Trong gần bốn năm cai trị Campuchia, chính quyền Khmer Đỏ đã gây ra nạn giết người hàng loạt thuộc hàng kinh khủng nhất của thế kỷ 20.
Nhưng con đường dẫn tới Cuộc chiến Campuchia, còn gọi là Chiến tranh Đông Dương III, xảy ra từ nửa sau thập niên 1970, cùng thời gian có tan vỡ trong quan hệ Trung - Xô và cuộc chiến Việt Nam đến hồi kết thúc.
Du kích quân Khmer Đỏ lớn mạnh lên từ vùng rừng núi chiến khu hẻo lánh ở đông bắc Campuchia hồi thập niên 1960.
Ban đầu là cánh quân sự trong Đảng Cộng sản Campuchia, sau họ sáp nhập với Quốc vương Norodom Sihanouk khi ông bị hạ bệ sau cuộc đảo chính của Lon Nol hồi 1970 và sang sống lưu vong tại Bắc Kinh.
Các sử liệu Phương Tây cũng nói về các trận ném bom rải thảm của Mỹ ở Cambodia, "giết chết 250 nghìn dân", và đánh giá rằng việc này đã giúp lực lượng cộng sản Khmer Đỏ giành được quyền kiểm soát nông thôn.
Trung Quốc nâng đỡ Pol Pot và bè nhóm
Khmer Đỏ ngay từ đầu luôn được Trung Quốc nâng đỡ.
Tháng 4/1974, khi chính phủ Lon Nol vẫn đang kiểm soát Campuchia thì tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã tiếp đón các vị khách là Quốc vương Sihanouk cùng Tổng tư lệnh Khieu Samphan, người đồng thời cũng là phó thủ tướng và bộ trưởng quốc phòng của chính phủ Campuchia lưu vong.
Ngày 17/4/1975, Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh. Chế độ Lon Nol thân Mỹ tan rã, bỏ chạy.
Chỉ một ngày sau khi Pol Pot tuyên bố chiến thắng, Phó Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Đặng Tiểu Bình, hôm 18/4/1975, đã chúc mừng Sihanouk cùng các lãnh đạo khác của chính phủ lưu vong.
Sihanouk nhanh chóng trở về Phnom Penh làm Quốc trưởng Campuchia Dân chủ.
Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau, tháng 4/1976, ông bị bắt giam rồi tiếp tục cuộc sống lưu vong. Pol Pot được bầu làm thủ tướng còn Khieu Samphan trở thành nguyên thủ quốc gia.
Dưới thời Hoa Quốc Phong và Đặng Tiểu Bình, Bắc Kinh là nhà bảo trợ chính cho Khmer Đỏ.
Cố vấn Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã có mặt để giúp xây dựng các công trình khổng lồ, tốn kém mà nay vẫn còn dấu vết tại Campuchia.
Công xã hoang tưởng
Chế độ Khmer Đỏ đuổi dân ra khỏi thủ đô, về các công xã nông thôn để xây dựng chủ nghĩa cộng sản.
Xã hội bị biến đổi theo mô hình cánh tả cực đoan. Pol Pot và đồng bọn đã biến Campuchia thành một xã hội nông nghiệp hoang tưởng trở về cội nguồn, không sách vở, không tiền bạc.
Khi còn sống trong khiến khu Đông Bắc, Pol Pot chịu ảnh hưởng của các nhóm sắc tộc rừng núi, sống trong cộng đồng tự cấp tự túc, không dùng tiền, không bị 'ảnh hưởng xấu' của Phật giáo.
Khi lên nắm quyền, chế độ của ông ta đã xóa sổ trường học, hủy hoại văn hóa truyền thống và diệt trừ trí thức.
Người dân Campuchia tuyệt vọng tìm cách vượt biên giới sang các nước láng giềng.
Những người thoát ra được tiếp tục kể những câu chuyện kinh hãi diễn ra bên trong đất nước.
Angkar tiến hành các cuộc xử tử man rợ bằng những công cụ thô sơ.
Người dân phải sống, lao động đến kiệt sức trong điều kiện hà khắc, trong lúc chỉ được cho ăn uống, sinh hoạt vô cùng kham khổ và không được chữa trị y tế.
Sinh hoạt tập thể dùng cờ đỏ, các cuộc meeting, đấu tố diễn ra mọi nơi. Ai bị coi là 'kẻ thù giai cấp' đều phải chịu đi cải tạo, bị tù đày hoặc giết.
Người sắc tộc Chàm và Việt cũng là đối tượng của chính sách giết người này.
Chỉ một trại tù S-21 ở Phnom Penh, vốn là một trường học, Tuol Sleng, đã giam cầm 17 nghìn người, gồm cả phụ nữ, trẻ em.
Nhiều người bị tra tấn và giết.
Số người chết tiếp tục gia tăng, do bị giết, do bệnh tật, do kiệt sức.
Ước tính khoảng gần 2 triệu người đã bỏ mạng trong thời kỳ bốn năm cai trị của Khmer Đỏ.
Quan hệ với các nước láng giềng
Trong lúc đó, quan hệ giữa Trung Quốc với Campuchia vẫn diễn ra rất tốt đẹp.
Lãnh đạo Khmer Đỏ đón quan chức Trung Quốc thăm viếng, nâng đỡ và được đón như thượng khách khi thăm Bắc Kinh.
Tháng 9/1977, Pol Pot được Thủ tướng Hoa Quốc Phong đón tiếp nồng nhiệt khi tới thăm Trung Quốc.
Đến năm sau, 1978, bà Đặng Dĩnh Siêu, phái viên chính phủ Trung Quốc đồng thời là phu nhân cựu Thủ tướng Chu Ân Lai, tới thăm Campuchia, gặp gỡ các lãnh đạo cao cấp nhất gồm Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan và Nuon Chea.
Bà tái xác nhận sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Khmer Đỏ. Tin tức nói bà đã ca ngợi chính quyền Campuchia về những thành tựu đã đạt được.
Tuy nhiên, với các nước láng giềng khác thì khác.
Tháng 10/1975, Ieng Sarry, Phó Thủ tướng phụ trách đối ngoại của Khmer Đỏ công du Thái Lan để có các cuộc đàm phán kéo dài 6 tháng.
Ông nói chính phủ ông muốn có hòa bình với các quốc gia láng giềng.
Nhưng không lâu sau đó, các cuộc đụng độ đường biên bắt đầu nổ ra, mà nghiêm trọng nhất là các cuộc tấn công của Khmer Đỏ sang vùng biên giới Tây Nam của láng giềng Việt Nam, thảm sát thường dân.
Việt Nam xóa sổ chế độ diệt chủng
Sau hàng loạt các cuộc tấn công qua biên giới táo tợn của Khmer Đỏ, Việt Nam quyết định tiến quân vào Campuchia, bắt đầu từ ngày 25/12/1978.
Đến ngày 7/1/1979, quân đội Việt Nam chiếm được Phnom Penh, đẩy Pol Pot về phía biên giới với Thái Lan.
Lực lượng của Pol Pot rút về vùng biên giới với Thái Lan tiếp tục cuộc chiến du kích dài lâu chống lại quân đội Việt Nam và quân đội Campuchia mới do Hà Nội hỗ trợ cho tới tận 1991.
Pol Pot chết tháng 4/1998 trong rừng rậm, và tháng 12 năm đó, Khieu Samphan ra đầu hàng.
Phải đến tận tháng 12/1999, thủ lĩnh cuối cùng, Ta Mok và các chỉ huy còn lại đầu hàng, chấm dứt tàn dư của Khmer Đỏ ở Campuchia.
Nhiều năm sau, chỉ một con số rất nhỏ cựu lãnh đạo Khmer Đỏ bị đem ra xử về tội chống nhân loại và gần đây là tội diệt chủng.
Ngày 7/1 đánh dấu ngày giải phóng, chấm dứt chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, nhưng với một số người, thì đó được coi là ngày bắt đầu cho thời kỳ chiếm đóng kéo dài cả thập niên của Việt Nam.
Cuối thập niên 1980, Việt Nam rút quân về nước để bàn giao lại việc gìn giữ hòa bình và tiến trình tái thiết Campuchia sau nội chiến cho Liên Hiệp Quốc,.
Có rất nhiều ý kiến ghi nhận công lao của Việt Nam giúp nước láng giềng xóa sổ chế độ diệt chủng Pol Pot nhưng việc đóng quân lại lâu vẫn khiến một phần dư luận Campuchia khó chịu.
Campuchia vừa làm lễ kỷ niệm 40 năm ngày Khmer Đỏ bị đuổi khỏi Phnom Penh.
Câu hỏi cho đến nay vẫn được nhiều người đặt ra là số thương vong chính thức của bộ đội VN tại chiến trường Campuchia là bao nhiêu.
Ngày nay, Việt Nam đã thành thành viên khối ASEAN, và cả vùng Đông Nam Á chứng kiến sự trở lại mạnh mẽ của Trung Quốc tại Campuchia.
Phần nhận xét hiển thị trên trang