào gen di truyền (DNA) của M. Liu thuộc Mackay Memorial hospital và được Viện Nghiên Cứu Sức Khoẻ quốc gia của Đài Loan tài trợ chứng minh là các giống dân miền Hoa Nam, Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương có liên hệ gen di truyền khác biệt với chủng tộc Hán ở miền bắc. 
-* Sử dụng lại bản đồ của Nhóm nghiên cứu về Bách việt trên mạng internet- Nguồn: nhatnguyen.yolasite.com  Chú ý: những tên nước trong bản đồ này chỉ mang tính chất tượng trưng; trên thực tế chúng được thay đổi hoặc biến mất trong các thời kỳ lịch sử khác nhau. 
(*) Bài này đã được đăng trên TuầnVietnam:  http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-12-27-lich-su-can-su-that

Phần nhận xét hiển thị trên trang

LỤC BÁT PHẠM XUÂN TRƯỜNG, LÒNG CẢM KHÁI VÀ TINH THẦN PHẢN BIỆN...


Đặng Văn Sinh
Hai tập thơ mới xuất bản năm 2019 của Phạm Xuân Trường mang những cái tên rất chi là “khiêu khích”. Đó là “Kỳ hồ” và “Dị thảo”. “Dị thảo” thì có thể hiểu là loài hoa lạ, còn “Kỳ hồ” là gì? Trường hợp này, có vẻ như tác giả chơi chữ, cắt phần đầu của câu thơ “Lang bạt kỳ hồ, tái chí kỳ vĩ” ở bài 狼跋 “Lang bạt”, thiên 豳風“Mân phong” trong “Kinh thi” để đánh đố thiên hạ chăng? Nghĩa gốc của 狼跋其胡,载疐其尾 (Lang bạt kỳ hồ, tái chí kỳ vĩ) là con sói bước tới dẫm vào yếm lông trước cổ của mình, lui lại vấp phải cái đuôi của mình, ám chỉ sự lúng túng, không biết làm thế nào. Như vậy, ở đây đã có sự hoán đổi nội hàm câu thơ cổ Trung Quốc qua mấy ngàn năm du nhập vào Việt Nam như sự ẩn dụ bản tính nay đây mai đó của chàng thi sĩ lúc nào cũng tôn thờ “chủ nghĩa xê dịch”.
Có điều, Dù là KỲ HỒ hay DỊ THẢO thì xét đến cùng, đấy chỉ là danh xưng, cái quan trọng là nội dung cuốn sách. Chính nó mới làm nên diện mạo tác giả. Số giời đã định, những người sinh vào năm Đinh Hợi không phải là tuổi “thiên di” hay “du tử”, nhưng thơ thì khác. Cái chân không đi nhưng cái đầu thích “cựa quậy”, vì thế, cái đầu Phạm Xuân Trường luôn thường trực tư duy “xuống đường” như tác giả “Vang bóng một thời” với chiếc tẩu nạm bạc nổi tiếng lúc nào cũng gắn bên khóe miệng.
Quả có vậy. Cả hai cuốn sách hơn ba trăm trang, nếu thống kê rành mạch ra, thì có đến quá nửa là những bài thơ được Phạm Xuân Trường viết trong hoặc sau những chuyến “chu du” xuyên Việt chỉ với một mục đích tìm... “Dị thảo”. Nghĩ cũng lạ thật. Lạ và bái phục. Trong căn hộ tầng 4 thuộc một khu chung cư xập xệ, cũ rích, là sản phẩm còn sót lại của thời bao cấp, đáng lý ra phải “đào tận gốc trốc tận rễ”, xây cái mới để tránh rủi ro, thì một gã đầu óc hoang tưởng, lại an nhiên cư ngụ như chẳng có chuyện gì xảy ra. Phòng ngủ cũng là phòng làm việc của gã chứa toàn sách và những những bức chân dung gò đồng độc nhất vô nhị xứ Đông Dương. Còn lục bát thì thôi rồi, gã “sản xuất” nhanh như máy, mà bài nào cũng đầy ắp ý tưởng, vần điệu phóng khoáng, có thể khiến cho “quỷ khốc thần sầu”.
Ấy là nói vui tuy có vẻ hơi quá một chút, nhưng không sao, bạn tôi vốn là người dễ tính. Lục bát Phạm Xuân Trường trong “Kỳ hồ” và “Dị thảo”, cái tôi công dân và cái tôi trữ tình luôn kết hợp với nhau trong một tổng thể hoàn chỉnh. Với tư cách “người thơ”, cái tôi công dân bao giờ cũng tìm cách hòa nhập vào đời sống “đám đông” ở đẳng cấp dưới đáy xã hội. Ở đó, bằng sự dấn thân của một kẻ “tử vì đạo”, nhà thơ phóng chiếu cặp mắt “thần” nhìn thấu nỗi khổ đau nhân quần, đồng thời chỉ ra sự nhếch nhác, bẩn thỉu và tội ác của những đấng bậc tự nhận mình là kẻ “chăn dắt” muôn loài trên chín tầng cao rồi bỗng chốc “tung chưởng” hạ knock out chúng xuống chín tầng địa ngục.
Khác với “Cỏ cháy”, “Ở trọ hồn làng” hay “Bến chuồn chuồn”, phần lớn các bài “Kỳ hồ” và “Dị thảo” đều xác lập được cái nhìn đa chiều, thậm chí lật ngược từ trong ra ngoài tạo sự liên tưởng trong mối quan hệ hữu cơ giữa nội dung và hình thức. Có thể nói, với kỹ năng thượng thừa, tác giả đã biến lục bát thành một loại công nghệ mang tính đặc thù. Đó là công nghệ “made in Phạm Xuân Trường”, chỉ riêng tác giả độc quyền sở hữu, bởi nó vừa trần tục, vừa linh thiêng, vừa cao đạo nhưng cũng rất cô đơn trong một môi trường độc hại bởi sự ô nhiễm của đủ thứ vè “đồng nát”.
Cái “nghiệp” của Phạm Xuân Trường là lục bát. Lục bát nó vận vào người, nó “hành xác” ra trò, nên cũng như các tập trước đây, bao giờ thể loại thơ dân tộc này cũng chiếm tỷ lệ áp đảo. “Kỳ hồ”, tổng cộng 48 bài thì 39 bài lục bát. “Dị thảo” còn đậm đặc hơn, 44 lục bát trên 46 bài. Đúng là lục bát giống như một thứ “tà khí” đã ám linh hồn nghệ sĩ phù điêu họ Phạm xứ Hải tần phòng thủ...
Thế nhưng, đừng tưởng Phạm Xuân Trường không có “số má” trong kỹ nghệ thơ ngoài lục bát. Nhầm to đấy. Chỉ cần dẫn ra đôi bài bất chợt trong hai tập đang hiện diện trước mặt kẻ viết bài này, cũng đủ chứng minh, cha đẻ của gần một trăm bức phù điêu chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam và thế giới đông tây kim cổ không hề kém cạnh nếu so với nhiều nhà thơ nổi tiếng đương thời:
Đài tưởng niệm cho con dân yên nghỉ
Tạc trong lòng hồn Việt bốn ngàn năm
Sau bắt tay xòe ra đầy nấm độc
Ôm hôn rồi máu chảy sau lưng...
(”Ngẫm”, Kỳ hồ)
Ta đứng trên cầu Mặt Quỷ
Suối kêu ngỡ sóng Nại Hà
Thấp thoáng sương mù lõng thõng
Người trôi như những bóng ma.
(...)
Quỷ thất nghiệp đói cơm rách áo
Quỷ thâm cung nhuộm máu ngai vàng
Quỷ thơ chúng mình vỡ nợ
Niềm tin giữa chợ trần gian.
(“Cầu Mặt Quỷ”, Kỳ hồ)
Nhưng ta hãy trở lại với lục bát Phạm Xuân Trường qua “Kỳ hồ” và “Dị thảo”, thử khảo sát xem cái thứ lục bát “ma mị” ấy nó “ám” người đọc đến mức độ nào.
Đương nhiên, tinh thần công dân thì đúng rồi, có điều nó được thể hiện như thế nào qua ngôn ngữ và hình ảnh thơ? Trước hết ta phải ghi nhận, “khí thơ” trong cả hai tập này đều mạnh mẽ, ngang tàng thuộc về dương tính, cương cường như quẻ “càn” trong Dịch Kinh. Cái “khí” ấy dường như mang phẩm chất của hiệp sĩ giang hồ thời mạt pháp, lúc nào cũng sẵn sàng vung gươm bảo vệ lẽ phải theo phương châm “giữa đường thấy sự bất bằng mà tha”. Mở kho tàng thi ca của chàng du tử “lang bạt kỳ hồ” đầy ẩn ức bởi cái đầu khá nóng, người ta còn nhận ra, ngoài tư tưởng “nổi loạn” với chính mình, anh ta còn lưu giữ một lớp ngôn từ CẢM KHÁI về thân phận con người. Những vần thơ như thế, sau khi đọc, không khỏi làm ta rơi nước mắt bởi nỗi thống khổ, trầm luân của chúng sinh trong “cuộc trăm năm”. Cảm khái là một trạng thái tình cảm được cụ thể hóa thành thơ qua các thủ pháp nghệ thuật trong quá trình sáng tác, nhưng không phải ai cũng giống nhau. Nó vừa phổ quát lại vừa mang tính cá biệt. Sợ nhất là loại cảm khái “quốc doanh” của những nhà thơ “đồng nát”. Ở cấp độ “đồng nát”, người “sáng tác” chẳng khác gì loài chim anh vũ, vẻ ngoài sặc sỡ, nhưng tất cả đều hót cùng một giọng, biến cảm xúc tự đáy lòng thành thương vay khóc mướn, ăn theo đám đông phục vụ đấng quyền uy đang nắm sinh mệnh sống của mình. Loại thơ “ba dọi” ấy rất có hại cho nhân quần. Phạm Xuân Trường ghét cay ghét đắng chủ sở hữu của những sản phẩm như thế, đến nỗi sau khi buộc phải bắt tay một nhà thơ, chàng lập tức phải tẩy mùi xú uế:
Yêu nửa vời, ghét nửa vời
