Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

Descartes Was Right / Descartes đúng!


400 years ago, René Descartes suggested that consciousness is a non-material reality and therefore it must be something created by God. For centuries, materialist scientists have tried to prove Descartes was wrong, but failed. Why? Simply because consciousness is not material. The more science advances, the more scientists realize that Descartes was right!
400 năm trước, René Descartes cho rằng ý thức là một thực tại phi vật chất, vì nó không tuân thủ bất kỳ một định luật vật chất nào cả. Trong nhiều thế kỷ, các nhà khoa học duy vật cố gắng chứng minh Descartes sai, nhưng thất bại. Tại sao? Đơn giản vì ý thức không phải là vật chất. Khoa học càng phát triển, các nhà khoa học càng nhận thấy Descartes đúng!
Nếu thế kỷ 20 là thế kỷ tôn sùng khoa học thì “ông thánh khoa học” Albert Einstein lại đưa ra một lời cảnh báo đối với các “tín đồ của khoa học” rằng “Chúng ta nên thận trọng đừng biến trí tuệ thành chúa tể của chúng ta; tất nhiên nó có sức mạnh cơ bắp, nhưng phi nhân tính” (We should take care not to make the intellect our god; it has, of course, powerful muscles, but no personality)[1].
“Trí tuệ” ở đây ám chỉ khoa học duy vật –  nền khoa học cho rằng toàn bộ thế giới là vật chất và chỉ có vật chất, ngoài ra không có bất cứ thứ gì khác.
Nhưng bất chấp cảnh báo của Einstein, các nhà khoa học duy vật tiếp tục coi khoa học của mình là chúa, để rồi khăng khăng bác bỏ tất cả những gì khoa học vật chất không thể giải thích được. Những người này tự cho mình là khôn ngoan, nhưng thực ra là dại dột.
Không ai thấy rõ cái dại dột ấy bằng Louis Pasteur, một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất mọi thời đại và là ân nhân số một của nhân loại. Ông nói:
Hậu thế một ngày nào đó sẽ cười vào sự ngớ ngẩn của các nhà triết học duy vật hiện đại” (Posterity will one day laugh at the foolishness of modern materialistic philosophers)[2].
Cái ngày ấy đã đến – hàng loạt khám phá khoa học trong nửa sau thế kỷ 20 và hiện nay đã và đang đặt ra những câu hỏi thách đố mà khoa học duy vật bế tắc không thể trả lời được. Điển hình là câu hỏi: Nguồn mã DNA là gì?
Hoàn toàn tương tự, các nhà khoa học về thần kinh, sinh học, bệnh học tâm thần, tâm lý học, y học, khoa học về nhận thức, thậm chí cả cơ học lượng tử và lý thuyết thông tin, đều đặt ra câu hỏi: 
BẢN CHẤT CỦA Ý THỨC LÀ GÌ?
Trong một thời gian rất dài, các nhà khoa học duy vật cho rằng ý thức đơn giản chỉ là sản phẩm của các hoạt động vật chất trong bộ não. Nếu điều này đúng, thì ý thức cũng phải là vật chất –  theo Định luật bảo toàn vật chất, vật chất chỉ có thể đẻ ra vật chất, không thể đẻ ra bất cứ cái gì không phải vật chất.  
Nhưng….
Bất chấp mọi tiến bộ của khoa học, bất chấp mọi phương tiện máy móc tinh xảo, bất chấp mọi thí nghiệm trong mấy trăm năm qua, đặc biệt trong thế kỷ 20 và hiện nay, được thiết kế tinh vi nhằm phát hiện bản chất vật chất của ý thức, khoa học duy vật đã hoàn toàn thất bại – không có một bằng chứng nào chỉ ra rằng ý thức là vật chất! Ngược lại, càng nghiên cứu càng thấy ý thức là một thứ gì đó độc lập với vật chất – một thứ gì đó không thể quan sát được, không thể cân đong đo đếm được, không tuân thủ bất kỳ một định luật vật chất nào cả, đúng như René Descartes đã nói từ thế kỷ 17 trong các luận thuyết của ông về ý thức.

Luận thuyết của Descartes về ý thức

Không có một tác phẩm nào của Descartes mang tên Luận thuyết về ý thức, nhưng rải rác trong nhiều tác phẩm của mình, Descartes thảo luận rất nhiều về ý thức. Những thảo luận ấy rất logic, sắc sảo, thuyết phục, gây ảnh hưởng lớn trong tư duy khoa học, từng được xem như một mẫu mực của triết học nhận thức. Vì thế người đời thường gọi chung những thảo luận của Descartes về ý thức là Luận thuyết của Descartes về ý thức.
