Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2019

Nhật ký văn nghệ 1995 (2) - Vương Trí Nhàn:



Ngày nay tôi không còn nghĩ như những điều tôi ghi từ gần ba chục năm trước. 
Và cũng như mọi người tôi đành bất lực không kiểm chứng được
 những sự kiện mà tôi đã đề cập tới. 
Nhưng  đến bây giờ tôi vẫn nhớ rằng khi ghi những dòng dưới đây, 
lòng tôi trong sáng  và chỉ viết ra để làm tài liệu cho mình 
chứ không hề nghĩ là có lúc sẽ được chia sẻ.
  Mong được các đồng nghiệp  và bạn đọc thân mến 
coi đây như những tài liệu tham khảo

2-7
Đọc bài của Phan Ngọc viết về Trần Đình Hượu trênVăn nghệ thấy đó không phải là ông Hượu như tôi biết, mà đó là ông Hượu của Phan Ngọc, cái phía giống như Phan Ngọc của Hượu. Mà qua đấy, cũng cho thấy một quan niệm về trí thức của Phan Ngọc.

 Nhân đây, thử phác hoạ chân dung một loại trí thức.
Do những nguyên cớ như thế nào đó, họ cũng không được nhà nước trọng dụng (không hẳn đã là vì tư tưởng, mà có khi chỉ vì đố kị hoặc nói chung, một thứ tai nạn nào đó). Quay về riêng tư, họ xây dựng một thứ triều đình riêng, tự phong tước cho mình. Nhân danh kẻ thất bại - mà lại kẻ thất bại có tài - họ trở nên nghiệt ngã: ta mới là kẻ nắm chân lý. Đôi khi, thao tác của họ rất đơn giản, chỉ đại khái tôi đã đọc được một ngàn quyển sách, vậy thì dứt khoát tôi phải hơn anh kẻ mới đọc đâu có năm trăm quyển.
Thế mà cũng gọi là kẻ trí thức “đúng nghĩa” ư? Riêng cho chưa chắc. Người trí thức chỉ nghĩ đến sự hoàn thiện mình, cái điều mình nghĩ chưa ra, cái điều mình chưa nhận thức nổi, chứ không nghĩ nhiều đến sự "hơn hẳn người khác" "tìm ra cách đi cách làm việc khôn ngoan khéo léo hơn người khác", và do đó, “đến lúc nào đó sẽ được giá hơn người khác".

4-7
Bữa nọ, nhân ngày 21-6, một phóng viên hỏi: những đổi mới của báo chí bắt đầu từ đâu? Tôi cho là bắt đầu từ chỗ báo ra nhiều hơn. Có sự cạnh tranh. Từng tờ báo có nhu cầu làm hay hơn, người ta mới mua.
Tuy nhiên, cũng chính chuyện số lượng lại là ám ảnh lớn nhất về văn hoá -- chúng ta chỉ có một nền văn hoá số lượng. Cũng như sách. Sách ra có nhiều hơn trước, nhưng không có quyển nào đọng lại được lâu trong tâm trí độc giả. Không có gì buồn bằng thấy những quyển sách bìa đẹp, giấy trắng, in ấn hiện đại, mà bên trong đầy lỗi về câu chữ, và đọc vài trang lại phải nhăn mặt vì thấy tác giả viết ẩu.
Lại càng buồn hơn, nếu thấy cùng một lúc trong cửa hàng thấy bày mấy quyển sách của tác giả mình đang ngán đó, và trông vào bảng kê cùng một tác giả, thấy ông ta đã cho in ra tới vài chục đầu sách.
Cái nét chính của văn hóa hiện nay là pha tạp, thiếu sự thuần khiết.
Tôi nhớ không nguôi những năm tháng thanh bình ở Hà Nội từ sau 1954-1965, cái thời mà mọi thứ nền nếp, bát phở ra bát phở, trang báo ra trang báo, và -- trong sự cổ lỗ của kỹ thuật lúc ấy  --, người ta yêu cầu rất cao về nhau.
Lùi về xa nữa, lại nhớ nếp sống của các gia đình Hà Nội thời xưa - bát nước luộc rau có váng tí mỡ là không được, ra đường không tề chỉnh là không đuợc. Ai đó viết về bà cả Tam: ăn uống thanh đạm nhưng rất kỹ. Còn phải là cơm chín tới, dưa muối phải ngấu, cà phải trắng lại phải dòn. Thời bây giờ thêm ra bao thứ tiện nghi, nhưng con người không bao giờ biết sống kỹ, và trọng cái sự kỹ lưỡng như xưa. Mà đó lại chính là văn hoá.

6-7
Thỉnh thoảng đến thư viện, thấy có người hí húi đọc sách viết bằng chữ Hán. Mà nhìn kỹ lại là những cô cậu ăn mặc rất mô đen, tôi cứ ngạc nhiên. Trong tiềm thức, chỉ nghĩ chữ Hán, là thuộc về những cụ già, như ông Bùi Hạnh Cẩn kia. Suốt một thời lớn lên, từ khoảng 1966-68 đến nay, không ai học Trung văn. Phần thì tại bên Bắc Kinh có chuyện cách mạng văn hoá. Phần thì, về sau hai nước không trao đổi sách báo với nhau. Chữ Hán trở thành xa lạ ngay trước mắt, và kéo dài suốt cả một thời trai trẻ của tôi.
Ngạc nhiên xong, thấy hơi buồn. Trước hết là buồn cho bản thân. Lúc đi học, tôi khá Trung văn. Năm ấy, giá biết rằng không đỗ vào đại học Tổng hợp văn, thì  đã xin đi học Trung văn từ đầu.Với ai, tôi cũng bảo: Người Việt Nam mà học ngoại ngữ, chính ra cứ học Trung văn là dễ nhất. Nhưng trước hết nó rất cần. Để ta hiểu ta. Để ta  - qua sự trung gian của Trung Hoa - hiểu thế giới.
Kể ra, cũng có một sự kiện khác đang an ủi  tôi: hầu như trên T.V. luôn có phim Tàu. Không của Đài truyền hình TW thì của Đài Hà Nội. Và vợ con tôi hết mê mẩn Khát vọng, Người Bắc Kinh ở New York lại say sưa bàn nhau về Võ Tắc Thiên với Phong lưu hoàng hậu.
Cái bi đát của dân mình là ở chỗ, vừa là Tàu, vừa không phải là Tàu. Mà cái vui cũng là ở đấy.

10-7
Buổi sáng như thường lệ, đến cơ quan, nhưng hôm nay khốn khổ, tôi không biết tìm đâu ra một chỗ của mình.
 Ở phòng này Phan Cự Đệ nói chuyện với Hách ở phòng kia, ngồi một tí, thì Hoàng Ngọc Hiến đến.
Phan Cự Đệ mới đi Anh về, đến tìm Thái Bá Tân không gặp, nên nói chuyện với Hách. Cái điều cuối cùng mà Hách kể với mình là ông Đệ bảo bọn Anh nó bảo thủ lắm, ở khách sạn 20 ngày, thì nó cho mình ăn 20 bữa ăn sáng y hệt nhau.
Hoàng Ngọc Hiến đến, để hỏi hộ cô Nguyệt Cầm về một bản dịch.  Cầm sắp theo chồng đi Mỹ. Và thế là  mấy người sắp đi Mỹ, gặp nhau ở đây, cả Hoàng Ngọc Hiến và Lê Minh Khuê. Anh Hiến được một tờ tạp chí là Việt Nam génétration mời. Hiến bảo bọn này hay lắm. Có đi thì giữa tháng chín. Còn Khuê được một nhà xuất bản ở Mỹ mời, hứa hẹn là sẽ cho Khuê đi khắp nước Mỹ. Hình như là lần trước Khuê có gặp Trương Vũ, Hiến hỏi. Vâng em đã gặp rồi, anh Trương Vũ dễ chịu lắm, Khuê xác nhận, em đã ăn cơm ở nhà anh ấy. Một người Việt Nam rất dễ chịu đấy, anh ấy đã gọi điện thoại cho tôi dù chúng tôi chưa gặp nhau, Hiến nói thêm.
Đến khi Khuê nói rằng sang Mỹ tốn kém lắm, chỉ được đi chơi chứ không được tiền gì cả, thì may quá, có người gọi tôi. Ông Phú bảo tôi biên tập hộ cuốn Đền Hùng. Tưởng là thoát. Ai ngờ lúc đứng gần bàn Phú, lại thấy có lá thư của Đại sứ quán Pháp. Ngày 14-7 sắp tới rồi, chắc là giấy mời Phú đến gặp mặt ở Đại sứ quán Pháp. Tôi buồn bã mà nghĩ rằng bên cái thế giới tiền nong ở gia đình, cái thế giới quan chức của  Hữu Thỉnh bên kia, thì đây lại là cái thế giới khác, thế giới của phương Tây, nhiều bè bạn và người tôi quen đang bước ra thế giới này. Mà tôi, ở cả hai, tôi đều không tìm thấy chỗ đứng. Lòng không khỏi có chút xót xa. Người ta đi hội cả, còn mình, mình như cô Tấm phải ngồi nhặt thóc với sỏi ở nhà, bảo sao không buồn cho được.
12-7
Hôm nay, ngày Hà Nội tiễn đưa tác giả Tiến quân ca. Đám ma ai cũng bảo to chưa từng có, 900 vòng hoa (có số liệu 700).
Ông Văn Cao, mất đâu  sáng 10-7. Tối hôm ấy, tôi đã gọi điện cho Hữu Vinh, bảo là nên chuẩn bị bài đi. HV nhờ Dương Tường, không được, nhờ Thái Bá Vân cũng không được  các ông đã có nơi đặt bài cả. Sáng 11-7, đến toà soạn TTVH,  đã thấy có mấy người đưa bài và đưa ảnh đến, Hữu Vinh bồn chồn phần vì lắm bài quá, phần không có bài ưng ý. Mấy ngày này nắng dữ, vậy mà vẫn như dự đoán,  đám ma to lắm.
Không phải lo làm tin cho TTVH, tôi tự thấy không việc gì phải đến viếng Văn Cao cả. Bởi đương thời đâu có quen ông, nào đã một lần nói chuyện riêng với ông. Mà một lẽ nữa, lại được nghe quá nhiều chuyện không hay về  ông già khôn ngoan này. Mười năm trở lại đây, trong số những người được phục hồi (sau Nhân văn) có lẽ Văn Cao là loại kiếm bẫm nhất. Nước ngoài có, Việt kiều có, rất nhiều người cung đốn ông như một thứ lương tâm thời đại. Song , chỉ một Hoàng Cầm thôi, đã kể bao chuyện nhảm về Văn Cao. Văn Cao xoay lùng đô la ở cánh Việt kiều. Văn Cao xin từng cái cát - xét. Lê Đạt thì kể rằng Văn Cao đâu có biết chơi pianô, ảnh chụp tác giả Sông Lô lụ khụ bên pianô chỉ là làm dáng. Sáng  qua 11-7 tôi đã phải hỏi lại cái sự lộ bem này. Lê Đạt gật gù:
- Đúng thế chứ còn gì nữa, không biết đánh pianô, còn dùng pianô để nghe lại một vài âm thì không nói làm gì.
- Còn chuyện anh từ ông ta?
- Nó là do bà Băng. Bà Băng nói với ai đó, rằng Trần Dần, Lê Đạt cứ tụ bạ quanh quẩn ở chỗ Văn Cao, chứ anh Văn đâu có chơi với họ. Thế là hôm ấy, mình phải bảo: "Hôm nay có mặt cả anh chị đây, tôi phải nói cho rành rọt. Năm ấy anh Văn Cao đâu có nổi tiếng bằng chúng tôi, chẳng qua chúng tôi thương anh ấy mà đi lên. Bây giờ chị đã bảo thế, thì tôi cũng nói luôn: Bao giờ Văn Cao mất, thì tôi, Lê Đạt, sẽ đi đưa ma. Còn từ nay thì thôi không đến đây nữa…”
Bản thân tôi (VTN) có lần được chứng kiến một cảnh không ra sao cả. Ông Lê Bá Đảng ở Pháp về, gặp mặt một số anh em tại nhà Nguyễn Hào Hải. Loại như tôi, hoặc Lê Xuân Sơn, thì chả nói làm gì. Nhưng buổi đó còn có cả Hoàng Cầm. Vậy mà, ở cái bàn chính của gia đình Nguyễn Hào Hải, Văn Cao cứ ngồi nói chuyện tay đôi với Lê Bá Đảng, bên cạnh có bà vợ, còn Hoàng Cầm cứ chầu rìa ở hàng ngoài, bên cánh nhọ đít chúng tôi. Có chút gì không phải, bạn bè với nhau sao lại làm thế, giá như người khác thì phải bảo vợ né ra mà mời Hoàng Cầm ngồi cạnh cùng bàn về nghề, như thế mới hợp lẽ chứ. Theo tôi lần ấy, Văn Cao cư xử thiếu hẳn cái thứ lễ nghĩa tối thiểu mà ông cha ta vẫn dạy bảo vợ con ở nhà, chứ đừng nói là văn hoá Tây Tàu gì nữa. Nhiều lần người ta đã kêu cách cư xử khó chịu của bà Băng, vợ Văn Cao. Nhưng cả Hoàng Cầm và Lê Đạt đều nói:
- Thằng Văn Cao nó phải cho phép, chứ không thì bố bảo, vợ nó cũng không dám làm.
Theo Lê Đạt, về con người Văn Cao chỉ được cái mũi quí tướng. Còn Vũ Cao VNQĐ -- tôi nhớ Vũ Cao đâu người cùng quê với Văn Cao - đã nói với tôi một câu như gọi ra cái thần con người Văn Cao: "Đấy đúng là một nghệ sĩ Việt Nam tiêu biểu. Không cái gì đến nơi đến chốn, nhưng gì cũng biết một tí, mà làm gì, cũng mang được sắc thái riêng của mình vào cũng có – một cái gì đó, làm cho người ta nhớ mãi".
Phần tôi, nếu phải viết về Văn Cao, tôi sẽ nói rằng ông mang văn hoá Việt Nam trong thế kỷ này, bao gồm cả hai chặng đường, chặng đầu là cuộc biến đổi về chất (Âu hoá) và chặng sau, là một cơn bột phát (cách mạng). Nhưng trong cả hai sự biến đổi đó, người nghệ sĩ Việt Nam chỉ là một thứ sản phẩm của hoàn cảnh, chứ không phải kẻ góp phần thay đổi hoàn cảnh. Chắc là thế, không đúng cả cũng đúng một phần.