Nửa câu ai oán, nửa lời tung hô
Bất ngờ gặp lại bạn xưa
Bắt tay xong vội xuống hồ rửa tay...
(“Gặp một bạn thơ ở Hồ Gươm”, Kỳ hồ)
Nhìn chung, phần chủ đạo của phong cách nghệ thuật ở hai tập “Kỳ hồ” và “Dị thảo” là thái độ cảm khái được nâng thành triết lý nhân sinh. Những bài thơ mang đặc điểm này đều có TỨ rất vững, lại được gia cường bằng tinh thần nghĩa hiệp với cấu trúc lục bát kết hợp nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại nên tạo được những văn bản ngoài văn bản đầy ắp tính ẩn dụ, chẳng hạn như:
Nước non thành bãi chiến trường
Hồn lính thú khóc nắm xương lưu đày.
(“Thắp hương lạy Mẫu Thượng Ngàn”, Kỳ hồ)
Có thể thấy “xương lưu đày”, một thực thể hữu hình của lính thú trận vong đã là một hình ảnh có giá trị biểu cảm. Nhưng “hồn lính thú” khóc cho nắm xương tàn của mình nơi chiến địa thì giá trị biểu cảm còn cao hơn một bậc. Đó chính là sự cảm khái thẩm mỹ mà tác giả phải có sự rung cảm tâm hồn, một nỗi đau trần thế sâu nặng đến khôn cùng mới viết nổi.
Trong làng văn, trừ loại bồi bút “quốc doanh” ở tầm văn hóa “bán khai”, còn với những cây bút có lương tri, hầu hết đều đã đọc “Người chăn kiến” của Bùi Ngọc Tấn. Bùi Ngọc Tấn là một phạm nhân không án nhưng lại được nhà nước ta ưu ái cho nhập trại để “cải tạo tư tưởng gần hai “lệnh”. Trong tù, những lúc rỗi rãi, ông nghĩ ra trò “chăn kiến” để giết thời gian. Chăn kiến là một hành vi quái gở, nó được người tù nổi tiếng Đất Cảng phát minh bởi một hoàn cảnh quái gở vốn là sản phẩm của học thuyết đấu tranh giai cấp. Cảm khái về sự kiện không tiền khoáng hậu này, Phạm Xuân Trường viết bài lục bát tứ tuyệt nhưng đã hoán đổi nội hàm từ “người chăn kiến” sang “kiến bò miệng chén”:
Người chăn kiến” đã đi rồi
Lại mang anh đến đỉnh trời để xem
Cờ người một cuộc đỏ đen
“Kiến bò miệng chén” làm em giật mình.
(“Đọc Bùi Ngọc Tấn”, Kỳ hồ)
Đọc Phạm Xuân Trường, có những lúc ranh giới giữa sự “cảm khái” và lòng trắc ẩn bị xóa nhòa. Nó như hai vòng tròn đồng tâm nhưng bán kính khác nhau tuy cùng biểu đạt một khái niệm. Có thể xem “Bạn Việt kiều ở Mỹ về mời khêu ốc” trong tập “Dị thảo” là một trong số đó. Chuỗi hồi ức về tuổi ấu thơ gắn liền với những hình ảnh quê hương cây đa, giếng nước, sân đình gieo vào lòng người xa xứ nỗi buồn man mác, nhưng cái hiện thực đầy nghịch lý trước mắt mới làm cho cả kẻ ở, người đi nuối tiếc một thời đã qua:
Rồi ra bảy nổi ba chìm
Chúng mình tan tác như chim lạc bầy
Sân nhà “cái Cúc” chiều nay
Ốc khêu rút ruột đêm đầy đọa thơ.
(“Bạn Việt kiều ở Mỹ về...”, Dị thảo)
Có một điều ta phải ghi nhận, cái gọi là “cảm khái” trong hai tập “Kỳ hồ” và “Dị thảo” không chỉ giới hạn trong một cá thể hay sự kiện đơn lẻ. “Cảm khái” của Phạm Xuân Trường còn được nâng lên ở tẩm cộng đồng dân tộc. Cảm khái cho thân phận nhược tiểu khi mà tương lai đất nước được trao vào tay những kẻ bất tài, vô dụng nhưng lại nhiều tham vọng. Hình ảnh Cụ Rùa Hồ Gươm bị bức tử bởi ô nhiễm môi trường nước đã thành cái TỨ cho nhà thơ phóng bút viết những dòng đầy “tâm trạng”:
Cụ Rùa chết giữa mùa xuân
Tượng vua khuất lấp gươm thần ở đâu?
Cụ “tù” như thế đã lâu
Chứng nhân máu chảy rơi đầu bao phen
Ai trí dũng, ai thấp hèn
Gươm thiêng còn sáng hay hoen gỉ rồi
Biển Đông sóng dậy như sôi
Nước còn đất mất mà người bỏ đi.
(“Điềm giời”, Dị thảo)
Không phải lúc nào lục bát Phạm Xuân Trường chỉ có “gươm đao giáo mác”. Thực ra, anh chàng đầu bạc với mái tóc nghệ sĩ ấy thậm đa tình, đa cảm, đa đoan và đôi lúc còn “đa sự” nữa. Anh ta thích giễu người khác nhất là bọn thi sĩ “mất máu” nhưng cũng không ít lần giễu mình qua những vần thơ tự trào phảng phất tinh thần Don Quijote. Ấy là những lúc cái “máu” giang hồ bốc lên tạo thành nộ khí “xung thiên” trong căn phòng ẩn tàng hồn vía mấy chục vĩ nhân:
Buồn đem tiểu thuyết “Sống mòn”
Xem ra kiếp sống nay còn hơn xưa
Dẫu như lá ở sân chùa
Lương hưu thoi thóp rau dưa qua ngày...
(“365 ngày đều là tết”, Dị thảo)
Và đây là cái tình của người nghệ sĩ tự thấy mình bất lực trước nghĩa vụ làm đấng mày râu trong khi cuộc đời thực thì “cơm áo không đùa với khách thơ”. Tự trào kiểu Tú Xương, phẫn chí bởi chót dính với nghiệp thơ và cảm khái trước nỗi tảo tần của người bạn trăm năm, thi sĩ “gò đồng” hạ bút:
Em như cò vạc đồng sâu
Chồng ư? Một gã bạc đầu viển vông.
(“Gã mộng du”, Dị thảo)
Với phải yếu, bao giờ Phạm Xuân Trường cũng dành cho chị em những tấm chân tình, nhất là các cô gái quá lứa nhỡ thì, thuộc thế hệ X40, 50, từng hồn nhiên đem mạng sống của mình đặt cược cho tương lai bởi lời đường mật của những gã Sở Khanh nhân danh chủ thuyết “đấu tranh giai cấp”. Bản thân người viết bài này cũng từng có mấy năm lăn lộn rừng Trường Sơn, đã nếm đủ cay đắng ngọt bùi nên hiểu hơn ai hết thân phận của các thanh niên xung phong thời chiến loạn. Nói cho công bằng, không phải hàng trăm hay hàng ngàn mà đến mấy vạn phụ nữ từ Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên trở về mang trong mình hai thứ bệnh ghê gớm tàn phá sức khỏe và dung nhan là sốt rét và chất độc da cam. Trong khi đó, có cả triệu thanh niên trai tráng cầm súng “vô nam” nhưng, nói như Vương Hàn trong “Lương Châu từ” thì “cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”. Bài toán hậu chiến, người ta không muốn giải hay không thể giải. Đó là hệ lụy khiến những nữ anh hùng bất đắc dĩ của chúng ta không tìm được mái ấm gia đình. Người sống lay lắt nhờ vào sự cưu mang của đấng sinh thành hay anh chị em, kẻ xuống tóc nương nhờ cửa Phật, phó thác phần đời còn lại cho một viễn cảnh xa xôi chẳng biết có hay không trên cõi niết bàn.
Cảm khái về những thân phận người nữ thanh niên xung phong một thời bom đạn, từ những tập trước đây như “Cỏ Cháy”, “Ở trọ hồn làng” hay “Thần dược”, Phạm Xuân Trường đã có những bài lục bát rất xúc động. Đó là tình cảm chân thành qua những vần thơ như được chiết xuất ra từ máu thịt, minh chứng cho tâm thức kẻ quân tử lấy tinh thần thương yêu đồng loại làm hành động ứng xử. Trong số ấy, có thể kể đến “Giếng chùa” trong tập “Cỏ cháy”, “Vết sẹo” trong “Bến chuồn chuồn”, “Tự chọn”, “Hoa tầm xuân” và “Trước đền mười cô gái Lam Hạ” trong “Thần dược”. Hầu hết những bài thơ này đều lấy cảm hứng từ hình tượng người nữ thanh niên xung phong và hoàn cảnh bi đát của họ sau cuộc chiến mười năm huynh đệ tương tàn:
Đến kỳ lòng vẫn đổ mưa
Chợt nghe tiếng trẻ mà chua xót mình
Bao nhiêu vết sẹo đầu cành
Gió ơi! Còn hát biếc xanh làm gì.
(“Giếng chua”, Cỏ cháy)
Chị giờ tóc trắng như vôi
Vết thương ngày ấy “trở trời lại đau”.
(“Tự chọn”, Thần dược)
Soi gương ai ở trong hình
Thương thay cái bóng khóc mình trong gương.
(“Hoa tầm xuân”, Thần dược)
Cát lầm giun dế kêu oan
Chúng sinh như cỏ ngổn ngang là đời
Nào em hãy nhẹ bước thôi
Đừng giẫm lên cỏ cho người dưới đau.
(“Trước đền mười cô gái Lam Hạ”, Thần dược)
Tiếp nối mạch thơ trên, trong “Dị thảo”, Phạm Xuân Trường viết “Thế chấp”, một bài lục bát đắng lòng khi mà tuổi xuân của người con gái ngậm ngùi để lại ở miền ký ức:
Lấy gì để thế chấp đây
Tuổi xuân đã cạn mình đầy sẹo bom
Qua rồi cái thuở trăng non
Thân làm cột mốc đường mòn xe qua.
