Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

- Nguyễn Hà Phan, bi hay hài ?

Lê Phú Khải


Thủ bút của ông Nguyễn Hà Phan. Ảnh Lê Phú Khải

(Trích hồi ký Lời Ai Điếu của Lê Phú Khải)

Đầu năm 1994, sau chuyến đi Điện Biên Phủ đầu tiên để giúp anh Tuất Việt làm số báo “SGGP – 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”,tôi về Hà Nội và đến Báo Nhân Dân gặp Mai Phong, Trưởng ban bạn đọc của báo. 

Tôi bảo với Mai Phong, vừa đi Điện Biên Phủ về, có chai rượu hổ cốt, muốn rủ ông lên chỗ ông Nguyễn Hà Phan ở Ban Kinh tế chơi, gạ ông ấy kiếm ít mồi để nhậu. Anh cho tôi mượn cái điện thoại bàn của anh để gọi cho ông ấy… Mai Phong nhìn chai rượu của tôi, tuy có dán cái “mác” Lai Châu ở vỏ nhưng giá chỉ có 14.000 đồng. Phong nói: ông có đùa không thế, đang giờ làm việc mà đòi lên gặp Bộ Chính trị để nhậu !

… Không cần Mai Phong đồng ý, tôi nhấc điện thoại bàn của anh lên (hồi đó chưa có di động phổ biến như bây giờ) gọi cho ông Sáu Phan. Từ đầu giây đằng kia, ông Sáu Phan kêu tôi “Lên ngay !”. Thế là tôi kéo Mai Phong lên số 10 Nguyễn Cảnh Chân, khu Ba Đình. Chỗ Sáu Phan ngồi làm việc là trường Albert Sarraut cũ thời Tây.

Quen biết với ông Nguyễn Hà Phan từ lúc ông còn là Chủ tịch tỉnh Hậu Giang cũ. Tôi từng được Tổng biên tập Tuất Việt ủy nhiệm làm đặc phái viên của Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP) để phỏng vấn ông nhiều lần. Và, tôi cũng hết sức ủng hộ tỉnh Hậu Giang về mặt thông tin tuyên truyền những chủ trương rất đúng đắn của tỉnh dưới thời ông Hà Phan. Vì thế, việc ông Sáu Phan gặp tôi ở Hà Nội là việc vui đối với ổng. 

Khi chúng tôi lọc cọc chở nhau bằng xe đạp đến nơi thì đã thấy Sáu Phan bày ra vài thứ đồ nhậu khô… Được vài tuần rượu, Sáu Phan rút thuốc ra hút. Đặc điểm lớn nhất, dễ nhận ra ở Sáu Phan là, ông hút thuốc liên tục, hết điếu này nối điếu kia. Sáu Phan mời tôi và Mai Phong hút thuốc. Thấy ông đưa thuốc “mác” “Con ngựa trắng” mời khách thì tôi lấy làm lạ nên hỏi: – Khi xưa ông là quan đầu tỉnh mà hút tòan ba số (555) inter, nay lên quan nhất phẩm triều đình lại hút thuốc này sao? Sáu Phan than phiền: – Ra đây Ban Tài chính Quản trị Trung ương (TW) nó cho hút thuốc gì thì được hút thuốc đó. Tiếp khách cũng thế, đâu có được như ở nhà…

Thấy thế, tôi bảo với anh Y, thư ký riêng của Sáu Phan đang ngồi gần đó: Nhờ anh bảo cô Tuyết ở Ban Tài chính qua đây tôi gặp. Y nói: – Ở Ban Tài chính có đến ba cô Tuyết, nhà báo muốn gặp cô Tuyết nào? Tôi nói : muốn gặp cô Tuyết có chồng là ông Nguyễn Thanh làm bên Hải quan… Anh Y lập tức xua tay, nói: – Cô Tuyết ấy là cấp trên của tôi, tôi không dám gọi. Tôi nói: – Thì anh cứ bảo cô ấy, có anh Lê Phú Khải ở miền Nam ra, muốn gặp cô ấy.

Lát sau cô Tuyết xuất hiện. Cô em tôi (Tuyết là em họ tôi, con người chú thứ ba của tôi, là Lê Phú Ninh, quyền Chánh văn phòng Bộ Công an) rất vui vẻ: – Em chào bác ! Bác mới ở miền Nam ra? Sao không báo để em đem xe ra sân bay đón bác ! Tôi cười nói: – Ra chơi với ông Sáu đây thôi, có gì mà phải đón với rước ! 

Sau đó tôi nói: Sao Ban Quản trị lại bắt ông Sáu hút thuốc “Con ngựa trắng” thế này ? Xưa kia ở Cần Thơ ông ấy toàn tiếp tôi bằng ba số cơ mà?! Cô Tuyết phân trần: – Ban Tài chính Quản trị chúng em liên kết với tỉnh Khánh Hòa sản xuất kinh doanh thuốc này, rồi bán lại cho Văn phòng TW. Văn phòng phân phối cho các bác ấy tiếp khách… Bác thông cảm ! Cô Tuyết chỉ nói có thế rồi chào ông Hà Phan. Trước khi về, cô còn dặn tôi khi nào ra Bắc thăm bác Sáu, nhớ gọi điện để cô cho xe ra đón.

Sở dĩ tôi đề nghị anh Y kêu cô Tuyết sang là có ý muốn giới thiệu với cô quan hệ thân mật của tôi với ông Hà Phan, để cô ấy “ưu tiên” với “ông bạn” già của tôi. Vì tôi biết các vị như Hà Phan ở địa phương còn sướng hơn cả vua chúa ngày xưa. Nay ra triều đình xa vợ con, nước lọ, cơm niêu là khổ lắm, lại không quen biết ai. Các quan chức ở Hà Nội hết giờ làm việc là về trình diện các quan bà hết, không như ở Miền Nam hết giờ là đi nhậu. Cỡ như Sáu Phan, ở Hà Nội lại càng cô đơn (!).

Tuyết về rồi, Sáu Phan bảo tôi: – Biết đâu cô Tuyết là em ông. Ở đây cô ấy quan trọng lắm, tay hòm chìa khóa của TW là ở tay cô ấy !!!

Lê Thị Tuyết sinh năm 1942, cùng tuổi với tôi. Cô sinh ra trong một gia đình đông con. Ông chú tôi có tới 7 người con, cô là thứ 2. Hồi nhỏ trong gia đình họ Lê Phú của tôi chỉ có tôi là cháu đích tôn là được cưng chiều từ nhỏ, còn các cháu nội của ông bà tôi từ bé đã rất vất vả vì các chú tôi đi cách mạng quanh năm ! Gia đình phó thác cho các bà vợ. 

Cô Tuyết học hành chẳng được là bao, mười mấy tuổi cô đã phải đi gánh nước gạo cho mẹ nuôi lợn ở Bãi Giữa (Bãi Phúc Xá). Cô vào làm nhà nước, được vô nơi kín cổng cao tường này có lẽ là nhờ cái lý lịch “con nhà nòi”. Nhưng cô là người thông minh, có bản lĩnh và rất nhân hậu. Ở địa vị cao (Phó Ban Tài chính quản trị TW Đảng), nắm vật chất của Đảng trong tay nhưng cô thẳng thắn, khiêm nhường, tận tụy với công việc, và rất công bằng trong mọi sự phân chia của cải… nên được cán bộ công nhân viên của Ban Tài chính quản trị TW và Văn phòng TW Đảng quý mến. 

Ngày cô mất, Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi một bức thư tay dài, chia buồn với gia đình cô. Bức thư ấy tôi đã được đọc. Những lời của Đại Tướng thật chân tình, những đánh giá của Đại Tướng về cô không công thức, giáo điều như mọi nghi thức với một người đã chết mà người ta thường thấy. Những điều ông viết làm người ta phải ngạc nhiên về nhận xét của một nhân vật lớn của đất nước đối với một cán bộ nhân viên bình thường: “Chị Tuyết ra đi để lại một tấm gương sáng của một người cán bộ hết lòng làm tròn nhiệm vụ, một người phụ nữ mẫu mực về lối sống và đạo đức cách mạng. Ký tên Võ Nguyên Giáp”. Là thư đề ngày 22/2/1999 - Hà Nội.

Riêng đối với tôi, tuy chúng tôi là anh em cùng dòng tộc nhưng ở xa, ít tiếp xúc. Tuy vậy, cô Tuyết có cách cư xử mà tôi cho là chính xác, thông tuệ. Cô biết thừa tư tưởng “bất đồng chính kiến” của tôi với chế độ mà cô là một quan chức có hạng. 

Có lần tôi từ Miền Nam ra Bắc, đến thăm nhà đấu tranh dân chủ nổi tiếng Nguyễn Kiến Giang, nào ngờ lại gặp đúng lúc nhân viên an ninh chuyên theo dõi Nguyễn Kiến Giang đang ngồi ở nhà ông. Anh Kiến Giang liền giới thiệu: – Đây là nhà báo Lê Phú Khải, Thường trú của Đài Tiếng Nói Việt Nam ở Miền Nam ra chơi.

Tay an ninh này vốn có tính đa nghi cố hữu của nghề nghiệp, nên đã nghi ngờ tôi ra Bắc để móc nối với Kiến Giang, mời Kiến Giang vào Sài Gòn dự một cuộc hội thảo về dân chủ do một nhóm trí thức Sài Gòn sắp tổ chức. Thế là họ đã lần ra quan hệ họ hàng từ hai chữ “Lê Phú”. Họ đã đến gặp Lê Quân, em họ, con ông chú thứ 3 của tôi là Lê Phú An, cậu ta là công an an ninh văn hóa, để xác minh về nhân thân của tôi. Sau đó, gặp cô Lê Thị Tuyết để nhờ cô khuyên giải tôi đừng quan hệ với “phần tử xấu” Nguyễn Kiến Giang - người từng là cán bộ lãnh đạo của Nhà xuất bản Sự Thật (!)

Nhưng cô Tuyết là một người phụ nữ thông minh, hiểu nhẽ đời. Cô không hề nói gì với tôi cả, vì biết rõ nói tôi cũng chẳng nghe. Và cũng biết rõ tôi chẳng có gì sai cho dù là chơi với ông Kiến Giang. Vài năm sau, gặp vợ tôi ra Hà Nội chơi, cô mới kể lại câu chuyện cậu công an gặp cô nói về tôi mấy năm trước. Cô cũng chẳng có lời khuyên nào với tôi nhắn qua vợ tôi, trái lại khi vợ tôi than: – Ở địa phương, cán bộ lãnh đạo khốn nạn lắm, chỉ lo đấu đá quanh năm… thì cô nói: – Chị cứ nhân lên sự 1.000 lần sự khốn nạn của địa phương nó sẽ là Trung ương !

Cô em tôi là như thế. Với những người như ông anh họ của cô là tôi, cô “chơi bài ngửa”!, không nói thì ông anh cũng biết, nên cô không cần giấu. Và cô cũng biết, chẳng ai giấu gì được lịch sử ! 

Trong một xã hội như thế, cô phải sống và cô sống tử tế, chân thực với mọi người. Với địa vị ấy, cô phải lo bố trí nhà ở, xe cộ đi về, đến cả chăn màn quần áo cho các vị quan to ở TW. Có lẽ vì thế mà cô biết rõ nhân cách của từng vị trong Bộ Chính trị qua những việc cụ thể, đời thường. 