Trải qua 400 năm, bất chấp nhiều ý kiến chống đối, Luận thuyết của Descartes về ý thức vẫn đứng vững. Thậm chí hiện nay nó đã và đang trở thành THÁCH THỨC LỚN NHẤT đối với khoa học hiện đại, bởi nó tuyên bố dứt khoát rằng ý thức là một hiện thực phi vật chất và do đó ắt phải là một cái gì đó do Chúa tạo ra.
Tuyên bố ấy bị các nhà khoa học duy vật kết tội là duy tâm, nhưng như ta đã thấy, các nhà khoa học duy vật không làm sao bác bỏ được Descartes, bởi họ không thể chứng minh ý thức là vật chất. Nói cách khác, khoa học đã và đang bế tắc trong tham vọng chứng minh bản chất vật chất của ý thức. Tình trạng này đã kéo dài trong mấy trăm năm qua, nhưng bỗng nổi cộm lên như một vấn đề trung tâm của khoa học hiện đại, được phản ánh sôi nổi trên báo chí Tây phương:
Tờ Guardian của Anh ngày 21/01/2015 chạy một hàng tít lớn chất vấn: “Tại sao những trí tuệ vĩ đại nhất thế giới đều bất lực trước bí mật của ý thức?[3] (Why can’t the world’s greatest minds solve the mystery of consciousness?)[4], trong đó viết:
Chỉ có một bài toán duy nhất thực sự khó, được gọi là Bài toán Hóc búa về Ý thức (the Hard Problem of Consciousness), nội dung gồm những câu hỏi như: Tại sao mọi quá trình phức tạp diễn ra bên trong bộ não có cảm giác như từ bên trong nội tâm? Tại sao chúng ta không chỉ thông minh như robots (ý nói, tại sao chúng ta không ngu như robots)[5], tức là chỉ có khả năng ghi nhận thông tin, hoặc có phản xạ đáp ứng với ngoại cảnh… nhưng vẫn dốt đặc và trống rỗng về cuộc sống nội tâm? Và làm thế nào mà bộ não sản sinh ra những cảm xúc nội tâm đó? Làm thế nào mà một bộ não… lại có thể làm nẩy sinh ra một cái gì đó đầy bí ẩn như ý thức về sự sống mà nó và toàn bộ cơ thể được gắn vào sự sống đó? Khởi nguồn những tranh cãi về bản chất của ý thức dẫn chúng ta đi ngược trở về quá khứ những năm 1600, khi René Descartes nêu lên một luận thuyết về ý thức mà hàng trăm năm sau vẫn là chủ đề để các học giả tiếp tục tranh cãi mà không tìm thấy lời giải. Một mặt Descartes nhận thấy không có cái gì rõ ràng hơn và khó bác bỏ hơn một thực tế là tất cả chúng ta đều có ý thức. Về lý thuyết, tất cả mọi thứ mà bạn nghĩ là bạn biết về thế giới đều có thể chỉ là một ảo ảnh được tạo ra để đánh lừa bạn, nhưng bản thân ý thức thì không thể là một ảo ảnh. Mặt khác, hiện tượng quen thuộc nhất và chắc chắn nhất này lại không tuân thủ bất kỳ một quy luật thông thường nào của khoa học. Nó dường như không phải là vật chất. Nó không thể quan sát được, ngoại trừ sự cảm nhận từ bên trong, bởi chính ý thức của con người. Thậm chí nó không thể thực sự mô tả được. Do đó, Descartes kết luận, ý thức phải được tạo ra bởi một chất liệu gì đó đặc biệt, phi vật chất, không tuân thủ các định luật của tự nhiên; vì thế ý thức ắt phải là một cái gì đó do Chúa truyền cho chúng ta”.
Đứng trước Luận thuyết của Descartes về ý thức, khoa học duy vật rơi vào tình trạng nước đôi: thừa nhận Descartes thì tự bác bỏ mình; không thừa nhận thì buộc phải chứng minh ý thức là vật chất, nhưng điều này là bất khả thi!
Trong khi đó, khoa học hiện đại ủng hộ Descartes. Điều này thể hiện rõ trong “Tuyên ngôn vì một nền khoa học hậu duy vật[6] (Manifesto for a post-materialist science)[7], do một nhóm các nhà khoa học hàng đầu thế giới công bố trên trang OPEN SCIENCES năm 2014.

