Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

Cách mạng 1989: Sự sụp đổ của đế chế Xô viết- Phần 3


PHẦN BA:  CÁCH MẠNG
300px-West_and_East_Germans_at_the_Brandenburg_Gate_in_1989.jpg
Tác giả Victor Sebastyen
Trần Quang Nghĩa dịch
HAI MƯƠI SÁU
CUỘC CHIẾN NGÔN TỪ

Budapest, chủ nhật, ngày 1 tháng 1 năm 1989
CÁC SĨ QUAN QUÂN BÁO trong cả hai siêu cường càng lúc càng lo lắng về các cuộc điều quân chưa có tiền lệ dọc theo đường biên giới dài 100 km giữa Hungary và Romania. Không thể nào hình dung ra được chiến tranh lại có thể xảy ra giữa hai nước đồng minh trong Hiệp ước Warsaw. Vậy mà hiểm họa là có thực. Quân Romania trong nhiều tuần lễ đã xây dựng những rào chắn kẽm gai tăng cường dọc biên giới bên phần đất của ho. Đây là Bức Màn Sắt thứ hai, chủ yếu dùng để giam cầm nhân dân Romania ngay trên quê hương của mình. Nhưng khi những quân đoàn mới trang bị vũ khí hạng nặng vừa mới động viên bắt đầu xuất hiện trong vùng thì căng thẳng liền leo thang. Hungary đáp trả ngay. Nhà lãnh đạo mới của Đảng ở Budapest, Karoly Grosz, chỉ vừa lên cầm quyền hơn sáu tháng một chút, chuyển một trung đoàn thiện chiến đang đóng ở biên giới Áo-Hung đến đối đầu với quân Romania. Đó không chỉ là một động thái tượng trưng cho thấy giờ đây quân Hungary đang quay mặt về hướng tây. Đó là một đáp ứng đề phòng nhà độc tài Romania có thể phát động một cuộc xâm chiếm.
        Người Nga lo lắng. Về mặt lý thuyết, trong khối đế chế của họ những ‘đồng minh anh em trong cộng đồng chung xã hội chủ nghĩa’ không thể có xung đột. Trong thời gian trước đây ngay cả những bất hòa nhỏ giữa các nhà nước vệ tinh cũng không được thông tin trên truyền thông đại chúng, trong khi lúc nào truyền hình cũng trình chiếu hình ảnh các đồng chí biểu lộ tình đoàn kết truyền thống dưới vai trò lãnh đạo anh minh của LBXV. Chủ nghĩa Cộng sản, theo như các lý thuyết gia nói, đã tiến qua giai đoạn ‘chủ nghĩa quốc gia tư sản’, thứ chủ nghĩa đã dẫn tới hai cuộc thế chiến. Nhưng người Xô viết đã đánh mất ý niệm về sứ mạng đế chế. Họ không còn đủ quyền lực để kiểm soát tất cả sự kiện xảy ra trong lãnh thổ của mình, đặc biệt ở Romania.                 
        Người Romania và Hungary là những kẻ thù lâu đời. Cuộc tranh chấp chủ yếu của họ là về vùng đất núi rừng xinh đẹp Transylvania, bên cạnh là đồng bằng màu mỡ nhất Âu châu. Transylvania đã từng là phần đất thuộc Hungary trong nhiều thế kỷ, cho đến cuối Thế Chiến I khi nó được xáp nhập vào Romania theo Hiệp ước Trianon. Khoảng một triệu rưỡi người nói tiếng Hung, có nền văn hóa thiên về Budapest, họp thành một thiểu số đáng kể bên trong Romania. Ceausescu đã đối xử tàn tệ với họ trong một thập niên rưỡi. Y cấm dạy tiếng Hung trong trường học ở Transylvania. Y ra sức đàn áp Giáo hội cải cách Hungary. Y đóng cửa các trung tâm văn hóa ở Transylvania và tòa lãnh sự tại thành phố Cluj ở vùng đó. Mục tiêu tối hậu của y là tiêu diệt bản sắc của cộng đồng Hungary bên trong Romania.
        Khoảng một phần ba dân số Hung có bà con sống ở Transylvania. Ceausescu ra sức chặt đứt mối thâm tình của họ. Người Romania không được phép đến thăm Hung, và y ngăn chận người Hung vượt biên qua Transylvania. Khi tình hình trở nên tồi tệ hơn ở Romania trong suốt thập niên 1980, dân Hung bị cấm gởi các gói lương thực cứu trợ người thân và bạn bè ở Transylvania. Ceausescu nghĩ rằng phần lớn những ý tưởng cải cách đến từ Budapest đều mang tính lật đổ. Y cấm báo chí Hung không được vào Romania, ngay cả các bộ phận Đảng cũng không được đọc. Y cũng đã cấm báo chí Xô viết sau khi một số phụ tá cho biết báo chí nước này hay đề cập đến những thành tựu của perestroika và gladnost.
        Ở Transylvania, ý tưởng mới nhất của Ceausescu nhằm chỉnh đốn văn hóa được coi như là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với lối sống của nhóm thiểu số người Romania gốc Hung. Nhà độc tài gọi tầm nhìn lỗi lạc của mình cho nông thôn là ‘công cuộc hệ thống hóa’. Y dự trù san bằng 8,000 trong số 13,000 ngôi làng ở Romania và thay bằng 500 trung tâm kỹ-nông rộng lớn. Công nhân nông nghiệp – giờ đây không có từ nông dân nữa – sẽ được sống trong các khu tập thể hình hộp to lớn bằng bê tông tương tự như các vô sản thành thị. Ceausescu cho rằng đây là một bước tiến bộ nhằm mang lợi ích của kế hoạch hóa cộng sản cho những vùng thôn quê xiêu vẹo, khốn cùng, không đường xá, và điện nước. Nhưng chắc hẳn y cũng nghĩ đến việc giám sát ‘những công nhân nông nghiệp’ trong những khu tập thể sẽ dễ dàng hơn khi họ cư trú theo lối truyền thống. Vào năm 1988 chỉ có ba làng bị xóa sạch, tất cả đều gần sát Bucharest và gần những nông trại tập thể lớn đã tồn tại. Nhưng có tin đồn là chương trình hệ thống hóa sắp bắt đầu – ở Transylvania – và sau đó sẽ chỉa hướng về các làng Hung. Chỉ nội tin đồn đã gây ra một làn sóng người liều mình bỏ nhà cửa, tìm đường ra khỏi Romania. Mấy năm trước số người Transylvania xoay sở để vào được Hung chỉ nhỏ giọt. Giờ đây, trong một vài tuần đã có hơn 25,000 người ra đi. Hàng chục người bỏ mình và hàng ngàn người bị bắt lại trên đường đến biên giới.
    Người tị nạn đốt lên cơn khủng hoảng ở Hung. Trong quá khứ, Kadar thường phàn nàn với chính quyền Romania về cách đối xử của họ đối với thiểu số người Hung. Mặc dù một thỏa ước giữa hai nước ký cách đây 20 năm qui định rằng các người tị nạn ‘bất hợp pháp’ sẽ được trả về Romania, nhưng thực sự người Hung không đưa người nào trở về  cho bọn Securitate ‘chăm sóc’. Số ít người tị nạn đến được Hung đều được các cấp chính quyền tiếp đón tử tế và cung ứng tiện nghi về đời sống. Bây giờ thì số tị nạn quá đông tạo ra một vấn nạn. Họ được người thân, bạn bè, nhà thờ và các tổ chức từ thiện chăm lo. Người Hung thường tốt bụng. Nhưng dân chúng nổi giận vì nhà nước có vẻ không làm gì nhiều để giúp đỡ những người mới đến, chỉ trao một món tiền trợ cấp nhỏ. Họ không có tư cách pháp lý, hình như bị lãng quên, trong khi Ceausescu yêu cầu phải giao họ trở lại Romania. Người Hung đề nghị Romania cho phép các viên chức trung gian độc lập đến Transylvania để xem xét tình hình tại đó, nhưng Ceausescu từ khước không cho họ vào xứ.
        Đây là một vấn đề khác, như vụ đập Danube, gây khích động cho nhân dân Hung. Thậm chí nó còn gây xúc động mạnh mẽ hơn vấn đề môi trường, bởi vì nó chạm đến tinh  thần dân tộc ruột thịt. Lúc đầu nhà nước không cảm nhận được mối nguy. Người Cộng sản Hung nghĩ rằng phong trào chống Romania có thể trở thành một xú bắp xả bớt áp lực đối với chính quyền. Một trong những nhà cải cách Cộng sản nổi tiếng nhất, Imre Pozsgay, tự đặt mình vào vị trí tiên phong trong chiến dịch chống Ceausescu, mà ‘động thái chính trị ngu ngốc và khó hiểu của ông là một sự tổn hại đến văn minh Âu châu và một tội ác chống lại nhân loại’.  
        Trong mùa xuân và hè năm 1988, một loạt các cuộc biểu tình lớn được tổ chức ở Budapest và các thị trấn lớn khác. Họ bắt đầu bằng những yêu sách đòi chính quyền phải giúp đỡ cho những người tị nạn, nhưng rồi họ nhanh chóng biến thành đám đông chống Cộng. ‘Dĩ nhiên chúng tôi biểu tình vì chúng tôi quan tâm đến người Hung ở Transylvania, nhưng chủ yếu là vì chúng tôi ghét người Cộng sản.’ Sandor Zsindely, người có gia đình đang lãnh chăm sóc một số dân tị nạn, nói. ‘Những cuộc biểu tình này là cách duy nhất để chứng tỏ điều đó.’
        Cú đảo chánh chống lại Kadar được dự trù để câu giờ cho nhóm cải cách trong Đảng. Họ tin rằng nếu ông già ra đi, dân chúng sẽ cho rằng chế độ cũ cũng ra đi và sẽ ưu ái với những người kế vị. Họ đã lầm. Cuộc biểu tình lớn nhất, vào ngày 28/6, được tiến hành sáu tuần sau khi Kadar bị hất cẳng. Hơn 90,000 người diễn hành trên đường phố Budapest, một thành phố khoảng một triệu rưỡi người. Áp lực đè nặng lên Grosz tăng lên, từ ngoài và trong nước. Ceausescu mời nhà lãnh đạo mới của Hungary đến họp tại Arad, một thị trấn nhỏ ở Romania ven biên giới, để bàn thảo về vấn đề người tị nạn. Grosz đồng ý, không nghe lời khuyên của các phụ tá thân cận, dẫn đầu các viên chức của Đảng và những tiếng nói mạnh mẽ trong nhóm chống đối, những người tự hỏi không biết người Hung sẽ nhận được gì từ cuộc gặp gỡ. Họ gặp nhau vào cuối tháng 8 và Ceausescu hình như đang ở trong tâm trạng tốt nhất của y. Y hòa nhã, và mặc dù y không thỏa mãn yêu cầu nào của Grosz, chẳng hạn việc mở lại Lãnh sự Quán ở Cluj, nhưng Ceausescu cam kết sẽ bảo đảm quyền dân sự cho thiểu số người Hung và bảo đảm tiếng Hung sẽ được giảng dạy trong các trường tại Transylvania. Grosz trở về Budapest, đinh ninh rằng mình đã đạt được thỏa thuận với nhà độc tài của Romania. Nhưng ông ta đã bị phục kích. Ngay khi Ceausescu rời Arad, y liền tố cáo một cách gay gắt sự can thiệp không thể tha thứ được của Hung vào vấn đề của Romania. Tờ báo Đảng Romania,Scinteia, tuyên bố rằng Hungary ‘giờ đang đưa ra những yêu sách mà ngay cả Đô Đốc Horthy phát xít còn chưa dám vào thập niên 1930’. [Đô Đốc là người trị vì Hungary vào những năm 1930, kết đồng minh với Hitler chống lại LBXV. Dựa vào uy thế của phát xít Đức ông đưa ra những yêu sách về đất đai: ND].
        Những nhân vật cầm đầu trong đảng kết án Grosz đã quá ngây thơ khi chấp nhận những cam kết của Ceausescu, chứng tỏ những điểm yếu của mình. Ông không bao giờ khôi phục lại uy quyền của mình và bắt buộc phải chấp nhận những nhượng bộ thái quá mà trước đây ông không muốn. Một sắc luật mới về công ty được công bố, có liên quan sâu sắc đến chủ nghĩa cộng sản. Trên thực tế, kế hoạch hóa tập trung bị bãi bỏ. Sở hữu cổ phần tư nhân lần đầu tiên được cho phép; không có giới hạn về kích cỡ của các xí nghiệp tư nhân; công ty có cổ phần liên kết được phép thành lập; xí nghiệp nước ngoài có thể mua toàn bộ công ty của Hung. Hàng loạt sắc thuế được giảm để kích thích sản xuất. ‘Chúng ta đã đi vào vùng nước xa lạ,’ Reszo Nyers, một trong những nhà kinh tế đưa ra kế hoạch mới, tuyên bố.
        Cuộc chiến ngôn từ với Romania càng lúc càng trở nên cay chua hơn. Vào tháng 11 các đại diện ngoại giao cuả cả hai bên đều rút về nước. Ceausescu yêu cầu trả lại người tị nạn. Người Hung đáp trả bằng cách cung cấp nơi nương náu cho dân tị nạn và ký tên vào Quy chế Liên Hiệp Quốc 1951 về người Tị nạn. Đó là nước đầu tiên trong khối Xô viết đã ký vào Quy chế này, nhằm tìm kiếm một lớp vỏ luật pháp cho Hungary khi từ khước việc giao nộp đồng bào ở Transylvania về, như thỏa thuận mà hai nước đã ký. Các luật sư của Đảng cố vấn cho chính quyền rằng hiệp ước của LHQ sẽ vô hiệu hóa bất kỳ thỏa ước nào được ký giữa các quốc gia trong Hiệp ước Warsaw. Ceausescu cảnh báo rằng nếu tình hình dẫn đến xung đột quân sự, ‘Romania có khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân’. Đó là lời tuyên bố đáng ngờ, nhưng Grosz không thể hoàn toàn chắc chắn nó có phải là lời lừa phỉnh hay không.
        Khi năm mới bắt đầu, Ceausescu gia cố hàng rào biên giới thêm và buông giọng điệu hiếu chiến hơn. Quân đội Romania có quân số gấp ba quân số Hung. Nhưng nếu xung đột quân sự xảy ra, kết quả cũng không rõ ràng. Các báo cáo mới đây nhất từ Moscow thì ôn hòa hơn. Theo ý họ Ceausescu chỉ đánh võ mồm mà thôi, và sự tranh cãi giữa hai quốc gia lân bang sẽ sớm qua đi, nhưng Grosz không đồng ý. Ông đã từng là người cộng sản trung thành trọn cả đời và ông bắt đầu nhận ra rằng sự thay đổi có thể xảy ra mau chóng. Ngày hôm đó tờ báo Đảng, Nepszabadsag, đã gỡ bỏ khẩu hiệu     ‘Công Nhân các Nước Đoàn Kết Lại’ ra khỏi trang nhất của tờ báo. Trong vòng 10 ngày, vào ngày 11 tháng 1, dưới sự lãnh đạo của ông và ngược với linh tính của mình, Hungary sẽ trở thành nước đầu tiên trong khối xã hội chủ nghĩa cho phép thành lập các đảng phái cạnh tranh với Đảng Cộng sản.
        Đó là giờ phút lịch sử, như các đồng chí già trung thành nói với Grosz trong dịp năm mới này, giờ phút ông trở thành người đào mồ chôn chủ nghĩa cộng sản. Trong một lúc ngắn ngủi ông xem xét việc đưa ra một quyết định quyết liệt. Ông ra lệnh cho các phụ tá tin cậy nhất soạn ra một kế hoạch khẩn cấp là tuyên bố thiết quân luật ở Hung, trong trường hợp có chiến tranh với Romania hoặc nền kinh tế sụp đổ hoàn toàn. Đó có thể là cách duy nhất để duy trì quyền lực của Đảng. Ông thảo luận ý tưởng ấy với một số ít nhân vật ở Hung, nhưng theo cố vấn chính sách đối ngoại của ông, Gyula Thurmer, Grosz hướng đến lời khuyên của Tướng Jaruzelski, người cực lực chống lại kế hoạch ông. Thiết quân luật không có tác dụng gì nhiều ở Ba Lan. ‘Chúng tôi thắng trận đó, nhưng lại thua trong cuộc chiến,’ vị Tướng nói. Ông ta khuyên Grosz cứ bám theo lộ trình thỏa thuận với phe chống đối. Grosz tự nộp mình cho số phận có vẻ chắc chắn là người cai trị ngắn ngày nhất trong lịch sử Cộng sản.        

HAI MƯƠI BẢY
HAVEL TRONG TÙ

Prague, thứ hai, ngày 16 tháng 1 năm 1989
CÁC ĐỒNG CHÍ TIỆP ít u sầu về viễn ảnh của mình hơn. Họ thấy không có lý do gì để buông bỏ quyền lực. Họ đang sát cánh với nhau đương đầu với sự chống đối diễn ra trên đường phố ngay từ đầu năm, và sẵn sàng đối phó với nó như thường lệ. Cảnh sát chính qui, dân quân và mật vụ, bọn StB, được đặt trong tình trạng báo động cao trên khắp thủ đô và được Bộ Nội vụ cảnh báo là họ có thể phải đối phó với ‘kẻ thù . . . những phần tử gây rối; bọn côn đồ và bọn phản cách mạng’.
        Chế độ biết rằng Hiến chương 77 và các nhóm khác đã lên kế hoạch tưởng niệm vụ tự tử của Jan Palach. Vào ngày này cách đây hai mươi năm, chàng sinh viên Trường Kinh tế Prague đứng trên bậc thang bên ngoài Nhà hát Quốc gia Tiệp khắc ở Quảng trường Wenceslas. Đúng bốn giờ chiều, anh lôi ra một chai xăng từ túi nhựa mình mang theo, trút đổ xăng lên người và đốt cháy phừng áo khoác mình đang mặc bằng một diêm quẹt. Ba ngày sau, với 85 phần trăm cơ thể bị bỏng nặng, anh qua đời ở tuổi 20, trong đau đớn, tại bệnh viện Prague. Anh để lại lời nhắn là mình không biết cách nào khác ngoài tự thiêu như một hình thức hiến tế để bày tỏ sự chống đối của mình với cuộc xâm lăng Xô viết vào Tiệp khắc năm tháng trước đó. Từ đó một ít tiếng nói dũng cảm đã tôn vinh anh như một người tử đạo, nhưng chế độ chỉ xem anh như một người chưa hề tồn tại. Tro cốt của anh đã bị lấy đi khỏi nghĩa trang bên ngoài Prague nơi được chôn cất ban đầu, và thay bằng di hài của một ông già hưu trí hoàn toàn không liên hệ gì với chàng thanh niên đã hi sinh. Các nhóm chống đối tuyên bố sẽ đặt tên cho tuần lễ từ 15 đến 21 tháng 1 năm 1989 là ‘Tuần lễ Palach’ và sẽ tổ chức một loạt sự kiện để kỷ niệm ngày mất của anh.
        Tên Jan Palach không hề được đề cập trên truyền thông chính thức gần hai thập niên nay. Giờ chế độ quyết tâm đã đến lúc để đương đầu trực tiếp với ký ức về anh. Vào ngày 12 tháng 1 tờ báo Đảng, Rudé Pravo (Lộ trình Đỏ), mô tả vụ tự tử của anh là ‘một hành động bi thảm, vô nghĩa’ và tuyên bố rằng mọi cuộc mít tinh hoặc biểu tình tưởng niệm sẽ bị ngăn cấm. Hai ngày sau tờ báo lại tiếp tục công kích lần nữa: ‘Không nên nghe theo lời bọn bất đồng chính kiến đang toan tính gây hiểm họa cho cuộc sống của tuổi trẻ chúng ta,’ tờ báo viết. ‘Chúng ta sẽ không cho phép nền cộng hòa chúng ta bị đe dọa.’ Hầu hết dân Tiệp, vốn không quan tâm đến chính trị, đến lúc đó mới biết những vụ chống đối được hoạch định để kỷ niệm một sự kiện đã gần như bị quên lãng. Tại thời điểm đó nhóm chống đối, như một người bất đồng chính kiến chia sẻ, ‘có khoảng vài ngàn trên khắp nước tụ họp rải rác, vài trăm người ở ngay trung tâm, và số người cầm đầu không đến một chục’. Người ta công khai loan tin, điều chưa có tiền lệ, sẽ có thêm những đám đông xuất hiện ở các cuộc mít tinh, cho dù phải chứng kiến những người phản kháng bị cảnh sát đánh đập.
        Lôi kéo sự chú ý của dân chúng đến Tuần lễ Palach là một hành động sai lầm, như lời của những nhà lãnh đạo Cộng sản trong đó có Milos Jakes – thường gọi bằng biệt danh Mặt Thộn – thú nhận sau đó. Nhưng điều đó nằm trong toan tính của nhà nước muốn chứng tỏ quyền lực nằm ở đâu trong xứ Tiệp Khắc của Nhân dân. Trong năm qua chính quyền đã phát đi những tín hiệu đối nghịch nhau tới nhóm chống đối. Hai tháng trước Jakes đã cho phép Alexander Dubcek đến Ý để nhận bằng danh dự của Đại học Bologna. Hơn 20 năm qua Dubcek thận trọng không nói gì đến chính trị, hầu hết thời gian đó ông là một viên chức quèn trong Ủy ban Lâm nghiệp Slovak. Đến Ý lần đầu tiên ông cất tiếng, phá vỡ sự im lặng bấy lâu, kịch liệt biện hộ cho những hành động của mình trong Mùa Xuân Prague và nói về ‘tình trạng vô đạo đức không thể so sánh được’ của chế độ Tiệp từ đó. Chính quyền tuyên bố bất đắc dĩ lắm mới cho phép Dubcek về nước. Sau đó họ cương quyết sẽ đập tan phong trào bất đồng chính kiến. Vào Ngày Nhân Quyền, 10/12/1988, ông trùm Đảng Cộng sản Prague, Miroslav Stefan, đích thân giám sát cảnh sát khi họ phun đại bác nước vào đám người phản kháng ở trung tâm thành phố. ‘Sẽ không có đối thoại gì hết,’ y tuyên bố.
Trong cuộc biểu tình tưởng niệm Palach đầu tiên vào ngày 15/1, có khoảng bốn ngàn rưỡi người tụ tập ở Quảng trường Wenceslas, số lượng đông nhất kể từ sau 1968. Đó là một biểu tình phản kháng hoàn toàn hòa bình. Cảnh sát dã chiến xông tới, bắt giữ 91 người và đánh đập nhiều người hơn. Ở nước ngoài cũng có biểu tình phản kháng, như được mong đợi, nhưng chính phản ứng của dân chúng Tiệp mới làm nhóm bất đồng chính kiến ngạc nhiên. Trong quá khứ, hầu hết dân chúng đều thờ ơ và lặng lẽ bỏ đi nếu chạm mặt với vụ xô xát vì sợ liên lụy. Nhưng giờ đây nhiều người qua đường không liên can đã đứng lên phản kháng sự tàn bạo của cảnh sát.
        Ngày hôm sau một nhóm nhỏ trở lại Quảng trường Wenceslas để đặt hoa tại địa điểm nơi Palach đã châm lửa tự thiêu. Vaclav Havel có mặt ở đó và mô tả những gì xảy ra: ‘Tôi quyết định đứng bên vĩa hè quan sát buổi lễ từ bên lề để nếu cảnh sát có can thiệp tôi có thể phát đi một thông báo với bạn bè và truyền thông nước ngoài,’ ông nói. ‘Cảnh sát đúng là can thiệp, nhưng quá vụng về đến nổi khích động sự chú ý của người đi đường và ngay lập tức bùng lên thành một vụ biểu tình tự phát lớn. Tôi nhìn toàn bộ cảnh tượng từ một khoảng cách, phấn chấn, mặc dù tôi biết rằng sớm muộn gì họ cũng có thể bắt tôi. Và rồi sau khi rời khỏi Quảng trường Wenceslas, để chuẩn bị bản thông báo của mình. Họ bắt tôi ngay trên đường về nhà.’
        Trong bốn ngày tiếp theo đều có biểu tình và tất cả đều bị cảnh sát đàn áp dữ dội. Hơn 500 người bị bắt và phân nửa trong số đó bị xét xử, phần lớn vì tội côn đồ và phá rối trật tự công cộng. Ota Veverka ở Câu lạc bộ Hòa bình John Lennon bị kết án một năm tù. Người phát ngôn của Hiến chương 77 Alexander Vondra, người xoay sở đặt được bó thủy tiên vàng tưởng niệm Palach trước khi bị tóm, bị án treo và bị phạt một trăm đô. Còn Havel bị kết tội ‘xúi giục gây rối và chống đối chính quyền có liên can với vụ biểu tình bị ngăn cấm’. Ông bị giam 9 tháng. Những vụ phản kháng từ các chính quyền và các nhóm nhân quyền ở nước ngoài đều bị phớt lờ. Nhưng khó hơn khi bỏ qua những thỉnh nguyện thư kêu gọi phóng thích Havel ở trong nước, từ những người trước đây vẫn giữ im lặng, như hội nhà văn và hội nghệ sĩ nhà nước. Hơn bốn ngàn người kí tên vào bản thỉnh nguyện này, một con số chưa hề nghe nói đối với phản kháng thuộc loại này ở Tiệp Khắc. ‘Chế độ rõ ràng đã không tiên liệu được việc này và không biết đối phó thế nào,’ Havel nói. ‘Nhốt từng cá nhân những người chống đối thì không thành vấn đề, nhưng nhốt tất cả những nghệ sĩ nổi tiếng trong nước? Đó là tình huống họ không còn dám làm.’
        Nhân cơ hội này, chính quyền làm cả nước biết đến Havel như là một ‘kẻ gây rối’ hòng bôi nhọ ông. Báo chí đăng cả lý lịch của một tên tù trí thức hưởng đặc quyền giáo dục và giàu có. Nhưng kết quả không được như ý bọn chúng. Hầu hết dân Tiệp chưa từng biết ông trước đây. Giờ thì họ đã biết ông là ai và ông đã nghiễm nhiên nổi danh là một người chống Cộng gan lì. ‘Tôi là một tù nhân hơi đặc biệt,’ ông nói. ‘Tôi bị cách ly nghiêm nhặt, nhưng dù sao cũng hưởng được một cung cách đối xử thận trọng. So với những bận ở tù trước đây, lần này gần như là một kỳ nghỉ. Ngoài ta tôi nằm trong xà lim với hai tên cộng sản đã bị nhốt nhiều năm vì tội kinh tế chúng rất dè dặt khi nói chuyện với tôi vì sợ liên lụy.’
        Chế độ mãn nguyện vì việc biểu dương bạo lực đã dạy cho phe chống đối một bài học và giải quyết được Havel. Tại một buổi chiêu đãi của Đại sứ Quán Tây Đức, trùm ý thức hệ Jan Fojtik được một viên chức Mỹ hỏi thăm về nhà viết kịch, y nói, ’Havel hoàn toàn vô nghĩa về mặt tinh thần và không có khả năng kêu gọi quần chúng. Chủ nghĩa Cộng sản ở đây sẽ thắng thế.’                                            

HAI MƯƠI TÁM
BÀN TRÒN

Warsaw, thứ hai, ngày 16 tháng 1 năm 1989
CŨNG KHOẢNG THỜI GIAN Vaclav Havel bị bắt ở Prague, Tướng Jaruzelski nhận được một cách xử sự thô bạo ở Ba Lan mà nhiều năm trước đây ông chưa bao giờ gặp phải. Vị Tướng không quen bị sỉ nhục, nhất là bởi những đảng viên tích cực ở một lứa tuổi thường biết phải tôn trọng những bậc trưởng thượng. Nhưng hôm nay tại một phiên họp của Đảng Cộng sản Ba Lan, những cán bộ Đảng kỳ cựu đã lên lớp ông vì đã tỏ ra yếu mềm trước kẻ thù và bỏ rơi lý tưởng xã hộ chủ nghĩa. Có một qui tắc bất thành văn trong nội bộ Đảng Cộng sản Ba Lan là Jaruzelski sẽ không phải nhận được một chỉ trích cá nhân nào như một nhà chính trị dân sự thường gặp. Trước công chúng ông phải được mọi người kính trọng. Điều này đã bị phớt lờ khi những đảng viên cao cấp nhất của đất nước gặp nhau tại trụ sở lớn, màu trắng, cũ kỹ của Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan tại góc đường Tân Thế Giới và Đại lộ Jerusalem ở trung tâm Varsaw. Jaruzelski quyết định bắt đầu thương thảo với CĐĐK để đi đến một thỏa thuận nhằm bảo đảm sự yên bình trong các xí nghiệp Ba Lan. Trong ba tháng vừa qua CĐĐK đã chuẩn bị cuộc thương thảo. Khi Walesa nói theo giọng điệu của Churchill [Thủ tướng Anh trong thời Thế chiến II: ND], ‘Tôi sẽ sẵn sàng nói chuyện với quỹ dữ nếu điều đó mang lại tốt đẹp cho Ba Lan.’ Giờ đây vị Tướng chuẩn bị đương đầu trong hiệp đấu cuối cùng với các đảng viên bảo thủ rắp tâm muốn cản đường hợp tác với phe chống đối vì không muốn trao bớt quyền lực của Đảng.
        Jaruzelski và Thủ tướng Rakowski ra sức giải thích cách sắp xếp chia sẻ quyền lực mà họ đã nghĩ ra. Đa số giới lãnh đạo Đảng còn ngờ vực. ‘Nhiều sự chống đối đã nổi lên,’ Tiến sĩ Janusz Reykowski, một giáo sư tâm lý ở Warsaw và là một người Cộng sản nổi bật đã từng là cố vấn cho Bộ Nội vụ trong 25 năm. ‘Nhiều người trong Đảng nghĩ rằng CĐĐK là một nhóm đặc vụ và đầu cơ ngoại bang. ‘Vấn đề chính là sự hợp thức hóa các nghiệp đoàn tự do. Vị Tướng nói rằng không thể duy trì sự ổn định của nền kinh tế mà không có CĐĐK, không thể duy trì thứ quyền lực không thể bị giám sát mà người Cộng sản đã sở hữu nhiều thập niên qua. Sau đó, từ trải nghiệm của kỳ thiết quân luật, ông nói công đoàn không thể bị quét sạch. ‘Chúng ta không có sự lựa chọn nào khác trừ ra phải bắt đầu thảo luận,’ ông nói. Thủ tướng nói sẽ có ‘biến động cách mạng nếu Đảng cứ bám víu lấy những quan điểm lỗi thời’. Đôi lần ông lặp lại là ‘chúng ta không nghĩ đến việc buông bỏ quyền lực. . .  ở đây chúng ta nói về sự sắp xếp để duy trì quyền lực’.
        Hiện giờ quá bán số đảng viên đang teo tóp dần của Đảng đã trên 50 tuổi. Giới lãnh đạo gần như gồm toàn những người trên 60, những đảng viên trung thành, những người đã từng chứng kiến giờ phút đẹp nhất của họ trong thời ‘kỷ cương xã hội chủ nghĩa’ trước khi CĐĐK ra đời.
        Một trong những lãnh đạo chính của Nhóm Xi Măng gồm những người bảo thủ cực kỳ của Đảng Ba Lan là Alfred Miodowics, người cầm đầu phong trào nghiệp đoàn do chính phủ tổ chức, hoàn toàn là một bộ phận phụ thuộc của Đảng Cộng sản, có tên OPZZ (Liên minh các Nghiệp đoàn Toàn Ba Lan). Ông ta còn nhớ chuyện gì đã xảy ra cho tổ chức của y trong những năm 1980-81 khi CĐĐK chỉ mới ra đời 1 năm và 4 tháng. Lúc đó xảy ra cạnh tranh giữa hai tổ chức. CĐĐK đã chiến thắng, có được khoảng mười triệu đoàn viên trong khi nghiệp đoàn của ông và Đảng đã bị quét sạch. Điều tệ hơn sẽ xảy ra nếu CĐĐK được hợp thức hóa, ông nói.
        Vào cuối tháng 11 ông đã xuất hiện trên TV trong cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp với Lech Walesa. Đó là lần đầu tiên hầu hết dân Ba Lan mới có dịp nhìn tận mặt nhà lãnh đạo CĐĐK từ năm 1981, và nhiều người đã quên mặt ông. Ngay lập tức hình ảnh ông tạo nên sự phấn chấn và tinh thần dân chúng lên cao. Miodowics là một tay ăn nói bản lĩnh, kinh nghiệm, thường lên sóng truyền hình. Nhưng Walesa đã đập ông ta tơi bời. Trong khi nhà lãnh đạo Cộng sản sử dụng toàn những biệt ngữ chính trị và số liệu thống kê, còn Walesa thì không màu mè và có phong thái là một người của quần chúng. Ngay từ lúc ông nói ‘Dân Tây phương đi bằng ô tô – còn chúng ta đi xe đạp’ toàn bộ khán giả đều đứng về phe ông. Giờ đây Miodowics nhìn chăm chăm vào Jaruzelski một cách châm chọc khi nói thật là nguy hiểm khi trao nhiều vũ khí tuyên truyền hơn cho một đối thủ quá nhiều uy tín.
     Sau hơn mười giờ tranh luận sôi nổi kéo dài trong hai ngày, Jaruzelski cuối cùng quyết định biểu quyết. Ông và những cố vấn của ông biết rằng kết quả sẽ rất sít sao, Một số phụ tá của ông còn không tin là ông thắng. Ông thử một chiến thuật mới liều lĩnh. Thình lình, trước khi bỏ phiếu về chủ trương hợp thức hóa CĐĐK, ông đe dọa sẽ từ chức nếu kết quả chống lại ông. ‘Tôi không thể thấy có cách nào khác hơn là hăm dọa họ.’ Ông thuyết phục Bộ trưởng Nội vụ, Tướng Kiszczak, Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng Florian Siwicki và Rakowski từ chức theo ông – ‘cùng với nhau chúng ta sẽ đại diện một sức mạnh thực sự,’ ông nói. Kết quả là vị Tướng thắng lớn. Ngày hôm sau ông tuyên bố hội nghị Bàn Tròn với CĐĐK sẽ bắt đầu vào ngày 6/2, qua đó ông hi vọng cuộc khủng hoảng triền miên của Ba Lan sẽ đạt được ổn định.
        Cuộc thương thảo bắt đầu tại Cung điện Radziwill tân cổ điển, mặt tiền màu trắng ở thị trấn cổ của Warsaw vào một buổi sáng giá lạnh, gió lộng, trời xám xịt. Giáo hoàng có gởi đến một thông điệp nói sẽ cầu nguyện cho hội nghị thành công. Trước khi họ bắt đầu ngài đã giải thích cho một vị khách ở Vatican vấn nạn cần phải được giải quyết ở Ba Lan. ‘Chính quyền có tất cả sức mạnh vật chất nhưng không có ảnh hưởng, còn bên chống đối có ảnh hưởng mà không có sức mạnh vật chất.’ Người bất đồng chính kiến Adam Michnik, một nhân vật trung tâm trong cuộc thương thảo, nói cách khác. Cả hai bên đều yếu, và đó lý do họ phải thỏa hiệp. ‘Chính quyền quá yếu không dám chà đạp chúng ta. Còn chúng ta quá yếu không thể lật đổ họ,’ ông nói.
        Thật ra có đến tám bàn – và chúng ráp lại thành hình bánh vòng, với khoảng trống ở trung tâm. Từ ngày đó Bàn Tròn – được tạo dáng để giảm bớt sự ma xát giữa những bên đàm phán và gợi lên sự bình đẳng – trở thành biểu tượng của cách mạng Đông Âu. Suốt ròng rã hai tháng sau đó những đội công tác khác nhau của CĐĐK kiên trì thương thảo một gói thỏa ước chi tiết với các vị tướng và các viên chức của Đảng trong 92 phiên đối thoại. Các đối thoại đề cập đến thực tiễn lao động trên xưởng máy, an toàn trong các nhà máy công nghiệp, sức khỏe và giáo dục. Nhưng tất cả các thảo luận chính về cuộc bầu cử sắp tới, quyền lợi bảo đảm cho CĐĐK và hình thể tương lai của một nước Ba Lan dân chủ, được tiến hành tại năm phiên họp tối mật trong một biệt thự ở Magdalenka, một thị trấn nhỏ cách Warsaw 25 km về phía tây nam, giữa Kiszczak và Walesa. Ngôi nhà sang trọng, nép bên vạt rừng và được cảnh vệ tuần tra 24 tiếng mỗi ngày, được sử dụng làm trung tâm giải trí cho bọn SB.
        Công luận thức tỉnh, không còn thờ ơ. CĐĐK đã đạt được một nhượng bộ quan trọng trước khi đối thoại Bàn Tròn bắt đầu là CĐĐK sẽ nhận được quyền sử dụng ngang bằng về phương tiện truyền thông đại chúng do nhà nước quản lí. Mỗi đêm trên truyền hình người Ba Lan có thể xem được các nhà lãnh đạo CĐĐK kiên trì giải thích những gì đã xảy ra trong cuộc thảo luận ngày hôm đó. Những nhân vật như Geremek, Mazowiecki và Kuron trông có vẻ thông minh, tử tế và yêu nước, chứ không có vẻ là bọn ‘phản bội’ và ‘côn đồ’ như cơ quan tuyên truyền của nhà nước mô tả. Geremek là nhân vật mà CĐĐK ‘đưa ra sân’ thường nhất, nguyên là giáo sư trung cổ sử nhẫn nại, lễ phép, nghiêm túc, trầm tĩnh, mà cử chỉ điềm đạm của ông đã chinh phục mọi người.
        Những người Cộng sản cũng ngạc nhiên trước năng lực của những người chống đối mà họ đang thương thảo. Krzysztof Dubinski, thư ký riêng của Bộ trưởng Nội vụ, nói: ‘Chính quyền cuối cùng nhận thấy rằng những người nói chuyện với họ không phải là kẻ thù hoặc đặc vụ nước ngoài mà là những con người bình thường đang quan tâm đến lợi ích nước nhà.’
12

LỆNH BẮN BỎ

Đông Berlin, chủ nhật, ngày 5 tháng 2 năm 1989
ĐÓ LÀ MỘT ĐÊM TRONG SÁNG nhưng lạnh thấu xương, – 3oC. Băng phủ mặt đất khi hai thanh niên trẻ Đông Đức đi bộ qua khu Treptow ở Berlin, vừa đi vừa nói cười với nhau. Không ai nhìn họ có thể ngờ được là họ sắp sửa thực hiện một việc liều lĩnh và tuyệt vọng. Chris Gueffroy là một bồi quán rượu hai mươi tuổi. Ba tháng nữa anh sẽ đăng nghĩa vụ quân sự trong hai năm. Anh không phải là người hoạt động chính trị, nhưng anh ghét phải bị cưỡng bách vào quân đội. Anh thường xem các kênh truyền hình Tây phương, qua đó anh biết được cuộc sống ở thế giới ngoài kia, và anh mơ ước được đi du lịch. Bạn của anh, Christian Gaudian, gần đây có nghe một tin phi thường từ một người bạn làm nghĩa vụ trong đội tuần tra biên giới ở Thuringia. Anh ta được cho biết, một cách bí mật, là chế độ đã dỡ bỏ chỉ thị ‘bắn bỏ’ theo đó lính canh được lệnh nghiêm nhặt là bắn vào bất kỳ ai định vượt qua Bức Tường Berlin một cách bất hợp pháp.
        Không hề có thông tin công khai nào về các ‘người nhảy tường’, như họ được gọi như thế. Tất cả tin tức về họ đều bị gạt khỏi các phương tiện truyền thông nhà nước, mặc dù thỉnh thoảng có tin về số 12 lính biên phòng bị giết trong nhiều năm qua trong khi đang thi hành nghĩa vụ đối với Tổ quốc. Nhưng dân chúng Đông Đức biết rằng nhiều người đã bị bắn khi đang cố trốn thoát và một số đã thành công. Mặc dù chính sách ‘bắn bỏ’ luôn được giấu nhẹm nhưng ai cũng biết là nó tồn tại. Hai chàng thanh niên kia biết rằng người cuối cùng bị bắn chết khi vượt qua biên giới bất hợp pháp ở Berlin là Lutz Schmidt 24 tuổi, vào ngày 12/2/1987. Anh đã lái xe tải húc vào Bức Tường tại một địa điểm gần Phi trường Schoenfeld. Anh bị lính biên phòng bắn qua tim. Văn bản chính thức trong báo chí địa phương nói rằng anh chết ‘trong một tai nạn giao thông bi thảm.’ Nhưng việc đó đã xảy ra cách đây hai năm. Ronald Reagan đã đứng trước cổng Brandenburg mười tám tháng trước và kêu gọi người Xô viết hãy giật sập Bức Tường và chỉ cách đây ba tuần Erich Honecker đã ký Hiệp ước Hợp tác Âu châu trong đó có đoạn mọi người ‘có quyền không hạn chế được bỏ đi và trở về xứ sở của mình.’ Hai người bạn, Gueffroy và Gaudian, đoan chắc tin đồn mình nghe là đúng sự thật. Họ quyết định kiểm tra hình ảnh tử tế hơn mà Đông Đức đang phơi bày ra cho thế giới thấy.
    Khoảng 11 giờ khuya họ tiến gần khu vực Britz, phần biên giới chia cắt Đông Đức với khu lân cận Neukoln của Tây Đức. Gần đó là một vùng dân cư được phân lô quen thuộc. Hai người bạn lẻn vào một nhà kho trong khu vườn, lấy ra một chiếc cào sắt, rồi họ cột dây thừng vào để tạo một cái móc dã chiến. Kế hoạch của họ là dùng dây có móc để leo qua chướng ngại vật đầu tiên, một hàng rào cao ba mét rưỡi. Họ xoay sở qua được không mấy khó khăn. Trên đoạn đường đến biên giới Gueffroy nói đùa với bạn mình, ‘Tưởng tượng bộ mặt mẹ mình sẽ ra sao khi mình gọi điện cho bà ấy từ Kudamm [đại lộ mua sắm ở Tây Berlin], “Mẹ ơi, mẹ đoán xem con đang ở đâu?”’
        Đi năm mét nữa là đến một hàng rào thứ hai thấp hơn, mà họ cũng qua được dễ dàng. Nhưng hàng rào này có mạch điện và chuông báo động phát ra inh ỏi. Ngay lập tức toàn bộ khu vực sáng rực đèn pha. Các lính biên phòng gần đó được báo động và bắn chỉ thiên cảnh cáo. Hai bạn trẻ hoảng kinh, phóng về phía hàng rào thứ ba ngay trước biên giới, một hàng rào mắt cáo kim loại. Họ đâm vào hai tên lính gác xả súng vào họ bằng khẩu súng tự động. Gueffrot bị bắn vào ngực đủ 10 viên đạn và chết ngay lập tức. Gaudian bị bắn vào chân và ngả xuống đất.
        Báo cáo của giới thẩm quyền cho biết họ ‘chết vì nguyên nhân tự nhiên’. Mẹ của Gueffroy không được phép nhìn mặt con. Bà ấy phản đối việc hỏa thiêu xác con mình, nhưng chính quyền mặc kệ, cứ tiến hành. Đó là thủ tục chuẩn của bọn Stasi trong những sự cố như thế, nhằm phi tang tất cả chứng cứ về các lỗ đạn bầm nát thân thể. Thường thì chỉ có một ít thân nhân gần nhất mới được dự tang lễ. Nhưng lần nầy có đến 120 người nghe tin dữ đến chia buồn. Gaudian bị câu lưu và ra tòa án khu vực Pankow vào ngày 24/5 và bị kết án ba năm từ vì ‘tội vượt biên phi pháp’. Hai người lính biên phòng, Ingo Heinrich người đã nổ súng hạ sát, và Andreas Kuhnpast, được thưởng bằng khen và số tiền 150 mác mỗi người. Họ được cấp trên khuyên là ‘không nên mất ngủ vì chuyện đó . . . các anh đã làm đúng’, mặc dù sau đó họ được thuyên chuyển sang công tác khác. *
        Lần này chế độ không thể giấu nhẹm vụ tàn sát như thường lệ. Thông báo chính thức nói theo kiểu thường lệ là các lính biên phòng ‘hoàn thành những hoạt động chiến thuật biên giới và đặt những kẻ vi phạm vào vòng cưỡng chế’. Nhưng một phóng viên xông xáo đã lọt được vào lò thiêu và phóng sự của anh được chiếu rộng rãi trên truyền hình Tây phương, và người Đông Đức nào cũng theo dõi. Honecker đối mặt trước sự la ó của quốc tế. Người Xô viết gởi một kháng thư lịch sự nhưng nghiêm khắc thắc mắc tội chết thực sự có biên phòng và các viên chức cấp dưới cần thiết không. Giờ đây Honecker nhận ra rằng đã qua rồi cái thời những người trẻ có thể bị bắn chết trên đường biên một cách vô tội vạ.  Chris Gueffroy là nạn nhân cuối cùng trong số 238 người bị bắn chết khi tìm đường đến tự do qua Bức Tường Berlin. Nhưng anh không phải là người cuối cùng phải chết. Vào ngày 8 tháng 3 Winfried Freudenberg, một công nhân nhà máy hóa học 33 tuổi gần Berlin, đã bơm đầy khí ga vào một quả cầu tự chế và bay qua biên giới. Anh bay được đến vùng ngoại ô Zehlendorf thuộc Tây Berlin. Nhưng anh chưa được nếm trải vị ngọt của tự do thì quả cầu phát nổ, rơi ập xuống và anh chết ngay tức khắc khi chạm đất.         
  • Cả hai đều bị ra tòa vào năm 1992 và lời biện hộ của họ là ‘lúc đó họ đang làm theo luật và lệnh của Cộng hòa Dân chủ Đức.’ Heinrich bị kêu án ba năm rưỡi tù và Kuhnpast hai năm tù treo trong một vụ xử tạo ra tiền lệ cho nước Đức thống nhất hậu-Cộng sản, theo đó các viên chức ‘vâng lệnh’ dưới thời Đông Đức hợp pháp trước tháng 11 năm 1989 có thể bị đưa ra xét xử. Một số viên chức chính trị cao cấp sau đó bị kết tội cũng như các lính
  • Tư liệu cho thấy chính sách bắn bỏ thực sự tồn tại và chỉ được phát hiện vào năm 2004. Vào năm 1966 Bộ trưởng Quốc phòng lúc đó Heinz Hoffman đã ra lệnh trên giấy. ‘Bất kỳ ai không tôn trọng đường biên giới của chúng ta sẽ bị ăn đạn.’ Năm 1974 giới lãnh đạo xiết chặt kỷ luật và ban hành một chỉ thị thành văn theo đó các chỉ huy biên phòng sẽ bị trừng phạt nếu số các vụ vượt biên thành công gia tăng. Honecker phát biểu: ‘Súng ống phải được sử dụng không thương tiếc trong tình huống cố tình vượt biên – và các đồng chí nào đã sử dụng vũ khí thành công sẽ được tuyên dương.’

  BA MƯƠI
CHIẾC CẦU HỮU NGHỊ

Termez, Afghanistan, thứ tư, ngày 15 tháng 2 năm 1989
TRUNG TƯỚNG BORIS GROMOZ đã nhận được một lệnh không sao tránh được. Ông là chỉ huy lực lượng quân đội Xô viết ở Afghanistan. Lệnh cho ông là tổ chức việc rút Hồng quân sau gần 10 năm chiến đấu vô vọng trong vùng đồi núi Afghanistan, nhưng làm sao cho nó không có vẻ là một cuộc tháo chạy thất trận. Gorbachev và tổng tư lệnh nhiều lần ra lệnh là các lực lượng Xô viết không được rút lui lộn xộn, như người Mỹ đã làm ở Việt Nam. Họ có thể nhớ lại cảnh hỗn loạn khi các trực thăng cất cánh khỏi tòa đại sứ Mỹ ở Saigon và yêu cầu không có gì tương tự như chuyện đó được xảy ra ở Kabul kẻo thế giới chứng kiến. Chỉ một ít ngày trước khi những toán quân cuối cùng rút hết, trong khi nói chuyện ở Kremlin với Shevardnadze, nhà lãnh đạo Xô viết đã nói rằng ‘tư thế thất thủ sẽ không được phép. Chúng ta không được xuất hiện trước thế giới dưới bộ đồ lót, hoặc thậm chí không ăn mặc gì,’
        Rút quân là một việc điều quân khó chịu nhất đối với một vị tướng và thường là phức tạp nhất. Gromov thực hiện việc rút quân buồn thảm khỏi Afghanistan với sự khéo léo, hiệu quả và đôi chút khoa trương. Theo các điều khoản của Thỏa thuận Geneva các xe tăng, khí tài và binh lính Nga đã di chuyển theo Quốc lộ Salang trở về LBXV từ tháng năm trước. Họ đi theo lộ trình mà gần mười năm trước họ đã đi theo hướng ngược lại để xâm lăng. Họ vượt sông nước lợ Amu Darya bằng cây ’Cầu Hữu nghị’ do Xô viết xây dựng. Gromov, cũng như 100,000 quân mà ông điều động, vui mừng khi được về nhà. Là con trai của sĩ quan Hồng quân nổi tiếng, hi sinh khi vượt sông Dnieper trong Thế chiến II, ông đã có một sự nghiệp rạng rỡ. Ông đã là đại đội trưởng ở tuổi 24, lên Đại tá trước tuổi 35, và Thiếu tướng ở tuổi 39. Sinh nhật là vào ngày 7/11, ngày thiêng liêng nhất của lịch Xô viết, ngày kỷ niệm cuộc Cách mạng Bô-se-vích.
  Như hầu hết sĩ quan Xô viết, Gromov là một đảng viên Cộng sản kiên cường. Rồi, dần dần những ngờ vực len dần tâm trí ông, nhất là sau vụ xung đột Afghanistan. Ông ghê tỡm Afghanistan, mà theo ông chỉ là một đất nước chậm tiến không xứng đáng hưởng được những lợi ích mà chủ nghĩa xã hội mang lại. Ông ghét cuộc chiến không thể thắng được mà các quan thầy chính trị của ông phát động mà không nghĩ gì đến hậu quả. Giờ ông đang đến đây làm nhiệm vụ lần thứ ba. Lần đầu tiên là vào năm 1980 với chức Đại tá, khi cuộc xâm lược vừa mới bắt đầu. Ông đã lên chức chỉ huy trưởng trong hai năm cuối cùng. Ông đã từng chứng kiến những đồng chí của mình hi sinh cũng như trải qua thảm kịch gia đình của riêng mình khi người vợ yêu quí của ông bị tử nạn trong một vụ rơi máy bay ở vùng núi Carpathian. Ông có ít thời gian sống với hai con traI Maksim và Andrei, lớn lên mà không có cha mẹ ở bên trong khi ông đang làm nhiệm vụ ở một nơi thổ tả đó, Afghanistan.
        Công việc không có gì đáng tự hào, nhưng ông quyết tâm đó phải là một cuộc rút quân trật tự và trang nghiêm. Trên hết ông muốn là phải bảo đảm có ít thương vong cho ‘các con trai’ của mình. Gần 15,000 binh sĩ Xô viết, hầu hết là những tân binh trẻ, đã hi sinh một cách vô ích trong một cuộc chiến mà từ nhiều năm trước ông biết là không có nhiều giá trị về mặt chiến lược cho LBXV và không liên can gì đến việc thăng hoa của chính nghĩa cộng sản. Hơn 53,000 binh sĩ bị thương. Công khai thì Gromov gạt phăng bất kỳ ý kiến nào cho rằng Xô viết đã thất trận ở Afghanistan. Khi binh lính bắt đầu rút quân về từ tháng năm vừa qua ông tuyên bố với cánh báo chí: ‘Rút lui không phải là bại trận. Đây chỉ là việc hoàn tất một sứ mạng quốc tế. . . Không có đơn vị nào của chúng tôi, cho dù nhỏ nhất, đã từng phải lui binh. Đó là lý do tại sao không có chuyện thất trận về mặt quân sự.’
        Nói riêng với các phụ tá và bạn đồng chí thân tình, ông biết sự thật là thế nào. Đó là lý do tại sao ông muốn giảm bớt số thương vong – ít nhất về phía Xô viết. Ông vẫn còn phải chiến đấu. Ông phải bảo vệ những đoàn hộ tống chở người và quân dụng trở về nước khỏi sự bắn phá của quân du kích. Ông ra lệnh cho lực lượng đặc biệt Xô viết phá hủy hàng chục ngôi làng dọc theo tuyến đường rút binh chính, dọc theo Xa lộ Salang đến Termez. Hàng trăm người đã chết trong ít tuần cuối cùng của cuộc chiến, một cuộc chiến  đã lấy đi sinh mạng của hơn 1 triệu người Afghanistan và tạo ra hơn ba triệu người tị nạn.
        Bốn tuần trước khi đến thời hạn cuối, với hàng dài quân trang và quân đội Xô viết đang hướng về cây Cầu Hữu nghị, Gromov nhận được một thông điệp từ người lãnh đạo quân Mujahideen đang kiểm soát những cao điểm dọc theo tuyến rút quân của Xô viết. Y đưa ra một thỏa thuận ngừng bắn. ‘Chúng tôi đã chịu đựng chiến tranh và sự hiện diện của các ông mười năm nay,’ y nói. ‘Ơn trời, chúng tôi chỉ sẽ chịu đựng các ông thêm một ít ngày nữa thôi. Nhưng nếu các ông có bất kỳ hành động quân sự nào chống lại chúng tôi chúng tôi sẽ đáp trả xứng đáng.’ Nhưng nó chỉ có hiệu quả hạn chế. Đánh nhau vẫn tiếp diễn giữa hai bên cho đến phút cuối cùng. Thời tiết hình như cũng tiếp tay cho quân du kích. Đoàn hộ tống bị điều kiện sương giá ở vùng núi giữ chân. Tuyết phong tỏa xa lộ có khi nhiều ngày liền. Một vụ tuyết lở giết chết những binh sĩ Xô viết cuối cùng ở Afghanistan.
        Một phân đội của Gromov thuộc Quân đoàn thứ 40 của Xô viết, thuộc Sư đoàn Trinh sát 201, gồm 500 binh sĩ đến Cầu Hữu nghị sáng sớm vào ngày cuối cùng theo thời hạn trong Thỏa thuận Geneva. Quân đội đã dựng một cổng chào trang trọng trên phần biên giới của họ, trang hoàng như một lễ chào đón chiến thắng hơn là sự trở về của  một đòan quân thất trận và kiệt quệ. Thị trấn nhỏ biên giới Termez được treo đèn kết hoa và cờ xí quân đội. Một ban nhạc đang chơi những bài hành khúc. Một biểu ngữ đỏ chói hoành tráng giăng ngang qua cổng đoàn quân tiến vào đất mẹ Nga ghi dòng chữ ‘Mệnh lệnh của Tổ quốc đã được hoàn thành’. Các đám đông những gia đình cựu quân nhân ùa đến và choàng vòng hoa cho các quân nhân vừa trở về.
      Người lính nga cuối cùng rời Afghanistan – thách thức nghi thức quân đội thông thường – chính là Trung tướng Gromov. Ông đã bảo với sĩ quan dưới quyền và các phóng viên trước đó là ông sẽ không rời cho đến khi biết chắc là tất cả binh lính của ông đã bình yên trên đất Nga. Vào khoảng 9 giờ sáng Gromov bảo tài xế mình đi trước ông vài trăm mét bằng chiếc xe khác. Còn ông tự lái chiếc xe cá nhân bọc thép của mình đến chân cầu. Đến đó, ông nhảy xuống và trầm tĩnh bước về phía lãnh thổ Xô viết. Ông quay lại, nhìn về phía Afghanistan lần cuối cùng trước khi được một nhóm phóng viên truyền hình và cậu con trai 14 tuổi Maksim của ông chào đón, tay cậu đang nắm chặt một bó hoa cẩm chướng.
        Đó không phải là đoạn kết của câu chuyện can thiệp bi thảm của LBXV vào một miền đất có truyền thống lâu đời là đánh bại mọi kẻ xâm lược ngoại bang. Najibullah biết rằng mình không thể nắm giữ quyền lực được lâu sau khi người Xô viết rút lui. Quân Mujahedeen kiểm soát ba phần tư nước Afghanistan và đang tập kết cho trận đột kích cuối cùng. Họ sắp sửa chiếm thành phố lớn thứ hai trong xứ, Jalalabad, và chuẩn bị tấn công Kabul. Đầu tháng ba, Najibullah, liên tục gọi Gorbachev kêu gọi sự yểm trợ một cách tuyệt vọng để có thêm thời gian. ‘Y van xin chúng ta hãy phát động các cuộc không kích từ lãnh thổ Xô viết – nếu không chỉ một ít ngày nữa thôi tất cả sẽ sụp đổ,’ Chernyaev nói.
        Shevardnadze, và Kryuchlov, giờ là trùm KGB, ủng hộ yêu cầu ấy. Mặc dù chống đối việc LBXV can thiệp vào cuộc chiến, nhưng Shevardnadze đã gặp Najibullah vài lần, kể cả cách đó vài tuần khi đó ông đảm bảo với y rằng người Xô viết sẽ không bỏ rơi y hoàn toàn. Ông đã có lần bảo riêng với Gorbachev là ‘chúng ta phải thừa nhận là mình đã bỏ rơi đất nước đó trong một tình trạng thảm hại . . . thị trấn, làng mạc đã bị tàn phá; thủ đô thì đang chết đói’. Giờ thì ông điện cho Gorbachev, khẩn khoản xin ông cho họ yểm trợ Najib để không thất hứa. ‘Đó là cách duy nhất,’ ông nói. ‘Nếu không, đó là sự phản bội . . . Chúng ta đã hứa, chúng ta không thể bỏ mặc bạn bè . . . Thế giới thứ ba sẽ nói gì về chúng ta?’ Gorbachev dậm chân, biểu lộ sự bực tức với Ngoại trưởng của mình: ‘Không, tuyệt đối không. Tôi xác định là phản đối sự dội bom hoặc bất kỳ động thái nào thuộc loại này,’ ông nói. ‘Khi còn là Tổng Bí thư tôi sẽ không cho phép bất cứ ai phá vỡ những gì chúng ta đã hứa trước toàn thế giới. Bộ chúng ta đã không biết mình sẽ làm gì khi quyết định rút quân hay sao? Sẽ không có câu trả lời nào khác hơn là không được dội bom.’ Giờ nổi thống khổ dai dẳng của người Xô viết tại Afghanistan đã qua rồi.
3.png