Thời gian nghiệt ngã, thế sự vô tình, hình hài còn lại ngày hôm nay chợt ước ao một điều không bao giờ xảy ra:
Giá mà trở lại đôi mươi
Em mang thế chấp nụ cười trăng non.
Với bạn bè, Phạm Xuân Trường có thái độ yêu ghét rõ ràng. Phẩm chất ấy được chuyển hóa cả vào thơ. Một mặt, do khinh bỉ loại thi sĩ “bưng bô”, đến nỗi, bắt tay ông bạn cũ xong, gã vội xuống hồ rửa tay, thế nhưng với bằng hữu lại thể hiện một thái độ hoàn toàn khác. Ở đó, ta bất chợt nhận ra một Phạm Xuân Trường chí tình, chí nghĩa, một gã bạch đầu mau nước mắt làm thổn thức lòng nhân thế. Những dòng “thi lệ” ấy còn hơn cả sự cảm khái khi mà nó xoáy vào tâm can mỗi chúng ta nỗi nhức nhối khôn nguôi bởi “cán cân tạo hóa rơi đâu mất/ Miệng túi càn khôn khép lại rồi”. Đó là một nữ sĩ Đoàn Lê đa tài đa đoan khi “cánh hạc về trời”:
Cuộc người cuốn giữa đục trong
“Hoa bèo” chìm nổi long đong một đời
Tình duyên chị vỡ làm đôi
Chiều nghiêng xóm núi đổ trời heo may
(...)
Gót hồng rời bến đa đoan
Nhẹ tênh rũ bụi trần gian chị về.
(“Đóa hồng nhan đã lìa cành”, Dị thảo)
Và một Nguyễn Trọng Tạo, thi nhân xứ Nghệ nhưng tâm hồn lại gửi mãi miền quê Quan họ:
Dốc cho cạn chén vô thường
Say ư? Chỉ tại thiên đường đảo điên
Dấu chân phiêu bạt trăm miền
Giờ về dưới cỏ bình yên kiếp đời.
(“Tạo ơi”, Dị thảo)
Cấu trúc lục bát ở đây khiến người đọc liên tưởng đến một khổ “Đoạn trường tân thanh”. Từng câu, từng chữ đều bi thương, ai oán, nhưng mặt khác cũng lại hàm ẩn sự an nhiên tự tại của một chủ thể nắm được quy luật muôn đời: con người ta sống mấy chục năm trên mảnh đất đầy thị phi này chỉ là cõi tạm.
Thế cho nên, với bác sĩ Nguyễn Thanh Tuyên, vừa qua đời vì căn bệnh hiểm nghéo, Phạm Xuân Trường khóc bạn trong sự cảm khái về thói đời đen bạc. Nỗi đau nhân thế chứa chất trong lòng, bị dồn nén đến độ bùng phát thành thứ ngôn ngữ lục bát như một câu hỏi không lời đáp:
Đưa Tuyên về “bến không màu”
Bạn văn chương sống xưa đâu hết rồi
Thế nào là bạc như vôi
Ngước lên di ảnh Tuyên cười bình yên.
“Chết như Tuyên sống chẳng quên bao giờ”, Dị thảo)
Viết về người bạn vong niên quá cố Thái Doãn Hiểu, Phạm Xuân Trường không chỉ khóc chia buồn mà tác giả còn dành hẳn một đoạn bình luận trữ tình ngoại đề về nhân tình thế thái. Đó là thứ tình cảm thiêng liêng được diễn đạt bằng tâm trạng của một người đa cảm, đa tình:
Rũ cho sạch bụi phong trần
Đục trong đời cũng có ngần ấy thôi
“Bùn còn ở chín tầng trời”
Trách chi trần thế nói lời giả nhân
Sau mưa mặt nạ phơi trần
Thì đành bất kính thánh thần anh ơi?
(“Thái Doãn Hiểu anh chưa bao giờ chết”, Dị thảo)
Lục bát là thể loại thơ đa chức năng vừa mang yếu tố trữ tình vừa có khả năng tự sự. Phạm Xuân Trường có biệt tài sử dụng thể thơ dân tộc luận bàn về thời cuộc như là một thao tác phản biện xã hội. Đương nhiên, không phải đợi đến “Kỳ hồ” và “Dị thảo”, mà kỹ năng này đã trở thành phong cách xuyên suốt quá trình sáng tác
Luận về thời cuộc hay bàn về thế sự, thực ra đều cùng một nội hàm, vấn đề là, ở từng bài cụ thể, nó là hiển ngôn hay hàm ý mà thôi. Nếu ở các tập trước như “Cỏ cháy”, “Ở trọ hồn làng”, “Bến chuồn chuồn” hay “Thần dược” có những bài “Chôn dọc”, “Làm vua”, “Ôi công nông”, “Chó đá”..., thì trong “Kỳ hồ” và “Dị thảo”, người đọc cũng dễ dàng nhận ra bút pháp đặc sắc ấy qua các bài “Thắp hương lạy Mẫu Thượng Ngàn”, “Giấc mơ đêm”, “Mưa Tây Bắc”, “Đọc Bùi Ngọc Tấn”, “Không gian Tam Đảo”, “Rối nước”, “Cờ người”, “Cả tin”, “Cỏ và tôi”, “Đĩa vỏ đạn đồng”, “Đèn cù”...
Trong bài “Giấc mơ đêm”, Phạm Xuân Trường tìm về ký ức, hình dung ra một đoàn quân sốt rét rụng tóc hành quân qua Cổng Trời vô cùng bi tráng:
“Đêm nào Tây Bắc cũng mưa
Đoàn quân không mọc tóc vừa qua đây
(...)
Sầm Nưa Tây Tiến là đây
Tàn nhang cong dấu hỏi này hỏi ai”.
(“Giấc mơ đêm”, Kỳ hồ)
Tuy nhiên, không phải lúc nào Phạm Xuân Trường cũng sử dụng lục bát làm phương tiện chuyển tải thông điệp nghệ thuật của mình. Những bài thơ tự do, cho dù chiếm tỷ lệ khá khiêm tốn nhưng giá trị phản biện của nó thì lại không khiêm tốn chút nào. Nếu đọc kỹ bài “Không gia Tam đảo” và “Bất chợt” chúng ta sẽ thấy tác giả muốn nói gì.
Ở “không gian Tam Đảo” thời “đỉnh cao trí tuệ” buộc người ta phải tìm về quá khứ để đối chiếu với hiện tại khi mà 143 biệt thự bị san phẳng trong chiến dịch vĩ đại “tiêu thổ kháng chiến”:
Đập cái cũ xây nên cái mới
Tam đảo mấp mô chen lấn xô bồ
Gió gấp khúc ngoằn ngoèo như trốn nợ
Móng nhà này ngồi lên nóc nhà kia.
(“Không gian Tam Đảo “, Kỳ hồ)
Đó những công trình kiến trúc mang tính nghệ thuật cao do một kiến trúc sư người Việt nổi tiếng thiết kế. Sự kiện này đã được nhà văn Hà Đình Cẩn tái hiện rất chi tiết trong tiểu thuyết “Tam Đảo mù sương”. Bằng vào mệnh lệnh của một người (hay nhóm người) chưa đọc thông viết thạo chữ Quốc ngữ nhưng lại được trang bị vũ khí “chuyên chính vô sản”, chỉ trong một sớm một chiều, bức tử cả một quần thể kiến trúc đồ sộ mà cả trăm năm sau cũng không phục hồi nguyên dạng được.
Một bài thơ tự do khác cũng mang tinh thần phản biện nhưng nó ở dạng hiển ngôn nên lại càng sắc bén. Đây cũng là tâm lý chung của “một bộ phận không nhỏ” cộng đồng dân tộc mỗi khi ngồi trước màn ảnh nhỏ, có điều không phải ai cũng nói được bằng thơ:
Bật ti vi cốt nghe thời tiết
Bẵng đi không biết nói gì
Bất chợt diễn viên hài choang choác
Khoác áo hoàng bào đội mũ bình thiên
Lại rao giảng một niềm tin giẫy chết
Hất chén rượu buồn
Tắt ti vi...
(“Bất chợt”, Kỳ hồ)
Trong thơ mình, Phạm Xuân Trường coi cuộc đời này là một ván cờ mà người chơi được nhìn nhận như đấng “Tạo hóa”. Nói vậy, nhưng thật ra, cái gọi là tạo hóa ấy cũng chỉ là những con người, do những điều kiện xã hội thuận lợi, nhảy vào cuộc chơi. Ván cờ người ở đây chính là ván cờ đời, nên tính chất vô cùng khốc liệt. Đọc những vần lục bát miêu tả trận chiến của tác giả khiến không ít bạn đọc nổi da gà:
Cao tay lừa miếng cuối cùng
Giả thua để kẻ kiêu hùng sảy chân
Cuộc người loáng thoáng phù vân
Tốt đen, tốt đỏ cứ vần vũ xoay
Qua hà thạch tín bủa vây
Sĩ điều chết bởi bàn tay vô hình
Chợ cung đình - ván chúng sinh
Hậu cung bao kẻ cố tình giật dây.
(“Cờ người”, Dị thảo)
Sau chuyến du hành phương Nam, vào tận chót Mũi Cà Mau rồi quá giang qua thăm gia đình chủ trang trại thủy sản Phạm Quang Tuyến ở Đồng Tháp, Phạm Xuân Trường ngược về xứ Gia Định xưa, ngẫu hứng viết “Một thoáng Sài Gòn” như một liên khúc với 5 bài lục bát tứ tuyệt. Tuy mỗi bài thơ đều gắn với một tên đường tên phố hay sự kiện lịch sử, nhưng tất cả đều có một mẫu số chung là những suy ngẫm về hiện tại, quá khứ, từ đó dự phóng một tương lai cho vùng đất từng được coi là “Hòn ngọc Viễn Đông”:
Xếp hàng trước cổng sắt cao
Ba mươi ngàn - một vé vào tham quan
Sa lông vẫn phủ gấm vàng
Nền Cộng hòa cớ sao tan hả giời?
(...)
Thâm nghiêm vật đổi sao dời
Mới hay dâu bể cuộc người nổi trôi
Sau dinh Độc Lập ta ngồi
Cà phê như giọt máu rơi chậm buồn...
(“Một thoáng Sài Gòn”)
Trên đây chính là hồn vía của “Kỳ hồ” và “Dị thảo”. Trộm nghĩ, chỉ thế là đủ, chả cần dài dòng lôi thôi, mất thời gian của bạn đọc...
Chí Linh, 15 tháng 10 năm 2019
Đ.V.S.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2019

THƯƠNG TIẾC 39 NẠN NHÂN, NÓI THÊM MỘT ĐIỀU KHÓ NÓI


39 người chết thảm trong container đông lạnh ở Anh đã được xác định là người Việt khiến cho cả thế giới cùng đồng bào ta bàng hoàng. Dù đến Anh để làm những việc bất hợp pháp vì sinh kế hay mong được “đổi đời” thì họ đều đáng được đồng bào và đồng loại thương tiếc. Đáng căm ghét là bọn buôn người và đáng buồn là đất nước vẫn chưa có nhiều cơ hội cho sinh kế, không phải chỉ cho họ mà cho rất nhiều đồng bào nghèo của chúng ta. Chuyển sang kinh tế thị trường là cơ hội lớn nhất cho sinh kế của người dân, nhưng kinh tế thị trường nửa vời như hiện nay vẫn chưa tạo được nhiều cơ hội cho đông đảo người nghèo, mặc dù tốc độ giảm nghèo ở nước ta được coi là “ngoạn mục”. Đừng nghĩ có 1 tỷ đưa cho bọn buôn người để sang Anh là khá giả. Hầu hết số tiền kia đều là tiền vay mượn.
Phiêu lưu sang Anh chỉ là một con đường. Rất nhiều người nghèo còn phiêu lưu vào những chuyện khác, như buôn bán vận chuyển ma túy. Phiêu lưu sang Anh và phiêu lưu vào con đường buôn bán vận chuyển ma túy có giống nhau không ? Gần giống nhau. Giống nhau ở chỗ bất hợp pháp và giống nhau ở sự rủi ro.
Và nhiều năm qua, có rất nhiều người nghèo tham gia vào đường dây buôn bán vận chuyển ma túy đã bị tử hình. Họ có đáng thương không ? Sao lại không ! Họ chính là nạn nhân của các trùm ma túy và sự chưa thấu tình của luật pháp.
Bộ luật hình sự mới nhất đã loại bỏ án tử hình đối với 2 tội trong nhóm tội phạm về ma túy. Đó là Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249) và Tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252). Còn Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 150) và Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251) thì vẫn còn giữ án tử hình. Trong hai tội này có rất nhiều người nghèo tham gia và bị các trùm ma túy lợi dụng. Nhiều người nghèo khó vì sinh kế mà phiêu lưu vào các đường dây này đã bị tử hình, họ rất đáng thương nhưng không thấy ai thương xót.
Chúng ta áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm ma túy với mục đích là làm giảm tệ nạn này, nhưng tệ nạn không hề giảm mà ngày càng gia tăng. Các phiên tòa liên tục diễn ra, các chiến công của lực lượng công an liên tục được báo cáo, còn ma túy thì vẫn liên tục được “phổ cập”.
Để giảm tệ nạn ma túy, có lẽ cần nghĩ đến những giải pháp căn cơ hữu hiệu hơn chứ không phải áp dụng tràn lan án tử hình. Vì lẽ đó, nên bỏ án tử hình đối với những người nghèo vì sinh kế mà tham gia vào các đường dây mua bán vận chuyển ma túy. Luật pháp cần có phân biệt, nghiêm khắc đối với những kẻ chủ mưu nhưng nên khoan dung đối với những thân phận khốn khó phải tìm sinh kế.
HOÀNG HẢI VÂN
Update : Mới đưa cái tút trên đây đề nghị xóa án tử hình cho những người nghèo vì sinh kế phải tham gia đường dây mua bán vận chuyển ma túy và bị các trùm ma túy lợi dụng, đã bị nhiều đồng bào lên giọng dạy dỗ, rằng thế này rằng thế kia. Trong khi trên thế giới, đã có 103 quốc gia đã hoàn toàn bãi bỏ án tử hình cho mọi loại tội danh và 30 quốc gia bãi bỏ trên thực tế (số liệu tính đến cuối năm 2015). Số quốc gia còn duy trì án tử hình chỉ là thiếu số. Trong số các quốc gia còn áp dụng án tử hình cũng còn rất ít quốc gia áp dụng đối với tội phạm ma túy. Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhiều lần ra Nghị quyết kêu gọi ngừng thi hành án tử hình để tiến tới bãi bỏ án tử hình trên toàn thế giới (trả lời cmt đã bị xóa của anh Song Bien Tan Vinh và những người khác).

