Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2019

Nỗi buồn lớn nhất của tuổi già là phải thận trọng với con mình

Con lớn lên, nhiều kiến thức hơn, dần thiếu kiên nhẫn và xem thường cha mẹ, khiến họ trở thành một "con nhím" thận trọng.
Một độc giả gửi đến mục tâm sự của Sina câu chuyện của mình: "Tôi mua cho mẹ một chiếc điện thoại thông minh. Mẹ nhờ tôi dạy cách sử dụng. Tôi đã chỉ cho bà cách tải các ứng dụng, sau đó bật máy tính lên để chuẩn bị làm việc. Thế rồi mẹ vào, bà lại hỏi về một phần mềm mới. Lát sau, khi tôi đang xoay sở với đống việc, bà ở bếp than thở vọng ra rằng bà không thể dùng được chiếc máy mới. Dòng ý tưởng công việc bị cắt ngang khiến tôi bực dọc, tôi chạy vào bếp và gắt lên với mẹ. Bà ngước lên nhìn tôi khổ sở: "Hay là thôi, mẹ vẫn dùng điện thoại cũ". "Tùy mẹ, mẹ muốn thế nào cũng được", tôi sốt ruột bước ra ngoài, để mẹ một mình với cái điện thoại đời mới.
Đêm khuya hôm ấy, khi chuẩn bị đi ngủ, tôi nhận được tin nhắn của mẹ: "Con à, mẹ đã già. Mẹ quên nhanh điều người khác nói. Mẹ cũng không nhớ cả điều mẹ đã nói. Lúc nấu cơm, có khi mẹ quên cả cắm phích. Con có thể kiên nhẫn hơn với mẹ không?".
Những dòng mẹ viết làm mắt tôi ướt nhòe. Tôi biết, mẹ không dám nói chuyện trực tiếp với tôi nên đã nhắn tin. Tôi dằn vặt mình: Giá có thể kiên nhẫn hơn một chút nữa.
Những ngày sau đó, mẹ không hỏi tôi về điện thoại nữa. Tự bà đã mày mò, tìm hiểu cách tải ứng dụng".
Độc giả bày tỏ, anh biết mẹ anh đã tổn thương. Anh chia sẻ: "Điều đáng buồn nhất không phải là thái độ của tôi, mà là thông điệp tôi đã truyền tải qua thái độ ấy, nó nhắn nhủ với mẹ lại rằng: Mẹ đã già rồi, và đang dần trở nên vô dụng". Giờ đây, khi bình tĩnh nhìn lại, anh cảm thấy day dứt, vì đã để lại những vết sẹo trong lòng đấng sinh thành.
Nỗi buồn lớn nhất của cha mẹ khi họ già đi, chính là buộc phải trở nên thận trọng hơn với con mình.
Ảnh: Aboluowang.
Ảnh: Aboluowang.
Thủa ấu thơ, trong mắt trẻ, mẹ cha là người biết mọi thứ, mạnh hơn tất cả. Cha mẹ là hai ngọn núi, che chở, mang lại bình yên cho đứa con.
Nhưng có một ngày, những "ngọn núi" ấy không còn sừng sững nữa. Đó là khi bố mẹ về già. Họ có nhiều điều không dám hỏi, không dám đề cập với con. Lý do đơn giản, tuổi tác khiến họ dễ tổn thương hơn. Đó còn là vì con cái dần thay đổi, trở nên thiếu kiên nhẫn, nhiều kiến thức hơn và dần xem thường người cha, mẹ. Điều đó biến cha mẹ thành một "con nhím" thận trọng.
Bộ phim truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc Gia đình hạnh phúc từng lấy đi nước mắt của nhiều người, vì những thông điệp mà nó mang lại. Nội dung phim xoay quanh một thanh niên giỏi giang, là bác sĩ của một viện lớn, tuy nhiên anh không thăng tiến được vì nhiều đồng nghiệp khác có gia đình bề thế, địa vị hơn. Một ngày, trong nỗi thất vọng vì mất đi vị trí tiềm năng, anh về nhà trách cứ bố mình: "Bố mỗi ngày cứ hỏi con có đói không? Bố chỉ lo được cho con chuyện đói, no, không thể nào lo cho con được sự nghiệp". Lời phàn nàn của đứa con làm người bố trống rỗng, đau khổ. Ông nói: "Là bố sai rồi, là bố không có khả năng đem lại cho con những điều tốt đẹp hơn".
Sự đồng hành của cha mẹ trong mọi giai đoạn cuộc đời của con giống như một bức tường ngăn giữa con và "Thần Chết". Bất kể là lên 3, lên 5, hay 40, 60, bạn luôn cảm thấy cái chết ở rất xa chúng ta, khi cha mẹ còn ở bên. Tuy nhiên, khi đấng sinh thành về với cát bụi, những cảm xúc sẽ hoàn toàn thay đổi. Người con cảm thấy mình đã bước sang một giai đoạn mới của cuộc đời, thấu hiểu rõ nỗi đau mất mát bởi sự mong manh của đời sống, họ trở nên già dặn hơn, cô độc hơn, và yếu đuối hơn, khi thiếu đi chỗ dựa quan trọng. Đó là lúc, con cái hiểu được giá trị trọn vẹn của cha mẹ mình.
Để tránh làm bố mẹ tổn thương, con đừng:
- Đổ lỗi cho sự "bất tài" của cha mẹ
Bạn có thể trách bố mẹ không có khả năng đem lại điều bạn muốn, nhưng đừng quên rằng họ đã trao cho bạn khả năng. Việc bạn đạt được điều bạn muốn hay không, một phần lớn phụ thuộc vào năng lực của chính mình.
- Phàn nàn về những phàn nàn của cha mẹ
Lời phàn nàn có thể khiến bạn bực dọc, nhưng họ làm vậy vì thực lòng yêu thương và mong muốn bạn tốt đẹp hơn.
- Cau có về sự chậm trễ của cha mẹ
Khi còn nhỏ, chúng ta dựa vào cha mẹ để bước đi. Giờ bố mẹ đã già, phải dựa vào con cái để di chuyển. Mỗi khi họ chậm chạp, lề mề, hãy nhớ về thủa ban sơ của mình, bạn cũng không khác gì như vậy.
- Ghét bỏ khi bố mẹ ốm
Sinh lão bệnh tử, con người không ai thoát khỏi quy luật tự nhiên ấy. Khi cha mẹ còn trẻ, họ chăm sóc bạn từng tí, bên bạn khi bạn ốm đau. Lúc họ về già, đây là lúc quay lại vòng tuần hoàn ấy.
Thùy Linh (Theo Aboluowang

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ông Trump đang khiến kế hoạch “siêu quyền lực” 2050 của ông Tập khó khăn hơn từng ngày


Ngay từ trước thương chiến, ông Tập Cận Bình đã có kế hoạch đầy tham vọng biến Trung Quốc trở thành một trong những nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới vào năm 2050.
Mỹ “đốt lửa” sau lưng Trung Quốc
Tầm nhìn vĩ đại của anh ấy giờ đây dường như càng khao khát hơn. Khi áp lực gia tăng từ Tổng thống Mỹ Donald Trump làm tăng thêm hàng loạt thách thức đối với nền kinh tế 14 nghìn tỷ USD của Trung Quốc – bao gồm mức nợ kỷ lục, tình trạng ô nhiễm và dân số già – nguy cơ bị mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình.
Các nhà kinh tế cho rằng Bắc Kinh có thể tránh được số phận đó bằng cách thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tự do hóa thị trường và tăng sức mạnh công nghệ của đất nước. Nhưng điều này không dễ dàng. Trên thế giới chỉ có 5 quốc gia đang phát triển đã thực hiện quá trình chuyển đổi sang vị thế quốc gia tiên tiến trong khi vẫn duy trì mức tăng trưởng cao kể từ năm 1960, theo Michael Spence, giáo sư tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học New York.
Trung Quốc nỗ lực làm điều này với sự phản đối từ Mỹ, khiến cho rào cản vượt trở nên cao hơn nhiều, ông Andrew Polk, đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium China tại Bắc Kinh cho biết.
“Mỹ rõ ràng đã “đốt lửa” ở sau lưng Trung Quốc. Nếu cuối cùng Trung Quốc thành công, chúng ta có thể nhìn lại thời điểm này vì chất xúc tác thực sự đã thúc đẩy nỗ lực của họ lên mức cao nhất”, ông Polk nói thêm.
Áp lực với ông Tập
Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhấn mạnh thách thức của Chủ tịch Tập Cận Bình trong báo cáo thường niên về nền kinh tế Trung Quốc: nếu không đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện, điều này sẽ gây thiệt hại cho triển vọng dài hạn của quốc gia. IMF cho biết, việc tiếp cận với các thị trường và công nghệ nước ngoài của Trung Quốc có thể bị giảm đáng kể.
Tỷ lệ của một thỏa thuận ngắn hạn cũng rất thấp. Sau khi Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố sẽ áp mức thuế mới đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách tạm ngừng mua nông sản Mỹ và cho phép đồng Nhân dân tệ giảm xuống mức yếu nhất kể từ năm 2008.
Chính quyền của ông Trump đã đáp trả trong vài giờ, chính thức đưa Trung Quốc vào danh sách nước thao túng tiền tệ. Nhà Trắng cũng đang ngưng việc đưa ra quyết định cấp miễn trừ cho các công ty Mỹ muốn hợp tác với Huawei Technologies Co., theo các nguồn tin.
Bất kỳ sự nhượng bộ nào từ Trung Quốc đều khó xảy ra, sớm nhất là cho đến tháng 10, Jeff Moon, cựu trợ lý đại diện thương mại của Mỹ về các vấn đề Trung Quốc, nói. Ông Tập phải đối mặt với áp lực trong nước ngày càng tăng khi các cuộc biểu tình ở Hồng Kông ngày càng tăng và Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào ngày 1/10.
Bất cứ dấu hiệu nào của sự yếu đuối là không thể chấp nhận được đối với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại đã chỉ ra rằng Trung Quốc vẫn còn cách xa một số mục tiêu của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Ví dụ nổi bật nhất: việc Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen có nguy cơ làm tê liệt “ông lớn” viễn thông này vì những con chip trong nước sản xuất không đủ tinh vi để thay thế mặt hàng đến từ Mỹ.
Đối với Trung Quốc, sẽ khó khăn hơn để tiếp cận với công nghệ tiên tiến nhất, ông Patrick Hofman, Giám đốc Viện Đông Á tại Đại học Quốc gia Singapore cho biết. Điều này sẽ khiến Trung Quốc khó bắt kịp hơn, nhưng đồng thời nó sẽ đặt ra những khuyến khích mạnh mẽ hơn để phát triển hệ sinh thái công nghệ của riêng họ. Trung Quốc làm điều này sẽ quyết định họ sẽ phát triển nhanh như thế nào, Giám đốc Viện Đông Á nói thêm.
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang mở rộng nhanh hơn các đối tác nhưng lợi thế của nước này đang bị thu hẹp.
Tăng trưởng chậm lại tới 6,2% trong quý II năm nay, tốc độ yếu nhất trong ít nhất 27 năm và Standard Chartered ước tính rằng nếu khoản thuế quan ông Trump vừa đe dọa có hiệu lực vào ngày 1/ 9, tăng trưởng của nền kinh tế thứ 2 thế giới có thể bị cắt giảm 0,3 điểm %.
Ông Tập Cận Bình đã cố gắng đa dạng hóa các khách hàng nước ngoài thông qua sáng kiến ​​Vành đai & Con đường đặc trưng và các hiệp định thương mại khác, nhưng Mỹ vẫn chiếm khoảng 20% ​​xuất khẩu của Trung Quốc.
Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung chắc chắn làm cho quá trình chuyển đổi trở nên khó khăn hơn, ông Michelle Lam, nhà kinh tế học ở Hồng Kông cho biết. Trung Quốc sẽ mất một phần thị phần xuất khẩu và dòng chảy công nghệ từ Mỹ sang Trung Quốc sẽ chậm lại. Nhưng những căng thẳng hiện tại cũng tạo cơ hội cho các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh hơn các biện pháp cải cách.
Tapchi VietKieu

Phần nhận xét hiển thị trên trang

THÔI KỆ!

Kết quả hình ảnh cho Hình cắm đầu xuống cát

Đã không dê béo rượu nồng
Gặp cơn tai biến chổng mông lên trời
chẳng cần bưng mắt bịt tai
Nước non..thôi kệ mặc ai lo dùm
Thật vui 
khi biết sống cùn
Mặc ai hào kiệt, anh hùng mặc ai
lỡ sinh một kiếp sống hoài
Trăm năm cả mớ 
rông rài trăm năm!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người Việt hời hợt (phần 2)


Vien Huynh


Nói về nguyên nhân gây ra sự hời hợt của người Việt hiện nay, rất nhiều người nghĩ ngay rằng đây là hậu quả của một nền giáo dục tệ hại. Tôi không phủ nhận điều này vì nó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vấn đề. Tuy nhiên sẽ rất cảm tính và thiếu khách quan nếu chúng ta không truy nguyên những khía cạnh khác ảnh hưởng đến tính cách của một cộng đồng hay một dân tộc như nền tảng tư tuỏng triết học, tôn giáo, tập quán sinh hoạt, nghệ thuật và ngôn ngữ. Và quả thật là sẽ rất “hời hợt” khi tôi nói về nguyên nhân mà không đề cập đến những điều nói trên. Hôm nay tôi sẽ phân tích khía cạnh ngôn ngữ tiếng Việt vì ngôn ngữ là sản phẩm của tư duy và nó ảnh hưởng ngược lại tư duy của người sử dụng ngôn ngữ. Những vấn đề khác tôi sẽ đề cập trong những bài viết sau.
II. Sự hời hợt về ngôn ngữ
Chắc có nhiều người sẽ nổi giận thậm chí sẽ kết tội tôi là bôi nhọ tiếng Việt khi tôi nói rằng tiếng Việt của chúng ta là một ngôn ngữ khá hời hợt về mặt tư duy. Tôi là một người có thể sử dụng lưu loát tiếng Anh, tiếng Việt và tiếng Hoa nên tôi luôn có sự so sánh và đối chiếu về ngôn ngữ của ba thứ tiếng trên. Đó là lý do tại sao tôi nhận thấy tiếng Việt so với cả tiếng Hán lẫn tiếng Anh đều không sâu sắc bằng. Chúng ta sử dụng nhiều từ Hán Việt nhưng không biết mặt chữ tượng hình mà chỉ dựa vào âm đọc được phiên âm bằng bảng chữ cái Latin nên việc hiểu sai hiểu lầm về nghĩa từ Hán Việt là chuyện hết sức đương nhiên. Ngược lại mặc dù chữ viết của chúng ta dựa trên bảng chữ cái Latin nhưng cấu trúc văn phạm và từ vựng của chúng ta không hề thuộc về nhóm ngôn ngữ trong ngữ hệ Latin. Điều đó dẫn tới tư duy về ngôn ngữ của chúng ta sẽ không có được sự logic cao như những ngôn ngữ sử dụng ngữ hệ Latin của Châu Âu.
Như các bạn đã biết, chữ viết Việt Nam mà chúng ta đang dùng hay còn gọi là chữ quốc ngữ là một hình thức mà các giáo sĩ Bồ Đào Nha thế kỷ thứ 17 dùng để ký âm lại tiếng nói của người Việt bằng những mẫu tự trong bảng chữ cái tiếng Latin vì chữ Hán và chữ Nôm là một trở ngại lớn trong việc ghi chép và giảng Kinh Thánh. Điểm thuận lợi của chữ viết Latin là người học có thể ráp vần và phát âm những kí tự được ghép với nhau (chữ tượng thanh). Tuy nhiên điều bất cập của bản chữ cái tiếng Việt là chỉ thể hiện cách phát âm của một từ chứ không thể diễn tả được nghĩa của từ đó. Chữ Hán và chữ Nôm trước đó vốn là chữ tượng hình, mỗi ký hiệu sẽ có một ý nghĩa riêng của nó và khi ghép lại với nhau sẽ bổ sung cho nhau về mặt ngữ nghĩa. Do đó, sẽ có rất nhiều chữ viết hoàn toàn khác nhau và mang ý nghĩa khác nhau nhưng lại được đọc giống nhau. Tôi lấy một ví dụ là khi nói chữ “phong”, phần lớn người Việt đều sẽ nghĩ tới “gió”. Nhưng trong tiếng Hán Việt, có rất nhiều từ đọc là “phong” nhưng nghĩa và cách viết bằng Hán tự hoàn toàn khác nhau ví dụ như “phong” là “dán lại” trong từ “phong tỏa” hoặc “niêm phong”,”phong “ có nghĩa là “đầy đặn” trong từ “phong phú”, “phong” là “ban thưởng” như trong từ “sắc phong” hoặc “phong tước”, “phong” cũng có thể là “mũi nhọn” như trong tên của thủ lĩnh phong trào Dù Vàng Hong Kong “Hoàng Chi Phong”, “phong” cũng có thể là “con ong” (hoàng phong), “phong” có thể là “bệnh hủi”, “phong” cũng có nghĩa là “bị điên”, hay chữ “phong” trong tên của con tôi có nghĩa là “đỉnh núi” hoặc “phong” cũng có thể là “cây phong”. Nếu chỉ dựa trên âm đọc của mà không hiểu được cách viết chúng ta sẽ rất dễ dàng hiểu nhầm nghĩa của một từ.
Rất nhiều lần tôi đã giải nghĩa cho bạn bè hoặc người thân hiểu rằng tên của con tôi không phải là “gió” mà là “đỉnh núi”. Đặt tên con là “Chính Phong” tôi mong muốn con mình lớn lên chính trực và hiên ngang như một đỉnh núi, không liên quan gì tới gió mây ở đây cả. Cũng nhiều lần tôi đọc những bài viết ca ngợi Hoàng Chi Phong và người viết ví von rằng “cậu thanh niên này là một làn gió mới mang đến dân chủ cho Hong Kong” và sự ví von này hoàn toàn sai vì chữ “phong” trong tên của Joshua Wong trong tiếng Hán có nghĩa là “mũi nhọn”. Điều này tạo nên một sự hời hợt trong tư duy của người Việt, nhất là khi dùng từ Hán Việt vì chỉ biết âm đọc nhưng không biết cách viết nên rất dễ dàng mặc định âm đọc đó với một nghĩa mà mình biết bất chấp nghĩa đó đúng hay sai.
Có một lần tôi đọc trên facebook của một người dịch câu thơ “hoàng phong luyến hoa tâm” là “gió vàng vương vấn nhụy hoa” và tôi góp ý trong comment rằng “hoàng phong” theo tôi nghĩ là “ong vàng” chứ không phải “gió vàng” vì hình ảnh con ong vàng bay quanh nhụy hoa hút mật hợp lý hơn là “gió vàng”. Vì không có bản gốc chữ Hán mà chỉ có bản phiên âm Hán Việt nên rất khó có thể nói là tôi đúng hay người bạn đó đúng. Bạn thử nghĩ nếu những người dịch hoặc giảng giải từ Hán Việt có trình độ kém và lười tra cứu thì sẽ có rất nhiều trường hợp bị hiểu sai, bóp méo nghĩa hoặc thậm chí là dịch vô nghĩa.
Một vấn đề nữa là nếu chỉ dựa vào cách phát âm, nghĩa của từ Hán Việt và từ thuần Việt sẽ dễ bị nhầm lẫn. Ví dụ từ “xán lạn” một từ ghép tiếng Hán hay được viết nhầm thành “sáng lạn” . Trong tiếng Hán “xán” có nghĩa là “rực rỡ, chói lọi” kết hợp với chữ “lạn” cũng là từ tiếng Hán có nghĩa là “ánh sáng của kim loại”. Còn “sáng” trong tiếng Hán có nghĩa là “chế tạo ra” (ví dụ như “sáng tạo”, “sáng kiến”, “sáng thế”). Nếu ghép vào chữ “lạn” thành “sáng lạn” thì cụm từ này vô nghĩa. Còn nếu ghép nghĩa thuần việt của từ “sáng” vào trong từ này thì càng không hợp lý vì một từ thuần Việt không thể ghép vào một từ Hán Việt như thế được. Cũng như từ “yếu điểm” hay bị hiểu lầm là “điểm yếu” thay vì “điểm quan trọng” (chữ “yếu” trong tiếng Hán Việt có nghĩa là quan trọng như “trọng yếu”, “thiết yếu”, “tất yếu”). Còn nếu muốn nói là “điểm yếu” theo trật tự Hán Việt thì phải nói là “nhược điểm”. Một số từ để cho đọc thuận miệng đã bị đảo thứ tự lại thành ra sai nghĩa như “thủy chung” thường bị nói thành “chung thủy”. Đây là một cách nói sai hoàn toàn vì “thủy” có nghĩa là “bắt đầu” (thủy tổ, nguyên thủy) còn “chung” là “kết thúc” (chung kết, chung thân). “Thủy chung” có nghĩa là từ đầu tới cuối, còn nếu nói “chung thủy” thì có nghĩa là “từ cuối lên đầu”.
Thật lòng mà nói, bài viết này của tôi không có ý đổ tội cho việc Latin hóa chữ Việt nhưng chữ viết hiện đại của chúng ta chỉ phiên âm chứ không thể hiện được nghĩa từ và không phải ai cũng điều kiện để tìm hiểu hoặc truy nguyên gốc từ Hán Việt nên việc dùng nhầm, dùng sai, ngộ nhận đã góp phần không nhỏ ảnh hưởng đến cách tư duy của chúng ta trong ngôn ngữ. Đó là chưa kể sau này khi những kẻ dốt nát thất học lên “cải cách” ngôn ngữ và giáo dục, sự hời hợt và nông cạn thể hiện rất rõ trong việc sử dụng từ ngữ. Những danh từ như “chất lượng”, “cá tính”, “ngoại hình” đều bị dùng như một tính từ. “Cá tính” nếu hiểu đúng nghĩa là tính cách riêng của một người nên cho dù bạn là người mạnh mẽ hay yếu đuối, nhu nhược hay quyết đoán thì bạn đều là người có cá tính, chỉ có điều là cá tính của bạn như thế nào mà thôi. Tương tự, một vật dù tốt hay xấu đều có “chất lượng” chứ không thể nào không có chất lượng. Mỗi lần tôi đi ngang những nơi đăng bản tuyển nhân viên nữ “có ngoại hình” tôi lại vừa cảm thấy buồn cười vừa bực mình. Đã là vật hữu hình thì ai mà chả có ngoại hình chứ có phải là ma đâu mà không có ngoại hình. Cách nói tùy tiện theo quán tính này không chỉ thể hiện trong lời ăn tiếng nói hằng ngày mà còn xuất hiện trong rất nhiều văn bản viết vốn cần độ chuẩn xác cao của ngôn ngữ. Và việc sử dụng ngôn ngữ một cách tùy tiện và thiếu chuẩn xác hình thành nên một lối suy nghĩ cũng hời hợt và tùy tiện của người sử dụng nó.
Có thể bạn sẽ nói với tôi rằng ngôn ngữ luôn luôn thay đổi và những từ mượn như từ Hán Việt chẳng hạn sẽ có khuynh hướng mang ý nghĩa khác với nghĩa gốc ban đầu nên chuyện tiếng Việt dùng sai hoặc khác nghĩa với tiếng Hán Việt thì có gì to tát đâu. Điều này đúng là không quan trọng lắm cho tới khi bạn áp dụng cách tư duy trong tiếng Việt vào trong việc học một ngôn ngữ khác có tính logic cao như tiếng Anh chẳng hạn, bạn sẽ gặp rất nhiều rắc rối phiền hà trong việc diễn đạt vì ngôn ngữ đó không chấp nhận cách tư duy phiến diện. Ví dụ nếu tôi dịch câu “dịch vụ ở đây chất lượng lắm” sang tiếng Anh theo kiểu “the service here is very quality” thì không ai hiểu tôi nói gì cả vì câu này sai cả về ngữ pháp (phó từ “very” không thể bổ nghĩa cho “quality” là danh từ, còn “quality” không thể đứng ở vị trí tính từ) và sai về cả ngữ nghĩa (“chất lượng” (danh từ) không đồng nghĩa với “tốt” (tính từ)).
Bài viết tiếp theo tôi sẽ phân tích sự hời hợt và tùy tiện của tiếng Việt khi so sánh với tiếng Anh, một thứ ngôn ngữ được đánh giá rất cao về tính logic. Đó cũng là lý do tại sao người Việt gặp nhiều khó khăn khi học tiếng Anh vì phần lớn chúng ta không có sự logic trong tư duy ngôn ngữ. (còn tiếp)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐỒNG CHÍ


Nguyễn Xuân Diện

Thơ: Văn Cao
Người ta các đồng chí của tôi
Treo tôi lên một cái cây
Đợi một loạt đạn nổ
Tôi sẽ dẫy như một con nai con
Ở đầu sợi dây
Giống như một nữ đồng chí
Một anh hùng của Hà Tĩnh
Tôi sẽ phải kêu lên
Như mọi chiến sĩ bị địch bắn
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm
Cho mọi người hiểu khi tôi chết
Vẫn còn là một đảng viên
Cho mọi người hiểu khi tôi chết
Máu của tôi vẫn còn là máu của Việt Nam
Ở dưới gốc cây có các cụ già các bà mẹ
đã nuôi cách mạng
Các em nhỏ từ ba tuổi đứng nhìn tôi
dẫy chết
Có mẹ tôi
Ba lần mang cơm đến nhà tù
Hãy quay mặt đi
Cho các đồng chí bắn tôi
Tôi sợ các cụ già không sống được
Bao năm nữa
Để nhìn thấy xã hội chủ nghĩa
Của chúng ta.
Chết đi mang theo hình đứa con
Bị bắn
Tôi sợ các em còn nhỏ quá
Sẽ nhớ đến bao giờ
Đến bao giờ các em hết nhớ
Hình ảnh tôi bị treo trên cây
Bị bắn
Hãy quay mặt đi
Cho các đồng chí bắn tôi...
Nước mắt lúc này vì Đảng nhỏ xuống
Dòng máu lúc này vì Đảng nhỏ xuống
Đảng Lao động Việt Nam muôn năm
Đảng Lao động...
(1956)
Bài thơ do nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cung cấp.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Người Việt hời hợt (Phần 1)


Nếu bạn đã từng tiếp xúc với nhiều người đến từ các nền văn hóa hoặc quốc tịch khác nhau, bạn sẽ thấy được rằng đa phần người Việt Nam có lối tư duy khá hời hợt, thiếu chiều sâu. Không kể đến những người thuộc tầng lớp lao động bình dân ít học, những người được xem là trí thức có trình độ đại học trở lên cũng rất nông cạn hời hợt nếu xét với những người cùng tầng lớp ở những dân tộc khác. Đừng vội nổi nóng hay tự ái khi tôi nhận xét như vậy. Hãy đọc kỹ bài viết dưới đây để xem mình có những đặc điểm của một người hời hợt hay không nhé?
Người Việt hời hợt
Mười hai đặc điểm của một người hời hợt:
1. Có hiểu biết nông cạn và sơ sài về một vấn đề
Các bạn trẻ bây giờ hiếm có ai hiểu một cách thấu đáo về một vấn đề nào. Tôi nhiều lần cảm thấy rất bất ngờ vì có những kiến thức tưởng chừng rất phổ thông, rất cơ bản các bạn đều không biết hoặc hiểu biết rất sơ sài. Nếu bị bắt buộc phải tìm hiểu thì các bạn trẻ thường làm qua loa cho có, chứ không hề đào sâu vào. Họ thường có khuynh hướng chọn những gì ngắn gọn và sợ đọc dài. Chính vì tính hời hợt qua loa này mà rất nhiều người chỉ cần đọc tiêu đề của một bài báo thôi đã vào phán như mình hiểu hết mọi chuyện.
2. Không có hứng thú hoặc sự tò mò đối với kiến thức mới lạ
Kiến thức là vô hạn nên chúng ta chỉ có thể biết nhiều hoặc biết ít chứ không thể nào biết hết được mọi việc. Tuy nhiên con người chỉ học được và tiến bộ khi có sự tò mò và hứng thú với những điều chưa biết. Khi con người trở nên thờ ơ và không hề có đam mê với kiến thức thì việc học chỉ đơn thuần là nhai lại những gì mà người khác cho mình chứ không có sự tìm tòi học hỏi. Các bạn học sinh sinh viên ngày nay dường như thiếu hẳn niềm đam mê với kiến thức. Tôi thường chia sẻ cách học tiếng Anh của mình lúc trẻ là luôn tò mò với những gì có tiếng Anh mà tôi bắt gặp ở bất cứ nơi đâu: một câu slogan trên bảng quảng cáo, một bao bì sản phẩm, một hướng dẫn bằng tiếng Anh ở nơi công cộng… nhưng hầu như rất ít học viên của tôi chịu để ý đến những điều này. Mỗi ngày tôi đều đọc rất nhiều về nhiều đề tài để tự nâng cao kiến thức của mình mà vẫn thấy mình còn quá nhiều điều chưa biết và muốn tìm hiểu.
3 . Lười suy luận, không thích thử thách
Khi phải đối diện với những vấn đề hóc búa cần suy luận nghiêm túc, phần lớn các bạn học viên của tôi thường đưa ra một câu trả lời ngẫu nhiên theo kiểu ăn may rồi chờ câu trả lời của tôi để ghi chép lại. Nhiều bạn luôn chuẩn bị câu trả lời: “Em không biết!” mỗi lẫn được hỏi tới như một phản xạ vô điều kiện bất kể câu hỏi đó dễ hay khó. Nhiều lúc tôi phải nửa đùa nửa thật nói rằng bạn không sợ lương tâm mình cắn rứt khi trả lời tôi rằng “em không biết” một cách nhanh chóng và dứt khoát như thế. Lười suy nghĩ là một thói quen giết chết khả năng tư duy của con người và biến họ thành những kẻ chỉ biết nghe lời người khác bất kể đúng sai.
4. Không có khả năng kết nối và tổng hợp thông tin
Những người hời hợt thường chỉ nhìn thấy những thứ nổi trên bề mặt mà ít khi nào chịu khó đào sâu vào những tầng dưới của một vấn đề. Chính vì vậy họ thường không nhận thức được những ẩn ý bên trong, không thấy được mối liên hệ giữa những vấn đề có liên quan, không áp dụng được những kiến thức cũ đã học vào thực tế và cũng không có khả năng khái quát hóa những điều cụ thể để rút ra một khái niệm chung. Ngược lại, khi học một khái niệm mang tính chất trừu tượng, họ không có khả năng tự mình liên tưởng đến những ví dụ cụ thể liên quan đến khái niệm đó. Nói một cách khác, những người hời hợt học một biết một, học hai biết hai chứ hiếm khi tự mình liên kết hay tổng hợp những kiến thức rời rạc đã học được.
5. Tranh luận theo cảm tính, ít khi thấy được tính logic của vấn đề
Thật đáng buồn là hầu hết các bạn sinh viên, thậm chí thạc sĩ hoặc đã ra đi làm đều không có khả năng trình bày hoặc lý giải vấn đề một cách có logic. Chính vì lười suy nghĩ và lười tra cứu tìm tòi, những luận điểm các bạn đưa ra thường rất ngây ngô, thiếu thực tế và đầy cảm tính như kiểu tư duy của các em học sinh tiểu học. Những lý do đưa ra thường rời rạc chắp vá, kiểu bất chợt nghĩ tới cái gì thì nói cái đó chứ không hề có sự sắp xếp hoặc liên kết chúng với nhau theo một thứ tự hợp lý. Nhiều lúc tôi tự hỏi những năm tháng học đại học đã dạy được cho sinh viên Việt Nam những kỹ năng gì hay thực sự đã giết chết những kỹ năng quan trọng nhất của một sinh viên?
6. Sợ nói đến những chủ đề “nhạy cảm”
Có rất nhiều bạn “trí thức trẻ” (tạm gọi là thế nếu chỉ dựa vào trình độ học vấn) rất ngại đụng chạm đến những vấn đề nghiêm túc hoặc nhạy cảm như kinh tế, chính trị, lịch sử, khoa học… vì những đề tài này rất nhức đầu. Có người còn rất tự hào khi tuyên bố mình không thích nói về chính trị hoặc quan tâm đến những chuyện “không phải của mình” mà chỉ quan tâm tới những gì liên quan tới công việc hiện tại là đủ. Nếu bạn chú ý nghe những câu chuyện của các cô cậu sinh viên thì mới thấy thế giới quan của họ thực sự nhỏ hẹp một cách đáng lo ngại. Câu chuyện của họ xoay quanh những việc chơi game, cua gái, cua trai, ăn gì, chơi đâu… thì không có gì nghiêm túc cả. Gần đây có một bạn trình độ thạc sĩ hỏi tôi BOT là cái gì, em nghe người ta nói mang máng nhưng không hiểu lắm. Tôi hỏi nếu vậy tại sao em không tự mình tìm hiểu. Bạn đó cười cười không nói gì và tôi cũng không chắc là bạn có về tìm hiểu không nữa?
7. Thích theo những trào lưu mới nổi nhưng không bền
Hễ có trào lưu nào mới, bất kể là có ý nghĩa hay không thì những bạn trẻ đều theo một cách hăng say nhưng chỉ cần vài tuần khi có trend mới hơn thì họ lại chạy theo trend mới. Đây không phải là sự tò mò cầu tiến mà chỉ đơn thuần là sự hời hợt ham vui bên ngoài, cái gì hot, cái gì dễ thì mình theo nhưng nhanh chóng vứt bỏ nó để đi tìm một món đồ chơi mới vui hơn, lạ hơn. Còn cái gì cần phải tốn nhiều thời gian để tìm hiểu thì chắc chắn sẽ không có phần của các bạn. Điều này sẽ giết chết sự kiên nhẫn và lòng đam mê đối với một điều gì đó nghiêm túc, những đức tính rất cần thiết cho sự thành công lâu bền.
8. Tin theo những gì hợp ý mình bất kể tính xác thực
Khái niệm tìm hiểu thông tin đa chiều để kiểm chứng tính xác thực của thông tin mình nhận được dường như không hề tồn tại đối với rất nhiều người Việt Nam. Điển hình là trên facebook, rất nhiều người share hoặc viết những status mà chỉ cần đọc sơ qua là biết là fake news nhưng họ share bởi vì họ thích nội dung đó. Khi được nhắc nhở, có nhiều người tìm mọi cách cãi chày cãi cối hoặc công kích cá nhân để bảo vệ sự thiếu hiểu biết của mình. Chia sẻ thông tin là một điều tốt, nhưng chỉ chia sẻ những gì hợp ý mình mà thiếu kiểm chứng tính xác thực hoặc không đọc kỹ để tìm ra những điểm ngụy biện hoặc vô lý chứng tỏ sự hời hợt và lười tư duy của người chia sẻ.
9. Khả năng sử dụng ngôn ngữ kém
Muốn đánh giá khả năng tư duy của một người, hãy quan sát cách họ sử dụng ngôn ngữ nói và viết vì ngôn ngữ là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất của tư duy. Những người sâu sắc là những người có khuynh hướng sử dụng từ ngữ chính xác, cấu trúc câu gãy gọn và các thức biểu đạt hợp lý. Vì họ chú trọng đến hiệu quả của việc truyền tải thông tin của mình đến người nghe nên khi nói hoặc viết họ sẽ tìm cách để đối phương hiểu được thông điệp một cách rõ ràng, cụ thể và đúng đắn nhất. Họ không nói thừa và cũng không nói thiếu, không dùng những từ ngữ dễ gây hiểu lầm hoặc khó hiểu và điều chỉnh giọng nói của mình về âm lượng cũng như biểu cảm hợp lý. Khi viết họ sẽ chú ý đến cấu trúc câu, lỗi chính tả, cách sử dụng dấu câu, cách viết hoa và hiếm khi viết tắt. Ngược lại những người hời hợt thường không chú ý đến hiệu quả của việc truyền tải thông tin qua kênh nói và viết. Họ thường có khuynh hướng nói tắt nói gọn và hy vọng người nghe phải hiểu những gì mình không nói hoặc nói dài dòng lê thê những điều không quan trọng. Khi buộc phải phát biểu ý kiến, họ thường nói một cách miễn cưỡng, không đầu không đuôi với âm lượng chỉ đủ cho bản thân họ nghe khiến cho người đối thoại phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần hoặc đặt ra nhiều câu hỏi gợi ý nếu muốn nghe được câu trả lời hoàn chỉnh. Khi viết, những người hời hợt thường viết sai chính tả những từ đơn giản, chấm phẩy hoặc viết hoa tùy tiện và thường hay viết tắt theo thói quen của mình.
10. Kém ngoại ngữ
Để học tốt một ngoại ngữ, bạn không thể hời hợt qua loa vì mỗi ngôn ngữ đều chứa đựng một logic riêng của nó. Học ngôn ngữ không đơn thuần là học thuộc mẫu câu, từ vựng hoặc công thức rồi lặp lại như cái máy mà phải học cách tư duy của ngôn ngữ đó. Tôi dạy tiếng Anh nhiều năm nên hiểu rất rõ sự qua loa và hời hợt trong cách tư duy của người Việt Nam khi học tiếng Anh. Nếu đổ lỗi hết cho chất lượng đào tạo tiếng Anh ở bậc phổ thông và đại học ở Việt Nam quá kém thì cũng không hẳn vì khi có điều kiện học nghiêm túc và hướng dẫn tận tình, đa số người Việt vẫn rất ẩu tả trong các phát âm, dùng thì, sử dụng danh từ theo số ít số nhiều… nói chung là đều là những lỗi rất đơn giản và rất dễ khắc phục nếu chịu chú ý. Có những lỗi rất cơ bản được tôi phân tích kỹ, cho rất nhiều ví dụ cụ thể nhưng sau đó thì các bạn học viên của tôi vẫn sai đúng những lỗi đó hết lần này tới lần khác. Điều này chứng tỏ rằng các bạn vẫn học tiếng Anh bằng tư duy của người Việt nên không có sự tiến bộ cho dù học rất lâu.
11. Trình độ thẩm mỹ thấp
Để cảm nhận được những giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật như văn học, âm nhạc, hội họa, điện ảnh hoặc kịch nghệ, người thưởng thức phải có một trình độ văn hóa và một độ tinh tế nhất định. Những người hời hợt không có chiều sâu sẽ không thích những tác phẩm đòi hỏi kiến thức cũng như trình độ để có thể cảm thụ được và thường có khuynh hướng chọn những gì đơn giản dễ dãi chủ yếu là để giải trí là chính. Và chính sự dễ dãi thiếu chiều sâu của những sản phẩm giải trí đó tác động ngược lại khiến cho người xem hoặc người nghe trở nên hời hợt và cảm tính hơn. Nhạc não tình, truyện và phim ngôn tình, các gameshow truyền hình là những thứ giết chết tư duy logic của con người hiệu quả nhất vì nó chỉ đánh vào cảm xúc thuần cảm tính chứ không đòi hỏi suy luận hoặc cảm thụ sâu sắc.
12. Không có tính sáng tạo
Để sáng tạo, con người cần có một nền tảng kiến thức sâu rộng về một hoặc nhiều lĩnh vực cùng với một trí tưởng tượng phong phú. Đồng thời một người sáng tạo là một người có tinh thần cầu toàn và kiên nhẫn rất cao. Đây là những đức tính những người hời hợt thiếu chiều sâu không có vì cái gì phải mất công mất sức mà không mang lại kết quả nhanh chóng cho họ đều khiến họ nản lòng và bỏ cuộc. Sinh viên học sinh Việt Nam học giỏi chủ yếu là học vẹt và rập khuôn chứ sáng tạo thì không thể vì kiến thức các bạn học chỉ là bề nổi và sự sáng tạo thì bị bóp chết từ trong trứng nước.
(Còn tiếp)
Huỳnh Chí Viễn (Giáo viên, Dịch giả)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NUÔI DÊ HAY LÀM THƠ CŨNG CẦN ĐẾN… NGHIÊN CỨU


Trong kinh doanh buôn bán, “quản lí rủi ro” là nguyên tắc được dân Do Thái đặt lên hàng đầu. Cứ tạm công nhận lí này cái đã, xin kể vài chuyện vui trước.

Mùa Đông 2005 dự Trại Sáng tác Đải Lải, tôi mang Tagalau-7 ra khoe với anh chị em văn nghệ DTTS. Một bạn thơ kêu: Chúng tôi sẽ làm cái đặc san như Cham. Tôi nói, không thể đâu. Tại đó có vài người, họ đồng loạt: “Sara chủ quan”. Tôi nói luôn:
– Này nhé, các bạn có người chịu mua đọc không, có cây bút chấp nhận viết không nhuận bút không, các bạn có nghe theo một chủ biên không, và nhất là chủ biên đó có chịu lỗ mỗi kì một cây vàng không? Các bạn CÓ THỂ lắm, chớ Cham thì đã CHẮC CHẮN rồi. 4 năm khảo sát và thử nghiệm, tôi mới quyết được. Từ “có thể” đến “không thể” cách nhau có nửa bước chân – tôi kết.
Và họ đã không thể thật, dù dân tộc có tỉ lệ trí thức hàng đầu Việt Nam, số lượng người viết đút túi thẻ Hội Nhà văn gấp 12 lần Cham.
Làm báo, không nghiên cứu thị trường chữ nghĩa, chết chắc.

Thuở ở quê mở quán tạp hóa, qua năm tôi thành công lớn, tiếng cả vùng. Ba bạn học lớp trên thuở Pô-Klong ở làng khác mới mời qua nhà mổ gà đãi, để “tầm sư học đạo”.
– Mi thế nào chứ, tụi này học có thua gì mi lắm đâu mà làm ăn cứ trầy trật…
– Đưa cuốn sổ kết toán hàng tháng xem cói – tôi nói.
– Sổ gì?
– Bạn chết bởi cái từ “sổ gì?” đó…
Buôn bán cần biết: Quản lí hàng hóa, quản lí khách hàng và quản lí sổ sách. Chất lượng hàng thì ở quê quán nào quán nấy hệt, không bàn; bạn biết chiều lòng khách, có thể; riêng việc kiểm kê đánh giá con số định kì bạn bỏ qua, chính là điểm chết.
Dù bán hàng nhà quê, bạn cũng cần biết đến 3 chơn kiềng cao cấp ấy.

Năm 1993, ở Sài Gòn tôi trúng đậm 20 triệu, mua 16 con cừu mẹ lúc đó đang hot gửi bạn học ở Cwah Patih nuôi. Mãi năm sau tôi mới báo bà xã hay, thì bị la: Chuyện to vậy mà im im. Tôi nói, to gì đâu, vui thôi. Mà đích thị vui thiệt. Ba năm sau, đàn cừu từ 16 con tuyển chọn tăng lên thành… 18 con, trong đó có 5 con già háp quá lứa đẻ.
Tôi chuyển qua tay ông anh họ ở Hamu Tanran ăn chắc mặc dày, thì 3 năm sau – như thần, đàn cừu tăng vọt hơn trăm. Và rồi như quỷ ám, giá cừu tụt dốc thê thảm, đến tôi phải bán tháo. Được cái, mấy năm đó nhóc tôi mỗi hè lên núi rỡn với lũ cừu.
Biết thất bại, vẫn làm – để vui.

Khác…
Vụ “biểu tình” ở Trường Mai Thúc Loan năm ngoái, đang dầu sôi lửa bỏng, “chủ xị” mời tôi về quê tham vấn. Lúc đó thế giằng co 50-50. Chị đưa cho tôi xem một bằng chứng chắc cú, tôi bảo “cất ngay đi”. Cái chứng cứ hại mình mà không biết tưởng ngon, chị tạm nghe nhưng rồi sau đó nghĩ dại – vẫn đưa ra, cuối cùng cán cân nghiêng hẳn về phía đối phương: Chết không kịp ngáp do không chịu nghiên cứu!
Thuyết trình, tôi đoán trước [và trúng] đến 90% câu hỏi từ thính giả, 10% còn lại do người hỏi lạc đề.
Hôm thi Đại học, vừa ra khỏi phòng bạn TLT khoe viết văn đến 4 trang, tôi kêu: Chết, lạc đề rồi, cùng lắm là 0,5 điểm để trả công yut viết thôi. Bạn nổi khùng, và khùng sai, bởi kết quả ra sao làng trên xóm dưới đã biết.

Kết.
Vậy đó, làm chuyện lớn nhỏ nào bất kì cũng phải nghiên cứu, nghiên cứu để quản lí rủi ro. Từ mở quán, nuôi dê đến làm thơ cũng cần tới nghiên cứu, càng sâu càng tốt. Nghiên cứu kĩ, và dùng TRIẾT HỌC PHÂN TÍCH con số cùng các khía cạnh vấn đề mới tránh thất bại. Ai bảo triết học là vô ích?!
Tiếc, nhà thơ Việt Nam tin vào năng khiếu hơn khoa học, thế nên ai cũng nghĩ mình có thể làm được thơ. Cả nước làm thơ là vậy. Hệ lụy: Việt Nam thành cường quốc thơ là điều khó tránh.



Phần nhận xét hiển thị trên trang