BA MƯƠI MỐT
MÀN HẠ

Kremlin, thứ sáu, ngày 3 tháng 3 năm 1989
THỦ TƯỚNG HUNGARY, Miklos Nemeth, căng thẳng và lo lắng khi bước vào văn phòng của Gorbachev ngay sau lúc 10 giờ sáng. Ông quen nhà lãnh đạo Xô viết cũng kha khá qua những chuyến viếng thăm của Gorbachev đến Budapest. Ông thích và ngưỡng mộ nhà lãnh đạo này. Vậy mà ông vẫn e dè không biết ông ta sẽ phản ứng ra sao trước tin tức hệ trọng mà ông sắp truyền đạt cho chủ nhân điện Kremlin. Nemeth bảo ông rằng người Hung dự tính giật bỏ 300 cây số hàng rào kẽm gai và hàng rào điện tử, trong đó có đoạn biên giới của Hung giáp với nước Áo. ‘Nó không còn hữu dụng nữa và chỉ dùng để ngăn các công dân các nước CHDCĐ và Romania cố tẩu thoát bất hợp pháp qua phương Tây,’ ông nói. Gorbachev hoàn toàn dửng dưng. Trong hơn bốn mươi năm Bức Màn Sắt đã từng là biểu tượng mạnh mẽ nhất của quyền lực Xô viết và qui mô của đế chế Âu châu. Đó là một sự nhắc nhở trần trụi về các trận chiến ý thức hệ liên tục giữa Đông và Tây. Giờ đây một Thủ tướng Hungary đang đề nghị, ở đây ngay giữa Kremlin, sẽ phá bỏ vật chắn vốn từ lâu được xem là có ý nghĩa cốt lõi cho quyền lợi Xô viết. Chỉ mới cách đây không lâu các người tiền nhiệm của ông ta ắt hẳn sẽ đối xử với tên Magyar [sắc tộc của tổ tiên người Hung ngày nay: ND] này như là một tên mới phất ngổ ngáo và cho người dẫn hắn đến Lubyanka [trụ sở của KGB: ND] hoặc cho đi làm xí nghiệp muối. Gorbachev biết thời điểm này có ý nghĩa biết bao. Nhưng ông không phản ứng gì. Nemeth thì thận trọng, mong đợi một câu trả lời cụ thể hơn. Ông nói, ‘tất nhiên chúng tôi sẽ phải báo lại với các đồng chí’ ở các nước khác trong Hiệp ước Warsaw. Như Nemeth sau đó nhớ lại, Gorbachev chỉ nhìn ông một cách lơ đãng rồi nói, ‘Chúng ta phải duy trì một chế độ nghiêm nhặt trên biên giới của mình, nhưng chúng ta cũng đang cởi mở hơn.’
        Ở Hungary, Bức Màn Sắt đã rỉ sét lâu rồi và bây giờ đang bắt đầu vỡ vụn. Vào thập niên 1950 và 1960 đã có những bãi mìn bên phía đông. Vào giữa thập niên 1960 chúng được dỡ bỏ, chỉ còn để lại hàng rào điện áp thấp liên tục hỏng hóc khiến nhiều lần phát ra những báo động giả. Như Gyula Kovacs, chỉ huy đội lính biên phòng, nói, hàng rào đã trở thành một nổi bực mình. Các binh lính của ông tốn rất nhiều thời gian xua đuổi các thú hoang va chạm vào lưới điện, gây ra những vụ báo động giả, Kovacs nói. ‘Khi binh sĩ đến tận nơi kiểm tra mới biết là do thú hoang dựa vào các vết chân chúng để lại. đôi khi là con hưu, thỉnh thoảng chim trỉ hoặc con hoẳng. Có trường hợp họ bắt gặp gấu. Chúng tôi rất ngạc nhiên vì cứ ngở ở Hung đã hết gấu.’
        Vào cuối năm ngoái Bộ trưởng Nội vụ Istvan Horvath đề nghị với Nemeth là nên phá bỏ hàng rào đi – một phần là vì tính biểu tượng, một phần vì thực tế. ‘Phải tiêu tốn hàng triệu để duy trì nó . . . và được lợi lộc gì chứ?’ ông giải bày. Dân Hung đã được phép đi du lịch tự do nhiều năm rồi và khoảng năm 1989 sáu triệu người mỗi năm đã đi ra nước ngoài, chủ yếu đến các nước phương Tây. Hơn 25 triệu du khách đã đến Hung. ‘Mỗi năm chúng tôi có khoảng từ 200 đến 250 trường hợp các du khách cố vượt biên bất hợp pháp, trong số đó tối đa chỉ có 10 người Hung mỗi năm,’ Horvath cho biết. ‘Đó là những tên say xỉn, bọn trẻ lười học và các ông chồng lẻn vợ đi chơi. Với việc lưu thông hợp pháp tấp nập, bắt bớ nhúm người nhỏ nhoi này có ích lợi gì?’
        Nhà kinh tế học Nemeth, sau này sẽ là chủ ngân hàng, tính rằng cần đến 50 triệu đô Mỹ để tân trang lại hệ thống rào chắn cho có hiệu quả. Đó là số tiền Hungary không có. ‘Tôi quyết định là chúng tôi không cần bỏ ra một số tiền quá lớn cho mục tiêu đó,’ ông nói. Nếu Gorbachev ra lệnh cho người Hung phải xây dựng lại hàng rào, Nemeth cũng sẽ miễn cưỡng nghe theo. Nhưng ông ngạc nhiên khi thấy Gorbachev tỏ ra vô tâm về chuyện ấy. Ông báo cáo thêm một việc khác mà nếu hơn một năm trước đây chẳng khác nào ném thêm một quả bom nữa. Nemeth dự tính rằng, tiếp theo quyết định của chính quyền Hung cách đây vài tuần cho hợp pháp hóa tất cả đảng phái chính trị, thì chẳng bao lâu sẽ tổ chức bầu cử tự do ở Hungary. Những người Cộng sản Hung sẽ đưa ra các thương thảo Bàn Tròn kiểu Ba Lan với phe chống đối, bắt đầu vào tháng 6. Không biết người Xô viết sẽ phản ứng ra sao? ‘Chúng tôi không biết khi nào chúng tôi mới tổ chức bầu cử,’ Nemeth bảo với Gorbachev. ‘Nhưng vì ngài hiện có 80,000 quân đồn trú tại đất nước chúng tôi, và dựa theo trải nghiệm năm 1956 . . . ngài có lặp lại những gì ngài đã làm trước đây không ?’ Gorbachev, nhìn chăm chú vào người Hung, trả lời ngay: ‘Tôi không đồng ý với hệ thống đa đảng . . . hoặc đem vào Hungary một hệ thống đa đảng. Nhưng đó không phải là trách nhiệm của tôi. Việc đó tùy các ông. Nhưng ông có thể tin chắc rằng chúng tôi sẽ không đưa ra chỉ thị hay lệnh nào để đè bẹp nó.’                      
      Nhà lãnh đạo Xô viết cũng có cuộc gặp gỡ quan trọng tương tự sau đó vào cùng ngày với nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Hung, Karoly Grosz, yêu cầu riêng với ông xin dỡ bỏ tất cả vũ khí hạt nhân ra khỏi lãnh thổ Hungary. Có những dàn phóng tên lửa mà Grosz thậm chí không biết có mặt trên đất nước mình cho đến khi lên làm Tổng Bí thư thay Kadar. Gorbachev đồng ý ngay. Grosz ngạc nhiên và càng dấn tới. ‘Để củng cố tính hợp pháp của đảng với nhân dân, và để nhân dân quên đi sự kiện 1956, tôi đề nghị với ngài tất cả lực lượng  Xô viết nên rời khỏi Hungary.’ Gorbachev nói họ sẽ rời khỏi – sớm thôi – nhưng ông ta muốn kỳ kèo với người Mỹ trước đã để đạt được một thỏa thuận về việc giảm quân số với khối Nato cùng một lượt. Nhưng dù không đạt được thỏa thuận, ông cũng rút quân khỏi Hungary. Tôi sẽ làm mọi việc phù hợp với việc duy trì sự ổn định.’ Giữ đúng lời hứa, hơn 500 xe tăng và 5,000 lính rút khỏi Hungary trong vòng ba tuần sau cuộc gặp gỡ của họ. Grosz nói sau đó rằng ông rất đỗi ngạc nhiên. ‘Mỗi lần tôi đề cập đến điều gì mà tôi tin là rất tế nhị đứng trên quan điểm lợi ích của Xô viết, ông ta luôn luôn nói được,’ Grosz nói. ‘Tôi đi đến kết luận là ông ta và Shevardnadze đã sắp sẵn trong trí một kế hoạch tách rời LBXV khỏi Đông Âu.’
        Grosz rất đúng. Nhưng đó không phải là một kế hoạch đã soạn thảo kỹ lưỡng mà chỉ là sự khẳng định là họ sẽ để cho các nước chư hầu đi theo con đường mình muốn còn LBXV sẽ sống chung với các hệ quả. Tuy vậy họ muốn rút quân dần dần vì lý do nội bộ. Tại một cuộc họp riêng trước khi phái đoàn Hung đến, Gorbachev nói rằng theo ý ông ông sẵn sàng rút hết lực lượng Xô viết khỏi Đông Âu. Shevardnadze nói rằng mình nhất trí nhưng thấy trước mối nguy. ‘Ngay khi chúng ta bắt đầu rút quân, người ta sẽ la ó,’ ông nói. ‘Họ có thể hỏi “Chúng ta đã chiến đấu vì lẽ gì? Vì lẽ gì mà 27 triệu binh sĩ của chúng ta đã ngã xuống trong Thế Chiến II?” Chả lẽ chúng ta chối bỏ tất cả điều đó?’
        Khi các nhà lãnh đạo Đông Đức nghe tin người Hung đã dỡ bỏ hàng rào biên giới, theo bản năng họ cảm thấy bị đe dọa. Bức Màn Sắt là lẽ sống còn để họ giam cầm những đồng bào của mình. ‘Khi người Hung mở cửa biên giới, điều đó đặc biệt nghiêm trọng vì khối xã hội chủ nghĩa như một tập thể không dự phần vào quyết định đó,’ trùm đảng Đông Đức Schabowski nói. ‘Nó đe dọa đến giới lãnh đạo mà mới đầu họ không muốn tin vào điều ấy.’ Honecker gọi điện cho Bộ trưởng Quốc phòng của ông, Heinz Kessler, và cật vấn: ’Này, nói cho tôi biết, tụi Hung chúng định làm gì thế? Anh có biết gì về chuyện đó ‘Ông ta muốn biết liệu người Hung có biết hậu quả của chuyện đó không. Kessler trả lời rằng mình cũng ngạc nhiên như Honecker. Sau đó Kessler gọi cho người đồng cấp với mình ở Budapest, Bộ trưởng Quốc phòng Hung, đại tướng Karpati, và yêu cầu một lời giải thích. Karpati đã được Nemeth căn dặn trước, nếu Berlin có hỏi gì thì ông cứ câu giờ, trả lời quanh co. Vì thế Karpati trả lời lập lờ với Kessler là bản thân ông cũng không đồng ý với quyết định đó, ‘nhưng đừng dao động, đó hoàn toàn chỉ là vấn đề tài chính’. Ông bào đảm với Kessler là người Hung sẽ canh phòng biên giới để không người Đông Đức nào có thể trốn thoát qua. Honecker không hoàn toàn bị thuyết phục. Ông phái Ngoại trưởng của mình, Oskar Fisher, đến Moscow để phản đối hành động của Hungary. Shevardnadze trả lời cụt ngũn là ‘chúng tôi không thể làm gì được. Đó là vấn đề giữa CHDCĐ và Hungary.’
        Theo Schabowski, đó là lúc mà một số các ông trùm Đảng nhận ra là ‘chúng ta không thể nương tựa 100 phần trăm vào Moscow. Việc mở biên giới là khởi đầu cho sự cáo chung của khối xã hội chủ nghĩa. . . Một số người ở CHDCĐ, trong đó có tôi, nghĩ rằng CHDCĐ không an toàn, vì Moscow không còn bảo vệ nó và còn ai khác có thể bảo lãnh sự tồn tại của nó?’
  Mười hai ngày sau khi phái đoàn Hung từ Moscow trở về nước, một cuộc biểu tình rầm rộ làm nghẹt cứng đường phố tại trung tâm Budapest. Từ một thế kỷ nay, 15 tháng 3 là ngày lễ truyền thống quan trọng. Đó là lễ kỷ niệm ngày khởi đầu cuộc Cách mạng Hung 1848 chống lại đế quốc Habsburg. Cuộc cách mạng đã bị quân đội của Sa hoàng Nicholas I, đến yểm trợ cho Áo, đè bẹp. Dưới chế độ Cộng sản bất kỳ lễ tưởng niệm nào về ngày này đều bị ngăn cấm, vì sự kiện đó có thể xúi giục tinh thần chống Nga. Nhưng ước tính có khoảng 100,000 người diễu hành khắp thủ đô Hung. Một số biểu tình vì lý do môi trường dưới ngọn cờ của Vòng Tay Danube; một số yêu cầu chính quyền đối xử với người tị nạn Transylvania tử tế hơn; một số là thành viên của các đảng phái chính trị vừa mới thành lập như Diển đàn Dân chủ hoặc Hiệp hội các nhà Dân chủ Tự do, chỉ vừa mới được hợp pháp hóa một ít tuần. Vào buổi sáng hôm đó chính quyền đã tuyên bố rằng ngày 15 tháng 3 sẽ trở lại là ngày lễ quốc gia, và những cuộc thương thảo với phe chống đối sẽ bắt đầu trong một ít tuần nữa, và trong vòng một năm sẽ đi tới bầu cử tự do. Đối diện với đám tụ tập đông đảo ở Quảng trường Kossuth, trước mặt trụ sở Quốc hội uy nghi có từ thế kỷ 19 của Hungary, triết gia bất đồng chính kiến Janos Kis, một trong những nhà tư tưởng phản kháng lỗi lạc hàng thập niên qua, nói: ‘Lịch sử đã tuyên án tử với hệ thống gọi là chủ nghĩa xã hội.’ Việc ông có thể nói ra điều ấy, khi không có một cảnh sát đứng gần đấy, cho thấy sự thất thủ của chế độ già cỗi  Hungary là hoàn toàn xiết bao.                 
                                                                           
BA MƯƠI HAI
NGƯỜI MỸ THẬN TRỌNG

Washinton DC, thứ bảy ngày 1 tháng 4 năm 1989
TỔNG THỐNG BUSH LÀ một người thận trọng. Theo Ngoại trưởng của ông, James Baker, đó là phẩm chất quí giá nhất của ông. Đóng góp lớn của ông, theo lời một nhà chính trị Mỹ khác, ‘là những gì ông ta không làm, cũng như những gì ông ta làm. Ông ta thường tỉnh bơ. Ông giúp bôi trơn chiếc xe trượt để những người Cộng sản trượt khỏi  quyền lực của mình. Có ít việc Bush có thể đã làm để xúc tiến cuộc cách mạng 1989 . . . Có nhiều việc một Tổng thống Mỹ có thể đã làm để họ trật đường rầy.’ Đối với những ai không làm việc cho ông, sự quá thận trọng của Bush có thể làm họ điên tiết.
        Bush quyết định mình sẽ thư thả tìm cách thỏa thuận với Gorbachev và LBXV. Ngay sau khi đắc cử vào Nhà Trắng, nhưng trước khi nhậm chức, ông gởi một thông điệp cho nhà lãnh đạo Xô viết thông qua cựu Ngoại trưởng, Henry Kissinger, còn là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đối với việc hoạch định chính sách đối ngoại và ngoại giao của Mỹ. Kissinger đến Moscow vào đầu năm để họp kín với Gorbachev và cố vấn cốt cán của ông Alexander Yakovlev. Ông trao một bức thư viết tay cho Gorbachev trong đó Tổng thống hứa sẽ tiếp tục phát triển mối quan hệ Nga/Mỹ đã bắt đầu từ thời Reagan, nhưng không làm ngay trong một tương lai gần. Ông ta hi vọng Gorbachev sẽ thông cảm, ông viết, vì bộ máy hành chính mới cần thời gian ‘tạm nghỉ’ để xem xét những lựa chọn khác nhau. Không chắc Gorbachev thông cảm. Ông ta đang mong đợi một sự chuyển tiếp trơn tru, rằng Bush đơn giản chỉ cần bắt đầu từ chỗ Reagan kết thúc. Mặc dù đã hiểu và kính trọng Reagan, Gorbachev cũng bắt đầu thấy ngán ngẩm khi nghe cùng những luận điệu cứ lặp đi lặp lại mãi khi họ gặp nhau. Ông ta muốn trao đổi với những người có mức độ quan tâm và nắm vững chi tiết cũng bằng với mình. Ông hi vọng Bush sẽ là một phiên bản linh hoạt hơn và trẻ trung hơn của Reagan và rằng Mỹ đã quá dấn sâu vào ‘sự cộng tác tìm hiểu nhau’ của họ, theo như cách ông nói,  nên giờ đây không thể thay đổi tiến trình.
  Bush muốn tự thuyết phục mình là Gorbachev không ‘quá tốt để có thể là trung thực’. Ông ra lệnh duyệt lại toàn bộ chính sách của Mỹ về LBXV và khối Đông Âu. Trong những tuần đầu tiên trong cương vị Tổng thống, ông chủ tọa những xê-mi-na tại Nhà Trắng vào những dịp cuối tuần và tại tư gia của ông ở bang Maine. Tại đó ông nghe thuyết trình từ một nhóm các sử gia, nhà kinh tế, học giả, nhà báo và nhân viên, những chuyên gia ảnh hưởng nhất của Mỹ về chính sách đối ngoại. Phần đông họ đều chỉ vào Afghanistan, những thương thảo Bàn Tròn ở Ba Lan, Hungary, học thuyết Xô viết về cải cách để chứng tỏ là tình hình thế giới đang biến đổi. Ông chăm chú nghe lời khuyên của Condoleeza Rice rằng thậm chí nếu Gorbachev có bị hất cẳng, thì ‘cũng rất khó để người Xô viết đảo ngược tiến trình . . . để bắt ông thần đèn chui lại vào trong chiếc đèn thần’. Baker, dù cũng thận trọng như Tổng thống, nghĩ rằng ‘Không có xô nào khác trong thị trấn . . . còn xô của Gorbachev thì quá hay’.
        Vậy mà Bush vẫn tỏ ra nghi ngại. Ông nhớ lại lần nói chuyện cuối cùng của họ, tại buổi chiêu đãi trên đảo Thống đốc ở Thành phố New York, ngay sau bài diễn văn phi thường mà Gorbachev đọc tại LHQ. Tại bữa tiệc Reagan nói rằng một thăm dò gần đây cho thấy có đến 85 phần trăm người Mỹ ủng hộ quan hệ mới của Mỹ với Moscow. Gorbachev hướng trả lời của mình vào Bush: ‘Tôi vui sướng khi nghe tin đó. Cái tên của trò chơi là sự liên tục.’ Bush nói, ‘Ngài có thể đưa ra những bảo đảm gì để tôi có thể chuyển giao cho các nhà doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư vào LBXV là perestroika và gladnost sẽ thành công?’ Gorbachev vọt miệng đáp cụt ngũn: ‘Ngay cả Jesus Christ cũng không biết trả lời làm sao.’ Sau đó, khi tâm trạng ông dịu hơn, ông bảo Bush:
Tôi biết giờ này nhân dân đang bảo ban gì với ngài – rằng ngài đã thắng cử, ngài phải đi chậm, ngài phải cẩn thận, ngài phải xét duyệt lại, rằng ngài không thể tin cậy chúng tôi, rằng chúng tôi chỉ làm tất cả những việc này chỉ để trình diễn. Ngài sẽ sớm nhận ra là tôi không làm tất cả điều này để trình diễn, và tôi không làm những điều này để hại ngài, hoặc làm kinh ngạc ngài hoặc lợi dụng ngài. Tôi thực lòng theo đuổi một chính sách thực sự. Tôi làm những điều này vì đó là điều cần làm. Tôi làm những điều này vì trong xứ sở tôi đang xảy ra một cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng mà tôi khởi xướng. Mọi người đều hoan hô khi tôi phát động nó vào năm 1986, và giờ đây thì họ không thích lắm. Nhưng dù gì thì cách mạng vẫn tiếp diễn . . . ngài đừng hiểu lầm tôi.      
        Nhưng điều đó vẫn làm Bush nghi ngại. Và không chỉ có Bush. Cố vấn An ninh Quốc gia của ông, Brent Scowcroft, cho rằng Gorbachev là ‘con gấu Nga tinh ranh’ theo gót Brezhnev với dã tâm bành trướng trong khi ru ngũ phương Tây vào giấc mơ an ninh giả tạo. Gorbachev là mối đe dọa chính vì ông ta có vẻ quá thực lòng. ‘Mục tiêu của Gorbachev là phục hồi tính năng động cho hệ thống xã hội chủ nghĩa và sức sống mới cho LBXV ở trong nước và quốc tế để cạnh tranh với phương Tây,’ Scowcroft nói.
Gorbachev nguy hiểm một cách tiềm năng hơn các người tiền nhiệm của mình, mỗi một những người này, qua hành động gây hấn nào đó, đã cứu phương Tây khỏi gặp nguy cơ khi có những ý tưởng mơ màng về LBXV trước khi quá trễ. Còn Gorbachev thì khác. Ông ta muốn giết chúng ta bằng lòng tốt hơn là bằng quát tháo. Ông ta nói những gì chúng ta muốn nghe, đưa ra nhiều đề nghị quyến rũ để chiếm lấy và duy trì thế thượng phong về tuyên truyền trong trận chiến tranh giành công luận quốc tế. . . Tôi sợ rằng Gorbachev sẽ chiêu dụ chúng ta giải giới trong khi người Xô viết chẳng thay đổi gì cơ bản trong cấu trúc quân sự của chúng và rồi, trong một hay hai thập niên, chúng ta có thể đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng hơn cả trước đây.                                  
        Scowcroft là một quân nhân lão luyện, một chuyên gia về ngoại vụ cũng như là một người bạn thân thiết của Tổng thống. Bush tin cậy ông ta. Cả hai vẫn nhận được báo cáo mỗi ngày từ CIA về sức mạnh của LBXV, kể cả sức mạnh kinh tế của họ. CIA đã phần nào bỏ sót một sự thật là kẻ thù chính của nó đang dẫy chết và đế chế của nó đang tàn rụi, Đô Đốc William Crowe, Tham Mưu Trưởng Liên Quân dưới thời Tổng thống Bush, nói sau đó. ‘Họ nói về LBXV như thể không hề đọc báo, không phát triển tình báo mật,’ ông phê phán. Mỗi cục tình báo, vì những lý do quan liêu hoặc ý thức hệ, chỉ mong cầu lợi khi phóng đại mối đe dọa từ đối phương. Thường họ có khuynh hướng đặt các phân tích của họ trên nguyên tắc ‘an toàn thì tốt hơn là phải hối tiếc’.
        Nhiều viên chức ở Langley [nơi đặt trụ sở của CIA: ND] có những hình ảnh chân thật hơn về tình trạng hỗn loạn và phá sản của hệ thống xã hội chủ nghĩa. ‘Nhưng dù cho chúng tôi biết, chúng tôi cũng không hề dám công bố,’ một nhà phân tích cao cấp về Xô viết của CIA là Douglas MacEachin nói. ‘Nếu chúng tôi làm thế, dân chúng sẽ lấy đầu tôi.’ Những quan điểm dị biệt ít khi đến tới Nhà Trắng hoặc Hội đồng An ninh Quốc gia. Vì thế CIA liên tục báo cáo là các nền kinh tế của LBXV và các nước chư hầu đều tăng trưởng. ‘Họ đơn giản chỉ sử dụng những gì người Xô viết thông báo chính thức, trừ đi một phần trăm và ghi chép ra,’ Mark Palmer, Đại sứ tại Hung, nói. ‘Và điều đó là sai. Bất kỳ ai có thời gian sống ở đó . . . trong làng mạc hoặc thị trấn cũng đều có thể nhìn quanh quất và thấy ngay điều đó là điên rồ.’
        Bất ngờ, vào ngày 1 tháng 4 Robert Gates, cựu Giám đốc CIA, công khai những mối hoài nghi của ông. Ông nói trong một bài diễn văn đọc tại Brussels là Gorbachev lẫn ‘cấu trúc  quyền lực của ông ấy, không ai thực lòng thực dạ với cải cách’ và cảnh báo về ‘sự bất an kéo dài’ trong LBXV và đế chế của nó. Ông ta lặp đi lặp lại là Gorbachev vẫn còn bám lấy quyền hành chuyên chế trong Đảng, vốn vẫn không bị đá động đến và không thể đá động được. Không lâu sau đó, một Chiến binh Lạnh năng nổ khác trong bộ máy của Bush đặt vấn đề mở lại mối quan hệ hữu nghị với người Xô viết. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Dick Cheney, xuất hiện trong một cuộc đối thoại trên truyền hình. Ông tự bạch: ‘Hôm nay nếu cho tôi đoán tôi sẽ đoán là Gorbachev sẽ rốt cục thất bại . . . và bị thay thế bởi một người thù địch hơn nhiều với phương Tây.’ Cả hai đều được Bush buộc phải giữ yên lặng không được công khai những nghi ngờ của mình trước công luận. Nhưng người Xô viết đã nghe và giận sôi lên.
        Mục tiêu lâu dài của Gorbachev là đạt được những dàn xếp về hạn chế vũ khí xa hơn nữa với người Mỹ, giảm thiểu tối đa chi tiêu quốc phòng và tranh thủ được những khoản vay khổng lồ từ Mỹ để vực dậy nền kinh tế Xô viết. Ông ta đã sẵn sàng – nếu phải đến lúc – để buông bỏ ‘phần đế chế bên ngoài’ của mình để đạt được những mục tiêu này. Nhưng sự thiếu nhiệt tình đối với ông và chính sách cải cách của ông xuất phát từ Mỹ khiến cho ông gặp nhiều khó khăn ngay từ trong nước. Ông phải liên tục chống đỡ trong trường hợp các cán bộ bảo thủ ở Kremlin và phe quân sự Xô viết ra đòn với ông. Các tướng Xô viết vô cùng bực tức khi nghe một số chỉ trích từ Washington. Sau khi mục kích xô truyền hình của Cheney, Tổng Tham mưu Trưởng Xô viết, Tướng Mikhail Moiseyev, nói như sấm: ‘Chúng ta có chắc là mình đang làm gì với bọn người này không? Không phải chúng ta đã sai khi tin rằng mình có thể làm việc trên sự tin cậy lẫn nhau với ho sao?’ Ông ta càng điên tiết hơn khi vào đầu tháng 4 Ngũ Giác Đài rò rĩ một tin – hóa ra là tin thất thiệt – là người Xô viết đã gởi oanh tạc cơ tầm xa đến Lybia. Ngay cả một người vui vẻ và kiên nhẫn như Shevardnadze cũng nổi nóng khi, ba ngày sau bài diễn văn của Gates ở Brussels, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố – hóa ra là đúng sự thật – là người Xô viết bị phát hiện đã gắn thiết bị nghe lén trong Tòa Lãnh sự Mỹ ở Leningrad. Ông nói rằng người Mỹ đang ‘phát động một loại chiến dịch cũ rích và khó chịu chống lại chúng ta’. Nghe có vẻ là ngôn ngữ của thời Chiến tranh Lạnh cách nay hơn một thập niên.
        Gorbachev phàn nàn với một trong những người ủng hộ mình sớm nhất, Margaret Thatcher. Họ gặp nhau vào đầu tháng 4 khi Gorbachev có một chuyến thăm ngắn ngủi đến Anh. Ông bảo riêng bà tại 10 Phố Downing [địa chỉ của văn phòng thủ tướng Anh: ND] là Washington làm mình nổi dóa. Việc Bush ‘tạm ngưng’ là một trở ngại, ông nói. ‘Tại sao Tổng thống lại cần nhiều thời gian vạch ra lộ trình riêng của mình khi mình đã làm việc trong bộ máy hành chính trước đây rồi? Ngài đã nhiều lần nói tốt cho ông ấy,’ ông nói thêm. Giá mà ông ấy chỉ việc tiếp tục những gì Reagan đang bỏ dỡ thì thuận tiện quá. ‘Vậy mà không có gì trừ những quấy rối nhỏ mọn. Tình hình thật không chịu được.’ Thatcher khuyên ông kiên nhẫn. ‘Tôi biết George Bush và James Baker rất rõ,’ bà trả lời. ‘Tôi không thấy lí do họ có thể đi ngược lại với lộ trình của Reagan. Tât nhiên Bush là một người rất khác. Reagan là một người theo thuyết lý tưởng. . .  còn Bush thì quân bình hơn. Ông ta chú tâm đến từng chi tiết. Nhưng về tổng thể thì ông ta sẽ tiếp tục đường lối của Reagan.’
Nghe thế Gorbachev cũng thấy yên dạ đôi chút khi ra về. Ông tin cậy bà Thatcher và biết rằng những gì ông nói với bà sẽ được chuyển về Washington. Và đúng như vậy. Sáu tuần trước, bà đã nói với Baker là mình ‘lo lắng với không khí im ắng ở Washington’. Bà khuyên người Mỹ; ‘Đừng để buông trôi mọi chuyện. Đừng để chúng chìm ngĩm.’ Giờ đây, ngay sau khi Gorbachev ra về, bà gởi cho Bush một bức thư bảo với ông là Gorbachev bực bội ra sao – ‘và với một lí do chính đáng’. Bà nói bộ máy hành chính đã mất quá nhiều thời gan để đưa quyết định dứt khoát.
        Bush còn có một lí do khác để chần chừ. Ông ta thường nói rằng những quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo là yếu tố rất quan trọng. ‘Nếu một nhà lãnh đạo ngoại quốc hiểu rõ được cá tính và nhịp tim đập của một nhà lãnh đạo khác sẽ có khả năng ít  tính toán sai lầm hơn cho cả hai bên,’ ông viết. Ông vẫn còn hoài nghi về cá tính của Gorbachev, kể từ chuyến viếng thăm đến Washington của ông này vào năm 1987 khi Hiệp ước INF được ký kết. Bush cho rằng cơn cuồng si Gorbachev đã khiến ông ta trở nên hợm hĩnh. Ông đã tự mình chứng kiến điều ấy, ông bảo Scorcroft như vậy. ‘Chúng tôi đi từ Đại sứ Quán Xô viết đến Nhà Trắng trong cùng một chuyến hộ tống. Ông ta nài nĩ tôi cùng ngồi với ông trong chiếc limousine. Khi xe chạy dọc theo phố, hai bên đám đông hoan hô nồng nhiệt. Tôi bảo ước gì ông ấy có thời gian dừng lại để bắt chuyện với dân chúng, chắc hẳn ông sẽ được chào đón dữ lắm. Một phút sau chiếc limo thắng cái rét rồi ngừng lại. . .  Các đặc vụ Mỹ và Nga vội vã xông vào vị trí bảo vệ khi ông ấy phóng tới một đám đông vừa hồ hỡi vừa kinh ngạc . . . ông bắt tay và chào đón họ bằng tiếng Nga . . . nó giống như một liều arenaline đối với ông ấy. Ông ấy trở lại vào xe, trông phấn khởi hẳn lên.’
        Bush ganh tị với sự ngưỡng mộ dành cho Gorbachev – ông ít khi được chào đón nồng nhiệt như thế mỗi khi xuất hiện trước công chúng. Nhưng có một điểm quan trọng hơn. Kỹ năng ứng đối của Gorbachev trong quan hệ quần chúng, tài năng nắm bắt trọng điểm, đã tạo áp lực cho Bush phải bắt kịp nhà lãnh đạo Nga về khoa ăn nói. ‘Tôi sẽ tiêu tùng nếu Gorbachev cứ áp đảo công luận thế giới mãi,’ Bush viết một cách bực bội trong một bức thư riêng gởi cho một người bạn già của ông, Aga Khan.
        Sau nhiều lần xét duyệt – vì Tổng thống không cho tư liệu đủ sáng tạo – Condoleeza Rice cuối cùng được giao việc hoạch định chính sách hành pháp cho Bush về vấn đề LBXV và Trung Âu. Bản Đánh giá Tình báo Quốc gia Tối mật ngày 11/4/89 được soạn tốt hơn và tích cực hơn nhiều về những cải cách của LBXV. ‘Cách sử dụng  quyền lực quân sự của Liên xô như một đòn bẩy ở nước ngoài chắc chắn sẽ giảm bớt hơn nữa,’ báo cáo cho biết. ‘Tiến trình mà Gorbachev đã khởi động chắc chắn dẫn đến những thay đổi lâu dài trong chính sách của Xô viết.’ Dù vậy, kết luận của bản báo cáo thì điển hình giống như Bush. Đế chế Xô viết sẽ chắc chắn tự thân sụp đổ. Người Mỹ không cần phải làm gì để đẩy nhanh tiến trình đó. Thế là Bush quyết định, với sự thận trọng đúng mực, cứ chờ và xem sao.   
4.png
BA MƯƠI BA
SỰ CHỐNG ĐỐI TRUNG THÀNH

Warsaw, thứ ba, ngày 4 tháng 4 năm 1989
Ở BA LAN NHỮNG CAI TÙ TRƯỚC ĐÂY đã thương thảo với những tù nhân trước đây của họ gần hai tháng rồi. Cuối cùng một thỏa thuận lịch sử được ký kết giữa Lech Walesa và Tướng Jaruzelski dọn đường cho cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên trong khối Xô viết trong gần 45 năm qua. Đó là con đường nhọc nhằn và đôi khi đau đớn và cuối cùng không bên nào rời khỏi Bàn Tròn mà hoàn toàn mãn nguyện. Nhưng cả nhà lãnh đạo CĐĐK lẫn ông trùm Đảng Cộng sản đều hiểu rằng họ có thể bán thỏa thuận cho những kẻ theo họ nhưng còn hoài nghi.
        Cuộc thỏa thuận hình như không phải là sự đầu hàng của chế độ. Nó hợp pháp hóa CĐĐK và công nhận công đoàn là một lực lượng chống đối chính thức. Đây là một thắng lợi cho công đoàn. Nhưng sau nhiều tuần kỳ kèo điều tốt nhất đội đàm phán của Walesa có thể nhận được chỉ là một cuộc bầu cử bán tự do, mà ngoài mặt của nó hình như là một sự gian lận để bảo đảm người Cộng sản không thể thua. 35 % ghế ở Hạ viện sẽ được bầu cử tự do. Ghế còn lại dành riêng cho người Cộng sản và đồng minh của họ. 100 ghế ở Thượng viện đều được bầu cử tự do, nhưng tính toán ra thì không có cách nào CĐĐK sẽ thắng lợi hoàn toàn. Cách sắp xếp này dựa trên các cuộc bầu cử vừa diễn ra ở LBXV cách đây chín ngày, lần đầu tiên cho phép các lực lượng chống đối được ra ứng cử. Nó cũng được sắp xếp để bảo đảm một thắng lợi của người Cộng sản vào Quốc hội Nhân dân Đại biểu, dù vậy cũng có một số đông người ra ứng cử trước đây là những người bất đồng chính kiến trong đó có nhà bác học Andrei Sakharov. Walesa đặc biệt không thích điều khoản của thỏa thuận nói về bầu cử Tổng thống, đặc biệt được tạo dựng riêng cho Jaruzelski, người đang kiểm soát quân đội và cảnh sát. Ông bảo Kiszczak rằng ‘nên có một Tổng thống dân chủ hơn. Một cương vị Tổng thống như ông đề nghị chắc chắn dẫn đến một Tổng thống suốt đời và ông chỉ có thể hạ bệ y bằng cách tử hình . . . Chúng tôi không muốn kết thúc ở một xó xỉnh tệ hơn chủ nghĩa Stalin.’ Vậy mà cuối cùng ông ta cũng đồng ý, tự tin rằng một thỏa thuận không hoàn hảo còn tốt hơn không có thỏa thuận. Ông ta sắc sảo nhìn xa hơn các cố vấn của mình những khả năng lịch sử có thể mang lại cho CĐĐK.
 Các thủ lĩnh Cộng sản không hề ngờ rằng họ sẽ đánh mất quyền lực. ‘Chúng tôi không thấy điều ấy là điều có thể ở tận chân trời,’ Thủ tướng Rakowski bảo với vị Tướng. ‘Chúng ta sẽ tạo ra một vị trí ở đó chúng ta chia sẻ quyền lực với phe chống đối. . . đó là một tiến trình từ 10 đến 15 năm.’ Jaruzelski muốn tiếp tục với thỏa thuận, mặc dù một số quan chức cao cấp khuyên ông nên thận trọng. Giáo sư Wiatr, giáo sự chính trị tại Đại học Warsaw và là một nhân vật có ảnh hưởng trong Đảng, cảnh báo: ‘Họ phần động đánh giá thấp tầm vóc của phe chống đối. Họ trở thành nạn nhân của cách suy nghĩ mơ màng của mình.’
        Walesa đồng thuận về thời khóa. Ông bảo với những người ủng hộ CĐĐK sẽ chia sẻ quyền lực ‘vào cuối thể kỷ’. Bronislaw Geremek nói rằng mục đích của các ông trùm Đảng là duy trì vị trí của mình. Tại bàn thảo luận ‘họ hay nói, một cách nhạt nhẽo, là mình có quyền. Chúng tôi chỉ có thể đáp lại, vâng, nhưng đừng quên chúng tôi là nhân dân và đó là lí do tại sao các ông tìm đến chúng tôi. . . Chúng tôi nhấn mạnh là chúng tôi sẽ chấp nhận bầu cử hạn chế lần này, và chỉ lần này mà thôi.’
        Một số nhà hoạt động Công đoàn, những người cực đoan, tố ông bán đứng. Anna Walentynowycs, người mà việc bà đã bị đuổi ra khỏi xưởng tàu Lenin chín năm trước đã là tia lửa cho cuộc cách mạng CĐĐK, giờ chỉ là nhân vật bên lề. Nhưng nhiều người vẫn lắng nghe bà khi bà khẩn khoản yêu cầu Công đoàn đừng ký tên vào thỏa thuận. ‘Trước cuôc nói chuyện Bàn Tròn chủ nghĩa Cộng sản đã là một thây ma đang chết,’ bà nói. Thỏa thuận với chế độ bây giờ chẳng khác gì làm nó sống lại. Walesa chỉ ra rằng Đảng vẫn còn nắm quân đội và cảnh sát, người Nga có thể xâm lăng nếu họ thấy đế chế của mình đang lâm nguy và Ba Lan thì bốn bên là các nước Cộng sản. Ông nhấn mạnh nhiều lần là CĐĐK phải ‘thực tế’.
        Cuộc thỏa thuận cuối cùng được nhất trí bằng cái bắt tay giữa Walesa và Kiszczak tại Magdalenka. Một giám mục ban phép cho cuộc thỏa thuận ‘nhân danh Cha, Con, và Thánh Thần’. Một nhân viên mật vụ, một người vô thần ‘nguyên chất’, đứng gần đấy, nhìn thấy vậy tỏ vẻ sửng sốt và chỉ biết nhún vai.                 

BA MƯƠI BỐN
TÊN ĐỘC TÀI TRẢ NỢ

Bucharest, thứ tư, ngày 12 tháng 4 năm 1989
TÊN ĐỘC TÀI ĐÃ CHO NGƯỜI TA BIẾT là y sẽ ra lời tuyên bố quan trọng. Người Romania đã quá chán ngán với bổn phận của mình phải chú ý nghe những bài phát biểu khoa trương của tên lãnh đạo. Chúng lúc nào cũng dài lê thê, chứa những thuật ngữ Mác-Lênin vô nghĩa, báo hiệu những tin tức tồi tệ. Tuy nhiên, nếu nó trùng khớp với thời gian có điện hai giờ một ngày, thì dân chúng có TV cũng bật lên xem. Lần này bài diễn văn thực sự quan trọng – và trong một đất nước đã quá quen với nổi nhọc nhằn, vô cùng tồi tệ. Ceausescu tuyên bố một cách đắc thắng là mọi khoản nợ với nước ngoài đã được trả hết, bảy tháng trước khi đến hạn. Hôm nay, bản tuyên bố nói, là một ngày trọng đại cho sự độc lập của đất nước.
        Nói tóm lại, nhân dân Romainia có thể đã nghĩ rằng cuối cùng chế độ có thể chất đầy các kệ bằng những thực phẩm trước đây thường bán cho Tây Âu để trả nợ. Họ đã sai. Tất cả hàng xuất khẩu vẫn tiếp tục vì lợi ích của chủ quyền sao cho Romania duy trì được độc lập. Thắt chặt khẩu phần thịt, trứng, sữa, bột, đường – hầu hết là lương thực – vẫn như cũ. Một số, theo phát biểu, có thể nghiêm nhặt hơn trong những tháng sắp tới. Tất cả những hạn chế sử dụng năng lượng vẫn tiếp tục. Trong những căn hộ ở khu tập thể nhớp nhúa, tồi tàn nơi hầu hết dân chúng sinh sống, mùa đông vừa qua thời tiết lạnh lẽo rất khắc nghiệt. Hàng trăm ông lão được phát hiện nằm co quắp trên giường quấn mình trong chiếc áo choàng và chết vì giảm thân nhiệt. Dân chúng xếp hàng càng dài để mua bánh mì, rau củ thì hình như không thể kiếm mua được. Giờ thì người Romania lại được thông báo là không có cải thiện gì trong mức sống. Họ nhận ra là mình không được lợi lộc gì sau mấy năm bắt buộc phải hi sinh. ‘Đó là thời khắc khốn khổ nhất,’ giáo viên Alex Serban nói. ‘Và chúng tôi phải cắn răng để nghe là mình đang sống trong một Thời Hoàng Kim. Chúng tôi căm thù Ceausescu thì ít mà căm thù chính mình nhiều hơn vì chỉ biết cúi đầu chấp nhận những gì y đã làm cho đất nước này.’
        Vợ chồng Ceauseccu đã quay lưng Romania với thế giới bên ngoài, và thế giới cũng phớt lờ về Romania. Đất nước này trở nên vô nghĩa đối với phương Tây không như trước đây. Những biến động ở Ba Lan và Hungary, và mối quan hệ nồng ấm hơn của Xô viết đối với Mỹ, đã làm phương Tây càng ít quan tâm hơn đối với Romania. Ceausescu không còn được tiếp đón ở các thủ đô phương Tây và những nhà lãnh đạo nước ngoài không còn ca tụng y nữa. Nhưng y cũng ít bị chỉ trích. Romania là một xứ sở khép kín. Chế độ hiếm khi cho phép các nhà báo phương Tây viếng thăm và ít có thông tin đáng tin cậy lọt ra ngoài. Ít khi có chống đối dưới bất kỳ hình thức nào đối với nhà độc tài, nhưng thỉnh thoảng chúng xuất hiện và xứng đáng được đăng một đoạn tin ngắn trên báo chí phương Tây. Một ít tuần trước khi tuyên bố xóa nợ nước ngoài, vào ngày 2 tháng 3 họa sĩ Liviu Babes 47 tuổi đốt lên ngọn lửa tự thiêu trước một nhóm du khách phương Tây ở Brasov, gây được sự chú ý đến sự hà khắc của chế độ. Ông mang một biểu ngữ chứa dòng chữ ‘Romania = Auschwitz.’
        Dân Romania rất mê bóng đá và đã hai lần trận đấu bóng đã thành chất xúc tác cho những vụ biểu tình hiếm hoi chống Ceausescu. Đã xảy ra ấu đã giữa cảnh sát và một số fan trong trận đấu giữa hai đội lớn của Bucharest, Steaua và Dinamo, vào tháng 6 vừa qua. Nó bắt đầu như một vụ hooligan thường thấy xảy ra trong các trận đấu bóng, nhưng bổng biến thành một vụ đối kháng nhỏ chống chính quyền. Đám đông nhanh chóng giải tán. Một vài người biểu tình bị đánh đập và bắt giữ. Một ít tháng sau xảy ra một vụ nổi loạn giữa trung tâm Cluj sau khi Romania đá bại Đan Mạch trong vòng loại Cúp Bóng Đá Thế giới. Những tiếng hoan hô điên cuồng vì vui sướng biến thành những tiếng hô vang ‘Đả đảo Ceausescu’ – những lời chưa hề nghe ở Romania.
        Vào tháng ba vừa qua sáu cán bộ Cộng sản hưu trí, trong quá khứ đã từng giữ những chức vụ quan trọng trong chế độ, viết một thư ngỏ gởi đến Đảng phàn nàn là Ceausescu đang ‘phản bội lại chủ nghĩa xã hội’. Tất cả họ đều là những ông già ngoài 70, nhưng họ còn mang trọng trách của ‘những đảng viên trung thành’ theo như họ nói. Hai người trước đây là thủ tướng, trong đó có Gheorghe Apostol, người trước đây đã đề cử Ceausescu làm cương vị trùm Đảng Cộng sản Romania. Giờ đây họ phàn nàn về việc lạm dụng nhân quyền của nhà độc tài và nói rằng Ceausescu đang đưa đất nước Romania vào bờ vực của thảm họa. Bức Thư của Sáu Nhân Vật này đã tìm đường đến Đài Phát thanh Âu châu Tự do và Tiếng nói Hoa Kỳ, ở đó nó được loan tin như là ‘một lời tuyên ngôn của Mặt trận Cứu Quốc Romania’. Nó đã được gởi đến truyền thông nước ngoài bởi Silviu Brucan, một trong những người Cộng sản Romania mê hoặc nhất, nếu không muốn nói là quái gỡ nhất.
  Tên khai sinh là Saul Bruckner và 1916 là năm sinh, ông đã đổi tên khi còn là thiếu niên – ở Romania giữa hai cuộc chiến khi đó cái tên nghe như người Do Thái không có lợi gì cho một thanh niên trẻ nhiều tham vọng. Ông là một nhà báo dí dỏm, có tài, đã là một Stalin-nít nhiều thập niên. Ông có mối quan hệ thân cận với KGB. Khi người Cộng sản nắm chính quyền sau chiến tranh, Brucan trở thành biên tập của tờ báo Đảng Scinteia. Vợ ông, Alexander Sidorovici đáng sợ và cực kỳ thông minh, là một công tố viên ở Tòa án Nhân dân đã đưa hàng ngàn người đến chỗ chết trong những vụ án oan sai sau các đợt thanh trừng. Brucan tiến lên trở thành Đại sứ Romania tại Mỹ và Liên Hiệp Quốc. Sau đó ông trở về Bucharest làm giám đốc Truyền hình Romania. Ông thuộc thành phần xu nịnh gia đình nhà độc tài nhiều năm liền, nhưng không hề được họ tin cậy hoàn toàn. Ông bắt đầu, ở chốn riêng tư, phê phán nhà độc tài vào cuối thập niên 1970 và sau đó, công khai hơn, từ năm 1987. Ông cho phép Tin Thế giới của BBC phỏng vấn, trong đó ông lên tiếng chỉ trích chế độ. Brucan đáng bị trừng trị vì tội phản bội, nhưng Ceausescu thận trọng đang tìm cách. Brucan là một tên mưu trí thâm căn cố đế, có bạn bè trong điện Kremlin, ở Lubyanka [trụ sở của KGB], ở Washington và New York trong thời gian 7 năm làm Đại sứ ở Mỹ, và cũng quen biết với những chóp bu Securitate trong nước.
        Ceausescu có một tập hồ sơ dày 100 trang về ông ta ghi chép chi tiết về điểm yếu của ông, những vụ cãi vã trong gia đình hoặc những cuộc trao đổi với các phóng viên BBC vàInternational Herald Tribune. Ông bị giám sát nghiêm nhặt, nhưng vì quen biết quá nhiều nên vẫn được đối xử nhẹ tay. Brucan và những người đồng ký tên vào Bức Thư của Sáu Nhân vật bị đặt dưới lệnh quản thúc tại nhà. Nhưng ông bị đuổi ra khỏi ngôi biệt thự tiện nghi nơi ông đã sống nhiều năm trong khu sang trọng nhất của Bucharest dành cho các viên chức chóp bu, và chuyển đến một ngôi nhà tồi tàn, không điện nước trong vùng quê hẻo lánh. Ông được cấp một hộ chiếu hoàn toàn mới và được khuyến khích sử dụng ra nước ngoài và không quay trở lại. Ông có ra đi – trong chuyến viếng thăm LBXV và Mỹ – nhưng rồi vẫn quay về Romania.
        Ceausescu không lo lắng về các vụ hooligan bóng đá, hoặc thậm chí một số nhỏ các trí thức bất đồng chính kiến có móc nối với truyền thông nước ngoài. Y chỉ sợ LBXV sẽ đánh phủ đầu y bằng một vụ đảo chính. Tất cả thức ăn của y và bà vợ Elena đều có hai người nếm thử trước khi họ dùng. Nổi lo của y tăng gấp bội sau chuyến viếng thăm tai hại đến Bucharest vào mùa hè 1987. Gorbachev đã không muốn đi, điều ấy biểu lộ rõ trong hai ngày rưỡi ông ở đó. Đêm thứ nhất hai người đấu võ mồm tay đôi tại bữa ăn tối trong khi hai bà vợ ngồi im rầu rĩ, không dám ngó mặt nhau. Đến một lúc Ceausescu ra lệnh đóng hết cửa cái lẫn cửa sổ để không ai, kể cả cận vệ, nghe họ tranh cãi. Gorbachev cố thuyết phục Ceausescu hãy nới lõng nắm tay kiểu Stalin và đón nhận perestroika. ‘Ngài đang độc tài cai trị ở đây. . . ngài phải mở cửa ra thế giới,’ ông nói. Ceausescu khăng khăng Gorbachev đang phá hủy chủ nghĩa cộng sản và toàn bộ sự nghiệp sẽ sụp đổ nếu người Xô viết tiếp tục theo lộ trình nguy hiểm của mình.
        Hôm sau Gorbachev đi thăm chợ Unirii ở trung tâm Bucharest, ngôi chợ lớn nhất của thành phố. Trước đó đìu hiu, nhưng mới đây nó đã được cung cấp hàng mới cho nhà lãnh đạo Xô viết viếng thăm và đặc biệt chứa đầy hàng hóa đủ mọi loại mà hầu hết dân thường Romania chưa hề nhìn thấy lâu rồi. Tất cả các kệ hàng đều tràn ngập trái cây tươi, rau củ quả và thịt. Khi chiếc limousine của hai lãnh đạo rời đi, một vụ nổi loạn diễn ra, ngay trước mắt Ceausescu. Dân chúng hai bên đường vượt qua hàng rào cảnh sát và ném đá vào cửa hàng, cố len vào bên trong trước khi các xe tải chở lương thực vừa chưng làm cảnh đến bán tại các cửa hàng dành riêng cho các thủ lĩnh của Đàng và các sĩ quan Securitate. Gorbachev không nhìn thấy cảnh tượng này, nhưng các phụ tá của ông chứng kiến và kể lại cho ông sau đó. Ngay trước khi rời Romania Gorbachev đọc một bài diễn văn kêu gọi khắp Đông Âu hãy loại bỏ ‘tất cả những ai không theo kịp thời đại . . . những ai tự bôi nhọ mình bằng sự bất lương, thiếu nguyên tắc và gia đình trị, và những ai, vì muốn tìm kiếm lợi lộc của mình, đã đánh mất  phẩm cách đạo đức của một đảng viên’. Ông chỉ trích cách đối xử thô bạo người thiểu số Hungary của chính quyền Romania. Ceausescu đứng sát bên nhà lãnh đạo Xô viết trên khán đài, giận tím mặt. Từ lúc đó y tin là người Xô viết đang đợi thời cơ để lật đổ mình.
  Phần lớn thời gian vợ chồng Ceausescu bỏ ra trong cuối thập niên 1980 là thị sát siêu kế hoạch mới cho thủ đô để khoa trương sự vĩ đại của mình. Y và Elena bị ám ảnh trong giấc mơ xây dựng một công trình sẽ để lại dấu ấn vĩnh cữu của họ vào lịch sử như là người có công lao với đất nước. Cung điện Nhân dân, họ quyết định, sẽ là tòa nhà lớn nhất thế giới. Thậm chí Hitler và Albert Speer trong kế hoạch tái thiết Berlin cũng không sao sánh bằng. Các cung văn hóa nhiều tầng như bánh cưới của Stalin, mà các bản sao của nó sẽ được nhân rộng sau chiến tranh tới hầu hết thủ đô trong các lãnh địa mới của y, chả thấm gì nếu so sánh. Sự hủy hoại mà công trình ấy gây ra cho Bucharest thật là to lớn. Vợ chồng Ceausescu muốn mặt tiền trắng sáng của kiến trúc rộng 200 mét và cao 100 mét này sẽ đối diện với Đại lộ Thắng lợi của Chủ nghĩa Xã hội thênh thang phải ít nhất dài bằng Champs-Élysées ở Paris. Dự án đòi hỏi hai khu phố cổ của Bucharest nổi tiếng vì nét duyên dáng phải bị san bằng. Đồi Arsenal là một địa điểm đẹp đứng trên đó có thể ngắm toàn cảnh thành phố. Uranus là khu dân cư cổ có nhiều ngôi nhà tuyệt đẹp giữa những vườn hoa đáng yêu, một tu viện và một số nhà thờ, các hàng cây dẻ, trường học, cửa hàng và tuyến xe điện. Cả hai khu này sẽ bị phá hủy hoàn toàn, thay thế bằng Cung điện Nhân dân và những khu tập thể vuông vức xám xịt bằng bê tông dọc theo đại lộ mới tạo ra. Nó xóa sổ gần một phần sáu thành phố để xây một công trình nhằm tập trung tất cả văn phòng hành chính nhà nước và Đảng vào một chỗ, cũng như không gian sinh hoạt và một hầm tránh bom hạt nhân cho gia đình Ceausescu. Kiến trúc sư là Anna Petrescu, một thiếu nữ chỉ vừa mới tốt nghiệp đã thắng giải nhất trong cuộc tranh tài năm 1978 mà các giám khảo duy nhất là Chủ tịch và Đệ nhất Phu nhân.
        Đã qua sáu năm trước khi công trình bắt đầu, và vợ chồng Ceausescu càng lúc càng chúi mũi vào dự án. Chẳng mấy chốc mà cô Petrescu hối tiếc là mình đã thắng giải vì bị họ liên tục quấy rầy. Họ đến thăm công trình hai đến ba lần mỗi tuần. Mỗi sáng thứ bảy họ bỏ ra ít nhất hai giờ ở đó. Mỗi  món trang trí hay đồ nội thất nào, dù là nhỏ bé, đều phải có ý kiến của họ. Họ quyết định mọi thứ, từ kích cỡ các chiếc đèn và suối nước dọc theo Đại lộ Thắng lợi của Chủ nghĩa Xã hội đến hình dáng của tay nắm cửa và hoa văn khắc nổi trên bàn làm việc bằng gỗ dâu của Elena. Vào giữa thập niên 1980 Cung điện Nhân dân sắp hoàn thành. Chi phí ban đầu ước tính là năm trăm triệu lei, nhưng những yêu cầu phát sinh của vợ chồng Ceausescu khiến chi phí tăng lên không ngừng. Dự án bị đình hoãn một tháng vì họ không biết chọn các cột theo kiểu Doric hay Ionic (sau vài thay đổi cuối cùng họ chọn kiểu Doric). Rồi vợ chồng Ceausescu bổng nổi hứng quyết định xây thêm hai tầng nữa, để có nhiều không gian văn phòng hơn. Phải mất vài tháng để đào một đường hầm làm đường ray ngầm nho nhỏ cho Đệ nhất Phu thê sử dụng riêng, nối cung điện với khu thương mại của Bucharest. Cuối cùng chi phí tăng gấp 12 lần, khoảng sáu tỷ lei. Trong khi dân chúng rét run và xếp hàng mua bánh mì, mỗi năm Chủ tịch tiêu tốn gần hết ngân sách quốc gia cho Cung điện của mình.                          
5.png         
BA MƯƠI NĂM
MỘT CUỘC BẦU CỬ BỊ ĐÁNH CẮP

