Ông là một nhân vật kiệt xuất của nước Mỹ thế kỷ 18. Benjamin Franklin - "Người Mỹ đầu tiên", là một trong bảy “người cha lập quốc” của nước Mỹ. Là một trong hai người chưa từng làm tổng thống Mỹ nhưng chân dung ông xuất hiện trên tờ tiền Mỹ, với mệnh giá cao nhất 100 USD.
Tuổi trẻ tài hoa
Benjamin Franklin ban đầu được gia đình giáo dục theo định hướng trở thành tăng lữ, nên đã gửi ông tới trường Latin Boston, để chuẩn bị cho việc vào học ở Harvard. Thế nhưng, sau một thời gian, dù Franklin học hành tiến tới, cha ông vẫn đột ngột thay đổi quyết định về việc gửi ông tới Harvard.
Đây là quyết định có tính chất bước ngoặt trong cuộc đời Franklin. Sau khi từ bỏ câu chuyện Harvard, Benjamin ở tuổi lên 10 bắt đầu theo học việc toàn thời gian tại cửa hàng nến và xà phòng của cha, nhưng trong thâm tâm, Benjamin luôn có những khao khát mãnh liệt về việc “vượt thoát” và “ra khơi”.
Trong quãng thời gian tuổi trẻ của mình, khi đã trở nên thuần thục với ngành in ấn, Franklin bắt đầu thể hiện tài năng văn chương của mình, với những bài viết bình luận vừa sắc sảo, hài hước, vừa châm biếm, chua cay.
Trong suốt một khoảng thời gian dài, với bút danh Silence Dogood, trong vai một góa phụ, Franklin đã viết rất nhiều bài luận gây chú ý với độc giả.
Sau khi tờ báo của người anh trai Jame bị cấm, Franklin tự mình xuất bản tờ Tuần báo, nhưng khi anh trai hết thời gian cấm túc, trở lại công việc Franklin bị tước mất quyền in ấn và phát hành. Chính vì thế, ông đã nghĩ đến việc bỏ trốn.
Philadelphia chính là nơi đã chứng kiến sự va vấp, thất bại và trưởng thành đầu tiên của Franklin.
Trong cuốn sách tự truyện này, chân dung cậu thiếu niên Franklin thông minh, nhanh nhẹn, giỏi giao thiệp, tài năng, đã được tác giả Walter Isaacson thể hiện tập trung, sáng tỏ, mạch lạc.
Tại Philadelphia, Franklin đã lên kế hoạch để trở thành người đáng tin với bốn quy tắc chặt chẽ: “Tôi cần phải cực kỳ căn cơ một thời gian, cho đến khi tôi trả hết nợ nần; Cố gắng nói thật trong mọi hoàn cảnh…; Để bản thân tôi chuyên tâm vào bất cứ công việc nào mà tôi dám nhận…; Tôi quyết tâm dù thế nào cũng không nói xấu ai”. Khi ấy Franklin 20 tuổi.
Ở Philadelphia, Franklin từng bước tìm kiếm cơ hội và nỗ lực hết mình, ông trở thành chủ nhà in, thành lập Hội kín, viết tiểu luận (ký tên Người bận rộn); và trở thành chủ bút của tờ Nhật báo Pennsylvania vào tháng 10/1729.
Thời gian này cũng là khoảng thời gian ông quyết định chung sống cùng Deborah Read như vợ chồng. Người phụ nữ này là người vợ cần mẫn, cả đời hài hòa, giúp đỡ Franklin rất nhiều trong sự nghiệp.
Đây cũng là khoảng thời gian Franklin bắt đầu phát hành Niên giám Richard nghèo khổ kết hợp hai mục tiêu của triết lý “làm giàu nhờ làm việc tốt: kiếm tiền và khuyến khích đạo đức”.
“Trong 25 năm tồn tại, nó đã trở thành kinh điển trào phúng vĩ đại đầu tiên của nước Mỹ”. Cuốn sách đã giúp mọi người hiểu thêm về Franklin, nhất là trí tuệ và những quan điểm về cuộc sống, xã hội của ông.
Trong những năm tháng sau này, khi nhà in của Franklin trở thành một “tổ hợp truyền thông tích hợp”, Franklin quyết định nghỉ hưu năm 1748, khi ấy ông 42 tuổi.
