Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

TP Hồ Chí Minh: LẠI CHÁY CHUNG CƯ CAP CẤP, DÂN HOẢNG LOẠN


Cháy căn hộ ở Sài Gòn, hàng trăm cư dân tháo chạy 

VNE
 Chủ nhật, 1/4/2018 | 20:08 GMT+7 

Căn hộ vắng chủ ở tầng 8 chung cư Parc Spring (quận 2) cháy ngùn ngụt khiến hàng trăm người hoảng hốt tháo chạy xuống đất. 

Ngọn lửa phát ra từ căn hộ. Ảnh: Tin Tin.

Tối 1/4, khói lửa ngùn ngụt bốc ra từ căn hộ không có người tại tầng 8, Block A, chung cư Parc Spring trên đường Nguyễn Duy Trinh (quận 2). Hệ thống báo cháy kêu liên hồi khiến hàng trăm cư dân hoảng loạn. Họ dẫn người thân tháo chạy bằng thang bộ xuống dưới thoát thân.

Cảnh sát PCCC quận 2 điều hàng chục chiến sĩ đến hiện trường, dập tắt lửa ngay sau đó. Hoả hoạn được cho là xuất phát từ tấm nệm, thiêu cháy vật dụng trong phòng.

Hàng trăm người náo loạn sau vụ cháy. Ảnh: Sơn Hoà.

Chung cư Parc Spring được đưa vào sử dụng năm 2011, gồm ba blocks. Nơi này vừa diễn tập PCCC hôm qua.
Sơn Hoà

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Điểm lại những quan tham Trung Quốc bị kết án tử hình trong 10 năm qua

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết: Trương Trung Sinh là quan chức đầu tiên kể từ sau Đại hội 18 “phải thi hành án tử hình ngay” sau khi kết án. Sau khi Trương Trung Sinh bị kết án, truyền thông Trung Quốc đại lục chỉ ra, trong 10 năm qua có ít nhất 5 quan chức đã bị kết án tử hình vì tham nhũng.


Trương Trung Sinh bị thẩm vấn (Ảnh cắt từ video)

Buổi sáng ngày 28/3, nhà cầm quyền Trung Quốc đã tuyên án Phó Thị trưởng Trương Trung Sinh thuộc đô thị Lữ Lương tỉnh Sơn Tây vì tội tham ô với số tiền lớn, mức độ đặc biệt nghiêm trọng. Quan chức này bị xử án tử hình vì tội ăn hối lộ, 8 năm tù giam vì sở hữu số tài sản lớn không xác định được nguồn gốc, phán quyết cuối cùng là án tử hình.

Từ sau Đại hội 18, quan tham đầu tiên “thi hành án tử hình ngay”

Trương Trung Sinh 66 tuổi là người tỉnh Sơn Tây, làm phó thị trưởng đô thị Lữ Lương được 9 năm (từ năm 2004). Theo báo chí địa phương đưa tin, quan chức này chủ yếu tham nhũng trong ngành than đá, số tài sản ăn hối lộ tương đương giá trị 1,04 tỷ nhân dân tệ (khoảng 165,4 đô la Mỹ).
Ngày 29/5/2014, Trương Trung Sinh bị điều tra, ngày 26/12/2015 bị lập án, tháng 1/2016 bị khai trừ khỏi Đảng, bãi bỏ chế độ đãi ngộ hưu trí, chuyển giao cơ quan tư pháp.
Theo một bài báo trên Nhật báo Pháp chế (Legaldaily) vào ngày 28/3, trong án tử hình đối với Trương Trung Sinh, tội tham ô hơn tỷ nhân dân tệ không phải là lý do duy nhất.
Trả lời phỏng vấn Nhật báo Pháp chế, chuyên gia về hình luật là Giáo sư Cao Minh Xuân (Gao Mingxuan) thuộc Đại học Sư phạm Bắc Kinh chỉ ra, Trương Trung Sinh từng ra giá với người khác chi số tiền lên đến 88,68 triệu nhân dân tệ, “tình tiết phạm tội đặc biệt nghiêm trọng”; sau Đại hội 18 quan viên này vẫn chưa chùn tay, tiếp tục điên cuồng vơ vét, gây tác động xã hội đặc biệt xấu; thường xuyên can thiệp vào các hợp đồng, dự án liên quan đến nguồn tài nguyên than đá, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Tòa án đô thị Lâm Phần cho biết, sau điều chỉnh luật hình sự vào năm 2015, hình phạt đối với các trường hợp tham nhũng sẽ không còn giống như trước là “hình phạt theo số tiền”, mà là “số tiền + tình hình”. Tòa án cho rằng, Trương Trung Sinh sử dụng quyền lực để vụ lợi bất chính, vấn đề không chỉ là nhận hối lộ số tiền lớn, mà còn là “ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế địa phương… gây tổn thất nặng nề đối với lợi ích của nhà nước và nhân dân, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.”
Trước đó (sau Đại hội 18), một số quan to cấp tỉnh nhận hối lộ với số tiền hơn 100 triệu nhân dân tệ  như cựu Bí thư ký của Tỉnh ủy Vân Nam Bạch Ân Bồi, cựu Chủ tịch Chính hiệp tỉnh Quảng Đông Chu Minh Quốc cũng bị phán tội tử hình nhưng được hoãn thi hành án. Trong đó, Bạch Ân Bồi ăn hối lộ đến 246 triệu nhân dân tệ (khoảng 39,1 triệu đô la Mỹ) dù bị xử án tử hình nhưng được treo trong 2 năm mới thi hành; Chu Minh Quốc bị kết án tử hình vì nhận hối lộ 141 triệu nhân dân tệ (khoảng 22,4 triệu đô la Mỹ) và cũng được treo án 2 năm mới thi hành.
Tuy nhiên, lời giải thích từ giới chức Trung Quốc về lý do Trương Trung Sinh bị kết án tử hình dường như khó thuyết phục, trước hết vì mức tham ô của các quan to cấp tỉnh trở lên luôn bị nghi ngờ, và thứ hai là có rất nhiều trường hợp tội trạng liên quan đến đảo chính không được tiết lộ. Ví dụ, hiện nay, trong các quan chức cấp tỉnh trở lên liên quan đến tham nhũng trên trăm triệu nhân dân tệ thì cựu Bí thư Ban Chính pháp và Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang chỉ đứng hạng thứ 8. Giới chức Trung Quốc đã thông báo tội tham nhũng của Chu Vĩnh Khang chỉ liên quan số tiền 130 triệu nhân dân tệ (khoảng 20,68 triệu đô la Mỹ), nhưng theo Reuters đưa tin thì Chu Vĩnh Khang tham nhũng đến gần 100 tỷ nhân dân tệ (khoảng 15,9 tỉ đô la Mỹ). Không chỉ thế, Chu Vĩnh Khang cũng đã bị chính thức xác định tham gia vào âm mưu đảo chính.

