Phá rừng ở Philippines
Rừng cây bị đốn hạ, biển và đất đai bị khai thác cạn kiệt, nguồn nước và không khí bị ô nhiễm. Tất cả các vấn đề đó đang đẩy thế giới tự nhiên tới bờ vực sinh tồn.
Những lời cảnh báo trên đến từ bản phúc trình LHQ vừa công bố (06/05/2019) ghi nhận ý kiến của trên 500 chuyên gia từ 50 nước.
Đánh giá của họ nêu ra sự mất mát trong thiên nhiên 50 năm qua và mô tả một tương lai mờ mịt với hàng trăm nghìn loài động thực vật.
Văn bản từ Cơ quan Liên chính phủ về tính đa dạng sinh học và hệ sinh thái (IPBES) cũng nêu ra một chương trình cấp cứu thiên nhiên.
Chúng ta được biết từ bản báo cáo này những điều sau:
1. Tính đa dạng của thế giới tự nhiên đang biến mất nhanh chóng
Danh sách đỏ về các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng IUCN Red List of Threatened Species đánh giá tác động của chúng ta - con người - với tự nhiên.
Gần 100 nghìn loài được nêu tên trong danh sách bị cho là gặp nguy hiểm, và trong đó tới 1/4 loài có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Từ loài khỉ đuôi dài ở Madagascar tới các loài ếch, kỳ nhông, hoặc các loài cây như thông, phong lan, đây là một danh sách dài.
Các loài bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng
Bản đánh giá này chưa thể hoàn chỉnh vì chúng ta không biết có bao nhiêu loài động thực vật, nấm tồn tại trên Hành tinh này.
Người ta đưa ra con số ước tính từ hai triệu loài, đến một tỷ, nhưng đa số các chuyên gia tin rằng trên Trái Đất có khoảng 11 triệu loài.
Họ cũng tin rằng Trái Đất đang bị đẩy đến 'một bước ngoặt của tuyệt chủng về loài', lần thứ sáu trong lịch sử nửa tỷ năm qua.
Giáo sư Alexandre Antonelli, giám đốc khoa học tại Vườn thực vật Hoàng gia Anh ở Kew:
"Có bằng chứng rõ rệt là chúng ta mất đi các loài với tốc độ nhanh tới mức báo động."
Tình trạng đó từng xảy ra vào khoảng 66 triệu năm trước, khi một khối thiên thạch đâm vào Trái Đất.
Lần này thì chính con người là thủ phạm.
Mức độ tuyệt chủng của các loài nay nhanh hơn 1000 lần so với thời gian loài người xuất hiện trên thế giới này, và trong tương lai, tốc độ biến mất của các loài sẽ còn tăng lên thêm 10 nghìn lần.
Sudan: con tê giác đực cuối cùng thuộc loài tê giá trắng phía Bắc, đã chết vào tháng 3/2018
Khu vực có sự phong phú đặc biệt về chủng loài trong tự nhiên là châu Phi, và lục địa này đang ở vào tình trạng đáng lo ngại đặc biệt, nhất là vì châu lục này là nơi duy nhất còn các động vật có vú thuộc nhóm to lớn.
IPBES công bố năm 2018 một nghiên cứu cho hay hoạt động của con người đã và đang khiến cho một nửa chim và thú tại châu Phi bị tuyệt chủng vào năm 2100.
Vẫn nghiên cứu này cho thấy 42% động thực vật trên đất liền ở châu Âu và Trung Á đã bị tàn lụi đi chỉ trong 10 năm qua.
2. Biến đổi khí hậu và ô nhiễm là đe dọa lớn cho thiên nhiên và hệ sinh thái
Một nghiên cứu gần đây cho hay dù biến đổi khí hậu là đe dọa đang gia tăng, việc hủy hoại tính đa dạng của thiên nhiên đến chủ yếu từ hoạt động làm nông, lấy củi, đốn gỗ của con người.
Các hoạt động cùng việc khai thác quá mức thế giới động, thực vật để lấy gỗ, nạn săn bắt, câu cá làm hệ sinh thái của động thực vật bị thu hẹp lại.
Các tác nhân chính cho việc hủy hoại tính đa dạng của hệ sinh thái
Động vật có vú như con tê tê bị đẩy tới cảnh bị tuyệt diệt vì nạn săn bắn nhằm lấy vảy và thịt của nó.
Chặt đốn gỗ rừng theo cách không bền vững như ở Myanmar làm chết một loài khỉ ở đây, và việc khai hoang để trồng cấy cũng làm hại cho các loài như báo cheetah.
Chủ tịch của IPBES, GS Bob Watson nói rằng các chính phủ tập trung nỗ lực nhiều hơn vào biến đổi khí hậu chứ không phải việc bảo vệ tính đa dạng của động thực vật.
"Nhưng đây là vấn đề cũng rất quan trọng cho chính cuộc sống tốt đẹp của con người."
3. Động thực vật biến mất cùng vùng đất là nơi chúng có hệ sinh thái tự nhiên
Sự xuống cấp của chất lượng đất vì hoạt động của con người là yếu tố tiêu cực tác động xấu đến cuộc sống của ít nhất 3,2 tỷ người, và đẩy Trái Đất tới lần hủy diệt lớn thứ sáu, theo IPBES.
Tác nhân chính vẫn là nghề nông nghiệp, nghề rừng không bền vững, là biến đổi khí hậu, và trong một số trường hợp, sự bành trướng của đô thị, việc xây đường xá, và khai khoáng.
Đất xuống cấp gồm cả việc rừng bị mất đi.
Trên toàn cầu việc trồng rừng và xây dựng các đồn điền có làm mức độ mất đất rừng chậm lại, nhưng riêng rừng rậm nhiệt đới thì tốc độ mất đi lại tăng lên.
Đây chính là nơi có tính đa dạng cao nhất về các loài động thực vật.
Chừng 12 triệu hectare rừng nhiệt đới bị mất đi trong năm 2018, với tốc độ bằng 30 sân bóng đá mỗi phút.
Nạn phá rừng
4. Chuyển đổi hệ sinh thái gây ra mất mát sinh học
Theo IPBES, chỉ 1/4 đất trên Địa Cầu là không bị các hoạt động của con người tác động. Nhưng đến 2050, số đất 'không có người dùng' giảm xuống còn 1/10.
GS Mercedes Bustamante từ ĐH Bresilia nói:
"Vấn đề sử dụng quỹ đất là thách thức trọng tâm cho môi trường như chúng ta đang chứng kiến."
Từ 2001, Indonesia mất đi hàng triệu hectare đất rừng nguyên sinh. Trong năm 2018, sự mất mát này giảm đi 40% nhờ luật pháp chặt chẽ hơn và vì mùa mưa làm giảm các vụ cháy rừng.
Thế nhưng, các đồn điền trồng cọ lấy dầu vẫn đang tiếp tục làm hệ sinh thái còn lại ở Indonesia thu hẹp lại.
Bản đồ đánh giá mức độ đốn gỗ, khai hoang rừng ở Indonesia
Các vùng rừng ven biển của Đông Nam Á, như trên các đảo Borneo và Sumatra sẽ mất đi một trong ba loài chim, và gần 1/4 loài động vật có vú, nếu tốc độ phá rừng cứ tiếp tục như hiện nay, theo IPBES
5. Một số vùng rừng rậm nhiệt đới đang bị xóa sổ
Vùng Amazon có những khu rừng rậm nhiệt đới lớn nhất thế giới, và là nơi ở của nhiều loài động thực vật còn chưa được phát hiện.
Rondônia, nằm ở phần phía Tây của Amazon, có những rừng cây rậm rạp nhất trong cả vùng.
Nhưng cây bị đốn liên tục tại đây để lấy đất trồng cấy hoặc nuôi gia súc.
Ngoài ra là đốn rừng lấy gỗ và khai khoáng.
Bức tranh tại đây là đồng ruộng, khu định cư chen vào các mảng rừng bị chia cắt.
INTERACTIVEParts of Rondonia, Brazil, have suffered severe industrial deforestation
2018
IPBES đã công bố báo cáo liên chính phủ đầu tiên hôm 6/05 tại đây.
Helen Briggs, Becky Dale & Nassos Stylianou
nhận xét hiển thị trên trang