Trực giác là một khái niệm được mọi người thừa nhận, kể cả người vô thần lẫn hữu thần. Tuy nhiên, người vô thần và hữu thần có cách giải thích khác nhau về bản chất của trực giác. Người hữu thần coi đó là một quà tặng đặc biệt của Chúa, trong khi người vô thần cho rằng trực giác, dù thế nào chăng nữa, cũng chỉ là một dạng thức của tư duy – một dạng hoạt động đặc biệt của bộ não. Vì thế, bản chất của trực giác phụ thuộc vào cấu tạo vật chất của bộ não, và do đó có thể giải thích được bằng khoa học. Đó là lý do để người ta đi tới quyết định sẽ nghiên cứu bộ não của Einstein sau khi ông mất, hòng khám phá xem yếu tố vật chất cụ thể nào đã làm cho Einstein trở thành một thiên tài phi thường đến như vậy. Và quyết định đó đã được thực hiện:
Không đầy 7 tiếng rưỡi đồng hồ ngay sau khi Einstein mất, người ta đã mổ hộp sọ của ông để lấy bộ não mang đi nghiên cứu. Thậm chí đôi mắt của ông cũng bị lấy đi và được giao cho một bác sĩ nhãn khoa. Trong quá trình nghiên cứu, bộ não đã bị cắt ra thành 240 phần, mỗi phần khoảng 1cm3, hiện phần lớn được lưu giữ tại Bảo tàng Quốc gia Mỹ về Sức khỏe và Y khoa, và 46 phần được lưu giữ tại Bảo tàng Mütter ở Mỹ.
Nhưng theo Wikipedia, việc lấy não của Einstein để nghiên cứu đã trở thành một vấn đề gây tranh cãi, vì người ta không biết chắc chắn việc này có được sự đồng ý của chính Einstein trước khi mất hay không. Trong tiểu sử Einstein viết năm 1979, Ronald Clark nói rằng “ông (tức Einstein) cứ nhất định muốn bộ não của mình được sử dụng để nghiên cứu và xác ông được hỏa táng”, nhưng những nghiên cứu gần đây cho thấy điều Clark nói không đúng, và việc bộ não của ông bị lấy đi để nghiên cứu thực ra đã không được phép của cả Einstein lẫn những người thân của ông (xem Wikipedia, Albert Einstein’s brain, Fate of the brain).
Tôi thấy ý kiến của Clark khó tin, bởi làm sao mà Einstein “cứ nhất định” (insist) muốn bộ não của ông phải đem ra nghiên cứu? Thủ tục phẫu thuật thường bao gồm chữ ký tán thành của bệnh nhân hoặc người thân của bệnh nhân. Tại sao trong trường hợp này không thấy nhắc đến, nhất là khi đã có dư luận nghi ngờ. Vả lại, nói như Clark thì xem ra Einstein tự coi mình là một siêu nhân phi phàm, điều này không phù hợp với tính cách khiêm tốn của ông nói chung.
Tóm lại, nếu việc mổ xẻ này mà không được ông và người thân của ông cho phép thì thật là thất đức. Điều khó hiểu hơn nữa là đôi mắt của ông cũng bị lấy đi. Tại sao phải lấy? Chẳng lẽ thiên tài còn phụ thuộc vào đôi mắt nữa ư? Đó là hệ quả của tư duy duy vật và vô thần. Nhưng hãy tạm gác chuyện này để tìm hiểu xem việc nghiên cứu bộ não của Einstein có kết quả gì không.
Kết quả nghiên cứu bộ não của Einstein
Theo Wikipedia, bộ não của Einstein chỉ nặng 1230 grams, nhẹ hơn mức trung bình của một người trưởng thành, vốn là 1400 grams. Từ đó lập tức suy ra rằng khối lượng não, hay cụ thể hơn là số lượng tế bào não, không tỷ lệ thuận với trí tuệ!
Chú ý rằng các nhà tiến hóa rất thích chứng minh sự tiến hóa của khỉ lên người bằng cách chỉ ra kích thước ngày càng lớn của bộ não: não lớn hơn là bằng chứng của sự tiến hóa hơn. Vậy các nhà tiến hóa sẽ nghĩ gì khi biết bộ não của Einstein nhỏ hơn người bình thường?