Đông Berlin, Chủ nhật ngày 7  tháng 5 năm 1989
ĐÓ LÀ NGÀY KIỂM PHIẾU trong cuộc bầu cử thành phố ở Đông Đức và mọi diễn tiến hình như là bình thường. Kết quả không sít sao một cách chính xác. Khi chúng được công bố vào chiều tối, danh sách các ứng cử viên được tán thành chính thức của Mặt trận Quôc gia – những người Cộng sản và các đảng phái anh em của họ – đã chiếm đến 98.6 phần trăm số phiều bầu. Trong một số khu vực kết quả bầu cử còn cho thấy chế độ cai trị trong bốn mươi năm vẫn được nhân dân yêu mến hơn: ở Erfurt, tỷ lệ là 99.6 phần trăm và ở Magdeburg đạt tỷ lệ ấn tượng là 99.97 phần trăm, mặc dù ở Dresden chỉ có 97.5 phần trăm. Kết quả ăn khớp với các bầu cử địa phương trước, hơi tốt hơn các cuộc bầu cử tương tự bốn năm trước. Những ông trùm của Đảng, đang xem xét kết quả từ các biệt thự của họ, biểu lộ một sự thỏa mãn. Một bài xã luận trong tờ báo Đảng Neues Deutschland viết: ‘Nhân dân CHDCĐ quyết tâm tiếp tục gặt hái thắng lợi trên con đường đi đến một xã hội xã hội chủ nghĩa phát triển  và củng cố tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Nó cho thấy mối quan hệ tin cậy khăng khít và tình đoàn kết keo sơn giữa Đảng và Nhân dân. . . Các kết quả là một bước tiến đến sự hoàn thiện tốt đẹp hơn nữa nền dân chủ của chúng ta.’
        Người chủ trì ủy ban bầu cử, Egon Krenz 52 tuổi, người kế thừa vững chắc Erich Honecker và người dàn xếp bậc thầy của Đảng, có vẻ hài lòng khi cuộc kiểm phiếu được tiến hành hoàn toàn đúng thể thức. Krenz nói: ‘Các kết quả là một lời tuyên bố đầy ấn tượng về sự ủng hộ cho một nền chính trị hòa bình và chủ nghĩa xã hội của Đảng của giai cấp công nhân.’
        Cách bầu cử ở Đông Đức là một tiến trình hoàn toàn khác với bầu cử ở các nước dân chủ phương Tây. Trong một phòng bỏ phiếu ở Đông Đức cử tri lần lượt bước đến một bàn có hai hay ba ủy viên bầu cử, trình cho họ giấy chứng minh nhân dân và được phát một tờ phiếu bầu. Để bầu cho một ứng cử viên đã được nhà nước phê chuẩn từ danh sách ứng cử viên chính thức là việc rất đơn giản: bạn chỉ việc gấp lá phiếu rồi bỏ vào thùng phiếu đặt gần lối ra vào phòng phiếu. Còn muốn bầu khác đi thì là một việc liều lĩnh và cần phải có can đảm. Bạn phải đi ngang qua phòng để đánh dấu vào lá phiếu trong một buồng kín ở đó có ít nhất một, và thường là hai, tên ‘Vopos’ tức Cảnh sát Nhân dân, đứng gác. Tên của những cử tri ‘xâm mình’ này sẽ bị ghi lại và hậu quả có thể là rất nghiêm trọng đối với gia đình họ. Họ đối mặt với việc bị sa thải hay hạ tầng công tác. Sinh viên có thể bị đuổi khỏi đại học. Họ có thể bị giám sát kỹ bởi bọn Stasi.
        Dân Đông Đức đã quá quen với loại bầu cử này bốn thập niên nay. Nói chung, họ tuân thủ ngoan ngoãn và xem chuyện bầu bán là trò đùa. Nhưng cuộc bầu cử lần này thì khác. Số người gan dạ nhiều hơn khi dám bỏ phiếu bất tìn nhiệm danh sách ứng cử viên đã chọn trước cho họ. Mặc dù họ biết tỏng là kết quả bầu cử đã được ấn định trước. Lần đầu tiên, tại một số phòng phiếu, việc kiểm phiếu có người giám sát. Một mục sư 46 tuổi, ăn nói nhỏ nhẹ, từ quận Friedrichshain, Cha Rainer Eppelmann, và một số thầy tu khác đã yêu cầu nhà nước cho một số nhóm Giáo hội thể hiện quyền đã được hiến pháp CHDCĐ qui định là cho phép dân chúng theo dõi việc đếm phiếu bầu. Họ được một số nhà hoạt động thuộc nhóm hòa bình mới thành lập và các tổ chức môi trường được chế độ miễn cưỡng cho phép, tham gia. Chính quyền chấp thuận lời yêu cầu. Và đó là một sai lầm tồi tệ.
        Những người giám sát thấy ngay sau khi những kết quả đầu tiên được công bố là cuộc bầu cử là một trò gian lận. Số phiếu chống các ứng cử viên của nhà nước hoàn toàn khác với số chính thức được công bố. Nói chung, họ nhận thấy số phiếu nói Không là từ 9 đến 10 phần trăm số phiếu bầu. Trong số những cử tri trẻ và sinh viên số đó còn cao hơn – một số nơi kết quả rất ngoạn mục. Tại Trường Mỹ Thuật ở Berlin, 105 sinh viên bầu chống so với 102 sinh viên bầu thuận. Nhưng kết quả chính thức vẫn cứ là 98.5 phần trăm bầu thuận.
        Honecker và đồng bọn nhận ra ngay là đáng lẽ không nên cho phép người giám sát tại bất kỳ phòng phiếu nào. Chỉ trong vài ngày truyền hình Tây Đức đã chạy tin đầy đủ chi tiết cách thức gian lận của cuộc bầu cử. Đồng thời nó cho tin về cuộc bầu cử ở LBXV một ít tuần trước, được tổ chức khá tự do – ít nhất tiến trình đếm phiếu xảy ra công bằng. Ở Ba Lan một tháng nửa sẽ tổ chức bầu cử trong đó có ứng cử viên là thành phần chống đối. Vậy mà ở Đông Đức chế độ vẫn cố chấp theo lề lối đã lỗi thời, một cuộc bầu cử bị đánh cắp kiểu khối Xô viết trong đó những người thông minh được mong đợi sẽ tin rằng chỉ có một công dân trong số 100 người chống đối chế độ.
        Đây là lần đầu tiên TV Tây Đức đóng một vai trò quan trọng trong chính tình CHDCĐ. Hầu hết dân Đông Đức đều xem truyền hình Tây Đức, trừ ở Dresden, tại đó vì lý do nào đó không bắt được sóng. Vùng này được mệnh danh Thung lũng Không Manh mối. Các xướng ngôn viên Tây Đức hầu hết dân Đông Đức đều quen mặt, không khác xướng ngôn viên xứ họ. Nói chung, dân chúng xem TV Tây Đức để giải trí, truyền hình Đông Đức thường chán ngắt và không chiếu các phim ngắn hay phim bộ của Mỹ. Bản tin Tây Đức từ lâu chỉ tạo ra tác động bên lề, nhưng giờ mọi thứ đã thay đổi. người xem có thể nhìn thấy những lý giải khác nhau về thực tại Đông Đức được phát đi trong phòng sinh hoạt của họ nói bằng ngôn ngữ của họ. Nếu họ muốn – và số người muốn càng ngày càng tăng lên – họ có thể xem bản tin lức 7 giờ tối trên đài ZDF Tây Đức, tiếp theo là bản tin chính thức của Đông Đức vào lúc 7.30 tối, và sau đó vào lúc 8 giờ tối là chương trình thời sự trên kênh ARD của CHLBĐ.
        Truyền thông phương Tây xem được ở Đông Đức đã có một hiệu quả sâu xa, bắt đầu là phản ứng giận dữ và kinh ngạc trước cuộc bầu cử gian lận. Các cuộc biểu tình đột xuất, nhưng hòa bình, bùng phát trong những thành phố lớn, thoạt tiên chỉ một số ít người. Các đơn tố cáo những hành vi gian lận bầu cử tới tấp đổ về các Đảng ủy trên khắp cả nước. Bộ máy tuyên truyền của chế độ lập tức tuyên bố đó là những ‘vu khống trắng trợn do truyền thông và đặc vụ của bọn đế quốc phương Tây dựng lên để bôi nhọ Nhà nước’. Nhưng công luận biết phiên bản Đức nào là sự thật. Trong nhà thờ Friedrichshain một tuần sau bầu cử, 400 người tập trung để soan một thư yêu cầu chính quyền điều tra vụ việc. Khi họ rời nhà thờ, một xe tải của bọn Stasi xuất hiện. Lực lượng an ninh tấn công họ bằng gậy gộc và dùi cui. Khoảng 20 người bị dẫn vào trụ sở công an, tại đó họ bị đánh đập tàn nhẫn hơn nữa.
        Sau đó, các thủ lĩnh Cộng sản thừa nhận có gian lận. Trong ban lãnh đạo một số người ước tính tỷ lệ bất đồng chính kiến lên tới 5 đến 7 phần trăm. ‘Nhưng các quận ủy cứ khăng khăng cho rằng Đảng muốn có kết quả tốt hơn,’ Gunter Schabowski nói. ‘Việc kiểm phiếu đã bị làm giả. Các viên chức chấp nhận điều đó như là công việc cả đời và thi hành theo thói quen và lệnh của Đảng.’
        Các ông trùm Đảng không cần bầu cử cũng biết rằng lực lượng chống đối đang lớn mạnh. Các báo cáo chính xác của bọn Stasi về mức độ phản kháng đã đến được Mielke, mặc dù không rõ bao nhiêu trong số đó đến được Honecker. Một báo cáo, do một sĩ quan cao cấp tại trụ sở Normannenstrasse của Stasi, trình bày rõ ràng là lúc nào công nhân cũng càu nhàu và phàn nàn.
Những kẻ bất mãn giờ đang làm mất uy tín của Đảng. . . Các công nhân biểu lộ công khai mối nghi ngờ của họ về tính khách quan và tin cậy của những thống kê kinh tế mà truyền thông nhà nước đưa ra. Thông thường thì công nhân yêu cầu cho họ thông tin về những vấn đề và cách giải quyết của chính quyền . . . Khi họ nói với các du khách Tây Đức họ đánh giá thấp năng lực sản xuất của nền kinh tế Đông Đức và kết án nó. . . Mức độ biểu lộ sự thờ ơ và cam chịu tăng dần, các công dân CHDCĐ trở về từ nước ngoài sau khi đi thăm viếng thân nhân đều ca ngợi phương Tây và tôn vinh tính ưu việt của chủ nghĩa tư bản.
          Một báo cáo nằm trên bàn của Mielke khoảng thời gian các cuộc bầu cử khu vực làm ông trùm Đảng lo lắng. Và báo cáo này chắc chắn cũng được gởi đến giới chóp bu còn lại. Báo cáo nói rằng có một không khí u ám và thất vọng bên trong hàng ngũ cấp trung và thấp của Đảng. ‘Một tình trạng thối chí đang lan tràn,’ báo cáo nói. ‘Nhân dân không còn tin vào những mục tiêu mà Đảng và chế độ đề ra. Những thái độ như thế đặc biệt thấy rõ trong số những người trước đây rất năng nổ nhưng giờ đã trở nên chán ngán, cam chịu hoặc cuối cùng buông bỏ.‘ Hiệu quả hiển nhiên như bao giờ, bọn Stasi tính toán số chống đối trong một báo cáo gởi đến Mielke và Honecker ít ngày sau cuộc bầu cử. Báo cáo cho biết có 160 nhóm rải rác – ‘bao gồm các nhóm hoạt động cho hòa bình, nhóm tranh đấu nữ quyền, nhóm hoạt động môi trường . . . 2,500 người có liên can và 600 ở vị trí cầm đầu. . . 60 người là hạt nhân của nhóm hoạt động’.
        Đó là một đánh giá thấp, nhưng không nhiều lắm trong đầu mùa hè 1989. Không thấy xuất hiện những nhân vật gây cảm hứng Lech Walesa hoặc có tầm cở như Vaclav Havel. Một số mục sư Tin Lành cũng tích cực hoạt động chính trị, như Eppelmann ở Berlin, một thời là thợ xây, đã từng ở tù 9 tháng vì từ chối đi nghĩa vụ quân sự. Như nhiều người trẻ chui vào giáo hội Đông Đức, ông được huấn luyện thành một sinh viên thần học để hoạt động xã hội chứ không nghiền ngẫm tâm linh: ‘Tôi tự hỏi, bạn có thể làm nghề gì để có thể có một cuộc sống hài lòng, hoặc thậm chí hạnh phúc trong đất nước này? Câu trả lời duy nhất nảy ra trong đầu tôi là: mục sư. Chỉ có nghiên cứu thần học mới có thể đem lại một ít tự do cho tâm trí.’ Christian Fuhrer, một mục sư tại địa hạt NikoLaikirche tươi đẹp ở thành phố lớn thứ hai của Đông Đức, Leipzig, vào giữa thập niên 1980 đã thành lập một nhóm hoạt động cho hòa bình để vận động giải giới hạt nhân ở cả hai bên Bức Màn Sắt. Mới đầu nhóm hòa bình này được cho phép, ngay cả được chế độ cổ vũ, vì cho rằng chúng vô hại, gây khó chịu cho phương Tây lẫn phương Đông. Nhưng đám con chiên của Fuhrer đã trở thành cái gai trên da thịt của Honecker. Những cuộc tuần hành đều đặn bắt đầu sau mỗi buổi cầu kinh vào tối thứ hai một tuần sau cuộc bầu cử. Lúc đầu chỉ có một vài trăm người tham dự; sau đó, trong mùa hè, sỉ số vọt lên đến hàng ngàn.
        Nhưng nhà thờ đã thỏa hiệp rất sâu với chế độ nên chỉ có một số ít muốn làm điều gì đó cho phe chống đối. Nhà sinh học Frank Eigenfeld muốn thành lập một nhóm hòa bình ở Halle, cách Berlin khoảng 140 km về phía tây-nam. ‘Chúng tôi có những vấn đề nổi cộm với nhà thờ,’ ông nói. ‘Chúng tôi có khó khăn khi tìm phòng họp cho nhóm. Chúng tôi nhờ cậy các giáo xứ ủng hộ nỗ lực của mình và cung cấp phòng họp cho chúng tôi. Trong hầu hết trường hợp, chúng tôi đều bị từ khước. Ở Halle, chỉ có 3 trong số 14 giáo xứ chịu cho mượn chỗ.’
        Nhóm hoạt động nổi bật nhất là Sáng kiến cho Hòa bình và Nhân quyền, do nữ nghệ sĩ Barbel Bohley 43 tuổi và cô bạn Werner Fisher, sáng lập. Vào tháng 1 năm 1988 họ bị bắt tại một cuộc biểu tình đánh dấu lễ kỷ niệm ngày Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht bị giết hại. Họ là hai trong số những người thành lập Đảng Cộng sản Đức và là công thần của chủ nghĩa Mác. ‘Tội’ của họ là dám trương ra lá cờ trên đó viết câu nói nổi tiếng của Luxembourg: ‘Tự do là tự do suy nghĩ khác biệt.’ Bohley được phép chọn lựa ở lại trong tù hoặc đi ra nước ngoài. Sau khi khoảng 400 người tuần hành ở Berlin nhằm phản kháng sự đối xử thô bạo đối với cô, cô đi đến một thỏa hiệp với Đảng được đích thân Honecker xem xét. Cô sẽ đến sống tại Anh trong sáu tháng, với điều kiện được phép trở về. Nhưng chỉ đến tháng 5 năm 1989 là cô đã quay lại Đông Đức, cầm đầu các nhóm phản kháng mới và các ủy hội công dân mà chế độ gán là ‘các nhóm bất hợp pháp’.
        Tuy vậy vẫn có ít người quan tâm đến việc thương thảo với người Cộng sản hoặc đi đến một thỏa hiệp với họ. Một số thanh niên Đông Đức tháo vát tìm kiếm một hình thức để biểu lộ suy nghĩ của mình. Năm ngày trước cuộc bầu cử khu vực, truyền hình Tây Đức phát đi một bản tin đặc biệt về biên giới Hung-Áo. Các binh lính Hung đang cắt hàng rào kẽm gai – Bức Màn Sắt – và mở cửa biên giới về phương Tây. Đó là một cảnh tượng phi thường gợi cho dân Đông Đức một phương cách thoát ra khỏi chốn tù ngục của mình. Nếu họ không thể leo qua Bức Tường, đào đường ngầm chui qua hoặc bay qua, có lẽ còn một cách khác chăng? Thoạt đầu chỉ là một số nhỏ tìm đường đến Hung, hi vọng từ đó họ không phải trở về CHDCĐ nữa.       
6.png        

BA MƯƠI BẢY
LỞ ĐẤT

Warsaw, chủ nhật ngày 4 tháng 6 năm 1989
VĂN PHÒNG BẦU CỬ CỦA CĐĐK nằm trên tầng hai của Cafe Surprise, vừa qua khỏi đại lộ chính ở trung tâm thành phố. Vào chiều tối, các nhà hoạt động công đoàn trố mắt nhìn vào màn hình mà không tin vào mắt mình khi những kết quả đầu tiên của cuộc bầu cử bắt đầu được loan đi. Rõ ràng là một cuộc cách mạng đã xảy ra bên trong đế chế Xô viết và xảy ra một cách êm thắm, không bạo lực trong các buồng phiếu trên khắp Ba Lan. Hầu hết không ai ngờ được một sự thất bại thảm hại như thế của người Cộng sản. Khi đêm xuống kết quả cuối cùng là một sự tủi hổ cho Đảng, đã cai trị Ba Lan hơn bốn mươi năm. Thủ tục bầu cử rất phức tạp, nhưng theo vài con số thì Đảng Cộng sản chỉ chiếm từ 3 đến 4 phần trăm số phiếu bầu. Cuộc bầu cử đã hóa thành cuộc trưng cầu dân ý về việc cai trị của người Cộng sản và Xô viết. Lời tuyên án của nhân dân là bản cáo trạng hủy diệt chống lại chế độ. Trong vòng bầu cử đầu tiên, CĐĐK thắng 33 trong tổng số 35 ghế dành cho bầu cử tự do ở Hạ viện. Người Cộng sản và đồng minh của họ giữ được 65 ghế theo qui định không chơi đẹp. Nhưng điều đó cũng gọi là chút an ủi của họ. CĐĐK thắng 99 trong tổng số 100 ghế được bầu cử tự do ở Thượng viện. Thực tế là toàn bộ ban lãnh đạo của Đảng đều thất bại, bao gồm tất cả những tên tuổi quen thuộc của chính quyền đã ngự trị bấy lâu: Bộ trưởng Nội vụ Kiszczak, Thủ tướng Rakowski, Bộ trưởng Quốc phòng Florian Siwicki.
        Đó là những người đã hối thúc bầu cử cho sớm sau khi thỏa thuận Bàn Tròn được ký kết. Họ cho rằng bầu cử sớm sẽ cho họ nhiều thuận lợi hơn và sẽ gây khó khăn cho CĐĐK vì thiếu chuẩn bị. Đảng có thể không có nhiều kinh nghiệm bầu cử dân chủ, nhưng họ có tiền, tổ chức, nhân sự và, quan trọng nhất, độc quyền kiểm soát truyền hình. Trong cuộc nói
chuyện Bàn Tròn, một cố vấn truyền thông của Tướng Jaruzelski, nói một cách mỉa mai đầy ác ý với nhà hoạt động CĐĐK Kuron rằng ‘chúng tôi sẽ cho các ông ZOMO [cảnh sát dẹp bạo động] trước khi cho các ông TV’. Kuron đáp lại, ‘Chúng tôi thích truyền hình hơn, cám ơn’.
        CĐĐK không muốn tổ chức bầu cử ngay. Họ phải củng cố tổ chức từ con số không, quyên tiền, mướn văn phòng, thuê nhân viên, tất cả trong vòng một tuần lễ. Đó là một công việc đồ sộ. Walesa luôn miệng phàn nàn: ‘Vụ bầu cử này là cái giá khủng khiếp chúng ta phải trả để có lại công đoàn.’ Ông sợ rằng công luận, sau quá nhiều năm thờ ơ, sẽ không kịp đáp ứng và sẵn sàng để bầu cho họ. Các cố vấn của ông nghĩ rằng thắng được một phần tư số ghế tranh cử ở Hạ viện và có thể hai phần ba số ghế ở Thượng viện là công đoàn thành công rồi. Vậy mà, trông cậy vào những tình nguyện viên thiếu kinh nghiệm, CĐĐK ứng biến và đạt được hiệu quả xuất sắc. Từ ngày 1/5 khi Walesa phát động chiến dịch tại nhà thờ St Brigid ở Gdansk, thông điệp của ông rất lạc quan và vực dậy tinh thần. Đây là cơ hội để nhân dân ‘nói với họ là chúng tôi đã chịu đựng đủ rồi’, ông luôn miệng nói thế. Ông đến xưởng tàu Lenin để chụp ảnh chung với mỗi ứng cử viên CĐĐK. Nửa tháng trước cuộc bầu cử những ảnh này được in lên các áp phích treo dựng khắp nơi, trên cây, bức tường, cửa sổ các khu chung cư cùng với khẩu hiệu của CĐĐK sơn màu của quốc kỳ đỏ, trắng, lam. Bên dưới bức tranh là thông điệp, viết bằng thủ bút của Walesa: ‘Chúng ta phải thắng’.
        Qua thỏa hiệp Bàn Tròn, Giáo hội được hưởng lợi nhiều. Một số tài sản của họ được trả lại miễn phí, và được phép mua lại nhiều thứ. Giáo hội có thể mở trường và lập trạm phát thanh; giáo sĩ có thể nhận được lương hưu của nhà nước. Giáo hội mở chiến dịch ủng hộ CĐĐK, mặc dù Hồng y Glemp lúc đầu miễn cưỡng xa lánh chế độ, ông vốn không ưa CĐĐK và khinh thường Lech Walesa. Trong khi truyền thông trong tay của Đảng, thì BBC và Đài Âu châu Tự do, với số khán giả Ba Lan lên đến cả triệu người, không giấu giếm sự ủng hộ của mình đối với CĐĐK. Với tốc độ phi thường CĐĐK cho ra nhật báo rất tuyệt có tên Gazetta Wyborcza (Diễn Đàn Bầu Cử), đầy chất hóm hỉnh và sống động so sánh với cơ quan ngôn luận ì ạch của Đảng. Báo do Adam Michnik biên tập, nhưng đại đa số các nhà báo là những thiếu nữ tài năng.
      Đảng phát động một chiến dịch chán ngắt, tự mãn. Giới lãnh đạo tin rằng chính quyền sẽ dễ dàng đánh bại thành phần chống đối thiếu tổ chức. Nó có khi chả vận động tranh cử gì trong những khu vực mà Đảng cho là mình đã kiểm soát hoàn toàn. Trụ sở của Đảng ở Warsaw ra chỉ thị là không có áp phích nào hoặc tài liệu nào được sử dụng màu đỏ, vì thế có nhiều màu được dùng thay thế. Điều này nhằm làm cho cử tri bối rối, mặc dù vì mục đích gì thì không rõ. Màu sắc trong chiến dịch tranh cử của những người Cộng sản chủ yếu là lam nhạt. Một khẩu hiệu họ sử dụng nhiều nhất chỉ đơn giản là ‘Đi theo chúng tôi thì an toàn hơn’, nghe có vẻ một khẩu hiệu quảng cáo cho dụng cụ ngừa thai hơn là khẩu hiệu cho một ứng cử viên chính trị. ‘Đó là một chiến dịch vô vọng, thiếu sinh khí, nhạt thếch,’ một thủ lĩnh của Đảng nhận xét trong thời gian tranh cử. ‘Tôi không nghĩ chúng tôi hiểu được khái niệm giành phiếu của nhân dân là gì. Chúng tôi thật là thiển cận.’
        Vào ngày bầu cử, phe chống đối trông có vẻ tổ chức tốt hơn Đảng nhiều. Hầu hết các giáo sĩ khắp xứ trong bài giảng Chủ nhật của mình sáng hôm đó đều nhắc nhở con chiên, ’Cha tin rằng các con biết Chúa sẽ bầu cho ai trong cuộc bầu cử hôm nay.’ Khi họ đến các phòng phiếu các ứng cử viên được thể hiện trên phiếu bầu khá phức tạp. Phiếu bầu là những tờ giấy cứng trên đó có tên các ứng cử viên và cử tri được yêu cầu gạch tên những ứng cử viên nào mình không muốn. CĐĐK biết rằng thủ tục này có thể gây bối rối. Vì vậy bên ngoài 20,000 phòng phiếu, nhóm chống đối lập những trạm thông tin tại đó các cử tri được hướng dẫn cách bỏ phiếu. Họ minh họa bằng cách xóa tên các ứng cử viên của Đảng. Một khi các cử tri đã hiểu đầu đuôi, họ phản ứng rất nhanh nhẩu. Đó là ‘một thủ tục phức tạp, nhưng thật là đã khi được gạch xóa những cái tên mà bạn không ưa’, một quan sát viên nói.
        Thậm chí vào buổi sáng ngày bầu cử những người Cộng sản còn tin là họ sẽ thắng lợi. Rakowski nhìn nhận là mình không ngờ có thể đón nhận một thất bại nặng nề, không tưởng tượng được là, khi được cho cơ hội, nhân dân sẽ loại bỏ Đảng cái một. ‘Vào tháng 5, sau hội nghị Bàn Tròn, cuộc thăm dò ý kiến của chúng tôi cho thấy có 14 phần trăm cử tri sẽ bầu cho chúng tôi và các nhóm liên minh của chúng tôi trong khi có 40 phần trăm bầu cho CĐĐK,’ ông nói. ‘Phần còn lại chọn ý kiến ‘không biết’. Tôi không hiểu tại sao mình lại tưởng là phần còn lại sẽ bầu cho chúng tôi.’
        Walesa bất ngờ trước qui mô của thắng lợi. ‘Tôi đối mặt với thảm họa khi có một mùa bội thu,’ ông nói đùa. ‘Quá nhiều lúa đã chín mà tôi không thể cất hết vào kho.’ Nhưng ông cũng nghe một tin làm ông rất lo lắng. Sáng sớm ngày đó, hàng trăm sinh viên Trung Quốc không vũ trang đã bị tàn sát ở Bắc Kinh khi binh lính và xe tăng đã được phái đến để dập tắt cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn. Không chắc, nhưng không phải là không có thể, việc Xô viết hoặc các tướng lãnh chóp bu của chế độ Ba Lan sẽ phản ứng dữ dội khi bị đánh bại nhục nhã tại cuộc bầu cử. Geremek, người có cái đầu lạnh nhất trong nhóm Walesa, cũng lên tiếng cảnh báo: ‘Vâng, tất nhiên, chúng ta biết là mình đã thắng. Nhưng chúng ta cũng biết họ có súng.’
        Sáng sớm hôm sau các thủ lĩnh Đảng gặp nhau trong một trạng thái rất sốc để ‘khám nghiệm tử thi’. ‘Kết quả thật khủng khiếp, tồi tệ hơn điều mà chúng ta có thể ngờ tới,’ Jaruzelski nói. ‘Tôi cho là tại giáo hội. Họ là thủ phạm chính. Chúng ta sẽ đi gặp các hàng giáo phẩm Thiên chúa ngay lập tức.’ Stanislaw Ciosek, người liên lạc thường với các giám mục, đồng tình.’Chúng ta đã tin tưởng Giáo hội – và họ hóa ra là những tên Jesuit,’ ông ta nói có vẻ kỳ quái. Nhưng rồi ông tiếp tục khiển trách Đảng, như phần đông các đầu sỏ Cộng sản đã làm suốt ngày này. ‘Lỗi là của chúng ta. Chúng ta đã phóng đại sức mạnh của mình và hóa ra là hoàn toàn thiếu căn cứ,’ ông than thở. Alexander Kwasniewski, người trẻ nhất trong giới lãnh đạo Đảng, nói: ‘Có một số lớn đảng viên gạch bỏ những ứng cử viên của Đảng ta.’ Jerzy Urban, người thiết kế việc quảng bá chiến dịch, nói: ‘Kết quả chứng tỏ Đảng đã hết thời. Chúng ta đang đối mặt với sự tan rã. Đây không chỉ là một kỳ bầu cử thất bại, mà chính là cái kết thúc của một thời kỳ.’
  Jaruzelski nghiêm chỉnh xem xét việc áp đặt một phiên bản thiết quân luật mới. Ông họp Hội đồng Quân sự và Tổng Tham mưu quân đội. Bộ trưởng Nội vụ cũng có mặt ở đó và họ bàn về việc thông báo tình trạng khẩn cấp và gọi cuộc bầu cử là vô giá trị. ‘Chúng ta còn nắm các đòn bẩy quyền lực ở trong tay,’ Jaruzelski nói. Nhưng ông biết rằng giờ đã quá trễ cho giải pháp bạo lực như thế. Ông đã nói chuyện với các phụ tá của Gorbachev ở Kremlin; họ đều sửng sờ trước kết quả bầu cử, nhưng biết rằng nhà lãnh đạo Xô viết sẽ không ủng hộ bất kỳ giải pháp quân sự nào. Việc đó không hiệu quả. Moscow vẫn tiếp tục chủ trương một dàn xếp chính trị cho một vấn đề chính trị, họ bảo ông như vậy. Jaruzelski tuyên bố rằng ông sẽ chấp nhận kết quả bầu cử và học cách sống chung với nó. Ông nhớ lời bình phẩm của Rakowski lúc sáng sớm: ‘Nhân dân chỉ đơn giản không muốn chúng ta nữa.’ Tại sao? Ông cảm thấy mình đã chọn đúng khi đi theo lộ trình thỏa hiệp, rằng mình đã xử sự thích đáng, và đáng ra không bị trừng phạt như thế.
        Mối quan tâm chủ yếu của ông, và của nhóm người quanh ông, là bảo đảm cho ông được bầu làm Tổng thống khi quốc hội mới được triệu tập vào tháng sau. Tính toán cho thấy đó là một xác suất khít khao. Ông cần 35 phiếu bầu ở Hạ viện, mà hình như không chắc chắn nếu không có đồng thuận của CĐĐK. Có thể không có một chính quyền hiệu quả cho đến khi vấn đề Tổng thống được dàn xếp. Bộ máy hành chính ra sức khập khiểng, nhưng quyền lực đang thấy rõ là đang trượt khỏi tay chế độ. Đó là một giả định bất thành văn của hội thảo Bàn Tròn rằng Jaruzelski sẽ được bầu làm Tổng thống. Vị thế đã được đặt để cho ông, như cả hai bên đối thoại đều hiểu rõ. Một số nhà lãnh đạo CĐĐK thận trọng hơn – đặc biệt là Walesa – sợ rằng nếu họ không đưa ra điều khoản đó trong thỏa hiệp, toàn thể bộ khung của cuộc thỏa thuận sẽ rời rã. Các người Cộng sản gia tăng sức ép để bảo đảm vị Tướng được bầu. Một số sĩ quan cao cấp trong quân đội cảnh báo chính quyền rằng họ cảm thấy ‘cá nhân bị đe dọa’ nếu Jaruzelski không được bầu và sẽ ‘hành động để bác bỏ thỏa hiệp Bàn Tròn và kết quả bầu cử.’ Nói cách khác, họ hăm dọa một cú đảo chính chống lại các vị tướng của mình. Kiszczak gặp riêng Hồng y Glemp và các nhà lãnh đạo giáo hội khác. Ông đưa ra lời cảnh cáo trần trụi: ‘Nếu Jaruzelski không được bầu, chúng ta sẽ đối mặt với sự mất ổn định nặng nề hơn và toàn bộ tiến trình cải tổ chính trị sẽ đến ngõ cụt. Không có vị Tổng thống nào khác được sự ủng hộ của lực lượng an ninh và quân đội.’
        Chính vị Tướng đang nhẫm tính trong đầu và đâm ra do dự. Trong ba tuần ông hay bất ngờ nói bóng gió về việc mình sẽ không cầm quyền, nếu đất nước không muốn ông. Ông đã nắm giữ quyền hành quá lâu và với một sự cương quyết quá lớn đến nổi ông không tưởng tượng có ngày mình sẽ rút lui. Nhưng nếu các con số không an toàn ông sẽ nghĩ lại và từ chối sự đề cử. Ông bảo với các cố vấn của mình là ông ‘không muốn lủi vào ghế Tổng thống’. Ông cũng không muốn thêm một lần bẽ mặt sau vòng bầu cử đầu thất bại. Vào cuối tháng ông đã quyết định là mình không sẵn sàng để liều mình thua cuộc thêm một lần nữa. Ông quyết định rút lui khỏi cuộc đua trừ khi có một phép lạ xuất hiện đâu đó.        
7.png

BA MƯƠI TÁM
LỄ TANG Ở BUDAPEST

Budapest, thứ sáu, ngày 16 tháng 6 năm 1989
VÀO 9 GIỜ SÁNG HƠN hai trăm ngàn người đã chen chật Quảng trường các Anh hùng, một không gian tân-cổ điển đầy ấn tượng, nơi đó hầu hết các ông và bà có tiếng đang làm lễ kỷ niệm trong điện thờ anh hùng. Đám người càng lúc càng đông, tràn cả ra Đại lộ Nhân dân, đến tận Công viên Thành phố gần đó. Trong 39 năm qua nhắc đến tên Imre Nagi đã là một điều cấm kỵ. Giờ đây nhà lãnh tụ chính trị của cuộc Cách mạng 1956, đã bị xử tội chết hai năm sau đó, được cải táng trong nghi lễ vô cùng xúc động. Đó là lễ tang của một người đã mất lâu rồi. Nhưng ai đã chứng kiến ngày lễ trọng đại này có thể thấy lễ an táng cũng chôn vùi luôn một giai đoạn trong lịch sử Hungary. Vào cùng ngay đó năm trước, khi một số bạn cũ của Nagy và gia đình tập họp nhau làm một cuộc tuần hành phản kháng nhỏ để đánh dấu lần kỷ niệm thứ 30 ngày giỗ của ông, bọn cảnh sát trang bị dùi cui dẹp tan biểu tình. Giờ lễ tang của Nagy đã biến thành một dịp trọng đại của quốc gia, được truyền hình nhà nước trực tiếp truyền hình. Cảnh sát hợp tác với những người bất đồng chính kiến, các nhà hoạt động chính trị và người thân của Nagy để bảo đảm lễ tang được tiến hành hoà bình và long trọng.
        Nơi an táng trước đây của Nagy sau khi ông bị treo cổ ở Nhà tù Trung tâm Budapest trên đường Fo là một địa điểm  được giữ bí mật. Chế độ không muốn nó trở thành một nơi hành hương cho thánh tử đạo Nagy. Giữa đêm, thi hài ông và bốn đồng chí thân thiết đã bị xử tử cùng một lúc được mang đến nghĩa trang thị trấn Rakoskeresztur, một địa điểm hẻo lánh ở ngoại ô phía đông thành phố. Nagy, Bộ trưởng Quốc phòng của ông Pal Maleter, thư ký ông Joszef Szilagyi, phụ tá chính trị Ferenc Donath và một tiếng nói trí thức lỗi lạc của Cách mạng 1956, Miklos Gimes, được bọn cảnh sát chôn trong những ngôi mộ không đánh dấu tại Lô 301 trong nghĩa trang. Bí mật vị trí ngôi mộ được Miklos Vasarhelyi bật mí. Ông  trước đây là nhân viên báo chí của Nagy trong cuộc cách mạng ngắn ngủi và bị ở tù bốn năm sau 1956. Trong thập niên 1980 Vasarhelyi trở thành bậc trưởng thượng của phong trào bất đồng chính kiến, có mối quan hệ tốt đẹp với báo chí phương Tây. Ông được một người bạn từng là lính gác ngục cho biết về Lô 301 và chủ nhân của hài cốt nằm bên dưới. Biết tin đó nhưng ông không thể làm gì vì Kadar vẫn còn tại vị. Hành động cải táng Nagy coi như là kết tội ba thập niên cai trị của Kadar. Nhưng sau khi lão già đó bị loại ra khỏi chính quyền, ông và gia đình của Nagy sáng lập Ủy ban vì Công lý Lịch sử để lấy lại thanh danh cho Imre Nagy và 392 nhà cách mạng khác bị hành hình vì vai trò của họ trong Cách mạng 1956.
        Những người đã mất đặt ra một vấn nạn cho Đảng, mà hiện giờ hầu như rời rã giữa những tranh cãi vật vã trong nội bộ hòng đương đầu với chấn thương nhức nhối nhất của chủ nghĩa cộng sản Hung. Những người cải cách như Imre Pozsgay giờ chịu tin rằng sự câm lặng và phủ nhận ba thập niên qua không thể tiếp tục được nữa. ‘Chúng ta phải đối mặt với tình hình,’ ông nói. Không có cách nào để chúng ta bắt đầu làm mới, lật một trang sử mới, mà không kể đến những gì xảy ra trong quá khứ.’ Porzsgay hiên ngang đứng tiên phong trong công cuộc thay đổi căn cơ trong Đảng để nhào nặn một thỏa hiệp với phe chống đối. Ông ít hay nhiều cũng là một phần tử chống đối, trong con mắt của nhiều đảng viên lão thành. Ông làm như vậy một phần là vì ông là con người tham vọng, nghỉ mình có thể tìm được quyền hành khi hiện thân là một nhân tố thay đổi, và một phần cũng vì tin tưởng. Ông biết rằng chủ nghĩa cộng sản đã hết thời – và ông có thể được đặt để ở một vị trí tốt để thu nhặt những mảnh vụn. Vào cuối năm 1988 ông sáng lập một Ủy ban Lịch sử gồm một tá những học giả và sử gia Cộng sản hàng đầu cùng nghiên cứu về Vụ Nổi Dậy. Họ được phép tìm kiếm tư liệu như chưa từng có tiền lệ, đã soi sáng những hành động đáng tủi hỗ của Đảng vào thời điểm đó.
        Báo cáo của họ vào tháng 1 năm 1989 đã quay ngược chiều của lịch sử Đảng, từ lâu đã luôn miệng nói 1956 là một vụ ‘phản cách mạng’ và việc xâm lăng của Xô viết là cần thiết để cứu Hungary khỏi tay bọn phản động và đế quốc. Ủy ban kết luận rằng đó là ‘một cuộc nổi dậy của nhân dân chống bọn đầu sỏ cai trị đã làm ô nhục đất nước’ và rằng hành động đè bẹp của Hồng quân là hoàn toàn không thể biện minh được. Như các cán bộ bảo thủ trong hàng ngũ Đảng đang teo tóp dần có thể thấy rõ, thế hệ mới biết rõ là sự cai trị của Cộng sản trong ba thập niên qua là bất hợp pháp và quân Nga là một lực lượng chiếm đóng. Xác tín này vứt bỏ tính chính thống thuận tiện mà nhân dân đã dần quen, và sự thông đồng im lặng trong đó Kadar và bè phái của ông ta đã duy trì hòa bình ở Hungary. Vấn đề nổi cộm khác là: Xô viết sẽ phản ứng thế nào? Pozsgay đạt thắng lợi trong một loạt cuộc họp Đảng trầy vi tróc vảy. Đây là cách duy nhất để Đảng Hungary tự thanh tẩy mình, ông lý luận, và Đảng sẽ không bao giờ lấy lại được lòng tin ‘trừ khi chúng ta nhận lấy cơ hội này ngay bây giờ’. Không hề có phản ứng chính thức nào từ người Xô viết. Phát biểu về sự kiện 1956 là một phép thử trong chính sách cải cách của Gorachev, ông nói. ‘Tất nhiên, chúng ta theo dõi phản ứng từ LBXV và sau khi chúng ta thấy họ không phản ứng, chúng ta sẽ hành động về phía trước. Đây là cách mà chúng ta thực hiện những sáng kiến của mình.’
        Vào tháng 3 chính quyền thông báo rằng năm thi thể sẽ được phép cải táng một cách thích đáng. Thoạt đầu không ai nghĩ sẽ biến cơ hội này thành một nghi lễ công cộng trang trọng. Chế độ muốn một lễ an táng riêng tư, đơn giản, khuất mắt, mà họ nghĩ sẽ vĩnh viễn khép lại sự kiện một lần cho tất cả. Nhưng trong năm đó, khi nhịp độ biến động gia tăng và Đảng bắt đầu chết đứng, các quan chức Đảng nghĩ rằng cách tốt hơn để giải quyết việc đó là cướp cạn sự kiện. Họ đã trao đổi với phe chống đối một cách không chính thức từ giữa tháng 3. Họ đã nhất trí là thương thảo Bàn Tròn sẽ bắt đầu vào 13 tháng 6, ba ngày trước lễ tang. Các lãnh đạo Đảng nhất định muốn có mặt tại lễ tang và đọc điếu văn.  Vasarhelyi và gia đình Nagy miễn cưỡng chấp nhận, không thể vịn cớ gì để từ chối được. Cả Ủy ban vì Công lý Lịch sử và chính quyền đều kêu gọi một lễ tang yên tĩnh và trang trọng và yêu cầu không treo biểu ngữ mang tính chính trị, chỉ có quốc kỳ hoặc cờ tang. Nhưng chính quyền cũng biết là có thể xảy ra hỗn loạn. Và họ cương quyết dùng cơ hội này vào mục đích chính trị của mình, như một báo cáo tối mật của mật vụ Hung cho thấy. Nó phơi bày cách thức mà tình báo đã xâm nhập vào nhóm chống đối và các đặc vụ rất tích cực trong việc thuyết phục họ hạn chế các yêu sách, và các cuộc đình công, cũng như báo cáo về kế hoạch tiến hành các cuộc đình công hay hội thảo trong nhóm. Các đặc vụ ở nước ngoài sẽ theo dõi các hoạt động của những cộng đồng Hung ly hương ở Mỹ và Âu châu, sử dụng có tính toán phương tiện truyền thông để tung ra đề nghị là việc tiến hành lễ tang trong trật tự sẽ minh chứng sự chín chắn của quốc gia.
Những công nhân dựng khán đài đã vất vả xây dựng ba ngày vừa qua để biến Quảng trường Anh hùng thành một khán đài hoành tráng, do kiến trúc sư Laszlo Rajk, một người bất đồng chính kiến, thiết kế. Cột phủ vải đen. Mặt tiền uy nghi của khán đài phủ những quốc kỳ tam sắc lớn, màu xanh lá cây, trắng và đỏ, nhưng ở ngay trung tâm lá cờ đã khoét bỏ một lỗ nơi có biểu tượng búa liềm, để nhắc nhở đến hành động anh hùng của các nhà cách mạng 1956. Bên trái của sàn khán đài được nâng cao là sáu quan tài. Quan tài dư ra trống rỗng, biểu tượng cho những nghĩa sĩ vô danh. Đó là một buổi lễ đầy xúc động và bi hùng. Ngay từ lúc bắt đầu vào 10 giờ sáng, khi nghệ sĩ Imre Sinkovits đọc bức tâm thư của gia đình Nagy gởi đến nhân dân Hungary, cảm xúc dâng tràn khắp nơi. Hàng dài người dự lễ tang đi lướt qua các quan tài trong hai giờ, cùng lúc tên các nghĩa sĩ Hung đã hi sinh trong cách mạng được xướng lên trên loa phóng thanh. Phần đông trong số 300,000 người dự lễ tang chưa ra đời vào năm 1956.
        Cao điểm của buổi lễ là bài diễn văn dữ dội do Viktor Orban đọc. Anh là một thanh niên tóc đỏ, để râu, hai mươi sáu tuổi, mặc quần jean truyền thống của người bất đồng chính kiến. Đó là một bài diễn văn truyển cảm hứng mà diễn giả ngay lập tức trở thành một tên tuổi trong xã hội Hungary, người mà một thập niên sau sẽ trở thành Thủ tướng. ‘Những người trẻ tuổi hôm nay không thể biết được nhiều điều về thế hệ đã qua,’ anh nói:
Chúng ta không biết rằng cũng những người cầm đầu Đảng và chính quyền đã dạy bảo chúng ta phải học tập từ những quyển sách xuyên tạc lịch sử của cuộc Cách mạng giờ đây đang tranh nhau chạm tay vào quan tài như thể đó là những lá bùa may mắn của họ. Chúng ta không nghĩ, vì bất cứ lý do gì,  phải biết ơn khi được cho phép cải táng các nghĩa sĩ của chúng ta. Chúng ta không chịu ơn bất cứ ai khi các tổ chức chính trị của ta ngày nay có thể hoạt động được. . .  Nếu chúng ta có niềm tin vào sức mạnh của mình, chúng ta có thể đưa chế độ chuyên chế cộng sản đến chỗ cáo chung; nếu chúng ta có đủ quyết tâm, chúng ta có thể bắt buộc Đảng phải nhượng bộ chịu bầu cử tự do; và nếu chúng ta không đánh mất lý tưởng của năm 1956, thế thì chúng ta có thể bầu ra một chính quyền, nhanh chóng tìm kiếm một thỏa ước để quân đội Nga nhanh chóng rút về nước.
        Tiếng vổ tay và hoan hô vang dậy khắp Quảng trường Anh hùng kéo dài trong vài phút. Ngay cả trong thời điểm đó kêu gọi quân đội Xô viết ra khỏi Hungary trước quần chúng cũng là một hành động gan dạ.
        Trong số những khách dự tang lễ, Maria Kovacs xúc động đến rơi lệ nhiều lần trong suốt buổi lễ, đặc biệt khi nghe đám đông đồng thanh hô vang Quảng trường ‘Russzkik Haza’ – người Nga hãy về nhà . ‘Tôi rất thận trọng với những đổi thay,’ bà nói. ‘Chúng ta đã chứng kiến những cải cách từ Moscow trước hết. Chúng ta đã chứng kiến những cải cách ở Trung và Đông Âu vào năm 1956, vào năm 1968, vào những năm 1980-81 ở Ba Lan. Trong tất cả trường hợp này, những thay đổi bắt đầu, đa phần, là ở Moscow, hoặc được Moscow cho phép, và tiếp diễn trong một thời gian. Rồi, thình lình, cải cách chấm dứt, đôi khi một cách rất dữ dội.’ Bà thận trọng vì lịch sử có thể tái diễn, Gorbachev có thể bị loại khỏi quyền lực, tiến trình mà ông ta bắt đầu có thể bị đảo ngược.
        ‘Và bạn đừng quên người chết được chôn hai lần ở tang lễ này. Đây là một vở kịch của người Cộng sản. Họ cũng chính là những người mà nhiều năm trước đây đã vô tâm kết tội Imre Nagy phản bội lại hệ thống Xô viết và chủ nghĩa xã hội. Tất cả bọn người trong phe Cộng sản đang đứng trên khán đài dự lễ tang là những người mà chỉ một ít năm trước đây cũng đi qua đầy đủ nghi thức nhằm kết án sự kiện 1956. Điều đó gởi đi thông điệp là những người này có thể thay đổi ý kiến nếu có một cơ hội thuận lợi xảy đến.’ Họ gồm có Thủ tướng Nemeth, Imre Pozxgay và Chủ tịch nước Matyas Szuros. Người Cộng sản nhắc cho những khách viếng nhớ rằng họ có quyền yêu kính Imre Nagy như một người thân của mình. Trọn đời Nagy đã là một đảng viên trung kiên. Những lời cuối cùng ông nói khi hiên ngang đối diện với giá treo cổ là lòng tận tụy mãi mãi với đảng của giai cấp công nhân. Đó không phải là thông điệp mà hàng ngàn người trên Quảng trường Anh hùng muốn nghe.
        Vào lúc 1.30 trưa đám tang gồm gia đình Nagy và bốn đồng chí của ông, cùng với một số ít bạn thân, trở lại Lô 301. Các liệt sĩ được đặt nằm nghỉ ở đây trong một nghi lễ riêng tư ngắn, trước khi đưa về an táng tại một lăng mộ trọng thể.
Ngay sau lễ cải táng Nagy các viên chức nhập cư Hung bắt đầu phát hiện một hiện tượng họ chưa từng gặp trước đây. Hungary là một điểm đến chủ yếu trong mùa nghỉ hè đối với dân Đông Đức. Nhiều người thích đến Budapest, vì ở đó có nhiều quán ăn và nơi ăn chơi mà Đông Berlin buồn tẻ và yên ắng không có. Dù vậy, phần đông đều hướng về Hồ Balaton, tại đó họ có thể tắm nắng trên bãi cát hoặc ngâm mình dưới suối nước khoáng chữa bệnh dọc theo bờ hồ phía nam. Đây là nơi mà nhiều gia đình Đức có thể đoàn tụ, dù chỉ trong một ít ngày, vì một số lớn dân Tây Đức cũng đi thăm Balaton. Thường thì du khách sẽ trở về nhà sau khoảng hai tuần du lịch. Mùa hè này, trời đã trong sáng, cho dù giữa tháng sáu, nhiều du khách CHDCĐ ở lại và nhiều số lượng du khách mới đổ vào Hungary qua ngõ Tiệp Khắc, rõ ràng là không có ý định quay về. Dòng xe cộ trên các đại lộ hình như chỉ theo một chiều. Vậy mà đó không hề là một vấn nạn đối với dân Hung. Một vài ngàn gia đình dễ dàng thích nghi với các chủ nhà Hung hiếu khách. Nhưng chính quyền sợ rằng chẳng bao lâu nó có thể phát triển thành một khủng hoảng nghiêm trọng và họ sẽ gặp rắc rối với Đông Đức, điều họ không hề muốn chút nào. Lãnh đạo Đảng Grosz, Thủ tướng Nemeth và Ngoại trưởng Gyula Horn quyết định tạm thời không làm gì nhiều và chờ đợi xem sự thể ra sao. Họ nhờ Moskow cho ý kiến, nhưng các phụ tá của Gorbachev và của Shevardnadze nói rằng đó là quyết định của Hungary, họ không thể can thiệp, và chính các đồng chí ở Budapest là người giải quyết vấn đề cùng với CHDCĐ.
 Chế độ ở Berlin bắt đầu thấy khó chịu. Họ bắt đầu nhận ra có quá nhiều người không trở về nhà hoặc về sở làm sau kỳ nghỉ hè. Khắp nơi dân chúng bàn tán về chuyện đó, nhưng báo chí thì vẫn im bặt. Các con số cứ tăng lên đáng kể sau khi những tiết mục từ truyền hình Trung Quốc được phát, trong đó lặp lại liên tục lời tuyên bố của chính  quyền là ‘ca tụng nhiệt tình Cộng hòa Nhân dân Trung quốc vì có hành động tức thời trong việc giải quyết sự gây rối ở Bắc Kinh do các đặc vụ của đế quốc phương Tây xúi giục’.
        Đây là sự khởi đầu của ‘lộ trình Trabant’, khi người dân Đông Đức chất đồ đầy ắp ô tô của họ rồi lái đến Hungary, hi vọng từ đó cuối cùng sẽ tìm được tự do. Lúc nào cũng là ô tô hiệu Trabant, loại xe hình hộp, hai động cơ, có những bộ phận làm bằng nhựa, phun khói phèo phèo, và là biểu tượng của cuộc sống và công nghiệp Đông Đức. Xe Trabant không đẹp, nhưng nó hoạt động tương đối hiệu quả. Sức sản xuất không tuân theo luật cung cầu: khách hàng của chiếc ‘ô tô nhân dân’ có khi phải đợi từ 7 đến 8 năm mới được giao xe, vì thế nhận được xe là nhận được một tài sản quí giá. Xe được báo là có sáu màu, nhưng thường chỉ thấy có 3 màu: trắng, xanh lam và nâu vàng. Tốc độ kế chỉ đến 130 km/h nhưng may mắn lắm thì đạt đến 80 km/h. Nó ợ ra khói độc gấp bốn lần ô tô trung bình của phương Tây. Vậy mà hầu hết chủ nhân đều dành nhiều tình cảm cho xe Trabant của họ. Ít khi có, nếu không muốn nói chưa hề có, một phương tiện giao thông duy nhất nào được gắn kết mật thiết với đất nước của mình như xe Trabant.
        Sau khi người Hung dỡ bỏ hàng rào biên giới với Áo vào ngày 2 tháng 5, người Đông Đức nghĩ rằng nếu họ đến Hung họ đã đi được nửa đường đến phương Tây. Vấn đề là vào được Áo thì tự động họ sẽ được nhập quốc tịch Tây Đức. Họ có thể xin cấp một hộ chiếu Tây Đức tại bất kỳ Lãnh sự quán nào của Tây Đức. Nhưng Đông Đức đã có một thỏa ước ký từ những năm 1960 với tất cả xứ Đông Âu không chấp nhận một hộ chiếu Tây Đức nếu nó không chứa một dấu nhập cảnh có giá trị. Điều đó có nghĩa là nếu bạn không vào Hung bằng một hộ chiếu Tây Đức, bạn không thể rời khỏi bằng hộ chiếu đó. Qui định đó đủ để ngăn cản dân Đông Đức không thể thoát ra khỏi khối Đông Âu. Giờ đây nhiều người nghỉ rằng nếu chỉ cần ở lì lại Budapest, cuối cùng thì chính quyền Budapest cũng cho phép họ vào Áo rồi từ đó họ qua Tây Đức.
        Hầu hết những người đi đường bằng ô tô Trabant đều có trình độ chuyên môn, thuộc tầng lớp trung lưu, tuổi trong khoảng 20, 30. ‘Đất nước không phải là nơi tốt đẹp để nuôi dạy con cái. Ở đó không có triển vọng, không có hi vọng. Phía trước chỉ là một cuộc sống khó khăn và đầy dối trá,’ một người trong bọn họ nói. Hầu hết đều phàn nàn cùng những điều tương tự. ‘Không phải chúng tôi đói ăn hoặc thiếu thốn về vật chất. Nhưng là bị áp bức về mặt tinh thần và chúng tôi phải trốn thoát. Chúng tôi không nghĩ là người Hung sẽ giao trả chúng tôi lại, tất nhiên việc ấy là có thể. Chúng tôi nghĩ là mình cứ ngồi chờ.’
        Đông Đức yêu cầu Hung theo đúng thỏa ước và không cho phép công dân của họ ra đi. Người Hungary cam kết giữ đúng nghĩa vụ qui định trong Hiệp ước Warsaw. Sau đó Berlin yêu cầu trao trả công dân của họ.  Các nhà lãnh đạo ở Hung nhất tề từ chối và bảo rằng Đông Đức nên thương thảo với Tây Đức về số phận của công dân họ mà bây giờ, lần đầu tiên, họ gọi là ‘người tị nạn’. Berlin cầu cứu người Xô viết xử lý dùm. Honecker họp kín với Shevardnadze tại Berlin. Ngoại trưởng Xô viết không đứng về phe nào và lặp lại câu nói của Kremlin là Đông Đức cần thương thảo với Hungary. Nhà độc tài Đông Đức nổi dóa và mất hết hi vọng vào diễn biến trong khối Xô viết. ‘Chúng ta thấy điều gì đang xảy ra ở Ba Lan, tiếp theo sau cuộc bầu cử. Đó là sự lung lay. Chủ nghĩa xã hội không thể mất ở Ba Lan. Ở Hung các diễn tiến chắc chắn không thể ngăn chận được. Tôi nhớ đến sự kiện 1956. Nhiều đồng chí ở Hung sợ rằng cùng với việc cải táng Nagy cuộc phản cách mạng sẽ bùng nổ lần nữa. Có thể ngăn cản sự tách ra của Đảng Hungary không? Nếu không Hungary sẽ tách ra để gia nhập vào khối tư sản.’
Một tháng sau khi Nagy được cải táng, hàng ngàn người đưa tiễn lại đến dự một lễ tang khác ở Budapest, một lễ tang đưa quá khứ của Hungary về nơi yên nghỉ. Janos Kadar sống đủ lâu để nhìn thấy lễ cải táng của kẻ đối thủ năm xưa, dù lúc đó ông quá suy yếu và bịnh hoạn, không chắc ông hiểu được điều gì đang xảy ra. Ông mất vào buổi sáng ngày 6/7 và tin tức loan đi được đón nhận với nổi tiếc thương bàng hoàng nhưng thực lòng. Dân Hung có thể đã đâm ra căm ghét những gì Kadar đại diện – và càng căm ghét chính mình vì những gì mình đã làm với ông suốt những thập niên trong một thông đồng tội lỗi. Vậy mà họ vẫn tôn kính ông. Đám tang của ông vào ngày 14/7 cũng là một sự kiện chính trị, một dịp đau buồn có đến 100,000 người tiễn đưa ở Kerepesi, nghĩa trang quốc gia. Trong số đó có nhiều người đã đến dự lễ cải táng Nagy vài tuần trước. Ba triệu dân Hung xem trực tiếp trên truyền hình. Người lãnh đạo Hung trong 32 năm được an táng trong lô dành riêng cho các ‘anh hùng’ Cộng sản được coi là Đại Công thần của Giai cấp Công nhân. Trên bia mộ được khắc dòng chữ như có ý định tự biện hộ, nhưng cũng nói hộ cho vô số những người Cộng sản khác đã chiến đấu cho lý tưởng của họ trong thế kỷ 20: ‘Tôi đã ở nơi phải ở. Tôi đã làm những gì phải làm.’   
89
10.png

