Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

Cáo ( hồ ) già lên tiếng:

Năm học mới, nghe ùng oàng câu chuyện "đổi mới giáo dục" Hồ Ngọc Đại

Đầu tiên là xem một video trực tiếp.

Đúng lời cụ Hồ Ngọc Đại nói.




Sau đó là tư liệu cập nhật, và lời bình của thiên hạ.




























---

(đang cập nhật)



1.


Thầy Hồ Ngọc Đại bàn về chương trình mới: cơ bản là để chia tiền

HỒNG THỦY
(GDVN) - Đã đến lúc Bộ Giáo dục cần chính thức làm rõ phát biểu của thầy Hồ Ngọc Đại về việc Bộ trưởng, Thứ trưởng giúp ông "lách luật", chương trình mới chỉ làm tiền.

Trước những ồn ào của dư luận về cách đánh vần theo Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, ngày 28/8 Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã lên tiếng chia sẻ với kênh VTC14 về vấn đề này. 
Nội dung thầy Hồ Ngọc Đại nói về cách đánh vần theo Công nghệ giáo dục và sự khác biệt với cách đánh vần tiếng Việt lâu nay khá dài, thời lượng phát sóng hơn 2 phút không lột tả hết;
Chính vì vậy nên nhà báo của VTC14 đã tải toàn bộ video phỏng vấn lên tài khoản mạng xã hội Facebook của mình. Đoạn video này đã và đang được người xem chia sẻ rộng rãi. 
Ảnh chụp màn hình đoạn video nhà báo kênh VTC14 phỏng vấn Giáo sư Hồ Ngọc Đại ngày 28/8/2018 đang được chia sẻ mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn này, thầy Hồ Ngọc Đại đã có những giải thích khá dễ hiểu về cách đánh vần theo Công nghệ giáo dục, cũng như sự khác biệt với cách đánh vần truyền thống.
Bên cạnh đó, điều khiến chúng tôi còn đặc biệt quan tâm là những đánh giá và bình luận của thầy về chương trình sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Tiêu chuẩn cơ bản của nó là chia tiền"
Chúng tôi xin được ghi lại những trao đổi giữa nhà báo của VTC14 với Giáo sư Hồ Ngọc Đại trong đoạn cuối của video phỏng vấn thầy Đại, về chương trình sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo để hầu bạn đọc:
Phóng viên: "Từ năm 2019-2020, tức năm học sau đấy, sách giáo khoa mới của chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ đưa vào..."
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Không hơn gì cái cũ đâu. Nó chỉ chia nhau tiền, để nó làm tiền, không hơn gì hết. Bản chất nó vẫn thế.
Phóng viên: "Mà lúc đó lại có nhiều bộ sách giáo khoa cho học sinh, cho giáo viên, cho phụ huynh lựa chọn thì nó sẽ rối rắm như thế nào ạ?"
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: "Cái này rối rắm, việc vớ vẩn thôi. Tức là tiêu chuẩn cơ bản của nó là chia tiền, thế thôi. Cô có biết cái số tiền nó bỏ ra bao nhiêu không? Cô tưởng tượng 1 con số 7 và 13 con số 0." [1]
"1 con số 7 và 13 con số 0", theo cá nhân người viết, dường như thầy Hồ Ngọc Đại muốn nhắc đến đề án Đổi mới Chương trình - sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015.
Đề án này dư luận gọi vắn tắt là "đề án 70 nghìn tỷ", được Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra năm 2011 với vài chục trang giấy và khái toán 70 nghìn tỷ đồng từng làm rúng động xã hội một thời.
Đáng chú ý, đề án này được xây dựng dưới thời Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, bắt đầu từ ngay khi vừa triển khai xong cuốn sách giáo khoa cuối cùng của lớp 12, Chương trình 2000
Thầy Hồ Ngọc Đại phê phán đội ngũ làm Chương trình 2000, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đồng tình hưởng ứng
Trong chương trình Đối thoại chính sách vào khoảng thời gian vừa bắt đầu năm học mới 2011-2012 giữa nhà báo Quang Minh của VTV với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, Giáo sư Hồ Ngọc Đại, đề án 70 nghìn tỷ đồng đã được nhắc đến.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và nhà báo Quang Minh trong một chương trình Đối thoại và chính sách năm 2011, ảnh chụp màn hình.
Thầy Hồ Ngọc Đại khi đó bình luận:
"Khẩu hiệu tôi đưa ra năm 1978 là: "Đi học là hạnh phúc", "mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui".
Sau 2015 Bộ lại có một đợt cải tổ chương trình sách giáo khoa. Vấn đề cải cách sách giáo khoa là buộc phải làm thôi. Vấn đề là ai làm?
Tôi thì tôi không tin cái bộ phận hiện nay làm có thể thành công được.
Những người mà từng làm dự án ấy, họ mà tiếp tục làm thì không thể thành công được. Vì mỗi một người cái trình độ tư duy chỉ có thế thôi.
Một cái tổ chức, trình độ tư duy của nó chỉ có thế thôi.
Anh không thể khác được. Không thể ra tư duy mới được. Nhất là những người đã định hình rồi.
Nghe danh hiệu thì ghê gớm lắm, nhưng mà không biết gì đâu. Giáo sư gì, Phó giáo sư gì, Tiến sĩ, Phó tiến sĩ. Tư duy cũ lắm.
Với cái lớp ấy mà nó hạn chế thì đất nước này nguy hiểm lắm. Cho nên tôi tin rằng Bộ trưởng mới sẽ có cách xử lý mới. Tôi tin là như thế.
Bởi vì không thể dựa vào cái lực lượng như thế được." 
Khi đó Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đáp lời thầy Hồ Ngọc Đại rằng:
"Điều ấy là khẳng định rồi. 
Hiện nay như tôi nói ban đầu là cái đề án này, cái phần hồn của việc đổi mới chưa có. Ở đây nó mới chỉ là cái khung thời gian triển khai những cái loại công việc.
Ví dụ đến ngày này hội đồng phải họp, nhưng họp bàn cái gì, quyết định cái điều gì, ai ngồi dự họp ở đấy thì chưa có. Mà quan trọng cái khó nó ở cái phần hồn ấy."[2]

