Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2019

Người cùng thời: Tôi đi đòi nợ Nguyễn Khải!


Tác giả : Lê Phú Khải (theo FB nhà văn Thái Kế Toại)
(Trích Chương 8 D- Hồi ký của nhà báo Lê Phú Khải)
Nguyễn Khải bảo tôi: “Nhà văn Việt Nam bị ba đứa nó khinh, thứ nhất là thằng lãnh đạo nó khinh, thứ hai là độc giả nó khinh, thứ ba là đêm nằm vắt tay lên trán… mình lại tự khinh mình!”
“Mình lại tự khinh mình” thì đau quá!!! Vì thế, tôi không lấy gì làm lạ, không ngạc nhiên tý nào khi đọc bài bút ký chính trị Đi tìm cái tôi đã mất của ông sau ngày ông từ trần ít lâu. Một con người mang tâm trạng suốt đời như thế mà vẫn phải sống, vẫn phải viết để tồn tại thì nhất định sẽ phải để lại một cái gì trước khi ra đi, để “cáo lỗi” với hậu thế. Nguyễn Khải chính là nỗi đau đớn trên hành tinh này của một người cầm bút và nhất định ông phải đi tìm “cái tôi” đã mất ở thế giới bên kia (Lê Phú Khải)
KD: Tình cờ đọc được stt này hay quá trên FB nhà văn Thái Kế Toại, cựu đại tá AN, của nhà báo Lê Phú Khải. Bỏ qua những lùm xùm không đáng có vừa xảy ra ở Văn đoàn Độc lập, đây là một chương viết rất hay về nhà văn Nguyễn Khải. Một con người được Giải thưởng HCM- giải thưởng đỉnh cao về văn học nghệ thuật, mà hóa ra cuối đời, day dứt đến không chịu nổi, phải “Đi tìm cái tôi đã mất”
Thực lòng, vừa thấy ái ngại vì sâu thẳm nỗi đau của một người cầm bút- chưa bao giờ là chính mình. Vừa thấy đáng trách- vì thế cũng quá hèn, không chỉ cơm áo vợ con, mà cũng là ham hố quyền lực và danh vọng. Lại vừa thấy ái ngại- vì số phận người cầm bút của một thời cuộc mà sự thật (và chỉ sự thật mà thôi) luôn phải “ẩn trốn”, bản ngã cá nhân, cái tôi bị nhấn chìm dưới những thứ lý luận, những tư tưởng tưởng đâu là cao siêu- thật ra, khiến sự thăng hoa sáng tạo không bao giờ ngóc đầu lên nổi
Khóc cho ông và cho cả nhiều cây bút, thua ông ở chỗ không dám nói thật- Đi tìm cái tôi đã mất!
Xin đăng lên để bạn đọc chia sẻ.
————-     
Ngày 15-3-2008 Nguyễn Khải qua đời. Các báo quốc doanh nhất loạt đưa tin Đại tá nhà văn quân đội Nguyễn Khải đã qua đời. Điện thoại bàn nhà tôi réo liên hồi.
Người ta muốn tôi viết bài về Nguyễn Khải. Sự nghiệp văn chương của Dông thì cái giải thưởng Hồ Chí Minh đã nói đầy đủ. Người ta muốn có những “kỷ niệm”, những câu chuyện về cuộc đời, về nghiệp văn của ông để… báo bán chạy hơn. Tôi từ chối. Thấy tôi từ chối đến mấy lần, bà xã nhà tôi bảo: “Thôi thì người ta nhờ, ông viết cho người ta. Ông cũng quen Nguyễn Khải mà”.
Tôi biết viết gì cho báo chí quốc doanh về Nguyễn Khải, nhà văn mà tôi đã từng nghe tiếng thở dài não nề của ông qua năm tháng?
Nguyễn Khải bảo tôi: “Nhà văn Việt Nam bị ba đứa nó khinh, thứ nhất là thằng lãnh đạo nó khinh, thứ hai là độc giả nó khinh, thứ ba là đêm nằm vắt tay lên trán… mình lại tự khinh mình!”
“Mình lại tự khinh mình” thì đau quá!!! Vì thế, tôi không lấy gì làm lạ, không ngạc nhiên tý nào khi đọc bài bút ký chính trị Đi tìm cái tôi đã mất của ông sau ngày ông từ trần ít lâu. Một con người mang tâm trạng suốt đời như thế mà vẫn phải sống, vẫn phải viết để tồn tại thì nhất định sẽ phải để lại một cái gì trước khi ra đi, để “cáo lỗi” với hậu thế. Nguyễn Khải chính là nỗi đau đớn trên hành tinh này của một người cầm bút và nhất định ông phải đi tìm “cái tôi” đã mất ở thế giới bên kia. Theo tôi, bài bút ký chính trị đó là bản án nghiêm khắc nhất, sâu sắc nhất cho tội ác của chế độ toàn trị đối với giới cầm bút ở nước ta thời Cộng sản. Phương Tây đi trước phương Đông về thể chế văn minh, đã đặt tên cho giới nhà văn là “personnel littéraire” trong đó danh từ “personnel” (giới) không ngẫu nhiên mà trùng với tính từ “personnel” (mang tính cá nhân). Cái “pẹc” (personnel) mà Chế Lan Viên hay dùng để ca ngợi cái cá nhân, cái tôi… của nhà văn làm nên sự khác biệt, làm nên cái riêng, phong cách của một cây bút, đã bị chế độ toàn trị biến thành bày đàn thì còn gì là văn chương chữ nghĩa. Vậy mà cả đời phải cầm bút trong một thể chế bày đàn như thế, Nguyễn Khải đau là phải. Không đau mới lạ…
Nguyễn Khải khi còn ở đường Nguyễn Kiệm, tôi đến chơi, thấy nhà cao cửa rộng, phòng khách sang trọng, tôi khen rối rít. Ông tâm sự, thằng con trai đang làm ngành hàng không, lương mười mấy triệu một tháng, nó bỏ, ông lo lắm. Nó nói hết giờ chỉ ngồi tán gẫu phí sức lực của nó, nên nó ra kinh doanh và giàu có. Căn nhà to tát này là của nó.
Ở cái nhà như cái lâu đài thế mà ông chỉ nói chuyện buồn. Buồn lắm. Ông kể: “Thằng con tôi hay đi mua sách về đọc. Mẹ nó mắng: Sách của bố mày đầy ra đấy, sao không đọc mà phải đi mua. Nó nói: Sách của bố viết không đọc được! Mẹ nó mắng: Không viết thế thì lấy cứt mà ăn à (!)” Tôi nghe đến đấy thấy… choáng quá! Tôi không ngờ Nguyễn Khải có thể nói ra điều đó với tôi và ông bạn tôi là giáo viên Văn, dạy chính những bài văn của ông trong sách giáo khoa. Cái thứ văn nếu “không viết thế thì lấy cứt mà ăn…”! Chính anh bạn này đã đưa tôi đến chơi với Nguyễn Khải ở ngôi nhà sang trọng này. Dằn vặt, đau khổ đến tận cùng nên nhà văn mới thốt ra những lời như thế.
Dịp kỷ niệm 50 báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn, sau khi tổ chức ở Hà Nội, còn đươc tổ chức ở TPHCM, tại dinh Thống Nhất. Là cộng tác viên của báo, tôi cũng được mời. Tôi gặp Nguyễn Khải và nói với ông rằng, tôi có đọc trên báo Văn Nghệ một bài mô tả một ông nhà văn nổi tiếng chuyên đi về Thái Bình, viết về Thái Bình… rồi đặt câu hỏi: Vậy mà sự kiện bạo loạn ở Thái Bình xảy ra rung chuyển dư luận trong ngoài nước, không biết trước đó ông nhà văn nổi tiếng kia đã nghe được cái gì, thấy được cái gì mà chẳng thấy ông báo trước được gì… Tôi bảo Nguyễn Khải: “Rõ ràng là người ta chỉ trích anh đấy!” Nguyễn Khải nghe tôi nói chỉ cười rồi bỏ đi. Anh bạn biên tập viên báo Văn Nghệ trong ban tổ chức buổi lễ đứng ngay cạnh tôi, khi Nguyễn Khải đi rồi, anh bảo tôi: “Bài đó chính Nguyễn Khải viết, ông ấy đến toà soạn năn nỉ bọn tôi đăng. Ông ấy nói: Thôi thì mình chửi mình trước đi, người ta thương, sau này không chửi nữa”.
Ít lâu sau Nguyễn Khải lại dọn về ngôi nhà bảy tầng lầu ở đường Tôn Đản Quận 4. Nhà đó cũng của con trai ông mới xây. Đây là một trong những nhà tư nhân có cầu thang máy sớm nhất ở TPHCM. Ngôi nhà này là văn phòng công ty của con ông. Anh ta để bố ở trên tầng 7, có sân thượng rộng, thoáng mát. Khi tôi đến, anh chàng bảo vệ công ty mặc đồng phục như cảnh sát, nhìn tôi từ đầu đến chân rồi hất hàm hỏi: “Kiếm ai?” Tôi nói: “Kiếm ông Nguyễn Khải, bố của ông chủ anh.” Y hỏi: “Kiếm có việc gì?” Tôi nói: “Anh báo với ông Nguyễn Khải là, tôi là Lê Phú Khải kiếm ông Nguyễn Khải để… đòi nợ!” Tay bảo vệ vội vào phòng thường trực gọi điện.
Khi lên đến lầu 7 rồi, tôi bảo Nguyễn Khải: “Tôi đến để đòi nợ bài ông hứa viết cho tạp chí Nghề Báo đây!”. Nguyễn Khải chưa cho tôi về ngay, giữ ở lại ăn trưa và bảo tôi nằm xuống sàn… nói chuyện như mọi lần. Đó là cách tiếp khách quen thuộc của ông. Hai người (nếu là ba người cũng thế) nằm xuống sàn, đấu đầu vào nhau thành một hàng thẳng… mà nói chuyện. Theo Nguyễn Khải thì nằm như thế nói chuyện được lâu, đỡ mỏi lưng.
Hôm đó Nguyễn Khải nói với tôi: “May quá ông ạ! Bữa trước ông Nguyên Ngọc đến đây, nếu nó đưa ông ấy lên phòng khách ở lầu 3 thì tôi xấu hổ không biết chui vào đâu!” Tôi hỏi: “Vì sao?” Nguyễn Khaỉ trả lời: “Vì ở lầu 3 tôi có treo cái bằng giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông Nguyên Ngọc mà không được giải thuởng HCM mà tôi lại được thì xấu hổ quá!” Ngẫm nghĩ môt lúc ông nói: “Nguyên Ngọc quyết liệt lắm, tôi không thể có cái quyết liệt ấy. Tôi hèn lắm!”
