Chức danh đầy đủ của bác sĩ Trịnh Hồng Sơn rất dài: GS. TS. Nhà giáo nhân dân. PGĐ Bệnh viện Việt Đức. GĐ Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia. Nhưng trong cuộc trò chuyện này, tôi chỉ gọi anh là BÁC SĨ - với tất cả những ý nghĩa tốt đẹp, tử tế và xứng đáng nhất mà tôi nghĩ về từ này.
Tô Lan Hương: Hai năm trước, khi anh viết tâm thư từ chối làm Giám đốc BV Hữu Nghị Việt - Xô gửi Bộ trưởng Bộ Y tế, tôi đã gọi điện cho anh vì rất muốn biết lý do đằng sau bức tâm thư đó. Nhưng anh đã từ chối với lý do bận mổ…
BS Trịnh Hồng Sơn: Vậy thì hôm nay tôi sẽ trả lời với tất cả sự thẳng thắn và sòng phẳng của một người làm khoa học.Tôi có thói quen làm bilan (cân nhắc các tình huống để chọn phương án tốt nhất) trước mỗi ca mổ để tiên lượng các tình huống có thể xảy ra trong phẫu thuật. Tôi tin rằng làm bilan tốt thì mình sẽ có những quyết định đúng đắn. Vì bệnh nghề nghiệp, nên tôi cũng làm bilan với chính cuộc đời mình.
2 năm trước, khi Bộ Y tế có ý định phân công tôi sang làm Giám đốc BV Hữu Nghị Việt - Xô, có một vài người đã hứa hẹn với tôi rằng, sang đó tôi sẽ có một tương lai sáng lạn, sẽ có tiền tỷ, có biệt thự, xe hơi…Những lời hứa hẹn đó, dù không biết thật giả đến đâu, nhưng nếu là thật thì tôi lại càng sợ, vì nó không phải là tôi.
Tôi có hai con gái, một đang học ở Harvard, một đang học ở Ohio. Tôi có nhà, có xe. Với chuyên môn của mình, tôi sống chẳng đến nỗi nào, gia đình tôi lại quá ổn, nên tôi không có áp lực phải có biệt thự, có tiền tỷ…Mà tôi nghĩ sống ở đời không cần tham lam quá. Khi anh không tham lam, anh sẽ không bao giờ bị khinh rẻ.
Làm giám đốc bệnh viện có quyền tự quyết trong tay mình, ai chẳng thích. Nhưng nói gì thì nói, Việt Đức là bệnh viện đầu ngành về ngoại khoa. Ở lại đây thì tôi có cơ hội để phát huy chuyên môn thực sự của một người bác sĩ, sẽ đối diện với nhiều ca mổ phức tạp, tay nghề sẽ không bị cùn mòn.
Ở Việt Đức, tôi được trực tiếp giảng dạy rất nhiều thực tập sinh, sinh viên nội trú. Được trao đổi với các em, được dạy học, được truyền nghề - đó là những việc tôi vừa yêu thích nhưng cũng vừa cảm thấy đó là điều nhất định phải làm. Về BV Hữu Nghị thì sẽ không có nhiều cơ hội như thế.
Còn một nguyên nhân sâu xa xuất phát từ chính trái tim tôi. Tôi làm việc ở Việt Đức mấy chục năm đã thành thân quen, giống như đứa trẻ con lưu luyến mẹ mình. Tôi quen thân từ bệnh nhân đến bác sĩ, thân với cả những người bán trà đá trước cổng viện. Có chị bán trà đá ngoài cổng còn bảo tôi: "Nếu anh bị ai "bắt nạt" cứ bảo em, đừng ngại"! (cười).
Lúc nghe tin tôi có thể sẽ chuyển sang BV Hữu Nghị, mọi người đều khuyên tôi không đi. Cả những chị lao công, y tá cũng nhắn tin cho tôi: "Anh đừng đi đâu, ở lại với chúng em". Những tin nhắn đó tôi vẫn còn lưu trong điện thoại đến giờ. Học trò của tôi cũng nói: "Thầy đi thì ai bảo vệ, ai dạy dỗ chúng em?".
Tôi sẽ tiếc các học trò của tôi lắm nếu phải đi, mà đưa các em đi hết thì cũng không được. Tôi tiếc cả việc không được ngồi uống trà đá với chị hàng nước quen thuộc.
Thế nên, nhiều người bảo tôi dại dột, ngu dốt khi từ chối thăng chức, nhưng với bilan mà tôi đã dựng lên, với tất cả những được - mất đó, thì chị nghĩ liệu chức giám đốc bệnh viện có thực sự quan trọng?
Tô Lan Hương: Nhưng khi viết tâm thư gửi Bộ Y tế và để nó lan truyền trên MXH và các phương tiện truyền thông, anh lẽ nào không sợ làm lãnh đạo Bộ mất lòng?
BS Trịnh Hồng Sơn: Thật ra tôi không phải là người đưa bức tâm thư đó lên mạng. Tôi cũng không nghĩ rằng việc tôi viết một lá thư bày tỏ nguyện vọng cá nhân sẽ khiến nhiều người chú ý và bàn tán đến thế. Tôi viết bức thư đó với mong muốn được bày tỏ những gì mình nghĩ.
Cũng có người nói việc tôi làm là một hành vi chống đối. Nhưng nếu Bộ đã nhất nhất phân công thì tôi sẽ đi. Chỉ là tôi vẫn có quyền nói lên mong muốn của mình. Mà tôi tin rằng những mong muốn của tôi dễ được chấp nhận, bởi tôi từ chối thăng chức ở một bệnh viện lớn ngay trung tâm Thủ đô, chứ có phải từ chối đi hải đảo hay vùng cao đâu. Thiếu gì người muốn ngồi vào vị trí đó..
Tô Lan Huơng: Nhiều người nói với tôi rằng, anh được chuyển sang BV Hữu Nghị vì không cạnh tranh được vị trí Giám đốc BV Việt Đức. Liệu khi đó có một cuộc "chạy đua" nào trong nội bộ BV Việt Đức mà anh là người thất bại?Tôi thật tâm tin rằng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến và Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến - những người thực sự làm chuyên môn, sẽ hiểu nguyện vọng, tâm tư của tôi và biết rằng không có động cơ chống đối nào ở đó cả.
BS Trịnh Hồng Sơn: Chuyện phấn đấu để lên vị trí này, vị trí kia cao hơn là tham vọng đương nhiên của con người. Nếu có sự cạnh tranh trong nội bộ thì đó cũng là một sự cạnh tranh đương nhiên và lành mạnh.
Ở các bệnh viện nước ngoài, thường thì người ta có hội đồng quản lý riêng và hội đồng chuyên môn riêng. Và những người làm quản lý sẽ không thể can thiệp vào chuyên môn của bác sĩ. Nhưng Việt Nam mình thì khác. Người làm quản lý đôi khi sẽ chi phối các bác sĩ về chuyên môn. Thế nên, nếu tôi có nguyện vọng làm giám đốc, thì cũng vì lý do đó.
Nhưng tôi cũng hiểu một điều, nếu tôi không mạnh thì tôi đương nhiên không thể giành chiến thắng. Mà tôi thì ý thức được rất rõ ưu - nhược điểm của mình. Tôi giỏi về chuyên môn chứ rất kém về ngoại giao. Tôi thích mổ chứ rất lười mở rộng quan hệ giao tiếp. Bạn bè rủ tôi đi nhậu 10 lần, thì tôi từ chối đến 9 vì bận mổ, nên hay bị mọi người bảo "thằng này lúc nào cũng chỉ biết mổ".
Cho nên tôi không hề khúc mắc gì với chuyện mình làm phó giám đốc chứ không phải giám đốc. Vì người chỉ chăm chăm làm chuyên môn như tôi làm quản lý sao được!
Con gái tôi hiện đang học Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý Bệnh viện tại Harvard. Tôi vẫn nói với con rằng, ba hy vọng một ngày nào đó, những người như con sẽ thành giám đốc bệnh viện, để những người bác sĩ như ba có thể tận tậm với nghề, có thể thảnh thơi làm nghề, mà không cần quan tâm đến chuyện bon chen quyền chức.
Tô Lan Hương: Vậy nếu phải lựa chọn giữa làm chuyên môn và làm nhà quản lý, anh sẽ chọn…
BS Trịnh Hồng Sơn: Tôi sẽ chọn chuyên môn! Cách đây không lâu tôi có mổ cho bố một người bạn. Ông cụ đã trên 90 tuổi, là một bác sĩ có tên tuổi trong ngành y, rất giống tôi ở chỗ cũng đã từng từ chối làm Giám đốc Bệnh viện.
Ông quý tôi lắm. Trước lúc lên bàn mổ đã nắm tay tôi dặn rằng : "Sơn ơi, cậu phải nhớ rằng cậu là bác sĩ, trước tiên luôn là bác sĩ". Làm bác sĩ là để đi cứu người, chứ không phải để sân si quyền chức. Đó cũng là điều tôi tâm niệm và dạy học trò mỗi ngày!
Tô Lan Hương: Sau tất cả những ồn ào đấy, anh đã ở lại Việt Đức?
BS Trịnh Hồng Sơn: Vâng, tôi đã ở lại Việt Đức, tiếp tục làm việc như bao năm qua, rất vui vẻ, rất hạnh phúc, và chưa một phút giây nào ân hận về quyết định đó của mình, vì như tôi đã nói với chị, cái gì đã được làm "bilan" đầy đủ thì sẽ không khiến ta phải hối hận bao giờ.
Tô Lan Hương: Thế có bao giờ anh bị gây khó dễ về chuyên môn khi ở lại?
BS Trịnh Hồng Sơn: Không có chuyện đó đâu. Tôi vẫn được tôn trọng về chuyên môn, vẫn nhận rất nhiều ca mổ; vẫn được đồng nghiệp yêu quý và hỗ trợ tối đa. Chứ với tính cách của tôi thì chị cũng hiểu rằng, nếu bị o ép, nếu không được tạo điều kiện, thì tôi đã bỏ đi từ lâu rồi.
Tô Lan Hương: Quan hệ của anh với Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đương nhiệm có tốt không?
BS Trịnh Hồng Sơn: Nếu quan hệ của tôi với cấp trên của mình không tốt, chị nghĩ liệu tôi có thể hạnh phúc và thoải mái làm việc ở đây?
Tô Lan Hương: Vì những lời đề nghị "biệt thự, xe hơi, tiền tỷ" không làm anh rung động, tôi đoán là anh rất giàu?
BS Trịnh Hồng Sơn: Nếu chỉ bằng tiền lương bác sĩ thì không, tôi sẽ không giàu, thậm chí là không thể thoải mái lo cho gia đình với mức sống cao như hiện nay ở thành phố. Thu nhập chính thức của tôi hiện tại có lẽ được khoảng 40 triệu, đấy là đã bao gồm chức danh và các học hàm, học vị. Nếu chị tò mò, tôi có thể cho chị xem bảng lương của mình.
Tô Lan Hương: Anh có thấy mình đang được trả một mức lương xứng đáng?Nhưng tôi vẫn nhận những ca mổ bên ngoài ở các bệnh viện khác nếu thu xếp được thời gian. Đó là nguồn thu đáng kể để tôi thanh thản làm nghề.
BS Trịnh Hồng Sơn: Tôi đưa ra những con số này để chị tính nhé. Ngành Y vốn là ngành rất đặc thù, thời gian học rất lâu. Ở Pháp là 11 năm mới được hành nghề, thêm 5-10 năm học và nghiên cứu nữa mới thành chuyên khoa được.
Ở Mỹ còn dài hơn nữa, thậm chí có thể tới 16 – 17 năm. Ở Việt Nam, sau 6 năm học đầu phải học tiếp 3 năm mới thành bác sĩ chuyên khoa, chưa tính việc nâng cao học hàm, học vị, nâng cao tay nghề, điều bắt buộc với mọi bác sĩ nếu không muốn mình bị tụt hậu.
Nhưng ở nước ngoài, người ta coi bác sĩ là một nghề rất giá trị. Họ rất rạch ròi: Nếu anh giỏi thì anh sẽ có nhiều bệnh nhân, và vì thế lẽ đương nhiên anh rất giàu. Bác sĩ ở phương Tây có thể mua nhà, mua xe ngay khi ra trường và ung dung trả ngân hàng trong vài năm làm việc tiếp theo.
Ở Việt Nam bây giờ, ngoài tiền lương cơ bản, bác sĩ được trả từ 100 nghìn đến 300 nghìn cho một ca mổ theo giá Nhà nước quy định. Mà có những ca mổ có khi kéo dài đến 6-7 tiếng mới xong.
Đó là lý do vì sao giờ ở Việt Nam có những bạn học ngành Y, nhưng lại chọn những khoa có "năng suất" mổ cao như khoa Chấn thương. Khoa Tiêu hoá của tôi ngày càng ít người theo vì mổ được ít, kiếm tiền ít.
