Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

Chỉ cần nói với tôi


chỉ cần nói với tôi
thiên đường đã đóng cửa
không còn ai trên trái đất
nhìn thấy bạn khóc
chỉ cần cho tôi biết
nếu bạn không thể trở về nhà
bạn không tìm được một nơi ẩn náu
trong cơn bão
chỉ cần cho tôi biết
mọi thứ bạn nhìn thấy cực kỳ ảm đạm
bạn cảm thấy cô đơn
chỉ cần nói với tôi
ngay cả những câu chuyện vui
không còn có thể
làm bạn cười
chỉ cần cho tôi biết
nếu đường không có vị ngọt cho bạn nữa
thay vào đó
bạn sẽ thấy tiếng cười của kẻ thù
trong mỗi bữa ăn
nói với tôi
chỉ cần nói với tôi
nếu bạn đã quen với điều này
và thậm chí nếu bạn không quen
tôi vẫn biết
vì khi trời đổ mưa
những giọt nước mắt chạm vào da
tôi nói với bạn rằng: - em không sao đâu
em cứ gõ cửa
em đừng nói rằng đó không phải là ngôi nhà của
em nữa
và thậm chí nếu những hạt đường đã mất đi sự ngọt ngào của nó
như chúng ta không còn nhìn thấy nụ cười
chúng ta vẫn sẽ tìm đường quay lại
cách mà em từng cai quản thế giới này
bằng những bước chân ngập ngừng nhỏ bé
tạo thành một con đường
đầy hy vọng
chỉ cần nói với tôi
bạn là một người bạn
chỉ cần nói với tôi
cả thế giới sẽ lắng nghe...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ông Kim Jong-un đích thân ra sân bay đón tổng thống Hàn Quốc theo nghi thức trọng thể nhất


Hồng Anh | 
Ông Kim Jong-un đích thân ra sân bay đón tổng thống Hàn Quốc theo nghi thức trọng thể nhất
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng phu nhân chào mừng vợ chồng tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in từ máy bay và tiến hành nghi thức tiếp đón trọng thể (Ảnh: Sky News)

Khoảng 9h40 sáng nay (theo giờ địa phương), máy bay chở Tổng thống Moon Jae-in cùng đoàn đại biểu Hàn Quốc đã hạ cánh tại sân bay Bình Nhưỡng.

Theo Reuters, Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, phu nhân Ri Sol-ju, cùng các quan chức cấp cao và đội nghi thức Triều Tiên và hàng trăm người dân Triều Tiên đã tiếp đón Tổng thống Moon theo nghi thức trọng thể, nồng ấm.
Điều đặc biệt là ngoài hoa và cờ Triều Tiên, lá cờ thống nhất cũng xuất hiện trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần này, được tổ chức tại Triều Tiên.
Sau lễ đón tiếp tại sân bay, ông Kim và ông Moon di chuyển trên hai xe khác nhau về nhà khách Paekhwawon ở thủ đô Bình Nhưỡng để tiến hành hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba. 
Ông Kim Jong-un đích thân ra sân bay đón tổng thống Hàn Quốc theo nghi thức trọng thể nhất - Ảnh 1.
Người dân Hàn Quốc theo dõi hội nghị thượng đỉnh liên Triều được phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Ảnh: EPA.
Ông Kim Jong-un đích thân ra sân bay đón tổng thống Hàn Quốc theo nghi thức trọng thể nhất - Ảnh 2.
Đội nghi thức Triều Tiên đã có mặt tại sân bay Bình Nhưỡng từ rất sớm. Ảnh: Reuters.
Ông Kim Jong-un đích thân ra sân bay đón tổng thống Hàn Quốc theo nghi thức trọng thể nhất - Ảnh 3.
Đội nghi thức Triều Tiên. Ảnh: Reuters.
Ông Kim Jong-un đích thân ra sân bay đón tổng thống Hàn Quốc theo nghi thức trọng thể nhất - Ảnh 4.
Tổng thống Moon Jae-in được đón tiếp theo nghi thức trọng thể nhất. Ảnh: Reuters.
Ông Kim Jong-un đích thân ra sân bay đón tổng thống Hàn Quốc theo nghi thức trọng thể nhất - Ảnh 5.
Lãnh đạo Kim Jong-un bất ngờ xuất hiện tại sân bay để đón tiếp Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.
Ông Kim Jong-un đích thân ra sân bay đón tổng thống Hàn Quốc theo nghi thức trọng thể nhất - Ảnh 6.
Ảnh: Reuters.
Ông Kim Jong-un đích thân ra sân bay đón tổng thống Hàn Quốc theo nghi thức trọng thể nhất - Ảnh 7.
Các quan chức cấp cao Triều Tiên cũng đã có mặt tại sân bay từ sớm để chuẩn bị cho sự kiện này. Ảnh: Reuters.
Ông Kim Jong-un đích thân ra sân bay đón tổng thống Hàn Quốc theo nghi thức trọng thể nhất - Ảnh 8.
Nguồn: TTXVN/VIETNAM+

Trí Thức Trẻ

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Robots và đồng tác giả gốc Việt ở London Fashion Week


https://baomai.blogspot.com/   
Sự kiện thu hút dư luận Anh trong Tuần lễ Thời trang London tháng 9 năm nay là các chú robot lên sàn diễn.

Chủ đề của London Fashion Week năm nay là môi trường và trí tuệ nhân tạo, vào các báo Anh viết, AI vừa là tên viết tắt cho Artificial Intelligence, vừa là 'Ái' tức là động từ 'yêu' trong tiếng Việt và tiếng Trung.

Nhà thời trang House of Ikons và công ty thiết kế từ Los Angeles, Honee cùng giới thiệu những con robot của OhmniLabs ra sân khấu.

https://baomai.blogspot.com/ 
  
OhmniLabs ra đời năm 2015 bởi Vũ Duy Thức, Jared Go và Tingxi Tan từ hai trường Carnegie Mellon và Stanford ở Mỹ.

https://baomai.blogspot.com/ 
  
Năm nay 36 tuổi, Vũ Duy Thức (Thuc Vu) là tiến sĩ ngành tự động học và robots hiện làm việc ở Hoa Kỳ.

