Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 9 tháng 1, 2019

NÔNG DÂN AUSTRALIA ĐƯỢC $50 TRIỆU KHI BÁN ĐẤT – BÀI HỌC TƯ HỮU


 Đây là câu chuyện của 3 anh em nhà họ Troutbeck: Edward, Garry và Keith. Từ bần nông chính hiệu họ đã trở thành triệu phú dollar 50 lần sau khi bán đất nông nghiệp của gia đình.
Cách đây hơn 80 năm, vào năm 1935, ông của họ đã mua 25 hectare đất nông nghiệp với giá 500 bảng Úc, tầm $870 AUD thời đó. Nếu tính lạm phát là 5%/năm thì $870 thời đó có giá $43,000 hiện tại. Lúc đó nó chỉ là vùng đất hoang, không làm ăn được gì. Nhưng gia đình nhà Troutbeck đã quyết định sinh sống, làm nông trại, chăn nuôi và làm ăn trên mảnh đất đó.
Rồi năm vừa rồi, khi thị trường bất động sản tăng giá theo phát triển kinh tế và dân số, miếng đất nông cách trung tâm Melbourne 45 phút lái xe đã trở thành mảnh đất tiềm năng để làm dự án. Một nhà đầu tư bất động sản đã quyết định mua lại 25 hectare của nhà Troutbeck với giá $50 triệu AUD.
Từ 3 gã nông dân chính hiệu, ba anh em Edward, Garry và Keith đã trở thành siêu đại gia. Đây có thể là một trong những thương vụ lời nhất. Từ $870 thành $50 triệu, lợi nhuận 57,471 lần.
Nhìn sự kiện này chúng ta có thể kết luận điều gì? Australia có chủ nghĩa tư bản, có tư hữu, có kinh tế thị trường và một hệ tài chính sinh động. Tài sản của dân được bảo vệ gần như tuyệt đối.
Nếu họ sinh ra ở đất nước Việt Nam CNXH thì có lẽ đã bị tịch thu hoặc bị quy là địa chủ rồi. Nông dân Việt Nam không hề được sử hữu đất đai của mình mà chỉ được quyền sử dụng 50 năm. Cho nên họ vẫn mãi nghèo. Sự thịnh vượng chỉ có thể được xây dựng ở một môi trường tư hữu thị trường của chủ nghĩa tư bản.
***Theo News-dot-com-dot-au
Ku Búa @ Cafe Ku Bú
Troutbeck


Phần nhận xét hiển thị trên trang

5 TRUYỆN CỰC NGẮN

ÐẠI TRƯỢNG PHU

Mở chiếc rương cũ kĩ, ông lấy ra cây cung đã quá lâu không dùng tới. Tất cả những mũi tên trước đây đều đã bị ông bẻ gãy. Ông căng lại dây, đưa cung lên, kéo cung, và buông tay. Ở chân trời phía đông, mặt trời vừa ló dạng.

NGỒI

Hắn ngồi xuống trên chiếc ghế được đặt trong căn phòng nhỏ của mình. Giữ lưng cho thẳng, hai chân trụ vững trên mặt đất, vai buông thư, hai bàn tay đặt trên đùi. Thở đều và nhẹ, hắn im lặng ngắm nhìn bóng nắng chầm chậm đi qua khung cửa sổ.
Trên bầu trời vừa có một vì sao rơi.

TƯƠNG TỨC

Từng nốt sần của rễ, từng chiếc lông tơ trên lá và tất cả thân cành hoa trái của cỏ cây đang lắng nghe tiếng sấm đầu mùa.
Sau tiếng sấm rền vang, cấu trúc của toàn pháp giới đã vừa đổi khác.

MA GIỚI

Nhà nghệ sỹ tìm tới một đỉnh núi rồi lao mình xuống vực thẳm.
Ông đã dành cả cuộc đời để lao mình vào những vực thẳm nhưng chưa bao giờ chạm được tới đáy.

ĐI ĐI LẠI LẠI

Cùng một quãng đường từ địa ngục tới thiên đường mà đôi khi tôi đi mất một giây, đôi khi tôi đi hết vài giờ đồng hồ, lắm khi tôi lại đi mất vài ngày hay cả tuần lễ.
Sở dĩ tôi cứ hay phải đi đi lại lại như vậy là vì tôi thường bị rớt từ thiên đường xuống, chứ không phải vì tôi muốn thế, cũng không phải vì tôi có một công chuyện gì đặc biệt cần phải làm dưới địa ngục.


-------------

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tư liệu đàu khí Vũng Tàu:

Nước mất chủ quyền, dân mất việc làm

https://baomai.blogspot.com/

Vũng Tàu quanh năm nắng gió mặn mòi. Thành phố là một bán đảo, biển cả bao quanh ba mặt. Thành phố này là tập hợp của những cư dân phiêu lãng và đam mê biển cả. Trong cộng đồng đa sắc đa thanh ấy có một tiểu cộng đồng đặc biệt: Dân Dầu Khí- theo cách gọi của người dân Vũng Tàu.

Dân dầu khí

https://baomai.blogspot.com/

Một kỹ sư trong ngành dầu khí đã viết những câu thơ nao lòng về Vũng Tàu:

“Một đời thương mến biển- Chọn quê anh đến Vũng Tàu”.

Nhà thơ Nguyễn Duy cũng đã viết những câu thơ bay bướm về Vũng Tàu khi ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam chỉ vừa mới đi những bước đầu tiên:

https://baomai.blogspot.com/

Trên bản đồ dầu khí thế giới, Vũng Tàu xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1973, khi hãng dầu Mobil của Mỹ tiến hành khoan thăm dò tại vùng mỏ Bạch Hổ - mỏ có trữ lượng dầu khí cao nhất Việt Nam hiện tại do Xí nghiệp liên doanh Việt- Nga Vietsovpetro khai thác.

https://baomai.blogspot.com/
Việt- Nga Vietsovpetro khai thác vùng mỏ Bạch Hổ

Năm 1979, Việt Nam mời gọi các hãng dầu nước ngoài đến thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi vùng biển Vũng Tàu. 

https://baomai.blogspot.com/
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung cộng.

Các hãng dầu ồ ạt kéo đến, toàn các hãng tên tuổi của Anh, Canada, Úc, Na Uy, Nhật Bản, và Liên xô cũ. Việt Nam và Liên xô cũ thành lập Liên doanh dầu khí Vietsovpetro theo hiệp định được ký kết giữa hai chính phủ, và nhận miếng bánh ngon nhất là mỏ Bạch Hổ. Vũng Tàu đã chính thức trở thành thủ đô của dầu khí Việt Nam, khi mà dầu và khí được khai thác ngoài khơi Vũng Tàu, các cơ sở dịch vụ hậu cần được thiết lập tại thành phố, các cảng dầu khí chuyên dụng cũng đã hình thành và phát triển, và hàng chục ngàn chuyên gia- kỹ sư- công nhân dầu khí đã làm việc và định cư tại thành phố hiền hòa này.

https://baomai.blogspot.com/

Người nước ngoài dầu khí cũng tề tựu tại Vũng Tàu. Ở đó có một người Mỹ gốc Việt thành công rực rỡ với dự án dầu khí Cá Ngừ Vàng. Ở đó có dự án JVPC có mỏ dầu mang tên rất Nhật Bản: Vừng Đông, và ông tổng giám đốc vì quá yêu Vũng Tàu nên lấy tên Việt là Hòa Văn Phúc từ phiên âm tên của ông là Fukuoka. Ở đó có người phụ nữ Anh bé nhỏ có một tâm hồn rất Việt Nam nhưng là chủ tịch của tập đoàn BP Việt Nam. Ở Vũng Tàu có nhiều thứ lắm…

https://baomai.blogspot.com/

Ảnh hưởng tích cực của ngành công nghiệp dầu khí đối với Việt Nam nói chung và Vũng Tàu nói riêng hiện hình lên rất rõ.

Mất mát quá nhiều!

Bao nhiêu năm qua, Vũng Tàu tràn ngập niềm vui. Nỗi buồn, nếu có, cũng chỉ thoáng qua.

Nhưng, giờ đây mọi chuyện đã khác, nỗi buồn đã hiện hình rõ ràng hơn, chua xót hơn và thường xuyên hơn.

Tháng 7-2017, Vũng Tàu đã bắt đầu buồn.

https://baomai.blogspot.com/

Ngày đó, chính xác là ngày 22-7-2017, hãng dầu Repsol của Tây Ban Nha đã buộc phải ngừng khoan thăm dò mỏ khí đốt ở lô 136-03 thuộc vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, cách Vũng Tàu khoảng 450 km về phía đông nam. 

Khi đó, mũi khoan của Repsol đang tiến triển tốt và chỉ còn khoảng 7 ngày nữa là hoàn thành. Tại sao phải ngừng khoan? Chính phủ Trung cộng cho rằng lô 136-03 đang có tranh chấp, nếu phía Việt Nam không ngừng khoan, quân đội Trung cộng sẽ tấn công một số tiền đồn của Việt Nam trên biển Đông.

https://baomai.blogspot.com/

Thông tin này nhanh chóng lan truyền trong cộng đồng dầu khí Vũng Tàu, tạo nên hai trạng thái cảm xúc trái ngược: tức giận và buồn bã. Nhiều cơ sở dịch vụ hậu cần dầu khí ở Vũng Tàu lo không có việc làm, lo hợp đồng bị phá vỡ. “Mong những chuyện không hay này mau chóng qua đi”, đó là câu nói đầu môi của dân dầu khí vào những ngày tháng buồn năm ngoái.

Tháng 3-2018 này, nỗi buồn chua xót hơn, trĩu nặng hơn.

Chiều cuối tuần trong một câu lạc bộ thể thao bé nhỏ ẩn khuất trong khu dân cư thật trầm lặng, khác hẳn sự ồn ã, náo động của ngày thường. Các thành viên của câu lạc bộ, đa phần là dân dầu khí, mang vẻ mặt suy tư và ảo nảo. “Có chuyện gì mà nhiều người có mặt đám tang thế?”, một thành viên ngoài ngành dầu khí cất tiếng hỏi.

- Ông đúng là dân ngoại đạo, chẳng biết gì cả, chán bỏ mẹ. Repsol lại dừng khoan ở lô 07-03 rồi, lô này chuẩn bị khoan khai thác thương mại, có trữ lượng 45 triệu thùng dầu và 172 tỉ m3 khí đấy.

https://baomai.blogspot.com/

Đất nước không chỉ mất chủ quyền, mất tài nguyên mà còn mất rất nhiều thứ khác. Còn anh em bọn tôi thì sẽ mất việc làm, mất thu nhập. Mất mát nhiều quá, không buồn sao được.

- Tại sao lại phải ngừng khoan?

-Bọn Tàu gây áp lực

- Nhưng đó là chủ quyền của mình mà…

- Ông đi mà hỏi các sếp ấy…Đêm qua các sếp ở PetroVietnam cấp tập bay từ Hà Nội vô để giải quyết vụ Repsol. Không biết rồi chuyện sẽ đi đến đâu….?

Im lặng đi vào từng hơi thở. Nỗi buồn đi vào những mi mắt hờ hững và trĩu nặng. Nhiều thành viên dân dầu khí của câu lạc bộ lẳng lặng ra về.

Anh là chuyên gia quản trị dự án dầu khí, không ra về như những người khác. Anh nói một mình, nói như nói với chính mình, như nói bâng quơ:

- Không chỉ là Cá Rồng Đỏ mà còn hơn thế nữa. Mất mát nhiều quá! Tại sao lại thế? Rồi đây, dân dầu khí biết làm gì?

https://baomai.blogspot.com/

Dân dầu khí Vũng Tàu! Họ đã vui với nắng, với gió, với biển cả, với những thành phố nổi trên biển. Giờ đây họ mang nặng nỗi buồn nhớ sóng.




Tâm Don 

https://baomai.blogspot.com/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ông Nguyễn Đức Chung còn nhớ hay đã quên?


Trần Vũ Hải - Ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TPHN vừa ký quyết định ban hành Nội quy tiếp công dân của Hà Nội. Theo đó người dân không được ghi hình, ghi âm nếu không được người tiếp công dân cho phép. Đây thực chất là quy định trá hình để cấm người dân ghi hình, ghi âm trong các buổi tiếp công dân, vì người tiếp dân sẽ lạm dụng để ngăn chặn công dân giám sát chính mình bằng việc ghi hình ghi âm.

Ông Chung từng là đại biểu Quốc hội khoá 2011-2016, tức đã tham gia biểu quyết thông qua Luật tiếp công dân vào tháng 11/2013, chắc chắn ông đã đọc giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước khi Quốc hội thông qua Luật TCD: “Đối với quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 6), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm ghi âm, quay phim, chụp ảnh tại nơi TCD…. Báo cáo giải trình của UBTVQH cho rằng, việc ghi âm, quay phim, chụp ảnh tại nơi TCD là quyền của công dân và không bị cấm theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo. Do đó, đề nghị không bổ sung quy định nghiêm cấm các hành vi này trong Luật TCD”. Vậy sao ông Chung đã quên nhanh thế? Cá nhân tôi rất hoan nghênh nỗ lực của ông Chung khi trực tiếp tiếp công dân với tư cách Chủ tịch UBNDTP, điều mà các chủ tịch các khoá trước đều tìm cách trốn tránh.

Tôi cũng hiểu và thông cảm phần nào, khi trong một buổi tiếp công dân gần đây của ông, ông Chung đã bị ghi hình và phát trực tiếp trên mạng xã hội. Tuy nhiên, ông Chung cũng cần hiểu nỗi bức xúc của các công dân khiếu nại tố cáo kéo dài, họ cần công khai minh bạch việc chính quyền giải quyết, đặc biệt liên quan đến họ.

Lẽ ra, ông cần có cách tiếp cận khác, như cam kết với người dân mọi cuộc tiếp dân đều được ghi âm, ghi hình đầy đủ, thậm chí có thể phát trực tiếp nếu người dân yêu cầu. Nhưng việc đó do chính quyền trực tiếp lo, khi người dân yêu cầu phát trực tiếp hoặc yêu cầu trích xuất, cơ quan tiếp dân có trách nhiệm đáp ứng ngay.

Nếu lãnh đạo và công chức chính quyền Hà Nội đàng hoàng, công tâm, chính trực và tôn trọng dân khi giải quyết việc liên quan đến dân, cớ gì họ phải lo ngại “bị” ghi âm, ghi hình?

Hy vọng ông Nguyễn Đức Chung sẽ sớm xem xét, điều chỉnh lại nội quy Tiếp dân của Hà Nội, để thực hiện đúng luật Tiếp Công dân như đã được UBTV Quốc hội giải thích như trên!

Trần Vũ Hải
(FB Trần Vũ Hải)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019

Chữ là Dân – chữ không chết bao giờ.

THƯƠNG TIẾC NGUYỄN TRỌNG TẠO- NHÀ THƠ YÊU NƯỚC

Ngô Thị Kim Cúc

THƯƠNG TIẾC NGUYỄN TRỌNG TẠO
- NHÀ THƠ YÊU NƯỚC



Anh Nguyễn Trọng Tạo là đàn anh cùng học khóa I Trường Viết văn Nguyễn Du với tôi. Lúc mới khai giảng, tôi chẳng quen biết mấy những đồng môn lạ lẫm của mình, nhứt là những học viên quân đội ở khu Vân Hồ, khá xa khu nội trú tranh tre trường Đại học Văn Hóa đường Đê La Thành của nhóm dân sự chúng tôi.


Thỉnh thoảng chị Lâm Thị Mỹ Dạ hay Nguyễn Thị Đạo Tĩnh rủ tôi sang Vân Hồ chơi, và tôi dần quen biết các anh bên quân đội. Anh Tạo nghe đâu từ quân khu Bốn ra học. Anh gầy gầy, nhỏ nhẹ, có vẻ ngoài rất "thi sĩ", theo quan niệm của mọi người. Cùng với thời gian học, nhiều học viên trở nên nổi tiếng hơn so với khi mới vào trường. Anh Tạo là một trong những người như vậy. Anh viết nhiều và thơ anh tràn ngập cảm xúc, giàu có chất liệu đời thường. Người thi sĩ trong anh khi nào cũng đồng hành với một công dân đầy trách nhiệm, không quay lưng với cuộc sống.

Gần cuối khóa học, nghe tin anh gặp “rắc rối” vì thơ, nhưng rồi chuyện cũng qua đi. Mọi người đều tốt nghiệp và thay đổi công việc. Một số học viên trở thành lãnh đạo văn nghệ sau khi về lại địa phương. Một số học viên được trao những chiếc ghế quan trọng trong giới cầm bút. Anh Tạo vẫn chỉ là môt nhà thơ, vẫn viết và vẫn sống la đà đúng chất thi sĩ của mình. Đó là lựa chọn đúng của anh. Nó giúp cho thơ anh không trở thành một giọng phụ họa trong cả dàn đồng ca nhàm chán. Nó khiến anh được đồng nghiệp quý trọng dù anh chẳng hề có bất cứ chức vụ nào.

Tập thơ Đồng dao cho người lớn là một trong những tác phẩm khẳng định giọng thơ và chất thơ tiêu biểu của anh. Tôi đã viết về tập thơ này và sau đó bị anh trêu rằng, chỉ trong một bài viết mà tôi đã gọi tác giả bằng quá nhiều danh xưng (kẻ, anh ta, người đàn ông ấy, hắn, người cầm bút), điều mà tôi chẳng hề để ý.

Những năm gần đây, khi xã hội Việt Nam bộc lộ rất nhiều những vấn đề chính trị và những sự thật mà ai cũng phải nghe, phải biết, anh Tạo đã chọn chỗ đứng ở giữa người dân trong những cuộc biểu tình chống Trung cộng xâm lược. Và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lại góp thêm vào thơ Việt những tác phẩm chắc chắn sẽ vượt qua thời gian và không gian, trở thành tài sản chung của dân tộc Việt Nam ngàn đời bất khuất…

*NGHÊU NGAO TRÊN LƯNG NỖI BUỒN
(Đọc Đồng dao cho người lớn)


Đồng dao là để hát chơi. Những bài đồng dao ấy của một kẻ lơ ngơ lãng đãng suốt tháng năm ruổi dong trên khắp các ngõ ngách cuộc đời, chăn dắt, bầu bạn với một con vật vừa thực vừa hư có tên là Nỗi Buồn. Anh ta cứ đùa mà lại thật, cứ như cười mà lại khóc, cứ như vui chơi mà lại ngổn ngang bao nỗi..., cứ như buột mồm mà lại thành thơ: “Có anh hề đã nói với tôi/ Đời thằng hề buồn lắm anh ơi/ Và tôi đã khóc/ Tin thì tin không tin thì thôi/ Nhưng tôi, người cầm bút, than ôi/ Không thể không tin gì mà viết… ( Tin thì tin không tin thì thôi). 

Có thể hình dung người đàn ông ấy, cũng có nhu cầu tham gia vào những sinh hoạt bình thường của con người, vui buồn một cách trung bình, cảm xúc một cách chừng mực và đóng vai tỉnh táo một cách khá đạt đối với những cái nhìn bên ngoài: “Hai mươi bài hát vui/ Hát tặng một nỗi buồn... / Hai mươi bài hát chát/ Hai mươi bài men say/ Chao ôi là âm nhạc/ Không cánh mà lượn bay…” (Quà sinh nhật). Hắn cũng vào vai Chàng trong vở kịch yêu với một Nàng, và Nàng hẳn cũng vô tâm và bội bạc như rất nhiều những cô gái khác, để hắn có cớ đổ thừa cho Nàng về sự mất mát trống vắng không thể cứu chữa trong đời hắn: “Chia cho một đời tôi/ Một cay đắng một niềm vui nỗi buồn/ Tôi còn các xác không hồn/ Cái chai không rượu tôi còn vỏ chai/ Chia cho em một đời say/ Một cây si với một cây bồ đề/ Tôi còn đâu nữa đam mê/ Trời chang chang nắng tôi về héo khô” (Chia). “Này Lan, này Hạnh, này Duyên/ Trăng non cái lúm đồng tiền còn không/ Lên đèn mà chợ vẫn đông/ Ta đi tìm mãi sao không thấy nàng/ Thôi đành mua lại thời gian/ Tìm về chốn cũ tặng nàng ngày xưa” (Cuối năm ngẫu hứng chợ chiều). 

Thế nhưng, có tìm mọi cách để trốn chạy thì cuộc trốn chạy cũng không giúp hắn quên được một sự thực hết sức tàn nhẫn: hắn chẳng có gì cả trên đời. Những cuộc trốn chạy chỉ là những thất bại nối tiếp thất bại. Ngay rượu, là thứ mà hắn tưởng là cứu cánh của đời mình, là thứ không thể thiếu vắng thì, rượu cũng chẳng đủ sức giúp hắn đủ say để mà quên : “Sông Hương hóa rượu ta đến uống/ Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say” (Huế I). Chỉ Nỗi Buồn là có thật, là trung thành nhất: “Là khi tỉnh giấc trong đêm/ Giật mình ta thấy ngồi bên: Nỗi Buồn/ Là khi cạn một ly tràn/ Đáy ly ta lại thấy làn mi xanh/ Mi xanh Buồn cứ long lanh/ Gặp long lanh thấy mong manh là Buồn/ Buồn đừng đi! Buồn đừng tan!/ Mất Buồn còn lại tro tàn mà thôi/ Buồn ơi Buồn có thương tôi/ Đừng cho tôi phải mồ côi Nỗi Buồn” ( Xônnê buồn). 

Bởi vì, trong cuộc đời, người ta không thể chỉ “đóng vai” mà lại có thể tìm thấy bình yên, nhất là khi lại muốn được “đóng vai chính mình”, điều không phải dễ dàng: “Mướn niềm vui kẻ khác/ Có gì như tham lam/ Mướn nỗi buồn kẻ khác/ Có gì như nhàm nhàm/ Cây khế nở hoa cam/ Cây bàng nở hoa bưởi/ Ăn mãi món mật ong/ Biết đâu đời đắng lưỡi” ( Tự vấn). Và cuối cùng, anh ta khám phá ra cái có thật nhất là cái đáng sợ nhất: sự Mất. Mọi thứ đang trôi đi, và anh cũng trôi đi. Anh chỉ là một hạt bụi, một chiếc lá, một con kiến, một cái chớp mắt trong cả vũ trụ vô biên vô tận này. Anh cảm thấy điều đó, biết rõ điều đó, thừa nhận điều đó, và vì thế, anh biến mình thành cả một cõi buồn. “Chiều rơi rơi. Vàng tóc. Vàng da. Vàng cây. Vàng lá. Vàng ta. Vàng người/ Rượu ngon nhắm với nói cười/ Nghe thời gian tím một trời phù dung” (Chiều rơi). 

Cái chất buồn phương đông đó giúp cho người cầm bút “không thể không tin gì mà viết” ấy trở nên tự tại, quay trở về ngôi nhà bên trong của mình, lặng lẽ chiêm nghiệm và suy tư, lặng lẽ sống và lặng lẽ tan hòa vào vạn vật: “Có cả đất trời mà không có nhà ở / Có vui nho nhỏ có buồn mênh mông/ Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ/ Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió/ Có thương có nhớ có khóc có cười/ Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi” (Đồng dao cho người lớn). 

Trong “cái chớp mắt đã nghìn năm trôi”ấy tuồng như chẳng có gì đồng thời lại như có tất cả mọi thứ… trên cuộc đời vốn mong manh và vô vàn tạm bợ này.

------------------------------------

Thêm hai bài thơ tiêu biểu của Nguyễn Trọng Tạo:

*TẢN MẠN THỜI TÔI SỐNG
(Từ 1981 mà đã viết thế này nên gặp rắc rối là phải rồi)

1.
Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa
Như thời đã đi qua, như thời rồi sẽ đến
Nhưng cái thời tôi sống
hẳn khác xưa
Trong bài hát thêm bom rơi, và súng

Anh yêu em anh phải đi ra trận
Vợ yêu chồng biết chờ đợi, nuôi con
Đất yêu người đất nhận làm lá chắn
Hai mươi năm không nguôi lửa chiến trường

Hai mươi năm không ngày nào vắng người chết đạn
Khăn tang bay người sống trắng mái đầu
Đâu cũng gặp những nghĩa trang liệt sĩ
Chiến tranh chấm dứt rồi mà nào dễ tin đâu!

2.
Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa
Nhưng màu hoa thời tôi thì có khác
Xe đến công trường bay mù bụi cát
Màu hoa thường lấm bụi suốt mùa khô

Lúa ngậm đòng lụt bão đến xô bồ
Nhà đang dựng thiếu xi măng, thiếu gạch
Bao đám cưới chưa có phòng hạnh phúc
Mây ngổn ngang lam lũ những dáng người

Anh nhớ em nhớ về phía cuối trời
Nơi đất mới khai hoang chân em dầm trong đất
Em nhớ anh nhớ về nơi bóng giặc
Cứ rập rình quanh cột mốc đêm đêm

Gió thầm thào như chẳng thể nguôi yên
Gạo thịt cửa hàng nhiều khi không đủ bán
Con phe sục khắp ga tàu bến cảng
Giá chợ đen ngoảnh mặt với đồng lương…

Có bao người ước cuộc sống bình thường
Như một thuở xa xôi mình đã có
Thuở miếng ăn không phải bàn đến nữa
Thuở chiến tranh chưa chạm ngõ nhà mình

Có bao người bạc bẽo với quê hương
Thả số phận bập bềnh vào biển tối
Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
Câu trả lời thật không dễ dàng chi!...

3.
Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa
Chỉ vết thương rồi thời gian làm sẹo
Vầng trăng mọc vào thơ mỗi ngày dường đổi mới
Người lo toan vầng trăng chẳng yên tròn

Tôi sống thời không thể đứng quay lưng
Bao biến động dễ đâu nhìn thấy được
Bờ thẳng hơn những cánh đồng hợp tác
Đê sông Hồng sau mùa lũ thêm cao

Tàu ngoài khơi vừa phát hiện mỏ dầu
Đập thuỷ điện sông Đà đang xây móng
Tờ báo đẫm mồ hôi bỗng sáng dòng tin ngắn:
“Nhà máy giấy Bãi Bằng vừa ra mẻ đầu tiên”

Thời đã qua sẽ chẳng khỏi ngạc nhiên
Nếu trở lại bây giờ vẫn quần nâu dạo phố
Thời tôi sống cả đến bầy em nhỏ
Diện quần bò nhảy theo điệu nhạc vui…

Đài thêm nhiều những bài hát yêu nhau
Những điệu múa ba-lê hồng hào thêm sân khấu
Cái mới đến ngỡ ngàng rồi nhập cuộc
Báo bớt trang báo thêm chút thơ tình

Thơ chưa hay thì thơ nói thật lòng
Ai giả dối rồi biết mình lầm lỗi
Thời tôi sống có bao nhiêu câu hỏi
Câu trả lời thật không dễ dàng chi!...

4.
Khi đang đắm yêu nào tin được bao giờ
Rồi một ngày người yêu ta đổi dạ
Rồi một ngày thần tượng ta tan vỡ
Bạn bè thân thọc súng ở bên sườn

Sau cái bắt tay xoè một lưỡi da giao găm
Kẻ tình nguyện giữ nhà muốn chiếm nhà ta ở
Tấm ảnh Mao treo lẫn màu cờ đỏ
Tay ta treo đâu nghĩ có một lần!...

Như con chiên sung đạo chợt bàng hoàng
Nhận ra Chúa chỉ ghép bằng đất đá
Thời tôi sống thêm một lần súng nổ
Trái tim đau rỏ máu dọc biên thuỳ…

5.
Rồi thời gian qua đi rồi tuổi trẻ qua đi
Ai sau tôi ở vào thời sắp đến
Thời không còn khổ đau thời không còn nghèo túng
Đọc thơ tôi xin bạn chớ chau mày.

Bạn hãy quên đi vất vả những hàng ngày
Bao lo lắng đời thường từng làm tuổi xanh ta bạc tóc
Chỉ Hy vọng và Niềm tin giúp ta thêm sức lực
Câu thơ này xin bạn nhớ giùm cho:

Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa!...

(Hà Nội, tháng 6.1981)

--------------------------

*NHỮNG CON CHỮ BIỂU TÌNH

Dân không được biểu tình. Những con chữ biểu tình
Những con chữ dàn hàng ngang hàng dọc
Quảng trường giấy, chữ sắp hàng dày đặc
Chữ hô vang “đả đảo”, “hoan nghênh”…

Đả đảo bọn ngoại bang cướp thuyền, cướp biển
Đả đảo bọn quan tham quan nhũng hại Dân
Đả đảo bọn cướp ngày chém giết
Bọn đạp lên pháp luật làm càn.

Hỡi những chiếc dùi cui hãy quay về đúng hướng
Hỡi súng ngắn súng dài đừng nã đạn vào Dân
Hỡi quân đội hãy xả thân vệ quốc
Hỡi đảng hãy nghe Dân như từng đã bao lần…

Những con chữ hiến thân vì Tổ quốc
Dù mực đen mực đỏ mực xanh
Viết trên mạng hay viết trên giấy úa
Viết bằng tim bằng máu của chính mình.

Chữ hoan nghênh chính đại quang minh
Chữ đâm thủng trò mị dân đen tối
Hoan nghênh người có công, tuyên phạt quân phạm tội
Chữ hát vang Bài ca chữ tự do…

Chữ biểu tình cho áo ấm cơm no
Chữ biểu tình cho dân giàu nước mạnh
Chữ biểu tình cho quyền được sống
Chữ biểu tình cho Độc lập Hoà bình

Hỡi đàn-cừu-con-chữ hãy đứng lên
Đứng dày đặc trên bản đồ Tổ quốc
Những con chữ mấy nghìn năm có được
Chữ là Dân – chữ không chết bao giờ.

(Hà Nội, 26.3.2013)

----------

( Ảnh chụp trong ngày kỷ niệm 30 năm Trường Viết văn Nguyễn Du tại Hà Nội năm 2009) — cùng với Nguyễn Trọng Tạo.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lần này cũng vậy, những ai đang hy vọng rồi sẽ thất vọng!

Kim Jong Un thăm Trung Quốc trước thượng đỉnh với Trump

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và phu nhân Ri Sol Ju chuẩn bị đến thăm Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 07/01/2018.


Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un ngày 08/01/2019 đến Bắc Kinh, một chuyến viếng thăm bất ngờ diễn ra chỉ vài ngày sau khi ông đe dọa sẽ thay đổi thái độ nếu Hoa Kỳ duy trì các biện pháp trừng phạt.

Ông Kim Jong Un cùng với phu nhân Ri Sol Ju và nhiều quan chức cao cấp tháp tùng, đi trên chuyến tàu đặc biệt từ Bình Nhưỡng, trưa nay đã đến thủ đô Trung Quốc. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :

"Vào lúc hơn 10 giờ sáng nay, tiếng nhạc « Đông Phương Hồng » báo giờ ở nhà ga trung tâm Bắc Kinh vừa mới tắt trong loa phóng thanh, bỗng xuất hiện hơn một chục chiếc xe hơi sang trọng màu đen, theo sau là cả một đoàn mô tô công an Trung Quốc. Trên cầu vượt dành cho người đi bộ dẫn đến khoảng sân chính, cũng như ở cửa sổ những khách sạn nhỏ xung quanh, các phóng viên ảnh của các hãng thông tấn và nhiều đồng nghiệp Nhật, Hàn kiên nhẫn chờ đợi.

Đây là chuyến viếng thăm Trung Quốc lần thứ tư của Kim Jong Un, nhưng là lần đầu tiên đài truyền hình trung ương Bắc Triều Tiên loan báo chuyến đi ngay cả trước khi lãnh tụ Bình Nhưỡng đến Bắc Kinh. 

Đồng nghiệp ở đài truyền hình Hàn Quốc CBS nói : « Tôi chờ chuyến tàu chở Kim Jong Un. Tôi đã từng có mặt trong ba chuyến thăm Trung Quốc trước đây của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Năm ngoái, tôi đợi ở quảng trường Thiên An Môn (ngày 25/03/2018) rồi đến tận cảng Đại Liên (ngày 7 và 8/05/2018) và ở sân bay Bắc Kinh (19 và 20/06/2018) » - « Nhưng anh có nhìn thấy ông Kim không ? » - « Không, không thể nào thấy được ». 

Lần này cũng vậy, những ai đang hy vọng rồi sẽ thất vọng. Mười một giờ…Tiếng nhạc « Đông Phương Hồng » lại vang lên trong loa phóng thanh, những rào cản được dựng lên, những người lính yêu cầu chúng tôi lùi lại. Nhà ga Bắc Kinh và các khu vực xung quanh như sững lại, rồi những chiếc xe màu đen cùng với đoàn mô tô hộ tống lại xuất hiện trên đại lộ Zhan Dong Jie của Bắc Kinh, theo sau là những chiếc xe buýt chở đoàn đại biểu Bắc Triều Tiên.

Một trận mưa lời bình nở rộ trên mạng xã hội. « Lần này, chúng ta có thể trực tiếp chúc mừng sinh nhật Kim Jong Un » - nhật báo của Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Trung Quốc khẳng định."

Theo các nhà quan sát, Kim Jong Un, mà sinh nhật 36 tuổi là đúng vào hôm nay, muốn hội ý với ông Tập Cận Bình trước khi gặp tổng thống Mỹ Donald Trump, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ của Bắc Kinh để được giảm nhẹ trừng phạt.

Reuters hôm nay dẫn lời bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh luôn đóng một vai trò tích cực trong việc tìm kiếm một giải pháp cho bán đảo Triều Tiên.



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tiếng súng đã vang…



Những người lính Quân đoàn 4 của VN tiến vào Thủ đô Phnom Penh của Campuchia ngày 7-1-1979

(Để tưởng niệm những người lính Việt bỏ mình trong cuộc chiến với Khmer Đỏ)

1- Sáng ngày 17-11-1977, hơn 150 thanh niên tuấn tú của Phan Thiết bị gậy đầy đủ tập trung tại sân vận động, chờ xe đến đón đưa đi quân trường An Sơn (Bình Định). Mẹ tôi ngồi trước mặt tôi, bên phía bãi cỏ dành cho thân nhân những người ”lên đường làm nghĩa vụ quân sự”, khuôn mặt đẫm nước mắt. 

Tôi là con trai út trong một gia đình bảy anh chị em, nên được mẹ thương yêu nhất nhà cũng là điều dễ hiểu. Khi cuộc chiến Việt- Mỹ kết thúc, trong gia đình tôi, có hai ông anh bị xếp diện “Ngụy”, một bà chị cả là đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam. Trong gia đình “hai chiến tuyến “ này, mỗi người trong số ba anh chị tôi vừa kết thúc bổn phận chính trị đã chọn lựa của họ. Giờ đến lượt bổn phận của tôi, nhưng không phải là tự nguyện. Tôi cùng nhiều bạn bè khác bị đẩy lên đường chiến chinh khi “tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới”!

Đặng Văn Đ. học cùng liên lớp với tôi ở trung học Phan Bội Châu, thay mặt đoàn thanh niên Cộng sản Phan Thiết, đọc diễn văn, cũng chính là điếu văn (mà sau này bọn tôi mới biết) trong buổi lễ đưa tiễn. Năm năm sau, hơn 150 thằng thanh niên ngồi đấy, chỉ còn 50 thằng sống sót trở về, tương đương 2/3 quân số thiệt mạng. Còn Đ., cậu ấy ở lại quê nhà để theo con đường cán bộ, sau này leo lên chức chủ tịch ủy ban, rồi phó bí thư kiêm chủ tịch HĐND thành phố Phan Thiết - những chức vụ cậu trải qua trước lúc về hưu mà không tốn một giọt máu nào. Trong khi đó, có nhiều đứa trong chúng tôi, kể từ cái ngày nghe cậu ấy đọc diễn-điếu-văn tại sân vận động thì mãi mãi xanh cỏ ở tuổi 20 mà chưa biết đến mùi vị đàn bà.

2- Khi xách súng lên biên giới, chúng tôi chưa biết khái niệm hằn thù đối với những kẻ mang danh Khmer Đỏ ở bên kia chiến tuyến. Quân đội cộng sản miền Bắc từng chung lưng đấu cật với chúng một thời gian dài trong cuộc chiến chống Mỹ, chỉ tỉnh ngộ về tình đồng chí quốc tế khi mục kích 5.000 thường dân của mình bị chúng thảm sát trên dãi biên giới Tây Nam. Chúng chỉ trở thành kẻ thù của chúng tôi khi chúng tôi nhìn thấy đạn của chúng găm trên thân thể của đồng đội mình. Máu đòi nợ máu. 

Chỉ cần có thế, chiến tranh đến với những thằng trẻ tuổi vừa rời khỏi ghế nhà trường cực kỳ đơn giản. Giữa chiến trận, mùi thuốc súng quyện với mùi máu, nỗi sợ hãi cái chết biến mất, chúng tôi và Khmer Đỏ chỉ còn một mục đích duy nhất là tìm cách giết chóc nhau thật nhiều để trả thù. Với người lính, chiến tranh đơn giản hơn những thứ nằm trong đầu những kẻ làm chính trị.

3- Trong những ngày đóng quân trên cao điểm 100 án ngữ quốc lộ 19, cách đồn biên giới số 23 của Việt Nam khoảng 18 cây số, trước thời điểm tổng tấn công - ngày N+ tháng 12/1978, chúng tôi từng chứng kiến cả trung đoàn quân ta bị Khmer Đỏ xóa cả phiên hiệu. 

Máu lính Việt đã đổ hơi bị nhiều cho cuộc chiến tranh này. Để tiến quân vào được thủ đô Phnom Penh của Camphuchia ngày 7-1-1979 sau vài năm chiến tranh ngắn ngủi, 12.000 binh sĩ Việt Nam đã ngã xuống ( số liệu của bộ Quốc phòng, dù tôi cho là nhiều hơn) - chưa kể thiệt hại nhân mạng « xem xem » tiếp tục 10 năm sau đó, cho tới lúc rút quân (1989).

Ai đã gây ra cuộc chiến mà thế hệ chúng tôi buộc phải tham gia này? Không phải Campuchia, không phải Việt Nam, mà chính là Trung Quốc - tay đạo diễn châu Á tài ba mưu mô xảo quyệt, đã dàn dựng các kịch bản chiến tranh để buộc các quốc gia ngây thơ như Việt Nam, Triều Tiên và Campuchia phải tham gia trong thế kỷ 20. 

Những người lãnh đạo Việt Nam lúc ấy khó tưởng tượng ra kịch bản, quân đội một quốc gia nhỏ bé hơn mình, là học trò của mình về kỹ thuật chiến tranh du kích lại dám xâm lược mình! Khi biết ra đó là âm mưu của Trung quốc thì 10 sư đoàn Khmer Đỏ đã tràn qua biên giới. Ngón nghề “ thổi lỗ tai cho mày sướng” để gài bẫy máu xương các quốc gia nhỏ bé hơn mình, không ai hơn được Trung Quốc! 

4- Trong cuộc chiến Việt-Pháp, ai được lợi? Trung Quốc. Với dãi biên giới phía Nam sạch bóng bọn Tây mũi lõ nhờ máu của Việt Nam, Trung Quốc đã chỉ bàn tay nhớp nhúa của mình vào hiệp ước Genève để định đoạt số phận Việt Nam, biến quốc gia này thành vùng đệm an toàn trước sức mạnh của Mỹ. 

Trong cuộc chiến Việt-Mỹ, ai được lợi? Lại là Trung Quốc, với chiến lợi phẩm là quần đảo Hoàng Sa và lời hứa tạo điều kiện làm giàu từ phía Mỹ. 

Trong cuộc chiến Việt- Miên, ai được lợi? Vẫn là Trung Quốc với một số đất đai chiếm được của Việt Nam tại biên giới cùng chân đứng tại Trường Sa, khi thong dong mang đại quân tràn qua mà ko gặp sự chống cự nào, vì các quân đoàn chủ lực thiện chiến nhất của Việt Nam đang mắc kẹt tại Campuchia trong cuộc chiến sa lầy với Khmer Đỏ. 

Dường như các thế hệ lãnh đạo Việt Nam chưa rút ra được kinh nghiệm nào về sự thâm hiểm của người Tàu. Chúng ta ảnh hưởng họ rất nhiều, từ văn hóa, ngôn ngữ đến phong tục, vậy mà người học trò Việt Nam chả học được từ người thầy vĩ đại và man trá của mình một chút võ công bí truyền nào, để rồi sau ba cuộc chiến tranh, lại tiếp tục bị dẫn dắt sau khi Đông Âu sụp đổ! 

5- Trong cuộc chiến mà chúng tôi” vinh dự” tham gia, Việt Nam đã sử dụng 3 quân khu để bao vây Campuchia. Quân khu 5 theo trục quốc lộ 19 đặt gọng kìm từ cao nguyên xuống. Quân khu 7 đảm nhiệm mặt trận miền Đông và Quân khu 9 nhận phần mặt trận miền Tây. Đó là chưa kể các quân đoàn chủ lực thiện chiến được tôi luyện từ cuộc chiến tranh chống Mỹ như Quân đoàn 3 và 4…

Sức vóc Campuchia được bao nhiêu để trụ nhiều năm dài trước sức mạnh của đội quân số một Đông Nam Á, nếu không có thầy dùi Trung Cộng đứng sau lưng? Khmer Đỏ từng có niềm tin ngây thơ rằng, sẽ có lúc Trung Quốc đổ quân qua để cứu mình, giống như niềm tin ngây thơ của Việt Nam vào hiệp định tương trợ chiến tranh Việt- Xô trong cuộc đối đầu với Trung Quốc vậy!

Khi chúng tôi lên biên giới, tại chiến trường mà Quân khu 5 đảm nhiệm, mỗi thằng lính được phát một tờ giấy, trong đó chỉ dẫn ít câu tiếng Miên thông dụng như Lớt-đay-lơn ( giơ tay lên) kèm theo 10 điều cấm mà lính Việt không được làm trên đất Miên như, chỉ được sử dụng nước và củi, còn lại cấm tất tần tật, dù chỉ là thịt một con bò rừng mà quân ta có thể bắn để cải thiện bữa ăn. Ấy vậy mà, trong năm 1979, một chiến binh quê Tuy Hòa ở mặt trận của chúng tôi, sau hai năm nằm rừng không biết mùi đàn bà là cái gì, đã cưỡng bức một cô gái Khmer. Kết cục là cậu bị quân ta xử bắn. Ước muốn cuối cùng của tử tù này là được…mang xác về chôn ở Việt Nam. 

Tại Đức Cơ, một huyện của tỉnh Gia Lai giáp giới với cao nguyên Ratanakiri của Campuchia, xéo xéo chân núi Phượng Hoàng, gần nơi đặt bản doanh của Bộ chỉ huy tiền phương Quân khu 5, có một nghĩa trang dã chiến của lính tử trận từ Campuchia mang về. 

Tôi đã ứa nước mắt khi có dịp đi giữa những hàng mộ ngày ấy để tìm tên các liệt sĩ quê Phan Thiết đã cùng tôi lên đường cùng đợt tuyển quân, nhưng hoài công, vì đầu mỗi ngôi mộ chỉ cắm cây cọc gỗ ghi một con số câm lặng vô hồn. Năm 1995, tôi đã tìm về thăm lại nghĩa trang này nhưng nó đã bị dọn sạch không còn vết tích gì, ngoài cánh rừng cao su tươi tốt.

Cây cối mọc trên xác những người lính mà sao không tươi tốt được? 

NGỌC VINH 08.01.2019

Phần nhận xét hiển thị trên trang