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐƯỜNG LƯỠI BÒ : PHẢI CƯƠNG QUYẾT CẮT ĐỨT



1. Tập Cận Bình hoàng đế muốn để lại cho sử sách Trung Hoa biên cương mới của Trung Quốc là đường lưỡi bò. Đây là chính sách không lùi bước của Tập. Cho nên chưa bao giờ như lúc này Tập hành động mạnh mẽ đến như vậy về đường lưỡi bò.
Về mặt truyền thông - biên giới Trung Quốc khắp mọi nơi được vẽ thêm đường lưỡi bò: Trên bản đồ, trong sách giáo khoa, trên hộ chiếu, trong phim ảnh, trong mọi ấn phẩm và đồ vật..., thậm chí ngay cả tại cuộc duyệt binh - lãnh thổ Trung Quốc được nối dài bằng đường lưỡi bò.
Về thực địa, Tập cho xây đảo nhân tạo. Tập đặt căn cứ quân sự ở Hoàng Sa và trên đảo nhân tạo ở Trường Sa. Đưa người ra sinh sống và du lịch ở Hoàng Sa và Trường Sa. Đuổi Việt Nam, Philippines, Malaysia ra khỏi đường lưỡi bò. Khống chế, kiểm soát toàn bộ vùng biển đường lưỡi bò. Trên thực tế, khi mà ngư dân Việt Nam, Philippines, Malaysia không được đánh cá ở trong đường lưỡi bò thì đó là sự khẳng định chủ quyền thực tế của Trung Quốc.
Với việc Trung Quốc ngăn cản Việt Nam khai thác dầu trong vùng đặc quyền kinh tế ở Bãi Tư Chính, đưa tàu Địa chất 8 ra khảo sát ở Bãi Tư Chính, tuyên bố Bãi Tư Chính là của Trung Quốc - Tập đã thành công tiến xa thêm một bước trên con đường mở rộng biên giới mới của Trung Quốc đúng bằng biên giới đường lưới bò.
Cần thiết phải lưu ý rằng, trong khi ở Biển Hoa Đông, tuy tuyên bố đảo Senkaku (Điếu ngư đài) là của Trung Quốc, nhưng Tập không dám vẽ đường biên cương mới. Đó là sự khác biệt giữa Nhật Bản và các nước Đông Nam Á.
Mở rộng lãnh thổ Trung Quốc bằng đường lưỡi bò là mở rộng lãnh thổ thực. Còn mở rộng quyền lực bằng “một vành đai một con đường” là mở rộng quyền lực mềm. Đó là hai mục tiêu rất quan trọng và thực tế của Tập Cận Bình nhằm đạt được hai mục tiêu khác nữa: Một là, biến Trung Quốc thành cường quốc số 1 thống trị thế giới; Hai là, gom trọn uy tín, loại bỏ các đối thủ chính trị, thâu tóm quyền lực tuyệt đối.
Đường lưỡi bò là mục tiêu đá tảng số 1 của Tập Cận Bình nhằm phục vụ cho hai mục tiêu lịch sử của Tập: Quyền lợi quốc gia và danh vọng cá nhân.
2. Bởi thế, Việt Nam phải hành động cương quyết, cắt đứt đường lưỡi bò tham lam vô độ của Tập. Cũng trên hai mặt trận, truyền thông và thực địa.
Về mặt truyền thông, Nhà nước phải tức thì đưa ra các nghị định - và đúng hơn nữa là các luật mới - về đường lưỡi bò. Tình trạng khẩn cấp phải có những bộ luật khẩn cấp. Đó là điều đương nhiên Trong đó, đến mức cho phép bỏ tù những người vi phạm. Chẳng hạn sau đây là vài đề nghị phác hoạ.
Không cho bất kỳ ai nhập khẩu vào Việt Nam bất cứ thứ gì có đường lưỡi bò. Phải thiêu huỷ tức thì, tại chỗ mọi thứ chứa đựng đường lưỡi bò khi phát hiện.
Xử phạt bao gồm cả bỏ tù: Người nhập khẩu và người kiểm duyệt.
Với công dân Trung Quốc: từ chối nhập cảnh khi mang bất cứ thứ gì có đường lưỡi bò, bao gồm cả hộ chiếu có in hình lưỡi bò, vì xâm phạm chủ quyền Việt Nam.
Nếu công dân Trung Quốc sau khi đã nhập cảnh, lại mang đồ vật hình lưỡi bò, thì tiêu huỷ, phạt nặng tiền, bỏ tù ngắn hạn rồi trục xuất.
Những điều vừa nêu chỉ là thí dụ. Bộ luật về đường lưỡi bò ra đời kịp thời sẽ cho phép đối phó hiệu quả với các hành động xâm phạm chủ quyền từ Trung Quốc.
3. Không phải cực đoan, mà trước hành động xâm lược lãnh thổ không khoan nhượng của Tập Cận Bình thì Việt Nam phải có đối sách cương quyết. Nếu không sẽ mất thêm biển đảo cho Tập.
“Mềm dẻo” đến nỗi không dám gọi đích danh quân xâm lược Trung Quốc chỉ là vỏ bọc của những kẻ khiếp sợ.
Đây là thời điểm Đất Nước cần những nhà lãnh đạo trí tuệ và dũng mãnh.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ai là bạn, ai là thù của Trung Quốc?*

Bài này có từ 10 năm trước. Một số sự kiện đã thay đổi nhưng nội dung chính vẫn còn có thể tham khảo làm tư liệu- HG

Trong nhiều năm nay, đặc biệt mấy năm trở lại đây, trong khi ráo riết vừa công khai vừa ngấm ngầm tiến hành nhiều thủ đoạn khác nhau để thực hiện chủ trương “thu hồi lãnh thổ và biển đảo” (mà thực chất là chủ nghĩa bành trướng đại Hán),  giới lãnh đạo  Trung Quốc còn ngấm ngầm dung túng cho các "kênh" thông tin “phi chính phủ” trên internet coi đó như một phương tiện để tiến hành công tác xuyên tạc sự thật lịch sử, kích động chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và tấm lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng v.v…
Trong số những thông tin “tạp phế lù” đó, chủ blog tôi thấy có 2 bài có cùng nội dung trực tiếp liên quan đến chủ đề “cán cân lực lượng “ (balance of force) và trực tiếp liên quan đến Việt Nam nên xin trích đăng lại để tiện làm nguồn tham khảo cho bạn đọc nào quan tâm. 
Tôi nhắc lại “chỉ để làm nguồn tham khảo” và chỉ tham khảo về mặt “động thái”, chứ không có giá trị thông tin tư liệu, bởi vì cách lập luận trong đó hòan toàn mang tính chủ quan, phiến diện và các thông tin cũng thiếu độ tin cậy. Cũng mong rằng bạn đọc hãy luôn giữ được “cái đầu lạnh” khi đọc để tránh bị kích động hoặc bị mắc mưu của những kẻ chủ trương của các bài viết đó. 
Hai bài viết này đều được đưa ra trong dịp trước Hội nghị Cấp cao APEC 18 và được phổ biến trên các mạng bán chính thức của Trung Quốc, và cũng đã được đăng lại trên khá nhiều tạp chí và mạng internets của các nước khác. Cả hai bài này đều được dịch giả Việt Nam lược dịch từ các ngoại ngữ khác nên có thể không hoàn toàn đảm bảo tính nguyên vẹn và độ chính xác cao nhất có thể so với nguyên bản tiếng Trung. Hai bài viết có tựa đề 1)  “6 NƯỚC ĐƯỢC TRUNG QUỐC BẢO VỆ” và 2)  “10 NƯỚC CÓ THỂ TẠO THÀNH NGUY CƠ LỚN NHẤT ĐỐI VỚI TRUNG QUỐC” lần lượt được đăng nguyên văn bản dịch dưới đây. 
*(Tiêu đề chung và ảnh minh họa do là của chủ blog tôi)   


Bài 1: 6 NƯỚC ĐƯỢC TRUNG QUỐC BẢO VỆ

1. Pakistan
Liên minh quân sự thực tế giữa Trung Quốc với Pakistan bắt nguồn từ phương án Mountbatten [1] do đế quốc Anh đề xuất. Sau khi Ấn Độ và Pakistan tách ra, hai nước này trở thành thù địch. Từ ngày bắt đầu nổ ra chiến tranh Ấn Độ-Pakistan lần thứ hai, mối quan hệ giữa Trung Quốc với Pakistan từ tình cảm hàng xóm nâng cấp thành tình cảm anh em sắt đá. Pakistan cần được Trung Quốc bảo vệ mà Trung Quốc cũng cần có sự phối hợp chiến lược của Pakistan. Hai nước cùng hội cùng thuyền trải qua nhiều thách thức. Từ Trung Quốc giúp Pakistan chống Ấn Độ cho tới Pakistan lên tiếng ủng hộ Trung Quốc trên sân khấu quốc tế, mối quan hệ giữa hai nước còn chặt chẽ hơn cả quan hệ Mỹ-Israel .
Trung Quốc không tiếc sức tăng cường viện trợ quân sự cho Pakistan khiến Ấn Độ ủ rũ kém vui. Nghe nói tới 60% quân đội Pakistan do Trung Quốc đài thọ chi phí. Báo chí Mỹ ngạc nhiên: “Bất kể tình hình ra sao, chỉ cần Ấn Độ còn tồn tại một ngày thì Pakistan mãi mãi không tách rời sự bảo vệ của Trung Quốc.