20-7
Một vài chuyện vặt.
Ông Nguyên Ngọc đi làm phim Tây Nguyên, Đất nước đứng lên. Nghe nói là ông rất hào hứng, và vẫn mê Tây Nguyên như thường. Ông còn có cả một triển lãm ảnh về phong cảnh và con người Tây Nguyên nữa.
Tôi thì  nghĩ: giá nhân dịp này, ông ta soát xét lại mình. Ngọc hay bảo là hôm qua ông ta mê muội, chứ thực tế, nó đâu có phải như ông đã viết. Nhưng cái ông ta làm hôm nay lại không hề thoát sự mê muội ấy.
Có một mẩu chuyện vui vui, một  đạo diễn phim, giữa đợt công tác, đi mò gái, bị làng bắt, họ định trị tội nặng lắm. Nguyên Ngọc phải nhờ anh hùng Núp xin cho, mua một con trâu, mời cả làng đến xin lỗi mới thôi.

Nhiều lần, Nguyễn Kiên tâm sự, trông ông Tô Hoài viết Cát bụi chân ai mà tức, mình cũng một bồ truyện, mà sao không viết ra nổi.
Lần này, nhân trò chuyện việc Kiên về hưu, tôi bảo:
- Ông đừng tính chuyện viết về thời bây giờ, nào lại giám đốc ngủ với con mẹ kế toán ra sao, nào ăn cướp ăn cắp ra sao. Khải còn viết tàm tạm được, vì ở lão ấy còn có lòng căm hờn. Chứ anh không có. Theo tôi, tốt hơn hết, bây giờ anh nên viết lại chuyện hồi ấy hợp tác đánh kẻng đi làm ra sao, chia thóc ra sao, không cần chửi bới cứ nói năng cho mạch lạc rõ ràng là có truyện rồi.

Nhưng mà cả một người như Lê Đạt, đọc nhiều thế, hoạn nạn thế, khoẻ thế, cũng có cái vớ vẩn của nó.
Từ lâu rồi, 1-2 năm nay, thấy Lê Đạt được cánh Hữu Mai sử dụng, tôi đã có ý nghi ngờ, khéo Lê Đạt làm một thứ van xì cho cơ chế cũ.
Thì đây, Dương Thu Hương cũng nói thế.
Nguyên là lâu nay, Lê Đạt cứ tỏ cho mình thấy Lê Đạt đang là một thứ huấn luyện viên của H. một thứ người có thể hướng dẫn cho nghề văn của H. Khi tôi vừa bảo H. bây giờ nên viết hồi ký, thì Lê Đạt nói ngay, viết rồi còn gì . Tuyệt lắm,  Lê Đạt nói thêm, với ngụ ý mình đã bảo H. chứ còn ai khác.
Ngồi bên H. ở quán cà phê, H. xổ ra với tôi một thôi một hồi đủ các thứ chuyện, trong đó có cái chuyện nói trên.
- Hôm Đại hội nhà văn, tôi đã bảo ông ấy rồi, anh làm gì mà dạy dỗ to mồm thế. Anh cũng đi với cánh thằng Thỉnh, nó phải đưa xe đến đón anh, thế nghĩa là anh ăn lộc của nó rồi, thì anh còn dương dương tự đắc, dạy bảo mấy người ở đây làm gì?

25-7
Nhân sự kiện Văn Cao qua đời, báo chí hầu như tờ nào cũng có bài viết về ông, và rất nhiều bài có cái ý đáng đọc. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy nói chung bài viết ngay sau khi một người qua đời, là những bài xưng tụng. Ít ai nói được thực chất của con người ấy. Người ta lấy cái không khí trước mắt, để che đậy cho cái phần dễ dãi không dám đối mặt với sự thực của mình, không dám tiếp tục đào sâu vào ý nghĩa thật của kiếp nhân sinh.
Những huyền thoại được hình thành và luân chuyển từ cửa miệng này sang cửa miệng khác đại khái như thế.
Thế còn giải những huyền thoại ấy chăng? Ai làm bây giờ? Huyền thoại chỉ được hình thành một cách ngẫu nhiên, chả ai định, mỗi người góp một đôi câu, như mỗi người góp một viên gạch, cứ thế mà thành. Còn giải huyền thoại là công việc của từng cá nhân, mỗi người đơn độc trong công việc của mình. Như những nỗ lực mà tôi bỏ ra khi đi tìm bộ mặt thật của NguyễnTuân, của Xuân Diệu bây giờ. Có khi là chết, mà vẫn chưa tổ chức được ý nghĩ của mình thành một thực thể trọn vẹn đủ sức thuyết phục cái đám đông nông nổi và cuồng tín kia.
Trong khi đó thì huyền thoại vẫn hình thành từng ngày một. Đây là trường hợp Vũ Cao là người tôi từng làm việc dưới quyền gần ba chục năm .
Liên tục hai lần, chủ nhật 16-7 va thứ hai 24-7, trên chương trình TV có chiếu hai bộ phim về Vũ Cao. Và người ta dành cho ông những lời lẽ tốt đẹp nhất trong khi, gần như chỉ có một bài thơ được nhắc lại, là bài Núi Đôi.
Từ lâu, đã có ý nghĩ sau, và càng ngày, tôi càng tin rằng mình nghĩ đúng: với tất cả sự kính trọng, tôi vẫn cho rằng Vũ Cao chưa phải là một nghệ sĩ theo nghĩa hiện đại của chữ ấy. Đó mang phần nhiều những nét lãng tử nghệ nhân, ngoài công việc chính của một cán bộ chính trị, làm ít bài thơ cho vui. Thứ thơ này dễ dàng gần như dễ dãi. Nó nằm ngoài quy luật của văn học chuyên nghiệp. Bản thân Vũ Cao cũng lạ, một mặt là một trí thức trung thực, ham đọc sách, mặt khác là một kẻ thích dong chơi, và có phần lạc bước vào nghệ thuật. Vậy mà bao giờ cái sự thật ấy về Vũ Cao mới được nói ra rành mạch? Xa xôi quá!

19/9
Dạo này, cuộc sống văn học có cái gì đó, chịu không nổi. “Nó” có tiền.  “Nó” làm ầm ĩ những chuyện như giải thưởng, trong khi đó, không hề bàn tới văn học thực sự.
Lúc nào cũng chỉ nói tới phong trào này phong trào nọ.
Nhà văn gì mà, không bao giờ thấy nói tới tác phẩm, không biết viết gì, chỉ thấy chức vụ.
Đầu tháng 6, hội thảo 50 năm học Việt Nam sau cách mạng tháng 8, hình như không được vui vẻ cho lắm.
Có bài của Ân, làm cho họ cảnh giác, hình như tổ chức không được chặt chẽ.
Lần này, họp kín, họp hở, bàn nhau rất kỹ, là sẽ cho ai viết và ai không viết, ai được lên diễn đàn, và ai không được lên.

23-9
Nói sợ hãi thì cũng hơi quá. Song đôi lúc tôi vẫn không hiểu sao thời gian đi nhanh đến vậy. Năm nay, đã là năm 1995, còn 5 năm nữa, đến năm 2000. Và vào những ngày này, đất nước vừa kỷ niệm 50 năm cách mạng. Ghê thật! Nếu tính từ lúc tôi biết đến nay, thì thời điểm đáng nhớ nhất là năm 1960.
Khi đó, tôi 18 tuổi. Khi đó, bọn tôi đã chứng kiến nước Việt Nam dân chủ cộng hoà 15 tuổi, đã sống trong cái không khí thanh bình của một xã hội thịnh vượng. Và tưởng là muôn đời vẫn vậy.
35 năm qua, nói là có cũng đúng, mà nói là không cũng đúng.
Có 35 năm ấy thật chứ. Có cuộc kháng chiến chống Mỹ mà tôi đã trải qua. Trong văn học, có một thứ sáng tác mà người ta chưa biết. Có lớp người  chúng tôi mà người ta gọi là thế hệ trẻ.
Với tôi, có sự gặp gỡ với các bạn văn, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh, Bằng Việt... người nào trong bọn ấy bây giờ cũng đã có sự nghiệp riêng, và gia đình đề huề .
Đã có những ngày đi chơi dông dài.
Đã có cãi vã.
Đã có những vui buồn, khi quá đáng, lúc tầm thường.
Và đã có cả những cái chết nữa.
Nhưng thử nghĩ lại xem, bọn tôi đã có gì là hơn, có gì gọi là sống? Chưa có gì cả.
Như thế này mà là sống ư? Toàn là những lê lết mà đi, ngán ngẩm mà xúc động, buồn bã mà nghĩ lại mọi chuyện.
Người thì đông lên, mà cái chất người thì lại sút giảm.
Cũng như văn chương, lúc này đây, người ta làm ra bao nhiêu thứ, mà tôi vẫn cảm thấy như đang sống trong hoang mạc, không có gì khiến tôi yêu mến bằng một tình yêu lâu dài cả.
Mấy hôm nữa (ngày kia 26-9?) đã hội nghị 50 năm văn học cách mạng. Tôi định không đi, bởi đi mà làm gì, chả có báo cáo nào nên hồn, chả có ai nổi lên xuất sắc.
Có lẽ là tại tôi chăng? Chẳng có gì làm tôi ngạc nhiên, nghĩa là tôi đã bị tê cứng, bị chai sạn đi? Đồng ý, tôi nhận cái phần già đi của mình.
Nhưng hình như, một phần khác làm tôi ngán ngẩm vô chừng. Ấy là tình trạng mọi thứ ngưng đọng, mọi thứ nhàu nát bụi bậm, mọi thứ không đến đầu đến đũa, và không mang lại cho tôi niềm ngạc nhiên, cùng sự hứng khởi.

8/10
Tự nhiên, những ngày này 13-9, 20-9, 27-9 BáoCông an thành phố Hồ Chí Minh có hàng loạt bài phỏng vấn vụ Bảo Ninh, để các giám khảo cũ sám hối. Và người ta cứ nói, sưng sưng đại loại (như Nguyễn Quang Sáng) “thế là chúng tôi bị ăn đòn của nhân dân.” Nhưng làm gì có nhân dân nào ở đây, mà chỉ có bộ máy thống trị.
Lạ một điều trước cuộc hội thảo Nửa thế kỷ văn học người ta lúc nào cũng sợ là có nhiều ý kiến ngược.
Nhưng đến khi xem lại bài vở, thì lại giật mình là các ý kiến giống nhau quá, không có màu sắc riêng. Khốn nạn, vừa thích ổn định thống nhất , vừa ra cái điều dân chủ, thì còn ra làm sao nữa.
Người đi nước ngoài khá rôm rả:
- Ý Nhi, Vàng Anh đi Pháp.
- Nguyễn Duy, Chu Lai, Cao Tiến Lê đi Mỹ.
- Lê Minh Khuê, Hồ Anh Thái đi Mỹ.
- Sắp tới Bảo Ninh đi Đan Mạch
- Nguyễn Khải, Lê Lựu, Ma Văn Kháng có giấy mời của ... Đại học Provence.
Người ta không thể nghĩ trước những chuyện này quá nhiều, vì người ta biết rằng, trong thời buổi này có những chuyện hỗn hào “thuở trời đất nổi cơn gió bụi”, thôi cứ kệ nó, đến đâu thì đến.

4/11
Ông Tế Hanh kể ông Nguyễn Đình Thi, được bầu làm chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam đang dựng ê kíp.  “Cách” các chức sắc lâu nay vẫn làm là Vũ Duy Thông (tờ Diễn đàn văn nghệ) đưa Hồ Phương về thay làm tổng biên tập. Con Nguyễn Đình Thi là Nguyễn Đình Chính về làm phó Tổng biên tập, kiêm thư ký toà soạn.
Định lập ra cả nhà xuất bản của Hội liên hiệp. Cái ông Thi này bao giờ cũng như vậy. Mới thì hăng lắm. Sau lại thôi, kệ mọi chuyện.
 Sau khi Văn Cao chết nghe Dương Phương Vinh kể là Nguyễn Thuỵ Kha lại tổ chức đêm thơ vợ Văn Cao
Đoàn Phú Tứ, sau mấy năm chết, không ai biết, giờ được ông Văn Tâm đưa lên, như một nhân vật  của thời đại. Rồi trên báo Lao động, Thuỵ Kha lại ca ngợi Đoàn Phú Tứ như một tấm gương tiền chiến.
Tôi thấy hơi buồn cười. Người ta không thể nghĩ ra cách quan hệ khác đi giữa người và người hay sao?
Người ta không thể đặt đúng địa vị một người hay sao?
 Ông Tô Hoài kể về Đoàn Phú Tứ rằng ai có muốn thuê người đòi nợ, cứ đến tìm Đoàn Phú Tứ, ông ta có khả năng nằm lì ở nhà người khác, đến bao giờ đòi được nợ mới thôi.
Tế Hanh kể, ông ta thường hay xin tiền mọi người.
Sau giải phóng Sài Gòn, ông ta vào thăm bà con bạn bè song bao nhiêu lần người ta đưa tiền cho ông mua vé, ông đều tiêu hết rồi ở lại. Phải nghĩ ra cách mua vé cho ông và đèo ông thẳng từ nhà ra ga rồi tất cả công kênh ông vào toa, chờ tàu chạy mới thôi. Về sáng tác theo Tế Hanh, kịch Trở về không phải là của Đoàn Phú Tứ mà là của Lê Ngọc Cầu. Ông này đi học lớp văn nghệ Thanh Hoá, sáng tác xong thì vào khu V kịch bản rơi vào tay Đoàn Phú Tứ, Tứ nhận là của mình. Sau Lê Ngọc Cầu có kiện.
Một người như Nguyễn Xuân Sanh có biết, song thường hay lảng đi, “bảo vệ” bạn.
Tôi nghĩ đến một lớp VNS nói chung, tài hoa, nhưng trong đó có những người hèn hạ, nhếch nhác, người ở lẫn vào cây cỏ.

