Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

THỬ TÌM HIỂU TẦNG LỚP TRÍ THỨC VIỆT NAM

Chu Hảo: 


Hoàng Dũng: Đây là bài viết công bố từ năm 2010 của Chu Hảo. Vụ kỷ luật anh làm cho câu cuối cùng trong bài viết có một ý vị đặc biệt: "Không có tự do ngôn luận thì những người “có học” chỉ có thể là những người lao động trí óc (thậm chí rất giỏi) nhưng không thể trở thành một tầng lớp trí thức mà các xã hội văn minh coi là tinh hoa".

THỬ TÌM HIỂU TẦNG LỚP TRÍ THỨC VIỆT NAM

Chu Hảo

I. Trí thức và tầng lớp trí thức

Ở nước ta hiện nay có một số khá đông người được xã hội, hoặc tự mình, coi là trí thức. Nhưng “thế nào là một trí thức?” thì hình như chưa bao giờ được cắt nghĩa một cách rõ ràng. Có thể đã có nhiều cá nhân trí thức, nhưng những con người đơn lẻ ấy đã quy tụ lại (chủ yếu là thông qua diễn đàn, dư luận) thành một giai tầng của xã hội như là tầng lớp trí thức chưa? Đặc điểm, tính cách của trí thức Việt Nam là gì? Vai trò và trách nhiệm của trí thức trước vận mệnh của dân tộc ta trong thời đại mới – thời đại kinh tế tri thức, thời đại hội nhập toàn cầu, là như thế nào?

Mỗi câu hỏi trên đây đều đặt ra một vấn đề thảo luận rất nghiêm túc và lý thú, có ý nghĩa quan trọng đối với việc huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong quá trình đổi mới - hội nhập - phát triển. Để đi đến đồng thuận chắc cần phải có thời gian. Ở đây chúng tôi chỉ xin đặt vấn đề và gợi mở, mong các bạn đọc cùng chia sẻ.

Ai là trí thức? Đã từ lâu, ở nước ta tồn tại một khái niệm đơn giản: Những người lao động trí óc là trí thức, chỉ cốt để phân biệt với những người lao động chân tay như công nhân và nông dân. Một quan niệm bớt đơn giản hơn một chút thì cho rằng hễ có trình độ học vấn từ cấp cao đẳng, đại học trở lên là trí thức. Trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc viết năm 1947 Hồ Chủ tịch đã dùng định nghĩa này. Theo chỗ tôi hiểu thì Người đã cố tình giải thích khái niệm này (cũng như một số khái niệm khác) một cách hết sức đơn giản, dễ hiểu, thích hợp với trình độ dân trí của nước ta thời đó. Ngày nay, chúng ta không nên quá câu nệ vào việc giữ nguyên định nghĩa này của Bác Hồ.

Thật ra ngay từ khi từ “tầng lớp trí thức” (intelligentsia) xuất hiện lần đầu tiên ở Nga vào nửa đầu thế kỷ 19, và sau đó là từ “người trí thức” (intellectuel) xuất hiện ở Pháp sau công xã Paris (1871), đã mang một ý nghĩa khá rõ ràng: đó là những người không chỉ có học vấn hay trình độ chuyên môn cao, mà hơn hết phải là những người quan tâm và có chính kiến trước những vấn đề chính trị - xã hội nóng bỏng của thời cuộc. Cũng trong tinh thần cách mạng ấy Karl Marx đã coi trí thức là những người có đủ tri thức để quan tâm và có chính kiến riêng đối với các vấn đề của xã hội nên họ phải là những người: “phê bình không nhân nhượng những gì đang hiện hữu, không nhân nhượng với nghĩa rằng họ không lùi bước trước kết luận của chính quyền hoặc trước xung đột với chính quyền, bất cứ chính quyền nào”. Cần phải hiểu rằng ở đây Marx chỉ muốn nhấn mạnh trách nhiệm xã hội của người trí thức. “Những gì đang hiện hữu” là những bất cập của các chính sách xã hội hiện hành, chứ không thể là những chính sách hợp lý, tiến bộ. Người trí thức có năng lực phê phán và có tầm nhìn xa nên thường hay tỏ sự bất bình trước sự trì trệ và bất hợp lý một cách công khai và thẳng thắn.

Với những hiểu biết trên đây, chúng ta có thể suy ra rằng tầng lớp trí thức của xã hội có thiên chức sau: 1) Tiếp thu và truyền bá tri thức khoa học & công nghệ hoặc văn hóa & nghệ thuật; 2) Sáng tạo các giá trị mới của tri thức khoa học & công nghệ hoặc văn hóa & nghệ thuật; 3) Đề xuất, phản biện một cách độc lập các chủ trương chính sách và biện pháp giải quyết các vấn đề của xã hội; 4) Dự báo và định hướng dư luận xã hội.

Trong đó, hai điểm đầu tiên là chung cho những người lao động trí óc. Còn hai điểm sau chủ yếu là riêng cho tầng lớp trí thức.

Quan niệm về trí thức trên đây là phổ quát đến với các xã hội văn minh cận, hiện đại. Riêng ở nước ta, từ khi có lịch sử thành văn cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945, quan niệm này có lẽ chỉ thích hợp trong một giai đoạn phát triển ngắn ngủi, từ đầu đến giữa thế kỷ 20, khi xuất hiện tình huống giới trí thức mới (dùng chữ quốc ngữ) có cơ hội trở thành một tầng lớp xã hội khá độc lập với chính quyền về hoạt động nghề nghiệp và chính kiến. Ngoài giai đoạn này, chúng tôi e rằng chưa bao giờ ở nước ta thực sự có một tầng lớp trí thức như cách hiểu thông thường của thế giới.

Thường ở ta, trí thức được gán một cách không đúng cho những người gọi là “có học”, chỉ xuất hiện ở xã hội Việt Nam ở buổi đầu công nguyên từ khi nhà Hán du nhập Nho giáo vào Việt Nam với mục đích giáo hóa và đào tạo quan lại bản xứ. Sau khi giành được độc lập vào năm 939, các triều đại phong kiến ngày càng tôn sùng Nho giáo; và đến đời nhà Trần (thế kỷ 13) thì Nho giáo đã được coi là hệ tư tưởng chính thống cho đến hết các triều Nguyễn (đầu thế kỷ 20). Suốt gần một nghìn năm ấy chỉ có một thứ được dạy và được học (một cách có hệ thống) là Nho giáo (khác với sự chuyên biệt hạn hẹp của Phật giáo và Đạo giáo). Các Nho sĩ sau khi đỗ đạt sẽ được bổ nhiệm làm các quan lớn, nhỏ trong hệ thống cai trị của Nhà nước phong kiến. Các Nho sĩ thi trượt thì trở lại làng quê vừa dạy “chữ thánh hiền” như một kế sinh nhai, vừa “dùi mài kinh sử” đợi kỳ thi sau, đợi được đi làm quan để “cả họ được nhờ”!

Cái cơ hội “đổi đời” dường như duy nhất ấy đã tạo ra, một mặt là cái mà chúng ta vẫn thường tự ca ngợi là truyền thống hiếu học của dân ta, mặt khác, quan trọng hơn đã tạo nên sự lệ thuộc đến nô dịch của những người “có học” vào Nhà nước phong kiến. Và do đó, có thể nói rằng dưới các triều đại phong kiến ở nước ta chưa bao giờ tồn tại một tầng lớp trí thức theo cách hiểu đúng đắn của từ này. Các sĩ phu là những người “có học” có danh tiếng của các thời đại phong kiến, do vậy hầu hết cũng chỉ là các “quan văn” mang sứ mệnh “phò chính thống” mà thôi – họ không hẳn là người trí thức, hoặc tầng lớp trí thức, như cách hiểu thông thường.

Đến giữa thế kỷ 19 cùng với sự suy đồi của triều Nguyễn, sự xâm lược của thực dân Pháp và bước đầu tiếp cận với nền văn minh công nghiệp phương tây, tầng lớp Nho sĩ ở nước ta đã phân hóa sâu sắc và xuất hiện những nhóm sĩ phu tiến bộ có đầu óc canh tân – tiền thân của nhóm trí thức đầu tiên của nước ta nửa đầu thế kỷ 20. Những nhân vật điển hình có thể kể đến là Vũ Tông Phan (1800-1851, cùng với Hội Hướng thiện); Nguyễn Trường Tộ (1828-1871); Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895); Nguyễn Tư Giản (1823-1890); Phạm Phú Thứ (1820- 1883), v.v. Đó chính là những sĩ phu có đầu óc canh tân đầu tiên trong lịch sử nước ta, đặt nền móng cho cuộc vận động giải phóng dân tộc vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 dù là theo đường lối bạo lực, như các phong trào Cần Vương (Phan Đình Phùng, 1844-1895), và Đông Du (Phan Bội Châu, 1867-1940); hay chủ trương tiến hành một cuộc cách mạng văn hóa - giáo dục như phong trào Duy Tân (Phan Châu Trinh, 1872-1920), và Đông Kinh nghĩa thục (Lương Văn Can, 1854-1927).

Vào những năm đầu của thế kỷ 20, cùng với sự tàn lụi của chế độ phong kiến và sự thiết lập chế độ của thực dân, ảnh hưởng của tư tưởng Dân chủ tư sản và khoa học - kỹ thuật phương Tây đã tràn vào xã hội Việt Nam thông qua Nhật Bản và Trung Hoa. Trong bối cảnh đó phong trào Duy Tân và Đông Kinh nghĩa thục đã quy tụ được một tầng lớp sĩ phu trí thức bao gồm các nho sĩ cách tân (Huỳnh Thúc Kháng, 1876-1947; Trần Quý Cáp, 1870- 1908; Đào Nguyên Phổ, 1861-1907, v.v.), và các trí thức mới dùng quốc ngữ và tiếng Pháp (Trương Vĩnh Ký, 1837-1898; Phan Khôi, 1887- 1960; Nguyễn Văn Vĩnh, 1882-1936; Phạm Quỳnh, 1892-1945; Nguyễn Văn Tố, 1889-1947, v.v.). Đây chính là tầng lớp trí thức đầu tiên của nước ta.

Hoàn cảnh lịch sử đã tạo ra cho một số người điều kiện có chỗ đứng khá độc lập với chính quyền, có thể sống bằng nghề lao động trí óc của mình chứ không nhất thiết phải ra “làm quan”, và tiếng nói của họ càng ngày càng có uy tín trong xã hội. Họ phần đông là người hành nghề tự do như bác sĩ, kỹ sư, luật sư, thầy giáo, nhà báo, nhà văn, hoạ sĩ, nhạc sĩ, và nghệ sĩ... Những phần tử ưu tú trong số đó chính là tầng lớp trí thức mới, và nhiều người đã đóng vai trò nòng cốt trong các tổ chức văn hóa hoạt động công khai. Đó là các hội, chẳng hạn Trí Tri, Khai trí Tiến đức, Truyền bá Quốc ngữ và Tự lực Văn đoàn, v.v. Là các báo hoặc tạp chí, chẳng hạn Đông Dương, Nam Phong, Tiếng Dân, Tri Tân, Thanh Nghị, Khoa học, v.v. Tình trạng này đã tiếp diễn cho đến năm 1945 khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy tụ được tầng lớp trí thức ấy tham gia vào chính quyền cách mạng non trẻ của mình. Những nhân vật tiêu biểu như Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Phạm Khắc Hoè, Vũ Đình Hòe... (xuất thân từ các sĩ phu Nho học); Tạ Quang Bửu, Trần Đăng Khoa, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Xiển, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên.... (xuất thân từ tầng lớp trí thức “Tây học”) đã và sẽ luôn là tấm guơng mẫu mực về phẩm tính cao quý của người tri thức.

Tiếc rằng từ đầu những năm 50 của đầu thế kỷ trước, ngay khi còn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tầng lớp trí thức của chúng ta với những nhân cách văn hoá đẹp đẽ ấy, lại rơi vào một thời kỳ phát triển đặc biệt mà chắc còn cần phải tốn nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu một cách nghiêm túc sự tồn tại và vai trò của họ trong xã hội. Thời kỳ phát triển đặc biệt này có thể phân kỳ thành ba giai đoạn 1945-1950 là thời kỳ cách mạng và kháng chiến nhưng hết sức “lãng mạn” của tầng lớp trí thức yêu nước, 1950-1965 là thời kỳ du nhập một cách hoàn chỉnh ý thức hệ đấu tranh giai cấp và phương pháp tư tưởng Maoist vào Việt Nam, qua các phong trào chính huấn tư tưởng, cải cách ruộng đất, chỉnh đốn tổ chức, phê phán Nhân văn Giai phẩm và chống “xét lại”; 1965-1975 là thời chiến mọi nhu cầu tinh thần và các giá trị văn hóa đều hướng vào mục tiêu giải phóng Miền Nam và thống nhất đất nước; 1976-1986 là thời kỳ quan liêu bao cấp, đặc biệt là về mặt tư tưởng; 1986 cho đến nay là thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Mỗi giai đoạn trên đây đều có hoàn cảnh chính trị - kinh tế - xã hội khá đặc biệt đối với sinh hoạt tinh thần - tư tưởng của tầng lớp có học.

Sau giai đoạn giao thời 1945-1950, có lẽ tầng lớp trí thức trước cách mạng đã không tồn tại nữa. Từ năm 1950 trở đi tầng lớp có học ngày càng đông; các cá nhân trí thức thì lúc nào cũng tồn tại, có lúc hết sức hiếm hoi như giai đoạn 1950-1965; nhưng tầng lớp trí thức thì không tồn tại, ít nhất là cho đến trước đổi mới (1986). Từ năm 1986 đến nay tầng lớp có học có bằng cấp cao ngày càng đông nhưng phẩm tính trí thức thì chỉ thấy ở những cá nhân lẻ tẻ. Những cá nhân này ngày càng đông cùng với quá trình mở rộng dân chủ trong sinh hoạt xã hội, nhưng điều kiện để cho họ tự liên kết lại thành một tầng lớp có vị trí xác định trong xã hội dân sự thì chưa đủ.

Cần phải có những nghiên cứu nghiêm chỉnh về tầng lớp “có học” từ sau Cách mạng tháng Tám cho đến nay để có được bức tranh hoàn chỉnh về trí thức Việt Nam từ khi có độc lập dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Muốn vậy ngoài việc thống kê đầy đủ sự biến động về số lượng và tính chất hoạt động của những người có học vấn nói chung, cần phải nghiên cứu hồ sơ của những trí thức tiêu biểu qua từng thời kỳ. Hồ sơ của những người như: Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Nguyễn Đình Thi... cũng như của Phan Khôi, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường... sẽ nói lên được rất nhiều điều đáng quan tâm.

Vì chưa có điều kiện tìm hiểu một cách có hệ thống nên ở đây chúng tôi đã không đề cập đến tầng lớp trí thức (hoặc “có học”) ở miền Nam trong giai đoạn 1954 – 1975.

II. Phẩm tính “trí thức” Việt Nam

Đã là trí thức thì ở nước nào cũng vậy, thời đại nào cũng vậy, đều có tính cách chung là: Tôn thờ lý tưởng Chân - Thiện - Mỹ; Độc lập tư duy; Hoài nghi lành mạnh; và Tự do sáng tạo. Tuy nhiên, mỗi dân tộc đều có tính cách riêng, tầng lớp trí thức của mỗi dân tộc cũng có bản sắc riêng. Chúng ta thường nghe nói: trí thức Trung Hoa thâm thúy (thâm nho), trí thức Nhật khiêm tốn (đến khách khí), trí thức Nga sâu sắc đôn hậu, trí thức Mỹ thực dụng, trí thức Anh lạnh lùng tỉnh táo, trí thức Pháp hào hoa phong nhã, v.v. Vậy trí thức Việt Nam có đặc điểm gì? Chúng ta đã từng nghe nói đến tính cách “phò chính thống”; và tính cách “quan văn”, tựu chung lại là tính “thích được chính quyền sử dụng”. Có nhiều người nói là tính cách “tuỳ thời”, nghe có vẻ dễ chịu hơn chữ “cơ hội” hay là “hèn” mà một số bạn đồng nghiệp của chúng ta không ngại ngần khẳng định. Nguyên cớ gì mà phải “hèn”? Đã “hèn” làm sao có nhân cách? Thiếu nhân cách liệu có xứng đáng là trí thức? Nhiều ý kiến cho rằng bi kịch của giới “trí thức” Việt Nam chính là ở chỗ này!

Nhưng như vậy có lẽ chưa được công bằng cho lắm! Bởi lẽ, còn có một thực tế khác nữa cần phải xem xét. Đó là tính cách uyển chuyển, kết hợp “hành” và “tàng” của sĩ phu - trí thức nước nhà. Điều kiện cho phép thì bung ra hoạt động; lúc khó khăn thì tạm ẩn dật chờ thời, có khi “tàng” ngay trong lòng cường quyền với tâm trạng “cấp lưu, dũng thoái” (trước dòng nước xiết, can đảm thoái lui). Thế nhưng ranh giới giữa thái độ đúng đắn này với cái sự hèn thật là mong manh; chỉ “ ự mình, mình biết cho mình” chứ khó lòng mà phán xét từ phía ngoài. Vậy thực sự trí thức Việt Nam có phẩm tính gì?

Phẩm tính cao quý nhất của người trí thức là Tôn thờ lý tưởng Chân - Thiện - Mỹ, không bị gò bó bởi ý thức hệ, dũng cảm đấu tranh cho lẽ phải, không khuất phục trước uy quyền và không bị tha hóa bởi danh lợi. Nếu trong một xã hội có nhiều người có học vấn cao đồng thời có những phẩm tính như vậy lại liên kết được với nhau (chủ yếu bằng diễn đàn và giao lưu tư tưởng chứ không phải bằng các hội đoàn) thành một tầng lớp, thì đấy là một xã hội dân sự lành mạnh, có nhiều tiềm năng phát triển.

Tạm gác sang một bên khái niệm “tầng lớp trí thức” như cần được làm rõ ở mục I., chúng ta hãy xem xét tầng lớp những người “có học” trong giai đoạn hiện nay phù hợp với đối tượng điều chỉnh của NQTW7 khóa 10, mà từ những năm 60 thế kỷ trước được Đảng và Nhà nước coi là “tầng lớp trí thức xã hội chủ nghĩa”. Trước Cách mạng tháng Tám, tầng lớp “có học”, như được xã hội đương thời công nhận, có thể bao gồm những người có học vấn từ trung học, thậm chí tiểu học, trở lên. Ngày nay, những người có bằng cấp từ đại học, cao đẳng trở lên, được coi là tầng lớp “trí thức”. Con số này vào khoảng 2,6 triệu. Trong đó có bằng Tiến sĩ khoảng 16 nghìn, Thạc sĩ 20 nghìn, Giáo sư khoảng 1, 2 nghìn và Phó Giáo sư khoảng 7 nghìn. Lực lượng này nằm đông nhất là trong các cơ quan quản lý của Đảng và Nhà nước, sau đó là ở các trường học, bệnh viện, các lực lượng quân đội an ninh, và doanh nghiệp. Lực lượng này cũng được tập hợp trong một số Hội hoặc Liên hiệp hội như: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn hóa và Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam...

Những nét đặc trưng của “tầng lớp trí thức XHCN” này là gì? Ngoài những đặc tính được Đảng và Nhà nước và phần nào là xã hội thừa nhận là ưu điểm, là tích cực như: Yêu Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội; Trung thành với Đảng và Nhân dân; Cần cù, thông minh, sáng tạo; Không ngại khó khăn gian khổ... thì những tiêu cực không thể phủ nhận được là hết sức điển hình. Đó là:

1. Hời hợt trong tư duy và thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu.

2. Tính cơ hội, thực dụng và vụ lợi trong hành xử.

3. Ưa thành tích và chấp nhận sự giả dối một cách dễ dàng.

4. Thiếu tinh thần hợp tác và ít lòng vị tha.

Tất cả những mặt tiêu cực điển hình của tầng lớp có học nói trên đều xuất phát từ một nguyên nhân chính là sự mất dân chủ trong sinh hoạt tư tưởng, trước hết trong nội bộ Đảng, rồi từ đó trong toàn xã hội. Sự mất dân chủ này đã bắt đầu từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước, sau chiến dịch Biên giới, khi ý thức hệ đấu tranh giai cấp và phương pháp tư tưởng Mao Trạch Đông, tràn vào Việt Nam theo con đường chính thống, được một bộ phận chủ chốt của Đảng tiếp thu và áp dụng một cách rốt ráo cho đến tận trước Đại hội VI.

Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, phát huy dân chủ và tự do tư tưởng đã được Đảng đề xướng (qua chủ trương “cởi trói” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) và được toàn dân hân hoan đón nhận, nhất là tầng lớp “có học”, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ “được cởi trói”. Nhưng tiếc rằng chỉ ít năm sau đó không khí dân chủ trong sinh hoạt tư tưởng dần dần bị loãng hẳn đi cho đến trước Đại hội 10. Khi Đảng chủ trương lấy ý kiến của quần chúng đóng góp cho văn kiện Đại hội 10, bầu không khí dân chủ lại đuợc thổi vào một luồng sinh khí mới từ nhân dân. Tiếc rằng ngay sau Đại hội 10 cho đến nay, càng ngày càng có những biểu hiện đáng lo ngại về thực chất của nền dân chủ của chúng ta. Điều này được thể hiện khá rõ trong việc quản lý các hoạt động báo chí và xuất bản gần đây.

Báo chí và xuất bản là mặt tiền, là thước đo của mỗi nền dân chủ. Chúng ta muốn xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thì trước hết phải xây dựng được một nền báo chí và xuất bản dân chủ và công bằng. Sách và báo chí còn là vật mang, là phương tiện trường tồn của các nền văn hóa. Chúng ta muốn có một nền văn hóa tiên tiến, thấm đượm bản sắc dân tộc thì một lần nữa, trước hết phải xây dựng được một nền báo chí và xuất bản tiên tiến và nhân bản. Những nhiệm vụ nặng nề ấy không phải của riêng ai mà của tất cả: Nhà nước, cộng đồng người viết và cộng đồng người đọc.

III. Quan điểm, định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng tầng lớp trí thức ở Việt Nam

1. Các bài học lịch sử

Khẩu hiệu “Trí, phú, địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ ”, nghe nói có từ thời Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhưng hình như không có văn bản nào chứng tỏ đó là chủ trương chính thức của Đảng Cộng sản. Tuy nhiên sau Cách mạng tháng Tám, nhất là sau Đại hội lần thứ 2, nói chung khẩu hiệu này đã được thực hiện ở các mức độ khác nhau, trừ một số trường hợp được chính phủ Cụ Hồ trọng dụng, nâng đỡ ngay từ đầu hoặc có hoàn cảnh đặc biệt mà cách mạng không thể bỏ qua. Cùng với thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chúng ta đã trả giá đến tận ngày nay cho thái độ kỳ thị của cách mạng đối với các tầng lớp trí thức, công thương gia và địa chủ.

Thái độ kỳ thị này cũng giống hệt như thái độ của những người cộng sản Nga từ sau Cách mạng tháng 10 đối với tầng lớp trí thức của nước họ. Ngay sau Cách mạng tháng 10, hàng ngàn gia đình trí thức Nga đã buộc phải lưu vong ra nước ngoài. Số còn lại hầu hết đã trở thành đối tượng của cách mạng và dần dần không còn tồn tại như một tầng lớp xã hội nữa: Số muốn giữ nhân cách trí thức thì bị đàn áp không những về mặt tư tưởng mà thậm chí bị tù tội ở các khu cải tạo; số khác tự đánh mất mình bằng thái độ “trùm chăn” hoặc cơ hội chính trị. Trong cuốn sách Về trí thức Nga (ở mục Tài liệu tham khảo) các tác giả cũng phân tích khá sâu sắc sự hình thành về phẩm chất và thái độ chính trị của tầng lớp có học (mà có người gọi là “trí thức nửa mùa”) trong suốt thời kỳ Xô Viết cũ. Họ chỉ ra rằng nhà nước Xô Viết cũ đã thực hiện chính sách “cào bằng giá trị” và “đồng nhất xã hội” để không còn tồn tại tầng lớp tinh hoa - tầng lớp trí thức không đáng tin cậy dưới con mắt của tầng lớp lãnh đạo. Một số nhỏ cá nhân trí thức tiêu biểu đã chỉ được sử dụng như những bông hoa làm cảnh cho chế độ mà thôi!

Tình trạng này không khác mấy so với các biến cố đã xảy ra ở Trung Quốc đối với tầng lớp trí thức, nhất là trong cuộc cách mạng văn hóa hồi những năm 60 và cuộc vận động dân chủ hồi cuối những năm 80. Tầng lớp trí thức ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu cũng như vậy, cũng hầu như tan rã sau những biến cố thăng trầm.

Câu hỏi được đặt ra là: Vì sao tất cả các nước theo xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của các Đảng Cộng sản đều có một kết cục như nhau đối với tầng lớp trí thức như vậy? Câu trả lời có thể là: Vì trong tất cả các nước ấy đã không thực sự có tự do ngôn luận và tự do tư tưởng. Tình trạng đó đã bắt đầu từ khi Lenin áp dụng nguyên tắc Tập trung Dân chủ trong Đảng Cộng sản Nga trước và sau Cách mạng tháng 10 và trở thành truyền thống của các Đảng Cộng sản. Thay vì Dân chủ Tập trung, tức là trước hết phải thực hành Dân chủ, tôn trọng các ý kiến khác nhau kể cả khi tuân theo nguyên tắc: thiểu số phục tùng đa số, cấp dưói phục tùng cấp trên, v.v. các Đảng Cộng sản đã áp dụng nguyên tắc Tập trung là chủ yếu, Dân chủ chỉ là thêm vào. Sau khi nắm chính quyền, nguyên tắc Tập trung Dân chủ sai lầm này lại được áp dụng trong toàn bộ máy Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Cơ chế mất dân chủ này đã xiết chặt cái “vòng kim cô” mất lập trường giai cấp và chệch hướng XHCN lên toàn bộ sinh hoạt tinh thần - tư tưởng trong nội bộ Đảng và toàn xã hội ở tất cả các nước đã áp dụng mô hình chủ nghĩa theo kiểu Xô Viết.

Cơ chế mất dân chủ với cái “vòng kim cô” ấy đã kìm hãm sự phát triển của đất nước ta đặc biệt từ khi giải phóng miền Nam: Đất nước đã thống nhất, nhưng lòng dân vẫn chưa quy tụ về một mối, khối đại đoàn kết dân tộc không được như chúng ta mong muốn, nhiều khi không có sự đồng thuận xã hội trong những vấn đề quan trọng của đất nước.

2. Quan điểm và định hướng

Trong quan điểm và định hướng nhất thiết chúng ta phải khẳng định rằng: Cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho tầng lớp trí thức thực thụ được hình thành và phát triển như Nghị quyết của Trung ương Đảng về Xây dựng đội ngũ trí thức đã nêu rõ. Muốn vậy, điều cốt lõi là phải thực hành nghiêm chỉnh chế độ dân chủ trong sinh hoạt tư tưởng.

Phát huy dân chủ phải được đặt trên nền tảng mục đích chung của dân tộc là xây dựng một quốc gia “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Mục đích chung ấy là quyền lợi của dân tộc, phải được đặt lên trên hết, trên mọi chủ thuyết, mọi ý thức hệ và mọi lợi ích của các nhóm xã hội khác nhau.

Dân chủ không phải là sản phẩm chỉ của phương Tây (dù là Hy Lạp cổ đại hay Tây Âu và Bắc Mỹ hiện đại) mà là sản phẩm của cả nhân loại, trong đó có phương Đông. Phật giáo hết sức đề cao Đối thoại và Khoan dung, là cốt lõi sâu xa của Dân chủ. Dân chủ là một chế độ, trong đó mọi công dân thực có quyền được nhận xét, phê phán và chất vấn trực tiếp các cấp lãnh đạo (ở nước ta là của Đảng và của Nhà nước). Đúng như lời của Nelson Mandela nói: “Bất cứ ai muốn phát biểu có thể được nói. Đó là Dân chủ trong hình thức thuần tuý nhất. Có thể không tránh khỏi tình trạng dẳng cấp giữa vị trí quan trọng của người này với người kia, nhưng dù là lãnh tụ hay dân thường, tướng tá hay thày thuốc, buôn bán hay nông dân, đại chủ hay tá điền, người nào cũng được nói... chính đó là nền tảng của Dân chủ: Tất cả mọi người đều được tự do phát biểu ý kiến của mình và tất cả đều bình đẳng như là công dân ”.

Định hướng quan trọng nhất mà chúng ta cần là phải làm rõ nội dung công thức “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: “Về công thức Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, chúng ta cũng đã từng đưa ra từ rất lâu, ngày nay cũng vẫn được nhắc lại như cũ. Nếu không làm rõ nội hàm của những mối quan hệ đó thì vẫn lâm vào tình trạng nói một đằng làm một nẻo. Chúng ta tiếp tục lúng túng và khó tránh khỏi sẽ lại phạm vào những sai lầm trong việc đảm bảo quyền làm chủ thực sự của nhân dân, trong khi thường xuyên nói đến công thức kể trên như một cách để nói, chứ không phải nói để làm, nói vậy mà không phải vậy. Thực chất nội dung của công thức đó chính là đảm bảo quyền Dân chủ trong Đảng, xây dựng được Nhà nước pháp quyền vững mạnh, phát huy quyền tự do Dân chủ của công dân đã được quy định trong Hiến pháp của Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Rút kinh nghiệm từ những bài học lịch sử, căn cứ vào những quan điểm và định hướng kể trên, để nâng cao chất lượng thực hành Dân chủ đối với đội ngũ trí thức (hay là “có học” như nói ở trên) cần thiết phải có các giải pháp sau đây:

3.1. Trước hết phải thực hành Dân chủ ở trong nội bộ Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, trên thực tế Đảng lãnh đạo và chi phối toàn bộ hoạt động của xã hội. Nếu trong Đảng mà không thực sự có Dân chủ thì ngoài xã hội không thể có Dân chủ.

Trước hết trong Đảng phải thực sự tôn trọng nguyên tắc Dân chủ Tập trung chứ không phải Tập trung Dân chủ. Đại hội đại biểu của Đảng là cơ quan quyền lực cao nhất, sau đó đến Ban chấp hành Trung ương, rồi mới tới Bộ Chính trị. Nguyên tắc này lâu nay bị vi phạm, thường là Bộ Chính trị có quyền hạn tuyệt đối không những trong nội bộ Đảng, mà còn đối với mọi vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước mà lẽ ra phải là trách nhiệm của Quốc hội.

Trong nội bộ Đảng, mọi Đảng viên nên đều phải được phát biểu và bảo vệ chính kiến của mình song song với nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, cần phải tôn trọng và tạo mọi điều kiện để ý kiến của thiểu số được thảo luận một cách công khai và bình đẳng.

Cơ chế dân chủ trực tiếp cần phải được phát huy tối đa trong các cuộc bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Việc bổ nhiệm đảng viên vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống Nhà nước phải được tiến hành một cách dân chủ hơn. Không áp đặt tiêu chuẩn cấp uỷ Đảng vào tiêu chuẩn lãnh đạo các cấp nhà nước. Một vị trí lãnh đạo nhà nước có thể tiến cử hai Đảng viên có ý kiến khác nhau về chủ trương về cách thực hiện để Quốc hội hoặc Hội đồng Nhà nước lựa chọn, v.v.

Chỉ trong những điều kiện tối thiểu như trên thì tầng lớp trí thực thực thụ của nước ta mới có thể tự hình thành và phát triển một cách lành mạnh được.

3.2. Phải từng bước xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh.

Trong điều kiện chế độ chính trị có một Đảng lãnh đạo, những khiếm khuyết do chế độ toàn trị gây ra có thể được khắc phục, điều chỉnh một cách hữu hiệu bằng xã hội dân sự. Xã hội dân sự lành mạnh là đối trọng, chứ không phải là đối lập với Nhà nước. Sự đồng thuận xã hội được giải quyết chủ yếu thông qua xã hội dân sự.

Trước mắt phải xây dựng được một Luật về Hội. Các hội nghề nghiệp và quần chúng là thành phần quan trọng nhất của xã hội dân sự. Quyền tự do thành lập Hội được ghi trong Hiến pháp phải được thể hiện đầy đủ trong Luật về Hội.

Chỉ trong một xã hôi dân sự lành mạnh như vậy tầng lớp trí thức mới phát huy được phẩm tính trí thức của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3.3. Phải thực sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận của công dân như được ghi trong Hiến pháp.

Tự do ngôn luận là quyền được bình đẳng phát biểu công khai ý kiến của mỗi công dân. Đó là cốt lõi của Dân chủ, không có tự do ngôn luận thì không thể dân chủ.

Báo chí và xuất bản sách là công cụ chủ yếu để thực hiện tự do ngôn luận. Luật về Báo chí và Xuất bản cần được cải thiện hơn nữa, hướng tới chấp nhận nền báo chí và xuất bản tư nhân và mỗi cá nhân tự chịu trách nhiệm về các ấn phẩm của mình.

Không có tự do ngôn luận thì những người “có học” chỉ có thể là những người lao động trí óc (thậm chí rất giỏi) nhưng không thể trở thành một tầng lớp trí thức mà các xã hội văn minh coi là tinh hoa.

Hà Nội, tháng 6 năm 2010
CHU HẢO

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà văn Kim Dung qua đời





VNE

Thứ ba, 30/10/2018, 19:27 (GMT+7) 

Tác giả "Thiên Long Bát Bộ" mất ngày 30/10, hưởng thọ 94 tuổi.

Theo On, nhà văn mất vì tuổi cao, bệnh tật tại Hong Kong. Ông tên thật Tra Lương Dung, sinh năm 1924 ở Chiết Giang, Trung Quốc. Năm 1948, ông tới Hong Kong sinh sống, làm việc. Ông được đông đảo độc giả hâm mộ bởi hàng loạt tiểu thuyết võ hiệp đặc sắc như Thiên long bát bộ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu hiệp lữ, Lộc Đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ...

Kim Dung được mệnh danh là “Thái Sơn, Bắc Đẩu” trong giới tác giả viết tiểu thuyết võ hiệp. Các tiểu thuyết của ông từng nhiều lần được chuyển thể thành phim điện ảnh, truyền hình, góp phần làm nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ như Lâm Thanh Hà, Lưu Diệc Phi, Trương Trí Lâm, Lý Nhược Đồng...

Kim Dung còn là người sáng lập tờ Minh Báo của Hong Kong. Năm 1989, ông từ chức tổng bên tập tờ này. Từ năm 1993, ông nghỉ hưu.

Nhà văn trải qua ba cuộc hôn nhân, người vợ hiện tại là Lâm Nhạc Di, kém ông 29 tuổi. 
Nghinh Xuân

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Nhà xuất bản Tri Thức – Một tình yêu, một nỗi buồn

Nguyễn Danh Lam:
Ngày rời Việt Nam, mình để lại mấy tủ sách, với khoảng 3 ngàn cuốn. Từng cộng tác mục điểm sách trên nhiều tờ báo, mình đọc và “bám” mảng sách, cũng như xuất bản khá kỹ. Một trong số ít nhà xuất bản có sách đáng để đọc, chính là Nhà xuất bản Tri Thức- một nhà xuất bản khá non trẻ, nhưng sách ra cuốn nào cũng thuộc dạng “phải có”. Trong kệ sách của mình, ở mảng sách tư tưởng, triết học, giáo dục… hầu như chỉ có những cuốn xuất bản trước 1975 và sách của nhà xuất bản Tri Thức sau này.
Tôn chỉ ngay từ những ngày đầu xuất bản sách, Nhà xuất bản Tri Thức đã đi theo mô hình mà Minh Trị Thiên Hoàng từng áp dụng để bắt đầu xây dựng một đất nước Nhật Bản hiện đại. Việc đầu tiên, Minh Trị cho dịch khoảng 1 ngàn đầu sách quan trọng nhất của tư tưởng Tây phương, phổ biến (và cả ép) toàn dân đọc- đó là cái nền, cái khởi đầu quan trọng nhất để có đất nước Nhật Bản hiện nay.
Và Nhà xuất bản Tri Thức đã lặng lẽ, quyết liệt, “lì lợm”, cho ra đời rất nhiều những ấn phẩm “gồ ghề”. Trong đó có thể kể đến các tác phẩm như: Bàn về tự do, Chính thể đại diện (John Stuart Mill); Đường về nô lệ (Friedrich Hayek), Chủ nghĩa tự do của Hayek (Gilles Dostaler); Nền dân trị Mỹ (Tocqueville); Nền đạo đức tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản (Max Weber); Dân chủ và Giáo dục (John Dewey)… còn rất nhiều đầu sách khác rất đáng để kể ra ở đây. Trong đó có những cuốn chỉ nghe nhan đề đã thấy… giật mình, với bối cảnh xuất bản trong nước.
Mình hay viết bài điểm sách, nên thấy những cuốn sách này bao giờ cũng háo hức và muốn càng có nhiều người đọc chúng càng tốt, nên sách ra là chộp liền, đọc ngày đọc đêm để kịp viết bài gởi báo. Tuy nhiên có rất nhiều cuốn, khi bài gởi đi, liền được biên tập phản hồi: Cuốn này vừa có lệnh (miệng) từ trên, không được giới thiệu vì… có vấn đề.
Và những cuốn “có vấn đề” thường bao giờ cũng là những cuốn hay nhất, có ích cho sự phát triển nhất- nhìn vào bằng chứng Minh Trị Thiên Hoàng xây nền đất nước Nhật Bản thì thấy… Và anh em trong giới nhìn nhau, có thể thấy cái “án” dành cho Nhà xuất bản Tri Thức treo lơ lửng trên đầu, sẵn sàng rơi xuống bất cứ lúc nào!
Và sáng nay đọc báo bên nhà, thấy cái tin: Ủy ban kiểm tra TW đảng CSVN đề nghị kỷ luật ông Chu Hảo, giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức vì đã “tự chuyển hóa”. Với cương vị giám đốc NXB Tri Thức, ông Chu Hảo đã cho xuất bản một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của đảng, nhà nước, vi phạm luật xuất bản, bị cơ quan chức năng xử lý, thu hồi và tiêu hủy…
Một nỗi buồn mênh mông, giờ càng thêm thăm thẳm… Ở một đất nước dân đã lười đọc sách, tỉ lệ người đọc được những những cuốn đáng đọc vô cùng hiếm hoi. Và để có được những cuốn sách đáng đọc ấy lại càng… tuyệt vọng hơn nữa.
Người ta đang nói ra rả về “công nghiệp 4.0”, về “đô thị thông minh”, về “trí tuệ nhân tạo”… khi toàn dân đua nhau đọc… ngôn tình, báo lá cải. Sự nghiệp đọc sách của nhiều người ngoảnh lại chỉ có… Đô Rê Môn, Thám tử Cô Nan…
Có khi nào đất nước biến thành cây thông, cây sồi… khi chỉ gieo toàn cỏ dại và chặt đi bất cứ cái mầm nào lớn quá một gang tay?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ý kiến trái chiều việc xây thêm đền thờ Nguyễn Trãi



Đền thờ Nguyễn Trãi tại làng Nhị Khê. Ảnh: PV. 

VNE 
Thứ hai, 29/10/2018, 20:20 (GMT+7) 
Nhiều người cho rằng đền thờ Nguyễn Trãi tại làng Nhị Khê nhỏ hẹp không xứng với bậc danh nhân nên cần xây mới.

Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi quê ở tỉnh nào?

Huyện Thường Tín (Hà Nội) đang tham vấn ý kiến các nhà khoa học xây dựng Khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới Nguyễn Trãi. 


Bà Lê Thị Liễu, phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, cho biết tổng diện tích khu lưu niệm rộng khoảng 3,5 ha với các công trình: trại Ổi, ao Huê; nhà lưu niệm trưng bày hiện vật có liên quan đến Nguyễn Trãi; khu giới thiệu giáo dục truyền thống về lịch sử, sự nghiệp, đóng góp của danh nhân Nguyễn Trãi đối với Thủ đô, đất nước; công trình phụ trợ cần xây dựng gồm khu dịch vụ, trải nghiệm di sản, vườn hoa, cây xanh, tiểu cảnh; nơi đón tiếp khách, bãi đỗ xe...

Viện dẫn ý tưởng xây dựng này, bà Liễu nói, Nguyễn Trãi là nhà chính trị, quân sự, ngoại giao, nhà thơ, nhà địa lý của Việt Nam thế kỷ XV. Ông có công lớn trong việc giúp vua Lê Lợi kháng chiến thắng giặc Minh, củng cố xây dựng đất nước. Ông để lại những tác phẩm cho muôn đời như: Quốc âm thi tập. Ức trai thi tập, Dư địa chí, Lam Sơn thực lục... và được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hoá thế giới.

Theo bà, tại xã làng Nhị Khê, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín đã có di tích nhà thờ Nguyễn Trãi, được bộ Văn hoá xếp hạng quốc gia năm 1964.

Tuy nhiên, nhà thờ này nhỏ, nằm trên khuôn viên đất tư của dòng họ Nguyễn quản lý. “Các hạng mục kiến trúc có quy mô hẹp, không gian phân tán, chưa xứng tầm vóc, vị thế của một danh nhân văn hoá thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc Nguyễn Trãi”.

Vì vậy, địa phương đề xuất xây đền thờ Nguyễn Trãi mới cách đó khoảng 500 mét. Ý tưởng này được một số nhà khoa học ủng hộ nhưng cũng không ít người phản đối.

Nhà sử học Lê Văn Lan đồng tình, nhà thờ Nguyễn Trãi hiện nay “không đủ dung lượng với tấm lòng những người hành hương về quê ông và chưa xứng tầm với độ lớn lao của một vị anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hoá thế giới”.

Ông Lan cho rằng xây mới khu tưởng niệm Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khuê là cần thiết và kịp thời.

Tuy nhiên, ông thẳng thắn nói ý tưởng này của địa phương còn quá vội vã, sơ sài, thậm chí phiêu lưu. Bởi các hạng mục như cổng chính, non bộ, hồ nước - thuỷ đình, nhà bán hàng lưu niệm, tượng đài Nguyễn Trãi... chưa được nghiên cứu thấu đáo về hình thức và chức năng. Bố cục chưa được sắp xếp theo trật tự thích hợp.

Dẫn chứng ở Hà Tĩnh có bảo tàng Nguyễn Du, Nghệ An có bảo tàng Nguyễn Sinh Cung, ông Lan đề xuất tại đây nhất thiết phải có bảo tàng Nguyễn Trãi.

PGS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội di sản văn hoá Việt Nam đề xuất xây dựng công viên văn hoá, lịch sử Nguyễn Trãi thành không gian cộng đồng đa chức năng.

Quy mô “khủng” không phải thước đo giá trị danh nhân

PGS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam lại thẳng thắn phản đối dự án. Ông nói, lý do khu đền thờ Nguyễn Trãi nhỏ hẹp không xứng với bậc kỳ tài của đất nước là không thuyết phục.

“Không có nơi nào trên đất nước ta mà một làng có hai nhà thờ, lại thờ chung một vị thần hoặc anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá”, ông Phạm Mai Hùng phản biện.

Ông phân tích thêm, xây mới đền thờ Nguyễn Trãi sẽ tạo nên sự bất hoà không đáng có giữa dòng họ Nguyễn ở Nhị Khuê với chính quyền địa phương vì lợi ích vật chất thu được từ hai nơi.

Vì vậy, ông Hùng đề xuất xây dựng trung tâm lưu niệm Nguyễn Trãi ở Nhị Khê lấy hạt nhân là đền thờ Nguyễn Trãi hiện nay.

KTS Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích ủng hộ quan điểm của ông Hùng. Ông Vinh nói, đền thờ Nguyễn Trãi hiện nay là di tích quốc gia, có lịch sử lâu đời, được thể hiện qua hai đạo sắc phong niên đại Cảnh Hưng năm thứ 28 (1768) và Tự Đức năm thứ 6 (1854). Trong đó còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như đôi hạc gỗ thời Lê, các bức hoành phi câu đối ca ngợi tài đức của Nguyễn Trãi. Quan trọng hơn, ngôi đền được tồn tại, lưu truyền, giữ gìn, trùng tu và luôn là chốn linh thiêng qua nhiều đời nay.

“Chúng ta không thể xoá bỏ ngôi đền đã tồn tại nhiều năm trong lịch sử, được xếp hạng là di tích quốc gia. Tạo ra hai ngôi đền thờ danh nhân Nguyễn Trãi tại Nhị Khê là hoàn toàn không hợp lý”, ông Vinh nêu quan điểm.

Phản biện lại đề xuất của huyện Thường Tín, ông Vinh nói “quy mô lớn, kích thước “khủng” không phải là thước đo sự vĩ đại của danh nhân hay tấm lòng của chúng ta với họ. Điều quan trọng là cách chúng ta tạo dựng các công trình hay các hình thức lưu niệm, tưởng niệm để khi đứng trước hoặc thâm nhập vào công trình đó, con người có được xúc cảm lịch sử và sự liên tưởng đến danh nhân, nắm bắt được những thông tin, sự kiện liên quan đến họ và những giá trị họ tạo ra”. 
Viết Tuân


Phần nhận xét hiển thị trên trang

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG CẦN MỘT TIẾN SĨ Y KHOA?


Các đồng chí Lãnh đạo Ban Tuyên giáo chúc mừng đồng chí Nguyễn Thanh Long

Thứ trưởng Bộ Y tế làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư

Tiền phong

Ngày 30/10, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị triển khai quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ. 

Theo Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế được điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. 

Thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng chúc mừng đồng chí Nguyễn Thanh Long được Ban Bí thư điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định, đây là sự ghi nhận và đánh giá cao của Ban Bí thư Trung ương khi xem xét, điều động, bổ nhiệm tăng cường cán bộ cho các ban Đảng trong giai đoạn hiện nay. Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng tin tưởng rằng, với bề dày kinh nghiệm công tác, trên cương vị công tác mới, đồng chí Nguyễn Thanh Long sẽ cùng tập thể lãnh đạo Ban tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Ông Nguyễn Thanh Long sinh ngày 3/9/1966 tại xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định là Giáo sư, Tiến sĩ y học. 

Từ năm 1995 đến năm 2003 là chuyên viên Vụ Y tế dự phòng, Bộ Y tế. Từ tháng 12/2003 đến tháng 5/2005 là Trưởng phòng Kiểm soát và phòng chống HIV/AIDS, Cục Y tế dự phòng và phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. 

Từ tháng 6/2005 đến tháng 3/2008 Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Từ tháng 3/2008 đến tháng 11/2011 là Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế. Từ tháng 12/2011 đến nay, đồng chí là Ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế. 
Theo Tuyengiao.vn

Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐỐI MẶT VỚI CÁI ÁC


Tiến sĩ Khoa học, Dịch giả Phan Hồng Giang. Ảnh: Nguyễn Xuân Diện.

Phan Hồng Giang
29 - 10 - 2018

Lời Toà Soạn: Trong xã hội chúng ta đang sống quả thực là có  nhiều điều bất ổn, bất bình thường về nhiều phương diện trong đó có vấn đề đạo đức. Sa sút đạo đức xã hội, kể cả trong hàng ngũ cán bộ,  đảng viên, công chức,  viên chức là điều đã quá rõ ràng và đã được Đảng ta xác nhận, khẳng định. Sa sút đạo đức có nghĩa là cái Thiện bị yếu thế trước cái Ác; cái ác thao túng hành vi của các thành viên và cả cộng đồng. Có cái ác chỉ phương hại đến mt hoặc vài cá thể, có cái ác làm tổn thương cả cộng đồng to lớn. Có cái ác trông thấy được, nhận biết được, có cái ác không dễ nhận ra vì nó được ngụytrang, che lấp bởi rất nhiều thủ đoạn. Có cái ác nằm ngay trong chính bản thân ta. Nhận ra cái ác, đối mặt với nó và chống lại nó là điều không hề dễ dàng vì có những lúc nó ẩn nấp trong vỏ bọc cái thiện.
Văn hoá Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phan Hồng Giang về vấn đề này.
Phan Văn Thắng (PVT): Cái ác, cùng với cái thiện luôn cùng có chỗ trong đời sống xã hội. Xã hội càng bất ổn, rối loạn thì cái ác càng nhiều, càng phi nhân tính hơn. Có nhiều quan niệm khác nhau về cái ác tùy vị trí và cách tiếp cận với nó. Riêng ông, ông quan niệm như thế nào là Cái Ác?
Phan Hồng Giang (PHG): Cái ác ở cấp độ cá nhân đơn lẻ là hành vi xâm phạm nhân phẩm, tài sản hoặc thân thể, tính mạng người khác.
Cụ Khổng Tử ngày xưa đã nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Tôi nghĩ câu nói đó thể hiện một mong muốncủa cụ nhiều hơn là xác nhận một thực tại. Trong Con Người, phần “Con” - phần hoang dã - vốn rất nhiều. Nó như cỏ dại, không cần chăm bón cũng nẩy nở nhanh chóng, trong khi cái Thiện - cái phần “Người” - thì giống như cây lúa, phải săn sóc kỹ lưỡng mới mong cho ra hạt mẩy căng đầy. Trừ số không nhiều những người tử tế, có thể thừa nhận không ít người mang ý định chủ đạo là cố thu lợi về phần mình, tham quyền, ham danh, hám tình, dễ mê cờ bạc, hút sách... Đây chính là nguồn gốc sâu xa của cái ác, không dễ gì để loại bỏ.
PVT: Có thể “phân loại” cái ác không? Từ thực tiễn đời sống xã hội nước ta hiện nay, ông có thể phân loại như thế nào về loại hình tội ác, những kẻ thủ ác không, thưa ông?
PHG: Có thể tạm phân loại cái ác dưới góc độ chủ thể gây ra cái ác và đối tượng chịu tác động của hành vi đó. Như vậy, ở trường hợp này là có cái ác do một cá nhângây ra, ở trường hợp khác lại do một nhóm người có tổ chức đứng ra thực hiện. Đối tượng chịu thiệt hại vì vậy có khi chỉ là một vài người đơn lẻ, lúc khác lại là cả một cộng đồng đông đảo, hoặc tồi tệ hơn, là cả một dân tộc, một quốc gia.
Nguồn gốc dẫn đến hành vi độc ác có thể là một tiêu chí để phân loại cái ác. Có cái ác chủ yếu là do bẩm sinh, do đặc điểm tâm sinh lý méo mó, bệnh hoạn - ta vẫn thấy có người sinh ra đã sợ nhìn máu chảy, không dám cả cắt tiết gà, còn có kẻ thì giết người không ghê tay. Có cái ác là sản phẩm của môi trườngnhiễu nhương từ trong gia đình, nhà trường đến ngoài xã hội. Có những hành vi tội ác lại được chỉ lối rõ ràng từ ý thức, nhận thức lý thuyết bài bản hẳn hoi, không ít khi còn được nâng lên thành chủ nghĩa này nọ...
Cũng có thể phân loại theo mức độ nặng nhẹ, theo quy mô của của hành vi độc ác - nhẹ thì như đứng đầu hiên nhà ứng khẩu bài chửi bới xỏ xiên ai đó bắt mất gà nhà mình, nặng thì đâm chém, gây thương tích hoặc thậm chí gây xung đột đổ máu, gây chiến tranh thảm khốc kéo dài...
Nhiều khi không gây ra tội ác nào vẫn bị coi là tội ác - đó là khi người ta im lặng trước cái ác, “mũ ni che tai” bỏ mặc cho cái ác hoành hành, vô tình trở thành đồng lõa với cái ác.
PVT: Hitler, Pol Pot và các nhà nước độc tài, phát xít khác đã gây ra rất nhiều tội ác cho loài người. Có những kẻ không bao giờ trực tiếp giết ai cả nhưng với đường lối, chính sách chính trị của mình, họ đã hành hạ và gây ra cái chết cho rất nhiều người. Rồi lại có, những chính sách sai lầm bắt đầu từ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà gây nên tội ác cho cả cộng đồng. [Vụ cướp đất ở Thủ Thiêm chẳng hạn]. Chúng ta có thể gọi tên loại tội ác này là gì không?
PHG: Anh đặt vấn đề rất sâu sắc. Như tôi đã nhắc đến ở trên, loại tội ác này xuất phát từ ý thức, nhận thức lý thuyết rất chi là bài bản, từ tham vọng quyền lực, tham vọng lưu danh hay ham lợi bất chính. Đây mới chính là cái ác đáng sợ nhất, gây ra những thảm cảnh lịch sử khủng khiếp nhất, mà kỳ quặc thay, nhiều khi còn được tung hô, tôn vinh.
PVT: Cái ác, rõ ràng đó là vấn đề đạo đức. Vậy, nó phản ánh gì về phương diện văn hóa?
PHG: Đạo đức là một thành tố quan trọng của văn hóa. Cái Ác cũng như cái Thiện đều là những khái niệm công cụ của vấn đề đạo đức cũng như của văn hóa. Xây dựng và phát triển văn hóa không thể tách rời việc cố gắng giảm thiểu cái ác trên cơ sở bồi đắp cái thiện ngày càng đầy đặn.
PVT: Nguyên nhân nào đẩy con người đến hành vi tội ác? Có nguyên nhân nào từ những rối loạn tâm lý do các ẩn ức lịch sử hoặc các vấn đề/chính sách xã hội chưa phù hợp không? Còn trong xã hội ta, tại sao cái ác như ngày càng nhiều hơn, tàn bạo hơn?
PHG: Như tôi đã nói ở trên, các nguyên nhân đẩy con người đến hành vi tội ác có thể là từ đặc điểm tâm sinh lý bẩm sinh, từ tác động tiêu cực của môi trường, và tai hại nhất là từ ý thức, nhận thức sai trái của các thế lực giành được vai trò chỉ đường dẫn lối. “Ẩn ức lịch sử” như anh nói cũng có thể là một nguyên nhân. Chẳng hạn như chiến tranh kéo dài liên miên, cái chết hiện hữu mọi lúc mọi nơi dần dần khiến người ta nhàm quen với cái chết. Dễ thấy rằng khuyết tật của chính sách cũng dễ dẫn đến sử dụng bạo lực như phản ứng của Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng), hay Đặng Văn Hiến (Đak Nông) mới đây, khi đất đai của mình bị thu hồi bất công.
PVT: Còn trong xã hội ta, tại sao cái ác có chiều hướng ngày càng nhiều hơn, tàn bạo hơn?
PHG: Cái ác trong xã hội ta hiện nay quả là “có chiều hướng ngày càng nhiều hơn“. Đó là một thực trạng nhức nhối. Không hiện tượng xấu xa nào mà không có điểm phát sinh. Theo thiển nghĩ của tôi, điểm tạm coi là khởi nguồn của cái ác nở rộ hôm nay là khi chúng ta, từ hơn nửa thế kỷ trước du nhập mô hình “thổ địa cải cách” từ phương Bắc, cổ súy cho hiện tượng đấu tố - con chỉ mặt bố mẹ rủa xả, gọi bố mẹ bằng mày, vợ trổ tài chửi bới xỉa xói đức ông chồng trót mang danh “địa chủ” để tỏ rõ mình đã “giác ngộ giai cấp”(!)... Từ thời điểm luân thường đạo lý tối thiểu bị chà đạp không chút e dè như thế, cái ác đã bắt đầu sinh sôi, phổng phao, đâm thêm nhành ngọn, dường như không còn gì cản được. Cái ác sau đó được tiếp thêm sức mạnh từ các khuyết tật hệ thống của xã hội để dường như dần chiếm thế thượng phong, đẩy cái thiện vào thế bị động chống đỡ, khiến “người ngay sợ kẻ gian”, người tố cáo tham nhũng sợ kẻ tham nhũng trả thù... như ta vẫn thường thấy.
PVT: Nhận xét của ông không phải là không có lý, không có cơ sở. Tuy nhiên tôi nghĩ là ông chưa nhắc đến hậu quả của mấy chục năm chiến tranh; của xã hội hậu chiến kéo dài triền miên trong đói kém, lạc hậu; của những mặt trái của kinh tế thị trường bộc lộ và tác quái trên một nền tảng xã hội bối rối do cơ chế bao cấp để lại...Ông có nghĩ là có một nguyên nhân từ cái xấu được phổ biến quá nhiều trong môi trường thông tin ngày càng hiện đại và thông minh hơn hiện nay?
PHG: Môi trường thông tin hiện đại cũng có thể coi là một nguyên nhân dẫn đến cái cái xấu được nhắc đến quá nhiều, khiến người ta dần trở nên tê liệt cảm xúc trước các hành vi độc ác “cướp - giết - hiếp” đã thành quen thuộc, vô tình làm giảm sự phẫn nộ của xã hội trước cái ác.
PVT: Để giảm thiểu cái ác, tội ác trong đời sống xã hội, chúng ta phải bắt đầu từ đâu, từ khía cạnh nào của vấn đề, chính trị, kinh tế, luật pháp hay văn hóa?
PHG: Để giảm thiểu cái ác, tội ác trong đời sống xã hội, cần bắt đầu từ đâu? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Nhìn từ góc độ nào, nhiều người đều thấy các vấn đề chính trị, kinh tế, luật pháp, giáo dục hay văn hóa đều đóng vai trò quan trọng. Dễ đi đến kết luận rằng cần phải có giải pháp đồng bộ, không coi nhẹ một mặt nào. Tuy nhiên, từ góc nhìn của riêng tôi, tôi vẫn thấy chính trị - nói rõ hơn là thể chế chính trị - với vị trí thường được coi là “thống soái” phải là nơi bắt đầu của những nỗ lực chống lại cái ác. Đơn giản là bởi vì những khiếm khuyết trong thể chế đã là môi trường thuận lợi đầu tiên cho cái ác nẩy sinh và phát triển.
PVT:Mọi vấn đề của xã hội đều có nguồn gốc từ thể chế, tức là từ cấu trúc và cách quản trị, điều hành xã hội. Một xã hội mà cái Thiện thắng thế thì cái Ác sẽ bị đẩy lùi. Từ kinh nghiệm lịch sử của dân tộc Việt Nam, và của các quốc gia dân tộc khác trên thế giới, theo ông, điều căn cốt nhất, có ý nghĩa then chốt là gì để mọi người hướng đến cái Thiện và đẩy lùi cái Ác?
PHG: Câu hỏi của anh hầu như đã hàm ý trả lời. Ai cũng thừa nhận rằng trong xã hội ta hiện nay cái ác đang rất phổ biến. Tham quyền vô độ, thủ lợi bất chính, bạo lực lên ngôi, giả dối thắng thế, vô cảm tràn lan = đó có thể coi là những nét chính trên gương mặt cái ác. Tất cả dường như là sản phẩm của sự thiếu minh bạch, công khai, của việc quyền tự do dân chủ của người dân bị xâm phạm. Ở đây cần nhắc lại lời dạy của tiền nhân: “Tính cách là do hoàn cảnh tạo nên. Muốn thay đổi tính cách theo hướng tích cực, trước tiên cần cải tạo hoàn cảnh”.
Từ kinh nghiệm lịch sử của dân tộc Việt Nam và của các quốc gia dân tộc khác trên thế giới, để mọi người hướng đến cái Thiện, đẩy lùi cái Ác, điều căn cốt nhất, theo tôi là chúng ta phải tôn trọng các giá trị phổ quát của nhân loại, sòng phẳng và mạnh mẽ hơn nữa trong sự nghiệp to lớn và cấp bách nhằm xây dựng một Nhà nước pháp quyền thượng tôn pháp luật, một nền kinh tế thị trường lành mạnh đúng nghĩa, một xã hội dân sự phát triển đa dạng, một quốc gia hội nhập sâu rộng vào dòng chảy hiện đại tiên tiến của thế giới.
PVT: Cảm ơn ôngvề cuộc trao đổi này. Quả thực tôi vẫn rất bối rối khi nghĩ về cái ác. Vừa mới đây thôi, một nữ sinh viên ở Hà Nội ném đứa trẻ sơ sinh (dù là đã chết như cô ta nói) từ tầng 31 xuống sân và cả gia đình 4 người gồm cha mẹ và hai đứa con còn rất nhỏ ở hà Tĩnh tự vẫn đã làm tôi kinh sợ về cái ác. Tại sao cô sinh viên kia lại làm thế, và tại sao cặp vợ chồng kia bắt hai đứa con phải cùng chết. Dư luận xã hội, áp lực đám đông hay là những quan niệm đạo đức cũ không còn tương thích nhưng vẫn có khả năng chi phối những lớp người hôm nay? Thú thật tôi vẫn hoang mang khi cố gắng nhận thức về cái ác./.


Phần nhận xét hiển thị trên trang