BA MƯƠI CHÍN
CHUYẾN CÔNG DU CỦA
TỔNG THỐNG

Warsaw, thứ hai, ngày 10 tháng 7 năm 1989
CHÍNH ĐẢNG VIÊN CỘNG HÒA MỸ George Bush là người thuyết phục vị tướng Cộng sản Jaruzelski ứng cử vào chức vị Chủ tịch Ba Lan. Bush lo rằng nhịp độ biến động ở Ba Lan và Hung có thể thoát khỏi vòng kiểm soát và dẫn đến sự bất ổn nghiêm trọng. Chuyến đi của ông đến hai nước đã được lên kế hoạch ngay sau khi ông làm lễ nhậm chức, nhưng các diễn biến cách mạng đã xảy ra từ khi chuyến đi được sắp xếp. Ông thắc mắc với các phụ tá như Condoleezza Rice không biết mình có ‘cung cấp nhiều hơn mức thị trường có thể chịu được’ hay không. Một số cố vấn ngạc nhiên trước lời bình luận của ông, nhưng họ biết Tổng thống vốn có bản tính thận trọng. Bush căn dặn người viết diễn văn cho chuyến đi: ‘Dù gì thì chuyến đi này không phải là chuyến đi mừng thắng lợi trong đó tôi chạy vòng vòng, vỗ ngực khoa trương. . . Tôi không muốn làm tổn thương hoặc tỏ vẻ khiêu khích. Tôi không muốn làm gì có thể phức tạp hóa cuộc sống của Gorbachev và những người khác. Tôi không muốn chọc kim vào mắt Gorbachev.’ Ông muốn tỏ ra là một người  chậm chạp, để đạt được mối lợi lớn hơn.
        Ông không ngừng bảo nhân viên của mình là ông không muốn lặp lại những sai lầm như Tổng thống Eisenhower vào năm 1956: người Mỹ cổ vũ các người cách mạng Hung nổi loạn, nhưng khi các xe tăng Xô viết tấn công, họ bỏ rơi những người khởi nghĩa để mặc họ phải tự cứu lấy mình. ‘Tôi muốn thật cẩn trọng,’ ông nói. ‘Vụ nổi dậy gây chấn động ở Đông Đức năm 1953, Hungary 1956, và Tiệp Khắc năm 1968 lúc nào cũng ám ảnh tâm trí tôi. Tôi không muốn thúc đẩy diễn tiến của sự kiện, sợ rằng chúng có thể biến thành dữ dội và lọt khỏi tầm tay và rồi chúng ta không thể – hoặc không muốn – ủng hộ, bỏ lại người ta mắc cạn tại phòng tuyến của mình. Tôi mong muốn cổ vũ sự giải phóng mà không khích động sự đàn áp nội bộ, như đã xảy ra ở Ba Lan năm 1981 hoặc một bước thụt lùi của Xô viết.’ Ở Warsaw và Budapest trên chuyến viếng thăm sắp tới của ông, ông không muốn ‘xúi giục sự nỗi loạn . . . hoặc khích động nó một cách không cố ý. . . Nếu đám đông tụ tập, chủ ý biểu lộ sự chống đối sự thống trị của Xô viết, tình hình có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Một cuộc tiếp đón nồng nhiệt có thể bùng phát thành bạo loạn với những hậu quả thảm khốc đối với không khí lạc quan và tiến bộ đang bắt đầu thổi qua khu vực.’
        Tổng thống và đoàn tùy tùng đã đến vào buổi tối hôm trước – một đêm ẩm ướt, ngột ngạt, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, Tướng Scowcroft. ‘Hệ thống điều hòa trong khách sạn chúng tôi không hoạt động đủ công suất yêu cầu của thời tiết. Nhiệt độ bên trong còn tệ hơn bên ngoài và với cửa sổ không thiết kế để mở, chúng tôi rất không thoải mái. Cuối cùng, tôi xoay sở nạy cửa sổ ra và kéo nệm giường đặt xuống sàn phòng nơi có chút gió thổi qua. Khách sạn giải thích chỉ là do điện không cung cấp đủ để hệ thống hoạt động thích đáng – nhắc ta nhớ đến tình hình kinh tế chậm tiến của Ba Lan.’
        Sau một đêm không ngủ Bush tiếp Jaruzelski sau 9 giờ sáng. Hai năm trước họ đã gặp nhau khi đó Bush còn là Phó Tổng thống trong chuyến ghé thăm Ba Lan ngắn ngủi. Khi đó ông đã khuyên vị Tướng nên hợp thức hóa CĐĐK và thương thảo với họ, nhưng Jaruzelski bỏ qua đề nghị ấy và tuyên bố việc đó sẽ là ‘hành động tự tử của Chính quyền’. Dù vậy Bush thích Jaruzelski, kính trọng ông và nói với các cộng sự ông ta là một con người sắc sảo, ấn tượng. Giờ thì Jaruzelski đã thỏa thuận với CĐĐK, vị Tồng thống Mỹ không muốn thấy ông và chế độ Cộng sản thình lình bị gạt qua một bên. Bush tin rằng Jaruzelski có thể là nhân vật tạo ra sự ổn định. Điều đó rõ thật mỉa mai. Trong gần nửa thế kỷ người Mỹ luôn muốn giải phóng các nhà nước vệ tinh khỏi quỹ đạo của Xô viết. Họ đã tiêu tốn nhiều tỷ đô cho việc phòng thủ, gián điệp và tuyên truyền cho mục tiêu đó. Giờ thì một số chế độ này, bị thần dân của chúng ghê tỡm, đang bập bênh trên bờ vực hủy diệt. Chưa đầy một tháng trước, trong lần đầu tiên nếm mùi vị của dân chủ sau gần 60 năm, dân Ba Lan đã thắng cử vang dội chống lại những kẻ cai trị họ. Vậy mà Tổng thống lại muốn giữ họ ở lại quyền lực – ít ra trong một thời gian. Ngài Bush siêu-thận trọng cho rằng đó là cách thức ngăn ngừa tình trạng vô chính phủ ở Đông Âu.
        Cuộc trao đổi của ông với Jaruzelski sáng này thật kỳ cục. Vị Tướng bảo rằng mình đã suy nghĩ kỹ và giờ đây không sẵn lòng ứng cử chức vị Tổng thống để đối mặt với một sự bẽ mặt tiềm năng. Bị đánh bại, ông nói, là ‘không thể chấp nhận được. Tôi không thể thắng nếu không có sự ủng hộ của CĐĐK, và tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra. Ngài nghĩ tôi nên giữ vai trò gì?’ Bush trả lời ngay lập tức là ông ta nên tìm kiếm sự đề cử. ‘Tôi bảo ông ấy việc ông từ chối điều hành đất nước có thể bất ngờ dẫn đến sự mất ổn định nghiêm trọng và tôi giục ông nên xem xét lại.’ Bush thú thật rằng mình cảm thấy hơi kỳ cục khi cố thuyết phục một người Cộng sản cao cấp ra tranh cử. ‘Nhưng tôi cảm thấy rằng kinh nghiệm của Jaruzelski là niềm hi vọng tốt nhất cho một sự chuyển tiếp trơn tru ở Ba Lan.’ Trong một ngày rưỡi tiếp theo ông không ngừng ca ngợi những nỗ lực ái quốc của Jaruzelski trong công cuộc biến đổi đất nước. Phe chống đối vô cùng bất mãn. Phần đông các trí thức Ba Lan đều thân Mỹ. Vậy mà họ biểu lộ sự không hài lòng về những gì họ nghe được.
        Họ càng ực tức hơn khi họ nghe chi tiết về gói viện trợ 100 triệu đô mà Bush mang theo mình. Tổng thống biết đó là số tiền khiêm tốn. Ngoại trưởng Baker, Condoleezza Rice và Tướng Scowcroft thúc giục một khoản tiền viện trợ hào phóng hơn như một cách thức cổ vũ những thay đổi dân chủ của Ba Lan. Nhưng Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ, Nicholas Brady, nói tiền cạn kho rồi. ‘Chúng ta không thể ném tiền qua cửa sổ,’ ông đã nói như thế và Bush nghe lời. Bush thông báo số tiền trợ giúp trong một bài diễn văn tại trụ sở CĐĐK, cùng với số tiền bổ sung 15 triệu đô để giúp làm sạch ô nhiễm quanh vùng Krakow. Người ta im lặng lắng nghe ông. Cả các lãnh đạo chính quyền và phe chống đối đều cùng nổi giận khi họ khám phá rằng John Sununu, Tham mưu Trưởng của Tổng thống, đã nói với các phóng viên là đổ thêm tiền cho Ba Lan ‘như cho thằng bé vào tiệm kẹo, nó khó kềm chế để tiêu tiền cho khôn ngoan’.
    Hôm sau Bush bay đến Gdansk để gặp Lech Walesa. Tổng thống không thích và không tin cậy nhà lãnh đạo CĐĐK, trái với mối cảm tình ngày càng thân thiết ông dành cho Jaruzelski. Ông cho rằng Walesa quá viễn vông, quá cực đoan và không đủ vững chải hoặc đáng tin cậy. Khi họ gặp nhau hai năm trước, Bush bất ngờ trước câu trả lời của Walesa khi ông hỏi liệu CĐĐK có được hợp pháp hóa không. Walesa trả lời nếu sự kiện đó thực sự xảy ra nó sẽ ‘gây nhiều rắc rối cho chúng tôi’ vì CĐĐK có thể bị đổ tội là gây ra thảm họa cho nền kinh tế ở Ba Lan. Bush và phu nhân ông có một ăn trưa không mấy thoải mái tại căn hộ khiêm nhường của Walesa – do Danuta chuẩn bị – và kết thúc bằng một cuộc tranh cãi. Walesa phàn nàn về số viện trợ ‘đáng thương, bèo bọt’ và tuyên bố là Ba Lan xứng đáng một sự giúp đỡ hào phóng hơn nhiều. Ông yêu cầu Mỹ khoản tiền 10 tỷ đô trong ba năm để vực dậy nền kinh tế Ba Lan. Khi Bush trả lời việc ấy là không thể, nhà lãnh đạo công đoàn bực tức nói rằng như vậy Ba Lan sẽ lâm vào cảnh khốn cùng và thất nghiệp và rồi ‘chúng tôi sẽ có nội chiến. Chúng tôi đang vô phương cứu chữa’.
        Thật khoan khoái khi rời khỏi Ba Lan, Tổng thống nhận sự chào đón nồng nhiệt ở Budapest. Chiếc Không Lực Một đáp xuống trong một cơn bão. Hàng ngàn người ra đón ông, khiến ông hồ hỡi sau chuyến thăm khó khăn ở Gdansk. Bush hiếm khi khoa trương nhưng ông bắt được cơ hội để có một tấm ảnh đẹp trong dịp này. Khi ông bước xuống bậc thang trong cơn mưa săn đuổi, ông đưa cho một phụ nữ lớn tuổi chiếc áo choàng của mình. [Thực ra áo choàng đó là của một nhân viên mật vụ mà Tổng thống mượn đỡ]. Ông ướt sũng khi bước ra ngoài đến bắt tay trên đường băng. Nhưng khi ông ngồi xuống làm việc, như ở Ba Lan, ông thấy thân thiết với những tiếng nói bảo thủ trong chế độ Cộng sản, hơn một chút với những người cực đoan trong phe chống đối. Khi ông được đưa cho xem một mẫu hàng rào kẽm gai, Bức Màn Sắt, mà người Hung đã tháo dỡ vào tháng 5, ông tuyên bố mình xúc động đến rơi lệ. Ông ca tụng chính quyền, đã tháo bỏ hàng rào, chứ không ca tụng phe chống đối, đã tạo áp lực với chính quyền để dỡ bỏ nó. Nemeth, Grosz, và nhà kinh tế Rezso Nyers, bộ ba đang lèo lái Hungary, gây ấn tượng cho ông và ông hứa người Mỹ sẽ ủng hộ. Bush bảo họ: ‘Chúng tôi đứng bên cạnh các ông. Việc các ông làm thật hào hứng. Đó là những gì chúng tôi hằng ao ước. Chúng tôi sẽ không tạo ra những phức tạp cho các ông. Chúng tôi biết rằng sống hòa thuận với người Xô viết sẽ tốt hơn cho chúng tôi cũng như cho các ông. . . Chúng tôi không có ý định bắt các ông phải chọn lựa Đông và Tây.’
        Sau đó cùng ngày ông gặp các nhân vật hàng đầu của phe chống đối tại nhà của Đại sứ Mỹ ở Hung, Mark Palmer. Buổi tiệc không mấy vui vẻ. Khi Imre Pozsgay bảo với Bush là người Cộng sản sẽ mất hết quyền lực một khi có bầu cử tự do và công bằng – ‘Đảng của tôi làm quá ít, quá trễ,’ y nói – Bush lộ vẻ lo lắng. Palmer đã vun đắp mối quan hệ tốt với những người bất đồng chính kiến và người Cộng sản cải cách suốt ba năm vừa qua nhưng tính thận trọng thái quá của Tổng thống và ông xếp của ông tại Bộ Ngoại giao làm ông bực bội. ‘Bush và Baker cứ nhắc nhở những người này ngay trong phòng khách của tôi là đừng đi quá xa, quá nhanh,’ ông nói. Khi Bush bảo với những người bất đồng là chính quyền Cộng sản của họ ‘đang đi đúng hướng. Xứ sở các bạn mỗi lúc tiến từng bước một. Đó là sự cẩn trọng,’ họ không giấu được sự sửng sốt của mình. Đó là một cú sốc văn hóa như cách Palmer mô tả. Cha đỡ đầu của phong trào bất đồng chính kiến ngầm ở Hung, triết gia Janos Kis, đang dự buổi tiếp tân của Đại sứ. Ông là người có nhiều ảnh hưởng trong phong trào chống đối trên toàn thế giới Cộng sản, có gương mặt điển hình của một trí thức Trung Âu. ‘Khi tôi giới thiệu Janos Kis cho Tổng thống và Jim Baker,’ Palmer nói, ‘mắt Tổng thống như muốn hỏi, “anh chàng lạ lùng với bộ râu trông giống Woody Allen [đạo diễn, nhà văn, kịch sĩ chuyên về hài kịch] là ai thế?”’ Sau này Bush bảo với các phụ tá của mình là ‘Những người này thực sự không thích hợp cho tình hình hiện tại. Ít nhất là chưa. Họ chưa sẵn sàng.’ Ông cho rằng những người Cộng sản ông đã gặp thích hợp hơn để đem dân chủ và thị trường vào Hungary.
     Ảnh hưởng của Bush rõ đã tác động đến Jaruzelski, khi ông tuyên bố ngay sau phái đoàn Mỹ rời Ba Lan là ông sẽ ra tranh cử Tổng thống. Đại sứ Mỹ, John Davis, tạo ảnh hưởng để thuyết phục CĐĐK giúp ông đắc cử. Walesa nhìn nhận rằng người Xô viết, cũng như quân đội Ba Lan và lực lượng an ninh sẽ không chấp nhận ứng cử viên nào khác. Vì thế ông thỏa thuận với Jaruzelski là sẽ bảo đảm thắng lợi của vị Tướng. Nhưng đó là một thắng lợi khít khao. Walesa phải dùng biện pháp mạnh đối với các đại biểu quốc hội của CĐĐK mới được bầu kêu gọi họ không được bỏ phiếu trong cuộc bầu cử. Nhiều người đơn giản từ chối viện cớ họ không thể ủng hộ cho người đã từng tống giam họ và gây đau khổ cho gia đình họ. Nhưng cuối cùng ông thuyết phục được bảy người đồng tình. ‘Hãy bầu theo lương tâm của mình,’ ông nói với họ, và sau đó giải thích rằng CĐĐK cần đến thỏa thuận ‘sinh tử’ này. ‘Chúng ta tạm nín thở nhưng cuối cùng cũng sẽ vượt qua’, một nhà lập pháp của CĐĐK tuyên bố. Tại một thời điểm trong quá trình bầu cử khi thấy tình hình vị Tướng có thể sẽ thua cuộc, CĐĐK phải xục xạo các quán ba để tìm các đại biểu quốc hội vận động hành lang cho Jaruzelski. Ông  chỉ thắng với hơn một phiếu. Vào ngày 19/7 Tướng Jaruzelski, người đàn ông đã biến Ba Lan thành một chế độ chuyên chế quân sự, trở thành Tổng thống được bầu dân chủ ở Ba Lan.
        Một trong các thủ lĩnh Cộng sản khôn ngoan nhất ở Ba Lan là Janusz Reykowski, nguyên là giáo sư tâm lý của Warsaw và là người đàm phán chính cho Đảng tại hội nghị Bàn Tròn. Ông nói, ‘Có nhiều sách giáo khoa về lý thuyết Mác-lê dạy cách cướp chính quyền, nhưng không có sách nào dạy cách từ bỏ nó.’ Một tháng qua với những đàm phán vật vã, Ba Lan được nếm trải mùi vị đầu tiên của dân chủ nghị viện thực sự từ những năm 1920. Không phải lúc nào cũng ‘cơm lành canh ngọt’. Jaruzelski là Tổng thống, nhưng ông không thể thành lập được một chính phủ ra hồn. Ông đã từ bỏ vị thế lãnh đạo Đảng, nhưng chưa từ bỏ ý định nhường quyền lực của người Cộng sản. Vào thứ ba 25/7 ông triệu tập Walesa
và đề nghị ông tham gia Đại Liên minh do Cộng sản cầm đầu, như ông gọi tên. Đảng sẽ giữ những vị trí cao nhất, còn CĐĐK có thể có bốn chức vụ nhỏ hơn – Sức khỏe, Môi trường, Gia cư, Công nghiệp. ‘CĐĐK phải gia tăng quyền lực,’ Jaruzelski nói. Walesa từ khước ngay lập tức, và không lay chuyển. Một tuần sau Jaruzelski chỉ định Kiszczak làm Thủ tướng, nhưng sự ủng hộ những người Cộng sãn đã vơi đi. Người đứng đầu an ninh quốc gia trước đây không thể thành lập chính phủ. Ngay cả những một số lão đảng viên năng nổ cũng từ chối làm việc với ông hoặc những người mặc quân phục khác, những gương mặt thân quen cũ mà ông tin là có thể dẫn dắt Ba Lan vào một bình minh dân chủ mới.
        Walesa không dự tính đem CĐĐK vào chính phủ. Ông đã nói trước khi bầu cử: ‘Chúng ta là một nghiệp đoàn. Những gì chúng ta muốn là tự trị và độc lập với chính quyền. Hãy để người Cộng sản cai trị.’ Sự thận trọng này một phần để làm người Xô viết an tâm. Ông không chắc người Xô viết sẽ để cho CĐĐK nắm quyền và ông không muốn khiêu khích họ. Mặc dù Gorbachev toàn nói những điều chính đáng, nhưng Walesa không tin cậy người Xô viết. Họ còn có hàng ngàn binh lính đang đóng trên đất Ba Lan. Hơn nữa, ông không chắc CĐĐK đã sẵn sàng nắm quyền chưa. Những rạn nứt lớn đang manh nha trong nội bộ công đoàn. Như lời một nhân vật hàng đầu trong công đoàn nói, và không hẳn là nói đùa: ‘Lech Walesa xứng đáng một giải Nobel thứ hai nếu giữ được hòa bình trong nội bộ CĐĐK.’ Đã có nạn bè phái trong công đoàn ngay từ đầu, nhưng ít có sự đấu đá dữ dội như hiện giờ, khi những người Cộng sản đang trên bờ vực phá sản.
        Một số lãnh đạo từng là những nhân vật có ảnh hưởng ngay từ ngày đầu chống đối việc CĐĐK tham gia chính quyền. người cầm đầu của họ là nhà trí thức Thiên chúa giáo chín chắn, điềm đạm, Tadeusz Mazowiecki. Một người góa vợ 62 tuổi đang sống với hai con trai trong một căn hộ chật hẹp, bừa bộn ở Warsaw. Ông ít ngủ từ ngày chiến dịch tranh cử bắt đầu vào tháng 5, sống nhờ vào thuốc lá và adrenaline. Ông cho rằng thời gian chưa chín mùi cho CĐĐK. Họ nên tiếp tục duy trì thế chống đối, học nghề ở quốc hội và chuẩn bị nắm chính quyền sau cuộc bầu cử bốn năm tới. Ông tin là sẽ là sai lầm khi bước vào một chính phủ trong đó ‘cảnh sát và quân đội còn nằm trong tay của Đảng cai trị’, và ông nghĩ rằng nếu bây giờ CĐĐK tham gia hành pháp nó sẽ bị đổ lỗi là làm kinh tế Ba Lan hỗn loạn. ‘Chúng ta có nhiều người thông thái theo ta, rất nhiều, những nhà trí thức hiểu biết nhiều về lịch sử, triết lý, văn học, thần học,’ ông nói. ‘Nhưng chúng ta không có người biết cách điều hành, cách tổ chức, cách quản lí chính quyền địa phương, các phòng ban, các bộ. Chúng ta cần nhiều thời gian học hỏi những điều này. Tôi nghĩ chúng ta chưa sẵn sàng.’ Khẩu hiệu ưa thích của ông: ‘Hãy khẩn trương lên, một cách chậm chạp.’
        Adam Michnik, một trong những tiếng nói sáng tạo nhất của phe chống đối ở Ba Lan, không đồng tình. Ông nghĩ CĐĐK nên nắm bắt những gì có thể trong khi có cơ hội. Nhân dân Ba Lan, những người trong bấy nhiêu năm chỉ muốn người Cộng sản đi cho khuất mắt, không thể mong đợi ít hơn thế. Lạm  phát giờ đây đã ngoài tầm kiểm soát gần đến 500 phần trăm và nhà nước chưa đưa ra biện pháp gì trong lúc cuộc khủng hoảng hiến pháp vẫn đang tiếp tục. Ông biết rằng trong CĐĐK có một số nhà kinh tế trẻ xuất sắc, do Leszek Balcerowicz dẫn đầu, người nói rằng cần đưa ra tức thời các biện pháp cực đoan, khẩn cấp, và đau đớn – một liệu pháp ‘sốc’, trong vài ngày tới để tránh sự sụp đổ của nền kinh tế . Michnik đưa ra một công thức với đầu đề giản dị – ‘Tổng thống của các bạn, Thủ tướng của chúng tôi’. CĐĐK nên ra sức đi đầu trong liên minh và cộng tác với Jaruzelski với cương vị Tổng thống. Walesa cuối cùng đồng ý với Michnik. Ông cũng biết rằng Giáo hoàng ủng hộ viêc CĐĐK nắm quyền lực nếu có thể. Giáo hoàng John Paul nghĩ rằng việc này sẽ phát đi một thông điệp khắp Đông Âu nếu Đế chế Xô viết bị đánh bại bởi phương thức dân chủ, hòa bình.
        Walesa giải bài toán bằng phép tính số học ở nghị viện. Ông hành động theo một cách thức đơn phương, táo bạo điển hình không cần cố vấn và phụ tá, mà ông nói nhiều khi làm ông bối rối. Ông trở về căn hộ của mình ở Gdansk và vào buổi chiều ngày 7/8 phát biểu trước báo giới là đã mời hai đảng nhỏ anh em của Đảng Cộng sản, Đảng Nông dân và Đảng Dân chủ, hãy cắt đứt 40 năm phục tùng Đảng Cộng sản để tham gia cùng với CĐĐK lập chính phủ mới. Hợp tác với nhau họ sẽ chiếm 55% ghế ở Hạ viện. Tuyên bố của Walesa là một cú sốc với những lãnh đạo khác của CĐĐK. Ông hình như không thảo luận ý kiến của mình với bất kỳ ai trong nhóm, nhưng ý tưởng này thực sự hiệu quả. Thoạt đầu, hai lãnh đạo của các đảng này còn tỏ ra nghi ngờ. Là hai viên chức lớn tuổi quan liêu, từng là tay sai của Đảng Cộng sản nhiều năm liền, luôn vâng lệnh theo thói quen. Họ không quen với lối suy nghĩ độc lập. Nhưng những thành viên trong đảng họ thuyết phục họ nhận lời. Họ biết rằng sớm muộn gì họ cũng sẽ đứng bên lề nếu họ từ khước lời đề nghị.
        Jaruzelski không thích thỏa thuận này. Rakowski, giờ là lãnh đạo Đảng Cộng sản, khuyên ông từ chối nó. Nhưng vị Tướng, vốn là một người thực tế, biết mình không có sự lựa chọn nào khác. ‘CĐĐK đã thổi bùng vào cuộc sống chúng ta như một cơn cuồng phong,’ ông nói với các nhà lãnh đạo khác trong khối Warsaw chỉ khoảng nửa tháng trước.
Chúng tôi phải cố giải quyết cuộc khủng khoảng hiện tại, mà không dùng đến bạo lực, không đổ máu. Chúng ta không thể mãi mãi đi theo con đường đưa đến xung đột với giai cấp lao động, đưa đến sự rạn nứt chỉ có thể chữa lành một cách vô cùng khó khăn. Đảng là người bảo đảm cho sức mạnh của chủ nghĩa xã hội. Nhưng Đảng không phải là một chế độ chuyên chế tuyệt đối. Tôi phải thừa nhận rằng đó là thứ chúng tôi đã trở thành, là cách chúng tôi đã hành xử, một nền chuyên chế tuyệt đối, chỉ huy và ra mệnh lệnh, luôn luôn cho mình là đúng. Vâng, chúng tôi chỉ huy bộ máy quân sự, nhưng chúng tôi đã nhận lấy một thất bại chính trị.                             
        Vào buổi chiều thứ sáu 18/8 ông bảo Walesa rằng ông đồng ý giải pháp chính quyền CĐĐK với hai điều kiện. ‘Mối băn khoăn của chúng tôi, cũng như của Xô viết và các xứ trong Hiệp ước Warsaw, là các ông sẽ ly khai khối xã hội chủ nghĩa và như thế chúng tôi sẽ không biết điều gì sẽ xảy ra,’ ông nói. Vị Tướng cũng nhấn mạnh là người Cộng sản muốn giữ lại Bộ Nội vụ và Quốc phòng. Walesa chấp thuận. Chiều đó trên truyền hình ông tuyên bố, trong một thông điệp nhắn trực tiếp với Moscow: ‘Ba Lan không thể quên mình đang ở đâu và có nghĩa vụ với ai. Chúng tôi nằm trong Hiệp ước Warsaw. Điều đó không thể thay đổi.’ Đó không phải là sự chứng thực kêu vang nhất, nhưng Jaruzelski bảo đảm với ông rằng như thế cũng đủ để nhận được sự tán thành của Kremlin.
        Sau đó Walesa cho nổ một quả bom. Trong hầu hết các cuộc đàm phán, ai cũng ngầm định rằng ông sẽ trở thành người đứng đầu chính phủ mới. Mazowiecki, Kuron và hầu hết giới lãnh đạo CĐĐK đều giục ông làm Thủ tướng. Khi các nhà lập pháp của công đoàn họp nhau để tán thành liên minh, họ nghĩ mình đang bầu để phong cho ông làm Thủ tướng. Nhưng ông thông báo là ông không có ý định nhận nhiệm vụ đó. ‘Tôi muốn tiếp tục làm một công nhân, một người của nhân dân. Tôi ở lại với quần chúng, tôi là một phần của họ,’ ông nói với vẻ giản dị. Lý do chính chắc hẳn là vì ông biết rằng người nào cầm đầu chính quyền mới chưa chắc được cảm ơn hoặc tiếp tục được ngưỡng mộ trong vòng một hay hai năm. Ông không muốn liên can trực tiếp tới nổi đau mà ‘liệu pháp sốc’ không tránh khỏi sẽ gây ra. Ông có thể lường trước sẽ có những xưởng máy đóng cửa và những công nhân vốn đã khốn đốn sẽ thất nghiệp. Ông sẽ chọn ra một Thủ tướng để cán đáng trách nhiệm khó khăn trong chính quyền đầu tiên không Cộng sản trong khối Xô viết sau bốn mươi năm. Ông không cần một chức danh chính thức. Lech Walesa giờ là người có quyền lực nhất Ba Lan – và mọi người đều biết điều đó.
Vào khoảng nửa đêm ngày Jaruzelski đồng ý cho phép thành lập chính quyền CĐĐK, Bộ Ngoại giao Xô viết nhận một điện tín khẩn từ Bucharest. Nicolae Ceausescu đã đánh điện cuống cuồng đến các thủ đô của Hiệp ước Warsaw thúc giục họ can thiệp ‘để cứu lấy chủ nghĩa xã hội ở Ba Lan’. Y tố cáo CĐĐK là ‘bọn làm thuê của chủ nghĩa đế quốc quốc tế’. Một công hàm  gởi đến nhân dân Ba Lan kêu gọi Jaruzelski thành lập ‘một chính quyền Cứu Quốc’. Trong thông điệp gởi đến Xô viết, người mà 21 năm trước đây đã tố cáo cuộc xâm lăng của Xô viết vào Tiệp Khắc là hành động can thiệp nội bộ của một nhà nước chủ quyền bây giờ lại thúc giục ‘một hành động quân sự tập thể’ chống lại Ba Lan. Y yêu cầu Shevardnadze có mặt tại Bucharest để thảo luận về cuộc khủng hoảng trong ‘phe ta’ và muốn có một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp trong khối Warsaw để lên kế hoạch can thiệp vào Ba Lan.
        Y không phải là nhà độc tài lo lắng duy nhất ở Đông Âu. Tại hội nghị thượng đỉnh khối Warsaw tháng trước, Honecker, Ceausescu và Milos Jakes, đã họp thành một mặt trận thống nhất thúc giục Gorbachev dừng ngay diễn tiến chệch đường của Ba Lan và Hungary. Honecker cảnh báo đang xảy ra ‘một mối nguy hiểm nghiêm trọng cho chủ nghĩa cộng sản – và cho tất cả chúng ta có mặt ở đây’. Câu trả lời của Gorbachev là: Những nổi sợ hãi cho rằng chủ nghĩa xã hội bị đe dọa là không có cơ sở. Và ai lo sợ tốt hơn là phải giữ cho chặt vì peretroika chỉ vừa mới bắt đầu. Chúng ta đang đi từ một trật tự quốc tế này đến một trật tự quốc tế khác.’ Câu trả lời làm bọn họ căm phẫn.
        Phần đông những nhà lãnh đạo Xô viết đang trong kỳ nghỉ khi cơn khủng hoảng Ba Lan mới nhất đang âm ỉ. Gorbachev đang ở biệt thự ven biển của mình tại Foros ở Crimea. Ông quan tâm đến những vấn đề trong nước hơn là ngoài nước, thậm chí những diễn tiến đột biến và cách mạng như ở Ba Lan. Ông đã chấp thuận cho Jaruzelski làm những gì ông ta cho là tốt nhất và cương quyết không can thiệp. ‘Chưa hề có một quyết định chính thức nào thôi sử dụng võ lực ở Đông Âu,’ ông nói. ‘Chúng ta chỉ đơn giản thôi không đạo đức giả nữa. Bao nhiêu năm chúng ta đã nói với toàn thế giới là những xứ sở này là tự do và độc lập, mặc dù thực sự là không phải thế. Không cần phải ra một quyết định chính thức. Chúng ta chỉ thi hành những gì là chính sách chính thức.’ Khi Gorbachev được báo về yêu cầu của Ceausescu ông chỉ nói với các phụ tá của mình, ‘Đừng lo lắng. Ceausescu chỉ lo cho cái mạng mình thôi’, và rồi ông quay ra với những vấn để của Xô viết.
        Shevardnadze thì đang nghỉ mát tại Georgia. Cố vấn trưởng của ông, Sergei Tarasenko, đưa cho ông bức điện trong khi vị Ngoại trưởng đang nằm phơi nắng trên bãi biển.
Ông bình tĩnh đón lấy. Không có vẻ ông sắp đưa ra hành động gì. Ông nói, ‘Quên chuyện đó đi.’ Chúng tôi ở lại bãi biển và bắt đầu nói chuyện chung chung và đặt ra một câu hỏi cho chính mình khi đang mặc quần đùi. ‘Cậu có biết điều gì đang xảy ra không?’ ông nói. ‘Chúng ta sắp sửa đánh mất các đồng minh của mình, Hiệp ước Warsaw. Những xứ này sẽ đi theo cách riêng của họ . . . chúng ta phải chịu vậy thôi. Chúng ta sẽ mất việc làm.’ Không vấn đề gì phải trù tính sự sụp đổ của đế chế. Đế chế chúng ta đã tận số. Nhưng chúng tôi không nghĩ là nó đến quá sớm.                            
1112

BỐN MƯƠI
LỘ TRÌNH TRABANT

Sopron, miền tây Hungary, ngày 19 tháng 8 năm 1989
Ý TƯỞNG XUẤT PHÁT TỪ Otto von Habsburg, con trai trưởng của vị Hoàng đế Áo cuối cùng và Vua Hungary, Karl I. Ông đã 77 tuổi, là một thành viên bảo thủ của Nghị viện Âu châu, đã đấu tranh với Chiến tranh Lạnh hàng thập niên với nhiệt tình và một năng khiếu tuyên truyền. Ông thấy có một cách để quảng bá nổi thống khổ của những người tị nạn Đông Đức đang đổ về Hung, và gây bối rối cho các chế độ không cho phép họ tự do vào Áo. Hiện giờ có khoảng 85,000 người tị nạn Đông Đức, ngoài ra có độ 35,000 người Romania chạy trốn khỏi cuộc sống khốn cùng dưới chế độ Ceausescu. Con số tăng lên đang gây ra một khủng hoảng nhân đạo bên trong Hungary, và đặt ra một vấn nạn chính trị cho chính quyền. Họ không biết giải quyết ra sao với người tị nạn và tiếp tục lúng túng hàng tuần liền. Chính quyền Hung hi vọng vấn nạn sẽ tự biến mất và họ có thể tránh được một đối đầu nghiêm trọng với đồng minh xã hội chủ nghĩa gọi là anh em ở Berlin. Rõ ràng đó là một tư tưởng viễn vông.
        Von Habsburg đã bị cấm đoán nhập cảnh Hung cho đến mùa thu năm trước. Có một số ít người ủng hộ thuộc phe bảo hoàng trong xứ. Lá cờ và huy hiệu Habsburg của họ thỉnh thoảng xuất hiện trong đám biểu tình chống việc xây đập trên sông Danube và yêu sách đối xử tử tế với người tị nạn Transylvania. Đó là một phong trào nhỏ nhưng chế độ phòng xa nên cấm ông không được vào xứ trong vài thập niên. Giờ thì ông có đến và đi theo ý muốn. Cùng với những nhóm Nhân Quyền Hung, và phe chống đối thuộc Diễn Đàn Dân chủ Hung, ông lên kế hoạch tổ chức một ‘ngày lễ chia tay với Bức Màn Sắt’. Sẽ dựng một cổng lớn có tính biểu tượng ngay biên giới gần thị trấn Sopron, với sự tham dự của những phái đoàn từ Hung và Áo. Đúng 3 giờ chiều, phái đoàn sẽ băng qua cổng từ hai phía, tượng trưng cho quyền tự do đi lại. Dân chúng tham dự sẽ chứng kiến nghi thức, ăn uống và nâng ly chúc mừng. Sự kiện được quảng bá dưới tên Picnic Xuyên Âu ở đó, vào một ngày nắng đẹp ở Trung Âu, dân chúng có thể tưởng niệm tự do gần địa điểm nơi chỉ một ít tháng trước lính biên phòng đã dỡ bỏ hàng rào điện chia cắt Đông và Tây. Tại thời điểm đó nó chỉ là một sự kiện nhỏ, chỉ nhận được một ít chú ý của công luận. Nhưng tầm vóc sự kiện tăng lên khi Imre Pozsgay trở thành người đồng tài trợ cho cuộc picnic. Ông nảy ra một sáng kiến để biến một lễ kỷ niệm khiêm tốn mặc dù thú vị thành một sự kiện truyền thông trên toàn thế giới, có những tác động sâu xa đến toàn đế chế Xô viết.
        Pozsgay là người cầm đầu được thừa nhận của những người Cộng sản cải cách. Chính vì muốn người ta thấy được mối quan tâm chính trị của mình mà ông ủng hộ những người tị nạn hết lòng. Ông nghĩ rằng hành động táo bạo và trắc ẩn của mình sẽ làm bẽ mặt những đồng chí trước đây của ông ở Budapest đã tỏ ra trù trừ và yếu đuối. Ông thương thảo với chính quyền cho phép ‘cánh cổng biểu tượng’ mở ra trong bốn giờ vào chiếu tối. Ông dàn xếp không chính thức với một người bạn tri âm có tinh thần cải cách, Bộ trưởng Nội vụ Istvan Horvath, là lính biên phòng sẽ làm ngơ cho người Đông Đức băng qua biên giới trái phép – ít nhất trong một vài giờ vào ngày đó. Ông không dự tính sẽ có số đông người vượt thoát khỏi Hung. Chỉ cần một vài chục người tị nạn qua đến Áo an toàn là ông đã ghi được một điểm son và hàng ngàn người sẽ nối gót.
        Hàng đoàn xe Trabant lại lên đường lần nữa, từ Hồ Balaton đến miền tây Hunggary gần vùng biên giới. Với một đầu óc kinh doanh qua bốn thập niên vẫn chưa tắt ngấm, các chủ gara trên khắp đất nước dự trữ xăng dầu để cung cấp cho các ô tô 2- thì ì ạch của người ra đi. Mỗi ngày có thêm nhiều người tị nạn đến bằng tàu hỏa và xe buýt, mang theo chăn đệm, dụng cụ cắm trại, vật dụng nấu ăn. Những tờ bướm quảng bá cuộc ‘picnic’ in bằng tiếng Đức hướng dẫn người tị nạn đi đến đâu để có thể ‘xén một đoạn bức màn sắt’ làm kỷ niệm. Một bản đồ thuận tiện hướng dẫn họ đến nơi. Vào vài ngày trước cuộc picnic, một đám đông – ước tính khoảng 9,000 người – bắt đầu xuất hiện tại địa điểm cắm trại và các nhà trọ chung quanh Sopron, người chỉ huy đội biên phòng Hung, Gyula Kovacs nói. ‘Toàn thị trấn đông đúc người Đông Đức. Tình hình có vẻ nghiêm trọng khi Hồng Thập Tự Áo và các viên chức Áo dựng lều trên phía kia biên giới. Rõ ràng họ đang trông đợi một số đông người Đông Đức vượt biên.’
  Ngoại trưởng Tây Đức, Hans Dietrich Genscher, đã phái hàng chục viên chức lãnh sự đến Sopron ‘để trợ giúp các đồng bào Đức theo bất cứ cách nào có thể’. Họ tạo ra một loại áp lực đối với lính biên phòng, vì binh sĩ phải hành động thận trọng trước mắt các nhà ngoại giao nước ngoài. Lính biên phòng, phần lớn là những người mới nhập ngũ, không có ý định sử dụng vũ lực chống lại người tị nạn. Kovacs ra lệnh rõ ràng cho  binh sĩ. ‘Chúng tôi đã ra chỉ thị sẽ không có lính tuần tra biên giới trong khu vực sát bên khu cắm trại,’ anh nói. ‘Trong vùng cách xa khu cắm trại, nếu bắt gặp bất cứ người Đông Đức nào định vượt biên lính tuần tra sẽ nhắc nhở họ dừng lại và quay về. Nếu họ quay lại, thì tốt. Nếu họ không thì OK, chúng tôi chỉ việc đếm xem có bao nhiêu người vượt biên và rồi tiếp tục nhiệm vụ bình thường.’
        Tuy vậy, người Đông Đức có ý định tẩu thoát cũng hồi hộp và lo sợ. Họ không biết nội dung quân lệnh mà lính Hung nhận được. Đến lúc này người dân Hung vẫn tỏ ra hào hiệp. Nhưng chế độ, trong khi biểu lộ cảm tình với nổi thống khổ của họ, vẫn không giúp đỡ được gì nhiều. Ít nhất họ không đuổi họ về Đông Đức. Các giáo viên ở Berlin, Sylvia và Harry Lux, đã bỏ nhà đến đây non một tháng rồi, đem theo đứa con trai 7 tuổi Danny. Ngay khi họ nghe tin về buổi Picnic Xuyên Âu họ quyết tâm trốn qua Áo ngày hôm đó. Họ đến Sopron bằng tàu hỏa, cách Budapest 120 km về phía tây, vào sáng sớm. ‘Bên ngoài ga tàu có hai hay ba chiếc taxi mở cửa sẵn đón khách. Chương trình được sắp xếp quá hoàn hảo đến nổi bạn không tin là có thật,’ bà Lux nói.
Sau đó chúng tôi được đưa đến một khách sạn và lên phòng tại đó chúng tôi ẩn nấp trong khi chờ đợi. Chúng tội phải đợi đến 3 giờ chiều khi các nhà tổ chức buổi lễ đến khai mạc lễ hội mở cổng. Chúng tôi lo đến phát ốm và run cả người và thời gian như kéo dài vô tận. Sau đó chúng tôi được đưa thẳng đến nơi cắm trại. Ở đó có rất nhiều người đủ mọi quốc tịch khác nhau đến nổi chúng tôi tưởng mình đã đến trễ, và buổi lễ đã kết thúc. Chúng tôi liền bỏ đi khỏi nơi picnic, và đi sâu vào vùng quê nơi chúng tôi đoan chắc chỗ đó là biên giới, theo bản đồ chỉ dẫn. Khi vượt qua một gò đất cao chúng tôi trông thấy một người đàn ông mà chúng tôi nhận ra là nhân viên Lãnh sự Quán Tây Đức ở Budapest, ông cũng biết mặt chúng tôi. Ông ta nói, ‘À, gia đình Lux đây mà, nhanh lên nào, phía trước có một số lính biên phòng tốt bụng, chịu nâng hàng rào thép lên cho các bạn. Chúc may mắn.’ Chồng tôi bồng Danny trong tay và chúng tôi tiến bước đến nơi đã chỉ. Và ở đó đúng là có các anh lính biên phòng và hàng rào kẽm gai được nâng lên để bạn có thể chui qua.
         Chị dừng một giây trước khoảng trống bên dưới hàng rào, bên kia là các người Áo đang nhìn. ‘Tôi không thể nào tin vào mắt mình. Và rồi một người Áo nói, “Nhanh lên, bạn làm được mà”, rồi thò tay qua, nắm lấy cánh tay tôi, kéo tôi qua phía bên kia. Anh ta bắt tay tôi và nói, “Giờ cô được tự do rồi”. Tôi hỏi, ‘Có thật vậy không? Họ thực không đến và mang tôi trở lại chứ?” Bọn tôi ôm chầm lấy nhau mà khóc.’
        Ngày hôm đó hơn 600 người đến được Áo qua cánh cổng ‘biểu tượng’ và khoảng 1,400 người vượt qua biên giới gần đó. Đó không phải là một con số lớn, trong vài ngày sau tiếp bước họ là đợt những người tị nạn mới đổ về Hungary. Truyền hình Đông Đức loan tin, không có hình ảnh đi kèm, là ‘một số công dân Đông Đức đã bị Cộng hòa Liên bang Đức dụ dỗ và nộp tiền để được di cư, nhằm vu khống nhà nước ta’. 
        Chính quyền Hung nhận ra là mình không thể khoanh tay đứng nhìn mà không làm gì. Điều đó đã được nói lên rõ ràng và sinh động với Thủ tướng Miklos Nemeth. ‘Tôi đang đi thăm một người bạn sống gần nhà của Tổng Lãnh sự Tây Đức. Tôi phải bước qua những thân người nằm trên vỉa hè đợi Lãnh sự Quán mở cửa vào sáng hôm sau. . . để xin cấp hộ chiếu Tây Đức. Tôi có thể nhìn thấy vấn nạn phải đối đầu  bằng chính mắt mình, chúng ta phải có một cách giải quyết nhanh gọn.’
        Những quấy rối nhỏ đã bộc phát tại một vài nơi ở Budapest và không thể trì hoãn một quyết định lâu hơn được nữa. Người Đông Đức muốn gởi phi cơ và tàu hỏa để mang các công dân của họ trở lại: ‘Chúng tôi từ chối. Chúng tôi bảo họ rằng tuyệt đối không có vấn đề các ông đến Hung săn đuổi họ và bắt họ đi,’ Nemeth nói. Nhưng họ được phép gởi đến các ‘quan sát viên ngoại giao.’ Nhưng họ chỉ phái đến những sĩ quan mật vụ Stasi để theo dõi người tị nạn. Tại một số các trung tâm tị nạn bố trí trong nhà thờ bên bờ sông Danube do sơ Csilla cai quản, một đại úy Stasi hỏi bà tên những người đang cư trú ở trung tâm. Bà giận dữ từ chối. Nhóm họ hoạt động bên trong một chiếc xe van đỗ bên kia đường ngay ngoài cổng nhà thờ. Các đặc vụ đi tới lui chụp ảnh các người ra vào trung tâm. Rồi một đám đông dân tị nạn bắt đầu tụ tập, la ó giận dữ và ném đá vào họ. Chính quyền địa phương được gọi đến để giữ trật tự. Đêm sau chiếc xe van bị đập phá và hôm sau nó biến mất.       
  Người Hung chịu sức ép từ Tây Đức kêu gọi cho phép người Đông Đức ra đi. Người Mỹ càng gây thêm áp lực. Đại sứ Mỹ, Mark Palmer, yêu cầu được gặp Ngoại trưởng Gyula Horn. ‘Tôi bảo ông ấy Hungary hãy quên mậu dịch và đầu tư từ Mỹ đi nếu họ đưa người Đông Đức trở về,’ ông nói. Nhưng dù mọi dấu hiệu khích lệ người Hung nhận được trong hàng tháng qua, họ còn không chắc người Nga sẽ làm gì nếu họ cho phép dân Đông Đức đi qua phương Tây. Sau vài tuần chần chừ nữa họ gởi một công hàm cho Shevarnadze thận trọng đề nghị là Hung đang xem xét vấn đề mở cửa biên giới. ‘Chúng tôi nhận được phúc đáp một cách nhanh chóng chỉ đơn giản nói ”đây là việc chỉ liên quan đến Hung, CHDCĐ và Tây Đức mà thôi”’.
Ở Berlin chính quyền tê liệt vì bệnh tình trầm trọng của Erich Honecker. Vào ngày 8/7, tại hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo khối Hiệp ước Warsaw diễn ra tại Budapest, y bổng nhiên ngả khỵu trong đau đón, tay bấu chặt bên phải bụng dưới và lưng, ngay sau khi đọc diễn văn với các người đồng cấp, cảnh báo về một nguy cơ lớn đang đối mặt với chủ nghĩa cộng sản. Y được vội vã đưa tới bệnh viện tốt nhất trong thành phố, dành riêng cho các viên chức chóp bu của Đảng. Tại đó, y được chẩn đoán có sạn trong bọng đái. Sau một đêm, y được đưa về Berlin. Tại đây bệnh tình của y được chẩn đoán còn trầm trọng hơn: y có bướu ung thư trong túi mật và phải phẫu thuật khẩn cấp. Honecker nằm liệt giường hàng tuần và diễn tiến của căn bệnh được giữ kín. Trong các chế độ độc tài như CHDCĐ không có vấn đề quan trọng nào có thể được quyết định mà không có ý kiến của nhà lãnh đạo tối cao. ‘Trong một thời gian dài chúng tôi không thể nói gì về khủng hoảng người tị nạn vì sự vắng mặt của Honecker,’ Gunter Schabowski nói. ‘Chúng tôi không an tâm, nhưng đành bất lực. Chỉ biết nói OK và ráng đợi đến khi ông ta trở lại.’ Nhưng y nằm liệt suốt mùa hè và mọi nỗ lực trong giới lãnh đạo để bàn về vấn đề lớn nhất mà đất nước đang đối mặt được xếp lên kệ cho đến cuối tháng chín.
        Ngoại trưởng Đông Đức, Oskar Fischer, gởi những công hàm ngoại giao đến Budapest yêu cầu trả lại những công dân Đông Đức đã ‘ở lại quá hạn thị thực nhập cảnh một cách bất hợp pháp’. Y nhắc nhở người đồng cấp, Horn, rằng ngoài điều khoản trong Hiệp ước Warsaw về luật vãng lai mà mọi nhà nước thành viên đều phải tôn trọng, giữa hai nhà nước còn có một hiệp ước riêng được ký vào ngày 20/6/1969 nhằm khẳng định lại sự cam kết. Horn trả lời rằng một hiệp ước quốc tế, như Qui ước Geneva về Người Tị Nạn, đã vô hiệu hóa những hiệp ước tay đôi. Họ đã đi đến một ngõ cụt. Fischer bắt đầu nói chuyện với các viên chức Tây Đức, nhưng những thương thảo này cũng gãy đỗ.
        Cuộc Ra Đi, như người Đông Đức gọi thế, là chủ đề chính trên khắp đất nước. ‘Trong mỗi gia đình có ít nhất một người đặt câu hỏi: ta đi không, hay ta ở lại và nuôi hi vọng? Sự lựa chọn gây khổ sở cho những người căm ghét chế độ, nhưng vẫn còn có bạn bè, người thân, công ăn việc làm họ yêu thích, nhà cửa. Cuộc Ra Đi khống chế cuộc sống,’ Matthias Muller, một sinh viên sử ở Berlin vào thời gian đó,’ nói. Nó cũng lấn áp các bản tin trên TV Tây Đức. Mỗi ngày đều có phóng sự từ Hung về người tị nạn và những đoạn phim về đoàn xe Trabant cùng những cuộc phỏng vấn các thanh niên trẻ đang rời xứ sở. Còn TV Đông Đức thì ít khi đề cập đến theo lệnh trên. ‘Riết rồi khi không còn có thể che dấu những căn hộ trống, những bàn làm việc không người tại các công sở và ở trường học, chúng tôi bắt đầu tố cáo người tị nạn là những phần tử tội phạm, dốt nát về chính trị.’
Người Xô viết không sẵn sàng trợ giúp chế độ Đông Đức. Họ nghĩ rằng khủng hoảng tị nạn là một ‘điều tốt’ vì nó có thể làm Berlin suy nghĩ lại, loại bỏ Honecker và thúc đẩy họ nhanh chóng cải cách. Fischer gặp riêng Shevardnadze. Nhà Ngoại trưởng Xô viết bảo y hãy cho phép di cư. ‘Nó sẽ không là điều tồi tệ. Nó cũng sẽ làm giảm bớt gánh nặng về kinh tế,’ ông ta nói. ‘Các ông nên thương thảo với các nhóm chống đối như các đồng chí đang làm ở những nới khác.’ Khi trở về Berlin, Fischer bảo các đồng chí mình đừng nên hi vọng được giúp đỡ từ Moscow trong cuộc khủng hoảng về sự tồn tại của nhà nước Đông Âu này.                               

BỐN MƯƠI MỐT
CHÍNH QUYỀN CỦA NHỮNG NGƯỜI BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN

Warsaw, thứ năm, ngày 24 tháng 8 năm 1989
TRONG VAI TRÒ PHONG VƯƠNG, Walesa xem xét ba ứng viên vào chức Thủ tướng. Cả ba đều có thời gian ở tù trong những giai đoạn khác nhau. Sự hiện diện của một người trong số họ trong vai trò đứng đầu khối Hiệp ước Warsaw chắc chăn sẽ làm khiếp đảm Ceausescu và Honecker. Giờ đây, chỉ sau 1.08 trưa một chút, khi Tadeusz Mazowiecki chính thức được cử làm Thủ tướng Ba Lan, lời chúc mừng đầu tiên ông nhận được đến từ người đồng cấp Xô viết ở Kremlin.
        Mazowiecki hình như là một sự lựa chọn nhạt nhẽo tại một thời điểm lịch sử như thế. Vậy mà chính nhờ phẩm chất khiêm tốn và vững chãi của mình đã làm ông nổi bật lên, ông khác xa với Lech Walesa. Những lựa chọn khác có vẻ hơi mạo hiểm – đặc biệt là Jacek Kuron 55 tuổi, một trong những người cha đỡ đầu sáng lập phong trào chống đối Ba Lan, đã từng là người bất đồng chính kiến tích cực từ những năm 1960. Ông có đầu óc phân tích sắc sảo và tính chính trực sáng chói, nhưng Walesa nghĩ là ông ta có thể là một chọn lựa quá cực đoan. Bronislav Geremek, giờ 57 tuổi, tương đối ôn hòa, từng là một cố vấn đầy ảnh hưởng đối với công đoàn ngay từ ngày đầu thành lập. Trước đó là một học giả, trong một thời gian nhắn ông theo đuổi sự nghiệp ngoại giao và được phái đến làm việc, ngay từ khi còn là  một viên chức trẻ,  ở Đại sứ Quán Ba Lan tại Paris. Nhưng Đảng làm ông vỡ mộng, ông trở về với xấp bản thảo viết về thế kỷ 14 của mình. Ông là một chiến thuật gia chính trị khôn ngoan và một nhà đàm phán cừ khôi, nhưng hay tranh cãi và hay công kích, Walesa nghĩ như thế.
  Mazowiecki là sự đánh cược an toàn. Ông được kính trọng rộng rãi ở Ba Lan và nước ngoài. Sau khi ra khỏi nhà giam vào 1984 ông được phép du lịch và là một người ủng hộ mạnh mẽ cho chính nghĩa CĐĐK ở phương Tây. Nhân tố quyết định, mà hai ứng viên kia không có, là ông chính là con chiên Thiên chúa giáo sùng đạo, có những mối quan hệ tuyệt vời ở Vatican và với giáo hội Ba Lan. Nhưng còn một vấn đề. Mazowiecki công khai chống lại CĐĐK tham gia chính quyền. Nói chung ông có quan hệ tốt đẹp với Walesa, thậm chí khi họ bất đồng. Đôi khi ông cho rằng anh chàng thợ điện trước đây quá kiêu căng và độc đoán, nhưng ông lúc nào cũng tin cậy vào óc phán xét và tầm nhìn chiến lược của anh ta. Walesa thì tin rằng mình có đủ tài thuyết phục Mazowiecki rằng một chính phủ của CĐĐK giờ đây là một lộ trình hợp lý duy nhất và Mazowiecki là người cầm đầu đúng đắn.
        Sự dụ dỗ, như Mazowiecki có lần mô tả, không hoàn toàn như một trò đùa, xảy ra vào buổi chiều 18/8 tại một bữa ăn chiều trong khách sạn Europejski ảm đạm trên rìa thị trấn cổ của Warsaw. Lúc đầu Mazowiecki cực lực từ chối vai trò và nhấn mạnh là Walesa nên giữ chức vụ đó. Sau đó ông nói ông chỉ nhận lời với điều kiện Walesa cho phép ông tự quyết và ‘không giật dây ông ở hậu trường’. Ông cũng không muốn đám người tùy tùng của Walesa tạo áp lực lên ông. Ông muốn là người của riêng mình. Ông khăng khăng muốn được chọn các bộ trưởng của mình, và không có ai chúi mũi vào. Walesa đồng ý đứng phía sau, nhưng bảo rằng mình luôn có mặt để hợp tác.
        Jarazelski vẫn còn ưu tư về việc mình là người Cộng sản Ba Lan đã mất hết quyền hành. Ông vẫn còn đặt lòng tin vào chủ nghĩa cộng sản, cho dù toàn bộ định chế của quyền uy Xô viết mà ông hằng ngưỡng mộ đang sụp đổ. Ông công nhận việc chỉ định Mazowiecki. Jaruzelski nhất định đòi hai người bạn thân cũng là bè phái của mình, các tướng Kiszczak và Siwicki, được giữ lại chức vụ cũ ở Bộ Nội vụ và Quốc phòng. Hồng y Glemp hoàn toàn tán thành sự lựa chọn và Giáo hoàng vui sướng. Ngài mời tân Thủ tướng đến Vatican tiếp kiến và nhận phép lành.
        Rakowski, nhà lãnh đạo cuối cùng của Đảng Công sản Ba Lan, điện đàm 35 phút với Gorbachev vào sáng ngày 22/8. Có lần ông đã nói với Jaruzelski trong kỳ thiết quân luật vào năm 1982 là Đảng không duy trì vị thế của mình mãi mãi và ‘tôi sợ rằng, sớm muộn gì chúng ta phải sống chung với họ’. Khi đó hầu hết người Cộng sản cho rằng ông ta đang nói một điều thậm vô lý. Còn bây giờ thì chính Gorbachev nói điều ấy với Rakowski, ‘Các ông phải học cách sống chung với họ. Không có cách gì khác trừ ra phải chấp nhận chính phủ mới. Có thể chúng ta không mấy sung sướng về việc đó, nhưng cũng phải làm. Chúng ta phải ủng hộ lộ trình thỏa hiệp mà Jaruzelski theo đuổi.’ Chính sách chỉ thay đổi nếu CĐĐK – mà trong suốt cuộc trao đổi ông tiếp tục gọi họ là ‘phe chống đối’ – đích danh công kích LBXV, mà ông nghĩ chắc là không. Rakowski hỏi liệu y có cần đến Moscow trình diện không. Đây là một thủ tục bình thường mà một lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản trong một nhà nước vệ tinh phải thi hành đối với các lãnh đạo Xô viết. Nhưng giờ thời thế đã thay đổi. Gorbachev nói, ‘Đó không phải là ý tốt. Việc đó sẽ làm người ta nghĩ là chúng tôi đang can thiệp vào nội tình Ba Lan.’
        Mazowiecki thay đổi ý kiến về việc cai trị trong khi người của Đảng còn kiểm soát quân đội và cảnh sát. ‘Có một tướng Cộng sản trong nhà bạn có nguy hiểm hơn là để ông ta bên ngoài cửa không? Tôi thấy rõ là nếu Đảng không được đại diện bằng cách này hay cách khác trong chính quyền, các cải cách khó được tiến hành một cách êm thắm. Thành phần còn lại của nội cách gồm phần lớn những người bất đồnng chính kiến trước đây, như nhà kinh tế học Balcerowics, giữ chức Bộ trưởng Tài chính, quyết tâm dùng ‘liệu pháp sốc’. Trong buổi lễ nhậm chức Thủ tướng đầu tiên thời hậu-Cộng sản của một nhà nước thuộc khối Xô viết, cảm xúc dâng trào xâm chiếm lấy Mazowiecki. Ông khóc khi bắt tay, một cách trang trọng, từng viên chức trong Đảng của chính quyền cũ. Hầu hết họ đều có vẻ ngỡ ngàng. Sau đó ông ôm hôn Geremek, nhà lãnh đạo nhóm đại biểu nghị viện thuộc CĐĐK mới được bầu, cả hai bên má. Ngay tại ngôi nhà mình ở Gdansk, Walesa đang ngồi xem trực tiếp truyền hình sự kiện. Tất nhiên ông cũng đang được quay phim. Gần mười năm đã trôi qua, quyền lực đã giật được từ tay những người Cộng sản Ba Lan – và từ những ông chủ Xô viết. Ông rạng rỡ với nụ cười rộng mở bên dưới bộ râu quặp và dơ hai ngón tay tạo thành hình chữ V biểu hiện của chiến thắng.
 Trong một động thái khôn ngoan, triết gia Jacek Kuron, một nhân vật đầy cảm hứng đằng sau nhóm KOR và CĐĐK, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Lao động. Ông đã bị bắt giam lần đầu tiên vào năm 1969 vì tội viết những mục trong báo lậu đả kích chính quyền. Sáng sớm sau ngày ông nhậm chức, khi đang cạo râu, Kuron nhận được một cú điện thoại khẩn cấp từ một nhà hàng xóm, cảnh báo với ông có một ô tô đang đỗ trước khu căn hộ của ông trên đường Mickiewicz ở Warsaw. Sự kiện này đã xảy ra nhiều lần trong hai mươi năm qua. Ô tô lúc nào cũng là của cảnh sát mật và điện thoại hàng xóm là để cho Kuron có thêm thời gian sắp xếp đồ dùng cá nhân trước khi bị giải vào tù. Kuron ngạc nhiên. Ông chỉ mới nhậm chức được vài giờ. Đáng lẽ họ phải cho mình nhiều thời gian hơn trước khi bị nhốt chứ, ông nghĩ vậy. Nhưng lần này hóa ra đó là ô tô dành riêng cho bộ trưởng và người tài xế, chứ không phải là mật vụ, đang đợi lái đưa ông đến sở làm
13.png

BỐN MƯƠI HAI
NGƯỜI TỊ NẠN

Schloss Gymnich, Bonn, thứ sáu, ngày 25 tháng 8 năm 1989
NGAY SAU LÚC 7 GIỜ SÁNG, trong vòng bí mật, Thủ tướng Hung Miklos Nemeth, và Ngoại trưởng Gyula Horn, bay từ Budapest đến Bonn. Họ không muốn nhiều người  biết nơi đến của họ: một lâu đài trung cổ ở Schloss Gymnich, cách thủ đô Tây Đức 25 km về phía nam, tại đó chính quyền Liên Bang Đức thường tiến hành những cuộc họp ngoại giao cấp cao. Hai ngày trước, Nemeth đã nhờ Đại sứ Hung tại Bonn, Isvan Horvath, tổ chức một cuộc họp ngay khi có thể sắp xếp được với Thủ tướng Tây Đức, Helmut Kohl. ‘Chúng tôi không cho họ biết về việc gì,’ Nemeth nói. ‘Chúng tôi chỉ nói là có việc rất quan trọng, không chỉ cho chúng tôi mà cho cả họ.’ Người Hung còn yêu cầu thêm – phải kín đáo tuyệt đối. Đặc biệt, họ không muốn phía Đông Đức nghe được cho đến khi cuộc họp đã xảy ra.
        Sau khi trù trừ trong vài tuần, Nemeth cuối cùng quyết định dứt khoát cách giải quyết khủng hoảng đang đối mặt Hungary. Ông muốn Tây Đức là người đầu tiên biết quyết định này. Ông đi thẳng ngay vào vấn đề. Lời nói đầu tiên của ông với Kohl là : ‘Chúng tôi đã quyết định cho phép các công dân CHDCĐ được tự do ra đi, chủ yếu vì lý do nhân đạo. Có thể các ông phải giải quyết từ 100,000 đến 150,000 công dân mới di cư đến.’ Thoạt đầu Kohl và Ngoại trưởng Tây Đức Hans Dietrich Genscher hoài nghi. Điều này quá tuyệt để có thể tin là sự thực, một vòng hoa cho chính sách Tây Đức trong 40 năm và một quả đấm như búa bổ cho chế độ ở Berlin.
        Nemeth giải thích có những lý do quốc nội mạnh mẽ cho quyết định ấy, cũng như những nhận định có tính nhân đạo. Hungary không thể  đương đầu với gánh nặng của số dân tị nạn vào xứ. ‘Chúng tôi không thể đình hoãn quyết định lâu hơn nữa và đây là sự lựa chọn tốt nhất của chúng tôi. Đã có những va chạm giữa một số dân tị nạn và lính biên phòng Hung,’ ông giải thích. Không nghi ngờ gì nữa, những việc đáng tiếc tương tự sẽ xảy ra nhiều hơn trừ khi một biện pháp được đưa ra. Người Tây Đức một phần cũng muốn tin, nhưng họ cần được thuyết phục nhiều hơn nữa. Genscher đã lên một cơn đau tim năm tuần trước và từ giường bệnh đến dự họp. Ông ta có nhiều kinh nghiệm đàm phán với các viên chức của khối Đông, và ông hỏi một câu nòng cốt: người Xô viết có biết việc này không? ‘Không, họ chưa biết, và chúng tôi chỉ báo tin cho họ một khi các ông đã chuẩn bị sẵn sàng về phía mình,’ Nemeth trả lời. Ông bảo họ rằng chắc chắn người Xô viết sẽ không chống đối. Khi người Nga nói vấn đề biên giới là việc riêng của chúng tôi, họ thành tâm có ý đó, ông nhấn mạnh.
        Hai nhà chính trị Tây Đức bắt đầu chịu tin là mình vừa nghe được một tin tức phi thường. Hầu hết người Đức, từ Đông sang Tây, đều mơ ước một ngày Bức Tường sẽ không còn chia cắt họ nữa. Thời điểm đó đang đến gần. Kohl cười hớn hở, còn Genscher sau đó nhớ lại là mình phấn chấn hẳn lên dù đang còn dưỡng bệnh. Họ bắt đầu thảo luận chi tiết. Nemeth bảo họ rằng chính quyền ông ta sẽ đưa ra nỗ lực cuối cùng thuyết phục Đông Đức chấp nhận cho phép người tị nạn ra đi, nhưng ông không kỳ vọng nhiều thành công. Nếu họ từ chối, các luật sự của ông nói, Hung có thể ‘đình hoãn’ thỏa ước song phương Berlin/Budapest về giấy phép thông hành, lập luận rằng điều kiện đã thay đổi căn cơ từ khi thỏa ước được ký kết. Phía Tây Đức cam kết là họ sẽ nhanh chóng thiết lập các trung tâm tiếp nhận và vận chuyển người tị nạn.
        Một vấn đề gây tranh cãi về hội nghị Schloss Gymnich này là về câu hỏi: Hungary có nhận tiền để mở cửa biên giới cho dân Đông Đức hay không? Có tin nói rằng Hung yêu cầu được vay 1 tỷ Mác Đức với điều kiện mềm dẽo và dễ dàng. Trong hồ sơ về cuộc họp không thấy có nhắc tới việc này, và người Hung luôn phủ nhận việc đó. Nemeth nói rằng ‘trong cuộc họp hai ba lần Thủ tướng hỏi tôi, “Vậy thì các ông muốn gì ở chúng tôi?” Tôi nghĩ chắc ông ấy nói đến tiền bạc, vì thế tôi nói “Không, không tiền bạc, tôi không yêu cầu ngài tiền bạc”.’ Thật ra, Nemeth nói, ông ta yêu cầu chính quyên Tây Đức một cách công khai hủy bỏ một thỏa thuận cho vay mà người Hung lúc đó đang điều đình với các ngân hàng Tây Đức. ‘Tôi không muốn công luận – người Hung hoặc quốc tế – hiểu lầm là chúng tôi làm việc này vì tiền.’ Dù sao thì thực tế là năm tuần sau đó, một đường dây tín dụng lên đến 1 tỷ Mác Đức được chuyển đến Hung – 500 triệu từ chính quyền Liên bang Đức, phần còn lại từ chính quyền tỉnh Westphalia.
        Ngay sau cuộc họp, Kohl nói chuyện với Gorbachev. Ông không muốn khiêu khích một sự đối đầu với LBXV vế vấn đề người tị nạn Đông Âu. Liệu người Xô viết có có thực sự chấp nhận cách dàn xếp làm gãy đoạn Bức Màn Sắt này không?  Gorbachev nói quanh co nhưng đại ý là ưng thuận và cuối cùng đưa ra nhận xét về cuộc khủng hoảng người tị nạn:
‘Vâng, người Hung thật tốt bụng.’
Nhưng báo tin cho cho Đông Đức thì khó chịu hơn nhiều. Sáu ngày sau đối thoại Schloss Gymnich, Ngoại trưởng Horn đến Berlin để hạ màn với chính quyền Đông Đức. Honecker đang hồi sức  sau cuộc giải phẫu còn Thủ tướng 75 tuổi Willi Stoph cũng không khỏe. Horn gặp người đồng cấp Đông Đức Oskar Fisher vào buổi sáng thứ năm 31/8. Fisher khăng khăng đòi Hungary phải bám sát các điều khoản của Hiệp ước 1969 ký giữa hai nước. Horn trả lời là cách tốt nhất là Tây Đức và Đông Đức phải đi đến một thỏa thuận. Sau đó Fisher lặp lại lời cam kết là nếu dân tị nạn tự nguyện trở về Đông Đức bây giờ ‘họ sẽ không bị trừng phạt’. Horn nói rằng ‘người tị nạn không tin vào chính quyền của ông’. Khi ông nói thêm người Hung trong vài ngày tới sẽ cho phép các người tị nạn ra đi về Tây Đức, Fisher giận bừng lên. ‘Đó là sự phản bội. Các ông bỏ mặc người Đông Đức và theo về phe bên kia. Các ông sẽ gánh lấy những hậu quả nghiêm trọng.’
        Đông Đức gởi những công hàm đầy phẫn nộ đến Budapest và Moscow. Nhưng họ biết nếu người Nga không về phe của CHDCĐ thì họ cũng chẳng thể làm gì. Fisher đòi triệu tập hội nghị các Ngoại trưởng trong Khối Warsaw tại Berlin. Nhưng Ba Lan từ chối thẳng thừng còn Shevardnadze thì không muốn đi. Khi các thủ lĩnh Đảng Berlin gặp nhau vào sáng thứ ba 5/9 tâm trạng một người rất chua chát và thối chí. Trùm Stasi, Erich Mielke, quát như sấm: ‘Hungary đang phản bội lại chủ nghĩa xã hội. ’ Thủ tướng Stoph, dù chưa khỏe hẳn, cũng đến dự và thóa mạ Hungary đang đóng một vai trò tích cực ‘trong một âm mưu lật đổ dài hạn của CHLBĐ’. Khi Bộ trưởng Quốc phòng cho rằng có lẽ giới trẻ có lý do để phàn  nàn về cuộc sống ở Đông Đức, khi họ thấy có cơ hội ở phương Tây, những người nghe đều tỏ vẻ căm phẫn. Còn Horst Dohlus, đứng đầu ban tổ chức Đảng, thì nói: ‘Làm sao chúng ta có thể tự cho phép mình bị hất ra ngoài? Chúng ta phải cố gằng đừng nao núng. Càng ngày càng có nhiều người hỏi, làm thế nào chủ nghĩa xã hội có thể sống còn ở đây?’
    Vào chủ nhật 10/9 Horn chính thức thông báo là tất cả chốt biên phòng đều được mở từ giữa đêm, hàng chục xe buýt đã được chính quyền Tây Đức gởi đến để vận chuyển người tị nạn qua Áo và vào Bavaria thuộc Tây Đức, tại đó họ lập tức trở thành công dân Tây Đức. Trong ngày đầu có đến 8100 người đổ về, vượt qua biên giới. Trong ba ngày sau có hơn 18,000 người.
        Trên chuyến bay về Budapest từ Lâu đài Gymnich, Nemeth luôn trong tâm trạng trầm ngâm, tự hỏi không biết mình quyết định có đúng không. ‘Một cố vấn của tôi đến bên tôi và nói “Anh biết đấy, tầm quan trọng của quyết định này có thể không nhận ra ngay đâu, mà phải năm hay mười năm nữa mới thấy được.”’ Nhưng ý nghĩa của nó đã được cảm nhận khắp Đông Âu và Trung Âu chỉ trong vài tuần sắp tới.
Phe chống đối ở Đông Đức được củng cố. Từ một ít nhóm vận động hoà bình và tổ chức Giáo hội cô lập, dưới sự giám sát thường xuyên của bọn Stasi, giờ đây số dân chúng can trường dàm thách thức chế độ đã tăng lên. ‘Chúng tôi thấy động thái mở cửa biên giới của người Hung là một dấu hiệu yếu đuối của chế độ CHDCĐ,’ tiến sĩ Matthias Mueller của Đại học Humboldt ở Berlin nói. ‘Chính quyền hình như không còn kiểm soát hoàn toàn tình hình. Đó là một thay đổi tâm lý lớn lao đối với nhiều người, một thời khắc trọng đại.’ Tuy vậy sự chống đối vẫn còn lễ độ, trật tự và ôn hòa theo lối Đông Đức truyền thống và lỗi thời. Diễn Đàn Mới được thành lập vào ngày 11/9, một ngày sau khi người Hung cho phép người di dân ra đi và chỉ trong một ít tuần đã thành một trong những nhóm chống đối lớn nhất. Tất cả điều họ nhắm tới, ngay lúc ban đầu, trong thứ ngôn ngữ ôn hòa nhất, là ‘đối thoại’ với chính quyền. Việc đầu tiên họ là làm đơn xin phép tại tòa án để mang tính hợp pháp, chẳng khác nào họ xin phép để khởi phát một cuộc cách mạng. Văn hóa phục tùng ở CHDCĐ đã quá ăn sâu. Tòa xử bác bỏ: ‘Mục đích và mục tiêu của người làm đơn đi ngược với hiến pháp của CHDCĐ và biểu thị một thái độ thù địch với nhà nước . . . và như thế đơn xin là bất hợp pháp,’ tòa tuyên án. ‘Chúng ta phải cẩn thận. Mục đích của chúng ta là thành lập một hiệp hội,’ Reinhard Schult, một trong những người sáng lập Diễn Đàn Mới, nói. Chúng ta không muốn lập một đảng phái, mà cũng không có thể lập được.’ Vậy mà trong vòng một ít ngày 150,000 người ký tên vào thư thỉnh nguyện kêu gọi đối thoại với chế độ. Như thể thình lình toàn xứ sở bừng tĩnh. ‘Chúng tôi không thể tưởng tượng điều đó có thể xảy ra,’ Schult nói khi đó. ‘Nó làm chúng tôi choáng ngợp một chút. Chúng tôi không có văn phòng, không điện thoại, chỉ có căn hộ của mình. Và hầu hết chúng tôi phải đi làm – bỏ ra 8 giờ 45 phút mỗi ngày tại nhà máy, hoặc viện.’
        Jan Lassig, một nhà tổ chức Diễn Đàn Mới từ Leipzig, nói rằng mấy năm qua ông đã quen với tình trạng chỉ vài chục người xuất hiện tại các cuộc họp – những gương mặt thân quen thuộc những nhóm khác nhau. ‘Giờ đây, thình lình, có quá nhiều người tham gia vào phong trào chúng tôi. Một ngàn người đến dự họp và tất cả đều muốn làm một điều gì đó. Còn chúng tôi thì chưa có chương trình, chưa có kế hoạch gì.’
Vào đêm thứ hai những cuộc biểu tình bắt đầu lại tại Nikolaikirche ở Leipzig, sau khi nghỉ tháng tám. Thành phố thứ hai của Đông Đức đang ngộp thở vì bị bỏ phế. Chế độ muốn để mặc nó thối rữa. Nó từng là trung tâm công nghiệp lớn với hơn 700,000 dân, nhưng khoảng 20 % dân số Leipzig đã bỏ thành phố trong năm năm qua. Hầu hết đã đi đến các thị trấn khác ở CHDCĐ, mặc dù gần đây một số có ý nghĩa đã đi về phương Tây. Bên ngoài trung tâm thành phố, hàng chục cửa hiệu bị đóng cửa bỏ phế, nhà cửa bỏ hoang và đường phố thì đầy ổ gà. Có một trung tâm nhỏ còn đẹp, với nhiều tòa nhà ấn tượng bao quanh bởi một đường vòng cung rộng bên trong. Đó là nơi những người biểu tình đốt nến và diễn hành khoảng một giờ, lúc nào cũng trong yên lặng, bắt đầu từ khoảng 6 giờ chiều. Đó là một cảnh tượng trang nghiêm, kêu gọi hòa bình và giải giới. Thỉnh thoảng những người biểu tình cầm biểu ngữ phản kháng về môi trường.
      Ngay cả theo tiêu chuẩn Đông Đức, Leipzig là một nơi bẩn thỉu. Hàng triệu tấn chất dioxyt lưu huỳnh phun vào không khí gần đó mỗi năm. Nước trong hồ chứa và sông ngòi đều ô nhiễm trầm trọng. Một báo cáo chính thức của chính quyền, được giữ bí mật triệt để, phát giác nguồn nước của thành phố chứa 20 chất mà chỉ được sử dụng với sự cho phép của bác sĩ, và chứa mức thủy ngân cao gấp 10 lần của Tây Đức. Các nhà báo và nhà khoa học, đã điều tra các mức độ cao các bệnh ung thư và bệnh đường hô hấp và da liễu quanh thành phố, bị bắt giữ khi họ khẳng định nguyên nhân là do các mỏ than non gần đó gây ra, các mỏ than này cung cấp hơn hai phần ba điện lực Đông Đức.
        Từ tháng chín, hàng ngàn người chưa từng đi biểu tình đã gia nhập hội. Leipzig trở thành tâm điểm chống đối trên khắp xứ. Chế độ không trả lời. Bệ tình của Honecker để lại một khoảng trống quyền lực chưa được lấp đầy. Vào 18/9 khoảng 15,000 người dự cuộc diễn hành đêm thứ hai bắt đầu từ Nikolaikirche. Đó là cuộc biểu tình không chính thức lớn nhất ở Đông Đức từ những vụ rắc rối vào năm 1953. Như thường lệ đó là một đám rước trong ánh nến hoàn toàn hòa bình, mặc dù hơi ồn ào hơn trước. Cảnh sát và mật vụ chìm bắt khoảng 100 người biểu tình hô vang khẩu hiệu chống chế độ. Các xe van của cảnh sát chở họ đi xông thẳng vào đám đông, làm bị thương trầm trọng khoảng chục người. Sự cố làm rạn nứt nội bộ Đảng. Hầu hết những lãnh đạo đều không muốn khởi phát một cuộc đối đầu bạo lực với người biểu tình – nhất là chỉ còn ba tuần nữa là đến dịp kỷ niệm lần thứ 40 ngày khai sinh nhà nước Đông Đức. Những nghi lễ long trọng đã được lên kế hoạch để chào mừng thành tựu của cái ‘chủ nghĩa xã hội thực sự tồn tại, trước mặt những yếu nhân từ thế giới Cộng sản bao gồm Mikhail Gorbachev.
        Trùm Stasi là một trong số ít người có bụng muốn ra tay. Mielke liên tục thúc giục các biện pháp bạo lực ‘để giải quyết các vụ phản cách mạng đang âm ỉ trong CHDCĐ’. Trong một diễn văn ông giấu kín với các thủ lĩnh Đảng trong phe cánh của mình, ông bảo những sĩ quan cao cấp của Stasi hãy sử dụng những biện pháp cứng rắn chống người phản kháng: ‘Các lực lượng và nhóm chống đối thù địch đã có được một số quyền lực nhất định và đang sử dụng tất cả phương cách nhằm tạo ra một sự thay đổi trong cán cân quyền lực.’ Y nói rằng Đông Đức giờ đây ở trong tình hình tương tự với Trung Quốc hai tháng trước. ‘Tình hình bây giờ cũng giống như thế và phải đáp trả lại với tất cả phương tiện và phương thức. Các đồng chí Trung Quốc đáng được khen ngợi. Họ có thể bóp nghẹt những phản kháng trước khi tình hình vuột khỏi tay.’ Y nói với một số chỉ huy của mình, theo lời kể của trùm phản gián của ông là Rainer Wiegand, là họ nên chuẩn bị một kế hoạch thành lập một lực lượng đặc biệt để tấn công đám biểu tình, chia cắt chúng làm ba nhóm và bắt các tên lãnh đạo của họ.
        Các sĩ quan thực địa của y bảo y là tinh thần phản kháng ở Leipzig đang dâng cao, không chỉ trong nhóm biểu tình, mà còn trong các văn phòng và nhà máy trên khắp thành phố. Chỉ huy Stasi ở Leipzig, Trung tướng Stiegfried Gehlert, bảo với Miekle: ‘Tình hình bê bết lắm, thưa Đồng chí Bộ trưởng. Có tranh cãi về mọi vấn đề về chế độ chúng ta có hợp pháp hay không hợp pháp. Điều hệ trọng là những luồng dư luận này lại tồn tại trong tổ chức Đảng. Về vần đề quyền lực, thưa Đồng chí Bộ trưởng, chúng ta đang nắm trong tay tình hình, nhưng cần phải giám sát thật chặt chẽ. Từ một tai nạn xảy ra đâu đó, bật lên một tia lửa là đủ để gây ra những hậu quả nghiêm trọng.’ Trong số những thủ lĩnh Đảng khác, khi y đề nghị biện pháp bạo lực chống lại những người phản kháng ở Leipzig, ý kiến của y bị bác bỏ.
   Đầu mùa hè vừa qua Erich Honecker đã tuyên bố: ‘Tôi sẽ không nhỏ một giọt nước mắt cho ai rời bỏ xứ sở.’ Còn phe chống đối thì nhỏ nhiều giọt. ‘Luôn có những người bạn tốt đã ra đi, những người mà chúng tôi rất thân thiết’ Ulrike Poppe, một trong những nhà sáng lập nhóm nhân quyền Dân chủ Ngay Bây giờ  vào giữa những năm 1980, nói. ‘Chúng tôi nhớ họ. Ngược lại chúng tôi cũng hiểu lý do họ ra đi, vì có nhiều điều khiến họ không thể ở lại CHDCĐ. Chúng tôi luôn luôn tính sẽ ở lại bao lâu, chúng tôi đặt ra giới hạn. Tôi bảo nếu tôi sắp phải đi tù, thì đó là lúc phải trốn đi. Hoặc nếu họ cướp tài sản chúng tôi, vì chúng tôi đang sở hữu một tài sản nhỏ, hoặc nếu họ lấy đi trường mẫu giáo mà chúng tôi đã tổ chức cho các bé. Nhưng tận thâm tâm, chúng tôi luôn quyết định ở lại chủ yếu chỉ vì chúng tôi cảm thấy mình không cô độc và chúng tôi phải ở lại để tiếp tục phấn đấu. Ở đâu đó luôn có hi vọng đang chờ.’ Sau khi người Hung giúp phá vỡ Bức Tường, tiếng hô tập họp chủ yếu trong những đám biểu tình là ‘Chúng Ta Ở Lại’ và điều đó đem lại hi vọng cho những người chống đối.
Dù vậy cũng còn nhiều người Đông Đức mơ ước được ra đi. Sau khi người Hung mở cửa biên giới cho các công dân CHDCĐ, Tiệp Khắc đóng cửa biên giới giáp Hung đối với công dân CHDCĐ, do áp lực từ Đông Đức. Họ sẽ nhanh chóng hối tiếc điều đó. Người Đông Đức bị mắc kẹt ở Tiệp hướng thẳng đến Prague và bao vây Đại sứ Quán Tây Đức. Người Tiệp không muốn gặp rắc rối ngoại giao với Đông Đức, nhưng họ cũng không muốn thấy việc khống chế người tị nạn Đông Đức là việc của mình. Họ đã nỗ lực ngăn cản người tị nạn đến Đại sứ Quán, nhưng rồi cũng bỏ cuộc. Hàng chục ô tô Trabant bị bỏ lại ngoài đường phố Prague khi khoảng 3,000 dân Đông Đức trèo vào bên trong Sứ quán. Dù khuôn viên Sứ quán rất rộng lớn nhưng cũng không thể chứa một số lượng lớn đến như vậy. Thời tiết ấm áp nên nhiều người cắm trại ngoài khu vườn rộng. Chẳng bao lâu điều kiện vệ sinh trở nên tồi tệ vì người Tây Đức không từ chối một ai.
        Trùm Đảng Tiệp khắc là Milpos Janes bảo với Berlin là mình không muốn sự rắc rối này. Ông đã có nhiều khó khăn của riêng mình. Vào cuối tháng trước cảnh sát dẹp bạo loạn đã bắt hàng chục người biểu tình ở Quảng trường Wenceslas khi 4,000 người làm lễ kỷ niệm lần thứ 21 ngày khối Warsaw  xâm lăng Tiệp Khắc để đè bẹp Mùa Xuân Prague. Vaclav Havel đã được trả tự do vào cuối tháng 5, sau khi bị giam khoảng phân nữa bản án 9 tháng tù của tòa. Ngay lập tức ông tiếp tục từ chỗ mình đã bỏ dỡ khi bị bắt, viết về tình hình trong nước cho các phương tiện truyền thông phương Tây. Trong vòng nửa tháng ông đã soạn ra tuyên ngôn cho phe chống đối Tiệp Khắc – ‘Một Vài Câu Ngắn Ngủi’ – kêu gọi đối thoại giữa phe chống đối với chế độ và trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị. Giờ Havel và các nhà tranh đấu nhân quyền khác yêu cầu Đông Đức được cho phép tự do ra đi về phương Tây.
        Erich Honecker trở lại văn phòng vào tuần thứ ba tháng 9. Các bác sĩ giải phẫu đã phát hiện thêm một khối u ung thư trong ruột kết của ông. Họ cắt bỏ khối u và tuyên bố ông đủ sức để có mặt chỉ đạo những lễ hội mừng sinh nhật lần thứ 40 sắp tới. Ngay lập tức ông đàm phán với người Tiệp về người tị nạn ở Sứ quán Tây Đức. Jakes bảo với người đồng cấp của ông ở Đông Đức là CHDCĐ phải đi tới một thỏa thuận với người Tây Đức để giúp người Tiệp chúng tôi khỏi kẹt và dân các ông đi khỏi Prague. Đây không phải là mối quan tâm của chúng tôi. Chúng tôi có thể trợ giúp, nhưng việc này phải làm nhanh lên.’ Bên thứ ba trong cuộc đàm phán là Ngoại trưởng Tây Đức Genscher thì bận dự Đại Hội đồng LHQ. Bất đắc dĩ, Honecker cuối cùng nói là mình đồng ý cho ‘bọn phản bội’ tá túc trong Sứ quán Tây Đức được ra đi về Tây Đức. Đáng lẽ học có thể đi trực tiếp đến Tây Đức trên những chuyến tàu khách thông thường. Nhưng Honecker khăng khăng một cách cố chấp đòi họ phải đi qua lãnh thổ Đông Đức trước, để có vẻ là chính Đông Đức đã đuổi họ đi ra khỏi xứ. Y yêu cầu họ phải ra đi trên những tàu hỏa bít bùng. Trong khi dừng quá cảnh tại Đông Đức, các viện chức Đông Đức sẽ chính thức thu lại chứng minh nhân dân của họ và rút quyền công dân CHDCĐ của họ. Việc này có mục đích làm mất mặt họ và chế độ có vẻ còn kiểm soát được sự kiện. Một bài xã luận trong tờ báo Đảng, Neues Deutschland, được chính Honecker đọc cho người viết, phát biểu rằng ‘bằng hành vi của mình họ đã dẫm đạp lên tất cả giá trị đạo đức và tự khai trừ mình ra khỏi xã hội của chúng ta’.
  Ngày hôm sau Genscher bay đến Prague để báo cho dân tị nạn về thỏa thuận với Honecker. Đó là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất trong sự nghiệp ngoại giao của mình. Genscher nhớ lại: ‘Tôi trình bày với họ sao đây, một mặt họ sẽ vô cùng vui mừng khi có thể ra đi, mặt khác chuyến tàu phải băng qua lãnh thổ Đông Đức một vài giờ. Họ có chấp nhận lời bảo đảm của tôi là chuyến đi sẽ bình yên không?’
        Buổi chiều thứ hai ngày 2/10, khi vài trăm người đầu tiên lên xe buýt trong chặn đầu tiên thì không khí rất căng thẳng. Họ được chở ra ga ở ngoại ô bên ngoài Prague và được bảo đứng chờ. ‘Chúng tôi đợi vài tiếng rồi một tàu hỏa đến, và rồi xảy ra một hoảng loạn nhỏ,’ một dân tị nạn sau đó kể lại. ‘Lúc đầu một số người nói lớn “Chúng ta đừng đi. Đây là sự phản bội.” Một viên chức Tây Đức cố khuyên chúng tôi bình tĩnh. Anh ta nói sẽ đi cùng với chúng tôi và mỗi chuyến tàu rời Prague sẽ có một viên chức như anh đi cùng, vì vấn đề an ninh. Ngay sau khi đoàn vừa đến Đông Đức, tàu dừng lại. Hai người Đông Đức mở cửa, nói, “Chào, chúng tôi là An ninh Nhà nước, chúng tôi xin thu lại chứng minh của các bạn bây giờ” Tôi không bao giờ quên hình ảnh họ phải khom mình xuống để thu nhặt những chứng minh mà chúng tôi ném xuống chân họ. Hành động đó thay lời nói “bọn bây không còn đe dọa được chúng tao nữa đâu”.’
        Các dân Đông Đức vẩy tay chào các người tị nạn trên suốt lộ trình cho đến khi tám chuyến tàu hỏa bít bùng về đến ga Dresden, ga cuối cùng sát biên giới giữa Đông Đức và Tây Đức. Dân chúng Đông Đức được dặn là không được chào đón các chuyến xe của người tị nạn. Có hơn 1,500 người biểu tình, phần lớn là giới trẻ, phớt lờ lệnh cấm, xông qua hàng rào cảnh sát và cố gắng nhảy lên tàu một cách tuyệt vọng. Cảnh sát không sao kiểm soát được đám đông khi họ bắt đầu ném gạch và đá. Hầu như mọi cửa sổ ở ga Dresden đều bị ném vỡ, phòng đợi bị hư hại nặng và hàng chục người bị thương. Sau khi các chuyến tàu đã khởi hành qua Tây Đức, đám biểu tình càng đông hơn. Các công nhân xưởng máy và ngay cả người già cũng tham gia giới trẻ. Họ bị cảnh sát ra lệnh giải tán nhưng họ từ chối. Đám đông vẫn đứng đấy trong vài giờ, một cách có ý nghĩa, cảnh sát không có phản ứng gì thêm. Tại cuộc biểu tình đốt nến ở Leipzig vào đêm đón khoảng 12,000 người biểu tình được cho phép tuần hành trong hòa bình quanh vòng cùng bên trong của thành phố.
        Khi các chuyến tàu tị nạn về đến Hoj, Bavaria, đám dân Tây Đức cuồng nhiệt chào đón những anh chị em mình từ Đông sang. Đó là buổi lễ đầy xúc động, đầm đìa nước mắt, được TV Tây Đức truyền hình trực tiếp và phát sóng qua những gia đình ở Đông Đức. Trong vòng vài giờ, thêm hàng ngàn người Berlin và Leipzig lại chất đầy đồ đạc lên chiếc Trabant và Wartburgs của mình và lên đường tiến về đông đến Tiệp Khắc.
1415

BỐN MƯƠI BA
TIỆC SINH NHẬT

Đông Berlin, thứ bảy, ngày 7 tháng 10 năm 1989
ĐIỀU CUỐI CÙNG MÀ NHÀ LÃNH ĐẠO XÔ VIẾT MUỐN làm trong dịp cuối tuần này là đi đến Berlin. Ông đã phàn nàn nhiều lần về chuyến đi với cố vấn chính sách đối ngoại, Anatoli Chernyaev, nhưng rõ là không có cách nào tránh được. Trùm Đảng Cộng sản Xô viết không thể không đi dự tiệc sinh nhật lần thứ 40 của nhà nước Đông Đức. Gorbachev còn nghĩ rằng sự tồn tại của Đông Đức là hữu ích, nếu không muốn nói cũng quan trọng đối với lợi ích của LBXV như đã từng là. Nhưng ông coi thường cái đất nước đang trở nên lụn bại này, và đặc biệt người lãnh đạo của nó và đám quần thần Stalin-nít chung quanh y. Gorbachev đã nghe KGB cho biết, mặc dù bệnh nặng như thế, Honecker cũng đang bàn tính ở lại thêm một nhiệm kỳ mới vào năm sau. Ông nghĩ rằng việc đó không thể xảy ra, dù ông vẫn giữ lập trường là người Xô viết sẽ không làm gì để loại bỏ y. Lần này, ông quyết định, khi đến Berlin, sẽ biểu lộ cho họ thấy những gì mình nghĩ về Honecker và bọn nịnh thần của y.
        Các lễ kỷ niệm long trọng đã được lên kế hoạch cho dịp sinh nhật trọng thể này. Hầu hết các nhân vật lãnh đạo trên thế giới cộng sản sẽ đến dự. Đối với Honecker, đó là một sự kiện lớn, thêm một thành tựu đỉnh cao khác của y, một sự công nhận vững chắc CHDCĐ như một nhà nước quan trọng. Không hề giấu giếm sự phô trương, ông nhất định mọi việc đều xảy ra xuôn xẻ trong buổi lễ vinh danh vai trò của y trong những thắng lợi vẻ vang của CHDCĐ. Mấy ngày qua, bọn Satsi đã bắt bớ một số người gây rối có tiếng ở Berlin, những phần tử chống đối, nếu không bị khống chế, có thể phá hỏng buổi lễ bằng các vụ biểu tình.
        Gorbachev đã đến vào chiều hôm trước và đã tiếp chuyện với Honecker. Theo Joachim Hermann, có mặt trong buổi họp, cuộc trao đổi không mấy nồng ấm. ‘Như thể hai người đang nói với nhau nhưng lại đề cập đến những chuyện hoàn toàn khác. Đó là cuộc đối thoại giữa những người điếc.’ Honecker chua chát với cách người Xô viết đối xử với Đông Đức, rằng ‘thình lình, họ chối bỏ tình bạn lâu đời của chúng tôi và coi chúng tôi như kẻ thù tệ hại nhất’, Hemann nói. Gorbachev đọc một trong những bài diễn văn bao quát nhất về ‘lề lối suy nghĩ mới’, bộ mặt đang thay đổi của một thế giới đang biến đổi và sự kết thúc Chiến tranh Lạnh. Ông vừa nhìn thẳng vào mặt của Honecker vừa nói rằng ‘Cuộc sống sẽ trừng phạt những người lùi lại phía sau.’ Ý nghĩa của câu nói mọi người đều hiểu rõ.
    Honecker đáp lại bằng một bản danh sách kêu vang những con số thống kê cho thấy thành tựu độc đáo của CHDCĐ như là một trong những nền kinh tế vĩ đại nhất của thế giới và cách thức Đông Đức đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Bằng chứng ‘là sắp tới đây chúng tôi sẽ sản xuất ra, trong nền công nghệ hiện đại và kỹ thuật cao, một con chip điện toán bốn-mêgabyte’. Các thành viên trong giới lãnh đạo của y trố mắt kinh ngạc và bắt đầu thì thầm với nhau. Trưởng ban Kế hoạch hóa Nhà nước, Gerhard Schurer, nói: ‘Chúng tôi không thể tin vào tai mình. . . ở đây Gorbachev nói về vận mệnh của thế giới và ở đây Tổng Bí thư của chúng tôi nói về con chip điện toán.’ Những người khác thất vọng. ‘Chúng tôi là những tên đần,’ Schabowski. ‘Chúng tôi hành động một cách ngu ngốc. Đáng lẽ chúng tôi phải đập bàn và nói, “Erich, ngài không thể làm thế.” Nhưng tất nhiên đó là điều không tưởng.’ Một âm mưu hất cẳng Honecker bắt đầu hình thành vào ngày này, nhưng đã quá trễ.
        Cao điểm của buổi lễ là đám rước đuốc vĩ đại qua đường phố Berlin. Đoàn xe cơ giới, khí tài và xe tăng diễu ngang qua quan chức cao cấp an tọa trên khán đài dựng cao lên, tiếp theo đội hình này đến đội hình khác những thành viên cao to của Đoàn Thanh niên Cộng sản trong đồng phục màu xanh lam và khăn quàng đỏ. Đây được coi là con trai, con gái của những cán bộ, sinh ra và lớn lên trong lòng Đảng. Giờ đây trong đoàn diễu hành bổng nghe có tiếng hô ‘Gorby, hãy cứu chúng tôi. Gorby, hãy cứu chúng tôi.’ Trùm Đảng Cộng sản Ba Lan Rakowski đang ngồi cạnh Gorbachev. Y hỏi nhà lãnh đạo Xô viết liệu ông ta có hiểu họ đang nói gì không. Gorbachev nói là ông không biết rành tiếng Đức nhưng ông cũng nghĩ như thế. ‘Họ đang yêu cầu Gorbachev, hãy đến cứu chúng tôi,’ Rakowski nói. ‘Và họ được coi là tinh hoa của Đảng. Vậy là kết thúc rối.’ Thọat tiên Honecker có vẻ chưng hửng, rồi sau đó bắt đầu hiểu ra. Y lộ vẻ bị tổn thương hơn là tức giận khi bị xúc phạm công khai.
        Khi ông rời Berlin, Gorbachev đưa ra dấu hiệu tán thành rõ ràng với các viên chức trong Đảng bộ Đông Đức để hành động chống lại Honecker. Đại sứ Xô viết tại CHDCĐ, Kochemasov, bảo với Gorbachev rằng ông biết ‘các đồng chí đang lên kế hoạch’ loại bỏ lão già. Gorbachev bảo ông ta theo dõi và lắng nghe, nhưng không trực tiếp dính líu. Họ phải tự làm lấy.
        Có đến 380,000 lính Xô viết trên đất Đông Đức. Đó là lực lượng mà giới lãnh đạo CHDCĐ nghĩ sẽ là sự bảo vệ tối hậu của nhà nước xã hội chủ nghĩa – và của chính họ nếu có mối nguy cơ phản cách mạng. Gorbachev muốn đảm bảo chắc chắn là binh sĩ Xô viết sẽ không bị lôi kéo vào cuộc xung đột tiềm năng giữa chế độ và công dân của họ. Vào chiều tối, ngài Đại sứ gọi cho Tướng Boris Snetkov, tư lệnh lực lượng Xô viết ở Đông Đức. Snetkov là một cựu chiến binh của Thế chiến II 65 tuổi, đang sắp tuổi về hưu. Ông vui mừng khi nghe yêu cầu của Đại sứ là ‘Chúng ta phải suy nghĩ về phương thức hành động khi có tình hình hỗn loạn xảy ra trên đường phố,’ Kochemasov nói. ‘Tôi yêu cầu ông lập tức phải ra lệnh cho binh sĩ quay về doanh trại ngay như có thể. Ông nên dừng mọi cuộc diễn tập và các chuyến bay huấn luyện quân sự nếu có thể. Không tham gia dưới bất cứ hình thức nào vào diễn biến nội bộ của CHDCĐ. Hãy để họ tự xử.’ Để chắc chắn, Snetkov gọi cho Tổng Tham mưu Xô viết và nhận được lệnh tương tự.
        Một giờ sau khi Gorbachev bay về Moscow vào chiều hôm đó, các cuộc biểu tình bùng nổ trong các thị trấn và thành phố trên cả nước. Chính quyền phản ứng bằng bạo lực tàn nhẫn mà các tuần vừa qua họ ít khi sử dụng. Ở quận Prenzlauer Berg của Đông Berlin, hàng ngàn người tụ tập cùng hô vang khẩu hiệu trong ngày, ‘Gorby, hãy đến cứu chúng tôi’. Khi họ tuần hành về phía trụ sở hành chính quận, họ bị một đoàn xe cảnh sát bắt dừng lại. Vài giây sau Mielke, giờ đã 81 tuổi, bước ra chiếc xe chống đạn của mình trong trạng thái rất hùng hổ. Theo sát bên là trưởng phòng phản gián nội chính, Tướng Katsch, ông quát bọn cảnh sát: ‘Đập bọn lợn đó cho chúng ngoan ngoãn.’ Họ tấn công dữ dội vào đám đông, đánh đập hàng chục người biểu tình và bắt nhiều người hơn. Ở nơi khác trong thành phố, cảnh sát và dân quân tấn công đoàn biểu tình bằng chó săn và vòi phun nước, đập tan một đám tuần hành thắp nến bên ngoài nhà thờ Gethsemane, tại đó có 9 thanh niên đang biểu tình tuyệt thực đến ngày thứ tư. Tổng số ở Berlin có 1,067 người bị bắt đêm đó và ngày hôm sau. Nhiều người sau đó cho biết là họ bị bọn thẩm vấn Stasi lạm dụng và đánh đập suốt đêm.
   Khoảng 200 người biểu tình bị bắt giữ tại trung tâm Dresden. Họ bị chở vào doanh trại của bạn cảnh sát dẹp bạo loạn và bị đánh đập không thương tiếc. Sinh viên Catrin Ulbricht là một người trong số bị bắt, kể lại: ‘Khi chúng tôi bước ra khỏi các xe tải, chúng tôi bị tách ra, nữ bên phải, nam bên trái,’ chị nói. ‘Tại đó tôi thấy trong các gara các anh bị bắt dựa vào tường, chân giạng ra và bị đánh đập. Cánh phụ nữ chúng tôi bị dẫn đến một phòng như phòng tắm, và điều đó khá tàn nhẫn.’
Cuộc biểu dương lực lượng đến vào tối hôm sau, ngày 9/10, ở Leipzig, là tâm chấn của sự phản kháng trong những tuần vừa qua. Dù bị cảnh sát và bọn Stasi đàn áp vào cuối tuần, phe chống đối quyết tâm vẫn tiến hành sự kiện đêm thứ hai quen thuộc. Như thường lệ, chương trình là xuất phát cuộc tuần hành ở Nikolaikirche và đi theo chiều kim đồng hồ quanh đường vòng cung bên trong. Họ hi vọng lần này sẽ là cuộc tập hợp đông đảo nhất để biểu dương sức mạnh thách thức. ‘Tất nhiên, lúc đó chúng tôi rất sợ,’ Ulrike Poppe, một trong người sáng lập tổ chức Dân chủ Ngay Bây giờ, nói. ‘Tôi không gan dạ lắm. Nhưng tôi đang căm giận và cứng đầu. Có nhiều người sợ sẽ gặp giải pháp Trung Quốc – là họ sẽ sử dụng vũ khí. Không thể loại trừ khả năng đó. Và đôi khi chúng tôi nghĩ binh lính Xô viết có thể nhảy vào. Sợ thì sợ nhưng số người tham gia tuần hành cứ tăng lên nhanh chóng đến nổi lực lượng chống đối giờ đây gọi mình là ‘Cộng hòa Biểu tình Đức’.*
        Chế độ bị chia rẽ. Honecker thì muốn đáp trả thẳng tay phe chống đối. Y không ra chỉ thị đặc biệt nào ra lệnh cho quân đội hay bọn Stasi nổ súng vào đoàn biểu tình. Quyền uy của y giờ đây đang tàn lụi. ‘Dù y có ra lệnh cũng không ai tuân theo,’ một trong các cố vấn của y nói. Phu nhân của y, Margot, thích ba hoa, ‘Chúng ta phải bảo vệ chủ nghĩa xã hội bằng mọi phương tiện. Bằng lời lẽ, bằng việc làm, vâng, và bằng vũ khí.’ Nhưng bà ta chỉ có quyền hành hạn chế trong xứ.
        Milke thì phát ra những lệnh tàn bạo cho phép bộ hạ của y có quyền bắn vào ‘bọn gây rối’. Không tư vấn với ai khác trong giới lãnh đạo y ban hành Chỉ thị mật Số 1/89 vào sáng chủ nhật ngày 8/10:
Đã có sự gia tăng về bản chất và những mối nguy hiễm liên hệ của các cuộc tụ tập đông đảo bất hợp pháp của các nhóm chống đối thù địch, cũng như các lực lượng gây rối nhằm mục tiêu quấy rối an ninh của nhà nước. Do đó tôi ra lệnh 1. Một tình trạng ‘báo động toàn phần’ cho mọi đơn vị cho đến khi có thông cáo mới. Các thành viên của lực lượng vũ trang phải mang theo vũ khí thường xuyên, tùy theo nhu cầu của tình thế. Lực lượng dự bị đủ quân số phải sẵn sàn can thiệp, bất kỳ lúc nào, bằng những biện pháp tấn kích để khống chế và đập tan các cuộc biểu tình bất hợp pháp.
Trong hai tuần vừa qua quân đội Đông Đức đã đặt trong tình trạng báo động cao, mặc dù đến giờ chưa có binh lính xuất hiện tại các cuộc biểu tình nào. Một cách bất thường, binh lính bị cắt liên lạc nhiều như có thể với thế giới bên ngoài. ‘Họ không được dùng đài, không được nhận thư, không được sử dụng điện thoại để liên lạc với gia đình hay bạn bè. Máy truyền hình trong phòng đã được dỡ đi. Điều này thật khôi hài vì ai cũng biết việc gì đang xảy ra trong nước. Tin tức chính thức là đã bùng phát những vụ đụng độ với các phần tử phản cách mạng đang lộ diện để phá hoại nhà nước.’ Binh lính được phát gấp đôi số đạn bình thường -120 viên thay vì 60 viên – và có thêm dụng cụ sơ cứu. Trong đêm một trung đoàn lính dù cừ khôi đã được điều đến Leipzig với lệnh giữ vững vị trí ngay ngoài trung tâm thành phố. Các bệnh viện giải tán hết các bệnh nhân thông thường và được gởi thêm các túi máu và huyết tương. Báo đảng tại địa phương Die Leipziger Volkszeitung chạy hàng tít lớn: ‘Chúng ta sẽ chiến đấu với kẻ thù của xứ sở, nếu cần, bằng vũ khí.’
  • GDR (German Democratic Republic) là viết tắt của Cộng hòa Dân chủ Đức trong tiếng Đức lẫn tiếng Anh giờ được hiểu là German Demonstrating Republic, tức Cộng hòa Biểu tình Đức): ND    
        Khi tất cả những mảnh ghép hình như đã vào vị trí để có được một màn trình diễn bạo lực ở Leipzig vào chiều tối, chính nhờ một nhạc trưởng đã đánh nhịp cho ra một kết quả hòa bình. Nhạc trưởng Kurt Masur là nhạc sĩ tiếng tăm ở Đông Đức, giám đốc nghệ thuật của dàn nhạc giao hưởng Leipzig Gewandhaus lừng danh thế giới. Chưa hề là một đảng viên cộng sản, nhưng tên tuổi ông thường được sử dụng như một dụng cụ tuyên truyền của chế độ. Giờ ở tuổi 62, với vẻ đỉnh đạc và bộ ria bạc trắng gọn gàng, ông bắt đầu tham gia chính trị. Khi một số nhạc sĩ đường phố ở Leipzig bị bắt trong mùa hè, ông phản kháng. Ông khiếp đảm trước viễn ảnh một cuộc đương đầu đẫm máu ở Leipzig. Nếu xung đột bùng phát nó có thể xảy ra bên ngoài phòng hòa nhạc Gewandhaus trên con đường vòng cung chính của thành phố. Vào những ngày thứ hai trước đây đám biểu tình thường tuần hành ngang qua đó vào khoảng 7.45 chiều, lúc ông hay điều khiển ban nhạc đang tập dượt.
        Masur bàn với những người Leipzig nổi tiếng khác trong nỗ lực ngăn cản cuộc đổ máu. Ông gọi mục sư Tin lành Zimmermann và diễn viên Lutz Lange, cả hai đều đang tham gia trong các nhóm chống đối ôn hòa ở thành phố. Các thủ lĩnh Đảng ở địa phương cũng đều vô vọng muốn tránh một cuộc tắm máu. Bí thư Đảng Leipzig, Helmut Hackenburg, đang bệnh, nhưng cử hai cán bộ cao cấp khác đi gặp Masur và những nhà hoạt động chống đối, quả là một hành động cách mạng. Vì chính sách luôn là không có đối thoại với họ, nên hai cán bộ này không báo gì với Đảng bộ Berlin về việc này. Họ soạn ra lời kêu gọi bình tĩnh và bất bạo động, đồng ký tên, và được loan truyền lặp đi lặp lại trên đài cứ nửa giờ một lần, từ 3 giờ chiều trở đi. Lời kêu gọi cho chính Masur đọc. ‘Tất cả chúng ta cần trao đổi ý kiến thẳng thắn về tương lai của chủ nghĩa xã hội của đất nước. Do đó hôm nay chúng tôi hứa bằng sức mạnh và quyền hạn của mình là sẽ bảo đảm cuộc đối thoại này sẽ được tiến hành không chỉ trong Leipzig mà còn với chính quyền. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi các bạn hãy thận trọng để cuộc đối thoại hòa bình có thể thực hiện.’
        Không rõ lời kêu gọi có được lắng nghe hay không. Quân đội vẫn còn sẵn sàng điều động đến đường phố. Hans Illing là một thượng sĩ trong trung đoàn bộ binh tại doanh trại quân đội ven Leipzig. Vào đầu giờ chiều họ biết rằng mình sẽ được lệnh chiếm vị trí tại ga tàu hỏa Leipzig, trực tiếp trên lộ trình của đoàn biểu tình. Công việc của anh là phát vũ khí lấy từ kho. ‘Tôi phát dùi cui cao su, tấm khiêng và nón bảo hộ, rồi phát súng lục cho các sĩ quan – các khẩu Makarov 9 li. Mỗi sĩ quan có ít nhất hai băng đạn. Rồi chỉ huy đến và ra lệnh phát những khẩu Kalashnikov [súng trường tự động] được chất trong các xe tải. Có những cảnh tượng khá u ám xảy ra, những thanh niên trẻ nằm khóc trên giường vì họ biết vợ và cha mẹ của họ đang tham dự biểu tình. Cảm xúc thật không tốt lắm.’ Anh cũng biết mẹ và cha dượng mình chắc chắn cũng đi tuần hành. ‘Tôi gọi điện cho để cảnh báo họ họ đừng nên ra ngoài hôm đó vì rất nguy hiểm, đã nghe có tiếng súng nổ.’
        Hơn 70,000 người biểu tình tụ tập bên ngoài Nikolaikirche vào khỏang 5 giờ chiều ‘và không khí thì rất căng thẳng,’ Aram Radomski, một người biểu tình, nói. ‘Không ai trong chúng tôi hiểu chuyện gì sẽ xảy ra, không biết có nổ súng không. Chúng tôi chỉ biết rằng nếu mình không có mặt ở đó, thì đó là dấu hiệu của sự đầu hàng, chúng tôi không thể làm thế.’
  Tại trụ sở Đảng Leipzig, họ cũng đang chờ chỉ thị từ Berlin. ‘Chúng tôi điện liên tục. Chúng tôi bảo họ về lời kêu gọi của mình và cố thuyết phục các ông trùm nhưng họ không trả lời ngay,’ phó bí thư của Đảng bộ Leipzig nói. ‘Chúng tôi trực tiếp liên lạc được với Egon Krenz. Ông ấy bảo sẽ gọi lại. Vì thế chúng tôi chỉ biết đợi. Nhưng sự việc càng lúc càng khẩn trương. Cuộc tuần hành đi đến nhà ga tàu hỏa, nơi hầu hết lực lượng quân đội đang tập trung, và chúng tôi vẫn chưa nhận được chỉ thị. Cuối cùng Hackenburg ra lệnh rút binh sĩ về và cho cuộc tuần hành đi qua bình yên.’ Cùng lúc đó Tướng Gerhard Stassenburg, cảnh sát trưởng Leipzig, bảo các người của ông cứ để đoàn tuần hành đi mà không ngăn cản, chỉ nổ súng khi tự vệ.
        Egon Krenz liên tục khăng khăng sau đó là mình chính là vị cứu tinh của ngày hôm đó và chính ông ra quyết định cho đoàn biểu tình đi qua. Ông nói Đại sứ Xô viết Kochemasov là người khuyên ông làm thế. Nhưng ông không gọi cho Đảng bộ Leipzig cho đến nửa giờ sau khi ra quyết định không can thiệp. Ông hơi tần ngần khi báo với Hackenburg, nhưng rồi bảo rằng mình đã có một quyết định tuyệt đối đúng đắn và Đảng đã tán thành. Đây là bước ngoặt, khi nhân dân hiểu rằng chế độ đã thiếu ý chí hay sức mạnh để duy trì quyền lực.
Erich Honecker nằm liệt giường thêm một tuần nữa. Các người âm mưu đã mài sắc dao găm, nhưng chính những người biểu tình ở Leipzig đã kết thúc số phận của y. Trong 18 năm chưa bao giờ có ai dám chỉ trích y công khai. Giờ đây trong nội bộ đảng đã có một làn sóng phàn nàn về y phát xuất từ đủ mọi hướng. Hội Nhà văn do nhà nước tổ chức kêu gọi ‘một thay đổi cách mạng’, nhấn mạnh rằng điều đáng sợ ‘không phải là cải cách, mà là sợ cải cách’. Chủ tịch hội viết một thư ngõ kêu gọi giới lãnh đạo phải ‘tự phê bình’. Tờ báo của Đoàn Thanh niên đã tiến một bước lớn khi dám đăng thư ngõ đó. Ông khuyên Honecker hãy đối thoại với phe chống đối. Các chủ tịch thành phố Dresden và Leipzig kêu gọi đối thoại. Nhưng Honecker vẫn không lay chuyển. ‘Mọi thứ sẽ sụp đổ nếu chúng ta chỉ lùi một phân,’ y nói.
        Tại sao các đồng chí của Honecker phải mất quá lâu để chống lại y? Đã từng có những mưu tính nhằm hất cẳng y vào tháng hai trước, nhưng âm mưu thất bại. Nguyên nhân là do Krenz, một ứng viên kế vị tiềm năng, còn chưa dám đoạn tình, vì dù sao Honecker cũng là cha nuôi của ông và một người thầy về mặt chính trị của mình.
        Krenz quyết định chờ cho đến sau lễ mừng sinh nhật lần 40 quá đỗi quan trọng với Honecker. Giờ thì Krenz biết là không thể trì hoãn lâu hơn nữa. Ông không thể trông đợi vào ‘cách giải quyết sinh học’ do cái chết của Honecker mang lại, biết đâu có thể mất nhiều năm. Ông phải hành động ngay. ‘Có rất nhiều việc rủi ro có thể xảy ra,’ Schabowski nói. ‘tại một cuộc biểu tình, có ai đó ném một cục đá, trúng vào một binh sĩ, một binh sĩ khác hoảng sợ, vô ý cướp cò. Thế là vụ nổ súng xảy ra. Nếu việc đó xảy ra tôi nghĩ tất cả chúng ta phải nói lời tạm biệt – họ sẽ xông đến chúng tôi và tất cả chúng tôi sẽ lủng lẳng dưới cành cây.’
        Vào thứ hai 16/10, hầu hết những quan thầy chóp bu của Đảng có mặt ở phòng họp tại trụ sở Đảng đang xem TV Tây Đức truyền hình trực tiếp từ Leipzig, nơi đó lúc này đang có một đám đông ít nhất 120,000 người, không còn sợ hãi bạo lực có thể chống lại mình, đang biểu tình. Đây là một trong hàng chục cuộc biểu tình xảy ra vào chiều tối đó trên các thành phố và thị trấn trên khắp đất nước. Họ hô vang ‘Gorby, Gorby’, ‘Wir sind das Volk’ và – lần đầu tiên Honecker ý thức được điều đó – ‘Đả đảo Bức tường’. Honecker lặp đi lặp lại, ‘Này, phải làm điều gì đó đi chứ.’ Tham mưu Trưởng quân đội, Tướng Fritz Streletz, từ chối thẳng thừng việc mang binh lính của mình ra dẹp đám biểu tình hòa bình. ‘Chúng ta không thể làm gì hết. Chúng ta phải để mọi việc tiến hành yên bình’.
        Giới lãnh đạo mở cuộc họp Đảng vào sáng hôm sau, thứ ba ngày 17/10. Vào sáng sớm, Mielke điện cho sĩ quan Stasi lo về an ninh trong trụ sở Đảng và ra lệnh cho anh ta bảo đảm các nhân viên an ninh trong phòng họp chính phải là những người tin cẩn. Y không muốn Honecker triệu tập bọn cận vệ của mình vào thời điểm vụ ám sát chính trị đang diễn ra. Nhóm âm mưu đã lên kế hoạch đến từng chi tiết. Lúc 10 giờ, khi cuộc họp đã đi vào trật tự, Stoph bắt đầu: ‘Thưa Tổng Bí thư, xin đồng chí cho phép tôi đề nghị một đề mục đầu tiên mới đưa vào nghị trình. Đó là việc thải hồi Erich Honecker khỏi nhiệm vụ trong cương vị Tổng Bí thư, và bầu Egon Krenz thay thế.’
    Honecker không ngờ đến sự kiện này. Y nghĩ mình còn nhiều thời gian. Nhưng y không cho phép gương mặt mình biến sắc. Làm như không có gì xảy ra, y chỉ đơn giản phớt lờ lời đề nghị của Thủ tướng và nói ‘Nào chúng ta hãy tiếp tục với nghị trình.’ Một vài tiếng phản đối cất lên. Rồi y tằng hắng và nói, ‘Thôi được, để mọi người góp ý.’ Trước tiên y gọi các đồng chí lão thành, những người y trông đợi sẽ ủng hộ mình. Nhưng lần lượt từng người trong số họ đều quay ra chống y. Họ đã chịu đựng y nhiều năm rồi. Giờ đây, không có ai lên tiếng ủng hộ y. Khi đến phần bầu cử, tất cả đều nhất trí. Theo hình thức lâu đời của các Đảng Cộng sản, chính y cũng phải thi hành bổn phận của mình là giơ tay lên để bầu chống lại mình. Các bộ trưởng công nghiệp và tuyên truyền cũng bị hất cẳng và Krenz được nhất trí bầu làm Tổng Bí thư.
        Không nói một lời Honecker rời phòng họp và trở lại văn phòng để gọi hai cú điện. Cú gọi đầu tiên là cho Đại sứ Xô viết: ‘Xin chào, đồng chí Honecker đây,’ y nói. ‘Tôi muốn báo ngay với ngài là đã có quyết định loại bỏ tôi khỏi chức vụ. Quyết định là nhất trí.’ Một ít phút sau đó, y gọi cho vợ mình. ‘Vâng, chuyện đó đã xảy ra.’ Y nhặt một số đồ đạc cá nhân và rồi bảo tài xế lái về biệt thự của y ở Wandlitz. Y không bao giờ trở lại trụ sở đó nữa.            
1617    

BỐN MƯƠI BỐN
QUYỀN LỰC CỦA NHÂN DÂN

Đông Berlin, thứ ba, ngày 31 tháng 10 năm 1989
NHÓM NGƯỜI ÂM MƯU LOAI BỎ Erich Honecker khỏi quyền lực tưởng rằng họ sẽ kiếm được lòng biết ơn và kính trọng của nhân dân. Nhưng họ đã sai lầm một cách tồi tệ. Trùm Đảng mới, Egon Krenz, đã nhiều năm nay là người bị căm ghét nhiều thứ hai trong nước. Trong 46 ngày y sống sót trong chức vị, y đạt được danh hiệu là người đến được điểm cao tột. Cuộc biểu tính lớn đầu tiên kêu gọi y từ chức xảy ra vào buổi chiều y thay thế Honecker. Mặc dù giờ đây y ra sức chứng tỏ mình là một nhà cải cách, một người luôn muốn tạo ra những thay đổi cấp tiến ở CHDCĐ, nhưng không ai tin y. Họ nhớ y đã là thái tử ở CHDCĐ nhiều năm rồi, và y cư xử như thật. Họ cũng nhớ y là người mà chỉ vài tháng trước đây đã ca ngợi kết quả bầu cử gian lận rõ ràng như là một minh họa của dân chủ điển hình. Nhiều dân Đông Đức còn nhớ hình ảnh của y ở Bắc Kinh sau vụ tàn sát Thiên An Môn, bắt tay với Đặng Tiểu Bình và ca tụng hành động dứt khoát để dập tắt hỗn loạn.
        Những truyện đùa về y bắt đầu xuất hiện ở Berlin: ‘Hỏi: Có gì khác nhau giữa Krenz và Honecker? Đáp: Krenz còn có túi mật cơ.’ Những tranh biếm họa về y được mang theo trong đoàn biểu tình, nhiều tranh vẽ y là chó sói trong truyện Cô Bé Quàng Khăn Đỏ, với lời chú thích ‘Ôi, Ngoại ơi, sao ngoại có hàm răng to thế.’ Y không được nhân dân chấp nhận. Y không hấp dẫn. Y không biết lựa lời để nói với dân chúng vì y chỉ biết dùng những biệt ngữ của Mác-Lê. Y cho thấy những gì tạo ra con người y trong bài diễn văn đầu tiên trong cương vị lãnh đạo: ‘Chúng tôi không có lợi ích nào khác hơn lợi ích của nhân dân. Chủ nghĩa lạc quan lịch sử của chúng ta là kết quả của sự thấu triệt chân lý chủ nghĩa xã hội do Marx, Engels, Lenin sáng lập nhất định thắng lợi.’ Câu trả lời của dân Đông Đức là kéo nhau xuống đường đông đảo hơn nữa, kêu gọi Krenz về vườn; kêu gọi quyền tự do đi lại và kêu gọi phá đổ Bức tường Berlin. Trong vòng một tuần lễ sau khi y kế vị Honecker hơn một triệu người tham gia hàng loạt các cuộc biểu tình trong các thị trấn và thành phố khắp cả nước.
 Đây là ngày đầu tiên Krenz nghe toàn bộ sự thật về tình hình tài chính thảm họa mà Honecker đã gây ra. Sự thật đã được giấu nhẹm với mọi người trừ vị sa hoàng kinh tế của chế độ, Gunter Mittag, nhà tài chính đánh thuê Alexander Schalck-Golodskowski, trùm mật vụ Stasi Erich Mielke và Trưởng ban Kế hoạch hóa Nhà nước Gerhard Schurer. Giờ thì tất cả giới lãnh đạo đều được biết rõ. Họ bổng rơi vào trạng thái thật thần. Tình trạng phá sản đang nhìn chằm chằm vào tận mặt họ trong vòng ít ngày nữa. Đông Đức không đủ tiền mặt để trả lãi tới hạn từ những khoản vay của nước ngoài và chắc chắn sẽ vỡ nợ. Báo cáo tối mật về Tình Hình Kinh Tế Của CHDCĐ, Với Các Hậu Quả do Schurer soạn thảo, giờ đây tiết lộ những số liệu không đánh bóng của các tài khoản quốc gia. Trước đây Schurer đã từng cố thuyết phục với Honecker suy nghĩ nghiêm túc về khủng hoảng nợ – hoặc chẳng bao lâu chúng ta sẽ không trả được nợ. Nhưng nhà lãnh đạo từ chối đương đầu với nó, nói chưa đúng lúc. Cả Honecker và Mielke đều bảo ông câm miệng về chuyện này. Schurer đã nghe lời im lặng từ đó, giờ đây ông mới nói ra sự thật là đất nước đã không thể trả được nợ.
        Tất cả những tuyên truyền về  sự thành tựu của CHDCĐ đều dựa vào sự dối trá, bản báo cáo nói. Sự thật trần trụi là dưới ‘chủ nghĩa xã hội thực sự tồn tại’, gần 60% cơ sở kỹ nghệ của Đông Đức có thể được coi là mảnh vụn và năng suất trong các nhà máy và quặng mỏ chỉ gần bằng 50% của Tây Đức. Tệ hại nhất, nợ đã tăng gấp 12 lần trong 12 năm qua lên đến 123 tỷ DM và cứ mỗi năm tăng lên khoảng 10 tỷ DM – ‘một con số cao bất thường đối với một xứ như Đông Đức’, Schurer nói. Ông chỉ ra rằng sự dối trá bất hợp pháp về việc dấu nhẹm những sự thật với các chính quyền và ngân hàng phương Tây, lấy những khoan vay ngắn hạn để trả lãi cho các tín dụng dài hạn. Nếu những kế toán tài chính biết được CHDCĐ nói dối trắng trợn về những tài sản của mình, những khoản vay từ phương Tây sẽ ngừng lại ngay lập tức. Giờ thì chắc chắn đã quá trễ để ngừng vay. Schurer nói rằng nếu một số hành động căn cơ nhằm giảm bớt nợ đã được thi hành năm năm trước, tình hình có thể đỡ hơn. Giờ thì sự việc đã đi quá xa. ‘Chỉ để tránh mắc thêm nợ có nghĩa là mức sống của nhân dân năm tới phải giảm từ 25 đến 30 phần trăm.’
        Krenz và các tay khác nhìn trâng trâng vào ông. Cơ may sống còn về mặt chính trị đối với họ thật là mỏng manh. Nó sẽ giảm xuống bằng không nếu một trong những hành động của họ là thông báo thắt lưng buột bụng hơn nữa. Nhưng vấn đề then chốt trước mắt là: làm thế nào đào ra tiền để trả lãi sắp tới? Việc cần kíp tuyệt đối là phải thương thảo với chính quyền CHLBĐ về việc hỗ trợ tài chính từ hai đến ba tỷ Mác dưới hình thức vay ngắn hạn vượt quá giới hạn hiện thời,’ họ được cho biết như thế. Nếu họ không thể kiếm đủ tiền trong vòng hai tuần ‘có thể phải đương đầu gay go với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế’. Khi điều đó xảy ra, tiếng tăm là một con nợ đáng tin cậy của CHDCĐ sẽ tiêu tan. Schurer và các cộng sự của ông nảy ra một ý tưởng táo bạo và vô vọng: họ đề nghị ‘bán’ Bức Tường Berlin và dùng nó để trả giá cho những khoản vay mới. ‘Chúng ta nên đặt hình thức hiện thời đang tồn tại của biên giới lên bàn đám phán,’ báo cáo nói. Đó là phần kéo dài của việc buôn người qua phương Tây, mà chế độ đã làm nhiều năm rồi. Người Tây Đức có thể sẵn sàng hợp tác với chúng ta, Krenz được báo cáo như thế. Sự thống nhất sẽ bị gạt bỏ trong bất kì thỏa thuận nào, hoặc thậm chí hình thức liên bang, nhưng phải có lời hứa hẹn sẽ hợp tác nhiều hơn nữa trên một loạt vấn đề. ‘Để CHLBĐ có thể tin vào thiện ý của CHDCĐ, phải tuyên bố rằng những điều kiện có thể được tạo ra, có thể ngay trong thế kỷ này, sao cho vấn đề biên giới giữa hai nhà nước Đức sẽ trở nên không còn cần thiết.’
        Krenz và các đồng chí chấp thuận ý tưởng đó một cách nhiệt thành và muốn tiếp cận người Tây Đức ngay lập tức. Alexander Schalck-Golodkowski, người đã quen những công việc tế nhị như thế này với CHLBĐ, được cử đến Bonn, với bí mật tuyệt đối, để trao đổi với chính quyền Tây Đức về thỏa thuận nói trên. Thủ tướng Tây Đức Kohl và cố vấn không mấy tin tưởng người Đông Đức nghiêm túc vì thế họ bảo Schalck-Golodkowski rằng, thậm chí trước khi chi tiết của cuộc thương thảo có thể được bắt đầu, Đảng Cộng sản phải bỏ thế độc quyền về  quyền lực, cho phép những đảng phái chính trị độc lập hoạt động và tổ chức bầu cử bảo đảm tự do. Schalck-Golodkowski nói ông không nghĩ việc thương thảo có thể thực hiện trên cơ sở đó, nhưng ông sẽ trở về Berlin để lấy ý kiến từ lãnh đạo Đảng.
        Hôm sau, ngày 1/11, Krenz đến Kremlin để cam kết trung thành với Mikhail Gorbachev. Đây một buổi họp thật gượng gạo. Người Xô viết mong muốn một nhân vật khác kế vị Honecker. Gorbachev không ưa cũng không nể trọng Krenz, người từ lâu như cái bóng của người tiền nhiệm và nổi tiếng là khúm núm và không đáng tin cậy. Nhà lãnh đạo Xô viết, và KGB, thích Bí thư Đảng Tỉnh Dresde, Hans Modrow hơn. Theo tiêu chuẩn CHDCĐ, người đàn ông 51 tuổi, tóc bạch kim, hóm hỉnh và tinh tế này là một nhà cải cách và một nhà điều hành có năng lực. Ông là một số ít viên chức Cộng sản đã công khai bất đồng với Honecker, nên bị y cho ra ‘trấn nhậm’ tỉnh xa. Ông có mối quen biết tốt trong LBXV. Tin tức mà Krenz mang đến Moscow làm Gorbachev vô cùng bối rối. Y bảo với Gorbachev về cuộc khủng hoảng tài chính của CHDCĐ, trong hi vọng nhờ ông cho vay. Nhà lãnh đạo Xô viết im lặng một lúc rồi tuyên bố: ‘Tôi ngạc nhiên thật đấy. Chúng tôi không hiểu tại sao. Những số liệu này có bí mật không? Chúng tôi không hề tưởng tượng rằng sự việc có thể trở nên bi đát như thế. Làm sao mà để tồi tệ như thế hử?’
        Dù vậy Gorbachev khước từ sự trợ giúp khi Krenz trực tiếp khăng khăng xin xỏ. Ông chỉ nói, ’Trong tình hình của Liên xô hiện giờ, chúng tôi không thể giúp gì được.’ Krinz cảnh báo sẽ có rối loạn nếu qui mô biểu tình ở Leipzig khởi phát ở Berlin. Y nói: Phải đưa ra biện pháp để ngăn cản bất cứ toan tính nào của đám đông xông qua Bức Tường. Điều này thật đáng sợ, vì khi đó cảnh sát phải can thiệp và một số biện pháp về tình hình khẩn cấp phải được sử dụng.’ Gorbachev coi những lời này là một thứ tống tiền về chính trị, nên ông bảo với Krenz là y và người của y đừng trông mong gì vào sự cứu giúp quân sự của người Xô viết. ‘Các ông phải tự mình giải quyết bài toán về di cư hàng loạt và về Bức Tường. Nếu các ông không làm việc này sớm sẽ có những hậu quả nghiêm trọng, do nhân dân các ông gây ra.’ Ngay sau khi Krenz ra về, Gorbachev ban hành một chỉ thị nhắc nhở các vị tướng của mình là binh lính Xô viết không được, với bất kỳ tình huống nào, để dính líu vào xung đột giữa chế độ ở Berlin và các công dân Đông Đức.’
        Krenz rời Moscow trắng tay, nhưng nhất quyết không từ nhiệm, hoặc giải thể CHDCĐ. Vào ngày ông ở LBXV, chính quyền mở lại biên giới Đông Đức với Tiệp Khắc, mà Honecker đã đóng ba tuần trước đây trong nỗ lực ngăn cản làn sóng ra đi. Tât nhiên, một số lớn xe Trabant nổ máy hướng về biên giới Tiệp khắc. Chế độ ở Prague không muốn thấy một cuộc khủng hoảng người tị nạn khác trên lãnh thổ mình vì thế họ cho phép họ đi một mạch qua xứ Tiệp đến biên giới giáp với Tây Đức. Hơn 50,000 người rời bỏ Đông Đức theo lộ trình này trong vòng có ba ngày. Bây giờ có đến hai đoạn đứt gãy để xuyên qua Bức màn Sắt, qua Hung và qua Tiệp. Vậy mà Krenz vẫn kiên quyết giữ nguyên Bức Tường. ‘Tôi thấy không có lý do gì phải dẹp Bức Tường đi,’ ông tuyên bố vào đầu tháng 11. ‘Nó là chướng ngại vật chống lại sự lật đổ của phương Tây.’ Y cũng không muốn nhượng bộ về tự do bầu cử hoặc bỏ tư thế độc quyền chính trị của Đảng.
        Ở Ba Lan đã có chính quyền do CĐĐK lãnh đạo được hơn hai tháng nay. Ở Hung, Đảng Cộng sản đã ngừng hoạt động vào cuối tháng 9. Các thành viên chỉ đơn giản nhẹ nhàng phủ quyết sự tồn tại của nó và thành lập một đảng mới là Đảng Xã hội. Thế độc quyền chính trị của nó đã bị loại bỏ, hầu hết tiền bạc và tài sản của nó bị sung công và nó bị cấm hoạt động tại nơi làm việc, nơi trước đây  quyền lực Cộng sản bao trùm. Bằng một thỏa thuận với phe chống đối ở Budapest đạt được sáu tuần trước đó, sẽ có bầu cử dân chủ được tổ chức vào tháng ba năm sau, mà đảng phái cánh hữu sẽ chắc toàn thắng. Vào ngày 23/10, Hungary đã chính thức không còn là nước Cộng hòa của Nhân dân. Nó giờ chỉ đơn giản là Cộng hòa, và trong hiến pháp mới không hề đề cập đến vai trò lãnh đạo đời sống chính trị quốc gia của Đảng Cộng sản. Vậy mà ở Đông Đức chế độ còn tổ chức bầu cử dựa trên nguyên tắc cai trị độc đảng, loại bầu cử mà nghị quyết của Đảng cho rằng là ‘dân chủ nhưng không cho phép mở cửa đến thể chế đa nguyên của bọn tư sản’.
        Ngay cả một số nhà lãnh đạo của Đảng cũng cảm nhận được một thực tế khác xa như họ nghĩ. Những cuộc biểu tình rầm rộ xảy ra trong hầu hết thị trấn hầu như mỗi ngày và rõ ràng không thể đàn áp bằng bạo lực. Giới lãnh đạo Đảng đã mất ý chí tranh đấu cho  quyền lực, và mất sức mạnh để cai trị, nhưng họ còn vang vang một thứ giọng điệu đã lỗi thời. Trong một nghị quyết ra ngày 4 tháng 11, một số nhân vật lãnh đạo Đảng được cử đi gặp phe chống đối được chỉ dẫn phải mang một bộ mặt khác với bộ mặt quen thuộc trước đây nhằm lấy lòng tin cậy của nhân dân. . . Các đồng chí không nên sử dụng những từ ngữ của Đảng, mà tốt hơn nên xuất hiện trong phong thái trầm ngâm và thực tế để lấy lại uy tín của chúng ta.’
        Đảng ‘không được dễ dàng nghe theo Đường phố’, các nhà lãnh đạo ra nghị quyết vào sáng thứ bảy 4/11 như thế. Vậy mà sau đó vào buổi chiều ở quận Alexanderplatz, khoảng 700,000 người Berlin kiểm nghiệm nghị quyết đó. Một biểu ngữ lớn ở giữa quảng trường nổi bật khẩu hiệu ‘Wir Sind Das Volk’ (‘Chúng ta là Nhân dân’). Không khí trên đất nước đã thay đổi, một cách bất ngờ, chỉ trong một ít ngày. Nó lạc quan hơn và vui vẻ hơn, còn giận nhưng không phẫn nộ. ‘Về phần người chống đối,’ Ulride Poppe, một trong số những người tổ chức biểu tình, nói, ‘chúng tôi đã thay đổi. Chúng tôi không còn sẵn sàng tìm kiếm đối thoại. Giờ là sự đương đầu, không bằng bạo lực. . . nhưng chúng tôi đang đặt câu hỏi về quyền uy của họ, câu hỏi ai sẽ có  quyền lực.’
        Đây là cuộc biểu dương phi thường nhất trong tất cả những lần tụ tập của die Wende, ‘Bước Ngoặt’. Lần đầu tiên những nhân vật nổi tiếng trong chế độ xuất hiện trên khán đài với những người sáng lập phong trào chống đối và bất đồng chính kiến. Khi Stefan Heym, nhà văn có sách bị cấm ở Đông Đức trong thập niên qua, xuất hiện và tuyên bố ‘Các bạn thân mến, các công dân thân mến. Hôm nay như thể có ai mở cửa sau từng ấy năm tù động tinh thần,’ ông nhận được một tràng pháo tay nồng nhiệt. Ngay sau đó, Gunter Schabowski, Bí thư Đảng bộ Berlin, cố gắng lấy bình tĩnh và bảo đảm với đám đông là các biện pháp cấp tiến mới đang sắp được thi hành. Y là một nhân vật vui vẻ, sôi nổi, hấp dẫn về nhiều phương diện, có tiếng là nhà cải cách. Nhưng y không phải là gương mặt chấp nhận được của chủ nghĩa cộng sản. Y bị la ó đuổi xuống. Một trong những người biện hộ nổi tiếng nhất của chế độ, nhà văn được nhà nước ca tụng Christa Wolf, chỉ được dân chúng nghe một cách lịch sự, nhưng không mấy nồng ấm.
        Lúc này, trên khắp khối Xô viết, nhiều người Cộng sản với những lý lịch quá khứ đáng ngờ, nhưng vẫn có nhiều tham vọng, vội vã hóa trang là những nhà cải cách ngầm đã từng hoạt động phía sau hậu trường nhằm thay đổi hệ thống. Trường hợp kỳ cục nhất của những nhà dân chủ tái sinh là Markus Wolf, mà cho đến năm ngoái còn là trưởng phòng tình báo đối ngoại của Stasi, ở đó y đã ghi được nhiều chiến tích nổi tiếng và được ca tụng là bậc thầy của ngành nghệ thuật đen điệp báo. Y nghĩ mình có thể sử dụng đám đông cho mưu đồ chính trị của mình và xuất hiện như là một người trong sạch và an toàn từ đống đổ nát mà y biết sẽ nhấn chìm đất nước. Khi y đứng lên phát biểu, đám đông nhìn qua y, như lời y tự bạch: ‘Tôi cố gắng thuyết phục đoàn biểu tình và hàng triệu người đang xem truyền hình đừng dùng đến bạo lực, nhưng khi tôi nói, phản đối thái độ phân biệt xem mọi thành viên của tổ chức an ninh nhà nước là những con dê tế thần cho các chính sách của giới lãnh đạo tiền nhiệm. Tôi mơ hồ nhận ra có những tiếng la ó của đám đông. Họ không có tâm trạng nghe một cựu tướng lãnh của Bộ An ninh Nhà nước  diễn giảng về hành vi hợp lý.
        Mielke vẫn giữ được vị trí cũ của mình – cho phần thưởng trong âm mưu chống Honecker của y. Nhưng hiện giờ, y nghĩ, không có vấn đề cứu nhà nước mà là tự cứu mình. Cơn thịnh nộ chống lại bọn Stasi công khai biểu lộ lần đầu tiên. Mielke đã không còn thuyết phục các đồng chí chiến đấu chống các kẻ đối đầu, mà chỉ cảnh báo giới lãnh đạo là những cuộc biểu tình dữ dội đang tập họp bên ngoài các trụ sở Stasi, và một số trông rất đáng sợ. Y bảo họ: ’Dân chúng hét vang những câu như “Đốt sạch trụ sở”, “Bọn lợn Stasi cút đi”, “Giết chúng đi”, và “Dao đã mài, thòng lọng đã sẵn sàng”.’ Vào ngày 7/11 Mielke gởi các mật lệnh cho các xếp Stasi ở các tỉnh hãy phá hủy các tài liệu nhạy cảm càng nhiều càng tốt. Số tài liệu này thật đồ sộ vì bản tính thích lưu trữ giấy tờ của Mielke. Nhiều chỉ huy chỉ có thể hủy những tài liệu về các đặc vụ trong những vị trí nhạy cảm, nhưng nhiều người phớt lờ lệnh của Mielke, nghĩ rằng giờ là lúc ‘mỗi người vì chính mình”, chứ không phải ‘mỗi người vì mọi người’ như khẩu hiệu láo khoét của bọn Cộng sản. Một số sĩ quan thu giữ tài liệu, biết đâu kiếm chác được về sau.
        Krenz thay đổi toàn bộ nội các của y trong cùng ngày Mielke ra lệnh phá hủy tài liệu. Modrow được phong làm Thủ tướng. Tất cả những nhân vật lãnh đạo chủ chốt, trừ Krenz, đều từ chức vào ngày hôm sau. Vậy mà không có biện pháp nào làm giảm nhiệt sức ép lên chế độ. Như luôn luôn trong Đông Đức, di cư là vấn đề chủ chốt. Krenz đã hứa một sắc luật đi lại mới, nhưng khi được ban hành vào 6/11, nó làm trò cười cho dân chúng. Nó cho phéo dân chúng đi lại 30 ngày một năm, sau khi được cấp phép từ Bộ Nội vụ. Nhưng thủ tục phải mất một tháng, và dân chúng chỉ được mang theo 15 DM một lần mỗi năm, số tiền này đủ ăn một bánh xăng uýt và uống cốc bia ở Tây Đức. Do đó hàng trăm ngàn người trong nước Cộng hòa Biểu tình Đức lại xuống đường lần nữa, ở Leipzig, Berlin và Dresden, hô vang ‘Vòng Quanh Thế Giới trong 30 Ngày – nhưng chi tiền sao đây?’ Krenz hiểu rằng mình phải đưa ra điều gì đó tốt hơn. Y ra lệnh cho bốn viên chức từ Bộ Nội vụ, gồm hai đại tá Stasi, để nghiên cứu qui định thị thực mới hợp lý hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng tới gần. Và y yêu cầu phải khấn cấp. Y cho họ không tới hai ngày.                     
       
BỐN MƯƠI LĂM
BỨC TƯỜNG BỔNG SỤP ĐỔ

Đông Berlin, thứ năm, ngày 9 tháng 11 năm 1989
CHÍNH QUYỀN ĐÔNG ĐỨC BẤT LỰC mở Bức Tường vì lỗi sơ suất. Nó không có ý muốn xảy ra điều đó – ít nhất là hôm nay thì không, và không theo cách thức đã xảy ra. ‘Do một trong những sai lầm hành chính trầm trọng nhất trong lịch sử,’ như cách một nhà ngoại giao hàng đầu đã nói, nhà nước Đông Đức thực sự ngừng tồn tại vào khoảng 10.45 tối. Đó là một buổi sáng cuối thu khá bình thường ở Berlin, trời xám, một ít sương mù, khoảng 10o C, thoang thoảng mùi lưu huỳnh trong không khí do ô nhiễm theo gió đông thổi qua khắp thành phố. Tình hình khủng hoảng ở Đông Đức đã xảy ra nhiều tuần nay, nhưng không có gì hứa hẹn sẽ có một thời điểm quyết định. Chế độ lết bết đi và ứng biến ngày này qua ngày khác. Dân chúng thì nổi dậy liên miên – nhưng trong vòng trật tự. Họ vẫn làm việc của mình trước, mỗi ngày 8 tiếng, và chiều tối về làm cách mạng. Không mất một ngày lao động nào trong thời giandie Wende (Bước ngoặt).
        Đất nước đang xuất huyết con người. Họ đang ra đi về hướng Tiệp Khắc. Nước này vì không thể đương đầu với số lượng người quá đông giờ đang hăm dọa đóng cửa phía biên giới của mình với Đông Đức. Cuộc ra đi của dân Đông Đức tạo kích động cho người Tiệp cũng chống lại các nhà lãnh đạo Stalin-nít của mình. Dân chúng ở Prague và Bratislava đang theo dõi các sự kiện ở Berlin với sự hăm hở và háo hức.
        Những nhân vật chống đối ở CHDCĐ lo âu vì số đông đảo đồng bào mình bỏ đi. Có câu chuyện đùa phổ biến – ‘Ai ra đi cuối cùng, làm ơn tắt đèn nha’ – nhưng giờ đây các dịch vụ cơ bản càng ngày càng căng. Ở Berlin một số trường học phải đóng cửa vì thiếu thầy giáo và học trò. Bệnh viện thì thiếu bác sĩ. Sáng này tờ Neues Deutschland đăng lời kêu gọi khẩn cấp của những tiếng nói ôn hòa của những người bất đồng chính kiến – trong khi thường những người này bị tờ báo Đảng mạt sát là phần tử phản cách mạng nguy hiểm. Họ kêu gọi: ‘Chúng tôi lo âu sâu sắc. Chúng tôi chứng kiến hàng ngàn người lìa bỏ xứ sở mỗi ngày. Chúng tôi biết rằng những chính sách thất bại đã lấy mất lòng tin của cộng đồng. Chúng tôi biết rằng những lời lẽ thật bất lực trước số đông người ra đi, nhưng chúng tôi không có phương cách nào khác trừ những lời lẽ của mình. Các bạn ra đi làm vơi bớt niềm hi vọng của chúng tôi. Chúng tôi xin các bạn hãy ở lại quê hương mình, ở lại với chúng tôi.’
        Các viên chức – kể cả hai nhân viện Stasi – đã làm việc suốt đêm để soạn ra luật đi lại mới mà chế độ hi vọng sẽ là cái van xì hơi. Nó được viết lại vào phút cuối cùng vì bản gốc chỉ đề cập đến những người muốn di cư vĩnh viễn, không đề cập đến những người chỉ xuất cảnh tạm thời để thăm thân nhân ở Tây Đức, hoặc đi du lịch ngắn ngày. Bản nháp cuối cùng không tuyên bố Bức Tường rộng mở. Nó chỉ phát biểu bất kỳ ai có hộ chiếu và thị thực có thể rời đi vĩnh viễn hoặc đi viếng thăm ngắn hạn qua bất kỳ cửa khẩu nào giữa Đông Đức và Tây Berlin hay Tây Đức. Người Đông Đức còn phải làm đơn xin phép được đi tại phòng xuất cảnh, vì thế nó được qui định để bảo đảm có sự kiểm soát của nhà nước. Nó nói rõ ràng là luật mới sẽ có hiệu lực vào thứ sáu 10/11.
        Krenz nhận được bản thảo lần đầu tiên vào sáng thứ năm. Y đọc lướt qua và hình như hài lòng. Y không thấy có điểm nào cho thấy bất kỳ công dân Đông Đức nào cũng có thể đi đến một chốt kiểm soát ở Bức Tường và được phép đi qua. Dân chúng còn phải làm đơn ở cơ quan hành chính để xin phép đi. Y không mê đề xuất này lắm. Nhưng y nghĩ nó có thể giúp kéo dài thời gian, làm giảm nhiệt vấn đề di cư, và ngày hôm sau sẽ có những người xếp hàng trật tự trước phòng xuất cảnh biết ơn ngài Egon Krenz vì đã cho phép họ du lịch qua phương Tây. Y bàn bạc dự luật mới với các lãnh đạo chóp bu của Đảng khoảng lúc 4 giờ chiều tại trụ sở Đảng Cộng sản ở Werderscher Markt. Y bảo rằng người Nga sẽ đồng ý với việc đó – mặc dù y chưa thông báo cho họ chi tiết nào – và y cho rằng đó là việc tốt nhất họ có thể làm trong thời gian cấp bách. ‘Bất cứ điều gì chúng tôi làm trong tình thế này, chúng tôi sẽ phạm sai lầm,’ y nói. Sau này khi y nhớ lại: ‘Tôi đọc dự thảo luật đó từng câu một, đọc rất chậm, đọc dứt khoát để không ai nói là mình không hiểu.’ Tất cả đều nhất trí.
        Khoảng 5.40 chiều Gunter Schabowski bước vào phòng họp của Krenz. Trong hai tuần rưỡi qua từ khi Honecker bị hạ bệ, Schabowski phụ trách họp báo mỗi ngày, đây là một phần trong chính sách gladnost mới vận dụng của CHDCĐ. Y luôn là một người thi hành đáng tin cậy, trôi chảy và nhanh trí. Y đã không có mặt trong buổi họp Đảng nào trong ngày để thông qua qui định đi lại mới, mặc dù y biết có họp về việc đó. Y bảo với Krenz là mình phải đi ngay đến họp báo và hỏi liệu có gì mới cần được thông báo không. Krenz đưa cho y toàn bộ văn bản của nghị định và một thông cáo báo chí về nghị định này. Y nhớ lại. ‘Krenz chỉ tôi xấp giấy này và nói, “Đây, bạn, đây là chuyện sẽ cho chúng ta nhiều lợi ích” . . . Tôi mang nó đi theo, đọc lướt qua nó một lần nữa trong lúc xe chạy đến buổi họp báo và xếp nó vào với các giấy tờ khác.’
        Y đến Trung tâm Báo chí Quốc tế Berlin trên phố Mohrenstrasse ngay trước 6 giờ chiều, mệt nhoài. Y bắt đầu cảm thấy sự căng thẳng của một vài tuần qua, khoảng thời gian y rất ít ngủ, ít ăn và tiêu nhiều adrenaline. Mặc dù đã xuất hiện hàng tá cuộc họp báo, nhưng ông vẫn còn cảm thấy hồi hộp vì có quá nhiều nhà báo phương Tây và camera của truyền hình, báo chí chỉa vào. Cuộc họp báo bắt đầu vào đúng 6 giờ và hầu hết nội dung đều liên quan đến những vấn đề buồn tẻ và thế tục về cải cách hành chính và thay đổi nội các trong chính quyền. Mất gần một giờ trước khi Schabowski đề cập đến qui định đi lại mới và y bắt đầu đọc ra văn bản của nghị định, mà y giải thích ‘sẽ khiến mọi công dân CHDCĐ rời xứ sở qua các cửa khẩu của CHDCĐ’. Tới lúc này, y không biết là một cơn bão tố sắp xảy ra. Y được báo chí yêu cầu làm cho rõ hơn. Y cho cặp kính lên sóng mũi và bắt đầu đọc thông cáo báo chí: ‘Do đó, những chuyến đi riêng tư đến các nước ngoài có thể được xin phép mà không cần xuất trình những yêu cầu về thị thực hiện hành, hoặc chứng minh nhu cầu du lịch hoặc quan hệ thân nhân. Giấy phép đi lại sẽ được cấp trong một thời gian ngắn. . . Các bộ phận có trách nhiệm cấp hộ chiếu và kiểm soát đăng kí của các chính quyền khu vực thuộc Công an Nhân dân được chỉ thị phải cấp thị thực ra đi vĩnh viễn không được chậm trễ’.
        Nội dung vẫn còn không rõ ràng. Nhiều nhà báo tranh nhau tuyên bố là mình chính là người đưa ra câu hỏi quyết định khiến Bức Tường Berlin đứt đoạn. Hầu hết đều nhất trí đó là câu hỏi của Tom Brokaw thuộc đài truyền hình NBC của Mỹ. Giữa tiếng tranh nói ồn ào, anh lên tiếng hỏi ‘Khi nào thì qui định này mới có hiệu lực?’ Tới chỗ này thì Schabowski vã cả mồ hôi và ngờ ngợ. Y lục lọi xấp giấy tờ đặt trước mặt y và rồi xục xạo xấp giấy tờ khác đang cầm trong tay. Sau một vài giây ngập ngừng y trả lời: ‘Theo như tôi biết, đó là, ơ . . . ngay lập tức, không chậm trễ.’ Y không nhớ là qui định sẽ có hiệu lực vào ngày mai. Những học thuyết âm mưu hấp dẫn và đầy màu sắc đã được gợi ý để giải thích lời phát hiểu sai sót của Schabowski: y đã bị CIA mua chuộc, bị các tổ chức truyền thông Tây Đức mua chuộc, bị các phần tử gây rối ở Kremlim mua chuộc. Không ai trong các giới chóp bu của Đảng có thể tin rằng đó chỉ là một hỏng hóc đơn giản,’ một sĩ quan phụ trách soan thảo luật đi lại nói. Và đúng là như thế.
        Ngay sau khi buổi họp báo chấm dứt khoảng 7 giờ tối, Schabowski đồng ý một cuộc phỏng vấn trực tiếp với Brokaw. Y vẫn còn phân vân và ngờ ngợ về qui định mới và trong lúc được phỏng vấn y nhờ người phụ tá đưa cho y bản văn lần nữa. Nhưng y vẫn thông báo như cũ, là nó có hiệu lực ngay lập tức. Brokaw hỏi cụ thể: ‘Thế thì dân chúng có thể đi qua Bức Tường được chứ?’ Schabowski nói, ‘Họ có thể đi qua biên giới.’ Rất nhanh chóng, những do dự và lúng túng của Schabowski được biên tập ngay. Vào 7.30 chiều, các cục tin tức trên khắp thế giới chạy hàng tít về việc mở cửa biên giới ở Berlin nhưng truyền hình Tây Đức lại do dự một cách khó hiểu trong một ít phút đầu tiên. Mục Ngày Nay của ZDF xếp mục những qui định đi lại mới ở Đông Đức vào vị trí thứ sáu. Thế rồi, vào lúc 8 giờ tối, truyền hình ARD của Tây Đức, vốn được cả triệu khán giả phía Đông xem, thông báo rằng ‘đây là giờ phút lịch sử’. Người đưa tin Hans Joachim Friedrichs, được cả hai bên biên giới tin cậy rộng rãi, tuyên bố: ‘CHDCĐ đang mở cửa biên giới. . . Các cổng ở Bức Tường Berlin đã mở.’
Sau khi tin trên vừa loan xong hàng chục người Đông Đức đã chạy đến trạm biên giới chính để xem thực hư thế nào. Đám đông lớn nhất thì có mặt tại Bornholmer Strasse, ở phía bắc thành phố, có thể đi bộ đến được từ một khu vực cư trú lớn. Một số nhà tập thể nhìn qua chốt kiểm soát trong phân khu thuộc Pháp ở Berlin. Chỉ huy lính biên phòng tại chốt kiểm soát, Trung tá Harald Jager, không xem họp báo, chỉ nghe lớt phớt về tin tức. Khi dân chúng tràn đến cổng và yêu cầu cho phép đi qua theo ‘như Schabowski đã nói là chúng tôi được phép’, ông ta điện cho cấp trên để nghe chỉ thị. ‘Tôi bảo họ là không thể qua vì theo qui định phải trình hộ chiếu và thị thực, không có giấy tờ đó họ không thể qua được. Tôi bảo họ trở lại vào ngày hôm sau và một số người nghe lời.’ Nhưng hầu hết đều nán lại và đợi, rồi hét lên ‘Mở cổng, mở cổng. Bức Tường phải đi chỗ khác chơi.’
        Đây không phải là người có ý định di cư. ‘Chúng tôi chỉ muốn xem mình có thể đi qua hay không, xem bên kia họ sống thế nào,’ Rudigger Rosendahl, một nhà nghiên cứu hóa học, sống gần chốt kiểm soát, nói. ‘Dân chúng bảo các lính gác, “Được mà, chúng tôi không đi lâu đâu, chúng tôi chỉ muốn xem Đại lộ Ku’dam thôi, rồi về liền.” Điều kỳ lạ là chúng tôi không sợ. Nhiều chuyện đã thay đổi trong mấy tuần qua. Lần đầu tiên nổi sợ hãi quen thuộc những người mặc quân phục đã không còn. Đúng là điều tuyệt vời khi thấy dân chúng tranh cãi với binh lính và sĩ quan Stasi, yêu cầu được hưởng quyền lợi mà chúng tôi đã được báo là mình có.’
        Sau khoảng nửa tiếng Jager nhận được lệnh lựa ra những người ‘quá khích hơn’ tại chốt kiểm soát, ghi tên chúng và cho chúng qua sau khi đóng dấu đặc biệt lên ảnh. Điều này có nghĩa họ không được phép trở về Đông Đức. Nhà nước thực sự đang rút quốc tịch của họ. Jager tuân lệnh, và cũng cẩn thận cho phép một ít người ‘không quá khích’ đi qua.’ Vào lúc 9.20 tối có khoảng 250 đến 300 người được cho qua, nhưng hàng ngàn người phía sau họ đang xô đẩy cánh cổng, nổi giận vì phải đợi.
        Cách đó 3 km, tại Chốt kiểm soát Charlie, tình hình cũng căng thẳng không kém. Chốt này nằm trong trung tâm thương mại của Berlin. Cách chốt vài mét là trạm xe điện ngầm U-Bahn có nhiều người lui tới. Đây là chốt mở ra phân khu thuộc Mỹ ở Berlin, một trong số ít nơi tại đó binh lính của quân đội Mỹ và Đông Đức có thể nhìn chằm chằm vào mắt nhau. Đại tá Gunter Moll, chỉ huy đội biên phòng tại Chốt Charlie, gọi điện điên cuồng cho cấp trên, nhưng liên tục được bảo hãy chờ lệnh. Tất cả lệnh ông nhận được là lực lượng tăng viện sẽ đến và ông hãy duy trì trật tự.  Vào 9.30 tối có đám đông khoảng 2,000 người chen chúc trong con phố hẹp. ‘Tôi dàn lính tăng viện theo một hàng ngang cố ngăn dân chúng lại,’ Moll nói. Viên chỉ huy người Mỹ, Thiếu tá Bernie Godek, đang nhìn họ từ phía bên kia, tỏ ra rất căng thẳng. Ông nói, ‘Họ xử sự như họ vẫn thường làm. Họ đứng quay lưng về phía vạch màu trắng – chia đôi hai bên – theo một đội hình điển hình, với gương mặt lạnh lùng. Họ hình như không bối rối về những gì diễn ra trước mắt mình. Còn chúng tôi thì cảnh giác vì không hiểu họ định làm gì.’
        Egor Krenz và giới lãnh đạo của y cũng không hiểu gì. Họ hoàn toàn bị bất ngờ. Họ không nghĩ rằng có điều gì họ đã quyết định trong ngày có thể khiến dân chúng rầm rập tiến về biên giới. Krenz lui về, một mình, trong văn phòng của y ở trụ sở Đảng và chờ đợi. Báo cáo đổ về cho biết cả sáu chốt kiểm soát biên giới trong thành phố đều bị bao vây. Y có thể thấy ngay là cố gắng ngăn chận làn sóng người là không thể, nhưng y không ra bất cứ chỉ thị nào. TV Đông Đức vẫn đang liên tục phát những thông báo một cách vô vọng: ‘Theo yêu cầu của nhiều công dân, chúng tôi xin báo cho các bạn rõ về những qui định mới về đi lại . . . những chuyến đi phải được xin phép trước.’ Mọi người đều phớt lờ các thông báo. Dân Berlin trực giác hiểu rằng một điều gì đó phi thường và tuyệt vời sắp xảy ra. ‘Chúng tôi được TV Tây Đức cho biết là bức tường đã bị dẹp bỏ,’ Rosendahl nói, anh đang đứng ở chốt Bornholmer Strasse. ‘Chúng tôi có thể thấy thực tế là không phải vậy, nhưng tôi biết xung lượng của đám đông là không  thể ngăn cản được, và chúng tôi sẽ không phải đợi lâu.’
        Vào lúc 10.30 tối ít nhất 20,000 người ken chật phía sau chốt Bornholmer Strasse. Nhiều người đến nơi bằng ô tô, mà họ bỏ lại bên đường, làm lối vào bị kẹt cứng. Trung tá Jager cho rằng tình hình ‘là bất khả và chúng tôi không thể cứ tiếp tục không làm gì’. Mỗi lần y điện hỏi lệnh, y được bảo hãy chờ. Nhưng tình hình quá khẩn cấp. ‘Tất cả những gì tôi nghĩ là làm sao tránh đổ máu. Có quá nhiều người và chúng tôi không có chỗ di chuyển. Nếu một trận hoảng loạn xảy ra, dân chúng sẽ bị dẫm đạp. Chúng tôi có súng lục. Tôi đã ra chỉ thị không được sử dụng, nhưng điều gì xảy ra nếu có người mất tinh thần? Cho dù bắn một phát chỉ thiên. . . Tôi không thể tưởng tượng nổi việc đó sẽ kích động một phản ứng như thế nào. Tôi bảo với cấp trên là mình không thể giữ được chốt lâu hơn nữa.’ Ông ra lệnh cho hai binh sĩ nâng cổng sơn màu đỏ và trắng lên – và từng làn sóng người ùa qua, trong tiếng vỗ tay rầm rộ. Một giờ sau, tại chốt Charlie, Gunter Moll cũng quyết hành động tương tự – một cách độc lập, vì không có cấp trên nào ra lệnh, tự hỏi không biết mình đứng ở đây làm gì trong suốt hai thập niên qua. Đó là lúc một ánh đèn máy ảnh chớp lên, một trong số hàng ngàn ánh chớp sau đó. Thấy binh lính lo sợ, các chỉ huy lần lượt ra lệnh cho họ rút lui sau Bức Tường.
        Những đám đông lớn cũng đang tụ tập ở bên bờ Tây của Bức Tường, hân hoan chờ đợi với vòng tay mở rộng, hoa và rượu xâm banh để đón chào những đồng bào mới đến từ phía Đông. Tại chốt InvalidenStrasse những đám đông đầu tiên từ Đông đã tay bắt mặt mừng với dân chúng phía Tây đang ùa tới từ phía bên kia tại nơi mà chỉ ít phút trước đây là Vùng Đất Không Người. Vài chục dân Tây Berlin leo lên Bức Tường tại cổng Brandenburg, được xây dựng từ thế kỷ 18 như là một biểu tượng của sự thống nhất Đức, và bắt đầu trêu chọc các lính biên phòng Đông Đức. Sáng sớm hôm đó nếu đứng quá gần Bức Tường như thế họ có thể đã bị bắn. Giờ thì binh lính phớt lờ họ. Vào nửa đêm tất cả sáu chốt kiểm soát đều mở cổng và 12,000 lính biên phòng đã được lệnh trở về doanh trại. Nhân dân đã chiếm lấy  quyền lực và lấy lại quyền sở hữu thành phố. Một nhóm bạn trẻ Đông Đức nhập bọn với thanh niên Tây Đức tại Cổng Brandenburg vào khoảng 12.15 sáng. Họ khiêu vũ cùng nhau trên Bức Tường. Khi cảnh sát Đông Đức chỉa ống phun nước vào họ bắt họ xuống, một người trong cuộc điềm nhiên bung chiếc dù. Đó là một hình ảnh mạnh mẽ đầy kinh ngạc, được truyền đi khắp thế giới qua sóng truyền hình – truyền thông đã đóng một vai trò quyết định trong giờ khắc cách mạng ở Berlin. ‘người Đức chúng ta giờ là những con người hạnh phúc nhất trên thế giới,’ Thị trưởng Berlin dõng dạc tuyên bố. Ông đã nắm bắt được tâm trạng của nhân dân vô cùng chính xác.
  ‘Hầu hết chúng tôi, tôi nghĩ, đều làm cùng một việc,’ Rosendahl nói lúc đó. ‘Ngay khi bước qua biên giới đêm đó, khi bước qua lằn vạch chia cắt màu trắng, chúng tôi ngước nhìn trời và hít một hơi thật sâu. Không khí không có mùi gì khác, nhưng chúng tôi đều biết mọi thứ giờ đây đã khác. Thế rồi chúng tôi quên hết khách sáo, nhận xâm banh của người bạn Tây Đức . . . và quậy tưng bừng.’
Đó là buổi tiệc mừng lớn nhất trên đường phố, nhưng không phải dành cho mọi người. Hầu hết các thủ lĩnh Đảng chui rúc trong các khu cư trú của họ ở Wandlitz vào lúc nửa đêm. Bà vợ Nga của Schabowski, Irina, nhận xét rằng cả 30 căn hộ của họ gần như tắt hết đèn. Tất cả họ hình như đều đang ngủ. Bà mẹ già của cô tỉnh dậy vào nửa đêm, hỏi cô có chuyện gì ồn ào trên TV vậy.
        ‘Họ đã mở cổng biên giới,’ Irina nói với mẹ.
          ‘Vậy có nghĩa là giờ đây chúng ta sẽ có chủ nghĩa tư bản sao?
          ‘Vậng, chắc là vậy.’
          ‘Tốt, trong trường hợp đó, mẹ sẽ ráng sống thêm vài năm nữa để xem mặt mũi nó ra sao.’                                                          
Trong bốn mươi năm người Xô viết đã coi Berlin là tài sản quí giá nhất của đế chế mình. Nó đã tốn bao nhiêu xương máu trong Thế chiến II mới chiếm được, và nó sừng sững là một biểu tượng vững chắc của  quyền lực Xô viết. Nó là cốt lõi đối với các lợi ích chiến lược của người Xô viết. Không có gì quan trọng xảy ra ở Đông Đức mà LBXV không biết trước – và tán thành. Vậy mà Berlin không chiếm vị trí hàng đầu trong tâm trí của bất kỳ nhà lãnh đạo chóp bu nào ở Moscow vào ngày Đông Đức trượt ra một cách yên bình khỏi quỹ đạo Xô viết. Gorbachev không hay tin là Bức Tường đã thất thủ cho đến khi ông tỉnh giấc vào sáng hôm sau. Thật kinh ngạc, không có ai nghĩ đến việc báo tin cho ông sớm hơn. KGB có một trong những trụ sở lớn nhất của họ ở Berlin, nhưng không ai ở đó báo về Trung tâm Moscow là vào cuối ngày Moscow sẽ mất quyền kiểm soát Berlin. Vào buổi chiều, các nhà lãnh đạo sừng sõ nhất gặp nhau trong căn phòng ốp gỗ óc chó trong phiên họp thường lệ của giới lãnh đạo. Thậm chí Đông Đức còn không được bàn tới. Họ bàn về những thay đổi có thể trong hiến pháp Xô viết, những biện pháp phải đối phó với chủ nghĩa ly khai của Lithuania và một loạt các hạng mục nhỏ sẽ sớm được thảo luận tại Quốc hội Đại biểu Nhân dân.
        Các phụ tá của Krenz bảo với Đại sứ Xô viết Kochemanov về chương trình để người Đông Đức được đi trực tiếp đến Tây Đức, hơn là đi qua Hung hoặc Tiệp. Đại sứ báo về cho Bộ Ngoại giao Xô viết, và họ không chống đối. Nhưng Đại sứ quán không biết gì về kế hoạch cho người Đông Đức qua lại ngang qua Bức Tường. Điều đó quá nhạy cảm, Kochemanov nghĩ, thế nào chính quyền Xô viết cũng chắc chắn biết về đề xuất ấy. Nó ảnh hưởng đến vị thế của bốn cường quốc ở Berlin, theo đó, ít nhất về mặt lý thuyết, Berlin vẫn còn được phân chia cho Xô viết và bốn đồng minh phương Tây. Kochemanov cho rằng vấn đề đã được bàn thảo với Krenz và Gorbachev khi họ gặp nhau vào tuần trước, mà Đại sứ quán không hề biết, hoặc giữa hai nhà lãnh đạo qua đường dây trực tiếp giữa trụ sở Đảng ở Berlin và Kremlin. Dù sao thì ông cũng muốn kiểm tra lại.
        Sau buổi họp báo của Schabowski, ông cố điện cho Gorbachev lẫn Shevardnadze để thảo luận về tình hình Berlin. Nhưng ông đều được trả lời là cả hai quá bận không thể trả lời. Ông chỉ biết nhìn các sự kiện diễn tiến trên TV. Theo tùy viên Đại sứ, vào khoảng 5 giờ sáng giờ Berlin (7 giờ sáng ở Moscow) Đại sứ quán nhận được một cú điện từ một viên chức ở Bộ Ngoại giao Xô viết ở Moscow, giọng nói hoảng loạn. ‘Chuyện gì đang xảy ra ở Bức Tường vậy?’ Viên sĩ quan chính trị ở Sứ quán nói họ nghĩ là Moscow đã biết hết chuyện đó. ‘Nhưng tất cả chuyện này có được sự đồng ý của chúng tôi không? viên chức từ Bộ Ngoại giao hỏi. Vậy là rõ trong cái ngày đầy những sai sót và rủi ro ở Berlin, không ai đã thông tin cho người Xô viết. Lúc 6.15 sáng Đại sứ Kochemanov nhận một cú điện từ một viên chức của Bộ Ngoại giao Đông Đức, báo, ‘Quyết định đêm qua là do áp lực lên chúng tôi. Nếu trì hoãn có thể gây ra những hậu quả cực kỳ hiểm nghèo.’
  Khi Gorbachev được báo tin vào sáng hôm sau, ông tỉnh bơ một cách đáng kinh ngạc, một phụ tá của ông nói. Berlin không còn là tiền tuyến trong trí ông, nhưng ông không ngờ Bức Tường đã sụp đổ, chắc chắn theo phương thức kịch tính như vậy. Ông bảo Krenz, ‘Các ông đã quyết định đúng vì làm sao các ông có thể nổ súng vào một người Đức vượt qua biên giới để gặp gỡ một người Đức khác. . . chính sách phải thay đổi thôi.’ Lúc gần trưa, dù vậy ông trở nên quan ngại hơn. Ông không muốn thấy một nước Đức thống nhất. Ông nghĩ dân chúng ông sẽ không muốn chấp nhận điều đó và sẽ gây sức ép cho ông bắt ông dừng việc đó lại. Ông đã thường nói một nước Đức thống nhất không chắc sẽ xảy ra trong vài thập niên nữa. Ông đã nói với Willy Brandt, cựu Thủ tướng Tây Đức, và Thị trưởng Berlin của những năm 1950, như thế trong cuộc trao đổi riêng tư chỉ cách đây vài tuần. Ông cũng phát biểu tương tự trong một bài diễn văn vào tháng trước. Giờ thì chuyện này lại xảy ra, quá đặc biệt, quá sớm. Vào giữa trưa ông gởi một công hàm đến Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl cảnh báo ông ‘không được làm tính hình ở Đức mất ổn định’. Và ông cũng gởi một công điện tối mật đến Bush, Thatcher và Mitterand: ‘Nếu từ CHLBĐ có những phát biểu cố tình bác bỏ những thực tế hậu chiến, về sự tồn tại của hai nhà nước Đức, sự xuất hiện của chủ nghĩa cực đoan chính trị như thế không thể được coi là gì khác hơn là những mưu toan nhằm làm mất ổn định của CHDCĐ và lật đổ tiến trình dân chủ hóa không chỉ ở Trung Âu mà còn những nơi khác trên thế giới.’ Hai người nhận công điện nhất trí với ông – Margaret Thatcher và Tổng thống Pháp. Nhưng những cố vấn của Gorbachev, ngay sáng hôm đó, đã nói với ông nếu người Đức muốn thống nhất, người Xô viết cũng không thể làm gì được, trừ chiến tranh, để lật ngược tình thế đang diễn tiến.
        Phản ứng của Tổng thống Bush ngày hôm trước đối với sự kiện chấn động ở Berlin làm sửng sốt người Mỹ. Không bao giờ là một nhà hùng biện hay có tài sử dụng từ ngữ, ông thể hiện một lối trình diện nhạt nhẽo không tương xứng với tình thế. Nhiều năm, các người tiền nhiệm của ông đã tìm những lời phấn chấn, cao cả dành cho sự kiện vĩ đại, biến đổi thế giới này. Giờ khi điều đó xảy ra, Bush, nhà lãnh đạo của Thế giới Tự do, không nói gì để cổ vũ, hoặc thậm chí tỏ ra vui mừng. Khi được phóng viên hỏi, ‘Ngài có tưởng tượng được một diễn tiến như thể xảy ra không?’ Bush đáp: ‘Tôi không tiên liệu được việc ấy, nhưng tưởng tượng ư? Vâng có.’ Khi được hỏi sao không thấy ngài hớn hở, ông trả lời: ‘Tôi không phải là loại người đa cảm. . . Tôi rất vui.’ Bush hiểu rằng mình đã bỏ qua một cơ hội, nhưng sau đó ông giải thích là ưu tiên của ông là không phản ứng thái quá hoặc huyênh hoang chiến thắng, vì sợ có thể khiêu khích một phản ứng từ LBXV. ‘Việc ngu ngốc nhất mà một Tổng thống có thể làm là bay qua bên ấy, nhảy nhót dưới Bức Tường, và chọc ngón tay vào mắt người Xô viết. Ai biết họ sẽ phản ứng ra sao?’
        Bush thổ lộ với các cố vấn của mình là chỉ khi ông xem Bức Tường thất thủ trên TV ông mới nhận ra là người Xô viết thực lòng muốn buông bỏ đế chế của mình. Nếu họ để mặc những người Cộng sản thất thủ ở Đông Đức, thì đúng là họ thực sự thành tâm.’
        Helmut Kohl đang ở Warsaw khi Bức Tường Berlin thất thủ. Sáng sớm ngày đó ông đã có cuộc trao đổi với Thủ tướng Ba Lan, Tadeusz Mazowiecki và riêng với Lech Walesa. Thủ tướng đồng ý với Walesa về mọi vấn đề trừ vấn đề Berlin. Walesa nói, ‘Ngài biết đấy, Bức Tường sẽ sớm đổ xuống thôi. Tôi không biết khi nào, nhưng theo tôi sẽ không lâu đâu, có thể vài tuần tới.’ Kohl cười lớn rung động cả cái bụng quá khổ của ông và đáp lại,’ Làm gì có, tôi thực sự không nghĩ thế. Ông còn trẻ nên có vài điều ông không biết được đâu. Có những tiến trình lịch sử cứ kéo dài rất lâu và chuyện này chắc sẽ mất nhiều năm.’ Chiều hôm đó, Kohl rút ngắn chuyến đi – ‘Tôi đến dự sai buổi tiệc rồi,’ ông châm biếm – và đi thẳng qua Bonn đến Berlin, tại đó những cuộc vui chỉ mới bắt đầu. 
18192021

BỐN MƯƠI SÁU
CÚ ĐẢO CHÍNH

Sofia, thứ sáu, ngày 10 tháng 11 năm 1989
CHUYỆN XẢY RA VÀO BUỔI SÁNG của đêm hôm trước. Trong khi phần còn lại của thế giới dõi mắt theo diễn biến ở Berlin, tin tức loan truyền là nhà độc tài Bulgaria trong ba chục năm đã bị loại bỏ trong một cú đảo chính chỉn chu. Không phải  quyền lực trên đường phố của nhân dân đã lật đổ Todor Zhivkov, như trong Berlin. Y không chịu trút bỏ quyền lực qua thương thỏa, như các người Cộng sản khác đã làm ở Ba Lan và Hungary. Y đánh mất ngai vàng của mình trong một vụ đảo chính cung đình do một nhóm nhỏ các đồng chí cao cấp nhất của mình thực hiện. Một nịnh thần của y trước đây, cũng tham gia vào âm mưu chống lại y, nói rằng Zhivkov có bản năng của ‘một con trăn rừng biết trước được hiểm nguy’. Nhưng nhà độc tài đang thối rữa ở Sofia không xem âm mưu chống lại mình là nghiêm trọng, nên không làm gì để phá vỡ nó. Cuối cùng y riu ríu ra đi, mà sợ không toàn mạng. Rất thích hợp, định chế Cộng sản cỗ lỗ và mục nát ở Sofia đã ngã đỗ hai giờ trước khi Bức Tường Berlin thất thủ. Cả hai đều yếu ớt hơn so với vẻ bề ngoài của chúng.
        Sức ép từ bên ngoài nấc thang cao tột trong chế độ đã đóng một vai trò trong việc Zhivkov rơi đài, nhưng chỉ là vai trò phụ. Bọn cai tri bị chia rẽ trong việc tìm cách đối phó với các nhóm chống đối, càng ngày càng mạnh thêm lên, mặc dù họ chỉ gây khó chịu cho Zhivkov, chứ chưa phải là một lực lượng chống lại y. Các nhà đấu tranh cho quyền dân sự bắt được cơ hội để quảng bá tối đa khi một cuộc Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở Âu châu (CSSE) họp thưởng đỉnh về môi trường được tổ chức ở Sofia trong hai tuần, bắt đầu vào ngày 16/10. ‘Chúng tôi thấy đây là một cơ hội lớn để truyền bá rộng rãi,’ Krassen Stanchev, một trong những nhà sáng lập Ecogladnost (Công khai Sinh thái), nói. ‘Ở đó sẽ có những nhà chính trị nước ngoài, những viên chức và nhà báo mà cảnh sát và an ninh không thể đuổi không cho chúng tôi gặp các phái đoàn này. Chúng tôi còn tranh đấu cho môi trường, như dự án đập thủy điện và Tu viện Rila. Nhưng đó chỉ là cớ, hoạt động chính của chúng tôi là chống chế độ nói chung và ai cũng biết việc đó.’
        Lần đầu tiên Ecogladnost được cho phép họp báo với các nhà báo trong nước và phương Tây. Nó được cho phép mít tinh, mặc dù số người tham dự rất thưa thớt. Họ tổ chức biểu tình chống lại mức độ ô nhiễm kinh khủng tại Biển Đen và cho phép chiếu phim Hơi thở. Tại một địa điểm phổ biến ở trung tâm thành phố, Vườn Pha lê, họ được phép đặt bàn thu thập chữ ký cho một thư thỉnh nguyện về môi trường. Trong 12 ngày họ bị cơ quan an ninh theo dõi cẩn thận nhưng vẫn để yên. Rồi, vào thứ năm 26/10, Zhivkov mất kiên nhẩn. Các sĩ quan mật vụ Sigurnost bảo các nhà hoạt động Ecogladnost và người ủng hộ chuyển xuống một địa điểm ở vùng ngoại ô. Họ từ chối. Sau giữa trưa một chút các dân quân mặc quân phục và các mật vụ trấn áp cuộc biểu tình một cách dã man, đánh đập họ và bắt đi 40 thành viên trước mắt các nhà ngoại giao Mỹ và Pháp, các phái đoàn dự họp, và nhà báo nước ngoài. Sau đó họ bao vây và tấn công khoảng ba chục nhà hoạt động chống đối khác, chở họ ra xa thành phố và bỏ cho họ lội bộ về Sofia. Một phụ nữ bị thương nặng ở bụng. Hầu hết họ đều bị kêu án nhẹ, nhưng có một người bị ghép tội gián điệp, đối mặt với án tử hình. Mức độ bạo lực này chưa hề thấy ở Sofia hàng chục năm nay và gây sốc cho các công dân đã quen phục tùng và lãnh đạm, nhưng không quen với cảnh đổ máu trên đường phố.
        Phản ứng từ các quan chức nước ngoài tại cuộc hội thảo có thể lường trước được và rất nhanh chóng. Mỗi chính phủ có mặt tại hội nghị – kể cả LBXV – đều lên án. Các phái đoàn hăm dọa tẩy chai hội nghị. Zhivkov bất ngờ trước sự phản đối của quốc tế, đe dọa cô lập Bulgaria. Ngày hôm sau bộ trưởng Môi trường Nikolai Dyugerov buộc lòng phải khúm núm xin lỗi công khai, thú nhận rằng lực lượng an ninh ‘đã bước qua giới hạn cho phép’. Nhưng tổn thất đã xảy ra. Chưa từng có tiền lệ khi có tiếng xì xầm trong các hàng ngũ của Đảng cho rằng đã đến lúc Zhivkov phải ra đi. Tại một viện nghiên cứu mà thành viên toàn bộ là người của Đảng, những đảng viên đệ trình một nghị quyết yêu cầu y từ chức – một sự xúc phạm không được phép nếu đưa ra vài tuần trước. Cơ quan an ninh không làm gì, một dấu hiệu chắc chắn về sự suy yếu từ người chóp bu.
        Nhưng người âm mưu nhận thấy đây là lúc để hành động. Người năng nổ nhất trong bọn là Bộ trưởng Tài chính, Andrei Lukanov, một người 51 tuổi, tóc bạch kim, sắc sảo, thành thạo bảy thứ tiếng và nhiều năm liền rất được Zhivkov ưa thích vì tài tâng bốc của y. Sinh ra tại LBXV, y luồn lách lên bậc thang  quyền lực ở Sofia phần lớn nhờ tài nịnh hót lên mây nhưng cũng nhờ mối quan hệ mạnh mẽ với Kremlin. Lukanov là người lên kế hoạch chính trong âm mưu, nhưng người kế thừa Zhivkov được nhất trí là Peter Mladenov, một nhà kỹ trị ôn hòa 53 tuổi, được yêu quí trong Đảng, với nước sơn bóng là nhà cải cách. Ông đã từng là Ngoại trưởng Bulgaria gần 20 năm, nên có thể là một bộ mặt đáng tin cậy để chường ra thế giới. Thủ tướng Georgi Atanasov thì hình như chỉ là cái bóng của Zhivkov, một người cạo giấy có năng lực trung bình và tham vọng thì không trung bình. Vai chính, dù vậy, là Bộ trưởng Quốc phòng đã hơn 28 năm, Dobri Dzhurov, có nhiệm vụ bảo đảm Zhivkov không có khả năng phản kích. Là một bầy tôi lâu năm, một bạn nhậu của Zhivkov, lão già 73 tuổi cộc cằn, thô lỗ này là một trong số ít người mà tên độc tài thấy có thể tin cậy được. Tất cả kẻ âm mưu đều cho rằng cách duy nhất để họ duy trì được địa vị của mình là loại bỏ Zhivkov, như người Cộng sản Hung đã loại bỏ Kadar, và Đông Đức loại bỏ Honecker. Nhưng họ có một lý do cá nhân khác. Họ tin chắc là tên độc tài dự tính chỉ định người kế vị y là con trai y Vladimir, bốn mươi tuổi, mà y đã đề bạt cho gã mau chóng leo lên bậc thang quyền lực trong mấy năm qua. Zhivkov đã ‘tút’ cho đứa con gái hấp dẫn và tươi tắn của mình Ludmilla để chuẩn bị nắm chức vụ cao, nhưng cô ta đã đột ngột qua đời vào năm 1981 ở tuổi 39 trong trường hợp rất bí ẩn và từ đó mọi hi vọng của y đổ dồn cho đứa con trai, mà theo Atanasov nói, ’tất cả bọn tôi đều xem y là kẻ ngốc ngếch’. Sự đố kỵ và tham vọng là động lực cho cuộc âm mưu.
        Bộ tứ đã bày mưu ngay từ lúc Zhivkov mở chiến dịch tống khứ người Thổ vào tháng 5. Họ rất thận trọng. Họ không dám gặp mặt công khai vì các do thám riêng của Zhivkov luôn rất nghi ngờ. ‘Chúng tôi sống như trong trại giam, được giám sát chặt chẽ,’ Lukanov nói. ‘Ai cũng biết mọi điều chúng tôi nói đều bị nghe lén, vì thế trong phòng chúng tôi chỉ bàn về công việc. Muốn trao đổi riêng chúng tôi viết lên giấy cho nhau đọc. Tất nhiên chúng tôi không thể điện thoại với nhau được. Chúng tôi không dám tin ai khác cả.’ Họ phải sắp xếp cuộc họp ở ngoài đường, nơi họ chắc chắn là không bị nghe lén. Chính đó là nơi mà Dzhurov cuối cùng đồng ý tham gia vào âm mưu – trên một vỉa hè.
        Lukanov và Mladenov cho rằng họ cần sự chuẩn y của Moscow trước khi tiến hành. Tại hội nghị thượng đỉnh khối Warsaw tổ chức ở Bucharest vào ngày 7/7, Mladenov đã đích thân thông báo với Gorbachev về ý định của họ. Trong giờ giải lao, y cầm một cuốn sách mà Gorbachev là tác giả bước đến bên ông để xin chữ ký. Mladenov kể lại: ‘Rồi Gorbachev chev nói, “Tôi có chuyện muốn nói với ông.” Chúng tôi bước đến một góc nơi không có ai khác. Tôi bảo ông chúng tôi dự tính thực hiện sự thay đổi này và ông ấy nói, “Đó hoàn toàn là việc của các ông. Các ông phải tự tìm cách giải quyết thôi.” Chắc hẳn Zhivkov biết được những gì chúng tôi đang làm. Ông ta có linh tính rất mạnh. Nhưng không có chứng cứ gì.’
        Hành động cuối cùng bắt đầu vào ngày 24/10, khi Mladenov bất ngờ tuyên bố từ chức Ngoại trưởng. Zhivkov rất lấy làm quan ngại. Y cố thuyết phục Mladenov ở lại nhưng lần này y đã hết duyên. Mladenov gởi một bức thư cho tất cả lãnh đạo cao cấp trong Đảng, biết rằng thư sẽ rò rỉ ra khắp Sofia. Đó là một cáo trạng hủy diệt sự lãnh đạo và nhân cách của Zhivkov. Ông viết:
Todor Zhivkov đã dẫn dắt đất nước chúng ta rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị, tài chính và kinh tế sâu rộng. Ông ta biết rằng nghị trình chính trị của mình, bao gồm những mưu tính nhỏ nhen và xảo quyệt nhằm duy trì quyền lực cho mình và gia đình mình bằng mọi giá và càng lâu dài càng tốt, đã thành công trong việc cô lập Bulgaria với phần còn lại của thế giới. Thậm chí chúng ta đi tới chỗ xa lạ với LBXV, và chúng ta tự thấy mình nằm trong cùng một máng ăn của lợn như chế độ độc tài của Ceausescu. Zhivkov đã đẩy Bulgaria ra khỏi dòng chảy của thời đại. Các bạn có nghĩ làm Ngoại trưởng của một nhà nước, cầm đầu bởi một lãnh đạo như thế có dễ không? Thế giới đã thay đổi và nếu Bulgaria muốn hòa điệu với phần còn lại của thế giới, nó phải vận hành những vấn đề của nó theo cách hiện đại. Như tất cả các bạn, tôi nghĩ mình đã có được một bức tranh hiện thực về phẩm chất đạo đức của Todor Zhivkov. Tôi biết ông ta sẽ không dừng lại một việc gì, thậm chí những tội ác ghê tỡm nhất, khi những gì y cho là thiêng liêng nhất –  quyền lực của y – bị đụng chạm. Thậm chí tôi không loại trừ việc y sẽ ra sức trừng phạt thể xác tôi và gia đình tôi.
 Mladenov đã thận trọng gởi một bản sao của bức thư đến Gorbachev ‘vì tôi muốn có một ghi chép cho lịch sử nếu có điều gì xảy ra với chúng tôi,’ y nói. Zhivkov muốn biết chắc chắn được LBXV bảo đảm ủng hộ nên vào ngày 31/10 y gởi một công điện cho Gorbachev yêu cầu một buổi họp khẩn cấp tại Moscow. Gorbachev từ chối, nói mình quá bận nên không thể gặp được và mình ‘đứng trung lập’ trong việc nội bộ ở Sofia. Đó hoàn toàn là việc của người Bulgary.
           Zhivkov uống nhiều hơn bình thường và không ngủ được ngon. Trong cả cuộc đời của mình y lúc nào cũng tráng kiện, nhưng giờ đây đã bắt đầu già yếu. Nhưng y vẫn chưa bỏ cuộc. Y gặp Dzhurov khoảng mười giờ sáng thứ tư ngày 8/11, và chỉ nhận được một cú nốc ao. Người bạn già của y bảo y rằng đã đến lúc y phải bước xuống và có đủ thành viên chóp bu trong Đảng để bầu truất phế y nếu y không từ chức. Nhưng y vẫn câu giờ, hi vọng mình có thể tổ chức một cú phản đảo chính chống lại bọn âm mưu. ‘Khi cách đây một năm tôi muốn thôi làm và hỏi những người khác liệu tôi có nên từ chức không thì họ đều nói Không,’ y nói. ‘Giờ thì các anh đều nói Có. Chuyện gì đã xảy ra trong một năm thế? Tôi đã sẵn sàng từ chức. Tôi sẽ đi thôi, nhưng chưa. Tôi cần làm một số việc trước đã.’  Nhưng những người âm mưu biết rằng ‘bây giờ hoặc không bao giờ’, theo lời Lukanov. ‘Chúng ta không thể chịu được một sự trì hoãn. Nếu bạn cho Zhivkov một tuần mọi việc có thể tiêu tùng, và chúng tôi cũng tiêu tùng.’
        Đêm đó Zhivkov cố vơ vét các lực lượng yểm trợ, nhưng không được gì. Dzhurov đã hoàn toàn kiểm soát quân đội. Các nhà lãnh đạo lực lượng dân quân và thậm chí lực lượng mật vụ Sigurnost, từng nhiều chục năm trung thành với Zhivkov, cũng trả lời không thể hỗ trợ y. Giới lãnh đạo họp tại trụ sở Đảng ở trung tâm Sofia vào 5 giờ chiều ngày 9/11. Nhóm âm mưu cho y cơ hội cuối cùng để từ chức. Trước đó vào lúc 4 giờ chiều, Dzhunov bảo với nhà lãnh đạo là các đơn vị quân đội trung thành với Bộ Quốc phòng đang bảo vệ lối ra vào trụ sở và cảnh báo y nếu y tiếp tục kháng cự và không chịu tình nguyện từ chức, sẽ có nghị quyết không chỉ loại bỏ y mà còn hành hình y. Y cuối cùng nhượng bộ, gương mặt ràn rụa nước mắt. Một giờ sau y ngồi ghế chủ tịch trong buổi họp Đảng Bulgaria lần cuối cùng. Y nói mình đã già và bệnh hoạn và chỉ muốn từ nhiệm. Y từ chức, nhưng cũng cố chơi lá bài cuối. Y tiến cử Atanasov thay thế mình, nhưng y cũng thua. Atanasov từ khước và đề cử Mladenov.
        Chế độ độc tài của Zhivkov đã qua. Nhưng những người Cộng sản vẫn ra sức giữ thế độc quyền về  quyền lực của họ. Mladenov cho thấy rõ là mình dự định ở lại chức vụ, cũng như tất cả thủ lĩnh Đảng khác. Hình như những người hưởng lợi chính từ cuộc đảo chính chính là những kẻ âm mưu loại bỏ Zhivkov. Dân chúng Bulgaria cảm thấy mình bị lừa gạt. Họ đã xem TV Xô viết và nhìn thấy những đám đông trên đường phố Berlin. Một làn sóng phản kháng quét qua khắp đất nước trên một qui mô chưa từng thấy trước đây. ‘Cuộc đảo chánh đã hoạt động giúp họ,’ Stefan Tafrov nói. Ông là một phát ngôn viên của Liên hiệp các Lực lượng Dân chủ vừa vội vã thành lập, và sau này là Đại sứ tại Anh và Pháp. Những cuộc biểu tình rầm rộ trong ba tuần sau đó buộc Mladenov – như các người Đông Đức trước y – phải nhượng bộ, bắt đầu những thương thảo nghiêm túc với phe chống đối và bằng lòng mở các cuộc bầu cử dân chủ vào mùa xuân năm sau.     
                                                  