2. Triều Tiên
Hiện nay hơn 90% viện trợ đến từ Trung Quốc. Một quan chức cấp cao Triều Tiên cách đây ít lâu trốn sang Hàn Quốc từng nói: “Nếu Trung Quốc cắt viện trợ và ngừng bảo vệ chính quyền Kim Jung-il thì vương triều họ Kim lập tức sụp đổ.”
Cho dù Trung Quốc-Triều Tiên từ năm 1950 đã lập đồng minh quân sự nhưng về sau do yếu tố Liên Xô mà hai nước tranh cãi nhau. Sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Triều Tiên vẫn phải dựa vào sự bảo vệ về chính trị và quân sự của Trung Quốc. Yêu hoặc ghét cũng thế, nếu có chuyện thì Trung Quốc vẫn phải bảo vệ Triều Tiên.
Nhìn bản đồ Đông Bắc Á sẽ thấy, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản gầm ghè nhìn Triều Tiên; Trung Quốc-Triều Tiên gắn bó như môi với răng, huống chi từ xưa Trung Quốc đã có mối quan hệ chính trị máu thịt với Bắc Triều Tiên. Bởi vậy, Trung Quốc không còn lựa chọn nào khác là bênh vực Triều Tiên.
3. Myanmar
Hiện nay lực lượng quân sự Myanmar được Trung Quốc giúp. Hầu hết các loại vũ khí tiên tiến đều do Trung Quốc cung cấp. Ngoài ra 80% nền kinh tế nước này cũng do Trung Quốc nâng đỡ.
Năm 2003 quan hệ Trung Quốc-Mỹ xảy ra sóng gió, nguyên nhân là Mỹ định dùng quân sự lật đổ chính phủ Myanmar được Trung Quốc ủng hộ. Sau khi Trung Quốc lên tiếng ủng hộ Myanmar về ngoại giao và Trung Quốc tiến hành bố trí quân sự, Mỹ đã rút lui.
Năm ngoái Myanmar dời thủ đô lên phía Bắc 200 km nhằm nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc nhiều hơn. Báo chí Ấn Độ nói Myanmar đã trở thành nước vệ tinh của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương.
Báo Mỹ tiết lộ: hợp tác quân sự Trung Quốc-Myanmar không bình thường. Trung Quốc luôn luôn dùng cách cung cấp trang bị quân sự, phát triển các cơ sở hạ tầng quân sự để xây dựng quân đội Myanmar. Hiện nay lục quân Myanmar đã tiếp nhận khối lượng lớn phần cứng quân sự gồm xe tăng, xe thiết giáp, trọng pháo, trang bị phòng không, nhiều loại xe cũng như nhiều vũ khí cá nhân do Trung Quốc sản xuất.
Theo báo Mỹ, lực lượng không quân Myanmar gồm các loại máy bay chiến đấu như 60 chiếc Tiêm-7, 12 chiếc Tiêm-6 và 36 chiếc máy bay cường kích lọai Cường-5. Như vậy không quân Myanmar đã có trên trăm chiến đấu cơ Trung Quốc. Ngoài ra năm 2009 Myanmar còn đặt mua 50 chiếc máy bay phản lực huấn luyện kiêm cường kích loại nhẹ kiểu K-8 do Trung Quốc và Pakistan kết hợp chế tạo.
Trong trận bão lốc Nargis năm 2008, hải quân Myanmar bị chìm 25 tầu, hiện nay cơ cấu lực lượng quân sự rất yếu. Nhờ làm đường ống dẫn khí đốt Myanmar cung cấp cho Trung Quốc nên chính phủ Myanmar có đủ kinh phí để tiếp tục mua vũ khí của Trung Quốc. Myanmar còn được Trung Quốc giúp xây dựng bến cảng và nhà máy đóng tàu. Ấn Độ cho rằng những cơ sở hạ tầng này có thể được Trung Quốc sử dụng khi họ đóng quân tại vịnh Bangladesh. Ngoài ra Trung Quốc còn xây dựng các trạm thu thập tình báo-tín hiệu điện tử trên một số đảo của Myanmar, có thể dùng để theo dõi hoạt động của hải quân Ấn Độ tại nơi Ấn Độ bố trí nhiều cơ sở chiến lược.
Năm 2009 Myanmar còn ký thỏa thuận mua của Nga 570 triệu USD máy bay Mig-29.

4. Campuchia
Trung Quốc và Campuchia có tình hữu nghị truyền thống lâu đời. Từ 1958 sau khi hai nước lập quan hệ ngoại giao, mấy thế hệ nhà lãnh đạo Trung Quốc xây dựng được tình bạn sâu sắc với quốc vương Xihanuc, tạo cơ sở bền vững về chính trị và quân sự giúp phát triển lâu dài mối quan hệ hai nước.
Trung Quốc không ngừng giúp Campuchia giải quyết thành công các tranh chấp nội bộ, còn gúp Campuchia chống Việt Nam. Hai nước không tồn tại bất cứ vấn đề lịch sử nào. Hiện nay hơn 50% lực lượng kinh tế và quân sự của Campuchia dựa vào viện trợ của Trung Quốc. Trung Quốc đã tuyên bố hủy các khoản Campuchia vay nợ Trung Quốc đến hạn trả và xây dựng “mối quan hệ bạn bè hợp tác toàn diện” với Campuchia.

5. Kazakhstan
Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc mới đây, Tổng thống Kazakhstan Nazarbayev đã tìm kiếm sự bảo vệ về chính trị và quân sự từ Trung Quốc. Hai nước đã ký kết Hiệp ước hợp tác hữu hảo láng giếng Trung Quốc-Kazakhstan, trong đó có một điều khoản rất quan trọng là Kazakhstan tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân (có thể là vũ khí Liên Xô để lại) và Trung Quốc cung cấp bảo đảm quân sự cho Kazakhstan.
Ngoài ra Kazakhstan cũng ký Hiệp ước tương tự với Nga.

6. Lào dĩ nhiên là nước được Trung Quốc bảo vệ.
Ngoài 6 quốc gia nói trên thì trong cuộc cạnh tranh chính trị Trung Quốc-Ấn Độ, các nước Butan, Nepal, Bangladesh và Sri Lanka cũng đang tìm kiếm sự bênh vực của nước ngoài, 4 nước này đều tiếp nhận sự ủng hộ chiến lược và viện trợ quân sự của Trung Quốc. Mông Cổ chịu tác động của 3 nước Mỹ, Trung Quốc, Nga, cho nên không phải là nước được Trung Quốc bảo vệ.

Ghi chú của người dịch:
[1] Tức Mountbatten Plan: phương án tách thuộc địa của Anh trên tiểu lục địa Ấn Độ thành hai nước Ấn Độ và Pakistan, do Mountbatten Tổng đốc Ấn Độ (người của chính phủ Anh) đưa ra tháng 6/1947.
Nguồn:
[世界上]被中国军事保护的六个国家
[ 中国智库 www.chinathinktank.cn 2010年11月5日] 发布:三略观察
http://www.chinathinktank.cn/ShowArticle.asp?ArticleID=19697



Bài 2: 10 nước tạo thành nguy cơ lớn nhất với Trung Quốc

SỐ 10: PHILIPPINE:
         - Nguy cơ: 7 điểm
Thực lực: 4 điểm
Tổng điểm: 5,5 điểm
Bằng chứng: Người Mỹ đã giải phóng Philippine. Hiện nay Philippine là đồng minh trung thành nhất của Mỹ ở Đông - Nam châu Á. Ngoài ra, Philippine chưa bao giờ từ bỏ ý đồ giành lại các hòn đảo phía Nam của Trung Hoa, họ liên tục chiếm đóng một phần quần đảo Hoàng Sa. Súng đạn của Philippine thường xuyên bắn vào ngư dân Trung Quốc, cờ của Philippines lúc nào cũng bay phấp phới trên lãnh thổ Trung Hoa. Philippine là đất nước mà trung Hoa chưa bao giờ dám coi thường. Những đảo Trường Sa hay Hoàng Sa là một quần đảo nằm ở phía tây - nam của Biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là “Biển Đông”), gồm hàng 100 đảo nhỏ, bãi san hô, đá ngầm, tổng diện tích của chúng không dưới 5km2. Diện tích chung của toàn khu vực lên tới trên 400 nghìn km2, điểm  trung tâm của khu vực này cách các đảo Palawan và Kalimantan 400 km, cách bờ biển Việt Nam 500 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 1000km. Lãnh thổ của các đảo này này lúc nào cũng là đối tượng tranh chấp trực tiếp của 6 quốc gia Trung Quốc, Việt Nam, Malaisia, Philippine và Brunei

SỐ 9: INDONESIA:
          - Nguy cơ: 7 điểm
Thực lực: 5 điểm
          - Tổng điểm: 6 điểm
- Bằng chứng: Mỗi khi nhớ lại cuộc nổi loạn của người Trung Quốc (vào những năm 60 của thế kỷ XX, dưới khẩu hiệu đấu tranh chống c ác phần từ cực đoan đỏ, ở Indonesia đã diễn ra nạn diệt chủng với Hoa kiều, để phản đối, người Trung Hoa đã tổ chức những cuộc xuống đường mang tính đại chúng rất rầm rộ và họ từng bị đàn áp một cách dã man.- Chú thích của dịch giả người Nga), bao giờ người ta cũng nghĩ tới cảnh các cửa hàng Trung Quốc bị dân Indonesia cướt bóc, những phụ nữ Trung Quốc bị cưỡng hiếp, những người họ hàng Trung Hoa bị đánh đập giống như súc vật trong lò mổ. Tất nhiên chính phủ Trung Quốc không thể bày tỏ công khai những gì sục sôi trong tình cảm của người dân. Indonesia là đất nước đông dân nhất vùng Đông - Nam châu Á (thống kê dân số đến năm 2008, Indonesia có trên 235 triệu người), phạm vi ảnh hưởng của Indonesia vô cùng rộng lớn và đại đa số dân cư ở đây đều không có thiện cảm với người Trung Hoa, nhưng đất nước này lại chưa được văn minh hoá đến cùng, và đây chính là nguyên nhân tạo ra nguy cơ lớn đối với Trung Quốc ở Đông - Nam châu Á.