Tuyên ngôn vì một nền khoa học hậu duy vật

Tuyên ngôn này nêu lên 18 kết luận, trong đó những kết luận sau đây có ý nghĩa quyết định:
“…thế giới vật chất không còn là thành phần chủ yếu hoặc duy nhất của thế giới hiện thực nữa, và thế giới ấy không thể hiểu được một cách đầy đủ nếu không tham chiếu đến ý thức” (kết luận 7). “Ý thức đại diện cho một khía cạnh của hiện thực và nó cũng đóng vai trò cơ bản như thế giới vật chất. Ý thức là nền tảng của vũ trụ, nghĩa là nó không thể bắt nguồn từ vật chất và không thể quy giản về bất cứ cái gì cơ bản hơn” (kết luận 15a).
Đó là những kết luận mang tính chất cách mạng về thế giới quan. Xin nhắc lại để nhấn mạnh:
  • Vũ trụ không chỉ có vật chất, mà còn có phi vật chất.
  • Ý thức là một thành phần cơ bản của vũ trụ, một hiện thực phi vật chất, độc lập với vật chất, mặc dù có quan hệ với vật chất.
  • Ý thức không bắt nguồn từ vật chất, không do vật chất tạo ra. Ý thức không phải là sản phẩm của bộ não, tương tự như chương trình computer không phải là sản phẩm của chiếc computer (mà là sản phẩm của ý thức, chương trình ấy có thể viết trên computer hoặc trên giấy,…).
  • Ý thức không thể quy giản về bất cứ cái gì khác đơn giản hơn chính nó.
Nếu ý thức không phải là sản phẩm của vật chất thì nó đến từ đâu?
Theo Nicolas Tesla, một trong những nhà khoa học và phát minh vĩ đại nhất thế kỷ 20, có một Trung tâm ý thức trong vũ trụ. Bộ não của chúng ta chỉ là cỗ máy tiếp nhận và xử lý những thông tin phát đi từ trung tâm đó. Thật vậy, ông nói:
Bộ não của tôi chỉ là một cỗ máy tiếp nhận. Trong Vũ trụ tồn tại một trung tâm mà từ đó chúng ta nhận được tri thức, sức mạnh, cảm hứng. Tôi chưa thâm nhập được vào những bí mật của trung tâm này, nhưng tôi biết nó tồn tại” (My brain is only a receiver. In the Universe there is a core from which we obtain knowledge, strength, inspiration. I have not penetrated into the secrets of this core, but I know that it exists)[8].
Chú ý rằng Tesla không chỉ là một nhà phát minh thiên tài mà còn là một nhà tiên tri lạ lùng. Ông đã tiên đoán gần như chính xác ngày kết thúc Thế Chiến I (chỉ lệch 2 ngày). Vì thế, tuyên bố của Tesla về sự tồn tại của một Trung Tâm ý thức trong vũ trụ mang tính chất một tiên tri ngoại cảm. Tài năng và nhân cách của Tesla buộc chúng ta phải nghiêm túc suy ngẫm về những điều ông nói, thay vì tùy tiện bác bỏ. Khoa học duy vật tất nhiên không thừa nhận những tiên tri ngoại cảm, nhưng cũng không thể bác bỏ, vì khoa học không biết gì về bản chất và nguồn gốc của ý thức.
Trong khi đó, “tư tưởng lớn gặp nhau” (les grands esprits se rencontrent) – Trung tâm ý thức của Tesla có thể xem như Chúa của Descartes. Tesla và Descartes đều tin rằng ý thức không phải là vật chất và do đó nó phải có NGUỒN của nó. Nguồn ấy là Trung tâm ý thức của Tesla hoặc Chúa của Descartes.
Khoa học duy vật tất nhiên không bao giờ đồng ý với Tesla và Descartes, nhưng cũng đã đến lúc không thể phủ nhận một sự thật là ý thức không xuất phát từ bộ não – ý thức không phải là sản phẩm vật chất của bộ não!
Vậy ý thức và bộ não có quan hệ với nhau như thế nào? Các tác giả của “Tuyên ngôn vì một nền khoa học hậu duy vật” trả lời:
 Hoạt động tinh thần có ý thức có thể trải nghiệm được trong cái chết lâm sàng khi tim ngừng đập (đây là cái được gọi là “trải nghiệm cận tử“). Một số người từng có trải nghiệm cận tử đã báo cáo về sự nhận thức ngoài-cơ-thể (những nhận thức có thể chứng minh được là khớp với thực tế) xảy ra trong khi tim ngừng hoạt động. Người có trải nghiệm cận tử cũng báo cáo những kinh nghiệm tâm linh sâu sắc trong quá trình trải nghiệm cận tử sau khi tim ngừng đập. Đáng chú ý là hoạt động điện của não ngừng lại sau khi tim ngừng đập vài giây (kết luận 10).
 Các thí nghiệm được kiểm soát trong phòng thí nghiệm đã chứng minh rõ ràng rằng những nhà ngoại cảm điêu luyện (những người tuyên bố họ có thể liên lạc với ý nghĩ của những người đã mất) đôi khi có thể nhận được thông tin có độ chính xác cao về những cá nhân đã mất. Điều này tiếp tục ủng hộ kết luận cho rằng ý thức có thể tồn tại độc lập với bộ não (kết luận 11).
 Các trải nghiệm cận tử khi tim ngừng hoạt động cho thấy bộ não vận hành như một chiếc máy thu phát các hoạt động tinh thần, tức là ý thức có thể hoạt động thông qua bộ não, nhưng không do bộ não tạo ra. Kết hợp với bằng chứng từ các nhà ngoại cảm, trải nghiệm cận tử xảy ra khi tim ngừng hoạt động cho thấy ý thức tiếp tục tồn tại sau cái chết thể xác, và cho thấy sự tồn tại của những tầng hiện thực phi vật chất khác (kết luận 15e).
Tóm lại, khoa học thần kinh (neuro-science), bệnh học tâm thần (psychiatry), tâm lý học (psychology), nghiên cứu cận tâm lý (PSI phenomena), nghiên cứu về trải nghiệm cận tử (NDE),… đã cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy ý thức không phải là sản phẩm của bộ não – ý thức không sinh ra từ bộ não. Vậy một lần nữa lại hỏi: ý thức bắt nguồn từ đâu?
Câu hỏi này đẩy khoa học duy vật tới bế tắc, bởi nó nhất định không chịu thừa nhận sự tồn tại của những hiện thực phi vật chất. Tình trạng này giống hệt tình trạng của Thuyết tiến hóa trước câu hỏi “nguồn mã DNA là gì?”.  
Một giải thưởng vĩ đại trị giá 5 triệu USD mang tên EVOLUTION 2.0 hiện vẫn được treo để thưởng cho bất kỳ ai trả lời được câu hỏi về nguồn mã DNA[9].
Nếu Thuyết Phi Tạo Sinh (Abiogenesis) – Lý thuyết về nguồn gốc sự sống của Thuyết tiến hóa – là đúng, thì nó phải trả lời được câu hỏi trên. Nhưng các nhà tiến hóa né tránh Giải thưởng 5 triệu USD dành cho họ, bởi họ đang thực sự bế tắc trước câu hỏi về nguồn mã DNA.
Scientific Identity, Portrait of Louis Pasteur
Nhà sinh hóa nổi tiếng Francis Collins đã công khai tuyên bố mã DNA là “Ngôn ngữ của Chúa” (The Language of God), nhưng các nhà tiến hóa vẫn không chịu, mặc dù họ bế tắc không biết mã DNA đến từ đâu.
Tương tự, các nhà khoa học duy vật cũng bế tắc không biết ý thức đến từ đâu.

Bản chất và nguồn gốc của ý thức?

Rất nhiều nhà khoa học lỗi lạc bận tâm tới vấn đề bản chất và nguồn gốc của ý thức. Người đầu tiên phải nhắc đến là Max Planck (1858 – 1947) – cha đẻ của Thuyết Lượng tử, một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ 20, tên của ông được dùng để đặt tên cho hằng số Planck, một trong những hằng số cơ bản của vũ trụ, và cho thời gian Planck, một giới hạn cho sự hiểu biết của vật lý học [10]. Nhưng Planck không chỉ là một nhà vật lý thiên tài, ông còn là một nhà triết học thâm thúy, có con mắt tinh đời nhìn xa trông rộng, xuyên suốt bản chất của sự vật. Với Planck, ý thức là một khái niệm nguyên thủy, tiên thiên, không thể giải thích được, chỉ có thể mặc nhận. Đây, ông nói:
Tôi coi ý thức là nền tảng căn bản, và vật chất bắt nguồn từ ý thức. Chúng ta không thể biết được những gì đằng sau ý thức. Mọi thứ chúng ta bàn đến, mọi thứ mà ta coi là đang tồn tại, đều do ý thức mặc nhận” (I regard consciousness as fundamental. I regard matter as derivative from consciousness. We cannot get behind consciousness. Everything that we talk about, everything that we regard as existing, postulates consciousness)[11].