Nguyễn Khải là thế. Một nhà văn tên tuổi như ông mà nhận mình hèn thì ông không hèn chút nào. Ít nhất ông cũng là một con người chân thực, có liêm sỉ. Bút ký Đi tìm cái tôi đã mất của ông là một áng văn bất hủ. Một “hiện thực muốn có” bên cạnh một hiện thực “không muốn có” là nền văn học hiện thực XHCN xuất hiện ở Việt Nam thời Cộng sản. Người ta hay nói đến một “chủ nghĩa hiện thực không bờ bến”… phải chăng…
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đến viếng ông. Khi người ta bảo không còn chỗ trong nghĩa trang thành phố để an táng ông, ông Kiệt đã nói: “Lấy xuất của tôi cho Nguyễn Khải”(!)
Viết thêm:
Liệu tôi có thể viết cho các báo quốc doanh những câu chuyện kể trên hay không? Vì thế, khi đọc những bài “khóc” Nguyễn Khải trên báo, tôi thấy nó nhạt nhẽo, vô duyên và dối trá. Trừ một bài của nhà báo Vu Gia là tôi thấy đọc được.
– – – – –
MỤC LỤC:
Lời nói đầu
Ch 1. Hà nội, nơi tôi sinh ra
Ch 2. Đi tản cư lên Chí Chủ, Phú Thọ
Ch 3. Hai lần “thi trượt” nhưng số phận vẫn mỉm cười với tôi
Ch 4. Đời sinh viên
Ch 5. Những chuyện kể của tướng Qua
Ch 6. Chín năm dạy học ở thôn quê
Ch 7. Ba mươi tám năm làm báo “lề phải” và “lề trái”
7a. Những năm ở Đài TNVN và Đài Truyền hình TW
7b. Ba năm ở Đài Phát thanh Tiền Giang
7c. Trở về Đài Tiếng nói VN
7d. Mátxcơva không tin vào nước mắt (tên 1 cuốn phim LX)
7đ. Ba ông họ Võ: Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt, Võ Viết Thanh
7e. Nguyễn Hà Phan, bi hay hài?
7g. Quảng Châu, Thâm Quyến, Hồng Công, Ma cao… và cuộc thử nghiệm…
7h. Người kéo nhị ở quận 19 thành Paris
7i. Những người nông dân tiên tiến ở ĐBSCL
7k. Mặt thật của các Tổng biên tập
7l. Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộc
7m. Đôi bài “ lề dân”: Thư ngỏ của một công dân, Nước Việt của ai, Khổng Tử và những cơn sốt…
Ch 8. Người cùng thời:
8a. Chú Bảy Trân
8b. Nguyễn Khắc Viện
8c. Chế lan Viên
8d. Nguyên Ngọc
8đ. Nguyễn Khải
8e. Sơn Nam
Ch 9. “Chấm phá” chân dung những nhà dân chủ:
9a. Nguyễn Kiến Giang
9b. Hà Sỹ Phu
9c. Hoàng Hưng
9d. Dương Thu Hương
9đ. Tô Hải
9e. Phạm Đình Trọng
9g. Những gương mặt trẻ
Ch 10. Cuộc biểu tình ngày 9/12/2012
Thay lời kết

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bãi Tư Chính: Lý do TQ không thể đánh lận con đen


(Tình hình Biển Đông - Vấn đề Biển Đông) - Khu vực DK1 hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc không có cớ gì để đánh lận con đen về chủ quyền của Việt nam


Khi sóng gió nổi lên ở bãi Tư Chính - bãi đá ngầm hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, Đại tá Nguyễn Quý, Tổng chỉ huy các lực lượng công binh xây dựng nhà giàn đầu tiên ở khu vực DK1 đã công bố những tư liệu quý để mọi người có thể hiểu một cách thấu đáo câu chuyện của Tư Chính nói riêng và vùng DK1 nói chung.
Trên VOV, Đại tá Nguyễn Chính cho biết, vùng biển rộng lớn DK1 với diện tích khoảng 80.000km2, có vị trí đặc biệt quan trọng về An ninh-Quốc phòng, khu vực  giàu có về tài nguyên khoáng sản và tài nguyên biển, án ngữ trên đường hàng hải Quốc tế qua Biển Đông.
Ông kể, sau sự kiện Gạc Ma (14/3/1988), chúng ta nhận thức rằng, Trung Quốc sẽ bành trướng sang các đảo khác ở Trường Sa và có thể nhòm ngó sang các khu vực khác, nhất là khu vực DK1- thềm lục địa phía Nam, nơi Việt Nam đã tiến hành khai thác dầu khí, cách đất liền 250-350 hải lý.
Sau khi khảo sát thềm lục địa Nam Biển Đông, theo đề  nghị của Tư lệnh Hải quân và Bộ Quốc phòng, ngày 17/10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký Quyết định số 19/NQ-TW chủ trương tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm với tên gọi “Trạm dịch vụ Kinh tế- Khoa học kỹ thuật”, gọi tắt là công trình DK1.
Đây là một quyết định vô cùng quan trọng vào thời điểm cách đây hơn 30 năm.  
