Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 9 tháng 8, 2018

Tàn bạo, thâm độc hơn thực dân


Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa có thư khuyến cáo Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế Việt Nam sớm đặt định các giải pháp hạn chế sử dụng bia, rượu. Những thông tin mà ông Shin Young-soo, Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO nêu ra không có gì mới (Lượng tiêu thụ bia, rượu ở Việt Nam không chỉ quá cao – mức cồn nguyên chất mà mỗi người Việt từ 15 tuổi trở lên sử dụng hàng năm trung bình là 8,3 lít – mà còn tăng rất nhanh – trong năm năm từ 2010 đến 2015 tăng khoảng 15%. 


Lạm dụng bia, rượu đã trở thành lý do dẫn tới nhiều vấn nạn trầm trọng về y tế, xã hội: Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 79.000 người chết vì rượu bia, hàng trăm ngàn người cần điều trị những chứng bệnh do bia, rượu gây ra. Bia, rượu gia tăng tai nạn giao thông, các vụ bạo hành. Bia, rượu ngốn từ 1,3% đến 3,3% GDP để giải quyết hậu quả) vì đã được các chuyên gia, báo giới Việt Nam lập đi, lập lại hàng chục năm! Điểm mới của thư khuyến cáo vừa kể chỉ là lạm dụng bia, rượu tại Việt Nam khiến WHO phải tiếp tục cảnh báo (1).
***


Nếu đã từng ngồi dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, người ta sẽ rất khó quên những gì mà chương trình giảng dạy văn học và lịch sử bậc phổ thông từng đề cập đến tội ác của thực dân Pháp trong giai đoạn Việt Nam bị đặt dưới sự bảo hộ của Pháp (1884 – 1945). Một trong những tác phẩm thuộc loại “kinh điển” về vấn đề này là “Bản án chế độ thực dân Pháp” do Nguyễn Ái Quốc (sau này trở thành Hồ Chí Minh, Chủ tịch đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) viết và công bố trong hai năm 1925, 1926.

Nguyễn Ái Quốc đã dành hẳn một chương (chương 2) trong 12 chương của “Bản án chế độ thực dân Pháp” để chứng minh, hệ thống công quyền của Pháp tại Đông Dương đã “đầu độc người bản xứ” bằng thuốc phiện và rượu. Theo Nguyễn Ái Quốc, chuyện không ngừng tăng sản lượng và mức tiêu thụ thuốc phiện, rượu vì “lợi ích tối cao của ngân khố”, số lượng đại lý phân phối thuốc phiện, rượu tại các địa phương gấp hàng trăm lần số lượng trường học là bằng chứng rõ ràng nhất về sự tàn bạo, thâm độc của hệ thống công quyền mà Pháp thiết lập tại Đông Dương (Việt Nam, Lào, Campuchia). Nguyễn Ái Quốc ví von, việc tổ chức sản xuất, phân phối thuốc phiện, rượu tại Đông Dương, khiến dân chúng Đông Dương trở thành “con nai béo mập bị trói chặt và đang hấp hối dưới những cái mỏ quặp của một bầy diều hâu rỉa rói mãi không thấy no” (2).

Cứ thử nhìn bia, rượu bằng nhãn quan… Nguyễn Ái Quốc, so sản lượng và mức tiêu thụ rượu trên dân số thời Việt Nam thuộc Pháp với sản lượng và mức tiêu thụ bia, rượu đã qui ra lượng cồn nguyên chất trên dân số tại Việt Nam hiện nay và so tương quan về số lượng các cơ sở phân phối rượu trên số lượng trường học thời Việt Nam thuộc Pháp với tương quan về số lượng các cơ sở phân phối bia, rượu trên số lượng trường học tại Việt Nam hiện nay, ai cũng có thể thấy, hệ thống công quyền Việt Nam tàn bạo, thâm độc hơn nhiều so với hệ thống công quyền của Pháp tại Đông Dương ngày xưa.

Có thể cũng vì cảm được điều ấy, cách nay năm năm, ông Nguyễn Quang Thân – một nhà văn – viết “Rượu ta nấu nó cho rượu lậu” (3). Ngoài việc dẫn một câu trong “Á tế Á ca” của cụ Phan Bội Châu vừa để làm tựa cho tâm sự của mình, vừa để so sánh, bình phẩm về chuyện bia, rượu xưa – nay, ông Thân còn dẫn “Tuyên ngôn Độc lập”, trong đó, ông Hồ Chí Minh chỉ trích thực dân Pháp không tiếc lời bởi: “Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược”!

