Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 4 tháng 8, 2018

Mỹ đã bào chế thành công vaccine chống ung thư!



Chỉ một mũi tiêm đã có thể khiến tất cả các tế bào ung thư trên cơ thể biến mất – đó không chỉ là ước mơ của những bệnh nhân ung thư và thân nhân họ mà cũng là của cả nhân loại.


Thử nghiệm vaccine đối với chuột tỷ lệ thành công tới 97%. Mới đây, các nhà khoa học ở Đại học Stanford Mỹ đã nghiên cứu, sản xuất thành công “vaccine ung thư”, khiến nhân loại đứng trước tương lai tươi sáng triệt để chiến thắng căn bệnh nan y này. Các nhà nghiên cứu đã giành được thành quả tuyệt vời gây bất ngờ khi thử nghiệm đối với chuột: sau khi tiêm vaccine, các tế bào ung thư trong cơ thể nó hoàn toàn biến mất, không những thế loại vaccine này còn có tác dụng đối với nhiều loại ung thư khác nhau. Các tài liệu liên quan đến công trình nghiên cứu này đã được đăng trên tạp chí “Science Translational Medicine”.


Theo tạp chí này thì nhóm nghiên cứu của Giáo sư Ronald Levy của Học viện Y khoa, Đại học Stanford đã nghiên cứu chế tạo ra loại vaccine này trên cơ sở kết hợp 2 dung dịch kích thích miễn dịch.

Khi thí nghiệm, các nhân viên nghiên cứu đã cấy 2 khối u limpo ung thư vào 2 vị trí trên cơ thể chuột, sau đó họ tiêm một lượng nhỏ vaccine vào 1 trong 2 khối u kích thích tế bào trong khối u. Kết quả cho thấy, sau khi được tiêm vaccine, không những khối u được tiêm vào bị tiêu diệt mà khối u kia cũng biến mất.

Thông tin về loại vaccine này trên báo Anh.

Trong hạng mục nghiên cứu này, trong số 90 con chuột được dùng thí nghiệm, có 87 con tế nào ung thư hoàn toàn biến mất, tỷ lệ thành công đạt 97%, chỉ có 3 con tế bào ung thư tái phát, nhưng khi tiêm lần thứ 2 thì các khối ung thư đều biến mất.

Loại vaccine kháng ung thư kiểu mới này có hiệu quả đối với nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm cả loại ung thư tự nhiên phát sinh. Các nhân viên nghiên cứu đã giành được kết quả giống nhau khi thử nghiệm đối với các loại ung thư vú, đại tràng và ung thư da.

Ngoài ra, họ còn phát hiện loại vaccine này còn có thể phòng ngừa tái phát ung thư, kéo dài được tuổi thọ của chuột. Khác với các phương pháp trị liệu nung thư khác, loại vaccine này đã tránh phương thức tìm đặc trưng miễn dịch của từng loại ung thư để tiến hành phong tỏa, cũng không cần phải kích hoạt toàn bộ hệ thống miễn dịch hoặc xử lý riêng tế bào miễn dịch của từng bệnh nhân.

Tiêm vaccine vào một khối u hay vào chỗ khác trong cơ thể thì các protein tương đồng với loại của khối u ác tính cũng đều bị tiêu diệt. Điều này có nghĩa là, các tế bào ung thư dù khuếch tán, di căn đến bộ phận nào trong cơ thể cũng đều bị tiêu diệt chỉ bằng một loại vaccine.

Các nhân viên nghiên cứu cho biết, chỉ cần một lượng rất nhỏ vaccine sẽ gây được hiệu quả rất nhanh, đặc biệt không dễ gây ra các tác dụng phụ như phương pháp hóa trị hay xạ trị, thời gian trị liệu rất ngắn, giá lại khá rẻ.

Trong hai loại thuốc tạo nên loại vaccine này. Một đã được phép sử dụng cho con người, loại kia đang được thử nghiệm lâm sàng cho một loại bệnh khác không liên quan đến phương pháp trị liệu này.

Hiện nay, việc nghiên cứu loại vaccine chống ung thư mới này đã bước sang giai đoạn thử nghiệm trên cơ thể người. Nếu thành công, sẽ là đột phá trọng đại trong lịch sử đấu tranh với căn bệnh ung thư của nhân loại.

Thu Thủy
(VietTimes)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

Hoài cả thơ cho tên độc tài này!

NGƯỜI KHÔNG MỘT ĐIỂM TỐI ....
Bài viết của Lao Ta
... Khi còn ở đỉnh cao quyền lực, Saddam Hussein có một thói quen rất… Hoàng đế: Mỗi ngày cho gọi một nhà thơ đến, chỉ để đọc cho ông ta nghe những bài thơ… ca ngợi chính ông ta.
.... Nằm ườn trên chiếc ghế lót lông dê Cashmere, Saddam Hussein lim dim tận hưởng sự tâng bốc mình lên tận mây xanh của các loại thi sĩ cung đình. Câu mà Saddam thích nghe nhất là 
- "Mắt của ngài được ví với những ngôi sao sáng trên bầu trời".
- "Ngài là vua của các vua Ả rập". Rằng
- "Người dân Irak yêu ngài hơn cả cha mẹ, ai ai cũng chỉ mong được chết cho ngài, như một niềm vinh hạnh tột đỉnh của họ".