Bai Tu Chinh: Ly do TQ khong the danh lan con den
Ngày 17/10/1988, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã ký Quyết định số 19/NQ-TW chủ trương tiến hành xây dựng các công trình trên tất cả các bãi đá ngầm. Ảnh: Tư liệu
“Thực chất, nếu xác lập chủ quyền ở DK1, các nước muốn liên doanh dầu khí với Việt Nam cũng yên tâm hơn. Do đó, chúng tôi đề nghị ghi rõ trên công trình nhà giàn biển hiệu: “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau đó mới là Trạm dịch vụ Kinh tế- Khoa học kỹ thuật và tên của Việt Nam là “Tư Chính”, đánh dấu là “Tư Chính 1”, “Tư Chính 2”…để chứng tỏ cho thế giới biết rằng, đây là vùng biển của Việt Nam”, Đại tá Nguyễn Quý nhớ lại.
Nằm trong DK1, bãi ngầm Tư Chính có diện tích 700 km2, chiều dài 52 km (có tài liệu nói 61km), chiều rộng 11km (có chỗ phình ra hơn 20km) lại ở vị trí chiến lược rất quan trọng, gần sát nhất các mỏ dầu chúng ta đang khai thác như Thanh Long, Bạch Hổ, Đại Hùng...
Nguyên Cục trưởng Cục kỹ thuật, Bộ Tư lệnh Công Binh kể: "Năm 1989, DK1 đầu tiên được xây dựng ở Tư Chính. Năm 1990, chúng ta làm tiếp một nhà giàn nữa cũng ở Tư Chính theo cách “chặn đầu, khóa đuôi”. Đến năm 1994, khi tôi đi lắp dựng công trình ở bãi cạn Cà Mau (DK1-10). Về tới Vũng Tàu, chưa lên tới bờ thì nhận được điện của Tổng Tham mưu trưởng Đào Đình Luyện nói rằng “đồng chí không về Hà Nội vội, ở lại đó làm việc với Vietsovpetro, ký hợp đồng ngay để ta làm tiếp 2 nhà giàn nữa ở Tư Chính",
Bộ Chính trị đã quyết định làm thêm 2 nhà giàn nữa ở khu vực bãi Tư Chính (Tư Chính 3 và Tư Chính 4). Sau đó, đến năm 1995, chúng ta lại xây dựng thêm 1 nhà giàn nữa ở khu vực này. Như vậy, chúng ta có 5 nhà giàn ở khu vực bãi Tư Chính.
Cũng theo Đại tá Nguyễn Quý, theo dõi báo chí trong nước và quốc tế, ông thấy có sự  hiểu lầm khi “ghép” Trường Sa với khu vực nhà giàn DK1. Hai khu vực này hoàn toàn khác nhau, không thể nhầm lẫn được.
Trưởng Ban xây dựng công trình DK1 đầu tiên khẳng định: “Nếu Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa thì khu vực DK1 lại hoàn toàn thuộc một địa phương khác là tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vì nếu nói dính dáng Trường Sa thì Trung Quốc còn có lý do cho rằng, đó là vùng tranh chấp. Còn đây là vùng đặc quyền kinh tế, thuộc chủ quyền của Việt Nam, Trung Quốc hoàn toàn không có cớ gì để “đánh lận con đen” về chủ quyền của mình.
Nếu hiểu rõ điều này thì không bao giờ có chuyện biến vùng không tranh chấp thành vùng tranh chấp để có thể chia sẻ lợi ích. Khánh Hòa cách rất xa Vũng Tàu, giữa Trường Sa và DK1 có một hõm biển nên Công ước Luật Biển 1982 đã xác định vùng DK1 hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam”.
Đại tá Nguyễn Quý cho rằng: Trung Quốc đã từng có ý định đưa giàn khoan vào khu vực bãi Tư Chính. Cho nên, chúng ta phải luôn luôn cảnh giác để không cho họ đặt chân vào đó. Đặt chân vào Tư Chính giống như con dao kề vào cổ vùng khai thác dầu khí của Việt Nam và nó khống chế toàn bộ vùng DK1 rộng 80.000km2.
Quay trở lại với câu chuyện thời sự gần đây khi Trung Quốc đưa tàu vào khu vực bãi Tư Chính, Đại tá Nguyễn Quý cho biết, khi nghe tin tàu HD-8 của Trung Quốc đi vào bãi Tư Chính, ông không lấy gì làm lạ và tôi cũng không lo lắng quá mức vì ông có niềm tin.
Ông cũng thấy cách giải quyết của Việt Nam vừa mềm dẻo, vừa cương quyết, như các cụ ta nói “lạt mềm buộc chặt”.
"Trong thời điểm này, các nước đã thấy rõ chính nghĩa thuộc về Việt Nam. Trung Quốc hành động như vậy là vi phạm chủ quyền, vi phạm Công ước Luật Biển năm 1982 mà chính Trung Quốc đặt bút ký vào đó. Tôi tin rằng, các nước sẽ ủng hộ Việt Nam và không ai có thể chà đạp lên luật pháp quốc tế, Đại tá Nguyễn Quý khẳng định.      
Lược theo VOV

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NÓI THÊM VỀ ÔNG BẠN LÁNG GIÊNG XẤU BỤNG

· 
Tan Dinh đế

- Thưa ông Trần Đăng Khoa! Rất vui lại được trò chuyện với ông trong ngày đầu tuần này. Bạn đọc rất tâm đắc với bài báo của ông: “Nhắc lại: Biển Đông không phải ao nhà của Trung Quốc”.