BỐN MƯƠI BẢY
CUỘC CÁCH MẠNG NHUNG

Prague, thứ sáu, ngày 17 tháng 11 năm 1989
CHÍNH RITA KLIMOVA là người đã chế ra cụm từ ‘Cách mạng Nhung’. Một phụ nữ nhỏ nhắn, tóc nâu, một thời là giảng viên chính trị tại Đại học Charles cổ kính ở Prague, bà là người phát ngôn vô cùng uyên bác của phe chống đối, đã xô đẩy những người Cộng sản ra khỏi quyền lực ở Tiệp Khắc. Klimova nói tiếng Anh không chê vào đâu được, nhưng với giọng Manhattan. Bà đã từng đi học ở New York khi cha bà, nhà văn cánh tả Batya Bat, trốn chạy khỏi bọn Phát xít vào năm 1938, khi cô còn bé. Gia đình trở về Prague ngay sau chiến tranh. Chuyện đời bà hơi điển hình đối với một người Tiệp bất đồng chính kiến của thập niên 1980. Bà từng là một đảng viên tin tưởng, như chồng bà Zdenek Mlynar, người đã từng ở chung phòng và là bạn thân với Gorbachev tại Đại học Quốc gia Moscow trong thập niên 1950. Ông thì lên cao trong hàng ngũ đảng, còn bà thì trong lãnh vực học thuật, cho đến khi Mủa Xuân Prague bị đè bẹp. Cả hai sau đó mất việc – và mất cả niềm tin vào chủ nghĩa cộng sản. Trong những năm tháng ‘chuẩn hóa’ kham khổ bà kiếm sống bằng nghề phiên dịch, trở thành thành viên tích cực của Hiến chương 77 và là bạn chí cốt của Vaclav Havel.
        Như Klimova thường nói, chính sự vui tươi là đặc tính của Cách mạng Nhung và khiến nó khác biệt với những cách mạng khác ở Trung Âu vào mùa hè và mùa thu 1989. Đánh bại người Cộng sản là một vấn đề nghiêm túc. Không ai nghi ngờ về điều đó. Nhưng ở Tiệp Khắc nó được tiến hành bằng âm nhạc, dí dỏm, khô hài, cười đùa và một ít tính ngông. Nó phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc. Như một nhà quan sát sắc sảo về Trung Âu, Timothy Garton Ash, đã chỉ ra, ‘Ở Ba Lan phải mất 10 năm, ở Đông Đức 10 tuần, còn ở Tiệp Khắc chỉ mất 10 ngày.’ Khoảng một tháng trước, vào giữa tháng 10, nhà lãnh đạo Đảng, Milos Jakes, trấn an với các đầu sõ đồng chí Cộng sản là ‘chúng ta sẽ OK, chừng nào nền kinh tế đi lên, và trên kệ có thực phẩm.’ Y đang tự dối lòng. Như các đồng bọn ở Berlin và Leipzig, vào lúc mà Jakes và các đồng chí mình ở Lâu đài Prague vỡ lẽ được điều gì đang xảy ra với họ thì đã quá trễ để có thể làm bất cứ việc gì.
        Trong một tuần sau khi Bức Tường thất thủ ở thủ đô Tiệp không khí rất nặng nề. Mọi người đã nhìn bức hình chụp ở Cổng Brandenburg, chỉ cách đây 200 km. Cộng sản ở Đông Đức đã sụp đổ. Đảng đã bị đánh bại và giờ đây đang thương thuyết các chi tiết đầu hàng. Các đồng chí ở Prague còn mơ tưởng mình còn có thể bám trụ, ‘căn bệnh truyền nhiễm’ đó sẽ không lây lan. Họ không tìm cách thương thảo với phe chống đối. Ngược lại, họ đặt cảnh sát dẹp bạo loạn và bọn StB ở mức báo động cao. Những cuộc tuần tra 24 giờ đến các địa điểm gây rối quen thuộc trong trung tâm thành phố được tăng cường. ‘Chúng tôi đang sống trong một vùng đất khác với phần còn lại của thế giới, trong quả bong bóng của riêng chúng ta,’ một đồng chí già nói. Y thú nhận rằng mình không thấy chuyện gì sắp sửa xảy ra, dù mọi chứng cứ sờ sờ trước mắt y.
        Các sinh viên đã đốt pháo lệnh. Họ đã được cho phép, qua Đoàn Thanh niên Cộng sản, tổ chức một cuộc mít tinh kỷ niệm lần thứ năm mươi ngày mất của Jan Opletal. Chế độ đã muốn dẹp cuộc tuần hành, nhưng không thấy lý do hợp lý nào. Opletal là hình tượng anh hùng của Tiệp Khắc. Những người Cộng sản đã dùng tên ông trong tuyên truyền chống phát xít trong bốn thập niên. Ông bị quân Đức bắn chết trong một cuộc biểu tình chống lại sự chiếm đóng của Phát xít Đức, sau đó 1,000 sinh viên bạn bè ông bị chở vào trại tập trung và tất cả đại học Tiệp bị đóng cửa. Ba tuần trước cuộc tuần hành tưởng niệm, một lộ trình được nhất trí giữa các người tổ chức và cảnh sát, theo đó sẽ tránh qua trung tâm thành phố và sẽ kết thúc tại Nghĩa trang Quốc gia, nơi an táng Jan Opletal và những nhân vật nổi tiếng khác của Tiệp. Hơn 50,000 người lịch sự tham gia đoàn tuần hành. Đoàn vừa đi vừa hô to khẩu hiệu. Khẩu hiệu nghe thường nhất là ‘Hãy nhớ 68’, ‘Đả đảo Cộng sản’, ‘Bốn chục năm là đủ rồi’ và ‘Perestroika ở đây’. Đến giữa đường, một lá cờ to được bung ra mang câu nói của Gorbachev viết bằng chữ đỏ rất to: ‘Nếu không bây giờ, thì bao giò?’. Cảnh sát không làm gì, họ để đoàn người đi qua.
  Theo thỏa thuận với nhà chức trách, cuộc biểu tình phải dừng lại tại nghĩa trang và hầu hết mọi người đều bỏ ra về, đặc biệt những người lớn tuổi. Lúc đó là 5.30 chiều, một buổi chiếu mùa đông băng giá và sương mù có mùi lưu huỳnh, hôi hám dầy đặc đang bao trùm xuống Prague. Hạt nhân đám đông gồm 3,000 người, tất cả đều là sinh viên hoặc công nhân trẻ, vẫn nán lại nghĩa trang, đứng co ro trong thời tiết giá lạnh, không làm gì đặc biệt. Khoảng 6.30 một số la lên ‘Hãy ra Quảng trường Wenceslas’ và họ quay lại, vội vã đi về hướng trung tâm Prague. Khi họ đến Nhà hát Quốc gia Prague, trên đường dẫn đến Quảng trường, họ bị chận lại bởi đám cảnh sát chống bạo loạn đội mũ trắng và mang khiêng nhựa và bọn đặc nhiệm chống khủng bố đội mũ nồi đỏ, cầm dùi cui rất to.
        Các sinh viên bèn ngồi xuống giữa đường và bắt đầu ca hát – quốc ca, các bài hit cũ của ban the Beatles, ‘Chúng Ta sẽ Vượt Qua’ . Chúng tôi hát bài “Chúng tôi không có vũ khí”. Chúng tôi chỉ có trong tay nến và hoa, và chúng tôi trao tặng cho cảnh sát. Họ dùng loa phóng thanh và hét lên “Về nhà đi”, nhưng họ đã phong tỏa hết đường đi,’ một sinh viên kinh tế của Đại học Charles nói. Một biệt đội cảnh sát chống bạo loạn khác đã đến phía sau đám sinh viên. Họ không thể nào di chuyển được.
        Họ tiếp tục ngồi trong cái lạnh cắt da, co ro trong áo choàng, ôm nhau cho đỡ lạnh, trong lòng sợ hãi. Họ đợi, ca hát, trong khoảng hai tiếng, chằm chằm nhìn bọn cảnh sát phía sau tấm khiêng. Thỉnh thoảng một sinh viên trong bọn đứng lên, xin các sĩ quan mở lối cho họ về. Người ta phớt lờ họ. Ngay sau 9 giờ, một xe tải của đội đặc nhiệm xuất hiện từ phía sau hàng ngũ cảnh sát. Nó cố tình xông thẳng vào đám sinh viên, gây ra hoảng loạn. Cảnh sát tấn công sinh viên, đánh đập họ bằng dùi cui khi họ chạy tán loạn. ‘Có máu ở khắp nơi và tôi có thể nghe cả tiếng xương gãy,’ sinh viên Dasa Antalova nói. Cô xoay sở nấp vào một ngõ hẻm và sau đó chạy thoát. ‘Chúng chọn người đứng ở hàng đầu của đám biểu tình, và đập họ không thương tiếc. Chúng không cho chúng tôi đi. Chúng mang xe đến và bắt cả bọn họ.’
        Những chứng cứ tàn bạo không được che đậy. Một nhà báo Anh, Edward Lucas, chứng kiến cảnh sát chống bạo loạn đập túi bụi váo đám sinh viên, bị hai sĩ quan lôi đi, và một mật vụ StB mặc thường phục nhào tới đấm anh té xuống mặt đất, bất tỉnh. Philip Bye, một nhà quay phim tin tức từ hảng Tin Truyền hình Độc lập, bị đánh đập. Đến 9.45 bạo lực dừng lại, hầu như đột ngột như khi bắt đầu. Những thanh niên bị thương, người đầy máu gượng đứng dậy và lếch thếch về nhà, hoặc một bệnh viện gần nhất. 561 người bị thương, khoảng 120 bị quăng vào xe tải cảnh sát, tại đó họ bị đánh đập tiếp. Một thanh niên bị bỏ lại trên mặt đường sỏi trên phố Narodni có vẻ đã chết. Anh được phủ một tấm chăn và mang lên xe cứu thương chở đi.
Đây là nơi Cách mạng Tiệp Khắc bước vào thế giới mờ ảo, tối tăm của Kafka [nhà văn Tiệp có tác phẩm pha lẫn hiện thực lẫn siêu thực] và Svejk, thêm chút gia vị của John le Carré [nhà văn Anh chuyên viết tiểu thuyết tình báo]. Tin đồn lan nhanh trong các thủ đô Cộng sản và luôn được tin cậy, chắc chắn là hơn truyền thông nhà nước. Trong vòng vài giờ, tin tức cho biết thi thể nằm dài trên phố Narodni là của sinh viên toán, Martin Smid. Các tin này chủ yếu được loan đi bởi nhà hoạt động Hiến chương 77 Peter Uhl. Ông này hằng ngày cung cấp tin tức của phe chống đối ngầm cho các nhà báo phương Tây. Tin về cái chết do Uhl nhận được từ một cô gái xưng tên là Drahomira Drazska, tự nhận là bạn cũ của Smid. Ngay lập tức Uhl báo cho đài Âu châu Tự do, BBC và VOA, và tin về cái chết được truyền đi khắp thế giới. Làn sóng công phẫn nổi lên khắp Tiệp Khắc. Chế độ phủ nhận, cho rằng không có ai chết trong ‘vụ bạo loạn’. Hôm sau, họ còn trưng ra hai anh Martin Smid còn sống hẳn hoi. Một anh, có mặt trong cuộc biểu tình, xuất hiện trên truyền hình quôc gia, vừa thở vừa nói. Nhưng chả có ich gì. Không ai tin vào sự phủ nhận của chế độ.
        Những cuộc biểu tình đột xuất rầm rộ bùng nổ ở Prague vào cuối tuần trên một qui mô chưa từng thấy. Một cổng vòm trên phố Narodni, nơi xảy ra những vụ đánh đập của cảnh sát, được biến thành một điện thờ được hàng chục ngàn người đến viếng. Ai đó vẽ hình một thánh giá trên bức tương gần đó và người qua đường đốt nến tưởng niệm. ‘Tin tức về cái chết đã thay đổi mọi thứ, không chỉ cho chúng tôi, mà cho cả thế hệ của cha mẹ chúng tôi,’ Dasha Antelova nói. ‘Họ đã bị buộc câm lặng từ 1968, sợ những gì mình có thể đánh mất. Nhưng giờ thì họ cũng phẫn nộ như người trẻ chúng tôi. Các mẹ và các ngoại sát cánh với sinh viên và những công nhân bình thường trong các cuộc biểu tình. Không khí rất vui tươi, phấn chấn một cách kỳ lạ, nhưng cũng rất quyết tâm.’ Chính quyền không biết đáp trả thế nào ngoài việc bắt giữ Peter Uhl vì tôi loan tin thất thiệt.
        Chế độ rạn nứt sâu sắc. Câu chuyện về Martin Smid là chứng cứ. ‘Thanh gươm và lá chắn’ của Đảng đang chống lại giới lãnh đạo của Đảng. Học thuyết âm mưu có thể hiện diện ở đây. Mật vụ Tiệp, bọn StB, đã ngụy tạo nên ‘cái chết’ của Martin Smid để tạo ra làn sóng phẫn nộ trong dân chúng, nhớ đó loại bỏ được Jakes, trùm Đảng bộ Prague, Miroslav Stepan, và đồng bọn rồi thay thế bằng những nhà cải cách kiểu Gorbachev. Việc này có vẻ khiên cưỡng, nhưng chứng cứ khẳng định âm mưu là có thật, được cung cấp sau đó trong một ủy ban điều tra do chính quyền hậu Cộng sản thành lập.
        Kế hoạch là sản phẩm trí óc của Tướng Alois Lorenc, người đứng đầu StB, và một nhóm nhỏ các nhà cải cách trong Đảng. Họ xem xét các sự kiện ở Ba Lan và Hung và nghĩ rằng cách duy nhất để duy trì được vị thế của mình là tìm ra cách thức thương lương trên thế mạnh với một đối thủ bị chia rẽ. Cùng lúc đó, một bước quan trọng khác trong chiến dịch – có mật danh Wedge – là xâm nhập vào các phong trào bất đồng chính kiến và tìm những nhân vật chống đối muốn thỏa thuận với những người Cộng sản cải cách. Các chi tiết được sắp xếp khi bọn StB biết tin sẽ có một cuộc biểu tình lớn của sinh viên trong lễ tưởng niệm ngày mất của Opletal. Một vai chính trong kế hoạch là Trung úy Ludwik Zifcak, một sĩ quan StB trẻ, người theo lệnh đã xâm nhập vào hàng ngũ sinh viên chống đối. Trong một màn ‘khích động’ cổ điển, y là một thành viên trong nhóm lãnh đạo của cuộc tuần hành đến Nghĩa trang Quốc gia, và khi cuộc tuần hành kết thúc vào lúc chiều y là một trong số các sinh viên hét lớn hơn tất cả ‘‘Hãy ra Quảng trường Wenceslas’. Y biết rằng đám sinh viên sẽ sập bẫy khi đến nơi. Y cuối đầu xuống thật thấp khi bạo lực xảy ra. Y nằm xuống sát mặt đất và giả vờ chết. Drahomira Drazska, người sau đó biến mất tăm, là một đặc vụ khác. Cô ta nhận được lệnh chuyển tin đến Uhl là có một sinh viên bị đánh chết.
        Bọn âm mưu đã chọn ra ứng viên của họ nắm quyền lãnh đạo Đảng: Zdenek Mlynar. Họ nghĩ rằng ông sẽ khởi đầu những cải cách kiểu Mùa Xuân Prague và họ sẽ học cách ủng hộ. Nhưng Mlynar không còn là một người Cộng sản nữa. Ông đã sống khá tiện nghi vài năm trong thời gian biệt xứ ở Vienna, và giờ không muốn dính líu gì đến mưu đồ đó. Ít có một âm mưu nào được dàn dựng công phu như thế lại biến thành một thất bại thê thảm như thế. Người Tiệp không đứng lên để loại bỏ những kẻ thừa mứa của chủ nghĩa Stalin mới. Họ muốn loại bỏ những người Cộng sản, và nhất là bọn Nga. Như ‘thây ma’ Trung úy Zifcak nói, y và những đồng lõa khác đã nỗ lực để cứu chủ nghĩa cộng sản. Thay vào đó, họ đã đẩy nó đến chỗ chết nhanh hơn.
        Trong lúc một cuộc cách mạng giả tạo đang xảy ra trong đầu óc các sĩ quan mật vụ, cuộc cách mạng thực sự đang xảy ra trên đường phố Prague và trong nhà hát hình hộp ở xéo bên kia Quảng trường Wenceslas có tên Đèn lồng Ma thuật. Vaclav Havel đang ở ngôi nhà miền quê của ông ở Bohemia khi các sinh viên bị đánh đập. Ông chỉ trở lại Prague vào chủ nhật 19/11. Ông hiểu rằng khi Bức Tường Berlin thất thủ chế độ Tiệp Khắc cũng không còn nắm quyền được lâu, nhưng ông không biết khi nào và cách nào nó sẽ đi. Nó cần một cú đẩy. Khi ông trở lại thành phố, đã có một nhóm bạn, những người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động chống đối chen chúc trong căn hộ chật chội nhưng thanh lịch của ông trên bờ sông có tầm nhìn bao quát về hướng Lâu đài. Họ đang hướng về ông như một nhà lãnh đạo. Từ lúc đó ông nắm quyền chỉ huy cuộc Cách mạng Nhung. Ông hình như không còn là một nhà trí thức rụt rè, dằn vặt bởi sự thiếu tự tin, mà là một con người cương quyết, mạnh mẽ của uy quyền. Ông là một nhà chiến thuật chính trị cừ khôi. Đối với phần đông người Tiệp, ông là một gương mặt còn chưa được biết đến nhiều. ‘Havel ít hay nhiều không được biết đến, hoặc chỉ biết đến như là con trai của một nhà tư bản giàu có, thậm chí như một tội phạm,’ tiểu thuyết gia Tiệp Ivan Klima, người quen biết Havel đã nhiều năm, nói. ‘Nhưng đạo lí cách mạng đang tóm lấy đất nước đã tạo ra sự thay đổi về thái độ. Ở một thời điểm chín mùi nào đó, một cá nhân bất ngờ tự nhận diện mình với tâm thế của lịch sử và chiếm được nhiệt tình đang  lên của dân chúng. Trong một vài ngày Havel trở thành biểu tượng của sự thay đổi cách mạng, một người sẽ dẫn dắt xã hội thoát khỏi cơn khủng hoảng.’
 Ưu tiên, ông nói với nhóm của mình, là thành lập một nhóm thống nhất, một tiếng nói có thể đại diện phe chống đối và, khi thời điểm đến, thương thuyết với chế độ về một sự chuyển tiếp  quyền lực hòa bình. Nhiệm vụ đầu tiên là loại bỏ hệ thống chuyên chế, Havel khăng khăng. Havel gọi Rita Klimova và nhờ bà làm phiên dịch cho ông trong một cuộc họp báo ứng khẩu với các phóng viên nước ngoài. Đó là một bước đi khôn khéo. Ông nói được tiếng Anh, nhưng với giọng hơi nặng, và ông nghĩ ngữ điệu nửa New York, nữa Trung Âu, cũng như khiếu dí dỏm của bà, sẽ gây ấn tượng tốt với thính giả phương Tây. Ông nghĩ đúng. ‘Những ý tưởng mà vì chúng tôi đã tranh đấu hằng bao nhiêu năm và vì chúng tôi từng bị tù tội, đang bắt đầu sống lại như một thể hiện ý chí của nhân dân,’ ông nói. Cuối cùng người Tiệp đang bắt đầu tỉnh thức sau cơn mê.
        Trước tiên, họ cần một trụ sở. Ngày hôm trước các nghệ sĩ đã tuyên bố đình công – cũng như sinh viên. Vì thế nhà soạn kịch chỉ đạo chiến dịch từ một nhà hát. Lúc 10 giờ đêm đó ông cư trú tại Đèn Lồng Ma thuật. Tới nửa đêm họ nhất trị  một cái tên, Diễn đàn Công dân, và đưa ra những tuyên bố và yêu cầu đầu tiên. Thoạt đầu có bốn yêu cầu:
  • Giới lãnh đạo có trách nhiệm về vụ đè bẹp Mùa Xuân Prague và sự thanh trừng ‘chuẩn hóa’ phải từ chức ngay lập tức, trong đó có Husak và Jakes.
  • Các viên chức đã ra lệnh đàn áp sinh viên hai ngày trước phải từ chức, bắt đầu với Bí thư Đảng bộ Prague Miroslav Stepan.
  • Thành lập ủy ban điều tra chính thức và độc lập về cuộc biểu tình ngày 17/11.
  • Phóng thích ngày lập tức tất cả tù nhân chính trị.
Ngay sau khi nó được công bố, Havel nửa đùa nửa thực nói đây là lúc cho một cuộc xâm lăng khác của người Nga – nhưng giờ đây, ông nói, những người lãnh đạo ở Kremlin sẽ  chịu đứng về phe ông hơn là phe chính quyền.
        Trong sáu ngày tiếp theo các cuộc đình công rộng lớn tràn ngập Quảng trường Wenceslas mỗi buổi chiều. Hầu hết đều đi sau giờ làm việc. Như ở Berlin, đó là một cuộc cách mạng có trật tự và lịch sự. ‘Mỗi ngày qua nhân dân trở nên mạnh hơn và đứng thẳng người hơn,’ nhạc sĩ Ondrej Soukup nói. ‘Như thể sức nặng của hai mươi năm qua đã được rủ bỏ. Chúng tôi những người Tiệp cảm thấy mình không tốt. Chúng tôi đã quá phục tùng. Nhưng giờ đây chúng tôi bắt đầu cảm thấy tự hào. Thật là điều phi thường.’
        Cảnh sát vẫn không hành động khi số người biểu tình tăng lên. Có ít nhất 300,000 người vào thứ hai 20/11, trong đêm giá lạnh. Bông tuyết rơi, nhưng không làm thấm ướt nhiệt tình hoặc không khí vui tươi. Người ta nói với nhau về niềm tin, về hi vọng và mơ ước của mình lần đầu tiên sau hai thập niên. Thỉnh thoảng diễn văn được đọc lên, nhưng thường hơn là âm nhạc. Một ban nhạc rock do nghệ sĩ nổi tiếng Michael Kocab, bạn của Havel thành lập, bố trí hệ thống loa phát. Khi âm nhạc ngừng chơi, âm thanh được nghe nhiều nhất là tiếng chùm chìa khóa rung lắc, vang vọng khắp Quảng trường Wenceslas và rồi qua khắp trung tâm Prague. Âm thanh này muốn nói ‘Tạm biệt, đến lúc đi rồi’. Những cuộc biểu tình rầm rộ tương tự xảy ra trong thị trấn và thành phố trên khắp cả nước. Ở Bratislava, tổ chức em của Hiến chương 77, VONS, tức Ủy ban Bảo vệ những người bị Ngược đãi Bất công, đã tồn tại từ cuối thập niên 1970, nhưng số thành viên chỉ ít ỏi. Nay nó trở thành chi nhánh trung tâm của Diễn Đàn Công dân ở Slovakia, tại đó Alexander Dubcek một lần nữa tái xuất như một nhân vật chính trị. Khi ông gởi một thông điệp ủng hộ đến cuộc biểu tình ở Quảng trường Wenceslas, tiếng hoan hô vang dậy cả thành phố.
 Ở Đèn lồng Ma thuật không khí hoạt động rất háo hức, không nguôi, với đủ mọi thành phần. Như Timothy Garton Ash, người đã trải qua nhiều giờ nói chuyện và cười đùa sôi nổi, nói, ‘Gian phòng bốc mùi khói thuốc lá, mùi mồ hôi, mùi áo choáng ẩm và mùi cách mạng.’ Havel có tài tập họp những người có quan điểm hoàn toàn đối nghịch nhau hướng về một mục tiêu chung: loại bỏ chế độ chuyên chế. Có bọn Trotsky, bọn Cộng sản cải cách, môi trường, nữ quyền, Thiên chúa giáo cánh hữu, mục sư giáo phái Calvin và nhạc sĩ nhạc rock. Những người vận quần jean hoặc áo thun sẽ đến Đèn lồng Ma thuật một lúc vào giờ ăn trưa hoặc đầu giờ chiều và rồi trở lại với công việc ăn lương. Trong Mùa Xuân Prague họ là những luật sư, nhà văn, các viên chức của Đảng hoặc các học giả. Họ đã bị đuổi việc. Giờ đây họ là những nhà hoạt động chính trị bán phần, và công nhân toàn phần, các thợ điện hoặc các thư kí văn phòng bình thường.
Các người Cộng sản Tiệp chia rẽ trong hỗn loạn. Jakes, Bí thư Prague và những lão cán bộ bảo thủ muốn tiếp tục chính sách cảnh sát đàn áp. Họ xem xét việc áp đặt thiết quân luật vào sáng ngày 19/11. Lúc đầu Bộ trưởng Quốc phòng Jaroslav Vaclavik đề nghị một ‘giải pháp quân sự’ trong đó có việc điều động xe tăng vào các địa điểm trọng yếu ngài rìa thành phố. Không lực Tiệp được đặt trong tình trạng báo động cao. Nhưng vào thời điểm này đó không phải là một triển vọng thực tế. Không binh lính nào được lệnh ra khỏi doanh trại trong thời gian Cách mạng Nhung. Jakes chủ toạ hàng loạt các cuộc họp với các cán bộ cực đoan tại đó họ đưa ra những toan tính nghe ớn lạnh, nhưng không có hành động mạnh mẽ nào được đưa ra. ‘Bạo lực sẽ kêu gọi bạo lực,’ Jakes nói với các đồng chí của mình. ‘Chúng ta không thể nhìn một cách bất lực những hoạt động của các phe nhóm ngoài vòng pháp luật và do nước ngoài kích động. Những toan tính lạm dụng  các bộ phận trong giới trẻ Tiệp có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng với những hậu quả khó lường.’ Một trong số các lão cán bộ già khác sau đó nói rằng ‘chúng tôi xem xét những gì đã xảy ra ở Berlin. Họ đang ngồi trên bàn tay mình và không hành động gì – và chúng ta có thể nhìn thấy những gì xảy ra sau đó. Một số chúng tôi cương quyết phải làm cái gì đó.’ Nhưng Đảng đang phân hóa.
        Vào sáng thứ tư 22/11 Jakes quyết định y sẽ gọi lực lượng dân quân tấn công đám biểu tình. Đây là lực lượng bán phần riêng của Đảng gồm 20,000 lính, được tuyển mộ từ những người siêu trung thành, hầu hết là những công nhân nhà máy được trả thêm tiền hậu hĩ cho những nhiệm vụ tình nguyện vào dịp cuối tuần và một số buổi chiều trong tháng. Họ không là một bộ phận chính thức của quân đội hoặc lực lượng an ninh nhà nước, nhưng được cho là họ sẽ đến yểm trợ những người Cộng sản trong lúc nguy cấp. Nhưng dân quân từ chối. Stepan ra sức tập họp các công nhân và dân quân chống lại các sinh viên tại một nhà máy thép lớn ở ngoại ô Prague. ‘Chúng ta không thể để đám trẻ con ra lệnh,’ y tuyên bố. ‘Chúng tôi không phải là trẻ con,’ họ gầm lên đáp lại. Diễn đàn Công dân kêu gọi một cuộc tổng đình công vào thứ hai 27/11, nhưng, theo cách thức Tiệp điển hình, chỉ trong hai giờ, từ trưa đến 2 giờ chiều. Nó được xem như một bài kiểm tra sức mạnh mang tính biểu tượng. Khi rõ ràng là hầu hết công nhân Tiệp đều sẵn sàng tham gia đình công, ý chí của người vệ sĩ già đã bốc hơi.  
        Jakes đã nghe trực tiếp từ một nhân vật cao cấp ở Kremlin là y không thể mong nhận được sự giúp đỡ nào từ các lực lượng Xô viết, hoặc bất kỳ sự ủng hộ chính trị nào, để duy trì  quyền lực. Vào chiều ngày 22/11, giới lãnh đạo Prague thực sự treo cờ trắng đầu hàng, khi Bộ trưởng Quốc phòng Vaclavik tuyên bố trên truyền hình là ‘quân đội sẽ không chống lại nhân dân. Chúng tôi sẽ không liên can.’ Lý do là hiển nhiên: các binh sĩ sẽ không vâng lệnh các sĩ quan của họ nếu nhận được lệnh nổ súng vào các công dân không vũ khí.
 Mỗi đêm các cuộc biểu tình tiếp tục lớn mạnh. Dân chúng bây giờ đi vì tiêu khiển cũng như vì nhiệt tình chính trị, cho dù nhiệt độ ở Prague xuống dưới 0o vào chiều tối và siêu vi khuẩn cúm quỉ quái, mà dân chúng gọi là ‘cúm cách mạng’, hoành hành khắp thành phố.
        Cuộc biểu tình xúc động nhất xảy ra vào chiều thứ sáu, một tuần sau khi các sinh viên bị đàn áp. Đám đông ước tính khoảng nửa triệu người. Thình lình, không được thông báo trước, một quí ông 68 tuổi, người đẹp lão với gương mặt phúc hậu, rạng rỡ, xuất hiện trên một bao lơn ở phía trên quảng trường. Trong một lúc ít người biết được ông ấy là ai. Rồi bổng họ chợt nhận ra đó là Alexander Dubcek, vừa đến Prague sáng nay từ Bratislava. Tiếng hoan hô điếc cả tai: ‘Dubcek na hrad, Dubcek na hrad’ (‘Dubcek vào Lâu đài’ – nghĩa là ‘Dubcek làm Tổng thống’). Người anh hùng của Mùa Xuân Prague tận hưởng giây phút được nhân dân vinh danh. Ông ôm chầm người đàn ông khác trên bao lơn. Người này là Vaclav Havel, cũng nhận được tiếng hoan hô vang dậy. Đó là một buổi chiều say sưa, đầy kịch tính. Dubcek nói như thể hai mươi năm trước không tồn tại, về chủ nghĩa xã hội mang gương mặt người. ‘Hai mươi năm trước chúng ta đã ra sức cải cách chủ nghĩa xã hội, làm cho nó tốt hơn,’ ông nói. ‘Trong những ngày đó quân đội và cảnh sát đứng cùng phía với nhân dân và tôi chắc là hôm nay cũng sẽ như vậy.’ Có tiếng vỗ tay vang lên, nhưng nghe có vẻ lặng lẽ hơn trước. ‘Chúng tôi đã không nghĩ ông ta còn là một người Cộng sản,’ Ondrej Soukup nói. ‘Đó không hẳn là một sự bất mãn nhiều lắm, ông ta là một người hùng vì dám đứng lên chống lại người Nga. Nhưng khi ấy chúng tôi không phải là Cộng sản, và chúng tôi không muốn nghe ai nói với chúng tôi cộng sản có thể vĩ đại ra sao nếu cho nó cơ hội đúng đắn.’
        Đó là điều mà Dubcek khăng khăng nói suốt buổi chiều. Một giờ sau khi xuất hiện trước đám đông, Dubcek và Havel nói trước một cuộc họp báo tại Đèn lồng Ma thuật. Người lãnh đạo trước đây của Đảng Cộng sản Tiệp trông có vẻ như vừa bước ra từ một bức ảnh đen trắng, như lời nhận xét của một quan sát viên. Ông nói về ‘tính có thể cải cách được’ của chủ nghĩa xã hội – chừng nào chúng ta tránh khỏi những khuyết điểm của nó.’ Còn Havel thì thẳng thừng. ‘Chủ nghĩa xã hội là một thế giới đã mất hết ý nghĩa trong đất nước chúng ta,’ Havel nói. ‘Tôi đồng nhất chủ nghĩa xã hội với Ngài Jakes.’ Một ít giây sau một thanh niên trẻ tiến lên khán đài và thì thầm một thông điệp cho Havel và Dubcek. Cả hai mỉm cười nhìn nhau. Tin vừa cho biết toàn bộ ban lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã từ chức. Tiếng vỗ tay vang như sấm dậy. Một chai Sekt từ đâu đó xuất hiện. Dubcek và Havel ôm chầm nhau, cùng nâng ly – ‘Vạn tuế một Tiệp Khắc tự do’. Họ ngữa mặt uống cạn ly. Trong phòng không ai cầm được nước mắt.
Các sĩ quan StB cao cấp và những phần tử ôn hòa trong giới lãnh đạo Đảng khó hi vọng thỏa thuận với phe chống đối. Thủ tướng Ladislav Adamec, 63 tuổi, người nổi tiếng nhất trong các người Cộng sản cải cách, là người thương thuyết sự kết thúc của chủ nghĩa cộng sản Tiệp với Havel. Họ biết rằng mình không thể cứu được chế độ, và trong bất kỳ trường hợp nào họ đã không còn tin vào cái ý thức hệ mà họ đã oang oang nhiều năm nay. Adamec thứ nhất là một người cầu danh, thứ hai là một người theo thuyết khuyển nho, thứ ba mới là người Cộng sản, mặc dù y không phải là một tên hung bạo. Y và đồng bọn muốn tự cứu mình, đặc biệt khỏi bị kết tội khi phe chống đối nắm được  quyền lực. Thoạt đầu những cuộc trao đổi diễn ra trong vòng bí mật – Adamec không muốn các đồng chí mình biết mình đi ngõ sau với Diễn đàn Công dân. Còn Havel thì chỉ muốn thương thảo công khai nếu biết mình đang đối thoại đúng người và chắc chắn đạt được sự thỏa thuận. Havel nhờ một sứ thần là nhà soạn nhạc Michael Kocab, một bạn thân của ông, đồng thời cũng đã từng gặp Adamec vài lần trong các buổi họp mặt của người thân gia đình ông. Kocab, một thanh niên 35 tuổi, người dài ngoằng, một ngôi sao nhạc rock Tiệp Khắc nổi tiếng. Ông chưa từng làm chính trị nhiều, chỉ vừa đủ trong vòng luật pháp và ngoài nhà giam. ‘Hai bên đều biết từ đầu rằng đây là lúc để đối thoại, nhưng trước tiên phải vạch ra những nguyên tắc nền tảng,’ Kocab nói. Buổi họp mật đầu tiên là ngay sau ngày Diễn đàn Công dân được thành lập 20/11. ‘Thật là ấn tượng khi phải cần đến một nhạc sĩ để bôi trơn bánh xe trong tình huống này, nhưng đây là Tiệp Khắc. Ngay cái lúc Havel biết rằng họ đã sẵn sàng để đối thoại nghiêm túc, ông hiểu đó là sự cáo chung của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng ông phải biết là họ nghiêm túc. Adamec muốn tiếp tục đóng một vai trò trong nền chính trị Tiệp Khắc, và đối thoại với Havel là phương thức duy nhất để có thể đạt được điều ấy.’
    Kocab bí mật gặp gỡ các nhà Cộng sản cải cách vài lần. Anh bố trí cuộc đối thoại chính thức đầu tiên vào chủ nhật 26/11. Những ngày sau đó diễn ra sự kỳ kèo gay gắt cho một chuyển nhượng  quyền lực yêm thắm, trong khi đó bên ngoài những đám đông rầm rộ chiếm đóng các đường phố Prague. Sau hai tuần thường thuyết, những người Cộng sản hứa sẽ có bầu cử tự do vào mùa xuân năm sau, từ bỏ ‘vai trò lãnh đạo’ và phần lớn tài sản của họ và Husak đã từ chức chủ tịch.
        Adamec cố cứu vớt một ít sự nghiệp của mình nhưng thất bại một cách thảm hại. Vì đám đông đã gia tăng số lượng nên các cuộc biểu tình dời từ Quảng trường Wenceslas đến Công viên Letna, bên ngoài trung tâm thành phố. Adamec xuất hiện tại buổi đầu tiên này, vào buổi chiều trước khi cuộc đối thoại bắt đầu. Y đã đánh bóng mình như là một nhà cải cách lớn và dân chúng hoan hô y nồng nhiệt trước khi y bắt đầu nói. Những lời đầu tiên y tuyên bố chính quyền thừa nhận những yêu sách của Diễn đàn Công dân và được hoan hô vang dội. Nhưng rồi tiếp theo là những cái nếu và cái nhưng. Thật ra y không hứa hẹn gì cả và bắt đầu nói theo những biệt ngữ Mác-Lê. Y liền bị la ó đuổi xuống sân khấu và phải biến thật nhanh để tránh gặp rắc rối.
        Havel không có vai trò chính thức nào, nhưng thật ra, chính phủ mới được công bố ngày 7/12 là do ông tuyển chọn. Bộ trưởng Nội vụ là người bất đồng chính kiến và đấu tranh dân quyền Jan Carnogursky, giờ phụ trách mật vụ, cơ quan  mà chỉ một ít ngày trước đã nhận ông làm thân chủ. Ngoại trưởng là Jiri Dienstbier, một nhân vật lãnh đạo trong Diễn đàn Công dân, đã từng là một trong những nhà báo nổi tiếng nhất của Tiệp Khắc, có quan hệ rộng rãi với truyền thông phương Tây. Tuy vậy, Thủ tướng mới chính Marian Calfa, Phó thủ tướng trong chính quyền cộng sản vừa qua. Havel giải thích rằng Tiệp Khắc cần một số người trong chính quyền cũ thạo việc điều hành bộ máy nhà nước, cũng như một số trí thức. ‘Calfa có thể đảm nhận tốt vai trò,’ ông nói, khi các đồng nghiệp tỏ ra ngờ vực. Havel dễ dàng đánh bại Dubcek trong chức vụ Tổng thống, nhưng thực tế chưa hề xảy ra sự tranh chấp thực sự giữa hai người. Khi vào đầu tháng 12 các chiến thuật gia của Diễn đàn Công dân bắt đầu xem xét các ứng viên tiềm năng cho chức Tổng thống, không hề có tranh cãi nào. Tất cả đều tiến cử Havel. Dubcek dù được nhiều người tôn trọng, nhưng ông có vẻ đã lỗi thời. Havel đã dẫn dắt cuộc cách mạng tạo ra một biến đổi vồn vập, đầy kịch tính như thể ông đang đạo diễn một vỡ kịch trên sân khấu.  
2223242526

