Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 10 tháng 6, 2018

CHUYỆN ĐỊNH CƯ


DoDuyNgoc 

Ngày xưa chỉ cần rời làng, đã mang tiếng ly hương, xa quê là nỗi đau. Bây giờ, người ta ồ ạt tìm mọi cách bỏ nước mà đi, có nỗi đau nào hơn cho một dân tộc, nhưng phải chấp nhận thôi. Trong tháng này, tui tiễn ba gia đình cùa ba người bạn đi định cư ở nước ngoài. Họ đều là những người thành đạt, giàu có ở Việt Nam. Rất thành đạt và tài sản tính đơn vị hàng triệu đô la.
Image result for Cho thuê đất 99 năm
Anh bạn già hỏi tui với ánh mắt buồn rầu: Cho thuê 
đất 99 năm thì nước Việt còn gì? Bạn trả lời tôi đi.
Một bạn là doanh nhân, hai vợ chồng có tài sản khá lớn, nhiều bất động sản trên những khu phố vàng của Sài Gòn. Họ có ba đứa con đang tuổi lớn và đã có hai đứa đang học ở Mỹ. Gia đình anh đi diện EB5 định cư ở Mỹ.
Người thứ hai là một bác sĩ, anh là người thầy thuốc giỏi, từng tu nghiệp nhiều nước trên thế giới, tự hào đã nội trú nhiều bệnh viện lớn ở nước ngoài. Ở Việt Nam anh là bác sĩ có thu nhập khá cao, có biệt thự ở quận 2, có công việc ổn định. Vợ cũng là dược sĩ, có một pharmacie rất đông khách ngay trung tâm Sài Gòn. Anh chị chỉ có một đứa con gái, đang chuẩn bị vào đại học. Gia đình anh đi theo diện người chị vợ bảo lãnh đi Mỹ, hổ sơ chờ đã mười ba năm, từ lúc sự nghiêp anh chị chưa có bao nhiêu.

Người thứ ba là anh bạn học chung trưóng đại học, năm nay vừa đúng bảy mươi tuổi, đã đến tuổi già. Anh này cũng có một đời sống sung túc ở Việt Nam, hồi còn tuổi làm việc, anh là một quan chức ngân hàng, vốn là nghề của anh trước 1975. Hồi đó, sinh viên ngành ngân hàng, tài chánh ở Đại học Vạn Hạnh tốt nghiệp Cử nhân vào năm 1971-1972 đều được nhận vào các ngân hàng với chức vụ cao, một số làm ngay giám đốc các chi nhánh. 

Anh nằm trong số người được giao làm giám đốc. Sau 75, anh tiếp tục cho đến lúc nghỉ hưu. Nghề nghiệp thế nên cũng có thể gọi anh là giàu, có của ăn của để, có hai thằng con trai, đứa nào cũng thành đạt, một thằng có chức vụ trong ngành ngân hàng của Việt Nam, đưa kia làm chuyên viên tiền tệ ở nhà băng của Anh quốc. Nói tóm lại là thuộc giới thượng lưu ở xứ này. Bây giờ anh lại đi định cư ở Pháp theo diện bảo lãnh của người em.

Ba trường hợp nêu trên chứng minh họ đi định cư không phải vì sinh kế. Trước đây, ngoài lý do chính trị, đa phần ra đi vì đời sống ở Việt Nam thời đấy khổ quá, cả nước đói nghèo, họ đành dứt áo ra đi mong có tương lai sáng sủa, sung túc hơn. Còn bây giờ, như ba người bạn tui đó, họ ở Việt Nam rõ ràng là quá sung sướng về vật chất, họ chẳng thiếu thứ gì. Gia đình sinh hoạt như quý tộc, con cái sống như những hoàng tử và công chúa. Hàng năm họ đi du lịch khắp nơi, ở những khách sạn sang trọng, ăn những thức ăn với giá ngất trời. Nhưng họ vẫn ra đi.

Hỏi chuyện với họ, họ biết ra đi là sẽ gặp không biết bao khó khăn đang chờ trước mắt. Để làm lại một cuộc đời mới trên xứ sở xa lạ không phải là điều dễ dàng. Họ không ảo tưởng về nơi họ sẽ đến, vì họ đã từng du lịch qua đấy nhiều lần. Biết rất tường tận cuộc sống ở đó với những trở ngại khó lường.

Anh bạn bác sĩ bảo rằng anh rất yêu nghề y, nhưng khi định cư, muốn tiếp tục làm nghề, anh phải đi học lại, cũng đã gần qua tuổi năm mươi, ngổi học cũng không phải là điều dễ dàng. Và để sống, anh phải chọn một công việc nào đấy không như ý của mình.
Anh bạn doanh nhân dù có nhiều tiền nhưng để hợp thức hoá số tiền lớn đó cho hợp pháp cũng là điều khó khăn. Cho đến bây giờ, ngày đi đã đến, anh vẫn chưa hình dung con đường phía trước sẽ như thế nào?

Còn anh bạn đồng môn của tui, đã bảy mươi, sẽ chẳng có công việc gì dành cho anh nữa. Tui giỡn với anh thôi thì qua đó chiều chiều đi dạo sông Seine, hay lên đồi Montmartre ngắm mây bay hay ngồi trong khung cửa nhìn đám bồ câu bay lượn, chờ cuối đời nằm trơ trọi ở nghĩa trang xa lạ hay là trở thành một nhúm tro cốt nằm trong ngôi chùa hoặc thả bay trong gió. Anh cười buồn, một nụ cười chấp nhận.

Ai cũng buồn khi sắp rời bỏ quê hương. Ai cũng thấy đọan đường còn lại cũng lắm gian nan. Nhưng ai cũng bảo phải đi. Sức chịu đựng đã lên đến đỉnh rồi. Bởi cuộc sống không chỉ là tiện nghi,là vật chất để thụ hưởng. Mà cuộc sống còn cần phải có không khí để thở, tự do để sống, thoải mái để sinh hoạt. Sống chứ không phải để tồn tại. 

Sống là phải biết tương lai và tự mình định được tương lai cuộc đời mình. Những người bạn tui cho rằng ở lại là chấp nhận những bất công, những điều chướng tai gai mắt mà bất lực chẳng làm chi được. Xã hội tàn nhẫn quá, con người tàn ác quá. Ở lại là chấp nhận bị đầu độc, không chỉ bị đánh thuốc độc ở thực phẩm, ở hơi thở mà còn bị đánh độc cả tư duy. Chưa kể đất nước này, dân tộc này có còn tồn tại được không trước biết bao âm mưu thâm độc của kẻ thù và sự hà hơi tiếp sức của một bộ phận có quyền lực. Anh bạn già hỏi tui với ánh mắt buồn rầu: Cho thuê đất 99 năm thì nước Việt còn gì? Bạn trả lời tôi đi.
Anh bạn bác sĩ thì bảo không thể cho các con của mình lớn lên với một tâm hồn bệnh hoạn, một nhân cách méo mó và một cách sống giả tạo, dối lừa. Anh hỏi tui: Bây giờ ở Việt Nam, có gì là không láo? Láo tất. Do vậy tôi phải đi để tôi, gia đình tôi, con cháu tôi được sống và nghĩ suy bằng sự thật không dối lừa. Chúng tôi chọn ra đi như một cách phản kháng. Phản kháng trong im lặng. Và đành bỏ lại những thứ mà chúng tôi sẽ không bao giờ làm lại được ở xứ người.

Anh bạn doanh nhân thì bảo rằng, biết con đường trước mặt, sau lưng đầy cứt, thì tại sao không chọn con đường sạch mà đi.
Ở đây, tui chỉ đề cập đến chuyện ba người bạn của tui, tui không muốn nói đến những cán bộ, những người đã từng là quan chức của chế độ, có người từng là tổng biên tập một tờ báo lớn, những người một thời là những người đã từng tham gia hoạt động đấu tranh ở các đô thị miền Nam, họ hiện đang ở đầy xứ Mỹ, tiểu bang nào cũng có. Họ trốn chạy cái gì? Tui đã từng hỏi thế và họ cũng cười buồn. Bỏ qua những tên ăn cắp công quỹ mà trốn chạy. Những người khác đều ôm trong lòng một nỗi thất vọng không nói được.
Mà thôi, mỗi người có một cách để chọn lựa cuộc sống cho mình. Tôi chọn ở lại, các anh chọn đi. Đó cũng là chút tự do mỗi người có được chọn cho mình. Ngày xưa chỉ cần rời làng, đã mang tiếng ly hương, xa quê là nỗi đau. Bây giờ, người ta ồ ạt tìm mọi cách bỏ nước mà đi, có nỗi đau nào hơn cho một dân tộc, nhưng phải chấp nhận thôi. Tất cả các loài hoa đều vươn về phía ánh sâng, có hoa nào chịu chết rũ héo hon trong bóng tối đâu. Và ở trong bóng tối, có ai lại không nguyền rủa bóng tối, ngoại trừ những kẻ đang trục lợi từ bóng tối.

Chúc những người bạn của tôi bình an và có cuộc sống mới như ước mơ ở xứ người.
1.6.2018

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Văn nghệ cuối tuần:


BÀI HỊCH ĐANH THÉP CỦA NHÀ VĂN TẠ DUY ANH (Lao Ta)

HỊCH NGỰ DỤNG VĂN NHÂN
(Mượn lời một liệt tổ có công đầu giữ nước)
Ta từng nghe nói các ngươi là tinh hoa của xã tắc.
Thế mà:
Nay phần lớn trong số các ngươi ngồi nhìn giặc thò một chân vào nhà mà không dám ho he, thân chịu quốc sỉ mà mà không biết thẹn.
Làm kẻ sỹ từng ngậm đến bút lông mèo, bổng lộc tổ tiên ban cho không bạc, sao thấy điều khốn nạn mà không biết tức; nghe tiếng vỗ tay chào mừng kẻ thù mà không biết căm, đã thế lại còn hùa theo.
Rồi kia, có kẻ lấy việc cặm cụi viết những điều bợ đỡ, nịnh thần, chỉ cốt làm vui cho những cái tai lừa mà quên nỗi lầm than bá tính; lại có kẻ lấy việc đánh bóng hồ sơ, khom lưng uốn gối cầu xin được ban thưởng, coi việc làm đó là thức thời; có kẻ chỉ biết chăm chăm xây cất biệt thự, biệt phủ để thỏa thói khoe của làm oai với thiên hạ; có kẻ tính đường câu kết với bọn lang sói, kéo bè kéo cánh thành những nhóm lợi ích hậu thuẫn Luật Đặc khu chỉ với mục đích thổi giá bất động sản, nhằm vơ vét tiền bạc về mình mà quên việc đó nguy hiểm cho trăm họ; có kẻ ham trò hội thảo, hội nghị biểu diễn lập trường, nghĩ một đằng, nói một nẻo, đổi trắng thay đen, thổi những kẻ bất tài vô hạnh lên tận mây xanh mà bê trễ việc tu nhân tích đức để làm người cho ra con người.
Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì các ngươi làm thế nào? Liệu những trang văn tụng ca, những luận án ăn cắp, những tham luận dối trá, những thẻ đỏ thẻ vàng, những bằng rởm bằng giả, những giấy khen huân chương của các ngươi có đuổi được bọn lang sói Đại Hán?
Nay ta bảo cho các ngươi biết:
Đất đai, trời biển, sông núi tươi đẹp là của hương hỏa tổ tiên để lại cho toàn bộ con dân Việt chứ chẳng cho riêng đứa nào. Tất cả chỉ có ngần ấy thôi nên phải cố mà giữ, trước là cho muôn đời con cháu, sau là để non sông này trường tồn cùng trời đất. Muốn có cái ăn thì bảo ban nhau làm lụng, chứ nếu đứa nào bán một tấc một thước cũng là mắc tội phản quốc, phải tru di. Đứa có ăn có học, vì lợi thân, vì bả vinh hoa, vì danh hão mà thấy sai trái cũng cứ ngậm miệng ăn tiền, mưu vinh hoa riêng thì loại đó sống cũng coi như chết rồi.
Vinh, nhục đều do mình, trời xanh im lặng nhưng biết hết, đừng trách là ta không nói trước
-----------------------------------------------------------
P/S: “Ngự dụng văn nhân” (Văn nhân cung đình) là cụm từ hay dùng của Lưu Hiểu Ba, giải Nobel hòa bình năm 2010, tù nhân chính trị của Trung Quốc cho đến khi chết.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