Ông mô tả ý thức, giống như một “lực”, mà nguồn gốc sâu xa của nó là một Trí Tuệ có ý thức và thông minh:
Mọi vật chất bắt nguồn và tồn tại chỉ vì một lực… Chúng ta phải thừa nhận đằng sau lực này tồn tại một Trí Tuệ có ý thức và thông minh. Trí Tuệ này là cái sinh ra mọi vật chất” (All matter originates and exists only by virtue of a force… We must assume behind this force the existence of a conscious ans intelligent Mind. This Mind is the matrix of all matter)[12].
Chú ý chữ “Trí Tuệ” trong câu nói trên đã được Planck viết hoa. Vậy Trí Tuệ đó là gì nếu không phải Trung tâm ý thức của Tesla hoặc Chúa của Descartes?
Erwin Schrödinger (1887 – 1961), một nhà vật lý lỗi lạc người Áo, đoạt Giải Nobel năm 1933, nổi tiếng với phương trình sóng trong Cơ học Lượng tử, cũng có ý kiến tương tự như Planck, cho rằng ý thức là khái niệm gốc rễ không thể quy giản thành bất cứ cái gì khác. Ông nói:
Ý thức không thể giải thích được bằng những thuật ngữ mang tính vật chất. Vì ý thức là khái niệm gốc rễ, không thể giải thích được bằng thuật ngữ của bất cứ thứ gì khác” (Consciousness cannot be accounted for in physical terms. For consciousness is absolutely fundamental. It cannot be accounted for in terms of anything else)[13].
Nhận định của Schrödinger hoàn toàn trùng hợp với nhận định của Planck – cả hai đều coi ý thức là nguyên nhân hoặc điều kiện đầu tiên của mọi nhận thức, do đó không thể quy giản nguyên nhân đầu tiên về bất cứ nguyên nhân nào khác. Đó là điều hiển nhiên về mặt logic.
Sau gần 100 năm, tư tưởng của Planck và Schrödinger gần như sống lại trong “Tuyên ngôn vì một nền khoa học hậu duy vật”. Thật vậy, Tuyên ngôn này viết:
Ý thức là nền tảng của vũ trụ, nghĩa là nó không thể bắt nguồn từ vật chất và không thể quy giản về bất cứ cái gì cơ bản hơn” (đã dẫn).
Đó cũng chính là tư tưởng của Descartes trước đây 400 năm. Không ai nói rõ về vai trò tiên quyết của ý thức như Descartes. Ông lập luận rằng chúng ta có thể ngờ vực mọi thứ, nhưng một khi ta ngờ vực thì chính sự ngờ vực đó là bằng chứng của ý thức. Nói cách khác, có thể nghi ngờ sự hiện hữu của mọi thứ, nhưng không thể nghi ngờ sự hiện hữu của ý thức. Ý thức là CÁI ĐẦU TIÊN phải mặc nhận.
Theo Định lý Gödel, không thể chứng minh cái đầu tiên, bởi cái đầu tiên chính là hệ tiên đề của một hệ thống nhận thức. Cái đầu tiên chỉ có thể lĩnh hội bằng trực giác. Đó là điều Blaise Pascal đã khẳng định từ thế kỷ 17, và Định lý Gödel tái khẳng định trong thế kỷ 20. Vì thế khoa học duy vật bất lực trước câu hỏi về nguồn gốc của ý thức, bất chấp mọi nỗ lực trong hàng trăm năm qua.
Sự bất lực ấy đã được thừa nhận công khai trên báo chí Tây phương trong những năm gần đây.
Tạp chí Scientific American ngày 18/08/2016 loan báo: “Nhà vật lý thông minh nhất thế giới cho rằng khoa học không thể phá vỡ bí mật của ý thức[14] (World’s Smartest Physicist Thinks Science Can’t Crack Consciousness)[15].