Với thâm niên, với trình độ và uy tín của mình, tôi có thể sống thoải mái. Nhưng nhiều đồng nghiệp của tôi thì không được như thế. Họ sống rất chật vật, rất căn cơ, phải đi thuê nhà, trong khi thường xuyên phải làm việc quá tải. Rất xót xa! Họ đều là những người giỏi, dành cả thanh xuân để học nghề, nhưng không sống được với nghề. Đó là lý do mà ngành Y nảy sinh nhiều tiêu cực.
Nhưng để nói là xứng đáng hay không thì rất khó, vì tôi tâm niệm nghề của tôi là một nghề cao cả. Ngoài việc được trả lương, chúng tôi còn nhận được những giá trị rất đặc biệt, rất thiêng liêng do việc cứu người mang lại. Những cái đó không cách nào đo đếm được bằng tiền với một người bác sĩ thực sự.
Tô Lan Hương: Thế anh nghĩ gì về việc nhận phong bì trong ngành Y?
BS Trịnh Hồng Sơn: Tôi vẫn nhận phong bì của người nhà bệnh nhân, nhưng tôi có quy tắc của mình và thấy nó không sai phạm gì về đạo đức nếu như mình tuân theo đúng quy tắc đó.
Tô Lan Hương: Quy tắc của anh là gì? Vì rõ ràng là trong ngày hôm nay, trong lúc ngồi chờ anh làm việc xong, tôi chứng kiến ở anh hai cách hành xử hoàn toàn khác biệt: Cùng một lúc có hai thân nhân người bệnh đến gặp anh đưa phong bì, anh nhận một và từ chối một. Thật khó cắt nghĩa!
BS Trịnh Hồng Sơn: Tôi có một bệnh nhân cũ mà tôi đã mổ 9 năm về trước. Giờ anh ấy sống ở Sài Gòn, nhưng Tết năm nào cũng nhờ em gái đến gửi một cái phong bì coi như quà biếu Tết. Tôi nhận nó rất thoải mái và vui vẻ, vì thấy cái phong bì đó xuất phát từ tình cảm và sự yêu quý giữa người với người.
Nhưng tôi không nhận phong bì của bệnh nhân đang trong điều trị. Đó là lý do vì sao tôi từ chối người thứ hai. Tôi cũng không bao giờ nhận một đồng phong bì nào của bệnh nhân nghèo trong bất cứ tình huống nào. Mà tôi thì thuộc lòng từ tên tuổi, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, nghề nghiệp, gia đình cũng như thu nhập của từng bệnh nhân, thậm chí đôi khi tôi còn xem tướng số của họ. Tôi có hẳn một cuốn sổ ghi những thông tin như thế đấy.
Tô Lan Hương: Sao anh lại mất công tìm hiểu và ghi nhớ những thông tin đó? Nó đâu giúp ích gì cho những ca mổ của anh?
BS Trịnh Hồng Sơn: Thế này nhé, cùng một căn bệnh, nhưng có rất nhiều loại thuốc điều trị tương đương. Dĩ nhiên thuốc ngoại thì bao giờ cũng có chất lượng tốt hơn thuốc nội. Nhưng nếu tôi biết bệnh nhân của tôi là người có hoàn cảnh khó khăn, tôi sẽ cân nhắc để kê đơn cho họ những loại thuốc có giá thành rẻ hơn, mà hiệu quả điều trị vẫn không quá khác biệt, để việc chữa bệnh không nằm ngoài tầm tay với của họ. Bác sĩ phẫu thuật không thể làm tốt nhất ca mổ của mình, nếu không thực sự hiểu rõ mình đang mổ cho ai…
Tô Lan Hương: Một ngày làm việc có cường độ cao nhất của anh có thể lên đến bao nhiêu tiếng?
BS Trịnh Hồng Sơn: Có thể là 24 tiếng không hề ngủ, hoặc chỉ chợp mắt 15-20 phút trước mỗi ca mổ. Tôi vẫn hay nói với học trò của mình, là nghề bác sĩ phẫu thuật là nghề dễ "chết non" nhất. Vì con người cũng như cỗ máy, muốn vận hành thì cũng phải tu sửa, bảo dưỡng, nghỉ ngơi…
Nhưng dĩ nhiên, không phải ngày nào cũng như thế. Tôi vẫn có thời gian nghỉ ngơi theo cách của mình. Cách nghỉ ngơi ưa thích nhất của tôi là dạy học cho học trò và trò chuyện với các bạn ấy về nghề nghiệp.