- Vâng! Rất cám ơn bà (nhà báo Minh Hồng) và bạn đọc đã đồng hành cùng tờ báo của chúng ta.
- Tại sao trong bài báo của mình, ông lại nói là: “Nhắc lại...”.
- Nhắc lại vì đây là chuyện đã nói rồi. Trò ngang ngược của Trung Quốc diễn ra thường xuyên và chúng ta đã cảnh cáo nhiều lần. Bản thân tôi cũng đã có đến cả trăm bài báo lên án Trung Quốc. Có bài tôi viết trực diện. Có bài trò chuyện với phóng viên. Thay đổi thế để bạn đọc đỡ tẻ. Cách tiếp cận chuyện thì cố gắng cho có vẻ mới chứ vấn đề lại cũ. Vì đó vẫn là những trò khiêu khích quấy nhiễu cũ rích của Trung Quốc. Trung Quốc không phải người bạn 4 tốt như họ vẫn thề thốt, rêu rao. Mà nói cho thật công bằng thì đó là ông láng giềng 4 xấu. Xấu đến tận cùng xấu.
Trong khi họ cứ chửi các nước tư bản, lấy các nước tư bản làm con ngoáo ộp dọa ta, nhắc ta phải giữ vững định hướng Xã hội chủ nghĩa, Trong khi con ngoáo ộp tư bản còn tử tế gấp vạn lần Trung Quốc. Họ có lấn biển lấn đất của ai đâu. Họ sống rất nhân bản và thân ái với nhau. Như bài trước tôi nói, các nước tư bản hầu như không có biên giới, không có hải quan, từ nước nọ sang nước kia cứ thẳng một lèo, trong khi Trung Quốc lấn của ta từng mét đất, cướp 7 đảo của ta ở Trường Sa và cướp cả đảo Hoàng Sa. Đấy là hòn đảo lớn nhất của ta, lớn gấp chục lần đảo Trường Sa và đấy cũng là hòn đảo duy nhất có nước ngọt. Cha ông ta đã sống ở đó từ ngàn đời. Và không dừng ở đấy. Bao lần họ trắng trợn ra thông báo với cái gọi là “Lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông” trên phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến hết cả Vịnh Bắc Bộ, bao trùm toàn bộ ngư trường truyền thống của ta. Họ đâm chìm thuyền đánh cá của bà con ta. Có bạn tốt nào lại như thế không?
Họ còn rêu rao họ là Đối tác tốt, Láng giềng tốt. Họ tốt ở chỗ nào. Đường sắt trên cao Cát Linh Hà Đông họ là Đối tác đấy. Thật kinh hoàng. Chỉ có 13 km mà 16 năm không xong. Đã chết bao nhiêu người vì tai nạn khi làm con đường này. Chúng ta còn sống dở chết dở vì nó với đống nợ cao tày núi và đã phải trả nợ từ năm 2017 đến nay rồi, dù chưa sử dụng được và sẽ còn rất lâu mới sử dụng được. Tuyến đường này vẫn còn thiếu vốn để hoàn thành nhưng tôi nghĩ, chúng ta không nên chi thêm một xu nào vào cái công trình bẩn thỉu đó nữa. Nên để nguyên trạng làm bảo tàng ngoài trời. Bảo tàng cảnh báo về sự nguy hiểm của Trung Quốc và nhóm lợi ích đã tàn phá tan hoang đất nước. Người dân rất mong Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho thanh tra toàn bộ dự án này và đưa vào lò tất cả những kẻ rước giặc vào phá đất nước. Vấn đề nóng nhất của chúng ta bây giờ là chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ chứ không phải đường cao tốc.
Đường bộ từ Bắc vào Nam của chúng ta hiện rất tốt. Đường Trường Sơn Hồ Chí Minh khánh thành mấy chục năm nay đã phát huy được hết hiệu quả đâu. Hà cớ gì cứ phải gấp rút làm thêm đường mới nữa...
- Ông đã từng nói một câu rất ấn tượng rằng, cái bi kịch lớn nhất của chúng ta là phải sống bên cạnh một kẻ rất hiểm độc mà không thể dọn đi đâu để ở được...
