"Năm bông hồng trắng" của nữ thi sĩ Đỗ Bạch Mai là một trong nhiều thành công của bà. Tình yêu của bà với chồng - nhà thơ Bế Kiến Quốc - chính là một tình yêu vĩnh cửu, kể cả khi ông đã đi xa.
Nhân ngày Valentine, xin chia sẻ với các bạn bài thơ "Năm bông hồng trắng" cùng câu chuyện tình yêu của tác giả, lời bình của PGS. TS. Nhà thơ Lê Quốc Hán và ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Phạm Tuyên với sự thể hiện của ca sĩ Thanh Lam.
Năm bông hồng trắng
Nói chuyện nho nhỏ
Bên bông hồng đỏ
Bên bông hồng xanh...
Bên bông hồng đỏ
Bên bông hồng xanh...
Trò chuyện cùng anh
Năm bông hồng trắng
Này bông xa vắng
Này bông nhớ thương
Bông này giận hờn
Bông này chờ đợi...
Năm bông hồng trắng
Này bông xa vắng
Này bông nhớ thương
Bông này giận hờn
Bông này chờ đợi...
Còn một bông cuối?
Còn bông cuối cùng
Em không dám nói
Còn bông cuối cùng
Anh không dám hỏi
Em không dám nói
Còn bông cuối cùng
Anh không dám hỏi
Còn một bông cuối
Dịu dàng tỏa hương
Dịu dàng tỏa hương
10. 10. 1984
Đỗ Bạch Mai
Tác giả chia sẻ về xuất xứ của bài thơ
Tôi thích cắm hoa. Hôm đó tôi mua 5 bông hồng trắng về cắm trong cái lọ nhỏ. Bế Kiến Quốc thấy tôi lúi húi cắm hoa, anh nhìn thấy đầy chất thơ, vì lúc nào anh ấy cũng lãng mạn, có biết đâu vợ vất vả thế nào. Anh ấy bảo: "Em làm thơ về 5 bông hồng trắng đi". Đó là lời động viên, cũng là lời thách thức.
Tôi chợt nhớ đến bài Bói hoa của Đoàn Lê. Tôi nghĩ để bài thơ sâu sắc thì mỗi bông hoa nên là một câu chuyện. Và thế là tôi bắt đầu:
"Nói chuyện nho nhỏ
Bên bông hồng đỏ
Bên bông hồng xanh
Trò chuyện với anh
Năm bông hồng trắng".
Có người thắc mắc vì sao lại là "bông hồng xanh". Thực ra bông hồng xanh chỉ là đơn giản là bông hồng còn non thôi".
Nữ thi sĩ còn nguyên cảm giác khi câu cuối cùng của bài thơ khép lại: "Mình run rẩy. Mình viết dễ như thế trước ông thầy của mình. Mình không đủ tự tin đó là một bài thơ nên hỏi chồng: "Anh thấy có phải một bài thơ không?". Chồng bảo: "Thơ đây chứ còn gì nữa". Đỗ Bạch Mai tổng kết: "Những bài thơ thành công bao giờ tôi cũng làm trong một sự run rẩy".
Bà viết "Năm bông hồng trắng" khi đã ngoài 30 tuổi.
Mối tình vĩnh cửu và xuất hiện một thi sĩ nhờ...ghen
Đỗ Bạch Mai nhớ về người chồng đã khuất trên mười năm vẫn rưng rưng: "Tình yêu của chúng tôi đẹp lắm, lãng mạn và lí tưởng, nếu không tin em cứ đọc thơ ông ấy viết cho tôi sẽ thấy". Một chi tiết đáng ghen tị: Đỗ Bạch Mai được nhà thơ Bế Kiến Quốc, viết tặng trăm bài thơ, trong khoảng thời gian hai người yêu nhau, chừng một năm, trước khi cưới. Bà xem mình hạnh phúc như En-xa, nữ văn sĩ Nga kiều diễm, người "tái sinh" cuộc đời Aragông, nhân vật khổng lồ của văn học Pháp thế kỷ XX.
Lý do khiến Đỗ Bạch Mai không đi bước nữa, vẫn ở vậy nuôi các con, sau khi nhà thơ Bế Kiến Quốc qua đời: "Cái bóng anh ấy sừng sững, làm sao tôi có thể quên đi để đến với người khác được". Tính tuổi âm, Bế Kiến Quốc chỉ hơn vợ một tuổi nhưng hai người là hai thế hệ thơ ca: Đỗ Bạch Mai là tiếng thơ sau 75, Bế Kiến Quốc là tiếng thơ thời chống Mỹ.
Trong đời sống, Đỗ Bạch Mai luôn coi chồng như người yêu, người anh, người thầy. Sẽ mãi mãi không có một thi sĩ Đỗ Bạch Mai, nếu bà không thành vợ Bế Kiến Quốc. Bà kể: "Tôi không nghĩ là mình sẽ làm thơ. Một ông lớn thế, nổi tiếng thế đã làm thơ, sao mình còn làm thơ nữa, rõ ngớ ngẩn. Chỉ đến lúc có sự cố về tinh thần thì tự nhiên thơ ở trong người".
Trong đời sống, Đỗ Bạch Mai luôn coi chồng như người yêu, người anh, người thầy. Sẽ mãi mãi không có một thi sĩ Đỗ Bạch Mai, nếu bà không thành vợ Bế Kiến Quốc. Bà kể: "Tôi không nghĩ là mình sẽ làm thơ. Một ông lớn thế, nổi tiếng thế đã làm thơ, sao mình còn làm thơ nữa, rõ ngớ ngẩn. Chỉ đến lúc có sự cố về tinh thần thì tự nhiên thơ ở trong người".
Thi sĩ không giấu chuyện xưa: "Anh ấy đi trại sáng tác ở Đồng Tháp, ở đó có một cô bé như hoa đồng nội, cũng kính nể và say mê thơ anh. Anh ấy yêu mến, cũng là tình cảm trong sáng thôi. Tôi đổ vỡ khi phát hiện ra chồng thư hai người gửi qua gửi lại. Trong đó có đoạn anh ấy viết cho cô ấy: "Nhỏ ơi, nhỏ đừng làm khổ anh nữa, anh phải nói với nhỏ rằng anh đã có một người vợ rất tuyệt vời, một người phụ nữ đôn hậu, hiền lành, thông minh, một con người sẵn sàng hi sinh tất cả cho chồng con”. Ấy là một lá thư từ chối. Nhưng tôi vẫn đau. Bà bắt đầu làm thơ, bài đầu tiên diễn tả cảm giác cô đơn giữa tiết trời mùa thu, trong đó những câu giận hờn:
"Bồng bềnh mây nước là anh
Vu vơ ngồi hát một mình là em".
Có những ngày bà làm 4, 5 bài thơ. Ngày ngày bận bịu với công việc ở Báo Văn nghệ, về nhà lại làm bánh quế lo chuyện áo cơm, vừa ngồi nướng bánh quế bà vừa làm thơ, nước mắt cứ chảy dài: "Có hôm nhà thơ Phạm Tiến Duật đến, đang thấy tôi chùi nước mắt, tôi đưa cho anh xem một bài thơ vừa viết xong. Anh bảo: Giời bắt mày làm thơ rồi". Còn chồng bà, nhà thơ Bế Kiến Quốc thường tâm sự với bạn bè: "Tôi rất sợ lấy vợ làm thơ nhưng đến lúc ấy, sự cố đến, thì tôi thấy Mai thực sự là một nhà thơ và tôi không thể ngăn cản được". Chồng bà thường nói đùa: "Nhờ cơn "Ăng-ghen" mà có thêm một nhà thơ". Trong cuộc sống đời thường, Bế Kiến Quốc luôn động viên vợ ngồi vào bàn viết, không để phí tài năng cùng sự ăn học của mình. Nhà thơ nghĩ đơn giản: "Viết xong em lấy nhuận bút". Nhưng Đỗ Bạch Mai đã quyết lùi lại để chồng tiến lên: "Tiền nhuận bút ấy không đủ sống. Thôi em lùi lại phía sau, vừa làm việc, vừa phấn đấu dần dần. Em quen chịu khổ rồi".
