Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

LÀM THẾ NÀO? VÀ LÀM GÌ BÂY GIỜ ?



Làm thế nào để ngăn cản một dự luật? 

Trịnh Hữu Long
Luật Khoa
06/06/2018 
 
Việc chính của các đại biểu Quốc hội là làm luật phục vụ cho quyền lợi của cử tri. Vậy nếu cử tri không hài lòng với một dự luật, họ có thể làm gì để ngăn cản nó?

Về lý thuyết, Quốc hội Việt Nam hiện nay là do người dân bầu ra thông qua cuộc bầu cử tháng 5/2016. Có tất cả 496 người được bầu trở thành đại biểu Quốc hội. Mỗi đại biểu đại diện cho khu vực cử tri của mình ở địa phương và đồng thời đại diện cho nhân dân cả nước.

Trong điều kiện Việt Nam, việc tiếp xúc và chất vấn trực tiếp các đại biểu Quốc hội là… cực khó, nếu không muốn nói là bất khả thi. Làm thế nào để gây chú ý và tạo được áp lực lên các đại biểu?

Cần nhớ rằng các đại biểu Quốc hội không quen thuộc với Facebook để mà biết bạn đang nói gì. Nếu có nghe thấy, khả năng cao họ cũng không quan tâm vì trên thực tế chức vụ của họ là do sắp xếp chứ không phải do phiếu bầu của bạn.

Chiến thuật hiệu quả là phải ép được các đại biểu chịu thiệt hại cá nhân cho quyết định bỏ phiếu của mình và gây sức ép bằng cách biểu tình.

1. Gửi thư, gọi điện, bêu tên

Việc công nhưng lợi tư. Các đại biểu Quốc hội bỏ phiếu cho một dự luật là việc công, thể hiện chức năng mà người dân giao cho họ làm. Họ có thể bỏ phiếu theo ý chí của mình. Họ cũng có thể bị “cấp trên” ép phải bỏ phiếu theo sắp xếp. Họ rất có thể cũng chí là người đi ép các đại biểu khác phải bỏ phiếu theo ý mình. Nhưng nếu ta đặt được họ vào tình thế bị thiệt hại nặng nề về uy tín cá nhân, họ có thể nghĩ khác và bỏ phiếu khác.

Uy tín cá nhân của một đại biểu Quốc hội nằm ở đâu? Ở cơ quan, đồng nghiệp, người thân, bạn bè, hàng xóm láng giềng, v.v.. Và ở một nơi nữa: trong sử sách.

Một số việc có thể làm:

Dội bom thư và điện thoại đến văn phòng của đại biểu:

Bạn hò hét trên mạng cỡ nào cũng không lọt đến tai họ. Vậy thì hãy gửi thư tay và gọi điện tới văn phòng của họ. Làm thế nào để tìm được địa chỉ văn phòng của họ?

Bạn có thể tra cứu thông tin đại biểu tại website của Quốc hội, hoặc website của Thông tấn xã Việt Nam.

Tại đây, bạn sẽ tìm được nơi công tác của từng đại biểu. Việc tra cứu ra địa chỉ và số điện thoại của cơ quan họ không có gì khó, bạn chỉ cần google là ra.

Ngoài ra, ai có cuốn Niêm giám Đại biểu Quốc hội thì sẽ tìm được ngay địa chỉ cụ thể của từng người.

Nên gửi gì cho đại biểu? Bạn có thể gửi một lá thư bạn tự viết, hoặc copy một kiến nghị đã có trên mạng, ở đây và ở đây, hoặc copy một bài viết trên mạng, v.v.

Nên gửi cho ai? Nên gửi cho những người có ảnh hưởng nhất, mà bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã gợi ý, “Bộ Chính trị”. Tất cả các uỷ viên Bộ Chính trị hiện nay đều là đại biểu Quốc hội. Bạn có thể tra cứu danh sách uỷ viên Bộ Chính trị tại đây.

Đối với uỷ viên Bộ Chính trị, bạn có thể gửi tới: Văn phòng Trung ương Đảng, 1A, Hùng Vương, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội.

Ngoài ra, hãy gửi cho các uỷ viên Trung ương Đảng, cơ quan rất quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ đều là đại biểu Quốc hội. Tra cứu thông tin của họ tại đây.

Thêm nữa, hãy gửi cho đại biểu thuộc địa phương bạn.

Nếu một ngày mỗi đại biểu nhận được một lá thư, họ sẽ chẳng quan tâm. Nhưng nếu 100, 1.000 lá thư được gửi đến mỗi ngày, họ sẽ thay đổi thái độ. Chỉ cần 10 nghìn người, mỗi người gửi 10 lá thư, chúng ta sẽ có 100 nghìn lá thư.

Không cần thiết họ phải đọc thư hay nghe điện thoại, chỉ cần một số lượng lớn thư từ, điện thoại được gửi đến là đủ để họ biết sức nóng dư luận như thế nào.

Đó sẽ là câu chuyện được lưu truyền xa, rộng và lâu dài, trực tiếp tác động tới uy tín cá nhân của họ. 
 
Bêu tên (“Naming and Shaming”): đăng tên và hình ảnh của họ trước công chúng, trên mạng internet, v.v.

