Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 2 tháng 5, 2018

Hận… đầy tớ!



Trân Văn

Tuần này, người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam thi nhau bày tỏ sự oán giận giới mà về lý thuyết là đầy tớ của họ.

Xét về logic, oán giận kẻ… dưới là một nghịch lý. Thế nhưng bên cạnh nghịch lý này còn thêm một nghịch lý nữa: Dù oán giận dâng cao nhưng giới mà về lý thuyết được xem là chủ hoàn toàn… bất lực!

***

Đầu tuần này, Đại tá Lê Văn Tam “vời” báo giới đến nói chuyện. Có thể là ông Đại tá Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng tin rằng, hệ thống truyền thông chính thức sẽ giúp ông “giải độc dư luận”. Trong bối cảnh xã hội như hiện nay, cáo buộc ông nhận từ Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”) một biệt thự trị giá hàng trăm tỉ đồng, dẫu chỉ lan truyền trên mạng xã hội cũng hết sức tai hại cho cả “sự nghiệp chính trị” lẫn “sinh mạng chính trị” của ông.

Tuy “lưỡi không xương” – đã phủ nhận biệt thự có diện tích tới 1.000 mét vuông, tọa lạc trong Europe Village mà gia đình ông sở hữu có dính dáng tới Vũ “Nhôm”, thậm chí đã khẳng định, đang suy nghĩ xem có nên đề nghị hệ thống công quyền điều tra, xử lý “thông tin có tính bịa đặt” này hay không – song Đại tá Tam không thể giải thích tại sao ông chỉ là sĩ quan công an, vợ chỉ là giáo viên mà có thể tạo lập một biệt thự song lập trong khu dân cư được xem là sang trọng nhất Đà Nẵng.

Nỗ lực “giải độc dư luận” của Đại tá Tam không chỉ bất thành mà còn phản tác dụng.

Qua tờ Tuổi Trẻ, một tiến sĩ tên là Nguyễn Hoàng Chương trình bày tính toán của ông, theo đó, thu nhập tối đa của một viên chức trong hệ thống công quyền ở Việt Nam khoảng 30 triệu đồng/tháng, muốn tạo lập bất động sản có giá trị 100 tỉ đồng thì phải mất… 277 năm, vậy mà không ít viên chức đang là chủ khối tài sản khổng lồ cỡ như vậy. Ông Chương kể rằng, ông đã thử vào goole, lấy “biệt phủ” (danh từ mà công chúng, báo giới ở Việt Nam thường dùng để mô tả các tư gia nguy nga, lộng lẫy của giới đầy tớ ở Việt Nam) làm “keyword” để tra thông tin thì chỉ cần 0,49 giây đã tìm thấy 4,92 triệu đề mục! Ông Chương gọi thực tế vừa kể là nghịch lý, là nguyên nhân dấy lên những bất bình, mỉa mai của dân chúng.

Tuy xác định những viên chức thủ đắc, sở hữu các khối tài sản khổng lồ là bất chính, là bán mình cho quỷ, đề cập đến lòng tự trọng, sự liêm chính nhưng nhìn chung ông Chương bày tỏ suy nghĩ của ông hết sức chừng mực. Báo chí chính thức luôn luôn như thế, thậm chí không muốn cũng phải giữ cho được sự chừng mực như thế giống như “giữ con ngươi trong mắt mình”.

Mạng xã hội thì khác…

Từ đề nghị của Lợi Mai Phan - dùng năm từ để diễn đạt theo hướng hài hóa lý do các viên chức có trăm tỉ, tạo lập “biệt phủ” - Văn Song Nguyễn khái quát: Tiền của dân cả đấy! Nguyễn Tiến góp vào, đó là: Không từ một thứ gì! Xuan Hoang thì bảo đó là: Thế thì chỉ có cướp! Vinh Tran nhận định đó là: Cướp không có đối lập! Đơn Thương Độc Mã thì bỡn cợt: Hồng phúc của nhân dân. Đặt mình vào vị trí viên chức, Peter PeterTran Tran đề nghị: Ơn cái ổ tò vò. Tương tự, Trần Văn Thắng cho rằng, đó là: Ơn Đảng, ơn Chính phủ!...

Cũng đã có những facebooker như Thương Nguyễn Thị kêu gọi Đại tá Tam công khai hóa nguồn gốc số tiền ông kiếm được để tạo lập biệt thự song lập trong Europe Village. Theo hướng một số viên chức đã bị lộ từng chọn để biện bạch về nguồn gốc tài sản (làm vườn, nuôi heo, bện chổi, chạy xe ôm, nhận thừa kế…), Tuan Anh Vu đề nghị Đại tá Tam nên giải thích là “trúng số”. Minh Tran thì khuyên chỉ nên giải thích chung chung rằng “nhờ các… biện pháp nghiệp vụ”. Sông Chu hiến kế, Đại tá Tam nên chọn lý do đó là thu nhập từ “nhặt rác ngoài giờ”. Bởi Đại tá Tam là dân Quảng Nam, thành đạt ở Đà Nẵng và có lẽ là đồng hương của ông Tam, Phong Nguyễn phỏng đoán, có thể Đại tá Tam sẽ chọn lý do “vác đá mướn ở Ngũ Hành Sơn” để giải thích tại sao ông giàu… Dường như chẳng còn lòng dạ nào để đùa, Lại Thành Long than, rừng vàng, biển bạc cần bảo tồn thì không giữ được, lũ súc sinh này không cần bảo tồn mà sao lắm vậy?…

Giữa lúc mũi dùi của dư luận và công luận đang chĩa vào Đại tá Tam, Trần Hồng Tiệm khuyến cáo, có một câu hỏi khác đúng hơn, cần nêu ra là Ủy viên nào của Bộ chính trị, Ủy viên nào của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN không có “biệt phủ”? Tại sao tất cả họ đều giàu và nguồn gốc những khối tài sản khổng lồ ấy từ đâu mà có? Không nêu câu hỏi ấy thì chuyện trở thành vô nghĩa.

Chưa biết lúc nào thì dân chúng nhập cuộc, điều tra – trưng bày thông tin, hình ảnh về tài sản là “bề nổi” của các Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN như gợi ý của Trần Hồng Tiệm nhưng ít nhất trong tuần này, ngoài Đại tá Tam được dư luận bày lên… đĩa, còn có ít nhất một viên chức khác, dẫu chức vụ không cao nhưng tài sản đủ làm thiên hạ choáng váng đã được chọn – giới thiệu trên facebook…

Chỉ qua ba tấm ảnh, Trương Châu Hữu Danh làm nhiều người sững sờ về tư gia của ông Trần Ngọc Quang – cựu Chủ tịch huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Hồi còn tại nhiệm, ông Quang là người thúc giục kiểm lâm, công an săn lùng lâm tặc. Trước lúc nghỉ hưu, ông bắt đầu xây tư dinh toàn bằng danh mộc (căm xe, cà chít) ngay bên cạnh Hạt Kiểm lâm Ea Súp. Ông Quang khoe, ông phải thuê thợ mộc từ miền Trung lên để dựng tư dinh, tạo tác vật dụng trong nhà từ danh mộc gỗ (hương, cẩm lai), công việc kéo dài suốt ba năm. Tư dinh của ông Quang không chỉ lớn nhất huyện Ea Súp mà còn là dinh thự thuần túy bằng gỗ lớn nhất Tây Nguyên. Danh than, anh ở Long An, mỗi khi có khách, Danh thường dẫn họ đi thăm “Nhà Trăm cột” – một di tích văn hóa cấp quốc gia và cũng là một trong những niềm tự hào của dân Long An. “Nhà Trăm cột” vốn là tư gia của một đại điền chủ - siêu giàu, được dựng khi rừng còn bạt ngàn nhưng sau khi tham quan dinh thự bằng gỗ của ông Quang, Danh thấy “Nhà Trăm cột” xứ mình chỉ là… “muỗi”!

Danh nói thêm, tháng vừa qua, anh đã đi khắp Tây Nguyên, từ Đắk Nông sang Đắk Lắk, tới Gia Lai, Kon Tum rồi qua Lâm Đồng, dù đã có lệnh đóng cửa rừng, chỗ nào cũng thấy rừng bị triệt phá, gỗ từ rừng vẫn ào ạt chảy đi các nơi… Có vào rừng mới thấy, lâm tặc là thành phần dưới đáy xã hội. Lệnh đóng cửa rừng chỉ làm “chi phí bôi trơn” tăng lên, thu nhập của lâm tặc giảm xuống. Ở thành phố Buôn Ma Thuật hiện không thiếu những ngôi nhà gỗ trị giá hàng triệu Mỹ kim. Chủ nhân những ngôi nhà ấy không phải là những doanh nhân siêu giàu mà là các viên chức.

Dư luận về dinh thự bằng gỗ của ông Quang từng buộc Tỉnh ủy Đắk Lắk phải kiểm tra. Vì ông Quang sử dụng đến 153 mét khối gỗ bất hợp pháp nên Tỉnh ủy Đắk Lắk nhìn nhận “không thể xử phạt hành chính mà phải xử lý hình sự”. Tuy nhiên Tỉnh ủy Đắk Lắk không chuyển hồ sơ cho công an. Công an không có căn cứ để khởi tố thành ra… huề ! Danh cho rằng, trước giờ, hàng lậu thường được xử lý bằng cách đốt, có lẽ ông Quang nên đốt dinh thư bằng gỗ của mình rồi giơ tay chịu trói để làm gương.

Đọc xong status của Danh, Johny Duong chửi thề vì “nhà cán bộ kiểu này thì rừng trọc hết là phải”. DL Ngọc Hiền thắc mắc: Chắc mấy thằng này coi chánh phủ như bù nhìn! Và tự trả lời luôn: Ờ mà cũng giống bù nhìn thiệt! Đêm Trường Trung Cổ ủng hộ chuyện nên đốt dinh thự bằng gỗ của ông Quang vì thứ đó không phải đầy tớ. Đó là ông cố nội của dân. Minh Hang kết luận, đó chính là lý do tại sao dân ghét quan chức. Cứ nhắc tới là thấy căm phẫn.

***

Trong bài viết gửi cho tờ Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Chương cảnh báo, dân chúng đang gánh chịu hậu quả nặng nề của chạy chức - tham nhũng – bòn rút – phung phá tài nguyên, những người yếu thế vẫn lầm lũi đi dưới bóng nợ nần, thiếu hụt và khi họ ngước mặt lên để lau vội mồ hôi, nước mắt, những biệt phủ nguy nga đập vào mắt họ! Vô hình trung, họ bị ức chế trong suy nghĩ, rách nát trong trái tim, nông nổi trong hành vi...

Dường như ông Chương chưa tuyệt vọng, vẫn còn hy vọng vào khả năng “làm rõ trắng đen”. Làm sao có thể “làm rõ trắng đen” khi chính ông cũng thấy, kê khai tài sản - thu nhập chỉ là thủ tục và “chính sự vô cảm ấy, dung túng ấy, thỏa hiệp ấy đã làm mọc lên thêm những biệt phủ”.





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Pháp quyền, pháp trị, pháp gì?


 

Trên trang Luật Khoa tạp chí có một bài dài tìm hiểu về cách dịch khái nhiệm rule of law và rule by law sang tiếng Việt như thế nào mới là đúng. Tên bài là “Rule of Law, không phải ‘pháp quyền’ cũng chả phải ‘pháp trị’.”
Hóa ra vấn đề dịch thuật ngữ này rất lằng nhằng, nhiều học giả cãi nhau như mổ bò, và ngại nhất là các lý luận của họ đôi chỗ rối như canh hẹ. Chưa hết, bài viết này cho ta biết hóa ra bên Tàu họ cũng gặp các vấn đề tương tự.
Mọi người có thể đọc bài ấy ở đây.
*
Hồi bé tôi có đọc một cuốn sách về các nhà sáng chế. Sách kể chuyện về các nhân vật lừng danh kiểu như Thomas Edison. Những sách kiểu này ngày xưa chủ yếu là dịch hoặc phóng tác từ các sách khoa học phổ thông, sách danh nhân của Pháp, rồi sau này là sách Nga.
Trong sách có nói đến ông Benjamin Franklin. Ông này nghiên cứu hiện tượng sét đánh bằng cách thả các con diều lên trời. Nhờ đó ông ấy sáng chế ra cái cột thu lôi. Đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ sách nói rằng cái sáng chế ấy thành công đến mức trở thành thời thượng, các quý ông đỏm dáng ở Paris tay cầm ô, đầu đội mũ chóp, đều gắn một cái que kim loại giống như cột thu lôi. Sách cũng nói ông Franklin còn làm đại sứ Mỹ ở Paris.
*
Trong Tuyên ngôn độc lập 1945, người sáng lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (founder hoặc founding father của nhà nước Việt Nam hiện nay, theo cách gọi của một số người), có trích dẫn một câu từ Tuyên ngôn độc lập của Mỹ. Tuyên ngôn nổi tiếng của Mỹ này do Thomas Jefferson viết. (Có thể đọc bài về việc ấy ở đây).
Có một nhóm nhỏ vài người Mỹ lãnh đạo cuộc đấu tranh đưa nước Mỹ từ thuộc địa của Anh trở thành quốc gia độc lập, họ cùng nhau ký vào Tuyên ngôn độc lập, cùng nhau ký vào Hiến pháp Mỹ. Họ được dân Mỹ gọi là những người lập quốc (founder), rồi sau này nâng lên là các cha già lập quốc (founding fathers). Trong số đó có Thomas Jefferson, người thành tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ. Còn ông Benjamin Franklin nghĩ ra cột thu lôi làm tổng thống thứ sáu.
*
Tôi có xem giáo sư Leonard Susskind giảng về thuyết tương đối hẹp vàthuyết trường cổ điển. Phần thuyết trường điện từ Maxwell kết hợp với thuyết tương đối hẹp, ắt hẳn phải nói đến định lý Gauss (phương trình liên tục). Phương trình ngắn gọn này bao gồm hai đại lượng là mật độ điện tích và mật độ dòng điện. Ký hiệu là ρ (đọc là rho) và j. Susskind nói hai ký hiệu toán học này là do Benjamin Franklin đặt ra.
Quả thật, Benjamin Franklin là người đề xuất ý tưởng về định luật bảo toàn điện tích từ rất sớm (quãng năm 1747) và phải gần 100 năm sau nhà vật lý thuộc loại vĩ đại nhất lịch sử loài người là Michael Fraday mới chứng minh bằng toán học thành công (năm 1843).
Franklin cũng là người đặt ra khái niệm tiện tích âm và điện tích dương, ứng với cách viết có dấu ‘-’ và dấu ‘+’ để thể hiện các điện tích này. Cách viết này đến ngày nay vẫn được sử dụng.
Đến đây lại nhắc lại một chút, Benjamin Franklin là một trong những người lập quốc của Mỹ. Giai đoạn nước Mỹ giành độc lập, và Hiến pháp Mỹ ra đời, tương đương với giai đoạn Chúa Tây Sơn bắt đầu manh nha hình thành và khuếch trương lực lượng. Năm Mỹ độc lập là năm Tây Sơn bắt đầu đánh Gia Định (1776). Cùng quãng năm Hiến Pháp Mỹ thông qua (1787) thì Tây Sơn đánh trận Rạch Gầm Xoài Mút (1785) và đại phá quân Thanh (1789).
*
Sau ngày 2-9-1945, nước Việt Nam mới ra đời. Tên là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Dân Chủ và Cộng Hòa cũng là hai trụ cột chính trong tư tưởng của Thomas Jefferson, người viết Tuyên ngôn độc lập và tham gia vào soạn Hiến pháp Mỹ.
Dân chủ, một khái niệm có từ khoảng 600 năm trước công nguyên (cách ngày nay 2700 năm), hình thành ở Hy Lạp. Ở đó mọi người dân (đúng hơn: mọi đàn ông có của cải) có quyền cùng nhau tham gia thảo luận và bỏ phiếu thông qua các quyết định lớn của thành bang (thị quốc) nơi mình đang sinh sống. Dân chủ Hy Lạp thậm chí còn được luật hóa. Năm 594 trước công nguyên, Solon đã viết luật (sau mang tên ông), tuyên bố rằng mọi người dân phải tự quyết định các vấn đề của thành bang.
Cộng hòa, một thể chế xuất hiện ở Rome (Lã Mã) sau thời gian Dân chủ xuất hiện ở Hy Lạp một chút. Sau khi ông vua thứ 7 của La Mã là Tarquin Kiêu Ngạo bị ám sát (năm 495 trước công nguyên), dân thành Rome phát chán mấy ông vua. Họ bầu ra các viên quan chấp chính, có nhiệm kỳ một năm, giống như bầu CEO ngày nay, để cai quản thành phố. Lúc đầu chỉ có một ông quan, thường có xuất thân nhà giàu, hoặc quý tộc giàu có. Nhưng dân Rome không hài lòng với một ông tổng quản nhà giàu, họ đấu tranh, mất cả thế kỷ, để hệ thống này bầu lên hai ông quan cùng điều hành đất nước, một ông từ giới thượng lưu, một ông từ giới bình dân. Hai ông quan do dân bầu lên, một ông đại diện cho dân có của cải, một ông đại diện cho dân nghèo, thay mặt nhân dân vận hành đất nước. Vậy là chế độ cộng hòa, lưỡng viện, ra đời. Ngày nay xem thủ tướng Anh đến Hạ Viện cãi nhau, chỗ cãi nhau của Hạ Viện, là đại diện của giới bình dân, vẫn giữ nếp nghèo túng: rất chật chội và nội thất khiêm tốn (tuy vẫn rất đẹp so với tiêu chuẩn học làm sang Việt Nam).
Như vậy dân chủ và cộng hòa có lịch sử là khá lâu đời. Giai đoạn hình thành Dân chủ ở Hy Lạp, và Cộng Hòa ở La Mã, thì ở nước ta đang là thời vua Hùng.
Khoảng 200 năm sau khi Hy Lạp và La Mã có thể chế dân chủ và cộng hòa, thì ở miền bắc Việt Nam bây giờ mới hình thành nhà nước Âu Lạc (quãng năm 258 trước công nguyên)
Người châu Âu và Mỹ có hàng ngàn năm để làm quen, tiếp thu, vận hành và phát triển các thể chế dân chủ, cộng hòa. Còn ở ta thì mới có vỏn vẹn chưa được một thế kỷ. Đã thế còn chưa được thực hành cho ra đầu ra đũa. Câu nói “đời còn dài” hóa ra không phải là câu nói đùa cho có. Vì thế, không phải vô cớ mà dân ta tuy miệng thì đề cao các thể chế nặng về lý tính như cộng hòa, dân chủ, nhưng thâm âm thích thú đến mê muội các thứ cảm tính như nhân trị, đức trị, kỳ vọng mong mỏi một đấng minh quân, một lãnh đạo nhân từ, một quan chức liêm khiết.
Ngay cả những người lý trí hơn, cũng chỉ dừng ở mức “pháp trị”, kiểu “quân pháp bất vị thân”. Nhưng cái pháp trị ấy vẫn chỉ là cái vỏ, vì trong cái ruột người ta vẫn phải dựa vào “nhân trị”, tức là cái ông quan ngồi vận dụng luật để phán xử ấy, phải là một ông quan “thiết diện vô tư” kiểu Bao Công. Mà cái con người (nhân) cai trị đất nước ấy sử dụng công cụ là “luật” để trị con người. “Nhân trị” (tức “đức trị“) hay “pháp trị“, xét cho cùng, chỉ là hai mặt của một thể chế phi cộng hòa, phi dân chủ, và không có quyền con người. Quyền con người sẽ được đề cập  ở phần sau. Và đã nói đến “quyền“, thì hẳn “pháp quyền” là lựa chọn dễ chịu hơn. Với thể chế pháp quyền, quyền lực nhà nước bị hạn chế và kiểm soát bởi hiến pháp; đồng thời hiến pháp cũng bảo vệ quyền con người. Trong khi đó “pháp trị” không hẳn là thể chế, trong đó pháp luật chỉ là công cụ để nhà nước và nhà cầm quyền cai trị người dân.
Cái “bất vị thân” nói trên đi vào sâu trong tâm khảm nhân dân, là do hàng ngàn năm nước ta chịu chi phối của pháp luật của Trung Hoa. Sau khi thoát khỏi bắc thuộc, đến thời Lý (Lý Thái Tông, 1042) ta mới có luật riêng của mình. Nhưng có lẽ bộ luật đầu tiên này, cũng như các bộ luật cuối cùng (Gia Long, 1815) cũng đều là bắt chước bên Trung Hoa.
Luật của Tàu vào nước ta, có lẽ từ thời Mã Viện (năm 43). Cùng với luật cứng, là luật mềm ngụy trang dưới vỏ Khổng Lão (đạo của hiền nhân quân tử, một kiểu triết học chi phối hành vi cá nhân, kiểm soát xã hội, thay vì chỉ dùng luật cứng, trong đó dân phải thần phục vua, con nghe lời cha, vợ nép dưới bụng chồng, người nay thì phải nghe lời người xưa, nói chung là triệt tiêu phản biện và tiến hóa). Hai cái yếu tố này chi phối xã hội nước ta hàng ngàn năm, có lẽ cho đến tận ngày nay.
*
Trên đây là vài nét về các rào cản lớn nhất cho việc nhập khẩu “rule of law” vào đất nước này, mà ngay cả việc dịch thuật ngữ này cũng đã rất phức tạp. Thế còn việc tuân thủ pháp luật thì sao.
Ở nước ta, vì luật pháp được thực thi nghiêm ngặt ở chủ yếu dưới thời Bắc Thuộc và Pháp thuộc, cho nên trong tâm thức người dân thì việc bất chấp luật pháp có cái gì đó mang tính phản kháng, chống đè nén áp bức, chống cường quyền, bất công.
Cũng như với các khái niệm dân chủ, cộng hòa, người dân phương tây cũng có cả ngàn năm quen sống tuân thủ pháp luật. Bộ luật thành văn đầu tiên được biết đến là Luật Hammurabi. Hammurabi là ông vua Babylon, sống cách nay độ 3700 năm. Để tiện so sánh, lúc đó chúng ta còn chưa đến thời vua Hùng, có lẽ còn đang là các bộ lạc.
Ở thời dân chủ của Hy Lạp, họ cũng có những bộ luật rất khắc nghiệt như luật Draco, ai đọc Harry Potter sẽ nhận ra tên nhân vật này. Thời cộng hòa của La Mã họ khắc luôn bộ luật lên các tấm bia đồng dựng ở những nơi công cộng. Đế chế La Mã rộng lớn được cai trị hoàn hảo bằng luật, trong đó có các sắc thuế. Công dân La Mã tuân thủ luật cực kỳ nghiêm túc.
Ngày nay, khi bạn nghe tổng thống Trump nói “Law and Order”, đó chính là tinh thần của đế chế La Mã.
Khi đế chế La Mã sụp đổ vì quá rộng lớn, vị vua cuối cùng là hoàng đế Đông La Mã, tên là Justinian, đã cố gắng sưu tầm luật La Mã cổ và tập hợp thành Bộ luật Justinian. Đó là quãng năm 527 sau công nguyên. Luật Justinian là tiền thân của các bộ luật hiện đại sau này.
Vào quãng thời gian này ở ta có cuộc khởi nghĩa của Lý Bí (Lý Bôn) chống lại triều đình phương bắc.
*
Đến đây cần phải quay lại với Franklin, nhà lập quốc của nước Mỹ này là người có tư tưởng ủng hộ quyền tự do ngôn luận. Đây là một quyền mà nước Mỹ xếp vào quyền con người (ngôn luận, báo chí, hội họp, tín ngưỡng, tài sản…) mà James Madison, một nhà lập quốc khác của Mỹ, soạn ra thành luật tên là Tuyên ngôn nhân quyền.
Cùng với Dân chủCộng hòa, thì Quyền con người (nhân quyền và xã hội dân sự) là trụ cột thứ ba của nước Mỹ.
Khác với Dân chủ, Cộng hòa, có từ tám đời (hay còn gọi là cái thời cổ hy la), Quyền con người ra đời khá muộn. Nó bắt đầu manh nha xuất hiện cùng với sự hình thành đô thị hiện đại, cụ thể là ở Florence.
Vào quãng năm 1400 thì thành phố này trở nên giàu có, người dân thành phố có tài sản riêng, có sự tự do nhất định mà không còn phải quy phục vào đám vua chúa, quý tộc này nọ. Họ tự do được chọn học cái mình thích, nghiên cứu cái mình quan tâm, và làm nghề mình phù hợp. Khoa học nghệ thuật phát triển. Họ mở màn cho cái mà sau này gọi là thời kỳ Phục Hưng. Ở đó xuất một nhà khoa học và sáng chế lớn là Leonardo Da Vinci, rồi xuất hiện Nicolaus Copernicus và Galilei Galileo. Ở đó cũng xuất hiện một đại gia giàu đến mức khuynh đảo chính trị là gia đình Medici. Rồi nhờ gia đình này mà xuất hiện một nhân vật nữa, ông này tên là Machiavelli, ông viết hai tác phẩm lớn là The  Prince và The Discourses. Hai tác phẩm này sẽ quay lại ở gần cuối bài.
Cùng giai đoạn này, nước ta cực kỳ giàu có phát triển. Đó là thời kỳ nhà Lê, sau chiến tranh chống giặc Minh (năm 1428). Nhà Lê phát triển mạnh về quân sự, kinh tế (sản xuất) và ngoại thương (buôn bán sôi nổi với Châu Âu). Nhưng cũng như thời kỷ đổi mới gần đây, giai đoạn cường thịnh của nhà Lê chủ yếu là kiếm chác làm giàu, khi làm giàu rồi thì bỏ tiền ra mua các giá trị trọc phú thay vì giải phóng con người; thay vì tìm mô hình trị quốc mới thì họ lại quay sang sao chép từ kẻ thù của mình là Trung Hoa. Nên thời kỳ vàng son của nhà Lê không kéo dài được lâu, nó chấm dứt khi nhà Mạc nổi lên tiếm ngôi (năm 1527). Từ đây nảy nòi ra hai ông họ Trịnh và Nguyễn, rồi năm 1558 nhà Nguyễn vào Nam. Xem thêm ở đây.
Tinh thần tự do cá nhân của cư dân thành phố Florence thế kỷ 15 không chỉ thúc đẩy khoa học tự nhiên, khám phá thế giới thiên nhiên, phát triển công nghệ, sáng tạo nghệ thuật, mà nó còn tạo ra một giai cấp mới, những người sống bằng nghề nghiệp, sức lao động của mình, tích lũy tài sản cá nhân cho riêng mình, có lương tâm riêng, tri kiến riêng, tự mình suy xét vấn đề và hành động dựa trên các suy xét cá nhân ấy.
Tinh thần này lan dần vào các phong trào tôn giáo và xã hội sau này. Trong đó có Kháng cách, một nhánh mới của Kito giáo, cổ súy mỗi cá nhân đi theo tiếng gọi lương tâm cá nhân của mình, không phải tuân phục các thể chế tập quyền, tự mình phải bươn chải và chăm chỉ lao động để kiếm sống.
Tinh thần tự do nơi đô thị hiện đại và triết lý mới mẻ của Kháng Cách bắt rễ và sinh sôi nảy nở ở Châu Âu một cách không dễ dàng và không rẻ. Những thay đổi lớn lao này trong nhận thức cá nhân đã dẫn đến các xung đột quyền lợi, chính trị và tôn giáo. Tiếp đó là các cuộc chiến đẫm máu kéo dài hàng chục năm trên khắp Châu Âu. Lòng người toàn là hận thù, cuộc sống thì khổ đau. Từ đó mới nảy ra phong trào Khai Minh (Khai Sáng). Những nhà tư tưởng của Khai Minh rất dũng cảm, mọi phát biểu của họ đều biến họ trở thành lề trái và ngay lập tức có thể bị an ninh tư tưởng tóm cổ. Nhưng họ không hề sợ. Trong những năm 1700, những nhà tư tưởng của phong trào Khai Minh cho rằng theo con người cần sống có lý có lẽ cá nhân, những lý lẽ thông thường trong xã hội mà số đông có thể cùng chấp nhận; trong xã hội đó mỗi cá nhân đều được đối xử bình đẳng, các khác biệt về tôn giáo, quan điểm cá nhân cần được khoan dung, con người cần có nhân phẩm, và nhân phẩm của ai cũng cần phải được tôn trọng và được bảo vệ.
Khoan dung và tôn trọng người khác, tự nhận thức được ai cũng bình đẳng như ai, không phải là chuyện dễ dàng. Cùng giai đoạn Khai Minh ở Châu Âu, ở nước ta là thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh, các cuộc khởi nghĩa nông dân ở miền bắc, và cuối cùng là khởi nghĩa Tây Sơn ở miền trung. Còn hôm nay là ngày 30-4, đến hôm nay nhiều người nhận ra rằng hòa giải bằng mồm rất dễ, còn khoan dung thực sự, từ tất cả các phía, và tôn trọng nhân phẩm của nhau, nhất là tôn trọng bên thất trận, ở nước ta là một việc khó đến mức gần như hoang đường.
Kháng cách và Khai minh dẫn đến một phong trào xã hội có tên rất hấp dẫn trong tiếng Việt là phong trào Lãng mạn, hình thành sau Cách mạng tư sản Pháp. Lãng mạn không giới hạn trong nghệ thuật mà nó đi vào chính trị và thực hành chính trị ở Paris: Chủ nghĩa lãng mạn đã kết liễu nền quân chủ ở Pháp bằng cuộc cách mạng 1830; cũng là lúc nó đúc kết và cổ súy thành công một trụ cột mới của xã hội (bên cạnh dân chủ và cộng hòa): tự do cá nhân và quyền con người (nhân quyền).
Vào quãng 18xx này nước ta đang ở dưới thời Minh Mạng. Và khoảng 30 năm sau thì Pháp chiếm Nam Kỳ. Thật cũng có lý khi Nguyễn Gia Kiểng có nói một câu đại khái: người Pháp còng tay dân tộc Việt Nam và dẫn vào thế giới văn minh.
Tất nhiên cách làm đó đã thất bại. Lẽ ra người Pháp cần hiểu dân chúng ta vừa lười học vừa lười lao động, thích ăn may, mê đỏ đen, thiếu lý lẽ, thừa cảm tính, ít sáng tạo, nghèo ý tưởng, vậy mà lại thích cãi cọ và hiếu thắng, tính cách thường thì dát chết nhưng động đến quyền lợi cá nhân bé tí thì hung hăng đến kinh người.
Phong trào Lãng mạn Pháp, thông qua còng tay, cuối cùng cũng đến được với các sinh viên thành thị đầu thế kỷ 20. Họ viết văn, làm báo, họ đấu tranh. Nhờ đó chúng ta có nền báo chí tự do cho đến trước 1954 và di sản của nó tồn tại đến 1976. Nhờ đó chúng ta có những câu chuyện thú vị, như nhà thơ lãng mạn Huy Cận đi bắt vua Bảo Đại xuống ngôi. Hay nữ cách mạng lãng mạn Minh Khai thoát ly gia đình đi yêu giai đẹp, toàn anh thuộc loại hải đăng (soái ca) hội kín. Những những cuộc phiêu lưu, cả chính trị và tính ái này đưa nàng ra pháp trường. Và sản phẩm phái sinh từ những mối tình ấy là bậc thang danh vọng của một vị danh tướng.
*
Mới đây Nguyễn Anh Tuấn, viết một bài về Củi và Lửa. Có thể đọc trên Danluan ở link này.
Dân chủ và Cộng hòa không được thực hành liên tục ở Châu Âu, mà bị gián đoạn khá dài. Đến thời kỳ phục hung của thành Florence, các giá trị Hy Lạp và La Mã cổ đại mới được vun trồng trở lại. Để tiến thân, Machiavelli viết một cuốn sách tên là The Prince. Cuốn sách này nói về các kỹ năng và mưu lược để chiếm, giữ và củng cố quyền lực chính trị.
Nhưng như Bertrand Russell nói, The Prince mới chỉ là một phần của học thuyết chính trị của Machiavelli, để hiểu trọn vẹn học thuyết của ông, cần phải đọc nốt cuốn The Discourses.
Trong The Discourses, Machiavelli đã mang trở về phương thức kiểm soát quyền lực kinh điển: nhà nước cộng hòa có ‘check and balance’. Ông cho rằng quyền lực chính danh là quyền lực đoạt được bằng các kỹ năng chính trị, trong một cuộc cạnh tranh công bằng. Các chính phủ được người dân kiểm soát thông qua bầu cử hành pháp và tư pháp sẽ ít độc ác, ít vô đạo đức, ít tiền hậu bất nhất hơn chính phủ độc tài. Ông viết hẳn một chương về các nguyên tắc ‘check and balance’ cần được hiến định: tam quyền phân lập, ba quyền lực kiểm soát nhau sao cho cân bằng. Các viện dẫn minh họa của ông chính là luật Solon (mà ông cho là quá dân chủ, thiếu hiệu quả), chế độ cộng hòa La Mã với các nguyên lão (chính là Senate, thượng nghị sĩ ngày nay) rất tốt, vì các nghị sĩ sẽ luôn mâu thuẫn với nhau, và mô hình tốt nhất là hiến pháp Sparta của Lycurgus. Sparta, ai ở Việt Nam cũng biết, với trận đánh Thermopylae và bộ phim 300.
Quay lại với bài Củi Lửa của Nguyễn Anh Tuấn, có vẻ như ở VN cho đến nay, cái quan trọng và được quan tâm hơn cả là cách giành và vun đắp quyền lực. Còn kiểm tra và và cân bằng quyền lực là cái rất ít được quan tâm, ngay cả từ trong gốc rễ là hiến pháp.
Vậy nên cho đến nay, kể từ ngày Ngô Đình Nhu giới thiệu The Prince (Quân Vương) vào giới tinh anh của Việt Nam (xem link này), cuốn sách này đã có tới 3 hoặc 4 phiên bản, mà gần đây nhất là bản của Nhã Nam và Đông A (bản của Đông A cực đẹp). Còn The Discourses thì tiếc thay, chưa có bản dịch nào, kể cả dịch chơi trên mạng.
*
Ngành vật lý thiên văn có gốc rễ từ thời Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại, tức là khoảng hơn 2000 năm trước. Thế nhưng nó mới chỉ có những bước tiến triển đột biến khoảng hơn nửa thế kỷ gần đây, sau khi Einstein giới thiệu thuyết tương đối rộng, sau khi Hubble tìm ra vũ trụ đang giãn nở (khoảng 1930), và khi chụp được ảnh bức xạ viba nền của vũ trụ (1964). Thế nhưng, ngày nay khi ngồi nhìn lại những gì đã trải qua, các nhà khoa học giật mình vì ngay từ thời Newton, với kiến thức và trí óc của Newton, ông ấy thừa sức tìm ra phương trình vũ trụ (phương trình do Friedmann tìm ra năm 1922), trong đó vũ trụ không tĩnh mà giãn nở. Thậm chí Newton có thể tìm ra được một hằng số Hubble ở pha vật chất nắm vai trò chủ đạo không gian (khoảng 168x).
Tôi xem giáo sư Leonard Susskind giảng môn Cosmology, đến phần phương trình Friedmann, ông bảo không biết sao Newton lại không khám phá ra điều này, có lẽ là do ông ấy bỏ quá nhiều thời gian vào việc đầu tư vốn kiếm lời, và nghiên cứu giả kim thuật để làm vàng.
Rất có thể vài trăm năm nữa, có những nhà nghiên cứu nhìn lại Việt Nam ngày nay và hỏi, sao lúc đó Việt Nam không thế này thế kia, để trưởng thành nhanh hơn, tiến bộ nhanh hơn, văn minh hơn. Câu trả lời có lẽ là vì giới tinh anh của Việt nam lúc đó cũng mải kiếm chác, đầu tư có lãi thật nhanh, hay đắm mình vào các thuật giả kim thời internet.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Sạch, không dính lợi ích nhóm là yêu cầu phải có của một lãnh đạo



>> Tân Bộ trưởng Bộ Công an là ai?
>> Vụ Vũ “Nhôm”: Lợi ích nhóm làm hàng loạt cán bộ cao cấp “dính chàm”


Ninh Giang 
VietTimes - “Những tiêu chí để lựa chọn, đào tạo, bố trí cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao, ngay từ Nghị quyết TƯ 3, khóa VIII đã nói rất rõ, rất trúng rồi. Hội nghị TƯ 7 sắp tới cần tập trung bàn kỹ hai tiêu chí cụ thể: trong sạch và không lợi ích nhóm”- ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức TƯ, nguyên Trưởng ban Bảo vệ chính trị nội bộ khẳng định như vậy.

“Củi khô” đã cháy, “củi tươi” sẽ bén lửa

Thưa ông, Hội nghị Trung ương 7, khóa XII dự kiến khai mạc vào tuần tới, Trung ương sẽ bàn nhiều vấn đề hệ trọng. Cá nhân ông quan tâm nhất vấn đề gì?

-Tôi gần như cả đời làm công tác tổ chức, nên điều mà tôi luôn dành sự quan tâm là công tác cán bộ. Và phải nói thế này: Hội nghị lần thứ ba, BCH TƯ khóa VIII (tháng 6 năm 1997) đã có hẳn một nghị quyết (Nghị quyết số 03-NQ/HNTW, ngày 18/6/1997) “Về Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trong đó đã đánh giá rất kỹ về thực trạng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao. Đưa ra những tiêu chí rất cụ thể, rất trúng, rất hay về lựa chọn, bồi dưỡng và bố trí cán bộ.

Vì vậy, theo tôi, bàn về công tác cán bộ trong tình hình mới hiện nay, Hội nghị TƯ 7 sắp tới, ngoài các tiêu chuẩn cơ bản phải có, cần tập trung vào hai tiêu chí rất quan trọng, đó là trong sạch và không lợi ích nhóm”.

Vì sao tiêu chí “trong sạch” và “không lợi ích nhóm” lại đặc biệt quan trọng trong tình hình mới hiện nay, thưa ông?

- Bác Hồ đã từng dạy rằng “cán bộ là cái gốc của mọi công việc” và “gốc rễ của mọi vấn đề là ở công tác cán bộ”. Ngay từ tháng 10 năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Bác đã viết: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Trong lịch sử của Đảng đã từng có những Ủy viên Bộ Chính trị bị kỷ luật, bị cách chức, nhưng là do quan điểm, do có một số việc chưa trung thực với Đảng chứ chưa có trường hợp nào bị truy tố, đem ra xét xử vì tội  liên quan tới tham nhũng. Điều cay đắng là ngay từ Đại hội 11 những sai phạm của ông Đinh La Thăng đã nhận ra, tại sao đến đại hội 12 vẫn để lọt.

Bây giờ là Vũ “nhôm”, Út “trọc”.  Ai là người “chống lưng”, ai là người bao che? Vũ “nhôm”, Út “trọc” sao có thể dễ dàng thao túng nhiều người, nhiều tổ chức như vậy? Rồi ai cho phép thương vụ mua bán hơn 30 ha đất với giá 1,29 triệu đồng/m2 ở TP.HCM?

Nếu không có những cán bộ cấp cao hư hỏng bao che, tiếp tay, thao túng như cựu Chủ tịch Đà Nẵng Văn Hữu Chiến, cựu Phó trưởng ban Tổ chức TƯ, cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh, cựu Trung tướng công an Phan Văn Vĩnh, cựu trung tướng tình báo Phan Hữu Tuấn… và cả những “củi tươi” chưa lộ diện, thì liệu những Vũ “nhôm”, Út “trọc” có “coi trời bằng vung” như vậy được không?

Những vấn đề này phải làm rõ. Đó là những vấn đề rất hệ trọng, vì thế phải có những bước đi thích hợp và kiên quyết. Trong cuộc chiến này, Tổng Bí thư đã có những chỉ đạo sáng suốt và quyết liệt, lại có cách làm rất đúng, “chặt rễ con” trước, “tỉa cành nhỏ trước”, cứ thế dần dần “nhốt quyền lực” của các nhóm lợi ích lại, từ đó sẽ xử lý bình tĩnh và chính xác.

Tại cuộc họp của Ban Bí thư hôm 10/4 vừa qua, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Có ý kiến cho rằng chống tham nhũng “phải làm cẩn thận không nhụt chí không ai muốn làm”, rõ ràng tư tưởng đó sai. Tôi đã nói, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”. Ông có suy nghĩ gì về tuyên bố này?

-Trước đây, khi bàn về đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng, nhiều người có tâm lý quan ngại rằng, đấu tranh chống tham nhũng chỉ dám đụng đến “củi khô”, “cành nhỏ”, chứ “củi tươi” và nhất là “cây to” chưa chắc ai dám đụng tới. Tôi có lần đã nói với anh em báo chí: “Hãy tin tưởng đi! Tổng Bí thư đã nói: “Cứ cắt hết rễ, tỉa hết cành thì cây to mấy cũng tự khắc đổ”. Và như tôi vừa nói ở trên, hàng loạt cán bộ, kể cả người nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị cũng đã bị xử lý.

Hôm 27/04 vừa qua, tại phiên họp của Ban Thường trực Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng (PCTN) Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo về tiến độ, định hướng xử lý hàng loạt vụ án, vụ tham nhũng . Nhiều “củi khô” đã bị cháy rồi, chắc chắn không ít “củi tươi” sẽ bị bén lửa.

Như ông nói, cán bộ cấp càng cao thì càng cần phải trong sạch, ông có thể nói rõ thêm về vấn đề này không?

-Trong 55 năm làm công tác tổ chức phục vụ nhiều đại hội Đảng, tôi nghiệm ra rằng, điều quan trọng nhất là cán bộ càng giữ vị trí cao càng phải trong sạch.

Khi còn trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, có lần đồng chí Võ Văn Kiệt đã phải thốt lên trong một hội nghị TƯ: “Nếu không làm được gì cho dân, cho nước thì cũng phải giữ gìn trong sạch để làm gương cho cấp dưới”.

Vì vậy, điều tiên quyết đối với một cán bộ lãnh đạo là phải trong sạch, nhất là những đồng chí đứng đầu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội; các đồng chí đứng đầu các Bộ, TANDTC, Viện KSNDTC, các ban tham mưu, giúp việc như Ủy ban Kiểm tra TƯ, Ban Tổ chức TƯ, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước; các đồng chí đứng đầu chính quyền các địa phương…

Nếu bố trí người đứng đầu các cơ quan có chức năng kiểm tra, giám sát, điều tra và quản lý cán bộ không chuẩn xác, thì ví như Bao Công mà không có Triển Chiêu. Thực tế đã chúng minh cơ quan tham mưu không sạch thì bỏ sót tội phạm.

Thưa ông, thực tế vẫn có trường hợp khi mới vào Trung ương thì “trong sạch” và “không lợi ích nhóm”, nhưng khi đã có quyền lực trong tay họ lại không còn trong sáng nữa?

- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Vì thực ra chỉ khi nắm quyền lực, nhất là quyền lực ở cấp cao thì con người ta mới bộc lộ hết tham vọng của mình.

Ví dụ, trước đây, khi còn làm Phó trưởng Ban Tổ chức TƯ, tôi có đề nghị Bộ Chính trị bổ nhiệm một ông làm Bộ trưởng. Sau ba năm tôi buộc phải đề nghị Bộ Chính trị cách chức ông này. Có người hỏi tôi, vì sao vậy? Đó là vì khi nắm quyền rồi, hành xử của ông đã đổi khác. Ông ấy muốn chuyển sang ngôi nhà khác, to hơn. Tôi và một số người khác đã khuyên là không nên, ông ấy trả lời: “Vợ tôi quyết rồi” và tiếp tục làm theo ý mình. Vì con người ta thay đổi như thế thì không thể giữ cách đánh giá cũ được.

Vì vậy, giám sát sự lạm quyền cũng là công việc cực kỳ quan trọng. Cần tiếp tục đấu tranh để khắc phục, loại trừ ra khỏi hàng ngũ cán bộ Đảng và Nhà nước sự tha hóa, biến chất về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, “lợi ích nhóm” nhằm đẩy lùi nguy cơ lớn đang đe dọa sự sống còn của Đảng, của chế độ. Nếu không ngăn chặn, đẩy lùi để cho nguy cơ đó tiếp tục gia tăng thì khó mà tránh khỏi dẫn đến hiểm họa đối với Đảng, chế độ, do biết bao công sức, mồ hôi và máu của chiến sĩ, đồng bào cả nước phấn đấu theo ngọn cờ độc lập và tự do của Hồ Chí Minh tạo dựng nên.

Cần một “siêu tổ chức” có “siêu quyền lực”

Thưa ông, như ông vừa nói, công tác lựa chọn, bồi dưỡng và bố trí cán bộ là rất quan trọng. Tuy nhiên một vấn đề cũng hết sức quan trọng, đó là giám sát cán bộ, hay nói một cách khác là kiểm soát sự lạm quyền. Vậy, theo ông, cần phải có cơ chế kiểm soát sự lạm quyền như thế nào để cán bộ “sạch” và “không lợi ích nhóm”?

- Chúng ta cần có cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước một cách độc lập do luật pháp quy định. Vì vậy đã đến lúc phải có một tổ chức có thẩm quyền lớn hơn Ủy ban kiểm tra TƯ hiện nay, do Quốc hội phê chuẩn, chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

Cơ quan này có quyền thanh tra, kiểm tra, khởi tố các hành vi có dấu hiệu tham nhũng đối với tất cả các cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị từ Trung ương đến các địa phương, kể cả trong Đảng và ngoài Đảng; thực hiện chức năng kiểm soát tổ chức và hoạt động của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Nếu có một tổ chức như ông nói thì về mô hình tổ chức, nên như thế nào, theo ông?

- Chúng ta đều biết, trước đây, sau khi sửa đổi, bổ sung Luật PCTN năm 2007, Ban Chỉ đạo PCTN TƯ được thành lập, thuộc Chính phủ do Thủ tướng là Trưởng ban. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, nhiều vụ án tham nhũng phát sinh từ cơ quan thực hiện quyền hành pháp, cơ quan quản lý nhà nước, nên mô hình Thủ tướng là Trưởng ban chỉ đạo PCTN TƯ, thuộc Chính phủ đã không đạt hiệu quả.

Do vậy, Hội nghị TƯ 5 khóa XI của Đảng (tháng 5/2012) đã thống nhất chủ trương chuyển Ban Chỉ đạo PCTN TƯ thuộc Chính phủ, do Thủ tướng làm Trưởng ban sang Bộ Chính trị với tên gọi Ban Chỉ đạo PCTN TƯ trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư đứng đầu; lập lại Ban Nội chính TƯ, vừa thực hiện chức năng một ban Đảng, vừa là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo PCTN TƯ.

Để chặt chẽ về mặt pháp lý và phù hợp với sự đổi mới từng bước của hệ thống chính trị thì cần phải chuyển Ban Chỉ đạo PCTN TƯ trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư đứng đầu (như hiện nay) thành một tổ chức do nguyên thủ quốc gia làm Chủ tịch.

Tuy nhiên để đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng thì Đảng cần phải hóa thân vào Nhà nước để lãnh đạo trực tiếp cơ quan này. Tổ chức này nên là một thiết chế nhà nước, hoạt động theo chế độ thường trực.

Xin cám ơn ông!
***

“Thực tế cho thấy, không phải như một số dư luận lo ngại, chỉ có lo xây dựng Đảng, lo chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, mà ngược lại, chính làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát huy ưu điểm, chống thoái hóa biến chất đã thúc đẩy các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại.

Kết quả năm 2017 chứng tỏ điều đó, không làm cho phong trào đi xuống mà còn đi lên. Kinh tế-xã hội quý 1 lần đầu sau 10 năm đạt 7,38%. Có ý kiến cho rằng phải làm cẩn thận không nhụt chí không ai muốn làm, rõ ràng tư tưởng đó sai.

Tôi đã nói, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm. Đây là kinh nghiệm lớn, thực tế vừa qua như vậy, mặt được là như vậy, bây giờ tạo phong trào toàn dân tham gia xây dựng Đảng, tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, chống tiêu cực”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng


Phần nhận xét hiển thị trên trang