Dương Tự Lập:
Đã lâu lắm rồi, ở đâu đấy tôi đọc được mấy bài viết lẻ tẻ của người mang tên Lý Chánh Trung. Thấy ông dám nói những ý nghĩ là lạ, ít ai có như giọng của ông: “Tháng 9/1969 Chủ tịch Hồ Chí Minh mất, ông viết trên một tạp chí rằng ông không tiếc mà cũng không trách cụ Hồ đã lựa chọn con đường Cộng sản dù rất khâm phục cụ Hồ tuyệt đối trung thành với sự lựa chọn của mình. Ông không đi theo con đường của cụ nhưng ông có thể noi gương cụ để đi tận cùng con đường của ông. Con đường mà ông đã lựa trọn trước lương tâm...”
Tìm hiểu thì thấy lạ hơn rằng, ông từng làm việc dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa, Sài Gòn cũ mà sau đó còn được vời ra hợp tác làm việc cho chế độ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Con người này phải có cái gì đó dị biệt chứ đời nào tươi đẹp sáng suốt như Đảng Cộng sản Việt Nam còn đi "xài" cái thứ độc hại của “chế độ thối tha ngụy quân ngụy quyền” để rớt lại.
Sau ngày 30/4/1975 hàng trăm kẻ tài danh máu mặt của chính quyền Sài gòn cũ được Cộng sản Bắc Việt triệu tập đưa đi các trại cải tạo "tư tưởng" nằm rải rác từ Nam đến Bắc. Nhiều người không có án, đi mãi thôi về luôn. Hoặc có trở về thì cũng thân tàn ma dại. Vậy Lý Chánh Trung là ai mà không bị đi "nạo" tư tưởng? Tôi vẫn cứ tự hỏi, tự thắc mắc và rồi biết ông, một chính khách, nhân sĩ yêu nước người Nam, từng là Giám đốc nha Trung học công lập của chế độ cũ. Từng là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Từng là Đại biểu Quốc hội... Khi dạ dày tôi bị lép (thất nghiệp) thì cái tên Lý Chánh Trung cũng lép theo, teo dần, teo dần rồi mờ nhạt trong tôi.
***
Người nhân viên mặc áo của hãng Amazon bấm chuông đứng trước cửa nhà. Tôi ký nhận gói quà gửi từ Mỹ, cảm ơn. Anh chào lại rồi nhanh nhẹn nhẩy lên xe ô tô đưa hàng đi tiếp.
Xé bưu phẩm thấy có mỗi cuốn sách "Đến Già Mới Chợt Tỉnh" của Tống Văn Công. Liệng cuốn sách vào góc bàn tôi không muốn đọc. Gọi điện cảm ơn người gửi. Bần thần một hồi, đã 26 năm rồi nhanh quá. Chiều Sài Gòn lúc đó chắc không đông đúc nghẹt thở như ngày hôm nay. Chia tay chị Vũ Kim Hạnh, Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ và Tống Văn Công, Tổng biên tập báo Lao Động trước cổng tòa báo Tuổi Trẻ tôi đi...
Càng sau này tôi càng để ý nhiều bài viết rất sắc của Tống Văn Công. Năm 2014, đùng một cái chú viết đơn tự nhận mình có lỗi, xin chào từ biệt Đảng Cộng sản Việt Nam bay qua Mỹ quốc định cư. Năm 2016, đùng một cái chú cho xuất bản: "Đến Già Mới Chợt Tỉnh". Rồi đùng một cái, tôi nhận ra chân tướng chú Tống.
***
Có chuông đổ, rút điện thoại, ai đấy? Em Bảo Anh đây mà, em đang đi nghỉ ở Croatien. Biển nơi đây sạch đẹp lắm, không khí thoáng đãng tuyệt vời. Anh đã đọc xong cuốn sách của Tống Văn Công chưa? Anh là chúa hay thành kiến lắm, ghét ai thì như muốn xúc cứt đổ mặt kẻ đó. Em biết anh ghét ông ấy, dẫu sao cũng cùng cơ quan với cha anh. Trăm trang không ưa thế nào cũng có một trang anh thích. Không đọc thì gửi trả lại em, em không tặng anh nữa, kèm theo tiếng hôn gió và giọng cười thích thú. Nghe Bảo Anh rồi tôi ngồi đọc, rồi đến một trang, rồi để mình suy ngẫm... (trích trang 353) dưới đây:
"Ông đã không ngờ, quyển sách này bị coi là vượt xa ranh giới ‘Đổi mới’, một quyển sách chống Đảng, giọt nước tràn ly. Giáo sư không được Mặt trận Tổ quốc đề cử vào danh sách Quốc hội khóa kế tiếp. Tệ hại hơn, đây đó râm ran rằng, lợi dụng tình hình Liên Xô và các nước Xã hội Chủ nghĩa Đông âu sụp đổ, một số phần tử thuộc lực lượng thứ 3 đang âm mưu diễn biến hòa bình, cụ thể là giáo sư Lý Chánh Trung tạo diễn đàn cho nhà văn phản động Dương Thu Hương chửi Đảng, rồi dùng diễn đàn Quốc hội đòi cho ra báo tư nhân.
Tại Trường cán bộ cao cấp quân đội, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Lê Đức Anh đến nói toẹt câu chuyện trên nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác cho các sĩ quan. Ông bộ trưởng đang hùng hồn thì bất ngờ sĩ quan trẻ đập bàn hét lớn: "Nói láo!" rồi đứng lên rời khỏi hội trường. Lập tức cảnh vệ đuổi theo đưa anh gặp đại tá phó Hiệu trưởng. Đó là đại úy Lý Tiến Dũng, quân nhân có quân hàm thấp nhất cuộc họp, vừa mới từ chiến trường chống bọn Pol Pot trở về.
Trả lời ông đại tá, Lý Tiến Dũng nói: "Nếu ban nãy ngồi đối diện với ông ấy, tôi đã cho một cái tát! Bởi vì tôi không thể ngồi nghe kẻ nào chửi cha mình". Sau đó, anh cởi áo lính, đi tập viết báo. Hơn 10 năm sau, anh trở thành một cây bút chính luận sắc bén, rồi trở thành Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết và nổi tiếng vì dám quyết định đăng thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp yêu cầu không phá bỏ Hội trường Ba Đình, sau khi đã có lệnh cấm của Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng (có 9 tờ báo không dám đăng lá thư này), Anh bị bãi chức Tổng biên tập bởi đi không đúng "lề phải" của ông Lê Doãn Hợp, lại còn viết bài xài xể phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Hồng Vinh là người thiếu năng lực".
Thì ra nhà báo dũng cảm Lý Tiến Dũng là con trai nhân sĩ yêu nước Lý Chánh Trung của chế độ ngụy quân ngụy quyền Sài Gòn cũ. Thì ra không phải cứ vỗ ngực xưng danh ta đây để ăn nói hàm hồ như gã cai đội thời Tây, ăn nói thô thiển như kẻ bẻ ghi chắn tầu, ăn nói lỗ mãng của loại thất học vũ phu, ăn nói bặm trợn giống bọn chém thuê đâm mướn ngoài xã hội đen thường thấy, ăn nói lố bịch nhố nhăng kiểu đó, cho dù là đại tướng, chủ tịch nước hay cao hơn thế, không chỉ bị ăn tát mà còn có ngày rơi răng vỡ hàm như bỡn.
Cha con nhà nhân sĩ Lý Chánh Trung dẫu đã mất nhưng lòng quả cảm của họ vẫn sáng mãi ở trong đời.
Munich - Germany
Phần nhận xét hiển thị trên trang