Những quan tham đã bị tử hình

Theo bản kiểm kê của Dabai News (ID weixin: dabaixinwen), trong 10 năm qua, có ít nhất 5 quan chức “ngã ngựa” đã bị tử hình vì tham nhũng, bao gồm:
– Triệu Lê Bình (Zhao Liping), cựu phó chủ tịch Khu tự trị Nội Mông đã bị xử tử vào tháng 5/2017 vì cố ý giết người.
– Tháng 2/2015, hai quan chức là Bành Thự (Peng Shu) và Hồ Hạo Long (Hu Haolong) thuộc hệ thống đường cao tốc tỉnh Hồ Nam đã bị tử hình vì tham nhũng. Theo thông tin, hai quan chức này là Tổng giám đốc và Chủ tịch Hội đồng Quản trị một doanh nghiệp nhà nước thuộc Cục Quản lý Đường cao tốc tỉnh Vân Nam, đều tham ô trên 200 triệu nhân dân tệ.
– Hai quan chức khác bị tử hình là Hứa Mại Vĩnh (Xu Maiyong) và Khương Nhân Kiệt (Jiang Renjie). Hứa Mại Vĩnh từng làm phó thị trưởng tại Hàng Châu tỉnh Chiết Giang, đã bị kết án tử hình vì ăn hối lộ. Khương Nhân Kiệt từng giữ chức phó thị trưởng thành phố Tô Châu, bị kết án tử hình và bị tước quyền tham gia chính trị trọn đời vì chiếm đoạt tài sản công và ăn hối lộ. Án tử hình của cả hai đã được thi hành vào sáng ngày 19/7/2011.
Tuy nhiên, hiện nay chắc hẳn hiếm ai phủ nhận quan trường Trung Quốc không quan nào không tham, cấp bậc càng lớn thì càng ít có khả năng bị xử tử hình. Nhiều nhà quan sát cho rằng, thực tế chứng minh trong bối cảnh đạo đức quan chức Trung Quốc suy thoái toàn diện như hiện nay, dù cho có kết nhiều án tử hình hơn nữa cũng không có tác dụng răn đe được những kẻ tham lam khác đang không ngừng vơ vét tài sản công bằng những thủ đoạn tinh vi hơn.
Minh Anh
Xem thêm:

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Mỹ ‘bật đèn xanh’ cho SpaceX phóng 4425 vệ tinh Internet băng thông rộng


Hôm 29/3 Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã phê duyệt kế hoạch xây dựng một hệ thống vệ tinh nhân tạo để phủ internet băng thông rộng trên khắp Trái Đất.


(Ảnh: SpaceNews)

Trong kế hoạch này SpaceX dự định sẽ phóng 4425 vệ tinh lên quỹ đạo tầng thấp quanh Trái Đất. Theo arstechnica.com, họ sẽ bắt đầu phóng vào đầu năm 2019 và kết thúc kế hoạch vào năm 2024.
FCC cho biết SpaceX đã được cấp phép sử dụng các tần số trong hai dải băng tần Ka (20-30GHz) và Ku (11-14 GHz). Hệ thống này sẽ cung cấp internet tốc độ cao hơn rất nhiều so với tốc độ trung bình hiện đang có trên thế giới.
Theo báo cáo của Akamai, tốc độ internet theo người dùng trên thế giới hiện nay là khoảng 5,1Mbps, còn tốc độ dự kiến của hệ thống vệ tinh của SpaceX là khoảng 1 Gbps, nhanh gấp gần 200 lần.

(Ảnh: Getty)

Hệ thống internet này sẽ không chỉ nhanh mà còn có độ phủ cực tốt. Các nơi hẻo lánh xa xôi, hải đảo v.v. đều sẽ truy cập được mạng internet này. Theo hãng tin Reuter, Giám đốc Điều hành của SpaceX, Gwynne Shotwell, cho biết: “Đây là một bước tiến quan trọng hướng tới việc SpaceX xây dựng một mạng vệ tinh thế hệ tiếp theo có thể kết nối toàn cầu với băng thông rộng và chi phí thấp, đặc biệt là nó phủ sóng đến những người chưa được kết nối.”
Tuy nhiên, người ta đang lo ngại rằng khi SpaceX phóng hết toàn bộ các vệ tinh, thì số lượng các vệ tinh trên quỹ đạo là quá lớn và có nguy cơ va chạm giữa các vệ tinh với nhiều mảnh vụn hiện có trong không gian. Số lượng 4425 vệ tinh này còn nhiều hơn tổng số vệ tinh nhân tạo hiện đang quay quanh Trái Đất (khoảng hơn 4000 chiếc).
Một vấn đề hết sức nóng khác là liệu Trung Quốc sẽ phản ứng thế nào về việc này. Hệ thống này của SpaceX có thể sẽ phủ sóng cho toàn bộ Trung Quốc, toàn dân Trung Quốc có thể truy cập internet tốc độ cao và không cần qua kiểm duyệt. Như vậy chính quyền Trung Quốc sẽ không còn kiểm soát và bưng bít được các thông tin nhạy cảm như vụ thảm sát Thiên An Môn, hay đàn áp Pháp Luân Công, đàn áp các khu tự trị Tây Tạng và Tân Cương…
Nguyên Khánh tổng hợp
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không thể coi thường Kim Jong Un by anle20



Có một ngôi sao mới xuất hiện trên bầu trời ngoại giao, theo các mạng xã hội ở Trung Quốc! Ngôi sao đó là bà Ri Sol Ju, vợ Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un!