Nhà vật lý ấy là Edward Witten, tác giả của Lý thuyết M (một ứng cử viên của TOE – Lý thuyết về mọi thứ), người được mệnh danh là “Einstein trong thời đại ngày nay”. Mặc dù nổi tiếng là sẵn sàng đối đầu với những bài toán hóc búa nhất, nhưng Witten thú nhận:
Tôi nghĩ rằng ý thức sẽ vẫn là một bí ẩn. Vâng, đó là những gì tôi có xu hướng tin tưởng. Tôi có xu hướng nghĩ rằng hoạt động của bộ não có ý thức sẽ được làm sáng tỏ ở mức độ lớn. Các nhà sinh học và có lẽ các nhà vật lý sẽ hiểu rõ hơn cách hoạt động của não. Nhưng tại sao một cái gì đó mà chúng ta gọi là ý thức đi cùng với những hoạt động đó, tôi nghĩ rằng sẽ vẫn là bí ẩn. Tôi cảm thấy việc hình dung làm thế nào mà chúng ta hiểu được Big Bang còn dễ dàng hơn nhiều so với việc hình dung làm thế nào mà chúng ta có thể hiểu được ý thức”.
Theo Định lý Gödel, có những sự thật toán học vĩnh viễn không thể chứng minh. Thấm nhuần định lý này, Stephen Hawking cũng tuyên bố có những hiện tượng vật lý vĩnh viễn không thể giải thích. Hawking hoàn toàn đúng. Cơ học lượng tử có thể cung cấp hàng đống thí dụ.
Nhưng có một bí ẩn dễ thấy nhất, đó là bí ẩn về bản chất và nguồn gốc của ý thức – một BÍ ẨN TUYỆT ĐỐI. Khoa học vĩnh viễn sẽ không bao giờ có thể giải thích được bản chất và nguồn gốc của ý thức, mà chỉ có thể mặc nhận ý thức là một hiện thực phi vật chất, độc lập với vật chất, mặc dù nó có quan hệ với vật chất.
Đó không phải một tin buồn đối với khoa học, mà là một tin vui, bởi nó khuyến khích khoa học nên chắp cánh bay vượt lên trên thế giới vật chất, để tiếp cận với thế giới phi vật chất. Điều này là cần thiết, vì không thể hiểu biết thế giới một cách sâu sắc mà không tham chiếu tới ý thức, đúng như “Tuyên ngôn vì một nền khoa học hậu duy vật” đã nói.
Vậy hãy khám phá các thế giới phi vật chất.
Một thế giới phi vật chất mà khoa học duy vật đã thừa nhận, hoặc buộc phải thừa nhận, đó là THẾ GIỚI THÔNG TIN.
Đến đây chúng ta phải reo lên “eureka!”, vì ý thức và thông tin là hai anh em họ hàng ruột thịt rất gần gũi với nhau. Bí mật của ý thức nằm trong bí mật của thế giới thông tin! Cánh cửa bí mật của ý thức sẽ được mở ra cho khoa học bước vào nếu chúng ta xem xét ý thức như một đối tượng của khoa học thông tin!   

Ý thức dưới ánh sáng của Lý thuyết Thông tin

Mặc dù chúng ta không thể giải thích được bản chất và nguồn gốc của ý thức, nhưng chúng ta thừa nhận ý thức là sự nhận biết về thế giới xung quanh, bao gồm thế giới bên ngoài và thế giới bên trong con người. Vậy có thể nói: ý thức là sự nắm bắt thông tin về thế giới.
Thí dụ: cho một chú khỉ đọc vở kịch “Romeo & Juliet” của William Shakespeare, tất nhiên chú khỉ không hiểu gì, vì ý thức của chú không đủ để giải mã các thông tin trong đó. Nhưng chúng ta sẽ hiểu, vì ý thức của chúng ta đủ để giải mã các thông tin trong đó. Qua đó có thể thấy ý thức giống như một chương trình giải mã thông tin. Tất nhiên đó là một SIÊU CHƯƠNG TRÌNH, không do con người tạo ra, mà đã được cài đặt sẵn vào trong một cỗ máy mà chúng ta cọi là bộ não. Bản thân siêu chương trình đó cũng là một hệ thông tin. Vậy có thể nói một cách ngắn gọn rằng ý thức chính là một dạng thông tin cao cấp.
Nếu mã DNA là chương trình kiến tạo sự sống thì ý thức là chương trình giúp cho cỗ máy sự sống liên lạc được với toàn bộ phần còn lại của vũ trụ, cả vũ trụ bên ngoài nó lẫn vũ trụ bên trong nó. Đây là một trong những “phép lạ” vĩ đại nhất của Bà Mẹ Tự Nhiên (The Mother Nature).