Khi tôi còn làm phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam, có lần gặp tôi, cô nói: – Em thấy các phóng viên của Đài Truyền hình hay sang Văn phòng TW nhờ bọn em gọi điện từ Văn phòng TW qua đài, đề nghị với giám đốc Đài cử họ đi tháp tùng Thủ tướng đi nước này, nước nọ. Em chẳng thấy bác sang bên chúng em bao giờ! Tôi nói ngay: – Tôi rất sợ phải đi tháp tùng một vị Thủ tướng vô tích sự như ông Phạm Văn Đồng !!! Cô em tôi đã cười rất tươi khi nghe tôi nói thế!

Lúc ông Hoàng Văn Hoan bỏ trốn, tôi cũng đang công tác ở Đài Truyền hình. Báo đài lúc đó la ầm lên là ông HVH phản bội, dấu hiệu phản bội đã thấy rõ từ… lâu (!). Gặp tôi cô Tuyết nói ngay… Bác Hoan chẳng phản động gì cả. Khi họp Bộ Chính trị, bác Lê Duẩn nói thì các bác Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp cứ cắm đầu xuống mà nghe, không ai dám ngẩng đầu lên, không ai dám nói nửa lời, chỉ có bác Hoan là dám đập bàn cãi lại, cãi nhau tay đôi (!)

Về trường hợp Hoàng Văn Hoan, tôi cũng được một lần Tướng Qua kể như sau: – Ở Hội nghị Genève, khi Phạm Văn Đồng kêu ai làm việc thì người đó run lắm, lo chuẩn bị tối ngày, chỉ có ông Hoan là ung dung tự tại, hai tay đút túi quần, ra sân đá banh cho đến lúc gặp Phạm Văn Đồng !

Về cái chuyện các phiên họp của Bộ Chính trị thì rất khôi hài. Cô Tuyết kể với vợ tôi: – Đến em cũng không được vào phục vụ mà chỉ có quyền chỉ huy các nhân viên vào phòng họp phục vụ bưng bê. Các nhân viên đó phải được tuyển lựa từ Cao Bằng, Lạng Sơn về, toàn dân tộc thiểu số để họ không quen biết ai ở Hà Nội, biết gì họ cũng không có ai để mà nói.

Cô Tuyết hóm hỉnh nói với vợ tôi: Nhưng chị lạ gì, con gái thì nó phải hành kinh hàng tháng. Khi hành kinh đứa nào cũng muốn thủ trưởng cho nghỉ nhiều, thế là nó phải nịnh em. Mà muốn nịnh em thì chỉ có cách nghe được cái gì trong cuộc họp Bộ Chính trị thì ghé tai em nói nhỏ để… làm quà ! Đứa nào cũng thế. Vì thế họp gì, nói gì em đều biết hết. 

Thời Lê Duẩn thì Lê Duẩn mắng mỏ người khác như mắng gia nhân, đầy tớ, đến sau này thì cá mè một lứa, Phan Văn Khải thì bảo Trần Đức Lương nên trả lại những quả đồi mà ông ta đã chiếm để làm villa, biệt thự. Trần Đức Lương thì mắng lại PVK rằng, mày hãy về bảo thằng con mày đừng giết người nữa rồi hãy bảo tao trả lại mấy quả đồi… Họ mắng chửi nhau còn hơn hàng tôm, hàng cá rồi lại khuyên nhau “vì sự ổn định đất nước”, “vì sự nghiệp lớn”, nên gác lại mọi chuyện, rồi lại hỉ hả với nhau, đâu lại vào đó !

Cái thời ông Trần Xuân Bách đưa ra lý thuyết đa nguyên, cô Tuyết còn kể với vợ tôi: – Trong Bộ Chính trị lúc đó chia rẽ và nghi kỵ nhau lắm, đi họp ai cũng được vợ chuẩn bị một chai nước riêng, để trong túi, khi khát thì lén quay đi, rót uống. Bánh kẹo, nước ngọt bầy ra la liệt nhưng chẳng ai dám đụng vô một miếng. Thế là bọn nhân viên của em nó tha hồ bóc ra, để cuối cuộc họp chia nhau, vui như tết !!!

Có lần cô Tuyết kể trực tiếp cho tôi nghe, khi cần vụ của Lê Đức Thọ đem một cái chăn bông đã rách nát đến đổi chăn bông mới, cô nói với chú cần vụ này: – Thủ trưởng của cậu tiết kiệm quá, chăn rách cả mền, lòi cả bông ra thế này mới chịu đem đổi. Cậu ta cười nói: – Tiết kiệm cái con tiều ! Tối nào trước lúc đi ngủ ông ta cũng nắn bóp cái chăn đến nửa tiếng đồng hồ, chỉ sợ người ta gài mìn thôi… nên chăn mới rách bươm ra như thế. Tối qua, bông nó xổ ra, bay tứ tung làm ông ấy ho suốt đêm nên sáng nay mới bảo tôi đem đổi !!!

Chẳng những lo nhà, lo xe, cô còn lo chia quà Tết cho TW nữa. Số là, những năm bao cấp, mỗi lần ra họp TW, các tỉnh phía Nam còn đem cả tấn gạo ngon, hàng tạ tôm, cá khô ra biếu TW ăn Tết. Thế là cô phải thức cả trưa, cả tối để lo chia quà và đem đến từng nhà các vị TW.

Lo vật chất, cô Tuyết còn phải lo cả chuyện “tình cảm” cho các vị đó. Cô kể: – Khi bà vợ hai của Lê Duẩn báo sẽ ra Bắc, thì lập tức cô phải điều bác sĩ đến khám sức khỏe cho bà cả. Rồi theo kịch bản, bác sĩ la lối lên « Sức khỏe chị Cả kém lắm rồi, phải đi Tam Đảo nghỉ ngơi ! » Khi bác sĩ đến khám, có cả hai nữ công an mặc quân phục, đeo súng bên hông rất oai để “bảo vệ” chị Cả đi Tam Đảo an dưỡng. Thấy mình oai quá, chị Cả đi liền. 

Thế là tối đó, đưa Tổng Bí thư lên biệt thự ở Hồ Tây, chị Hai từ Sài Gòn ra, xuống sân bay là đưa thẳng đến biệt thự ! Có lần cô còn tố cáo với vợ tôi: Lê Duẩn tàn độc lắm, có lần ngủ với cô y tá được cử đến để đấm bóp cho ông ta. Sau khi ngủ với cô y tá này, ông ta ra hiệu phải…Cô Tuyết nói nguyên văn với vợ tôi: – Em là phụ nữ, có chồng có con, lại theo đạo Phật, không bao giờ em làm điều thất đức.

Lê Duẩn là như vậy. Cuộc tắm máu đồng đội của Lê Duẩn ở Tết Mậu Thân là tội ác trời không dung, đất không tha. Biết là lộ, là thua rồi vẫn cứ lùa quân đi vào chỗ chết. Nhiều chiến binh ở Nam Bộ còn sống sót trong Tết Mậu Than đã kể với tôi, quân ta đi đánh thì máy bay do thám của địch bay trên đầu, địch biết hết nên đánh đợt hai đi 100, về chỉ còn 1, 2… Nếu chỉ đánh để làm tan rã ý chí xâm lược của Mỹ, để Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán… như bọn bồi bút vẫn hô hoán về trận Mậu Thân 68 thì chỉ cần một mũi tấn công thọc sâu vào Sứ quán Mỹ như ý kiến của Tướng Giáp là đủ.

Hơn ai hết, cô Tuyết ở nơi kín cổng cao tường này nên biết rõ mọi chuyện.

Có lần Nguyễn Văn Linh thấy cô tận tụy với công việc phục vụ, đã định đề bạt cô làm Trưởng ban Tài chính Quản trị TW, nhưng cô từ chối với lý do là phụ nữ, không đủ năng lực làm lớn (!). Khi ông chú ruột tôi là Lê Phú Hào, đại diện Thông tấn xã Việt Nam tại Paris, từng phục vụ Lê Đức Thọ - phiên dịch Tiếng Anh - tại hòa đàm Paris, đầu năm 1980 ly khai, cư trú chính trị tại Pháp, thì lập tức ông Trần Xuân Bách, Chánh văn phòng TW Đảng, đưa vấn đề lý lịch của cô Tuyết ra xét, định vu cho cô là khai man lý lịch vì Lê Phú Hào cũng là chú ruột của Lê Thị Tuyết. 

Nhưng nằm trong cái “tổ con tò vò” nên cô “rất thuộc bài” và “cao tay ấn”. Ngay ngày đầu tiên được tin chú mình trở thành “kẻ phản Đảng”, cô đã khai bổ sung lý lịch và nộp ngay cho tổ chức Đảng nên ông Trần Xuân Bách chẳng làm gì được cô ! Cán bộ ở Ban Tài chính quản trị bình luận về sự việc này là vì cô Tuyết đã có lần dám phê phán cô Thịnh – là vợ trẻ mới cưới của ông Bách, do cô này cậy thế chồng là ông lớn, lộng hành, vô kỷ luật (!). KGB của Liên Xô lúc đó đã gọi Thịnh là Giang Thanh của Việt Nam. 

Ông Bách trước kia cũng mù mờ như mọi ông trung ương, Bộ Chính trị khác, nhưng từ sau khi ông được TW giao cho nghiên cứu tình hình thế giới đang biến động, ông lập một đơn vị chuyên nghiên cứu, dịch sách báo tài liệu nước ngoài cho ông đọc. Đọc rồi ông thấy hoảng quá, tư tưởng ông có chuyển biến nên mới đề xuất đa nguyên, chỉ đa nguyên trong đời sống xã hội, trong tư duy thôi, chưa nói gì đến đa Đảng. Vậy mà ông đã bị khai trừ ra khỏi TW (!).

Cô Tuyết cũng có lần kể cho tôi nghe những chuyện thật cảm động, như chuyện ông Hòang Quốc Việt khi về hưu rồi, theo tiêu chuẩn vẫn được đi nghỉ mát Vũng Tàu (Cơ sở của Ban Tài chính Quản trị TW có ở tất cả mọi nơi trên đất nước). Nhưng tuổi già, đi môt mình thì buồn lắm, nên ông HQV đã đến xin với cô cho thêm một suất nữa cho ông bạn già của ông là cán bộ thường, không có tiêu chuẩn đi nghỉ Vũng Tàu từ Hà Nội cùng đi. 

Kể đến đây cô dừng lại rồi chép miệng nói: – Một vị khai quốc công thần như bác HQV mà phải đến tận nơi, xin một cán bộ vô danh tiểu tốt so với công trạng của các bác như em thì buồn quá ! Em giải quyết liền. Và từ đó, mỗi lần có bác cán bộ cách mạng lão thành nào đủ tiêu chuẩn đi nghỉ hàng năm, em đều hỏi bác có cần rủ môt người bạn già nào nữa cùng đi cho vui không, để cháu giải quyết (!). Nhiều bác mừng lắm, vui như trẻ em… 

Cô Tuyết cũng nói với tôi về khó khăn trong việc thu hồi nhà công vụ và đồ đạc của Nhà nước khi các cán bộ cao cấp đã thôi làm việc. Cô ca ngợi, chỉ có bác Huỳnh Tấn Phát là ngay sau lúc nghỉ hưu đã gọi cô đến để trả lại ngôi biệt thự số 9, đường Nguyễn Đình Chiểu (nay là trụ sở Hội nhà văn). Bác Phát còn dẫn cô đi từng phòng, kiểm tra từng thứ đồ đạc của Nhà nước còn đầy đủ, nguyên vẹn như lúc nhận nhà, sau đó mới trao chìa khóa ngôi biệt thự này cho Ban Tài chính Quản trị TW.

