Triều Tiên có thể tuyên bố kết thúc chiến tranh mà không cần điều kiện.
Theo phái đoàn Hàn Quốc, Triều Tiên sẵn sàng tuyên bố kết thúc chiến tranh mà không đặt điều kiện Mỹ phải rút các lực lượng khỏi Hàn Quốc.
Phái đoàn Hàn Quốc trở về từ Bình Nhưỡng mang theo một thông tin quan trọng: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẵn sàng ký Tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) mà không cần Mỹ phải rút các lực lượng khỏi Hàn Quốc.
Triều Tiên không đặt điều kiện với Mỹ?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc gặp Thượng đỉnh tại Bàn Môn Điếm tháng 4/2018.
Đoàn đặc phái viên được Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cử tới thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên ngày 5/9 mang theo một lá thư từ Tổng thống Moon gửi tới Nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên ngày 6/9 đã đăng tải các bức ảnh chụp bữa tối và các cuộc thảo luận đang diễn ra “trong bầu không khí thân thiện và ấm cúng”.
Bài báo của tờ Rodong Sinmun nói rằng, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un “hài lòng về các cuộc tiếp xúc trên nhiều lĩnh vực khác nhau giữa hai miền, việc đoàn tụ các gia đình li tán được thực hiện và các cuộc đối thoại quân sự cũng như việc thiết lập văn phòng liên lạc chung đang tiến triển tốt sau cuộc gặp lịch sử ở Bàn Môn Điếm” và “Triều Tiên đánh giá cao tất cả những thành công mà hai bên đã làm và sẽ tiếp tục thúc đẩy những thành quả này mà không làm chệch hướng mối quan hệ song phương đang đi vào quỹ đạo hòa bình mới, quỹ đạo của sự hòa giải và phát triển”.
Theo tuyên bố, các quan chức của Hàn Quốc và Triều Tiên đã thảo luận chương trình và thời điểm cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tiếp theo diễn ra tại Bình Nhưỡng vào ngày 18-20/9. Các chi tiết về cuộc gặp sẽ được công bố thêm khi phái đoàn trở về Hàn Quốc, và các thành viên trong phái đoàn công bố thêm thông điệp từ Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong nói với báo giới ngày 6/9 rằng, ông Kim Jong-un sẽ sẵn sàng ký tuyên bố kết thúc chiến tranh mà Hàn Quốc và Triều Tiên theo đuổi từ đầu năm nay mà không có điều kiện kèm theo là rút 28.500 binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc hay chấm dứt liên minh giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Muốn thiện chí được đáp lại bằng thiện chí
Một Hiệp ước hòa bình cho Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đòi hỏi phải có thêm các cuộc đàm phán phạm vi rộng giữa các bên liên quan: Triều Tiên, Trung cộng, Hàn Quốc và Mỹ. Tuyên bố kết thúc chiến tranh do cả Hàn Quốc và Triều Tiên công bố sẽ là một bước quan trọng hướng tới việc hiện thực hóa mục tiêu Hiệp ước hòa bình – điều mà ông Moon và ông Kim đều bày tỏ mong muốn đạt được kể từ cuộc gặp Thượng đỉnh đầu tiên ở Bàn Môn Điếm hồi tháng 4.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không chỉ muốn một hiệp ước hòa bình chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, tham vọng của ông còn lớn hơn thế.
Phía Triều Tiên kêu gọi Mỹ không nên cứng rắn với quan điểm phi hạt nhân hóa trước khi ký Hiệp ước hòa bình.
Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong nói rằng: “Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nói rõ ràng nhiều lần rằng, ông khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa. Ông cũng bày tỏ thất vọng về sự hoài nghi của cộng đồng quốc tế đối với tuyên bố của ông. Ông Kim Jong-un cũng nhấn mạnh, ông đã có những bước đi cần thiết để phi hạt nhân hóa và muốn thiện chí được đáp lại bằng thiện chí”.
Ông Chung Eui-yong cho biết thêm, Nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định ông chưa bao giờ nói về Tổng thống Mỹ Donald Trump một cách tiêu cực với các cấp dưới của mình hay bất cứ ai.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 6/9 tuyên bố, ông Stephen Biegun, Đặc phái viên mới của Mỹ về Triều Tiên, sẽ thăm Hàn Quốc, Trung cộng và Nhật Bản tuần tới.
“Đặc phái viên sẽ gặp những người đồng cấp trong khu vực và thúc đẩy nỗ lực ngoại giao để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa có thể xác minh một cách đầy đủ và sau cùng trên Bán đảo Triều Tiên”, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết và không tiết lộ thêm về hành trình của ông Biegun.
Nhà ngoại giao Hàn Quốc cũng khẳng định về cam kết của hai miền về việc mở văn phòng liên lạc chung ở thành phố Kaesong của Triều Tiên trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới.
Kỷ niệm Quốc khánh
Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên đang chuẩn bị tổ chức sự kiện kỷ niệm lần thứ 70 Quốc khánh nước này. Đây là sự kiện được dư luận quan tâm nhưng hiện chưa có thông tin gì về việc sự kiện này sẽ được tổ chức như thế nào.
Các bức ảnh chụp vệ tinh trên trang 38 North cho thấy, quân đội Triều Tiên đã tham gia diễn tập từ nhiều tuần qua tại quảng trưởng Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng.
Triều Tiên thường tổ chức diễu binh cùng nhiều loại vũ khí quân sự mới nhất trong dịp Quốc khánh.
Tuy nhiên, giới quan sát đang đặt câu hỏi liệu sự kiện năm nay có khác hay không, để phản ánh sự thay đổi giọng điệu của ông Kim trong những tháng gần đây. Cuộc diễu binh quân sự lớn gần đây nhất được tổ chức vào tháng 2/2018, trong đó có cả tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 và Hwasong-15.
Theo Defense News ngày 6/9 cho biết, điểm khác biệt lớn nhất so với các cuộc diễu binh trước là hàng chục tổ chức truyền thông quốc tế đã được cấp thị thực để tham dự sự kiện hồi tháng 2/2018./.
Thùy Linh
Phần nhận xét hiển thị trên trang