Tô Lan Hương: Tôi để ý là trên bức tường trong phòng làm việc của anh không treo bằng khen, danh hiệu nào, mà treo rất nhiều những bức ảnh "tự sướng" của anh…
BS Trịnh Hồng Sơn: Đó cũng là một cách giải toả stress của tôi. Tôi thích chụp ảnh selfie (tự sướng) cùng đồng nghiệp và học trò sau mỗi ca mổ. Tôi thích chụp ảnh selfie với bệnh nhân. Tôi bao giờ cũng là người cầm máy. Trong những bức ảnh đó, tất cả chúng tôi đều rạng rỡ.
Sau mỗi ca mổ trở về phòng làm việc, tôi nhìn vào bức tường đầy những tấm ảnh vui vẻ đó và thấy rất hạnh phúc. Nhưng gần đây tôi bớt chụp ảnh selfie nhiều rồi, sau khi đọc một nghiên cứu nào đó bảo là người nghiện selfie là có dấu hiệu của bệnh tâm thần (cười hóm hỉnh)!
Tô Hương Lan: Tôi vẫn còn nhớ khi tôi gặp anh lần đầu tiên với lời đề nghị phỏng vấn cách đây vài năm, anh đề nghị tôi viết đơn xin hiến tạng như một điều kiện để anh chấp nhận trò chuyện với tờ báo của chúng tôi. Tôi đã đồng ý ngay, và luôn nghĩ về nó như một kỉ niệm thú vị trong đời làm báo của mình.
Người ta bảo rằng, với vị trí Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia, anh dù đi đến hội thảo, đi công tác, đi dạy học ở các tỉnh cũng đều có thói quen chìa vào mặt tất cả những người mới quen tờ đơn xin tình nguyện hiến tạng và đề nghị họ ký tên?
BS Trịnh Hồng Sơn: Đúng là tôi có làm thế, và tôi vẫn giữ thói quen đó đến tận bây giờ. Nhiều người chắc "ghét" tôi lắm vì nghĩ rằng tôi đang trù ẻo họ. Tôi biết thế nhưng vẫn làm.
Tôi đi đâu giảng dạy xong là lại đưa đề tài đó ra để nói chuyện cho mọi người hiểu. Ngay cả với bệnh nhân được tôi điều trị, tôi cũng đề nghị với họ việc đó - trong tình huống bệnh tình của họ không thể cứu chữa. Và phần lớn bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đều đồng ý, có lẽ vì khi ở giữa ranh giới sống chết, họ trân trọng cuộc sống và đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ.
Nên tôi rất tự hào nói với chị là, năm 2014 - khi chị phỏng vấn tôi, cả nước có 2500 người xin tình nguyện hiến tạng. Đến năm 2017, con số này là 25.000 người. Đó là những số liệu khiến tôi có động lực để làm một việc bị nhiều người ghét.
Tôi có 3 mối quan tâm hiện giờ: Những ca mổ của tôi, chuyện đào tạo lớp học trò kế cận, và quan trọng nhất là việc phát triển Trung tâm Điều phối Tạng Quốc gia. Đó sẽ là công trình quan trọng nhất mà tôi cần làm trong những năm trước khi về hưu, dù còn khó khăn lắm.
Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia của chúng tôi về mặt hành chính tương đương với Bệnh viện Việt Đức, BV Bạch Mai, nhưng đến thời điểm này, chúng tôi vẫn phải "ở nhờ" Việt Đức và chờ đợi Bộ cấp cho một trụ sở chính thức.
Trong quan niệm phương Đông vì việc hiến tạng là một việc làm rất chết chóc và kiêng kỵ. Có lẽ vì thế mà Trung tâm Điều phối tạng vẫn bị sự kỳ thị từ nhiều người, cũng như chưa nhận được sự quan tâm từ các lãnh đạo cấp trên trong việc phát triển nó.
Tô Lan Hương: Nếu anh ý thức được những khó khăn đó, sao anh còn mua dây buộc mình? Anh là một trong những bác sĩ có tiếng tăm bậc nhất của Ngoại khoa Việt Nam, anh được mổ những ca mổ đặc biệt quan trọng, hà cớ gì phải nhận một nhiệm vụ vừa vất vả vừa bị nhiều người kỳ thị?
BS Trịnh Hồng Sơn: Vì tôi luôn nhớ tôi là bác sĩ, chị ạ! Việt Nam bây giờ đã thực hiện thành công các ca ghép tạng phức tạp. Nhưng người cho thì rất hiếm. Là bác sĩ, mỗi ngày tôi chứng kiến không biết bao người chết não, nhưng không phải ngày nào cũng có người hiến tạng để bổ sung vào ngân hàng mô.
Tôi cứ bần thần khi làm một phép tính: Nếu như tất cả những người chết não đó tình nguyện hiến tạng, thì ngân hàng mô có thể sẽ cứu thêm được bao nhiêu người mà tính mạng đang bị đe doạ. Một người chết não, gan sẽ ghép được cho hai trẻ con hoặc hai người lớn nếu đủ thể tích, 2 quả thận tặng cho hai người khác, rồi phổi, rồi tim…Bao nhiêu mạng người sẽ được cứu sống nếu như chúng tôi có thể làm xã hội thay đổi thành kiến của mình? Thế thì đáng làm lắm chứ!
Tô Lan Hương: Bác sĩ như anh, có những ngày làm việc 24 tiếng không ăn không ngủ, có những ngày ra khỏi phòng mổ là ngất xỉu, anh cảm thấy thế nào khi thi thoảng đọc trên báo có những bài viết chê bai y đức của người bác sĩ hay những vụ bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung sau những điều trị thất bại?
Giờ ở Việt Đức còn có cả lực lượng công an bảo vệ bác sĩ nữa. Có như vậy thì bác sĩ chúng tôi mới có thể toàn tâm toàn ý làm nhiệm vụ cứu người.BS Trịnh Hồng Sơn: Thật ra tôi ít có thời gian đọc báo lắm. Nhưng những chuyện như việc đồng nghiệp của mình bị hành hung vẫn đến tai tôi. Thật khó phán xét người nhà bệnh nhân hay người làm bác sĩ trong những tình huống đó. Ai cũng có nỗi khổ tâm của mình. Nhưng tôi hiểu người nhà bệnh nhân, trong tình huống mất mát, tâm lý không ổn định, có những hành vi quá khích là chuyện hoàn toàn lường được. Nên tôi vẫn luôn yêu cầu các phòng khám và cấp cứu trong bệnh viện kiểu gì cũng phải có cửa thoát để bác sĩ "chạy" trong tình huống bất khả kháng.
Tô Lan Hương: Anh có bao giờ mắc sai lầm trong nghề nghiệp và phải trả giá bằng mạng sống của người bệnh?
BS Trịnh Hồng Sơn: Tôi có phải là thánh đâu? Cũng có những ca mổ tôi thất bại, vì nhiều lý do cả chủ quan và khách quan. Nhưng tôi luôn tự nhắc mình và nhắc nhở các học trò về Quy tắc số 2 trong nghề y và trong cả cuộc sống.
Quy tắc số 2 là một người đàn ông, nếu lên được chức trưởng khoa, chức giám đốc bệnh viện thì là việc tốt. Nhưng nếu không được làm trưởng khoa, không được làm giám đốc thì còn tốt hơn. Vì thay vì làm quản lý, phải đi ngoại giao ngày ngày, anh sẽ có thời gian để mổ, để nâng cao tay nghề, để gần gũi bệnh nhân, để chăm sóc gia đình…
Quy tắc số 2 trong nghề nghiệp là: Nếu anh thực hiện ca mổ thành công thì đó là điều tốt nhất. Nhưng nếu ca mổ không thành công, thì anh phải hiểu được nguyên nhân vì sao mình thất bại để lần sau sẽ không phạm sai lầm khi cứu người.
Điều đáng sợ nhất với một người thầy thuốc là sự chán nản và tuyệt vọng. Nếu sau một ca mổ thất bại mà anh không còn dám cầm dao mổ nữa, thì anh sẽ không cứu được những bệnh nhân khác. Và như thế thì còn tội lỗi nhiều hơn…
Tô Hương Lan: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này. Chúc anh sẽ có những ca mổ thành công, những người học trò xứng đáng, và một ngân hàng mô đủ để cứu tất cả những người bệnh còn có cơ hội được sống!
Bài viết: Tô Lan Hương
Photo: Hoàn Như
Thiết kế: Đỗ Linh
http://cafef.vn/gsts-trinh-hong-son-nhieu-nguoi-bao-toi-dai-dot-ngu-dot-khi-tu-choi-thang-chuc-20180227130640649.chn
Phần nhận xét hiển thị trên trang