Hình minh họa


Người Trung Hoa lục địa bàn tán xôn xao về Ri Sol Ju! Một công dân mạng viết: “Nàng đẹp quá! Đáng yêu quá! Ít nhất đóng vai ‘đệ nhất ngoại giao phu nhân’ giỏi hơn cô em gái của Chủ Tịch Kim Jong Un!” Một người khác khen Ri Sol Ju mặc đồ đẹp, vừa trang nhã, cổ điển mà vẫn hợp thời trang! Bà xuất hiện ba lần trước ống kính trong hai ngày ở Trung Quốc, với ba bộ áo khác nhau. Có người còn cả gan khen Ri Sol Ju đẹp hơn bà Bành Lệ Viên, vợ Chủ Tịch Nước Tàu Tập Cận Bình. Tất nhiên, nhà nước Cộng Sản Trung Quốc lập tức cấm đề tài này trên mạng xã hội.
Nhưng không ai biết gì về Ri Sol Ju! Bà có lẽ từ 28 đến 33 tuổi! Hình như có ba con!
Chuyến đi của Kim Jong Un qua Bắc Kinh cũng bí mật, bất ngờ, và biến nhà độc tài 34 tuổi này thành một ngôi sao mới trên bầu trời ngoại giao quốc tế.
Chúng ta có thể nhớ lại, trong năm, sáu năm qua Kim Jong Un vẫn bị thế giới nhìn như một cậu trai mới lớn, tính tình độc ác, hung hăng, có thể coi là điên khùng! Chỉ trong một tháng qua, thế giới nhìn Kim Jong Un với một hình ảnh mới!
Đứng với bà vợ trẻ và đẹp bên cạnh vợ chồng Tập Cận Bình, nét mặt hớn hở, tự tin, Kim Jong Un đang đóng vai một người lãnh đạo với tầm vóc quốc tế! Tập Cận Bình mới được quốc hội bù nhìn “phong” làm “chủ tịch với nhiệm kỳ không giới hạn!” Khi nghe tin đó, Tổng Thống Mỹ Donald Trump đã “tuýt” rằng “Ông ta làm chủ tịch suốt đời! Chủ tịch suốt đời! Vĩ đại!” (He’s now president for life, president for life. And he’s great!)
Nhưng Kim Jong Un cũng là chủ tịch suốt đời giống như vậy! Và khi qua Bắc Kinh, cậu Kim Ủn mang theo toàn bộ nhân viên chính phủ cùng Bộ Chính Trị! Kinh đô Bình Nhưỡng bỏ trống, chứng tỏ Kim Jong Un tự tin nắm toàn quyền trong tay, không sợ ai đảo chính! Rồi trong hai tháng nữa, họ Kim sẽ gặp Donald Trump, và báo chí sẽ so sánh bà Ri Sol Ju với bà Trump!
Chúng ta không quên rằng chuyến đi Bắc Kinh vừa rồi là lần đầu tiên Kim Jong Un xuất ngoại với tư cách người đứng đầu Bắc Hàn. Lần đầu tiên Kim gặp Tập Cận Bình. Vẫn đi, về theo lối bí mật, trên chiếc xe lửa bọc thép chống đạn, chạy tốc hành, trong bí mật, như bố và ông nội. Chuyến đi cũng chỉ được loan báo sau khi kết thúc cả ngày.
Trong một năm qua, Kim Jong Un là người đóng vai chủ động, khi chiến cũng như khi hòa. Kim thử bom nguyên tử, ngày càng mạnh hơn, có cả bom khinh khí. Kim phóng hỏa tiễn, ngày càng bay xa hơn. Chơi đúng vào ngày Cộng Sản Trung Quốc khai mạc hội nghị G-22! Hoặc ngày Quốc Khánh Mỹ! Dọa Nam Hàn, dọa Nhật Bản, còn dọa bắn cả tới Mỹ nữa.
Trong cả năm trời, mọi người có cảm tưởng các cường quốc Mỹ, Nga, Trung Cộng, chỉ phản ứng trước các nước đi mới của cậu Kim Ủn, tên đồ tể khát máu đã giết chú dượng, giết anh ruột, và xua chó cắn chết người!
Bỗng dưng, trong một tháng vừa qua, Kim Jong Un đổi qua màn kịch mới, xuất hiện với khuôn mặt, vai trò mới: Sẽ gặp Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae-in trong Tháng Tư này, và gặp Tổng Thống Trump trong tháng tới. Nghiêm chỉnh bàn chuyện hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và cho cả vùng Đông Bắc Á Châu!
Chuyến đi bí mật tới Bắc Kinh khiến vai tuồng của Kim Jong Un càng nổi bật. Hiển nhiên, Kim trở thành một “lãnh tụ quốc tế!” Xuất hiện bên bà vợ xinh đẹp, tươi cười chuốc rượu, đứng, ngồi ngang hàng với Tập Cận Bình, rồi sẽ tới Donald Trump!