Nhớ lại chuyện cô Tuyết kể về bác Huỳnh Tấn Phát, tôi lại liên hệ đến lời ông Kiệt nói về lòng yêu nước của trí thức Nam Bộ…“ Họ hy sinh cả một sự nghiệp, một điền trang lớn, vinh hoa phú quý…” để đi kháng chiến vì yêu nước. Những người như Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ, Lương Đình Của, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Khắc Viện… đi theo cách mạng không vì tài sản, vì xe hơi nhà lầu mà vì lý tưởng yêu nước cao cả. Còn kẻ khố rách áo ôm đi theo cách mạng thì sau khi cách mạng thành công, họ say sưa cấu xé nhau để tranh giành của cải, tiền bạc, say sưa tham nhũng… rồi chính họ lại chết vì cuộc tranh giành đó. Xã hội Việt Nam hôm nay là dẫn chứng hùng hồn điều đó. 

Cách mạng Pháp 1789 nổ ra khi giai cấp tư sản đang lên, chính nhà vua Louis 16 đã phải vay tiền của các chủ nhà băng để trang trải nợ nần cho triều đình. Giai cấp tư sản chỉ dựa vào sức mạnh bạo lực của đông đảo nông dân đói khổ để lật đổ bọn phong kiến và tăng lữ, sau đó nắm lấy chính quyền, nâng cấp xã hội Pháp từ phong kiến lạc hậu lên xã hội công nghiệp tiên tiến. 

Bi kịch của cách mạng vô sản là kẻ khố rách áo ôm, dốt nát lại lên nắm quyền. Để che đậy cho sự dốt nát đó, Việt Nam hiện nay có biết bao ông tiến sĩ, giáo sư đã được học tắt, học “đón đầu”, mua bằng giả… Sự dốt nát của đám “trí thức” cận thần này đang làm trò cười cho cả thế giới đã internet hóa mà trường hợp của đại tá giáo sư tiến sĩ Trần Đăng Thanh là một điển hình… chẳng kém gì các nhân vật điển hình trong văn học như Chí Phèo, Thị Nở !

Lại nói về bữa nhậu với ông Sáu Phan tại Ban Kinh tế TW ở Hà Nội năm đó. Chúng tôi lai rai cho đến xế chiều. Trước khi chia tạy, Sáu Phan bảo tôi: – Muốn nhờ Phú Khải một việc ! Tôi nghe lạ tai quá nên vặc lại: – Ai đời một Ủy viên Bộ Chính trị lại phải đi nhờ một công dân hạng hai ngoài Đảng bao giờ? Nhưng Sáu Phan quả quyết: – Việc này phải nhờ Phú Khải mới xong !

Đại để là Sáu Phan nhờ tôi nói với Tổng Biên tập SGGP Vũ Tuất Việt xóa nợ cho nhà thơ Nguyễn Bá ở Cà Mau, vì vay tiền của Báo SGGP mở xưởng làm giấy rồi vỡ nợ, không trả được phải đi tù (!).

Sáu Phan nhấn mạnh, ông thân với Tuất Việt, nói với nó xóa nợ cho Nguyễn Bá. Ông còn nói: – Ai lại bỏ tù một nhà thơ bao giờ. Thả Nguyễn Bá ra để nó đi làm ăn mới có tiền mà trả nợ chớ…

Tôi nghe Sáu Phan nói thấy rầu quá ! Rõ ràng tư duy của ông là tư duy tình cảm, tư duy đức trị giữa lúc người ta thực thi pháp trị (tất nhiên là chỉ thực thi pháp trị với những người như Nguyễn Bá và với dân đen…). Tuất Việt đâu phải tòa án mà tha bổng cho Nguyễn Bá được. Với lại báo Sài Gòn là báo quốc doanh, đâu phải báo tư nhân của riêng Tuất Việt mà Tuất Việt có thể xóa nợ để cứu Nguyễn Bá khỏi tù tội.

Chính cái tư duy đức trị bảo thủ này đã làm hại Sáu Phan. Khi ở Cần Thơ, Hậu Giang, Sáu Phan là một “anh Hai Nam Bộ” thứ thiệt, cởi mở, phóng khoáng, tư duy tân tiến… Ông nổi tiếng là một người giản dị, dễ gần. Ông có thể tì giấy lên đùi để ký vào một văn bản cho một cán bộ cấp dưới ngay trên hè phố để giải quyết một công việc gấp. 

Ấn tượng rất mạnh của tôi lần đầu tiên gặp Sáu Phan là, ông chủ tịch một tỉnh lớn nhất đồng bằng này đã đạp xe đạp vào tận một ngõ hẻm để thăm tôi tại Cần Thơ. Ngay tại buổi gặp đầu tiên ấy, ông đã bàn với tôi là phát động một cuộc tuyên truyền trên báo chí cho một năm lấy tên là “Năm văn hóa xã hội” của Hậu Giang. Trong năm văn hóa xã hội đó, sẽ vận động các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu lương thực dành một phần tiền trong quyw giao tiếp được nhà nước cho phép, chỉ vài phần trăm nhưng rất lớn, để xây trường học, trạm xá, làm đường cho vùng sâu, vùng xa của Hậu Giang. Trong cuộc họp báo có mời cả các nhà báo và văn nghệ sĩ ở TP.HCM xuống để tuyên bố mở đầu Năm văn hóa xã hội…

Đêm hôm trước, ông còn bàn riêng và hỏi tôi, để thực hiện tiết kiệm, mỗi người dự tiệc chỉ một lon bia thôi có được không? Tôi bảo: – Nên 3 lon, thằng nào không uống được thì thằng khác nó gánh, thế cho vui vẻ, không nên tiết kiệm quá, nhất là có anh em từ xa đến… Ông đồng ý ngay, còn khen tôi là “sâu sắc”!

Về việc đi tù của nhà thơ nổi tiếng của Miền Tây Nam bộ một thời là Nguyễn Bá, vì vay tiền tỉ để mở xưởng kinh doanh làm giấy, nhưng báo nào năn nỉ xin mua chịu giấy, Nguyễn Bá cũng cho chịu nên vỡ nợ, phải đi tù. 

Chuyện ông nhà thơ mở xưởng làm giấy này ở Việt Nam chẳng khác nào chuyện ông nhà văn Banzăc ở bên Tây năm xưa, cũng mở xưởng in, kinh doanh được ít lâu là vỡ nợ, phải đi trốn nợ ở lầu 5 một căn nhà phố xép tại Paris. Sau này chính quyền Paris có mua lại cả căn nhà có phòng Banzăc đã trốn nợ ở đó đề làm bảo tàng Banzăc ! 

Còn ở nước ta thì hai ông Ủy viên Bộ Chính trị đều tìm cách can thiệp cho một nhà thơ nổi tiếng vì kinh doanh thua lỗ mà phải đi tù (!) Nhưng ông Sáu Kiệt thì khôn ngoan hơn ông Sáu Phan nhiều. Ông đã đến thăm tù nhân Nguyễn Bá với tư cách một công dân nhưng đang “mặc áo” Thủ tướng, chỉ thăm thôi, không can thiệp gì cả. Vậy mà ít lâu sau Nguyễn Bá được ra tù với nhiều lý do, trong đó lý do chủ yếu là “đã cải tạo tốt” !

Kể từ khi Sáu Phan ra Bắc làm quan to, tôi được nghe nhiều thông tin rằng, ông được các vị ở Hà Nội quý mến lắm vì tính tình giản dị, cần kiệm, chan hòa với mọi người, đặc biệt ông Tổng Bí thư Đỗ Mười rất tín nhiệm.

Từ khi biết tôi có quan hệ thân tình với Sáu Phan, cô Tuyết mỗi lần có dịp gặp đều thông tin cho tôi về Sáu Phan. Có lần cô nói, bác Đỗ Mười nhận xét: – Thằng Sáu Phan cho vào cối giã nó cũng không chết! Một lần khác cô lại nói, bác Đỗ Mười bảo: – Kỳ này để thằng Sáu Phan làm Tổng bí thư để khỏi mang tiếng là cứ cái chức Tổng bí thư phải do thằng Bắc Kỳ nắm !

Tôi còn được nghe cố vấn Nguyễn Văn Linh luôn đi vận động cho Sáu Phan lên làm Thủ tướng. Nghe được những chuyện như thế, tôi thấy lo. Được những ông đại bảo thủ, giáo điều, u mê, lú lẫn… như thế mà khen thì chắc là Sáu Phan… hỏng rồi (!). Đúng là “gần mực thì đen” như các cụ ta nói ! Nhưng đó là suy luận theo logic, còn biến động của tư duy lại phức tạp. Engel từng nói, mọi sự vật đều biến động liên tục và vận động trong thời gian và không gian, trong các vận động đó, vận động của tư duy là phức tạp nhất.

Nếu ông Sáu Phan lên nắm các chức vụ chủ chốt trong Đảng như ngườ ta dự đoán thì chưa biết là rủi hay may cho đất nước này, cho Đảng Cộng sản này. Tôi nói vậy vì trước Đại hội 8 tôi có ra Hà Nội. Mỗi năm tôi thường ra một lần như thường lệ. Trước khi về tôi có đến thăm Sáu Phan, tôi nói: – Ra Hà Nội lâu rồi, trước khi về đến thăm ông Sáu. Sáu Phan nói: – Tôi biết ông ra lâu rồi và toàn đến chơi các “thứ dữ”, giờ mới đến chơi tôi. Thì ra Sáu Phan đã biết tôi ra Hà Nội và đã đi những đâu. 

Tôi đành “thú nhận”: – Tôi vừa đến chơi Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Kiến Giang, Dương Thu Hương… Sáu Phan nói: – Thế là tốt. Mai mốt tôi làm việc (ý nói làm lớn hơn) phải nhờ ông làm cầu nối để tôi gặp các vị đó, đối thoại với anh chị em… Ông còn khoe: – Tôi là người bảo lãnh để anh Phan Đình Diệu tham gia Mặt trận Tổ quốc, trong khi các vị khác phản đối ầm ầm.

Sáu Phan đã nghĩ đến đối thoại với những người tôi vừa kể trên từ những năm đó thì không thể xem thường ông ta được (Sáu Phan còn sống đó). Trên chính trường, sự im lặng chờ đợi đôi khi cần thiết hơn là sự bộc lộ quan điểm rõ ràng mà sớm quá. Người Phương Tây có câu ngạn ngữ: “Ai nói đúng sớm quá là sai lầm” (Ceux qui ont raison trop tot, on tort).

Khi ông Sáu Phan thất sủng, bị khai trừ ra khỏi Đảng vì lý do như thông báo của Đảng CSVN đến từng chi bộ, tôi là một trong những người đến thăm ông sớm nhất tại số nhà 14, đường Nguyễn Trãi, Cần Thơ. Ông rất cảm động và còn đưa tôi vào buồng, giới thiệu tôi với bà vợ đang bị bệnh nằm đó: – Đây là anh Khải ở Báo Nhân Dân đến thăm tôi !

Sáu Phan ít nghe đài, đọc báo là chủ yếu nên cũng như nhiều người, vẫn đinh ninh tôi ở báo Nhân Dân. Và chính vì sự nhầm lẫn này đang gây cho tôi nhiều chuyện rất vớ vẩn (!) 

Một lần chín giờ đêm rồi, tôi còn được cơ quan mang đến cho một bao thư to, đề ngoài người gửi là Văn phòng Chính phủ, người nhận là Lê Phú Khải, địa chỉ Báo Nhân Dân. Thấy đúng tên mình, tôi bóc thư ra xem thì nội dung đại ý Văn phòng Chính phủ đã nhận được đơn của nhà báo Lê Phú Khải, kiện ông Trương Tấn Sang đã bắt con ông đi nghĩa vụ quân sự không đúng luật v.v. Tôi biết ngay là người ta lộn tôi với ông Trần Quốc Khải ở báo Nhân Dân nên sáng hôm sau tôi phải phóng xe tới 40 Phạm Ngọc Thạch trao trả lại thư cho báo Nhân Dân. 

Đến dịp 30-4-1995, sắp kỷ niệm 20 năm ngày thống nhất đất nước, tôi được cử đi phỏng vấn Chủ tịch TPHCM Trương Tấn Sang. Cuộc phỏng vấn xong, ông Sang vỗ vai tôi bảo: – Thôi chuyện cũ kiện cáo nhau, bỏ qua nhé ! Tôi ngạc nhiên quá và vụt nhớ ra là vụ kiện ông Sang của ông Trần Quốc Khải ở báo Nhân Dân mấy năm trước. Vậy là Văn phòng Chính phủ cũng gửi cả công văn thông báo vụ kiện cáo đó cho Chủ tịch TP.HCM Trương Tấn Sang. Tôi phải giải thích sự nhầm lẫn này cho ông Sang hay. Cả hai chúng tôi đều cười ! 

Công bằng mà nói, ông Sang là một người tử tế. Nếu ông nhỏ nhen mà thù ghét tôi thì thiếu gì cách để ông “trị” tôi! Chưa hết, một lần tôi xuống một huyện xa của Sóc Trăng công tác, tối đêm rồi còn có người gõ cửa phòng, yêu cầu tôi hoàn trả lại số tiền tạm ứng… nhận viết một cuốn tiểu thuyết cho huyện mà đã mấy năm không thấy tiều thuyết ra đời! Tôi lại biết ngay là nhầm tôi với ông Trần Quốc Khải.

Còn nhiều chuyện rắc rối do ông Trần Quốc Khải, nổi tiếng là “hâm” trong làng báo Việt Nam này gây cho tôi…

Chuyến thăm Sáu Phan vừa bị “tai nạn” chính trị đó, tôi thấy ông tỏ ra không buồn rầu, bi quan gì cả, ông chỉ than phiền: – Tôi chẳng khai báo gì cả, nó vặn cả răng tôi đây này – Ông chỉ vào hàm răng của mình – Nhà thơ Viễn Phương và nhà văn Sơn Nam bị tù và giam cùng xà lim với tôi, hai vị đó đều là bạn của Phú Khải, thử hỏi hai người đó xem tôi có khai không? Viễn Phương viết thư cho anh Mười (Đỗ Mười – LPK) minh oan cho tôi, thư của hắn còn đem ra phường công chứng chữ ký nữa, trước khi gửi đi Hà Nội.

Tôi suýt bật cười khi nghe Sáu Phan nói: “đem ra phường công chứng chữ ký”. Ở cái thời buổi “kim tiền” này, người ta đi công chứng chữ ký của các đại ca, đại gia… Ai mà đi công chứng chữ ký của nhà thơ, vậy nhà thơ có giá thế sao ?

Về Sài Gòn rồi, tôi nhân danh chuyên viên của cơ quan, làm giấy mời nhà thơ Viễn Phương đến số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, nơi cơ quan tôi đóng để phỏng vấn nhà thơ vể tình hình thơ ca Miền Nam ! 

Tôi phải “mở ngoặc” nói rõ về cái chức danh “chuyên viên” của tôi. Không hề có chức danh này ở cơ quan báo chí, chỉ có phóng viên, biên tập viên mà thôi. Nhưng vì lúc đó tôi đã 55-56 tuổi, có tên trên nhiều tờ báo của cả nước, là tác giả của hàng chục đầu sách, được mời đi giảng ở nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, lớp trung học, đại học báo chí… mà ở cơ quan thì viết một cái tin ngắn cũng phải trình cho cấp phó phòng, trưởng phòng duyệt theo quy chế. Kẻ ngồi duyệt được thiên hạ bình luận là trình độ “dân phòng”, nên nó chướng quá. 

Giám đốc cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại TPHCM là Đào Quang Cường lúc đó liền sáng kiến ra chức danh “chuyên viên”. Ông tuyên bố với cơ quan tôi là chuyên viên, làm việc trực tiếp với giám đốc, khi nào giám đốc yêu cầu thì đến, không phải làm việc 8 tiếng ở cơ quan. Thế là tôi được ở nhà để “nghiên cứu” !

Phỏng vấn qua loa nhà thơ Viễn Phương, và sau đó không quên gửi ông cái nhuận bút ở mức cao nhất của quy định trả nhuận bút nhà nước ban hành, tôi mới hỏi nhà thơ rất đáng kính này: – Tôi nghe nói cái thư anh minh oan cho anh Sáu Phan gửi cho ông Đỗ Mười, anh còn cẩn thận đi công hcứng chữ ký Viễn Phương phải không? Viễn Phương trừng mắt qua cặp kính trắng, nói gọn lỏn: – Có chứ ! Có chứ ! 

Sở dĩ những người như tôi, còn dám “… nán lại cái phút giây cực lạc, để sống thêm ít phút nhọc nhằn trên cõi đời ô trọc này…” (Sêchxpia) là vì còn những người “ngây thơ” như nhà thơ Viễn Phương. Chắc chắn ông Viễn Phương mà đi buôn bán, kinh doanh thì lại vỡ nợ, vô tù hoặc phải đi trốn nợ như ông Nguyễn Bá và ông Banzăc mà thôi !

Từ khi Sáu Phan “về vườn” ở Cần Thơ, tôi thường hay lui tới chơi với ông. Vì thế có lần ông bảo tôi: – Ở cái tỉnh Cần Thơ này, nhiều cán bộ bảo tôi chơi thân với Phú Khải, tôi bảo chúng nó… « thì hai thằng ngoài Đảng chơi với nhau là đương nhiên »! (Sáu Phan lúc đó đã bị khai trừ Đảng).

Vậy mà ngày Mùng hai Tết Quý Tỵ 2013 vừa qua, tôi đến chúc Tết… ông còn than với mọi người có mặt lúc đó tại nhà ông: – Lúc tôi là Ủy viên Bộ Chính trị, tôi bảo Phú Khải để tôi giới thiệu Phú Khải vào Đảng, tôi mà giới thiệu thì chi bộ nào nó chả kết nạp, vậy mà Phú Khải không nghe… Bây giờ vẫn là người ngoài Đảng (!).

Thế đó. Sáu Phan là bi hay hài… xin bạn đọc suy xét hộ tôi. Chuyện về Sáu Phan còn dài dòng lắm, nếu tôi là một tiểu thuyết gia, có thể có cả một cuốn truyện bi hài về ông và … cả tôi nữa. 

Ví như cái thư ông gửi cho tôi năm 1995, được đạo diễn Trần Cương ở Đài Truyền hình Việt Nam tự tiện bóc ra, rồi đem đọc cho mọi người nghe, rồi anh ta rêu rao rằng: – Ai đời một Ủy viên Bộ Chính trị đương kim mà lại đi nhờ một thằng ngoài Đảng, ba lăng nhăng như thằng Phú Khải góp ý“nhiều mặt khác cho Đảng”! Cái Đảng này nó đến ngày mạt rồi. 

Đi rêu rao chán, rồi anh mới đem lá thư đã bóc trả cho tôi. Tôi bảo anh: – Theo luật thư từ, nếu tôi kiện, anh phải 6 tháng tù giam ! Trần Cương lại nhe răng cười ! Trong làng báo ở Sài Gòn ai cũng biết Trần Cương là anh chàng suốt đời bông phèng như thế, dù anh được đào tạo căn cơ ở Liên Xô về báo chí, nói Tiếng Nga như gió. Anh hơn tôi 2 tuổi.

Cái thư Sáu Phan gửi cho tôi từ Hà Nội, dấu bưu điện trên bao bì thư đề ngày 15.4.1995-10000A, nguyên văn như sau:

“Được anh gửi cho bài nói về 20 năm Đồng bằng Sông Cửu Long, tôi xem thấy hay, chụp gửi cho các anh lãnh đạo và Tiểu ban chuần bị văn kiện Đại hội 8.
Rất cần được anh góp ý nhiều mặt khác cho Đảng.
Chúc anh, gia đình, bạn bè khỏe mạnh. Thân mến”

Ký tên Sáu Phan

Cái bài nói về “20 năm Đồng bằng Sông Cửu Long” như Sáu Phan nhắc đến nó trong thư, tôi đã đưa Báo SGGP đăng dịp 30.4.1995 trong hai số báo ngày 18.4.1995 và 19.4.1995.

Cũng như quan hệ với ông Sáu Kiệt, tôi đi lại với Sáu Phan là nhằm tìm hiểu những vấn đề của Đồng bằng Sông Cửu Long mà hai ông đều là những cuốn từ điển sống về vùng quê sông nước này.

Với đại đa số nhân dân và những người ngoài Đảng như tôi thì những đấu đá quyền lực nội bộ trong Đảng, người ta ít quan tâm. Vấn đề tôi quan tâm là những người lãnh đạo của đảng cầm quyền khi ở vị trí cao nhất, họ có quan điểm thế nào? Sẽ dẫn dắt đất nước đi về đâu? Nhân dân sẽ được lợi gì trong những chính sách họ ban hành ra? 

Xét từ tiêu chí đó thì việc đánh giá cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Hà Phan còn bỏ ngỏ… Vì ông chưa được “làm việc” như ông đã nói với tôi. Còn những người đã được đảng cầm quyền giao việc, giao nhiệm vụ thì nhân dân đã rõ (!)

LÊ PHÚ KHẢI


Phần nhận xét hiển thị trên trang

TQ sợ gì ở VN.?

1. Khi dùng "một vành đai, một con đường" để lừa bịp: đi với TQ thì các quốc gia cùng phát triển, TQ sợ nhất VN công bố "sách trắng" về bộ mặt thật của quốc gia này: cướp đất liền; cướp biển đảo; giết ngư dân chiếm ngư trường; bộ mặt giảo hoạt nói ngọt sớt mà làm đểu giả; chính sách nhất quán trong mọi lĩnh vực biến các quốc gia thành lệ thuộc và chư hầu; xây dựng hệ thống cướp bóc thông qua doanh nghiệp phía sau là nhà nước thao túng; các thủ đoạn thâm hiểm khống chế yếu nhân để xây dựng chính quyền theo ý muốn; không đủ văn hóa sống cùng loài người để xây dựng chính sách các bên cùng phát triển...
2.TQ sợ giới trí thức VN chỉ rõ XHCN TQ chỉ là chiêu bài lừa đảo VN chứ không phải bản chất tương đồng : "vừa là đồng chí, vừa là anh em".
3. TQ sợ sức mạnh tiềm ẩn về chống ngoại xâm (cả cứng là chiến tranh xâm lược: chiếm đất, chiếm đảo; cả mềm là kinh tế, văn hóa). Đặc biệt, họ sợ giới Sỹ phu VN đủ thông thái, nhậy cảm nhận ra mọi thủ đoạn xấu của TQ từ trứng nước.
4. TQ sợ, VN khi cần thiết thì từng người dân đều trở thành chiến sỹ chống TQ. Chống xâm lược TQ giống như một bản năng tiềm ẩn trong con người VN. Mọi cơ sở kt,vh và lưu trú của người TQ xây dựng ở VN với động cơ xấu sẽ bị san bằng trong chốc lát.
5. TQ sợ người VN biết nín nhịn đồng thời nhạy cảm và trí nhớ siêu phàm nên phân biệt rất rõ người chống TQ và người thờ TQ. Người VN sẽ đồng lòng xử lý khi thích đáng. Những Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc... bị điểm mặt ngay từ khi còn sống và ghi vào lịch sử. Sự im lặng bất tuân và bất hưởng ứng là sự bình lặng trước bão.
6. TQ sợ người VN ở các quốc gia dân chủ biểu tình trước ĐSQ TQ để vạch rõ dã tâm của quốc gia đang có lũ lãnh đạo man rợ và lừa bịp.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Việc lớn việc nhỏ

Vụ "bãi Tư Chính" đang nóng bỏng, nhưng khí thế và tâm trạng trong dân đã khác rất nhiều so với những lần xâm phạm khác của Trung cộng. Chả hạn thời vụ tàu Hải Dương năm 2012 vào lãnh hải, vụ tàu nó đâm tàu kiểm ngư ta năm 2016. Chả thèm xuống đường, chả thèm biểu tình biểu tiếc gì. Dường như chán, thờ ơ, kệ đảng... Đó là mối nguy không thể xem thường.


Để chống lại bọn xâm lược, cụ thể là đám Tàu cộng, nhà cầm quyền tất nhiên phải làm rất nhiều việc. Gánh giang sơn nặng trĩu hai vai. Dân xưa nay rất thông cảm và ủng hộ nếu họ thực lòng chống giặc ngoại xâm.

Việc đầu tiên phải đoàn kết sức dân. Đừng coi dân như kẻ thù, thế lực thù địch, đối tượng trừng trị. Đừng cảnh giác với dân mà hãy cảnh giác với ngoại bang. Nước xa không cứu được lửa gần, chớ trông chờ vào sức bên ngoài mà hãy nâng sức dân, nuôi sức dân, bền sức dân mới là thượng sách.

Hãy trả lại tất cả đất đai đã cướp của dân. Thứ nào không trả được nữa thì đền bù ngay cho thỏa đáng, đừng chần chừ. Thậm chí nhà nước có thiệt một tí về tiền bạc thì cái lợi yên dân an dân được lòng dân vẫn vô cùng lớn. Mấy chục năm nay, cái gọi là công cuộc phát triển kinh tế, chạy theo phần trăm tăng trưởng đã gây ra biết bao đau thương trút lên đầu dân chúng. Hàng vạn, hàng triệu tấn bi kịch liên quan tới đất đai. Càng để kéo dài tình trạng này, dẫu có lập ra ở mỗi xã một trụ sở tiếp công dân, giải quyết khiếu kiện cũng không đủ dập tắt oán hờn.

Đó là việc lớn, vẫn biết khó, không thể làm xong một sớm một chiều. Sửa đổi cái luật đất đai hiện hành cũng còn phải chờ họp quốc hội. Nhưng có những việc nhỏ trong tầm tay có thể làm ngay nhằm vớt vát lại lòng tin yêu của dân. Tôi lấy thí dụ, mấy cái hàng rào dây thép gai để đầy các góc phố Sài Gòn kia, tất nhiên không phải để chống Tàu cộng, chống Mỹ... mà chỉ chống dân. Chúng như những chiếc dùi nhọn chọc vào mắt dân hằng ngày, chứ không phải chỉ "đâm nát trời chiều". Dẹp ngay đi, được sẽ nhiều hơn là mất, thậm chí chả mất gì, chỉ có được.

Nguyễn Thông

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2019

Tầm nhìn dài hạn giúp Trung Quốc tự tin đối đầu Mỹ?


Stephen S. Roach

Dịch giả: Phan Nguyên


Một vài tháng trước, khi đi thăm tỉnh Giang Tây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập đến một cột mốc cách mạng cũ. “Bây giờ lại có một cuộc Trường Chinh mới, và chúng ta nên bắt đầu một khởi đầu mới”, ông nói như vậy về cuộc xung đột kinh tế gia tăng với Hoa Kỳ.
Ở Trung Quốc, tính biểu tượng thường quan trọng hơn việc giải thích theo nghĩa đen các phát biểu của các nhà lãnh đạo. Phát biểu tại cùng một tỉnh nơi cuộc Vạn lý trường chinh bắt đầu vào năm 1934, cuối cùng dẫn đến chiến thắng của Mao trước Quốc dân Đảng 15 năm sau đó, lời nhắc nhở của Tập nhấn mạnh sức mạnh lớn nhất của Trung Quốc, đó là tầm nhìn dài hạn.
Sức mạnh đó đã được thể hiện trong chuyến thăm Trung Quốc mới nhất của tôi vào đầu tháng Bảy. Sau một loạt các cuộc họp và thảo luận, tôi có thể đưa ra ba kết luận. Mỗi kết luận trong số đó đều thách thức cách lưỡng đảng ở Mỹ đang “ác quỷ hóa” Trung Quốc.
Thứ nhất, tăng trưởng chậm lại không phải là lý do cho sự sợ hãi đối với các lãnh đạo Trung Quốc như nhiều nhà hoạch định chính sách phương Tây vẫn nghĩ. Đúng, nếu so với quá khứ, báo cáo về tăng trưởng GDP mới nhất là yếu: tăng trưởng hàng quý xuống mức chậm nhất kể từ khi hệ thống báo cáo thống kê hiện tại được thông qua vào năm 1992, và thậm chí còn tồi tệ hơn so với ghi nhận một thập niên trước khi đang diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng tỷ lệ 6,2% trong quý 2 năm 2019 là mức giảm tương đối nhẹ (0,5%) so với tốc độ tăng trưởng trung bình 6,7% của tám quý trước đó. Ngược lại, việc giảm xuống còn 6,6% trong quý đầu năm 2009 là một sự giảm tốc đột ngột, mất tới 5,5% so với tốc độ tăng trưởng trung bình 12,1% trong tám quý trước đó. Một sự giảm tốc vừa phải không phải là sự sụp đổ tăng trưởng như nhiều người tưởng tượng.
Điều đó cũng không đáng ngạc nhiên. Trung Quốc có nhiều đòn bẩy chính sách hơn so với các thách thức tăng trưởng. Vẫn còn dư địa để nới lỏng tiền tệ hơn nữa, cũng như chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và các hình thức kích thích tài khóa khác, do đó chính quyền Trung Quốc ít quan tâm đến một “tai nạn” tăng trưởng bất ngờ như quan điểm của Mỹ vẫn thường nói.
Hơn nữa, việc Washington nhấn mạnh về việc ai sẽ thắng trong cuộc chiến thương mại bỏ qua một sự thay đổi cấu trúc cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc. Năm 2018, xuất khẩu ròng chỉ tương đương 0,8% GDP của Trung Quốc, cho thấy một mức thu hẹp đáng kể so với một thập niên trước khi xuất khẩu ròng tương đương 7,5% GDP thực tế. Mặc dù không phải là một ốc đảo bình yên trong một nền kinh tế toàn cầu đang dần suy yếu, nhưng Trung Quốc ngày nay cũng ít bị ảnh hưởng bởi các cú sốc thương mại so với trước đây. Ngay cả khi thua cuộc chiến thương mại – một khả năng vẫn còn gây tranh cãi – thì thiệt hại đối với tăng trưởng kinh tế nói chung của Trung Quốc sẽ không đáng kể.
Đồng thời, sự đổ vỡ của Ngân hàng Baoshang ngày 24 tháng 5 – lần đầu tiên một ngân hàng sụp đổ tại Trung Quốc trong khoảng 20 năm qua – đã gây ra nguy cơ lây lan rủi ro sang các ngân hàng khác. Với việc các khoản nợ xấu tăng lên hơn 30% tổng các khoản cho vay, ngân hàng tư nhân hạng trung của khu vực Nội Mông này rõ ràng là nạn nhân của tình trạng tham nhũng. Việc các nhà quản lý tài chính cùng ngân hàng nhà nước tiếp quản có phối hợp ngân hàng này đã giúp kiểm soát các thiệt hại trực tiếp, đồng thời gửi đi một cảnh báo rủi ro đạo đức quan trọng đến những ngân hàng kỷ luật kém khác. Nhưng thị trường cho vay liên ngân hàng vẫn còn rung lắc, với tác động lan tỏa đến các ngân hàng nhỏ hơn, bao gồm cả những ngân hàng ở khu vực nông thôn. Điều trớ trêu là Trung Quốc dường như có thể quản lý các rủi ro thương mại tốt hơn là quản lý sự bất ổn trong hệ thống tài chính của họ.
Kết luận thứ hai có thể rút ra từ các cuộc thảo luận gần đây của tôi là Trung Quốc kiên nhẫn và có phương pháp trong việc đối phó với các biến số bên ngoài – đặc biệt là chính trị Hoa Kỳ. Các quan chức Trung Quốc sẽ không đặt cược vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 khi xây dựng phản ứng chiến lược đối với cuộc xung đột thương mại. Rõ ràng, Trung Quốc rất quan tâm đến kết quả bầu cử; nhưng tuân theo quan điểm “Trường chinh” của Tập Cận Bình, lãnh đạo Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu kéo dài kiểu Chiến tranh Lạnh, bất kể ai sẽ thắng trong cuộc bầu cử đó.
Điều đáng kể là nhiều quan chức cấp cao của Trung Quốc không chia sẻ quan điểm rộng khắp tại Hoa Kỳ rằng quỹ đạo chính sách Trung Quốc của Mỹ sau năm 2020 sẽ không thay đổi – dù Donald Trump có thắng cử hay không. Trong trường hợp Trump thua, người Trung Quốc tin rằng chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ quay trở lại một cách tiếp cận đa phương và tập trung vào các liên minh hơn. Hy vọng lớn nhất của họ là khôi phục tính toàn vẹn, truyền thống đối với quá trình hoạch định chính sách của Mỹ.
Giống như nhiều người ở Mỹ, người Trung Quốc cũng thấy khó đối phó với những sự thay đổi khó lường, gần như vô lý, liên quan đến thuế quan và các biện pháp trừng phạt. Ngay cả khi một tổng thống mới vẫn kiên quyết chống Trung Quốc, một chiến lược chặt chẽ và rõ ràng hơn của Hoa Kỳ cũng sẽ giúp định hình tốt hơn cuộc tranh luận và mang lại hy vọng giải quyết các bất đồng một cách mang tính xây dựng.
Thứ ba, Huawei là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc. Người khổng lồ công nghệ này được coi là một “nắm đấm thép” của quốc gia và là biểu tượng cho nỗ lực của Trung Quốc hướng tới đổi mới bản địa, là trung tâm của tham vọng phát triển và tăng trưởng dài hạn của Bắc Kinh. Bằng cách lợi dụng các “điểm nghẽn” trong chuỗi cung ứng của Huawei, chiến dịch ngăn chặn Trung Quốc của Trump được coi là đang tìm cách kìm hãm những khát vọng đó.
Không có gì phải bàn cãi khi Huawei cảm nhận được sức nóng khi Mỹ siết chặt chuỗi cung ứng bằng cách gây áp lực lên các nhà cung cấp chip bán dẫn, linh kiện và phần mềm hàng đầu của Mỹ – các công ty như AMD, IBM, Marvell, Intel, Google và Microsoft . Theo ban quản lý của Huawei, doanh thu của công ty trong năm nay sẽ giảm khoảng 30 tỷ đô la so với dự kiến.
Trong khi các quan chức cấp cao của Mỹ gửi tín hiệu mâu thuẫn nhau về việc nới lỏng các hạn chế đối với Huawei, thì việc “vũ khí hóa” chính sách thương mại của Mỹ đã gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc: việc giải quyết các điểm yếu trong chuỗi cung ứng của các công ty công nghệ hàng đầu là ưu tiên chính sách hiện nay.
Các quan điểm phổ biến ở phương Tây cho rằng Trung Quốc sẽ cần mười năm để xây dựng một ngành công nghiệp phần mềm hoặc một con chip trong nước nhằm lấp đầy khoảng trống được tạo ra bởi các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ. Nhưng những người Trung Quốc tôi nói chuyện cùng hồi đầu tháng 7 cảm thấy rằng lỗ hổng đó có thể được bịt kín sớm hơn nhiều, có thể trong vòng hai năm. Những đe dọa Trump đưa ra chống lại Huawei dường như đã đóng vai trò như một hồi chuông cảnh tỉnh cho chiến dịch tự lực tự cường của Tập. Đòn bóp nghẹt của Hoa Kỳ có thể diễn ra ngắn ngủi một cách đáng ngạc nhiên.
Hết lần này đến lần khác, tầm nhìn dài hạn của Trung Quốc trái ngược hoàn toàn với cách tiếp cận ngắn hạn của Mỹ. Không cần phải nói, điều này đã trở nên rõ ràng hơn trong suốt hai năm rưỡi qua với những canh bạc chính sách mà Trump thực hiện trên Twitter. Một nhà hoạch định chính sách cấp cao của Trung Quốc thừa nhận ông kiểm tra các dòng tweet của Trump mỗi buổi sáng. Điều đó không có gì bất ngờ. Tôn Tử đã từng nói trong cuốn Binh pháp nổi tiếng của mình rằng “Biết mình biết người, trăm trận không bại”.

S.S.R.

Stephen S. Roach là cựu Chủ tịch và kinh tế trưởng của Tập đoàn Morgan Stanley chi nhánh châu Á – Thái Bình Dương. Ông còn là thành viên cấp cao tại Viện Jackson về các vấn đề toàn cầu của Đại học Yale, và là giảng viên cao cấp Trường Quản lý thuộc Đại học Yale. Ông là tác giả cuốn sách Unbalanced: The Codependency of America and China.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2019/07/30/tam-nhin-dai-han-giup-trung-quoc-tu-tin-doi-dau-my/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hải - Hùng và luật nhân quả đàn áp biểu tình


31/07/2019 Phạm Chí Dũng - Cuối năm 2017, luật nhân quả đã ứng báo với Đinh La Thăng - khi đó vừa bị lột chức bí thư thành ủy TP.HCM và ủy viên bộ chính trị - bởi Thăng là một trong những chóp bu của thành phố này trực tiếp chỉ đạo san bằng chùa Liên Trì - một trong số hiếm hoi cơ sở tôn giáo còn lại của giáo hội Phật giáo Việt nam Thống Nhất (ly khai với giáo hội Phật giáo của chính quyền).

Lê Thanh Hải thời còn tại chức, hàng sau, bên trái.

Báo ứng
Vào giữa năm 2019, luật nhân quả một lần nữa báo ứng đối với gia đình Lê Thanh Hải - nhân vật được xem là ‘bố già’ thao túng quyền lực và lợi ích trên đất Sài Gòn trong suốt 15 năm Hải làm chủ tịch thành phố và bí thư thành ủy. Vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn TNHH MTV (SAGRI) Lê Tấn Hùng bị cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an bắt khẩn cấp vào ngày 6/7/2019 - do ‘ăn bẫm’ 13,3 tỷ đồng cùng những phi vụ khác đậm đặc màu sắc mafia - không chỉ là hậu quả của chuỗi ‘lại quả’ dày đặc từ trước đó, mà còn bởi Lê Tấn Hùng, và trước đó là Lê Thanh Hải - anh ruột của Hùng, đã từng chỉ huy Thanh niên xung phong - một lực lượng ‘còn đảng còn mình’ và đã trực tiếp nhúng tay vào những trận đàn áp đẫm máu đối với người biểu tình ở Sài Gòn.


Riêng Lê Thanh Hải - với vai trò là chủ tịch thành phố và bí thư thành ủy - đương nhiên còn chỉ huy cả lực lượng công an đàn áp biểu tình.

Những bằng chứng sống

Đỉnh điểm của thành tích đàn áp vang dội ấy chắc chắn là trận càn quét cuộc biểu tình vì môi trường vào ngày 8/5/2016: lực lượng ăn thuế của dân đã bắt đến 500 công dân biểu tình nhốt tại sân vận động Hoa Lư.

Dù không có bất kỳ chứng cứ nào cho thấy những người biểu tình là “thế lực thù địch”, mà chỉ toàn dân ra biểu tình, cùng rất nhiều gương mặt mới xuất hiện như kỹ sư, bác sĩ, giáo viên, có cả giám đốc ngân hàng…, nhưng ngập ngụa khắp trung tâm Sài Gòn là cảnh “các lực lượng bảo vệ trật tự” nhe nanh lao vào hành hung không thương tiếc người biểu tình. Một số hình ảnh đã được xác minh: không chỉ thanh niên xung phong, mà cả những nhân viên công an đã hóa trang làm thanh niên xung phong để tấn công dã man người biểu tình.

Xịt hơi cay, đánh đập đến đổ máu rất nhiều người, đấm đá đến ngất xỉu hai mẹ con tuần hành như một cách kỷ niệm “Ngày của Mẹ”…

Cùng thời điểm trên, những người biểu tình vì môi trường ở Hà Nội bị tống lên xe bus và đưa về “giam” tại một số trụ sở công an phường. Nhưng thông tin về người biểu tình bị đánh đập ở Hà Nội ít hơn hẳn ở Sài Gòn. Một nhà hoạt động nhân quyền theo dõi rất kỹ các đầu mối tin tức cho biết “Có cảm giác như Công an Hà Nội quyết liệt dẹp biểu tình nhưng hạn chế đánh đập”.

Trong thực tế, Công an TP.HCM nặng tay và tàn bạo hơn rất nhiều so với Công an Hà Nội khi đàn áp biểu tình. Một trong những bằng chứng về hành vi phủ nhận lịch sử của Công an TP. HCM là những trận đàn áp người tưởng niệm nạn nhân bị quân đội Trung Quốc bắn giết vào những ngày kỷ niệm Chiến tranh biên giới 1979, ngày mất Hoàng Sa, ngày mất Trường Sa…

Lực lượng công an TP.HCM cũng không thèm che giấu ý đồ và hành vi đàn áp một cách có hệ thống tinh thần thoát Trung của quần chúng.

Những dấu hỏi căn phẫn bùng lên: Ai đã ra lệnh cho những cuộc đàn áp ấy? Nhằm ý đồ gì trong bối cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục xâm phạm vùng biển và vùng trời của Việt Nam, tái diễn việc bắt giữ và bắn giết ngư dân Việt?

Sẽ chung ‘lò’?

Theo nhiều cán bộ có thâm niên ở Sài Gòn, người của “anh Hai Nhựt” (cựu bí thư thành ủy Lê Thanh Hải) vào thời điểm năm 2016, tức khi Lê Thanh Hải đã về hưu, có thể chiếm đến phân nửa dàn lãnh đạo chủ chốt tại thành phố này.

Lê Thanh Hải lại là quan chức có đầu dây mối nhợ với không ít doanh nghiệp người Hoa, mà tiêu biểu là tập đoàn Vạn Thịnh Phát của bà Trương Mỹ Lan, liên quan đến nhiều khu đất vàng ở Sài Gòn. Đây có thể là điều trong một ngày không xa, Lê Thanh Hải sẽ phải cứng họng trước những đồng chí - quan tòa của ông ta.

Tinh thần mẫn cán thái quá của hai anh em Lê Thanh Hải - Lê Tấn Hùng trong việc chỉ đạo và sử dụng lực lượng công an lẫn thanh niên xung phong đàn áp người biểu tình đã bị báo ứng bởi luật nhân quả, bởi chính giới đồng chí của những kẻ này.

Đã từ lâu, Lê Thanh Hải không chỉ bị xem là ‘tội phạm’ ghê gớm trong vụ ‘ăn đất’ Thủ Thiêm mà đã đẩy hàng chục ngàn gia đình ở khu vực này vào cảnh bị cướp đất, màn trời chiếu đất và bị biến thành dân oan đất đai bất đắc dĩ, hàng chục năm trời rồng rắn kéo nhau đi khiếu nại tố cáo từ Nam chí Bắc, mà còn được một số dư luận đồn đoán là “một trong những quan chức cộng sản giàu nhất Việt Nam”. Thậm chí còn có dư luận cho rằng nếu Nguyễn Phú Trọng làm kiên quyết vụ Thủ Thiêm và buộc Lê Thanh Hải phải ‘ói ra’ thì có thể ‘hốt’ cho ngân sách trung ương từ 3 đến 5 tỷ USD.

Trong thời gian tới, nếu Lê Thanh Hải và những đồng sự cấp dưới thời ông ta còn làm chủ tịch thanh phố và bí thư thành ủy TP.HCM không thể khắc phục được hậu quả, nghĩa là chính quyền TP.HCM không thể tìm được 26.300 tỷ đồng để hoàn trả lại ngân sách trung ương theo kết luận thanh tra của Thanh tra chính phủ đã công bố như một tối hậu thư vào tháng 6 năm 2019, Lê Thanh Hải sẽ khó có cơ may thoát khỏi án tù như Đinh La Thăng.

Chỉ dấu mới nhất về khả năng trục Lê Tấn Hùng - Lê Thanh Hải sẽ vào chung ‘lò’ là cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương vào những ngày cuối tháng 7 năm 2019, với việc một lần nữa ‘tái xuất’ của Nguyễn Phú Trọng, có vẻ đã thoát hẳn khỏi cơn bạo bệnh, đã đi cùng chỉ đạo của ông Trọng đưa vụ Sagri - Lê Tấn Hùng vào diện theo dõi của ban chỉ đạo này.

Không phải là quan chức cao cấp, không giữ ghế ủy viên trung ương hay thường vụ thành ủy, thậm chí không phải là thành ủy viên, việc Lê Tấn Hùng bị đưa vào diện theo dõi trên là bất thường. Sự bất thường này cũng logic với một hiện tượng bất thường khác khi Lê Tấn Hùng vào lúc bị bắt khẩn cấp đã không ‘được’ ở trong trại tạm giam trên địa bàn TP.HCM do chính quyền và công an TP.HCM quản lý, mà bị di lý ra Hà Nội dưới quyền giám sát của Bộ Công an. Những bất thường này cho thấy vụ Lê Tấn Hùng - Sagri có thể không thuần túy là án kinh tế mà còn có thể đan xen yếu tố ‘an ninh quốc gia’ và chính trị - gam màu mà nếu chỉ một mình Lê Tấn Hùng thì đã không thể phác nổi bức tranh theo trường phái ‘Dã thú’ ấy.

Với những chỉ dấu đang hiện ra ngày càng dày đặc trên, trạng thái tự do của Lê Thanh Hải có lẽ chỉ còn được tính bằng từng quý…


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Những cây cầu treo Tây Bắc vắt vẻo giữa sông


Nếu như vùng Nam Bộ có các cây cầu khỉ thì ở vùng Tây Bắc lại nổi tiếng với các cây cầu treo lơ lửng có 1-0-2 bắc qua các vách núi dựng đứng hay các con sông nước chảy cuồn cuộn. Hãy ngắm các cây cầu thót tim này nhé:
1. Cầu treo Nậm Mu

Với địa thế uốn lượn quanh vách núi, dòng sông Nậm Mu đã làm cho hành trình thuộc tỉnh lộ 106 từ Sơn La - Lai Châu trở nên vô cùng tuyệt đẹp và đầy tính nghệ thuật làm mê mẩn giới mê phượt. Nậm Mu là con sông chảy từ đỉnh núi của dãy Hoàng Liên Sơn rồi ngoằn nghèo đi qua địa phận huyện Than Uyên - tỉnh Lai Châu, sau đó đổ về sông Đà - Sơn La. 


2. Cầu treo Tú Lệ



Cầu treo bắc qua một con suối ở Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Cầu treo là cây cầu mà người dân vùng bản Chao lưu thông để qua trung tâm xã. Cây cầu này bắc qua dòng suối khoáng nóng rất nổi tiếng và thường là nơi để người dân tộc Thái và du khách tắm rửa, chơi đùa.

3. Cầu treo ở Nậm Tăm - Sìn Hồ (Lai Châu)



Vì địa hình tự nhiên và điều kiện kinh tế khó khăn nên hàng ngày người dân muốn lên rẫy buộc phải đi qua cây cầu ọp ẹp, chắp vá như thế này. Cứ sau một mùa mưa lũ, cầu bị cuốn trôi, người dân lại mang cọc, dây buộc ra dựng lại cây cầu mới.

4. Cầu treo Tà Mít - huyện Than Uyên (Lai Châu)



Lâu nay, người dân ở xã Tà Mít - huyện Than Uyên (Lai Châu) được ví như những diễn viên xiếc, những lúc đi từ bản ra trung tâm huyện họ băng qua cây cầu vắt vẻo hết sức chuyên nghiệp và bản lĩnh.



Cây cầu được dựng lên cho người dân trong bản đi lại nhưng đối với những người từ miền xuôi lên không mấy ai dám đi qua vì nó được chằng sơ sài bởi cọc gỗ và các dây săt kẹp cố định.

5. Cầu treo bản Khôn Đôi - Tam Đường (Lai Châu)



Cây cầu phải sửa chữa thường xuyên qua các mùa mưa lũ, hàng ngày các em học sinh phải đi qua cây cầu dày đặc sương mù này để đến trường.

6. Cầu treo trên đường đến huyện Mường Tè - Điện Biên



Vào mùa lũ, nước sông dâng cao nên để đi qua chiếc cầu này vô cùng nguy hiểm bởi chiếc cầu được làm bởi cọc tre, dây chằng rất dễ sẩy chân.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thơ Vũ Lập Nhật


Lê Hồ Quang
Đọc thơ, tôi thường bắt đầu từ đơn vị bài. So với câu, khổ, tập, ở đơn vị bài, thơ cho thấy tính chỉnh thể trọn vẹn hơn cả. Có thể hình dung đơn vị bài như vị trí bàn đạp để ta lùi lại, soi ngắm kỹ càng hơn các chi tiết, và để tiến tới, trong mục tiêu quan sát tổng thể. Đọc thơ Vũ Lập Nhật, tôi chọn bắt đầu với Bầy cá nhỏ bơi qua sự im lặng. Bài thơ có những đặc điểm đáng chú ý, kích thích hứng thú tiếp nhận, lý giải, và có lẽ, dễ tiếp cận hơn cả trong số những sáng tác đã công bố của tác giả, dẫu vẫn bảo lưu một tinh thần thơ khá khác biệt.
Nhưng trước tiên, hãy đọc nó:
Khi sự im lặng của tôi sinh sôi thành bụi cây dại trong bể nước lọc
những con cá đã không còn uống nước
không còn những người ăn các vỏ ốc sót lại
trên những bậc thang dẫn đến tổ trứng
những buổi sáng dài chờ đợi đàn chim đậu trên nước
tìm ăn những bọt khí của bầy cá không còn ở đó nữa
Khi sự im lặng của tôi hút hết dưỡng khí để trưởng thành
bầy cá nhỏ vẫn lặng lẽ bơi qua sự im lặng đã từng chứa những bầy cá nhỏ khác
sự im lặng của tôi có những cánh tay dài sọc
như nét gạch ngang trong bức tranh đứa trẻ vẽ tượng trưng cho biển
_ ___ __ ___ ____ _ _ ___ __
____ __ ____ _ _ _ _____ __
__ ___ __ ____ ___ ___ _ _
rồi chúng thành đường thẳng duy nhất
mà bất cứ con cá nào bơi qua cũng biến mất
Khi sự im lặng của tôi hấp hối
chúng mới hiểu rằng
từ lâu mình đã bị gọi sai tên.
Gọi sai tên, hiểu theo nghĩa bóng, là sự một định danh, định vị sai/ không chính xác. Điều này vốn không mới. Nhưng ở đây, hình tượng ẩn dụ này (sự im lặng bị gọi sai tên) đã được mô tả trong một cấu trúc tương đối lạ. Ngoài điểm nhìn từ bên trong của đối tượng (cái nhìn của sự im lặng về bản thân nó), còn có điểm nhìn từ bên ngoài, của “tôi” về “sự im lặng của tôi”. Bài thơ được chia thành ba đoạn ngắn, bắt đầu bằng mệnh đề “khi sự im lặng của tôi”:
- Khi sự im lặng của tôi sinh sôi...
- Khi sự im lặng của tôi hút hết dưỡng khí để trưởng thành...
- Khi sự im lặng của tôi hấp hối...
Cái nhìn này tạo nên sự chia tách giữa tôi và “sự im lặng của tôi”, biến “sự im lặng của tôi” (một phương diện tồn tại bên trong “tôi”, thuộc sở hữu của “tôi”), thành một thực thể hiện hữu bên ngoài “tôi”, đối lập với “tôi”. Kỹ thuật này, thật ra, cũng không mới, nhất là trong thơ lãng mạn. Có điều, khi khách thể hóa nội tâm, đối tượng được nói tới trước đây thường là tâm hồn của tôi, tấm lòng của tôi, tình yêu của tôi, niềm thương nỗi nhớ của tôi... Chuyển sự quan tâm từ các đối tượng nói trên sang “sự im lặng” có lẽ không đơn thuần chỉ là sự mở rộng phạm vi đối tượng mô tả. Nó thể hiện một sự thay đổi trong quan niệm thẩm mỹ và cách tiếp cận đối tượng. Thay vì việc thổ lộ, giãi bày xúc cảm, người viết sẽ chú ý hơn đến việc trình bày quan sát, suy nghĩ. Như thế, sự im lặng, từ thân phận của kẻ bên lề, ngoại vi, “ngoài vùng phủ sóng”, đã chuyển vào vùng trung tâm của sự mô tả, lý giải. Tìm kiếm ý nghĩa hiện hữu của “sự im lặng của tôi”, thực chất là để tìm kiếm ý nghĩa hiện hữu của chính tôi. Vấn đề là, khi cố gắng định danh “sự im lặng của tôi”, chính “tôi” cũng đã thấy tên gọi đó hàm chứa điều bất ổn. Có cái gì đó khập khiễng, không ăn khớp giữa “sự im lặng của của tôi” với chính nó, nhất là khi sự im lặng đã được mô tả như một diễn trình vận động và thay đổi liên tục (có khi không kém ồn ã), từ “sinh sôi”, “trưởng thành” đến “hấp hối”. Giữa cái tên/ thuật ngữ được dùng để định danh sự vật và chính bản thân sự vật chỉ là một mối quan hệ có tính ngẫu nhiên, đầy tính võ đoán. Dĩ nhiên, vấn đề được nói ở đây không phải chuyện ngôn ngữ. Bản thân thực thể hiện hữu là “tôi” với cái tên/ tính chất/ đặc điểm mà người ta gán vào/ áp đặt/ đóng khung cho tôi, chúng có phải là tôi? Hoặc, ta có thể đặt lại câu hỏi theo cách khác: liệu tôi (như những gì người khác/ và cả chính tôi nghĩ về tôi) có phải là tôi? (Ở đây, có thể thấy bóng dáng của chủ nghĩa hiện sinh: tôi là tôi khi hiện hữu. Tôi làm ra tôi và bởi vậy, tôi là quá trình hiện sinh, là cái đang là, chứ không phải là cái đã hoàn tất, một khối sự vật bất động ù lì, có thể mặc định trong một vài từ ngữ). Vậy nên, bài thơ có lẽ không chỉ hướng ta nghĩ về sự im lặng. Nó còn khiến ta nghĩ về đời sống của mỗi cá nhân, ở đó, mâu thuẫn giữa nỗ lực định danh và nỗ lực phá bỏ, phủ nhận nó để tìm kiếm bản thể đích thực, dường như là một mâu thuẫn không có hồi kết.
Trong đoạn mở đầu bài thơ, cụm từ “không còn” được lặp lại đến ba lần: “không còn uống nước”, “không còn những người ăn các vỏ ốc”, “bầy cá không còn ở đó nữa”. Hãy chú ý sự nối kết nhập nhằng giữa những hình ảnh, câu chữ. Ta có thể hiểu chủ thể hành động (đã vắng mặt, “không còn ở đó nữa”) là “bầy cá” hoặc (lần lượt là) “những người” hoặc “đàn chim”. Hoặc cả ba đối tượng này đều đã vắng mặt trong cùng thời điểm nói tới. Sự phá vỡ logic cú pháp này đương nhiên gây nhiễu đọc. Bù lại, nó tạo nên một ảo giác kỳ lạ, như thể chúng ta đang đứng trong không - thời gian lập thể, với sự giao kết, hiện hữu đồng thời của vô số hình ảnh, sự vật, hành động, sự kiện, thời điểm… mà trong không - thời gian thông thường, chỉ có thể xuất hiện theo trật tự thứ bậc hoặc trước sau. Ở đây, “cá”, “người”, “vỏ ốc”, “bậc thang”, “bọt khí”, “chim”… dính nhập trong một chuỗi thời gian (và ngôn từ) khó lòng phân định rạch ròi, tạo nên cảm giác về chuỗi vận động liên tục, không ngưng nghỉ, không có điểm mở đầu, không có điểm kết thúc. Tất cả song song đồng hiện. Chúng (được khẳng định là) vắng mặt nhưng lại (cùng lúc) có mặt:
Khi sự im lặng của tôi sinh sôi thành bụi cây dại trong bể nước lọc
những con cá đã không còn uống nước
không còn những người ăn các vỏ ốc sót lại
trên những bậc thang dẫn đến tổ trứng
những buổi sáng dài chờ đợi đàn chim đậu trên nước
tìm ăn những bọt khí của bầy cá không còn ở đó nữa
Cụm từ “không còn” chính là để kết nối với với những cái “đã từng”. Đấy cũng là nơi đã từng (rất ồn ào) nhưng nay (chỉ còn sự im lặng). Sau tất cả, dường như chỉ còn lại im lặng. Nhưng bất chấp sự sinh sôi hay hấp hối của “sự im lặng của tôi”, những con cá nhỏ vẫn bơi. Sự bơi miệt mài (như bản năng vô thức) của chúng là minh chứng cho sự phi lý của đời sống:
bầy cá nhỏ vẫn lặng lẽ bơi qua sự im lặng đã từng chứa những bầy cá nhỏ khác
sự im lặng của tôi có những cánh tay dài sọc
như nét gạch ngang trong bức tranh đứa trẻ vẽ tượng trưng cho biển
_ ___ __ ___ ____ _ _ ___ __
____ __ ____ _ _ _ _____ __
__ ___ __ ____ ___ ___ _ _
rồi chúng thành đường thẳng duy nhất
mà bất cứ con cá nào bơi qua cũng biến mất
Như vậy là, nếu lấy “sự im lặng của tôi” làm trung tâm để khai triển sự đọc, sẽ thấy cấu trúc của bài thơ tương đối mạch lạc. Ta cũng sẽ thấy triết lý về quy luật của sự tồn tại đã được phát biểu dường như khá tường minh. Song nếu đọc kỹ lại, dường như câu đố vẫn còn nguyên ở đó. Ấy là do sự lựa chọn hình tượng trung tâm – Sự im lặng của tôi. Là hình tượng để “nhận diện” sự hiện hữu của sự im lặng và ngược lại, đến lượt chúng, những bầy cá cũng bị sự im lặng nhấn chìm trong bản chất sâu thẳm và vô cùng của nó. Như vậy, “sự im lặng của tôi” phải chăng cũng là một ẩn dụ khác về không/ thời gian vô hạn định, đủ sức nuốt chửng, nhấn chìm tất thảy? Vậy là, chủ đề bài thơ, tưởng chừng đã nắm chắc trong tay, bỗng buột ra, lơ lửng và chìm lặng trong “đường thẳng duy nhất” của sự im lặng.
Nhiều bài thơ của Vũ Lập Nhật thường nói đến từ “nếu”. Bài thơ là một giả định, một ướm thử về một khả năng khác của sự tồn tại. Do đó, thơ Vũ Lập Nhật đặt ra trước người đọc quá nhiều những khả năng khác thường, nhiều khi quá xa so với hiện thực. Và như thế, nó buộc con người, khi đứng trước những khả năng đó, phải đối mặt và nhận ra sự không phải là “tôi” mà là sự ngẫu nhiên, phi lí mới là chủ nhân đích thực của đời sống. Nhận thức về những khả thể song song hiện hữu cùng với phương án con người đã lựa chọn (nghĩa là sự lựa chọn ấy không phải duy nhất, cũng hoàn toàn không phải tối ưu), anh ta khó lòng sống yên ổn. Đấy là khi bi kịch lựa chọn bắt đầu:
Nếu tôi không trên đường đến đó, chắc là tôi đã bị lạc hướng
Nếu tôi không bị lạc hướng, chắc là trong vô thức tôi không muốn đến
Nếu không phải trong vô thức tôi không muốn đến, thì chắc là tôi muốn đến nhưng ý thức không cho phép
Nếu như thật sự tôi không muốn đến và ý thức cho phép, vậy đôi chân đang cứ bước đi này mang một ý nghĩa gì...?
(Mưa/ Chắp ghép)
Thường xuất hiện trong thơ Vũ Lập Nhật là những câu hỏi về sự hiện hữu của “tôi”, chẳng hạn trong Tôi không phải là tôi, Mưa/ Chắp ghép... Đấy ít khi là câu hỏi mang tính thổ lộ cảm xúc mà mang tính suy nghĩ. Chúng chỉ nhằm trình hiện một trạng thái hiện tồn trong đời sống tư duy. Chúng bình thản, luôn cố gắng rành rẽ, mặc dù điều được nói tới – sự hiện hữu có tính bản chất của con người – thực chất là một vấn đề tư biện, càng cố gắng bạch hóa, đích đến càng vô định, mơ hồ:
tôi không phải là tôi
tôi là mũi của tôi
đôi lúc nước
đọng lại và
tôi khó thở
đôi lúc tôi không biết tại sao mình nằm ở đó / trên khuôn mặt này
(Tôi không phải là tôi)
Cái tôi này không ưu tư, nó suy tư. Thực chất, khi nhận ra “tôi không phải là tôi”, tôi không trùng khít với những gì người ta áp vào tôi, nhằm định danh/ tính/ vị tôi, đấy cũng là một phản ứng lý tính mạnh mẽ tỉnh táo của tôi, nhằm đến gần hơn với bản chất/bản thể mà tôi muốn là.
Thơ Vũ Lập Nhật có sự chi phối mạnh mẽ của một trí tưởng tượng khác thường. Chúng là sự đan dệt của vô số liên tưởng phóng túng, bất ngờ để tạo nên đời sống thơ kiểu mới. Ở đó, những sự thực nghịch dị, lạ thường nhất có thể được mô tả như một điều thường nhật, trong đó, “tôi” quan sát, mô tả, lựa chọn những khả năng và tái hiện lại tất cả chúng bằng thứ ngôn ngữ tương đối sáng tỏ và mạch lạc. Phần lớn nội dung bề mặt các bài thơ đều trình bày theo trật tự kể - tả tuyến tính, chỉ có điều đó là một trật tự tuyến tính trong một con mắt khác, trong một thế giới khác. Bởi vậy, nếu nhìn theo trật tự của thế giới mà ta đang sống, ta sẽ chỉ thấy sự phi lý, khó lòng chấp nhận (Bằng cách nào tôi luôn có đủ nắng, Tái tạo, Nơi ở của sự không tồn tại...) Nhưng ít nhất, điều này cũng nhắc ta nghĩ về những khả năng tồn tại khác của thế giới và của chính chúng ta. Và từ đó, rất có thể ta nhận ra việc nỗ lực tìm kiếm, lý giải về những khả thể tồn tại của tôi/ không phải tôi; thơ/ không phải thơ, sự vật/ không phải sự vật… không chỉ là việc của những kẻ mơ mộng, rỗi hơi, vô công rồi nghề. Ta nhận ra có kẻ đó ở trong ta, trước và sau những giằng xé, bất an lựa chọn và ngay cả khi tưởng chừng đã yên tâm đi đến cùng khả năng lựa chọn. Thơ Vũ Lập Nhật, như thế, bỗng gần ta thêm một chút.
Trong bối cảnh mà một mặt, thơ bị công kênh lên quá cao, bị đặt trên vai quá nhiều những sứ mạng và trọng trách kinh người, mặt khác, mất hết vị trí, bị chế giễu, cười cợt, Vũ Lập Nhật cố gắng nhìn về thơ một cách khách quan. Vũ Lập Nhật thấy rõ sự cần thiết của nó đối với đời sống cá nhân mình, sẵn sàng vì nó mà “biến mất”, nhưng cũng đủ tỉnh táo để không ảo tưởng về “sức mạnh” hay “sứ mệnh” của nó:
một bài thơ nằm ở giữa tôi
một bài thơ nằm ở trên tôi
một bài thơ nằm ở dưới tôi
định hình chiều cao tôi bằng chúng
định lượng cơ thể tôi bằng chúng
định tính tâm hồn tôi bằng chúng
trong căn phòng này, ta tranh giành sự tồn tại
tôi lớn thì thơ nhỏ
tôi nhỏ thì thơ lớn
nên tôi chọn biến mất
để thơ thành chủ nhân không gian này
lấp đầy trống rỗng bằng hiện hữu thi tính
The Poem is Present
(Khoảng cách giữa những bài thơ)
Thơ Vũ Lập Nhật được kiến tạo theo theo một lối tư duy bề sâu, với sự kết nối, đan dệt của nhiều lớp ý tưởng, tưởng tượng. Ở đó, cái tôi vừa là kẻ kiến tạo nên thế giới ý tưởng, tưởng tượng, vừa là kẻ đắm chìm trong thế giới của chúng, bị chúng lôi kéo, dẫn dụ, chi phối. Điều này tạo nên một sắc thái thẩm mỹ khá đặc biệt nhưng không phải không hàm chứa nguy cơ. Hướng tới những chủ đề khái quát, triết lý, đôi khi siêu hình, sử dụng lối viết trung tính, khách quan (dĩ nhiên là sự “trung tính” “khách quan” của thơ), giảm thiểu tối đa sự bày tỏ xúc cảm trực tiếp, sử dụng một lối liên tưởng nhanh, bạo, không lệ thuộc vào những chi tiết, hình ảnh kết nối bề mặt, thơ Vũ Lập Nhật sẽ là một món “không ngon chút nào” với phần lớn độc giả.
Nhưng có lẽ đấy là điều đã được lựa chọn. Trong bài thơ Chúc ngon miệng, có thể hình dung như một sự đối thoại với người đọc, ta nhận ra một thông điệp khá tự tin của người viết trẻ này:
Hàn Mặc Tử rất ngon
Trăng rất ngon
Trăng của Hàn Mặc Tử không ngon chút nào
Chúc ngon miệng!
Edgar Allan Poe rất ngon
Con quạ rất ngon
Con quạ của Edgar Allan Poe không ngon chút nào
Chúc ngon miệng!
Murakami Haruki rất ngon
Con mèo rất ngon
Con mèo của Murakami Haruki không ngon chút nào
Chúc ngon miệng!
Franz Kafka rất ngon
Con bọ rất ngon
Con bọ của Franz Kafka không ngon chút nào
Chúc ngon miệng!
Bức tường rất ngon
Thơ rất ngon
Thơ của bức tường không ngon chút nào
Chúc ngon miệng!
Vinh, 24/3/2019


Phần nhận xét hiển thị trên trang