Theo ông Thân: Cụ Phan lên án thực dân cấm dân để bán rượu của mình, Tuyên ngôn Độc lập lên án dùng “rượu cồn” (rượu không tốt) để làm nòi giống suy nhược. Cả hai sự lên án ấy đều đúng. Song còn một điều ít ai chú ý và thừa nhận. Đó là thực dân Pháp quản lý rượu rất chặt chẽ. Vì mục đích “cạnh tranh không lành mạnh” đồng thời cũng để đồng hóa luật giữa thuộc địa, bảo hộ bản xứ với chính quốc, nấu rượu không được phép là tội rất nặng có thể bị tù mọt gông. Thù ai chỉ cần quẳng vào nhà họ một vò rượu lậu là chủ nhân khuynh gia bại sản. Cái chặt chẽ nghiêm khắc ấy hạn chế được rất nhiều tệ uống rượu. Dù uống bất cứ loại rượu nào, nếu không kiềm chế mà đổ nghiện thì cũng tan nát đời trai và làm “nòi giống suy nhược” cả. Ngày nay tình hình uống rượu tệ hơn thời thuộc Pháp rất nhiều!..

So với thời điểm ông Thân viết “Rượu ta nấu nó cho rượu lậu” thì chuyện sản xuất, tiêu thụ bia, rượu ở Việt Nam tệ hơn năm 2013 rất, rất nhiều. Ngoài chuyện gia tăng sản xuất, tiêu thụ rượu bia, ở một số nơi như Hà Tĩnh, chính quyền cấp tỉnh còn buộc chủ các cơ sở kinh doanh ăn uống phải cam kết ưu tiên sử dụng, tích cực mời chào để người tiêu dùng uống “Bia Sài Gòn”, song song với việc chỉ đạo chính quyền nhiều xã, dùng hệ thống truyền thanh cổ vũ dân chúng uống “Bia Sài Gòn” vì đó là cách thiết thực “tăng thu ngân sách cho tỉnh nhà, chung tay xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới” (4).
***
Trong thư ngỏ vừa gửi Thủ tướng và Bộ trưởng Y tế Việt Nam, Giám đốc Khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO đề nghị chính phủ Việt Nam cố gắng trình Dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia để Quốc hội Việt Nam khóa này xem xét tại Kỳ họp lần thứ sáu, sẽ diễn ra vào tháng 10 tới. Chẳng phải tự nhiên mà ông Shin Young-soo nêu ra đề nghị hết sức cụ thể như vậy.

Dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đang bị chỉ trích kịch liệt vì dự trù đặt định một số giải pháp nhằm giảm mức tiêu thụ bia, rượu (ấn định địa điểm, thời điểm được phép mua – bán bia rượu…). Phía chống đối Dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia mạnh mẽ nhất tất nhiên là Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA). Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, cảnh cáo, dự luật có nhiều nội dung vừa làm ngân sách thất thu, vừa khiến người dân tìm mọi cách để lách luật, nhậu “chui” nhiều hơn. 

Ông Việt nhấn mạnh, sản xuất và kinh doanh bia, rượu đóng góp cho ngân sách khoảng 50 ngàn tỉ đồng/năm và tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động cả lao động trực tiếp và lao động gián tiếp. Vậy mà Dự luật Phòng chống tác hại rượu, bia không ghi nhận những đóng góp tích cực của ngành sản xuất – kinh doanh bia, rượu, cũng như chưa làm rõ được các ảnh hưởng tiêu cực khi dự luật này thành luật. Theo ông Việt, phần lớn tác hại của bia, rượu đến từ rượu dân tự nấu, rượu giả, rượu lậu. Không thể đánh đồng vì không công bằng cho các doanh nghiệp đang đóng góp tích cực cho ngân sách.

Theo hướng đó, ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó Chủ tịch VBA, lưu ý, tổng giá trị của thị trường bia, rượu bất hợp pháp (rượu dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ) hiện vào khoảng 910 triệu Mỹ kim và hoạt động của thị trường này khiến ngân sách thất thu khoảng 441 triệu Mỹ kim. Dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia vừa có thể kích thích bia, rượu giả, buôn lậu rượu, bia phát triển, vừa khiến nhiều người thất nghiệp và hệ thống công quyền phải lo cho đối tượng này (5)!?.

Với Việt Nam, sức khỏe cộng đồng, đạo đức – tinh thần xã hội và ngân sách, thứ nào quan trọng hơn? Thực tế cho thấy, đến nay, cái sau luôn luôn quan trọng hơn cái trước, còn trong tương lai, muốn biết thứ nào quan trọng hơn thì phải chờ số phận Dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và diện mạo thực của dự luật này khi nó trở thành luật.

Trân Văn

Chú thích

(1) http://dantri.com.vn/su-kien/to-chuc-y-te-the-gioikien-nghithu-tuong-chinh-phu-kiem-soat-ruou-bia-20180806144245677.htm

(2) https://tennguoidepnhat.net/2012/02/01/b%E1%BA%A3n-an-ch%E1%BA%BF-d%E1%BB%99-th%E1%BB%B1c-dan-phap-ch%C6%B0%C6%A1ng-ii/

(3) http://danviet.vn/tin-tuc/ruou-ta-nau-chung-cho-ruou-lau-79198.html

(4) http://soha.vn/xa-hoi/van-ban-la-yeu-cau-su-dung-bia-sai-gon-cua-ha-tinh-la-pham-phap-20150925142152698rf20150925142152698.htm

(5) http://dantri.com.vn/kinh-doanh/du-thao-chinh-sach-moi-ve-bia-ruou-dan-cang-nhau-chui-nhieu-hon-20180703171852906.htm

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đau đớn thay.

Thêm bài viết tuyệt vời sau đây của tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu. Phùng Xuân Nhạ và cả bộ dục của y cũng không dám và không hiểu nổi, dù chỉ 1 câu. Thật vô phúc cho đất nước đang phải chịu đựng bọn này.
GIÁO DỤC VIỆT NAM: SỰ SỢ HÃI ĐÁNH MẤT QUYỀN LỰC
Đọc tin về cuộc họp do PTT Vũ Đức Đam chủ trì ngày 30/7/2018 cùng lãnh đạo Bộ GD&ĐT để nghe ý kiến chuyên gia về kỳ thi TN THPT quốc gia, thì buồn nhiều hơn vui.
Trước khi nói về cuộc họp, thử nhớ đến phép nghe lời khuyên.
PHÉP NGHE LỜI KHUYÊN
1. Các bậc thánh hiền, minh quân, từ ngàn xưa chỉ muốn nghe lời khác ý mình. Đơn giản bởi điều mình biết rồi thì còn gì phải nghe nữa. Nhờ đó họ không ngừng được mở rộng kiến thức. Đó điều thiết yếu thứ nhất của phép nghe.
2. Các bậc thánh nhân, minh quân, từ ngàn xưa đều muốn nghe điều xấu của mình. Chịu chỉ trích làm họ tránh được kẻ xu nịnh, gần được người hiền lương, biết điểm yếu mà loại bỏ nên không ngừng hoàn thiện. Đó là điều thiết yếu thứ hai của phép nghe.
3. Các bậc thánh hiền, minh quân, từ ngàn xưa đều muốn đối mặt với kẻ giỏi hơn mình. Nhờ đó họ trở thành vô địch. Đó là điều thiết yếu thứ ba của phép nghe.
4. Các bậc thánh hiền, minh quân, từ ngàn xưa biết nghe rồi thay đổi theo điều đúng, mà không sợ bị chê ngu. Thế là biết học được điều mới. Đó là điều thiết yếu thứ tư của phép nghe.
5. Các bậc thánh hiền, minh quân, từ ngàn xưa, thấy người giỏi hơn thì tôn làm thầy mà nhường chỗ. Ấy là không sợ mất quyền lực. Không sợ mất quyền lực thì mới giữ được quyền lực. Đó là điều thiết yếu thứ năm của phép nghe.
Theo được cả 5 phép nghe đó thì thánh hiền thêm thánh hiền, minh quân thêm minh quân, quốc gia nhờ đó mà cường thịnh.
PHÉP NGHE QUA CUỘC GẶP NGÀY 30/7/2018
Đối chiếu với các phép nghe nêu trên thì cuộc gặp nghe ý kiến của các chuyên gia về giáo dục ngày 30/7/2018 nằm ở chiều ngược lại. Tóm tắt ở các điểm sau.
1. Không chủ trương mời rộng rãi những người có ý kiến khác biệt sâu sắc.
2. Không chủ trương mời những người ngoài khuôn khổ quen biết.
3. Không nói thẳng hết các ý kiến chỉ trích, mà lựa lời theo truyền thống xoa dịu.
4. Nghe chỉ là hình thức. Đến không phải để nghe mà để bảo vệ quyết định. Trước khi nghe đã quyết định không thay đổi.
5. Không chịu tự giáng chức, không tìm người giỏi hơn mà nhường chức.
Cụ thể, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn kiên trì kỳ thi 2 trong 1. Vẫn kiên trì phải có kỳ thi TN THPT. Vin vào các lý do rằng không thi thì học sinh không học. Vin vào Luật GD rằng phải có thi thì mới đủ điều kiện xét cấp bằng tốt nghiệp.
Nhiều nước đã bỏ thi TN THPT hàng chục năm nay rồi. Vậy mà sao trong Luật GD vẫn phải bắt thi TN? Người soạn ra Luật GD thật thiển cận.
Mặt khác, Luật đưa ra nếu sai thỉ phải sửa. Phải sửa tức thì chứ không phải đợi đến kỳ họp của mấy năm sau. Điều đó có nghĩ là trong Luật phải có điều khoản cho phép điều chỉnh.
Tóm lại là không biết nghe, và không chịu nghe. Mà trên thực tế thì lãnh đạo Bộ GD&ĐT chẳng bao giờ chịu nghe. Lấy thí dụ về thi trắc nghiệm môn toán.
Khi biết tin Bộ GD&ĐT tiến hành thi trắc nghiệm môn toán Hội Toán học Việt Nam đã có công văn phản đối. Để đối phó với dư luận và cấp trên, lãnh đạo Bộ GD & ĐT đã tổ chức cuộc gặp với đại diện của Hội Toán học Việt Nam. Nhưng chỉ để giải thích quyết định thi trắc nghiệm môn toán. Lãnh đạo Bộ GD& ĐT không nêu ra được tên các đơn vị và các nhà chuyên môn về toán học đã đồng thuận và tư vấn cho Bộ về thi trắc nghiệm môn toán. Trước đó ở Đại học quốc gia Hà Nội khi ông Nhạ làm giám đốc, quyết định thi trắc nghiệm môn toán được đưa ra mà Khoa Toán của Đại học quốc gia Hà Nội không hề biết, không hề được tham vấn.
Một người không có chuyên môn về toán như ông Phùng Xuân Nhạ mà coi thường ý kiến của hội Toán Học Việt Nam, bất chấp Khoa Toán ở Đại học quốc gia Hà Nội, thì ông dựa vào ai mà quyết định thi trắc nghiệm môn toán?
Còn nữa, về kỳ thi TN THPT, ông Phùng Xuân Nhạ vẫn kiên trì bỏ ngoài tai ý kiến của GS Ngô Bảo Châu, bỏ qua ý kiến phản biện của nhiều chuyên ga về giáo dục, khăng khăng theo ý kiến của mình, thì Giáo dục Việt Nam còn tiếp tục tụt hậu. Xin khẳng định với bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rằng, không có một thủ tục nào có thể ngăn chặn được bê bối trong thi cử hiện nay, trừ phi cách mạng cơ chế toàn diện và triệt để.
THI NHAU CHỊU TRÁCHNHIỆM
Từ xưa, các bậc đế vương, tể tướng, kẻ sĩ…, khi phạm khuyết điểm, ngoài hình phạt theo pháp luật còn tự giáng chức, tự đưa ra hình phạt cá nhân mình để tự răn đe, để không tái phạm. Nhưng ở Việt Nam thời nay thì hoàn toàn khác.
Xin chịu trách nhiệm đã thành câu cửa miệng của các bộ trưởng Việt Nam ngày nay. Chịu trách nhiệm nhưng không xuống chức, không trừ lương. Nên ai cũng mạnh miệng xin chịu trách nhiệm.
Điều tê tái nữa là biểu cảm. Sau các thảm họa hủy diệt, sau các bê bối đau đớn, không thấy khuôn mặt bộ trưởng ưu phiền, lo toan. Chí ít cũng là diễn kịch. Chỉ thấy tươi cười nhơn nhởn. Chứng tỏ sự liêm sỉ đã xuống đến đáy tột cùng của thang nhân phẩm. Đớn đau thay, toàn là các vị với hàng bao tải chức danh, khoác trên mình áo cà sa giáo sư tiến sĩ.
HÃY THỰC SỰ LÀM VIỆC
Bộ trưởng phải là người làm việc thực sự hiểu quả, là người lao động dâng hiến. Thế nhưng, có vị bề ngoài rất bận rộn, song toàn những việc tào lao. Suốt ngày đi dự khai trương, sự kiện, mít tinh, hội họp. Chỉ nghe giới thiệu với vỗ tay đã hết cả hàng giờ thì còn lấy đâu thời gian cho thực việc. Đã thế, cơ sở có sự kiện cùng với bộ phận giúp việc lại phải chuẩn bị các bài phát biểu sẵn. Những bài diễn văn khuôn mẫu buồn chán lặp đi lặp lại đến nhàm tai.
Hãy bỏ khai trương, bỏ sự kiện, bỏ phát biểu ở họi họp mít ting, mà lăn xả vào xử lý các vấn đề bản lề, cốt lõi.
SỰ SỢ HÃI ĐÁNH MẤT QUYỀN LỰC
Tại sao không chịu nghe? Là vì sợ mất quyền lực. Từ mất quyền lực sẽ dẫn đến mất quyền lợi.
Đã đến lúc không thể giữ ý, phải thẳng thừng bỏ tay khỏi bịt miệng mà kêu lên đớn đau, rằng sự sợ hãi mất quyền lực đang hiển hiện bao trùm khắp mọi nơi, trong mọi lĩnh vực trên Đất nước chúng ta. Sự sợ hãi mất quyền lực, kéo theo đó là mất đặc lợi, đang phủ bóng đen tồi tệ lên vận mệnh Dân tộc.
Chưa bao giờ những người dân chân đất đầu trần lại buộc phải lo lắng đến vận mệnh Dân tộc ở mức độ khắc khoải như hiện nay.
Không phải chỉ nạn tham nhũng đang tàn phá kiệt quệ nội lực quốc gia.
Không phải chỉ bị dồn đến chỗ cuối đường cùng buộc vùng lên giữ đất như Đoàn Văn Vươn, Đặng Văn Hiến.
Không phải chỉ vì bị đầu độc nhiều kiếp đời con cháu như Formosa Hà Tĩnh.
Không phải chỉ vì bị chặn long mạch ở Cửu Long, Hồng Hà.
Không phải chỉ bị thắt yết hầu ở Tây Nguyên, Hải Vân, Đèo Ngang.
Không phải chỉ… Mà còn ở nguy cơ tự mình biến mình thành ngu dân nên khó thoát kiếp nạn tụt hậu rồi trở thành kiếp đời lệ thuộc.
Như phù sa đối với cỏ cây, Dân trí là nền tảng sinh dưỡng sự cường thịnh của một quốc gia. Dân trí càng cao thì quốc gia càng giàu có hùng mạnh. Sự xuống cấp của nền Giáo dục là đòn chí mạng lên nền tảng Dân trí. Đau đớn thay.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam về đâu?


Nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn bày tỏ sự bi quan với lý do như sau: Ngoài việc tham nhũng tràn lan, ngoài việc tham nhũng được bình thường hóa, cộng thêm việc bất cứ nỗ lực chống tham nhũng nào đến từ phía người dân đều phải nhận những hình phạt nặng nề từ nhà nước đã khiến cho mọi nỗ lực, mọi ý định kháng cự lại tham nhũng đều bị dập tắt. Cho nên việc kêu gọi phòng, chống tham nhũng của chính quyền có khả thi hay không thì tôi tin 100% là không khả thi. Một đằng thì kêu gọi, một đằng thì dung dưỡng cho tham nhũng cho nên sẽ không bao giờ hiệu quả cả.

Ông Đinh La Thăng tại tòa ở Hà Nội hôm 8/1/2018
Công cuộc phòng chống tham nhũng được Đảng cộng sản và chính phủ Việt Nam nhấn mạnh như là cách để tăng cường sức mạnh. Và đây được nói là một trong những nhiệm vụ trọng tâm với nhiều chính sách, biện pháp được tiến hành. Công luận đánh giá như thế nào về nỗ lực của đảng cộng sản và chính quyền Việt Nam trong lĩnh vực này?
Thực tế tham nhũng

Giới lãnh đạo cao cấp Việt Nam cho rằng chiến dịch chống tham nhũng hiện nay tại Việt Nam thể hiện quyết tâm mang lại sự trong sạch cho guồng máy điều hành đất nước. Luật sư Trần Vũ Hải, một người hoạt động tích cực không chỉ trong lĩnh vực tư pháp mà còn mạnh mẽ lên tiếng về thực trạng đất nước, có nhận định về công cuộc chống tham nhũng tại Việt Nam hiện nay.

Cũng thể hiện là chính quyền cũng muốn áp dụng những biện pháp nào đấy để chống tham nhũng, nhưng cũng có người nói rằng đấy là hình thức. Đấy là một vấn đề rất lớn và cũng không thể làm sớm. Mặc dù chúng ta ghi nhận được một số lãnh đạo, cụ thể là ông Tổng bí thư cũng có tinh thần và biện pháp chống tham nhũng. Bước đầu cũng lôi ra được những nhân vật ví dụ như vừa rồi là một loạt tướng lĩnh mà từ trước đến nay chưa bao giờ làm được điều đó.

Tôi tin rằng là người dân cảm thấy là họ có chống tham nhũng nhưng sau khi đọc xong bài báo, xem xong bản tin trên thời sự thì quay ra ngoài đường thì vẫn cảm thấy tham nhũng tồn tại.

-Nguyễn Trường Sơn
Đứng dưới góc độ nghiên cứu xã hội, nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn lại cho rằng chuyện tham nhũng của những quan chức cấp cao quá xa vời đối với người dân. Anh cho rằng nạn nhũng nhiễu khiến người dân nhức nhối đó chính là từ tầng lớp quan chức cấp thấp, những người có quan hệ trực tiếp với người dân như công an phường, dân phòng, những cán bộ công chức. Trường Sơn đánh giá công cuộc chống tham nhũng thời gian qua là không hiệu quả đối với người dân.

Tôi tin rằng là người dân cảm thấy là họ có chống tham nhũng nhưng sau khi đọc xong bài báo, xem xong bản tin trên thời sự thì quay ra ngoài đường thì vẫn cảm thấy tham nhũng tồn tại. Ví dụ như trong trường học, trong bệnh viện, trong trụ sở phường, xã thì tham nhũng vẫn tồn tại. Vậy thì nếu hỏi rằng cuộc chiến chống tham nhũng vừa qua có hiệu quả hay không đối với người dân thì tôi tin là không.

Thể chế chính trị và tham nhũng

Hôm 2/8 vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ công bố chương trình đào tạo thạc sĩ luật về Phòng chống tham nhũng từ năm 2018. Đây được xem là một trong những nỗ lực nhằm đào tạo nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng chống tham nhũng của Việt Nam trong thời gian tới. Nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn cho rằng quyết định đó không liên quan đến cách vận hành của bộ máy của nhà nước Việt Nam hiện nay.

Tham nhũng ở Việt Nam đã trở thành một phần của bộ máy rồi. Nó trở thành một phần của guồng máy hoạt động rồi. Muốn loại bỏ tham nhũng thì cách vận hành bộ máy đó phải được thay đổi. Và rõ ràng là muốn thay đổi cách vận hành bộ máy nhà nước ở Việt Nam thì không thể nào thay đổi bằng việc đào tạo thạc sĩ chống tham nhũng được mà nó phải là một quyết tâm chính trị rất lớn đến từ Bộ Chính trị cũng như đến từ những người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam.

Một số nhà quan sát chính trị Việt Nam cho rằng việc xử và bỏ tù các quan chức cấp cao nhà nước vì lý do tham nhũng thực ra còn có liên quan đến chuyện thanh trừng nội bộ. Ngoài ra, việc đảng cộng sản toàn quyền cai trị cũng bị cho là nguyên nhân dẫn đến vấn nạn tham nhũng tràn lan hiện nay.

Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.AFP
Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng vấn đề ‘độc đảng’ và tham nhũng không hề có mối liên hệ trực tiếp với nhau.

Ví dụ tôi nói là Philippines và Mexico thì là đa đảng nhưng vấn đề tham nhũng cũng rất kinh khủng. Còn Singapore gần như là một nước độc đảng hoặc là Trung Quốc thì tham nhũng cũng đã được bài trừ tốt.

Ông bày tỏ quan điểm về ‘thể chế chống tham nhũng’ của cá nhân mình.

Cái chữ thể chế của tôi khác là ‘thể chế chống tham nhũng.’ Chúng ta phải có những luật lệ, những lực lượng chống tham nhũng tinh nhuệ và trong sạch thì mới chống được tham nhũng. Cùng với cả các luật lệ có thể tìm mọi cách kiểm soát thu nhập và tài sản của các quan chức. Thể chế đấy gồm cả con người và luật lệ; và tất nhiên là cần sự giám sát của báo chí. ‘Thể chế chống tham nhũng’ thì có nhiều thành phần mà Việt Nam thì chưa làm tốt thành phần nào cả.

Tương lai của chiến dịch chống tham nhũng

Trả lời câu hỏi liệu các kêu gọi và biện pháp phòng chống tham nhũng mà đảng và nhà nước Việt Nam đưa ra liệu có khả thi, Luật sư Trần Vũ Hải nhấn mạnh với RFA.

Chống tham nhũng ở Việt Nam là hoàn toàn có thể làm được, nhưng những nhà lãnh đạo ở Việt Nam phải thực tế. Vì đây là một quá trình lâu dài nên họ phải làm thế nào để xây dựng một hệ thống luật lệ kiểm soát tài sản thu nhập, phải nâng lương được giới công chức một cách hợp lý, các lực lượng chống tham nhũng không nên chồng chéo nhau, và việc chống tham nhũng phải được báo chí, nhân dân giám sát. Thậm chí có thể có nhiều chính sách đặc thù khác có thể nghiên cứu từ Hàn Quốc, Singapore, Mã Lai, Trung Quốc.

Chống tham nhũng ở Việt Nam là hoàn toàn có thể làm được, nhưng những nhà lãnh đạo ở Việt Nam phải thực tế - LS. Trần Vũ Hải
Trái ngược với quan điểm của Luật sư Hải, Nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn bày tỏ sự bi quan với lý do như sau.

Ngoài việc tham nhũng tràn lan, ngoài việc tham nhũng được bình thường hóa, cộng thêm việc bất cứ nỗ lực chống tham nhũng nào đến từ phía người dân đều phải nhận những hình phạt nặng nề từ nhà nước đã khiến cho mọi nỗ lực, mọi ý định kháng cự lại tham nhũng đều bị dập tắt. Cho nên việc kêu gọi phòng, chống tham nhũng của chính quyền có khả thi hay không thì tôi tin 100% là không khả thi. Một đằng thì kêu gọi, một đằng thì dung dưỡng cho tham nhũng cho nên sẽ không bao giờ hiệu quả cả.

Để củng cố quan điểm của mình, nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn đưa ra một ví dụ là sinh viên Phan Kim Khánh, người từng đứng ra thành lập các tổ chức phanh phui các vụ tham nhũng nhưng đang phải chịu mức án 6 năm tù.

Thay đổi thể chế theo hướng tam quyền phân lập mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng được nhà hoạt động Nguyễn Trường Sơn cho là cách chống tham nhũng sẽ mang lại hiệu quả cho Việt Nam.

RFA


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Báo chí Việt Nam im hơi về sự kiện Cuba từ bỏ chủ nghĩa cộng sản


Báo chí Việt Nam im hơi về sự kiện Cuba từ bỏ chủ nghĩa cộng sản
Hệ thống truyền thông bị đảng cộng sản chi phối hoàn toàn ở Việt Nam trong những ngày qua đưa tin về việc Cuba thông qua dự thảo hiến pháp mới, nhưng không nhắc đến việc đảo quốc độc tài đảng trị đã loại bỏ mục tiêu xây dựng chủ nghĩa cộng sản.
Quốc Hội Cuba hôm 22 tháng 7 thông qua dự thảo hiến pháp mới nhằm thay thế hiến pháp có từ thời Xô Viết. Hiến pháp mới bỏ mục tiêu xây dựng “xã hội cộng sản”, và thay vào đó là xây dựng “xã hội chủ nghĩa”.
VOA hôm 27 tháng 7 dẫn lời Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam, nói đây là một vấn đề nhạy cảm đến mức các báo Việt Nam đã tự kiểm duyệt chính mình để tránh nhắc tới. Cựu phóng viên Lưu Kha của Thông Tấn Xã Việt Nam, người từng có 15 năm du học và làm việc tại Cuba, giải thích rằng báo chí nhà nước và giới chức Cuba không nói về điều này. Vì vậy, theo nguyên tắc tuyên truyền của truyền thông Việt Nam dưới chế độ cộng sản, báo chí ở Việt Nam cũng không được đưa tin.
Chủ tịch nước CSVN Nguyễn Minh Triết trong một chuyến thăm tới Cuba hồi năm 2009 đã từng tuyên bố về hai quốc gia “anh em cộng sản” như sau:  “Việt Nam – Cuba, như là trời đất sinh ra, một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây, chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cuba thức thì Việt Nam ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ”. Người Việt cả trong và ngoài nước vẫn còn nhớ câu nói này của ông Triết như một đề tài đàm tiếu khắp nơi.
Huy Lam / SBTN

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TÌNH LÀ SAO?



Sống quen với lũ lâu rồi
đôi bờ nên lở bên bồi
cũng quen
cả câu nói dối của em
đong đưa của chị
lạ
quen
của người
rằng:"đời đến thế thì thôi"
Phù hoa đâu phải là đời bỏ đi?
tình như bấc
nghĩa như chì
cân đo mặc họ
mình đi
việc mình
mới hay trong cuộc bại - thành
công danh
lợi lộc
chữ tình là sao?
tin nhiều
nên lắm đớn đau
Người ơi!
còn gửi cho nhau hỡi người?!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

CÒN CHÚT TÌNH TIN TƯỞNG



Trọn một đời
gian khó
lòng buồn đau mấy lần?
thêm nỗi lo xứ sở
Ngày nào vui bình an?
Hiền nhân đi đâu cả?
để núi sông muộn phiền?
có khác nào con rối
quay chán
buồn, đảo điên
Cốt nhục sao ly tán?
Đồng bào sao chia phe?
Máu đỏ bao lần phí?
Vì dại khờ
chót nghe!
Sót được vài tri kỷ
nín miệng
đôi tai che
Vô cảm hay sợ hãi?
Để cho ngày qua đi?
Đã định thôi..
không nói..
chẳng đành khi lũ về
còn chút lòng tin tưởng..
nên góp lời chút nghe!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

QUỐC SỰ VÀ MỘNG SỰ



 
 
         Vừa rồi tôi được nghe nhà báo Nguyễn Xuân Nam giới thiệu về quyển sách " CHỦ QUYỀN BIỂN ĐÔNG ''dày 800 trang do một học giả lão thành 80 tuổi biên soạn . Lời kết của nhà báo có câu :" Không biết " Ai đem quốc sự làm rầy chiêm bao ""; cọng với con số 800 ( độ dày quyển sách ) và con số 80 ( niên kỷ của tác giả quyển sách ) đã cũng " làm rầy chiêm bao của tôi về QUỐC SỰ & MỘNG SỰ !
   
    Qua lời giới thiệu của nhà báo NXN  cuốn sách CQBĐ là một công trình dài hơi , hết sức công phu . Tác giả đã ghi chép những tài liệu xác tín về chủ quyền biển Đông và khẳng định rằng Việt Nam là quốc gia có chủ quyền lớn nhất ! Có lẽ vì vậy mà chuyện biển Đông cũng là chuyện của quốc gia VN . Câu kết luận của nhà báo " Ai đem quốc sự làm rầy chiêm bao " có hàm ý tán thán công đức của tác giả cuốn sách , đã vì chuyện nước non mà quên ăn quên ngủ , lao tâm khổ trí dù đã già nua tuổi tác .
  Từ Ai trong câu " Ai đem quốc sự làm rầy chiêm bao có dáng dấp ca dao với mô típ chữ Ai ở đầu câu  ( Ai đem con sáo sang sông ; Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang ; Ai đi bờ đắp một mình ,...) vừa tạo câu nghi vấn vừa tạo câu khẳng định !
  Mộng sự là mộng mị là chiêm bao trong giấc ngủ vùi !
  Quốc sự là việc nước ; chuyện nước non mình là chuyện tự nhiên như vốn có vậy . Làm người không ai không gắn bó với quê hương đất nước , với quê cha đất tổ . Nguyễn Trãi sau khi từ bỏ quan trường , về ẩn dật ở Côn Sơn , trong bài Tự Thán ông viết :
       Chắc chi thiên hạ đời nay 
     Mà đem non nước làm rầy chiêm bao "

    Dẫu biết răng thiên hạ người đời lòng dạ khôn lường ; cho dù không tin cậy lòng trung tín của thế nhân song ông vẫn luôn đau đáu một nỗi niềm với nước cùng non .
Người quan tâm lo lắng quốc sự thường hay mất ngủ .Tỷ như Hưng Đạo Vương trong " Hịch tướng sĩ văn " đã bộc bạch tấm lòng thao thức của một chủ tướng :" Ta thường tới bữa quên ăn , nửa đêm vỗ gối , ruột đau như cắt ,..." . Như vậy giữa QUỐC SỰ & MỘNG SỰ đối nghịch nhau trời vực . Thức và ngủ ngoài ý nghĩa sinh học còn có ý nghĩa về xã hội học . Người bàng quan với thời cuộc , hờ hững vô tình với việc nước , không quan tâm đến các sự kiện của đất nước là người không tỉnh thức - người luôn mê ngủ . Mê ngủ một phần do bản năng , một phần do bị ru ngủ dưới nhiều hình thức . Có nhiều hình thức ru ngủ thật tinh vi . Ngoài bả danh vọng còn có những trò giải trí , những thú vui ăn nhậu , những mode thời trang , ...Cụ Phan Bội Châu khi bị thực dân Pháp giam lỏng ở Huế , học sinh Quốc Học Huế đến mừng thọ Cụ 60 tuổi bằng một bài ca ; Cụ đáp lại bằng bài ca CHÚC TẾT THANH NIÊN  . Mở đầu bài thơ là ba từ Dậy , dậy , dậy ... Đó là tiếng chuông cảnh tỉnh thanh niên hãy tỉnh thức , hãy " đừng ham chơi , đừng ham mặc , đừng ham ăn , ..." hãy bỏ lối sống tầm thường quyết tâm tu dưỡng để theo con đường cứu nước , giải phóng dân tộc !

       Quốc sự hay việc nước luôn phải được đặt lên trên tất cả , bởi "Phép công là trọng , niềm tây sá nào " . Đất nước còn , còn tất cả ; đất nước mất , mất tất cả ! Mộng sự chẳng qua là giấc ngủ mộng mị . Con người ta quý ở miếng ăn giấc ngủ nhưng không thiêng liêng khẩn thiết bằng chuyện nước non mình ! Nhân gian có câu " Ham ăn thì lú , ham ngủ thì mê ! "

Phần nhận xét hiển thị trên trang