SỐ 8: AUSTRALIA:
Nguy cơ: 7 điểm
Thực lực: 6 điểm
Tổng điểm: 6,5 điểm
Bằng chứng: Australia là đại bản doanh  phương Nam -  cơ quan đầu não của quân đội Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bìng Dương (ATP). Australia ở phía Nam, Nhật Bản ở phía Bắc làm thành đường vòng cung kẹp chặt Trung Quốc vào giữa. Nước này là đồng minh trung thành của Mỹ, sẵn sàng chia sẻ các giá trị Mỹ và nhân loại. Sự tồn tại của Australia là trở ngại lớn cho sự phát triển của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong những năm gần đây, Mỹ ngày càng cho phép Australia can dự nhiều hơn vào những công việc xa lạ, mà tình huống ở Đông Timor là ví dụ tiêu biểu. Đông Timor (Timor - Leste) là quốc gia thuộc Đông - Nam châu Á, bao gồm nửa phía đông của đảo Timor, những đảo lân cận của Atauro, Jaco và Oecussi - Ambeno, cùng một phần nằm ở tây bắc của đảo, trong Tây Timor của Indonesia. Những va chạm bắt đầu xẩy ra vào ngày 16 tháng 3 năm 2006 giữa những cựu binh phục vụ trong quân đội với lực lượng cảnh sát, về sau ngày càng trở nên căng thẳng, rồi dẫn tới những vụ nổ súng khắp nơi, làm sụp đổ cả chính quyền, cơ quan an ninh, gây nên tình trạng tội phạm và bạo loạn tràn lan. Nhờ có lực lượng gìn giữ hoà bình từ Australia, New Zealand, Malaisia, Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước khác, trật tự mới được vãn hồi, nhưng tình hình Đông Timor cho đến nay vẫn luôn luôn căng thẳng.

SỐ 7:VIỆT NAM:
Nguy cơ: 8 điểm
Thực lực: 5 điểm
Tổng điểm: 6,5 điểm
Bằng chứng: Tuy có 1000 năm Bắc thuộc bị Trung Hoa đô hộ và hàng 100 năm nay vẫn tiếp tục làm chư hầu của Trung Quốc, được Trung Quốc bảo trợ, nhưng Việt Nam lúc nào cũng nhìn đất nước này qua rãnh ngắm của điểm xạ kích. Tóm lại, Việt Nam nhận vũ khí, lương thực, thực phẩm do Trung Quốc trợ giúp, nhưng khi Trung Quốc trở mặt, lương thực ấy, vũ khí ấy được sử dụng để đánh lại người lính Trung Quốc. Việt Nam hiện chiếm giữ quá nửa quần đảo Trường Sa. Những tranh chấp về chủ quyền trên Vịnh Bắc bộ khiến quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trở nên căng thẳng. Dọc biên giới đường bộ giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng chưa có lúc nào được bình yên.

SỐ 6: NAM TRIỀU TIÊN:
Nguy cơ: 7 điểm
Thực lực: 7 điểm
Tổng điểm: 7 điểm
Bằng chứng: Nam Triều Tiên (Hàn Quốc) chỉ mới có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc trong vòng 10 năm nay. Đây là đất nước có nền kinh tế phát triển, có trình độ văn hoá cao và thường xuyên xung đột với Trung Hoa. Có thời Nam Triều Tiên bị Trung Quốc xâm lược, trở thành một phần của Trung Quốc, có thời hoà hiếu với Trung Quốc. Rất may là Trung Quốc giữ được Bắc Triều Tiên ở vị trí đối kháng với Nam Triều Tiên, và Nam Triều Tiên cũng chưa có đủ thực lực để chống lại Trung Quốc. Nhưng là đồng minh thân cận của Mỹ, chẳng hiểu Hàn Quốc đang trù định, ấp ủ những kế hoạch gì trong mối quan hệ với Trung Quốc. Và nếu bán đảo triều Tiên thống nhất, thì sự thống nhất ấy liệu sẽ phương hại cho Trung Quốc như thế nào. Liệu Nam Triều Tiên có tấn công Trung Quốc hay không và họ sẽ tấn công như thế nào?

SỐ 5: ẤN ĐỘ:
Nguy cơ: 9 điểm
Thực lực: 7 điểm
Tổng điểm: 8 điểm
Bằng chứng: Từ khi chế tạo được vũ khí hạt nân, Ấn Độ có tham vọng trở thành một cường quốc. Cho đến nay, nước này vẫn thèm thuồng nhòm ngó vùng Tây Tạng và vẫn tiếp tục chiếm đóng một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Đồng thời, Ấn Độ còn muốn giành giật vai trò quan trọng của một cường quốc tại vùng biển Nam Trung Hoa và có ý đồ chia cắt vùng biển thuộc lãnh thổ của nước láng giềng thành nhiều phần nhỏ. Trước một cường quốc hạt nhân, một Ấn Độ tham lam 100%, liệu Trung Quốc có cần đề phòng?

SỐ 4: MỸ:
Nguy cơ: 7 điểm
Sức mạnh thực tế: 10 điểm
Tổng điểm: 8,5 điểm
Bằng chứng: Mỹ đích thị là một cường quốc đứng cao hơn tất cả các nước còn lại, là “anh cả của phe tư bản” (tương đương với danh hiệu “anh cả Liên Xô” trước kia trong phe xã hội chủ nghĩa), là “sen đầm quốc tế” có tham vọng quay lại “thời hoàng kim xưa kia”. Mỹ đối nghịch với Trung Quốc. Mỹ có hệ thống xã hội dân chủ hoàn thiện nhất thế giới, có quân đội hùng mạnh và một nền kinh tế phát triển nhất thế giới, là quốc gia thống trị toàn cầu. Vấn đề Đài Loan vốn đã là vấn đề thường xuyên gây ra mốibất hoà giữa Mỹ và Trung Quốc, lại thêm sự níu kéo của các lợi ích kinh tế, quan hệ giữa hai nước ngày càng trở nên phức tạp. Câu thần chú quen thuộc của Mỹ với Trung Quốc: “vừa chơi, vừa kìm hãm”. Đối diện với “hoàng đế - bá quyền”, Trung Quốc phải lựa chọn cách ứng xử thế nào?

SỐ 3: NGA:
Nguy cơ: 10 điểm
Sức mạnh thực tế: 8 điểm
Tổng điểm: 9 điểm
Bằng chứng: Xưa kia, Trung Hoa là đế quốc hùng mạnh nhất thế giới. . Nhưng một nước vô liêm sỉ khác đã chiếm đoạt của Trung Quốc những vùng lãnh thổ rộng lớn. Cái nước vô liêm sỉ ấy chính là Nga. Người ta chẳng coi nền kinh tế của Nga ra gì. Nhưng đó là lại đất nước có lực lượng vũ trang quân sự hùng hậu mà không một ai dám coi thường. Nga khi thì xích lại gần Trung Quốc, lúc lại bỏ lơi Trung Hoa để bắt tay với châu Âu và Mỹ. Điều đó chứng tỏ, trong bất kỳ tình huống nào, Nga cũng muốn tìm cho mình phần lợi ích tối đa. Nga là đất nước đáng sợ nhất. Liệu Nga rồi sẽ cất cánh bay cao hay bị suy thoái? Liệu còn bao nhiêu thứ mâu thuẫn, xung đột vẫn còn giữ nguyên vẹn dọc theo tuyến biên giới dài vô tận giữa Nga và Trung Quốc?