Cũng nên liên hệ tới số gene của người. Trước khi hoàn thành bản đồ gene người, các nhà khoa học đều nghĩ rằng số gene của con người phải nhiều hơn loài vật rất nhiều. Ý nghĩ này dựa trên một ấn tượng duy vật chủ nghĩa, rằng sinh vật càng phức tạp càng có nhiều gene, sinh vật càng tiến hóa cao càng có nhiều gene. Nhưng khi bản đồ gene được công bố năm 2000, các nhà khoa học đều ngã ngửa: số gene của người cũng xấp xỉ như loài chuột, thậm chí chẳng nhiều hơn loài giun là bao. Thiết nghĩ, đó là một trong những bài học lớn dạy cho loài người rằng tư duy vật chất cân đong đo đếm là một kiểu tư duy thổ thiển ấu trĩ. Nhưng tiếc thay, kiểu tư duy ấy dường như đã thấm vào xương tủy các nhà khoa học duy vật, đến mức không thể thay đổi. Vậy nếu tổng số tế bào của toàn thể bộ não không nói lên được điều gì thì hãy tìm hiểu số lượng tế bào trong từng khu vực đặc biệt của bộ não. Trước sau vẫn quy về số lượng.
Thật vậy, năm 1999, tạp chí y học Lancet của Anh công bố kết quả nghiên cứu của Sandra Witelson và các cộng sự của bà tại Đại học McMaster, Ontario, Canada cho thấy những điều mới lạ về bộ não của Einstein: Phần thuỳ phụ trách tư duy tưởng tượng và tư duy toán học lớn hơn phần thùy của người bình thường 15%. Sự kiện này được xem như một khám phá quan trọng đến nỗi báo chí Úc cũng đưa tin. Tờ Sydney Morning Herald ngày 19/06/1999 viết:
Trong khoa học, kích thước là yếu tố rất quan trọng. Vào khoảng đầu thế kỷ 20 người ta quan tâm rất nhiều đến vấn đề liệu những người có bộ não lớn hơn có thông minh hơn không. Sau Thế Chiến II, việc nghiên cứu chủ đề này gần như bị huỷ bỏ, nhưng gần đây công nghệ hiện đại cho phép xử lý hình ảnh bằng computer nên các nhà khoa học lại hướng vào việc tìm mối tương quan giữa thể tích não và chỉ số thông minh IQ. Sau khi Einstein mất năm 1955, bộ não của ông đã được bảo quản và đo đạc, nhưng người ta không đo thể tích của nó mà chỉ đo trọng lượng. Kết quả cho biết trọng lượng não của Einstein không khác gì mấy so với trọng lượng não của hầu hết mọi người bình thường khác. Các nhà khoa học kết luận: Một bộ não lớn (nặng) không phải là điều kiện thiết yếu để có một trí tuệ phi thường. Vì thế họ đã chuyển sự chú ý vào phần thuỳ của não (parietal lobes), mà theo họ đó là khu vực nhạy cảm có chức năng sản sinh và điều khiển các hình ảnh không gian ba chiều và trình bầy các khái niệm toán học. Điều bất ngờ đã được phát hiện: Phần thuỳ trong não của Einstein rộng hơn 15% so với phần thuỳ trong não của 35 người đàn ông và 50 người đàn bà có trí tuệ bình thường được chọn để nghiên cứu. Bài báo đặc biệt nhấn mạnh rằng khả năng nhận thức về hình ảnh không gian, tư duy toán học và tưởng tượng về chuyển động, tức những nhân tố thiết yếu để phát minh ra Thuyết tương đối, phụ thuộc rất lớn vào phần thuỳ trong não. Thêm một điều đặc biệt nữa: Não của Einstein là trường hợp duy nhất không có đường rãnh “sulcus” ngăn cách phần thuỳ thuộc thái dương (temporal lobe) với phần thuỳ dưới hộp sọ (parietal lobe). Trong não của Einstein, đường rãnh này lại nằm ở một vị trí khác. Các nhà khoa học suy đoán rằng sự vắng mặt đường rãnh tại phần thuỳ có thể cho phép hình thành thêm nhiều neuron thần kinh tại khu vực này, thiết lập nên một kênh thông tin nối liền các phần não với nhau để cùng làm việc chung một cách dễ dàng, tạo ra một khu vực rộng phi thường trên vỏ não có khả năng tổng hợp cao.
Kết quả nghiên cứu nói trên có giải thích được điều gì về thiên tài của Einstein không?
Theo tôi là KHÔNG! Nó chỉ nói lên được một điều, rằng một bộ não có cấu tạo thể chất tốt sẽ có khả năng hoạt động nhạy bén, tức là có chỉ số IQ cao. Nhưng chỉ số IQ và ý thức là hai vấn đề hoàn toàn khác xa nhau. Trong thực tế, có người có chỉ số IQ cao không những không đem lại lợi ích gì cho xã hội mà thậm chí còn làm hại xã hội. Tương tự như một chiếc computer tốt không có nghĩa là nó chứa đựng hoặc đưa ra những thông tin hữu ích.
Tóm lại, việc giải mã thiên tài của Einstein không thể dựa vào những yếu tố vật chất, vì thực ra ý thức và trực giác của con người là những hiện tượng hoàn toàn phi vật chất. Để hiểu biết bản chất của ý thức và trực giác, phải có phương pháp tiếp cận phi vật chất.
Bản chất của ý thức và trực giác
Loài người đã tiến rất xa trong việc khám phá bí mật của tự nhiên nhưng hầu như chẳng tiến được bước nào trong việc tìm hiểu chính mình. Cho đến nay, khoa học vẫn chưa có một lời giải thích nào thỏa đáng về bản chất của ý thức, cái làm nên giá trị người nhiều nhất, và có thể sẽ không bao giờ có. Tại sao vậy?
Vì khoa học tự trói buộc mình trong thế giới vật chất, trong khi ý thức là một thực tại khách quan phi vật chất, nằm ngoài thế giới vật chất. Không thể dùng vật chất để tác động tới thế giới phi vật chất.
Cụ thể hơn, tôi cho rằng ý thức thuộc một tầng nhận thức cao hơn khoa học. Chẳng hạn, thiền sẽ giúp ta tiệm cận tới bản chất của ý thức. Hoặc các suy niệm tâm linh cũng giúp chúng ta chứng ngộ ý thức là gì. May mắn hơn, nếu chúng ta được mặc khải bởi các lực lượng siêu nhiên. Muốn thế thì điều kiện tiên quyết là phải rũ bỏ cái áo chật hẹp của chủ nghĩa duy vật, cho phép tư tưởng được hoạt động tự do, dựa trên những gì ta có thể cảm nhận được.
Cảm nhận giúp ta khám phá chân lý chứ không phải lý lẽ logic. Không cần phải thuyết phục ai, nếu người ấy không thể hoặc không muốn học hỏi bằng con đường cảm nhận. Charlie Chaplin nói: “Chúng ta tư duy nhiều quá nhưng cảm nhận ít quá” (We think too much and feel too little).
Có những người thích rao giảng khoa học bằng ngôn ngữ hàn lâm khó hiểu. Ấy là vì họ tư duy nhiều quá mà cảm nhận ít quá. Einstein khuyên: “Nếu bạn không thể trình bầy một vấn đề sao cho đơn giản, ấy là vì bạn chưa thấu hiểu vấn đề đó” (If you can’t explain it simply, you don’t understand it well enough).
Vậy tôi xin trình bày những gì tôi cảm nhận. Dưới ánh sáng của Định lý Bất toàn của Kurt Gödel và Lý thuyết Thông tin, tôi cho rằng:
● Một, phải khẳng định dứt khoát như Gödel, rằng chủ nghĩa duy vật – hệ tư tưởng cho rằng toàn bộ vũ trụ là vật chất và chỉ có vật chất – là một thế giới quan sai lầm. Lý thuyết thông tin chỉ ra rằng thông tin là một thực tại khách quan phi vật chất, tồn tại độc lập với vật chất. Đây là một kết luận mang tính cách mạng, mở ra một thế giới mới, bao gồm những thực tại phi vật chất. Trong thế giới mới này, những nguyên lý của khoa học vật chất không còn thích hợp nữa. Vì thế, việc đối lập duy vật với duy tâm là một kiểu nhận thức đã lỗi thời. Trong thời đại ngày nay, nên kết hợp mọi dạng nhận thức, miễn là tiếp cận càng tới gần sự thật càng tốt.
● Hai, ý thức là một thực tại khách quan phi vật chất. Ý thức có nhiều đặc điểm của thông tin. Nhiều nguyên lý của thông tin có thể áp dụng để giải thích các hiện tượng thuộc về ý thức. Ý thức có thể là một dạng siêu thông tin.
● Ba, vì mọi thông tin đều có nguồn, nên ý thức cũng có nguồn của nó. Nguồn của ý thức có thể là một lực lượng siêu tự nhiên mà nhân loại từng sử dụng nhiều từ ngữ khác nhau để gọi tên, như Thượng đế, Đấng Tối cao, Chúa, Đấng Sáng tạo, Brahma, Jehovah, Allah, Bà Mẹ Tự nhiên, Nhà thiết kế vĩ đại… Bộ não của con người không phải là nguồn của ý thức, cũng không phải là cỗ máy sản xuất ra ý thức, mà chỉ là một bộ máy tiếp nhận, xử lý, chuyển giao thông tin.
Thí dụ: Thuyết tương đối là một sản phẩm cao cấp của ý thức. Xét cho cùng nó là một tệp tin (một file) về tự nhiên. Bộ não của Einstein nhận được những thông tin của tệp tin đó, xử lý nó, và chuyển giao cho chúng ta. Câu hỏi đặt ra là tại sao chỉ có bộ não của Einstein nhận được hoặc xử lý được tệp tin đó, mà không phải chúng ta?
Một lần nữa câu trả lời là: TRỰC GIÁC!
