Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2019

Nếu xảy ra chiến tranh Việt – Trung: Việt Nam liệu có chống đỡ nổi?


Tập Cận Bình trong bài diễn văn hôm nay, 2.1.2019, tuyên bố việc Đài Loan độc lập sẽ dẫn đến “thảm họa”. Tập cổ vũ cho sự “thống nhất” một cách hòa bình, nhưng đồng thời cảnh cáo không loại trừ việc sử dụng vũ lực để giành quyền kiểm soát Đài Loan.  Việt Nam chưa bao giờ sợ hãi trước Trung Quốc. Bắc Kinh phải dè chừng Việt Nam, một nước đã cấu thành quân đội và khí tài một cách có hiệu quả nhằm ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh. Và cũng bởi vì lòng yêu nước và sự tự tôn của người dân Việt hàng ngàn năm qua trước người hàng xóm phương Bắc là tiềm lực chiến tranh tốt cho mọi cuộc chiến, như lịch sử đã chứng minh. 

Ảnh tư liệu về cuộc chiến Biên giới Việt - Trung.
Trong ngày 3.01, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, đã trả lời báo chí một cách ngang ngược rằng, việc tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam tại Biển Đông là hành động chấp pháp bình thường. Đến ngày 4.1, Tập đã yêu cầu quân đội Trung Quốc chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh, nói đất nước đang gặp phải những nguy cơ và thách thức chưa từng có, chỉ đạo này được đưa ra trong cuộc họp với các quan chức hàng đầu của Quân ủy Trung ương nước này.

Về phía Việt Nam, theo Reuter cho biết, một dự thảo đàm phán về COC cho thấy Hà Nội muốn cấm bất kỳ Khu vực nhận dạng phòng không mới nào trong khu vực. Việt Nam đang thúc đẩy làm rõ các quyền lợi hàng hải trong luật pháp quốc tế, ngăn chặn đề xuất của Trung Quốc về việc, cấm các cuộc tập trận quân sự ở Biển Đông với các nước bên ngoài trừ khi được các bên ký kết đồng ý. Hà Nội cũng phản đối đề xuất của Bắc Kinh nhằm hạn chế các thỏa thuận phát triển chung với Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN bằng cách loại trừ các công ty dầu khí nước ngoài. Điều này có thể khiến Trung Quốc gai mắt trong bối cảnh nước này tăng tốc quân sự hóa Biển Đông qua chuỗi đảo nhân tạo.

Trong khi đó, nền kinh tế của Trung Quốc đang gặp nhiều bất ổn, và cách thức mà chính quyền Bắc Kinh thường sử dụng là: xuất khẩu bất ổn ra bên ngoài bằng cách gây chiến tranh, xung đột lớn. Bản thân Việt Nam trong những ngày gần đây đã nhắc nhiều đến sự kiện chiến tranh Tây Nam, một cuộc chiến tranh bắt buộc (báo Nhân Dân) và một cuộc chiến thực hiện quyền tự vệ chính đáng.

Câu hỏi đặt ra là, nếu Việt – Trung chiến tranh thì sẽ như thế nào?


Việt Nam luôn cảnh giác với người láng giềng phía Bắc, cuộc chiến tranh Biên giới và cuộc chiến tranh Tây Nam luôn là một bài học kinh nghiệm hàng đầu của Việt Nam trong tìm kiếm thế chủ động trước chiến tranh. Trong một bài học được Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cho VOV biết, ông Đại tướng Ngô Xuân Lịch đã tuyên bố: để đất nước không bị bất ngờ, chúng ta luôn đề cao cảnh giác, đánh giá đúng tình hình, kịp thời phát hiện âm mưu, thủ đoạn của địch và đề ra phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả.

“Ở vị trí có ý nghĩa chiến lược trọng yếu cả về chính trị, quân sự, Việt Nam luôn là đối tượng nhòm ngó, xâm lược của các thế lực ngoại bang”, ông Ngô Xuân Lịch khẳng định.

Tuy nhiên, nếu chiến tranh Việt – Trung xảy ra, thì sẽ thực sự rất phức tạp và có phần yếu thế về phía Hà Nội.

Với kinh nghiệm chiến tranh 30 năm, sự trừng phạt của Trung Quốc đối với Việt Nam bị vô hiệu. Lực lượng Trung Quốc rời đi với tổn thất nặng nề.

Thế nhưng, trong khi Trung Quốc nội địa hóa các loại máy bay, thì Việt Nam phần lớn dựa vào nguồn cung có sẵn từ Nga. Và bản thân dàn vũ khí mà Việt Nam sẽ sử dụng để chống lại Trung Quốc cũng nằm trong tay Quân đội Giải phóng Nhân dân. Tuy nhiên, ý nghĩa của việc làm tấn công và phòng thủ rất khác nhau.

Theo The National Interest, thì Hà Nội có thể thực hiện quyền tự vệ qua chiến tranh bằng 5 thể loại vũ khí.

Đầu tiên là Su-27, máy bay chiến đấu hạng nặng do Liên Xô nghiên cứu, chế tạo, Su-27 bắt đầu về Việt Nam từ giữa những năm 1990, giữ vai trò quan trọng cho tới ngày nay. Su-27 có ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, theo thông tin, Hà Nội có khoảng 12 chiếc với phiên bản khác nhau. Ngoài nhiệm vụ phòng không đối không, các máy bay này có thể tấn công các mục tiêu trên bộ và trên biển của Trung Quốc bằng các tên lửa hành trình tầm xa, chính xác. Kết hợp với mạng lưới phòng không tích hợp của Việt Nam, Su-27 (cũng như một số máy bay chiến đấu cũ hơn, như MiG-21), không chỉ dừng ở việc đe dọa đối với Trung Quốc, mà còn tạo thế đánh trả.

Tiếp theo là tàu ngầm lớp Kilo, các nhà phân tích đồng ý rằng quân đội Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được các vấn đề quan trọng nhất trong chiến tranh: chống tàu ngầm. Mặc dù Trung Quốc chắc chắn sẽ có lợi thế rất lớn về tàu ngầm trong những ngày đầu tiên của bất kỳ cuộc xung đột nào, hạm đội dưới biển của Trung Quốc được tối ưu hóa cho các cuộc tấn công chống lại tàu mặt nước, nhưng nó lại thiếu thốn kinh nghiệm với tàu ngầm của đối phương. Việt Nam hiện sở hữu 6 tàu ngầm lớp Kilo từ Nga (mệnh danh là Hố đen Đại dương vì máy tạo lực đẩy của tàu được cách ly với thân tàu bằng những thành phần cao su để tránh những rung động tạo ra âm thanh có thể nghe thấy bên ngoài tàu; tàu có lớp phủ cao su để triệt tiêu các tiếng động từ bên trong thân tàu, điều phần lớn khiến cho tàu ngầm bị phát hiện) sẽ gây ra một vấn đề lớn cho Trung Quốc. Nhất là khi Kilo Việt Nam mang theo cả ngư lôi và tên lửa hành trình chống hạm có thể gây ra mối đe dọa lớn cho tàu chiến Trung Quốc và các cơ sở ngoài khơi của Trung Quốc.

Cần nhắc lại rằng, mặc dù Trung Quốc có thể cố gắng gây áp lực để Nga làm chậm việc chuyển giao tàu ngầm và đạn dược sang Việt Nam, nhưng Moscow khó có thể tuân thủ. Việt Nam sẽ trang bị một lực lượng tàu ngầm mạnh mẽ hơn trong vài năm tới, bao gồm các tàu chiến mới và lớn hơn trước nguy cơ Trung Quốc.

Thứ ba có thể nhắc đến là tên lửa hành trình siêu âm P-800 Onyx nằm trong hệ thống phòng thủ bờ biển K-300 Bastion với 4 xe tự hành K340P (mỗi xe chở 2 tên đạn tên lửa P-800). Mỗi hệ thống Bastion mang theo được 2 tên lửa P-800 Onyx, với khả năng đạt tốc độ 2.700 km/h và tầm bắn 300km (sai số mục tiêu từ 5 đến 15m). Như vậy, mỗi hệ thống có thể bảo vệ một khu vực đường bờ biển kéo dài 600km khỏi các hoạt động đổ bộ của đối phương.

Trong những thập kỷ qua, Trung Quốc đã phát triển một loạt các tên lửa hành trình đáng gờm như là một phần của hệ thống các hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của họ. Giống như Trung Quốc, Việt Nam từ lâu đã theo đuổi nhiều hệ thống phóng tên lửa hành trình. Ngày nay, Việt Nam có thể phóng tên lửa hành trình từ máy bay, tàu mặt nước, tàu ngầm và các nền tảng trên bờ. Kết hợp lại, những tên lửa này có thể tấn công các tàu Trung Quốc từ nhiều phía, nhằm áp đảo các hệ thống phòng không trên tàu của quân đội Trung Quốc. Sự xuất hiện của K-300 Bastion tại các điểm chiến lược và được bảo vệ bởi mạng lưới phòng không, sẽ hạn chế nghiêm trọng bán kính hành động của quân đội Trung Quốc.

Cuối cùng là, tổ hợp tên lửa S-300, tên lửa đất đối không của Việt Nam có thể gây ra thiệt hại khủng khiếp cho phi công và máy bay Trung Quốc. Cần nhớ, Trung Quốc chưa bao giờ có kinh nghiệm thực sụ đối đầu với một hệ thống phòng không tích hợp và tinh vi. Việc Trung Quốc nếu tấn công Việt Nam buộc Bắc Kinh phải vô hiệu hóa hoặc tránh đối đầu với hệ thống phòng không của Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam sở hữu S-300 trong mạng lưới phòng không của mình. S-300 có thể theo dõi và tham gia hàng chục mục tiêu ở khoảng cách lên đến 75 dặm. Các hệ thống phòng thủ điểm bổ sung có thể tự bảo vệ S-300 khỏi bị tấn công. Cùng với các máy bay chiến đấu, S-300 sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện chiến dịch không quân phối hợp chống lại Việt Nam.

Kết

Việt Nam không muốn một cuộc chiến toàn diện với Trung Quốc, rõ ràng là như vậy. Việt Nam không muốn đối đầu với Trung Quốc trong một cuộc chiến dựa trên khí tài quân sự, vì nó ngốn hết những thiết bị đắt tiền mà Hà Nội đã mua. Tuy nhiên, Việt Nam chưa bao giờ sợ hãi trước Trung Quốc. Bắc Kinh phải dè chừng Việt Nam, một nước đã cấu thành quân đội và khí tài một cách có hiệu quả nhằm ngăn chặn chủ nghĩa phiêu lưu của chủ nghĩa bá quyền Bắc Kinh. Và cũng bởi vì lòng yêu nước và sự tự tôn của người dân Việt hàng ngàn năm qua trước người hàng xóm phương Bắc là tiềm lực chiến tranh tốt cho mọi cuộc chiến, như lịch sử đã chứng minh. 


Hoa Nghi 
(VNTB)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Báo chí Việt Nam ‘bỏ qua những góc khuất của Vingroup’

LTM: Tôi tin chắc nếu lò của bác Tổng Chủ khách quan, cứ củi (kẻ tàn phá đất nước, bóc lột nhân dân) là đốt, thì Vượng Vin là loại củi hảo hạng.


HÀ NỘI, Việt Nam – Cả hai giai phẩm Xuân Kỷ Hợi 2019 của hai tờ báo có nhiều người đọc ở Việt Nam, Tuổi Trẻ và Thanh Niên, đều đăng bài phỏng vấn công phu về tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Đây được cho là lần hiếm hoi ông Vượng xuất hiện trên truyền thông để chia sẻ quan điểm về việc làm giàu và triết lý kinh doanh. Trong khi đó, giới báo chí suy đoán rằng Vingroup đã phải chi số tiền không nhỏ cho kế hoạch truyền thông dịp Tết để “đi” hai bài phỏng vấn ông Vượng trên ấn phẩm Xuân của tờ Tuổi Trẻ và Thanh Niên. Điều này không có gì lạ vì Vingroup có lẽ là một trong những khách hàng quảng cáo “sộp” nhất của báo chí Việt Nam nên thường được các tòa soạn ưu tiên đăng thông tin quảng bá thương hiệu và tuyệt đối tránh đưa tin bất lợi cho tập đoàn này.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng. (Hình: Báo Kiến Thức)
Ông chủ Tập Đoàn Vingroup được tạp chí Forbes công nhận là một trong những người giàu nhất Việt Nam. Tuy vậy, nhân vật này cũng gây nhiều tranh cãi quanh việc làm giàu nhờ các dự án bất động sản, nhưng bị cáo buộc “bắt tay với các nhóm lợi ích” và làm hại môi trường. Năm 2018, Vingroup khiến công luận xôn xao với việc ra mắt xe hơi VinFast và smartphone Vsmart, động thổ xây dựng Đại Học VinUni “phi lợi nhuận, đạt tiêu chuẩn quốc tế.”

Bài trên báo Tuổi Trẻ hôm 12 Tháng Giêng dẫn lời ông Vượng: “Tôi muốn làm sao để đất nước mình được người ta biết đến ở khía cạnh trí tuệ, đẳng cấp… Tôi xây dựng văn hóa của Vingroup đúng ba điểm: một là yêu nước, hai là kỷ luật, ba là văn minh…”

Trong bài phỏng vấn, ông Vượng cũng nói thêm về những đàm tiếu xoay quanh mình: “Hồi ấy, người ta đồn tôi là mafia ở Nga về. Chán không thấy mafia, không thấy chém giết gì thì đồn là buôn ma túy. Xong mãi không thấy manh mối gì thì mới đồn sang cái khoản chết chóc. Mỗi năm dư luận đồn mình chết một lần, thậm chí vài lần…”

Ngay trong hôm 12 Tháng Giêng đã có hàng ngàn lượt share link bài này trên mạng xã hội. Tuy vậy, khác với những người hâm mộ vị tỷ phú, một số blogger là trí thức bày tỏ sự quan ngại về việc báo chí Việt Nam đang tạo dựng hình ảnh hào nhoáng cho ông Vượng mà bỏ qua những “góc khuất” của Vingroup.

Tiến Sĩ Đặng Hoàng Giang, một nhà hoạt động xã hội đang sống ở Hà Nội, bình luận trên trang cá nhân: “Đáng suy nghĩ là bài phỏng vấn của Tuổi Trẻ rất công phu nhưng lại một chiều. Có lẽ chúng ta cũng nên nói tới đảo Hòn Tre ở Nha Trang bị Vingroup xới nát như thế nào, Vinpearl ở giữa rừng quốc gia Phú Quốc đã gây bức xúc trong dư luận ra sao, các cao ốc Vinhomes ở Ba Son của Sài Gòn và Giảng Võ ở Hà Nội đang phá hủy các đô thị này như thế nào?”

“Và có lẽ chúng ta cũng nên nói tới việc những ý kiến phản biện, phê bình, phản đối dự án này hay hoạt động kia của Vingroup, những thứ rất bình thường và cần thiết trong bất kể nền dân chủ và thị trường tự do lành mạnh nào, bị dập tắt ra sao. Một phụ huynh bất bình về chính sách học phí của Vinschool, một nhà bảo tồn động vật yêu cầu minh bạch ở Vinpearl Safari, một kiến trúc sư về quy hoạch đô thị, những người kêu gọi giữ gìn di sản kiến trúc, tất cả đều bị đe doạ, bịt miệng, gây khó dễ. Các tin cháy, nổ, tai nạn liên quan tới Vingroup không bao giờ xuất hiện trên mặt báo, hoặc nhanh chóng bị gỡ xuống. Tinh thần độc tài này là ‘trí tuệ, đẳng cấp’ mà Việt Nam đang muốn chứng minh cho thế giới?” ông Giang viết.

Trong khi đó, giới báo chí suy đoán rằng Vingroup đã phải chi số tiền không nhỏ cho kế hoạch truyền thông dịp Tết để “đi” hai bài phỏng vấn ông Vượng trên ấn phẩm Xuân của tờ Tuổi Trẻ và Thanh Niên. Điều này không có gì lạ vì Vingroup có lẽ là một trong những khách hàng quảng cáo “sộp” nhất của báo chí Việt Nam nên thường được các tòa soạn ưu tiên đăng thông tin quảng bá thương hiệu và tuyệt đối tránh đưa tin bất lợi cho tập đoàn này.

Người Việt

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tại sao Chính phủ Việt Nam cứng rắn với Facebook trong thời điểm này?


Kính Hòa RFA 2019-01-09 Nhận định về động thái cứng rắn của Chính phủ Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội từ Hà Nội cho biết: “Có thể là Chính phủ Việt Nam nhận thấy rằng luật này cũng như nhiều luật trước của họ là không thể thực hiện được. Trong những ngày vừa qua thì tiếng nói của người dân (trên Facebook) vẫn như cũ, thế là họ mới té ra là thôi chết rồi cái này là do ông Facebook với ông Youtube ở tận đâu đâu, mà những ông này nhiều khi cũng không làm được (theo yêu cầu) vì quá tốn kém. Và thế là họ nghĩ là phải cứng rắn”. Có nhận định tương tự là nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn, ông còn nhắc lại những kiến nghị của giới sử dụng Facebook tiếng Việt trong thời gian vừa qua: “Đó là một thất bại của họ, vì rằng việc đấu tranh của giới hoạt động trong nước và quốc tế yêu cầu Facebook không được trở thành một công cụ cho nhà cầm quyền, đã có tác dụng".

Một tuần lễ sau khi luật an ninh mạng Việt Nam có hiệu lực, Chính phủ Việt Nam lên tiếng cáo buộc một cách cứng rắn Facebook đã không tuân thủ luật này, trong đó có việc không gỡ bỏ những nội dung mà Hà Nội cho rằng xấu, phản động. Facebook cũng lên tiếng trả lời ngay là họ không vi phạm điều gì cả. Các nhà quan sát trong nước đưa ra nhận định về động thái mới nhất này của Chính phủ Việt Nam sau đây.

Dự luật an ninh mạng được Quốc hội Việt Nam thông qua vào tháng 6/2018, và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2019.

Dự luật này lúc đầu có qui định các nhà cung cấp quốc tế phải đặt máy chủ ở Việt Nam, nhưng sau đó rút lại, chỉ ghi là khuyến khích việc này thôi.

Nhưng điều không thay đổi là luật này qui định nhà cung cấp phải cho lực lượng an ninh Việt Nam những thông tin cá nhân nếu được yêu cầu.

Đây là điều được giới chỉ trích đưa ra nói rằng luật này là nhằm để đàn áp những tiếng nói phản biện, những ý kiến khác chiều với đảng cầm quyền.

Hơn một tuần lễ trôi qua từ ngày luật An ninh mạng (ANM) có hiệu lực, người ta thấy những chỉ trích chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam trên Facebook vẫn không giảm đi, và chưa có nhà bất đồng chính kiến nào bị bắt với lý do vi phạm ANM.

Facebook là diễn đàn chính của những chỉ trích, phê bình, phản biện chính sách nhà nước, Đảng Cộng sản và kể cả những vị có chức quyền tại Việt Nam.


Có thể là Chính phủ Việt Nam nhận thấy rằng luật này cũng như nhiều luật trước của họ là không thể thực hiện được. -Tiến sĩ Nguyễn Quang A.

Nhận định về động thái cứng rắn của Chính phủ Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội từ Hà Nội cho biết:

“Có thể là Chính phủ Việt Nam nhận thấy rằng luật này cũng như nhiều luật trước của họ là không thể thực hiện được. Trong những ngày vừa qua thì tiếng nói của người dân (trên Facebook) vẫn như cũ, thế là họ mới té ra là thôi chết rồi cái này là do ông Facebook với ông Youtube ở tận đâu đâu, mà những ông này nhiều khi cũng không làm được (theo yêu cầu) vì quá tốn kém. Và thế là họ nghĩ là phải cứng rắn”

Có nhận định tương tự là nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn, ông còn nhắc lại những kiến nghị của giới sử dụng Facebook tiếng Việt trong thời gian vừa qua:

“Đó là một thất bại của họ, vì rằng việc đấu tranh của giới hoạt động trong nước và quốc tế yêu cầu Facebook không được trở thành một công cụ cho nhà cầm quyền, đã có tác dụng. Và còn phải kể đến cuộc điều trần của Faebook trước Quốc Hội Hoa Kỳ, cam kết tuân thủ những giá trị dân chủ và nhân quyền. Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông trước đây là ông Trương Minh Tuấn có yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ những thông tin mà họ cho là xấu độc, nhưng rõ ràng đến bây giờ hai công ty này không tuân thủ. Vì thế có thể nói bây giờ Facebook đang tạm thắng, và Chính phủ Việt Nam thất bại.”

Chúng tôi có liên lạc với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông đương nhiệm của Việt Nam để yêu cầu bình luận nhưng không được trả lời.

Cũng có ý kiến nói rằng Facebook đã cho bà Diệp Thị Kiều Trang làm việc cho Facebook Việt Nam nghỉ việc từ ngày 1/1/2019 là để loại ra một người thân với Chính phủ Việt Nam.


Người sáng lập Facebook. Mark Zuckerberg (mang kính đen) tại Việt Nam, 2011.

Nhưng cũng có nguồn tin nói với chúng tôi rằng mặc dù có ẩn khuất gì đó đằng sau việc bà Kiều Trang nghỉ việc, nhưng vai trò của bà thực ra chỉ giới hạn trong việc tiếp thị mà thôi. Nhân vật chịu trách nhiệm điều hành Facebook chính yếu tại Việt Nam, cũng theo nguồn tin này, là bà Nguyễn Ánh Nguyệt, được Facebook thuê từ tháng 7/2018 tại Hà Nội.

Chúng tôi có tìm cách liên lạc với bà Nguyễn Ánh Nguyệt nhưng không được. Nhân vật này rất ít được biết đến ngay cả trong giới báo chí Việt Nam trong nước.

Cuộc điều trần của Facebook trước Quốc hội Hoa Kỳ diễn ra vào tháng 9/2018, trong đó đại diện của Facebook nói rằng họ không đặt máy chủ tại Việt Nam và cũng không cung cấp thông tin cho Chính phủ Việt Nam.

Trong khoảng thời gian từ trước cuộc điều trần đó cho đến nay đã có nhiều than phiền rằng Facebook đã hợp tác với an ninh Việt Nam để đóng những trang có nhiều chỉ trích Chính phủ Việt Nam.

Nhìn lại những sự việc đó, nhà báo Võ Văn Tạo sống tại Nha Trang nói rằng diễn biến mới từ sự cáo buộc của Chính phủ Việt Nam, ông cho rằng đã rõ những vụ đóng các tài khoản Facebook, trong đó có tài khoản của ông xảy ra là do lỗi ở cơ chế tự động của Facebook, được kích hoạt bởi những tài khoản thân với Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việc đóng tài khoản cũng xảy ra với ông Lê Trung Khoa tại Đức. Ông là nhà báo đầu tiên đưa tin Việt Nam tổ chức bắt người một cách bất hợp pháp trên đất Đức. Ông Lê Trung Khoa đã nhận được lời xin lỗi chính thức của Facebook và được giải thích là do lỗi lầm từ cơ chế tự động.

Tuy nhiên cũng có nhận định khác với ông Nguyễn Quang A và ông Phạm Chí Dũng về cáo buộc cứng rắn của Chính phủ Việt Nam.

Cô Nguyễn Vi Yên, trưởng nhóm SaveNet, từng gửi kiến nghị phản đối luật ANM lên Chính phủ Việt Nam, cho đài RFA biết:

“Mặc dù có làn sóng phản đối dữ dội từ tháng sáu cho đến giờ, như nhóm của chúng tôi với hơn 110 ngàn chữ ký, nhưng họ vẫn không phản hồi gì hết. Cho nên có thể nói luật ANM là quyết tâm của những lãnh đạo cấp cao, của Bộ chính trị, cương quyết đưa luật này ra và cho nó có hiệu lực, vì thế họ phải cứng rắn, chứng tỏ là thực hiện cho đến cùng.”

Cô Vi Yên nói thêm rằng có lẽ luật ANM là một phép thử mà nhà nước Việt Nam đưa ra để từng bước kiểm soát thông tin trên mạng xã hội, việc thực thi luật này cũng sẽ theo cái cách từng bước như vậy:

Có thể nói luật ANM là quyết tâm của những lãnh đạo cấp cao, của Bộ chính trị, cương quyết đưa luật này ra và cho nó có hiệu lực, vì thế họ phải cứng rắn, chứng tỏ là thực hiện cho đến cùng. -Cô Nguyễn Vi Yên.

“Nếu họ dùng luật ANM bắt bớ ngay những người bất đồng chính kiến thì có thể làm cho người ta sợ, giảm hoạt động một chút, nhưng có lẽ họ cũng sợ vấp phải những phản hồi bất lợi không lường được không những từ trong nước mà còn từ quốc tế nữa.”

Dự báo về những bước đi sắp tới của Facebook và Google, ông Nguyễn Quang A và cô Nguyễn Vi Yên có cùng quan điểm cho rằng có thể Facebook sẽ có những nhượng bộ nào đó, nhưng tình hình hoạt động của những chỉ trích, phê bình trên mạng xã hội vẫn như cũ.

Ông Phạm Chí Dũng thì chỉ ra một nội dung trong những bản tin cáo buộc Facebook của truyền thông nhà nước Việt Nam;

“Khi cáo buộc Facebook, đến chổ biện pháp xử lý thì Chính quyền Việt Nam tỏ ra bối rối, chỉ nói rằng họ sẽ đấu tranh với Facebook, chứ chẳng đưa ra biện pháp cụ thể nào cả. Theo nguyên tắc thì họ có thể kiện Facebook, nhưng họ có dám làm không? Dựa trên cơ sở nào? Tôi cho rằng có ăn gan trời Việt Nam cũng không dám làm chuyện đó.”

Trước đây khi luật an ninh mạng mới ra đời, đã có ý kiến lo ngại nếu Facebook cương quyết không thỏa hiệp mà phải rút khỏi Việt Nam thì những nhà cung cấp công nghệ mạng người Trung Quốc sẽ nhảy vào thay thế.

Nhưng cả ba người tham gia ý kiến vào bài viết này thì đều cho rằng khả năng đó về lý thuyết là có nhưng rất thấp vì vai trò kinh tế quan trọng đối với Việt Nam hiện nay của Facebook là rất lớn. Cô Nguyễn Vi Yên cho rằng các nhà làm chính sách Việt Nam chắc chắn cũng phải cân nhắc điều đó.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói thêm nếu nhà nước Việt Nam cho phép điều đó xảy ra, tức là Trung Quốc tiến vào thống lĩnh không gian mạng Việt Nam thì Đảng Cộng sản Việt Nam phải trả giá chính trị rất lớn trước nhân dân Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/fb-vs-vn-gop-01092019130057.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tư liệu văn học:

NGHỀ VÀ NGHIỆP
vu-thu-hien
Tôi đã kể tại sao tôi bỏ nghề điện ảnh, không nhớ khi nào. Thôi thì cứ ghi lại ở đây khúc nhôi một đoạn đời đáng nhớ. Nó là một trong những Chuyện Nhà.
Tôi học khoa biên kịch ở Học viện Điện ảnh Liên Xô (VGIK- Всесоюзный государственный институт кинематографии[1]). Nhiều người lầm tưởng tôi đã học xong đại học, liệt tôi vào hạng trí thức làng nhàng, khi phê bình có chút chiếu cố. Vì thế đây là dịp tôi cải chính – còn tệ hơn thế, tôi học đại học dở dang, không có bằng tốt nghiệp.
Nguyên uỷ nó là thế này:
Năm 1956 ở Moskva có Hội nghị điện ảnh các nước xã hội chủ nghĩa do Liên Xô khởi xướng. Đoàn Việt Nam có hai người: Lê Huân, phó giám đốc Xưởng phim Việt Nam và tôi. Hội nghị này là một dịp hiếm có cho những người cùng nghề ở nhiều nước, nghe tiếng thì có nghe chứ chưa bao giờ gặp mặt. Lần đầu tiên trong đời tôi được dự một hội nghị gọi là quốc tế, nhưng không phải toàn cầu, toàn thế giới, bởi nó chỉ là một hội nghị của những nước có cùng mô hình xã hội.
Lê Huân cũng rất hào hứng. Vốn là một trưởng ty văn hoá tỉnh trước khi bước vào nghề điện ảnh, anh chưa một lần xuất ngoại, cho dù chỉ bước qua biên giới hai nước láng giềng Lào và Campuchea. Bay thẳng từ Hà Nội tới Moskva, anh nói anh có cảm giác của người nhà quê ra tỉnh. Khác nhiều người đi đến các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu rất hăng hái mua sắm, thời giờ ngoài hội nghị là anh đi xem phố xá, xem đời sống, xem các di tích lịch sử. Trong hội nghị, tôi mệt nhoài vì phải dịch cho anh nghe các bản tham luận cùng với việc giải thích những thuật ngữ điện ảnh. Người ham hiểu biết như anh hiếm, nhưng đó không phải là ưu điểm của cán bộ xã hội chủ nghĩa. Lê Huân rồi không lên quá cái chức phó giám đốc như tôi mong muốn.
Hội nghị kết thúc với một biểu quyết sôi nổi và hào hứng: các nước sẽ cùng nhau làm một phim lớn về ảnh hưởng Cách mạng Tháng Mười Nga đối với toàn nhân loại và sự hình thành một loạt quốc gia kiểu mới.
Xưởng phim Tài liệu Trung ương Moskva đảm nhận vai trò chủ trì thực hiện. Hai đạo diễn chính được chọn là Andrey Grigoriev và Mikhail Poselsky. Tôi được đi cùng chị Otilya Reizman thực hiện phần tư liệu Việt Nam. Reizman là một trong số ít nhà quay phim nữ của Liên Xô. Chị từng nhảy dù xuống hậu cứ du kích Nam Tư vừa quay phim vừa chiến đấu cùng với quân kháng chiến. Trong những bức ảnh thời ấy chị là một cô gái thon thả. xinh đẹp. Bây giờ chị phục phịch như mọi phụ nữ Nga ở tuổi trung niên nhưng vẫn nhanh thoăn thoắt. Theo một trưởng lão trong ngành phim tài liệu Liên Xô Boris Sokolov thì trong Thế chiến II đã có 258 nhà quay phim có mặt trên khắp các mặt trận. Một phần năm trong số họ không trở về. Tôi nhìn Reizman như một anh hùng. Tôi ấy làm may mắn được làm việc với chị.
Cái quan trọng đối với tôi là chi phí cho chuyến đi của tôi do phía chủ quản đài thọ. Bỗng dưng được trở về quê hương mà không phải bỏ tiền túi, thật tuyệt.
Tôi không biết Poselsky, nhưng đã được nghe Grigoriev giảng về phim tài liệu. Nhà quay phim cựu binh Thế chiến II, dáng mảnh khảnh, cử chỉ nhanh nhẹn như thanh niên, không giảng mà kể những giai thoại thú vị về quá trình thực hiện một cuốn phim tài liệu – từ việc chọn đề tài,quay phim, cho tới giai đoạn dựng phim, viết lời bình. Phim tài liệu là thứ phim dành cho khán giả ham hiểu biết, muốn trau dồi kiến thức, không hấp dẫn khán giả như phim truyện. Lý thuyết về lĩnh vực phim tài liệu có trong chương trình học, nhưng sinh viên không mấy hào hứng với nó. Thế mà khi Grigoriev nói thì phòng học mất hết tính chất nghiêm trang thường ngày – lúc im phăng phắc, lúc nổ tung với những tràng pháo tay, những tiếng la hét.
Điều tôi không chờ đợi là trong giai đoạn hậu kỳ phim Ánh Sáng Tháng Mười, Andrey Grigoriev bỗng vời tôi giúp việc ông dựng phim (montage), một cơ hội được thực tập không dễ mà có.
Trong chuyến đi về Việt Nam tôi được đến nhiều nơi, gặp nhiều người, được chứng kiến cũng như được nghe nhiều chuyện về cải cách ruộng đất. Ấn tượng sâu sắc nhất cuộc đấu địa chủ Nguyễn Bá Ngọc ở Đầm Rủn, Thanh Hoá. Chưa bao giờ tôi được chứng kiến một đám đông bỗng dưng phát điên trong một cuộc lên đồng vĩ đại như thế. Cảnh quay người nông dân gày còm rách rưới và con trai loắt choắt kéo bừa thay trâu là một cảnh bố trí, theo một ý vừa nảy ra trong đầu Reizman. Chị muốn có thêm một lời tố khổ bằng một cảnh nông dân bị bóc lột đến xương tuỷ trong quá khứ khi chưa có cách mạng. Người ta mất khá nhiều thời giờ để chọn cho Reizman một anh nông dân gày còm và một đứa bé khẳng khiu không phải con anh ta. “Đồng chí Liên Xô” và đám đông tò mò vây quanh làm cho hai diễn viên hoang mang, chân tay quýnh quáng, quay mấy đúp[2] mới được. Tôi bấm theo mấy pô bằng máy FED rẻ tiền của Liên Xô. Một bức ảnh chụp hôm ấy về sau được dùng trong nhiều cuộc triển lãm về đời sống nông dân ta thời Pháp thuộc.
Andrey Grigoriev là người kiên trì chủ trương phim tài liệu phải thực, quay thực, không dàn dựng, không bố trí. Khốn nỗi hầu hết tư liệu của các đoàn đem về đều thấy rõ là có bố trí. Những cảnh như thếcó thể lừa được người ngoài nghề, nhưng không qua mặt được nhà quay phim lõi đời. Grigoriev vò đầu bứt tai khi xem các bản nháp. Ngồi sau tôi trong phòng dựng, ông lấy ba-toong đập vào chân ghế tôi ngồi trước ông làm hiệu, ghé sát vào tai tôi mà ra lệnh: “Cắt bớt! Cắt thêm! Ngắn ba giây nữa!” Cảnh bố trí được cắt ngắn quả có bớt lộ liễu.
Tôi ngạc nhiên khi thấy ngành truyền thông, cả ở Liên Xô, với bậc thầy khởi thuỷ Dziga Vertov, đều thiên về bố trí các cảnh quay, kể cả Roman Karmen nổi tiếng. Dường như có như thế mới là “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, được coi như sự miêu tả hiện thực mang tính tư tưởng mác-xít trong chiều hướng đi lên của nó.
Tôi nhớ lâu bữa rượu với Grigoriev và Poselsky ở khách sạn Leningrad.
– Nào, chàng trai, ta cạn chén mừng công việc khổ sai của chúng ta đã kết thúc – Grigoriev đẩy một ly cho tôi.
Bữa rượu của người Nga không bao giờ thiếu vodka. Vodka ngon nhất thời ấy là Vodka Stolichnaya (vodka Thủ đô). Tôi không thích vodka, uống vào cháy họng. Tôi còn trẻ, chưa quen với rượu. Tôi chỉ thích kvas, một thứ na ná bia tươi. hơi ngọt, dôn dốt chua, có màu cánh gián, chứa trong bồn như bồn xe chở xăng. Mùa hè nóng nực mà uống kvas ướp lạnh thật khoái.
Tôi vớ lấy chai bia Rizhskoe trên bàn. Grigoriev gạt phắt:
– Những dịp như thế này phải vodka chứ. Nào, ta cạn ly!
Tôi né bằng một câu ngớ ngẩn chợt đến:
– “Một giọt rượu là một giọt máu đồng bào”, chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi dạy thế. Vì rượu làm bằng gạo, đối với chúng tôi là của quý.
Grigoriev cười phá:
– Dẹp cái ông già lẩm cẩm ấy đi. Ông ta đã ở đây, đã nốc vodka ầm ầm, tôi dám chắc với cậu là thế. Không ai đã tới nước Nga mà không mê thứ nước thánh này. Nó là tiên tửu.
Và ghé vào tai tôi:
– Chẳng có tí lúa mì nào trong chai này đâu. Toàn khoai và mạt cưa đấy.
Bữa chén hôm ấy tôi say bí tỉ. Khi rời bàn tiệc tôi phải chăm chú đi từng bước sao cho đúng những ô trên thảm để khỏi chuệnh choạng.
Năm sau (1957), trong khi tôi về nước để gặp Hoàng Đạo, nguyên trưởng ty Công an Thanh Hoá, người tổ chức một điệp vụ rất đẹp kết thúc bằng việc đánh đắm thông báo hạm Amyot d’Iville[3] để lấy tư liệu bổ sung cho kịch bản thi tốt nghiệp (tôi được Học viện cho phép trình bày vượt cấp). Điệp vụ này có nhiều tình tiết rất thú vị. Nó không được khen, mà còn bị tổng bí thư Trường Chinh lên án. Lý do: Hoàng Đạo đã tạo ra một chiến khu giả của đảng Đại Việt ở Ngọc Lặc (bắc Thanh Hoá) để lừa tình báo Pháp, tạo điều kiện cho nhóm tình báo tự phát của Hoàng Đạo vào vùng Pháp chiếm để hoạt động, như thế là lợi bất cập hại. Ấy là chưa kể cái tội nặng hơn là Hoàng Đạo không xin ý kiến trung ương mà dám tự động liên lạc với tình báo Mỹ. Cuốn hồi ký “Hà Nội – Huế – Sài Gòn – Đà Lạt” viết tay của Hoàng Đạo tôi được đọc trong kháng chiến chống Pháp. Nó rất hay, rất cuốn hút, nhưng rồi mất tiêu, tôi không sao tìm lại được. Hoàng Đạo bị đưa khỏi ngành công an, cho làm biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam, rồi được cho làm trưởng ban công nghiệp tỉnh uỷ Hoà Bình.
Trong khi tôi vắng mặt thì ông bạn tôi, hoạ sĩ Lê Thanh Đức, chẳng biết vô tình hay cố ý đã lục lọi trong phòng tôi và phát hiện cuốn nhật ký có những nhận xét nói nhẹ là không hay ho về cải cách ruộng đất. Anh lập tức đem nó trình đại sứ.
Là đảng viên duy nhất trong số sinh viên Việt Nam cùng trường, việc làm của hoạ sĩ Lê Thanh Đức không phải chuyện lạ, nó là cái bí mật thiên hạ thừa biết, tiếng Tây gọi là secret polichinelle. Theo dõi quần chúng là nhiệm vụ đương nhiên của bất kỳ đảng viên cộng sản nào.
Tôi hoàn toàn không biết cuốn nhật ký của mình bị đánh cắp.
Nhận được thông báo của đại sứ Nguyễn Văn Kỉnh, vụ trưởng Vụ đại học và trung học chuyên nghiệp Lê Văn Rạng quyết định giữ tôi lại trong nước, chuyện có cho tôi đi học tiếp hay không sẽ tính sau.
Tôi biết Lê Văn Rạng từ những năm ở chiến khu Việt Bắc – một nhân vật được coi là trí thức thuộc trung ương đảng. Với cặp kính trắng dày cộp, Lê Văn Rạng gày còm trong bộ quân phục bạc màu nhưng lúc nào cũng sạch sẽ, tinh tươm (mặc dầu ông không ở trong bộ đội lấy một ngày) ngồi lì như tượng sau bàn làm việc bằng tre ghép la liệt sách báo. Công việc của ông là đọc, viết tổng thuật các tài liệu nước ngoài cho trung ương. Đảng cộng sản rất giáo điều trong việc chọn cán bộ, trên hết là công nông binh, trí thức được đặt ở dưới cùng. Lê Văn Rạng được tin dùng là nhờ có lòng trung thành rất mực với đảng, hay nói cho đúng, với bề trên. Tuy nhiên, về mặt quan lộ, ông mãi mãi chẳng được cất nhắc lên chức gì cao hơn vụ trưởng một vụ không quan trọng trong một bộ không quan trọng là Bộ Giáo dục.
Tôi không trách Lê Văn Rạng. Tôi biết, ông không có định kiến nào với tôi, không ưu ái, không ghét bỏ. Quyết định của ông hoàn toàn vô tư, xuất phát từ nguyên tắc cảnh giác bất di bất dịch với bất kỳ tư tưởng nào trái với dòng tư tưởng chính thống.
Tôi còn chịu ơn Lê Văn Rạng đã cho tôi nhiều kiến thức về nhiều mặt, nhất là về tiếng Pháp. Nhờ được ông giao việc chép tay cuốn Dialectique de la Nature (Phép biện chứng của Tự nhiên) mà tôi được biết những tư tưởng triết học phóng khoáng của Friedrich Engels. Tôi thích nhiều nhận định của Engels, không những về triết học mà còn về văn học, chúng hơn hẳn những ý tưởng được diễn đạt bằng giọng khẳng định của Karl Marx. Chép tay sách là việc làm bình thường ở chiến khu, nơi ngoài cách in li tô chữ được chữ mất không còn cách nào khác.
Nói chung, xét con người cán bộ cho công bằng thật không dễ. Trong nó có nhiều cái xấu, cái ác do tác động từ bên ngoài, nhưng đâu đó vẫn còn le lói cái thiện. Trong nhiều trường hợp ở trong lòng họ vẫn còm day dứt chút tình thương đấy ngay cả khi họ bóp cò súng để lấy đi mạng sống của đồng loại.
Ngón đòn giáng xuống đầu tôi không làm tôi choáng váng. Nó đương nhiên phải xảy ra khi cuốn nhật ký bị phát hiện.
– Cậu dại quá. Thời buổi này ai lại đi ghi những suy nghĩ của mình vào nhật ký – Văn Cao lắc mái đầu bù xù chê tôi.
Bữa rượu đón tôi về trở thành đắng ngắt. Trong các tội của tôi có cả tội tôi dám viết bưu ảnh gửi về cho anh khi anh bị đánh trong vụ “Nhân văn – Giai phẩm”. Bưu ảnh đến tay công an trước khi đến tay anh. Người ta kiểm duyệt mọi thư từ và nó được ghi vào sổ nợ cho tôi.
Từ ấy tôi bỏ thói quen viết nhật ký. Cái đó lại là một sai lầm. Sau này tôi có viết gì cũng chỉ trông cậy vào trí nhớ. Mà trí nhớ không phải là cái bình chứa không có lỗ rò.
Cha mẹ tôi bình thản trước sự việc xảy ra với tôi, không phiền muộn, không trách móc.
Chịu ảnh hưởng tư tưởng tự do của nền văn hoá Pháp, ông bà xem việc tôi bất bình trước thảm kịch cải cách ruộng đất là phản ứng tất yếu, chẳng qua tôi không biết giữ mồm giữ miệng. Một bà chị cha tôi, cũng là nạn nhân cải cách ruộng đất, bảo tôi: “Cộng sản bất nhân lắm. Mình là người tử tế, phải biết chọn bạn mà chơi. Nghe ngon ngọt cho lắm vào rồi đi theo họ, hối không kịp đấy, cháu ạ!”. Khi nghe tôi thuật lại, ông còn bảo: “Sai lầm này là cơn sốt vỡ da của đứa trẻ mới lớn, đau đớn đấy, nhưng rồi nó sẽ qua thôi, con ạ”. Lần này, ông im lặng.
Không được trở lại Liên Xô để làm tốt nghiệp kể cũng tiếc, nhưng không nhiều. Thời gian học ở VGIK đã cho tôi kiến thức căn bản cần có. Nhờ các giáo sư chỉ dẫn, tôi đọc được nhiều sách hơn những gì nằm trong giáo trình. Tôi rất biết ơn các giáo sư ở Học viện. Chuyện tôi trở thành “phản động” không phải hiện tượng lạ. Nó xảy ra không chỉ với tôi, mà với cả những cán bộ khung của đảng được cử đi học, như các anh Lê Vinh Quốc, Hoàng Minh Chính, Trần Minh Việt, Nguyễn Minh Cần, Văn Doãn… Không thể đổ cho cái gì khác đã làm cho họ thay đổi cách nhìn đảng của họ – chính những giảng viên của trường đảng Liên Xô đã ngấm ngầm mở mắt cho họ, chỉ cho họ thấy mặt trái của chế độ xã hội chủ nghĩa. Điều đó minh chứng thêm cho sự sụp đổ của đế chế xô-viết vào mùa thu năm 1991 – làn sóng ngầm căm ghét thể chế tồn tại nhờ ngu dân và bạo lực đã có từ lâu, đặc biệt trong tầng lớp trí thức xô-viết.
Một câu hỏi thường gặp: tại sao tầng lớp trí thức xô-viết đã không đứng lên đấu tranh trực diện trong lòng thể chế mà lại trùm chăn chờ ngày nó tự tiêu vong?
Hèn nhát ư? Phải và không phải.
Cần hiểu đúng về cái gọi là chuyên chính vô sản ở Liên Xô. Quyền lực của nền chuyên chính ấy được vật chất hoá trong hình hài một cơ quan mật vụ nổi tiếng, tên tắt là KGB. Cơ quan này được đảng cộng sản trao toàn quyền hành động cho mục đích bảo vệ chế độ. Bất cứ ai mà nó nghi ngờ, chỉ nghi ngờ thôi, là đủ để bị tống vào tù không thời hạn ở nơi mà nhà văn Solzhenitsyn gọi là quần đảo ngục tù.
Ở trường tôi không chỉ có vài người bị đưa đến những nơi “không lấy gì làm xa lắm”, theo cách nói của người Nga. Bạn cùng khoa tôi, anh Vladimir Komarov, vào một ngày đẹp trời bỗng dưng biến mất, lặng lẽ như một hòn sỏi ném xuống ao. Đáp lại câu hỏi của tôi là câu trả lời không biết, không rõ, là sự đánh trống lảng, không ai muốn tôi hỏi thêm chi tiết.
Năm 1956, khi cái gọi là “tệ sùng bái cá nhân Stalin” bị lên án ở Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XX, thì máu mủ hôi thối từ những nhọt bọc của sự lộng quyền cộng sản mới bị lộ ra ngoài. Nhiều người tù bị kết án vô cớ được thả. Một cán bộ của trường bị bắt từ cả chục năm trước, nay được khôi phục đảng tịch, run run phát biểu trong một cuộc họp, nói lời cảm ơn đảng nay đã hiểu ra sự vô tội của anh mà cho anh về, nhưng vẫn không dám hé răng tố cáo những gì ông ta phải chịu đựng trong cảnh tù đày. Cũng bằng cách như thế, những hồi ký của các cán bộ quân đội bị thanh trừng thời Stalin được đăng lần đầu tiên trong tạp chí Novy Mir (Thế giới Mới) hoặc Neva (Sông Neva) không cho tôi biết gì hơn những gì được biết qua các tác phẩm của Solzhenitsyn sau này.
Tôi không đợi được ngày trở về của Kamarov. Chắc rồi anh cũng được thả. Nếu không chết trước ngày đó.
Thái độ của trí thức ở các nước xã hội chủ nghĩa nào cũng vậy, không khác nhau là mấy. Nước nào mà chẳng có cái KGB của nó. Ở những nước xã hội chủ nghĩa còn tồn tại sau khi Liên Xô bất ngờ tan rã, trừ Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên, những nhà cầm quyền có hoang mang chút ít, mất phương hướng chút ít, có loạng choạng chút ít, nhưng bằng mọi cách người ta giữ chặt nền chuyên chính. Những mánh lới dựa trên chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, thổi phồng những thành tựu không có thật, cố gắng tạo ra một tầng lớp trung lưu trung thành với đảng, vỗ ngực tự khoe những kết quả “đổi mới”. Tự do bày tỏ chính kiến nhìn bề ngoài có vẻ như được mở rộng hơn, nhưng về bề trong lưới theo dõi cũng mở rộng theo. Tuỳ theo mức độ bất bình với chế độ và tuỳ theo tình hình chính trị (nay có thêm yếu tố quốc tế) mà sự trấn áp về hình thức có thay đổi, nặng hơn có, nhẹ hơn có, không phải tuỳ tiện, mà có tính toán. Về thực chất, bộ máy đàn áp vẫn lăn bánh theo đường mòn. Cái gọi là “cởi trói” hay “bung ra” chỉ là giải pháp tình thế, do tình thế ép buộc.
Nói tóm lại, sự lầm lẫn rằng đảng cộng sản khi nó đã cầm quyền có khả năng thay đổi là lầm lẫn chết người.
Trong hoàn cảnh ấy trí thức có co lại để giữ mạng sống là chuyện bình thường, là bản năng tự vệ để sống sót. Họ hiểu rằng mọi xác chết, dù của người anh hùng, đều không biết nói.
Những trí thức dấn thân xứng đáng được ca ngợi, nhưng phỉ báng những người im lặng là không nên. Rồi sẽ có ngày chúng ta phải cảm ơn những người chịu nuốt nhục vào lòng để có lúc đem kinh nghiệm và kiến thức của mình đóng góp vào sự kiến tạo thể chế mới.
Thế hệ tôi là thế hệ trẻ của cuộc đấu tranh cho dân tộc thoát gông cùm nô lệ. Đảng cộng sản trong thực tế đã từng ở hàng đầu của cuộc đấu tranh ấy. Những đảng viên của hai đảng cộng sản và quốc dân từng sát cánh bên nhau, từng coi nhau là đồng chí, là anh em. Lý thuyết mác-xít được sùng bái rồi trở thành nguyên nhân của những cuộc truy diệt những người theo chủ nghĩa quốc gia khi cách mạng thành công. Cảnh nồi da nấu thịt không phải tới sau này mới có. Nó bắt đầu từ những năm đầu tiên của chính quyền do những người cộng sản chiếm giữ.
Rất nhiều năm sau, hoạ sĩ Lê Thanh Đức mới tỉnh ra, mới ân hận việc mình làm, đã nhắn lời xin lỗi tôi. Từ Paris tôi gọi điện cho anh: “Hồi ấy chúng ta đều thơ ngây. Việc qua lâu rồi, quên nó đi. Miễn tình bạn còn”. Anh bảo: “Giờ mình mới hiểu: con người muốn được làm chính mình thật không dễ dàng”. Được tin anh mất, tôi chảy nước mắt thương bạn hiểu ra cơ sự quá muộn màng.
2
Tôi trở về Xưởng phim Việt Nam, nơi từ đó tôi ra đi.
Trong mọi cơ quan đều có một phòng tổ chức. Về hình thức, nó ở dưới Ban giám đốc, ngang hàng với các phòng khác. Trong thực tế, nó đứng trên tất cả. Ở các nước bình thường, trong các công ty lớn cũng có phòng nhân sự lo việc sắp xếp đúng người đúng việc. Thứ phòng ấy không thể nào sánh được với phòng tổ chức ở Việt Nam. Tuy ở cấp phòng, nó là một cái chân nhỏ bé trong vô số chân của con rết khổng lồ có tên là Ban tổ chức Trung ương. Công việc của nó là tối mật. Nó không quan tâm mặt chuyên môn của cán bộ, mà chủ yếu theo dõi về mặt chính trị. Mọi đề đạt lên cấp hay kỷ luật cán bộ được gửi cho ban giám đốc có ý nghĩa quyết định, không ban giám đốc nào dại dột không nghe theo.
Nói tóm lại, phòng tổ chức kiêm nhiệm hai chức năng – vừa là cơ quan mật thám, vừa là toà án.
Trưởng phòng tổ chức của Xưởng Phim Việt Nam là một anh chàng nhỏ thó, gày còm, sơ mi cháo lòng để ngoài quần, dáng đi lẻo khoẻo, mặt lạnh như tiền. Nghe anh em nói thì anh này vốn là thư ký một đội Cải cách ruộng đất. Cải cách ruộng đất được đảng thừa nhận là sai lầm, chủ tịch nước khóc lóc xin lỗi dân, tổng bí thư đảng mất chức, nhưng sau đó thì các nạn nhân bị bí mật theo dõi (đảng lo họ bất mãn, có hành động chống đối), còn cán bộ thi hành cải cách ruộng đất thì vẫn được trọng dụng.
Một hôm, anh chàng này cho người gọi tôi lên phòng tổ chức.
Bị phòng tổ chức gọi lên lành ít dữ nhiều, ai cũng hãi. Tôi đang giúp bộ phận dựng phim, phải bỏ dở công việc lên gặp y.
Hoá ra chẳng có gì quan trọng – y gọi tôi lên chỉ để hỏi một câu:
– Cả xưởng gặp tôi đều chào hỏi, chỉ mình anh là không.
– Xin lỗi, tôi không quen anh. Mà tên anh là gì nhỉ?
– Tôi là Khuê – y quắc mắt – Cả xưởng ai cũng biết tên tôi, không lẽ anh không biết.
– Thế này, anh Khuê, hôm nay tôi mới hân hạnh được biết tên anh. Mong được miễn chấp
Y không chịu được giọng mỉa mai của tôi, dằn giọng:
– Tôi làm công tác tổ chức. Tôi biết rất rõ về anh. Tôi nắm lý lịch anh hơn bất cứ ai ở đây. Anh là người mắc khuyết điểm trầm trọng. Nhiệm vụ của tôi là phải theo dõi anh, uốn nắn anh…
Tôi tiếp tục lễ phép thưa với y rằng công việc của y quan trọng, y có ích, tựa như cái cột đèn vậy, không có nó điện không vào nhà được, tôi sẽ không có ánh sáng để đọc, tôi biết lắm, nhưng không phải vì thế mà tôi sẽ dừng lại trước mỗi cái cột đèn để chào nó.
Y gầm lên:
– Anh là thằng không biết trên dưới là gì.
Tôi bật dậy:
– Còn anh thì không biết người đang đứng trước mặt anh là ai. Anh nói anh biết rõ tôi. Vậy tôi hỏi anh: tôi có phải là một tên ngu đần không?
– Không. Anh thông minh, anh sắc sảo, nhưng tự cao tự đại.
– Thế thì tôi nói để anh biết: chừng nào tôi còn ở đây, tôi sẽ dùng tất cả thông minh mà tôi có, cộng với tất cả mọi mối quan hệ mà tôi có, để tống cổ anh ra khỏi đây. Tôi hứa đấy.
Y tái mặt.
Y biết rõ những mối quan hệ của tôi. Anh Phạm Văn Khoa, giám đốc xưởng phim, người đề xuất với Tuyên giáo Trung ương để tôi đi học điện ảnh ở Liên Xô, rõ ràng ưu ái tôi. Anh Lê Liêm, thứ trưởng Bộ Văn hoá, phụ trách điện ảnh, tỏ ra trọng nể tôi. Lê Liêm vốn là cục trưởng Cục Dân quân trong kháng chiến chống Pháp, đảng phân công làm công tác văn hoá thì anh làm. Vì không biết gì về chuyên ngành điện ảnh, anh bảo tôi đến nhà giảng cho anh nghe những kiến thức căn bản về ngành này. Hiếm có cán bộ lãnh đạo nào có cách hành xử như Lê Liêm. Anh nghe tôi giảng, chăm chú ghi chép như một cậu học trò thực thụ.
Tên trưởng phòng tổ chức hiểu rằng nếu ở cương vị mình y tác oai tác quái quá quắt thì họ, với tư cách cán bộ cao cấp, sẽ phản ảnh với cấp trên của y, và y sẽ chịu hậu quả.
Tôi chẳng buồn dây với tên này thêm nữa. Ở xưởng phim cũng chẳng có việc gì hấp dẫn tôi. Công việc chính của tôi là ở phòng biên tập, nơi các biên tập viên ngồi ngáp dài vì không có kịch bản, có vài cái thì cũng chỉ ở dạng chuyện kể, viết lại thì được chứ không thể sửa. Tiền được cấp một năm xưởng cũng chỉ đủ làm vài phim.
Một hôm, tôi đến phòng tổ chức:
– Tôi không muốn ở đây làm gì nữa, nói thật đấy, tôi ngán đến tận cổ rồi – tôi nói bằng giọng bình thản, không chút bực bội – Anh không muốn tôi ở đây, phải không nào? Tôi cũng vậy, tôi không muốn thấy cái bản mặt anh hằng ngày. Ta chia tay lúc này là hơn. Anh hãy viết vào lý lịch công tác của tôi theo cách nào hay nhất thì viết.
Y ngẩn ra nhìn tôi, không nói gì.
Khi rời xưởng phim tôi mới biết trong lý lịch của tôi được ghi toàn những điều đẹp đẽ: có năng lực công tác, nhiều sáng kiến, có tinh thần trách nhiệm cao vv…
Không thể có nhận xét nào tốt hơn.
Tên trưởng phòng tổ chức kết thúc cuộc đời bằng một phát súng lục vào đầu. Có người nói do một chuyện tình. Người khác bảo do bất mãn về quan lộ không toại nguyện. Tôi nghe, dửng dưng, không muốn nghe dị bản nào.
3
Tôi được chọn cho đi học viết kịch bản điện ảnh ở Liên Xô nhờ tôi có một vở kịch nói được xuất bản trong kháng chiến chống Pháp và vài bài báo được đăng, chứ tôi không hề chọn nó.
Tôi bước vào ngành điện ảnh một cách tình cờ.
Ngoài thú xem xi-nê-ma trong tuổi thiếu niên tôi chẳng có chút khái niệm nào về nó. Phim được chiếu trong thời thuộc Pháp toàn phim Mỹ, phim Pháp, tiếng không biết, lại không có thuyết minh hay phụ đề như thời nay, nhưng tụi trẻ chúng tôi vẫn mê lăn mê lóc cái vầng sáng thần kỳ hình chữ nhật trong căn phòng tối mù. Hiểu được chuyện phim là nhờ những tờ programme (chương trình) bằng tiếng Việt. Mấy ông anh tôi gom lại được hàng tập programme như thế.
Mùa hè năm 1953 tôi nhận được thư của anh Phạm Văn Khoa, một bạn trẻ của cha tôi, nhắn tôi lên Việt Bắc làm việc với anh. Anh mới được bổ nhiệm làm giám đốc Quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh, trong tương lai nó sẽ là một studio film (hãng phim) anh nói thế.
Tôi lúc bấy giờ đã khoẻ lại sau khi bị pháo bầy quăng lên quật xuống trong cuộc chống càn Bretagne ở Nam Định. Anh Hoàng Đình Cầu (bác sĩ ở quân y viện Nông Cống, sau là thứ trưởng Bộ Y tế) cho tôi nghe stethoscope để thấy tiếng thở như muối rang trong phổi mình. Anh bảo tôi không còn sống được bao lâu nữa đâu, bệnh lao đã ở thời kỳ thứ hai, tôi là bộ đội sống chết không sợ thì cứ vui vẻ sống nốt, kiếm được thứ gì ngon thì ăn đi, khỏi làm con ma đói. Tôi tin anh nói thật, nhưng không tin mình sắp chết – tôi bao giờ cũng có những ý nghĩ bướng bỉnh. Tôi lặn lội vào vùng địch hậu Nam Định nhờ mua thuốc PAS trên tỉnh để tự chữa. Năm 1956 tôi đón Hoàng Đình Cầu sang Moskva tu nghiệp. Ôm anh ở sân ga Yaroslavsky Vokzal, tôi nói: “Một xác chết đi đón anh đây”!
Từ Thanh Hoá tôi cuốc bộ lên Thái Nguyên, tìm tới Quán Ông Già để được liên lạc đưa tới Đồi Cọ ở huyện Định Hoá, cơ quan Quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh.
Cơ quan mới thành lập, chỉ có mấy người chuyên nghề chụp ảnh: Nguyễn Năng An, Nguyễn Đăng Bảy (Bảy Hổ), Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Hồng Nghi… Các anh sau này trở thành những nhà quay phim đầu tiên của nền điện ảnh quốc gia.
Ngoài giám đốc Phạm Văn Khoa còn có các phó hoặc được coi như phó nằm trong ban giám đốc là các anh Lê Viên, Việt Tường, Phan Trọng Quang. Lê Viên trắng trẻo, có dáng trí thức, Phan Trọng Quang gày còm, mảnh khảnh, giống một thầy ký chế độ cũ. Chỉ có Việt Tường là ra vẻ lãnh đạo. Tướng công nhân, mặt lầm lì, anh này suốt ngày tất tả để có mặt ở mọi chỗ, nhập đúng vai giai cấp lãnh đạo cách mạng.
Theo phân công, tôi được bố trí làm kế toán, dưới quyền trưởng phòng Mai Duy Dưỡng, cựu vô địch bóng bàn Đông Dương. Tôi không bao giờ hình dung mình sẽ trở thành một nhân viên trong nghề ấy. Nhưng đã đưa chân vào chốn này rồi, tôi còn biết đi đâu. Mai Duy Dưỡng rất tốt với tôi. Anh tận tâm chỉ bảo tôi từng li từng tý, kể cả những mánh khoé trong nghề, cả kế toán đơn lẫn kế toán kép. Tôi không biết Mai Duy Dưỡng học nghề cạo giấy này khi nào. Trong kháng chiến cán bộ phải là con dao pha, đặt đâu ngồi đấy, chắc anh tự học và làm được.
Năm 1954, cục diện chiến trường Đông Dương thay đổi nhanh chóng – quân đội Pháp mất hết địa bàn này tới địa bàn khác. Xưởng phim Tài liệu Trung ương Moskva cử một đoàn làm phim đi Việt Nam để quay một cuốn phim nhan đề “Việt Nam chiến đấu” (tên Việt được đổi thành “Việt Nam Trên Đường Thắng Lợi”).
Đoàn này do Roman Karmen, nhà điện ảnh danh tiếng của Liên Xô dẫn đầu. Tôi được rút khỏi phòng kế toán sau nửa năm miệt mài với những con số. Tôi và Nguyễn Bá Nghi ở bộ phận tu sửa phim đi với Eshurin, Lê Đăng Thực, Nguyễn Quang Tuấn đi với Karmen, Nguyễn Khắc Lợi đi với Mukhin.
Về danh nghĩa chúng tôi là phụ quay phim, được cử đi theo các “đồng chí bạn” để học nghề. Trong thực tế, chúng tôi làm việc của phu khuân vác. Đoàn quay phim nào cũng lủng củng đủ thứ hòm xiểng, chân máy, ô phản quang. Thùng dựng máy quay và các hộp phim nặng cả chục cân (riêng cái máy quay Eyemo đã 3,5 kg), chân máy còn nặng hơn. Thảng hoặc chúng tôi cũng được bấm cho máy chạy khi nhà quay phim đã lấy cảnh sẵn còn đang bận việc chỉ huy diễn xuất.
Trong phim này tôi được hành nghề quay phim có một lần. Người ta bẫy một con hổ rồi thả nó vào một khu đất rộng đã quây kín bằng tre đực già. Tôi phải buộc mình vào một cành cây to ở phía trên để quay con hổ đi lại ở phía dưới rồi tự chọn góc quay, tự bấm máy. Con hổ gày rạc vì bị bỏ đói và chịu khát nhiều ngày vừa được thả vào khoảng rộng là đi tìm nước uống. Nó không thèm nhìn lên tôi lấy một lần. Eshurin đứng bên ngoài hàng rào sau mấy tay súng lăm lăm bảo vệ, đề phòng con hổ phá rào thoát ra. Đó là sự cẩn thận cần thiết – không thể để “đồng chí bạn” gặp bất kỳ nguy hiểm nào.
Rồi tôi được chọn đi học điện ảnh ở Liên Xô. Cùng đi với tôi có Lê Đăng Thực, Nguyễn Khắc Lợi học đạo diễn, Nguyễn Quang Tuấn học quay phim, cũng là người của Quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh. Lê Thanh Đức học trang trí và thiết kế mỹ thuật, Ngô Mạnh Lân học hoạt hình, là người của bên hội hoạ nhập vào.
Tôi rất thích nghề quay phim. Tôi mơ ước được trở thành một cameraman. Nó là nghề hợp ý tôi, được đi nhiều, biết nhiều.
Nhưng mộng không thành.
Thay vì được cầm những cái máy quay thì người ta nhét vào tay tôi cây bút.
4
Bỏ Xưởng Phim, tôi thấy chỉ có nghề báo là thích hợp nhất. Tuy có tập tọng viết vài truyện ngắn, tôi không nghĩ mình có thể viết văn. Việc ở các nhà xuất bản, báo Văn học, những nơi chuyên về văn chương, tôi biết, chẳng đến phận mình.
Tôi tới câu lạc bộ nhà báo, nơi có căng-tin bán cà phê giá rẻ, có bàn bi-da, là nơi các nhà báo thường tụ hội. Ở đó tôi có một số bạn bè làm ở các báo.
Biết tôi bỏ điện ảnh, bạn bè tôi ở các báo đều muốn tôi về với họ. Riêng Chính Yên khuyên tôi:
– Ờ, cậu tính thế là phải. Về đâu thì về, nhưng chừa hai tờ Nhân Dân và Quân đội Nhân dân ra. Tớ muốn rút chân ra còn chẳng được.
Chính Yên là con quan tuần phủ hay tổng đốc chi đó, tôi không nhớ rõ. Ở lâu năm trong hàng ngũ cách mạng, khi nào có chuyện cất nhắc cán bộ, hay có dịp đi nước ngoài, thì người ta soi mói lý lịch thuộc giai cấp đối tượng cách mạng để gạt anh ra, còn khi phải ra chiến trường thì người ta khen anh có kinh nghiệm chiến đấu.
Chẳng cần đến lời khuyên của Chính Yên tôi cũng không muốn làm việc ở hai tờ báo này. Không phải là báo, hai tờ này làm việc phổ biến mọi chỉ thị, nghị quyết của đảng.
Tôi thấy báo ảnh Việt Nam, hay còn gọi là họa báo Việt Nam, hợp với tôi hơn cả. Nó là tờ báo dành cho độc giả nước ngoài, bài vở không nhất thiết phải viết theo công thức của các báo trong nước. Hơn nữa, mấy anh trong ban biên tập báo ảnh như các anh Trần Cơ, Nguyễn Hữu Đông, Hoàng Nguyên Kỳ… đều biết tôi qua những truyện ngắn và bài báo đã đăng, muốn tôi về với họ.
Tôi chọn báo ảnh Việt Nam. Tôi không ân hận với lựa chọn này. Nó đúng như tôi nghĩ. Ở đây tôi được làm việc với những người ít chất cán bộ hơn ở các nơi khác. Các nhà báo là những công chức thực thụ, đúng giờ có mặt ở sở, hết giờ thì về. Tôi được phân công vừa làm biên tập viên vừa làm phóng viên.
Tờ báo ít người, không có phòng tổ chức. Bí thư chi bộ Hoàng Nguyên Kỳ, người nắm công tác tổ chức, trước là trưởng ty văn hoá Hà Tĩnh. Là người yêu văn học nghệ thuật, anh chẳng những không khe khắt với những sai phạm có dính dáng tới chính trị của đồng nghiệp, mà còn che chở, tìm cách lấp liếm, hoặc giảm nhẹ các khuyết điểm. Nói tóm lại, Hoàng Nguyên Kỳ ít chất đảng viên cộng sản nhất trong những đảng viên tôi từng biết. Có lần anh đã thổ lộ với tôi rằng chính anh cũng phải thận trọng giữ mình vì không thể nào biết trong cơ quan ai làm việc với công an mật, hay bản thân là công an mật. Trong cái thiên la địa võng của sự theo dõi lẫn nhau được tổ chức chu đáo không một ai được thoát khỏi con mắt dò xét. Chỉ cần anh ăn nói không giữ gìn một chút, để lộ ra những suy nghĩ không theo dòng chính thống một chút, là anh bắt đầu bị theo dõi mà không biết, khuyết điểm của anh lập tức được ghi nhận, hồ sơ về anh được lập. Cho tới ngày anh biết được điều đó thì đã muộn – anh đã bị ném khỏi boong con tàu cách mạng.
Chủ nhiệm tờ báo là Ngô Đức Mậu, tính về tuổi tham gia cách mạng là cán bộ lão thành, nhưng cũng có thời gian bỏ hoạt động, lại từng bị bắt trong cải cách ruộng đất vì bị tố cáo là đảng viên Quốc dân đảng, cho nên chỉ được bố trí vào những chức vụ không quan trọng. Tờ báo do chính tổng bí thư Trường Chinh lập ra cùng với nhà nhiếp ảnh Trần Phượng, mấy số đầu tiên in ở Bắc Kinh. Nghe Hoàng Nguyên Kỳ kể thì khi Ngô Đức Mậu đang bị giam trong chuồng trâu thì thấy Nguyễn Chí Thanh đi ngang, mới kêu ầm lên: “Anh Thanh ơi, cứu thầy!”. Theo lời Hoàng Nguyên Kỳ thì Nguyễn Chí Thanh có thời là học trò Ngô Đức Mậu. Học ở trường hay học ở nhà anh không kể. Chuyện khó tin vì hai người sàn sàn tuổi nhau, nhưng Nguyễn Chí Thanh đã cứu Ngô Đức Mậu là chuyện có thật.
Nhờ Ngô Đức Mậu mà tôi quen Nguyễn Chí Thanh. Ông đại tướng nông dân, như người ta thường gọi, tỏ ra có cảm tình với tôi. Thậm chí ông còn giục tôi viết bài đánh Hà Minh Tuân với cuốn Vào Đời mà ông cho là cỏ dại trong nền văn học xã hội chủ nghĩa. Tôi quen Hà Minh Tuân. Cuốn Vào Đời của anh cũng là sản phẩm viết theo công thức ta thắng, địch thua, khốn nỗi trong cách miêu tả của anh những nhân vật phản diện lại sắc nét, sinh động hơn hẳn những nhân vật chính diện không có sức sống. Không phải vì quen Hà Minh Tuân mà tôi không nghe lời Nguyễn Chí Thanh. Nó chẳng đáng phê bình về nội dung. Nếu có đáng chê thì chỉ về mặt hình thức.
Chẳng bao lâu sau chính tôi lại bị ông tướng phang cho một trận tơi bời trong cuộc họp cán bộ trung cao quân đội về kịch bản phim “Đêm Cuối Cùng, Ngày Đầu Tiên”. Ông buộc tội tôi ca ngợi “chủ nghĩa nhân đạo chung chung”, “tính người chung chung”, trái với “tính giai cấp” của chủ nghĩa Marx. Kịch bản đã được Xưởng phim Việt Nam chấp nhận, đoàn làm phim đã được thành lập với anh Phạm Văn Khoa làm đạo diễn, tôi đã lĩnh tạm ứng, thế là bị đình lại, rồi bị xoá sổ.
Tuy nhiên, việc tôi phạm khuyết điểm mà ông tướng lên án không gây ra hậu quả nghiêm trọng cho tôi ở báo ảnh. Mọi người, kể cả bí thư chi bộ Hoàng Nguyên Kỳ, không nhắc gì tới mấy cái chủ nghĩa mà ông tướng tròng lên cổ tôi. Tôi nói như thế theo nghĩa đen, cho đúng với sự thật – khi viết tôi không hề nghĩ tới bất cứ chủ nghĩa nào hết.
Chủ nghĩa nào cũng chỉ là một lý thuyết. Khi nó còn ở dạng ý nghĩ nó là vật sống, nó được quăng đi quật lại trong sự phát triển, nó lớn lên, nó thành hình. Nhưng khi nó đã được nói ra miệng, được viết ra giấy, thì cái đã hình thành ấy có bằng nào phơi ra bằng ấy, để trở thành bất động. Nói cách khác, nó chết cứng trong hình dạng được trình bày. Sự tuân phục cái chết cứng là sự tự nguyện chết theo nó. Những gì tôi đọc được trong các trước tác của Karl Marx, tuy không nhiều, làm tôi khâm phục ông với tư cách nhà xã hội học. Nhưng tôi nghi ngờ những diễn dịch – chúng bốc mùi tam đoạn luận, mà là tam đoạn luận vô sở cứ. Ấy là kiến giải về sau này mới có. Chứ trong tuổi trẻ tôi chỉ đơn giản không thích cái thói phô phang chủ nghĩa Marx thời thượng.
Chạy trời không khỏi nắng, báo ảnh là chốn dung thân cho tôi một thời gian khá dài, nhưng cũng chẳng phải nơi tuyệt đối an toàn. Ngoài những sai phạm lặt vặt về câu chữ trong những bài viết, tôi không tránh được những việc không nên làm, những câu không nên nói liên quan tới chính trị.
Tôi có cái tật cố hữu là bướng. Cái gì tôi không cho là phải thì không chịu làm. Cộng vào cái bướng là sự không biết giữ mình, để lộ cái bướng ấy ra ngoài.
Một lần toà soạn cử tôi đi viết bài về hợp tác xã Trần Phú. Hợp tác xã này được các báo chính thống coi là một điển hình tiên tiến, cho rằng nó rồi đây sẽ phất lên ngọn cờ như “Sóng Duyên Hải”, “Gió Đại Phong”, “Cờ Ba Nhất”. Nó được đích thân lãnh tụ Trường Chinh đến thăm rồi viết bài “Nông dân tiến quân vào khoa học kỹ thuật” trên báo Nhân Dân. Tôi được phân công đi lấy tài liệu để viết bài. Khu ruộng thí nghiệm về tác dụng của phân đạm gồm các lô được xếp vuông vắn như bàn cờ, mỗi ô cho một lượng phân khác nhau, ô nào ô nấy đều cắm bảng ghi chú, chữ kẻ đẹp như biển hiệu ở thủ đô.
Tôi hỏi chủ nhiệm hợp tác xã:
– Phân đạm có hoà tan trong nước không, đồng chí?
Đồng chí vui vẻ trả lời:
– Có chứ.
Tôi chỉ cho anh thấy giữa các lô thí nghiệm nước được làm theo cách dẫn thuỷ nhập điền, nước đi lại như bình thông nhau.
Tôi trở về, không chịu viết bài.
Chủ nhiệm báo hạch tôi:
– Ông Trường Chinh ca ngợi nó, sao anh không?
– Tôi có thể ca ngợi cái đúng, cái hay – tôi nói – Nhưng ca ngợi cái sai, cái lừa bịp thì không bao giờ.
Tôi trình bày cái tôi thấy ở hợp tác xã và đề nghị toà soạn báo cáo lên ông Trường Chinh rằng tôi sẵn sàng tranh luận với ông ấy.
Cuộc tranh luận dĩ nhiên chẳng bao giờ có, nhưng sự kiện ấy rồi cũng được cho qua.
Theo sự sắp xếp học tập chính trị, tôi là cán sự 3, gần hạng bét, phải học ở rạp Hồng Hà. Tôi ngồi nghe được mươi phút thì đứng dậy, đi về. Cái ghế tự động bật, gây ra một tiếng động lớn. Tôi bị kiểm điểm.
– Tôi về vì nhầm chỗ.
– Học tập có số ghế đâu mà nhầm.
– Nhầm ở cái khác. Chỗ của tôi phải ở trên bục giảng. Còn cái anh giảng bài thì ngồi ở chỗ tôi bỏ đi.
Việc đưa lên ban chỉ đạo học tập. Người ta xem xét thấy tôi đúng, giảng viên sai. Tôi được chuyển lên học lớp B với các cán bộ có bậc lương cao hơn. Ở lớp này tôi cũng chứng minh giảng viên sai nốt. Người ta đành cho tôi học lớp A, cùng với chủ nhiệm và chủ bút. Lớp này đặt ở trường đảng Nguyễn Ái Quốc, giảng viên là cán bộ Liên Xô.
Đi nghe về, ngồi trên xe chủ nhiệm Ngô Đức Mậu mỉa mai:
– Anh thấy thế nào? Giờ hài lòng chứ?
– Không đến nỗi tồi, bác ạ – tôi lễ phép thưa – Giảng viên nói đúng sách, theo cách thuộc lòng, chứ có giảng gì đâu.
Nặng nề nhất là trong học tập Nghị quyết 9 của đảng tôi dám bắt bẻ câu “Ở những nước không có giai cấp vô sản hoặc giai cấp vô sản chưa hình thành cũng có thể thành lập chính đảng mác xít – lê-nin-nít”. Tôi dùng công thức của Lenin: “Chứng minh bằng toán học là con đường ngắn nhất” để thay thế cho sự không có giai cấp vô sản hoặc giai cấp vô sản chưa hình thành bằng con số không và biểu tượng cực tiểu epsilone trên bảng đen gây ra một trận cười cố nín lại trong phòng học tập đông người.
Bắt bẻ cả trung ương đảng là một việc quá quắt, không thể dung thứ, không thể bỏ qua mà không trừng phạt. Nhưng đảng đã tuyên bố cho bảo lưu những ý kiến bất đồng, cho nên không thể cho tôi hưởng một dạng kỷ luật nào.
Tôi bị bỏ tù không phải chỉ vì tôi là con của cha tôi. Ông bị bỏ tù trước tôi vì tội chống đảng, theo “chủ nghĩa xét lại”. Nhiều người nghĩ vì ông không chịu khuất phục nên người ta dùng sự bỏ tù tôi để hạ gục ông. Nhưng họ lầm. Không phải chỉ vì thế. Người ta bỏ tù tôi còn vì cuốn sổ nợ dày cộp của chính tôi. Bằng chứng là ngoài tôi còn có mấy người bạn tôi không phải đảng viên cũng bị bỏ tù: Vũ Huy Cương, Phan Thế Vấn, Bùi Ngọc Tấn.
Sau chín năm tù, tôi làm nhiều nghề mà trước kia có nằm mơ cũng không nghĩ ra: thợ cán cao su, sản xuất bột nở cho các bà bán cháo quẩy, bột nở cho cao su, sản xuất ve quét tường, xà phòng bột, kem đánh răng, son môi… và rất nhiều nghề khác nữa. Đó cũng là một đoạn đời gian lao đầy thử thách nhưng cũng nhiều kỷ niệm thú vị.
Tất cả những công việc ấy tôi không coi là nghề. Đó là những công việc tôi buộc phải làm để sống mà thôi.
5
Giờ đây, khi đã ở chân dốc bên kia của cuộc đời, tôi mới nghiệm ra rằng trong cuộc đời ai cũng phải có một công việc để làm vì sự tồn tại của mình, của gia đình mình. Công việc ấy ta gọi là nghề. Nghề có thể hợp với sự mong muốn hay sự lựa chọn của mình, có thể không. Trong trường hợp tôi đó là nghề quay phim.
Khi vừa rơi vào nhà tù, ngay từ những ngày đầu tiên, tôi đã chăm chú ghi vào óc những gì tôi quan sát được, với ý muốn sau này sẽ viết về nó, một cuộc sống ít người biết, và cũng chỉ về cuộc sống ấy thôi.
Nhà tù và vụ án “nhóm xét lại chống Đảng” không phải là đề tài trong cuốn hồi ký Đêm Giữa Ban Ngày. Có nhiều người trách tôi ít viết, viết không chi tiết, về nhà tù. Khốn nỗi, mục đích của tôi khác. Những quan sát về nhà tù bị chìm lấp trong sự trình bày một chuyện lớn hơn – về một xã hội không xứng đáng với con người. Tôi nghĩ về đề tài này rất lâu. Bằng những câu chuyện về những số phận những người đủ mọi loại, từ những người được coi là thuộc giới tinh hoa cho tới những con người ở dưới đáy, tôi muốn vẽ nên hình ảnh chân thực của xã hội ấy.
Cha tôi khuyến khích tôi viết. Ông muốn tôi viết nó thay ông, như sự sám hối của ông trước đồng bào.
Tôi đã viết nó trong tâm trạng phấn khích của sự thực hiện một trách nhiệm. Tôi không coi nó là một công việc văn chương.
Viết văn không phải là nghề cho tôi. Tôi không có ý muốn trở thành nhà văn. Trong sự không muốn này có một phần là cảm giác tự ti. Tôi coi nhà văn là một loại người đặc biệt. Họ có con mắt tinh, cái đầu sáng, và biết cách diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ mà tôi không có. Tôi viết, và tiếp tục công việc này, như để giải toả cái âm ỉ, cái nhức nhối trong lòng đòi được thoát ra, là nhu cầu bộc bạch, là nhu cầu chia sẻ tâm sự với những người một lúc nào đó sẽ đọc cái tôi viết.
Nói tóm lại, viết với tôi là nghiệp.
Nghiệp, không phải cái mình chọn, mà là cái số phận trao cho, tránh không được, bỏ không xong.
Tôi chấp nhận nghiệp này.
Riết rồi tôi có được tình yêu nó trong tôi.
Nguyễn Du nói về nghiệp thật hay. Cứ như là ông nói cho tôi vậy:
Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
________________________
[1] Học viện VGIK được thành lập từ năm 1919 do đạo diễn phim Vladimir Gardin, thoạt đầu thuộc Xưởng phim Moskva (Mosfilm), VGIK được coi là trường dạy nghề điện ảnh lâu đời nhất trên thế giới.
[2] Đúp là tiếng trong nghề chỉ một lần quay cùng một cảnh để sau chọn cảnh vừa ý nhất.
[3] Amyot d’Inville là một thông báo hạm cổ của hải quân Pháp, loại A69, mang số hiệu F782. Nó bị tình báo Việt Nam cho phát nổ ở ngoài khơi Sầm Sơn (Thanh Hoá), nhưng không chìm và được kéo về sửa chữa ở cảng Hải Phòng. Năm 2000 Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey) có mua một aviso cùng tên, đặt cho nó tên mới là TCG Bartin. Không chắc có phải là chính nó không?

Phần nhận xét hiển thị trên trang