Những mẩu chuyện của Nguyễn Đình Nghi
- Các anh cứ bảo ông Thi kiêu nhưng gặp tôi, ông ấy không kiêu. Một người viết được Nguyễn Trãi có cái ghê lắm chứ. Thời gian dựng thường ông ấy ngồi bàn với tôi từng ý một. Anh có biết, theo ý ông Thi, thì cái gì làm nên chiến thắng của Lê Lợi - Nguyễn Trãi không. Nó là ở cái ý này: Nếu mà lần này mất nước nữa, thì tức là lại mất nghìn năm bắc thuộc nữa.
Đấy, cái khác của Nguyễn Trãi với mọi người là ở chỗ ấy. Là ở chỗ ông ta chú ý đến văn hoá, nhìn dân tộc ta như một dân tộc có văn hoá.
(Nên nhớ, đến triều Minh mới có chuyện quân xâm lược đập phá các bia đá, các hoành phi câu đối, và tất cả những gì có chữ Hán).
-Về Phan Ngọc. Ông thử tưởng tượng một người tài như thế, thông minh như thế mà bị đòn đau như thế. Người ta phải nghĩ ra kế để tồn tại. Không tội gì mà dây với lửa nữa. Tránh voi chẳng xấu mặt nào. Thế là từ đó ông ấy sinh ra ăn nói như thế, trong khi vẫn phải làm như điên mà sống, vẫn phải suy nghĩ.
Bây giờ ông Ngọc nói thế này tài quá còn gì. Nói văn hoá văn nghệ như văn hoá xe đạp, ta chẳng nghĩ ra điều gì, nhưng ta hiểu hết tác dụng của nó, ta dùng nó để chuyên chở hàng tạ gạo, đến mức thế giới nó phải kinh ngạc.
21-11
 Có giấy mời đi họp: ngày mai tạp chí Văn học nước ngoài của Hội trình bày những gì mà họ định in trong số một.
Không biết tôi có thể làm gì cho họ. Lâu nay tôi đã quá bận về những vấn đề văn học trong nước.Tuy nhiên, trong bụng cứ bồn chồn bởi những điều hiển nhiên, mà lẽ ra ai cũng thấy và lẩn tránh. Và ẩn đằng sau đó, là một bi quan, tuyệt vọng.
Mỗi lần nhớ tới Nguyễn Minh Châu, tôi thường nghĩ ngay đến quyển Tấc đất mà ông giấu trong ngăn bàn, và thỉnh thoảng lại giở ra xem, lấy hơi, khi viết Dấu chân người lính. Đã có một thời, bọn tôi sống chui sống nhủi vậy đấy. Sợ tất cả những gì ở bên ngoài người ta viết. Phải cố tách ra, không muốn giống mọi người. Để làm gì ư? Để còn yên lòng mà đánh nhau.
Trong hoàn cảnh ấy, để có thể làm nghề được, tôi đã phải học tiếng Nga, tự bồi bổ thêm kiến thức, mà cũng là trổ một cái cửa, để nhìn thế giới.
Còn nhớ một lần, được ông Thi gọi ra, ý muốn giao cho tôi dịch một ít tài liệu văn học. Tôi đã sướng rơn lên khiến lúc trở về, ông Khải chế giễu mãi.
Nhưng cái ông Thi ấy, đã phản bội chúng tôi, phản bội cả thế hệ tôi. Mỗi lần, nghe có người đề nghị là phải làm văn học nước ngoài, Nguyễn Đình Thi lại gạt đi, là bây giờ chưa đến lúc cần đặt những vấn đề như thế.
Kết quả là sao? Kết quả là người viết văn Việt Nam, mấy chục năm qua, lơ mơ tự mình kéo mình đi trong đêm tối. Văn học Pháp, văn học Tây Âu không biết đã đành, ngay văn học Xô viết, chúng ta cũng không biết được đến nơi đến chốn, vì để tiếp xúc với nước ngoài một cách bình thường, cái tâm thế của chúng ta đã sai, bản lĩnh chúng ta không có, nhiều người làm nghề của chúng ta thiếu đi cái sáng suốt và tự trọng, và tự mình là mình, đáng lẽ phải có.
 Ở đây, còn một khía cạnh nữa. Phải nói tới, là sự khinh rẻ phê bình  -- khinh rẻ lý trí  -- nó khiến cho càng ngày người ta càng chơi vơi trong một cuộc đuổi bắt tuyệt vọng.
Đấy, trong một hoàn cảnh như thế, tạp chí Văn học nước ngoài của Hội, sẽ ra số đầu tiên vào 1996 . Rồi họ sẽ bơi trên cái biển bao la này, sẽ chết đắm chết chìm trong những việc chả đâu vào đâu. Mặc dù đấy là công việc lâu nay mọi người vẫn yêu cầu làm, và đấu tranh mãi mới được làm. Có gì lạ đâu công việc đã không được làm đúng lúc. Tự chúng ta đã lữa ra, thì còn tiếp nhận được gì ở ngoài, một điều mà  mọi cơ thể sống khác, không thể từ chối.

27/11
 Điều tôi tự nhủ hàng ngày:
- Hãy tu giữa cõi đời. Hãy sống theo điều mình tin tưởng.
- Điều quan trọng bây giờ không phải là mở rộng thêm nữa, mà là vun quén đời mình lại.
- Không phải là chửi bới ai hay khen ai, mà là trình bày mình trước cuộc đời thiên hạ.
30/11
Xem Trao cao đèn lồng đỏ và Cúc đậu: Bất cứ vấn đề gì của con người cũng là thú vị và đáng quan tâm.
Con người và hoàn cảnh:
- Con người và cái xấu cái tốt của mình
- ý nghĩ của sự sống cái chết.
- Người có phải tai vạ của người?
Phụ nữ và đời sống:
- Ai có khả năng thay đổi?
- Thay đổi để làm gì!
Lâu nay, mình quen hiểu văn nghệ là tư tưởng. Nay, những hoá ra là tự nhiên mới lại là kỳ vĩ choáng ngợp.
9/12
Sắp hết 95 rồi.
Gặp A Sokolov và day dứt trở lại
Hãy viết: Người nước ngoài có thể tìm thấy gì ởvăn hóa Việt Nam.
Cái khó khăn, mà cũng là cái buồn cười của mình bây giờ là cái gì cũng có thể mở rộng ra được, càng có thể viết ra khác mọi người được, cũng có thể đi sâu được .
Và cái gì, mình cũng thấy có một phần cuộc đời mình trong đó, từ Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu đến Nguyễn Tuân, Nguyễn Bính, các vấn đề văn học cổ, các vấn đề quan hệ với nước ngoài.
Tưởng có thể sống đến vài chục năm nữa, cũng không làm hết việc
16/12
Kỷ niệm 10 năm ngày mất của Xuân Diệu, người ta lại hùa nhau ca ngợi Xuân Diệu. Một đầu đề trong chương trình kỷ niệm. Nguyễn Đình Thi - Xuân Diệu, một nhân cách lớn.  Tuy nhiên, người nghĩ ra cái đầu đề ấy, lại là Phạm Tiến Duật.  Lúc này ông Thi đang ở Sài Gòn.
Hai chục năm trước gì đấy ông Bregnev có quyểnĐất nhỏ đất hoang gì đấy, Liên Xô cần tuyên truyền, báo Nhân Dân đến đặt ông Nguyễn Đình Thi viết bài khen, Thi không viết, Tô Hoài thì nhận viết và còn đi nói chuyện nữa.
Giờ đây, mở ra vụ Bảo Ninh, sau khi thuyết cho Nguyễn Khải, Vũ Tú Nam, Ngọc Tú nói, báo Công An TP HCM mời đến Tô Hoài đưa 500 ngàn trước, rồi đặt viết, ông Tô Hoài cầm tiền về sau mang trả lại, đại ý ông chỉ bảo rằng, truyện này bây giờ cũ rồi, ai người ta còn đọc nữa.
Nhưng Nguyễn Đình Thi thì nhận viết, trên báo Công an TP (hay là trả lời phỏng vấn gì đấy)
Mình nghĩ: Lão Tô Hoài khốn nạn, nhưng là khốn nạn lúc trẻ, về già bướng, dám làm mình hơn.
Còn như Nguyễn Đình Thi, hình như lúc trẻ lão kiêu căng hơn về già cảm thấy bất lực, nên mới đổ đốn như vậy.
Trong thời gian này, còn có mấy vụ lặt vặt.
- Báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, có bài phê phán một quyển sách của NXB Văn học, là lấy ra toàn những bài có tư tưởng chống cộng.
- Nhiều bài ở TPHCM phê phán Phạm Thị Hoài, Nguyễn Quang Lập là viết về các vấn đề dơ bẩn.
- Trước đây khoảng 2 tháng phim Xích lô bị kêu là độc hại, vì trong đó nói nhiều đến cái ác của con người (mặc dù phim này được nhiều giải thưởng quốc tế)

- Ngày 5/12
 ông Hà Sĩ Phu tức Nguyễn Xuân Tụ bị bắt vì dang lưu truyền một tài liệu trong đó có nhiều không đồng ý với ông Đỗ Mười.
Nhưng truớc đó, (theo Ngô Văn Phú kể) Hà Sĩ Phu có trả lời đài UPI
- CNCS đã lỗi thời
- Mỹ không nên bán cho Việt Nam hàng hóa theo quy chế tối huệ quốc, chừng nào ở Việt Nam chưa thực hiện vấn đề nhân quyền.
Đến ngày hôm nay, có tin có 2 tác phẩm in ra năm 94 được giải thưỏng của hội đồng (năm 95) .Văn xuôi:Trăng soi sân nhỏ của Ma Văn Kháng. Thơ: Thư mùa đông của Hữu Thỉnh. Nhưng quyển Trăng soi sân nhỏvẫn khiến nhiều người dè dặt: Ông Anh Đức, ông Nguyễn Quang Sáng, điện ra nói rằng đọc Ma Văn Kháng thấy con người Hà Nội sao mà ác thế. Còn Tô Nhuận Vỹ thì lưu ý rằng có một truyện nói đến người tù, làm như thế, rất dễ gây ra hiểu lầm.
29/12
Hôm nay có cuộc hội thảo Cao Xuân Huy 95 năm ngày sinh  mà tôi không đi được. Trước đó, 14/12 đã có hội thảo thơ Thanh Thảo, Nguyễn Duy trong sự tìm tòi thơ hiện nay, dưới góc độ bản sắc dân tộc. Tôi chỉ gửi đến một bản báo cáo.
Tự nghĩ, một số hội thảo không cần dự vì không báo cáo nào quan trọng. Một số khác, như hôm nay cũng được, nhưng thôi để đọc trên báo vậy.
Tối chủ nhật 17/12 Thuỵ Khuê từ Paris gọi điện về ý muốn phỏng vấn về tình hình phê bình hiện nay.
Cùng thời gian có Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Đặng Anh Đào (Sử do Ân đề nghị, bà Đào do tôi đề nghị). Trước đó, Thuỵ Khuê đã nói chuyện với Hoàng Ngọc Hiến khi Hiến qua Mỹ. Tối 31/12 sẽ phát. Thuỵ Khuê chỉ nói với Đặng Anh Đào một nhận xét là tôi có vẻ bi quan quá, trong khi bà Đào đỡ hơn, vui hơn. Có tin cả Lữ Phương cũng bị bắt nữa (?) Bùi Hoà (cơ quan) đi học chính trị về chỉ nói có mấy nổi tiếng nhất là Mác Angghen Hồ Chí Minh và Hà Sĩ Phu)
27/12
  Hội văn học nghệ thuật Hà Nội đang khủng hoảng cán bộ lãnh đạo.  Người ta lại đành  lại bầu Bằng Việt làm chủ tịch. Ông Tô Hoài tưởng làm chủ tịch danh dự, nhưng cũng thôi. Bà Hoàng Ngọc Hà làm Phó chủ tịch Hội văn nghệ, Chủ tịch Hội văn học, như vậy là nắm hết quyền hành của Hội.
Nghĩ cũng buồn. Có một lần bọn tôi ngồi họp, không biết làm gì, mới mang thơ Bằng Việt ra đọc. Ôi chao, thấy dở quá, nhiều bài được, trong bài nhiều câu độn, nhiều chữ đưa đẩy để bắt vần.Trong một bài viết về lực lượng sáng tác, Ngô Thảo cố nhét bằng được cái ý nói là Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt nay trở lại tình trạng nghiệp dư. Hồi trước Bằng Việt đã bị đánh bật khỏi Hội văn nghệ, sau lơ vơ sang làm bên Hội Liên hiệp (báo Diễn đàn văn nghệ) sau lại chuyển sang ngạch cán bộ chính trị, làm Phó chủ tịch HDND thành phố Hà Nội. Giờ lại tái hồi Kim Trọng. Mọi chuyện còn đang chờ.
Tôi nghĩ: ở một nước như nước Nga, bọn văn nghệ sĩ ở thủ đô có thể làm loạn được (tờ Moscva văn học nổi đình đám một thời). Còn ở Việt Nam, thủ đô toàn hạng hai, tức là đầu thừa đuôi thẹo của trung ương.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

KHI HỘI NHÀ THỎ CHƠI XỎ CÁC NHÀ THƠ


Chu Mộng Long - Hội Nhà Thỏ đã không chỉ ngu về từ loại - cú pháp - ngữ nghĩa tiếng Việt (xem bài trước), dốt đặc về thơ ca, mà còn cố tình dìm hàng các nhà thơ bằng đủ các trò chọn thơ dở, xuyên tạc, làm méo mó ngôn ngữ và thơ Việt để quảng bá ra nước ngoài. Một đời dạy văn của tôi, tôi có mắng học sinh lười học nhưng chưa bao giờ dám chửi học sinh ngu hay dốt, vì không chỉ phạm luật mà còn vì học sinh ngu hay dốt là do thầy. Nhưng với Hội Nhà Thỏ mỗi năm tốn bao nhiêu tỉ đồng dân nuôi, tự hào là tinh hoa văn hóa của dân tộc, tôi phải chửi thẳng! Với tư cách là một thầy dạy văn có trách nhiệm bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt và đền thiêng của thi ca dân tộc, tôi đề nghị theo cách của triết gia Plato, hãy trục xuất ngay lập tức Hội Nhà Thỏ ra khỏi vương quốc cộng hòa lý tưởng của chúng ta!

Tiến sĩ Chu Mộng Long
Đọc đi đọc lại 50 câu thơ do Hội Nhà Thỏ chọn thả lên trời trong ngày Thỏ Việt Nam, tôi chỉ có thể khẳng định, Hội Nhà Thỏ cố tình chơi xỏ các nhà thơ và gây ô nhiễm môi trường văn hóa Việt. Lựa chọn thơ để thả thơ, tôi hiểu tiêu chuẩn đặt ra phải theo chủ đề và hay. Chủ đề thì nằm hẳn ở biển quảng cáo: “Sông núi trên vai”. Theo giải thích của các yếu nhân trong Hội Thỏ, “sông núi trên vai” chính là“sông và núi trên vai”. Như bài trước tôi viết, họ không phải dùng từ ghép “sông núi” mà là dùng hai từ đơn “sông và núi”. Cách dùng đó ắt là:


1) Nhà Thỏ xem sông và núi như củ khoai và củ mì gánh trên vai.
2) Núi cao đè lên và sông sâu nhấn chìm đôi vai Nhà Thỏ.

Nội dung 1 tự biến Nhà Thỏ thành chị nhà quê lam lũ, cực nhọc. Nội dung 2 làm cho Nhà Thỏ thành cỏ rác hay xác chết bị mất tích hoặc trôi lềnh phềnh trong cơn lũ. Đó là lý do Hội Nhà Thỏ chọn chủ yếu những câu thơ bát âm, nỉ non khóc như khóc hờ đám ma? Lừng danh là người chỉ biết lên gân và cười đầy hào khí như Tố Hữu mà Nhà Thỏ lại chọn câu thơ sụt sùi như “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi/ Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên” thì đã rõ ý đồ của Nhà Thỏ. Nhà Thỏ thả thơ trong nỗi niềm đau đớn, sợ hãi hoặc lấy thơ làm vàng mã lót đường cho một cuộc di quan của một đám tang mang tầm quốc gia mà chính các nhà thỏ làm đoàn người xếp hàng đi khóc mướn.

Trả tiền cho cuộc khóc mướn này, tôi tin là không nhỏ!
Tôi dành thời gian nói về tiêu chuẩn hay.
Vẫn biết lấy một câu thơ ra khỏi văn bản chẳng khác gì móc đôi mắt người đẹp bỏ ra đĩa, không chừng sẽ thành một cục thịt nhầy nhụa. Nhưng không phải không có những câu thơ rất trọn vẹn về tứ, hình và ý gặp gỡ tự nhiên, hình lung linh, ý sâu thẳm, tách hẳn ra vẫn hay, vẫn đẹp.

Như câu thơ của Đặng Dung khắc tạc vào non sông hình ảnh tráng sĩ mài gươm dưới trăng đến bạc đầu, bi thiết mà hào hùng: “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma”.

Như câu thơ của Xuân Diệu tạo hình nỗi cô đơn và bi kịch của phận người, tưởng bé nhỏ mà thành lớn lao cao cả: “Trái đất ba phần tư nước mắt/ Đi như giọt lệ giữa không trung”.

Ngây thơ như cậu bé Trần Đăng Khoa cũng có những câu thơ rất hay về mẹ Việt Nam, đời thường bình dị nhưng chứa đựng cả hồn thiêng sông núi: “Một đời đi gió đi sương/ Bây giờ mẹ lại vịn giường tập đi”, “Nắng mưa từ những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan”…

Trong danh sách 50 nhà thơ được thả lên trời, trừ một số nhà thơ tào lao, đa số đều có những câu thơ hay như tôi vừa dẫn. Nhưng thật bất ngờ, 50 câu thơ được thả ấy không khác những con chim bị Hội Nhà Thỏ đi săn nhốt nhiều ngày, ốm đói rồi phóng sinh để nhón tay làm phúc. Và thật vô phúc cho tất cả những nhà thơ có tên trong danh sách ấy. Người chưa từng đọc những nhà thơ này sẽ thốt lên, rằng thơ như vậy mà thành nhà thơ được sao?

Đại thi hào Nguyễn Du thì được chọn một câu thơ rất sến ngang tầm mấy ông thầy cúng làm ra để tế cô hồn: “Nỗi lòng đau đớn lạ thường/Mặt trời vàng úa vì thương kiếp người”.

Từ các ông cổ điển Trần Nhân Tông, Trần Nguyên Đán, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Tản Đà… cho đến các ông hiện đại như Hồ Chí Minh, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật… thì được chọn những câu thơ rất sáo. Những trường hợp Trần Nhân Tông, Trần Nguyên Đán không ai lấy thơ đánh giá sự nghiệp hay nhân cách của họ nên chọn thơ hay hoặc dở không thành vấn đề, chọn câu nào hoặc không chọn cũng chẳng sao. Nhưng nổi tiếng ngông nghênh, kiêu bạc như Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, lãng mạn đa tình như Tản Đà trong thi ca Việt mà chọn những câu này thì khác nào dìm hàng họ xuống ngang hàng mấy cô đào hát ả đào, hát cải lương hay hát xẩm:

“Kim cổ miên man tình đất nước/ Sao mình làm mãi một thi ông” (Cao Bá Quát), 

“Thương thay người ở đôi quê/Nẻo đi thì nhớ, nẻo về thì thương” (Nguyễn Công Trứ), 

“Ngày ngắn, đêm dài, đêm lại sáng/Đêm qua ai có bạc đầu không?” (Tản Đà)…
Những câu thơ thế này mà gọi là thơ sao:

“Vĩnh viễn chim ca, vĩnh viễn nắng cười/ Vĩnh viễn anh yêu em như yêu sự thật” (Xuân Diệu), 

“Lịch sử thế kỷ hai mươi là lịch đường rừng/Thế kỷ mới chính là đường cao tốc” (Phạm Tiến Duật)?

Chế Lan Viên có không ít những câu thơ mà tứ thơ đạt đến sự lung linh của hình tượng và chiều sâu của trí tuệ, cảm xúc, nhưng Hội Nhà Thỏ lại chọn câu triết lý về thơ theo lối tự sướng và rất bông phèng: “Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật/Một giọt mật thành, đòi vạn chuyến ong bay”. Triết lý về thơ như vậy thì nói ngược cũng được: “Nhà thơ như con thỏ biến trăm rau thành một cứt/ Một cứt thành, con thỏ chạy cong đuôi”.

Nhiều người vì lý do chính trị mà tìm cách hạ bệ thơ Hồ Chí Minh chứ theo tôi, trong Nhật ký trong tù và ngoài tập Nhật ký trong tù, có những câu không ở mức tầm thường. Chẳng hạn, lấy câu này trong bài "Tân xuất ngục học đăng sơn" cũng đảm bảo một phong cách Hồ Chí Minh, cổ kính trang nghiêm mà lãng mạn đời thường, cao vời mà sâu thẳm, rất gắn với chủ đề “sông núi trên vai”: “Bồi hồi độc bộ Tây Phong lĩnh/Dao vọng Nam thiên ức cố nhân”.

Còn lấy câu: “Việc nước việc quân bàn đã dứt/ Bên song tựa gối ngủ cùng trăng” thì loại trừ tính chất thời sự (rất phi thơ) “việc quân việc nước” lớn lao của Cụ, tứ thơ ngủ cùng trăng rất cũ; nếu nói tứ ấy thấm đẫm tinh thần lạc quan hay yêu thiên nhiên thì cách nói “ngủ khách sạn ngàn sao” mà mọi người vẫn hay đùa vui có lẽ thú vị hơn.

Làm thơ ắt có câu dở câu hay. Phải chăng Hội Nhà Thỏ cố tình chọn toàn câu thơ dở của nhà thơ đã chết để đặt bên cạnh những câu thơ rất dở, nhạt hơn nước ốc của những của nhà thỏ đang sống, hàng không ai biết tên tuổi như Hồng Thanh Quang, Mai Liễu, Nguyễn Hữu Quý, Đinh Thu Vân, Lê Thành Nghị, Văn Đắc, Phạm Đức, Phạm Hồ Thu… để đánh đồng cá mè một lứa? 

Câu thơ của Hồng Thanh Quang lãng nhách: “Trên cánh đồng của tôi mùa ấu thơ đã hết/những luống rạ khô như một giấc mơ vàng”. Mơ làm bò ăn rơm à? 

Câu thơ của Trần Cao Sơn đứng trước mồ liệt sĩ, tỏ ra trang nghiêm thành kính mà đùa cợt như bọn trẻ trâu: “Hương cháy lên tắt đi rồi lại cháy/ Các anh cứ trẻ măng khi nhân loại đã già”. Liệt sĩ chết bao nhiêu năm rồi mà vẫn chưa trưởng thành à? 

Câu thơ của Phạm Đức triết lý về cái tôi như kẻ dở hơi: “Mỗi ngày tôi luyện thành tôi mỗi ngày”. Định nhại cụ Tố Hữu “Bốn nghìn năm ta lại là ta…” à?

Đối chiếu giữa thơ của các nhà thơ đã chết với thơ của các nhà thỏ đang sống bâu quanh anh Thỉnh, phải chăng Hội Nhà Thỏ định dìm hàng nhà thơ lớn để được nổi danh?
Tôi hình dung anh Thỉnh lại sẽ nói, cảm nhận thơ hay dở là chủ quan cá nhân, phức tạp lắm, giống như anh biện luận cho qua chuyện về tiếng Anh hiện đại vậy. Vậy thì để cho khách quan, tôi dựa vào bình xét của một nhà thơ, chị Phạm Hiền Mây, người có nhiều bài thơ vào hàng khá của thơ đương đại. Chị Mây cho rằng, trong số 50 câu thơ đó, chị thích nhất câu thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và của giáo sư Lê Trí Viễn. Thích là một chuyện, còn hay hay không phải thẩm định bằng phân tích khoa học. Mà khoa học thì có đối chứng khách quan chứ không múa loạn cào cào như đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn khi bình chữ “và” trong cụm từ “núi và sông”, rằng nhờ chữ “và” ấy mà núi và sông như múa lên và quấn quýt trên vai nghệ sĩ.

Nguyễn Trọng Tạo có nhiều câu thơ tài hoa, nhưng tôi dám chắc câu thơ: “Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi” chẳng có gì hay. Anh định nói nghìn năm trôi nhanh như cái chớp mắt hay định nói cái chớp mắt dài như nghìn năm? May chăng cái nghĩa thứ hai trong phạm trù tình yêu thì có mới, chứ nghĩa thứ nhất triết lý về thời gian thì xưa như quả đất. Mà tôi tin anh viết ở nghĩa thứ nhất vì bài “Đồng dao cho người lớn” ấy không có ý nào nói về tình yêu.

Câu thơ của cụ Lê Trí Viễn thì tôi xin cúi đầu thành kính cáo lỗi cụ và những người sùng tín người thầy của nhiều thế hệ thầy trước. Thoạt đầu tôi tưởng đó là câu văn xuôi khi giảng văn cụ tếu táo cho vui: “Đêm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng, Nguyễn Du tắt bớt trăng và vặn thấp ngọn đèn”. Không ngờ câu văn xuôi ấy nằm trong một bài thơ tứ tuyệt có tên “Đêm ấy, đêm này”:

Đêm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng
Nguyễn Du tắt bớt trăng và vặn thấp ngọn đèn
Anh đến với em đêm thần tiên ấy
Trăng với đèn chuếnh choáng hơi men.

Tôi nói ngay với chị Phạm Hiền Mây, câu thơ này không đúng tinh thần Truyện Kiều và nhuốm sự dâm ô phàm tục. Sự thật, trong văn bản Truyện Kiều, khi Kiều “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình”, trời có tối hơn cho Kiều lén lút trên đường tìm giai: “Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần”. Nhưng đến khi bước vào sân nhà, lúc chàng Kim “Vội mừng làm lễ rước vào” thì “Đài sen nối sáp song đào thêm hương”, tức đèn được khêu lên to hơn, và trăng cũng sáng lên lồ lộ: “Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai miệng một lời song song”. 