Ai cũng thừa nhận có trực giác, nhưng không ai biết bản chất của trực giác là gì. Bản thân Einstein rất nhiều lần nhắc đến trực giác, chứng tỏ ông rất chú ý đến hiện tượng này, rất coi trọng nó, nhưng ông thú nhận rằng ông cũng không biết gì về bản chất của nó. Hãy lắng nghe ông nói.
Tư tưởng về trực giác của Einstein
● “Thứ duy nhất thực sự có giá trị là trực giác” (The only real valuable thing is intuition)
● “Tri thức đóng vai trò thứ yếu trên con đường khám phá. Có một bước nhảy vọt trong ý thức, được gọi là trực giác hoặc gọi thế nào tùy bạn, lời giải đến với bạn mà bạn không biết như thế nào và tại sao… thứ có giá trị thực sự là trực giác” (The intellect has little to do on the road to discovery. There comes a leap in consciousness, call it intuition or what you will, the solution comes to you and you don’t know how or why… the truly valuable thing is the intuition).
● “Tôi tin vào trực giác và cảm hứng… Những lúc đó tôi cảm thấy chắc chắn tôi đúng mặc dù không hiểu tại sao” (I believe in intuition and inspiration… At times I feel certain I am right while not knowing the reason).
● “Tư duy trực giác là một quà tặng thiêng liêng và tư duy lý lẽ là một tên đầy tớ trung thành. Chúng ta đã tạo ra một xã hội vinh danh tên đầy tớ và bỏ quên món quà tặng” (The intuitive mind is a sacred gift and the rational mind is a faithful servant. We have created a society that honors the servant and has forgotten the gift).
● “Không có con đường logic để khám phá ra những định luật cơ bản này. Chỉ có duy nhất con đường của trực giác, được trợ giúp bởi một cảm giác về cái trật tự nằm đằng sau vẻ bề ngoài” (There is no logical way to discover of these elementary laws. There is only the way of intuition, which is helped by a feeling for the order lying behind the appearance).
● “Một ý tưởng mới thình lình xuất hiện và đúng ra là theo cách trực giác, nhưng trực giác chẳng là gì ngoài kết quả của những trải nghiệm trí thức trước đó” (A new idea comes suddenly and in a rather intuitive way, but intuition is nothing but the outcome of earlier intellectual experiences).
● “Điều ấy xẩy đến với tôi nhờ trực giác, và âm nhạc là động lực đằng sau trực giác. Khám phá của tôi là kết quả của nhận thức âm nhạc” (It occurred to me by intuition, and music was the driving force behind that intuition. My discovery was the result of musical perception)
Đọc những ý kiến của Einstein, tôi nghĩ ông không chỉ là một thiên tài khoa học, mà còn là một nhà hiền triết thâm thúy và sâu sắc. Tôi ghét triết lý sách vở bao nhiêu thì yêu thích những triết lý thiết thực bấy nhiêu. Triết lý của Einstein về trực giác là những triết lý rất thiết thực, làm sáng tỏ nhiều mảng tối trong nhận thức, đáng để cho người đời suy ngẫm và học hỏi.
Bình luận của PVHg’s Home về trực giác
● Einstein nói “Tư duy trực giác là một quà tặng thiêng liêng…”. Vậy đó là quà tặng của ai? Nếu quà tặng đó là thiêng liêng thì người tặng hoặc nguồn tặng ắt phái rất cao quý, siêu nhiên. Tại sao Einstein không nói rõ? Phải chăng ông tế nhị, tránh va chạm với những người vô thần, vốn rất đông xung quanh ông trong giới khoa học nửa đầu thế kỷ 20?
Như trên đã nói, để mở rộng hiểu biết, ta phải cởi bỏ chiếc áo chật hẹp của chủ nghĩa duy vật, vậy tôi xin mạn phép “làm đầy đủ” câu nói của Einstein như sau:
Tư duy trực giác là một quà tặng thiêng liêng của Tạo Hóa / Tư duy trực giác là một quà tặng thiêng liêng của Chúa…
Người Đông phương thường nói trực giác là cái năng khiếu Trời phú cho. Ta không thấy Ông Trời ở đâu cả, nhưng ta tin có Ông Trời phú cho ta nhiều năng khiếu khác nhau. Tổ tiên chúng ta nói thế, không lẽ tổ tiên chúng ta bịa đặt ư? Người vô thần cũng thường sử dụng chữ “thiên tài” để ca ngợi những tài năng đặc biệt mà họ ngưỡng mộ và tôn kính. Nhưng “thiên tài” là gì nếu không phải là tài năng Trời phú? Vậy cớ sao lại nói không có Ông Trời, không có Thượng Đế. Có người biện bác nói rằng Đức Phật nói không có Thượng đế. Theo tôi, những người này nói sai. Đức Phật không nói thế. Xin các nhà nghiên cứu về Phật giáo lên tiếng.