"Show diễn này có tên là 'ÁI', vừa nhắc tới 'Artificial Intelligence' (trí tuệ nhân tạo), vừa chơi chữ, ÁI trong tiếng Việt là tình yêu, và âm Ai trong Hán văn cũng là tình yêu. Chúng tôi sống trong thế giới AI và rất yêu thích điều này."

https://baomai.blogspot.com/  
  
Cô Michelle Tran nói: "Ở OhmniLabs, chúng tôi in nó ra bằng máy in công nghệ 3D, chiếm 80% phần thân robot."

https://baomai.blogspot.com/  
  
"Chúng ta có thể dùng robot này để nói chuyện với bè bạn, gia đình. Chúng ta có thể cho nó di chuyển được, còn mình đi theo, tương tác với bạn bè, gia đình," cô Tran giải thích.

https://baomai.blogspot.com/ 
  
Chiếc robot của OhmniLabs được gắn pha lê khi tham dự sự kiện ở London.


***

Chàng trai Việt chế robot trên đất Mỹ
BM

Tiến sĩ VŨ DUY THỨC: “ Mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau về định nghĩa thành công và hạnh phúc. Cá nhân tôi cho rằng thành công là khi mang đến giá trị cho nhiều người thì sẽ ý nghĩa và bền vững hơn”

OhmniLabs là một sản phẩm của tiến sĩ người Việt trẻ nhất ĐH Stanford (Mỹ) Vũ Duy Thức hiện nhận được nhiều sự quan tâm, ưu ái đặc biệt trên hàng loạt kênh truyền thông uy tín như New York Times, CNBC...


https://baomai.blogspot.com/


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bút ký VÕ ĐẮC DANH: ĐẤT THỦ THIÊM



Kỳ II: CÚ LỪA NGOẠN MỤC
Tháng Năm năm 2018, trong những ngày Thủ Thiêm trào nước mắt với tiếng kêu thảm khóc của những người dân bị cướp nhà cướp đất dậy sóng trên mạng xã hội, bất chợt người ta thấy trên Facebook của chị Mai Xuân Phượng có một stt ngắn với những lời " Xin lỗi nhân dân, tôi ngàn lần xin lỗi nhân dân... với trách nhiệm là chủ tịch phường An Khánh, tôi đã thuyết phục bà con chấp hành giao đất, hy sinh lợi ích riêng tư rời xa nơi chôn nhau cắt rốn, nơi gắn bó từ thời thơ ấu đến tuổi xế chiều để nhường chỗ cho việc hình thành khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tôi ngàn lần xin lỗi bà con vì tôi đã tin tưởng tuyệt đối cấp trên sẽ đưa dân mình vào tái định cư tại chỗ theo quy hoạch để cuối cùng tôi cũng cùng chung số phận với bà con, ra đi rồi không có chỗ để quay về. Xin bà con hãy tha thứ cho tôi – Mai Xuân Phượng, nguyên phó bí thư, chủ tịch phường An Khánh". Và rồi chỉ trong phút chốc, những lời xin lỗi ấy bỗng biến mất đi.Image result for Mai Xuân Phượng thủ thiêm
Cảm giác có cái gì đó bí ẩn ở người phụ nữ nầy, chúng tôi tìm đến chị ở phường Thạnh Mỹ Lợi, cách Thủ Thiêm hơn mười cây số. Chị Phượng kể, gia đình chị ba đời sống ở Thủ Thiêm, tính ra đã hơn một trăm năm, từ khi nơi đây còn là vùng đất hoang vu. Cha chị, ông Mai Văn Năm đã từng làm phó chủ tịch xã An Khánh, mẹ chị, bà Nguyễn Thị Bông, từng là “Việt cộng năm vùng”, từng vào tù ra khám và đã qua đời. Chị Phượng đi Thanh niên xung phong từ năm 1976, tham gia tải đạn ở chiến trường biên giới Tây nam. Sau một trận sốt rét rừng bán sống bán chết, chị được giải ngũ, đi học văn hóa, chính trị rồi về An Khánh làm chủ tịch phường từ năm 1997 đến giữa năm 2004. 


Cũng trong những năm ấy, Thủ Thiêm được Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành khu đô thị mới. Nhìn vào bản đồ quy hoạch, người ta hình dung một Thủ Thiêm nguy nga, tráng lệ như Phố Đông của Thượng Hải, như Manhattan của New York, một trung tâm thương mại, tài chính, văn hóa mang tầm quốc tế, một khu đô thị sinh thái đậm chất Nam Bộ với những dòng sông, ao hồ, kinh rạch ngoằn ngoèo, những làng biệt thự, những tòa nhà chọc trời từ 32 đến 40 tầng soi bóng nước.

Nhưng theo chị Phượng, niềm vui lớn nhất của chị là 14 ngàn 600 hộ dân với 60 ngàn cư dân trong vùng dự án sẽ được tái định cư tại chỗ trên diện tích 160 héc ta theo quy hoạch. Nghĩa là họ sẽ thoát khỏi cảnh bùn lầy, ao tù nước đọng, nhà cửa nhếch nhác, âm u, muỗi mòng, rắn rết để tận hưởng đời sống của một khu đô thị Thủ Thiêm mang tầm quốc tế. Từng ngày, từng ngày đi tuyên truyền, vận động bà con trong phường giao đất, chị đã nói như thế. Và, bà con đã hăm hở giao đất cho nhà nước để ra đi về nơi tạm cư với một niềm tin như thế, một niềm tin đổi đời cho ngày trở lại với một Thủ Thiêm như một thiên đường.

Năm ấy, ông Mai Văn Năm, ba chị Phượng đã tám mươi hai tuổi. Chị Phượng còn nhớ như in, ngày dọn nhà ra đi, ba chị quảy cái túi trên vai, tay cầm cái bình thủy đứng trước sân, nhìn lại ngôi nhà, nhìn lại khu vườn mà rưng rưng nước mắt, ông nói hơn tám mươi năm ba đã gắn bó với nơi nầy, biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của một đời người… nhưng mà thôi . . . mình ra đi là để trở về với một Thủ Thiêm đàng hoàng hơn, văn minh hơn . . .
Nghĩ thế mà ông Năm vừa cười vừa lau nước mắt.