“Tắt bớt trăng và vặn thấp ngọn đèn” hồi nào? Bịa, tán bừa. Đèn sáng, trăng soi như vậy thì khi dù “Sóng tình dường đã xiêu xiêu/ Xem trong ong bướm có chiều lả lơi” cũng không thể mần ăn chi được. Cho nên Kiều mới nghiêm khắc với mình và với chàng Kim: “Đã cho vào bậc bố kinh/ Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu”. Đèn sáng, trăng soi cùng với lễ giáo đã tạo ra khoảng cách thanh lọc, biến chuyện trai gái đời thường phàm tục thành tình yêu thánh thiện, sáng trong. Một quan hệ thẩm mỹ như vậy làm sao có thể tưởng tượng dâm ô phàm tục? 

Thiên tài Nguyễn Du là tạo nên cái nghịch lý khoảng cách gần mà xa của tình yêu, khác với Nguyễn Đình Chiểu minh họa giáo điều lúc Lục Vân Tiên gặp Kiều Nguyệt Nga: “Khoan khoan ngồi đó chớ ra/ Nàng là phận gái ta là phận trai”. Nếu cho rằng câu thơ của cụ Lê Trí Viễn hay thì có chăng là câu cụ giễu cợt Nguyễn Du, nhưng xét đến cùng đó chỉ có thể là sự giễu cợt vô duyên, không thể hay hơn bọn trẻ trâu giễu cợt cụ Nguyễn Đình Chiểu: “Vân Tiên ngồi dưới gốc môn/ Chờ cho trăng lặn bóp lồn Nguyệt Nga”!

Cuối cùng, tôi muốn nói đến sự ngu dốt và cẩu thả hết cỡ khi Hội Nhà Thỏ bứt râu ông nọ cắm cằm bà kia ngay trong trường hợp Nguyễn Xuân Sanh với câu thơ:

Hoàng hôn ngựa cuốn cầu vồng lụa
Ngàn mây tràng giang buồn muôn đời

Thỉnh, Thiều và cả ngàn hội viên Hội Nhà Thỏ trả lời cho tôi xem, các ông các bà đã moi móc ở đâu ra cái câu thơ trên của Nguyễn Xuân Sanh?

Vểnh tai thỏ lên tôi trả lời cho mà nghe nhé. Câu “Hoàng hôn ngựa cuốn cầu vồng lụa” nằm ở cuối bài “Nhạc rừng Việt Bắc”:

Gặp gỡ trời xanh trên núi cũ
Hoa cười Hà Nội sáng duyên mây
Hoàng hôn ngựa uốn cầu vồng lụa
Cũng hẹn về đây những phố đầy.

“Uốn” chứ không phải “cuốn”. Không phải sai chính tả hay lỗi thằng đánh máy mà do dốt đặc về thơ, không biết hình ảnh “Hoàng hôn ngựa uốn cầu vồng lụa” là gì.
Không có câu “Ngàn mây tràng giang buồn muôn đời” nào cả ở bài “Nhạc rừng Việt Bắc” mà chỉ có câu “Ngàn mày tràng giang buồn muôn đời” nằm ở khổ thứ ba bài thơ “Buồn xưa” nổi tiếng trong Xuân thu nhã tập:

Buồn hưởng vườn người vai suối tươi
Ngàn mày tràng giang buồn muôn đời
Môi gợi mùa xưa ngực giữa thu
Duyên vàng da lộng trái du ngươi.

Không phải “mây” mà là “mày” (chân mày) trong hệ thống của trường liên tướng “vai”, “môi”, “ngực”, “da”. Đã dốt đặc thơ tả thực mà đòi thưởng thức thơ tượng trưng mới ra nông nỗi này!
Tóm lại, Hội Nhà Thỏ đã không chỉ ngu về từ loại - cú pháp - ngữ nghĩa tiếng Việt (xem bài trước), dốt đặc về thơ ca, mà còn cố tình dìm hàng các nhà thơ bằng đủ các trò chọn thơ dở, xuyên tạc, làm méo mó ngôn ngữ và thơ Việt để quảng bá ra nước ngoài.

Một đời dạy văn của tôi, tôi có mắng học sinh lười học nhưng chưa bao giờ dám chửi học sinh ngu hay dốt, vì không chỉ phạm luật mà còn vì học sinh ngu hay dốt là do thầy. Nhưng với Hội Nhà Thỏ mỗi năm tốn bao nhiêu tỉ đồng dân nuôi, tự hào là tinh hoa văn hóa của dân tộc, tôi phải chửi thẳng!

Với tư cách là một thầy dạy văn có trách nhiệm bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt và đền thiêng của thi ca dân tộc, tôi đề nghị theo cách của triết gia Plato, hãy trục xuất ngay lập tức Hội Nhà Thỏ ra khỏi vương quốc cộng hòa lý tưởng của chúng ta!

FB Chu Mộng Long

50 CÂU THƠ THẢ TRONG NGÀY THƠ VIỆT NAM 2019


Trời trong như nước trăng vằng vặc
Giấc mộng xuân tràn dưới bóng hoa
Trần Nhân Tông
Ba vạn quyển vàng vô dụng cả
Yêu dân chẳng trót, bạc phơ đầu
Trần Nguyên Đán
Image result for NGÀY THƠ VIỆT NAM 2019
Nỗi lòng đau đớn lạ thường
Mặt trời vàng úa vì thương kiếp người
Nguyễn Du
Kim cổ miên man tình đất nước
Sao mình làm mãi một thi ông
Cao Bá Quát
Thương thay người ở đôi quê
Nẻo đi thì nhớ, nẻo về thì thương
Nguyễn Công Trứ

Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường
Bà huyện Thanh Quan

Ngày ngắn, đêm dài, đêm lại sáng
Đêm qua, ai có bạc đầu không?
Tản Đà

Việc nước việc quân bàn đã dứt
Bên song tựa gối ngủ cùng trăng
Hồ Chí Minh

Nỗi niềm chi rứa Huế ơi
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên.
Tố Hữu

Hương xoan thơm mát chiều hè thịnh
Hương tím hay là mộng của cây
Huy Cận

Cái không mất thường ở trong nước mắt
Nguyễn Đình Thi

Em xa vời thảng thốt một làn mây
Việt Phương

Bố mẹ chỉ có những kỷ niệm
Để lại sau lưng, như một suối hương dài
Chính Hữu

Hoàng hôn ngựa cuốn cầu vồng lụa
Ngàn mây tràng giang buồn muôn đời
Nguyễn Xuân Sanh

Trưa đang đứng, còn đời mình đang chín
Giọt nắng vàng như mật sáng rưng rưng...
Bằng Việt

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
Lưu Quang Vũ

Chỉ có thơ
Làm lẽ phải thầm lặng
Nguyễn Khoa Điềm

Dạ hương biến hóa tài tình
Hương bay một nẻo hoa rình một nơi
Vũ Tú Nam

Tiếng ve đỏ mà trời xanh lắm
Những gay gắt hồn ta đằm thắm
Thanh Thảo

Bâng quơ một tiếng chim đêm
Mà lưu bao nỗi niềm riêng ngang trời
Trần Nhuận Minh

Mây đi vắng trời xanh buồn rộng rãi
Sông im dòng đọng nắng đứng không trôi
Anh Thơ

Vĩnh viễn chim ca, vĩnh viễn nắng cười
Vĩnh viễn anh yêu em, như yêu sự thật
Xuân Diệu

Trăng non như một cánh diều
Trẻ con phất dối thả liều lên mây
Nguyễn Bính

Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật
Một giọt mật thành, đòi vạn chuyến ong bay
Chế Lan Viên

Lịch sử thế kỷ hai mươi là lịch đường rừng
Thế kỷ mới chính là đường cao tốc
Phạm Tiến Duật

Tôi cay đắng tôi tột cùng hạnh phúc
Tôi cháy lên đâu phải để cho mình
Tô Hà

Những đám mây đã chở con qua dâu bể cuộc đời
Dương Kiều Minh

Dẫu ở đâu ta vẫn con của núi
Cảm ơn cây rừng giữ vía cho ta
Mai Liễu

Nâng lên sóng biển xô vào chén
Đặt xuống thì trăng lại rót đầy
Nguyễn Ngọc Oánh

Cát đi mãi chẳng thành đường
Tôi đi theo lối mẹ thường hát ru
Nguyễn Hữu Quý

Trúc xanh đốt ngắn đốt dày
Đốt thời gian ở trên tay mình cầm
Nguyễn Văn Hiếu

Trên cánh đồng của tôi mùa ấu thơ đã hết
những luống rạ khô như một giấc mơ vàng
Hồng Thanh Quang

Hương cháy lên tắt đi rồi lại cháy
Các anh cứ trẻ măng khi nhân loại đã già
Trần Cao Sơn

Image result for NGÀY THƠ VIỆT NAM 2019

Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi
Nguyễn Trọng Tạo

Đêm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng
Nguyễn Du tắt bớt trăng và vặn thấp ngọn đèn.
Lê Trí Viễn

Gió nổi lên rồi con tàu đang chuyển động.
Lửa ở nơi không có dấu chân người
Trần Anh Thái

Nhận khẩu súng, núi xa gần lại
Mỗi ụ mối, gốc cây cũng Tổ quốc mất còn
Ngô Minh

Ta nuôi, nuôi trẻ trung trở lại
Biển xanh tươi như một nỗi đợi chờ
Trần Nhật Lam

Mắt quen nhìn thấy núi
Nên hồn xanh như rừng.
Tạ Văn Sỹ

Mỗi mỏm núi một người cầm súng
Y Phương

Cầu cho những lá đang xanh
Biết nương cuối rễ đầu cành mà tươi.
Lệ Thu

Mỗi ngày tôi luyện thành tôi mỗi ngày
Phạm Đức

Mầu hoa chẳng chịu lặng im
Lẫn vào sỏi đá thắp nghìn nén hương
Nguyễn Việt Chiến

Thủy chung còn một xóm nghèo
Người về tìm những thương yêu kiếp người
Lã Ngọc Khuê

Nhặt mưa nhặt nắng dãi dầu
Đem về mà ghép muôn mầu phận ta
Đặng Cương Lăng

Nói thương người lính trong tem
Chính là thương lắm người bên cạnh mình
Đinh Thu Vân

Trời Thanh Hóa là cái vó
Mà lúc nào cũng vớt được tôi lên
Văn Đắc

Áo dài bay cây đứng ngẩn bên đường
Lê Thành Nghị

Những đường chỉ tay dằng dịt các dòng sông
Cho con người về với cội nguồn
Từ Quốc Hoài

Tự tình yêu là nước mắt
Tự tình yêu là khúc ca
Phạm Hồ Thu

http://baovannghe.com.vn/50-cau-tho-tha-trong-ngay-tho-viet-nam-2019-18804.html?fbclid=IwAR3LRDl2NLrqckEbTcMDKMb8YK6zkTZdjU_Fqo37cESvP2gDT6VJqQ2fgpg

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tư tưởng Tập Cận Bình là gì?