Tại sao Kim gặp Tập Cận Bình bây giờ, năm năm sau khi họ Tập lên ngôi “cửu ngũ?” Ai xướng xuất chuyến đi bí mật này? Báo chí Trung Cộng cũng không dám mô tả chuyến đi như một cuộc “triều kiến” thiên triều! Kim được coi là một lãnh tụ đồng minh, cùng chia sẻ một “ý thức hệ Cộng Sản!” Báo, đài của Bắc Kinh chỉ ghi thêm một điều để đề cao phe ta: Hình ảnh Kim Jong Un cầm bút ghi chép trên sổ tay trong lúc Tập Cận Bình nói! Điều này báo, đài của Bắc Hàn không hề nói tới.
Báo chí cả hai nước đều làm ồn ào về “thiện chí hòa bình” của Kim Ủn! Điểm đáng đề cao nhất là Kim Jong Un hứa “giải giới vũ khí nguyên tử” (denuclearize) cả bán đảo Cao Ly!
Kim Jong Un tới Bắc Kinh lần này cũng là cùng một nước cờ mà ông bố, Kim Jong-il, đã đi trước khi gặp Tổng Thống Nam Hàn Kim Đại Trọng, Kim Dae-jung vào năm 2000. Kết quả chỉ là những hình ảnh xã giao, thiện chí. Không có một bản hiệp ước hay thông cáo chung nào cả! Cả chuyến đi hoàn toàn chỉ mang tính cách tuyên truyền! Và đó là một nước cờ khôn ngoan của Kim Ủn!
Kể từ khi họ Kim bắn tiếng qua chính phủ Nam Hàn rằng sẽ chấp nhận “giải giới,” thế giới bàn tán và nghi ngờ. Vì Kim Jong Un chỉ nói với ông cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Nam Hàn. Nhưng bây giờ, Kim Ủn nói chuyện với chủ tịch Trung Quốc, một xứ 1,400 triệu dân, cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới! Không thể nói giỡn! Có Tập Cận Bình làm chứng!
Bỗng nhiên, Kim Jong Un xuất hiện như một người “yêu hòa bình” và “sẵn sàng nhượng bộ,” có thể xóa bỏ cả kho vũ khí đã tốn công xây dựng từ đời cha đến đời mình! Đặc biệt, ý kiến “giải giới hạch tâm” được Tân Hoa Xã long trọng loan báo, nhưng báo đài ở Bắc Hàn không hề nhắc đến!
Trước nước cờ ngoại giao mới của cậu Ủn, chưa ai biết ông John Bolton, tân cố vấn an ninh quốc gia của Tổng Thống Donald Trump, sẽ phản ứng thế nào. Ông Bolton đã viết một bài biện hộ cho việc “tấn công đánh phủ đầu” Bắc Hàn! Bây giờ, sau khi Tập Cận Bình đứng ra làm chứng cho cả thế giới biết rằng chính Kim Jong Un đồng ý “giải giới,” thì lý luận đánh phủ đầu có thuyết phục được thế giới hay không? Cậu Ủn vẫn đóng vai chủ động!
Nhưng cuối cùng, chấp nhận “denuclearize,” bỏ luôn vũ khí hạch tâm, nghĩa là gì?
Một điều Kim chưa nói ra, cứ để yên cho thế giới ngạc nhiên và đoán mò, là cậu Ủn sẽ đặt các điều kiện nào trước khi chịu xóa bỏ các vũ khí hạch tâm? Trước khi ngưng hẳn các cuộc thí nghiệm hỏa tiễn tầm xa?
Kim Jong Un sẽ đặt điều kiện, giống như đời cha và đời ông nội: Mỹ phải xóa bỏ các giàn phòng thủ chống hỏa tiễn, phải mang vũ khí nguyên tử đi, và rút quân khỏi Nam Hàn!
Khi Donald Trump gặp Kim Jong Un, nếu chuyện này thật sự diễn ra, thì cậu Ủn có thể còn hứa hẹn với ông tổng thống Mỹ nhiều điều “ôn hòa” hơn nữa! Nhưng khi cậu đưa ra các yêu cầu của mình, thì tổng thống Mỹ sẽ trả lời ra sao? Làm sao để cho cả thế giới thấy chính phủ Mỹ mới thực sự yêu hòa bình, còn Bắc Hàn lừa bịp cả thế giới?
Nếu sau cuộc gặp mặt Trump, Kim, hai chính phủ bắt đầu đàm phán, thì cuộc mặc cả sẽ kéo dài bao lâu? Hai bên sẽ “xuống thang” như thế nào? Riêng một khoản “thanh tra Liên Hiệp Quốc” sẽ làm gì để chứng nhận Bắc Hàn xuống thang nguyên tử cũng đủ kéo dài hằng năm (ai còn nhớ cuộc thương thuyết với Iran mấy năm trước đây không?).
Chưa biết tương lai sẽ ra sao, nhưng có một điều chắc chắn: Kim Jong Un có thể đạt được một điều mà đời cha, đời ông họ Kim chưa làm được: Sẽ ngồi nói chuyện ngang hàng với một tổng thống Mỹ!
Không ai có thể coi thường Kim Jong Un!
Ngô Nhân Dụng
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một góc nhìn về ‘bệnh sĩ’ trong xã hội Việt Nam



Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, bất cứ dân tộc nào cũng có sĩ diện. Tuy nhiên, sự sĩ diện này cao hay thấp, có ở mức cực đoan hay không lại tùy thuộc từng nền văn hóa và tùy thuộc từng giai đoạn phát triển của lịch sử.
Biểu hiện của sĩ diện nhan nhản
Vậy, thế nào là sĩ diện? Ông Vỹ cho rằng, đó là việc người ta dùng những vẻ bề ngoài, những thao tác khoa trương trước người khác và dĩ nhiên, cái thao tác đó không phản ánh đúng tính chất con người đó mà chỉ để thỏa mãn sự khoe mẽ mà thôi. Tuy nhiên, ít nhiều điều đó cũng khiến anh khoan khoái. Còn về phía người đối diện thì đầu tiên họ bị nhầm, sau đó phát hiện ra bản chất của anh thì họ bực. Do đó, sự sĩ diện mang tính tiêu cực nhiều hơn.
Theo ThS Thạch Mai Hoàng, Bộ môn Nhân học, Đại học KH-XH&NV thì biểu hiện của thói sĩ này rất đa dạng. Chẳng hạn, đến nhà bạn ăn cơm, đáng ra anh sẽ ăn ba bát như ở nhà nhưng lại chỉ ăn một bát dù trong bụng vẫn đói; cứ tỏ ra ta đây đạo mạo, cái gì cũng biết nhưng thực chất đầu óc lại rỗng tuếch; đi ăn hàng luôn chừa lại một ít đồ ăn thay vì ăn hết… “Những biểu hiện của sĩ diện khiến ta gặp thường xuyên, nhan nhản ở bất cứ nơi đâu và bất cứ tầng lớp nào”, ông Vỹ khẳng định.
Sĩ diện bắt nguồn từ đâu?
Theo ông Vỹ, bản chất từ “sĩ diện” là mang vẻ mẫu của người lý tưởng. Thời phong kiến, theo truyền thống Nho giáo, sĩ quân tử được cho là mẫu người lý tưởng. Họ có học thức, có văn hóa, có đạo đức, lý tưởng, được xã hội mến mộ. Vì thế, họ là mục tiêu để bao người phấn đấu hướng tới. Tuy nhiên, không phải ai cũng trở thành sĩ quân tử. Do đó, nhiều người đã cố tạo cho mình một vỏ bọc theo quy chuẩn của bậc sĩ quân tử để có được “tiếng thơm”.
“Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa của sự sĩ diện là bản chất xã hội thiếu sự minh bạch thông tin. Những quy chuẩn của phát triển mập mờ, tạo cho con người dễ đội lốt dưới mọi hình thức trong ứng xử với cộng đồng”, ông Vỹ nêu quan điểm.
Nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc lại lý giải ở một góc độ khác. Theo ông, cách đây gần hai thế kỷ, các nhà nghiên cứu Hofstede (Hà Lan) và E.Hall (Mỹ) đã chia các nền văn hóa thành hai loại: Các nền văn hóa dân tộc đặc trưng bởi chủ nghĩa cá nhân (các dân tộc châu Âu và Bắc Mỹ) và các nền văn hóa dân tộc đặc trưng bởi chủ nghĩa tập thể (các dân tộc châu Á, đặc biệt là ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam).
Cuối cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, một nhà nghiên cứu Mỹ đã nhận định: Văn hóa Nhật là văn hóa của sự xấu hổ. Đây cũng là nét chung của các nước chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa tập thể, trong đó có Việt Nam. Chính văn hóa xấu hổ đã tạo nên tính sĩ diện.
Lý giải rõ hơn điều này, ông Ngọc nói: Trong một xã hội như phương Tây đặc trưng bởi chủ nghĩa cá nhân, họ được tự do, tùy thích trong việc lựa chọn lối sống mà không nặng nề chuyện xem thái độ của những người xung quanh như thế nào. Bên cạnh đó, đạo Kito có tính chất cá thể. Bất cứ người theo đạo nào có tội mà đi xưng tội, được Đức Cha thay Đức Chúa xá tội cho thì lương tâm họ đã cảm thấy nhẹ nhàng.
Ngược lại, ở những dân tộc đặc trưng bởi chủ nghĩa tập thể thì họ sống trong mối quan hệ đan xen, chằng chịt với gia đình, họ hàng, làng xóm. Trong xã hội đó có những quy chuẩn đạo đức chung và mọi người cần tuân theo, chỉ cần anh đi chệch quỹ đạo đó sẽ bị người ta dò xét, thậm chí lên án. Văn hóa tập thể một mặt làm tăng tính cộng đồng, cộng cảm. Mặt khác, nó làm cho con người ta không dám thể hiện cái tôi rõ nét, từ đó mà sự đột phá, sáng tạo không cao, đúng hơn là nhiều khi người ta không dám sống thật với bản chất con người mình mà phải lựa theo tập thể.
Khi một người có lỗi lầm và bị phát hiện, dù họ có ân hận song cũng không thể xóa đi được mặc cảm, nỗi xấu hổ với gia đình, họ hàng, bạn bè, làng xóm. Thậm chí, người ta vẫn đề phòng, nghi kỵ anh, dù lỗi đó đã qua rồi. Vì thế, nhiều người có xu hướng cố gắng giấu kín lỗi lầm mình mắc phải vì sĩ diện, vì xấu hổ.
Sĩ diện bao nhiêu là… đủ?
“Con người cần có tính sĩ diện. Thế nhưng, khi sĩ diện ở mức cực đoan sẽ gây ra những phiền toái, bị mất đi cơ hội, mang tiếng xấu…”, ông Ngọc nói.
Để minh chứng cho điều này, ông đưa ra một ví dụ: “Tôi có một bà bạn người Đức. Bà từng phàn nàn với tôi rằng bà có tặng cho chị giúp việc người Việt Nam một món quà Tết nhưng chị này không nói lời cảm ơn mà lẳng lặng cất đi. Theo bà thì đó là sự thiếu lễ độ. Tôi phải giải thích rằng đó là tính sĩ diện của người Việt. Chị ấy không cảm ơn không phải vì vô ơn mà sợ rằng khi nói ra lời cảm ơn ấy sẽ bị khinh bỉ là người vồ vập của cải. Chắc chắn, chị ấy sẽ tìm dịp khác để báo đáp lại”.
Ông Ngọc cũng cho rằng, sự sĩ diện của người Việt Nam không chỉ thể hiện qua lời nói, hành động mà còn qua cả nụ cười. “Người Việt Nam có thể cười bất cứ lúc nào. Nụ cười ấy nhiều khi không phải là vui thích mà để che giấu cảm xúc, là nụ cười vô duyên. Chẳng hạn, một người bị đau, thấy người khác hỏi han thì nở nụ cười tỏ ra mình không sao vì không muốn có cảm giác thương hại. Hay có trường hợp, mẹ ốm nặng ở quê, người này muốn nghỉ về thăm mẹ nên đến gặp ông chủ nhưng lúng túng và chỉ biết cười…?.
Rõ ràng, có những sự sĩ diện gây ra phiền toái. Thế nhưng, “nếu không có sĩ diện thì cũng đáng lo, vì có thể người ta sẽ hành xử không theo một quy chuẩn nào, khiến những người xung quanh coi thường, lên án”, theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ. Vậy, sĩ diện bao nhiêu được cho là đủ?
Trả lời cho câu hỏi này, ông Vỹ cho rằng, rất khó để định lượng được rằng mỗi người cần bao nhiêu sĩ diện và cần trong những trường hợp nào vì “mỗi cây mỗi hoa”. Cũng cần thấy rằng, sĩ diện còn tùy thuộc vào tính cách mỗi người. Có thể cùng một việc là để được nhận vào làm trong công ty nọ, nhân viên A sẽ lo quà cáp đến biếu sếp còn nhân viên B thì không vì anh ta chỉ muốn dựa hoàn toàn vào thực lực, không muốn mang tiếng quỵ lụy nhờ cậy ai. Điều này là do tính cách quyết định. Mà đã là tính cách thì khó sửa lắm.
Do đó, để biết sĩ diện bao nhiêu là đủ, theo ông Vỹ chỉ có thể “tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Góc nhìn đó thường gắn với lợi ích”.
“Trong nhiều trường hợp, khi người ta biết gạt đi tính sĩ diện để vì tập thể, vì lợi ích chung thì khi đó, sự sĩ diện được cho là đủ”, ông Vỹ nói.
 “Tính cách của mỗi người được tạo ra từ: Phản xạ cảm xúc mang tính tự nhiên; hình thành cái tôi khi ý thức được vị trí trong các mối quan hệ, chịu ảnh hưởng của môi trường văn hóa để hình thành nên những giá trị; do văn hóa, giáo dục chi phối. Do đó, thay đổi tính cách không dễ. Để người ta bớt đi tính sĩ diện thì có nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất vẫn là giáo dục”.
ThS Thạch Mai Hoàng
.
AN NHIÊN (KIẾN THỨC)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không thể chống lại những thằng ngu…