SỐ 2: NHẬT BẢN:
Nguy cơ: 10 điểm
Sức mạnh thực tế: 9 điểm
Tổng điểm: 9,5 điểm
Bằng chứng:Trung Quốc và Nhật Bản là những quốc gia mà ở đó, sự thù nghich và tình hữu nghị lúc nào cũng bện kết vào nhau, những quốc gia từng bao đời khinh miệt lẫn nhau. Đó là những quốc gia có thứ văn tự rất giống nhau, mỗi khi nghĩ về nhau, người ta đồng thời vừa thấy hân hoan, lại vừa thấy lộn mửa. Nền kinh tế của Nhật Bản rất phát triển, sức mạnh quân sự của Nhật Bản sẵn sàng ứng phó với tất cả. Trong một quãng thời gian cực ngắn, Nhật hoàn toàn dư sức chế tạo ra vũ khí hạt nhân! Ngay từ những năm 70 của thế kỷ trước, bí mật vũ khí nguyên tử của Mỹ bị đánh cắp, mọi người ở thế hệ ấy đều nghĩ, thủ phạm vụ trộm cắp này không phải là Liên Xô, mà là người Nhật, nhưng Mỹ chưa bao giờ dám trách cứ, hay than phiền người Nhật về vụ ấy. Hiện nay Nhật Bản có vũ khí hạt nhân hay không? Đó là cả một vấn đề lớn. Liệu kinh tế có thể trở thành mắt xích bện kết Trung Quốc với Nhật Bản hay không và cần phải giải quyết vấn đề về sự thù hận giữa hai dân tộc thế nào?
Hàng nghìn năm nay, người Nhật là bầy sói nhìn Trung Quốc một cách thèm thuồng, không ngừng la hét phải xâm lược và tiêu diệt dân Trung Hoa, dời thủ đô về Bắc Kinh, chinh phục châu Á, ước mơ xây dựng một “khu Đông Á thịnh vượng”. Thời chiến tranh thế giới lần thứ II, Nhật Bản ra sức tuyên truyền khẩu hiệu “Châu Á của người châu Á” và tuyên bố sẽ giải phóng các dân tộc châu Á thoát khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa thuộc địa chấu Âu, trước hết là của Anh và Pháp. Nhưng cuộc đấu tranh với chủ nghĩa thuộc địa phương Tây luôn luôn gắn liền với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vô cùng tàn độc của chính người Nhật. Vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937 và cũng như việc tập trung phụ nữ của các nước lệ thuộc Nhật để thành lập cái gọi là “những tiểu đoàn thư giãn” (“confort bataillon”) là ví dụ tiêu biểu.

SỐ 1: TRUNG QU ỐC:
Nguy cơ: 10 điểm
Sức mạnh thực tế: 10 điểm
Tổng điểm: 10 điểm
Bằng chứng: Trung Quốc bị ai đánh bại trong hai cuộc chiến tranh nha phiến (hai cuộc chiến tranh do Anh và Pháp châm ngòi chống lại đế quốc Trung Hoa, cuộc thứ nhất: 1840 - 1842, cuộc thứ hai: 1856 - 1860)? Người Anh chăng? Hay Trung Quốc tự làm cho mình thất bại? Trong cuộc chiến tranh Trung - Nhật 1894 - 1895, chẳng phải Trung Quốc đã đả bại chính mình hay sao? Nào, người Nhật hay người Trung Quốc? Vì sao trong thời kỳ chiến tranh, Nhật có thể chiếm một vùng lãnh thổ rộng cả đất đai của Trung Quốc? Lịch sử chứng tỏ, Trung Quốc bao giờ cũng là kẻ thù của chính mình! Hành động điên khùng của những phần tử theo chủ nghĩa dân tộc - ly khai, vị trí của Ban - Thiền Đạt Lai Lạt Ma. Thêm vào đó là vấn đề eo biển Đài Loan, những tư tưởng được tuyên truyền, nhồi sọ cho dân chúng từ các đời Tổng thống Tưởng Giới Thạch, Lý Đăng Huy, Trần Thuỷ Biển. Ở Đài Loan vẫn còn nhiền phần tử ly khai muốn dựng một bức trường thành ngăn cách con cháu với đất mẹ đại lục.
Bọn tham nhũng và quan chức biển thủ công quỹ ngày càng ngông cuồng, những khối tài sản khổng lồ của quốc gia bị ăn cắp, ăn cướp trắng trợn, nạn mua bán quan chức ở cả những vị trí chóp bu, những hành vi đồi bại của lũ người ấy, tiền của chiếm đoạt của nhân dân được chuyển ra nước ngoài với khối lượng khổng lồ vượt quá sức tưởng tượng của con người. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong vòng 20 năm, từ khi thực hiện chính sách “mở cửa” vào năm 1984 cho đến nay đã có trên 6000 quan chức cao cấp và đại diện của chính quyền ăn cắp, tham ô công quỹ, tài sản của nhân dân và đất nước hơn 1 nghìn 400 tỉ nhân dân tệ (gần 200 tỉ đô la). Số tài sản ấy được “tư nhân hoá”, rồi được bí mật chuyển ra nước ngoài, sau đó, người chạy theo của, và đến bây giờ thì lũ trộm cắp ấy sống như vua chúa ở các nước Âu -Mỹ, tự xem mình là những bậc anh hùng. Ngoài ra, người ta còn được biết, có tới 7000 quan chức bình thường và 26000 nhân vật giàu có đã chuyển ra nước ngoài hơn 3 nghìn 400 tỉ nhân dân tệ (gần 500 tỉ đô la) và sau đó ra nước ngoài sống. Ngay trong nước, hiện nay vẫn có rất nhiều kẻ tham nhũng chưa bị phát hiện, vẫn sống tự do, thậm chí đang giữ chức vụ rất cao trong guồng máy quan chức nàh nước. Có cả một thế hệ tham nhũng mới đang “kế tục” lớp người tham nhũng trước kia tiếp tục bòn rút tài sản quốc gia, chuyển ra nước ngoài những khoản tiền khổng lồ, mà tổ chức chính trị - hành chính của Trung Quốc thì không có đủ sức mạnh để trừng trị bọn chúng, nên nhân dân Trung Quốc càng ngày càng mất niềm tin vào các cơ quan công quyền và các đại diện của đảng cộng sản Trung Hoa.
Trong xã hội Trung Quốc đang diễn ra sự chia rẽ theo ba tuyến. Sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, sự phân chia thành hai giai cấp rõ rệt, tội phạm hoành hành, kinh doanh điêu trá, cờ bạc, nghiện hút, công nhân thất nghiệp, vấn đề tổ chức lao động, nạn đĩ điếm mại dâm, khủng hoảng tài chính, nhiều vùng lãnh thổ vẫn nghèo túng và lạc hậu đến mức dân chẳng đủ ăn như trước kia. Trên khắp đất nước, ở mọi lĩnh vực, chỗ nào cũng nhung nhúc lũ “bất tài” hôi tanh đến tởm lợm, người tài đức bị lừa bịp, ma quỷ hiện hình nơi “đường ngang ngõ tắt” của bọn mafia, chúng thống trị cả một “thế lực đen” và lũ lưu manh rất hùng hậu. Trên khắp cả nước, chỗ nào cũng thấy lấp lánh ảnh hưởng của công chức, của tư bản thương mại, ai cũng nhìn thấy hiện tượng móc ngoặc giữa quan chức, lưu manh và công an, cảnh sát.Trong việc tuyển lựa công chức, chỗ nào cũng lúc nhúc “con cháu các cụ”, cảnh mua bán, đút lót diễn ra công khai. Đâu đâu cũng có chuyện bợ đỡ, nịnh hót, sự lường gạt, lừa bịp nhằm len lỏi vào hệ thống công quyền ngày càng trắng trợn, dữ dội. Trên khắp nước Trung Hoa, trong mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực hoạt động giờ chỉ có “cán bộ - con nghiện”, “cán bộ - kẻ cắp”, “cán bộ - bị cuồng vì thành tích”, “cán bộ - tầm thường”, “cán bộ - mua bán đất nước mình” và những kẻ bội tín phản phúc. Chúng đi thành hàng hàng lớp lớp, thành “đội gián điệp thứ năm tuyệt hảo” để các quốc gia thù địch sai bảo.
Tương lai của Trung Quốc là thế nào? Hãy ngắm lại mình trước khi nhìn người khác. Lịch sử đã chứng minh, nếu có ai đó đánh bại Trung Hoa, kẻ đó chỉ có thể là người Trung Quốc.
                                                                        
Nguồn: “Inoфорум”,
http://www.inoforum.ru/inostrannaya_pressa/10_stran_predstavlyayuwih_naibolshuyu_ugrozu_dlya_kitaya/(Đầu tiên đăng  viết trên http://www.cnfol.com, mt trang Web ca Cng hoà Nhân dân Trung Hoa  tnh Phúc Kiến, được nhiu hãng truyn thông ca Đng Cng sn Trung Quc bo tr.
Được dịhc giả La Khắc Hòa trích dch t bn được lưu gi trong Blog cá nhân là mt dch gi người Nga.



Phần nhận xét hiển thị trên trang