Nguồn: Steve Tsang, “What is Xin Jinping Thought?”, Project Syndicate, 05/02/2019.
Biên dịch: Tăng Gia Phong | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Vào tháng 10/2017, tại Đại hội toàn quốc lần thứ 19, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa vào Điều lệ Đảng một học thuyết chính trị mới: “Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa Xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”. Trong bối cảnh một Trung Quốc hiện đại hóa nhanh chóng đang là một nhân tố lãnh đạo toàn cầu, người ta dễ bác bỏ học thuyết này như là một sự tuyên truyền mang tính đảng đã lỗi thời. Nhưng làm vậy sẽ mang lại những rủi ro nguy hiểm.
Năm tháng sau khi Điều lệ Đảng được thay đổi, Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội Trung Quốc) đã bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước, đồng nghĩa với việc trừ khi có một biến động chính trị lớn, Tập Cận Bình – người vẫn khỏe mạnh, cường tráng ở tuổi 65 – có thể duy trì chức vụ chủ tịch nước thêm 20 năm nữa. Học thuyết cùng tên với ông vì thế sẽ định hình sự phát triển và cách Trung Quốc tham gia vào toàn cầu trong nhiều thập niên tới, và có lẽ là xa hơn nữa.
Theo một nghĩa nào đó, việc đưa tên và tư tưởng của Tập Cận Bình vào Điều lệ ĐCSTQ mang đến cho ông địa vị ngang hàng với Mao Trạch Đông – người cha lập quốc của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cũng như Đặng Tiểu Bình – kiến trúc sư của tiến trình hiện đại hóa Trung Quốc. Đây cũng là hai nhà lãnh đạo duy nhất được đề cập đến trong Điều lệ Đảng. Điều đó, cùng với sự bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ, khiến nhiều người lập luận rằng Tập Cận Bình là nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất kể từ thời Mao.
Nhưng, cho dù có thật như vậy đi nữa, điều này cũng không có nghĩa là Tập đang cố gắng khôi phục lại chế độ toàn trị kiểu Mao. Mặc dù Tập có một cách nhìn tích cực hơn nhiều về quá khứ của Trung Quốc dưới thời Mao so với bất kỳ nhà lãnh đạo nào khác kể từ sau Đặng Tiểu Bình, nhưng ông ta không phải là một người theo chủ nghĩa Mao.
Thay vào đó, cách tiếp cận về phương thức quản trị của Tập Cận Bình gần giống với Lưu Thiếu Kỳ – Chủ tịch nước đầu tiên của Trung Quốc dưới thời Mao, người hết lòng với Chủ nghĩa Lê-nin và đã tích hợp một số tư tưởng Khổng Giáo một cách chọn lọc để xây dựng một nhà nước độc đảng theo kiểu Trung Quốc. Với Lưu, Đảng là then chốt; ngược lại, với Mao, sau cùng thì Đảng có thể không phải là không thể thiếu được, như đã được chứng minh trong cuộc Cách mạng Văn Hóa – cuộc cách mạng mà trong đó bản thân Lưu Thiếu Kỳ cũng là nạn nhân. Không giống Mao Trạch Đông, người yêu thích sự hỗn loạn, Tập Cận Bình có cùng khát vọng với Lưu Thiếu Kỳ về thực thi sự kiểm soát thông qua ĐCSTQ, bộ máy mà ông ta kỳ vọng sẽ lãnh đạo – và ứng dụng Tư tưởng Tập Cận Bình vào trong tất cả các lĩnh vực: chính trị, quân sự, dân sự và học thuật.
Sự tương phản với Đặng Tiểu Bình thậm chí còn sâu sắc hơn. Công cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình được định hình bởi chủ nghĩa thực dụng và sự thử nghiệm nhằm xác định lối tiếp cận hiệu quả nhất đối với hiện đại hóa. Trong thập niên 1980, thậm chí từng có thời gian ngắn Đặng Tiểu Bình cân nhắc đến khả năng tách ĐCSTQ ra khỏi Nhà nước, tuy nhiên ông đã từ bỏ ý nghĩ trên sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.
Dù sao thì Đặng Tiểu Bình và những người kế nhiệm – Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào – đã tiếp tục mở cửa Trung Quốc với phương Tây, đồng thời sẵn lòng chấp nhận sự truyền bá trong giới hạn của một vài tư tưởng tự do. Đây không phải là điều Tập Cận Bình ủng hộ, khi những cam kết liên tục về cải cách triệt để bị phủ mờ bởi sự tái định nghĩa về những gì mà cải cách nên mang lại.
Tập Cận Bình xem các thử nghiệm chính trị hoặc giá trị tự do không phù hợp với Trung Quốc, đồng thời chối bỏ dân chủ hóa, xã hội dân sự, và nhân quyền phổ quát. Cải cách triệt để đồng nghĩa với củng cố kiểm soát ĐCSTQ, thông qua “chiến dịch chống tham nhũng”, cũng như kiểm soát quần chúng, bao gồm việc sử dụng các công nghệ tiên tiến được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo. Tập Cận Bình hy vọng rằng nền chuyên chế kỹ thuật số này sẽ ngăn các tư tưởng tự do và dân chủ không được bén rễ và truyền bá, ngay cả khi Trung Quốc duy trì sự kết nối với phần còn lại của thế giới. Công dân Trung Quốc có thể hưởng tự do trong tiêu dùng và đầu tư, nhưng không phải trong một xã hội dân sự hoặc tham dự vào các cuộc thảo luận công dân.
Điều hòa mâu thuẫn giữa việc mở cửa với quốc tế và kiểm soát nhà nước là điều tối quan trọng với Tập Cận Bình nếu muốn đạt được một mục tiêu chính trong học thuyết của ông: “làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại”. Một mặt, điều này đòi hỏi phải khơi gợi chủ nghĩa dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, để quần chúng đi theo sự ưu việt của ĐCSTQ và bản thân Tập Cận Bình. Những ai không đáp ứng được sự kỳ vọng này sẽ có thể bị giám sát và thậm chí bị gửi đến các trại cải tạo, giống như tại Tân Cương, nơi hàng trăm ngàn (hoặc nhiều hơn) người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo đang bị giam giữ.
Mặt khác, làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại đồng nghĩa với việc thể hiện quyền lực và vai trò lãnh đạo trên vũ đài thế giới. Sau nhiều thập niên tuân theo chỉ thị “thao quang dưỡng hối” của Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình tin rằng thời cơ của Trung Quốc đã đến.
Một cách để Tập hy vọng tăng cường vị thế toàn cầu của Trung Quốc là bằng cách đảm bảo rằng đất nước sẽ luôn tiên phong trong lĩnh vực công nghệ. Vì lý do đó, chính phủ hỗ trợ hết mình cho các công ty hàng đầu quốc gia trong các lĩnh vực tiên tiến, như được quy định trong Chiến lược “Made in China 2025” – điều mà các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là Hoa Kỳ, cho là không công bằng. Không phải ngẫu nhiên mà Hoa Kỳ đang nhắm đến Huawei – tập đoàn đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính phủ hơn bất kỳ doanh nghiệp nào khác tại bất kỳ quốc gia nào khác trong thời hiện đại.
Việc Canada quyết định tuân theo yêu cầu của Hoa Kỳ trong việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu – Giám đốc Tài chính Huawei – vì cáo buộc gian lận và vi phạm nhiều lần lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran, trong mắt Tập Cận Bình là không tôn trọng vị thế và lợi ích của Trung Quốc, và do đó đáng phải đáp trả tương xứng. Trung Quốc nhanh chóng giam giữ hai công dân Canada với cáo buộc “tham gia vào các hoạt động gây nguy hại an ninh quốc gia Trung Quốc”, và kết án tử hình một công dân Canada vì buôn lậu ma túy.
Mục tiêu của Tư tưởng Tập Cận Bình không phải là nhằm khởi động một cuộc chiến tranh lạnh với phương Tây, hoặc nhằm xuất khẩu mô hình chính trị Trung Quốc. Mà hơn hết, Tập Cận Bình muốn gia tăng uy quyền của nhà nước độc đảng này – cùng với mô hình chủ nghĩa chuyên chế của riêng ông ta – tại Trung Quốc, bao gồm cả việc đảm bảo rằng người dân Trung Quốc sẽ không được tiếp xúc với các tư tưởng dân chủ – tự do. Hiểu được điều này là rất quan trọng nếu thế giới muốn can dự hiệu quả với một Trung Quốc đang trỗi dậy ghê gớm.
Steve Tsang là Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc tại Trường nghiên cứu Phương Đông và Châu Phi, Đại học London.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bảy đại nguy cơ của Trung Quốc


KHẮC TRUNG, 01 Tháng 3 2019 - Có ý kiến cho rằng, trong dư luận xã hội Trung Quốc hiện nay đang lan truyền hiệu ứng “phùng cửu tất loạn”, “phùng cửu tất biến” (gặp năm có số cuối là 9 tất loạn, tất biến động), nên tầng cao Trung Cộng như chim sợ cành cong khi bước vào năm có số 9 năm 2019 này. (Năm 1949 xây dựng chính quyền Trung Cộng; năm 1959 xẩy ra nạn đói lớn trong 3 năm liền trên cả nước; năm 1969 xẩy ra cuộc chiến biên giới Trung - Xô; năm 1979 xẩy ra cuộc chiến xâm chiếm biên giới Việt Nam; năm 1989 xẩy ra vụ thảm sát Thiên An môn; năm 1999 mở đầu cuộc trấn áp Pháp luân công; năm 2009 xẩy ra sự kiện 7.5 Tây Tạng, Tân Cương; năm nay 2019 sẽ xẩy ra chuyện gì đang đồn đoán. Như vậy cứ 10 năm lại xẩy ra một sự kiện chính trị, xã hội lớn. Có thể nói, đó là qui luật lịch sử của Trung Cộng, chứ không phải là mê tín).

Một cảng hàng hóa ở Giang Tô, TQ tháng 7 2018. ẢNh TTXVN 
Trước thềm Xuân Kỷ Hợi - 2019, từ ngày 21 đến 24/01/2019, Tập Cận Bình triệu tập người phụ trách chủ yếu đảng chính quân các tỉnh thành khu tự trị toàn quốc về dự “lớp nghiên cứu chuyên đề ngăn chặn hóa giải nguy cơ lớn”. Trong phát biểu ý kiến tại “lớp nghiên cứu…”, Tập Cận Bình nêu lên “7 đại nguy cơ” mà Trung Cộng phải đối mặt: nguy cơ chính trị, nguy cơ ý thức hệ, nguy cơ kinh tế, nguy cơ khoa học công nghệ, nguy cơ xã hội, nguy cơ môi trường bên ngoài, nguy cơ xây dựng đảng. Trong 7 đại nguy cơ đó, thì 5 nguy cơ chính trị, ý thức hệ, xã hội, môi trường bên ngoài, xây dựng đảng, thực chất cũng là nguy cơ về chính trị. Đồng thời Tập Cận Bình lại buột miệng nói ra “cần vừa cảnh giác cao độ sự kiện “Thiên nga đen”, càng phải đề phòng phạm phải “tê giác xám”.


Nói như vậy là vì, cái gọi là nguy cơ ý thức hệ là chỉ Trung Cộng rất dễ bị các trào lưu tư tưởng khác như trào lưu tư tưởng dân chủ bùng lên, hoặc bị ảnh hưởng của tình hình Vênêzuêla gần đây, nên cấm các báo chí nhà nước, các trang mạng xã hội không được đưa tin!

Cái gọi là nguy cơ xã hội, là chỉ hiện nay đang nổi lên nhiều vấn đề dễ gây mất ổn định xã hội. Như các mặt yếu kém của kinh tế Trung Quốc, nhất là tình hình dịch lợn tràn lan cả nước hiện nay (Tết năm con Lợn, nhưng không được đưa tin, nói về con Lợn trong cả dịp Tết), hoặc tình hình làn sóng thất nghiệp, thải công nhân ở các khu công nghiệp, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng cam go, có nhiều cuộc tập họp đông người, nhất là hàng ngàn cựu chiến binh lên Bắc Kinh yêu cầu giải quyết chế độ chính sách…

Cái gọi là nguy cơ môi trường bên ngoài là chỉ quan hệ Mỹ - Trung đang xấu đi, cuộc chiến thương mại đang đi vào đối kháng toàn diện, tình trạng Trung Cộng ngày càng lâm vào thế cô lập trong quan hệ quốc tế.

Cái gọi là nguy cơ xây dựng đảng, là chỉ tình trạng các quan chức, đảng viên, tướng tá quân đội không nghe lời, không phục tùng, thậm chí hai mặt hai lòng không còn là cá biệt. Như hiện nay, ở nhiều nơi, người đứng đầu cấp ủy địa phương, cấp ủy bộ ngành, đơn vị quân đội, v.v… cũng làm theo Tập Cận Bình là tự xưng mình là “hạt nhân” lãnh đạo của cấp ủy đơn vị.

Vì vậy mà bốn mặt này đặt ngang với nguy cơ chính trị, còn lại hai nguy cơ:

Cái gọi là nguy cơ kinh tế, trong tình hình kinh tế đang trượt dốc mạnh, làn sóng công nhân thất nghiệp, xí nghiệp đóng cửa, dân chúng bất mãn sẽ nguy khốn đến chính quyền Trung Cộng. Bởi vì, từ vụ “lục tứ” (ngày 04/6) thảm sát tại quảng trường Thiên An môn năm 1989 đến nay, “tính hợp pháp” duy nhất của chính quyền Trung Cộng là được xây dựng trên cơ sở tăng trưởng kinh tế. Nhưng hiện nay, cái cơ sở duy nhất này đang lung lay, không thể không lo sợ.

Cái gọi là nguy cơ khoa học công nghệ là chỉ, với sự chế tài của Mỹ và phương Tây, các tập đoàn công nghệ cao như Huawei, Zte, Tấn Hoa, v.v… không cách gì giữ được vị thế chiếm lĩnh khoa học công nghệ cao đã có, từ đó không thể giúp Trung Cộng duy trì công trình “Thiên võng” (lưới trời) và công trình “Thiên nhãn” (mắt trời) dẫn đến đánh mất sự linh nghiệm, hiệu nghiệm lực khổng chế đối với 1,4 tỷ dân Trung Quốc và cả thế giới.

Kỳ thực hai mặt này, cũng là nguy cơ chính trị.

Cái gọi là sự kiện “Thiên nga đen” là chỉ sự kiện bất ngờ xẩy ra không lường trước được, với xác suất rất thấp nhưng gây chấn động rất lớn. Như cuộc chiến thương mại, cuộc chiến khoa học công nghệ đã gây sốc lớn đến các mặt chính trị, kinh tế, xã hội Trung Quốc mà trước đó không ngờ tới.

Cái gọi là sự kiện “Tê giác xám” là chỉ sự kiện nhìn bề ngoài có vẻ bình thường, yên ổn, nhưng lại ẩn chứa nguy cơ lớn. Như tình trạng bong bóng nhà đất, đồng nhân dân tệ mất giá nặng nề, vấn đề nợ công chồng chất, và nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng khác, cùng tác động cộng hưởng và chưa biết sẽ nổ tung lúc nào.

Không chỉ có thế, các chuyên gia, học giả phân tích thực trạng tình hình đã cho rằng Trung Quốc đang lâm vào thời điểm Minsky, do sự kiện “Thiên nga đen” và “Tê giác xám” cùng tác động sẽ gây ra.

Các đại nguy cơ đó, không phải một ngày, một tháng, một năm mà phát sinh được, mà là những vấn đề đã tích lũy trong quá trình dài, nhất là từ sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, có nhiều vấn đề hết sức cam go, đủ để cấu thành thách thức, xung đột với chính quyền Trung Cộng như:

1) Trong thời kỳ dài kinh tế nằm trong trạng thái sụt giảm dần. Trong 40 năm cải cách, tốc độ tăng trường từ trên 10% năm giảm dần, nay chỉ còn trên dưới 6%;

2) Phân phối thu nhập không công bằng và phân hóa giàu nghèo ngày càng trầm trọng;

3) Tập đoàn lợi ích quyền quí ngày một phát triển và ngoan cố. Hậu quả lớn nhất của cải cách mở cửa là đã hình thành những tập đoàn lợi ích đủ cỡ lớn bé. Phần lớn trong họ đã xuất hiện hình thức nhất thể hóa Quan Thương. Quyền lực thâm nhập toàn diện vào hoạt động kinh tế thương mại, đã hình thành cái gọi là chủ nghĩa tư bản quan gia hoặc quyền quí. Các chính sách và quyết sách của chính phủ phần lớn đều bị thế lực quyền quí này chi phối.

4) Nông thôn suy bại, thành thị lưu động. Trung Quốc vẫn là một xã hội kết cấu nhị nguyên, thể hiện trên nhiều mặt, nổi bật nhất là nông thôn ngày càng suy bại, lạc hậu, thành thị ngày càng phồn vinh, hiện đại. Nhưng cái “thành thị hóa” này là giả, không có nội dung thực chất, mà là tiến hành bằng sự trả giá tước đoạt nông thôn. Cư dân thành thị phần lớn là lưu động, không ổn định

5) Phân hóa xã hội và đối lập giai tầng. Không chỉ phân hóa và đối lập thành thị nông thôn, mà còn phân hóa và đối lập giữa quan với dân, giữa tầng lớp dưới dân thường với tầng lớp trên tinh anh, giữa các nhóm phái tư tưởng khác nhau với tầng lớp tri thức. Cố kết hóa tầng trên với tan vụn hóa tầng dưới. Sự xung đột va chạm giữa nội bộ mỗi tầng lớp. Tất cả dẫn đến ngày càng khó chỉnh hợp cả xã hội lại với nhau của nhà cầm quyền.

6) Chính trị mạng viễn thông. Sự xuất hiện mạng viễn thông đã làm thay đổi sinh thái xã hội Trung Quốc, nâng cao ý thức dân quyền trong dân chúng, đã hình thành “chính trị mạng” riêng có của Trung Quốc. Có mạng xã hội đã giảm các cuộc tụ tập đông người, nhưng không hề giảm sức ép của xã hội cư dân mạng đối với các vấn đề nóng bỏng của cuộc sống. Từ đó xuất hiện cuộc đấu tranh giữa khổng chế mạng và quyền tự do mạng ngày càng quyết liệt, đó cũng là vấn đề “chính trị mạng” riêng có ở Trung Quốc đang xuất hiện.

7) Mâu thuẫn Dân tộc, Tôn giáo ngày càng tăng. Vấn đề mâu thuẫn Dân tộc chủ yếu tập trung ở hai vùng Dân tộc lớn là Tây Tạng và Tân Cương vẫn tiếp tục căng thẳng. Còn vấn đề Tôn giáo (cả Thiên chúa giáo và Phật giáo) thì gần đây với chính sách Trung Quốc hóa tôn giáo của Tập Cận Bình, đã triển khai việc phá dỡ các biểu tượng của Tôn giáo như “chữ thập ác“, tượng chúa Giê su, cờ tôn giáo, thay vào đó buộc phải treo ảnh, tượng Tập Cận Bình, cờ 5 sao trong các nhà thờ Thiên chúa giáo. Các chùa Phật giáo cũng phải treo cờ 5 sao, ảnh Tập Cận Bình, dỡ bỏ tượng Phật, đưa tượng Khổng tử vào thay thế, gây xáo động lớn xã hội.

8) Thiếu sự đồng thuận giữa tham nhũng và chính trị trong xã hội. Tham nhũng vừa là hậu quả của lạm dụng quyền lực vừa là sự thất bại trị lý quốc gia của đảng cầm quyền. Đồng thời cũng đánh mất sự đồng thuận của công chúng đối với chính quyền, nhất là trong tình trạng tham nhũng của Trung Cộng đã mất kiểm soát như hiện nay.

9) Địa duyên chính trị đang ngày càng xấu đi. Với chính sách khuếch trương ra ngoài của Tập Cận Bình dẫn đến môi trường bên ngoài và địa duyên chính trị của Trung Quốc ngày càng tồi tệ, thậm chí đã tạo ra tứ bề thọ địch, Trung Cộng ngày càng bị cô lập, ngày càng tăng thù bớt bạn trên trường quốc tế.

Như vậy 7 đại nguy cơ và “Thiên nga đen”, “Tê giác xám” mà Tập Cận Bình nêu lên đều là “đại nguy cơ chính trị”. Nói “nguy cơ chính trị”, thực chất là “nguy cơ chính quyền”, “nguy cơ cầm quyền”, nhất là dễ xẩy ra cuộc “cách mạng màu”.“Đại nguy cơ này” rơi vào đầu ai ? Ai là chủ thể gánh chịu? Chính là đảng Cộng sản Trung Quốc (CSTQ), vị thế cầm quyền của Đảng CSTQ là chủ thể gánh chịu, chứ không phải là nhân dân Trung Quốc, càng không phải là quốc gia Trung Quốc. Trước tình hình như vậy, Tập Cận Bình không thể không lo, không thể không sợ.

Nhất là năm 2019 đối với Trung Cộng có nhiều ngày kỷ niệm quan trọng như, 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa, 100 năm phong trào “ngũ tứ”, 30 năm vụ thảm sát Thiên An môn … Hơn nữa, trong thời điểm cụ thể này lại là lúc các địa phương đang tiến hành “Hai Hội” (Đại hội Nhân đại và Đại hội Mặt trận), còn ở Trung ương, hội nghị TW4 đáng lẽ họp từ tháng 10/2018, nhưng vẫn chưa họp được, mà lại tổ chức “lớp nghiên cứu thảo luận” này là rất không bình thường, không có kế hoạch trước. Như vậy, đúng là trong tình thế quá nguy kịch, không thể không họp, càng không thể để lùi.

Có ý kiến cho rằng, phải chăng Tập Cận Bình đã được cơ quan tình báo báo cho biết tình hình Vênêzuêla, nên đã họp gấp, để củng cố tinh thần đội ngũ, cảnh giác với “cách mạng màu”, thế mà ngày họp lại đúng ngày xẩy ra tình hình Vênêzuêla. Cũng có ý kiến cho rằng, trong dư luận xã hội Trung Quốc hiện nay đang lan truyền hiệu ứng “phùng cửu tất loạn”, “phùng cửu tất biến” (gặp năm có số cuối là 9 tất loạn, tất biến động), nên tầng cao Trung Cộng như chim sợ cành cong khi bước vào năm có số 9 năm 2019 này. (Năm 1949 xây dựng chính quyền Trung Cộng; năm 1959 xẩy ra nạn đói lớn trong 3 năm liền trên cả nước; năm 1969 xẩy ra cuộc chiến biên giới Trung - Xô; năm 1979 xẩy ra cuộc chiến xâm chiếm biên giới Việt Nam; năm 1989 xẩy ra vụ thảm sát Thiên An môn; năm 1999 mở đầu cuộc trấn áp Pháp luân công; năm 2009 xẩy ra sự kiện 7.5 Tây Tạng, Tân Cương; năm nay 2019 sẽ xẩy ra chuyện gì đang đồn đoán. Như vậy cứ 10 năm lại xẩy ra một sự kiện chính trị, xã hội lớn. Có thể nói, đó là qui luật lịch sử của Trung Cộng, chứ không phải là mê tín).

Để ứng phó với các đại nguy cơ, tại lớp nghiên cứu, Tập Cận Bình nêu lên mấy tư tưởng chỉ đạo: vấn đề bảo đảm “an toàn chính trị” của chính quyền là số 1; phải có tư duy kiên trì ngưỡng cuối cùng; phải sẵn sàng bài tính xấu nhất; phải giữ vững 4 tự tin; hai bảo vệ, …

Nội hàm “an toàn chính trị” là gì ? Triệu Khắc Chí, Bộ trưởng Công an, tại Hội nghị Cục trưởng Công an toàn quốc ngày 17/01/2019 nói: “Kiên quyết bảo vệ an toàn chính trị quốc gia lấy bảo vệ an toàn chính quyền, an toàn chế độ làm hạt nhân, kiên quyết bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng CSTQ và chế độ xã hội chủ nghĩa nước ta”. Các nhà phân tích cho rằng, cảm giác không thật an toàn của chính quyền Tập Cận Bình tựa như chưa bao giờ nặng nề như thế, nói ra thật khó tin. Từ Đại hội 19 đến nay, có thể nói Tập Cận Bình đã leo lên đỉnh cao quyền lực, thế nhưng quá lạc sinh bi, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, kinh tế đi vào giá lạnh, khủng hoảng xã hội tứ bề, lòng dân ngày càng bất mãn, tập quyền cá nhân siêu cấp, đâu đâu cũng thấy nguy cơ. Cách đây không lâu, còn cao giọng Mỹ - Trung cần cùng nhau quản thế giới, thậm chí mới mấy tháng trước, đầy khí khái anh hùng “lấy răng đáp trả răng”, “sẵn sàng nghênh đánh đến cùng”, … thì nay lại đưa ra những ngôn từ khác thường đến thế.

Cho nên nói “an toàn chính trị”, thực chất là “an toàn hạt nhân chính trị”, mà “hạt nhân chính trị” là “nhất tôn” (bậc bề trên duy nhất) Tập Cận Bình. Để bảo vệ “nhất tôn”, ngay sau ngày kết thúc “lớp nghiên cứu…”, ngày 25/01/2019, Cục chính trị TW đã họp và ra hai văn kiện quan trọng. Văn kiện thứ nhất là “Ý kiến về Tăng cường xây dựng chính trị của Đảng”, nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của xây dựng chính trị của Đảng là “bảo vệ quyền uy và sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Trung ương Đảng”, “tổ chức Đảng các cấp và quảng đại đảng viên, cán bộ trước sau phải giữ vững sự nhất trí cao độ với TW Đảng lấy đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân, bảo đảm ý chí thống nhất, hành động thống nhất, nhịp đi thống nhất toàn Đảng tiến lên phía trước”. 


Văn kiện thứ hai là “Điều lệ thỉnh thị báo cáo sự việc quan trọng Đảng CSTQ” yêu cầu đảng viên các cấp Đảng CSTQ “phải thực hiện đúng việc thỉnh thị báo cáo với TW”. Trước đây, tổ chức Đảng các cấp được phân cấp việc thỉnh thị báo cáo theo quyền hạn được phân cấp của mỗi cấp, thì nay tất cả việc thỉnh thị báo cáo đều thống nhất về TW, mà thực chất là về “Hạt nhân” của TW. 

Cũng có nghĩa là Tập Cận Bình không chỉ tập trung quyền lực về chức danh, vị trí, mà nay tiến thêm một bước cao hơn, có tính quyết định hơn là quyền được toàn Đảng thỉnh thị, báo cáo, cũng có nghĩa là, toàn Đảng không được tự do tùy tiện có ý kiến, có hành động nếu chưa thỉnh thị, báo cáo, chưa được Tập Cận Bình cho phép (Năm 1953, Mao cũng bắt đầu thực hiện quyền lực này). Đó là trên văn bản ghi như thế, còn trong thực tiễn phức tạp hiện nay của Đảng CSTQ và cả xã hội TQ, liệu có thực hiện được hay không lại là một chuyện khác.

Về tư duy “kiên trì giữ vững giới hạn (làn ranh, ngưỡng) cuối cùng”, “sẵn sàng bài tính trong tình huống xấu nhất” là thế nào? Trên văn bản chữ nghĩa không thấy nói rõ. Nhưng từ lịch sử cầm quyền của Trung Cộng sẽ hiểu rõ sự nhất quán về ý chí chính trị của kẻ đương quyền là “không tiếc lựa chọn mọi thủ đoạn để giữ vững chính quyền”. Cái gọi là “tư duy ngưỡng cuối cùng của Tập Cận Bình” là một thứ diễn đạt mới nhất về ý chí này, nói toạc ra là để giữ chặt ngưỡng chính trị cuối cùng của chính quyền Trung Cộng, Tập sẽ không thương tiếc đột thủng ngưỡng cuối cùng của đạo đức, văn hóa (như Mao đã làm cách mạng văn hóa, Đặng đã làm cuộc thảm sát Thiển An môn, gây chiến với Việt Nam …). 

Ngày nay rất nhiều người đều rõ, lô gích của nhân tính là, kẻ cầm quyền không bao giờ tự động buông quyền lực. Vấn đề là ở chỗ, Tập Cận Bình để giữ chặt chính quyền Trung Cộng, hoặc chỉ là để bảo vệ quyền vị cá nhân sẽ đột phá mức nào, đi bao xa về làn ranh cuối cùng đạo đức? Hiện nay, xem ra ý nguyện của Tập là muốn đi rất xa, ít nhất là xa hơn nhiều so với ý nghĩ của nhiều người vốn từng nghĩ đến. Chính vì tham vọng lớn lao, mà Tập đã nhiều lần vượt qua làn ranh cuối cùng, và đã phạm không ít sai lầm chiến lược quan trọng về đối nội, đối ngoại, dẫn đến đã làm tăng khả năng xẩy ra một cuộc “cách mạng màu”. 

Nhưng Tập Cận Bình và những người thuộc “quân nhà Tập” không nghĩ vậy, mà lô gich của họ là: nếu anh không tỏ ra tư thế “thà để tôi phụ người thiên hạ, chứ không để người thiên hạ phụ tôi” thì đã xẩy ra nhiều chuyện rồi. Đằng sau kiểu tư duy này là ẩn chứa lợi ích nhóm cực lớn và căn nguyên lịch sử, văn hóa và xã hội sâu sắc. Từ khi Tập lên nắm quyền, Tập đã phá vỡ nhiều giới hạn cuối cùng của thời Giang, Hồ nắm quyền, vậy tới đây, liệu Tập có dám vượt qua ngưỡng cuối cùng đạo đức như Mao, Đặng không? Nhiều ý kiến cho rằng, nay thời đại đã khác, sự lựa chọn của Tập chịu sức ép của ngoại bộ và cả nội bộ là không hề nhỏ, không hề yếu ớt. Nếu Tập làm liều, thì Tập sẽ là người bị thảm bại trước tiên.

Từ những góc nhìn như trên để thấy, những đại nguy cơ mà Tập nêu lên là có thật, và không đứng im, không hề giảm, mà đang ngày càng mở rộng, càng cam go hơn. Những lo lắng, khủng hoảng, tâm trạng bất an của Tập và tầng cao Trung Cộng hiện đang ngày càng nặng nề cũng là sự thật. Những tư tưởng, giải pháp, bài thuốc của Tập đưa ra để hóa giải các đại nguy cơ là không tương ứng với trọng bệnh cũng là sự thật. Con bệnh không khỏi bệnh, nhưng không chết, vẫn sống ngắc ngoải một thời gian, có lẽ cũng là sự thật trong bối cảnh hiện nay./.

Hà Nội, 10/02/2019

(Nguồn : Tổng hợp từ ý kiến các nhà phân tích trong và ngoài Trung Quốc trên các trang mạng Apolo, BBc, Apple, Đại kỷ nguyên, Boxun,… trong 2 tháng qua). 

http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhin-ra-the-gioi/bay-dai-nguy-co-cua-trung-quoc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quanh việc VietJet mua 100 máy bay Boeing của Mỹ


BBC - Hai hãng hàng không Việt Nam Vietjet và Bamboo Airways mới đây đã k‎ý hợp đồng mua hơn 100 máy bay của hãng Boeing trị giá hơn 15 tỷ đôla. Trong đó riêng Vietjet mua 100 chiếc. Thương vụ diễn ra trong thời điểm Thượng đỉnh Trump-Kim lần hai được tổ chức tại Hà Nội từ 27-28/2. Reuters bình luận rằng lễ ký kết diễn ra khi Trump đang ở Việt Nam sẽ góp phần thắt chặt quan hệ kinh tế và quân sự giữa hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam. Ảnh: Tổng thống Donald Trump gặp CEO VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo hôm 27/2 tại Phủ Chủ tịch nhân sự kiện hãng này mua 100 máy bay Boeing

Bài báo trên Reuters cũng cho hay VietJet - một hãng hàng không tư nhân - thường nhân dịp các Tổng thống Mỹ tới Việt Nam là 'trưng' ra các đơn hàng 'khủng' mua máy bay của Hoa Kỳ. Hãng này trước đây đã ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737 MAX thân hẹp khi cựu Tổng thống Mỹ Obama sang Việt Nam, bài báo trên Reuters cho hay. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của VietJet Air nói với Reuters là bốn máy bay trong 100 chiếc nói trên sẽ được trao cho Việt Nam vào cuối năm nay.

Lần này, khi Tổng thống Trump sang Việt Nam, VietJet ký hợp đồng sẽ mua thêm 100 máy bay Boeing 737 MAX trị giá gần 13 tỷ đô la. Thương vụ này đã được thỏa thuận vào năm ngoái tại the Farnborough Airshow.

Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ, trong quyết định cho phép các hãng hàng không Việt Nam bay đến Mỹ lần đầu tiên, và mã hóa với các hãng hàng không Hoa Kỳ, tuyên bố tuần trước rằng Việt Nam tuân thủ các tiêu chuẩn hàng không quốc tế.

VietJet cho biết họ đã lên kế hoạch mua các máy bay thân rộng để mở đường bay đến các thành phố có cộng đồng người Việt lớn ở Hoa Kỳ, chẳng hạn như ở California.

Ngoài VietJet, hãng hàng không Bamboo của ông chủ Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cũng ký hợp đồng mua 10 máy bay Boeing 737 thân rộng. và đang đàm phán để mua 25 máy bay Boeing 737 thân hẹp, theo Reuters.

Thương vụ này là một phần trong chiến lược của chúng tôi nhằm mở rộng hoạt động ra thị trường quốc tế, bao gồm cả việc bay đến Hoa Kỳ và Châu Âu, ông Quyết nói với Reuters.

Boomboo Airways dự kiến mở đường bay quốc tế vào quý hai năm nay tới Japan, South Korea, Thái Lan và Singapore, và đường bay thẳng tới Mỹ vào cuối năm nay.

Năm ngoái, Bamboo Airways cũng đã đặt hàng 20 máy bay thân rộng Boeing 787 trị giá 5,6 tỷ đôla theo giá niêm yết.

Còn quá sớm?

Bản quyền hình ảnhGETTY IMAGES

Nhưng một nguồn tin giấu tên nói với Reuters là quá sớm để VietJet đặt hàng máy bay thân rộng.

Một nguồn tin khác thì cho hay 100 máy bay Boeing 737 MAX nói trên đã nằm trong sổ đặt hàng của hãng Boeing với tên người mua 'không xác định'.

Hãng Boeing cũng nói thương vụ mới nhất của VietJet đưa tổng số đơn hàng mua Boeing của hãng này lên tới 200 chiếc, bao gồm 80 chiếc thuộc mẫu 737 MAX 10 mới nhất của hãng.

VietJet đưa vào vận hành 385 chuyến bay mỗi ngày trong nội địa Việt Nam và tới các nước như Japan, Hong Kong, South Korea, Taiwan, Singapore, China, Thailand, Myanmar and Malaysia.

Tuy nhiên, các nhà phân tích ngành công nghiệp đã đặt câu hỏi liệu Boeing có giao tất cả các máy bay theo đơn đặt hàng khi mà ngành công nghiệp đã đạt đến đỉnh cao của giai đoạn tăng trưởng mở rộng.

Nhà Trắng ước tính tổng số tiền của thương vụ này khoảng 21 tỷ đô la.

Các thương vụ này sẽ giúp hơn 83.000 việc làm ở Mỹ và mang lại sự an toàn, tin tưởng cho các hành khách quốc tế và Việt Nam, phát ngôn viên Nhà Trắng cho hay.

Tại Thượng đỉnh Trump-Kim diễn ra vừa qua tại Đà Nẵng, ông Trump đã nhắc đến thương vụ mua Boeing của Việt Nam tại bữa ăn trưa, theo Reuters.

"Chúng tôi đánh giá rất việc quý vị đã [góp phần] làm giảm thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ, điều rất nhức nhối trước khi tôi đến đây, và hiện nay chúng tôi hạn chế nó bằng những đơn đặt hàng lớn như đơn hàng mà quý vị đã đưa ra hôm nay," ông Trump nói.

Vì sao mua nhiều thế?



Nhiều phân tích từ các cây bút trên mạng xã hội thu hút quan tâm của đọc giả khi tìm cách lý giải vì sao lại có thương vụ lớn như vậy vào thời điểm này.

Một trong các bài viết nói trên là của Facebooker Nguyễn Giang Nam thu hút hơn 3000 lượt likes và hàng ngàn lượt shares.

Lý giải vì sao ông Quyết và bà Thảo được cho là "không thể có chừng ấy tiền" "để mua đống máy bay đó", ông Nam viết:

"Trong hàng không có một nghiệp vụ được dùng khá phổ biến, đó là nghiệp vụ "sale and leaseback". Hãng hàng không mua máy bay của hãng sản xuất (Boeing và Airbus) rồi bán lại cho các hãng cho thuê máy bay với cam kết thuê lại chính các máy bay đó. Các hãng hàng không khi mua đạt số lượng thì sẽ luôn được Boeing, Airbus chiết khấu. Nếu số lượng đủ lớn và đúng dòng máy bay đang bán chậm thì mức chiết khấu khá cao. Giống như mua điện thoại Samsung giá niêm yết sẽ được tặng quà hoặc thối lại tiền."

"Tuy nhiên các hãng hàng không không thể kiếm được một số tiền lớn để mua máy bay. Thế nên các hãng này mới phải làm thêm nghiệp vụ "bán đi rồi thuê lại". Bán toàn bộ số máy bay vừa đặt mua cho một hãng chuyên cho thuê máy bay với giá niêm yết, xong ký hợp đồng thuê lại. Khi đó hãng hàng không "lời" ngay một số tiền hoa hồng đáng kể. Nếu mua nhiều thì "tiền lời" có thể lên đến cả tỉ đôla."

"Sẽ có bạn thắc mắc vậy thì mua càng nhiều, càng lời. Mấy hãng hàng không sao không mua luôn 1000 chiếc cho lời nhiều? Thực tế cái lời đó là lời giả. Bản chất chính là lấy lợi nhuận của tương lai ra mà ăn trong hiện tại..."

"Điều này lý giải tại sao VietJet và Bamboo Airways liên tục mua máy bay với số lượng khủng. VietJet đã đặt mua tổng cộng 250 máy bay trong khi hiện tại chỉ đang vận hành tổng cộng 64 máy bay. Bamboo ký mua 44 chiếc trong khi chỉ đang vận hành 6 chiếc.

Đặc biệt Bamboo Airways mua khá nhiều Boeing 787 là loại máy bay to bay đường dài, thường chỉ có hãng lớn, bay tuyến xa, nhu cầu lớn mới khai thác, trong khi Bamboo Airways thậm chí còn chưa được phép bay quốc tế. Lý do là vì dòng máy bay này tỉ lệ chiết khấu hoa hồng cao hơn mấy dòng máy bay kia. Và FLC có lẽ đang trong giai đoạn thiếu hụt vốn trầm trọng nên phải dùng Bamboo Airways để giải quyết nhu cầu vốn trước mắt".

Bản quyền hình ảnh NamNAM

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47411701

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Triều Tiên cảnh báo khủng hoảng lương thực, cắt giảm khẩu phần




An Ninh Thủ đô 23/02/19 11:07 GMT+7

Triều Tiên đã cảnh báo rằng họ đang phải đối mặt với sự thiếu hụt lương thực khoảng 1,4 triệu tấn trong năm 2019 và đã buộc phải giảm một nửa khẩu phần, trong đó nguyên nhân được cho là do nhiệt độ cao, hạn hán, lũ lụt và lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Bản ghi nhớ dài hai trang của phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc phát hành trước hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai vào tuần tới giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Washington đã yêu cầu Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân đe dọa Mỹ, trong khi Triều Tiên đang tìm cách dỡ bỏ lệnh trừng phạt, chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên chính thức và đảm bảo an ninh quốc gia.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên đã nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên kể từ năm 2006 trong nỗ lực bóp nghẹt tài trợ cho các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

“Chính phủ Triều Tiên kêu gọi các tổ chức quốc tế khẩn trương ứng phó để giải quyết tình hình thực phẩm” được nêu trong bản ghi nhớ của Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc.

Bản ghi nhớ cho biết sản lượng lương thực của Triều Tiên năm 2018 là 4,91 triệu tấn, giảm 503.000 tấn so với năm 2017. Liên Hợp Quốc xác nhận những số liệu này là dữ liệu chính thức của chính phủ cung cấp vào cuối tháng 1 và cho biết sản lượng lương thực của Triều Tiên bao gồm gạo, lúa mì, khoai tây và đậu nành.

Triều Tiên cho biết họ sẽ nhập khẩu 200.000 tấn thực phẩm và sản xuất khoảng 400.000 tấn hoa màu sớm, và từ tháng 1 sẽ cắt giảm khẩu phần hàng ngày xuống còn 300 gram, mỗi người từ 550 gram.

Các quan chức và các nhóm viện trợ của Liên Hợp Quốc ở Triều Tiên đã tham khảo ý kiến của chính phủ để hiểu thêm về tác động của tình hình an ninh lương thực đối với những người dễ bị tổn thương nhất để có hành động sớm nhằm giải quyết các nhu cầu nhân đạo của họ, người phát ngôn Liên Hợp Quốc ông Uh Stephane Dujarric cho biết hôm 21/1.

Ông nói rằng Liên Hợp Quốc và các nhóm viện trợ chỉ có thể giúp một phần ba trong số sáu triệu người được ước tính sẽ cần trợ giúp vào năm ngoái do thiếu kinh phí. Một báo cáo của Hoa Kỳ cho 111 triệu USD tài trợ trong năm 2018 chỉ có một phần tư được sử dụng, ông Dujarric nói.

Liên Hợp Quốc ước tính tổng cộng 10,3 triệu người - gần một nửa dân số - đang cần giúp đỡ nhân đạo và khoảng 41% người Triều Tiên bị suy dinh dưỡng, ông Dujarric nói.

Cùng với thời tiết khắc nghiệt, bản ghi nhớ của Triều Tiên cũng đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ vì đã hạn chế việc cung cấp nguyên liệu nông nghiệp và cản trở việc cung cấp nhiên liệu cho ngành nông nghiệp.

Đại diện đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại Triều Tiên Stephen Biegun cho biết hồi đầu tháng này, Hoa Kỳ đã nới lỏng các quy tắc về hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên và đang nỗ lực xóa bỏ sự tồn đọng của các phê chuẩn của Hoa Kỳ.

Viện trợ nhân đạo gần như dừng lại vào năm 2018 khi Hoa Kỳ tăng cường thực thi các biện pháp trừng phạt, mặc dù Liên Hợp Quốc đã tuyên bố các lệnh trừng phạt không nhằm gây hậu quả nhân đạo bất lợi cho dân thường.

Trong khi các lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an rõ ràng đã miễn trừ các hoạt động nhân đạo, song đã có những hậu quả không lường trước đối với các hoạt động nhân đạo, theo ông Du Duricric.

Nga đang xem xét việc gửi 50.000 tấn lúa mì viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên để giúp nước này đối phó với thảm họa thiên nhiên, hãng tin Interfax dẫn lời nhà lập pháp cấp cao của Nga Konstantin Kosachev cho biết vào tuần trước.

Bản ghi nhớ có vẻ giống như một thông điệp nói rằng “mặc dù các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc không ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, nhưng chúng ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế và sinh kế của người dân ngày càng tệ hơn. Vì vậy, sẽ rất tốt nếu các biện pháp trừng phạt được nới lỏng”.

Tuệ Minh (Theo Reuters)

Phần nhận xét hiển thị trên trang