- Đúng vậy. Các cụ bảo “Bán anh em xa mua láng giềng gần”. Láng giềng gần mà như họ thì làm sao yên được. Chúng ta không yên từ đời ông cha ta cho đến tận bây giờ. Ta sẽ khốn khổ và lụn bại nếu cứ phụ thuộc vào Trung Quốc. Tất cả những nước “đánh đu” với Trung Quốc đều thảm hại. Ghê rợ nhất nhất là Pon Pốt Yêng sa ri. Một loại hồn ma bóng quỷ mà họ dựng lên, chỉ nghe tên, nhân loại đã khiếp sợ. Tôi đố các vị tìm thấy một công trình nào Trung Quốc làm cho ta mà tử tế? Tôi cũng đố các vị tìm thấy một quốc gia nào chơi với Trung Quốc mà giàu có phát triển. Không! Có bói cũng không ra, có dùng kính hiển vi soi cũng chẳng thấy. Trung Quốc luôn đề cao 4 tốt với 16 chữ vàng nhưng sự thật, họ phá ta không từ bất cứ thủ đoạn nào, kể cả những việc làm rất bần tiện, như cho thương lái sang ta mua mèo với giá cao, thế là vì cái “giá cao” ấy, mèo gần như tuyệt diệt, bà con nông dân phía Bắc phải chịu đại dịch chuột hoành hành. Rồi họ lại sang mua móng trâu với giá cao. Cũng chẳng biết họ mua móng trâu làm quái quỷ gì mà mua với giá cao thế. Ở thời điểm ấy, cả chú trâu to lớn vật vã mới có 5 triệu bạc, mà chỉ riêng một cái móng trâu cũng đã hơn một triệu bạc rồi. Thế là bà con nhẹ dạ cứ lột móng trâu đem bán. Kết cục là trâu bò chết hàng loạt, ảnh hưởng nặng đến sức kéo của bà con nông dân nghèo phía Bắc. Và rồi còn ghê rợn hơn nữa là việc Thương lái Trung Quốc hướng dẫn bà con ta làm chè bẩn để mua với giá đắt với số lượng rất lớn. Làm được bao nhiêu mua hết từng ấy. Họ yêu cầu người làm chè trộn phân trâu hoặc nước bùn vào búp chè tươi già, qua công đoạn vò, phơi, được một loại chè khô vừa nặng, vừa dẻo, cánh chè xoăn và xanh. Chè bẩn được đóng bao, đóng gói chở đi kìn kìn. Họ mua chè bẩn với số lượng lớn như thế để làm gì thì chỉ có ma quỷ mới biết. Khi Trung Quốc đăng cai Đại hội Olympic, trước con mắt của bạn bè quốc tế, họ mời ông Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang sang cùng chứng kiến cảnh họ đốt chè Việt Nam, với lý do chè Việt Nam bẩn không đảm bảo an toàn thực phẩm. Vậy thì còn có quốc gia nào giám ký kết, đặt mua chè của ta? Hậu quả là chỉ sau 6 tháng, toàn bộ ngành chè xiêu điêu. Hàng loạt doanh nghiệp chè bị phá sản. Rồi họ bày cho bà con nông dân ta nuôi ốc bươu vàng để họ thu mua với giá cao. Rốt cuộc đồng ruộng chúng ta tan hoang vì nạn ốc bươu vàng.
Và còn rất nhiều, rất nhiều. Điều đó chứng tỏ rằng, chúng ta không thể tin Trung Quốc được. Càng không thể phụ thuộc vào Trung Quốc. Trung Quốc chưa bao giờ là bạn của ta chứ đừng nói là bạn Bốn tốt. Họ giúp ta đánh Mỹ thực chất là ta cũng đánh cho họ. Nói như Chế Lan Viên:
Hỡi con thỏ hoà bình đang tìm nơi gặm cỏ
Súng ta nổ cũng là vì mi đó…
Họ giúp nhưng có muốn ta thắng Mỹ đâu. Họ nói: “Các đồng chí cần phải đánh theo chiến thuật trường kỳ mai phục. Đời mình không xong thì đời con đời cháu. Và các đồng chí chỉ nên đánh ở cấp trung đội”. Đánh ở cấp trung đội thì bao giờ mới thống nhất được đất nước? Thực chất Trung Quốc chỉ muốn chúng ta làm cho Mỹ mệt mỏi, kiệt quệ, và cứ ở mãi trong tình trạng chiến tranh, để Trung Quốc có điều kiện vượt lên. Chúng ta vừa kết thúc chiến tranh, họ đã xúi Pôn pốt đánh ta. Khi chúng ta giúp Căm pu chia thoát khỏi nạn diệt chủng thì họ trực tiếp đánh ta trên sáu tỉnh biên giới phía Bắc. Họ đã lộ nguyên hình kẻ thù ngàn đời. Và bây giờ, khi đã quá hiểu họ rồi, chúng ta không nên để họ lừa gạt rồi cướp đất cướp biển của ta nữa.
- Có cách nào thoát được họ không?
- Hãy học cha ông thôi. Cha ông đã thoát họ bằng chiến thắng Bạch Đằng, Đống Đa. Thời hiện đại, Tướng Giáp cũng thoát họ bằng đánh chắc thắng chắc. Nhờ thế mới có Điện Biên Phủ. Nếu nghe họ đánh nhanh thắng nhanh thì toàn bộ quân đội non trẻ bị tuyệt diệt rồi. Cụ Lê Duẩn và những người cộng sự của cụ cũng thoát họ để thống nhất đất nước. Bây giờ chúng ta cũng phải thoát họ mới tồn tại được. Với Trung Quốc phải khôn khéo, mềm mại nhưng rắn. Thế giới đang đứng bên cạnh chúng ta. Nếu họ gây hấn, phải lên tiếng ngay bằng tất cả các kênh truyền thông để thế giới biết. Đừng để kênh xã hội nói rồi chúng ta mới nói theo. Rất nguy hiểm. Kênh xã hội một tin đúng thì chục tin vịt.
Cần nói ngay để dân biết, thế giới biết và Trung Quốc cũng sẽ ngại. Dừng tuyến đường cao tốc, không để Trung Quốc len vào. Tuyến đường đó làm sau. Chúng ta nợ công quá nhiều, không sa vào bẫy nợ của Trung Quốc. Nếu đưa ra đấu thầu, chúng ta không thể ngăn được họ, vì ngăn họ, chúng ta phạm luật đấu thầu quốc tế, mà để họ thắng thì chúng ta lụn bại. Cần nhìn đường sắt Cát Linh Hà Đông làm một bài học đẫm máu. Tiền làm đường cao tốc, chúng ta trang bị vũ khí hiện đại rải dọc bờ biển. Với vũ khí hiện đại, chỉ rải dọc biển chúng ta cũng giữ yên được biển đảo của mình mà không cần xuất quân. Trung Quốc không làm được điều đó vì họ ở quá xa. Máy bay có ra oanh kích ở bãi Tư Chính thì cũng không còn nguyên liệu để quay về. Không quân chỉ phát huy được hiệu quả khi có tàu sân bay. Mà tàu sân bay thì chỉ tên lửa diệt hạm từ dọc bờ, ta cũng thổi bay được. Cùng với cảnh giác, sẵn sàng đáp trả, chúng ta cần liên minh với các nước trong khu vực cùng cảnh ngộ như Nhật, Hàn, Ấn Độ. Đây không phải “liên minh với nước này để đánh nước khác”. Ta không đánh ai cả. Chỉ tự vệ thôi. Và nếu cần, ta kiện Trung Quốc ra toà Quốc tế. Kiện là Trung Quốc thua. Vì họ không có cơ sở pháp lý nào cả. Bản đồ của họ từ năm 1904 đời Nhà Thanh trở về trước chỉ đến Đảo Hải Nam là hết, làm gì có Trường Sa, Hoàng Sa. Nếu kiện họ là ta thắng và nhân thể ta đòi lại cả Trường Sa, Hoàng Sa mà họ chiếm giữ trái phép bấy lâu nay. Tất nhiên, ta cũng biết họ sẽ bất chấp phiên toà như trường hợp Philippin thắng kiện, nhưng về dư luận quốc tế, họ thảm bại…
- Cám ơn ông
MINH HỒNG ghi
(Mai Văn Hoan cóp từ trang Trần Đăng Khoa)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ngày càng hung hăng hơn ở Biển Đông, Bắc Kinh đã quên mất lời dạy của Khổng Tử: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”

Bo 1


Đại học giả Trung Quốc Khổng Tử đã từng nói một cách khôn ngoan rằng: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” – Đừng làm với người khác những gì mình không muốn người khác làm với mình! Tiếc thay, TQ đã quên
Từ ngày 3 tháng 7, Trung Quốc cũng đã cử tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 để thực hiện một cuộc khảo sát dầu khí tại một khu vực rộng lớn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hộ tống  tàu khảo sát này có ít nhất ba tàu Hải cảnh, khiến Việt Nam phải gửi các tàu cảnh sát biển và kiểm ngư của mình tới hiện trường để theo dõi đội tàu Trung Quốc. Cuộc đối đầu này gợi nhớ đến một cuộc tranh chấp tương tự với dàn khoan Hải Dương 981 vào năm 2014 vốn đưa quan hệ song phương xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên.
Vào ngày 19 tháng 7, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ lên án các hành động của Trung Quốc và, thú vị hơn, đã kêu gọi “tất cả các bên liên quan và cộng đồng quốc tế” đóng góp vào việc duy trì trật tự, hòa bình và an ninh ở Biển Đông.
Bo 3
Tàu khảo sát Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
Ngày hôm sau, Hoa Kỳ dường như đáp lại lời kêu gọi của Việt Nam khi Bộ Ngoại giao nước này đưa ra tuyên bố bày tỏ quan ngại về “sự cưỡng ép của Trung Quốc đối với hoạt động dầu khí ở Biển Đông” nói chung và sự can thiệp của Trung Quốc vào “các hoạt động thăm dò và khai thác lâu nay của Việt Nam” nói riêng. Tuyên bố cũng kêu gọi Trung Quốc “chấm dứt hành vi bắt nạt và không tham gia vào loại hoạt động gây khiêu khích và bất ổn này”.
Tuyên bố của Hoa Kỳ cho thấy có một sự song trùng lợi ích mạnh mẽ giữa Hà Nội và Washington trong việc thách thức các yêu sách trên biển quá đáng của Trung Quốc. Trong khi Việt Nam muốn bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông, Hoa Kỳ cũng đang tìm cách kiềm chế tham vọng hàng hải của Trung Quốc cũng như các thách thức mà những tham vọng này đặt ra đối với vị thế chi phối của Washington tại khu vực.
Nếu xét sự đối đầu chiến lược ngày càng gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông khiến người ta đặt câu hỏi về tính hữu lý trong chính sách đối ngoại của nước này: đúng vào lúc mà Trung Quốc đang cần có thêm nhiều bạn bè và đồng minh hơn bao giờ hết để đối phó với sự thù địch của Mỹ,thì Trung Quốc lại đang khiến Việt Nam trở nên xa cách và đẩy Hà Nội sâu hơn vào vòng tay Washington.
Việt Nam từ lâu đã theo đuổi một sự cân bằng chiến lược trong quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Hà Nội coi trọng quan hệ với Bắc Kinh, bất chấp tranh chấp Biển Đông, bởi vì tầm quan trọng của người láng giềng khổng lồ phương Bắc đối với an ninh và thịnh vượng của đất nước, cũng như sự gần gũi về ý thức hệ giữa hai đảng cộng sản cầm quyền.
Vì vậy, trong khi muốn phát triển quan hệ với Mỹ, Việt Nam cũng đã thận trọng để không làm tổn thương quan hệ vốn có với Trung Quốc. Ví dụ, vào năm 2013, khi Hoa Kỳ thúc đẩy Việt Nam thiết lập một mối quan hệ đối tác chiến lược song phương, Hà Nội thay vào đó đã chọn quan hệ “đối tác toàn diện” vì lo ngại rằng quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ sẽ làm Bắc Kinh phật lòng.
Bo 4
Nguyên Chủ tịch Trương Tấn Sang và TT Obama
Tuy nhiên, Trung Quốc dường như không chú ý đến các mẫn cảm chiến lược của Việt Nam. Bằng cách hung hăng áp đặt các yêu sách của mình ở Biển Đông,  Trung Quốc đang thúc đẩy Việt Nam thay đổi các tính toán chiến lược lâu nay bằng cách cân nhắc một sự “xoay trục” dần dần khỏi Bắc Kinh hướng về phía Washington – một quá trình đã được đẩy nhanh kể từ sự cố khủng hoảng giàn khoan năm 2014.
Sau cuộc khủng hoảng đó, một mức độ đồng thuận lớn hơn đã xuất hiện ở Hà Nội cho rằng quan hệ chiến lược với Mỹ – đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng – cần phải được tăng cường để đối trọng lại hành vi cưỡng bức của Trung Quốc trên Biển Đông.
Một năm sau, Việt Nam đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về Quan hệ Quốc phòng với Mỹ và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên đến thăm Nhà Trắng.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Hà Nội vào năm 2016, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Cùng năm, Mỹ đã đưa Việt Nam vào Sáng kiến ​​An ninh Hàng hải Đông Nam Á – cung cấp cho Hà Nội các hỗ trợ xây dựng năng lực hàng hải đáng kể.
Năm 2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là một trong những nhà lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump, người cũng đã chọn Việt Nam làm điểm đến cho chuyến thăm đầu tiên của mình tới Đông Nam Á.
Bo 2
Tàu khảo sát Hải Dương 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
Chuyến thăm lịch sử của tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng vào tháng 3 năm ngoái cũng là một bước ngoặt quan trọng khác trong mối quan hệ chiến lược ngày càng tăng giữa hai cựu thù.
Và vào tháng 6 vừa qua, Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Bộ Quốc phòng Mỹ đã liệt kê Việt Nam là một đối tác an ninh mới nổi quan trọng mà Washington muốn tăng cường quan hệ chiến lược.
Tất cả những diễn biến này phản ánh một mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, khi nói đến việc làm cho mối quan hệ chiến lược song phương trở nên thực chất và nổi bật hơn, Việt Nam dường như vẫn còn một số do dự. Chẳng hạn, hồi tháng 10 năm ngoái, Việt Nam đã thông báo hủy 15 hoạt động hợp tác quốc phòng đã lên kế hoạch với Mỹ cho năm 2019, có thể để Trung Quốc không cảm thấy lo lắng trong bối cảnh gia tăng đối đầu chiến lược giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Gần đây, nhằm chuẩn bị cho ​​chuyến thăm thứ hai của TBT Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, đã có một số tranh luận nội bộ ở Hà Nội về việc Việt Nam có nên đồng ý nâng cấp quan hệ với Washington lên mức “đối tác chiến lược” hay không, một điều mà Mỹ đã thúc đẩy từ lâu. Một lần nữa, việc Hà Nội mong muốn không làm Trung Quốc bất an vẫn là một trở ngại lớn đối với nỗ lực của Mỹ.
Tuy nhiên, với sự hung hăng trở lại tại Biển Đông, Bắc Kinh đang gia tăng vị thế của những quan điểm muốn cứng rắn hơn với Trung Quốc tại Hà Nội, đồng thời củng cố hình ảnh của Mỹ như là một đối tác tốt hơn cho Việt Nam.
Rốt cuộc, tại sao Việt Nam phải quan tâm đến những mẫn cảm an ninh của Trung Quốc nếu Bắc Kinh không quan tâm đến những lo lắng an ninh chính đáng của Hà Nội?
Trong khi đó, sự cởi mở của Washington đang ngày càng trở nên hấp dẫn – đặc biệt là việc Mỹ mong muốn đưa Việt Nam tham gia vào một cấu ​​trúc an ninh “khu vực kết nối”, điều không chỉ giúp tăng cường vị thế đàm phán của Việt Nam trước Trung Quốc mà còn tạo điều kiện cho Việt Nam được hưởng lợi nhiều hơn từ những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường sức mạnh kinh tế và quốc phòng cho các nước đối tác nhằm giúp Mỹ ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Do đó, chúng ta không nên quá ngạc nhiên nếu trong một tương lai không xa Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và tăng cường hơn nữa quan hệ quốc phòng, bởi các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đang làm giảm sức hấp dẫn chiến lược của Bắc Kinh, trong khi mang lại cho Mỹ hình ảnh của một đối tác an ninh mà Việt Nam nên lựa chọn.
Nếu Trung Quốc thực sự muốn Việt Nam quan tâm đến các quan ngại về an ninh của mình, thì Trung Quốc cũng phải chú ý đến các quan ngại của Việt Nam. Rốt cuộc, không ai khác mà chính đại học giả Trung Quốc Khổng Tử là người đã từng nói một cách khôn ngoan rằng: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” – Đừng làm với người khác những gì mình không muốn người khác làm với mình!
Tác giả: Lê Hồng Hiệp/ Nghiên Cứu Quốc Tế

Phần nhận xét hiển thị trên trang