Bà kể: "Hồi đó bọn tôi mơ mộng, lí tưởng lắm. Tôi học tiếng Pháp nên sinh nhật anh tôi dịch tập thơ "Người làm vườn" của Tagore tặng anh". Với Đỗ Bạch Mai, tình yêu của Bế Kiến Quốc là món nợ tinh thần lớn, có đi hết đời bà vẫn không trả nổi: "Người ta tặng mình một bài thơ mình đã nhớ cả đời, đằng này anh ấy tặng tôi cả tập thơ. Khi chúng tôi gặp nhau, cả hai đã không còn trẻ, mỗi người đã trải qua vài mối tình. Nhưng khi hai người tìm thấy nhau, tình yêu mới vỡ òa, những gì đã qua trước đây chỉ như là cõi tạm. Trước khi mất, chồng tôi nói: Anh phải cần 20 năm nữa mới làm được hết dự định của mình. Tôi đau khổ vì không thể làm gì để có 20 năm đó cho anh nên bây giờ tôi phải sống bù cho anh, sống bù cho khát vọng của anh. Bởi vậy cái gì cần trước thì tôi làm trước. Bây giờ cuộc sống của các con mình chưa đầy đủ nên mình phải lo cho chúng đầy đủ".
Có những ngày bà làm 4, 5 bài thơ. Ngày ngày bận bịu với công việc ở Báo Văn nghệ, về nhà lại làm bánh quế lo chuyện áo cơm, vừa ngồi nướng bánh quế bà vừa làm thơ, nước mắt cứ chảy dài: "Có hôm nhà thơ Phạm Tiến Duật đến, đang thấy tôi chùi nước mắt, tôi đưa cho anh xem một bài thơ vừa viết xong. Anh bảo: Giời bắt mày làm thơ rồi". Còn chồng bà, nhà thơ Bế Kiến Quốc thường tâm sự với bạn bè: "Tôi rất sợ lấy vợ làm thơ nhưng đến lúc ấy, sự cố đến, thì tôi thấy Mai thực sự là một nhà thơ và tôi không thể ngăn cản được". Chồng bà thường nói đùa: "Nhờ cơn "Ăng-ghen" mà có thêm một nhà thơ". Trong cuộc sống đời thường, Bế Kiến Quốc luôn động viên vợ ngồi vào bàn viết, không để phí tài năng cùng sự ăn học của mình. Nhà thơ nghĩ đơn giản: "Viết xong em lấy nhuận bút". Nhưng Đỗ Bạch Mai đã quyết lùi lại để chồng tiến lên: "Tiền nhuận bút ấy không đủ sống. Thôi em lùi lại phía sau, vừa làm việc, vừa phấn đấu dần dần. Em quen chịu khổ rồi".