Nhưng sau đó không lâu, ông Năm lâm bệnh và qua đời ở nơi tạm cư. Chị Phượng nói . . . cũng may phước cho ba tôi là ông mang xuống mồ một viễn cảnh huy hoàng của Thủ Thiêm trong tương lai con cháu, cũng may phước là ông không phải chứng kiến cái cảnh ta thán nhân tình của Thủ Thiêm suốt gần hai chục năm qua khi mà sau đó hơn mười bốn ngàn hộ dân với hơn sáu vạn con người bị sa vào một cú lừa ngoạn mục, nghĩa là 160 héc ta đất tái định cư của dân bị cướp trên tay để biến thành đất kinh doanh của những đại gia bất động sản. Họ ra đi rồi không có đường quay lại như lời hứa ban đầu. Mỗi gia đình nhận một ít tiền hỗ trợ để mua đất tái định cư tận trên Cát Lái, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi và Nam Rạch Chiếc, cách xa nơi chôn nhau cắt rún của họ hơn mười cây số.

Dân Cát Lái, Bình Trưng, Thạnh Mỹ Lợi, Nam Rạch Chiếc lại bị người ta nhân danh “ thu hồi đất để tái định cư cho dự án Thủ Thiêm”, phải chịu lây mất đất. Nhưng lòng tham không dừng lại, dự án tái định cư cho Thủ Thiêm ở Nam Cát Rạch Chiếc, người dân ở đây bị thu hồi 90 héc ta, nhưng người ta lại bán cho tập đoàn Novalan 30 héc ta để xây làng biệt thự và tập đoàn Đất Xanh 30 héc ta để xây khu resort.

Chị Phượng vừa hỗ thẹn với bà con, vừa xót đau cho thân phận của mình bởi chính chị cũng nằm trong hàng vạn con người bị một cú lừa ngoạn mục.

Võ Đắc Danh

( Còn tiếp )
(FB Võ Đắc Danh)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bút Ký Võ Đắc Danh: Đất Thủ Thiêm


KỲ I: GIẤC NGỦ BA TRĂM NĂM
Tại sao Thủ Thiêm luôn luôn bị lãng quên ?
Tôi đã bỏ ra một thời gian khá lâu để sưu tầm tài liệu liên quan đến lịch sử vùng đất Thủ Thiêm, nhưng hầu như không tìm thấy tư liệu nào để có thể gọi là " bề dầy lịch sử " của vùng đất nầy ngoài một vài trận chiến thời kỳ nhà Nguyễn cùng với những cuộc di dân cũng từa tựa như những cuộc di dân trên vùng đất phương Nam. Song, điều đáng ngạc nhiên mà chưa thấy nhà nghiên cứu nào lý giải rằng vì sao chỉ cách trung tâm Sài Gòn có vài ba trăm mét bởi một con sông mà Sài Gòn - ngay từ khi chiếm được Nam kỳ, người Pháp đã muốn biến Sài Gòn thành Hòn Ngọc Viễn Đông để cạnh tranh với các nước thuộc địa của Anh trong khu vực.

Những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế ký 20, dọc theo bờ sông Sài Gòn, cùng với thương cảng Bến Nghé, Bạch Đằng, hàng loạt công trình nguy nga đã được mọc lên trên đường Catinat ( Đồng Khởi ), Kênh Lớn ( Nguyễn Huệ ), Kênh Xáng ( Hàm Nghi ) . . . rồi đến nhà thờ Đức Bà, nhà hát Lớn, chợ Bến Thành . . . Sài Gòn đã trở thành thủ phủ của Đông Dương. Nhưng bên kia sông, cách Sài Gòn chỉ vài ba trăm mét, Thủ Thiêm như một vùng đất bị lãng quên.

Hai mươi năm với hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa, Sài Gòn đã trở thành Hòn Ngọc Viễn Đông thì bên kia sông Sài Gòn, Thủ Thiêm vẫn như một vùng đất bị lãng quên.

Sau năm 75, gần một phần ba thế kỷ, Sài Gòn phát triển khá rầm rộ với những khu đô thị mới mọc lên ở ngoại thành, những tòa nhà cao tầng mọc lên ở ven sông Sài Gòn, nhưng phía bên khia sông, Thủ Thiêm vẫn như một vùng đất bị lãng quên.

Có thể nói, trong lịch sử ba trăm năm hình thành và phát triển Sài Gòn, Thủ Thiêm như bị chìm trong giấc ngủ ba trăm năm. Rồi bỗng một ngày, Thủ Thiêm thức dậy, vội vã khoác lên mình chiếc áo đô thị mới còn dở dang trong tiếng khóc than, rên rỉ xé lòng của người dân mất nhà mất đất . . . Và, chiếc áo ấy sẽ còn dở dang, nham nhỡ cho đến bao giờ ?

Tôi nhớ cách đây gần hai mươi năm, một cô bạn đồng nghiệp kể chuyện vừa đi chơi Thủ Thiêm mới về, tôi ngồi nghe mà cứ hình dung như cô đang kể về một vùng đất xa xôi nào đó ở miền tây nam bộ, rằng cô thuê một chiếc xuồng chèo đi len lỏi trong những con rạch hoang vu, mênh mông dừa nước, mắm, bần, cóc kèn, ô rô, cỏ lác, có cả những đám lúa ma, cô gặp nhưng người dân đi săn chuột đồng, cắm câu, giăng lưới, đặt lờ đặt lọp, làm ruộng, nấu rượu, nuôi heo. . . Rồi cô kết luận: Cách trung tâm Sài Gòn chỉ một dòng sông mà Thủ Thiêm giống như một miền cổ tích.

Nhà văn Sơn Nam được xem là Nhà Nam Bộ Học, nhưng trong cuốn sách Bến Nghé Xưa dầy 240 trang, ông chỉ dành cho Thủ Thiêm mấy dòng ngắn gọn: “ Bên kia sông, chợ Thủ Thiêm ở làng An Lợi ( thành lập chánh thức vào năm 1751 ), sau tách ra thêm làng An Lợi Đông, phía lưng giáp với Giồng Ông Tố chuyên ruộng nương và vườn tược, muốn qua Sài Gòn phải nhờ “con đò Thủ Thiêm”.

Có lẽ vì sự ngủ yên của Thủ Thiêm không có gì cần thiết để ông nghiên cứu chăng ? Nhưng tôi chú ý cụm từ “con đò Thủ Thiêm” mà nhà văn Sơn Nam dùng co chữ nghiêng và đặt trong ngoặc kép.