Ở một số nước, họ có các website do người dân lập ra để theo dõi hoạt động, lời ăn tiếng nói của các đại biểu. Điều ta có thể làm là tạo ra một “bảo tàng online”, lưu lại danh sách các đại biểu và những đạo luật mà họ đã bấm nút thông qua, cho con cháu đời sau có thể tra cứu lại.

Hiện Quốc hội không có cơ chế công khai xem ai bỏ phiếu thế nào, mà chỉ cho con số tổng. Đó là việc của họ. Người dân có quyền nghi ngờ bất kỳ đại biểu nào đã bỏ phiếu thuận cho một dự luật nào đó. Do đó, toàn bộ các đại biểu Quốc hội hiện nay phải chịu trách nhiệm và chịu mang tiếng xấu cho những dự luật đó.

Đại biểu nào không muốn mang tiếng xấu thì họ phải tự tuyên bố rằng họ không bỏ phiếu cho dự luật đó.

2. Biểu tình

Biểu tình hoàn toàn hợp pháp và là quyền con người căn bản bậc nhất. Khi cần thiết, đặc biệt khi có nguy cơ cao về chủ quyền như Dự luật Đặc khu hay về tự do ngôn luận như Dự luật An ninh mạng, hãy dùng đến quyền này để gây sức ép cho các đại biểu.

Không có gì khiến cho chính quyền chú ý đến tiếng nói của bạn hơn cách đứng trước văn phòng của họ hoặc nơi đông người qua lại và nói to, dõng dạc quan điểm của bạn.

Trên thực tế, biểu tình đã là một trong những phương cách thành công nhất để ngăn cản một đạo luật hay đạt được một quyền lợi nào đó. Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng rất thành công phương pháp này trong thời kỳ trước năm 1945 cũng như thời kỳ 1954-1975 ở miền Nam.

Khi biểu tình, dĩ nhiên ta phải cam kết với bản thân và với công chúng rằng ta không tạo ra một mối đe doạ nào cho công chúng. Nói không với bất kỳ hình thức bạo lực tay chân hay bạo lực lời nói nào. Không xả rác ra đường và dọn rác sau khi biểu tình. Tôn trọng những người tham gia giao thông.

Cuộc biểu tình càng văn minh và càng đẹp đẽ thì càng giành được sự ủng hộ lớn hơn của công chúng.

***

Sau tất cả, dù bạn có đạt được mục đích của mình hay không, bạn cũng đã tạo ra được một thay đổi lớn lao trong xã hội: biến việc thực hành các quyền công dân thành một việc bình thường. Đó là tiền đề cho những thay đổi thực sự trong tương lai và là ngọn nguồn của một xã hội dân chủ, thịnh vượng.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CHUYỆN BÁN 3 THỬA ĐẤT Ở LÝ SƠN HƠN 200 NĂM TRƯỚC (VÀ 3 CÁI ĐẶC KHU NAY)




TS. Nguyễn Đăng Vũ
5 - 6 - 2018


Vào ngày 12 tháng 3 năm Gia Long thứ 15 (1816), các hương chức, bô lão và bà con các tộc họ làng/xã An Vĩnh (Cù Lao Ré -Lý Sơn) đồng thuận bán 3 thửa đất trong cùng một đám gò mà họ chung tay khai phá, cho 3 người ở làng An Hải để lấy tiền cho đội Hoàng Sa làm lộ phí đến kinh thành Huế nhận lệnh của vua Gia Long đi đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, cắm mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa. Số tiền bán 3 thửa đất cũng còn dành để đóng góp cho các thủy quân vừa tuyển chọn của triều đình, để thủy quân phối hợp cùng đội Hoàng Sa đi thực thi nhiệm vụ thiêng liêng trên vùng biển Đông của Tổ quốc. Việc bán đất được toàn xã ký tên, hoặc điểm chỉ.

Những tài liệu này hiện vẫn còn lưu giữ tại các dòng họ ở đất đảo Lý Sơn.

Các bộ chính sử như "Đại Nam thực lục"(chính biên), "Quốc triều chính biên toát yếu" của Quốc sử quán Triều Nguyễn, và nhiều trang ghi chép của các sử gia Việt Nam khác đều có ghi sự kiện về việc vua Gia Long cử Cai đội Phạm Quang Ảnh- người làng An Vĩnh - chỉ huy đội Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ thiêng liêng này vào năm 1815, 1816. Và chính Giám mục Jean Louis Taberd cũng đã khẳng định điều đó trong cuốn sách của ông xuất bản năm 1933: "Có một điều chúng tôi biết chắc rằng, Hoàng đế Gia Long đã chủ tâm thêm cái đóa hoa kỳ lạ đó (tức quần đảo Hoàng Sa) vào vương miện của ông, vì vậy mà ông xét thấy đúng lúc phải thân chinh vượt biển để tiếp thâu quần đảo Hoàng Sa, và chính là vào năm 1816 Ngài đã long trọng treo tại đó lá cờ của xứ Đàng Trong".
Việc toàn dân xã An Vĩnh đồng thuận bán 3 thửa đất đó để cho đội Hoàng Sa, Thủy quân Hoàng Sa cách đây hơn 200 năm trước quả thật vô cùng lớn lao đối với lịch sử chủ quyền của quốc gia, dân tộc. Nhưng việc bán đất đó cũng chỉ bán cho bà con làng An Hải, là những người dân của đất đảo Lý Sơn này, chứ không phải bán cho người ở nơi khác.

Hơn hai trăm năm qua, hàng nghìn người con trên đảo Lý Sơn cũng như nhiều vùng đất trên đất nước ta lại tiếp tục lên đường bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của mình trên vùng biển Đông thân yêu, và đã có quá nhiều người một đi không trở lại. Mà có lẽ, để có sự khẳng định chủ quyền lãnh thổ đó, có một phần đóng góp của người dân Lý Sơn trong việc bán 3 thửa đất hơn 200 năm trước đây.

Vậy hà cớ chi, giờ đây con cháu lại định giao 3 khu đất hàng trăm nghìn hecta nằm dọc biển Việt Nam cho kẻ khác trong vòng 99 năm, là 3 khu đất đầy nhạy cảm trong việc gìn giữ chủ quyền Tổ quốc? (và biết đâu, không phải 99 năm, mà còn kéo dài không biết đến bao giờ).

3 thửa đất ở Lý Sơn quá nhỏ, nhưng giờ đây, nhìn lại, lại có ý nghĩa thật quá lớn lao. Vì thế, xin hãy cân nhắc, đừng để con cháu chúng ta nhìn vào 3 cái đặc khu (đang được dự định giao đất trong 99 năm, và những nơi khác nữa), lại có ý nghĩa ngược lại.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Đại Biểu Quốc Hội Và Tương Lai Nước Việt



Lê Xuân Thọ



Sáng nay đọc báo, thấy cái tin ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội lại phải ra công văn “đôn đốc đại biểu Quốc hội tham gia đầy đủ các phiên họp của Quốc hội” vì có những đoàn vắng hơn nửa số đại biểu.

Một số phiên họp tại hội trường có số đại biểu vắng mặt nhiều hơn 20% tổng số đại biểu Quốc hội, trong đó có đoàn vắng trên 50% số đại biểu.

Tổng thư ký Quốc hội thay vì làm những việc to lớn, trọng đại hơn thì bây giờ có chỉ mỗi công việc là nhắc đại biểu quốc hội đi họp. Và bây giờ, hình như đó là 1 thói quen!

Việc này, làm mình nhớ thời kỳ mình làm lớp trưởng những năm cấp 2 và cấp 3, hễ cứ đến giờ chào cờ là đi kêu gọi, lôi kéo, hù doạ từng đứa để chúng đi chào cờ!

Trở lại việc nhắc đại biểu đi họp, mới nhớ, tháng 9.2017, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình kỳ họp thứ 4, Tổng thư ký Quốc hội cũng đã phải có văn bản nhắc các trưởng đoàn đại biểu quốc hội nhắc đại biểu của mình đi họp vì... vắng quá nhiều.

Trước đó 1 năm, tức là năm 2016, chị Ngân còn được cử tri nhắn nhắc các đại biểu không được... ngủ gật!

Còn ở kỳ họp Quốc hội lần này, đã có lần Quốc hội phải thông qua luật với hơn 100 vị đại biểu vắng họp, tức hơn 20% đại biểu.

Đại biểu Quốc hội là... do dân bầu ra, để đại diện tiếng nói của người dân và bày tỏ những lo lắng, những bức xúc... của họ lên các cấp cao hơn. Zị mà các vị zui thì đi, buồn thì nghỉ. Rồi lên nghị trường, lâu lâu các vị ngủ phát cho đã thèm!

Tương lai nước Việt đang đặt nhiều dấu hỏi rất lớn ở giai đoạn này và nhân dân, tức là cử tri đang trông ngóng những hành động đúng đắn của đại biểu. Zị mà một số vị đi Trung ương như đi với tâm thế đi du lịch! Vận mệnh đất nước thì... kệ mẹ vận mệnh đất nước. huhu

Bây giờ, chỉ còn nước là nghĩ kiểu... tuyên giáo rằng, chắc trong nghị trường không có internet, nên các vị ở nhà để lên facebook để lắng nghe tiếng kêu gào của dân chúng về đặc khu, về luật an ninh mạng... Rồi sau đó mới bày tỏ chính kiến của mình sau khi đã bấm nút thông qua! Và lỡ nếu có bị dân chửi, các vị sẽ gân cổ lên: tao có bấm nút đâu mà chửi tao!

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2018

TÔI TUYÊN BỐ!


Bán ba vùng đất chiến lược về phòng thủ đất nước là chủ trương của bộ chính trị thì quốc hội với 97% đảng viên thì dễ dàng thông qua luật. Khi ấy ba đặc khu hiểm yếu ấy trở thành ba căn cứ quân sự của tàu. Mật ước thành đô hiện dần từng bước. Nước Việt cuối cùng trg bách Việt bị xoá sổ, dân Việt nếu ko chịu làm nô lệ cho tàu thì sẽ lưu vong khắp thế giới. Tương lai của dân Việt cực kì đáng sợ. Dân bất lực bất lực bất lực..
Ngày 15 tháng 6 những cánh tay của các ông bà nghị đảng viên sẽ bấm nút thông qua. Thì ngày đó sẽ là ngày QUỐC VONG.
Tôi tuyên bố nếu các vị vì quyền lợi của nhóm cầm quyền mà bấm nút đồng thuận thì tôi coi Ngày 15/6/2018 là ngày QUỐC TANG.

nhận xét hiển thị trên trang

Luật 3 đặc khu: Lộ trình mật ước Thành Đô?

Hai mối lo lắng hàng đầu ở đây là dự thảo đặt ra thời hạn cho thuê tới 99 năm và TQ sẽ được coi là đối tác đương nhiên. Nói ngắn lại là cho TQ thuê 99 năm. Mặc dù trong dự thảo Luật đặc khu, không có một chữ nào nói đến TQ nhưng ai cũng nghĩ Luật này nói tới việc cho TQ thuê đất 99 năm chứ không phải là quốc gia nào khác. Đến ông Dương Trung Quốc, đại biểu quốc hội còn nói toạc ra đối tác là TQ, rằng: “Cho thuê đất 99 năm, không thận trọng đặc khu sẽ thành nơi di dân của Trung Quốc”, chứ không phải là nước ngoài nói chung. Ông nói thế nhưng quốc hội không có ai cải chính rằng luật dự thảo không có điều nào nói đến cho TQ thuê. Điều này có nghĩa, việc cho TQ thuê là một sự mặc định.


Người dân đến trụ sở Văn phòng Quốc Hội số 
22 Hùng Vương, nơi tiếp dân thì bị ngăn cản.
Sao không phải là Luật đặc khu nói chung
Nóng nhất trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 là thảo luận dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (gọi tắt là Luật 3 đặc khu). Như vậy, luật này không phải là luật đặc khu nói chung mà chỉ nhằm điều chỉnh hoạt động ở ba đặc khu cụ thể như tên gọi của nó.

Tại sao không ra luật đặc khu chung để áp dụng khi mỗi đặc khu được thành lập mà lại ra luật đặc khu cho riêng 3 đặc khu nhắc tới. Chẳng lẽ, cứ mỗi khi thành lập đặc khu lại ra thêm một luật. Như vậy sẽ có bao nhiêu luật đặc khu vì không ai có thể khẳng định không có đặc khu thứ tư, cũng như không thể khẳng định sẽ có bao nhiêu đặc khu nữa ra đời. Phải chăng bởi chữ “đặc biệt” nên cũng phải chuẩn bị cho các đặc khu này một cách đặc biệt vì sứ mệnh của nó, như để giao cho Trung Quốc chẳng hạn?

Mô hình đặc khu đã được TQ và nhiều nước áp dụng. Tuy nhiên, khi đặt ra Luật 3 đặc khu thì dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ và đồng loạt chưa từng có, từ các nhân sĩ trí thức cho đến mọi tầng lớp nhân dân. Mối quan tâm hàng đầu ở đây là vận mệnh của dân tộc và đất nước.

Tại sao cứ phải là Trung Quốc

Hai mối lo lắng hàng đầu ở đây là dự thảo đặt ra thời hạn cho thuê tới 99 năm và TQ sẽ được coi là đối tác đương nhiên. Nói ngắn lại là cho TQ thuê 99 năm. Mặc dù trong dự thảo Luật đặc khu, không có một chữ nào nói đến TQ nhưng ai cũng nghĩ Luật này nói tới việc cho TQ thuê đất 99 năm chứ không phải là quốc gia nào khác. Đến ông Dương Trung Quốc, đại biểu quốc hội còn nói toạc ra đối tác là TQ, rằng: “Cho thuê đất 99 năm, không thận trọng đặc khu sẽ thành nơi di dân của Trung Quốc”, chứ không phải là nước ngoài nói chung. Ông nói thế nhưng quốc hội không có ai cải chính rằng luật dự thảo không có điều nào nói đến cho TQ thuê. Điều này có nghĩa, việc cho TQ thuê là một sự mặc định.

Cách hiểu đó là hoàn toàn có cơ sở. Từ khi Đảng CSVN ra đời đã gắn số phận dân tộc và đất nước VN với TQ. Đặc biệt từ Hội nghị Thành Đô năm 1990, VN lệ thuộc ngày càng nặng nề vào vào TQ, tới mức độ hèn yếu, nhu nhược. Còn TQ ngày càng bạo ngược, ngông nghênh và đảng CSVN gần như không có con đường thoát. Cho đến nay, người dân VN không ai biết ở Thành Đô, lãnh đạo VN cam kết những gì. 

Ngày 15/10/2014, một đoàn khoảng hai chục người hoạt động xã hội dân sự đến Văn phòng Quốc hội số 22 Hùng Vương để trao bản “Yêu cầu Quốc hội bạch hóa Hội nghị Thành Đô”. Tuy nhiên, đoàn đã không thể gặp được người có trách nhiệm bởi sự ngăn cản của bảo vệ và phá đám của dư luận viên - hồng vệ binh. Và nếu có trao được đến tay người có trách nhiệm đi chăng nữa thì yêu cầu bạch hóa Hội nghị Thành Đô cũng chỉ dừng ở sự lên tiếng.

28 năm qua, những điều bí ẩn ở Thành Đô vẫn nằm trong bóng tối. Nhưng sự biểu hiện của nó kể từ đấy, cùng với một số tiết lộ trong hồi ký của ông Trần Quang Cơ và hồi ký từ phía TQ khiến người ta nghĩ tới có một điều gì đó ghê gớm lắm đối với vận mệnh của dân tộc, của đất nước.

Riêng về mặt kinh tế, người dân không hiểu sao TQ luôn luôn được ưu tiên nhận các dự án trong khi công nghệ lạc hậu, tiến độ chậm chạp, nhiều tai nạn lao động, đội vốn một cách khó hiểu và đi đến đâu phá hoại môi trường đến đấy. Có thể lấy ví dụ rõ nhất từ dự án khai thác Bauxite Tây Nguyên, đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Cộng thêm việc người TQ có mặt khắp nơi, ngông nghênh, coi thường dân Việt là nỗi ám ảnh mất nước thường trực trong mỗi người Việt Nam quan tâm lo lắng đến vận mệnh của đất nước. Phản ứng của dư luận cho thấy, việc cho thuê đất 99 năm còn không đáng sợ bằng việc bên thuê là TQ. Mối nguy cơ về an ninh, quốc phòng, về văn hóa bị xâm nhập nếu giao đất cho TQ là nhìn thấy rõ. Nếu cho Anh hay Mỹ thuê chắc chẳng vấp phải sự phải đối như vậy nếu không nói là hoan nghênh.

Với Việt Nam, TQ là kẻ thù nguy hiểm vừa trực tiếp vừa lâu dài. Nguy cơ mất nước lúc này cao hơn bao giờ hết. Chỉ nói đến lịch sử hiện đại thôi, chúng đã gây ra cuộc chiến tranh xâm lược năm 1979, tàn phá, giết hại đồng bào và chiến sĩ ta, cướp biển đảo và đất liền của ta. Thế mà, nhà cầm quyền VN lại rắp tâm dọn đường cho kẻ thù xâm lược vào, cho thuê những vị trí xung yếu nhất của đất nước. Người VN không hiểu sao, khi TQ đã bộc lộ hết cái xấu xa, độc ác, tàn bạo, tham lam của nó nhưng nhà cầm quyền lúc nào cũng một điều TQ, hai điều TQ, cái gì cũng TQ, rồi bạn vàng, rồi đối tác chiến lược toàn diện... trong khi những quốc gia tử tế thì đặt xuống dưới, thậm chí thỉnh thoảng lại lên giọng chửi cho TQ hài lòng.

Có nhà nước nào xây dựng nên luật chỉ nhằm phục vụ cho kẻ thù xâm lược để rước giặc vào nhà. Phải chăng, việc này nằm trong lộ trình được thỏa thuận theo mật ước Thành Đô?

Quyết tâm của lãnh đạo

Để tạo điều kiện tốt hơn cho TQ, ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng cũng như Nguyễn Chí Dũng Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư đều thể hiện quyết tâm muốn tăng hạn giao đất đầu tư tại 3 đặc khu lên 99 năm.

Phó chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu nói việc chuẩn bị này là theo nguyên lý “dọn chỗ để thu hút phượng hoàng đến làm tổ”. Phượng hoàng hay ác điểu đây, thưa ông?

Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội trấn an: "Tại sao cứ sợ ảnh hưởng của Trung Quốc tại các đặc khu”. Lời trấn an này càng lộ rõ âm mưu giao các đặc khu cho TQ chứ không phải nước ngoài nào khác. Rồi ông ta lấy hai đại lượng được cấu thành bởi các yếu tố khác nhau để so sánh rất khập khiễng, so việc cho TQ thuê đặc khu với... Little Saigon ở California. Nguyễn Đức Kiên không phải lúc này mới “nổi tiếng” mà cách đây mới 10 ngày thôi đã có Kiên “thu giá” với những ví von để đời “em Lụa, em Cà” rồi. Hình như ông này có bệnh cái gì cũng mang máng một tí nhưng lại say sưa nổ như là đúng rồi.

Còn Nguyễn Thị Kim Ngân tuy là chủ tịch quốc hội nhưng lại thay mặt đảng áp đặt cho Quốc hội: “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật”. Thế thì bày ra cái quốc hội để làm gì. Rồi bà ta dụ như nhử kẹo trẻ con: “Một đồng rót vào đặc khu để hút về hàng chục, hàng trăm đồng”. Không hiểu bà ta bắt chước ai mà nói thế.

Như vậy, Luật đặc khu họ sẽ ra cho bằng được để bán các đặc khu cho bằng được. Không ai dám tin luật sẽ bị quốc hội bác bỏ bởi những chủ trương quyết định đến vận mệnh quốc gia chỉ bắt đầu từ một hoặc vài người, còn việc đưa ra quốc hội chỉ là cho có hình thức.

Chức năng kinh tế của các nhà nước cộng sản là theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác. Còn thực tế thì dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN, nền kinh tế của đất nước ngày càng be bét. Chỉ việc đào tài nguyên lên để ăn mà còn thua lỗ nặng tới cả trăm nghìn tỉ đồng thì bây giờ đem đất cho thuê cũng là phải. Nhưng tại sao cứ phải là Trung Quốc?

Lịch sử không xu nịnh ai

Một tập đoàn xâm lược có quá nhiều nợ máu với nhân dân VN khiến người VN ghét cay ghét đắng trong khi nhà cầm quyền lại yêu nó hơn ai hết, tận tụy với nó hơn ai hết. Người biểu tình chống nó thì bị bắt, bị đánh đập và chịu đủ mọi hệ lụy. Thử hỏi có quốc gia nào mà dân với nhà cầm quyền trái ngược nhau đến mức ấy không?

Có người hiến kế cho lãnh đạo VN rằng hãy thành lập đặc khu Lưỡng Sa gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rồi cho Mỹ thuê. Còn khai thác đất thuê như thế nào do bên thuê tùy ý. Việc này được lắm chứ nhất cử lưỡng tiện. Các ông đã thành lập huyện đảo Hoàng Sa, huyện đảo Trường Sa thì tại sao không thành lập được đặc khu Lưỡng Sa?

Tất nhiên nói thế để thử lòng can đảm của các ông thôi vì người ta đã quá hiểu lãnh đạo đất nước này như thế nào. Các ông cần xua đuổi bóng quạ đen TQ ra khỏi não trạng của mình. Đừng cố lao vào những việc gây nên hậu quả bi thảm cho đất nước, cho hậu thế. Khi đó, lịch sử sẽ được viết lại và chắc chắn, trong những trang sử đen tối đó, không thể thiếu tên tuổi các ông.

2/6/2018
NGUYỄN TƯỜNG THỤY
http://ntuongthuy.blogspot.com/2018/06/luat-3-ac-khu-lo-trinh-mat-uoc-thanh-o.html#more

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TS. TRẦN ĐỨC ANH SƠN GỬI THƯ NGỎ CHO 496 ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI


Trần Đức Anh Sơn, 5-5-2018, Tôi kính mong những vị đại biểu bấm nút KHÔNG THÔNG QUA hãy vui lòng cung cấp danh tính cho tôi, hoặc thông qua các bạn bè tôi bằng bất kỳ hình thức nào tiện lợi nhất cho quý vị. Chúng tôi sẽ lập một danh sách riêng để cho NHÂN DÂN trân trọng, ghi nhớ và tri ân quý vị vì đã hành xử đúng với vai trò của một NGƯỜI ĐẠI BIỂU CỦA NHÂN DÂN, và để cho đời nay và muôn đời sau BIẾT mà không bêu riếu quý vị, không bêu riếu gia đình, gia tộc và quê hương quý vị. 


TS. Trần Đức Anh Sơn, Viện phó Viện Nghiên 
cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng
Thưa quý vị đại biểu Quốc hội!
Hôm nay là ngày 5/6/2018, còn đúng 10 ngày nữa, quý vị bấm nút thông qua dự luật có tên Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (gọi nôm na là “dự luật đặc khu”), để dự luật này trở thành luật và có hiệu lực thực thi ở 3 “đặc khu”: Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Theo tôi, đây là một việc rất hệ trọng, có thể gây hậu quả khôn lường và lâu dài cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam. 

Vì thế, tôi – Trần Đức Anh Sơn – một công dân Việt Nam xin gửi Thư ngỏ này đến quý vị để bày tỏ ý kiến cá nhân và đề nghị một số vấn đề với quý vị liên quan đến việc bấm nút thông qua dự luật nói trên.

Thưa quý vị đại biểu Quốc hội!

Suốt 2 tuần qua, thông qua báo chí, mạng xã hội và các diễn đàn tranh luận công khai trong cả nước, hẳn quý vị đã biết “dự luật đặc khu” nói trên đã tạo ra phản ứng bất bình trong phần lớn người dân Việt Nam ở trong nước và kiều bào người Việt ở nước ngoài.

Những thăm dò không chính thức do nhiều cá nhân tổ chức trên mạng xã hội, cùng ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân, từ tầng lớp trí thức (học giả, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, chuyên gia kinh tế…), nhà hoạt động xã hội, sinh viên – học sinh, cho đến tầng lớp cần lao (công nhân, nông dân, người lao động tự do…), cho thấy đa phần người Việt Nam ở trong và ngoài nước phản đối dự luật này, nhất là đối với điều khoản “cho người nước ngoài thuê đất ở các đặc khu đến 99 năm”.

Chính ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ, cũng thừa nhận với báo chí bên hành lang Quốc hội vào sáng 4/6/2018 là “vấn đề cho thuê đất đặc khu đến 99 năm đối với trường hợp đặc biệt đã gây ra ‘làn sóng khủng khiếp’, nhiều ý kiến tâm tư, tin nhắn, cuộc gọi, thư từ gửi đến Thủ tướng” [Thủ tướng: Việc cho thuê đất đặc khu 99 năm gây ra “làn sóng khủng khiếp”]. Điều đó có nghĩa là giới lãnh đạo Việt Nam và quý vị đại biểu Quốc hội đã biết rõ “lòng dân” đối với “dự luật đặc khu” này.

Thưa quý vị đại biểu Quốc hội!

Nguy cơ và những tác hại khôn lường tiềm ẩn trong “dự luật đặc khu”, sự lỗi thời, không cần thiết của việc thành lập các đặc khu kinh tế ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, đã được các chuyên gia kinh tế, các nhà trí thức, những người yêu nước Việt Nam có kiến thức và chính kiến… phân tích và mổ xẻ qua nhiều bài nghiên cứu, bài báo, bài trả lời phỏng vấn… đăng tải trên báo chí chính thống do Nhà nước quản lý và trên các diễn đàn, trên mạng xã hội, mà tôi tin chắc là quý vị đã đọc, đã biết, đã nắm thông tin. Vì thế, tôi thấy không cần thiết phải nhắc lại trong Thư ngỏ này.

Ở đây, tôi chỉ tóm lược những ý chính đã được nhiều người phân tích, mổ xẻ về sự bất cập của dự luật này. Đó là nếu dự luật này được thông qua, trở thành luật và có hiệu lực thực thi, thì nó sẽ tạo ra những hệ lụy sau:

– Không hiệu quả, gây lãng phí kinh tế (với số tiền dự kiến đầu tư để “lót ổ”, từ dùng của PCT Quốc hội Uông Chu Lưu, lên đến hơn 1,6 triệu tỉ VNĐ) do tính lỗi thời của các đặc khu trong bối cảnh kinh tế – xã hội Việt Nam và trong mối tương quan với nền kinh tế trong khu vực và kinh tế thế giới thời kỳ hậu toàn cầu hóa;

– Khả năng người Trung Quốc sẽ thuê đất các đặc khu với nhiều điều kiện ưu đãi, rồi biến những nơi này thành các “tiểu China” trong lòng lãnh thổ Việt Nam, nơi chứa chấp một lượng lớn di dân Trung Quốc đến “ăn đời ở kiếp” và có thể tiến hành những hoạt động gây phương hại cho kinh tế, xã hội, an ninh trật tự và chủ quyền quốc gia của Việt Nam; thậm chí có thể làm biến đổi giống nòi của người Việt qua các việc kết hôn (chính thức và phi chính thức) với người Việt;

– Biến những nơi này thành những cứ điểm kinh tế của ngoại bang, có thể là những cứ điểm quân sự ngầm, tồn tại hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, để đến khi có chiến tranh giữa Việt Nam với các nước đang nắm quyền kiểm soát các đặc khu này, thì đó là những “bàn đạp” để tấn công chúng ta ngay trong lòng đất nước của chúng ta;

– Người dân ở những nơi sẽ trở thành đặc khu này sẽ bị mất đất, sẽ trở thành di dân, tha hương ngay trên mảnh đất mà tổ tiên họ đã dày công khai phá và trao truyền cho các thế hệ cha ông và cho chính họ trong hàng trăm năm qua. Họ sẽ trở thành những kẻ làm thuê khốn cùng cho ngoại bang bằng những nghề hạ tiện nhất mà ngoại bang không làm, để kiếm sống một cách tủi nhục trên chính quê hương mình;
……

Thưa quý vị đại biểu Quốc hội!

Vì những hệ lụy trên (và nhiều hơn thế), tôi tha thiết mong quý vị sẽ cân nhắc để KHÔNG bấm nút thông qua “dự luật đặc khu” này.

Tôi biết, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội đã huỵch toẹt “Bộ Chính trị đã kết luận rồi, dự thảo luật không trái Hiến pháp, phải bàn để ra luật chứ không không thể không ra luật” [Chủ tịch Quốc hội: Phải bàn để ra được luật đặc khu], có nghĩa là quý vị phải làm sao để dự luật phải trở thành luật.
.

Tôi cũng biết trong số 496 vị đại biểu Quốc hội khóa XIV, thì có hơn 470 vị là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó có nghĩa là một khi Đảng đã quyết thì các đảng viên phải tuân thủ.

Tôi cũng biết nhiều vị trong số quý vị đang đóng rất nhiều vai: vừa là đại biểu Quốc hội (lập pháp), vừa là thành viên của Chính phủ (hành pháp) và các cơ quan thừa hành các cấp; vừa là đảng viên kiên định với đường lối của chủ nghĩa Mác – Lênin, lại vừa là những “mắc xích ngầm” của nhóm lợi ích trong guồng quay của chủ nghĩa tư bản thân hữu và hoang dã… Vì thế, quý vị sẽ khó vùng vẫy để thoát ra khỏi những mối quan hệ này và bấm nút theo chính kiến và lương tri của mình.
.

Nhưng tôi nghĩ, tuy là đảng viên, nhưng quý vị lại đang là đại biểu Quốc hội, và theo Điều 69 của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013, thì: “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”. Vì vậy, khi ra Quốc hội, quý vị phải đại diện cho DÂN, cho NƯỚC, chứ không phải đại diện cho Đảng. Quý vị cứ thực hiện trách nhiệm đảng viên của mình ở trong các tổ chức, các diễn đàn, các chương trình nghị sự của Đảng. Còn ở đây, tôi tha thiết đề nghị quý vị hãy đặt vai trò của đảng viên sau vai trò của đại biểu của DÂN, của NƯỚC, khi tự mình bấm nút THÔNG QUA hoặc KHÔNG THÔNG QUA dự luật này.

Sau cùng, nếu quý vị, vì lý do bất khả kháng mà phải bấm nút THÔNG QUA dự luật này, thì xin quý vị hãy nhớ rằng: danh sách 496 vị đại biểu Quốc hội khóa XIV này đã được nhân dân BIẾT RÕ (với tên tuổi, quê quán, năm sinh tháng đẻ, nghề nghiệp, chức vụ…) thông qua (một trong những) link như thế này: KẾT QUẢ BẦU CỬ QUỐC HỘI KHÓA XIV.

Nhân dân sẽ nhớ rất rõ không chỉ từng vị đại biểu, mà cả thân nhân (mẹ cha, vợ chồng, con cái… của quý vị) thông qua sự hỗ trợ của các công cụ tìm kiếm trên mạng internet, mạng xã hội. Rồi, họ sẽ “dựng bia muôn đời” cho quý vị như người Trung Hoa xưa đã dựng tượng Tần Cối trước mộ Nhạc Phi để cho hậu thế phỉ nhổ.

Cũng vì thế, tôi có một đề nghị như sau: Chắc chắn Quốc hội sẽ không công bố ai bấm nút THÔNG QUA, ai bấm nút KHÔNG THÔNG QUA dự luật này. Vì thế, tôi kính mong những vị đại biểu đã bấm nút KHÔNG THÔNG QUA hãy tự công khai danh tính của mình với nhân dân, dưới bất kỳ hình thức nào có thể, để người dân biết được ai đã bấm nút vì DÂN, ai đã bấm nút vì Đảng. Vì trong trường hợp này, “ý Đảng” không phải là “lòng DÂN”.

Tôi là một người học Sử và đã nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong suốt 30 năm qua. Nay, tôi bắt đầu học làm người chép Sử. Tôi nguyện sẽ ghi chép trung thành tất cả những gì mà tôi có thể ghi chép được về giai đoạn hiện nay của lịch sử nước nhà để lưu lại cho đời sau.

Và, một trong những việc đầu tiên mà tôi bắt tay vào việc chép Sử này là tìm mọi cách, mọi phương tiện, mọi kênh thông tin… để biết được vị đại biểu Quốc hội nào bấm nút THÔNG QUA, vị đại biểu nào bấm nút KHÔNG THÔNG QUA “dự luật đặc khu” vào ngày 15/6/2018 để chép lại vào lưu truyền cho các thế hệ sau.

Vì thế, tôi kính mong những vị đại biểu bấm nút KHÔNG THÔNG QUA hãy vui lòng cung cấp danh tính cho tôi, hoặc thông qua các bạn bè tôi bằng bất kỳ hình thức nào tiện lợi nhất cho quý vị. Chúng tôi sẽ lập một danh sách riêng để cho NHÂN DÂN trân trọng, ghi nhớ và tri ân quý vị vì đã hành xử đúng với vai trò của một NGƯỜI ĐẠI BIỂU CỦA NHÂN DÂN, và để cho đời nay và muôn đời sau BIẾT mà không bêu riếu quý vị, không bêu riếu gia đình, gia tộc và quê hương quý vị.

Xin kính chúc quý vị đại biểu sức khỏe và tỉnh táo.

Kính thư.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hóa ra Sâm giả à?


Tân Thái Bá Theo dõi

Hôm qua lúc 8:53 (trên fb)

Lạ cái ông Lại Văn Sâm. Sao phải lên đài thanh minh mình không hề dùng 
facebook và những bài nhân danh ông lên tiếng phản đối cho TQ thuê đất 
là giả mạo. Những bài ấy cũng hay và hứu ích mà. Mình đã hèn không nói, 
người ta nói hộ cho, đáng lẽ phải cảm ơn mới đúng. Tôi chỉ mong người khác 
viết hộ cho tôi như thế.
Mà rồi, thời này không dùng facebook thì muốn biết ông đang dùng gì?
Chắc báo Nhân Dân online? Khuyên ông, trước vì miếng cơm manh áo
phải nói ngược là một nhẽ. Giờ hưu rồi, già rồi, hết lộc, hết chức tước,
kể cũng nên thật lòng một chút.
Nhân tiện, post lại bài này.
AI LÀ TRIỆU PHÚ?
Lạ, người ta ném đá
Một cô bé chỉ vì
Không biết món cua gạch
Nấu với loại rau gì?
Bị cười chê cả việc
Không biết El Nino,
Một hiện tượng bí ẩn
Gây hạn hán cháy khô.
Không ai biết mọi chuyện.
Không biết thì đã sao?
Vậy sao phải ném đá?
Đúng là thật tầm phào.
Cái trò “Triệu Phú” ấy
Của ông Lại Văn Sâm,
Tôi thấy nó hơi nhạt,
Vô bổ và dưới tầm.
Nếu ý định tốt đẹp
Là khai trí cho dân,
Sao không hỏi những cái
Quan trọng và thực cần?
Thí dụ, bạn có biết
Bao chiến sĩ của ta
Đã bị Tàu Cộng giết
Trên hòn đảo Gạc Ma?
Hoặc hỏi thác Bản Giốc
Vốn của ta từ lâu,
Vì sao năm 99
Lại biến thành của Tàu?
Hoặc: Xin bạn cho biết
Bao nhiêu người oan sai
Thời Cải Cách Ruộng Đất?
Vì sao và do ai?
Hoặc, bao quát hơn nữa,
Hỏi vì sao nước ta,
Cái gì cũng tốt đẹp
Mà luôn thua người ta?
Hoặc chủ nghĩa xã hội
Mà rơi vào nước nào,
Là nước ấy nghèo đói
Bạn có biết vì sao?..
Đại khái là như thế.
Những câu hỏi xứng tầm,
Cao hơn món cua gạch,
Thưa ông Lại Văn Sâm.
*
Triệu phú tiền là tốt.
Nhưng còn tốt hơn nhiều
Là triệu phú tri thức
Để thoát khỏi giáo điều.

Phần nhận xét hiển thị trên trang