Nếu ý thức là một dạng thông tin thì nó phải tuân thủ những nguyên lý cơ bản của Lý thuyết Thông tin. Cụ thể, ý thức phải tuân thủ hai nguyên lý sau đây, được xem như hai tiên đề:
  1. Thông tin là một hiện thực phi vật chất, tồn tại độc lập với vật chất.
  2. Mọi thông tin đều xuất phát từ một nguồn trí tuệ thông minh.
Tiên đề thứ nhất đã được Nobert Wiener, cha đẻ Điều khiển học (Cybernetics), nhấn mạnh trong cuốn Cybernetics của ông, xuất bản lần thứ 2, trang 132:
Thông tin là thông tin, không phải vật chất hay năng lượng. Không một chủ nghĩa vật chất nào không thừa nhận điều này có thể sống sót trong thời đại ngày nay” (Information is information, not matter or energy. No materialism which does not admit this can survive at the present day)[16].
Tiên đề thứ hai dễ thừa nhận hơn, bởi mọi thông tin mà chúng ta biết hiện nay, nếu truy ngược về nguồn gốc, đều dẫn tới một trí tuệ thông minh. Tiến sĩ Stephen Meyer đã nói rất rõ điều này trong cuốn sách rất hay của ông, “Signature in the Cell” (Chữ ký trong tế bào):
Nếu lần ngược thông tin về nguồn của nó, chúng ta luôn luôn đi tới một tư tưởng, chứ không tới mt quá trình vật chất” (If we trace information back to its source, we always come to a mind, not a material process)[17]
Để kiểm tra xem ý thức có tuân thủ hai nguyên lý của Lý thuyết Thông tin hay không, chỉ cần thay thế chữ “thông tin” bằng chữ “ý thức”, xem có thỏa mãn hay không:
  1. Ý thức là một hiện thực phi vật chất, tồn tại độc lập với vật chất.
  2. Mọi ý thức đều xuất phát từ một nguồn trí tuệ thông minh.
Dễ dàng thấy cả hai mệnh đề trên đều thỏa mãn. Vậy ý thức ắt phải là một dạng thông tin! Vì ý thức không phải do bộ não tạo ra nên nó ắt phải có một nguồn thông tin tự nhiên, tương tự như mã DNA cũng phải có một nguồn thông tin tự nhiên, tức nguồn thông tin có sẵn trong tự nhiên, thay vì thông tin do con người tạo ra.
Thông tin tự nhiên từ đâu mà ra?
Câu hỏi này vượt quá khả năng của khoa học vật chất. Chỉ có thể trả lời câu hỏi đó bằng triết học! Trung tâm ý thức mà Tesla cảm nhận thấy, hoặc Chúa của Descartes là những câu trả lời mang mầu sắc triết học. Mỗi chúng ta cũng có thể lựa chọn cho mình một câu trả lời, nhưng chắc chắn không thể trả lời bằng khoa học. Bạn chỉ có thể trả lời bằng triết học.
Tuy nhiên có thể xây dựng một khoa học mới theo phương pháp tiên đề để trả lời câu hỏi đó, dựa trên một hệ tiên đề mới, trong đó thừa nhận thông tin và ý thức là những hiện thực phi vật chất, độc lập với vật chất, đóng vai trò điều khiển vật chất tập hợp lại thành những hệ thống và tổ chức có mục đích, có ý nghĩa. Đó chính là tương lai của khoa học mà Kurt Gödel, tác giả của Định lý Bất toàn nổi tiếng, đã dự đoán từ thế kỷ 20, rằng đó là con đường của khoa học thế kỷ 21. Chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này trong một dịp khác. 

Kết luận

Định lý Gödel chỉ ra rằng mọi hệ logic đều có giới hạn. Khoa học là một hệ logic, ắt nó phải có giới hạn. Giới hạn của khoa học lộ ra ở rất nhiều bài toán khác nhau, nhưng rõ nhất ở các bài toán về nguồn gốc, như:
  • Nguồn gốc Vũ trụ
  • Nguồn gốc Sự Sống
  • Nguồn mã DNA
  • Nguồn gốc của ý thức.