Ầu ơ . . . Bao giờ Chợ Quán hết vôi
Thủ Thiêm hết giặc em thôi đưa đò
Bắp non mà nướng lửa lò
Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.


Nói là nói vậy, nhưng “con đò Thủ Thiêm” vẫn tồn tại đến hơn ba mươi năm kể từ ngày “Thủ Thiêm hết giặc”.

Cụm từ “con đò Thủ Thiêm” như là một thuật ngữ, một hình ảnh, một dấu ấn văn hóa mang tính đặc trưng của một vùng đất. Chưa có tài liệu nào cho biết “ con đò Thủ Thiên” ra đời vào thời điểm nào, cũng có thể là vài trăm năm, trước khi có chợ Thủ Thiêm ( 1751 ), nghĩa là khi những cư dân đầu tiên trên vùng đất nầy có nhu cầu đi lại giữa hai bờ sông. Ngay cả cái bến đò Thủ Thiêm, người ta chỉ xác định được thời gian qua một dấu chấm trên tấm bảng đồ Environs de Saigon do chính quyền Nam kỳ vẽ vào năm 1911 để căn cứ vào đó như cái mốc lịch sử của bến đò.

Một tài liệu nghiên cứu tổng hợp về Thủ Thiêm cho biết, trước năm 1975, bến đò Cây Bàng có 127 chiếc đò, bến đò An Lợi Đông có hơn 60 chiếc, bao gồm đò dọc, đò ngang, đò chèo, đò máy. Chúng ta chưa có số liệu để so sánh rằng có bến sông nào trên đất nước nầy mà số lượng đò nhiều như Thủ Thiêm chăng ?

Lịch sử thăng trầm của một bến đò qua bao thế kỷ, bao nhiêu thế hệ đưa đò, bao nhiêu thế hệ khách sang sông, bao nhiêu đời người mỗi ngày qua lại, bao nhiêu xác con đò đã qua đời, vùi lấp dưới đáy sông . . . !

*

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tín với bút ký Đi Chơi Thủ Thiêm đăng trên báo Người Lao Động Cuối Tuần phát hành ngày 16 tháng 11 năm 2001, kể rằng, anh đến Thủ Thiêm lần nầy là lần thứ hai, lần thứ nhất vào đầu thập niên 80, lúc bấy giờ “ con đường Lương Định Của còn là con đường độc đạo chạy một mạch lên ngã ba Cát Lái, không còn đường nào cắt ngang, với đất đỏ và ngổn ngang ổ gà, xe đạp phải men theo lề đường. Hai bên đường trống trơn toàn đất bãi với bần, đế, cỏ lác . . .”. Đất Thủ Thiêm vào những năm nầy người ta sang nhượng cho nhau với đơn vị tính là công và mẩu, nhưng đến những năm cuối thế kỷ 20 bước qua đầu thế kỷ 21, khi dư luận râm ran về đại lộ Đông – Tây và đường hầm Thủ Thiêm thì đơn vị tính của đất chuyển từ công, từ mẩu sang mỗi mét vuông, và theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Trọng Tín thì lúc bấy giờ, tức thời điểm năm 2001, đất trên đường Lương Định Của đã lên đến ba triệu đồng một mét vuông.

Cách nay chưa lâu, khi câu chuyện về Đất Thủ Thiêm bùng nổ trên báo chí và mạng xã hội, đầy vẩy những hình ảnh với âm thanh gào khóc của những người dân mất đất, tôi đem câu chuyện về giấc ngủ ba trăm năm của Thủ Thiêm ra trao đổi với một người bạn, anh nầy vốn là cử nhân Phật học, một nhà phong thủy có uy tín, sau khi tốt nghiệp ở học viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam, anh không đi tu mà ra làm kinh doanh ngành in và nghiên cứu về phong thủy, anh ngồi trầm ngâm nghe tôi kể về giấc ngủ của Thủ Thiêm bên cạnh ba trăm năm hình thành và phát triển của Sài Gòn, anh kết luận một câu ngắn gọn: Vậy là đất Thủ Thiêm chắc chắn có vấn đề về phong thủy.

Thật tình, tôi không rành và cũng không quan tâm tới vấn đề phong thủy, chỉ luôn đặt câu hỏi trong đầu vì sao cách Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông chỉ một con sông 300 mét mà Thủ Thiêm vẫn chìm trong giấc ngủ ba trăm năm ? Câu hỏi ấy đã thúc bách tôi lao vào tra cứu, tìm kiếm những tài liệu liên quan đến Thủ Thiêm, nhưng cuối cùng, đến giờ nầy vẫn chưa tìm được câu trả lời thỏa đáng. Trong những ngày lang thang qua Thủ Thiêm, tiếp cận với những người dân kêu cứu vì mất đất, đầu óc tôi càng căng thẳng, cứ lảm nhảm như một thằng điên, gặp ai, ngồi với ai cũng kể chuyện Thủ Thiêm như nỗi oan ức của chính mình. Một hôm, thằng em tôi nói: Hồi xưa, ông Nguyễn Tấn Đời có một dự án về Thủ Thiêm nhưng không thành. Tôi hỏi tài liệu đó ở đâu ? Nó nói tôi quên rồi. Gần suốt một đêm, theo đường dẫn của Google, tôi đọc gần hết những câu chuyện về Nguyễn Tấn Đời nhưng không hề tìm thấy cái dự án của ông về Thủ Thiêm, buộc lòng sáng hôm sau tôi phải nhờ “500 anh em trên facebook”. Và như một cơ duyên, chị Mai Lan, cựu phóng viên báo SGGP nhắn tin bảo tôi qua nhà chị lấy cuốn Hồi Ký Nguyễn Tấn Đời.

Có lẽ trong chúng ta, không ít người biết về cuộc đời và sự nghiệp của tỷ phú Nguyễn Tấn Đời. Ông xuất thân từ một gia đình địa chủ ở Long Xuyên, nhưng khi được giao cho cai quản điền địa, ông đã đứng về phía tá điền để chống lại cha mình và bỏ nhà đi theo Việt Minh. Rồi vì một chuyện bất đồng với người chỉ huy, ông bỏ ngũ. Năm 1945, toàn bộ ruộng đất và tài sản của gia đình ông bị Cách mạng tịch thu, bản thân ông bị kết án tử hình vì tội đào ngũ. Ông bỏ trốn lên Sài Gòn với hai bàn tay trắng. Từ cuộc mưu sinh bằng công việc làm môi giới vật liệu xây dựng, ông trở thành chủ hãng gạch bông Đời Tân, vua cao ốc và trùm Ngân hàng Tín nghĩa. Nhưng rồi không hiểu vì sao, ông bị Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tổ chức ám sát hụt chết hai lần rồi bị bắt giam, tịch thu gia sản cùng với cả hệ thống Tín nghĩa Ngân hàng. Năm 1975, ông vượt biên sang Canada với hai bàn tay trắng. Ở đây, ông bắt đầu gầy dựng lại cơ nghiệp và lại thành công với chuỗi nhà hàng Kobe từ Canada sang Bắc Mỹ. Ông mất ngày 6 tháng 7 năm 1995 tại Orlando, bang Florida, Hoa Kỳ, thọ 73 tuổi. Cuốn hồi ký ông xuất bản cũng tại Florida vào năm 1988, dầy 310 trang, trong đó ông dành hơn 5 trang để kể tóm tắt về dự án Mỗi Người Dân Một Mái Nhà như sau:

“ Sau khi thành công trên đường sự nghiệp, một ngày đẹp trời nọ, tôi đứng trên cao ốc, tầng 12 của Président Hotel 727 đường Trần Hưng Đạo Saigon. Nhìn quanh tứ phía, tôi thấy nhà cửa dân nghèo ở Thủ đô được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông hay Saigon Hoa Lệ, người dân đang sống trong các chòi ọp ẹp, sình lầy, tối tăm, bẩn thỉu . . . Tôi chạnh lòng nhớ đến những tá điền quen thuộc xưa kia, họ mộc mạc, hiền lương, đầy tình người và thật thà, giản dị . . . Cũng tự nghĩ, dù tôi có làm giàu đến đâu đi nữa, chỉ được tiếng giàu có như “Thạch Sùng”, cũng chỉ ngày ba bữa ăn mà thôi, rồi khi chết, chỉ còn hai bàn tay trắng với một nấm mồ ở lòng đất lạnh.

Nay tôi đã giàu có rồi, dư ăn dư để, thử hỏi tại sao tôi phải tiếp tục làm giàu thêm để sống một nếp sống ích kỷ, không nghĩ đến kẻ bất hạnh nghèo khó, chân lấm tay bùn, họ chỉ vì an ninh mà bỏ nơi chôn nhau cắt rún, bỏ ruộng vườn, nhà cửa cũng vì chiến tranh, họ tìm nơi lánh nạn, nên đã chịu chui rúc như ổ chuột.

Vậy tôi phải làm gì, trước để giúp người dân, sau để lòng mình được an vui thanh thản, còn để lại tiếng tốt cho mai sau, hơn là cứ dấn thân vào tiền tiền, bạc bạc mãi.

Đắn đo suy nghĩ mãi, rôi cũng tìm ra được một chương trình “ Mỗi Người Dân Một Mái Nhà” mà không tốn tiền công quỹ quốc gia”

Theo Nguyễn Tấn Đời, chương trình “Mỗi Người Dân Một Mái Nhà” của ông được phác thảo với nhiều dự án trải dài từ các quận ngoại thành đến vùng ven đô thị của các tỉnh miền Nam. Giải pháp ông đưa ra là mua đất của dân theo giá cả hiện hành, quy hoạch thành các trung tâm thương mại và khu đô thị sang trọng, bao gồm những khu nhà song lập, biệt lập và nhà liên kế để kinh doanh, tạo ra nguồn quỹ để xây những khu nhà bình dân cấp không cho người nghèo.

Nguyễn Tấn Đời chọn Thủ Thiêm để thiết lập dự án đầu tiên cho chương trình Mỗi Người Dân Một Mái Nhà. Theo dự án nầy, ông sẽ mua 500 mẩu đất từ bến đò Thủ Thiêm lên Cát Lái. Ngay chỗ bến đò Thủ Thiêm, ông sẽ cho xáng múc con kinh chiều ngang 30 mét, sâu 25 mét, dài 500 mét ăn sâu vô đất liền. Ở đoạn cuối con kinh, ông cho làm cái hồ nhân tạo, ngang 500 mét, dài 1.000 mét, sâu 15 mét, dùng xáng thổi đất lên bốn phía bờ hồ để san lấp mặt bằng. Xung quanh bờ hồ và dọc theo hai bờ kinh, ông xây dựng thành khu thương mại, đồng thời, xây dựng những khu nhà biệt lập, song lập để kinh doang, tạo nguồn quỹ để xây dựng những khu nhà bình dân lân cận, cấp không cho người nghèo. Trong khu nhà bình dân sẽ có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, đường xá, điện nước, cây xanh, đầy đủ tiện nghi phục vụ cho đời sống. Theo ông, Thủ Thiêm sẽ là một Saigon mới, một Hongkong thứ hai, có bến phà lớn, có xe bus qua lại liên tục cho người dân đi về với Saigon, Chợ Lớn để mưu sinh, có bến tàu thương mại để vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh và ngược lại. Khu thương mại chung quanh bờ hồ và hai bên bờ kinh được ăn thông với sông Saigon để ghe thương hồ mang hàng hóa trực tiếp đến người tiêu thụ, giảm bớt trung gian. Hồ nhân tạo ngoài vai trò cảnh quan và giao thương còn là nơi sinh hoạt lễ hội với các hoạt động văn hóa tượng trưng cho miền sông nước. Trên các đường phố, mỗi lề đường sẽ được trồng mợt loài cây riêng biệt và giao cho từng gia đình chăm sóc, hàng năm tổ chức cuộc thi cây đẹp trong từng khu phố và cây đẹp trong toàn vùng để trao giải thưởng để khuyến khích người dân tham gia làm nên vẻ đẹp của thành phố.