Nghỉ hưu ở tuổi 42, Franklin đã là quý ông giàu có, với lợi tức hàng năm lên đến 650 bảng. Đây là lúc ông có thể tập trung hoàn toàn vào những hoài bão chưa từng nguôi ngoai của mình như: khoa học, chính trị, ngoại giao và thuật trị quốc gia.
Một tính cách Mỹ điển hình
Trong tiểu sử về Benjamin Franklin, Isaacson liên tục khẳng định, nhấn mạnh “tính cách Mỹ” của Franklin, và việc ông là đại diện cho lợi ích của tầng lớp trung lưu mới nổi của đất nước này. Ông không chỉ đơn thuần là một người Mỹ, ông là một người Mỹ điển hình, là người cha sáng lập của tầng lớp văn minh.
Những sự kiện chi tiết, những thành tựu quan trọng Franklin đạt được sau thời gian nghỉ hưu đã được kể lại thận trọng, thấu đáo, và hấp dẫn trong cuốn tự truyện.
Về mặt khoa học, ông đã phát minh ra rất nhiều thứ hữu ích bao gồm cột thu lôi, bếp lò Franklin và ống thông tiểu.
Nghiên cứu quan trọng nhất của ông về bản chất của điện đã khiến ông được cả thế giới khen ngợi, khi Immanuel Kant gọi ông là "Prometheus mới" vì những thí nghiệm của ông với diều và sét. (Đối với tác phẩm này, ông được trao tặng Huân chương Copley uy tín của Hội Hoàng gia - người đầu tiên sống bên ngoài nước Anh được vinh danh theo cách này.)
Những đóng góp của ông cho văn hóa dân sự Mỹ bao gồm việc thành lập thư viện cho mượn đầu tiên, sở cứu hỏa đầu tiên.
Ông cũng là một nhà ngoại giao tài năng, tạo nên một liên minh giữa Pháp và Mỹ năm 1777, hỗ trợ Hiệp ước hòa bình Anh - Mỹ năm 1783, và hỗ trợ viết Hiến pháp Hoa Kỳ năm 1787.
Tự truyện của ông đến nay vẫn là một văn bản kinh điển của Mỹ. Theo sự nhất trí của đông đảo những người có uy tín, ông được xem là nhà văn giỏi nhất ở Mỹ thế kỷ 18, cũng như là ông trùm truyền thông của quốc gia.
Một điểm rất thú vị trong cách viết tiểu sử Franklin của Isaacson là việc nhận thức của ông rằng danh tiếng Franklin đã thay đổi qua nhiều thế kỷ. Franklin đã từng bị “phỉ báng” trong giai đoạn lãng mạn và được “sư tử hóa” trong giới kinh doanh. Mỗi thời đại lại có sự đánh giá ông thêm lần nữa, nhưng trên hết, ông vẫn luôn được coi là một người Mỹ điển hình.
Giai đoạn này, không chỉ đạt được vô vàn thành tựu trên mọi lĩnh vực, ông cũng trở thành một chuyên gia “tán tỉnh”, có sức hút với rất nhiều phụ nữ trong và ngoài nước.
Một trong những mối quan hệ thân thiết nhất có thể kể đến là mối quan hệ của ông với Madame Brillon de Jouy, người phụ nữ ông gặp năm 1777. Lúc đó cô 33 tuổi, đã kết hôn với một người đàn ông thành đạt. Cô và Franklin có một mối quan hệ kéo dài trong tám năm, trong thời gian đó họ trao đổi hơn 130 bức thư, với đầy những câu chuyện thú vị.
Cuốn tiểu sử “đồ sộ” Benjamin Franklin: Cuộc đời một người Mỹ đã cho thấy sự công phu trong việc tìm kiếm, sắp xếp, sử dụng tư liệu của tác giả Isaacson. Ông chính là một tác giả viết tiểu sử nổi tiếng của Mỹ.
Bên cạnh tiểu sử của Benjamin Franklin, ông còn viết những cuốn sách tiểu sử nổi tiếng về Albert Einstein, Steve Jobs, Leonardo da Vinci…. Ông nằm trong danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất do tờ Time bình chọn (2012); được tặng Huy chương Benjamin Franklin của Hiệp hội nghệ thuật hoàng gia (2013); Huy chương Nicholas - Chancellor của Đại học Vanderbilt (2015)…
Thủy Nguyệt / Sach1hay / Zing.
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang