Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

Huyền thoại về siêu cường Trung Quốc


Tác giả: J.R. Dunn / Phạm Nguyên Trường dịch 
Thời Chiến tranh Lạnh người ta nói nhiều về sức mạnh vĩ đại của Liên Xô. Người ta bảo chúng ta rằng Liên Xô là siêu cường ngang hàng với Mỹ, thậm chí có thể còn hơn Mỹ. Biểu tượng này được cánh tả, tức là những muốn Liên Xô chiến thắng và những người theo chủ nghĩa hòa bình - hy vọng ngăn chặn chiến tranh trước khi nó có thể bắt đầu - truyền bá, và được đoàn quân khổng lồ những người theo phái tự do lặp lại vì họ nghe thấy hai nhóm người kia nói như thế. (Phần lớn chủ nghĩa tự do có thể được giải thích theo cách này. Đấy là ý thức hệ “Tôi nghe người ta nói thế”).


Không cần phải nói rằng đó là điều nhảm nhí được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Sự sụp đổ của Liên Xô cuối thập niên 1980 cho thấy Liên Xô chưa bao giờ là cường quốc - một nền kinh tế không sản xuất, vũ khí không hoạt động, dân chúng nghiện rượu và tuyệt vọng. “Nước Bulgaria với vũ khí hạt nhân”, một người nào đó đã mô tả nó như thế, và không thể nào chân thật hơn. Hiện nay cũng vẫn thế, mặc cho những lời thề thốt của Vladimir Putin, có khả năng là nó sẽ vẫn như thế trong tương lai có thể nhìn thấy được.

Người ta cũng đang sử dụng những ngôn từ tương tự như thế khi nói về Trung Quốc. Người ta bảo rằng Trung Quốc là quốc gia đang vươn lên. Chẳng bao lâu nữa nền kinh tế lớn thứ hai trên trái đất sẽ trở thành nền kinh tế hàng đầu. Một tỷ rưỡi người đều được học hành nhiều hơn bất kỳ người Mỹ nào khác; sức mạnh quân sự không thua kém ai, với những vũ khí tối tân mà chúng ta chỉ có thể há hốc mồm đứng nhìn. Một quốc gia đang thể hiện quyền lực trên Thái Bình Dương và đang đi vào Ấn Độ Dương, Châu Phi và Trung Đông mà không ai phản đối.

Chúng ta đã nghe những người như Thomas Friedman nói như thế, ông này đã dành phần lớn sự nghiệp của mình để tìm kiếm Mussolini của riêng mình. Các nhân vật sâu sắc hơn trên toàn phổ chính trị lặp đi lặp lại như thế. Trên thực tế, có thể nói mà không cường điệu rằng điều đó đã trở kiến thức chung của mọi người.

Hỏi rằng nó đúng đến mức nào là vô ích. Câu hỏi thích đáng là liệu nó có chứa một tí sự thật nào hay không.

Dù Trung Quốc có những sức mạnh nào, nước này có ba điểm yếu chết người, cả ba đều làm tê liệt, tất cả đều là những điểm yếu, không ít thì nhiều, đều do họ tự gây ra cho mình, bất kỳ người nào để ý cũng đều biết rõ. Nhưng trong các cuộc tranh luận hiện nay, cả ba điểm yếu này đều bị trình bày sai hoặc không được nhắc tới.

Trung Quốc Đại Dương Xanh (Blue China) - Đó là thuật ngữ Trung Quốc sử dụng để mô tả Biển Đông, mà họ tuyên bố - bất chấp luật pháp quốc tế - là lãnh thổ của Trung Quốc với lý do là tàu Trung Quốc đi qua đó trong suốt nhiều thế kỷ trước. (Sử dụng logic này, vùng biển Nam Cực là một phần của Connecticut, vì những người săn cá voi Mỹ đã lùng sục khắp khu vực này suốt thế kỷ XIX).

Thực tế là không có mảnh đất nào trong khu vực này để người Trung Quốc được yên – từ năm 2013, họ bắt đầu tạo ra chúng, họ sử dụng hàng chục tàu cuốc để bồi đắp các rạn san hô thành những hòn đảo có kích thước kha khá, chủ yếu là ở Trường Sa và Hoàng Sa. Rồi họ xây dựng các căn cứ quân sự, sân bay, lắp trạm radar và vị trí đặt tên lửa. Yêu sách của Trung Quốc chồng lấn quyền sở hữu của Philippines, Indonesia, Đài Loan, Brunei và Việt Nam. Không nước nào công nhận các tuyên bố đó.

Trung Quốc coi đây là một cuộc tập kích không bao giờ sửa lại được nữa - một thực tế mới của cuộc sống mà tất cả phải cúi đầu chấp nhận. Quan điểm của Trung Quốc vững như bàn thạch, tốt nhất là nhượng bộ.

Trên thực tế, Trung Quốc không xây dựng được nhiều pháo đài bất khả xâm phạm hơn là Nhật Bản từng xây dựng hồi trước Thế chiến II; mà nước này hiện đang gặp một loạt rắc rối. Trung Quốc đang thách thức hai quốc gia hàng hải giàu kinh nghiệm nhất trên trái đất là Mỹ và Nhật Bản (Trung Quốc cũng đã tìm cách thực hiện chiến lược tương tự ở vùng Biển Hoa Đông). Kế hoạch của Trung Quốc nhằm bảo vệ “Blue China”, được gọi là “chống xâm nhập khu vực” (area demial) - hải quân Mỹ sẽ làm những việc Trung Quốc muốn làm – tấn công dồn dập vào khu vực lắp đặt tên lửa của Trung Quốc. Trung Quốc không thể làm như thế. Bất kỳ cuộc xung đột nào cũng sẽ chấm dứt trong vòng 72 giờ và bất lợi cho Trung Quốc. (Riêng vấn đề này, điều gì sẽ xảy ra với những “hòn đảo” bằng cát nhân tạo này khi một trận cuồng phong thổi qua, thường là cứ vài năm lại có một trận?)

Trung Quốc có thể tiếp cận với các lân bang như một cường quốc thân thiện, quan tâm đến việc giúp đỡ họ khai thác tài nguyên trong khu vực, như Mỹ làm ở Tây bán cầu. Nước này có thể trở thành cực thứ hai trong cuộc cạnh tranh với Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, thể hiện thiện chí và thành lập các liên doanh hợp tác. Nhưng, các quốc gia trong khu vực lại đang phẫn nộ và sợ hãi (cụ thể là Việt Nam - Trung Quốc đã sát hại hàng trăm người Việt Nam trong khi xâm chiếm giữ khu vực này). Đó là cơ hội đã bị mất, không thể trở lại. Trung Quốc đã đơn phương tạo ra một trong những điểm nóng trong giai đoạn đầu thế kỷ XXI. “Đế chế” hàng hải của nước này được xây dựng trên cát.

Mất cân bằng dân số - “chính sách một con” của Trung Quốc là một ví dụ trên bình diện thế giới về những hậu quả không lường trước được. Kiểm soát dân số, được Đảng Cộng sản khởi xướng vào tháng 9 năm 1980. Chính sách này cấm gia đình có quá một con, trừ những hoàn cảnh đặc biệt. Chính sách này đi ngược lại những thành kiến từ lâu đời - ở Trung Quốc, cũng như ở hầu hết các nước châu Á, con trai được đánh giá cao vì cả lý do kinh tế lẫn tôn giáo. Phụ nữ lấy chồng không còn là người của gia đình, nghĩa là họ không ở nhà để chăm sóc cha mẹ già. Con trai phải giữ các truyền thống tôn giáo liên quan đến tổ tiên nhằm đảm bảo rằng đời sống ở thế giới bên kia được kính trọng và ổn định. (Việc này vẫn được thực hiện khá nghiêm túc, mặc dù Trung Quốc đã thực hiện chính sách vô thần trên phạm vi toàn quốc). Kết quả là hàng triệu bé gái bị thảm sát - phá thai và giết trẻ sơ sinh. Hiện nay, Trung Quốc công nhận số nam giới thừa là khoảng 4%, nhưng có thể cao hơn rất nhiều. Có nghĩa là hàng triệu đàn ông Trung Quốc sẽ không bao giờ lấy được vợ và, trong nhiều trường hợp, sẽ không bao giờ có bạn gái. Chắc chắn sẽ dẫn đến thất vọng, tức giận và biểu lộ bằng hành động.

Tác động khác là số người già quá đông, trong khi không có đủ người trẻ để nuôi họ, vấn đề an sinh xã hội làm lu mờ mọi vấn đề an sinh xã hội ở phương Tây.

Giải pháp của Trung Quốc dường như là đơn giản: Bắn bỏ những người yếu đuối và để cho những ông bà già chết đói. Dù thế nào, cũng có nghĩa là xã hội sẽ biến động dữ dội.

Tín nhiệm xã hội (Social Credit) – Vụ náo loạn tâm trí gần đây nhất của cộng sản Trung Quốc là hệ thống “Tín nhiệm xã hội” (shehui xinyong), không liên quan gì đến những đề xuất cùng tên về kinh tế của chủ nghĩa không tưởng hồi đầu thế kỷ XX. Theo hệ thống của Trung Quốc, mỗi công dân đều được cấp 1.000 “điểm tín nhiệm” và sau đó bị theo dõi trên mạng, theo dõi bằng thiết bị điện tử và xã hội. Bất kỳ hoạt động “phản xã hội” hoặc chống Đảng nào cũng đều bị trừ điểm tín nhiệm. Không bao giờ thêm. Khi điểm giảm xuống một mức nhất định thì sẽ bị phạt (Không rõ chính xác là mức nào. Cũng không rõ giá phải trả cho mỗi lần vi phạm là bao nhiêu, các chi tiết khác cũng tương tự như thế). Hình phạt bao gồm cấm đi máy bay và đuổi khỏi các trường học danh tiếng đến không cho truy cập internet.

Trung Quốc vận động bỏ qua chính sách này bằng cách so sánh với các chương trình khách hàng trung thành của phương Tây và khẳng định rằng chưa áp dụng trên toàn quốc. Trên thực tế, đó là khía cạnh tiêu biểu của chế độ cộng sản Trung Quốc, nới lỏng một thời gian trước khi siết chặt lại. Trong thập niên 1950, Mao tung ra chiến dịch “Trăm hoa đua nở”, khuyến khích phê phán Đảng, sau vài năm là Đại Cách mạng Văn hóa, những người phê phán bị bắn bỏ hoặc bị đầy tới sa mạc Gobi.

Dù muốn dù không, mọi tiến bộ - xã hội, khoa học, nghệ thuật - đều được thúc đẩy bởi những người không theo đảng phái nào như Beethoven, Tesla, Einstein, Patton, Kubrick, Trump... tất cả đều là những người theo chủ nghĩa cá nhân – khó tính, kiêu ngạo, hiếu chiến - những người đứng lên chống lại sức ỳ của xã hội, mà không cần quan tâm tới hậu quả. Câu chuyện của họ, từ Socrates trở đi, là câu chuyện của phương Tây. Với chương trình “Tín nhiệm xã hội”, Trung Quốc đang quay trở lại với thái độ sùng bái tình trạng ao tù nước đọng đã có tự ngàn xưa, dẫn đến những thảm họa lặp đi lặp lại hết lần này đến lần khác. Kết quả cuối cùng sẽ là xã hội phân tầng, hóa đá và tê liệt. Có bằng chứng cho thấy hiện tượng tê liệt đang xảy ra ngay trong lúc này.

