Hoàng Minh Tường là một trong những tác giả hàng đầu của tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Sau bộ "Gia phả của đất", năm 2008, ông cho ra đời tiểu thuyết "Thời của thánh thần" gây xôn xao dư luận như một cú đột phá vào thành trì chủ nghĩa "văn học phải đạo". Đương nhiên, tác phẩm bị cấm phát hành như là một hình thức trừng phạt .
Thế nhưng, sau đó lập tức xảy ra một nghịch lý. "Thời của thánh thần" nhanh chóng được dịch sang nhiều thứ tiếng, và lần lượt xuất bản tại Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản và… đến giờ chót thì bản tiếng Trung Quốc bị ngừng lại ( do quan hệ 4 tốt, 16 chữ vàng “văn hóa tương đồng” của hai đảng anh em (!)..., làm rạng rỡ cho nền văn học nước nhà vốn không mấy tên tuổi với cộng đồng thế giới.
Năm 2014, Hoàng Minh Tường lại thử sức ở lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử bằng tác phẩm "Nguyên khí". Đây là cuốn sách viết về thân phận người trí thức Việt Nam thời trung đại qua vụ thảm án Lệ Chi Viên thế kỷ XV, như là sự chiêu tuyết cho vợ chồng Ức trai tiên sinh Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sỹ Nguyễn Thị Lộ. Bản thảo cuốn sách do nhà xuất bản Tri thức cấp giấy phép. Mọi thủ tục đều suôn sẻ. Ai ngờ, đến lúc sắp vào nhà in thì có lệnh (vẫn là lệnh miệng) tạm dừng. Như thế có thể xem như số phận "Nguyên khí" đã được định đoạt. Cuối cùng, Hoàng Minh Tường phải chuyển đứa con tinh thần của mình ra nước ngoài. Nhà xuất bản Dân khí và Người Việt Books ở Hoa Kỳ tiếp nhận "Nguyên khí" một cách trân trọng, và chẳng bao lâu, cuốn sách được Công ty thương mại điện tử Amazon phát hành trên toàn thế giới.
Dù đã xấp xỉ "cổ lai hy", sức viết của Hoàng Minh Tường vẫn rất đáng nể. Chỉ trong vòng hai năm, đầu năm 2017, ông lại hoàn thành bản thảo cuốn tiểu thuyết mới với tựa đề khá lạ mắt: "Những mảnh Rồng".
Khác với "Thời của thánh thần", "Những mảnh Rồng" có bố cục mở rộng ra nhiều tuyến nhân vật, trải rộng trên nhiều vùng miền không gian khác nhau, mà trục trung tâm vừa tuyến tính vừa đan xen thủ pháp đồng hiện. Với "Những mảnh Rồng", tác giả có tham vọng bao quát khoảng thời gian già nửa thế kỷ biến động của lịch sử Việt Nam, mà một trong những chủ đề trung tâm là cuộc di tản trên quy mô lớn của hơn hai triệu người Việt, từ sau 30 tháng 4 năm 1975 cho đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX.
Vì thế, nhìn một cách tổng quát, ta có thể xem "Những mảnh Rồng" là pho tiểu thuyết, là biên niên sử về cuộc thiên di vĩ đại của cộng đồng người Việt trong lịch sử Việt Nam. Tác giả đã gửi gắm một hàm ý, có thể như một phát hiện: Tất cả những cuộc chiến tranh Giải phóng, người Việt đều hội tụ lại, quy tụ lại để đánh đuổi ngoại bang, để kiến quốc và chấn hưng đất nước. Chỉ những cuộc nội chiến, nồi da nấu thịt, người Việt mới ly tán, mới tan đàn xẻ nghé, mới bỏ quê hương đất nước ra đi. Và cùng với cuộc "biến động nhân gian" tàn khốc nhất trong lịch sử dân tộc, cuộc chiến kết thúc vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, là sự hận thù, chia rẽ sâu sắc, khó có thể hàn gắn vết thương này nếu nhà cầm quyền vẫn luôn hành xử với bà con xa xứ như kẻ chiến thắng trong cuộc chiến tranh “giải phóng” mà họ ngộ nhận.
Hệ thống nhân vật trong "Những mảnh Rồng" khá đa dạng, với nhiều đẳng cấp, lứa tuổi, trình độ nhận thức, nguồn gốc xuất thân cũng như hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các nhân vật có mối quan hệ với nhau hoặc theo chiều dọc, hoặc là chiều ngang. Những nhân vật chính luôn xuất hiện với tần số cao, tham gia vào mọi sự kiện thì phải kể đến Phạm Hải Hành, Ngô Đoan Diễm, bà Bé Bẩy, David Bùi, Nhân Mục, Phạm Hoài Trung, Tôn Nữ Hương Giang, Vũ Bảo Huy, Mỹ Hằng, Ngô Bỉnh Thạc, Chín Cửu. Tuy nhiên, các nhân vật phụ, chỉ thấp thoảng ở một vài chương nhưng cũng có vai trò quan trọng trong việc hình thành diện mạo cuốn sách, đồng thời định dạng tư tưởng tác phẩm như những chỉ số tham khảo. Trong số ấy, phải kể đến nhà phong thủy Ngô Cang, Cao Trần Đoàn, Thái Đàm, Tạ Kiều Sương, Lê Sa Biền, Trịnh Minh Hoàng và giáo sư James Quinn.
Khác với những tiểu thuyết trước đây, "Những mảnh Rồng" có cấu trúc đa tuyến (bao gồm nhân vật và sự kiện), liên kết với nhau bởi những mối quan hệ phức tạp, móc xích, đan chéo nhau, tạo nên một bức tranh toàn cảnh, phản ánh hiện thực đa dạng lịch sử xã hội Việt Nam chìm ngập trong khói lửa chiến tranh. Có điều, sự đa dạng ở đây được Hoàng Minh Tường chọn lọc, kiểm soát và diễn ngôn qua nghệ thuật điển hình hóa của thi pháp tiểu thuyết truyền thống. Nói cách khác, "Những mảnh Rồng”, xét về hình thức, là một tiểu thuyết "cổ điển", nhưng những "đại tự sự" và vấn đề người viết đặt ra thì không cổ hủ, cũ kỹ chút nào. Nó là sự tồn vong của đất nước, dân tộc, mà bất ai quan tâm đến đều phải đọc một cách nghiêm túc để tìm ra câu trả lời cho mình.
Có thể xem "Những mảnh Rồng" là tiểu thuyết của những sự kiện lịch sử, được phân tích, diễn giải qua cách nhìn cấp tiến của một nhà văn từng trải, có bề dày văn hóa và ngòi bút trung thực. Phần quan trọng nhất của cuốn sách là sự kiện "Thuyền nhân" (boat people) được đưa ngay lên chương đầu, với mục đích làm cho những người Việt Nam có lương tâm, nhận diện được một giai đoạn lịch sử đen tối của dân tộc, khi mà những người cộng sản hả hê với chiến thắng, còn phía bên kia, những người thuộc phe bại trận lủi thủi bỏ Tổ quốc ra đi trên những con thuyền rách nát, phó mặc số phận cho sóng gió đại dương. Những người kém may mắn hơn, phải ở lại, thì chỗ cư trú của họ chính là những nhà tù giống như trại tập trung thời Đức Quốc xã ở nơi rừng xanh núi đỏ, giam giữ hàng triệu "tù binh" vô thời hạn không qua xét xử. Học thuyết đấu tranh giai cấp sắt máu và nền kinh tế èo uột những năm sau chiến tranh đã giết chết hàng loạt quân nhân, viên chức chính thể Việt Nam cộng hòa. Những nấm mộ sơ sài không người hương khói dần dần rơi vào quên lãng. Hồn phách họ vật vờ khắp mọi miền sơn cước thành ma đói ma khát, biết đến khi nào được đầu thai kiếp khác cho trọn một vòng luân hồi?
Gia đình Phạm Hoài Bắc, Dương Thị Nhạn và những thuyền nhân trên con tàu định mệnh bị hải tặc cướp bóc, giết người, hãm hiếp phụ nữ chỉ là một trong hàng ngàn vạn những con thuyền bất hạnh trên hành trinh đi tìm tự do mà thôi. Theo con số thống kê của Cao ủy Liên hiệp quốc về "thuyền nhân" Việt Nam bỏ mạng trên đường di tản từ sau năm 1975 đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX là khoảng 300 ngàn. Đây là bi kịch của dân tộc, cũng là vết nhơ trong lịch sử Việt Nam. Những kẻ luôn tự vỗ ngực là "đỉnh cao trí tuệ", nắm quyền trượng điều hành đất nước trong tay mà để cho mấy triệu đồng bào ly hương trong khốn cùng tuyệt vọng, hẳn là trái tim họ chai sạn, không còn chỗ cho sự cảm thông, chia sẻ. Hành vi vô nhân tính ấy, thậm chí cả Karl Marx, ông tổ của Chủ nghĩa Cộng sản, cũng phải phẫn nộ cho rằng, chỉ có loài thú mới phớt lờ đồng loại, chăm chú chải chuốt bộ lông của mình.
Sự kiện Phạm Hải Hành, một boat people tí hon lọt lòng mẹ trên con thuyền rách nát vừa qua kiếp nạn giữa trùng khơi sau khi bố và chị gái bị hải tặc bắn chết quăng xuống biển, làm người đọc thổn thức. Và cũng chính chú bé thuyền nhân may mắn sống sót, sau khi cùng mẹ và bác sĩ Tôn Nữ Hương Giang đến nơi định cư, đã trở thành nhân vật trung tâm tiểu thuyết "Thuyền nhân" của nhà văn Nhân Mục.
Tiếp sau chương "Thuyền nhân" là những chương viết một cách khái quát về cuộc sống tha hương của người Việt trên đất Hoa Kỳ. Câu chuyện Phạm Hải Hành và Bùi Lai tham gia biểu tình cùng với lá cờ hòa hợp, bị những kẻ chống cộng cực đoan đánh hội đồng, phải nhập viện, xuýt bỏ mạng, chính là tiền đề để tác giả bàn sâu về vấn đề hòa hợp dân tộc. Động thái này chủ yếu dựa trên chính kiến của các trí thức, các nhà văn hóa, nhà khoa học tên tuổi của cá hai miền Nam Bắc đang định cư ở Châu Âu hoặc Bắc Mỹ. Đây là những thành phần ưu tú, từng bị chính truyền chụp mũ, truy bức nên phải tìm cách vượt biên để tránh phải ngồi tù. Đó là nhà văn Nhân Mục, tác giả tập bút ký "Nhớ cũ" nổi tiếng một thời; là nhà báo Lê Sa Biền, có thời làm báo Cộng sản; là chính khách trẻ Phạm Đăng Sinh, danh tiếng nổi như cồn, nhưng rồi bị an ninh “chiếu tướng" là đệ tử của Trần Xuân Bách nên phải cao chạy xa bay nếu không muốn "nhập kho". Rồi còn Thái Đàm, Lưu Sơn, từng chu du cả một vòng trái đất, luôn mang trong mình những nghi án tưởng tượng, khiến tâm trạng u uất như người đi xa gánh nặng ngàn cân chẳng biết bao giờ mới thoát khỏi cảnh lưu vong. Ngoài chủ đề "Thuyền nhân", cuốn sách còn đặt ra một vấn đề rất không ổn trong cách đối xử với nhau của cộng đồng người Việt hải ngoại. Nguyên nhân là sự bất đồng chính kiến về hòa giải, hòa hợp dân tộc. Thói quen của người Việt thường không chấp nhận những ý kiến khác biệt, thiếu sự khoan dung, nên gây ra tình trạng chia rẽ. Đây chính là điểm yếu nghiêm trọng khiến cho nhà cầm quyền cộng sản lợi dụng phân hóa hàng ngũ, đồng thời vô hiệu hóa những nhà đấu tranh dân chủ bằng những ngón đòn hiểm học được từ đàn anh phương Bắc. Điển hình là cuộc hội thảo của các nhân sĩ tại trụ sở báo Phục quốc, nếu không có sự can thiệp của nhà văn Nhân Mục và nhà báo Vũ Bảo Huy, hẳn đã xảy ra xung đột.
Nhân Mục (Lương Vĩnh Nhân) là một trí thức có tầm hiểu biết sâu sắc, từng trải qua chặng đường khổ ải dưới chế độ nhà tù cộng sản hà khắc, bị đối xử như loài súc vật cho dù ông là giáo sư đại học, không trực tiếp cầm súng chống lại chính quyền miền Bắc. Nỗi đau của Lương Vĩnh Nhân là, sau khi đặt chân lên đất Mỹ mới biết người vợ thân yêu đã qua đời vì căn bệnh ung thư. Ông là người trầm tĩnh, sống nội tâm, nặng tình với quê hương, nhưng mãi đến cuối đời mới được cấp visa về thăm làng Mọc có chiếc cổng cổ kính với ba chữ "Tiểu cao đại" (小高大).Nhà văn cảm thán cho nỗi bất hạnh của đám Rồng cố quốc chẳng khác gì con tin trong một nhà ngục khổng lồ mà đám cai tù là bọn bất lương, vô nhân tính. Ông cũng ngậm ngùi chia sẻ nỗi bi thương với gia đình những nạn nhân bị bỏ mạng trên biển khơi trong hành trình vô vọng đi tìm đất dung thân. Chính vì thế, ngoài việc liên hệ với bạn bè khắp năm châu để tìm cách giải mã cuốn gia phả và chiếc trâm cổ của dòng họ Phạm, ông dành phần đời còn lại viết cuốn tiểu thuyết để đời: "Thuyền nhân".
Khác với Lương Vĩnh Nhân, Vũ Bảo Huy là nhà báo "quốc doanh". Tuy nhiên, anh thực sự nối tiếp truyền thống của giới trí thức tinh hoa, đã vượt qua nỗi sợ hãi (bởi sự giám sát chặt chẽ của hệ thống an ninh, mật vụ), dám phản biện với nhà cầm quyền (qua tác phẩm báo chí, văn chương), qua phát biểu chính kiến của mình về vấn đề hòa hợp dân tộc trong cuộc hội thảo tại California. Vũ Bảo Huy công khai tán thành việc làm đầy ấn tượng của Phạm Hải Hành và David Bùi, bên cạnh đó cũng chỉ ra những nhược điểm như là khuyết tật trong hành trang văn hóa, mà ngay khi sống ở xã hội văn minh như nước Mỹ, người Việt vẫn mang theo. Là công dân của chế độ toàn trị, họ Vũ thừa biết, bản thân nó chưa bao giờ là Cộng sản. Cộng sản chỉ là cái vỏ ngụy trang, còn thực chất là nhà nước tư bản hoang dã, hành xử như những băng đảng tội phạm, vì quyền lợi của một nhóm người mà hy sinh quyền lợi của cả một dân tộc. Tuy nhiên anh cũng chỉ ra, hành động chống cộng cực đoan của một bộ phận người Việt hải ngoại đã che mờ lý trí dẫn đến cách nhìn nhận tất cả người Việt quốc nội đều là cộng sản xấu xa, và hễ có dịp gặp nhau là buông lời thóa mạ. Sự chân thành và khả năng thuyết phục có lý lẽ của Vũ Bảo Huy đã phần nào giải tỏa được sự căng thẳng giữa các tổ chức hải ngoại bất đồng chính kiến.
Mối tình sét đánh giữa nhà doanh nghiệp Mỹ Hằng và Vũ Bảo Huy cũng là một trong những trường đoạn làm người đọc thích thú bởi phong cách lãng mạn của nó. Có thể nói, đây không phải vụ affaire có tính vụ lợi mà là một mối tình đẹp đúng với nghĩa của nó. Con mắt xanh người đẹp tỷ phú nhận ra Vũ Bảo Huy là trang nam nhi đầu đội trời chân đạp đất sẽ là chỗ dựa chắc chắc cho mình sau khi đã gá nghĩa với hai người chồng giàu có. Chính mối lương duyên nồng nàn say đắm ấy đã làm sống lại tinh thần Vũ Bảo Huy sau khi anh phát hiện ra người vợ phản bội. Khốn nạn hơn nữa, kẻ đã kéo Thùy vào cuộc phiêu lưu tình ái ấy lại chính là thằng bạn nối khố Đỗ Luân Khả ngày xưa. Khả là gã hoạt đầu, lưỡi gỗ, bằng đủ mọi mánh khóe, sau này còn leo lên đến chức vụ "Trưởng ban Lý thuyết" Trung ương.
Sau chuyến đi Mỹ, Huy bi o ép đến mức phải xin thôi việc ở tòa soạn báo. Anh vừa làm luận án tiến sĩ, vừa lập trang blog cá nhân, và, Cuội blog của anh với hàng loạt bài chỉ trích nhà nước cộng sản độc tài toàn trị đã khiến nhà chức trách nổi khùng, xuống tay hạ độc. Vũ Bảo Huy bị câu lưu, bị thẩm vấn dưới sự chỉ đạo của thứ trưởng công an Hồ Hữu Nhơn và chết trong trại tạm giam. Cái chết bất đắc kỳ tử của Vũ Bảo Huy là bằng chứng không thể chối cãi của chế độ công an trị, được nhà nước cộng sản sử dụng như một công cụ hữu hiệu để triệt hạ những nhà bất đồng chính kiến. Bi kịch của Vũ Bảo Huy cũng là bi kịch của giới trí thức tinh hoa. Chỉ có loại trí thức do Đảng đào tạo mới được trọng dụng, vì đó là loại trí thức "lùn". Tuy nhiên, trong số này, nếu có kẻ nào bỗng nhiên khôn hơn Đảng thì hãy coi chừng. Là trí thức của Đảng lúc nào cũng phả "ngu" hơn Đảng. Đó là luật bất thành văn nhưng ai cũng phải thuộc nằm lòng.
Bên cạnh cặp Vũ Bảo Huy - Mỹ Hằng, Phạm Hải Hành và Ngô Đoan Diễm cũng là một mối tình đẹp. Nó vừa mang màu sắc lãng mạn của những trí thức trẻ tuổi đầy mơ mộng, vừa là biểu tượng của sự hòa hợp dân tộc sau già nửa thế kỷ phân ly. Thế nhưng cặp trai gái này, cuối cùng vẫn rơi vào bi kịch bởi những toan tính của hai ông bố lúc nào cũng coi quyền lợi phe nhóm là tối thượng.
Nói một cách hình ảnh, Phạm Hải Hành được xem là biểu tượng của "Những mảnh rồng" Việt tộc, bị đẩy đến bước đường cùng phải rời cố quốc như như lời truyền ngôn của cụ tổ dòng họ Phạm có nguồn gốc từ Mạc tộc: "Tha hương tắc tồn" (他鄉則存). Thuyền Nhân được xem là thế hệ thứ hai, ra đời trên biển khơi trong những ngày cha mẹ chạy trốn nạn bạo hành của những người thắng cuộc. Cho đến lúc là sinh viên trường UC Beckerley, tham gia biểu tình, chưa một lần đặt chân về quê cha đất tổ, nhưng chàng trai trẻ đã có ý thức hòa giải, hòa hợp dân tộc qua hình ảnh lá cờ ghép biểu tượng hai thế chế chính trị từng một thời nổ súng vào nhau. Và cũng từ ý tưởng có một không hai đó, Phạm Hải Hành trở thành mục tiêu "ném đá" của những kẻ chống cộng quá khích. Thuyền Nhân như đứng giữa hai làn đạn của chiến tuyến ý thức hệ. Tuy nhiên, từ tia lửa nhỏ Phạm Hải Hành, những người có viễn kiến như Nhân Mục, Vũ Bảo Huy, Phạm Đăng Sinh,Thái Đàm, Lưu Sơn, Ngô Đoan Diễm, Mỹ Hằng..., đã nhen lên thành ngọn lửa ấm xua tan băng giá. Thái độ chân thành có tính thực tiễn này đã thức tỉnh phần lương tâm "những mảnh rồng" từ lâu vẫn ẩn tàng trong tâm khảm. Nó có hiệu quả hơn hẳn hệ thống tuyên truyền bịp bợm của những kẻ thắng cuộc bên kia đại dương.
Cũng vào thời điểm ấy, Vũ Bảo Huy và Ngô Đoan Diễm như chiếc cầu nối để Phạm Hải Hành về Việt Nam tìm nguồn cội. Thế nhưng, trên đời này, chẳng ai học hết chữ "ngờ". Cuộc tình duyên "thanh mai trúc mã" của Thuyền Nhân với Ngô Đoan Diễm bất ngờ bị kẻ thứ ba chen vào...
Sự đổ vỡ của cặp uyên ương tưởng như trong mộng này đã nằm trong kế hoạch "điệu hổ ly sơn" của những cao thủ trong nghề lừa đảo mà đầu lĩnh là Chín Cửu, một nhân vật đang lên như diều, nắm trong tay quyền sinh quyền sát, và sau đó là Ngô Bỉnh Thạc. Với Chín Cửu và viên cựu Soái Nga, tình yêu chỉ là trò chơi ô ăn quan của bọn nhóc con miệng còn hơi sữa. Quyền lực và các mối làm ăn trong guồng máy vận hành của chủ nghĩa tư bản thân hữu mới là cái đích họ nhắm đến. Và, đương nhiên, Ngô Đoan Diễm sẽ là con bài trong trò chơi quyền lực của các chính trị gia nhằm củng cố vây cánh.
Tình yêu và thân phận con người được Hoàng Minh Tường miêu tả thật sinh động với cả niềm hạnh phúc và những bi kịch của nó. Nhưng không phải là tất cả. "Những mảnh Rồng" còn có một mảng hiện thực đen tối được tác giả tái hiện qua hai nhân vật cộm cán Chín Cửu và Ngô Bỉnh Thạc như là các "bố già" đang thao túng chính trường và điều hành nền kinh tế đất nước theo phong cách Mafia. Ngô Bỉnh Thạc chính là "sân sau" của gia tộc Chín Cửu, cùng với đám chủ ngân hàng tạo thành nhóm thân hữu siêu quyền lực. Với những "ông lớn" này, hoàn toàn thiếu năng lực quản lý quốc gia vì không được đào tạo có hệ thống, nhưng lại thừa "chuyên chính vô sản" vốn là bản chất của các nhà nước độc tài theo mô hình Stalin và Mao Trạch Đông.
Trịnh Minh Hoàng chính là "hạt giống đỏ" của thể chế toàn trị. Hoàng có đầy đủ phẩm chất của một phần tử lưu manh, côn đồ, từng rút súng bắn chết con trai một quan chức chóp bu khác nhưng vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Vụ án mạng được ỉm đi, và gã "thái tử đỏ" nghiễm nhiên trở thành "thiếu úy" công an do sự dàn xếp bí mật của một viên tướng tay chân của Chín Cửu. Những hành vi hạ đẳng của Trịnh Minh Hoàng chưa dừng lại ở đây. Với sự đồng lõa của đám bạn bè, cậu ấm họ Trịnh còn tiêm thuốc mê vào quả anh đào, lừa Ngô Đoan Diễm ăn trong "dạ tiệc đế vương" ở Tuần Châu, rồi chiếm đoạt nàng. Có lẽ, bởi những "thành tích" nổi bật như vậy, chỉ ít lâu sau, cậu ấm này được cơ cấu vào Trung ương Đoàn, làm đến chức bí thư, một dạng "cán bộ nguồn" gạo cội, trong tương lai gần sẽ là nhà lãnh đạo quốc gia. Hiển nhiên, Hoàng sẽ là minh chứng tuyệt hảo cho chính sách bổ nhiệm cán bộ "đúng quy trình" con vua thì lại làm vua của những người cộng sản.
Quyền lực và lợi ích có sức hấp dẫn người cộng sản đến mức họ có thể hy sinh cả tình mẫu tử. Vì sự an toàn của bản thân, Tạ Kiều Sương sẵn sàng vứt bỏ đứa con lai không thương tiếc cho người đàn bà xa lạ. Và cũng vì là vợ một quan chức đầu tỉnh, bà ta cũng khước từ luôn đứa con trai đã trưởng thành sau nhiều lần về Việt Nam tìm mẹ. Trong khi ấy, Bùi Lai (họ tên chính thức là David Quinn Bùi), lại là biểu tượng cao đẹp cho sự hòa giải giữa hai dân tộc Việt - Mỹ. David Bùi là một hình tượng văn học giầu cá tính, tình cảm sâu nặng nhưng lại bị chính mẹ đẻ chối bỏ.
Những người cộng sản tiêu biểu là Chín Cửu, Đỗ Luân Khả, Hồ Hữu Nhơn, ngoài miệng luôn hô hào hòa hợp, hòa giải dân tộc, lại chính là những kẻ cổ xúy cho sự chia rẽ dân tộc nhiệt tình nhất với nhiều thủ đoạn tinh vi, đẩy "những mảnh rồng" văng ra khỏi tổ quốc Việt Nam. Không thể có chuyện hòa hợp, hòa giải dân tộc khi mà những người như nhà văn Nhân Mục về thăm quê luôn bị lực lượng an ninh giám sát, bị báo chí bêu riếu là "thế lực thù địch" hay "Việt Tân", còn Vũ Bảo Huy, mới chỉ viết bài phản biện một cách ôn hòa trên blog "Cuội" của mình đã bị đột tử trong trại tạm giam…
Tiểu thuyết "Những mảnh Rồng", xét đến cùng, thực chất là nỗi nhức nhối của số phận dân tộc ngày mai. Bao giờ cho đến Ngày Mai, cái ngày mà lá cờ thực sự đại diện cho nước Việt hiện đại được mỗi con Rồng cháu Tiên trên trái đất này ngưỡng vọng, hãnh diện, tự hào? Cái ngày không còn người Việt lưu vong và người Việt chính thể cộng sản; người Việt cờ vàng và người Việt cờ đỏ.
Có thể nói: tiếp theo “Gia phả của đất”, “Thời của Thánh Thần”, “Nguyên khí”, tác phẩm mới nhất “Những mảnh Rồng” tạo thành bộ tứ tiểu thuyết lịch sử - thế sự, mà nhà văn Hoàng Minh Tường muốn gửi đến bạn đọc một thông điệp về sứ mạng công dân của một nhà văn lúc nào cũng đau đáu về Đất nước, Cội nguồn.
Chí Linh, 30/4/2017
Đ.V.S.
Phần nhận xét hiển thị trên trang