Không còn một kẽ hở nhỏ cho những lời nói thật nào được lách vào. Trong khi những kẻ dám nói thật thì hầu hết bị giết hoặc ở trong tù. 
Nghe mãi những lời tụng ca, dù rẻ tiền và 100% dối trá riết rồi cũng thành quen, thành nghiện. Ngày nào không được nghe các thi sĩ “của nhân dân” ca ngợi, không được thấy bọn nô tài quỳ lạy bấm báo, Saddam có thể phát điên. Và thế là, dù không quá ngu si, Saddam hoàn toàn tưởng rằng những gì ông ta đang nghe là thật! 
Vì thế, khi quân Mỹ tiến vào Irak lần thứ hai, Saddam rất tin là quân đội hùng mạnh, tuyệt đối “Trung với đảng Bath, hiếu với Tổng thống” của mình sẽ nghiền nát, chôn sống hàng vạn tên “quỷ Mỹ” trên sa mạc chỉ trong một vài ngày. Rằng vì ông ta, hàng triệu người Irak sẽ sẵn sàng làm lá chắn sống hoặc ôm bom cảm tử. 
Hứng lên, Saddam còn ngạo mạn ra lệnh cho các tướng thân cận là phải bắt sống cho được mấy trăm tên “quỷ Mỹ” để làm bia cho ông bắn!
Cùng thời điểm đó, tại Hà Nội, một phó trưởng ban Tuyên giáo TW (lúc đó còn là Ban TTVH), trong một lần hùng hồn giảng bài cho những cán bộ dự nguồn , vốn được coi là hiền tài đất nước, với vẻ mặt đầy hiểu biết của bố hiền tài, anh ta bảo: 
- "Các đồng chí cứ chờ mà xem, không dễ mà hạ được Saddam đâu. Ông ấy vừa được 100 % cử tri Irak bầu lại làm Tổng thống. Đó là điều mà người Mỹ kiêu ngạo không tính đến. Đừng tưởng ông ta chỉ biết rút lui. Chiến thuật cả đấy! Hàng ngàn chiếc xe tăng hiện đại nhất của Saddam vẫn đang ém mình dưới cát sa mạc với đầy ắp vũ khí và những quân nhân tinh nhuệ nhất, chỉ chờ lính Mỹ lọt vào vòng mai phục là xông lên quét sạch! Nghe nói người Mỹ dự trù một ngàn cái túi đựng xác lính tử trận. Này, nếu họ hỏi tôi, tôi bảo các ông hãy chuẩn bị một trăm ngàn cái thì mới đủ”. 
Saddam khiến người dân Irak không dám mở miệng nói thật, điều đó cũng đồng nghĩa với việc ông ta hoàn toàn mù tịt về chính đất nước mà ông ta làm Hoàng đế, hoàn toàn không biết rằng quân đội rệu rã của ông chỉ chờ để quay ngược súng.
Ông phó Ban Tuyên giáo giống Việt thời ấy, chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực bẻ cong sự thật, bịt miệng dư luận, thì tự trở thành đui điếc trước thời cuộc.
Bởi vì chỉ chưa đầy một tháng sau kể từ khi quân Mỹ tiến vào Irak như đi vào chỗ không người, tượng Saddam bị kéo đổ, đầu một nơi, chân tay một nẻo, trong tiếng nguyền rủa và hò reo vang trời dậy đất của người dân Bagdad.
Kết cục sau đó thì tôi xin không kể, vì ai ai cũng đã thấy. Liệu “Ngài Tổng thống vĩ đại và nhân từ”, khi bị đưa lên giá treo cổ có kịp nhận ra: Thế lực thù địch của ông ta là gần 100% người dân Irak ?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hà Nội Mở Rộng: ĐÔ THỊ VỆ TINH HÀ NỘI CHẾT LÂM SÀNG



Đô thị vệ tinh của Hà Nội - những hình hài bất động

VNExpress
Thứ tư, 1/8/2018, 12:30 (GMT+7) 


Một thập kỷ sau khi được quy hoạch, nhiều “đô thị vệ tinh” của Hà Nội vẫn chỉ tồn tại trên bản vẽ.

Chị Tâm kinh doanh cửa hiệu tạp hóa trước cổng chợ Trung Sơn Trầm hơn bảy năm nay. Một ngày của chị, cũng như của nhiều hộ sinh sống dọc đoạn quốc lộ này, bắt đầu bằng việc diệt giặc bụi.

Nhà nào không buôn bán sẽ đóng tất cả các loại cửa sổ, cửa ra vào suốt ngày. Những hộ kinh doanh lớn sẽ đầu tư mạnh tay một vòi phun nước tưới ướt khoảng đường trước cửa.


Chị Tâm không có tiền để phun nước tưới đường. Cách chị chọn là trùm kín tất cả những mặt hàng nào có thể lấy túi nylon để trùm lên được: cặp sách, thú bông, hoa giấy, tập vở...

Thứ chị bán chạy nhất là khẩu trang. Đi qua đoạn phố này, ai cũng cần.

Tháng 10/2010, dự án cải tạo nâng cấp tuyến phố Tùng Thiện nằm trên quốc lộ 21A, Trung Sơn Trầm được phê duyệt, do Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây làm chủ đầu tư với tổng mức hơn 246 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2013.

Không lâu sau, Trung Sơn Trầm trở thành một nơi bụi mù quanh năm. Những đoàn xe kéo qua đoạn quốc lộ dang dở tạo ra một đám mây trắng đậm đặc của bụi phủ vây khu dân cư. Và khung cảnh giữ nguyên cho đến năm 2018, tròn một thập niên kể từ khi Sơn Tây "về thủ đô".
.
 
Khung cảnh quốc lộ 21A đoạn vào thị xã Sơn Tây.

Ngày 7 tháng 4 năm 2011, tai nạn giao thông, hai thanh niên tử vong tại chỗ.

Ngày 6 tháng 1 năm 2016, tai nạn giao thông, 3 người tử vong tại chỗ.

Ngày 30 tháng 7 năm 2016, tai nạn giao thông, một phụ nữ tử vong tại chỗ.

Đó là một vài thống kê về cùng một đoạn đường, loại thông tin hiếm hoi làm cho địa phương này hay được truyền thông nhắc đến.

Bốn xe ôtô trọng tải lớn, hơn ba mươi lượt phương tiện qua lại mỗi phút. Hơn 900 học sinh qua lại đoạn đường này hàng ngày. Thông tin đáng chú ý còn lại về con đường là chuyện ông bảo vệ dân phố với “nghiệp dắt trẻ qua đường” hai lần mỗi ngày. Sự nghiệp của người đàn ông này cũng bắt đầu từ chính năm con đường được khởi công.

“Hôm nào cũng vài đứa học sinh trượt bánh xe đạp ngã ở đây”, chị Tâm chỉ vào đoạn đường trước cửa nhà, ngổn ngang những viên đá lớn làm đường, một miệng hố chưa lấp.

Nắng thì bụi, còn một cơn mưa nhỏ cũng đủ để biến đoạn dân cư ấy thành vũng thành chuôm. Những đoạn cống thoát nước lắp đặt dang dở của con đường dang dở không giúp chị tránh được dòng nước tràn vào nhà.

Đó là hình ảnh con đường huyết mạch nối liền hai "đô thị vệ tinh" Hòa Lạc và Sơn Tây - những nơi mà theo quy hoạch, sẽ là mũi nhọn của việc phát triển thủ đô sau mở rộng.
.

VỆ TINH BẤT ĐỘNG

Đô thị vệ tinh (satellite town) là khái niệm được học giả Mỹ Graham Romeyn Taylor đưa ra lần đầu năm 1915 để chỉ việc di dời các nhà máy ra ngoại thành nhằm giảm thiểu áp lực dân cư vào một thành phố lớn.

Sau thành công của Mỹ, Liên Xô, Anh và nhiều nước châu Âu nửa đầu thế kỷ 20, phong trào xây đô thị vệ tinh ở bắt đầu lan sang châu Á.

Nhật Bản là một trong những nước tiên phong. Năm 1956, quốc gia này rót hàng trăm tỷ đôla vào việc gây dựng 8 đô thị vệ tinh quanh Tokyo. Người Nhật chỉ mất 6 năm để nhận ra đại kế hoạch này không hiệu quả. Họ tập trung đầu tư cho tái cấu trúc thủ đô, phương án đạt nhiều thành công và ít tốn tiền hơn.

Hàn Quốc kiên trì hơn với 3 lần nỗ lực đeo đuổi kế hoạch chỉ trong vòng 13 năm. Từ 1960 đến 1973, họ cho xây dựng 12 đô thị vệ tinh quanh Seoul. Sức ép dân số vào Seoul không hề giảm. Từ một thành phố đông dân thứ 33 trên thế giới với 2,4 triệu người năm 1960, Seoul ngày nay đứng thứ 4 thế giới với 23 triệu dân.

Hàn Quốc đã có lúc phải tính tới chuyện dời thủ đô ra khỏi Seoul để tránh áp lực dân số.
.
Quy hoạch các đô thị bao quanh Hà Nội.

Năm 2008, Việt Nam nhập cuộc. Sau mở rộng địa giới, các nhà quy hoạch Hà Nội gọi tên năm đô thị vệ tinh: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn. Với chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, chúng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm về mọi mặt.

Nhưng Việt Nam đang mất nhiều thời gian hơn người Nhật để xác định mức độ hiệu quả của đại công cuộc này.

Trung tâm Sơn Tây, mười giờ sáng, một anh thanh niên dìu tay người phụ nữ lớn tuổi lên những bậc cầu thang của chợ Nghệ để tìm mua một bộ áo nâu đi lễ chùa.

Người phụ nữ đến đây mua đồ chỉ vì mối quen biết nhiều năm với người bán hàng. Anh thanh niên không thích mua quần áo ở những nơi không gương, không phòng thử, không ánh sáng, không điều hòa, xung quanh đủ loại mùi. Anh không bao giờ mua đồ chợ Nghệ.

Hai bà cháu họ là những người đầu tiên bước vào ki ốt 494 của bà Hiền từ ba ngày nay. Thời điểm đó, họ là hai trong vỏn vẹn năm khách hàng của khu chợ đầu mối được gọi là “hiện đại nhất phía Tây thủ đô”.

Bà Hiền vẫn nhớ như in những ngày hoàng kim của khu chợ này, khi bà còn là cô thiếu nữ ra giúp mẹ bán hàng. “Ngày thường thôi, người xếp hàng mua đồ đã dài khắp các ngách chợ, đen đỏ toàn người là người”. Những người dân Sơn Tây cùng thời với bà Hiền còn nhớ một câu ca dao:

Chợ Nghệ một tháng sáu phiên
Khách đến như nước hàng tiền như mưa.


Bà Hiền còn định kể thêm gì nữa nhưng tiếng hát karaoke từ những ki ốt xung quanh làm bà khựng lại. Khung cảnh chen chúc quanh bà những ngày chợ xưa giờ được thay bằng những chủ hàng nằm dài trên ghế xếp ngủ từ sáng đến trưa. Người khác ngồi tán chuyện, nhổ tóc cho nhau. Một vài người mang cả dàn karaoke ra, sáng mở hàng, ngồi hát đến khi chợ tắt đèn mới cất micro, đóng cửa đi về không có nổi một vị khách.

Trên tầng hai của trung tâm thương mại, sót lại một vài tấm biển hiệu của những ki ốt bán nhân sâm Triều Tiên hảo hạng, phông bạt, bóng nháy, hoa lụa đám cưới... Tất cả, đã phủ nhiều lớp bụi, đôi lúc được kèm thêm một tờ giấy viết tay “Cho thuê chỗ giá rẻ”. Tổng cộng có khoảng 300 gian hàng như thế.
.
 
Các tiểu thương nói, họ còn bám trụ trong chợ vì không có đủ lực thuê cửa hàng mặt phố.

Phía cuối hành lang tầng hai bỏ hoang ấy, một người phụ nữ đang kê ghế con ngồi tựa lưng vào những mảng chân tường loang loang màu mốc, đan ngựa và hình nhân hàng mã.

Chị không thấy cái chợ này sôi động lên hay đìu hiu đi, từ ngày mở chợ đến nay nó vẫn vậy. Chị cũng không đưa ra lời phỏng đoán, giải thích hay đánh giá nào cho mô hình quản lý hay quy hoạch của UBND thị xã. Chị thấy tiện. Chị có chỗ để nhờ những sản phẩm chiếm nhiều không gian mà mình vừa làm ra, tất cả là nhờ có sự hoang phế này.

Để thay thế cho chợ Nghệ cũ, bị cháy năm 2005, một công trình mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội ra đời với những hứa hẹn: Trung tâm thương mại lớn nhất phía Tây Hà Nội, 17.000 tỷ đồng để xây dựng một hầm xe và 3 tầng chợ với sức chứa hơn 1.200 gian hàng.

Tháng 9 năm 2009, cùng với hơn 800 hộ kinh doanh khác bị thiệt hại do cháy, chị Hiền bốc thăm phân lô ki ốt cho cửa hàng mới của mình. Chị, cũng như họ, khấp khởi niềm hy vọng gây dựng lại cơ ngơi trước kia để lo cho hai con ăn học.

Nhưng giờ cả tháng chị Hiền trẻ mới đi “đánh hàng” một lần, mỗi lần chỉ vài cái áo phông, chục cái váy ngắn váy dài, ai dặn gì mới lấy đấy. Từ một tiểu thương có máu mặt phất lên nhờ bán sỉ quần áo, mỗi lần đi “đánh hàng” bằng xe tải như ngày xưa, giờ chị Hiền lấy mươi thứ về vẫn lo không bán hết.

Hai phần ba trong số hơn 800 tiểu thương đăng ký kinh doanh ban đầu giờ đã rời khu chợ chục nghìn tỷ này để tìm kế sinh nhai khác.
.

Những người còn cố gắng bám trụ đa phần là người già như bà Hiền, không còn sức đổi sang công việc khác. Hoặc những người không đủ tiền để thuê cửa hàng mặt đường như chị Hiền trẻ.

Chị Hiền chợ Nghệ và chị Tâm ở Trung Sơn Trầm, đều đã từng mang những hoài bão. Chị Tâm đặt niềm tin mười năm vào một con đường tầm cỡ quốc gia to đẹp thông thoáng để thuận lợi đi lại, buôn bán. Chị Hiền cũng có một ấp ủ mười năm gây dựng lại cơ đồ, trên nền tảng của một khu chợ trung tâm bề thế. Nhưng giờ, thất vọng là điểm chung duy nhất của họ.
.

"LOST IN SƠN TÂY"

Cảm giác thất vọng ấy là của cả Thomas và Violet.

Thomas và Violet là hai công dân Anh sang Việt Nam làm giáo viên ngoại ngữ từ đầu tháng 5 năm nay. Trong hành trình khám phá văn hóa Việt Nam, họ dành một buổi sáng dạo quanh khu di tích thật nằm cạnh “di tích” chợ Nghệ: thành cổ Sơn Tây.

Hai chữ Yes, No và ngón tay trỏ của nhân viên bảo vệ là phần thông tin duy nhất cho hai khách du lịch này trong chuyến thăm thành cổ.

Lost là từ được Violet dùng để trả lời cho câu hỏi “cảm nghĩ sau khi đi thăm thành cổ”. Từ lost ấy của cô và người bạn trai không được dùng với ý nghĩa chỉ sự lạc đường.

Lost là kiểu cảm xúc khi họ bước vào một khu “di tích” nhiều bê tông, sắt thép hơn đá ong, nhiều quán nước hơn bảng hiệu chỉ dẫn, không một tấm bản đồ và cánh cửa luôn khóa của văn phòng thông tin du lịch.

Đại diện duy nhất của ngành du lịch họ gặp ở khu di tích một trăm sáu mươi nghìn mét vuông ấy là nhân viên bảo vệ không biết tiếng Anh.

Khoảng 10 giờ sáng, chuyến tham quan thành cổ kết thúc sau hơn 30 phút. Họ lên xe máy đi đến địa danh thứ hai: làng cổ Đường Lâm với hy vọng không còn lost. Nhưng nhiều người Việt Nam đã đi thăm Đường Lâm hẳn sẽ cảm thấy lo lắng cho hành trình này.

Lost của Violet và Thomas là cảm giác hoang mang, mơ hồ, bối rối.

Sơn Tây được quy hoạch là một trong năm đô thị vệ tinh cùng Sóc Sơn, Hòa Lạc, Xuân Mai và Phú Xuyên. Với tính chất là một đô thị văn hóa lịch sử và du lịch nghỉ dưỡng. Các hướng phát triển trọng tâm của đô thị này được xác định là đô thị dịch vụ, du lịch sinh thái và tiểu thủ công nghiệp.

Sau 10 năm về Hà Nội, bộ mặt du lịch của đô thị vệ tinh vẫn chỉ là những người dân Đường Lâm co duỗi trong những vuông nhà nát không cách nào kiếm ra tiền trong làng du lịch cấp Quốc gia.

Đó là một trong những nhân vật làm dịch vụ bền vững nhất đô thị vệ tinh Sơn Tây: cụ bà bán thạch găng trước cổng thành cổ "tâm điểm du lịch" của thị xã. Mấy chục năm nay bà vẫn luôn ngồi bán những cốc thạch năm nghìn đồng, với gia tài vỏn vẹn làn thạch, lọ chè đỗ đen và mấy cái cốc thìa gói trong túi nilon.

Đó là hơn 3.200 tỷ đồng xây dựng một làng văn hóa các dân tộc bỏ hoang, gần 2 tỷ đồng trùng tu mỗi ngôi nhà cổ để sau đó không thể ở, là hơn 8 tỷ đồng khác để bê tông hóa ngôi thành cổ gần 200 năm tuổi...

Đó là những đoàn khách Việt hoang mang, mơ hồ, bối rối và những vị khách Tây, hễ đi là thấy lost.
.

CHẲNG CÓ GÌ THAY ĐỔI

Cả Sơn Tây có 635 doanh nghiệp, tức bình quân cứ 292 người dân Sơn Tây thì có một doanh nghiệp hoạt động.

Số dân chia doanh nghiệp của thị xã này gấp đôi mức bình quân của cả nước (165 người/doanh nghiệp), gấp 5 lần mức bình quân của toàn Hà Nội (hơn 60 người/doanh nghiệp).

So sánh ngẫu nhiên với 2 thị xã ở các vùng kinh tế khác, thì bức tranh kinh doanh của "đô thị vệ tinh" Sơn Tây cũng không mấy sáng sủa. Thị xã Đồng Xoài, tỉnh lỵ của Bình Phước, cứ 80 người dân thì có một doanh nghiệp. Thị xã Kỳ Anh, không phải tỉnh lỵ của Hà Tĩnh, một tỉnh nghèo, cũng có mức bằng bình quân cả nước.
.
 
So sánh bình quân số dân trên mỗi doanh nghiệp.

Theo báo cáo nhân 10 năm ngày sáp nhập về Hà Nội của UBND thị xã Sơn Tây, năm 2018 số doanh nghiệp tăng 443 so với năm 2008, khi mới trở thành một phần thủ đô.

Nói cách khác, tổng số doanh nghiệp ra đời và tồn tại ở Sơn Tây trong một thập kỷ qua, chưa bằng mức tăng của Hà Nội trong vòng một tuần. Mỗi tuần Hà Nội có gần 500 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh mới.

“Du lịch” là một trong những hoạt động kinh tế được xác định là mũi nhọn của “đô thị vệ tinh Sơn Tây”. Nhưng ngoài Đường Lâm vốn gây thất vọng cho khách du lịch từ lâu, hoạt động kinh tế đáng kể nhất mang dấu ấn văn hóa địa phương, là làm bánh tẻ.

2h chiều, con đường dẫn vào làng bánh tẻ Phú Nhi thưa bóng người. Những ngõ, ngách trong làng vẫn đầy hàng cau, giàn trầu không vấn vít trên bờ tường đá ong.

Từ cuối ngõ, Bà Chung quẩy quang gánh sang lò nhà chị Lan. Như mọi ngày, bà sẽ nhập 50 chiếc bánh. Ngày bà đi hai lượt, từ làng mình sang Phú Nhi lấy hàng rồi đi bộ xuống thị xã Sơn Tây bán rong cho khách.

Bánh làm bằng bột gạo, mộc nhĩ, nhân thịt ba chỉ, bên trong cuộn lá dong xanh, bên ngoài cuộn chặt bằng lá chuối khô để không bung ra khi hấp chín. Chiếc bánh tẻ được làm bằng những nguyên liệu thuần nông, tự trồng, tự nuôi của người Sơn Tây. Nhưng nó chưa bao giờ trở thành "đặc sản du lịch" trong "ngành du lịch mũi nhọn" mà các nhà quy hoạch đã gán cho Sơn Tây.

Con đường độ hai chục cây số, bà Chung đi đã 17 năm nay. Đôi chân và chiếc quang gánh ấy là động cơ chính trong quảng bá thương hiệu truyền thống của nơi này.

 
Bà Chung quẩy bánh tẻ đi bán lẻ trong Sơn Tây.

Giữa buổi chiều, lò than nhà chị Lan sẽ lại đỏ lửa khi đã giao hết bánh cho những gánh hàng rong. Chỉ có mấy phụ nữ trung niên trong bếp. Chị này xay thịt, chị kia nhóm lò, một người nữa ngồi lau lá dong. Còn bà chủ thì ngồi quấy bột đã ngâm sau một buổi, chuẩn bị ráo.

Thanh niên trong làng đã tha hương đi làm thuê hết, nghề truyền thống giờ chỉ để những người già túc tắc sống qua ngày.

Mỗi ngày, cơ sở có bốn nhân công này sẽ cho ra lò khoảng 1.000 cái bánh. Bán buôn 4.500 đồng, bán lẻ 5.000 đồng mỗi cái. Thị trường tiêu thụ là những nhà làm du lịch ở Đường Lâm, gánh hàng rong quanh thị xã như bà Chung, hoặc người “dưới Hà Nội” đặt làm.
.
Hoạt động kinh tế mang dấu ấn văn hóa địa phương đáng kể nhất ở Sơn Tây 
là làm bánh tẻ.

Mấy năm trước, phường từng phát cho mỗi hộ sản xuất một tệp danh thiếp để quảng bá thương hiệu bánh tẻ Phú Nhi. Trên cái danh thiếp ấy có thông tin đầy đủ của chủ nhà, không quên khẳng định “làng nghề truyền thống”. Chị Lan phân phát chúng cho vài gánh hàng rong để gửi khách lạ, còn đâu vứt cả bịch vào chạn bát.

NHỮNG ĐÔ THỊ 3 "KHÔNG"

Ba yếu tố cần phải có của một đô thị vệ tinh được nêu ra tại Hội nghị Quốc tế thường niên về phát triển nông thôn năm 2016 tại Latvia:

“Đảm bảo việc di chuyển nhanh chóng tới đô thị lõi và không gian đủ rộng để xây dựng hạ tầng
Độc lập kinh tế với đô thị lõi, đảm bảo tạo ra đủ việc làm cho cư dân sinh sống tại đó

Một nền văn hóa mang tính đặc thù để nó không bị đánh đồng với các vùng ngoại ô thông thường”.

Đem ba tiêu chí này đối chiếu với bất kỳ 1 trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội cũng sẽ cho kết quả không lạc quan.

Các đô thị vệ tinh không đảm bảo được việc di chuyển nhanh chóng của người dân ra vào đô thị lõi. Quốc lộ 6 là con đường huyết mạch nối Xuân Mai với nội thành Hà Nội. Nhưng trong một ngày không mưa, một giờ ba mươi phút là thời gian cần thiết để đi từ nội thành Hà Nội đến Chúc Sơn, thị trấn liền kề đô thị Xuân Mai, cũng đúng bằng thời gian đi từ Hà Nội đến Hải Phòng. Đây trở thành phép so sánh kinh điển cho thấy sự bất hợp lý trong hạ tầng giao thông Hà Nội.

Xuân Mai thất bại với điều kiện đầu tiên.

Khu công nghiệp Nam Tiến Xuân quy mô 290 ha, khu đô thị mới nằm giữa núi Thoong - sông Bùi 470 ha, khu trung tâm thương mại tại ngã tư Xuân Mai... là những cái tên người dân Xuân Mai nghe quen nhưng chưa bao giờ thấy mặt. Bảy trên chín khu dân cư trên địa bàn vẫn sinh sống bằng nông nghiệp.

Đô thị dịch vụ - công nghiệp Xuân Mai sau 10 năm vẫn còn là khái niệm xa lạ với chính người dân địa phương. Xuân Mai thất bại trong cả điều kiện thứ hai.

Đại lộ Thăng Long có thể coi là thành công đáng kể nhất trong hạ tầng giao thông đô thị vệ tinh. Trên lý thuyết, con đường 30 km trị giá gần 8.000 tỷ đồng này sẽ kết nối trung tâm thủ đô với siêu đô thị khoa học và công nghệ cao Hòa Lạc.

Hòa Lạc nhìn từ trên cao, sau 20 năm, là một vùng rộng lớn màu nâu loang lổ của nhiều khu đất không một công trình, là cánh cổng đồ sộ dẫn vào thành phố đại học - Đại học Quốc gia Hà Nội không bóng sinh viên. Những người dân Thạch Thất 15 năm trước trông chờ vào một thành phố đại học với các dịch vụ ăn theo đủ để nuôi sống cả một vùng dân cư lân cận, giờ đã quen với sự "treo" của các dự án suốt từ thời về thủ đô.
.
 
Trung tâm Hà Nội năm 2012. Ảnh: Funky Chickens

Khi các đô thị vệ tinh của Hà Nội thất bại trong việc đáp ứng các điều kiện cần và đủ, nhiều người quay lại với câu hỏi: vậy nội thành Hà Nội đã bớt đông dân?

Năm 2008, mật độ dân số bình quân của cả thành phố khoảng 1.900 người/km2. 10 năm sau, chỉ số này khoảng 2.300 người/km2. Mật độ của quận tích tụ đông dân nhất, Đống Đa, cũng tăng từ 36.700 người/km2 lên 42.200 người/km2.

Việt Nam đã kiên trì hơn cả Nhật Bản và Hàn Quốc trong đại công cuộc phát triển đô thị vệ tinh của mình. Tháng 12 năm 2017, Thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết về đồ án Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc - TP Hà Nội đến năm 2030 với 75 dự án, kỳ vọng thu hút 600.000 dân.

Ước mơ về những thành phố vệ tinh 4.0 vẫn tiếp tục được vẽ lên. Và Hà Nội tiếp tục chờ đợi.

Và người dân Trung Sơn Trầm, Sơn Tây vẫn chỉ giặt quần áo khi trời mưa. Hơi ngược đời, nhưng chỉ khi đó con đường mới không có bụi.
.
Cửa ngõ vào thị xã Sơn Tây với con đường thi công dang dở gần 10 năm.

Bài: Thanh Lam - Hoàng Phương
Ảnh: Giang Huy
Video: Trần Quang


Phần nhận xét hiển thị trên trang

THANH HÓA ĐÓI, CHÍNH PHỦ PHẢI CHO GẦN 60 NGÀN TẤN GẠO


Ảnh minh họa.

Chính phủ hỗ trợ Thanh Hóa 50.790 tấn gạo

Người lao động
31/07/2018 17:40

(NLĐO)- Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 50.790 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Thanh Hóa.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 30-7 đã có văn bản chỉ đạo Bộ Tài chính xuất cấp không thu tiền 50.790 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Thanh Hóa để thực hiện Đề án hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tự nguyện nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng trong thời gian chưa tự túc được lương thực giai đoạn 2018-2024 trên địa bàn 4 huyện: Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Như Xuân.

Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa sử dụng số gạo được cấp nêu trên hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, không trùng lặp với các chính sách hỗ trợ lương thực khác trên địa bàn.

Bộ Tài chính phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất số lượng gạo hàng năm theo nhu cầu thực tế, thời gian và lộ trình thực hiện Đề án, bảo đảm tổng số lượng gạo xuất cấp trong 7 năm không vượt quá tổng số lượng gạo theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, tháng 5 vừa qua, Chính phủ cũng đã quyết định xuất cấp không thu tiền từ nguồn dự trữ quốc gia 387,45 tấn gạo cho tỉnh Thanh Hóa để hỗ trợ nhân dân trong thời gian giáp hạt năm 2018. 

D.Ngọc

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lá cờ Đài Loan ở Bình Dương, cuộc khởi nghĩa bất thành



Lá cờ của Đài Loan phấp phới ở Bình Dương, Việt Nam, có lẽ không qua được 72 tiếng đồng hồ, nhưng bản thân sự có mặt của nó như là một cuộc kháng chiến không mệt mỏi về chủ quyền của mình.

Hai ngày sau khi có tin hãng gỗ Kaiser ở Khu Công Nghiệp Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương được treo cờ Đài Loan để phân biệt với các công ty trung Quốc trong khu vực này, nhằm tránh các cuộc biểu tình bao động nhằm vào Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã giận dữ yêu cầu Việt Nam phải "sửa sai" về việc này. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát đi dõng dạc vào ngày 31/7/2018.

Dĩ nhiên, sớm muộn gì công ty Kaiser cũng sẽ phải hạ cờ và thay bằng hình thức gì đó khác. Bởi sự cho phép treo cờ, chắc chắn hoàn toàn nằm ở ý kiến chủ quan của chính quyền địa phương. Mà nguyên nhân chính là Kaiser là công ty đóng góp đến chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam, vào thị ttrường quan trọng là Hoa Kỳ.

Nhưng điều đó không có ý nghĩa gì, khi so với sức nặng của nền kinh tế Việt Trung, khi nền kim ngạch thương mại song phương Việt Nam- Trung Quốc lần đầu tiên sẽ chạm mốc 100 tỉ USD. Mạnh tiền, đồng nghĩa mạnh quyền. Dĩ nhiên, đó là chưa nói đến tình hữu nghị kỳ lạ giữa hai đảng cộng sản, không liên quan gì đến nhân dân Việt Nam.

Không chỉ Việt Nam, nhiều hãng máy bay đi ngang Biển Đông hiện nay, nằm trong vùng kiểm soát Trung Quốc từ tháng Bảy vừa qua đã phải đổi tên gọi trên bản đồ và cách xưng hô, để xác định Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Dĩ nhiên, Việt Nam cũng đang phải tiến hành những yêu cầu này của Trung Quốc.

Số phận của lá cờ Đài Loan nhắc cũng như dự báo rất nhiều điều về một Trung Cộng và Việt Nam. Vô số những tàu cá mang cờ Việt Nam đi trong vùng biển gần đảo Hoàng Sa đều bị tấn công dã man vì Trung Quốc không muốn lá cờ chủ quyền Việt Nam xuất hiện trong vùng họ chiếm đóng. Nhượng bộ để hạ cờ Đài Loan ở Bình Dương lúc này, cũng là cách mà Việt Nam luôn né tránh và im lặng về giá trị của một đất nước mà họ nắm quyền, nên việc hy sinh ai đó khác, cho mối liên minh ma quỷ ấy, cũng không lạ. 

Lá cờ của Đài Loan có thể coi như một cuộc khởi nghĩa nho nhỏ bất thành trong lòng liên minh các thù địch. Nó lại nhắc nhớ khi ông Hoàng Khôn Minh, ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tuyên truyền Trung ương của đảng Cộng Sản Trung Quốc ghé Sài Gòn và nơi ông Nguyễn Thiện Nhân tiếp đón phải che bản đồ Việt Nam có Hoàng Sa - Trường Sa. Ông Nhân quả cũng có một cơ hội "khởi nghĩa" nhỏ nếu để cho tay Hoang Khôn Minh ấy nhìn thấy tấm bản đồ chủ quyền Việt Nam. Nhưng không, ước muốn ấy, hy vọng ấy luôn chỉ có ở những người yêu nước và đủ nhân cách.

Một tay buôn gỗ mà có lòng ái quốc hơn cả một nhân vật lãnh đạo, quyền kiểm soát một hệ thống chính trị kiểu ấy có đáng để so sánh cùng?

FB TUẤN KHANH 01.08.2018

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Báo chí tư nhân, sao chưa hợp pháp hóa?





Hoàng Hải Vân
2-8-2018

Hồi tôi còn làm Tổng thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên, lãnh đạo một doanh nghiệp tư nhân lớn có mang đến đề án lập một báo điện tử, đề nghị Thanh Niên “đứng tên”. Tôi hỏi sau đó thì sao, người này bảo Công ty sẽ nộp cho Thanh Niên một khoản lệ phí hàng tháng, Thanh Niên chỉ giám sát nội dung và thu tiền, mọi thứ họ làm từ A đến Z, lời hay lỗ họ tự chịu trách nhiệm. Tất nhiên Thanh Niên không đồng ý cho thuê danh. Họ đã mang đến một cơ quan khác và một báo điện tử đã ra đời do cơ quan này làm “chủ quản”. Đó là một trong nhiều tổ chức báo chí tư nhân đang tồn tại trong thực tế mười mấy năm nay ở nước ta, họ hoạt động tương đối chuyên nghiệp, với lượng người đọc rất lớn.

Ban Tuyên giáo Trung ương biết không? Chắc chắn biết. Bộ Thông tin và truyền thông biết không? Chắc chắn biết. Bộ Chính trị biết không? Chắc chắn nhiều người biết. Biết, nhưng không “dẹp” và không thể “dẹp” được, vì những tổ chức này lách luật. Đừng nói lách luật là bất hợp pháp. Lách luật là làm không trái luật, làm không trái luật là hợp pháp. Cũng không nên sửa luật để “dẹp” những tổ chức báo chí tư nhân này, vì họ đang giữ thị phần áp đảo trên thị trường báo chí điện tử. Làm như vậy sẽ gây khủng hoảng trầm trọng về truyền thông quốc gia mà hậu quả sẽ rất khó lường. Cần biết, nhà nước chỉ mới đình bản 3 tháng Tuổi Trẻ online, lập tức đã “phong thánh” cho báo Tuổi Trẻ, đương nhiên “phong thánh” cho Tuổi Trẻ cũng không sao, vì Tuổi Trẻ là một trong các cơ quan ngôn luận của Đoàn Thanh Niên cộng sản, sự kiện này chỉ tước một phần uy tín của cơ quan quản lý báo chí của Nhà nước mang sang bổ sung cho cơ quan báo chí của Đoàn.

Vấn đề là, Đảng và Nhà nước đang thừa nhận trong thực tế sự tồn tại của báo chí tư nhân, có nghĩa là thực tế đó xuất phát từ nhu cầu thiết thân của cuộc sống, sao lại không hợp pháp hóa nó? Cần nhớ rằng ngay từ thời cơ chế tập trung quan liêu bao cấp “toàn tòng” sau năm 1975, Đảng và Nhà nước vẫn cho phép báo chí tư nhân hoạt động, điển hình là tờ Tin Sáng và tờ Đứng Dậy ở TP. HCM. Điều này chứng minh rằng sự tồn tại của báo chí tư nhân hoàn toàn không đi ngược lại định hướng xã hội chủ nghĩa, ngay cả đối với chủ nghĩa xã hội kế hoạch hóa. Những tờ báo này tự tuyên bố “hoàn thành nhiệm vụ”, thực chất là bị “dẹp”, không phải do trái với định hướng mà do một vài vị lãnh đạo cấp cao của đất nước lúc ấy lo ngại không quản lý được. Và tôi biết, ông Võ Văn Kiệt lúc đó đã không tán thành chủ trương “dẹp” những tờ báo này.

Việc thực hiện quy hoạch báo chí tới đây có vẻ đang nhắm vào các tổ chức báo chí của các hội, hiệp hội, là những nơi “đứng tên” cho nhiều tổ chức báo chí tư nhân. Nhưng tôi tin rằng không thể nào “dẹp” được các báo điện tử tư nhân có tiềm lực tài chính lớn và có đông bạn đọc. Họ có đủ thực lực để “chạy” từ cơ quan chủ quản này đến cơ quan chủ quản khác. Vì vậy, việc quy hoạch chẳng qua là chỉ bỏ bớt những cơ quan báo chí tư nhân nhỏ không đủ tiềm lực tài chính, trong đó có không ít các nhà báo chính trực có nghề và các nhà đầu tư tâm huyết. Loại họ ra khỏi cuộc chơi, cũng có nghĩa là sẽ tạo thế độc quyền cho các tổ chức báo chí tư nhân lớn gia tăng thị phần. Những tổ chức báo chí tư nhân này lại do các “đại gia” chi phối, do đó cũng tạo thêm cơ hội cho các “đại gia” thao túng truyền thông. Không có cạnh tranh, báo chí tư nhân rất dễ biến thành công cụ của các nhóm lợi ích. Đó là chưa nói đến những vấn đề rủi ro về nguồn gốc công nghệ từ nước ngoài đang chi phối phần lớn hệ thống báo chí điện tử tư nhân, nhưng không nằm trong phạm vi đề cập của bài này.

Vì những lý do nói trên, việc hợp pháp hóa báo chí tư nhân hoàn toàn không có gì là trái với quan điểm, đường lối của Đảng, nhất là nước ta đang chuyển sang cơ chế thị trường, hợp pháp hóa nó chẳng qua chỉ là sự công nhận bằng luật pháp một sự thật đang tồn tại mà thôi. Chủ trương không cho ra báo tư nhân là một chủ trương không thực chất. Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi thành lập đã tuyên bố tuyên truyền cho sự thật, bởi vậy mà một trong những tờ báo đầu tiên của Đảng là tờ “Sự thật”, nhà xuất bản của Đảng cũng là nhà xuất bản “Sự thật”. Không có lý gì mà Đảng vẫn cứ duy trì một chủ trương không thực chất đối với báo chí tư nhân!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

và những huyền thoại cách mạng


Hình vẽ tuyên truyền câu chuyện Lê Văn Tám trong sách giáo khoa và báo chí Việt Nam.

Lê Văn Tám 



Kính Hòa 
RFA
2018-08-01

Ngày 22/7/2018, tờ Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đưa tin một số nhà văn đã thực hiện một ngày giỗ cho nhân vật Lê Văn Tám, một nhân vật được cho là tham gia cách mạng vào tuổi thiếu niên, dùng xăng tẩm vào người để đốt chay kho xăng của thực dân Pháp tại Sài Gòn vào những năm 1940 bắt đầu của cuộc kháng chiến.


Nhưng câu chuyện này đã từng bị phản bác cách đây khá lâu.

Câu chuyện về một thiếu niên tên là Lê Văn Tám tham gia vào lực lượng kháng chiến chống Pháp do những người cộng sản chỉ huy, có hành động hy sinh anh dũng, là một câu chuyện được loan truyền chính thức trong báo chí, sách giáo khoa, và cái tên này cũng được dùng để đặt tên đường, trường học, công viên….từ khi đảng cộng sản bắt đầu cầm quyền.
Không có một sự nghi ngờ gì trong xã hội Việt Nam suốt những năm đó về câu chuyện này cũng như bao nhiêu câu chuyện anh hùng cách mạng khác, cho đến năm 2008.

Năm 2008, Giáo sư sử học Phan Huy Lê lần đầu tiên nói rằng câu chuyện Lê Văn Tám là một câu chuyện không có thật, được nhà cách mạng Trần Huy Liệu dựng lên để làm công việc tuyên truyền mà thôi.

Sau khi xuất hiện ý kiến của Giáo sư Phan Huy Lê, trên tờ Sài Gòn giải phóng tại Thành phố Hồ Chí Minh có bài viết của ông Trần Trọng Tân, từng giữ chức vụ Trưởng Ban văn hóa tư tưởng trung ương đảng, viết rằng nhân vật Lê Văn Tám là có thật.

Nhận định về bài viết về buổi lễ giỗ Lê Văn Tám do tờ báo Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh tường thuật, cũng như những ý kiến cho rằng Lê Văn Tám là có thật, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội nói rằng đừng xem sự việc đó là quá lớn:

“Có một cái nhóm xung quanh cái tờ Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, đấy là một nhóm thực sự là cực đoan. Mình không nên đánh giá quá cao cái việc ấy, nó cũng giống như là dư luận viên. Nếu không phải 90% thì cũng là 80 mấy phần trăm người ta tin ông Phan Huy Lê hơn là các ông cảnh sát tư tưởng.”

Dư luận viên được cho là những người được nhà nước cộng sản trả tiền để tham gia vào cuộc chiến tuyên truyền trên không gian mạng. Chính báo chí của nhà nước cũng đã công nhận rằng lực lượng này thực sự tồn tại.

Người từng nằm trong bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản là ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ nghiên cứu của Ban dân vận trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, nói về buổi lễ giỗ sáng ngày 22/7:

Nếu mà ông (Phan Huy) Lê đã công bố tư liệu của cụ Trần Huy Liệu rằng ông hư cấu để tuyên truyền, thì đấy là sự thật. Thế còn cái chuyện tổ chức lễ giỗ này kia thì đấy là cái chuyện thờ phụng một nhân vật ảo trong văn học thôi.”

Từ khi xuất hiện tuyên bố của Giáo sư Phan Huy Lê cho đến nay, những con đường, trường học được đặt tên Lê Văn Tám trước kia vẫn được duy trì tên này. Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng nếu lấy một nhân vật văn học để đặt tên đường phố, trường học thì cũng là điều bình thường, nhưng nếu lên đến mức làm lễ giỗ thì theo ông đó là một điều không lành mạnh.
Ông so sánh việc này với những câu chuyện kể về những người anh hùng cách mạng như những người phi thường, thường được ghi trong sách báo của Đảng Cộng sản:

Nâng tầm các thứ lên thì nhiều lắm trong lịch sử mấy chục năm gần đây. Nhân vật, rồi trận đánh, rồi tập thể…. Người ta bôi bác thêm vào thôi, để tuyên truyền. Và nó không có thật, thành ra nó chả có giá trị gì, người ta nghe như thế rồi trong lòng chả ai xúc động.”

Một tập thể được nâng tầm lên như ông Nguyễn Khắc Mai đề cập là một đội nữ thanh niên xung phong bị chết vì bom trong chiến tranh, được dựng tượng đài trên đường mòn Hồ Chí Minh, và vừa qua đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến dự lễ kỷ niệm 50 năm sự kiện này xảy ra, với sự dàn dựng sân khấu rất to lớn.

Khi được hỏi rằng tại sao những chuyện thần tượng không có thật, hay thần thoại hóa những nhân vật lịch sử vẫn tiếp tục được thực hiện trong thời đại tin học toàn cầu hóa này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói:

Cái đấy là cái điểm mà họ phải làm, chừng nào họ còn tồn tại thì họ còn làm, vì cái đấy là những biểu tượng. Nhưng sức mạnh của biểu tượng thì chế độ nào đi nữa, mà người ta có hiểu biết, thì người ta đều không chú ý. Những biểu tượng như thế đối với một quốc gia thì có thể rất là cần, nhưng làm thế nào cho đúng ý nghĩa của nó, chứ còn làm giống nhu kiểu 10 con ma ấy thì hoàn toàn là phản tác dụng.”

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, việc sử dụng những hình tượng, hay những anh hùng huyền thoại để tuyên truyền vẫn không giảm đi trong những năm gần đây.

Chúng tôi không liên lạc được với tờ Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như những nhân vật dự buổi lễ giỗ Lê Văn Tám tại Sài Gòn. Nhưng chúng tôi có liên lạc được với ông Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản. Chúng tôi đặt câu hỏi là tại sao đã có những ý kiến trái ngược nhau về nhân vật Lê Văn Tám, và về mặt chính thức thì nhà nước Việt Nam không lên tiếng gì về chuyện này?


Ông Nhị Lê nói rằng đây là một vấn đề rất lớn, nhưng viện cớ đang bận, ông hẹn chúng tôi một dịp khác để bàn luận.

Phần nhận xét hiển thị trên trang