BỐN MƯƠI TÁM
KHOẢNH KHẮC YẾU ĐUỐI

Timisoara, Romania, chủ nhật, ngày 17 tháng 12 năm 1989
ROMANIA KHÔNG THỂ DUY TRÌ TÌNH TRẠNG miễn nhiễm mãi mãi. Ceausescu đã làm hết sức để cô lập đất nước với phần còn lại của thế giới. Nhưng dân chúng ở đó cũng hay tin về việc Bức Tường Berlin thất thủ và những xứ láng giềng đã quật ngã chế độ Cộng sản trong một vài tháng choáng váng của cách mạng. Lén lút, dân Romania có thể bắt nghe đài BBC hay Âu châu Tự do và biết tin người Tiệp, người Đông Đức và Bulgaria đang bàn bạc về những giá trị của nền dân chủ và mô tả những người cai trị trước đây của họ là bọn ác ôn thối nát. Vậy mà Ceausescu vẫn điềm nhiên như thể không có chuyện gì xảy ra. Vào cuối tháng 11 y đã được nhất trí bầu lại làm Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Romania thêm một nhiệm kỳ nữa, như nhiều lần trước đây. Và sự kiện này được đánh dấu bằng những nghi lễ đã quá quen thuộc. Y đọc vấp váp một bài diễn văn buồn tẻ dài ba tiếng được ngắt quảng 34 lần để khán giả đồng loạt đứng lên vỗ tay ‘tự phát’ theo nhịp điệu kéo dài mấy phút. Tiếng hoan hô lớn nhất bùng nổ khi y nói rằng ‘Chủ nghĩa xã hội có một tương lai rất dài. Nó chỉ chết đi khi các quả lê rơi xuống từ các cây táo.’ Ceasescu vẫn còn kiểm soát tất cả lực lượng trấn áp đã duy trì  quyền lực cho y trong một phần tư thế kỷ qua. Y hình như vẫn còn bất khuất. Không giống các tên đồng cấp của y ở Berlin, Prague, và Sofia, y có ý chí và quyền uy để chiến đấu và tàn sát để duy trì vị thế của mình. Vậy mà khi thời cơ đến, chế độ độc tài đáng sợ và hùng hổ nhất Âu châu sụp đổ trong vòng 5 ngày.
        Ít khi có một cuộc cách mạng nào đã bắt đầu từ một chốn thê lương như thế. Thành phố Transylvania của Timisoara có một trung tâm trung cổ nhỏ, từng là một nơi xinh đẹp nhưng giờ đang đổ nát, với các công trình kiến trúc ba-rốc cổ kính từ thời kỳ trước năm 1919, khi nó là một thành phố Hung có tên Temesvar. Bây giờ thì nó phần lớn chỉ là những khu tập thể mới gớm ghiếc chứa một phần tư triệu dân cư, xây dựng cẩu thả và đang tàn tạ. Như mọi thị trấn Romania khác, nó nghèo dai dẳng và ô nhiễm trầm trọng, từ những nhà máy hóa học gần đó, và nền nông nghiệp thải phân hóa học vào nguồn nước. Một con kênh từng rất trong sạch chạy ngang qua thị trấn. Giờ nó dơ bẩn và bốc mùi và trẻ em được căn dặn là không được chơi đùa gần kênh. Khoảng một phần ba dân số thị trấn đến từ nhóm thiểu số Hungary. Mặc dù có những thù địch truyền thống ăn sâu bên dưới, và những nỗ lực của Ceausescu nhằm quét sạch văn hóa và di sản Hung, nói chung hai cộng đồng dựa vào nhau hòa thuận và cùng chịu đựng nhau.
        Một mục sư rụt rè nhưng nhiệt tình đã đốt lên tia lửa cách mạng. Laszlo Tokes, cao ráo, tóc đen, 37 tuổi, có một phong thái trầm lặng, khiêm tốn che dấu bên trong một quyết tâm sắt thép. Ông từng được giao phụ trách Giáo hội Cải cách Hungary ở Timisoara từ tháng 1/1987. Một thời gian dài bị chính quyền và giới chức Giáo hội  xem là người chuyên gây rối. Như tất cả tổ chức tôn giáo ở Romania, Giáo hội hợp tác chặt chẽ với chính quyền Cộng sản hàng thập niên. Do đó Tokes bị loại khỏi giáo phận trước đây của anh ở Dej. Giới chức có thẩm quyền, về tâm linh cũng như về thế tục, cho rằng anh ủng hộ quá công khai những đòi hỏi văn hóa của nhóm thiểu số Hung, chẳng hạn việc dạy tiếng Hung cho trẻ em. Anh được giao một chức vụ ở Timisoara trong thời gian thử thách và được lệnh lánh xa chính trị.
        Giáo xứ đã suy sụp trong thời buổi khó khăn. Giáo đoàn thu nhỏ dần chỉ còn một nhúm người. Tokes đổ lỗi cho người tiền nhiệm của mình, Leo Leuker, mà anh gọi là ‘Mục sư Đỏ’ vì hợp tác với chế độ. Nhanh chóng, anh gặt hái được tiếng tăm là một thầy giảng mạnh mẽ và nhà thờ bắt đầu thu hút giáo dân trở lại ngày càng đông. Có lần anh bị làm khó khi giảng một đoạn trong Kinh Daniel: Các dân, các nước, các thứ tiếng, đây nầy, lịnh truyền cho các ngươi. Vậy bây giờ, khi các ngươi nghe tiếng còi, kèn, đờn cầm, đờn sắt, quyển, sáo và các thứ nhạc khí, mà các ngươi sẵn sàng sấp mình xuống đất để quì lạy pho tượng mà Vua Nebuchadnezza ta đã làm nên, thì được; nhưng nếu các ngươi không quì lạy, thì chính giờ đó các ngươi sẽ phải quăng vào giữa lò lửa đỏ hực. Rồi thần nào có thể giải cứu các ngươi khỏi tay ta?’ Các bậc trên của anh cho rằng các giáo dân có thể coi đây là lời phê phán Ceausescu và họ cảnh báo với anh.
  Anh thấy mình dính vào một rắc rối to vào tháng 9 năm 1988 khi anh công khai ủng hộ một lá thư của giáo dân gởi đến Giám mục ở Arad, Laszlo Papp, một trong những chức sắc cao cấp nhất của Giáo hội Cải cách. Lá thư chỉ trích chính sách hệ thống hóa của chế độ, mà theo lời đồn sẽ phá hủy hàng trăm ngôi làng ở Transylvania. Tokes bị cơ quan Securitate bắt và thẩm vấn, ra lệnh cho anh đừng dính líu tới chính trị. Giọt nước làm tràn ly là khi Tokes đề nghị tổ chức buổi lễ liên kết Giáo hội Cải cách và Thiên chúa ở Timisoara cho các giáo dân trẻ của cả hai giáo phái.
        Vào tháng ba 1989 Giám mục Papp bắt đầu những thủ tục tố tụng để đuổi anh ra khỏi giáo phận và ra khỏi nơi cư trú. Nhưng anh kháng cáo qua tòa án, và tiến trình kiện tụng kéo dài này đã bắt đầu được báo chí tôn giáo, đài BBC và Âu châu Tự do lên tiếng. Một đêm vào cuối tháng 11, chỉ một ít ngày trước khi phiên kháng cáo cuối cùng được xử, bốn tên bịt mặt, trang bị dùi cui và dao xông vào nhà anh. Mục sư Tokes bị đánh đập, trong khi đứa con ba tuổi, Maté, đứng nhìn. Còn người vợ đang có bầu của anh, Edit, la lên cầu cứu với các cảnh sát mặc đồng phục bên ngoài nhà. Các cảnh sát này được bố trì để theo dõi gia đình hàng tháng nay. Tất nhiên họ không làm gì hết, chứng tỏ bọn bên trong là mật vụ Securitate đang thi hành nhiệm vụ. Anh thua kiện trong vụ kháng án vào ngày 7/12 và trong bài giảng cuối cùng vào chủ nhật 10/10 anh kêu gọi các giáo dân đến chứng kiến việc mình bị đuổi ra khỏi nhà vào thứ sáu sau 15/12.
        Nhà thờ và giáo khu liên kết là công trình xây dựng xám ngọet, thuộc cuối thế kỷ thứ 19 sát với trung tâm thị trấn. Đó là một khu vực nhỏ, nhưng có thể nhìn rõ từ đường chính và cách trạm xe điện một vài mét. Thoạt đầu có khoảng 35 giáo
dân đứng bên ngoài, trong khi gia đình Tokes còn bên trong nhà thờ. Rồi một việc chưa có tiền lệ đã xảy ra. Khi tiếng đồn loan ra khắp thành phố về một cuộc biểu tình, số người đến tham dự tăng dần. ‘Lúc đầu, chỉ có thành viên trong giáo đoàn chúng tôi,’ Tokes nói. ‘Nhưng rồi, giờ này qua giờ khác, dân chúng đến tham gia từ khắp nơi ở Timisoara, người Hung, Romania, Orthodox, Báp tít hoặc bất kỳ tôn giáo nào. Dân chúng từ mọi cộng đồng liên kết với nhau. Họ quên những mối hiềm khích, bất đồng từ xa xưa và đoàn kết trong mặt trận chung chống chế độ.
        Khi số người tăng dần, các ông trùm Đảng địa phương không biết phản ứng thế nào. Chủ tịch Ủy ban Timisoara, Petre Mot, gọi Bucharest để xin chỉ thị, và được lệnh thương thuyết để câu giờ và hi vọng đám đông sẽ tự giải tán. Nhưng họ không giải tán. Thời tiết ôn hòa một cách kỳ lạ dù đang giữa tháng 12, còn ở trên nhiệt độ đóng băng. Nhiều người Romania nói rằng đó là thời tiết ấm áp để làm cách mạng. Họ không hoàn toàn nói đùa. Nếu trời lạnh hơn chưa chắc đám người tụ tập ở nhà thờ của mục sư Tokes sẽ đông đúc hơn khi đêm xuống. Trong suốt thứ bảy tình hình lâm vào cảnh bế tắc. Chủ tịch trở lại trong cố gắng giải tán đám người phản kháng. Y hứa phục hồi chức vụ cho mục sư, nhưng khi y từ chối viết tờ cam kết, đám đông lá ó và huýt sáo phản đối. Họ bây giờ không đòi hỏi bánh mì hoặc thịt hoặc ủng hộ Laszlo Tokes. Họ bắt đầu lặp đi lặp lại ‘Đả đảo Ceausescu’ và ‘Đả đảo độc tài’, ‘Chúng ta là Nhân dân’ và ‘Tự do ngay bây giờ’. Vào giữa trưa, cảnh sát và mật vụ Securitate dàn hàng ngang trên đại lộ án ngữ trước nhà thờ. Nhưng một giờ sau họ bỏ đi. ‘Đây là lần đầu tiên chúng tôi cảm thấy mình có  quyền lực,’ Lajos Varga, một người biểu tình, nói. ‘Chúng tôi đã đánh đuổi bọn Securutate. Như sống trong một giấc mơ điên cuồng, một điều tưởng tượng bị cấm kỵ.’
        Chính Ceausescu đã ra lệnh cho cuộc biểu tình tiến hành. Y nghĩ như vậy nó sẽ tự động giảm áp. Bây giờ lệnh được đảo ngược. Sáng chủ nhật, cảnh sát và mật vụ bắt đầu bắt bớ vài người, ở bên rìa cuộc biểu tình. Tâm trạng trở nên tệ hơn và phẫn nộ hơn. Hiện giờ có ít nhất 2,500 người phản kháng trong một đất nước mà trước đây một cuộc biểu tình tự phát chưa từng nghe nói đến suốt cả một thế hệ. Hầu hết đều rời nhà thờ và tuần hành đến trung tâm thành phố, dọc theo một đại lộ chính về hường nhà hát Opera và trụ sở của Đảng Cộng sản. Ở đó họ bị một đội hình binh sĩ, cảnh sát chống bạo loạn và một xe cứu hỏa chận lại. Họ xịt vòi rồng nước vào đám đông nhưng người biểu tình chạy ào tới trụ sở, buộc lực lượng an ninh phải rút lui. Họ cướp phá và đốt rụi các tài sản của Đảng. Trong vòng vài giờ sau đó đám biểu tình làm chủ trung tâm Timisoara, nhưng họ không có kế hoạch hành động. Họ cướp bóc các tiệm sách và đốt các tác phẩm của Ceausescu. Họ ném bom xăng vào các ô tô nhà nước. Họ châm lửa đốt tòa thị chính và tiêu hủy hàng ngàn hồ sơ nhà nước.
        Sau khi hầu hết người biểu tình đã rời nhà thờ thuộc Giáo hội Cải cách Hungary, bọn Securitate bắt mục sư, người vợ có bầu 7 tháng và con trai họ. Mục sư bị đánh đập tàn nhẫn trên người và mặt. Với đôi môi rách toạt và cặp mắt thâm tím anh bị giải lên Ion Cumpanasu, người đứng đầu Phòng Tôn giáo của Đảng, và hăm dọa sẽ sử dụng bạo lực nếu anh không chịu ký khống một đơn chịu chấp nhận bị sa thải và trục xuất khỏi nơi cư trú. Họ được chở bằng hai xe khác nhau đến Minev, một ngôi làng cô lập ở Hạt Salaj, được chỉ định là nơi cư trú mới của anh. *
        Khi vợ chồng Ceausescu được báo là có một đám đông nổi loạn đã chiếm trung tâm Timisoara, họ bừng bừng nổi giận. Sau đó vào chiều chủ nhật, 17/12, chủ tịch triệu tập cuộc họp trong có những người đứng đầu các cơ quan an ninh khác nhau, trong đó có Bộ trưởng Nội vụ, giám đốc cơ quan Securitate, tham mưu trưởng quân đội và Bộ trưởng Quốc phòng. Trong khi những người Cộng sản trên khắp phần còn lại của Đông Âu chịu thương lượng với các đối thủ của họ, cuộc họp cao cấp này cho thấy Ceausescu cương quyết bắn bỏ họ. Y không đưa ra phương hướng nào cả – cả vợ y cũng vậy.
  • Laszlo Tokes về sau trở thành giám mục của Giáo hội Cải cách Hung ở Romania.
CEAUSESCU: Tôi nghĩ bọn ngoai bang bên ngoài dính líu với tổ chức [che chở Mục sư Tokes]. Ta biết cả Đông và Tây đều đã nói rằng tình hình Romania phải thay đổi. Một số phần tử đã thông đồng với nhau và gây mất trật tự. Cảnh sát và quân đội không làm tốt nhiệm vu. Tôi đã nói với các đồng chí ở Timisoara và bảo họ thị uy bằng các đơn vị xe tăng tiến vào trung tâm thành phố. Tôi có cảm tưởng là các đơn vị của Bộ Nội vụ, cảnh sát chính qui và Securitate đều không trang bị vũ khí.
POSTELNICU: Trừ lính biên phòng, những người còn lại không trang bị vũ khí.
CEAUSESCU: Tại sao? Tôi đã bảo các ông là tất cả phải trang bị vũ khí. Tại sao các ông lại phái họ đi mà không vũ trang, ai đã ra lệnh này? Vậy mà tôi ngỡ là lực lượng Securitate đi đến đâu đều phãi vũ trang chứ. Các ông cử người đi đánh bọn đó bằng quả đấm à. Các đơn vị hạ cấp này thuộc loại gì vậy? Và lực lượng dân quân cũng phải được vũ trang. Đó là luật.
POSTELNICU: Thưa Đồng Chí Tổng Bí thư, dân quân có vũ trang ạ.
CEAUSESCU: Nếu có vũ trang, thì phải nổ súng, không để bị dân chúng tấn công. Làm sao mà để xảy ra tình trạng [cướp phá trụ sở Đảng ở Timisoara] đó được? Các sĩ quan của ông đã làm gì, hả Bộ trưởng Quốc phòng Milea? Tại sao họ không can thiệp? Tại sao họ không nổ súng?
MILEA: Tôi không cấp cho họ đạn dược.
CEAUSESCU: Tại sao ông không cấp cho họ đạn dược? Nếu không cho họ đạn dược, thì cho họ về nhà cho rồi. Ông là Bộ trưởng Quốc phòng kiểu gì vậy? Còn ông, Postelnicu, ông là Bộ trưởng Nội vụ kiểu gì vậy?
ELENA: Tình hình rất nghiêm trọng. Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Nội vụ hành động không thích đáng.
CEAUSESCU: Một số bọn du côn muốn hủy diệt chủ nghĩa xã hội và các ông như giỡn mặt với chúng. Fidel Castro nói đúng. Bạn không thể bắt kẻ thù câm lặng bằng cách giảng với họ như một thầy tu, mà phải bằng cách thiêu sống chúng.
ELENA: Họ là quân hèn nhát.
CEAUSESCU: Họ hơn cả hèn nhát. Là chỉ huy tối cao, tôi xét rằng các ông phạm tội phản quốc chống lại lợi ích của nhân dân và lợi ích của chủ nghĩa xã hội. Ngay bây giờ tôi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nôi vụ và các chỉ huy lực lượng Securitate. Từ lúc này trở đi, rôi sẽ nắm quyền chỉ huy quân đội. Hãy sẵn sàng nhận sắc lệnh huy động lực lượng chiều hôm nay. Quân đội phải tàn sát bọn du côn gây rối, chứ không đánh đập chúng nữa. [Nói với ba viên chức] Các ông biết tôi sẽ làm gì với các ông không? Đem các ông ra trước đội hành quyết. Giờ tôi đã nhận ra là các ông không thể đem lại trật tự bằng gậy. Ngay bây giờ tôi ra lệnh tất cả phải mang súng và đạn.
LENA: Các ông nên bắn họ ngả xuống rồi đem tống vào tù. Không để đứa nào còn trông thấy ánh sáng mặt trời. Chúng ta phải đưa ra những biện pháp quyết liệt. Chúng ta không thể khoan dung.
CEAUSESCU: Chúng ta sẽ chiến đấu đến cùng.
VLAD (Giám đốc Securitate): Chúng tôi đã tưởng rằng đó là một vấn đề hạn chế và có thể giải quyết mà không cần súng đạn.
CEAUSESCU: Tôi không cho rằng chúng ta nên bắn đạn rỗng. Bọn nào đã xông vào trụ sở Đảng không được ra khỏi đó mà còn sống.
        Tất cả bọn họ đều khom lưng và nhìn nhận là mình sai và cam kết sẽ hành động kiên quyết hơn lần tới. ‘Tôi bảo đảm với ngài là một tình hình như thế sẽ không xảy ra lần nữa,’ Postelnicu nói. ‘Hãy đặt niềm tin vào tôi.’ Milea van nài, ‘Tôi không đánh giá đúng mối nguy ngay từ đầu.’ Vlad cam đoan với lãnh đạo của mình từ giờ trở đi ‘Tôi sẽ nỗ lực để xứng đáng với lòng tin của ngài.’ Bực bội, nhưng Ceausescu cũng phục hồi chức vụ cho họ nhưng vẫn còn chua chát, ‘Vậy là tốt rồi. Chúng ta hãy cố thêm lần nữa chứ, các đồng chí?’
        Chiều tối hôm đó các đơn vị quân đội với súng đạn đầy đủ nắm quyền kiểm soát các đường phố Timisoara, bắn bỏ các công dân không thương tiếc. Cơ quan Securitate bắt bớ hơn 700 người. Sáng hôm sau Ceausescu lên đường đi thăm Iran như dự định từ trước. Iran là một số ít quôc gia chịu tiếp đón y. Nhưng y chỉ lên đường khi tư lệnh quân đội của y và Securitate báo cáo là Timisoara đã yên tĩnh. Như thường lệ, y để lại bà vợ phụ trách Romania mỗi khi y đi xa. Khoảng 60 công dân chết đêm đó ở Timisoara. Đó là cuộc phản kháng đẫm máu nhất chống lại chủ nghĩa cộng sản từng xảy ra ở Romania. Nhưng tin đồn về cuộc tàn sát khủng khiếp này đã lan nhanh. Đài Âu châu Tự do, được dân chúng nghe lén trong nước rất tin cậy, ước tính số tử vong trong khoảng từ 4,000 đến 20,000. Tất nhiên, truyền thông nhà nước không đá động gì đến chuyện ở Timisoara, vì thế dân Romania tin tưởng vào các đài phát thanh nước ngoài và các thông tin mật. ‘Tất cả chúng tôi đều tin là có một vụ diệt chủng ghê gớm đã xảy ra ở Transylvania,’ giáo viên Alexander Serban nói. ‘Nó khơi dậy một cảm giác tuyệt vọng mà chúng tôi chưa hề cảm nhận trước đây. Mặt khác nó cũng mang chúng tôi ra khỏi cơn mê ngủ, nhưng chúng tôi cần thêm một cú hích trước khi có thể làm bất cứ việc gì.’
Nicole Ceausescu từ Iran trở về Bucharest vào khoảng 3 giờ chiều thứ tư 20/12. Từ lúc y trở về y phạm một loạt sai lầm nghiêm trọng. Sai lầm đầu tiên là y quyết định vội vã tổ chức một cuộc mít tinh rầm rộ ở trung tâm Bucharest để cho thế giới thấy là y vẫn còn là một nhà lãnh đạo được nhân dân mình yêu thích. Y vẫn còn tin mình được nhân dân ngưỡng mộ cho đến phút cuối. Tất cả điều y cần làm là nói với dân Romania với cương vị một lãnh tụ, biểu dương  quyền lực và quyền uy của mình đối với họ, và họ sẽ lắng nghe, vỗ tay và phục tùng như lúc nào. Cả y lẫn bà vợ đều không hiểu mô tê gì về lòng căm ghét của nhân dân dành cho họ. Bọn nịnh thần và tôi tớ bao quanh y lại biết về sự thật ấy. Nhưng không ai dám nói nghịch ý y hoặc thậm chí góp ý là có lẽ một sự xuất hiện trước công chúng đông đảo theo phương thức truyền thống không phải là một quyết định khôn ngoan nhất.
        Đảng Bucharest làm việc suốt đêm đảm bảo cho sự xuất hiện thành công của đấng Conducator ở Quảng trường Cung điện. Bộ máy tổ chức các sự kiện như thế này hoạt động rất trơn tru trong đó có việc ép buộc một số lượng người trung thành tham gia mít tinh. Sáng sớm thứ tư ngày 21/12 các bí thư Đảng trong các nhà máy và công sở huy động các công nhân tham gia mít tinh theo các đơn vị lao động. Bất kỳ ai từ chối sẽ đối mặt với việc bị sa thải. Họ được chở bằng xe buýt đến khu thương mại của thành phố Bucharest, tại đó họ được phát cờ đỏ, biểu ngữ in các ảnh của Ceausescu và băng rôn ca tụng chủ nghĩa xã hội. Sau đó họ đi tuần hành theo từng khối nghiệp vụ đến Quảng trường Cung điện. Khi đến nơi họ thường bị sàng lọc để loại ra những phần tử gây rối tiềm năng. Trong dịp này, nhiều người đi đường  dọc theo các đường phố chính của Bucharest cũng bị cảnh sát xỏ xâu để số người tham dự đông hơn. Những phần tử trung thành có nhiệm vụ mang hình lãnh đạo và băng rôn được xếp đứng hàng đầu. Những dân thường được xếp đứng phía sau. Số đông nhân viên Securitate trà trộn khắp đám đông 110,000 người.
 Tâm trạng được kềm nén khi đến trưa, trong ánh nắng mùa đông rực rỡ, những diễn giả hâm nóng, các cán bộ Đảng ít tên tuổi, bắt đầu đến. Tên độc tài xuất hiện trên bao lơn trụ sở Đảng lúc 12.31 với  Elena sát bên cạnh, đứng trước một dảy bốn micrô. Thoạt đầu mọi việc diễn tiến bình thường. Ceausescu được hoan hô và những đợt vỗ tay theo nhịp sau mỗi đoạn phát biểu buồn tẻ của y. Nhưng rồi, tám phút sau giữa bài diễn văn, một điều gì đó chưa từng nghe nói đến xảy ra. Từ đằng sau đám đông có tiếng la ó và huýt sáo nghe không lẫn vào đâu được và tiếng hô trầm bổng TI-MI-SOA-RA. Lúc đầu tiếng hô yếu ớt, nhưng rồi càng lúc càng to hơn và tự tin hơn. Ceausescu có vẻ bối rối trong một hai giây, rồi cố tiếp tục đọc diễn văn về ‘những bọn khích động phát xít muốn phá hoại chủ nghĩa xã hội’. Nhưng tiếng la ó và huýt sáo tiếp tục. Truyền hình Romania, được lệnh trực tiếp truyền hình biểu tình, vẫn tiếp tục ghi hình. Tên lãnh tụ chết trân, há hốc miệng. Đây là giây phút phô bày sự yếu đuối có tính chí tử và đám đông thấy rõ điều đó.
        Dân chúng bắt đầu hô vang ‘Ceausescu, chúng tôi là Nhân dân’ và ‘Đả đảo tên giết người’. Y dơ tay phải lên trong một cử chỉ bực tức. Hình ảnh đó càng khích động dân chúng hơn nữa. Elena lớn tiếng thúc giục y, ở xa micrô: ‘Nói với chúng đi. Phát cho chúng thứ gì đó.’ Ceausescu tỏ vẻ hốt hoảng khi y thông báo tăng trợ cấp hưu trí và gia đình thêm 2,000 lei (khoảng 4 đô Mỹ mỗi tháng). Sau đó y khựng lại hoàn toàn. Tiếng huýt sáo phản đối càng lớn hơn. Giám đốc đài truyền hình quyết định ngưng phát hình. Màn hình bổng tối thui, trên đó chỉ còn lại chữ Trực tiếp. Tên cận vệ lực lưỡng của Ceausescu đẩy y ra khỏi bao lơn. Về sau, nhiều người tranh lấy vinh dự là người đầu tiên đã chế nhạo tên độc tài. Nhiều người cho tác giả chính sinh viên Nica Leon, nhưng cũng không ít người nghi ngờ. Một trong những người hét đầu tiên chắc chắn là một tài xế taxi, Adrian Donea. Ông nói, ‘Chúng tôi có thể thấy là y sợ. Ngay lúc đó chúng tôi mới nhận thức được sức mạnh của mình.’ Nhóm đầu tiên cất lên điệp khúc ‘Timisora’ là các công nhân của nhà máy năng lượng Turbomecanica bên ngoài Bucharest.
        Đám đông ở Quảng trường Cung điện đã làm tổn thương tên độc tài một cách sâu sắc. Nhưng bây giờ họ không biết phải làm gì. Nếu bọn Securitate tấn công bằng bạo lực ngay vào lúc đó và đẩy lùi bọn chống đối ra khỏi đường phố Bucharest, thì con đường Cách mạng Romania có thể hoàn toàn đổi khác. Nhưng họ không làm vậy. Chẳng bao lâu người biểu tình được hàng ngàn người khác tham gia, những người đã mục kích Ceausescu trên truyền hình, đang từ một tên độc tài toàn năng ngay tức khắc biến thành một lão già yếu đuối. Và những người khác khi hay tin về những gì đã xảy ra liền vội vã ra đường phố để xem thực hư. Vụ nổi loạn bùng phát chiều đó tại ba điểm chính trong trung tâm Bucharest: tại Đại học Square, đối diện trước Khách sạn Intercontinental ở đó các nhà báo nước ngoài không cần đi đâu xa mới thấy được sự rối loạn; tại Quảng trường Cung điện và tại đài truyền hình Romania ở phía bắc thành phố. Trong vài giờ lực lượng an ninh đáng sợ của Ceausescu không biết làm gì. Họ cứ để những người biểu tình nổi loạn. Pavel Campeau, người cán bộ già đã từng cùng chia sẻ xà lim với Ceausescu nhưng đã chia tay với y hàng chục năm qua, nói: ‘Ngay thời điểm này, thậm chí, y có thể chọn cách đối thoại với các sinh viên và những người bất đồng chính kiến và với các người Cộng sản có đầu óc cải cách. Nhưng làm thế y phải rời bỏ cái thế giới quen thuộc của mình, đó là điều y không thể làm.’
        Thay vào đó, y chọn cách chiến đấu và sử dụng cùng một chiến thuật như ở Timisoara trước đó vài ngày. Từ khoảng sáu giờ chiều các binh sĩ của Securitate và các đơn vị cảnh sát bắt đầu bắn xối xả vào những người biểu tình, mà vũ khí tự vệ duy nhất của họ là những chai xăng Molotov, đá và các chướng ngại vật là những ô tô được lật úp trên các đại lộ chính. ‘Khắp nơi là ồn ào và hỗn loạn,’ một người cách mạng nói. ‘Nhưng chúng tôi quyết tâm cố thủ đường phố đêm đó, để biểu lộ sự thách thức càng lâu càng tốt, rồi xem chuyện gì sẽ xảy ra.’ Không có binh lính chính qui nào dự phần vào cuộc đánh nhau. Họ vẫn ở lại trong doanh trại. Một số ít binh lính được phái làm nhiệm vụ hầu hết là những thanh niên trẻ mới nhập ngũ, phân vân không biết bắn vào ai.
Bên trong trụ sở Đảng Cộng sản ở Quảng trường Cung điện, Ceausescu đang phạm một sai lầm thứ hai. Vốn là một người rất coi trọng đến an nguy của mình nên y có một đội vệ sĩ gồm 80 người lính Securitate tinh nhuệ, được nuông chiều, trả lương hậu hĩnh để mua sự trung thành tuyệt đối. Có một mạng lưới đường ngầm liên kết trụ sở này với nhiều nơi cư trú khác ở Bucharest. Y có thể thoát đi khỏi thành phố dễ dàng và triệu tập những người ủng hộ mình từ nơi khác. Không ai hiểu tại sao y không thử làm như vậy. Suốt chiều và tối y ẩn nấp trong trụ sở với các phụ tá và nhân viên. Có lần y bảo với quần thần của y là ‘tôi sẽ ở lại và chiến đấu. Tôi sẽ không bị buộc phải bỏ chạy, và vợ tôi cũng đồng ý.’ Không ai cố làm y đổi ý. Một số người đã quay lưng lại với y và tìm cách tự cứu lấy mình. Những người khác vẫn giữ im lặng do sợ đã quen rồi.
Dân chúng cố thủ đường phố qua đêm. Đã xảy ra những đụng độ lác đác, có khoảng 35 người đã bị giết, nhưng trước bình minh thì bọn Securitate và cảnh sát dẹp bạo loạn đã biến mất. Một đám biểu tình đông đảo nhưng bất bạo động đã chiếm Quảng trường Cung điện. ‘Chúng tôi đang mong chờ điều gì đó nhưng không biết là gì,’ Alex Serban nhớ lại. Truyền hình Romania lại lên sóng lần nữa và phát hình trực tiếp cuộc biểu tình. Không ai ra lệnh không được quay phim, nhưng giữ cho máy quay hoạt động lúc này cũng đòi hỏi rất nhiều dũng cảm.
        Bên trong, khoảng 9 giờ sáng, tên độc tài lại ra một quyết định khiến quân đội quay ra chống lại y và y chắc chắn thất bại. Phải có ai đó nhận trách nhiệm cho các cuộc nổi dậy trong thành phố. Ceausescu chọn Bộ trưởng Quốc phòng, Tướng Vasile Milea. Y nói rằng chính việc Milea không ra lệnh binh lính bắn vào đám biểu tình là một tội phản quốc và sa thải y. Chuyện gì xảy ra sau đó thì không chắc chắn lắm. Theo gia đình Milea, bạn bè và một số sĩ quan của y, ngay trước lúc 10 giờ sáng, theo lệnh của Ceausescu, một sĩ quan Securitate dẫn viên tướng lên lầu đến phòng làm việc của y rồi bắn y. Một câu chuyện khác, do một nhóm sĩ quan khác xác nhận, là Milea được hộ tống đến văn phòng của y và y tự tử. Một buổi phát thanh chính thức vào lúc 11 giờ sáng cho tin ‘Tướng Milea là một tên phản bội và đã tự tử’. Dù cách nào, bản tin đã gây một hiệu ứng sâu xa. Tiếng la ó vang khắp Quảng trường Cung điện khi tin được loan báo. Một người bụng phệ, 62 tuổi, Milea nhiều năm đã là một trong những tên nịnh thần thâm độc nhất của Ceausescu. Y được cấp trên coi trọng nhưng cấp dưới thì khi dễ. Ngay lập tức y bổng trở thành một thánh tử đạo của cách mạng. Các chỉ huy của ba ngành liền tẩy chai Ceausescu, và những người của họ hăng hái tham nha phe nổi dậy. Các binh sĩ lấy băng đạn ra khỏi súng và vẫy về phía đám biểu tình. Các xe tăng được phái đến, và binh lính đẩy mâm đậy chui ra, vẩy tay với người đi đường. Tiếng hoan hô vang dội trong Quảng trường Cung điện và khắp thành phố: ‘Quân đội – về phe chúng ta.’
        Vào khoảng 11.30 sáng, một chiếc trực thăng màu trắng đậu trên nóc của trụ sở Đảng Cộng sản, trước sự reo hò của đám đông bên dưới. Ceausescu cố gắng lần cuối cùng nói chuyện với đám đông nhưng đó là một sự thất bại. Y bước ra ngoài bao lơn của tầng một, tại đó y đã đọc diễn văn vào ngày hôm trước. Dân chúng bắt đầu ném đá và bất cứ thứ gì họ có thể kiếm được về phía y. Các cận vệ của y ấn y và Elena khỏi bao lơn và vào trong thang máy. Một nhóm người chống đối đã xoay sở mở được cổng thép đồ sộ của trụ sở, khống chế được bọn lính gác và tịch thu súng ống của chúng. Họ chạy lên cầu thang bộ, nơi các cận vệ của Ceausescu ra sức kháng cự, nhưng sau một trận đánh dữ dội độ vài phút họ đầu hàng. Những người nổi dậy chạy ào qua văn phòng của Ceausescu và ra ngoài bao lơn, nơi đó hàng ngàn người dân đang đứng dưới Quảng trường bên dưới, hoan hô họ vang dậy.
 Không có người nổi dậy nào biết rằng lúc này mình chỉ đứng cách tên cai trị ghê tỡm có vài mét. Y đang rúc người trong thang máy và thoát được chỉ nhờ may mắn. Tên cận vệ của y quyết định không đi xuống hầm, lúc này có thể cả bọn quần thần của y đang thoát thân bằng mạng lưới đường ngầm bên dưới hầm. Họ đi lên mái nhà, nhưng bổng điện bị cúp trong lúc giao tranh nên thang máy ngừng lại trước khi họ đi đến tầng thượng. Sau một hồi xoay sở độ vài phút, tên cận vệ mở được cửa thang máy và Chủ tịch cùng bà vợ, thở hết hơi và hoảng hốt, leo lên tầng thượng. Họ được hai tên tay sai trung thành nhất hộ tống, Thủ tướng Emil Bobu và Phó Thủ tướng Manea Manescu, một trong số nhiều em rễ của y. Cánh quạt của chiếc trực thăng Ecureuil do Pháp chế tạo đang quay – và phải quyết định nhanh chóng. Họ được Trung tá Vasile Malutan, phi công riêng của y, đón. Gã không thích nhận công việc này một chút nào. ‘Tôi được lệnh bay đến nóc trụ sở và đợi,’ gã nói. ‘Lúc đầu dự định có đến bốn trực thăng đến bốc nội các đi, nhưng sứ mạng của ba trực thăng kia bị hủy bỏ. Tôi đã tính bay đi chổ khác mà không bốc ai cả. Nhưng tôi quan sát thấy có vài tay bắn sẻ Securitate nấp trên các nóc nhà gần đó và sợ rằng nếu tôi bỏ đi mà không bốc được ai chúng sẽ bắn hạ tôi. Tôi điện về căn cứ: “Tôi có phải ở lại đây không?” và nhận được trả lời: “Phải, ở lại chờ.”’
        Malutan biểu những gì đang xảy ra bên dưới – TV ở căn cứ gã đã chiếu những bài tường thuật trực tiếp tại chỗ cho dân chúng Romania xem. Khi thấy đám tùy tùng đông quá Malutan nói: ‘Các ông nhiều người quá.’ Nhưng lúc đó đã xuất hiện một số dân khởi nghĩa leo được đến sân thượng và có thể ào tới trực thăng bất cứ lúc nào. Nên phớt lờ gã phi công, các hành khách ùa vào trong lòng chiếc trực thăng. Khi gã cất cánh, chiếc trực thăng phải ì ạch lắm mới bay đi được. Lúc đó là 12.10 trưa. Có tất cả chín người bên trong trực thăng, kể cả ba phi hành đoàn. Họ ngồi chen chúc đến nổi một phi hành đoàn phải ngồi trên gối của một cận vệ. Elena ràn rụa nước mắt, còn Ceausescu thì bộ mặt đưa đám. Sau một ít phút bay trên không Malutan quay sang Ceausescu hỏi: ‘Đi đâu?’ Y do dự. Y và Elena bàn bạc một lúc rồi cuối cùng y nói, ‘Đến Snagov,’ cách Bucharest 60 km về phía tây bắc, ở đó Ceausescu có một lâu đài bên bờ hồ.
Niềm vui vỡ òa trên Quảng trường Cung điện khi dân chúng chứng kiến cảnh chiếc trực thăng chủ tịch bay khỏi thủ đô. Khắp nơi, quốc kỳ tam sắc của Romania gồm đỏ, xanh lam và vàng tung bay. Giữa trung tâm quốc kỳ đều bị khoét một lỗ vừa đủ để cắt bỏ biểu hiệu búa liềm. Dân chúng bắt đầu cất tiếng hát, theo điệu một bài hát chủ đề của bóng đá thường vang lên ở mọi sân bóng:
        Ole, Ole, Ole, Ole
        Ceausescu unde é?
        (Ceausescu ở đâu?)
        Ole, Ole, Ole, Ole
        Ceausescu nu mai é!
        (Ceausescu không còn)
        Hàng trăm người khởi nghĩa chiếm đóng trụ sở Đảng, họ là những dân thường, thuộc một nhóm ô hợp nhưng đã đến với nhau vì đã có mặt ở đó đúng lúc. Đó là những công nhân nhà máy, tài xế taxi, thư kí văn phòng, thầy giáo. Một trong những người đầu tiên vào được hành lang trung tâm là tiếp viên của một nhà hàng du lịch, Intercontinental. Trong văn phòng mênh mông trên tầng một nơi Ceausescu làm việc họ bàn tán uyên náo, nhưng không có tổ chức. Không ai có bất cứ kinh nghiệm gì về hành chính, hoặc phương thức chống đối. Mỗi người một ý. Không ai lãnh đạo.
        Giữa cuộc hỗn loạn,  quyền lực nằm ở nơi khác. Truyền hình đóng một vai trò quyết định trong Cách mạng Romania, nhưng không phải là truyền hình nước ngoài. Trong những ngày đầu hỗn loạn sau khi Ceausescu bôn tẩu, phòng phát hình Romania trở thành trung tâm chính quyền. Khi Gelu Voican-Voiculescu, người sẽ trở thành một trong những nhà lãnh đạo hậu-Ceausescu đầu tiên, nhìn nhận: ‘Thành công của chúng tôi nằm trong sự khai thác thành công của truyền hình.’
        Từ sáng ngày 22/12, bất kỳ ai ở Bucharest có ảnh hưởng, hay nghĩ mình có ảnh hưởng, đều đến trung tâm truyền hình Romania, một tòa nhà bê tông hiện đại xấu xí trên một trong những đại lộ chính của thành phố. Ion Iliescu, được biết trong nội bộ Đảng là một đối thủ thận trọng của Ceausescu. Khoảng nửa đêm khi thấy cái đuôi Securitate bám theo mình đã biến mất, ông đi thẳng đến đài truyền hình. Tướng Victor Stanculescu, người được phong làm Bộ trưởng Quốc phòng sáng hôm đó để thay Tướng Milea, và cũng là người đã khuyên Ceausescu tẩu thoát bằng trực thăng, cũng đi đến đài truyền hình, với các sĩ quan cao cấp khác tháp tùng. Nhà thơ bất đồng chính kiến Mircea Dinescu đã bị quản thúc tại nhà ở Budapest sáu tháng nay sau khi đã nhận lời phỏng vấn của tờ báo Pháp Liberaton (Giải Phóng). Ông cũng đi thẳng tới đài truyền hình. ‘Vào buổi sáng thứ sáu đó, 22/12, một người hàng xóm gọi điện báo tôi biết các nhân viên Securitate có vũ trang canh gác ngoài cửa nhà tôi không còn ở đó nữa,’ ông nói. ‘Tôi bước ra ngoài nhìn quanh quất và đi rảo một quãng. Quả đúng vậy. Tôi lang thang ra phố. Ở đó một đám người ào đến và quăng tôi lên không. Tôi được đặt vào một xe thiết giáp và dân chúng nói với các binh sĩ ”Đây là Dinescu, mang ông ấy đến đài truyền hình.” Nó như thể một bộ phim tồi về một cuộc cách mạng.’
        Diễn viên Nhà hát Quốc gia Ion Caramitru, một nghệ sỹ rất tiếng tăm, được chở đến đài truyền hình, ngồi vắt vẻo trên mâm chiếc xe tăng. Sau khi Ceausescu đã bỏ trốn được một tiếng, giữa cơn hỗn loạn và lúng túng, đài ngưng phát sóng. Nhưng từ 1 giờ chiều lại tiếp tục phát hình tin trực tiếp và những nhân vật đầu tiên mà khán giả nhìn thấy là nhà thơ và diễn viên với nụ cười rạng rỡ hạnh phúc. ‘Tên độc tài đã chuồn mất,’ Dinescu tuyên bố. Vào cuối ngày nhà thơ xử sự như một bộ trưởng trong chính phủ. Đối với hàng triệu người Romania bên ngoài Bucharest, đây là những tin tức đầu tiên họ hay tin về cách mạng ở Bucharest. Silviu Brucan, một nhà trí thức bất đồng chính kiến, đối thủ của Ceausescu, đi đến đài. ‘Cảm giác được giải phóng và nổi háo hức sau bấy nhiêu năm thật là say sưa,’ Caramitru nói. ‘Nhưng chúng tôi là người ngây thơ. Làm sao chúng tôi thành lập một chính quyền bây giờ? Tôi là một diễn viên. Tôi không có khái niệm gì về việc mình là Tổng thống hoặc một thứ gì như thế.’
        Có những người biết rõ hơn về về bản chất của  quyền lực. Ion Iliescu và đồng bọn thấy được đây là cơ hội để kiểm soát cách mạng – và họ đã nắm lấy. Khi y đến đài truyền hình thì ở đó rất hỗn loạn. ‘Đủ hạng người ở đó đang bàn tán, biểu lộ sự nhiệt thành,’ Iliescu nói. ‘Nhưng tôi nhận thấy phải làm gì đó để phục hồi trật tự, vì chỉ nhiệt tình và xúc cảm chung chung có thể dẫn đến sự vô chính phủ.’ Y và một số viên chức Cộng sản bị Ceausescu trù giập, một số lớn các vị tướng và một ít học giả bất đồng chính kiến thành lập một chính quyền từ đống đổ nát của nền độc tài Ceausescu. Đã lan truyền một huyền thoại kéo dài là đã có một âm mưu được lên kế hoạch tỉ mỉ để chiếm lấy  quyền lực. Nó được nhiều người dân Romania và ở nơi khác tin là có thực. Sự xuất hiện trong chính quyền tương lai của quá nhiều người Cộng sản được tái chế, và sự chuyển giao khó khăn về hướng dân chủ hóa của đất nước sau đó, hình như tạo thêm tính đáng tin cho những câu chuyện khác nhau. Nhưng không có tư liệu nào làm chứng cứ. Học thuyết âm mưu quá phụ thuộc vào sự nổi dậy của đám đông và tên độc tài bỏ trốn, những tình huống khó lường, quá nhiều đến nổi một kế hoạch được trù tính tỉ mỉ trước hàng tháng trời có vẻ như không hợp lý.
        Vậy mà một số người khác, kể cả Tướng Nicolae Militaru, người sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng trong chính phủ mới, khăng khăng là có nhiều sự dàn xếp trước. Ông nói rằng đã có một âm mưu nhằm lật đổ Ceausescu ấn định vào tháng hai 1990. Ceausescu sẽ bị bắt làm tù nhân trong khi y đi khỏi Bucharest và loại ra khỏi chức vụ bằng những khẩu súng an thần, trong khi quân đội và các thành viên của bộ máy quan liêu tuyên bố đảo chính. Nhưng súng chỉ được giao đến vào giữa tháng 1 nên cách mạng đã đi trước bọn âm mưu một bước.
        Iliescu và các nhân vật lãnh đạo khác của hành pháp hậu-Ceausescu phủ nhận điều ấy. ‘Nhiều người trong chúng tôi có bàn bạc về tương lai, về cách thức ra khỏi thảm họa chúng tôi đang mắc kẹt,’ Iliescu nói. ‘Tôi bàn với các tướng lãnh khác. Nhưng chúng tôi có sẵn sàng để dính líu vào hành động có thể loại trừ Ceausescu không? Để có một kế hoạch bạn cần có những điều kiện để thực thi kế hoạch. Chúng tôi đã bàn bạc những gì có thể làm, nhưng rõ ràng là không thể tổ chức cái gì cả.’
 Khi Iliescu tuyên bố trên truyền hình chiều đó ông trông ra vẻ là một nhân vật đầy quyền lực khi ông hứa sẽ mang kẻ đã giáng bao nhiêu đau khổ xuống đầu người dân Romania ra trước công lý để trị tội. Ông nói nhiệm vụ trước mắt là tái lập trật tự. Chưa chắc là Ceausescu không đánh trả. Và ông kêu gọi mọi ‘người có trách nhiệm’ tham gia vào Ủy ban Cứu Quốc. Vào 6 giờ chiều hôm đó quân đội đã thực sự tiến cử Iliescu làm lãnh đạo chính phủ mới, một chính phủ còn run rẩy, yếu ớt, ra đời giữa sự bấp bênh và hỗn loạn. Nó có một nhiệm vụ chủ yếu cấp bách: tiến hành một cuộc nội chiến.
        Súng bắt đầu nổ vào 7 giờ tối. Các nhóm nhỏ các sĩ quan Securitate trung thành với Ceausescu bắt đầu nổ súng vô tôi vạ vào các đám dân chúng chào mừng vì được giải phóng trên đường phố. Trận đánh kéo dài một ngày và hai đêm và lác đác một ngày nữa sau đo. Thường thì khó biết ai đang bắn ai và vì lẽ gì. Nhiều hành động bạo lực hoàn toàn như đùa, như việc nã pháo vào Thư viện Quốc gia khi không có ai trong đó. Hàng trăm bộ sách cổ không thể thay thế được bị tiêu hủy. Bọn Securitate hành quân theo một quân lệnh – số 2600 – được xem là chống lại quân xâm lược nước ngoài hoặc một vụ nổi loạn nghiêm trọng. Không rõ ai ra lệnh này vì những sĩ quan cao cấp nhất của Securitate, trong đó có Tướng Vlad, đều theo về với cách mạng. Chiến thuật hình như không có mục tiêu quân sự gì, trừ ra có ý định gieo rắc sự khủng bố nhiều như có thể trong dân chúng. Quân đội không biết chắc phải phản ứng ra sao. Binh sĩ hầu hết là những tân binh, mới vừa hoàn tất khóa huấn luyện, và trước đây chưa hề nổ súng sát hại ai. Phân biệt bạn hay thù rất khó, nhất là khi dân chúng được các binh sĩ ở doanh trại phát súng và đạn.
        Thường bọn khủng bố Securitate cũng mặc y phục dân thường, hoặc quân phục. Chúng đi từng nhóm nhỏ, sử dụng các lối đi ngầm dưới đất hoặc cống thoát nước để di chuyển khắp Bucharest, trồi lên tấn công các đơn vị quân đội hoặc mục tiêu dân thường, và rồi biến mất.
        Vào 9 giờ tối ngày 22/12 họ tấn công đài truyền hình, nhưng coi bộ không có ý muốn chiếm đóng, vì lúc đó có nhiều xe tăng bao quanh bảo vệ đài.  Các binh sĩ phòng vệ chỉ mới qua khóa huấn luyện quân sự không đến hai tháng. Họ trang bị nặng chỉ thích hợp khi tác chiến trên chiến trường mở hơn là đánh du kích trong thành phố. Vụ đánh nhau ác liệt kéo dài khoảng một giờ, có 62 người bị bắn chết, phần lớn là dân thường bị kẹt giữa hai lằn đạn. Đài truyền hình còn bị tấn công vài lần trong một vài ngày sau. Tin đồn thổi phồng số thương vong lên đến hàng ngàn người và Bucharest đã biến thành nơi tắm máu. Trên khắp Romania số người chết là 1,104 trong đó có 493 người ở Bucharest. Và khoảng một phần ba là của bọn ‘khủng bố’ Securitate. Có 3,352 người bị thương, trong đó có 2,200 người ở thủ đô.
        Theo Valentine Gabrielescu, chủ tịch ủy ban điều tra Thượng viện sau này xem xét lại vụ bắn nhau trong cách mạng, hầu hết người chết là dân thường, ‘những người vô tội bị kẹt giữa hai lằn đạn của những binh lính và thường dân hoảng loạn bắn nhau với bọn khủng bố’. Ông kết luận: ‘Giống như quân đội và cảnh sát, hàng ngàn dân thường được vũ trang, bị căng thẳng vì tin đồn thất thiệt và báo động giả . . . khiến mọi người bắn lẫn nhau. Đúng là một tình trạng hỗn loạn.
Vụ đào thoát của vợ chồng Ceausescu đúng là bi hài. Sau khi thoát khỏi sân thượng trụ sở bằng trực thăng trong đường tơ kẻ tóc, họ đến biệt thự 40 phòng của họ ở Snagov trong vòng 20 phút. Nhưng họ không đợi lâu. Ceausescu gọi một loạt cú điện thoại đến các bí thư Đảng trong vùng để xem có chỗ nào chịu tiếp y. Y không chọn biện pháp trốn ra nước ngoài. Y chau mày khi được cho hay là cách mạng đã lan ra khắp mọi nơi. Họ đi đến căn phòng của mình ở tầng một. Nơi đó họ lục lọi khắp các tủ, trút sạch các ngăn kéo và lật ngữa các tấm đệm. Họ nhét mọi thứ vào các túi xách xanh, kể vả hai ổ bánh mì.
        Trong vòng 15 phút, vào khoảng 1.20 họ quay về chiếc trực thăng đang chờ đợi. Họ cho hai người khách không mong muốn là Thủ tướng Bobu và phó của y là Manescu đi bằng ô tô và tự lo liệu. Khi bỏ đi, Manescu còn quì xuống hôn bàn tay Ceausescu. Giờ vợ chồng Ceausescu chỉ được hai cận vệ mình hộ tống, Trung úy Florian Rat và Marian Rusu. Viên phi công trực thăng muốn trút bỏ Chủ tịch và bộ hạ của y mà không được vì bọn cận vệ lúc nào cũng chỉa súng vào anh và bảo anh làm theo lệnh của Chủ tịch. Malutan nói: ‘Khi tất cả đã leo vào trực thăng Ceausescu hỏi tôi: ‘Anh về phe nào? Chúng ta đi đâu đây?’ Tôi trả lời “Ông cứ ra lệnh.” Chúng tôi cất cánh lúc 13.30. Bọn cận vệ rất bồn chồn. Họ cứ chỉa mũi súng máy vào tôi. Trong ống nghe tôi có thể nghe được lệnh sĩ quan chỉ huy của tôi nói, “Vasile, hãy nghe điện đài – đây là cách mạng.” Sau đó, Ceausescu ra lệnh tôi cắt đứt mỗi liên lạc điện đàm với căn cứ.’
 Anh được ra lệnh hướng về Pitesti, trong vùng tây nam của đất nước, và anh cố tình bay cao ‘để chúng tôi có thể bị phát hiện trên ra-đa’. Nhưng một trong hai tên cận vệ thấy ra thủ đoạn của anh, liền nói, ‘Vasile, anh làm gì thế?’ Viên phi công trả lời với Ceausescu: ‘Chúng ta đã bị ra-đa phát hiện.’ Cả hai vợ chồng Ceausescu đều khiếp đảm và y quát lên ‘Hãy đáp xuống gần con đường.’ Viên phi công cho trực thăng đáp xuống một cánh đồng cách Titu bốn cây số, bên ngoài một ngôi làng có tên Salcuta. Lúc đó là 1.45 chiều, Marian Rusu cho dừng hai ô tô chạy ngang qua. Vợ chồng Ceausescu và Florian Rat đi một chiếc còn chiếc kia Rusu, cận vệ riêng của Elena nhiều năm rồi, leo lên chiếc thứ hai. Rusu hứa sẽ bám sát theo, nhưng ngay sau đó gã vọt lẹ.
        Vợ chồng Ceausescu ngồi trong ô tô đỏ hiệu Dacia do Bác sĩ Nicolae Deca lái. Anh nhận ra ngay lý lịch của hai vị hành khách đặc biệt trong xe mình và suy tính cách thoát thân ngay lập tức. Anh liền nói ô tô đã cạn xăng. Anh nói dối, nhưng ở Romania vào thời gian đó hết xăng là chuyện thường. Rat bắt một chiếc xe khác của một thanh niên 35 tuổi tên Nicolae Petrisor ngay trước nhà anh. Ceausescu bắt anh lái đến Targoviste, ở đó có một nhà máy điển hình tiên tiến nơi y có đến thăm vài lần với các quan khách nước ngoài. Họ là những công nhân có đặc quyền, những cán bộ Đảng trung thành, chắc chắn vợ chồng y sẽ được tiếp đón ở đó, y bảo thế với Elena. Bà ta trông vẻ hoài nghi.
        Khi họ đến Targoviste thị trấn cũng đang hỗn loạn, vui mừng chào đón tin tức về cách mạng. Họ bỏ lại Rat ở ngoài rìa thị trấn. Sợ bị phát hiện, họ cúi đầu xuống thấp như có thể. Petrisor được lệnh lái đến một nhà máy nông nghiệp mà họ cũng đã đến thăm nhiều lần. Giám đốc Victor Seinescu mời họ vào, nhưng vào khoảng 2.45 chiều ông lại gọi cho dân quân địa phương báo tin nhân thân các vị khách của mình. Vợ chồng Ceausescu bị hai dân quân mặc quân phục dẫn đi, nhưng đến ba giờ sau họ mới bị giao cho quân đội, mặc dù doanh trại chỉ cách đó non 450 mét. Như nhiều quan chức cao cấp khác chiều hôm đó Seinescu phân vân xem nên theo phe nào. Cuối cùng ông chọn cách giao nộp họ và ngay trước 6 giờ chiều họ bị giải đến doanh trại ở Targoviste, tại đó có một trung đoàn phòng không đang đóng quân. Khó khăn lắm mới đưa được cặp vợ chồng đến doanh trại mà không để ai phát hiện ra. Họ bị đẩy vào một xe có bọc thép kín mít để tránh các cặp mắt tò mò, rồi chở đến doanh trại theo đường quanh co, mất độ 5 phút. Đến nơi, họ được dẫn đến khu sinh sống cuối cùng của mình. Một văn phòng được ngăn làm hai ô bằng những chiếc bàn làm việc. Hai chiếc giường quân nhân được đặt trong một góc phòng, có chăn nhưng không khăn trải giường. Có một lò sưởi lớn bằng sứ ở một góc khác và một chậu rửa mặt kế bên. Khu vực này được cô lập chỉ cho phép các sĩ quan đặc biệt ra vào. Thiếu tá Ion Secu trải hai ngày rưỡi với cặp vợ chồng già.
        ‘Lúc đầu,’ Secu nói. ‘Ceausescu xử sự như mình còn là Tổng Tư lệnh . Lời đầu tiên của y là: “Này, tình hình thế nào? Hãy báo cáo đi.” Tôi nói “Chúng tôi ở đây để bảo vệ cho ngài khỏi bị đám đông quấy rầy. Nhưng chúng tôi phải tuân lệnh từ Bucharest.” Lời này làm y nổi giận và tuôn ra một tràng chưởi rủa chống lại bọn phản bội đã dựng nên âm mưu chống lại y. Chỉ từ từ y mới thấm thía được thân phận tù nhân của mình.’ Tâm trạng của y đi từ buồn thảm câm lặng, nảo nề đến sự phấn khích mãnh liệt khi y mạt sát ‘những tên phản bội’. Viên chỉ huy, Trung tá Mares, lo lắng trên hết về an ninh. Có 500  binh sĩ và 40 nhân viên dân sự tại căn cứ. Họ bị cắm trại để tránh lọt tin tức Ceausescu có mặt ra ngoài.
        Thỉnh thoảng Ceausescu cũng phỉnh phờ. Một thành viên của đội cảnh vệ 24/24 nói: ‘Ông ta tiến đến tôi, chìa tay ra và nói “tôi sẽ biếu anh một triệu đô Mỹ và bất kỳ chức vụ nào trong quân ngũ mà anh thích nếu anh tìm cách giúp chúng tôi ra khỏi đây.” Nhưng tôi làm sao tin những hứa hẹn của ông ta. Tôi cho là thay vì được một triệu đô tôi sẽ lãnh một viên đạn vào sau gáy.’
        Còn Elena được cằn nhằn suốt ba ngày. ‘Bà ta lúc nào của than phiền,’ một cảnh vệ kể. ‘Bà ta sợ, nhưng trong một tâm trạng luôn nóng giận và mỗi lần bà ta nổi cơn thì thật khủng khiếp. Vì bị tiểu đường, y thường tới lui phòng vệ sinh hôi hám ở cuối hành lang. Bà ta thì không chịu sử dụng phòng vệ sinh thành ra chúng tôi phải mang bô đến cho bả. Mỗi lần tôi nói chuyện với y là bả quát tôi “Sao mầy dám nói với Tổng Tư lệnh như thế?”’
        Đêm đầu tiên đó, Secu nhớ lại, họ chia sẻ một chiếc giường đơn, nằm rúc vào nhau – hai người già trong tay nhau. Họ nói thì thầm và mặc dù họ ôm suốt họ vẫn cãi vặt một cách nhỏ nhẹ. Có một lúc Ceausescu nói, “Phải chi em nói cho anh biết chuyện gì xảy ra, anh đã có thể khử tên Iliescu đó. Anh có thể đã kết thúc nó mùa hè trước. Nhưng em đã không kể cho anh.” Và có lần bà ta thì thào: “Tất cả là lỗi của anh; đáng ra lúc đầu chúng ta không nên đến đây. Đó là trách nhiệm của anh.”’
        Họ không chịu ăn gì ngoài bánh mì và táo, uống thì chỉ trà không đường. Thức ăn mang đến cho họ là từ nhà bếp tập thể. Nhưng họ không đụng đến như thể họ sợ thức ăn bị đầu độc. Vào buổi sáng đầu tiên, các sĩ quan cố ăn vận cho họ quân phục – để họ khó bị phát hiện nếu doanh trại bị xông vào. Ceausescu bị bắt cởi bỏ áo choàng đen và chiếc mũ lông thú để mặc một bộ quân phục. Còn Elena thì từ chối. Các cảnh vệ phải dùng vũ lực cởi chiếc áo choàng cổ lông thú của bà, rồi mặc vào một chiếc áo choàng quân đội dày cộm và ấn chiếc mũ lính lên đầu.
        Đêm đó Ceausescu lại tìm cách gạ gẫm để có thoát ra ngõ cụt của mình, theo lời thiếu tá Secu. ‘Ông ta thấy tôi đang ngái ngủ. Elena vừa tỉnh giấc và đang chăm chú quan sát mọi thứ từ trên giường. Ông ta nói với tôi: “Cậu mệt hả?” Rồi ông ta hỏi thăm gia đình tôi. Tôi bảo mình đã lập gia đình và có một con, đang sống trong một căn hộ nhỏ. “Gay quá,” ông ta nói. “Cậu xứng đáng hơn thế. Nghe này, tôi có thể kiếm cho cậu một biệt thự ở Kiseleff [một khu sang trọng ở Bucharest]. Bảy hoặc tám phòng, có thể nhiều hơn nếu cậu thích, và một gara. Và chiếc ô tô trong gara không nhất thiết là một chiếc Dacia thông thường đâu”. . . Thấy tôi không trả lời, ông ta lại nói tiếp. “Cậu không nên liều mình mà chẳng ra tích sự gì. Nếu cậu giúp chúng tôi ra khỏi đây và đưa tôi đến đài truyền hình để tôi nói chuyện với nhân dân, tôi sẽ tặng cho cậu một triệu, không, hai triệu đô la.”’
        Vào đêm trước Giáng sinh bọn Securitate cuối cùng đã lần mò ra chỗ họ bị giữ nên chiếm các vị trí bên ngoài doanh trại. Ngay sau nửa đêm chúng khai hỏa, nhưng bị đẩy lùi. Một giờ trước, vợ chồng Ceausescu đã bị vực dậy, bắt mặc áo choàng, và bị đẩy vào một ô tô bọc thép đậu vào một nơi có che chắn bên ngoài tòa nhà và bị bắt nằm úp mặt xuống sàn. Họ ở đó đến năm giờ sau cho đến khi im tiếng súng. Sau đó họ được đưa về phòng của mình trong doanh trại. Tại đó họ trải qua đêm cuối cùng của đời mình.
Chính quyền mới cần khẳng định quyền uy của mình. Vào đêm trước Giáng sinh, đánh nhau ở Bucharest và các tỉnh lớn như Sibiu và Brasov ít ác liệt hơn, nhưng những trận đánh vẫn lác đác đây đó, và số thương vong tăng lên. Những người cách mạng ôn hòa ghét cái tên Mặt trận Cứu quốc. Nó nghe có vẻ Stalin-nít quá. Nhưng Iliescu và những cán bộ Cộng sản lão thành khác trong chế độ mới cho rằng nó khơi gợi lòng ái quốc. Họ gặp nhau vào khoảng 5 giờ chiều ngày 24/12 để gút lại quyết định về số phận của Ceausescu. Đó là một cuộc họp u ám và gay gắt. Họ đã chần chừ hai ngày qua. Nhưng giờ các quân nhân muốn hành hình thật nhanh. Họ cho rằng việc đó sẽ chấm dứt ngay lập tức sự xung đột. Nếu Ceausescu chết sẽ không có tụ tập, không có lý do để bắn nhau. Iliescu lúc đầu còn hoài nghi. Ông không muốn tay mình vấy máu. Khi Militaru mỉa mai, ‘Phải, điều đó sẽ là khởi đầu thật tệ cho việc trị vì của của anh,’ Iliescu nồi cáu trả lời, ‘ý anh muốn nói gì, việc trị vì của tôi? Không có trị vì gì ở đây.’ Một vài tiếng nói góp ý là một phiên tòa chui xét xử gấp gáp, không có chứng cứ thích đáng, sẽ làm trò cười cho quốc tế. Nhưng các vị tướng vẫn quyết liệt, và Brucan ủng hộ họ. Y nói Romania cần được đoan chắc là chế độ độc tài của Ceausescu đã chết và không có cách nào tốt hơn là trưng ra thi thể ông ta’. Iliescu, cuối cùng, đồng ý. ‘Đúng là tốt hơn nên tổ chức một phiên tòa đàng hoàng và đưa ra đầy đủ bằng chứng,’ ông nói. ‘Nhưng tình hình không cho phép điều đó. Hãy tiến hành xét sử ngay ngày mai.’ Tội trạng được quyết định bởi một nhóm người sau cuộc họp đó và không có ghi chép gì cả. Iliescu, Brucan, Militaru, Voican-Voiculescu và Stanculescu tất cả đều quyết định xử bắn ngay lập tức sau khi xét xử.
        Không có mấy ai lên tiếng phản kháng. Thi sĩ Anna Blandiana phản đối. Trong những giờ phút tưng bừng của cách mạng bà ta được giao giữ một vị trí trong Mặt trận để chứng tỏ đây là ‘chính quyền của mọi tài năng’. Nhưng bà không được cho biết tin gì về quyết định hành hình Ceausescu và khi biết tin y bị xử tử, bà khiếp đảm và từ chức ngay. Đó là một trong những rạn nứt đầu tiên của phong trào sẽ xuất hiện sau đó. Một trong ít người lên tiếng từ nước ngoài phản đối việc hành hình là Shevardnadze. Ông nói mình thấu hiểu tình thế. ‘Nhưng tôi vẫn cảm thấy một dư vị chua chát.’ Nhiều người tin là Xô viết đã bị khích động và đã nhúng tay vào âm mưu đảo chính chống lại tên độc tài. Chứng cứ là sự có mặt của Silviu Brucan ở Moscow vào tháng 11. Nhưng thực ra không có chứng cứ. Brucan thường lui tới Moscow để cải thiện quan hệ và y thường hỏi liệu người Nga có can thiệp, nhưng lúc nào họ cũng từ chối. Ông luôn luôn phủ nhận việc người Nga tiếp tay – ‘Với tình hình ở Romania thì đơn giản là không thể nào tổ chức một việc như thế. Chúng tôi đều ta thán với nhau và hi vọng ông ta sẽ chết. Toàn thể xứ sở đều mong ông ta chết quách. Nhưng chúng tôi không làm gì cả,’ ông nói.
        Gorbachev đã ra chỉ thị không được dính líu trực tiếp vào Romania, và chứng cứ là họ đã tuân lệnh ông. ‘Chúng tôi biết thế nào cũng có chuyện xảy ra,’ cố vấn chính sách đối ngoại Valentin Falin của Gorbachev nói. ‘Chúng tôi biết sẽ có nạn nhân. . . một điều không thể tránh khỏi vì chế độ không chỉ thối nát mà còn có mầm mống dấy loạn. Nhưng lúc đó chúng tôi không ngờ xảy ra vụ chém giết đẫm máu như vậy. Romania không có cách thoát ra nào khác. Do đó chúng tôi chỉ theo dõi.’
        Đoạn kết ở Bucharest thật nhiều mỉa mai. Ở đỉnh cao của xung đột, người Mỹ trở nên vô cùng lo lắng bạo lực có thể lan ra khắp vùng Balkan. Lawrence Eagle, tham tán Bộ Ngoại giao, bảo với xếp mình, James Baker, là ông ta lo lắng người Romania có thể sử dụng vũ khí đối với nhóm sắc tộc Hung và tự hỏi liệu người Xô viết có can thiệp không. Sự phản kháng học thuyết Brezhnev không nên áp dụng trong trường hợp này. Vào chiều ngày 24/12 Baker chính thức gợi ý là ‘người Xô viết có động lực và khả năng làm điều gì đó để ngăn chận sự đổ máu’. Ông nói là người Mỹ không nên chống đối nếu ‘khối Warsaw cảm thấy cần thiết phải can thiệp’ vào Romania. Đây cũng gần như đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 10 ngày Xô viết xâm lăng Afghanistan nên gợi ý của ngài Ngoại trưởng là rất thỏa đáng. Ông bảo Đại sứ Mỹ ở Moscow, Jack Matlock, thăm dò phản ứng của người Nga. Và phản ứng của họ là chế giễu. Shevardnadze cho rằng ý tưởng ấy không quái gở nhưng ‘chỉ hơi lố bịch’. Ông ta ‘tuyệt đối chống lại’ bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Cách mạng Romania là chuyện nhà của họ. Bất kỳ sự can thiệp nào của người Xô viết có thể biến ‘Ceausescu thành vị thánh tử đạo’. Ngoài ra, việc đánh nhau sẽ ngừng ngay lập tức sau khi y bị hành hình.
        Vào chiều tối ngày 24/12, Matlock có một cuộc họp không thoải mái lắm tại Moscow với một quan chức của Shevardnadze, Ivan Aboimov luôn miệng lặp lại là LBXV sẽ không can thiệp. Người Mỹ, ông ta chỉ ra, đã vừa xâm lăng Panama vài tuần trước để loại bỏ tên độc tài bị căm ghét Manuel Noriega. Y đã đối xử hung bạo với nhân dân của mình và dính líu vào một tập đoàn mua bán ma túy để tuồn chất côcain vào nước Mỹ. ‘Chúng tôi sẽ nhường cho các ông hình thức can thiệp đó,’ Aboimov nói. ‘Nhân tiện ông đề cập đến Học thuyết Brezhnev, từ phía chúng tôi, chúng tôi gởi các ông Học thuyết đó như một món quà.’          
2728293031323334353637

ĐOẠN KẾT
         
Thành phố Vatican, thứ sáu ngày 1 tháng 12 năm 1989
Đoàn ô tô 20 chiếc màu đen, cùng với các môtô hộ tống vòng ngoài, đã tạo ra nạn kẹt xe trong những đường phố chật ních ở Rome trong một ngày rưỡi trước. Bất cứ Gorbachev đi đâu, bên ngoài LBXV, ông cũng thu hút những đám đông chào đón nhiệt tình. Trường hợp này cũng không ngoại lệ. Vào khoảng 10.30 sáng, đoàn tùy tùng Xô viết đến Cổng Chuông bên cạnh Giáo đường Thánh Peter và quẹo phải vào một ngõ cụt hẹp. Chiếc Limousine Zil của Gorbachev ngừng trước lối vào của văn phòng giáo hoàng trong sân St Damasus, một trong những bảo vật bí ẩn bên trong Vatican luôn cấm cửa với công chúng. Ông được một chi đội Cảnh vệ Thụy Sĩ cầm kích, trong sắc phục nâu, và một nhóm quan chức cao cấp của Vatican, trong đó có bốn hồng y, tiếp đón theo nghi thức cổ truyền. Cả hai phái đoàn đứng im một lúc để tận hưởng khung cảnh kỳ bí và đầy tính lịch sử. Ban nhạc Vatican tấu bài Quốc tế ca – dù mới chơi lần đầu tiên nhưng âm điệu rất đẹp. Tiếp theo là thánh ca giáo hoàng. Cuộc họp đầu tiên giữa một lãnh đạo của Đảng Cộng sản Xô viết và người đứng đầu Giáo hội Thiên chúa La Mã. Đây là buổi viếng thăm xen kẻ giữa chuyến công du cấp nhà nước đến Ý và hội nghị thượng đỉnh sẽ bắt đầu vào ngày mai với Tổng thống Bush ở Yalta.
        Cuộc trao đổi giữa họ ở Vatican chỉ mang tính xã giao với những chủ đề thường thức và không có gì ý nghĩa được ghi nhận. Nhưng điều quan trọng không phải ở nội dung cuộc trao đổi, mà quan trọng là họ chịu đối thoại với nhau. Điều đó cho thấy thế giới đã thay đổi sâu sắc biết bao.
        Tương tự, không gì có ý nghĩa nhiều được thảo luận tại hội nghị thưởng đỉnh ở Yalta hai ngày sau đó. Bush đã đề nghị gặp thượng đỉnh trong một bức thư riêng gởi đến Gorbachev vào đầu xuân. Ý định ông chỉ là một cuộc họp không chính thức như có thể, với chỉ một ít phụ tá và phương tiện truyền thông rất hạn chế. Mục đích là để thảo luận một loạt những vấn đề giữa Đông và Tây, vấn đề giải trừ vũ trang và, đặc biệt hơn cả, là vấn đề Đông Âu. Vào lúc hội nghị thượng đỉnh xảy ra bản đồ Âu châu đã biến đổi và, như cả hai nhìn nhận, không còn gì nhiều để bàn luận. Cả hai đều nhất trí Chiến tranh Lạnh đã qua. Condoleezza Rice, cố vấn cao cấp của Bush về Đông Âu có mặt trong phòng họp tại thời điểm kịch tính nhất trong hội nghị, khi đó cô biết rằng ‘thế giới đã thay đổi hoàn toàn. . . Đó là lúc Gorbachev nói điều mà tôi không hề tin có thể nghe được từ một nhà lãnh đạo Xô viết. Ông nói rất điềm nhiên, không có ám chỉ hiềm thù gì, là ông xem Hoa Kỳ là một cường quốc ở Âu châu, và như một người bạn đối tác. Đối với chúng ta, đó là một thay đổi cách mạng.’ 
Vào ngày Năm Mới 1990, ba ngày sau khi được bầu làm Tổng thống Tiệp Khắc, Vaclav Havel nói với một đám đông cuồng nhiệt khoảng một phần tư triệu người bên ngoài Lâu đài Prague. Đó là một buỗi lễ quá trang trọng dành cho một người ít trải nghiệm việc xuất hiện trước một khán giả quần chúng quá đông đảo. Khi ông bước lên diễn đàn, những tiếng hô ‘Havel-Havel’ vang lên rầm rập khắp thành phố. Ông được hoan hô khi nói rằng một trong số những sai lầm chính của chế độ cộng sản là ‘đường lối, được trang bị bằng một ý thức hệ ngạo mạn và lì lợm, đã giản lược Con người và thiên nhiên thành những công cụ sản xuất . . . thành đinh ốc và bù lon trong một cỗ máy hôi hám và đồ sộ một cách quái dị’. Ông nói về tháng ngày Tiệp Khắc đã sống ‘trong một bầu không khí ô nhiễm về đạo đức. Tôi cũng nói về tất cả chúng ta. Tất cả chúng ta đã hóa ra quen với hệ thống chuyên chế và chấp nhận nó như là một sự kiện không thể thay đổi được. Tư tưởng đó đã làm hệ thống xấu xa đó sống quá lâu. Tất cả chúng ta – mỗi người một mức độ – đều có trách nhiệm đối với sự vận hành của bộ máy chuyên chế. Không có ai trong chúng ta chỉ là nạn nhân của nó. Chúng ta còn là kẻ đồng lõa.’
        Havel vẫn trung thực như bao giờ. Nhưng ít có người lắng nghe ông ở Prague, hoặc ở nơi khác trong những vùng đất vừa mới giải phóng ở Trung Âu, biết chia sẻ nổi day rứt của ông. Dân chúng hình như không muốn quán chiếu mà chỉ hả hê chào mừng, trước khi việc tạo dựng một tương lai mới bắt đầu. Những buổi tiệc tưng bừng tiếp tục kéo dài hết tháng 12 trong thủ đô các nước mà hàng thập niên chưa biết đến hi vọng và vui đùa là gì. Sau khi Cổng Brandenburg ở Berlin – biểu tượng của quốc gia Đức – mở lại vào ngày 23/12, những lễ mừng tiếp diễn trong ba ngày đêm. Trong mười ngày ở Bucharest một ủy ban cách mạng  chiếm chỗ của bộ sậu trước đây nằm dưới trướng của Ceausescu. Vào chiều cuối năm các tài sản của tên độc tài được phân phát trong một nghi lễ vừa vui sướng như điên vừa tham lam trắng trợn. Mọi người đều biết còn tồn tại nhiều vấn đề dang dở: Romania và Bulgaria sẽ sớm nhận ra là cách mạng của họ chỉ là nửa vời; động lực thống nhất nước Đức không gì ngăn cản nổi mặc dù có những nỗ lực sớm sủa của Gorbachev, Margaret Thatcher và Francois Mitterand nhằm ngăn trở tiến trình. Và còn nhiều việc cần phải làm với các nhân vật cầm đầu trong chế độ cũ?
   Ở Prague gần đến giữa trưa vào ngày 1 tháng 1 nhà soạn kịch vừa biến thành Tổng thống đang kết thúc bài diễn văn của mình. Ông đang nói về sự lạc quan thay vì mặc cảm phạm tội. Như Ba Lan đã làm hai ngày trước, Tiệp Khắc sẽ nhanh chóng bỏ đi nhản hiệu ‘Cộng hòa Nhân dân’ và trong một hiến pháp mới chỉ đơn giản gọi là Công hòa. ‘Hỡi Nhân dân,‘ Havel dõng dạc nói, ‘Chính quyền của Người đã trở về với Người.’            
383940

Phần nhận xét hiển thị trên trang