Ngoài những khiếm khuyết này, Trung Quốc còn có hệ thống ăn cắp sở hữu trí tuệ trên phạm vi toàn thế giới, cướp bóc mọi truyền thống nghiên cứu và học vấn nghiêm túc. Chưa ở đâu nạn ô nhiễm môi trường lại cao đến như thế, nó tàn phá sức khỏe cộng đồng chưa từng thấy. nhưng mức độ khủng khiếp thì không thể nghi ngờ. Các tỉnh vùng Trung Á thường xuyên sẵn sàng nổi dậy. Hầu hết các lân bang của Trung Quốc, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ và Việt Nam đều có thái độ thù nghịch công khai với nước này.

Một số thất bại khó thấy hơn. Một nhà hàng nổi tiếng gần Bắc Kinh có khu ẩm thực nằm xung quanh một cái hố lớn, trong đó có những con sư tử, được cho ăn dê sống, cừu sống và các con vật nuôi khác để cho thực khách xem. Mức độ suy đồi vượt xa phương Tây (chỉ riêng khái niệm này đã làm rối loạn tâm trí rồi) và làm người ta nghĩ tới những vấn đề xã hội và tâm lý nghiêm trọng chưa được nhận thức, chứ chưa nói tới giải quyết.

Người ta bảo chúng ta rằng những vấn đề này đang được nhà lãnh đạo quốc gia, tương tự như Mao, nhưng có sức hấp dẫn và lôi cuốn của một người trẻ hơn giải quyết – xin đừng quên rằng đảng của ông ta được đưa từ dưới lên trên, với những bản sao theo lối vô tính của chính ông ta.

Những quan niệm sai lầm về Liên Xô làm cho Chiến tranh Lạnh kéo dài vô ích thêm hàng thập kỷ. Các quốc gia phương Tây, vì sợ sức mạnh không hề có của Liên Xô, đã uốn gối khom lưng trước Điện Kremlin, tạo điều kiện cho người Nga chểnh mảng hơn bất kỳ dân tộc nào khác trong lịch sử, và làm việc cật lực nhằm che đậy tội ác của Liên Xô. Mỗi khi Liên Xô bắt đầu lả đi là một đội cứu quân cứu thương phương Tây lại được phái đi để dựng nó dậy. Chỉ khi Reagan chấm dứt quá trình này, thì Liên Xô và hình ảnh nhân tạo của nó mới sụp đổ.

Nhìn lại, ta thấy rõ những điểm yếu của Liên Xô, nhưng khi đó rất ít người nhìn thấy chúng, và sự đồng thuận là ngớ ngẩn. Trung Quốc cũng có nhiều điểm yếu như thế, cùng với những thất bại mới mà người phương Tây thiếu trí tưởng tượng sẽ không bao giờ có thể nghĩ ra được. Dù có làm gì, chúng ta cũng không được lặp lại những sai lầm của thời Chiến tranh Lạnh.



Nguồn: Americanthinker

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nguyễn Trãi trước giờ tru di


Trần Mạnh Hảo
Trên đường pháp trường con dâu ta trở dạ
Tiếng cháu thét chào đời như tiếng nghìn chim lợn báo tang
Đội ơn vua ban tã lót
Để cháu khỏi bị chém trần truồng trên thớt!
Ôi con đường ba họ ta đến nơi thọ hình
Sao dài hơn đường mười năm Lam Sơn phò Thái Tổ
Ông Cao Xanh bỏ kinh thành về rừng xưa ở
Nơi vua lấy đất làm ngai, tình huynh đệ làm long bào
Nơi ta mót dần xã tắc cho vua như mót lúa
Chừng như ta đã đi con đường này từ Ải Bắc
Tiễn cha già hay đưa tiễn đời ta?
Đêm mưa đá, mưa tròng ngươi, mưa xuống nghìn con mắt
Ôi xã tắc
Con đường nào cũng dẫn đến pháp trường
Bàn tay chỉ đường nào cũng bàn tay đao phủ?
Thân tùng bách há phải thân mùng tơi
Mây trắng xưa ơi
Sao giờ toàn những đám mây mưng mủ?
Ta thương xã tắc không mất về tay giặc
Lại mất về tay bọn nịnh thần
Triều đình ai cũng là Lê Sát
Mắt thiên tử như Nam Hải đố ai lấp đầy giai nhân?
Luân thường đem gác gác bếp
Chỉ ba ông đầu rau nhìn thấy dân
Ôi Hàn Tín, Bành Việt, Phàn Khoái
Gió trung thần đang hú gọi hồn đi
Dưới vòm trời Lã Hậu
Mưa tru di đỏ rực gió lăng trì...
Vẫn biết vân cẩu bày trò sinh diệt chơi
Lịch sử cợt đùa sai đúng
Sao cứ quặn lòng nhìn đám trẻ lôi thôi
Đội ơn vua không trói chúng
Tội chết chém còn được vua ban đao phủ cõng
Giá chỉ mình ta chui qua lỗ nẻ giữa đất dày trời cao?
Ừ, mây mù vừa làm cỏ sạch trăng sao
Chợt gió dữ tru di mây trời từng đám
Mặt trời văng ra như đầu thánh hiền bị trảm
Sao phép nước dùng dao chém đại thần
Để chém trẻ sơ sinh?
Mai sau lấy gì chém sông núi?
Đầu người đang rụng quanh ta
Máu là nước lũ Hồng Hà dời non
Hồn ta là đứa trẻ con
Đi vào cõi chết vẫn còn ngu ngơ
Nỗi oan không chết bao giờ
Ta còn bị chém dọc bờ thế nhân...
Sài Gòn, tháng 9-1993

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2019



30 sinh viên Việt Nam mất tích tại Hàn Quốc - ảnh 1 
Người lao động nhập cư tại Hàn Quốc. (Ảnh không liên quan đến nội dung bài viết. Ảnh: Ryu Hyo-jin).