DN1
Chỉ còn cách giả ngu như chúng để đỡ rách việc!


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Hãy ngủ yên Đà Nẵng của tôi ơi



Thủy quân lục chiến Mỹ lần đầu tiên đổ bộ lên Đà Nẵng.
Đà Nẵng của tôi, nơi những buổi chiều của tuổi mười ba, tôi vẫn thường đứng nhìn những đoàn xe mang nhãn hiệu Sealand, RMK, GMC nối đuôi nhau mỗi ngày trên chiếc cầu màu đen mang tên của một viên tướng thực dân. 

Những chiếc chiến xa nặng nề, những khẩu đại pháo nòng dài được cất lên từ những chiếc tàu lớn neo ngoài cửa biển Sơn Chà. Tiếng gầm thét của những đoàn phi cơ chiến đấu đang đáp xuống phi trường quân sự ngoài ngã ba Duy Tân. Tiếng nhạc, tiếng cười, tiếng chọc ghẹo, okay, hello, goodbye của những người lính Mỹ và những cô gái Việt Nam vào tuổi chị tôi, vọng lại từ những hộp đêm dọc bờ sông Bạch Đằng.

Tất cả đã khơi dậy trong lòng tôi nhiều câu hỏi, nhiều băn khoăn và cả những tủi thẹn đầu đời của một đứa bé Việt Nam xót xa cho số phận của một cây cổ thụ bốn ngàn năm đang biến thành cây chùm gởi. Tại sao? Tại sao lại là Đà Nẵng? Tại sao là Việt Nam quê hương tôi mà lại không phải một nơi nào khác?

Đà Nẵng của tôi, như định mệnh an bài, cũng là nơi an nghỉ của người lính Mỹ đầu tiên thuộc chiến hạm Hoa Kỳ lừng danh, USS Constitution. Không phải đợi đến 1965, khi các chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội thả neo tại cửa biển Đà Nẵng để đổ bộ các đơn vị Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đầu tiên nhưng từ hơn 120 năm trước, Đà Nẵng đã là một nơi hẹn hò đầy định mệnh giữa quân đội Việt Nam thời Thiệu Trị và Hộ Tống Hạm Hoa Kỳ đầu tiên của hải quân Hoa Kỳ dưới quyền của hạm trưởng John Percival.

Theo các tài liệu còn ghi lại, năm 1845, chiến hạm USS Constitution của Hải Quân Hoa Kỳ, trên chuyến hải hành hai năm vòng quanh thế giới, dừng lại cảng Đà Nẵng để xin cung cấp thực phẩm và nước ngọt. Cũng tại hải cảng lịch sử nầy, Hạm trưởng John Percival xin phép quan trấn thủ thành Đà Nẵng để chôn cất thủy thủ William Cook vừa qua đời, dưới chân Núi Khỉ nằm trong rặng Sơn Chà. Thậm chí ông còn "viện trợ" hai Mỹ kim để lo phần hương khói.

Tiếc thay, chỉ vài ngày sau đó, vì việc triều đình Huế bắt giam Giám Mục Dominique LeFevre, đã làm cho tang lễ thắm đượm tình nhân đạo của con người biến thành một xung đột quân sự giữa hai quốc gia. Cuộc chạm trán ngắn ngủi năm 1845 rất ít người biết đến. Những viên đại pháo bắn vào lãnh hải Việt Nam, dù chỉ để đe dọa, cũng đã vô tình gây thương tích cho quan hệ đầy oan trái giữa hai quốc gia Việt Mỹ sau này.

Đà Nẵng của tôi có khu Ngã Ba Huế nhộn nhịp, nơi tôi từ Hội An về thăm cô tôi những chiều thứ Sáu trong những chiếc xe khách hiệu Renault già nua màu xanh đậm. Tôi vẫn nhớ căn nhà nhỏ, ánh đèn dầu leo lét, bàn tay xanh xao của cô khi dúi vào túi tôi những tờ giấy bạc được gói kín trong nhiều lớp vải. Đó là những đồng tiền khó khăn và vô giá mà cô dành dụm cho đứa cháu trai vào Hội An nương náu trong chùa ăn học.

Tôi ra Đà Nẵng tìm cô vào đầu năm 1968. Nhà cô nghèo, con cháu lại quá đông. Nhiều đêm tôi phải ngủ đói trên căn gác của một trại cây ở hẻm 220 Hùng Vương, ngang hông phường Thạc Gián. Vài tuần sau, vì nhà đông đúc, cô đưa tôi đến sống với người anh họ và bà chị dâu khó tánh ở Cổ Mân, Sơn Chà. Chị dâu tôi khó tánh đến nỗi, chỉ sau một thời gian ngắn, tôi không chịu đựng được nữa nên lặng lẽ bỏ đi. Tôi vào chùa Viên Giác.

Năm tháng như mây trời, bao độ hợp tan mang theo những giận hờn, thương ghét. Cô tôi đã về bên cõi khác nhưng lòng tôi sao vẫn nhớ vẫn thương. Trên xứ người, nhiều đêm không ngủ được, nhớ lại tiếng ho của người cô bịnh hoạn, tôi vẫn còn nghe nhức nhối như thuở mới về thăm. Chiến tranh và nghèo đói đã cướp đi bao thế hệ Việt Nam vô tội.

Đà Nẵng của tôi không phải chỉ là điêu linh tang tóc mà còn là thành phố cảng đẹp tuyệt vời. Những bờ biển uốn cong như mái tóc của người con gái Việt Nam đang đứng trông ra Thái Bình Dương bao la bát ngát. Từ eo biển mỹ miều đó những thương thuyền ngoại quốc đã đến thăm thành phố từ mấy trăm năm trước.

Đà Nẵng của tôi có hàng phượng đỏ hai bên đường Bạch Đằng, đường Độc Lập với những chiếc ghế đá dọc bờ sông mang chứng tích của một thời học trò đầy kỷ niệm. Đà Nẵng của tôi có bãi Mỹ Khê (không phải China Beach), với bờ cát trắng chạy dài và hàng dương vi vu theo gió, có bãi Thanh Bình với những chiếc ghe đánh cá đi về và cảnh chợ chiều nhộn nhịp.

Những ngày hè oi bức, tôi và đám bạn vẫn thường ôm đàn ra ngồi dựa lưng vào những gốc dương liễu dọc bãi biển. Trong tiếng sóng từng nhịp vỗ vào bờ, chúng tôi cùng cất cao bài hát ra khơi như để cổ võ cho những chiếc thuyền đánh cá đang giong buồm ra biển. Tôi đâu biết vài năm sau, bạn bè tôi cũng lần lượt ra khơi như thế nhưng chẳng còn ai dám đến tiễn đưa.

Đà Nẵng của tôi có những hàng cây sao tình tự dọc đường Thống Nhất, nối từ bờ sông đi ngang qua Trường Nữ, nơi các cô cậu học trò Phan Châu Trinh, Phan Thanh Giản vẫn thường đứng đợi người trong mơ sau mỗi buổi tan trường. Những chiếc áo dài trắng thướt tha. Những mái tóc thề chấm vai thơ mộng. Những đôi mắt nai tơ đó đã từng là nguồn cảm hứng của nhiều nhà thơ xứ Quảng đa tình. Xin mời đọc vài câu thơ của nhà thơ Luân Hoán viết về các cô nữ sinh Đà Nẵng:

chiều chiều luồn chợ Vườn Hoa
trôi theo Đồng Khánh bám tà áo bay
mắt hồng liệng cái ngoắt tay
dắt qua Độc Lập dựa cây đèn đường
chập chùng xuân ảnh vải hương
ngó ai lòng cũng yêu thương tức thì
giả vờ châm thuốc nhâm nhi
nuốt thầm vóc đứng, dáng đi quanh mình.

(Đà Nẵng, thơ Luân Hoán)

Các cô nữ sinh của một thời thơ mộng tung tăng như những con bướm vàng trên đường Thống Nhất, Lê Lợi, Hoàng Diệu, Khải Định ngày xưa đã không về nữa. Các cô đã ra đi, bỏ lại sau lưng hàng cây sao rợp bóng bên đường, bỏ lại những chiếc ghế vuông, những ly chanh muối, những quán chè. Các cô bây giờ đã lớn, đã trưởng thành. Nhiều cô đã là những bà mẹ tay bồng tay bế, để rồi 17 năm sau ngồi nhớ lại năm mình 17 tuổi.

Các cậu học trò cũng thế. Những chàng thanh niên với buồng phổi và trái tim chất đầy hùng khí của xứ địa linh nhân kiệt đã ra đi. Thế hệ trẻ Việt Nam trong thời chinh chiến và cả khi đất nước hòa bình, đã chịu đựng quá nhiều thiệt thòi mất mát. Nỗi bất hạnh lớn nhất của một đời người vẫn là bất hạnh không có tuổi hoa niên.

Các cậu ra đi, bỏ lại sau lưng những chiếc xe đạp, những quán Cà-phê Thạch Thảo, Thanh Hải, Ngọc Lan, những rạp hát Trưng Vương, Chợ Cồn, bỏ lại cây đàn guitar cũ kỹ và những bản tình ca chưa viết trọn trong sân trường. Để rồi nhiều năm, sau cuộc biển dâu, chinh chiến, gian lao, tù tội trở về. Trở về chỉ để thấy thành phố xưa nay đã đổi chủ và con đường xưa nay đã đổi thay tên. Tuổi thơ không bao giờ trở lại. Suối vẫn chảy, nước vẫn reo nhưng điêu linh tang tóc đã xua bầy nai tơ lạc đàn đi biền biệt, mất dấu đường về bên khe đá cũ.

Sau 1975, những bãi biển Mỹ Khê, Thanh Bình, Tiên Sa, Thanh Khê, Tân Thái, Mân Quang, Chợ Mai, Chợ Chiều, Non Nước, Nam Ô, v.v.., vẫn còn là điểm hẹn nhưng không phải là nơi hẹn hò của những cặp tình nhân mà là nơi những người con Đà Nẵng hẹn nhau để bỏ quê hương mà ra đi. Xin đừng hỏi họ đi đâu, về đâu trong những đêm tối trời lầm lũi đó. Không ai biết chắc. Chỉ một điều họ biết là họ không còn chọn lựa nào khác hơn là phải ra đi. Không một người dân Quảng nào bỏ quê hương ra đi mà không đau xót.

Xin đừng dán lên lưng, lên trán họ những nhãn hiệu theo Tây, theo Mỹ. Không. Người dân Quảng là những người yêu nước. Ông cha họ đã từng cười mà bước lên máy chém thực dân. Những cơn bão lụt tàn phá mỗi năm đã không làm họ bỏ làng mạc ra đi. Nạn hạn hán làm ruộng đồng khô cháy mỗi năm không buộc họ phải bỏ mồ mả tổ tiên ra đi. Sụp căn nhà này họ cặm cụi xây trên nền đất cũ căn nhà khác. Trôi căn nhà này họ lại xẻ gỗ, lợp tranh xây lên căn nhà khác. Bao thế hệ đã sống và đã chết trên vùng đất cày lên sỏi đá đó.

Nhưng chế độ mới, một chế độ nhân danh những mục tiêu tốt đẹp nhất trên đời đã buộc họ phải ra đi. Sự thôi thúc của tự do như tiếng gọi thiêng liêng của người cha già vọng về từ một nơi xa thăm thẳm. Và sẽ không ai biết, bao nhiêu người, trong số hàng ngàn, hàng vạn người bỏ Đà Nẵng ra đi, đã đến được Hong Kong, Philippines, và bao nhiêu người không may mắn đã bị chôn sâu trong lòng biển, chết thảm thương trong bàn tay hải tặc, chết trong đói khát sau những tuần, những tháng lênh đênh ngoài biển cả.

Đà Nẵng của tôi sau 1975 không còn thơ mộng nữa. Những câu ca dao đậm đà tình quê hương đất nước: "Ngó lên hòn Kẽm đá Dừng, thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi" đã được thay bằng những khẩu hiệu đấu tranh giai cấp chất chứa toàn chuyện oán thù. Những điệu hò khoan đậm đà hương vị Quảng Nam "Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm, rươụ hồng đào chưa nhấm đà say" đã được thay bằng những những đêm dài học tập, thảo luận, khuyến khích thầy cô, cha mẹ, anh em tố cáo lẫn nhau. Ánh trăng không còn là những dải lụa vàng Duy Xuyên đang trải trên dòng sông Hàn mỗi đêm rằm, nhưng là những vết dao nghèo đói đang chém xuống một quê hương vốn đã chịu đựng nhiều bất hạnh.

Ngày cuối cùng của tôi ở Đà Nẵng như đoạn kết của một cuốn phim buồn. Tôi và cô bé, lý do cho những bài thơ tình học trò đầy sáo ngữ của tôi, ngồi trên chiếc ghế đá trên đường Bạch Đằng, nhìn sang hướng Sơn Chà.

- Anh sắp phải đi xa. - Em biết. - Sao em biết, anh chưa nói với em mà? - Anh nói với em rồi. "Anh phải vô Sài Gòn học đại học. Học xong anh sẽ về quê, không đi nữa." Em còn nhớ anh nói với em câu đó lúc mấy giờ, ngày nào và tại đâu nữa kìa. - Không phải. Đó là chuyện hồi chưa "giải phóng", bây giờ thì khác. - Bây chừ anh tính đi đâu? - Anh vượt biên. Nếu đi lọt, có thể anh sẽ qua Mỹ học. - Bộ ở Việt Nam không có trường cho anh học sao. Em nghe nói Mỹ xa lắm, chắc là xa hơn Sài Gòn nhiều. Mùa hè làm sao anh về thăm quê được. - Anh sẽ về nhưng chắc không phải mùa hè. - Anh lại hứa.

Hai đứa nhìn ra sông. Chiếc phà An Hải vẫn mệt mỏi đưa người qua lại. Giọng hát buồn não nuột của anh thương phế binh cụt hai chân từ ngoài bến vọng vào: "Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi. Thành phố sau lưng ôm mộng ước gì. Tôi là người đi chinh chiến dài lâu. Nên mộng ước đầu nghe như đã chìm sâu". Anh hát để tưởng nhớ bạn bè nhưng không biết rằng bạn bè anh đang lần lượt bỏ anh đi. Hàng phượng dọc bờ sông đã bắt đầu nở rộ nhưng không còn để "lòng man mác buồn" nhưng là chia tay vĩnh viễn, nát tan.

Nước sông Hàn lững lờ trôi mang theo dăm chiếc lá. Hai đứa ngồi im lặng, không biết phải nói gì. Nói gì rồi cũng chia tay. Em đơn giản, hồn nhiên và ngây thơ đến tội nghiệp. Em sẽ chẳng thể nào hiểu được tôi, và tôi cũng chẳng biết giải thích thế nào cho em hiểu. Trái đất của em nhỏ nhoi, bao bọc bởi những rặng tre xanh hiền hòa. Tâm hồn em là giòng sông mùa thu êm đềm, tĩnh lặng. Tâm hồn tôi hoàn toàn tương phản, trùng điệp núi đèo, ghềnh thác. Tôi sinh ra trong cuộc đời này để gánh hết khổ đau, để làm tên du mục đi lang thang trên chính quê hương mình. Ngày mai, tôi lại sẽ bắt đầu hành trình du mục mới. Con nước trôi còn biết mình đang ra biển. Chiếc lá rơi còn biết cội quay về, nhưng tôi không biết sẽ về đâu.

Bao nhiêu năm rồi tôi chưa về Đà Nẵng. Cô tôi đã qua đời. Bạn bè mỗi người một ngã. Cô bé ngày xưa đã có gia đình. Khuôn mặt thành phố mang nhiều thay đổi. Đà Nẵng thân yêu ơi, có còn nhớ đến tôi không? Căn gác đường Hùng Vương, căn nhà lá phía trong Ngã Ba Huế, cồn cát trắng ở Mân Quang, nơi tôi chôn giấu kho tàng tuổi thơ khốn khổ của mình, biết có còn nhận ra tôi, cho dù tôi trở lại. Đêm nay, tôi ngồi đây, tưởng tượng một ngày về Đà Nẵng.

Và biết đâu, nhờ chưa về mà thành phố còn nguyên vẹn trong trái tim tôi. Nếu tôi về thăm, Đà Nẵng chắc sẽ không còn nữa. Hãy ngủ yên Đà Nẵng của tôi ơi.

FB TRẦN TRUNG ĐẠO 29.03.2018



Phần nhận xét hiển thị trên trang