● Einstein phàn nàn rằng chúng ta đã tạo ra một xã hội bỏ quên món quà tặng. Đó là một lời phê phán nhẹ nhàng, tế nhị. Nếu nói thẳng, nói mạnh, thì phải nói rằng chủ nghĩa duy vật thô thiển đã tước bỏ vai trò của Đấng Sáng tạo, do đó không đề cao vai trò của trực giác. Điều này biểu hiện rõ nhất trong nền giáo dục hiện đại. Phương pháp giáo dục bây giờ nặng về nhồi nhét tri thức, tức là coi trọng “tên đầy tớ”, trong khi sao nhãng hoặc thiếu khả năng đánh thức người học, không biết kích thích trực giác, tức là bỏ quên “quà tặng thiêng liêng”. Kurt Gödel có ý nghĩ gần như Einstein, nhưng nói một cách thẳng thắn hơn, mạnh mẽ hơn, bộc trực hơn: “Chủ nghĩa duy vật là sai lầm” (Materialism is false).
Tóm lại, nếu thừa nhận trực giác tồn tại, thì không thể không thừa nhận sự hiện hữu của Chúa. Bởi trực giác chính là quà tặng thiêng liêng của Chúa.
● Nếu trực giác là thứ duy nhất thực sự có giá trị (mà tôi tin đúng là như thế) thì mọi thứ bằng cấp danh hiệu đều chỉ là những thứ trang sức phù phiếm. Bằng cấp là thước đo tri thức (vinh danh tên đầy tớ), chủ nghĩa bằng cấp và thói háo danh là một biểu hiện của sự vô minh của con người, bởi nó không ý thức được rằng thứ duy nhất có giá trị thực sự là trực giác, quà tặng thiêng liêng của Đấng Sáng tạo.
● Không nên nhầm lẫn khái niệm trực giác với sự suy diễn bề ngoài. Chẳng hạn, quan niệm về biến dị và di truyền của Darwin không xuất phát từ trực giác, mà xuất phát từ suy diễn. Darwin trông thấy những biến đổi nhỏ trong thế giới sinh vật, rồi suy diễn ra rằng những biến đổi nhỏ ấy tích tụ dần trong một thời gian dài hàng trăm triệu năm hoặc hàng tỷ năm để trở thành những biến đổi lớn, biến loài này thành loài khác, tức là tiến hóa. Câu chuyện về cái cổ của hươu cao cổ là thí dụ điển hình cho kiểu suy diễn của Darwin. Nếu phải biện hộ cho Darwin thì có một cách tiện lợi nhất, ấy là đổ hết các sai lầm cho Lamarck, vì thực tế là Darwin đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi quan niệm di truyền sai lầm của Lamarck. Thật vậy, sai lầm vô cùng lớn của Lamarck là ở tư tưởng cho rằng những biến đổi do ngoại cảnh đem lại (biến đổi không bẩm sinh) có thể di truyền cho các thế hệ sau. Thí dụ: Một động vật nào đó chẳng may bị cụt một chân, thì sự biến đổi này có thể di truyền cho thế hệ sau, thông qua đường máu. Darwin đã tiếp thu tư tưởng di truyền sai lầm đó, để từ đó tạo nên lý thuyết chọn lọc tự nhiên – sinh vật có xu hướng chọn lọc những biến dị có lợi, để rồi biến dị ấy được di truyền cho đời sau, tích tụ qua nhiều đời thành một biến đổi lớn. Giới tiến hóa ngày nay đánh lận con đen, gọi những biến đổi trong loài là vi tiến hóa (micro-evolution), và biến đổi lớn, tức biến đổi từ loài này thành loài khác, là tiến hóa vĩ mô (macro-evolution). Thực tế hoàn toàn không có tiến hóa nào cả, dù là vĩ mô hay vi mô. Cái gọi là “vi tiến hoá” chỉ là cách chơi chữ, đặt tên để cứu vãn thuyết tiến hóa. Thực tế đó chỉ là sự biến đổi trong loài, và không hề có sự tiến bộ nào trong những biến đổi này để gọi đó là vi tiến hóa.
● Không nên nhầm lẫn khái niệm trực giác với trí tưởng tượng. Thí dụ, tư tưởng cho rằng sự sống có thể hình thành từ vật chất không sống, mà trong sinh học gọi là lý thuyết sự sống hình thành tự phát (spontaneous generation), là một sự tưởng tượng 100%. Chẳng hạn từ một xác động vật chết ta thấy xuất hiện dòi bọ. Trí tưởng tượng của người Hy Lạp cổ đại cho rằng dòi bọ đã ngẫu nhiên hình thành từ không khí xung quanh xác động vật chết. Trong thế kỷ 19, Louis Pasteur đã chứng minh rằng trí tưởng tượng đó hoàn toàn sai, và ông khẳng định sự sống chỉ có thể ra đời từ sự sống. Đó là định luật nguồn gốc sinh học của sự sống (biogenesis). Nhưng thuyết tiến hóa vẫn tiếp tục theo đuổi lý thuyết sự sống hình thành tự phát, họ biến lý thuyết này thành giả thuyết “nồi soup nguyên thủy”, hay còn gọi là lý thuyết về nguồn gốc sự sống, thậm chí khoác một cái tên kêu hơn, đó là “thuyết tiến hóa hóa học” (chemical evolution). Thực chất, đây là sự ngụy biện cho một trí tưởng tượng ngây thơ từ thời cổ đại.
● Tất cả các nhà khoa học có những đóng góp thiên tài đều có trực giác thiên tài và đều thừa nhận vai trò quyết định của trực giác trong sáng tạo khoa học.
Blaise Pascal gọi trực giác bằng một cái tên văn chương hơn, đó là “lý lẽ của trái tim” (la raison du Coeur). Ông tuyên bố: “Trái tim có những lý lẽ mà lý lẽ chẳng hiểu gì cả” (Le coeur a ses raisons que la raison ne connait point). Pascal không chỉ có trực giác khoa học thiên tài, mà còn có trực giác tâm linh sâu sắc [để biết rõ điều này, xin đọc “Lửa của Pascal” trên PVHg’s Home ngày 16/12/2013]. Với trực giác đó, ông có một đức tin tôn giáo mạnh mẽ, đến nỗi ông cho rằng ai không có đức tin sẽ vô cùng thiệt thòi. Ông nói : « Nếu Chúa không tồn tại, thì dẫu sao bạn cũng chẳng mất gì khi tin Ngài; nhưng nếu Chúa tồn tại, bạn sẽ phải chịu mất tất cả nếu không tin Ngài » (If God does not exist, one loses nothing by believing in Him anyway; While if God exists, one stands to lose everything by not believing). Ông cho rằng biết có Chúa chưa đủ. Phải yêu kính Chúa mới thật sự là có đức tin. Ông nói: “Từ chỗ biết Chúa đến chỗ yêu kính Chúa vẫn còn quá xa” (The knowledge of God is very far from the love of God). Lấy tiêu chuẩn của Pascal làm thước đo, ta có thể nhận xét rằng Einstein tuy có trực giác siêu việt về thế giới vật chất – toàn bộ thế giới vật chất đã được ông tóm gọn trong công thức E = mc2 – nhưng trực giác tâm linh còn thấp. Thật vậy, Einstein tin có Đấng Sáng tạo nhưng không có tinh thần yêu kính Chúa.
Henri Poincaré, một trong những nhà toán học vĩ đại nhất của mọi thời đại, người từng được mệnh danh là “con quỷ toán học” và “Mozart của toán học”, xác định rất rõ vài trò tiên phong của trực giác trong sáng tạo qua tuyên bố sau đây: “Nhờ logic ta chứng minh, nhờ trực giác ta khám phá” (C’est par la logique que nous prouvons; c’est par l’intuition nous inventons).
Louis Pasteur, người có trực giác thiên tài khi tiên đoán rằng tính bất đối xứng (thuận tay trái) là đặc trưng của sự sống. Sau hơn một thế kỷ rưỡi kể từ khi ông nêu lên nhận định đó, toàn thể giới sinh học đều thừa nhận đó là một định luật của sự sống. Thậm chí ông còn muốn khái quát định luật đó cho toàn bộ vũ trụ, rằng vũ trụ là bất đối xứng. Ông lấy làm tiếc đã không tiếp tục phát triển tư tưởng này đến mức hoàn chỉnh. Hết sức bất ngờ, vật lý hiện đại cũng đi tới kết luận vũ trụ bất đối xứng. Tôi sẽ trình bày vấn đề này trong một dịp khác.
Giới tiến hóa trong thâm tâm rất ghét Pasteur, một phần vì ông là người có tư tưởng tôn giáo sâu sắc, phần khác vì các định luật của ông tự động bác bỏ thuyết tiến hóa. Nhưng họ không có cách nào chống lại định luật sự sống thuận tay trái. Chừng nào không giải thích được tại sao sự sống thuận tay trái thì chừng ấy thuyết tiến hóa sẽ không thể chứng minh được nguồn gốc sự sống. Tuy nhiên Pasteur nhắc nhở chúng ta rằng: “Trực giác chỉ đến với những ai đã dày công chuẩn bị để đón nhận nó” (Intuition is given only to him who has undergone long preparation to receive it). Không thể có trực giác toán học nếu bạn không say mê toán học đến mức hiến dâng sức lực cho nó, thậm chí hiến dâng cuộc đời cho nó. Làm sao có thể có một thiên tài âm nhạc không dâng hiến cuộc đời cho âm nhạc?
● Không chỉ vĩ nhân mới có trực giác. Tất cả chúng ta đều có trực giác, chỉ khác nhau ở mức độ và thiên hướng mà thôi. Có người có trực giác mạnh trong âm nhạc, có người có trực giác mạnh trong toán học,… Kinh tế là lĩnh vực đòi hỏi trực giác rất cao. Nhiều người học hành ít nhưng có trực giác cực kỳ nhạy bén về làm ăn lỗ lãi mà các tiến sĩ kinh tế học không có. Nếu so sánh hai giới, ta thấy dường như phụ nữ có thiên hướng tư duy trực giác nhiều hơn, nam giới có xu hướng tư duy lý trí nhiều hơn, do đó phụ nữ tình cảm hơn và thực tế hơn, nam giới lý luận và viển vông hơn.
Marilyn Monroe, cô đào điện ảnh nổi tiếng nhất thế kỷ 20, đã nói thay mọi phụ nữ, rằng “Phụ nữ nhận thức bằng trực giác, hoặc bản năng, cái tốt nhất đối với cô ta” (A woman knows by intuition, or instinct, what is best for herself). Vì thế trong nhiều trường hợp, phụ nữ cảm nhận được sự thật nhanh hơn nam giới, hoặc chính xác hơn nam giới. Điều này hoàn toàn trái với quan điểm của Darwin cho rằng phụ nữ kém tiến hóa so với nam giới. Vì thế, mỗi người nên biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình để hợp tác với cộng đồng, tạo nên một xã hội vững mạnh. Một xã hội tốt là xã hội biết tạo điều kiện để mỗi cá nhân phát huy được điểm mạnh của mình và cùng hợp tác với nhau, bổ sung cho nhau làm nên một xã hội văn minh và tiến bộ. Vì thế, đề cao quy luật đấu tranh sinh tồn là phản lại xã hội, chống lại con người.
● Trong sáng tạo văn học nghệ thuật, trực giác đóng vai trò cốt yếu đến mức có thể đưa ra một lời khuyên rằng nếu bạn không có trực giác trong lĩnh vực này thì bạn không nên bước vào đó. Trực giác ở mức thấp có thể gọi là năng khiếu. Cao hơn, trực giác có thể tạo ra những khoảnh khắc ngẫu hứng thần kỳ. Trong tiểu sử Ludwig Van Beethoven, tôi nhớ nhất một chi tiết kể rằng, tại một salon quý tộc, Beethoven đã lật ngược một bản nhạc mà trước đó một danh cầm người Pháp vừa biểu diễn. Ông chơi câu đầu tiên của bản nhạc lật ngược đó, tất nhiên đó là một dãy nốt rất vô nghĩa, nhưng từ một chủ đề vô nghĩa ấy, ông bắt đầu biến tấu, sáng tác, vừa chơi vừa sáng tác, vừa chơi vừa biến hóa, thành những nét nhạc kỳ diệu, trước sự kinh ngạc của đám khách khứa có mặt. Hầu như tất cả các nhạc sĩ lớn như Mozart, Beethoven, Chopin,… đều có khả năng sáng tác và biểu diễn ngẫu hứng như thế. Những nghệ sĩ biểu diễn đoạt các giải thưởng âm nhạc quốc tế như Tchaikovsky, Chopin,… cũng là những người có trực giác âm nhạc rất nhạy bén, nhưng có lẽ không thể so sánh với các nhạc sĩ sáng tác bậc thầy. Điều này giới âm nhạc biết rõ hơn ai hết.
Trong hội họa, trực giác của họa sĩ cũng lộ ra rất rõ qua tranh vẽ. Đó là cái mà giới hội họa thường gọi là “cá tính”. Vincent Van Gogh là một trong những họa sĩ biểu lộ cá tính mạnh nhất. Ông nói: “Tôi mơ bức tranh của tôi và tôi vẽ giấc mơ đó” (I dream of my painting and I paint my dream).
Giới biểu diễn sân khấu cũng đòi hỏi những phút ngẫu hứng xuất thần. Nếu phải bỏ phiếu bầu một nghệ sĩ vĩ đại nhất của mọi thời đại, tôi không cần đắn đo mà bầu ngay Charlie Chaplin. Chỉ cần một “Ánh đèn sân khấu” (Limelight) của ông là đủ để thấy cái vĩ đại đó. Đó là một câu chuyện cảm động rớt nước mắt nhưng đầy chất nhân bản, chan chứa tình người, tình yêu thương, đem lại cho ta một niềm hy vọng vào cái Thiện, cái Đẹp trong cuộc sống, khuyến khích ta đứng thẳng người lên để sống. Những đoạn hội thoại đầy ắp triết lý nhân sinh. Âm nhạc tha thiết, da diết, thanh khiết, gợi lên một thế giới thanh cao để vươn tới. Khó có giai điệu nào đẹp hơn thế nữa. Ông Calvero trong phim (chính là Chaplin) chơi violin hay đến mức tôi tưởng đó là Nicolo Paganini sống lại. Tất cả đều do Chaplin – một mình ông kiêm tất cả các vai trò quan trọng nhất của một bộ phim: đạo diễn, tác giả kịch bản, diễn viên chính, tác giả nhạc phim, người chơi nhạc cho phim. Nếu không phải là một thiên tài do Chúa tạo ra, liệu có thể có một người chịu khó học hành để thành tài như thế không? Vậy mà Chaplin cũng chỉ được trao tặng một Giải Oscar cho toàn bộ sự nghiệp. Suy ra rằng các giải thưởng chỉ phản ánh được một phần nào sự thật mà thôi. Chỉ có những ai biết rõ tài năng là gì, trực giác là gì, thế nào là một món quà của Chúa, thế nào là một quà tặng thiêng liêng,… chỉ những người ấy mới biết thưởng thức giá trị của các tài năng.
Để kết phần này, tôi xin trích ý kiến của một diễn viên điển ảnh nổi tiếng trong thấp kỷ 1950-1960. Đó là Ingrid Bergman. Bà nói: “Bạn phải rèn luyện trực giác của bạn – bạn phải tin vào tiếng nói nhỏ nhẹ bên trong bạn, nó nói với bạn một cách chính xác nên nói gì, quyết định gì” (You must train your intuition – you must trust the small voice inside you which tells you exactly what to say, what to decide).
Thay lời kết
Xem thế thì thấy nhà khoa học chân chính và nghệ sĩ chân chính rất giống nhau: họ đều có trực giác nhạy bén để khám phá ra chân lý, cái đẹp và cái thiện. Một cách tổng quát, ta có thể thấy Thuyết Tương đối của Einstein là một tác phẩm nói về Cái Đẹp của Tự nhiên. Cái đẹp ấy không chỉ biểu lộ ở công thức toán học rất đơn giản, cân đối và gọn đẹp của ông, mà còn ở tư tưởng toát ra từ lý thuyết ấy – một tư tưởng bao trùm vũ trụ, giống như một bức tranh hoành tráng mô tả vũ trụ. Ai từng có niềm đam mê ngắm bầu trời đầy sao đều có thể đam mê thưởng thức Thuyết Tương đối Tổng quát, bởi bản chất Cái Đẹp là Một.
Và thú vị thay khi ta thấy Albert Einstein, một bậc kỳ tài trong thiên hạ, lại tỏ ra mến phục và ngưỡng mộ Charlie Chaplin đến mức xin gặp Chaplin bằng được. Chaplin đã nhận lời và hai ông đã gặp nhau. Chaplin đưa Einstein đến phim trường của ông để tham quan. Trên đường đi, Einstein nói với Chaplin: “Ông là một người vĩ đại, vì đã sáng tạo ra những câu chuyện cười ra nước mắt mà ai cũng hiểu”. Chaplin đáp: “Ông cũng là một người vĩ đại, vì đã sáng tạo ra những phương trình không ai hiểu nổi”.
Câu chuyện trên có nhiều dị bản. Dị bản sau đây có lẽ gần với sự thật hơn, và thú vị hơn:
Einstein: “Điều tôi ngưỡng mộ nhất về nghệ thuật của ngài là ở chỗ ngài không nói một lời nào, ấy thế mà… toàn thế giới hiểu ngài” (What I admire most about your art is that you do not say a word, and yet… the world understands you).
Chaplin: “Đúng thế… nhưng danh tiếng của ngài còn lớn hơn. Toàn thế giới ngưỡng mộ ngài trong khi không ai hiểu ngài” (It’s true… but your fame is even greater. The world admires you, when nobody understands you).
Nhưng dù sự thật chính xác là như thế nào thì hai bậc kỳ tài đó đã gặp nhau – hai tư tưởng lớn gặp nhau. Một người hướng ra vũ trụ ngoài tự nhiên, một người hướng vào vũ trụ trong lòng người, nhưng cùng được nhận món quà thiêng liêng của Thượng đế, thứ duy nhất thực sự có giá trị, đó là TRỰC GIÁC!
Chúc bạn được Chúa ban cho một trực giác tuyệt vời để thưởng thức Cái Đẹp của vũ trụ cũng như Cái Đẹp trong tâm hồn con người!