Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

Trung Quốc đã muốn thì phải chiều

Cách nay ba năm rưỡi, đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC – cho phép sử dụng Yuan trong các giao dịch thương mại trên lãnh thổ Việt Nam - từng làm dư luận Việt Nam dậy sóng. Giờ, khi đề nghị đó trở thành hiện thực, tại sao phản ứng của báo giới, của các chuyên gia kinh tế, doanh nhân, doanh giới Việt Nam lại khẽ khàng, nhẹ nhàng như đó là chuyện tất nhiên của thực trạng Trung Quốc đã muốn thì Việt Nam phải chiều?

Quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Từ 12 tháng 10 năm 2018, cho phép sử dụng Nhân dân tệ (Yuan) tại bảy tỉnh tiếp giáp với biên giới Trung Quốc (Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên) là bằng chứng mới nhất, rõ nhất về việc Trung Quốc đã muốn thì phải chiều, bất kể chuyện chiều theo ý muốn của Trung Quốc nguy hại như thế nào cho vận mệnh quốc gia, tương lai dân tộc, độc lập - tự chủ về kinh tế - xã hội và xa hơn nữa là chính trị… Để cảm nhận một cách rõ ràng “Trung Quốc đã muốn thì phải chiều” xin cùng xem lại sự kiện, ý kiến về việc có nên cho phép sử dụng Yuan tại Việt Nam cách nay ba năm rưỡi…


Từ 12 tháng 10 năm 2018, cho phép sử dụng Nhân dân tệ (Yuan) tại bảy tỉnh tiếp giáp với biên giới Trung Quốc, gồm Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Điện Biên.

***

Tháng 1 năm 2015, ngay sau khi Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công Thương của Trung Quốc (ICBC) đề nghị Việt Nam cho phép sử dụng Yuan (Nhân dân tệ của Trung Quốc) trong các giao dịch tại Việt Nam, thông qua báo giới, mạng xã hội, doanh giới, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài Việt Nam đã đồng loạt phân tích - cảnh báo hàng loạt hậu quả theo sau việc chấp nhận đề nghị này.

Lúc ấy, một trong những người khuyến cáo chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam không nên gật đầu với đề nghị cho phép sử dụng Yuan tại Việt Nam là ông Cao Sỹ Kiêm – cựu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông Kiêm nhấn mạnh: Cho dù mối quan hệ giao lưu hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc rất rộng nhưng vì sức cạnh tranh và khả năng quản lý thị trường của Việt Nam còn kém, việc từ chối hay cho phép sử dụng Yuan ở Việt Nam sẽ dẫn tới hệ quả là kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc ít hay nhiều.

Khi được đề nghị bình luận về nhận định của ông Lê Đăng Doanh (một chuyên gia kinh tế - người cho rằng đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC, vi phạm chủ quyền của Việt Nam), ông Kiêm cho rằng, chủ quyền của Việt Nam có bị xâm hại hay không là do Việt Nam. Nếu sức cạnh tranh đã đủ lớn, hợp thức hóa việc sử dụng Yuan bằng các quy định mà có thể kiểm soát chặt chẽ thì sẽ bảo vệ được chủ quyền. Ngược lại, không giữ được độc lập về kinh tế, độc lập trong việc quản lý chính sách thì chủ quyền sẽ bị xâm hại (1).

Không chỉ có ông Doanh, ông Kiêm, ông Nguyễn Minh Phong – một chuyên gia kinh tế làm việc tại Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, cũng tin rằng, chấp nhận sử dụng Yuan để thanh toán các giao dịch thương mại tại Việt Nam sẽ đẩy kinh tế Việt Nam đến chỗ đối mặt với hai nguy cơ: Gia tăng rủi ro đối với doanh nghiệp Việt Nam vì Yuan chưa phải là ngoại tệ được tự do chuyển đổi trên thị trường quốc tế. Mặt khác, nhập siêu từ Trung Quốc rất lớn, ở vị thế yếu hơn về thương mại, doanh giới Việt Nam sẽ phải vay Yuan từ Trung Quốc, Việt Nam sẽ không chỉ lệ thuộc Trung Quốc về hàng hóa mà còn lệ thuộc cả về tài chính.

Ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR), khẳng định nguyên tắc, thanh toán cho các giao dịch trên lãnh thổ của quốc gia nào phải sử dụng tiền tệ của quốc gia đó. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam từng làm đủ cách để loại bỏ tình trạng vàng hóa, đô la hóa, tại sao lại có thể chấp nhận cho sử dụng Yuan trên lãnh thổ Việt Nam (?) (2). Tương tự, bà Phạm Chi Lan – một chuyên gia kinh tế khác – ví von, nội tệ cũng như quốc kỳ, cho phép sử dụng Yuan tại Việt Nam cũng như cho phép treo cờ Trung Quốc trên lãnh thổ Việt Nam (3).

Bên ngoài Việt Nam, sau khi phân tích lợi – hại nếu chấp nhận đề nghị cho phép dùng Yuan thanh toán trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam mà phần bất lợi Việt Nam gánh hết, ông Vũ Quang Việt – một chuyên gia kinh tế từng là Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê của Liên Hiệp Quốc – nhận định, không quốc gia nào muốn có nền kinh tế độc lập, lại xóa bỏ khả năng điều hành chính sách tiền tệ của mình bằng cách cho phép sử dụng rộng rãi vàng hay ngoại tệ trong thanh toán nội địa, dù nó là đồng Yuan hay Mỹ kim. Sử dụng ngoại tệ một cách rộng rãi chứng tỏ rằng người dân không còn tin nội tệ và muốn giữ nó, đưa đến việc nội tệ mất giá.

Ông Việt đưa ra hàng loạt dẫn chứng từ thực tế (chẳng hạn cho phép mỗi người dân ở biên giới, mỗi ngày được mang lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá hai triệu đồng vào Việt Nam), cáo buộc chính quyền Việt Nam đang tự cho phép mình mất chủ quyền về tiền tệ ở vùng biên giới, biến các tỉnh này thành vùng đầu tầu giúp Trung Quốc tấn công, xâm nhập vào thị trường Việt Nam. 


Ông Việt nêu thắc mắc, phải chăng những chính sách kiểu đó là lý do khiến Việt Nam không kiểm soát được hoạt động nhập cảng từ Trung Quốc cũng như chất lượng hàng nhập cảng từ Trung Quốc? Tiếp tục mở rộng theo đề nghị của phía Trung Quốc là mở rộng khả năng Yuan đuổi đồng nội tệ ra khỏi thị trường Việt Nam và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều hành nền kinh tế Việt Nam và chính trị ở Việt Nam. Ông Việt khuyên chính quyền Việt Nam nên xem lại chính sách tiền tệ và thương mại với Trung Quốc ở khu vực biên giới, thực hiện mậu dịch qua ngân hàng bằng đồng tiền chuyển đổi được trên thị trường thế giới, còn nếu không thì dựa trên việc thành lập qua ngân hàng một quĩ chuyển đổi giữa đồng Việt Nam và Yuan, bên Việt Nam có thể mua hàng bằng đồng Việt và bên Trung Quốc có thể mua hàng bằng Yuan, phần còn lại được giải quyết bằng đồng chuyển đổi, đó mới là hợp tác nhằm có biện pháp phù hợp cân bằng thương mại giữa hai quốc gia (4).

Ngoài chuyện giới thiệu ý kiến của các chuyên gia kinh tế, hồi tháng 1 năm 2015, báo giới Việt Nam còn dẫn ý kiến của các doanh nghiệp Việt Nam đang có quan hệ thương mại với doanh nghiệp Trung Quốc để chứng minh, chính họ cũng không mặn mà với đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc VINAMIT – một doanh nghiệp có nhiều đối tác thương mại ở Trung Quốc, cho biết, hầu hết hợp đồng giữa hai bên đều chọn ngoại tệ thứ ba là Mỹ kim làm phương tiện thanh toán. Nếu chuyển sang thanh toán bằng Yuan thì thiệt thòi của doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất lớn vì phải trả thêm 0,5% phí chuyển đổi từ Mỹ kim sang Yuan. Ông Viên lưu ý, năm 2014, nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 29 tỉ Mỹ kim, cứ tính 0.5% khoản này sẽ thấy. Đó cũng là điều mà Giám đốc một ngân hàng thương mại chuyên mở L/C cho các doanh nghiệp Việt Nam có giao thương với Trung Quốc bảo với tờ Thanh Niên rằng, bởi các giao dịch với Trung Quốc thường quy đổi thành Mỹ kim, giao dịch bằng Yuan chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với các đồng tiền khác nên chắc chắn không doanh nghiệp Việt Nam nào mặn mà với ý tưởng dùng Yuan thanh toán thương mại…

Tháng 1 năm 2015, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, gọi đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và Ngân hàng Công Thương của Trung Quốc (ICBC) là một đề nghị kỳ quặc, phi lý, thiếu khả thi vì Yuan là loại tiền tệ mà Trung Quốc tìm mọi cách vẫn chưa thể quốc tế hóa và tất nhiên không thể chấp nhận vì gật đầu là chấp nhận bị khống chế, lệ thuộc (6)…

***

Tháng 1 năm 2015, ông Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc (VCES) thuộc VEPR từng tỏ ra rất lạc quan trước đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC bởi đó chỉ là một đề nghị và đâu phải đề nghị nào cũng “hợp lý”, “có hiểu biết”. Chưa kể về mặt kỹ thuật, Việt Nam và Trung Quốc chưa có Hiệp định Hoán đổi tiền tệ (Swap Agreement), giao dịch trực tiếp của tư nhân trong thương mại tại biên giới là phạm pháp, chắc chắn Bộ Công Thương sẽ lắc đầu, Ngân hàng Nhà nước không thể đồng ý. Cứ theo nhận định của ông Thành thì đề nghị đó không thể chấp nhận vì gật đầu sẽ giúp “hệ thống ngân hàng Trung Quốc bùng nổ tại Việt Nam”. Nếu tỷ trọng vốn của Trung Quốc trong nền kinh tế Việt Nam lớn hơn sẽ “tác động tiêu cực đến an ninh tài chính, an ninh tiền tệ của Việt Nam”. Chưa kể với tỷ trọng thương mại chiếm 10% xuất khẩu và 25% nhập khẩu, rổ dự trữ thanh toán sẽ phải giảm tỷ trọng Mỹ kim và thêm vào đó tỷ trọng Yuan – làm phức tạp hơn cho quản lý trong bối cảnh trình độ quản lý tiền tệ của Việt Nam vẫn còn chưa có nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra sẽ không bao giờ dẹp được giao dịch trực tiếp qua biên mậu, và theo đó, những vấn đề như nhập siêu, quản lý chất lượng hàng hóa sẽ không thể cải thiện được…

Ông Thành quả là chủ quan, mà chẳng phải chỉ có ông Thành… Ba năm đủ để phân tích, khuyến cáo, cảnh báo của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài Việt Nam, góp ý của doanh giới hóa… bùn. Tháng 1 năm nay, chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định 14/2018/NĐ-CP “Quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới”. Đúng tám tháng sau, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 19/2018/TT-NHNN “Hướng dẫn về Quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc”, theo đó, sử dụng Yuan để thanh toán trực tiếp cho các giao dịch thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và ủy thác thanh toán qua hệ thống ngân hàng sẽ có hiệu lực vào tháng tới.

Hai tuần trước Quốc khánh lần thứ 73 của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam công khai báo động về khả năng biểu tình vào dịp 2 tháng 9. Song song với khuyến cáo được phát cho từng gia đình, lực lượng vũ trang rùng rùng chuyển động – nhanh chóng bày ra quyết tâm đè bẹp, trừng trị thẳng tay tất cả các hành động phản kháng ôn hòa. Đây có lẽ là lần đầu tiên kể từ khi quốc gia thống nhất, Quốc khánh của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trôi qua trong tình trạng các lực lượng vũ trang” được đặt vào tình huống “sẵn sàng chiến đấu” trên toàn lãnh thổ.

Có một điểm mà tới giờ này, những người quan sát các diễn biến thời sự tại Việt Nam vẫn chưa tìm được câu trả lời cho thắc mắc: Hệ thống công quyền Việt Nam dựa vào đâu để dự đoán sẽ có biểu tình trên diện rộng vào dịp Quốc khánh?Nếu xem mạng xã hội là một thứ phong vũ biểu và so diễn biến trên mạng xã hội trong nửa đầu tháng 6 năm nay (thời điểm hệ thống chính trị Việt Nam thúc ép Quốc hội Việt Nam thông qua luật đặc khu) với nửa cuối tháng 8 vừa qua thì rõ ràng những dấu hiệu cho thấy khả năng bùng phát biểu tình, bạo động trên diện rộng vào dịp Quốc khánh rất mờ nhạt. Liệu chuỗi hành động báo động – quảng bá quyết tâm – biểu diễn năng lực trấn áp của hệ thống công quyền Việt Nam có liên quan đến Thông tư 19/2018/TT-NHNN không, khi “răn đe” vẫn được xem như một giải pháp hữu hiệu để duy trì quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN?

Cách nay ba năm rưỡi, đề nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam và ICBC – cho phép sử dụng Yuan trong các giao dịch thương mại trên lãnh thổ Việt Nam - từng làm dư luận Việt Nam dậy sóng. Giờ, khi đề nghị đó trở thành hiện thực, tại sao phản ứng của báo giới, của các chuyên gia kinh tế, doanh nhân, doanh giới Việt Nam lại khẽ khàng, nhẹ nhàng như đó là chuyện tất nhiên của thực trạng Trung Quốc đã muốn thì Việt Nam phải chiều?

Trân Văn
Blog VOA 

Chú thích

(1) http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/TS-Cao-Sy-Kiem-Chua-nen-cho-phep-thanh-toan-bang-Nhan-dan-te-o-Viet-Nam-post154245.gd

(2) https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/kien-nghi-cho-thanh-toan-truc-tiep-tien-trung-quoc-tai-viet-nam-rui-ro-cho-ca-nen-kinh-te-522968.html

(3) http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/De-xuat-thanh-toan-bang-Nhan-dan-te-tai-VN-Sao-co-the-treo-co-nuoc-khac-post154283.gd

(4) https://www.diendan.org/viet-nam/thanh-toan-bang-nhan-dan-te-o-noi-dia-viet-nam

(5) https://infonet.vn/dang-sau-de-nghi-thanh-toan-nhan-dan-te-truc-tiep-tai-vn-post155519.info

(6) https://infonet.vn/dang-sau-de-nghi-thanh-toan-nhan-dan-te-truc-tiep-tai-vn-post155519.info


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Biểu tình phản đối cảnh sát Đài Loan bắn chết công dân Việt


RFA 2018-09-04 Một nhóm người bao gồm công nhân và đại diện các tổ chức phi chính phủ ở Đài Loan đã biểu tình bên ngoài trụ sở Cơ quan Chính sách Quốc gia Đài Loan hôm 3/9, đòi hỏi công lý cho một công nhân Việt Nam được nói đã chết vì bị cảnh sát truy đuổi vào tháng Tư vừa qua. Trang tin CAN của Đài Loan cho biết tin này hôm 3/9. Cô Hoàng Thị Hà, một công dân Việt Nam đang làm việc tại một nhà máy ở Shulin, Tân Bắc nói với báo giới Đài Loan rằng cô rất buồn vì anh trai là Hoàng Văn Đoàn bị cảnh sát bắn chết nhưng cảnh sát không chịu nhận trách nhiệm.

Em gái ông Hoàng Văn Đoàn hôm 3/9 biểu tình phản đối cảnh sát 
Đài Loan bắn chết ông Đoàn. Ảnh chụp màn hình Focus Taiwan

Theo Hiệp hội các công nhân nước ngoài tại Đài Loan và một số tổ chức phi chính phủ khác, ông Hoàng Văn Đoàn, 31 tuổi, quê gốc ở Hà Tĩnh bị phát hiện đã chết trong tư thế bị còng tay tại một khu vực miền núi ở Alishan, quận Chiayi ngày 19 tháng 4.

Báo cáo khám nghiệm sau đó công bố cho thấy ông Đoàn bị chết vị bị thương ở đầu do một cú đánh mạnh.

Các tổ chức này đã tố cáo cảnh sát Đài Loan cố ý bắn vào đầu ông Đoàn trong khi đang rượt đuổi theo ông. Sau đó dù biết ông Đoàn đang bị thương, nhưng cảnh sát đã không đi tìm để đảm bảo ông Đoàn được điều trị y tế.

Đại diện Cơ quan Chính sách Quốc gia Đài Loan, ông Chen Hung-yao đã chấp nhận đơn thư phản đối từ cô Hà, nhưng cho đến hiện tại cảnh sát vẫn chưa đưa ra tuyên bố chính thức về hoàn cảnh dẫn đến cái chết của ông Đoàn. Ông Chen cho biết vụ việc vẫn đang tiếp tục được điều tra.

Vào năm 2016, ông Đoàn được thuê vào làm việc tại cảng Yehliu, Tân Bắc, nhưng bỏ trốn vì phải lao động quá nặng nhọc và bị chủ bóc lột về thể chất. Sau khi bỏ trốn, ông Đoàn được thuê lao động bất hợp pháp tại các trang trại ở quận Nantou và Chiayi, miền trung Nam Đài Loan.

Em gái ông Đoàn cho biết vào ngày 14 tháng 4, ông Hoàng Văn Đoàn cùng các công nhân nhập cư không giấy tờ khác bị cảnh sát truy đuổi. Ông Đoàn được nói đã bị cảnh sát giam giữ và còng tay, nhưng trốn thoát được. Sau đó cảnh sát đuổi theo và bắn vào đầu ông.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Quảng Ngãi: Dân thả 3 cán bộ, công an vẫn giam 9 người


RFA 2018-09-04 - Chiều ngày 4 tháng 9, Đại tá Võ Văn Dương, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ngãi cho hay, cơ quan chức năng đã tạm giữ hình sự 9 người vì có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối người thi hành công vụ, và lập biên bản vi phạm hành chính với 23 người khác liên quan đến vụ việc chặn Quốc lộ 1A vào đêm 2-9, rạng sáng 3-9. Số người này bị cáo buộc là đã dùng gạch đá và bom xăng để ném vào lực lượng cảnh sát cơ động, người dân sau đó lên tiếng bác bỏ cáo buộc này và trong các đoạn video quay tại hiện trường cũng không thấy sự việc cháy nổ do bom xăng.

Hàng trăm người dân xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi tập trung phản đối nhà máy xử lý chất thải MD. Courtesy: Ảnh chụp màn hình soha.vn

Phát biểu tại buổi họp báo chiều ngày 4/9, ông Dương cho biết có khoảng 500 người, vào sáng 4-9, đã bao vây UBND xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ để đòi trả tự do cho số người bị bắt trước đó, đồng thời tạm giữ 3 cán bộ gồm 1 công an và 2 người thuộc nhà máy xử lý chất thải MD, đơn vị bị người dân tố cáo là gây ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, đến khoảng 16 giờ chiều thì 3 cán bộ này lần lượt được trả tự do trong khi 9 người dân vẫn còn bị giam giữ ở công an huyện Đức Phổ. 


Một nhân chứng giấu tên có mặt tại UBND xã Phổ Thạnh vào trưa 4/9 nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại rằng, có khoảng 2 ngàn người vây UBND xã và công an đánh một người dân phải nhập viện.

“Ở đây bà con bị đánh rất nhiều, bà già, con nít, một thai phụ bị bóp cổ và đánh đến sẩy thai. Tôi chứng kiến, ở đây toàn dân xã Phổ Thạnh đều chứng kiến sự việc đó như vậy. Một số người bị bắt, bị đánh, họ thả về còn khoảng 10 người, họ bắt là phải đồng ý ký không di dời nhà máy rác mới thả ra. Dân chúng tôi không đồng ý và lên UBND xã và mời Chủ tịch xã để nói chuyện. Ông Chủ tịch xã nói là ông không có thẩm quyền để nói, ông không gặp, trốn tránh mà cho các anh cảnh sát giấu mặt để đánh dân tôi.”

Đài Á Châu Tự Do đã gọi điện cho Công an huyện Đức Phổ để xác định thông tin nhưng bị từ chối trả lời.

Mạng báo Soha dẫn lời Đại tá Võ Văn Dương nói rằng, từ ngày 29/7 đến nay người dân xã Phổ Thạnh liên tục tập trung trước khu vực ngã ba đường tránh Tây Quốc lộ 1A, đoạn qua Sa Huỳnh nối lên Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt MD.

Những người này phong tỏa tuyến đường, không cho xe ra vào nhà máy. Nhà máy xử lý rác thải MD buộc phải ngừng hoạt động trong suốt thời gian trên.

Cũng theo tờ báo này, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức đối thoại với người dân nhưng bất thành. UBND tỉnh Quảng Ngãi sau đó đã đồng ý phương án di dời nhà máy.

Theo báo Quảng Ngãi, nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt huyện Đức Phổ do công ty TNHH Thương Mại và Công nghệ Môi trường MD làm chủ đầu tư sử dụng công nghệ lò đốt, với số vốn hơn 50 tỷ đồng, công suất xử lý 50 tấn rác/ngày đêm, được đầu tư từ nguồn xã hội hóa. 

Nhà máy được xây dựng tại bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, thôn La Vân, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ. Nhà máy khởi công từ tháng 8 năm 2016 và đi vào hoạt động từ tháng 3 năm 2018.
Tuy nhiên, người dân địa phương phản ảnh là nhà máy này xây chỉ cách khu dân cư có 600 mét và khi xây không hỏi ý kiến người dân, dạo gần đây phát sinh mùi hôi thối và ô nhiễm nguồn nước khiến những người dân phải sống trong cảnh khổ sở.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/quangngai-polie-detained-9-people-09042018135638.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

Châu Phi sống dở chết dở với "bẫy nợ" của Trung Quốc


Châu phi là tấm gương điển hình của hậu quả để TQ nhảy vào khai thác nền kinh tế thị trường. Hiện nay Châu Phi đang phải sống dở chết dở với các khoản nợ khó có thể trả. Dưới đây là những thông tin thêm về vụ việc. Ô tô lướt nhanh trên những con đường do Trung Quốc xây dựng, cần cẩu Trung Quốc vươn cao ở cuối chân trời, tiếng máy may chạy rào rào trong các nhà máy Trung Quốc, người dân đi tàu điện của Trung Quốc đến nơi làm việc.
Image result for "bẫy nợ" của Trung Quốc
Đi theo hình mẫu đô thị hiện đại của Trung Quốc ở châu Phi có những thách thức nhưng với khu vực phát triển ở thủ đô Addis Ababa là không thể tránh khỏi. Nói một cách đơn giản, thủ đô Addis Ababa của Ethiopia đang trở thành thành phố mà Trung Quốc xây dựng - nhưng cái giá này là bao nhiêu?

Đô thị "Made by China"

Nằm trên mực nước biển 2.355m, Addis Ababa là một trong những thành phố cao nhất trên thế giới. Thống kê năm 2007 cho biết, có khoảng 2,7 triệu cư dân sinh sống tại đây nhưng con số này chắc chắn đã lớn hơn nhiều trong thời điểm hiện tại.Một số tòa nhà ở đây có địa chỉ, vì thế các tài xế taxi hoạt động theo địa bàn. Vì Ethiopia chưa bao giờ bị đô hộ, chỉ trừ cuộc chiến chống phát-xít Italia trong thời gian từ 1936 - 1941, thủ đô Addis thiếu kiến trúc hạ tầng châu Âu ẩn dưới các đô thị châu Phi.

"Nó chưa bao giờ được hoạch định trở thành một thành phố", Alexandra Thorer, một kiến trúc sư sống ở Addis từ bé, viết trong nghiên cứu về quá trình đô thị hóa của thành phố.


Related image

Bước vào thế kỷ 21, dân số Addis tăng mạnh và những con đường xập xệ cần phải nâng cấp. Cùng lúc đó, Bắc Kinh đang theo đuổi quan hệ mật thiết hơn với các quốc gia châu Phi.Chính phủ Ethiopia nhìn thấy ở Trung Quốc một mô hình phát triển và nguồn đầu tư hạ tầng, Ian Taylor, Giáo sư kinh tế chính trị châu Phi tại Đại học St. Andrews, Scotland nói.

Trong 2 thập kỷ, Trung Quốc đã cung cấp cho Addis con đường 86 triệu USD; nút giao Gotera trị giá 12,7 triệu USD và tuyến đường sắt Ethio - Djibouti trị giá 4 tỷ USD, nối đất nước nằm trọn trong đất liền này ra biển. Tốc độ phát triển của Addis, theo Thorer, là sự phản ánh tốc độ bùng nổ đô thị ở Trung Quốc trong thế kỷ 21.

Trung Quốc cũng xây dựng hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên ở Addis, đi xuyên qua trung tâm thành phố và có thể chở ít nhất 30.000 hành khách/giờ.

Một tòa nhà bằng kính 46 tầng được Tập đoàn xây dựng nhà nước Trung Quốc tiến hành sẽ hoàn thành vào năm 2020, trở thành công trình cao nhất tại quốc gia châu Phi này. Còn cao ốc chọc trời biểu tượng của thành phố, chính là trụ sở Liên minh châu Phi, món quà trị giá 200 triệu USD từ Bắc Kinh năm 2012."Tôi đã không nhận ra các công trình này giống Trung Quốc thế nào cho đến khi tôi đến Trung Quốc", Janet Faith Adhiambo Ochieng, nhân viên truyền thông tại AU cho biết.

Image result for "bẫy nợ" của Trung Quốc

Cái giá của ngoại giao "bẫy nợ"


Châu Phi hiện nợ Trung Quốc khoảng 130 tỷ USD, theo Sáng kiến ​​Nghiên cứu Trung Quốc-Châu Phi của Tổ chức Johns Hopkins SAIS. Khoản tiền này chủ yếu được sử dụng để tài trợ cho các dự án giao thông, điện và khai thác mỏ.

Châu lục này tụt lại phía sau so với các khu vực đang phát triển khác trong hầu hết các lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Việc cho vay của Trung Quốc đối với châu Phi đã gây ra những lời chỉ trích. Cựu ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho rằng các khoản vay của Trung Quốc khiến các quốc gia lâm vào cảnh nợ nần và cắt giảm chủ quyền của họ.

Ethiopia đã vay ít nhất 12,1 tỷ USD từ "chủ nợ" Trung Quốc kể từ năm 2000. Còn ở Djibouti, Trung Quốc nắm giữ 77% nợ quốc gia.

Related image

Lina Benebdallah, Phó Giáo sư chính trị và các vấn đề quốc tế tại Đại học Wake Forest, Bắc Carolina cảnh báo, mối quan hệ Trung Quốc - châu Phi là "bất đối xứng". Trong năm 2016, Trung Quốc đã xuất khẩu 88 tỷ USD hàng hóa sang châu Phi, nhưng chỉ nhập khẩu lượng hàng hóa bằng một nửa từ lục địa này.

Một trong những lo ngại lớn nhất liên quan đến các khoản vay của Trung Quốc là chính sách ngoại giao "bẫy nợ", cho phép Bắc Kinh tạo áp lực với các nước không thể trả nợ.

Chẳng hạn như Bắc Kinh đã yêu cầu các quốc gia châu Phi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, tuân theo "Chính sách Một Trung Quốc".


Năm 2010, Bắc Kinh đầu tư 1,5 tỷ USD để xây dựng cảng Hambantota. Khi Sri Lanka không thể trả nợ, họ đã ký hợp đồng cho một công ty Trung Quốc thuê cảng trong 99 năm.

Luke Patey, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, cho rằng, nếu các nước đang phát triển không chú ý nhiều hơn đến việc quản lý nợ với Trung Quốc, chúng ta sẽ thấy một số lượng ngày càng lớn quyền đối với các tài sản chủ quyền bị đem ra trao đổi.

Một mối lo ngại nữa là an ninh quốc gia. Đầu năm nay, tờ báo Pháp Le Monde cáo buộc Bắc Kinh theo dõi hoạt động ở Liên minh châu Phi qua một hệ thống máy tính. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc. Nhưng thông tin này đã dấy lên những quan ngại khi Trung Quốc là nhà thầu xây dựng một loạt các trụ sở chính trị ở châu Phi.

Image result for "bẫy nợ" của Trung Quốc

Ngoài ra, khi Trung Quốc tài trợ các con đường, đường sắt và các đập thủy điện, các công ty Trung Quốc được phép sử dụng bê tông và thép của Trung Quốc. "Châu Phi chỉ phục vụ như là một bệ phóng cho các công ty Trung Quốc để có được kinh nghiệm ở nước ngoài", ông Patey nói.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hết ODA, 'nghề công chức' mất giá


Tiệc ăn chực nào cũng phải có lúc tàn. Chẵn một phần tư thế kỷ từ lúc bắt đầu ‘ăn đủ, ăn dày’ nguồn tiền ODA - viện trợ phát triển chính thức - của thế giới ‘tư bản giãy chết’, đến tháng Tám năm 2018 chính thể độc đảng ở Việt Nam đã phải gián tiếp thừa nhận hiện thực nợ công ngập đầu: ODA chỉ còn rất ít hoặc sẽ hết sạch. Những ai sẽ phải thất vọng và tuyệt vọng? Đứng đầu bảng nạn nhân của hậu quả nợ công ODA là dân. Luôn là nhân dân. Nếu dân Việt tuyệt vọng vì núi nợ công trên đầu mình thì giới quan chức cũng cuống cuồng thất vọng: chẳng còn gì để ‘ăn’. Hẳn đó là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp đã khiến gần đây một số quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải than vãn ‘khó tìm được nhân tài’ cho bộ này…

Đồng hồ nợ công của tạp chí The Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn $94 tỉ. (Hình: Trích từ website của The Economist).

Núi nợ 210% GDP và quả báo ứng nghiệm!

Liệu con số 35 triệu đồng nợ công đè lên mỗi đầu dân từ người già sắp chết đến trẻ sơ sinh mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan có trách nhiệm chính ‘quản lý nguồn vốn ODA’ nhưng từ mấy năm qua đã có nhiều biểu hiện muốn ‘nghỉ ngơi vì quá no’ và muốn đẩy bớt trách trách nhiệm cho các cơ quan khác như Bộ Công thương, Ngân hàng nhà nước, Văn phòng chính phủ cũng đang ‘no’ không kém - công bố có đúng với thực tế?

Thực tế còn khốn quẫn hơn nhiều, rất nhiều. Trong khi vào thời thủ tướng bị xem là ‘phá chưa từng có’ - Nguyễn Tấn Dũng - trị vì 9 năm và cũng là thời vay mượn ODA xả láng bất cần hậu quả nhất, tỷ lệ nợ công quốc gia luôn bị ép dưới 65% GDP - tức chỉ khoảng 130 tỷ USD, thì con số nợ công trần trụi hơn rất nhiều đã lên tới 431 tỷ USD - tức chiếm đến 210% GDP, vượt rất xa ngưỡng cho phép 65% GDP (theo tiêu chí thế giới) và thực chất đã quá nguy hiểm đối với một đất nước mà mức độ tàn tạ về tài nguyên thiên nhiên và ngân sách luôn tỷ lệ thuận với thói ‘ăn của dân không chừa thứ gì’.

Việt Nam đương đại năm 2018 và ‘toàn đảng, toàn quân, toàn dân lập thành tích tiến tới đại hội 13’ vào năm 2021. Trong cơn mê sảng quằn quại giai đoạn cuối, quả báo đã ứng nghiệm.

Hạn ngạch đạo đức hay giới hạn chấm mút?

Quả báo ODA đã chính thức bắt đầu từ năm 2012. Ngay trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ năm 2012, Bộ Ngoại Giao Đan Mạch đã không ngần ngại tuyên bố ngừng 3/4 dự án ODA tài trợ cho Việt Nam do nghi ngờ một số cơ quan đơn vị sử dụng chi sai khoảng 11,4 tỷ đồng trên tổng số tiền 69 tỷ đồng do Đan Mạch tài trợ, tương đương khoảng 19,9 triệu cua-ron.

Đến năm 2013, Thụy Điển đã bắt buộc phải ngừng vô thời hạn các khoản viện trợ ODA cho Việt Nam sau khi phát hiện hàng loạt gian dối của quan chức Việt. Sau đó cả Bộ Ngoại Giao Australia vài vài quốc gia khác cũng bắt đầu cắt giảm viện trợ.

Một trong những “gương người tốt việc tốt” ghê gớm nhất là vụ PMU18 vào năm 2006, với hình ảnh rất tiêu biểu của trưởng ban PMU18 Bùi Tiến Dũng thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải - một kẻ tắm bia khi quan hệ với gái.

Sau đó, báo chí Nhật Bản - chứ không phải báo chí Việt Nam - đã phát hiện công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương của Nhật đã phải hối lộ cho quan chức Việt Nam phụ trách dự án đại lộ Đông-Tây ở Sài Gòn một phần hoa hồng tương đương 10% giá trị hợp đồng. Lúc đó cũng là một trưởng ban của PMU Đông-Tây là Huỳnh Ngọc Sĩ đã nhận số tiền hối lộ trên 800.000 đô la.

Chỉ vài tuần lễ sau khi xảy ra vụ việc 6 quan chức ngành đường sắt Việt Nam bị bắt tạm giam do bị nghi nhận tổng cộng 16 tỷ đồng tiền hối lộ từ công ty Tư Vấn Giao Thông Nhật Bản (JTC), vào đầu tháng Sáu năm 2014, Bộ Ngoại Giao Nhật Bản đã ra thông báo cho biết các khoản vay mới bằng đồng yen và các khoản tài trợ cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã bị đình chỉ.

Hạn ngạch đạo đức giới quan chức tham nhũng ODA đã không còn biết giới hạn chấm mút là gì.

Thậm chí còn có những tỉ lệ tham nhũng, thất thoát cụ thể đối với ODA ở Việt Nam. Trong một lần hiếm hoi được ‘mở miệng’, báo điện tử Vietnamnet đã nêu ra một minh họa cụ thể: từ năm 2009-2010, sau khi đại sứ quán Nhật tại Việt Nam loan báo sẽ viện trợ không hoàn lại để một số tỉnh xây trường học, đường sá hạ tầng& thì có một phụ nữ mà tờ báo không dám nêu tên, chỉ cho biết là cư ngụ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, đã liên lạc với lãnh đạo nhiều xã ở Hà Tĩnh để đặt vấn đề chạy dự án, với điều kiện khi thành công phải cắt cho bà ta 40%.

Sau đó nguồn vốn ODA đã được rót về cho ba xã ở Hà Tĩnh, trong đó có một xã tên là Gia Phố được nhận 80,000 đô la để xây dựng trường tiểu học. Chính quyền xã này đã lấy 8.000 đô la chia cho nhau, rồi lấy thêm 24.000 đô la chi cho người phụ nữ làm môi giới. Tỉ lệ 40% tương tự cũng xảy ra ở huyện Cẩm Xuyên. Do bị ăn chặn thảm thiết đến thế, các cơ sở giáo dục, đường sá ở ba xã trên đều sụt giảm mạnh về quy mô và chất lượng.

Còn rất nhiều dẫn chứng khác về lãng phí và “ăn dày” ODA, đặc biệt là những dự án sử dụng vốn ưu đãi trong lĩnh vực giao thông bị chậm tiến độ và đội vốn lớn so với tổng mức dự kiến đầu tư ban đầu như dự án tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội, dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) và dự án metro tuyến Bến Thành-Tham Lương ở Sài Gòn...

Thế nhưng điều kỳ quái lạ là cho đến nay, bất chấp yêu cầu trong rất nhiều lần các tổ chức tài trợ quốc tế và giới chuyên gia phản biện trong nước, ở Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ tổ chức giám kiểm độc lập nào cho một khu vực được coi là nhạy cảm như ODA. Những tổ chức phi chính phủ Việt Nam muốn làm việc này thì không được cho phép thành lập, trong khi đó những tổ chức phi chính phủ nước ngoài vốn có truyền thống kiểm định những dự án lớn như thế này lại chưa hoạt động ở Việt Nam, và cũng chưa được được một cơ quan nhà nước Việt Nam nào mời. Các cơ quan quản lý Việt Nam chỉ muốn ‘ôm’ và ‘ăn’…

Cạn ODA và bi kịch vĩ đại

2018, sau vài chục năm “vay mượn, vay mượn ồ ạt cho đến khi sụp đổ,” ngân sách Việt Nam đã biến thành một tổ mối đúng nghĩa: tỉ lệ nợ công/GDP vượt xa giới hạn nguy hiểm, còn cộng đồng tài chính quốc tế đang thẳng tay “cấm cửa” vay mượn ODA đối với chính thể mà ngay giới chuyên gia quốc tế còn rành rẽ một giai thoại dân gian: một chương trình an sinh xã hội của chính phủ Việt Nam nhận nguồn ODA có tên là ‘Chương trình 135’, nhưng khi tiền được phân bổ từ cấp cơ quan trung ương xuống cơ quan địa phương rồi đến tay người dân thì đã biến thành công thức ‘5 - 3 - 1’, tức những người khốn khổ nhất trong xã hội lầm than này chỉ nhận một phần quá nhỏ nhưng vẫn phải tự nguyện ‘cám ơn đảng và nhà nước ta’, cũng tự nguyện làm bình phong để giới quan chức có cớ ‘xóa đói giảm nghèo’ để xin ODA.

2018, sau vài chục năm nhận ‘lộc trời’, ODA đã trở thành một trong những bi kịch ‘vĩ đại’ nhất của chính thể Việt Nam.

Bi kịch đến nỗi mà vào một buổi sáng mùa thu năm 2017, Thủ tướng Phúc đã phải “đề nghị Ngân hàng thế giới tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho Việt Nam các khoản không hoàn lại để giảm tối đa làm chi phí vay vốn, tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay” - cử chỉ xin tiền đầu tiên và hình như không còn quá chú tâm về lòng tự trọng kể từ ngày quan chức này phải lãnh trách nhiệm ‘đổ vỏ’ cho đời thủ tướng trước bị xem là ‘phá chưa từng có’ là Nguyễn Tấn Dũng…

Bi kịch đến mức mà vào cuối tháng Sáu năm 2018, cuộc gặp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ Tài chính Hoa Kỳ ở Washington đã khiến lộ ra một ‘bí mật quốc gia’ mà mấy năm qua giới quan chức Việt Nam cố tình giấu nhẹm: ông Huệ đề nghị Mỹ “mở lại kênh cho vay ODA và vay ưu đãi cho Việt Nam, tăng cường các chương trình viện trợ trực tiếp và gián tiếp thông qua các tổ chức phi chính phủ để thực hiện các dự án nhân đạo và hỗ trợ phát triển tại Việt Nam”.

Cũng có nghĩa là trong những năm gần đây, lượng ODA và viện trợ không hoàn lại được cấp từ Mỹ cho Việt Nam đã giảm về 0.

Nhưng Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đặt Việt Nam vào trạng thái zero viện trợ, mà động thái này như thể ‘không hẹn mà gặp’ đã diễn ra phổ biến ở gần hết các nước cấp viện trợ cho Việt Nam, dẫn đến một phát hiện lớn mà ‘đảng và nhà nước ta’ đã không dám công bố trong suốt 4 năm qua: từ năm 2014 đến năm 2018, viện trợ ODA cho Việt Nam luôn cận kề với vạch 0.

Đến lúc này, người ta đã có thể hiểu vì sao giới quan chức cao cấp Việt Nam đã tận dụng các sự kiện hội thảo quốc tế, các cuộc gặp song phương ở Hà Nội lẫn các chuyến công du nước ngoài để phát ngôn ‘xin tiền’ không biết mệt mỏi.

Hết mật, sạch ruồi và ‘tìm đâu ra nhân tài’

2018 rất có thể là năm chứng kiến sự sụt giảm thảm thiết nhất của nguồn vốn ODA (viện trợ phát triển chính thức) vào Việt Nam, bổ túc một dấu ấn cho năm ‘thắng lợi kinh tế chưa từng có’ và ‘tiếp tục gặt hái nhiều thành công đối ngoại’ theo lối tuyên truyền không còn biết trời cao đất dày của chính thể độc đảng này, chìm nghỉm trong bức tranh tổng thể mang gam màu xám ngoét - được đặc tả bởi sự phối ngẫu của ba thành phần ‘binh chủng hợp thành’: nợ công - nợ xấu - ngân sách.

Tháng Tám năm 2018, tròn một năm sau khi Việt Nam bị các tổ chức tín dụng quốc tế là Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) chính thức tăng lãi suất cho vay gấp 3 lần và giảm thời gian ân hạn xuống chỉ còn một nửa, các cơ quan quản lý trên dải đất ‘lệ tuôn hình chữ S’ cùng giàn đồng ca của hơn nhiều tờ báo nhà nước một lần nữa rên la thống thiết ‘Gánh nặng ODA’, ‘Nhiều dự án vay vốn ODA không có khả năng trả nợ’, ‘Xác định rõ trách nhiệm để ODA vượt trần 300.000 tỷ’, ‘Cân nhắc sử dụng nguồn ODA’, ‘ODA đã hết hấp dẫn’…

Không chịu cải cách thể chế, cũng chẳng chịu cải thiện nhân quyền một cách thực tâm, chi tiết và bằng hành động mà vẫn là thói trớt trả miệng lưỡi như trước đây, chính thể độc trị ở Việt Nam vào năm 2019 có thể sẽ nhận được con zero to tướng giá trị ODA mà các tổ chức quốc tế ký kết với Việt Nam.

Nghề công chức liên quan đến nhiệm vụ ‘tiếp nhận và điều tiết nguồn viện trợ ODA’ ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Sở Kế hoạch và Đầu tư ở các tỉnh thành cũng bởi thế đang và sẽ kém hẳn phần hấp dẫn so với thời vàng son trong dĩ vãng.

Nếu trong dĩ vãng phải chạy tiền đậm mới có thể được trở thành công chức ngồi thực thi công thức ‘5 - 3 - 1’, thì nay và những năm tháng tới, chỗ nào hết mật sẽ tự nhiên sạch bóng ruồi.

Nếu dân Việt tuyệt vọng vì núi nợ công trên đầu mình thì giới quan chức cũng cuống cuồng thất vọng: chẳng còn gì để ‘ăn’.

Hẳn đó là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp đã khiến gần đây một số quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải than vãn ‘khó tìm được nhân tài’ cho bộ này…

Phạm Chí Dũng


Phần nhận xét hiển thị trên trang

BẮN CHỈ THIÊN!

THỦ ĐÔ HÀ NỘI NẰM TRONG TAY AI?

Đoạn này hay: Những bậc lão thành tham gia cách mạng 1945 vì mục đích người cày có ruộng sẽ nghĩ gì trước đại cuồng phòng thâu tóm đất đai hiện nay? Sau họ là thế hệ đã xông pha ở Điện Biên, sau nữa là thế hệ ở Khe Sanh Quảng Trị, tất cả họ đã hiến dâng trọn tuổi trẻ và cả máu xương cho mục đích công bằng, cuối cùng họ vỡ lẽ ngỡ ngàng bởi mục tiêu cao đẹp ban đầu mà họ hiến dâng đang đổ vỡ. Trước đây họ lấy ruộng của địa chủ để chia cho người cày thì bây giờ ngược lại, người ta lấy đất của người cày để đưa cho các đại chúa đất. Thay vì công bằng là sự ngự trị của bất công. Giai cấp chúa đất mới hình thành nhờ chế độ sở hữu toàn dân. Nguy hại hơn, sở hữu toàn dân đang tạo ra cơ hội để ngoại bang có thể sở hữu đất đai Việt Nam trong một “tiểu quốc gia” qua nhiều thế hệ.

Nuyễn Ngọc Chu - Nghe Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói Hà Nội sẽ như Hong Kong, Singapore thì giật mình tưởng đang ngủ mơ. Nhưng kiểm tra lại thì rõ ràng: "Hà Nội đặt ra một số tiêu chí trong môi trường kinh doanh đuổi sát Singapore, Hong Kong trong 4 năm tới, việc này có làm được không? Chủ tịch Hà Nội khẳng định làm được, tôi nghĩ Hà Nội hoàn toàn làm được", Thủ tướng nhấn mạnh”(Tuổi trẻ 17/6/2018, Thủ tướng: Hà Nội sẽ đuổi kịp Hong Kong, Singapore).
Chưa hết, hôm nay (17/6/2018) lại thấy báo Dân Trí đưa tin, rằng “Chính phủ hoàn toàn đồng ý giao hoàn toàn hơn 2.000 hécta đất” khu vực trục Nhật Tân – Nội Bài cho chủ một công ty bất động sản, nhưng “chỉ nhận làm một phần thôi” để xây “thành phố thông minh” 4 tỷ USD, “phấn đấu đẹp hơn Singapore”. Đến đây thì không chỉ choáng váng, mà tự hiểu mình đích thực đang bị ngộ độc.

ĐỪNG VẼ RA NHIỀU TỶ

Chẳng ai lạ gì về kế sách vẽ ra dự án ở Việt Nam. Có thể nêu tóm tắt mấy điểm chính sau đây.

1. Điều đầu tiên là vẽ ra nguồn đầu tư tài chính nhiều trăm triệu, thậm chí cả nhiều tỷ đô la cho dự án.

2. Theo sau là bản đồ quy hoạch tổng thể đẹp hơn mơ.

3. Tiếp đến là tấm bùa hộ mệnh “Liên doanh nước ngoài”.

4. Với đích ngắm là hàng chục, hàng trăm và cả hàng ngàn hecta đất, cùng tầm nhìn giữ đất 20, 30 năm.

5. Bốn mục nêu trên sẽ trở nên vô nghĩa, nếu không thực thi tốt mục thứ 5 - điều quan trọng - trước cả đầu tiên, sau cả cuối cùng: Đó là hoạt động hậu trường ở tất cả các điểm chìa khoá, trong đó chìa khoá ở thượng tầng là quyết định.

ĐỪNG ẢO TƯỞNG ĐẸP HƠN SINGAPORE

Xây đựng một thành phố không chỉ là bản vẽ. Mà phụ thuộc vào ai là chủ đầu tư, ai thi công và ai quản lý. Ở cả ba khâu vừa nêu, “thành phố thông minh” còn lâu mới theo kịp Singapore.

Để khỏi phản biện “bằng Singapore” hãy lấy nhà ga quốc tế Nội Bài vừa xây xong làm thí dụ. Thua cả nhà ga T2 của Singapore xây dựng năm 1990, đừng nói đến T3 năm 2008 và T4 năm 2017.

Đó là chưa nói đến, một thành phố chỉ phồn hoa bằng nhà cửa mà không sở hữu công nghệ, không có sức sản xuất, thì phồn hoa đó cũng chỉ là giả tạo. “Thành phố thông minh” cũng là vay mượn mà thôi. Một thành phố mà lấy bất động sản làm tiêu chí đua tranh quốc tế thì đó là con đường xuống vực.

Lại nghe nói “thành phố thông minh” sẽ có một Hồ Gươm không tháp rùa, thì đo ngay được tầm suy nghĩ và mục đích của chủ đầu tư. Chủ ý phía sau, muốn mượn hình bóng Hồ Gươm để nói rằng “thành phố thông minh là thủ đô mới” vì cũng có Hồ Gươm.

Nhưng sao chép Hồ Gươm về vật lý, không có tháp rùa, không cầu thê húc và không toàn bộ cảnh quan xung quanh Hồ Gươm, thì đó chỉ là một cái ao lớn.

Chưa nói đến, không ai nhân bản vật lý tháp Eiffel thứ hai tại Paris. Không ai xây điện Kremlin thứ hai ở Matxcova. Càng không ai đào Ngũ Hồ thứ hai ở Bắc Mỹ. Kiến trúc tiệt đường sáng tạo rồi hay sao mà phải nhân bản?

Một Hồ Gươm giả ở tả ngạn sông Hồng, một Hồ gươm thật ở hữu ngạn sông Hồng có làm cho Hà Nội loạn Hồ Gươm và làm giảm ý nghĩa của Hồ Gươm?

Và liệu Thần Linh của Hồ Gươm có nổi giận khị bị làm nhái?




QUY HOẠCH HÀ NỘI ĐANG NẰM TRONG TAY AI?

Hà nội không có quy hoạch. Quy hoạch Hà Nội không cần học. Cứ xẻo Hà Nội ra thành nhiều mảng giao cho các nhà đầu tư bất động sản để đấu thầu quy hoạch. Họ không cần học về quy hoạch thành phố. Họ có tiền và thuê thiết kế. Họ duyệt thiết kế. Các nhà thiết kế phải cắt xén theo ý của chủ đầu tư. Kết quả, Hà Nội là bức tranh tổng hợp bao gồm các tư tưởng thiết kế của các trùm bất động sản. Những người có tiền đứng trên mọi kiến trúc, cao hơn mọi kiến thức.

Hãy nhìn các tiểu khu đô thị, các ngôi nhà nhiều tầng của các ông trùm bất động sản ở Hà Nội trong toàn cảnh thành phố nhìn từ trên cao, chúng ta sẽ nhận thấy một sự hổ lốn bao trùm. Quy hoạch thành phố không đơn giản là một ngôi nhà đẹp, một tiểu khu đẹp, mà phải hài hoà trong tổng thể kiến trúc toàn cảnh. Một ngôi nhà đẹp riêng rẽ có thể không phù hợp trong một tổ hợp kiến trúc. Hơn thế nữa, nếu đặt vào có thể phá hỏng kiến trúc tổng thể. Kiến trúc Hà Nội là những mảnh vá, hàng vạn mảnh vá.

Buồn thay, hổ thẹn thay bao kẻ học hành, giữ quyền cao chức trọng, ăn bổng lộc của dân, khoác trên mình bao học hàm học vị, dự hết hội thảo khoa học này đến hội thảo khoa học khác, đến phần việc chủ quyền và trách nhiệm của mình, lại không đủ bản lĩnh trí tuệ để thực hành, mà phải a dua đồng thuận, nhường những ông trùm bất động sản không có kiến thức chuyên ngành mà chốc lát trở thành những tổng công trình sư kiến trúc.

Với đà này, mỗi trùm bất động sản thiết kế một Hồ Gươm thì Hà Nội sẽ có cả chục Hồ Gươm!

HÀ NỘI ĐANG BỊ XÉ NÁT

Thủ đô Hà Nội đang bị xé nát trong tay các nhà đầu tư bất động sản.

Hãy nhìn đến các khu đô thị đã xây dựng, như Trung Yên, Linh Đàm, hay bất cứ khu đô thị mới nào, đều vô cùng nhức mắt. Đã thế, những khoảng đất mới trong nội đô, vừa được giải phóng, chẳng hạn như khu triển lãm Giảng Võ, thì đều bị các nhà đầu tư bất động sản thâu tóm ngay. Thậm chí cả nhà ga Hàng Cỏ cùng khu vực bao quanh cũng bị đề xuất phá bỏ để các trùm bất động sản xây nhà 70 tầng kiếm lời. Kiến trúc Pháp đang bị đập phá dần, nhường chỗ cho kiến trúc chắp vá của các chúa đất.

Hà Nội đang hối hả giao đất. Toàn bộ phía Bắc sông Hồng đang được giao cho các trùm bất động sản. Họ quyết định giao 2000 hécta đất (20 km2) cho một người, đơn giản là trao tờ giấy đầu tư, không mảy may dày vò trăn trở. Và rồi hàng ngàn hécta đất khác sẽ tiếp tục được giao chỉ bằng những chữ ký trên những tờ giấy mong manh, mà sau đó là hàng chục vạn số phận nhân quần chân lấm tay bùn không nơi cày cấy.

Các nhà đầu tư bất động sản đang vội vã. Chưa bao giờ họ có cơ hội trở thành đại chúa đất như bây giờ. Những người có quyền đang triển khai chính sách đổi đất lấy hạ tầng một cách gấp rút, bởi phần nóng lòng muốn phát triển đột phá thì ít, mà sốt ruột do hạn chế nhiệm kỳ thì nhiều. Giá đất qua tay nhà đầu tư bất động sản tăng từ 20 đến cả trăm lần, là động cơ không khoan nhượng quyết vượt qua mọi trở lực để sở hữu đất. Cả hai phía, kẻ giao đất và kẻ nhận đất, đều đang rất vội vã trên đường đua.

NẾU TIỀN NHÂN SỐNG LẠI

Những bậc lão thành tham gia cách mạng 1945 vì mục đích người cày có ruộng sẽ nghĩ gì trước đại cuồng phòng thâu tóm đất đai hiện nay?

Sau họ là thế hệ đã xông pha ở Điện Biên, sau nữa là thế hệ ở Khe Sanh Quảng Trị, tất cả họ đã hiến dâng trọn tuổi trẻ và cả máu xương cho mục đích công bằng, cuối cùng họ vỡ lẽ ngỡ ngàng bởi mục tiêu cao đẹp ban đầu mà họ hiến dâng đang đổ vỡ. Trước đây họ lấy ruộng của địa chủ để chia cho người cày thì bây giờ ngược lại, người ta lấy đất của người cày để đưa cho các đại chúa đất. Thay vì công bằng là sự ngự trị của bất công.

Giai cấp chúa đất mới hình thành nhờ chế độ sở hữu toàn dân. Nếu tiền nhân sống lại thì họ sẽ nghĩ gì về sở hữu toàn dân? Sở hữu toàn dân đang biến đất đai của người dân thành những chiếc lá đa để chuyển qua tay những kẻ buôn đất, giúp họ trở thành những nhà tư bản cộng sản kếch sù sau một thương vụ cầm trong tay những tấm vàng lá.

Nguy hại hơn, sở hữu toàn dân đang tạo ra cơ hội để ngoại bang có thể sở hữu đất đai Việt Nam trong một “tiểu quốc gia” qua nhiều thế hệ. Sống chỉ một đời mà dám cả gan cho thuê đất của không chỉ đời con, đời cháu mà đến đời chắt chút chít chịt. Chừng nào còn sở hữu toàn dân về đất đai, thì chừng đó người ta còn xem đất đai như sở hữu riêng để ban phát phung phí, chừng đó càng sinh sôi giai cấp chúa đất mới trên một phông nền bất công, không sòng phẳng.

Chỉ lớn lên bằng lúa gạo, mới thấm thía nỗi đau của người nông dân không có đất.

Chỉ lớn lên bằng mắm ruốc, mới xót xa khốn cảnh của ngư dân không nơi quăng lưới.

Chỉ lớn lên bên sương khói Hồ Gươm, mới buốt xé những nhát cắt nát tan một kinh thành ngàn năm văn hiến./.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Tinh thần quốc dân


04/09/2018 FB Nguyễn Hồng Lam 

Phải thừa nhận, cái khác cơ bản chính là cái khác tâm thế giữa con người hai dân tộc. Người Nhật biết nhún mình, cúi đầu để chìa tay cùng bè bạn, thậm chí cùng cựu thù ở bên ngoài, nhưng bên trong là niềm kiêu hãnh, tự tôn, là ý chí vượt lên chính mình trong những cố gắng khiêm tốn chưa bao giờ nguôi tắt. Còn người Việt, chúng ta quá quen với sự cao ngạo chiến thắng, kiêu hãnh ngẩng đầu với những chiến tích, thật ra chỉ để khỏa lấp mặc cảm tự ti, một tâm thế dân tộc dễ bị tổn thương, dễ nảy sinh hoang mang đố kỵ từ trong sâu thẳm. Ta tự kìm hãm ta vì mặc cảm bé nhỏ, luôn tự đặt mình vào vị thế đáng thương của một nạn nhân, dù là nạn nhân đã giành chiến thắng.


Tướng Umezu, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nhật ký văn kiện đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện trên chiến hạm USS Missouri, ngày 2-9-1945. Ảnh: internet

Những sự trùng hợp, dù hoàn toàn ngẫu nhiên, cũng dễ khiến sự liên tưởng bật ra so sánh.

Ngày 2-9-1945, tại Hà Nội, Hồ Chủ Tịch đã đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hàng chục vạn quần chúng lao khổ đã ngẩng mặt kiêu hãnh đón nhận vị thế công dân một quốc gia độc lập vừa giành được từ tay đế quốc Nhật Bản. Kể từ đó, dù còn phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh khác, trong óc và trên môi người Việt vẫn không bao giờ vắng bóng những từ ngẩng đầu, kiêu hãnh, tự hào… Từ ngữ được lặp đi lặp lại hình thành nên một tâm thế, một tư duy bất biến, giàu tính lãng mạn anh hùng ca, giàu vẻ lấp lánh mơ ước, rất có lợi cho hứa hẹn, tuyên truyền nhưng pha không ít màu ảo tưởng hay chí ít cũng xa rời thực tế. Phần nào, cả dân tộc đã tự đặt mình vào quán tính lấy mục đích để mô tả thực tế.

Cũng ngày 2-9-1945, trên chiến hạm USS Missouri của Mỹ neo đậu trong vịnh Tokyo, tướng Umezu, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Nhật Hoàng, có Ngoại trưởng Shigemitsu và nhiều thành viên nội các khác đứng nghiêm trang phía sau, đã cúi thấp người ký văn kiện đầu hàng quân Đồng Minh vô điều kiện. 

Trước sự chứng kiến của hàng loạt tướng lĩnh Đồng Minh, gồm: Đô đốc Nimitz của Mỹ, Tướng Xu Yongchang của Quốc Dân Đảng Trung Quốc, Đô đốc Fraster của Anh, Trung tướng Derevyanko của Liên Xô, Trung tướng Blamey của Úc, Thiếu tướng de Hauteclocque của Pháp, Phó Nguyên soái Isitt của New Zealand và nhiều sĩ quan cao cấp của một số quốc gia Đồng Minh khác…, Thống Tướng McArthur, Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ đã trịnh trọng đọc lời chấp thuận cho Nhật đầu hàng. Kể từ hôm đó, từ vị thế một đế quốc hùng mạnh, làm mưa làm gió khắp Châu Á, nước Nhật đã phải khép mình sống lệ thuộc dưới chính sách hậu chiến McArthur. Đầu họ cúi thấp, lưng họ khom xuống, như dáng dấp của người đại diện, tướng Umezu, khi cúi xuống ký văn kiện đầu hàng, trong khi trước mặt ông là viên tướng 5 sao của phe chiến thắng đứng chắp tay sau lưng ngạo nghễ.

Nhưng trái tim họ vẫn trỗi lên những nhịp đập mạnh mẽ. Người Nhật chấp nhận vị thế chiến bại, nuốt trái đắng thua cuộc vào lòng để làm lại từ đầu. Và họ đứng dậy. Chỉ 15 năm sau, từ hoang tàn, đổ nát và kiệt quệ, họ đã vượt lên thành một quốc gia công nghiệp phát triển. Miền Nam Việt Nam, nửa quốc gia chiến thắng, đã vui mừng, hồ hởi đón nhận những khoản viện trợ thay cho bồi thường chiến phí từ kẻ chiến bại năm nào. Nhà máy thủy điện Đa Nhim, Bệnh viện Chợ Rẫy, công trình Thủy lợi Kênh Nam, Kênh Bắc (thường gọi chung là mương Nhật) ở cả Bắc và Nam tỉnh Ninh Thuận… đều được Nhật giúp xây dựng từ thập niên 1960, đến nay vẫn phát huy tác dụng và không thể thay thế.

Bây giờ, sau 73 năm, Việt Nam huy hoàng vẫn là quốc gia nhận nhiều nhất Viện trợ không hoàn lại, Viện trợ phát triển từ Nhật Bản, quốc gia chiến bại có bầu trời u ám, con người cúi đầu trong ngày chúng ta đang ngẩng đầu mơ bầu trời sáng lạn.

Hãy nhìn nhận cho đúng, sòng phẳng và nghiêm túc. Khi nói về thực tế chậm phát triển, lạc hậu lâu dài của Việt Nam xin đừng đổ lỗi cho những cuộc chiến tranh, dù nó là sự thật lịch sử. Bởi lẽ, chiến tranh thật sự đã lùi xa đất nước chúng ta những 43 năm (1975-2018), gấp 3 lần khoảng thời gian Nhật Bản từ tro tàn thảm bại vươn mình thành một cường quốc kinh tế (1945-1960), và sau đó tiến như vũ bão. 

Phải thừa nhận, cái khác cơ bản chính là cái khác tâm thế giữa con người hai dân tộc. Người Nhật biết nhún mình, cúi đầu để chìa tay cùng bè bạn, thậm chí cùng cựu thù ở bên ngoài, nhưng bên trong là niềm kiêu hãnh, tự tôn, là ý chí vượt lên chính mình trong những cố gắng khiêm tốn chưa bao giờ nguôi tắt. Còn người Việt, chúng ta quá quen với sự cao ngạo chiến thắng, kiêu hãnh ngẩng đầu với những chiến tích, thật ra chỉ để khỏa lấp mặc cảm tự ti, một tâm thế dân tộc dễ bị tổn thương, dễ nảy sinh hoang mang đố kỵ từ trong sâu thẳm. Ta tự kìm hãm ta vì mặc cảm bé nhỏ, luôn tự đặt mình vào vị thế đáng thương của một nạn nhân, dù là nạn nhân đã giành chiến thắng. Kẻ thiếu tự tin ưa mơ ước nhỏ nhoi, thiển cận, thường dễ sa vào những hành vi nhỏ nhen, không minh bạch.

Tôi sẽ không so sánh sự khác biệt trong ý thức hệ và cấu trúc chính trị của hai quốc gia để lấy đó làm nguyên nhân giải thích sự phát triển hay tụt hậu. Và nếu có, điều đó sẽ được phân tích trong một phản biện khác. Bởi lẽ, dù phát triển vượt bậc, trong nhiều thập niên sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nền chính trị Nhật Bản vẫn đầy rẫy những biến động. Cùng với Thái Lan, một quốc gia yên bình không bị cuốn vào bất kỳ cuộc chiến tranh nào trong thế kỷ XX, Nhật Bản là quốc gia châu Á thay đổi nội các nhiều nhất, luôn xoành xoạch. Thực trạng này chỉ thật sự lắng lại, ổn định hơn khi chạm ngõ thế kỷ XXI, nghĩa là kéo dài liên tục hơn 50 năm. Đã có những thời điểm, nội các nước Nhật bị chi phối bởi cả chính sách hậu chiến McArthur lẫn sự thao túng của các tập đoàn tội phạm Yakuza. Nhưng ngay cả trong những giai đoạn đó, người Nhật công dân vẫn luôn nhìn về một hướng. Họ vẫn mạnh mẽ trong khiêm tốn để góp sức tái thiết và phát triển đất nước mình.

Còn Việt Nam, nhất là từ sau 1975, cho dù đã hoàn toàn thống nhất, đã có một thể chế chính trị đồng nhất, một con đường chính trị duy nhất thì lòng người vẫn hoang mang, ly tán. Con đường xây dựng và phát triển lấp ló quá nhiều ngã rẽ đi ngang về tắt, dẫn vào ngõ cụt; cũng nảy nở quá nhiều những khúc quanh của lòng tham quyền lực. Người Việt cò con, ỷ lại, cam chịu, tự dối mình và ưa níu chân người khác. Sự thống nhất bên ngoài đang che đậy – nhưng không che kín được – cho sự hỗn loạn bên trong lòng người. Xã hội Việt Nam là một khối chuyển động Brown khổng lồ với hành vi cá nhân, mục đích cá nhân không quỹ đạo và mất kiểm soát, kéo dài hàng nhiều thập kỷ.

Cái người Nhật có, để phát triển, là tinh thần quốc dân trong mỗi công dân, được đặt trong tinh thần xã hội pháp trị từ thời Minh Trị. Tinh thần quốc dân được xây dựng và phát triển dựa trên niềm tin vào con ngươi, sự tự trọng, tự giác, tinh thần ái quốc, ý thức trách nhiệm. Nó được bảo đảm và giáo dục để phát huy dựa trên nền tảng thượng tôn luật pháp. Giáo dục tinh thần quốc dân trước hết là giáo dục và khơi dậy lòng tự trọng trong,trách nhiệm của mỗi cá nhân, trong đời sống lao động và giao tiếp hàng ngày.

Say sưa với những hào quang quá khứ, Việt Nam mất quá nhiều thời gian để hướng nền giáo dục tới những niềm tự hào, niềm kiêu hãnh nặng tính khẩu hiệu, bỏ qua sự cần thiết bắt buộc giáo dục lòng tự trọng và ý thức trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm công dân. Chúng ta lấy mục đích đẹp đẽ, hào nhoáng thay cho phương pháp kỷ luật, nề nếp cần phải có. Nhiều thế hệ người Việt đã trở nên ảo tưởng và kiêu ngạo. Mục đích sống tử tế, cống hiến bằng sự cố gắng và nhẫn nại bị bẻ lệch thành mục đích tìm kiếm sự kiêu ngạo, từ vật chất và quyền lực. Xã hội thiếu ý thức công dân trở nên yếu ớt, thiếu sức đề kháng, co rúm mình trước những tác động từ sự thay đổi của thế giới quanh ta, dẫn đến nhìn đâu cũng chỉ thấy nguy cơ và đối thủ, nếu không nói là kẻ thù.

Xã hội Việt Nam tụt hậu về mọi mặt vì thiếu hẳn tinh thần quốc dân, nhất là ở giai đoạn mở cửa, ý thức cá nhân lên ngôi. Không nhận ra chân ngọn, Việt Nam đang loay hoay chống đỡ sự băng hoại, sự thua kém bằng cách thỏa hiệp, từ thỏa hiệp cá nhân đến thỏa hiệp quốc gia. Chúng ta không xác định được đúng vị thế của cá nhân lẫn vị thế dân tộc – quốc gia ở đâu cả. Thiếu ý thức công dân và tinh thần quốc dân, từ một dân tộc kiên cường trong chiến tranh, chúng ta đang tự biến thành một dân tộc bạc nhược, dễ tổn thương giữa thời bình.

Muốn thay đổi, không còn cách nào khác, chúng ta cần khiêm tốn và can đảm xác định lại: chúng ta chỉ mới ở ngay vạch xuất phát. Đừng quá ảo tưởng tụng ca những thành tựu không bền vững. Cái cần nhất phải là giáo dục ý thức thượng tôn luật pháp trong mỗi công dân, để từ đó khơi dậy và củng cố tinh thần quốc dân cho toàn xã hội.

Bất kỳ công dân một quốc gia nào, dù thiên kiến chính trị có khác nhau, cũng mong được nghĩ về ngày độc lập, ngày quốc khánh đất nước mình với một niềm tự hào, tin tưởng. Tôi cũng thế. Nhưng tôi đã phải nhìn rõ thực tế: trước, trong và sau kỳ nghĩ lễ Quốc khánh, xã hội đã có quá nhiều chuẩn bị âu lo để đối phó với những điều có thể xảy ra mà không đáng, không thể tự hào. Sau 73 năm có ngày độc lập, chúng ta đã thật sự để tuột mất một cơ hội cho tinh thần thần quốc dân đáng tự hào trỗi dậy. Chúng ta phải hoài nghi, cảnh giác ngay cả với nhân dân mình.

Một quốc gia sau hơn bảy thập kỷ vẫn chưa xây dựng được nền móng tinh thần quốc dân cho nhân dân mình thì khoan mơ tưởng sẽ xây dựng thành công một công trình kỳ vĩ nào khác.

Lẽ ra, tôi đã viết bài này trước ngày quốc khánh. Nhưng, là một công dân, tôi ý thức rõ: chính trị xã hội con nhiều điều nhạy cảm. Tôi không muốn bài viết chuyển tải ý kiến nặng lòng, góc nhìn tâm huyết cuả cá nhân tôi có thể tạo nên một vết mẩn ngứa, dù nhỏ, trên cơ thể xã hội vốn đã quá mẫn cảm với sự bất ổn. Dằn mong ước sớm được chia sẻ suy nghĩ của mình với cộng đồng cho thời điểm thích hợp hơn, ổn định hơn, đó cũng là cách tôi thể hiện tinh thần quốc dân trong cá nhân tôi. Tinh thần quốc dân ấy vẫn luôn đầy ắp, chưa bao giờ bị lãng quên hay chịu sự chi phối nào, ngoài ý thức trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và rộng hơn, với xã hội và đất nước mà tôi yêu quý.

Phần nhận xét hiển thị trên trang