Ảnh mới nhất của cụ được chụp vào tháng 10 năm 2018. Cụ sinh năm 1931 (Tân Mùi), nên tính tuổi tây thì 87 tuổi, còn tính tuổi ta thì 88.
Bản viết này do cụ tự soạn trên máy tính.
Đôi khi, cụ bỗng quên một lệnh nào đó trong xử lí word, thì đã có sổ ghi chép (mở sổ ghi chép cũ ra là nhớ lại ngay) hoặc tự vào mạng tra cách giải quyết.
Bản thống kê này, cụ đã cho đăng trên trang Mạc tộc. Có thể cũng đã tự đưa lên Facebook của cụ.
Hình như, ở tuổi trên dưới 90, rất ít người có thể dùng Fb cũng như điện thoại thông minh một cách bình thường như cụ. Hiện nay, do con đường gần nhà đang ở giai đoạn tu sửa nên cấm tắc-xi từ 6h sáng đến 9h tối, nên cụ đang học cách gọi các phương tiện chuyên chở công nghệ qua ứng dụng của điện thoại thông minh (chỉ các phương tiện này mới "lách qui định" vào tận nhà cụ được).
Với Hội đồng Mạc tộc Việt Nam, thì cụ là Chủ tịch đầu tiên (hiện là Chủ tịch Danh dự).
Dưới là chép nguyên về từ trang Mạc tộc.
---
Giao blog
31/10/2018
31/10/2018
GS-TSKH. Phan Đăng Nhật
8/10/2018, photo by Luc Tien Manh
Tôi sinh năm 1931, năm nay là 87 tuổi, đã đến lúc xem lại cuộc đời mình. Đời tôi, không cày ruộng, không đi buôn, không kinh doanh được, có làm viện trưởng, nghĩa là quản lý, nhưng không xuất sắc, chủ yếu là dạy học và làm khoa học. Khoa học của tôi là khoa học xã hội, gọi đùa là “khóa hóc xả hơi”, nghĩa là không ở mũi nhọn của cuộc sống, không có sản phẩm vật chất, như lúa gạo, máy móc, chỉ có công trình nghiên cứu. Công trình nghiên cứu của tôi có nhiều loại: các bài báo, tạp chí, bài in chung trong các kỷ yếu hội nghị, sách in riêng, tạp văn,…. Tôi chỉ gom lại các công trình nghiên cứu đôc lập chính.
Thế nào là công trình nghiên cứu độc lập chính? Đó là các sách đã được xuất bản, biên soạn một mình hoặc chủ biên, trong số này có hai luận án, một luận án tiến sỹ, xưa gọi là phó tiến sỹ và một luận án tiến sỹ khoa học.
Có thể phân các công trình trên làm 5 nhóm:
- Nhóm công trình sử thi/anh hùng ca
Nhóm này có 8 cuốn :
– Sử thi Ê đê, NXB KHXH, Hà Nội, 1991, khổ 15×19, 249 tr.
– Les caracteristiques fondamentales de l épopée-khan au Vietnam (Những đặc điểm cơ bản của sử thi – khan ở Việt Nam – Tiếng Pháp) , Sofia, 1989, A4, 348 tr.
– Vùng sử thi Tây Nguyên 1999, Hà Nội, khổ 14,5x 20,5, 307 tr.
– Nghiên cứu sử thi Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội, 2002, khổ 14,5×20,5, 754 tr.
– Chương Han – sử thi Thái (đồng chủ biên với Nguyễn Ngọc Tuấn), NXB KHXH, Hà Nội, 2003, khổ 14,5×20,5, 335 tr.
– Khủn Chưởng- anh hùng ca Thái, NXB KHXH, Hà nội, 2005, khổ 15×24, 752 tr.
– Sử thi Tây Nguyên và cuộc sống đương đại (đồng chủ biên với TS Chu Xuân Giao), NXB Đại học Quốc gia, Hà Nội, 2010, khổ 14,5×20,5, 343 tr.
– Góp phần tìm hiểu sử thi/anh hùng ca Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội, 2015, khổ 13×20,5, 291 tr.
Tôi có duyên nợ với sử thi/anh hùng ca. Từ những năm 60 của thế kỷ trước tôi có biết đến Chương Han của người Thái, khẳng định đó là sử thi/anh hùng ca và đặt kế hoạch sưu tầm nó, nhưng mãi đến năm 2003 mới xuất bản được Chương Han và tiếp bước thuận lợi trên đường sử thi.
Về nhóm sử thi/anh hùng ca tôi có một số đóng góp:
– Dựa vào sử thi/anh hùng ca trong và ngoài nước đã tổng hợp lại thuộc tính của sử thi trong bài viết dài “Thuộc tính cơ bản của sử thi”, công bố chủ yếu trên Tạp chí Văn hóa dân gian số 5/2003. Bài này đâ có giá trị chỉ đạo việc sưu tầm và nghiên cứu sử thi /anh hùng ca, trong đó lý thuyết cơ bản là 3 nhiệm vụ anh hùng đã được đưa vào sách giáo khoa phổ thông[1]
– Đã tiếp thu lựa chọn để đề xuất sự phân loại sử thi các dân tộc Việt Nam theo hai góc nhìn:
+ Thời kỳ ra đời: sử thi cổ sơ và sử thi cổ điển
+ Nội dung đề tài : sử thi sáng thế/sáng tạo thế giới và sử thi thiết chế xã hội
– Đồng thời với việc nghiên cứu, tôi đã trực tiêp sưu tầm:
+ Sưu tầm Văn hóa dân gian và sử thi ở Đắc Lăc (1987-1988)
+ Sưu tầm và biên soạn “Khủn Chưởng – anh hùng ca Thái”. Đây là công trình tôi tâm đắc nhất vì đã thực hiện được ước mong về sử thi/anh hùng ca: công bố chữ dân tộc – Thái, dạy chữ Thái, dạy hát – khắp, dạy múa – xe,chuyển sách về cho bà con, tặng 200 cuốn qua đại hội Đảng huyện Quỳ Châu.
Đề tài sử thi của tôi được giải thưởng Nhà nước về khoa học năm 2005. Sách Khủn Chưởng – anh hùng ca Tháiđược luôn hai giải thưởng về sách, giải của Hội Sách Việt Nam và giải Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.
- Nhóm công trình văn hóa dân tộc thiểu số
Nhóm này có 6 cuốn:
– Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (trước cách mạng tháng Tám 1945), NXB Văn hóa, Hà Nội, 1981, khổ 13x 19, 250 tr.
– Luật tục Jrai (đồng chủ biên với Vũ Ngọc Bình), Sở Văn hóa –Thông tin Gia Lai xuất bản, 1999, khổ 16×23, 407 tr.
– Luật tục Chăm và luật tục Raglai ( chủ biên), NXB Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2003, khổ 14,5×20,5, 843 tr.
– Luật tục với đời sống, tập 1,NXB Tư pháp, Hà Nội 2007, khổ 14,5x 20,5, 375 tr.
– Văn hóa các dân tộc thiểu số-Những giá trị đặc sắc,NXB KHXH, Hà Nội, 2009, khổ 16×24, 786 tr.
– Đại cương về văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam, Hà Nội, 2012, khổ 16×24, 349 tr.
Tôi đã tổng kết và đưa ra toàn cảnh tiến trình văn hóa các dân tộc Việt Nam gồm 3 mô hình:
– Văn hóa tiền giai cấp, đại diện là văn hóa Trường Sơn – Tây Nguyên
– Văn hóa giai cấp mới hình thành, đại diện là văn hóa Mường – Thái
– Văn hóa giai cấp phát triển, đại diện là văn hóa Kinh
Qua toàn cảnh trên chỉ ra đặc điểm của từng mô hình văn hóa và rút ra quy luật: văn hóa dân gian là cội nguồn văn hóa các dân tộc, là “Văn hóa mẹ” (phỏng Cù Huy Cận)
- Nhóm công trình nhà Mạc
Nhóm này có 4 cuốn:
– Nhà Mạc và họ Mạc – Ý chí và mục tiêu chiến lược,NXB Dân trí, Hà Nội, 2011, khổ 14,5×20,5, 239 tr.
– Nhà Mạc-Ba thời kỳ lịch sử, NXB Dân trí, 2014, Hà Nội, khổ 14,5×20,5, 209 tr.
– Đại cương lịch sử nhà Mạc và khái lược văn hóa các dân tộc Việt Nam, NXB Tri thức, 2017, khổ 14,5×20,5, 253 tr.
– Phan Đăng Lưu – thân thế sự nghiệp và sưu tập tác phẩm, NXB Tri thức, Hà nội 2017, khổ 16×24, 539 tr.
– Nhà Mạc là một triều đại chính thống, có tính cách mạng và có tiến bộ so với lịch sử đương thời.
– Mạc Thái tổ đã có công đẩy lùi cuộc xâm lăng của 22 vạn quân Minh đã áp sát biên giới, tránh cho nhân dân 2 nước một trận đổ máu. Đó là điều thứ nhất lịch sử phải ghi ơn ông. Mạc Thái tổ đã đánh đổ triều đình nhà Lê đến thời kỳ ruỗng nát, tiêu biểu là Vua Quỷ và Vua Lợn, nhiều người nổi dậy mà thất bại. Điều thứ hai lịch sử cần ghi công ông.
– Triều Mạc đã cố gắng xây dựng một xã hội dân chủ, cởi mở, việc học phát triển, tôn giáo, tin ngưỡng không bị áp chế, đời sống nhân dân được nâng cao: “Cửa ngoài không phải đóng, của rơi ngoài đường không ai nhặt. Trâu bò thả rông, đến mùa bắt về cày. Mấy năm được mùa liên tiếp, nhà nhà no đủ”
– Nhà Mạc kéo dài 3 thời kỳ (Thăng Long, Cao Bằng và Hậu Cao Bằng), kéo dài 242 năm, gồm 12 đời vua, một đời Chúa Lớn (Chẩu Luông).
– Phan Đăng Lưu là hậu duệ thứ 19 của Mạc Thái Tổ, người kế thừa xuất sắc truyền thống của tổ tiên, từ chối tổng bí thư, đi vào chỗ “trước sau cũng bị địch bắt”; là người nhân, trí, dũng kiêm toàn; bị Pháp kết án tử hình khi ông mới 39 tuổi.
- Thần thoại.
– Quá trình hình thành và ý nghĩa của biểu tượng bọc thai chung “đồng bào”, luận án tiến sỹ/phó tiến sỹ, 1981, A4, 107 tr.
– Luận án chứng minh rằng biểu tượng “ đồng baò” là sự tích hợp, nhào nặn và chuyển hóa các hệ thống thần thoại Kinh – thiểu số: quả bầu thiêng, bọc trứng thần, Chim – Rắn tổ.
- Ca dao người Việt.
– Kho tàng ca dao người Việt, (đồng chủ biên với GS.TS Nguyễn Xuân Kinh, in hai lần:
+ lần thứ nhất: NXB Văn hóa, Hà Nội, 1995, 4 tập, khổ 14,5x 20,5, 2788 tr.
+ lần thứ hai: NXB Văn hóa, Hà Nội, 2001, 2 tập, khổ 16×24, 3081 tr.
Đây là một tổng kho ca dao người Việt vào loại lớn nhất, khối lượng tương đương với 37 cuốn sách đã được biên soạn từ cuối thế kỷ XVIII đến năm 1975, tổng số có 11.825 đơn vị ca dao. Ca dao được sắp xếp theo thứ tự chữ cái của chữ đầu đơn vị. Mỗi đơn vị được ghi sách xuất xứ, số trang, tất cả các dị bản và xuất xứ dị bản.
Tổng cộng công trình nghiên cứu độc lập là 20 cuốn,gồm 10.487 trang khổ vừa và khổ lớn.
Hai mươi công trình đôc lập không nhiều, nhưng là tâm huyết của một đời cặm cụi làm khoa học, làm việc với phương châm mà anh Cao Huy Đỉnh (tổ trưởng tổ Văn học dân gian, viện Văn học mà tôi là tổ viên), thường khuyến khích thực hiện, rằng: “Đừng bao giờ ném vào lâu đài khoa học những tảng bùn, mà gắng đặt vào đấy những viên sỏi rắn chắc”.
Tôi đã giới thiệu tóm tắt những “viên sỏi khoa học” của mình.
P.Đ.N.
[1] Chu Xuân Diên, Nguyễn Bích Hà, Bùi Mạnh Nhị: Ngữ văn 10, tập1, sách giáo khoa thí điểm, NXB Giáo dục, H., 2003, tr.37.
http://mactoc.com/bbt-mactoc-com-xin-tran-trong-gioi-thieu-mot-cong-trinh-nghien-cuu-cua-gs-tskh-phan-dang-nhat/
.
Phần nhận xét hiển thị trên trang