Soạn thảo chương trình xong, Nguyễn Tấn Đời trình với phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ, được ông Thơ góp ý, chỉnh sửa rồi trình lên Tổng thống Ngô Đình Diệm, ông Diệm cho mời ông Đời vào dinh, tỏ ý hoan nghinh. Chỉ một tháng sau, chương trình Mỗi Người Dân Một Mái Nhà của Nguyễn Tấn Đời đã được ông Diệm phê duyệt trên nguyên tắc. Theo đó, ông Diệm quyết định xuất 500 triệu từ quỹ xổ số kiến thiết cho Nguyễn Tất Dời vay không lãi trong mười năm với điều kiện ông Đời phải đem toàn bột tài sản ra thế chấp cho Chính phủ, giao cho Nguyễn Tấn Đời được toàn quyền điều hành dự án dưới sự giám sát về kỹ thuật của Bộ Công Chánh và giám sát nguồn thu và nguồn chi của Bộ Tài Chánh.

Nhưng tiếc thay, dự án Thủ Thiêm chưa kịp triển khai thì Tổng thống Ngô Đình Diệm bị đảo chánh.

Từ năm 1965 đến năm 1972, chính phủ đệ nhị Cộng hòa cũng đã hai lần thuê các chuyên gia nước ngoài lập đồ án quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm nhưng không thành. Nhiều người cho rằng do hoàn cảnh chiến tranh. Nhưng theo bạn tôi thì đất Thủ Thiêm có vấn đề về phong thủy.

( Kỳ tới: NƯỚC MẮT THỦ THIÊM )


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Việt Nam, địa chỉ 'thay thế Trung Quốc' về kinh tế?


12/09/2018 Ralph Jennings - Việt Nam có thể thuyết phục giới kinh doanh tại diễn đàn rằng đất nước này là nơi lý tưởng cho hàng hóa trung gian như linh kiện điện tử, theo bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế cao nhất chuyên trách Châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng đầu tư Pháp Natixis. Bà nói thêm Việt Nam "có vị trí tốt" như một lựa chọn để thay thế Trung Quốc vì nước này giao thương với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. "Nếu họ chơi con bài đó, tôi nghĩ rằng họ có thể làm tốt. Điều này có nghĩa là có thêm nhiều FDI vào Việt Nam", bà nói.

Thủ tướng Việt Nam đón chào quan khách 
quốc tế đến với Diễn đàn Kinh tế Thế giới
Việt Nam đăng cai Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Hà Nội từ ngày 11-13/9 trong tuần này. Dự kiến khoảng 1.000 đại biểu sẽ tham dự sự kiện này với chương trình tập trung vào khu vực rộng lớn hơn quanh Việt Nam là Đông Nam Á.

Việt Nam nhắm đến đầu tư nước ngoài vào ngành chế tạo cho xuất khẩu để duy trì nền kinh tế tăng trưởng 6-7%. Nước này có thể sẽ gây ấn tượng với các đại biểu trong hội nghị năm nay về việc các nhà đầu tư có thể xuất hàng đến cả Trung Quốc cũng như Hoa Kỳ mà không bị hút vào cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ.

Sự kiện Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Việt Nam có sự tham gia của các nhà lãnh đạo Campuchia, Lào, Malaysia, Singapore và Sri Lanka, Indonesia, Philippines và Myanmar. Hội nghị thảo luận về dân số đang già đi, nền kinh tế Internet và nông nghiệp công nghệ cao.

Diễn đàn đã được 47 năm này ủng hộ hợp tác giữa khu vực tư nhân với chính phủ, và nhiều người coi đây là một tổ chức ủng hộ thương mại tự do ngày nay.

Vấn đề bên lề là vấn đề chính

Nhưng những gì diễn ra bên lề lại quan trọng đối với Việt Nam, các nhà phân tích tin như vậy. Các doanh nhân sẽ thấy cơ sở hạ tầng mới ở Việt Nam và có thể tìm hiểu về các ưu đãi của chính phủ dành cho các hãng chế tạo để xuất khẩu.

"Họ đang thực sự trải thảm đỏ cho tất cả mọi người ... và cố gắng đáp ứng", ông Frederick Burke, thành viên cao cấp tại công ty luật Baker McKenzie ở thành phố Hồ Chí Minh, nói.

Chi phí sản xuất ở Việt Nam thấp hơn so với Trung Quốc, một điểm có lợi để quảng bá về kinh tế Việt Nam trong 10 năm qua.

Việt Nam cũng có thể sử dụng diễn đàn này để thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do đa quốc gia, theo ông Carl Thayer, giáo sư danh dự chuyên ngành Đông Nam Á tại Đại học New South Wales, Australia.

Ví dụ, Việt Nam hy vọng hoàn tất Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương gồm 11 thành viên sau khi thành viên thứ 12, Hoa Kỳ, đã rút ra hồi năm ngoái.

Với bối cảnh có cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, Việt Nam sẽ có thể đánh giá các nhà lãnh đạo khác nghĩ gì, ông Thayer nói. Họ có thể lo lắng, cũng như Việt Nam, rằng tranh chấp thương mại sẽ làm rung chuyển ngành xuất khẩu thép và kìm hãm nền kinh tế kỹ thuật số, ông nói. Đầu năm nay, Mỹ đã công bố sẽ đánh thuế đối với thép của nhiều nước trên thế giới.

"Một phần của việc tổ chức các hội nghị như thế này được thiết kế để mọi người thấy Việt Nam là một công dân tốt quốc tế vững mạnh, đóng góp cho những điều tốt, và cũng vì lợi ích riêng của họ", ông Thayer nói.

Việt Nam thay thế Trung Quốc?

Tháng trước, Hoa Kỳ áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 16 tỷ đô la, tiếp sau việc áp cùng mức thuế đối với lượng sản phẩm trị giá 34 tỷ đô la trong tháng 7. Bắc Kinh lần lượt đáp trả bằng cách tăng thuế đối với lượng giá trị hàng nhập khẩu tương ứng của Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ đã tuyên bố sẽ tăng thuế hơn nữa.

Các nhà xuất khẩu chuyển hàng từ Việt Nam đến Hoa Kỳ sẽ tiết kiệm tiền so với các công ty khác ở Trung Quốc, không bị nhiều rủi ro đối với chuỗi cung ứng xuyên biên giới của họ, theo lời một chuyên viên của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại TP Hồ Chí Minh hồi đầu năm nay.

Các hãng xuất hàng từ Việt Nam sang Mỹ hiện bao gồm cả Intel và Samsung Electronics. Các công ty Trung Quốc muốn lập thêm nhiều nhà máy ở Việt Nam, đã gây ra các cuộc biểu tình hồi tháng 6 vì người Việt Nam lo ngại họ sẽ được tiếp cận quá nhiều với các đặc khu kinh tế.

Việt Nam tính toán rằng Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình vào năm ngoái, với lượng hàng hóa xuất sang Mỹ trị giá 46,5 tỷ đô la. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 12,5% trong tháng 8, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 30%. Đầu tư nước ngoài năm ngoái đã đóng góp cho lượng xuất khẩu trị giá 155,24 tỷ đô la.

Việt Nam có thể thuyết phục giới kinh doanh tại diễn đàn rằng đất nước này là nơi lý tưởng cho hàng hóa trung gian như linh kiện điện tử, theo bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế cao nhất chuyên trách Châu Á-Thái Bình Dương của ngân hàng đầu tư Pháp Natixis. Bà nói thêm Việt Nam "có vị trí tốt" như một lựa chọn để thay thế Trung Quốc vì nước này giao thương với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ.

"Nếu họ chơi con bài đó, tôi nghĩ rằng họ có thể làm tốt. Điều này có nghĩa là có thêm nhiều FDI vào Việt Nam", bà nói.

https://www.voatiengviet.com/a/dien-dan-kt-tg-giup-quang-ba-vn-la-dia-chi-thay-the-tq/4568376.html


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sách Công nghệ Giáo dục: Mấy lời gan ruột





Dạ Ngân
10-9-2018

Thời điểm 1978, năm mà Công nghệ giáo dục (CNGD) có mảnh đất thực nghiệm ở Giảng Võ, đất nước mình như thế nào? Thê thảm. Cả nước ăn bo bo, nỗi nhục mà dân miền Nam không quên là miền Tây Nam bộ mà cũng phải ăn bo bo. Cả nước bị dựng ngược với “thay trời đổi đất sắp xếp lại giang sơn”, với “trăm phần trăm phải hợp tác hóa tập đoàn hóa”, với “phát huy quyền làm chủ tập thể” ra rả trên loa phường loa xã và hệ thống truyền thông độc quyền. 


Rồi cuộc chiến ở hai đầu đất nước, phía Bắc và Tây Nam, cuộc chiến 10 năm trời, ngài TBT ngùn ngụt khát vọng thay trời đổi đất đã bộc lộ một sai lầm chết người (trong chuỗi sai lầm của ông và ê kíp) là ghi Trung Quốc – kẻ thù vĩnh viễn vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ơi trời, có là thù truyền kiếp đi nữa thì cũng không được ghi vào như vậy, bởi đây là Hiến pháp của nước VN, kế thừa Hiến pháp 1946 kia mà.

Nhắc lại tí chút để thấy, không có chống lưng của TBT Lê Duẩn và cố vấn Trưởng Ban tổ chức Lê Đức Thọ thì có nằm mơ mà Công nghệ với thực nghiệm nhé. Chúng tôi hay đi lại với tiến sĩ Hồ Ngọc Đại từ không khí đổi mới sau khi CNGD vượt phạm vi thực nghiệm. Do anh Thân và anh Phạm Toàn là nhóm chí cốt với nhau hồi ở Hải Phòng mà anh Toàn giúp anh Đại rất nhiều ở thực nghiệm.

Nhiều lần chúng tôi hỏi vui “Ơi phò mã, học vị ấy, tư chất ấy, trình độ ấy sao không làm bộ trưởng bộ giáo dục cho dân nhờ?” (vì trong tình cảm của chúng tôi, chỉ có mấy vị không thể ai hơn: Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên), lứa anh Đại anh Toàn, chúng tôi ngưỡng mộ Hoàng Tụy và Phan Đình Diệu, riêng Kiến Giang thì không dám nghĩ đến vì anh ấy là nhân vật sốc với Đảng).

Hỏi cho vui chứ biết thừa, ông Duẩn cũng không để con rể mình làm chi cho chướng, bản thân anh Đại cũng thấy chướng và dĩ nhiên, dư luận sẽ thấy cực kỳ chướng. Anh Đại còn hay hỏi han chia sẻ với văn nghệ sĩ, trong văn giới tôi thấy anh quý thực lòng Dương Thu Hương, Nguyên Ngọc, Bùi Ngọc Tấn… (Khều chi tiết trên đây vào để nói, bảo anh Đại là phò mã mà không thèm chức bộ trưởng là không đúng, kiểu bênh ấy rất Việt Nam, rất châu Á, rất phương đông, kiếm mà dễ à, bố vợ thấy chướng mà được à? Và tội gì làm bộ trưởng chi cho vừa mang tiếng, vừa cực cái thân). Và bản thân anh Đại dễ gần, hay hay.

Nhân thân mình do mình chọn, sự phức tạp này liên quan tới vòng xoáy phán xét của lịch sử cũng không có gì lạ, kiểu lớn thuyền thì lớn sóng. Vì sao CNGD ra đời? Khát vọng cá nhân của người học tâm lý trẻ ở nước Nga Xô viết (nếu không chính xác, xin được thứ lỗi), cộng với bật đèn xanh của hai lãnh tụ họ Lê và bộ trưởng lúc đó, rằng phải thống nhất, phải có cái gì đó thống nhất cho cả hai miền, nền tảng cách mạng này bắt đầu từ lớp Một. Chủ trương thống nhất không sai nhưng như mọi thứ ngày càng hay bị phán xét là do bất cập từ hoặc duy ý chí, hoặc coi nhẹ đối tượng “được giải phóng”.

Hà Nội không tham chiếu những thành quả của miền Nam mà giáo dục là một đơn cử. Xóa hết vì con đường xã hội chủ nghĩa, xóa hết mô hình kinh tế, sách vở, nghệ thuật, giáo khoa, hệ thống tư thục từ cấp tiểu học đến đại học… để làm mới rập khuôn kiểu Bắc. Môt sự tổn thương tinh thần và tổn thương vật chất mà chừng như không nhiều người cảm nhận được hết, như những người trong cuộc. Nói tóm lại, hậu chiến bời bời, tan hoang, lòng người ly tán, có kết thúc chiến tranh nhưng chưa có hòa bình, vì hòa bình trong lòng người mới là mục đích tối thượng.

Người dân nào hay biết cái CNGD sau 2006, tức gần 30 năm thí điểm, đã nhân rộng ra bắt đầu ở Lào Cai, với học sinh dân tộc thiểu số. Bộ trưởng ưa cái gì mà chẳng suôn sẻ, nhất là chuyện bán sách và chia. Bây giờ, nhờ thông tin như vũ bão của Internet và mạng xã hội mà dân mới biết cách dạy lạ của CNGD. Dưới thời Bộ trưởng Nhạ, CNGD vừa được thẩm định 2 vòng và chính thức có 50% học sinh lớp 1 học kiểu nhìn các ô mà đọc thơ lục bát!

Vì sao có bão mạng? Sao bão mạng với BOT, bão mạng với Luật Đặc khu thì đồng thuận mà bão mạng về CNGD thì chia tuyến, trong đó trí thức, văn nghệ sĩ hai bên đều phừng phừng nổi nóng? Nguyên do khá nhiều, có những nguyên do nhạy cảm, tế nhị.

Nhưng xin đừng mạt sát dân đen, hàng chục triệu gia đình có con liên quan đến cách học lạ, hàng triệu dân thường có smartphone và fb, họ phản ứng tức thì, đồng loạt không phải từ những clip tình cờ hay bị ai xỏ mũi mà họ là những người ấm ức, thậm chí đã phẫn nộ triền miên với giáo dục mấy chục năm qua. Hàng triệu gia đình ấy không có tiền để cho con du học, tức là né nền giáo dục trầm ê này, tức là người ta không có điều kiện để tỵ nạn giáo dục!

Đã mấy lần cải cách kiểu chuột bạch, Nxb Giáo dục đã mang tiếng là Nxb ăn đủ, lần này, phát hiện về CNGD là giọt nước tràn ly. Tiếng Việt vẫn ổn, học đánh vần ráp chữ vài tháng xong, còn chính tả ư, hãy thay đổi cách học bằng thầy cô đọc và trò viết như cũ đi, vui và hiệu quả chứ, và bắt học sinh đọc nhiều sách đi, còn tái mù ư, phổ cập tiểu học mà trẻ tái mù thì nhất định không phải do hồi lớp Một chúng không học CNGD!

Những bài học không chuẩn của giáo khoa CNGD khiến người dân phát khùng thêm. Đọc thơ nhìn ô mới là học vẹt. Nhưng sao không là câu này, đại loại “Bầu ơi thương lấy bì cùng/Tuy là khác giống nhưng chung một giàn”. Vì sao phải là hai câu về Bác Hồ mà thực sự, như chúng ta từng than thở với nhau, đó là hai câu vè. Bác Hồ là danh xưng, là thương hiệu chứ tên bác là Hồ Chí Minh kia mà.

Thưa các anh, riêng hai câu này các anh biết không hay mà vẫn đưa vào sách, vậy thì hoặc các anh bộc lộ cái không chuẩn (nên mới có nhiều bài khác ít sức thuyết phục), và các anh làm cho giáo khoa thư của nền giáo dục VNCH có cơ sống lại với những lời được tôn vinh.

Từng giọt nước, dân thấy họ luôn bị hết vố này và vố khác, mất rừng, mất biển đảo, mất nhà mất đất, mất mạng do môi trường (ung thư cao nhất thế giới), và trên hết, hàng chục triệu gia đình đã ngậm đắng nuốt cay vì nạn thay sách giao khoa và cải cách liên miên của của các vị. Đang có 5 đầu mối làm sách giáo khoa mà Nxb độc quyền giấy phép vẫn chưa biết thương dân, vẫn ăn đủ. Dân phẩn uất vì người ta ngửi thấy cái mùi “làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”.

Là sản phẩm gọi trắng là hàng hóa, (tư nhân hóa thì SGK cũng sẽ là hàng hóa), hãy nên chấp nhận sự phán xét. Riêng tôi, tiếng Việt và người Việt cho dù i tờ trước hay a bờ cờ trước, hay e bờ be trước, khá ổn. Không việc gì bỏ cả đời ra làm phức tạp một chuyện đơn giản là chỉ cần một kỳ đánh vần và ráp vần là có thể đọc vanh vách thơ Quê Hương của Đỗ Trung Quân (sách Tiếng Việt truyền thống tôi vừa mua). Vì vậy, khi đã bị soi, đừng nóng, như chúng tôi, viết tiểu thuyết là phải bị khen và chê tơi bời, có người viết bài mạt sát hẳn hoi vốn là bạn thiết của mình.

Dĩ nhiên sách cho lớp 1 và giáo khoa thư quan trọng hơn tiểu thuyết của chúng tôi, quan trọng nhất ấy. Như đã nói, lớp 1 là thời trăng mật của đứa trẻ với học đường, lật đổ phương pháp truyền thống để cha mẹ chúng ra rìa (không giúp được), để mà chi? Những bài học trong SGK lớp 1 nhất định phải chuẩn, tuyệt đối, trong và tinh.

Bỗng thèm những kích cỡ như Hoàng Xuân Hãn, Trần Trọng Kim và bỗng nhớ GS TS Phan Đình Diệu dù như là lạc đề. Ông, PĐD ấy đã nói thẳng nhiều lần khi ông đương chức, rằng cần thay đổi thể chế chứ đừng cải đổi lòng vòng, nhưng ông vẫn kiên nhẫn lặng thầm đặt nền móng ngành Tin học cho đất nước VN. Và khi đã thấy không hợp tác với người đương quyền được nữa, ông “đi chỗ khác chơi”.

Giáo dục cần tư tưởng tổng thể trong triết lý. Sao cho không chỉ lớp 1 vui học mà sinh viên cũng vui học vì chúng không bị đại cương nắm đầu mãi với một thứ triết học hàng nửa thế kỷ qua vẫn thế? Nước Mỹ trên hết, Putin cũng bảo nước Nga trên hết, ông Tập của Trung Hoa cũng bảo nước Tàu trên hết. VN nhỏ xíu, người Việt thì quốc gia, đất đai, tổ quốc này đâu có là trên hết. Cái gì đang trên hết ở đây, dân dù có đen và có ngu, họ cũng thừa biết, lâu rồi.

Vì sao stt này dài thấy ghê? Vì tôi đứng về phe nước mắt.

Stt dài, một lần, và sẽ chấp nhận ném đá, mời các bạn. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang