TP - Trong Bảo tàng Đà Nẵng, có một góc trang trọng trưng bày các hình ảnh, hiện vật giai đoạn thành phố giành chính quyền thắng lợi. Gây chú ý nhất là số tư liệu về nhà hoạt động cách mạng Lê Văn Hiến. Ít ai biết được, trong những ngày tiền khởi nghĩa năm 1945, ông lại suýt chết dưới tay… quân khởi nghĩa.
“Thằng Việt gian! Giết ngay đi!”
Trước khi tham gia vào Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân đồng bào vào ngày 2/9/1945, nhà cách mạng Lê Văn Hiến từng có thời gian dài hoạt động sôi nổi tại xứ Trung Kỳ. Trong hồi ký của mình về sau, ông đã kể lại những ngày tháng đấu tranh gian nan mà đầy nhiệt huyết, quả cảm. Có lẽ “nhớ đời” nhất là lần suýt mất mạng trong tay quân khởi nghĩa.
Tháng 5/1945, sau 5 năm tù tại ngục Kon Tum, ông Hiến được thả. Về tới Đà Nẵng, ông đã tham gia vào việc tổ chức khởi nghĩa cùng cả nước giành chính quyền. Ngay khi quân Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh, ngày 17/8/1945, nhân dân Quảng Ngãi cũng mở cuộc nổi dậy đánh úp những toa xe và tấn công nhiều vị trí của quân đội Nhật. Hay tin quân Nhật tại Đà Nẵng sắp cho lực lượng vào đàn áp, ông Lê Văn Hiến cũng vội vã vào Quảng Ngãi báo tin.
Ông Hiến di chuyển trên xe hơi của Sở Công chính và nhân danh một kỹ sư công trình đã vượt qua nhiều đồn bốt quân Nhật. Khi tới Quảng Ngãi, ông tiếp tục đạp xe vượt qua nhiều trạm canh phòng tìm trụ sở Ủy ban khởi nghĩa để báo tin. Hoàn thành công việc, ông lật đật trở về Đà Nẵng để kịp chuẩn bị cho nhiệm vụ cách mạng. Ông mạo hiểm đạp xe ra lại Đà Nẵng. Khi trở về tỉnh lỵ Quảng Ngãi, ông Hiến được cho mật hiệu, hễ gặp trạm canh của dân quân, cứ bí mật nói với họ ông là “người của Cử Đỉnh” thì sẽ được đi. Với tín hiệu này, ông đi thông suốt trên đường thiên lý, nhưng khi trời tối, phải tìm cách băng đường tìm vào làng thì ám hiệu bắt đầu bớt hiệu nghiệm.
Khi đến làng Ba La cách tỉnh lỵ vài cây số, ông bị một toán quân đón đầu. Dù nói mật hiệu, giải thích nhưng ông vẫn bị giải về nhà giam, nơi ấy có vài chục người bị nghi là Việt gian. Ngay sáng hôm sau hai tự vệ quân địa phương đưa ông về trụ sở liên lạc để xác minh danh tính cũng là lúc những xe cam nhông đầy lính Nhật tràn qua ngôi làng này tàn phá. Mọi người tổ chức sơ tán khắp làng, ông Hiến cũng chạy ra đồng tìm nơi ẩn nấp. Quân Nhật bắn phá xong, đoàn dân quân trong làng giận dữ kéo đi tìm… tên Việt gian trá hình. “Khi vừa thấy tôi, đoàn người mang giáo mác với tiếng huýt còi, la hét và chạy lại. Họ hét lên: Thằng Việt gian! Thằng Việt gian! Giết ngay đi, không nói chi nữa!”, ông thuật lại trong hồi ký.
Ông cố bình tĩnh, xin được giải về trụ sở ủy ban để được phân trần. Nào ngờ, vừa đặt chân tới, một người cầm súng chỉ vào ông: “Người này hôm qua bị bắt không có giấy tờ, hôm nay lại trá hình, hắn đích thực là một tên Việt gian đem quân Nhật đến khủng bố chúng ta hôm nay”. Chẳng kịp thanh minh, một nông dân “đổ dầu vào lửa” rằng, đã nghe tiếng súng nổ từ chỗ ông nấp bắn ra để báo hiệu cho quân Nhật! Không cãi được nửa lời, ông bị trói chặt dưới cột chuẩn bị nhận án tử.
Ông nói hết ruột gan: “Trước khi chết, tôi yêu cầu được nói vài lời với tất cả dân chúng Quảng Ngãi. Tôi nói không phải để tự bào chữa mà để sau này khi tôi chết dân chúng ít ra cũng biết mình xử tử ai. Giết Việt gian, hành động ấy rất cách mạng, tôi kính cẩn nghiêng mình trước hành động ấy. Riêng tôi, mặc dầu đã thấy đồng bào cạn xét mà giết lầm, tôi chết chẳng có chút gì oán hận. Anh em vì sốt sắng với cách mạng mà làm thì tôi vì sự lầm ấy mà chết. Cái chết oan ấy cũng vì cách mạng, vì tiền đồ dân tộc”, ông nhớ như in khoảnh khắc nằm giữa lằn sinh tử.
Nói xong, đôi mắt ông Chủ tịch ủy ban khởi nghĩa hoa lên. Một vài phút yên lặng, thấy mọi người có chút hoài nghi, ông Hiến đánh liều xin tạm hoãn xử tử một hôm để hỏi lại Ủy ban tỉnh bộ. Chẳng ngờ được đồng ý. “Một người trong Ủy ban ra lệnh mở trói. Thế là tôi thoát chết. Trong người cảm thấy như trải qua một cơn ác mộng. Hôm ấy khoảng 2h chiều ngày 18/8/1945”, ông viết.
“Ngọn cờ đầu” giành chính quyền
Lần giở Lịch sử Đảng bộ thành phố Đà Nẵng còn ghi rằng sau khi xem xét thời cơ, ngày 14/8/1945, Tỉnh ủy Quảng Nam bàn kế hoạch đẩy mạnh cuộc tổng khởi nghĩa. Trong một hội nghị bí mật chuẩn bị giành chính quyền tại Đà Nẵng ngày 16/8, ông Lê Văn Hiến được bầu làm Trưởng ban khởi nghĩa thành phố với nhiệm vụ “khởi nghĩa giành chính quyền nhưng phải tránh đổ máu”. Tức chỉ một ngày sau khi làm trưởng ban, ông bỗng dưng trở thành “quân Việt gian” trước họng súng quân mình!
Cuộc xử tử được hoãn lại một ngày vừa đủ thời gian để ông Hiến viết thư cho Ủy ban tỉnh bộ Quảng Ngãi yêu cầu cho người đến đối chứng và giải thoát. Vì ông Trưởng ban khởi nghĩa bị kẹt ở Quảng Ngãi chưa về kịp, nên Đà Nẵng tổ chức giành chính quyền muộn hơn các nơi. Theo kế hoạch, cuộc khởi nghĩa ở Đà Nẵng sẽ diễn ra vào ngày 23/8 tiếp sau Hòa Vang nhưng do chờ mãi không thấy thủ lĩnh trở về nên đành hoãn lại. Đến khuya 25/8, giữa lúc Ủy ban khởi nghĩa mở phiên họp quyết định phát động tổng khởi nghĩa toàn thành phố thì bất ngờ ông Hiến gõ cửa. Tỉnh ủy quyết định giành chính quyền Đà Nẵng vào sáng hôm sau.
Đúng 8 giờ sáng, khi tiếng còi tầm vừa vang lên, các nhóm Việt Minh đã tập hợp công nhân, viên chức đọc lệnh khởi nghĩa, tuyên bố xóa bỏ chính quyền cũ. Tại tòa Thị chính, “ ngọn cờ đầu” Lê Văn Hiến nhân danh Mặt trận Việt Minh được lực lượng vũ trang hộ tống tiến vào cổng chính, tiếp nhận con dấu và hồ sơ của đại diện chính quyền bù nhìn trao lại đánh dấu thời điểm giành chính quyền thắng lợi.
Chi Lăng, gần ba vạn đồng bào, hàng ngũ chỉnh tề mang theo cờ, băng rôn tham gia cuộc mít tinh trọng thể mừng độc lập và lễ ra mắt Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời thành Thái Phiên (lúc đó Đà Nẵng đổi tên thành Thái Phiên). Ông Lê Văn Hiến chính thức trở thành Chủ tịch lâm thời đầu tiên của chính quyền non trẻ Đà Nẵng kể từ năm 1945.
Trong hồi ký của mình, nói về việc dân chúng và quân cách mạng Quảng Ngãi đòi xử tử mình, ông viết: “Không phải họ không thương xót, không nghĩ đến đồng bào, đồng loại, nhưng trong lúc chiến đấu quyết liệt để tranh thủ quyền lợi cho nước nhà, sự sống chết vẫn là rất nhẹ đối với họ. Đã xem cái chết của mình nhẹ thì cái chết của kẻ khác, người mà mình đã nhận là kẻ thù, lẽ tất nhiên mình cũng xem thường…”.
THANH TRẦN
Phần nhận xét hiển thị trên trang