30 sinh viên Việt Nam mất tích tại Hàn Quốc

Pháp luật TP HCM
Thứ Bảy, ngày 12/1/2019

(PLO)-Đây là trường hợp chưa từng có tiền lệ tại trường Đại học quốc gia ở Hàn Quốc. 

The Korean Times tháng trước dẫn lời ban lãnh đạo trường Đại học quốc gia Gyeongsang (GNU) ở Jinju, tỉnh Nam Gyeongsang cho biết, 30 sinh viên Việt Nam đang theo học tại trường đã biến mất từ năm ngoái.

Theo GNU, 30 sinh viên trên nằm trong nhóm 300 du học sinh Việt Nam đăng kí chương trình học tiếng Hàn tại trường, tuy nhiên, nhóm này không theo học được một năm nay.



“Một số sinh viên Việt Nam trong khóa học ngôn ngữ đã ngừng việc học. Nhưng nhóm này cũng không bỏ đi theo nhóm. Nhà trường đã mất liên lạc và không nhận được bất cứ cuộc gọi nào từ họ”, lãnh đạo nhà trường thông tin.

Đây được xem là trường hợp chưa từng có tiền lệ tại các trường đại học quốc gia ở Hàn Quốc, nơi luôn có quy định chặt chẽ về việc tiếp nhận sinh viên nước ngoài.

GNU cho biết chưa thể xác nhận nhóm sinh viên có đi làm bất hợp pháp hay không nhưng không loại trừ khả năng này vì nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra tại các trường đại học tư.

“Các trường đại học đang hạn chế dần việc hỗ trợ visa do xảy ra trường hợp sinh viên bỏ học, ra ngoài làm việc bất hợp pháp. Chúng tôi sẽ tăng cường các tiêu chuẩn đầu vào năm học tới để kiểm soát chặt chẽ sinh viên nước ngoài nộp đơn theo học tại các khoa ngôn ngữ”, lãnh đạo nhà trường nói.

GNU cho biết sau sự việc này, nhà trường sẽ theo dõi chặt chẽ nhóm sinh viên Việt Nam nhập cảnh từ năm 2017. Bên cạnh đó, thay vì khoa ngôn ngữ, Đại học quốc gia Gyeongsang giao cho Văn phòng Hợp tác Quốc tế và Đối ngoại phụ trách sinh viên nước ngoài, không để tình trạng sinh viên bỏ trốn để làm việc bất hợp pháp.

GNU đang lên kế hoạch tư vấn cho sinh viên 2 lần mỗi kỳ và theo sát những người có biểu hiện nghi vấn, có thể sẽ biến mất trong thời gian nghỉ hè. Nhà trường cũng sẽ cung cấp học bổng, hỗ trợ tài chính cho du sinh viên học tập tại Hàn Quốc.

Tháng 12 năm ngoái, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra về việc sinh viên nước ngoài biến mất khi đang theo học tại khoa ngôn ngữ các trường đại học. Kết quả cuộc điều tra vẫn chưa được công bố.


Theo The Korea Times, Văn phòng xuất nhập cảnh đang phối hợp với Bộ giáo dục Hàn Quốc điều tra nơi ở của nhóm sinh viên Việt Nam này. 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thương chiến Mỹ-Trung và Tranh chấp Biển Đông


baomai.blogspot.com  

Khi xem xét và lý giải cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong bối cảnh trật tự thế giới mới, cần lưu ý mấy điểm cơ bản (làm hệ quy chiếu).

·        Thứ nhất, chiến tranh thương mại chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, nên xem xét nó trong một bối cảnh lớn hơn.

·        Thứ hai, xung đột về thương mại thực chất phản ánh xung đột về cơ cấu và hệ thống, nên rất nan giải, không thể hóa giải trong vài tháng.

·        Thứ ba, xung đột về thương mại gắn liền với xung đột về lợi ích chiến lược tại Biển Đông và tầm nhìn Indo-Pacific.

·        Thứ tư, tuy người Mỹ phân hóa và chia rẽ sâu sắc, nhưng hầu như tất cả cùng đồng thuận và ủng hộ Trump chống Trung cộng.

Năm mới có gì mới?

baomai.blogspot.com
  
Có người nói “năm mới lo lắng mới”. Thực ra, nên vừa mừng vừa lo, vì cơ hội và rủi ro luôn đan xen nhau. Người khôn thường biến nguy thành cơ, còn người dại thường biến cơ thành nguy (vì ngộ nhận và nhầm lẫn).

Ngày 7/1/2019, đàm phán thương mại Mỹ-Trung cấp thứ trưởng bắt đầu tại Bắc Kinh. Đây là cuộc đàm phán chính thức đầu tiên năm 2019, theo thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày. Đoàn Mỹ do phó đại diện thương mại Jeffrey Gerrish dẫn đầu, chắc phản ánh quan điểm cứng rắn của Robert Lighthizer (đại diện thương mại, phụ trách đàm phán với Bắc Kinh).

baomai.blogspot.com
  
Nếu đàm phán thương mại lần này (diễn ra trong 3 ngày) chưa có kết quả như mong đợi thì cũng dễ hiểu, không nên ngạc nhiên và thất vọng. Theo thông lệ, đàm phán cấp thứ trưởng thường chỉ là sơ bộ như trù bị để chuẩn bị cho lần đàm phán tiếp theo ở cấp bộ trưởng hoặc thậm chí cao hơn, lần tới khả năng sẽ diễn ra tại Washington vào cuối tháng này.

Lần đàm phán tới, dẫn đầu đoàn Trung cộng chắc là Lưu Hạc (phó thủ tướng, phụ trách kinh tế và Mỹ). Dẫn đầu đoàn Mỹ nhiều khả năng là Robert Lighthizer (được Trump chỉ định phụ trách đàm phán với Bắc Kinh). Nếu lần sau thất bại thì hậu quả mới nghiêm trọng. Tuy cả hai bên đều cần ngừng bắn để đàm phán, nhưng Trung cộng dường như cần hòa hoãn hơn là Mỹ.

baomai.blogspot.com
Tàu khu trục USS McCampbell của hải quân Mỹ hôm thứ Hai áp sát khu vực quần đảo có tranh chấp ở Biển Đông, nơi Bắc Kinh đã xây cất các công trình quân sự.

Cùng ngày (7/1/2019) Mỹ đã điều khu trục hạm USS McCampbell tuần tra trong khu vực 12 hải lý gần 3 đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa là Tree Island (đảo Cây), Lincohn Island (đảo Linh Côn) và Woody Island (đảo Phú Lâm). Đây là lần tuần tra FONOP đầu tiên năm 2019 như để dẫn chứng quy luật “vừa đánh vừa đàm” và “ngoại giao pháo hạm” của Mỹ.

Trong khi người phát ngôn của hạm đội Thái Bình Dương tuyên bố Mỹ thực hiện “quyền tự do hàng hải”, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung cộng gọi đây là một “hành động khiêu khích” của Mỹ, “vi phạm luật pháp của Trung cộng và quốc tế”. Nếu lần này Trung cộng chỉ cảnh cáo mà không điều chiến hạm tới chặn đường như với USS Decatur (30/9/2018), thì chứng tỏ Bắc Kinh không muốn gây căng thẳng với Washington vào lúc này.

baomai.blogspot.com
  
Dưới thời Trump, đây là lần tuần tra FONOP thứ 9. Ngoài Mỹ, đã có 8 nước đồng minh điều chiến hạm đến Biển Đông để tuần tra FONOP và tập trận (gồm Nhật, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Pháp, Anh, Canada). Tuy tần suất và tính chất FONOP có được tăng cường, nhưng giới nghiên cứu Biển Đông cho rằng vẫn chưa đủ. Theo Gregory Polling (CSIS) tuần tra FONOP “không đủ tác dụng ngăn chặn Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng trong vùng xám”. Theo một kết quả khảo sát gần đây, 2/3 số người được hỏi trong ASEAN cho rằng sự can dự của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á đã giảm sút, và 1/3 đã mất lòng tin vào Mỹ như một đối tác chiến lược để bảo vệ an ninh khu vực.

Thực trạng Biển Đông

baomai.blogspot.com
  
Biển Đông không chỉ là huyết mạch giao thông cho cả khu vực, mà còn giàu tài nguyên (dầu khí và hải sản). Tranh chấp tại Biển Đông chồng chéo phức tạp, không chỉ giữa các nước khu vực (về chủ quyền biển đảo), mà còn giữa các nước lớn (về lợi ích địa chiến lược). Tại Biển Đông, có nguy cơ Mỹ và Trung cộng bị xô đẩy vào “bẫy Thucydides”.

Suốt mấy thập niên qua, Mỹ đã ngộ nhận về Trung cộng, triển khai “can dự mang tính xây dựng” (constructive engagement) với ảo tưởng Trung cộng “trỗi dậy hòa bình” như một mô hình “dân chủ hóa”. Nhưng kết cục Trung cộng đã trở thành một quái vật “Frankenstein” (như lời Nixon). Nay người Mỹ tỉnh ngộ thì đã quá muộn, nên chính quyền Trump đang tìm cách lật ngược bàn cờ.

Khi thấy Trung cộng lớn mạnh, Tập Cận Bình quyết định từ bỏ kế sách “dấu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, theo đuổi “Giấc mộng Trung Hoa” và kế hoạch “Made in China 2025”. Tại Biển Đông, Trung cộng áp đặt “đường lưỡi bò” để bành trướng và bắt nạt các nước láng giềng, không cho họ khai thác dầu khí và đánh cá tại vùng biển của mình.

baomai.blogspot.com
  
Đồng thời Trung cộng triển khai chương trình “Vành đai và Con đường” để thao túng các nước nghèo bằng “bẫy nợ”, mà thủ tướng Malaysia Mahathir gọi là chủ “nghĩa thực dân kiểu mới”. Trung cộng đã từng bước kiểm soát Biển Đông theo kế sách “tầm ăn dâu” như “việc đã rồi” (fait accompli), và tìm mọi cách gạt Mỹ ra khỏi khu vực Biển Đông.

Có thể nói chiến lược của Trung cộng tại Biển Đông khá thành công. Trung cộng từ chỗ không có gì tại Biển Đông, nay họ đã chiếm được Hoàng Sa và một phần Trường Sa. Trung cộng đã áp đặt “đường lưỡi bò”, bất chấp luật quốc tế (UNCLOS và phán quyết của PCA). Trong mấy năm qua, Trung cộng đã ráo riết bồi đắp và quân sự hóa các đảo họ chiếm được thành các cứ điểm quân sự mạnh để kiểm soát Biển Đông như cái ao riêng của họ.

baomai.blogspot.com
  
Chính quyền Trump đang tìm cách lật ngược thế cờ bằng cuộc chiến thương mại, có thể trở thành một cuộc chiến tổng lực về kinh tế. Ngừng bắn chỉ là một khoảng lặng tạm thời. Cách đây mấy tháng (30/9/2018) Mỹ đã ký với Mexico và Canada Hiệp định tự do thương mại USMCA (thay thế NAFTA). Trong đó, điều 32.10 là “liều thuốc độc” nhằm cô lập Trung cộng (có nền kinh tế “phi thị trường”). Mỹ sẽ cài điều khoản “thuốc độc” này vào các hiệp định thương mại sẽ ký với các đối tác khác (như Nhật và Tây Âu).

Theo Reuters, năm 2017 nguồn vốn từ Trung cộng đầu tư mạo hiểm vào các dự án khởi nghiệp tại Silicon Valley đã tăng lên 3 tỷ USD. Nhưng từ 8/2018 khi Mỹ áp dụng quy chế mới để ngăn chặn Trung cộng thâu tóm các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ, tình thế đã đổi chiều.

Theo khảo sát của Reuters tại 35 công ty khởi nghiệp của Mỹ, các khoản đầu tư mạo hiểm của Trung cộng đã chững lại. Dường như các nhà đầu tư Trung cộng đang tháo chạy khỏi Silicon Valley.  Đây là một dấu hiệu bất ổn cho triển vọng “Made in China 2025”.

Các bước ngoặt tại Biển Đông

baomai.blogspot.com
  
Tháng 1/1974, Trung cộng chiếm Hoàng Sa, nhưng Mỹ vì bắt tay với Trung cộng đã không can thiệp để bảo vệ đồng minh. Tháng 3/1988, Trung cộng chiếm mấy đảo Trường Sa, nhưng Liên Xô (đóng quân tại Cam Ranh) đã không can thiệp để bảo vệ đồng minh. Ngày 8/4/2012, Trung cộng chiếm bãi cạn Scarborough của Philippines, nhưng Mỹ (dưới thời Obama) cũng không can thiệp để bảo vệ đồng minh. Đó là vài dẫn chứng lịch sử.

Có lẽ vì vậy mà Trung cộng đã dám đưa dàn khoan HD981 đến vùng biển của Việt Nam ở Biển Đông (5/2014) để khoan dầu bất hợp pháp, gây ra cuộc khủng hoảng mới tại Biển Đông, làm người Việt Nam bị sốc và buộc phải xích lại gần Mỹ. Đó là một bước ngoặt chiến lược, làm quan hệ Việt-Trung xấu đi, trở thành “nửa bạn nửa thù” (frenemy).

baomai.blogspot.com
  
Tháng 7/2017 và tháng 3/2018, Trung cộng đã hai lần đe dọa không cho Việt Nam và hãng Repsol (Tây Ban Nha) khoan dầu khí tại vùng thềm lục địa của mình ở bãi Tư Chính, lô 136-03 và lô 07-03 (mỏ Cá Rồng Đỏ), buộc Repsol phải bỏ cuộc. Trong lần đối đầu đó, Trung cộng đã điều mấy chục tàu đến khu vực bãi Tư Chính để gây áp lực và đe dọa sẽ tấn công các vị trí của Việt Nam tại Trường Sa, nếu không dừng khoan dầu khí tại đây.

Có thể coi sự kiện đó là khủng hoảng Biển Đông lần thứ hai, tiếp theo vụ dàn khoan HD981. Đến nay không những Repsol (Tây Ban Nha) phải bỏ cuộc, mà Rosneft (Nga) và ExxonMobil (Mỹ) cũng phải hoãn kế hoạch khai thác khí tại Biển Đông, do sức ép ngầm của Trung cộng. Trong khi ExxonMobil phải hoãn kế hoạch khai thác tại mỏ khí Cá Voi Xanh (12/2017) thì  Rosneft cũng phải hoãn kế hoạch khai thác tại mỏ khí Lan Tây (2018).

baomai.blogspot.com
  
Gần đây, trong khi trả lời phỏng vấn chương trình Hugh Hewitt (11/10/2018), cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton đã tuyên bố “Mỹ sẽ tăng cường khai thác tài nguyên tại Biển Đông dù Trung cộng có hợp tác hay không. Họ nên biết là không thể làm chuyện đã rồi. Đây không phải là một tỉnh của Trung cộng, và không bao giờ”. Tuy Bolton không giải thích cụ thể, nhưng chắc mọi người đều hiểu Bolton đang muốn nói tới điều gì tại Biển Đông.

Ngày 10/10/2018, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu với tỷ lệ áp đảo (87/10) thông qua Đạo luật Chuẩn chi Quốc phòng NDAA (National Defense Authorization Act), với kinh phí $716 tỷ (cho 2019), so với $640 tỷ (cho 2018). Với ngân sách đó, chính quyền Trump hy vọng có đủ nguồn lực để đầu tư vào các chương trình quốc phòng mới, như phát triển năng lực chiến tranh không gian (space warfare), tên lửa tầm trung, máy bay và tàu chiến thế hệ mới, để tăng cường sức mạnh răn đe nhằm đối phó với Trung cộng tại Biển Đông và Indo-Pacific.

Bàn cờ mới, luật chơi mới

baomai.blogspot.com
  
Trong mấy năm qua, tình hình Biển Đông có lúc nóng lên làm quan hệ Trung-Việt khủng hoảng khi Trung cộng đưa dàn khoan HD981 vào Biển Đông (5/2014), và ráo riết bồi đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Biển Đông với quy mô lớn. Nhưng cũng có lúc Biển Đông tạm lắng xuống một thời gian, như khoảng lặng trước cơn bão mới. Nhưng chưa bao giờ Trung cộng từ bỏ tham vọng kiểm soát Biển Đông (như cái ao của mình). Thỏa thuận đàm phán về COC của Trung cộng chỉ là chiến thuật hoãn binh nhằm xoa dịu các nước ASEAN. Lập trường cứng rắn hơn của Việt Nam về COC phản ánh một tư duy mới trong ASEAN.

Ngày 31/12/2018, Trump đã ký sắc lệnh ban hành “Đạo luật Sáng kiến Trấn an châu Á” hay ARIA (Asia Reassurance Initiative Act), sau khi được Hạ Viện thông qua với số phiếu áp đảo, và được Thượng Viện thông qua với số phiếu tuyệt đối 100%. Đây là một đồng thuận cao không chỉ giữa hai đảng, mà còn giữa Chính quyền và Quốc hội, với cam kết $1,5 tỷ (2019-2023) cho khu vực, ưu tiên hỗ trợ đồng minh (ASEAN) và “Bộ tứ” (Quad) gồm Mỹ-Nhật-Úc-Ấn (coi Ấn Độ là “đối tác quốc phòng chính”, và tăng cường hỗ trợ Đài Loan. Trong năm 2019, chắc Biển Đông và Đài Loan sẽ nổi lên như hai điểm nóng, trong khi Triều Tiên nguội bớt.

baomai.blogspot.com

Theo Carl Thayer, ARIA là “chiến lược ngoại giao chặt chẽ đầu tiên của Mỹ cho khu vực”, được cả hai đảng trong Quốc hội  ủng hộ và đồng thuận, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, coi trọng các giá trị Mỹ trong chính sách đối ngoại, buộc Trump có trách nhiệm thực hiện, báo cáo Quốc hội hàng năm, đề xuất và xem xét lại các chiến lược để đạt mục đích của ARIA.

Nói cách khác, ARIA coi trọng hơn các biện pháp chính trị, ngoại giao, và cam kết tài chính cụ thể, để tăng cường mạng lưới đồng minh và đối tác (cả song phương và đa phương) trong khu vực Indo-Pacific. Trong khi tranh chấp Mỹ-Trung có thể diễn biến khó lường, ARIA có tầm nhìn chiến lược lâu dài và ổn định. Dù ai làm tổng thống Mỹ cũng phải tuân thủ luật mà Quốc Hội đã ban hành. Đối với Việt Nam, ARIA tái khẳng định các văn bản hợp tác song phương quan trọng, như tuyên bố về Đối tác Toàn diện năm 2013, tuyên bố về Tầm nhìn Chung về Quan hệ Quốc phòng 2015, tuyên bố về Tầm nhìn Chung năm 2017…

ARIA là một “thông điệp kép” cảnh báo Trung cộng, tiếp theo sự kiện Quốc hội thông qua dự luật CAATSA (Countering America’s Adversaries Through Sanctions Act, 8/2017), và dự luật BUILD Act (Better Utilization of Investment Leading to Development, 10/2018), lập ra quỹ phát triển quốc tế USIDFC (US International Development Finance Corporation). Quỹ USIDFC được Mỹ lập ra để đối phó với sự trỗi dậy của Trung cộng, nhằm đối trọng lại sáng kiến BRI và AIIB, để giúp các nước tránh “ngoại giao bẫy nợ” của Trung cộng.

baomai.blogspot.com  
Vào ngày 31/12/2018, tức là ngày cuối cùng của năm, tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký ban hành bộ luât Sáng Kiến Trấn An Châu Á – Asia Reassurance Initiative Act gọi tắt là ARIA - định hướng một cách rõ ràng chính sách Châu Á mới của Mỹ. 

Là một công cụ tài chính mới, BUILD Act cam kết tài trợ $60 tỷ cho quỹ USIDFC (trong 7 năm), gấp đôi $29 tỷ của quỹ đầu tư OPIC (Overseas Private Investment Corporation). Tuy con số này còn khiêm tốn so với $60 tỷ mà Trung cộng cam kết sẽ tài trợ riêng cho Châu Phi, nhưng Mỹ hy vọng quỹ đầu tư USIDFC là một mô hình mới tốt hơn mô hình BRI của Trung cộng. Nếu chính quyền Trump kết hợp được ARIA với BUILD Act thì Mỹ sẽ có một khuôn khổ chiến lược toàn diện hơn cho khu vực Indo-Pacific. Với nguồn lực mới này, Mỹ cam kết giúp các nước khu vực xây dựng các dự án hạ tầng hiện đại như hải cảng, sân bay, đường bộ và đường sắt, hệ thống ống dẫn dầu và đường truyền dữ liệu.

Lời cuối

baomai.blogspot.com
  
Đối đầu Mỹ-Trung không chỉ về thương mại, mà còn là đối nghịch về hai mô hình kinh tế. Theo chuyên gia kinh tế Nicholas Lardy (Peterson Institute for International Economics), Trung cộng quyết định theo đuổi mô hình “chủ nghĩa tư bản nhà nước” (state capitalism) đã làm suy yếu triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Trung cộng. Nhưng động cơ Tập Cận Bình bảo hộ doanh nghiệp nhà nước không phải là kinh tế mà là chính trị. Tập lo ngại rằng thất nghiệp, bất ổn xã hội, và bất an về tài chính sẽ làm suy yếu quyền lực của Đảng.

baomai.blogspot.com
  
Tuy còn hơi sớm để xác định liệu diễn biến và hệ quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung có làm thay đổi bàn cờ Biển Đông hay không, nhưng chắc chắn thế và lực của Trung cộng năm 2019 sẽ không còn như năm 2018. Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục leo thang như Trump đe dọa, Trung cộng có thể mắc kẹt trong thế lưỡng nan và lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính. Kết cục là Trung cộng có thể sẽ thiếu hụt nguồn lực cho các chương trình địa chiến lược đầy tham vọng của mình như Sáng kiến Vành đai và Con đường hay quá trình tiếp tục quân sự hóa Biển Đông,…



Nguyễn Quang Dy


Phần nhận xét hiển thị trên trang

GIẢI TỎA KHU VƯỜN RAU LÚC GIÁP TẾT - MỘT HÀNH VI CÔNG VỤ PHI ĐẠO LÝ



Trần Đình Thu


Tôi muốn đánh giá vụ Vườn Rau Lộc Hưng trong góc độ đạo đức công vụ. Tôi chưa quan tâm đến tính chất tranh chấp đất đai như thế nào nhưng ngay lập tức tôi khẳng định việc san phẳng một khu dân cư khi đã bước qua tháng Chạp dù với bất cứ lý do gì thì đều là một hành vi công vụ phi đạo lý và vô nhân. 


Với người Việt Nam thì những ngày cuối năm là thời khắc thiêng liêng của đoàn tụ, ai cũng mong một vài ngày có nơi chốn bình yên bên gia đình làng xóm, dù cho năm tới sẽ rất khó khăn. Đặc biệt là ngôi nhà nơi mà suốt cả năm hay nhiều năm trước hay cả thời thơ ấu người ta đã sống ở đó, lớn lên ở đó, buồn vui ở đó, thì không ai muốn rời xa nó trước khi bước vào đêm cuối cùng của năm. Tôi biết có người lâm nợ phải bán nhà nhưng xin được ở qua tết rồi giao nhà và người mua cũng thông cảm đồng ý.

Đã là người Việt thì ai cũng như vậy. Những ngày gần tết thì người Việt lắng đọng hơn và đối xử với nhau tình người hơn, bao dung hơn. Vào hồi chiến tranh, ở những vùng giao tranh, chỉ huy 2 bên thường cùng nhau đình chiến để cho người dân cũng như binh sĩ có thể hưởng mấy ngày tết yên ổn rồi qua năm mới có làm sao cũng được.

Nói chung là về mặt tâm linh hay tình cảm thì không có gì phải bàn cãi chỗ này. Vấn đề là trong vụ Vườn Rau, một hệ thống công vụ bao gồm những quy tắc và con người thiếu vắng nhân văn và lạnh lùng vô cảm tham gia vào công cuộc đẩy đuổi một cộng đồng dân cư một cách phi đạo lý.

Tôi đã xem những clip trên mạng. Những chiếc máy ủi máy đào đất cào đổ sập những ngôi nhà trong một ngày tháng chạp với những gương mặt hoang mang thảng thốt, với những tiếng thét hãi hùng của người dân như dội về từ một nơi chốn chiến tranh xa xưa nào.

Tôi đã xem những bức ảnh nhà cửa đổ ngổn ngang, có cả những xác chó nằm chết trong đống gạch, những cảnh tan hoang trong ngày gần tết. Chỉ không có lửa cháy ngùn ngụt trong đó mà thôi.

Đất nước tôi đang trong thời bình mà sao lại có những ngày giáp tết như thế này? Hoang mang xao xác cả một khu dân cư xóm đạo hơn cả một thời ly loạn.

Xin đừng nói với tôi rằng pháp luật cho phép các nhân viên công vụ làm điều ấy. Trong suốt một năm, nếu không giải tỏa khu vực ấy thì để qua tháng giêng năm rộng tháng dài cũng là điều có thể. Tôi đã đọc nhiều bài báo nói về vấn đề pháp lý và không thấy lý do gì thúc bách để hệ thống công vụ ấy phải tháo dỡ những ngôi nhà của người dân vào lúc tháng chạp, chỉ còn hai mấy ngày nữa là tết.

Các nhân viên công lực, những cán bộ lãnh đạo vụ Vườn Rau, không có ai có trái tim nhân ái đủ để đề xuất dời ngày thi hành qua tháng giêng. Đó chính là vấn nạn lớn lao của hệ thống công quyền của chúng ta hiện nay chứ không phải là bản thân vụ việc này.







Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tuyên bố của CLB Lê Hiếu Đằng: Công khai đối thoại với người dân càng sớm càng tốt sau chiến dịch triệt hạ vườn rau Lộc Hưng








 
12-1-2019

Trong hai ngày 4 và 8-1, chính quyền quận Tân Bình thực hiện chiến dịch triệt hạ nhà cửa của 112 hộ dân ở khu vườn rau Lộc Hưng, được cho là xây dựng “trái phép”.

Việc cưỡng chế nhà cửa được tiến hành gấp rút, đẩy hàng trăm người dân vào cảnh “vong gia thất thổ”, trong khi chỉ còn hơn ba tuần là đến tết cổ truyền của dân tộc, gây một chấn động lớn trong dư luận. Đó là một hành động vô cảm – hơn nữa, tàn nhẫn.



Bao nhiêu người không có tết? Bao nhiêu học sinh không thể đến trường? Ngay cả khi giả định chính quyền có đầy đủ căn cứ pháp lý để tiến hành cưỡng chế, thì đó vẫn là một sự thất bại lớn trong công luận, làm xấu thêm hình ảnh của chính quyền luôn luôn nhấn mạnh “của dân, do dân và vì dân”.

Cần nhấn mạnh một biện pháp quyết liệt như thế, gây phẫn nộ như thế, thiếu nhạy cảm chính trị như thế, khi chính quyền Tân Bình báo cáo xin chủ trương, lại được Thành phố dễ dàng chấp thuận.

Trong bối cảnh câu chuyện dân oan Thủ Thiêm vẫn còn nóng hổi, việc giải tỏa khu vườn rau Lộc Hưng bồi thêm nỗi đau của người dân thành phố Hồ Chí Minh, gia tăng sự bất an trong lòng họ. Bài học Thủ Thiêm rõ ràng vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và chính quyền vẫn hành xử theo kiểu cũ, cậy sức mạnh chứ không đếm xỉa đến việc thu phục lòng người.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Nguyễn Thành Phong đích thân gặp người dân Thủ Thiêm vì việc làm sai trái của những người tiền nhiệm. Nay vụ khu vườn rau Lộc Hưng xảy ra ngay trong lúc các ông đảm nhiệm cương vị người lãnh đạo cao nhất của thành phố, là trách nhiệm của chính các ông.

Chúng tôi kêu gọi Thành ủy và Ủy ban Nhân dân TP nên công khai đối thoại với người dân Lộc Hưng càng sớm càng tốt và có ngay những hành động có hiệu quả để giúp người dân vượt qua phần nào khó khăn trước mắt.

T/M CÂU LẠC BỘ LÊ HIẾU ĐẰNG

Chủ nhiệm CLB: Lê Thân

Phần nhận xét hiển thị trên trang