Bà kể: "Hồi đó bọn tôi mơ mộng, lí tưởng lắm. Tôi học tiếng Pháp nên sinh nhật anh tôi dịch tập thơ "Người làm vườn" của Tagore tặng anh". Với Đỗ Bạch Mai, tình yêu của Bế Kiến Quốc là món nợ tinh thần lớn, có đi hết đời bà vẫn không trả nổi: "Người ta tặng mình một bài thơ mình đã nhớ cả đời, đằng này anh ấy tặng tôi cả tập thơ. Khi chúng tôi gặp nhau, cả hai đã không còn trẻ, mỗi người đã trải qua vài mối tình. Nhưng khi hai người tìm thấy nhau, tình yêu mới vỡ òa, những gì đã qua trước đây chỉ như là cõi tạm. Trước khi mất, chồng tôi nói: Anh phải cần 20 năm nữa mới làm được hết dự định của mình. Tôi đau khổ vì không thể làm gì để có 20 năm đó cho anh nên bây giờ tôi phải sống bù cho anh, sống bù cho khát vọng của anh. Bởi vậy cái gì cần trước thì tôi làm trước. Bây giờ cuộc sống của các con mình chưa đầy đủ nên mình phải lo cho chúng đầy đủ".
(Theo Nông Hồng Diệu, bài đăng báo Tiền Phong)
Lời bình bài thơ "Năm bông hồng trắng" của nhà thơ Lê Quốc Hán
Số 5 có một vị trí đặc biệt trong đời sống tâm linh người phương Đông: bàn tay năm ngón, ngôi sao năm cánh, vũ trụ được tạo thành từ năm nguyên tố đầu tiên: kim, mộc, thủy, thổ, hỏa ứng với năm hành tinh trong hệ mặt trời.
Phải vì vậy mà nữ thi sĩ Đỗ Bạch Mai đã dùng hình ảnh "năm bông hồng trắng" để đặc trưng cho các cung bậc tình cảm của người trinh nữ trong phút trao yêu? Có xa vắng nhớ thương, có giận hờn chờ đợi. Tình cảm của họ đã được thử thách qua thời gian. Nhưng để vượt qua cái vạch cuối cùng giữa tình bạn và tình yêu, họ vẫn còn ngập ngừng e ngại. Câu thơ đứng tách một mình: còn một bông cuối? với một dấu hỏi lơ lửng giữa chừng như cố tình tạo ra một khoảng trống cả không gian lẫn thời gian để mỗi người lắng hồn lại, tìm thêm chút can đảm vượt qua cái vạch ngăn cách kia. Thế mà rốt cuộc: còn bông cuối cùng/ em không dám nói/ còn bông cuối cùng/ anh không dám hỏi. Phải vì họ còn quá trẻ, hay vì họ quá tế nhị, kín đáo? Và người có lỗi gây ra tình cảnh này không phải ai khác mà chính chàng trai, bởi vì dù bất cứ ở đâu, trong hoàn cảnh và thời đại nào người con gái cũng không bao giờ tỏ tình trước, huống chi người trinh nữ. May sao cô gái cũng mở ra cho chàng trai một con đường, một hy vọng: còn một bông cuối/ dịu dàng tỏa hương...
Bài thơ kể lại một chuyện tình kín đáo, duyên dáng, nhẹ nhàng mà xao động lòng người. Dù tác giả không cho ta biết câu chuyện xảy ra ở đâu, vào lúc nào nhưng ta vẫn linh cảm được nó xảy ra vào một ngày rất trọng đại: ngày lễ thánh Valentine hoặc ngày sinh nhật của cô gái, bởi xung quanh cô tràn ngập hoa hồng - loài hoa tượng trưng cho tình yêu: một bên hồng đỏ, một bên hồng xanh và ở giữa là năm bông hồng trắng. Hơi thơ như lời thủ thỉ tâm tình, ngắn gọn mà giàu tình cảm, thi thoảng đứt đoạn rất phù hợp với ngôn ngữ của người trinh nữ trước ngưỡng cửa tình yêu.
(Theo "Thơ trong ký ức", NXB Văn học, 2002).
Ca khúc của nhạc sĩ Phạm Tuyên từ bài thơ "Năm bông hồng trắng"
Bài thơ của thi sĩ Đỗ Bạch Mai đã được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc và trong đêm nhạc của Ông, ca sĩ Thanh Lam đã thể hiện ca khúc này. Xin mời các bạn xem video:
Phần nhận xét hiển thị trên trang