Tại sao khoa học không thể trả lời được những câu hỏi về nguồn gốc? Bởi nguồn gốc là hệ tiên đề của một hệ logic. Từ thế kỷ 17, Blaise Pascal, bằng triết học toán học, đã chỉ ra rằng toán học không thể chứng minh được hệ tiên đề của nó, việc thiết lập hệ tiên đề hoàn toàn phụ thuộc vào trực giác, và do đó, phụ thuộc vào sự mặc khải của Chúa. Dù bạn có đồng ý với Pascal hay không, bạn cũng không thể chối cãi với kết luận của Định lý Gödel, rằng dựa trên hệ tiên đề của mình toán học không thể tự chứng minh bản thân mình là một hệ logic phi mâu thuẫn, và do đó, “Cái đúng của toán học nằm bên ngoài toán học”[18] (Tạ Quang Bửu).
Bên ngoài toán học là gì nếu không phải trực giác? Và có nghĩa là Pascal đúng. Định lý Gödel là sự tái xác nhận triết học toán học của Pascal.
Nếu toán học, hệ logic mạnh nhất, mà không thể chứng minh hệ tiên đề của nó thì suy ra các hệ logic khác, yếu hơn, không thể chứng minh được nguồn gốc của nó. Mọi bài toán về nguồn gốc đều “impossible” – bất khả thi! Hơn thế nữa, để tìm cái đúng của mọi hệ logic, đều phải đi ra bên ngoài hệ logic đó. Để tìm cái đúng của khoa học phải đi ra ngoài khoa học.
Ngoài khoa học là gì? Là triết học, thần học. Khoa học nếu không cần tới bệ đỡ của thần học thì CHẮC CHẮN cần đến triết học. Triết học chính là cái bên ngoài của khoa học, hỗ trợ cho khoa học, đặc biệt trong những bài toán về nguồn gốc.
Nhưng câu trả lời của Descartes và Tesla về nguồn gốc của ý thức là những câu trả lời triết học. Liệu có thể có câu trả lời triết học nào khác không? 
Thay cho lời kết, xin trích một số ý kiến[19] của Kurt Gödel, tác giả của Định lý Bất toàn, liên quan đến thế giới ý thức:
● Bộ não là một chiếc máy tính được kết nối với một linh hồn (The brain is a computing machine connected with a spirit). Linh hồn (ý thức) là một cái gì đó ở bên ngoài bộ não, độc lập với bộ não.  
● Ý thức được kết nối với một cái toàn thể (Consciousness is connected with one unity). Cái toàn thể là gì, nếu không phải Trung tâm Ý thức mà Tesla cảm nhận thấy?
● Không thể giải thích mọi thứ được (To explain everything is impossible). Bản chất và nguồn gốc của ý thức là thứ không thể giải thích được. Ý thức là thứ chỉ có thể mặc nhận.
● Chủ nghĩa duy vật là sai lầm (Materialism is false). Đó là lý do ra đời Tuyên ngôn vì một nền khoa học hậu duy vật. Khoa học duy vật đã đến lúc phải được mở rộng ra bên ngoài thế giới vật chất. 
● Ý nghĩa của cuộc sống là sự phân biệt ước muốn với hiện thực (The meaning of the world is the separation of wish and fact). Khoa học muốn giải thích ý thức, nhưng đó là tham vọng không tưởng. 
● Tinh thần tách biệt với vật chất (Mind is separate from matter). Ý thức tách biệt với vật chất, ý thức không phải là vật chất.
● Có những thế giới khác và những thực thể có lý trí ở dạng khác và cao hơn (con người) (There are other worlds and rational beings of a different and higher kind).
● Thế giới mà chúng ta đang sống trong đó không phải là thế giới duy nhất mà chúng ta sẽ sống hoặc đã sống trong đó (The world in which we live is not the only one in which we shall live or have lived.)
PVHg, Sydney 15/09/2019

[5] Ý kiến trong ngoặc đơn của người dịch (PVHg).
[10] Xem “Định lý Gödel – Nền tảng của khoa học nhận thức hiện đại”, Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức 2019, Chương 3 – Tác động của Định lý Gödel  đối với vật lý học, mục “Nguồn gốc vũ trụ dưới ánh sáng của Định lý Gödel ”, ý kiến của anh em Bordanov.
[18] “Giáo sư Tạ Quang Bửu, Cuộc đời và Sự Nghiệp”, nhiều tác giả, NXB Đại học Quốc gia Hà-nội, trang 63. 
[19] Quotations by Kurt Gödel http://kevincarmody.com/math/goedel.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang