- Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, kinh tế Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn như diễn biến khó lường của thị trường, thiên tai, biến đổi khí hậu... Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực chính của năm 2018 và các năm tiếp theo. Ảnh: N.Q
Tăng trưởng cao nhất 10 năm qua
Sáng 29/3, Tổng cục Thống kê công bố tình hình kinh tế - xã hội quý I. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước tính tăng 7,38% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng cao nhất quý I trong 10 năm gần đây. Từ năm 2009 đến 2017, tăng trưởng GDP quý I thấp nhất là 3,14% và cao nhất 6,12%. Theo đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%, khu vực dịch vụ tăng 6,7%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp tăng 10,08%. Điểm sáng của khu vực này là sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 13,56% (cao nhất trong 7 năm gần đây).
Ngành xây dựng 3 tháng đầu năm tăng 7,46%, ngành khai khoáng đã tăng trưởng dương 0,4%.
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I đạt khoảng 331.000 tỷ đồng. Trong đó, khu vực tư nhân đổ vốn ước đạt 140.000 tỷ đồng, chiếm 42% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vốn tư nhân đổ vào nền kinh tế đã tăng tới 17% so với cùng kỳ.
Trong quý I, Việt Nam thu hút 618 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với vốn khoảng 2,1 tỷ đô la Mỹ. Ngoài ra có 199 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 1,8 tỷ đô la Mỹ.
Ngoài ra có 1.285 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp là 1.9 tỷ đô la Mỹ. Vốn FDI thực hiện ước đạt 3,9 tỷ đô la Mỹ.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I năm 2018 ước tính đạt 54,31 tỷ đô la Mỹ, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng chủ lực quý I như điện thoại và linh kiện (12,3 tỷ đô la Mỹ); hàng dệt may (6,3 tỷ đô la Mỹ); điện tử, máy tính và linh kiện (6,3 tỷ đô la Mỹ); máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (3,5 tỷ đô la Mỹ); giày dép (3,5 tỷ đô la Mỹ)…
Xuất khẩu rau quả được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng mạnh trong năm 2018. Ảnh: Vũ Phương
Trả lời trên VTV, Chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Vũ Đình Ánh đánh giá: “Tôi không nghĩ đây là mức tăng trưởng đột biến. Trước hết chúng ta quan sát về mặt chuỗi thời gian, đây có thể là mức tăng trưởng lớn nhất trong quý I kể từ năm 2008 đến nay.
Tuy nhiên đây là đà tiếp nối của tốc độ tăng trưởng của quý III và quý IV trên 7% cho năm 2017 vừa qua.
Nhìn toàn bộ quỹ tăng trưởng của các quý như vậy, điều đó cho thấy thông lệ thường quý đầu tiên thường là tăng trưởng thấp, các quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước.
Đặc biệt, nếu các năm trước thường tăng trưởng chậm vào đầu năm và tăng nhanh vào cuối năm thì việc GDP tăng ngay từ những tháng đầu năm là tín hiệu tốt, giảm việc dồn tăng trưởng vào thời gian cuối năm.
Như vậy, tăng trưởng quý I năm nay cũng vậy và chúng ta kỳ vọng rằng đó sẽ khởi đầu cho chu kỳ tăng trưởng cao hơn cả về số lượng và chất lượng trong năm nay”.
Đáng chú ý, ngành khai khoáng đã tăng trưởng dương là 0,4%, trước đó 2 năm liền ngành này tăng trưởng âm.
Về việc này, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng: “Trước hết, chúng ta đang cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có việc thay đổi lại mô hình tăng trưởng.
Cụ thể là không phát triển ngành công nghiệp dựa vào khai thác nguyên liệu thô, chưa qua chế biến và chuyển mạnh sang phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Thực tế, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã tăng trưởng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngành này đã dẫn dắt và mang yếu tố quyết định đóng góp vào tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp xây dựng 9,7% của quý I.
Hai năm gần đây, khai khoáng rơi vào tình trạng suy giảm, nhưng quý I tăng trưởng 0,4 là trên đà phục hồi của ngành. Điều đó không có nghĩa sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu khu vực công nghiệp cũng như mô hình tăng trưởng liên quan đến công nghiệp dựa vào khai khoáng.
Ngành khai khoáng vẫn sẽ là bộ phận của nền kinh tế, nhưng trụ cột tăng trưởng công nghiệp mà thông qua đó để tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn là ngành công nghiệp chế biến chế tạo”.
Dự kiến tăng trưởng GDP quý I tốt nhất trong 10 năm qua
Kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh
Nhìn vào con số tăng trưởng ấn tượng quý I, đặc biệt sự đóng góp của xuất khẩu, nhưng không ít ý kiến lo ngại tăng trưởng kinh tế Việt Nam bền vững phải xuất phát từ xuất khẩu các lĩnh vực như nông nghiệp, thương mại.
Còn xuất phát từ khối doanh nghiệp FDI có thể giá trị lớn, nhưng giá trị thực chất mang lại cho Việt Nam không nhiều.
Về ý kiến này, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng: “Chúng ta đã xác định mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam mà trụ cột là dựa vào xuất khẩu và thực tế đã cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng.
Đặc biệt, quý I năm 2018, kim ngạch xuất khẩu tăng đến 22%. Đây là con số cao hơn rất nhiều so với mục tiêu chúng ta đặt ra là tăng 10%.
Trong cơ cấu xuất khẩu, có tới 70% là do các doanh nghiệp FDI đóng góp. Tổng thặng dư cán cân thương mại hàng hóa quý I là 1,3 tỷ đô la Mỹ. Như vậy, khu vực kinh tế trong nước vẫn tiếp tục xu thế nhập siêu. Toàn bộ thặng dư thương mại đó là do đóng góp của khu vực FDI.
Xét từ góc độ kinh tế vĩ mô về các chỉ số, chúng ta không đặt nặng vấn đề đóng góp vào xuất khẩu là của kinh tế trong nước hay khu vực FDI.
Rõ ràng, việc doanh nghiệp FDI nhập khẩu nhiều thì mới đạt được xuất khẩu nên lợi ích, giá trị gia tăng nằm ở Việt Nam thấp hơn. Hơn nữa, nhìn vào các con số thì khối doanh nghiệp FDI lại là xuất siêu chứ không phải nhập siêu.
Như vậy, khu vực nhập siêu ngoài kinh tế trong nước nhập về để thực hiện xuất khẩu, trong khi đó tổng kim ngạch nhập khẩu không lớn thì chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước.
Từ đó có thể khẳng định, khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp vào xuất khẩu của Việt Nam cả về số lượng quy mô, cũng như thặng dư cán cân thương mại. Đó là những đóng góp tích cực của khối doanh nghiệp FDI”.
Từ kết quả tăng trưởng kinh tế ấn tượng quý I đầu năm, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đánh giá: “Năm 2018, động lực tăng trưởng được tỏa ra từ những cải thiện môi trường đầu tư và đà tăng trưởng tích lũy được trong năm trước.
Cũng như từ nhiều xung lực mới và cơ hội mới nhờ đổi mới công nghệ, đà tăng giá dầu thô, sự tăng trưởng thị trường tiêu thụ và dòng đầu tư của các nền kinh tế lớn trên thế giới, nhất là từ Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga...
Đặc biệt, động lực tăng trưởng được hội tụ và lan tỏa từ đà tăng trưởng tốt của công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ; sự hồi phục tích cực của ngành nông nghiệp nhờ tăng ứng dụng công nghệ cao và giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới.
Động lực cũng được củng cố nhờ các cân đối vĩ mô sẽ vẫn được bảo đảm. Dự trữ ngoại tệ tiếp tục được cải thiện.
Lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục được gia tăng cùng chiều với tốc độ các cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, tạo xung lực mới cho khu vực tư nhân trở thành động lực chính của năm 2018 và thời gian tới.
Việt Nam tiếp tục trụ hạng trong nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, cà phê, hạt điều, hạt tiêu và gạo, bất chấp “thẻ vàng” cảnh báo đã được EU giơ lên từ tháng 10/2017 về xuất khẩu thủy sản.
Giá hàng tiêu dùng nhập khẩu sẽ giảm cùng với mức độ giảm thuế nhập khẩu, gia tăng hàng rào kỹ thuật và áp lực cạnh tranh thị trường”.
Bà Phạm Chi Lan nói về "Cơ hội đột phá nông nghiệp, nâng cao vị thế Việt Nam"
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, năm 2018, kinh tế Việt Nam đối mặt với không ít khó khăn và thách thứ như diễn biến khó lường của thị trường và thiên tai, biến đổi khí hậu, tình hình khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp.
Dư địa chính sách hạn hẹp (nhất là trong bối cảnh nợ công vẫn tăng về giá trị tuyệt đối), nguồn lực tài chính quốc gia hạn chế và yêu cầu đẩy nhanh tái cơ cấu trên nhiều lĩnh vực; hệ thống tài chính vẫn phụ thuộc nhiều vào khu vực ngân hàng, khả năng giảm lãi suất cho vay bị hạn chế bởi chưa có nhiều đột phá trong xử lý nhiều khoản nợ xấu và tình trạng sở hữu chéo.
Áp lực thất nghiệp và giảm nghèo đói vẫn là thách thức không nhỏ cho các vùng, địa phương còn nhiều khó khăn và đang bị ô nhiễm môi trường nặng nề. Giá vàng và tỷ giá ngoại tệ trong nước tiếp tục tăng áp lực, biến động theo thị trường thế giới, nhưng còn một số động thái bất thường mang đậm yếu tố tâm lý.
Áp lực lạm phát năm 2018 sẽ gia tăng do cộng hưởng nhiều nhân tố, nhất là áp lực lạm phát tiền tệ gắn với nới lỏng tín dụng và tài chính; gia tăng chi phí đẩy gắn với gia tăng giá xăng dầu, các loại phí dịch vụ công và tăng lương.
Vũ Phương
http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/Tien-si-Nguyen-Minh-Phong-canh-bao-ve-ap-luc-cua-nen-kinh-te-post184906.gd
Phần nhận xét hiển thị trên trang