NHÂN DÂN ĐÃ TRƯỞNG THÀNH



Luân Lê



Nhìn hình ảnh những đoàn người ở khắp nơi tuần hành biểu đạt chính kiến của mình về sự phản đối đối với luật đặc khu và luật an ninh mạng trên dọc các tỉnh từ miền Trung trở vào Sài Gòn đến Phú Quốc mà thấy dân ta đã trưởng thành, đã vượt qua sợ hãi để làm những điều đúng đắn khi đứng trước những đòi hỏi của thời cuộc mà buộc một người có lương tri phải lên tiếng.

Dù chính quyền đã nợ nhân dân luật biểu tình gần một thế kỷ, nhưng Hiến pháp đã quy định quyền tối cao này của người dân, vì vậy, hành vi chính trị của nhân dân sẽ tạo nên luật pháp.

Và khi chính quyền là ngoại lệ của luật pháp, thì người dân là ngoại lệ của quyền lực và chính quyền (Dân trị và Chính quyền).

Làm người và yêu nước là hai thứ không cần phải được sự cho phép hay chấp thuận từ bất cứ một ai. Vì rằng, nhân dân chính là chủ của quốc gia và làm chủ tự do của chính mình.
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

10 lý do cần phản đối dự Luật An ninh mạng


9-6-2018
Vì nếu Dự Luật này được thông qua thành Luật:
1/ Quyền tự do ngôn luận của công dân trên không gian mạng bị xâm phạm tuỳ tiện.
2/ Quyền riêng tư về dữ liệu cá nhân bị một lực lượng công quyền chiếm đoạt với những lý do mập mờ.
3/Quyền tiếp cận, truy cập Internet, một quyền trở nên phổ quát trên thế giới, bị cản trở, gây khó khăn ở Việt nam.
4/Chi phí khổng lồ của nhà nước, xã hội, doanh nghiệp cho bộ máy “chuyên trách an ninh mạng” lẫn thực thi, đáp ứng điều kiện của Luật này. Tốc độ phát triển kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng (có số liệu giảm 1,7 % GDP).
5/ Bóp nghẹt giới khởi nghiệp sáng tạo, hạn chế phát triển các dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin.
6/ Đẩy các tập đoàn công nghệ thông tin quốc tế của Phương Tây (như Facebook, Google ) ra khỏi thị trường và không gian mạng Việt nam (do không chấp nhận các điều kiện theo Luật này) và tạo điều kiện cho các tập đoàn CNTT của Tàu vào thống trị Việt nam.
7/ Xuất hiện một “lực lượng chuyên trách” có thể không cần phán quyết của Toà án hay phê chuẩn của Viện kiểm sát được áp dụng các biện pháp “cưỡng chế” đối với cá nhân, doanh nghiệp, can thiệp vào các quan hệ dân sự, kinh tế. Nhà nước pháp quyền (dù chỉ danh nghĩa) không còn giá trị.
8/ Luật này phá vỡ những cam kết quốc tế của Việt nam, khiến giới đầu tư nước ngoài (chắc ngoài gốc Tàu) giảm sút hoặc rút vốn đầu tư ở Việt nam (có số liệu xác định giảm 3,1% đầu tư nước ngoài), các nước liên quan sẽ áp dụng các biện pháp đáp trả tương xứng, kinh tế Việt nam khó “cất cánh”.
9/ Do việc phê phán, phản biện trên mạng xã hội và Internet bị bóp nghẹt theo luật này, tham nhũng, quan liêu, chính sách sai lầm sẽ có cơ hội gia tăng mà không bị phản ứng, bóc trần. Tiến bộ xã hội bị cản trở, đẩy lùi.
10/ Do không có cơ chế giám sát chặt chẽ, “lực lượng chuyên trách về an ninh mạng” có thể lạm quyền, phục vụ lợi ích nhóm, cấu kết với những tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước hình thành một hệ thống quyền lực đen khống chế nhà nước, xã hội và nền kinh tế. Những vụ việc như tướng Hoá, tướng Vĩnh và C50 (cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao) có thể lặp lại, ở mức độ rộng lớn hơn, thậm chí không thể “phát hiện, xử lý” được do nhóm lợi ích này biết cách rút kinh nghiệm, biết cách liên kết tinh vi.
Với tư cách chuyên gia luật có kinh nghiệm trong những lĩnh vực liên quan, đã nghiên cứu Dự thảo Luật An Ninh Mạng, tôi sẵn sàng tranh luận với những người có quan điểm phản bác những lý do trên.
Tôi đồng ý với nhiều chuyên gia trong và nước ngoài, Việt nam cần hoãn thông qua Luật An Ninh Mạng. Tôi hy vọng, các FBER, vì chính quyền và lợi ích của mình, hãy lên tiếng phản đối Dự Luật này. Nếu các bạn đồng ý với tôi, hãy chia sẻ bài này cho nhiều người cùng biết và phản đối.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

HÔM QUA XẢY RA MỘT VỤ CƯỚP TẠI NHÀ ÔNG NGUYỄN TƯỜNG THỤY



 Vết thương chân trái của cháu gái ông Nguyễn Tường Thụy, 18 tháng tuổi.
Tôi bị cướp: Chúng xưng chúng là công an, 
không cần giấu giếm! 

Nguyễn Tường Thụy
6-6-2-2018
Vào lúc 4h30′ chiều nay, 6/6/2018, nhân viên ngân hàng đến chuyển cho tôi một khoản tiền khá lớn của nhà hảo tâm gửi cho tù nhân lương tâm.

Tôi theo dõi thấy không có ai vào theo nên tôi bảo cậu nhân viên vào nhà. Nhận tiền xong, tôi vừa lên phòng ở tầng 2 thì khoảng trên dưới 10 tên, tất cả mặc thường phục ập vào nhà. Lúc này vợ tôi bế đứa cháu gái 18 tháng tuổi ngồi cửa nói chuyện với 1 người khác.


Vợ tôi gào lên nói anh đóng cửa lại và kêu to: Cướp! Cướp!

Ba tên bịt miệng bóp cổ vợ tôi không cho kêu. Vợ tôi tiếp tục hô cướp cướp thì chúng nói chúng tôi là công an, không được nói cướp.

Tôi lập tức đóng cửa phòng lại rồi bấm chốt khóa trong.

Một tên lên gõ cửa gọi Chú Thụy ơi. Tôi không trả lời, trong khi vợ tôi tiếp tục kêu, còn đứa cháu khóc ngằn ngặt.

Thấy không vào phòng được, chúng bỏ đi.

Trong khi xô xát và khống chế vợ tôi, cháu tôi bị chúng xô ngã. Một tên giẫm giày lên tay chân cháu nên bị xây xát ở tay và chân trái. Cháu đau và sợ quá khóc thét lên.

Nhờ sự phản ứng nhanh và bình tĩnh của chúng tôi nên chúng không thành công. Nếu chúng tôi chậm 5 giây hoặc chúng nhanh hơn 1 chút chắc chúng đã cướp được.

Nhận định: Chúng nhận được thông tin từ ngân hàng nên tổ chức cướp. Hoặc nghe qua điện thoại của nhân viên giao dịch.

Còn chúng là ai? Chúng xưng chúng là công an, không cần giấu giếm.

Chuyện theo dõi để cướp tiền do các nhà hảo tâm gửi cho TNLT từng xảy ra. Chúng hành động hết sức manh động. Trước Tết Nguyên đán năm nay, một lần nhân viên ngân hàng hẹn Ngô Duy Quyền đến giao tiền. Đến giờ hẹn thấy mật vụ quen và lạ lảng vảng quanh nơi ở nên Quyền không nhận và chúng tôi đề nghị nhà hảo tâm chuyển sang người nhận khác nên lần ấy chúng tôi được an toàn.

Một vài trường hợp khác cũng bị cướp tiền như chị Tươi vợ anh Vi Đức Hồi bị cướp tiền khi vừa ở ngân hàng ra. Một trường hợp bị cướp 300 USD khi vừa nhận từ nhân viên ngân hàng. Vì nạn nhân không đưa lên mạng nên không nêu tên ra ở đây. Ngô Duy Quyền từng bị cướp đi 660 USD và nhiều tài sản khác khi chúng xông vào nhà ngày 4/2/2016 nói là khám nhà. Nguyễn Thúy Hạnh cũng có lần sau khi nhận một khoản tiền khá lớn nhưng bọn cướp chậm chân 1 chút, chúng đến khi chị đã lên trên nhà, chúng chỉ bắt được cô giao tiền rồi xét hỏi.

Vì vậy, những người nhận tiền từ thiện cho TNLT, cho dân oan cần hết sức cẩn thận khi nhận tiền và khi mang tiền đi giao.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

ĐẠI TÁ, NHÀ VĂN SƯƠNG NGUYỆT MINH: KHÔNG CÓ NĂM NÀO HẾT!


Nhà văn Đại tá Sương Nguyệt Minh. Ảnh: Internet.

Sương Nguyệt Minh

Đặc khu 99 năm, hoặc 0 năm nào!
CÁC NGHỊ SĨ HÃY KHOAN VỘI NHẤN NÚT! 
(Bài đầy đủ so với báo đã in) 
Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Chưa bao giờ nghe câu thơ của Tố Hữu lại thấy bất trắc, xót xa, đau thương như lúc này: “Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu/ Trái tim lầm chỗ đặt lên đầu/ Nỏ thần sơ ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”.


Chưa bao giờ trước khi Quốc hội bỏ phiếu thông qua một dự thảo luật lại có quá nhiều quan điểm, ý kiến của người lao động, của cả nhân sĩ trí thức... tạo thành cơn địa chấn dư luận xã hội như Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (Gọi tắt là Luật Đặc khu). Dự thảo thời hạn giao đất 99 năm đang là vấn đề quan tâm, tranh luận nóng bỏng. Tranh luận được đẩy đi xa hơn với những lo lắng bất an, bất trắc về an ninh chủ chuyền đất nước. 

99 năm thì sao, và 0 năm nào thì sao?

Số người quá ít ỏi đồng tình với dự thảo Luật Đặc khu thời hạn giao đất 99 năm trước hết là Ban dự thảo, sau đó là một số đại biểu quốc hội và tiếng nói yếu ớt của số ít người trong xã hội. Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình ý kiến đại biểu trong phiên thảo luận ngày 23/5 vẫn đề nghị "cho phép giữ nguyên như dự thảo, vì đây là một chính sách vượt trội". Ông bộ trưởng còn viện dẫn các mô hình đặc khu "Hiện nhiều nước đã giao đất 99 năm như British Virgin Islands, UAE, Malaysia...” thành công, như một điểm sáng kinh tế, thúc đẩy quốc gia phát triển. Liên hệ với trường hợp Việt Nam, ông Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng – Trưởng ban soạn thảo luật cho rằng: "Nếu chúng ta không đưa ra được những cơ chế chính sách đủ để hấp dẫn, để lôi kéo và thu hút nhà đầu tư thì mức độ thành công đối với các khu này sẽ giảm đi. Do vậy, tôi thấy các ưu đãi ở đây vẫn phải thiết kế để đủ vượt trội so với trong nước hiện nay và cạnh tranh được với quốc tế”. Còn đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) lại có lo lắng riêng, rồi khẳng định: "Nếu không giao đất 99 năm thì các nhà đầu tư sẽ không vào”...

Số người đông đảo không đồng tình với thời hạn giao đất 99 năm không chỉ đại biểu Quốc hội mà còn nhiều nhân sĩ, trí thức và số đông công dân lo lắng, quan tâm đến vận mệnh đất nước. Ông Trương Trọng Nghĩa – đại biểu Quốc hội ở thành phố Hồ Chí Minh cất tiếng nói mạnh mẽ nhất: "Tôi đề nghị bỏ thời hạn giao đất 99 năm”. Ông Dương Trung Quốc - một đại biểu Quốc hội lần họp nào cũng làm nóng dư luận bằng các câu hỏi, hoặc trả lời báo chí thì cũng lo ngại, đề nghị: “đề nghị khi thông qua dự án luật cần phải "bấm nút" riêng về quy định giao đất 99 năm". “Liên quan tới việc dự kiến thời hạn giao đất tại các đặc khu kinh tế có thể lên tới 99 năm, ông Đinh Khoa Toàn - chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang - cho rằng nếu chủ trương này thành hiện thực, Nhà nước sẽ thiệt hại”. Trăm người mười ý, chỉ biết rằng giao đất đặc khu 99 năm đang là vấn đề nóng nhất trong những ngày hè oi ả, ngột ngạt.

Các đại biểu Quốc hội hãy nghĩ ngợi thật kĩ trước khi nhấn nút biểu quyết!

99 năm, hoặc 0 năm nào? Nếu mỗi đời cây gia phả là hơn 30 năm thì 99 năm là 3 đời trọn vẹn của 3 thế hệ. 99 năm cũng là thời gian gần một thế kỉ. Chẳng ai biết sau thời gian bãi bể nương dâu dài đằng đẵng ấy chuyện gì sẽ xảy ra? Lúc ấy, cháu chắt mình sẽ sống ra sao? Lúc ấy, chúng sẽ nghĩ gì về ông, về cụ với ngón tay cái nhấn nút Đặc khu? Thưa các vị nghị sĩ! Nhấn nút 1 quả tên lửa Tomahawk chỉ hủy diệt một mục tiêu. Nhấn nút một quả bom hạt nhân, chỉ hủy diệt một thành phố. Coi chừng nhấn nút Đặc khu thì rất có thể “cơ đồ đắm biển sâu”, nước mắt Mỹ Châu rửa ngọc trai chẳng bao giờ sáng.

Có người con người cháu cháu nào dám can ngăn cha mẹ, ông bà mình hãy khoan vội nhấn nút trong lúc dầu sôi lửa bỏng này không?

Giao đất 99 năm, trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư chỉ cần 10 năm, cùng lắm là 15 năm đã thu hồi vốn và lãi, sau đó là thời gian lãi ròng. Đất đai cũng là tài nguyên, ngày càng hiếm. Đất đặc khu không phải chỗ nào cũng làm được, và nguy cơ đất cho các hoạt động kinh tế, xã hội đang cạn kiệt. Chẳng khác gì cái chăn hẹp, người này đắp kín đầu thì người kia hở chân. Một dự án có thể chỉ cần 30 năm là hết nhu cầu sản xuất, nhưng lại được cấp tới 99 năm, cũng có nghĩa là doanh nghiệp khác mất cơ hội tiếp cận đất đai. Cơ hội cạnh tranh càng xa vời. Ấy là chưa nói đến sau này kinh tế nước ta khá dần lên, có thêm nhiều doanh nghiệp khủng muốn đứng chân ở quê hương thì không còn chỗ bởi 3 đặc khu chỗ đẹp, chỗ tốt thì đã tràn ngập người nước ngoài. Nếu chỉ cho thuê 50 năm, thì cháu chắt chúng ta mới có cửa để bước vào Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.

Cách đây gần 40 năm, người Trung Hoa làm kinh tế đặc khu Thẩm Quyến, người Ả rập làm đặc khu kinh tế Dubai, người Hàn làm đặc khu kinh tế Incheon. Có một sự thật không hề chối cãi là cả hai nơi này đều thành công đến mức trở thành mẫu hình cho các nước đang phát triển ước mơ, khát vọng và học tập. Tuy nhiên, thời đại cách mạng 4.0 với những bùng nổ về khoa học công nghệ đã khác xa với công nghiệp đại cơ khí cách đây gần nửa thế kỉ. Kỹ thuật công nghệ cao, xây dựng thung lũng silicon chẳng hạn, không cần đến những nhà máy đồ sộ chiếm đất chiếm không gian. Chỉ những nước kém phát triển với nền công nghiệp gia công hay lắp ráp thì mới cần đến đất đai, nhà xưởng lớn. Làm đặc khu theo cách Thẩm Quyến, Dubai, Incheon là đi lại vết xe cũ người ta đã đi 40 năm trước. Ở nước Việt Nam ta hiện nay đã qua thời kỳ kinh tế thị trường sơ khai. Không nên thu hút đầu tư, trải thảm đỏ bằng mọi giá. Chúng ta đã có quá nhiều, thậm chí “bội thực” các khu công nghiệp với hình thức gia công, lắp ráp là chủ yếu, tỉnh nào cũng có. Làm 3 đặc khu kinh tế dường như mâu thuẫn với chiến lược phát triển “đi tắt đón đầu”, và quên đi khát khao lớn nhất phù hợp với bước đi hội nhập toàn cầu là thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao như công nghệ thông tin, vũ trụ, sinh học, tự động hóa,... không gây ô nhiễm môi trường... Rõ ràng là hoàn cảnh mới, vận hội mới, việc giao đất rộng rãi quá mức và ưu đãi quá thể mời chào doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư, để sử dụng đất giá rẻ, nhân công rẻ mạt không còn phù hợp, chẳng còn quá cần thiết nữa. 

Giao đất 99 năm thực chất là... nhượng địa. Từ bối cảnh cách mạng 4.0 “một ngày bằng 20 năm”, cái vừa phát minh sáng chế có thể trở thành lạc hậu sau vài năm, chúng ta thử hình dung ai sẽ là người hồ hởi, hăng hái xốc tới và ăn dầm ở dề Đặc khu? Doanh nghiệp, nhà đầu tư công nghệ cao không cần đất, và cũng chẳng cần đến 99 năm, thì ắt hẳn phải là những nhà đầu tư bất động sản, casino hoặc nhà đầu cơ đất. “... chỉ những nước nghèo đói lạc hậu và hoang sơ mới cần đến, trong khi có những quốc gia luôn thèm khát lãnh thổ tài nguyên của nước khác thì cái họ cần không phải là lợi ích kinh tế mà là lãnh thổ, họ sẽ di dân đến và tìm mọi cách ở lại, thậm chí chi phối chính trị, an ninh...” - Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đã cất tiếng nói đầy trách nhiệm như thế. Thực ra cái điều dư luận quá ồn ào, nóng bỏng quan tâm đến Luật đặc khu là vấn đề địa chính trị. Ông Dương Trung Quốc cũng nói: “Về địa chính trị, nhất là với khu Vân Đồn (Quảng Ninh), không cẩn thận sẽ là nơi để di dân”. Người dân chúng ta lo lắng khi ba đặc khu được hình thành và đi vào hoạt động, cùng với sản xuất kinh doanh sẽ có một cuộc di dân ồ ạt.

“Nhượng địa” 99 năm. Có ai hình dung đến hình ảnh những đoàn người nước ngoài lũ lượt kéo nhau đến sống và làm việc ở đặc khu? Doanh nhân nước ngoài đời này qua đời khác cố thủ trong “căn cứ địa” và có toàn quyền quyết định trên diện tích đất được thuê, họ chẳng làm gì thì quyền quản lý cần thiết của chúng ta có mất? Doanh nghiệp sẽ như một tiểu vương quốc, bất khả xâm phạm, nếu như không có những giàng buộc, những bộ luật khác điều chỉnh, quản lý? Cảm giác bất an khi có yếu tố nước ngoài dày đặc ở Đặc khu, cảm giác bất trắc khi nghĩ đến chủ quyền lãnh thổ là sự thật của nhân dân trong những ngày vừa qua. Đã có quá nhiều China town trong lòng các quốc gia phát triển và đang phát triển như một mối lo ngại chính đáng. Dư luận ầm lên về Luật Đặc khu, lo lắng, ông Dũng – Bộ trưởng bảo: Trong luật không có chữ nào nói rằng cho Trung Quốc thuê. Vâng! Không luật nào cụ thể như thế. Nhưng, trong thực tế, chẳng lẽ Mỹ, Anh, Pháp, Đức... sang Vân Đồn đóng đồn?!

Thương cảng Vân Đồn - bến đỗ của Đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ ngày xưa và trận chiến sông Mang trên đảo Quan Lạn của Trần Khánh Dư như một lời cảnh báo ngoại xâm thường đến từ phương Bắc. Đừng vì cái lộng lẫy, choáng ngợp trước mắt của Đặc khu, không vì cái ngọt ngào êm dịu của viễn cảnh Đặc khu mà quên lửa đang ủ từ tay thích khách. Kết hợp kinh tế với an ninh quốc phòng lúc nào cũng là vấn đề cốt tử của mỗi quốc gia chứ không chỉ Việt Nam ta. Có nhà quân sự, có ông tướng nào cất tiếng nói về được – mất của an ninh quốc gia lúc này không? Có nhà Quân sự nào cũng tham gia Ban Dự thảo Luật Đặc khu hãy lên tiếng giùm? Có nhất thiết phải thành lập Đặc khu kinh tế?
các đại biểu Quốc hội hãy khoan vội nhấn nút!

99 năm là một chính sách ưu đãi vượt trội, mời gọi đầu tư. Song có một điều quan trọng hơn là chính sách ưu đãi phải thể hiện ở môi trường đầu tư. Sự thân thiện, nhân ái, cởi mở, bộ máy chính quyền quản lý hoạt động có hiệu quả, thủ tục hành chính nhanh gọn sẽ tạo nên môi trường đầu tư tốt. Hiện nay, với cái lối hành doanh nghiệp, trên trải thảm đỏ dưới dải đinh thì 999 năm cũng khó chèo kéo được nhà đầu tư. 

Chúng ta bước vào nền kinh tế thị trường đã gần 30 năm nay, nhưng vẫn còn bất cập, lúng túng. Một tỉnh, một huyện đã quá quen thuộc, cũ mòn, mà cán bộ lãnh đạo quản lý địa phương mình còn chật vật, nhiều nơi ngân sách trung ương phải hỗ trợ, huống hồ lãnh đạo quản lý đặc khu mới tinh với nhiều thành phần kinh tế nước ngoài phức tạp? “Bỏ con săn sắt bắt con cá chép”, nhưng rồi cá bé cá to cũng chẳng bắt được. Thái Lan sản xuất phở Việt Nam, đóng thành hộp đổ nước sôi vào chỉ 2 phút là ngào ngạt hương vị Bát Đàn, xuất sang Mỹ giá 5USD một hộp. Nước mắm Phú Quốc là đặc sản, thương hiệu nổi tiếng cũng bị người Thái chiếm mất. Rồi còn bao nhiêu thứ mồ hô nước mắt của nông dân làm ra không được bảo hộ thương hiệu. Đến thế kỉ thứ 21 rồi mà nông sản vẫn còn mùa màng thất thường phụ thuộc vào thời tiết, bị động trước người láng giềng phương Bắc. Khí hậu, thị trường hắt hơi sổ mũi một cái là ế ẩm nông sản, không bán tống bán tháo thì cũng đổ ra đường. Những điều nhỏ nhặt như thế mà còn không làm nổi, sao cứ nghĩ đến những cái kì vĩ lớn lao. Liệu có phải quá mơ hồ, hoang tưởng, viển vông?

Chúng ta chưa bao giờ làm đặc khu kinh tế. Ông Uông Chu Lưu – Phó chủ tịch Quốc hội nói rằng: "Đây là vấn đề mới, khó, nhiều chính sách đang thử nghiệm, vì vậy cũng phải xác định là vừa làm vừa rút kinh nghiệm". Thể nghiệm thì chỉ cần làm 1 đặc khu, Phú Quốc chẳng hạn, đã cấp thiết cùng một lúc làm 3 đặc khu không? Thể nghiệm thì có thể thành công, có thể thất bại. Chẳng có điều gì chắc chắn cả. Làm Đặc khu thành công hay thất bại cũng chưa lường hết được. Nhưng, coi chừng làm đặc khu như dọn ổ..., không đón được phượng hoàng, mà rắn rết độc chui vào lót ổ trước. Chúng ta chưa dọn ổ mà Phú Quốc đã đầy nhóc các nhà đầu tư. Thông qua Luật, thêm nhiều ưu đãi nữa, coi chừng đem lương thực nuôi phượng hoàng không nuôi lại nuôi chim sẻ, chim ri và rắn độc? Vì thế phải hết sức thận trọng khi quyết định làm đặc khu. 99 năm hay 0 năm nào? Rất nên cẩn trọng! Chúng ta đã chậm làm đặc khu kinh tế, đằng nào cũng đã chậm rồi, cần thêm thời gian để chuẩn bị, để nghĩ ngợi, cân nhắc cũng chẳng sợ mất thời cơ. Vả lại, nhiều nước không làm đặc khu cũng vẫn phát triển, tiến bộ, văn minh. 

Cẩn trọng cũng không thừa!
Xin các đại biểu Quốc hội hãy khoan vội nhấn nút!

Chúng ta đã đào gần hết mỏ dầu, mỏ than,... Còn ít đất đai, chúng ta bán hết, cho thuê hết thì con cháu chúng ta còn cái gì để định đoạt tương lai? 99 năm đằng đẵng 1 thế kỉ là mấy thế hệ! Có những cái chúng ta quyết định vì sinh mệnh chúng ta, những cũng có việc đừng quyết định thay con cháu. Hãy để chúng quyết định tương lai của mình.

SƯƠNG NGUYỆT MINH.
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

HÃY TỈNH NGỘ HỠI CÁC VỊ "ĐỈNH CAO TRÍ TUỆ"


Nhà văn Đặng Văn Sinh. FB của chính nhà văn.


5 Tháng 6 - 2018
Đảng và Nhà nước hiện tại rơi vào thế bí, như một con bạc khát nước, liều mạng chơi canh bạc cuối cùng, năm ăn năm thua bằng cách gán ba vùng yếu địa của đất nước cho Trung Quốc "thuê" 99 năm dưới cái vỏ bọc mỹ miều "Đặc khu kinh tế" để trả một phần món nợ (cả nợ máu nữa) mà họ đã vay qua mấy cuộc chiến tranh. Tôi ngờ rằng, trước khi "thương vụ" này được ký kết, người Tàu đã hiện diện từ lâu ở cả cảng Vân Đồn, Bắc Tân Phong và đảo Phú Quốc. Ta có thể hình dung, giới lãnh đạo Trung Quốc như một con hổ đói, khát đất, khát biển, khát không gian sinh tồn cho 1,3 tỷ dân, đang ngoe nguẩy đuôi rình mồi, chỉ cần láng giềng sơ sảy một chút là nhảy ra vồ gọn...


Một câu hỏi đặt ra là, nhân dân Việt Nam có vay của Trung Quốc không? Câu trả lời là KHÔNG. Hai cuộc chiến khốc liệt và đẫm máu kéo dài hơn 30 năm, nhân dân Việt Nam buộc phải hy sinh nhân tài vật lực với 5 triệu người con ưu tú bỏ mạng trên sa trường để giành cho được nền độc lập dân tộc chứ không phải "Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc, cho các nước Xã hội chủ nghĩa và cho cả nhân loại, đánh cho cả bọn xét lại đang đâm vào lưng ta". (http://vietnamnet.vn/…/dan-toc-va-thoi-dai-voi-noi-ham-moi-…) như một ông Tổng Bí thư từng hùng hồn tuyên bố trong cơn bốc đồng về cái gọi là "tinh thần quốc tế vô sản". Chuyện vay nợ cũng như các hiệp đính liên quan đến vận mệnh dân tộc qua các thời kỳ (trong đó có "Thỏa ước Thành Đô") đều do các nhà cầm quyền "đi đêm" với nhau qua mặt NHÂN DÂN. Nội dung chính của các chuyến "đi đêm" ấy không gì khác hơn là duy trì quyền lực cho một thế chế độc tài toàn trị lấy tham nhũng làm động lực củng cố lòng trung thành của hầu hết các đảng viên có chức có quyền.

Tệ tham nhũng như một quốc nạn và năng lực quản trị đất nước yếu kém của các viên chức xuất thân từ thành phần giai cấp cơ bản đã dẫn đến một Việt Nam nhếch nhác, tan hoang như ngày nay. Lý do vì sao rất dễ trả lời. Ngay từ xuất phát điểm đã lầm đường. Sai một ly đi một dặm. Lúc này chúng ta đã lạc lối quá xa không thể trở lại vạch xuất phát. 

Đất nước đang như một con bệnh trầm kha, tứ bề thọ địch chẳng khác gì tinh thần hai câu thơ nổi tiếng của Phan Bội Châu cách đây gần trăm năm: " Khoét rỗng ruột gan trời đất cả/ Đạp tung phên giậu Hạ Di rồi".

Cuộc khủng hoảng ngoại giao với Đức được xem như dấu chấm hết cho việc ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Nợ nước ngoài cao ngất ngưởng đến nỗi phải đi vay lãi suất cao để trả nợ. Nợ công vượt trần nhiều lần trong khi ngân sách cạn kiệt nhưng vẫn phải nuôi 2,8 triệu công chức, trong đó già nửa là ăn tàn phá hại. Nợ xấu triền miên khiến cho ngay cả một số ngân hàng lớn cũng rơi vào tình trạng sống dở chết dở. 

Không phải ngẫu nhiên mà có chuyên gia kinh tế đã ví von, chúng ta đang trở thành ĐẤT NƯỚC LÀM THUÊ VĨ ĐẠI(!?). Cùng với sự "nổi tiếng" đáng xấu hổ về tệ nạn ăn cắp, những ai đó ngồi ngất ngưởng trên cao còn khuyến khích đàn em nhập khẩu công nghệ rởm của Tàu để ăn chênh lệch giá, đồng thời biến Việt Nam thành bãi rác khổng lồ của thế giới...

Lòng dân chưa bao giờ mất niềm tin vào Đảng cầm quyền như bây giờ, bởi chưa bao giờ các vị đặt quyền lợi dân tộc và đất nước lên trên quyền lợi phe nhóm. Nguyên nhân của tất cả mọi nguyên nhân chính là ở đấy.

Đất nước đang trên bờ vực thẳm. Dân chúng cùng cực lắm rồi. Vậy mà các vị không nghĩ đến đại cục lại nhẫn tâm đem bán nốt những vùng đất được coi là YẾU ĐỊA của Tổ quốc do cha ông ta đổ bao xương máu mới có được cho ngoại bang. Chỉ có những tập đoàn cai trị đã mất hết lương tri mới bán hương hỏa của tổ tiên lấy tiền chi tiêu cho một bộ máy cồng kềnh tham nhũng. Tiền bao nhiêu rồi cũng hết, nhưng còn các NHƯỢNG ĐỊA với thời hạn cả trăm năm, liệu sau này con cháu chúng ta có cơ may lấy lại?

Hỡi các vị "đỉnh cao trí tuệ" và các vị dân biểu Quốc hội, hãy tỉnh ngộ mà cân nhắc lẽ tồn vong của đất nước và lợi ích sống còn của dân tộc Việt trước khi bấm nút về Dự luật Đặc khu kinh tế. Hãy một lần trung thực với chính mình vì tương lai của 95 triệu dân con Hồng cháu Lạc, nếu không các vị sẽ trở thành tội đồ của dân tộc và lịch sử, ngàn năm để lại vết nhơ như Nguyễn Trãi đã viết trong bản hùng văn BÌNH NGÔ ĐẠI CÁO :"Chấp nhất kỷ chi kiến, dĩ giá họa ư tha nhân/ Tham nhất thời chi công, dĩ di tiếu ư thiên hạ" (Giữ ý kiến một người, gieo vạ cho bao nhiêu kẻ khác/ Tham công danh một lúc, để cười cho tất cả thế gian). Mong lắm thay!

5.6.2018
Đ.V.S.


______________
Nhà văn Trần Huy Quang
Bán ba vùng đất chiến lược về phòng thủ đất nước là chủ trương của bộ chính trị thì quốc hội với 97% đảng viên thì dễ dàng thông qua luật. Khi ấy ba đặc khu hiểm yếu ấy trở thành ba căn cứ quân sự của tàu. Mật ước thành đô hiện dần từng bước. Nước Việt cuối cùng trg bách Việt bị xoá sổ, dân Việt nếu ko chịu làm nô lệ cho tàu thì sẽ lưu vong khắp thế giới. Tương lai của dân Việt cực kì đáng sợ. Dân bất lực bất lực bất lực.

Ngày 15 tháng 6 những cánh tay của các ông bà nghị đảng viên sẽ bấm nút thông qua. Thì ngày đó sẽ là ngày QUỐC VONG.


Tôi tuyên bố nếu các vị vì quyền lợi của nhóm cầm quyền mà bấm nút đồng thuận thì tôi coi Ngày 15/6/2018 là ngày QUỐC TANG.


Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ:


Phần nhận xét hiển thị trên trang