Những quy luật bất thường qua 3 lần thay sách giáo khoa

Không biết hậu trường cuộc đối thoại chính sách này, thầy Hồ Ngọc Đại có góp ý gì cho Giáo sư Phạm Vũ Luận về "nguy cơ chia tiền" của đề án "1 con số 7 và 13 con số 0" khi chỉ có mấy dòng về khung thời gian, hay không;
Còn trên chương trình phát sóng chính thức của VTV không thấy thầy Đại nhắc đến 70 nghìn tỷ đồng.
Chúng tôi cũng chưa tìm thấy bất kỳ ý kiến nào thầy Đại công khai trên truyền thông, tham mưu cho Giáo sư Phạm Vũ Luận và Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển về "nguy cơ chia tiền" trong đề án rất sơ sài mà 2 ông chịu trách nhiệm chính.
Ngợi ca Bộ trưởng, Thứ trưởng biết "lách luật"
Khoảng gần 1 năm sau đó, ngày 21/5/2012 tham dự bàn tròn trực tuyến "Những vấn đề giáo dục sau sự kiện đạp đổ cổng trường" do Báo VietnamNet tổ chức, thầy Hồ Ngọc Đại ca ngợi Giáo sư Phạm Vũ Luận và Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển:
"Năm vừa rồi, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ra quyết định chính thức đưa phương án của công nghệ giáo dục về địa phương. Nhưng vì Quốc hội ra Nghị quyết số 40 chỉ có một bộ sách toàn quốc nên buộc phải dùng từ “thí điểm”. 
Nhưng mà “thí điểm” hiện nay có 16 tỉnh và có 50.000 học sinh… Chỉ cần nếu làm thí điểm thì chỉ cần 1.000 là đáng tin cậy.
Giải pháp đưa ra là giải pháp, khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận chỉ đạo thì xuống chủ tịch ủy ban nhân dân quận ra quyết định, ủy ban nhân dân huyện ra quyết định nên làm việc ngon hẳn. Rất ngon!
Tôi chưa bao giờ làm việc thuận lợi như năm vừa rồi. Trước đây làm gì thì chỉ làm với anh Hiển thôi, anh Thành thôi. Anh Hiển là Thứ trưởng, anh Thành là Vụ trưởng, các anh ấy cho phép làm, cùng hỗ trợ.
Trong 3-4 năm nay, khi chỉ có thứ trưởng và vụ trưởng làm, nói chung cũng vất vả, phải thuyết phục. Nhưng khi Bộ trưởng có quyết định thì tình hình khác hẳn. 
Tôi thấy khi thực sự chính quyền vào cuộc thì tình hình rất dễ. Mà cũng may, hai anh là anh Hiển và anh Luận phụ trách là hai người thực bụng muốn làm giáo dục, không sợ, không ngại thủ tục và chấp nhận danh từ “thí điểm” để lách luật. 
Khi Bộ trưởng Phạm Vũ Luận dám ra quyết định chính thức bằng văn bản, tôi thấy tình hình khác rồi.
Nhân chuyện ấy tôi nói, chúng ta không nên nhận, kể cả anh Tiến, anh Thành, anh Luận… không phải là tác giả của “chương trình 2000”. Chương trình này đã triển khai đã mười mấy năm nay. 
Những người đó là một bộ phận hoàn toàn khác. Còn các anh là những người chịu một việc đã rồi.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại và Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, ảnh: Báo VietnamNet.
Vấn đề này, phải bàn lại công việc trước đó nữa, cần nói đến nguồn gốc sâu xa nữa. Vụ Tiểu học thực bụng muốn làm. Anh Hiển, anh Luận thực bụng muốn làm. 
Nhưng cả một hệ thống từ xưa đến nay… Chuyện này, chuyện khác là hậu quả của "Chương trình năm 2000".
Nên nếu nền giáo dục hiện này có vấn đề gì, cần truy cứu thì phải truy cứu bộ máy làm Chương trình năm 2000, tốn hàng ngàn tỉ nhưng không ra gì." [3]
Bộ Giáo dục và Đào tạo cứ im lặng mãi, dân biết tin vào đâu?
Chúng tôi không thấy thầy Hồ Ngọc Đại nhắc gì đến tác giả của đề án "một con số 7 và 13 con số 0" trong bình luận mới nhất ngày 28/8/2018 với VTC14.
Cho đến nay, chúng tôi mới ghi nhận được sự ca ngợi thày Đại đã dành cho Giáo sư Phạm Vũ Luận, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển là hai người "thực bụng muốn làm giáo dục, không sợ, không ngại thủ tục và chấp nhận danh từ "thí điểm" để lách luật.
Chúng tôi càng bất ngờ hơn khi Giáo sư Phạm Vũ Luận lúc còn đương chức Bộ trưởng cũng như toàn bộ ban lãnh đạo, đội ngũ tham mưu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã im lặng.
Cá nhân Bộ trưởng Luận cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không có bất kỳ ý kiến nào về phát biểu của thầy Hồ Ngọc Đại trên Báo Nhân Dân, Báo VietnamNet rằng thầy Luận, thầy Hiển giúp thầy Đại lách luật.

Vụ Tiểu học có phải sân sau của Giáo sư Đại, ai cứu học sinh thoát thí điểm?

Trong khi thông tin này thực sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Bộ trưởng, Thứ trưởng lẫn Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nếu Bộ trưởng, Thứ trưởng Giáo dục mà còn "lách luật" thì làm sao dạy học sinh sống, làm việc theo Hiến pháp và Pháp luật?
Thượng bất chính, hạ tắc loạn, đó là lời dạy thống thiết của cha ông.
Câu chuyện hấp dẫn về việc Giáo sư Phạm Vũ Luận bỏ 50 triệu đồng tiền túi thuê luật sư tư vấn cho mình chuyện "lách luật" được thầy Đại kể trên Báo Nhân Dân;
Việc Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giấu gia đình vợ con và cơ quan đi Lào Cai để thực mục sở thị việc dạy và học Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục rồi về mới nhân rộng, được thầy Hồ Ngọc Đại kể trên truyền hình Thông tấn xã Việt Nam. [4]
Đây là những bình luận công khai trên truyền thông chính thống, không phải những câu chuyện trà dư tửu hậu;
Ấy thế mà thầy Luận, thầy Hiển và cả Bộ Giáo dục và Đào tạo đều không có ý kiến gì về một việc nghiêm trọng như thế, đúng là kỳ lạ.
Nay thầy Hồ Ngọc Đại nói chương trình sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai chỉ là "làm tiền", "tiêu chuẩn cơ bản của nó là chia tiền, thế thôi", vậy thì dư luận có quyền đặt câu hỏi:
Chương trình sách giáo khoa mới có chuyện chia tiền như thầy Hồ Ngọc Đại nói không? Nếu có thì ai chia, chia cho ai, chia bao nhiêu, chia như thế nào?
Dù đi vay, đó vẫn là tiền ngân sách và sẽ phải trả bằng tiền thuế của Dân, nên Dân có quyền được biết việc ấy.

Bộ Giáo dục nên dừng o bế Giáo sư Đại, chấm dứt lấy ngân sách làm sách giáo khoa

Nếu cho rằng đây chỉ là quan điểm cá nhân của Giáo sư Hồ Ngọc Đại nên Bộ Giáo dục và Đào tạo không bình luận, thì bộ sách công nghệ giáo dục của thầy Đại tới đây ai sẽ thẩm định, để thành sách giáo khoa của chương trình mới?
Điều quan trọng là Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục đang được dạy cho hơn 800 ngàn học sinh trên cả nước, thì dư luận không thể xem nhẹ những đánh giá của Giáo sư Hồ Ngọc Đại về chương trình sách giáo khoa của Bộ, như là chuyện cá nhân.
Tất nhiên, Giáo sư Phạm Vũ Luận đã về trường dạy học, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển cũng đã vui cảnh điền viên thì 2 tác giả của đề án "1 con số 7 và 13 con số 0" có lẽ khó có thể nằm trong danh sách, nếu có.
Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có quan điểm chính thức về vấn đề thầy Hồ Ngọc Đại đã nêu, gồm 2 chuyện "lách luật" triển khai đại trà Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, và bình luận "tiêu chuẩn cơ bản của nó là chia tiền", để dư luận đỡ hoang mang.
Nguồn:
[1]https://www.facebook.com/tuyetnhung.nguyen.31/videos/10204925435972047/UzpfSTgyNjU4NjM4OToxMDE1NjUyMDg1NTUxNjM5MA/
[2]https://www.youtube.com/watch?v=5x1vTk3L1Fs
[3]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/truong-thuc-nghiem-mot-bi-mat-khong-ai-biet-73075.html
[4]https://www.youtube.com/watch?v=9U3yqMZhb3g

http://giaoduc.net.vn/gdvn-post189513.gd

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tổng chỉ huy đường dây 500 kV Vũ Ngọc Hải phải vào tù


Báo Lao Động vào ngày 6 tháng 5 năm 1990, có bài “Ai chịu trách nhiệm về tình hình điện hiện nay?” của nhà báo Nguyễn Minh Đức. Bài báo cho rằng miền Nam thiếu điện là do lãnh đạo ngành điện thiếu trách nhiệm, câu cuối bài “chúng tôi chờ người có trách nhiệm cao nhất của ngành điện trả lời thẳng thắn và trung thực”. Ngay hôm sau, Ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương Đảng mời Chủ tịch, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động cùng với Tổng Biên tập báo Lao Động lên văn phòng của ban để đối thoại với Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải. Tôi đến sớm đứng trước khu nhà để đón chủ tịch Nguyễn Văn Tư và phó chủ tịch Cù Thị Hậu vì hai người này chưa từng đến đây. Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải đến sớm. Thấy ông, tôi lên tiếng chào, nhưng ông ngoảnh mặt, đi thẳng. Chủ trì cuộc họp là Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Trần Trọng Tân. Mở đầu, ông Tân tỏ ý lấy làm đáng tiếc sự việc đã đưa tới bất hòa không đáng có giữa các đồng chí, mong rằng với thiện chí xây dựng trong buổi gặp gỡ này sẽ tháo gỡ được vướng mắc, hai bên thông cảm nhau. Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải đặt câu hỏi “tại sao một trung ủy (chữ ông dùng có ý nói ông là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng), có thể bị bêu rếu trên báo quá dễ dàng như vậy? Anh Công đâu có xa lạ gì đối với tôi, mới hồi đầu năm tôi đã mời anh nâng ly mừng năm mới. Tòa báo của anh cũng đâu có quá xa cơ quan Bộ Năng lượng, thế mà tại sao anh không thèm hỏi tôi một câu?” Chủ tịch Nguyễn Văn Tư đề nghị tôi phát biểu. Tôi cho rằng luật báo chí không quy định những đòi hỏi của bộ trưởng, nhưng tôi cũng nhận là mình có thiếu sót về cách cư xử với anh Hải với tư cách là những người từng có quan hệ thân mật. Bây giờ sự việc đã ra công luận, tôi đề nghị Bộ Năng lượng, hoặc là có bài tiếp thụ phê bình, nói rõ sự chậm trễ của mình do có những khó khăn, hoặc là hoàn toàn bác bỏ bài báo của chúng tôi. Chúng tôi đăng nguyên văn bài của Bộ Năng lượng và sau đó chúng tôi xin phép sẽ có bài đáp lại. Chúng ta cứ đối đáp như thế cho tới khi tìm ra sự thật. Cả hội nghị im lặng mấy phút, sau đó ông Trần Trọng Tân hỏi ý kiến ông Hải và ông Hải trả lời tán thành cách xử lý đó. Cuộc họp kết thúc.
Từ theo cộng đến chống cộng - Hồi ký Tống văn Công
Từ theo cộng đến chống cộng – Hồi ký Tống văn Công
Một tuần sau, chánh văn phòng Bộ Năng lượng thừa lệnh Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải mang đến tặng báo Lao Động hai chai rượu ngoại và một lá thư cảm ơn bài “phê bình xây dựng ngành năng lượng chúng tôi”. Sau đó ít lâu, tôi có dịp gặp lại Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải, ông phân trần: “Tôi không thể công khai trả lời trên báo rằng ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng miền Nam thiếu điện như hiện nay. Bởi vì đó là cấp rất cao, ở trên chính phủ, nói như vậy chắc anh đã biết. Do đó, ở thời điểm này, chúng tôi đành chịu tội oan vậy, hy vọng rồi thời gian sẽ minh oan”.
Ông Võ Văn Kiệt được bầu làm thủ tướng ngày 8 tháng 8 năm 1991, ngay sau đó ông bàn với tổng bí thư Đỗ Mười việc xây dựng đường dây 500 kV tải điện từ Bắc vào Nam. Có người nhắc ông về chủ trương bán điện cho Trung Quốc của nguyên tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Ông Kiệt nói, “miền Nam đang thiếu điện tại sao không nghĩ cách đưa điện vào Nam? Tôi còn làm thủ tướng thì không bao giờ bán điện ra nước ngoài, trong khi có nơi đồng bào chưa có điện”. Ông Đỗ Mười tán thành ý kiến ông Kiệt, nhưng không đưa ra bàn trong Bộ Chính trị vì biết sẽ có người phản đối. Sau cuộc mật đàm Thành Đô, ông Linh chủ trương bán điện cho Trung Quốc để tăng cường quan hệ hữu nghị hai nước xã hội chủ nghĩa anh em. Nhưng đến hết nhiệm kỳ, ông vẫn chưa thực hiện được việc bán điện cho Trung Quốc, vì chưa xây dựng được đường dây tải. Lê Đức Anh, cái đuôi của Nguyễn Văn Linh, nhân vật thứ hai trong bộ chính trị, chủ tịch nước, kẻ có mặc cảm từng là cấp dưới của ông Kiệt nên luôn ngấm ngầm chống lại. Ngày 25 tháng 2 năm 1992 chính phủ quyết định xây dựng đường dây 500 kV Bắc Nam dài 1487 km có 3000 trụ điện. Bộ trưởng Bộ Năng lượng Vũ Ngọc Hải được giao nhiệm vụ như một tổng công trình sư. Ngày 24 tháng 3 năm 1992 ông Nguyễn Hà Phan đề nghị ông Kiệt dự buổi khai mạc kỳ họp cuối của Quốc Hội khóa 8, nhưng ông Kiệt từ chối, để đi ngay lên công trình đường dây 500 kV. Khởi công đường dây 500 kV trước kỳ họp Quốc Hội đã làm mất lòng các vị lãnh đạo Quốc Hội. Bà Ngô Bá Thành được ông Nguyễn Văn Linh đưa làm chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội to mồm phán, không có ý kiến của Quốc Hội, sau này trụ điện đổ thì ai chịu trách nhiệm. Tháng 9 năm 1992, tại cuộc họp hội nghị cán bộ tổ chức toàn quốc tại Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Linh với tư cách “cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng” đã lên án ông Kiệt “làm đường dây 500 kV là một chủ trương phiêu lưu, mạo hiểm, lãng phí tiền của nhà nước, tiêu tiền của nhà nước để gây thanh danh cho cá nhân”. Trong tình hình như vậy, xuất hiện lá thư của giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn từ Pháp gửi về cho rằng đường dây dài sẽ tạo ra chênh lệch 1/4 bước sóng không thể tải điện vào Nam được. Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải trả lời bằng phương án bù 1/4 bước sóng. Ông Kiệt khẳng định, “chúng ta nhất định thành công, nếu thất bại tôi xin chịu cách chức”.
Ông Hải không biết rằng mình đang ở trong tầm ngắm của những kẻ chống chủ trương xây dựng đường dây, nói cho đúng là của những kẻ quyết chống ông Kiệt. Dịp Tết năm 1992 ông Đoàn Trung Thành tổng giám đốc Công ty Vinapol, thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam – Ba Lan báo cáo với ông Hải chủ tịch hội này, rằng quỹ của hội đã cạn. Ông Hải vừa được các công ty xây lắp đường dây báo cáo là đến tháng 3 năm 1992 vẫn chưa nhập khẩu kịp số thép cần cho việc thi công đường dây 500K. Do đó, Ông Hải gợi ý ông Thành cung ứng 4000t thép trong tháng 3, để kịp đáp ứng cho việc thi công đường dây 500 kV và việc này sẽ giúp Vinapol thu được 3,1 tỉ đồng tiền Việt Nam bổ sung cho quỹ hội. Các báo ở trung ương rộ lên phê phán vụ này là “mua bán lòng vòng làm thất thoát 3,1 tỉ đồng của đường dây 500 kV”. Ông Nguyễn Văn Linh và đệ tử ruột Lê Đức Anh coi đây là dịp tốt để hạ thủ ông Võ Văn Kiệt, họ cho đây là vụ rút ruột công trình và quyết liệt đòi phải nghiêm trị. Ông Kiệt cho rằng việc làm này là sai, nhưng không có động cơ tư lợi, chỉ nên phê bình rút kinh nghiệm. Dịp đó, tôi và anh Phạm Thanh trưởng Ban Công nghiệp báo Nhân Dân cùng một số đồng nghiệp bàn với nhau, liệu vụ này sẽ kết cục thế nào? Chúng tôi cho rằng đây không phải là vụ tham nhũng, không phải “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 22 của Bộ Luật Hình sự. Anh Phạm Thanh hạ giọng thì thầm, “luật gì cũng thua ý kiến của các cụ. Ông Kiệt muốn tha, ông Lê Đức Anh quyết chém đầu, chỉ còn chờ ông Đỗ Mười ngã về phía nào. Nếu ông Đỗ Mười ngã về ông Lê Đức Anh thì Vũ Ngọc Hải phải ‘bóc lịch'”. Tòa án tối cao cũng chỉ cố gắng diễn sao cho thật đẹp “bản án bỏ túi”!
Dự đoán của chúng tôi đúng nhưng chưa đủ: ông Đỗ Mười không chỉ đứng về phía ông Lê Đức Anh mà là phải thực hiện ý của “cố vấn Nguyễn Văn Linh”. Dù đã cho ý kiến với ông Mười, nhưng ông Linh còn trực tiếp ra Hà Nội gặp Lê Thanh Đạo, viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, cho ý kiến phải đưa ông Hải vào “khung 2” tức là vào tù. Tòa án Nhân dân Tối cao diễn vượt yêu cầu của ông Linh, ông Mười, ông Anh: đưa vụ án ra xử một phiên sơ thẩm đồng thời là chung thẩm, tước quyền lợi của bị cáo không được qua phiên phúc thẩm. Ông Vũ Ngọc Hải nhận ra cái gốc của vấn đề quá muộn màng: Người ta cho ông vô tù “vì họ muốn ‘chơi’ đường dây 500 kV”! Báo Lao Động đưa đầy đủ ý kiến bào chữa sắc bén của các luật sư và là tờ báo duy nhất đăng lời phát biểu cuối cùng của ông Vũ Ngọc Hải: “Tôi đã nhận khuyết điểm trước chính phủ. Còn nếu kết tội thì phải theo pháp luật. Chính vì vậy tôi đã trình bày trước tòa các yếu tố cấu thành tội phạm theo điều 221 của Bộ Luật Hình sự, tôi đều không vi phạm. Lấy chứng cớ nào để buộc tội tôi đạo diễn ra vụ này? Trong mấy ngày qua, tôi đã được khích lệ ở sự sáng suốt công minh của hội đồng xét xử khi đưa những lời ‘cung’ buộc tội tôi ra cho phân tích, cuối cùng những lời cung vô căn cứ đã bị phủ định. Phần còn lại, tôi hết sức tin tưởng vào hội đồng xét xử sẽ kết luận tôi vô tội”. Lòng tin tưởng của ông vào sự công minh của luật pháp đã bị giáng một đòn nặng: Ba năm tù không cho kháng án! Tết năm 1995 ông Kiệt gợi ý ông Mười ban lệnh đặc xá mấy ngàn phạm nhân. Biết tin này, ông Linh kêu lên “đây là con bài để tha thằng Vũ Ngọc Hải”!
Sau khi ra tù, ông Hải bay vào Sài Gòn nhờ nhà báo Minh Thu mời tôi và hai nhà báo Lý Quý Chung, Trần Trọng Thức gặp nhau ở quán Tip của gia đình Trịnh Công Sơn cùng nâng ly mừng với nhau như những “chiến hữu”. Tôi đến muộn, lúc tôi vừa tới, ông Hải từ thềm nhà hàng chạy vội ra đón, ôm chầm lấy, nói như reo lên: “Anh Công, được gặp nhau, vui quá!”
TVC 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Trung Quốc đã muốn thì phải chiều

Cách nay ba năm rưỡi, đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC – cho phép sử dụng Yuan trong các giao dịch thương mại trên lãnh thổ Việt Nam - từng làm dư luận Việt Nam dậy sóng. Giờ, khi đề nghị đó trở thành hiện thực, tại sao phản ứng của báo giới, của các chuyên gia kinh tế, doanh nhân, doanh giới Việt Nam lại khẽ khàng, nhẹ nhàng như đó là chuyện tất nhiên của thực trạng Trung Quốc đã muốn thì Việt Nam phải chiều?

Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Từ 12 tháng 10 năm 2018, cho phép sử dụng Nhân dân tệ (Yuan) tại bảy tỉnh tiếp giáp với biên giới Trung Quốc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên) là bằng chứng mới nhất, rõ nhất về việc Trung Quốc đã muốn thì phải chiều, bất kể chuyện chiều theo ý muốn của Trung Quốc nguy hại như thế nào cho vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc, độc lập - tự chủ về kinh tế - xã hội và xa hơn nữa là chính trị… Để cảm nhận một cách rõ ràng “Trung Quốc đã muốn thì phải chiều” xin cùng xem lại sự kiện, ý kiến về việc có nên cho phép sử dụng Yuan tại Việt Nam cách nay ba năm rưỡi…


Từ 12 tháng 10 năm 2018, cho phép sử dụng Nhân dân tệ (Yuan) tại bảy tỉnh tiếp giáp với biên giới Trung Quốc, gồm Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên.

***

Tháng 1 năm 2015, ngay sau khi Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công Thương của Trung Quốc (ICBC) đề nghị Việt Nam cho phép sử dụng Yuan (Nhân dân tệ của Trung Quốc) trong các giao dịch tại Việt Nam, thông qua báo giới, mạng xã hội, doanh giới, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài Việt Nam đã đồng loạt phân tích - cảnh báo hàng loạt hậu quả theo sau việc chấp nhận đề nghị này.

Lúc ấy, một trong những người khuyến cáo chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không nên gật đầu với đề nghị cho phép sử dụng Yuan tại Việt Nam là ông Cao Sỹ Kiêm – cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông Kiêm nhấn mạnh: Cho dù mối quan hệ giao lưu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc rất rộng nhưng vì sức cạnh tranh và khả năng quản lý thị trường của Việt Nam còn kém, việc từ chối hay cho phép sử dụng Yuan ở Việt Nam sẽ dẫn tới hệ quả là kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc ít hay nhiều.

Khi được đề nghị bình luận về nhận định của ông Lê Đăng Doanh (một chuyên gia kinh tế - người cho rằng đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC, vi phạm chủ quyền của Việt Nam), ông Kiêm cho rằng, chủ quyền của Việt Nam có bị xâm hại hay không là do Việt Nam. Nếu sức cạnh tranh đã đủ lớn, hợp thức hóa việc sử dụng Yuan bằng các quy định mà có thể kiểm soát chặt chẽ thì sẽ bảo vệ được chủ quyền. Ngược lại, không giữ được độc lập về kinh tế, độc lập trong việc quản lý chính sách thì chủ quyền sẽ bị xâm hại (1).

Không chỉ có ông Doanh, ông Kiêm, ông Nguyễn Minh Phong – một chuyên gia kinh tế làm việc tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, cũng tin rằng, chấp nhận sử dụng Yuan để thanh toán các giao dịch thương mại tại Việt Nam sẽ đẩy kinh tế Việt Nam đến chỗ đối mặt với hai nguy cơ: Gia tăng rủi ro đối với doanh nghiệp Việt Nam vì Yuan chưa phải là ngoại tệ được tự do chuyển đổi trên thị trường quốc tế. Mặt khác, nhập siêu từ Trung Quốc rất lớn, ở vị thế yếu hơn về thương mại, doanh giới Việt Nam sẽ phải vay Yuan từ Trung Quốc, Việt Nam sẽ không chỉ lệ thuộc Trung Quốc về hàng hóa mà còn lệ thuộc cả về tài chính.

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR), khẳng định nguyên tắc, thanh toán cho các giao dịch trên lãnh thổ của quốc gia nào phải sử dụng tiền tệ của quốc gia đó. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từng làm đủ cách để loại bỏ tình trạng vàng hóa, đô la hóa, tại sao lại có thể chấp nhận cho sử dụng Yuan trên lãnh thổ Việt Nam (?) (2). Tương tự, bà Phạm Chi Lan – một chuyên gia kinh tế khác – ví von, nội tệ cũng như quốc kỳ, cho phép sử dụng Yuan tại Việt Nam cũng như cho phép treo cờ Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam (3).

Bên ngoài Việt Nam, sau khi phân tích lợi – hại nếu chấp nhận đề nghị cho phép dùng Yuan thanh toán trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam mà phần bất lợi Việt Nam gánh hết, ông Vũ Quang Việt – một chuyên gia kinh tế từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê của Liên Hiệp Quốc – nhận định, không quốc gia nào muốn có nền kinh tế độc lập, lại xóa bỏ khả năng điều hành chính sách tiền tệ của mình bằng cách cho phép sử dụng rộng rãi vàng hay ngoại tệ trong thanh toán nội địa, dù nó là đồng Yuan hay Mỹ kim. Sử dụng ngoại tệ một cách rộng rãi chứng tỏ rằng người dân không còn tin nội tệ và muốn giữ nó, đưa đến việc nội tệ mất giá.

Ông Việt đưa ra hàng loạt dẫn chứng từ thực tế (chẳng hạn cho phép mỗi người dân ở biên giới, mỗi ngày được mang lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá hai triệu đồng vào Việt Nam), cáo buộc chính quyền Việt Nam đang tự cho phép mình mất chủ quyền về tiền tệ ở vùng biên giới, biến các tỉnh này thành vùng đầu tầu giúp Trung Quốc tấn công, xâm nhập vào thị trường Việt Nam. 


Ông Việt nêu thắc mắc, phải chăng những chính sách kiểu đó là lý do khiến Việt Nam không kiểm soát được hoạt động nhập cảng từ Trung Quốc cũng như chất lượng hàng nhập cảng từ Trung Quốc? Tiếp tục mở rộng theo đề nghị của phía Trung Quốc là mở rộng khả năng Yuan đuổi đồng nội tệ ra khỏi thị trường Việt Nam và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều hành nền kinh tế Việt Nam và chính trị ở Việt Nam. Ông Việt khuyên chính quyền Việt Nam nên xem lại chính sách tiền tệ và thương mại với Trung Quốc ở khu vực biên giới, thực hiện mậu dịch qua ngân hàng bằng đồng tiền chuyển đổi được trên thị trường thế giới, còn nếu không thì dựa trên việc thành lập qua ngân hàng một quĩ chuyển đổi giữa đồng Việt Nam và Yuan, bên Việt Nam có thể mua hàng bằng đồng Việt và bên Trung Quốc có thể mua hàng bằng Yuan, phần còn lại được giải quyết bằng đồng chuyển đổi, đó mới là hợp tác nhằm có biện pháp phù hợp cân bằng thương mại giữa hai quốc gia (4).

Ngoài chuyện giới thiệu ý kiến của các chuyên gia kinh tế, hồi tháng 1 năm 2015, báo giới Việt Nam còn dẫn ý kiến của các doanh nghiệp Việt Nam đang có quan hệ thương mại với doanh nghiệp Trung Quốc để chứng minh, chính họ cũng không mặn mà với đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc VINAMIT – một doanh nghiệp có nhiều đối tác thương mại ở Trung Quốc, cho biết, hầu hết hợp đồng giữa hai bên đều chọn ngoại tệ thứ ba là Mỹ kim làm phương tiện thanh toán. Nếu chuyển sang thanh toán bằng Yuan thì thiệt thòi của doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất lớn vì phải trả thêm 0,5% phí chuyển đổi từ Mỹ kim sang Yuan. Ông Viên lưu ý, năm 2014, nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 29 tỉ Mỹ kim, cứ tính 0.5% khoản này sẽ thấy. Đó cũng là điều mà Giám đốc một ngân hàng thương mại chuyên mở L/C cho các doanh nghiệp Việt Nam có giao thương với Trung Quốc bảo với tờ Thanh Niên rằng, bởi các giao dịch với Trung Quốc thường quy đổi thành Mỹ kim, giao dịch bằng Yuan chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với các đồng tiền khác nên chắc chắn không doanh nghiệp Việt Nam nào mặn mà với ý tưởng dùng Yuan thanh toán thương mại…

Tháng 1 năm 2015, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, gọi đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công Thương của Trung Quốc (ICBC) là một đề nghị kỳ quặc, phi lý, thiếu khả thi vì Yuan là loại tiền tệ mà Trung Quốc tìm mọi cách vẫn chưa thể quốc tế hóa và tất nhiên không thể chấp nhận vì gật đầu là chấp nhận bị khống chế, lệ thuộc (6)…

***

Tháng 1 năm 2015, ông Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc VEPR từng tỏ ra rất lạc quan trước đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC bởi đó chỉ là một đề nghị và đâu phải đề nghị nào cũng “hợp lý”, “có hiểu biết”. Chưa kể về mặt kỹ thuật, Việt Nam và Trung Quốc chưa có Hiệp định Hoán đổi tiền tệ (Swap Agreement), giao dịch trực tiếp của tư nhân trong thương mại tại biên giới là phạm pháp, chắc chắn Bộ Công Thương sẽ lắc đầu, Ngân hàng Nhà nước không thể đồng ý. Cứ theo nhận định của ông Thành thì đề nghị đó không thể chấp nhận vì gật đầu sẽ giúp “hệ thống ngân hàng Trung Quốc bùng nổ tại Việt Nam”. Nếu tỷ trọng vốn của Trung Quốc trong nền kinh tế Việt Nam lớn hơn sẽ “tác động tiêu cực đến an ninh tài chính, an ninh tiền tệ của Việt Nam”. Chưa kể với tỷ trọng thương mại chiếm 10% xuất khẩu và 25% nhập khẩu, rổ dự trữ thanh toán sẽ phải giảm tỷ trọng Mỹ kim và thêm vào đó tỷ trọng Yuan – làm phức tạp hơn cho quản lý trong bối cảnh trình độ quản lý tiền tệ của Việt Nam vẫn còn chưa có nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra sẽ không bao giờ dẹp được giao dịch trực tiếp qua biên mậu, và theo đó, những vấn đề như nhập siêu, quản lý chất lượng hàng hóa sẽ không thể cải thiện được…

Ông Thành quả là chủ quan, mà chẳng phải chỉ có ông Thành… Ba năm đủ để phân tích, khuyến cáo, cảnh báo của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài Việt Nam, góp ý của doanh giới hóa… bùn. Tháng 1 năm nay, chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định 14/2018/NĐ-CP “Quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới”. Đúng tám tháng sau, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 19/2018/TT-NHNN “Hướng dẫn về Quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc”, theo đó, sử dụng Yuan để thanh toán trực tiếp cho các giao dịch thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và ủy thác thanh toán qua hệ thống ngân hàng sẽ có hiệu lực vào tháng tới.

Hai tuần trước Quốc khánh lần thứ 73 của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam công khai báo động về khả năng biểu tình vào dịp 2 tháng 9. Song song với khuyến cáo được phát cho từng gia đình, lực lượng vũ trang rùng rùng chuyển động – nhanh chóng bày ra quyết tâm đè bẹp, trừng trị thẳng tay tất cả các hành động phản kháng ôn hòa. Đây có lẽ là lần đầu tiên kể từ khi quốc gia thống nhất, Quốc khánh của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trôi qua trong tình trạng các lực lượng vũ trang” được đặt vào tình huống “sẵn sàng chiến đấu” trên toàn lãnh thổ.

Có một điểm mà tới giờ này, những người quan sát các diễn biến thời sự tại Việt Nam vẫn chưa tìm được câu trả lời cho thắc mắc: Hệ thống công quyền Việt Nam dựa vào đâu để dự đoán sẽ có biểu tình trên diện rộng vào dịp Quốc khánh?Nếu xem mạng xã hội là một thứ phong vũ biểu và so diễn biến trên mạng xã hội trong nửa đầu tháng 6 năm nay (thời điểm hệ thống chính trị Việt Nam thúc ép Quốc hội Việt Nam thông qua luật đặc khu) với nửa cuối tháng 8 vừa qua thì rõ ràng những dấu hiệu cho thấy khả năng bùng phát biểu tình, bạo động trên diện rộng vào dịp Quốc khánh rất mờ nhạt. Liệu chuỗi hành động báo động – quảng bá quyết tâm – biểu diễn năng lực trấn áp của hệ thống công quyền Việt Nam có liên quan đến Thông tư 19/2018/TT-NHNN không, khi “răn đe” vẫn được xem như một giải pháp hữu hiệu để duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN?

Cách nay ba năm rưỡi, đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC – cho phép sử dụng Yuan trong các giao dịch thương mại trên lãnh thổ Việt Nam - từng làm dư luận Việt Nam dậy sóng. Giờ, khi đề nghị đó trở thành hiện thực, tại sao phản ứng của báo giới, của các chuyên gia kinh tế, doanh nhân, doanh giới Việt Nam lại khẽ khàng, nhẹ nhàng như đó là chuyện tất nhiên của thực trạng Trung Quốc đã muốn thì Việt Nam phải chiều?

Trân Văn
Blog VOA 

Chú thích

(1) http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/TS-Cao-Sy-Kiem-Chua-nen-cho-phep-thanh-toan-bang-Nhan-dan-te-o-Viet-Nam-post154245.gd

(2) https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/kien-nghi-cho-thanh-toan-truc-tiep-tien-trung-quoc-tai-viet-nam-rui-ro-cho-ca-nen-kinh-te-522968.html

(3) http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/De-xuat-thanh-toan-bang-Nhan-dan-te-tai-VN-Sao-co-the-treo-co-nuoc-khac-post154283.gd

(4) https://www.diendan.org/viet-nam/thanh-toan-bang-nhan-dan-te-o-noi-dia-viet-nam

(5) https://infonet.vn/dang-sau-de-nghi-thanh-toan-nhan-dan-te-truc-tiep-tai-vn-post155519.info

(6) https://infonet.vn/dang-sau-de-nghi-thanh-toan-nhan-dan-te-truc-tiep-tai-vn-post155519.info


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Biểu tình phản đối cảnh sát Đài Loan bắn chết công dân Việt


RFA 2018-09-04 Một nhóm người bao gồm công nhân và đại diện các tổ chức phi chính phủ ở Đài Loan đã biểu tình bên ngoài trụ sở Cơ quan Chính sách Quốc gia Đài Loan hôm 3/9, đòi hỏi công lý cho một công nhân Việt Nam được nói đã chết vì bị cảnh sát truy đuổi vào tháng Tư vừa qua. Trang tin CAN của Đài Loan cho biết tin này hôm 3/9. Cô Hoàng Thị Hà, một công dân Việt Nam đang làm việc tại một nhà máy ở Shulin, Tân Bắc nói với báo giới Đài Loan rằng cô rất buồn vì anh trai là Hoàng Văn Đoàn bị cảnh sát bắn chết nhưng cảnh sát không chịu nhận trách nhiệm.

Em gái ông Hoàng Văn Đoàn hôm 3/9 biểu tình phản đối cảnh sát 
Đài Loan bắn chết ông Đoàn. Ảnh chụp màn hình Focus Taiwan

Theo Hiệp hội các công nhân nước ngoài tại Đài Loan và một số tổ chức phi chính phủ khác, ông Hoàng Văn Đoàn, 31 tuổi, quê gốc ở Hà Tĩnh bị phát hiện đã chết trong tư thế bị còng tay tại một khu vực miền núi ở Alishan, quận Chiayi ngày 19 tháng 4.

Báo cáo khám nghiệm sau đó công bố cho thấy ông Đoàn bị chết vị bị thương ở đầu do một cú đánh mạnh.

Các tổ chức này đã tố cáo cảnh sát Đài Loan cố ý bắn vào đầu ông Đoàn trong khi đang rượt đuổi theo ông. Sau đó dù biết ông Đoàn đang bị thương, nhưng cảnh sát đã không đi tìm để đảm bảo ông Đoàn được điều trị y tế.

Đại diện Cơ quan Chính sách Quốc gia Đài Loan, ông Chen Hung-yao đã chấp nhận đơn thư phản đối từ cô Hà, nhưng cho đến hiện tại cảnh sát vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về hoàn cảnh dẫn đến cái chết của ông Đoàn. Ông Chen cho biết vụ việc vẫn đang tiếp tục được điều tra.

Vào năm 2016, ông Đoàn được thuê vào làm việc tại cảng Yehliu, Tân Bắc, nhưng bỏ trốn vì phải lao động quá nặng nhọc và bị chủ bóc lột về thể chất. Sau khi bỏ trốn, ông Đoàn được thuê lao động bất hợp pháp tại các trang trại ở quận Nantou và Chiayi, miền trung Nam Đài Loan.

Em gái ông Đoàn cho biết vào ngày 14 tháng 4, ông Hoàng Văn Đoàn cùng các công nhân nhập cư không giấy tờ khác bị cảnh sát truy đuổi. Ông Đoàn được nói đã bị cảnh sát giam giữ và còng tay, nhưng trốn thoát được. Sau đó cảnh sát đuổi theo và bắn vào đầu ông.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quảng Ngãi: Dân thả 3 cán bộ, công an vẫn giam 9 người


RFA 2018-09-04 - Chiều ngày 4 tháng 9, Đại tá Võ Văn Dương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi cho hay, cơ quan chức năng đã tạm giữ hình sự 9 người vì có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối người thi hành công vụ, và lập biên bản vi phạm hành chính với 23 người khác liên quan đến vụ việc chặn Quốc lộ 1A vào đêm 2-9, rạng sáng 3-9. Số người này bị cáo buộc là đã dùng gạch đá và bom xăng để ném vào lực lượng cảnh sát cơ động, người dân sau đó lên tiếng bác bỏ cáo buộc này và trong các đoạn video quay tại hiện trường cũng không thấy sự việc cháy nổ do bom xăng.

Hàng trăm người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi tập trung phản đối nhà máy xử lý chất thải MD. Courtesy: Ảnh chụp màn hình soha.vn

Phát biểu tại buổi họp báo chiều ngày 4/9, ông Dương cho biết có khoảng 500 người, vào sáng 4-9, đã bao vây UBND xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ để đòi trả tự do cho số người bị bắt trước đó, đồng thời tạm giữ 3 cán bộ gồm 1 công an và 2 người thuộc nhà máy xử lý chất thải MD, đơn vị bị người dân tố cáo là gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, đến khoảng 16 giờ chiều thì 3 cán bộ này lần lượt được trả tự do trong khi 9 người dân vẫn còn bị giam giữ ở công an huyện Đức Phổ. 


Một nhân chứng giấu tên có mặt tại UBND xã Phổ Thạnh vào trưa 4/9 nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại rằng, có khoảng 2 ngàn người vây UBND xã và công an đánh một người dân phải nhập viện.

“Ở đây bà con bị đánh rất nhiều, bà già, con nít, một thai phụ bị bóp cổ và đánh đến sẩy thai. Tôi chứng kiến, ở đây toàn dân xã Phổ Thạnh đều chứng kiến sự việc đó như vậy. Một số người bị bắt, bị đánh, họ thả về còn khoảng 10 người, họ bắt là phải đồng ý ký không di dời nhà máy rác mới thả ra. Dân chúng tôi không đồng ý và lên UBND xã và mời Chủ tịch xã để nói chuyện. Ông Chủ tịch xã nói là ông không có thẩm quyền để nói, ông không gặp, trốn tránh mà cho các anh cảnh sát giấu mặt để đánh dân tôi.”

Đài Á Châu Tự Do đã gọi điện cho Công an huyện Đức Phổ để xác định thông tin nhưng bị từ chối trả lời.

Mạng báo Soha dẫn lời Đại tá Võ Văn Dương nói rằng, từ ngày 29/7 đến nay người dân xã Phổ Thạnh liên tục tập trung trước khu vực ngã ba đường tránh Tây Quốc lộ 1A, đoạn qua Sa Huỳnh nối lên Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt MD.

Những người này phong tỏa tuyến đường, không cho xe ra vào nhà máy. Nhà máy xử lý rác thải MD buộc phải ngừng hoạt động trong suốt thời gian trên.

Cũng theo tờ báo này, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân nhưng bất thành. UBND tỉnh Quảng Ngãi sau đó đã đồng ý phương án di dời nhà máy.

Theo báo Quảng Ngãi, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ do công ty TNHH Thương Mại và Công nghệ Môi trường MD làm chủ đầu tư sử dụng công nghệ lò đốt, với số vốn hơn 50 tỷ đồng, công suất xử lý 50 tấn rác/ngày đêm, được đầu tư từ nguồn xã hội hóa. 

Nhà máy được xây dựng tại bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Nhà máy khởi công từ tháng 8 năm 2016 và đi vào hoạt động từ tháng 3 năm 2018.
Tuy nhiên, người dân địa phương phản ảnh là nhà máy này xây chỉ cách khu dân cư có 600 mét và khi xây không hỏi ý kiến người dân, dạo gần đây phát sinh mùi hôi thối và ô nhiễm nguồn nước khiến những người dân phải sống trong cảnh khổ sở.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/quangngai-polie-detained-9-people-09042018135638.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang