Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

Đền Trần: RẠNG SÁNG BIỂN NGƯỜI VẬT VỜ, NGẤT XỈU CHỜ PHÁT ẤN



Ngay từ đêm lượng người đổ về khu vực sân Thiên Trường đông khiến quá tải, xảy ra tình trạng chen lấn xô đẩy nhau

Rạng sáng, biển người vật vờ, ngất xỉu 
chờ phát ấn đền Trần

Tuổi trẻ
02/03/2018 08:38 GMT+7

TTO - Hàng ngàn người thức trắng đêm, vật vờ, chen lấn nhau để chờ phát ấn đền Trần, Nam Định rạng sáng 2-3.

Mặc dù theo thông báo của ban tổ chức, phải 5h mới bắt đầu phát ấn đền Trần nhưng từ đêm, hàng ngàn người đã có mặt tại 3 điểm phát ấn để chờ.

Nhiều người, nhiều gia đình sau khi dâng hương từ tối hôm trước đã cố gắng ở lại kiếm nơi để ngồi, nằm đợi tới giờ phát ấn.


Lực lượng chức năng ngay từ đêm đã được túc trực, phân luồng lượng người chờ để tránh tình trạng hỗn loạn xảy ra.

Tuy nhiên, do lượng người đổ về quá đông tại sân Thiên Trường nhiều lúc đã xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy nhau để được lấy ấn.

Tại khu vực phát ấn đền Trùng Hoa, du khách xếp hàng nhận ấn khá hôn loạn, vẫn xảy ra chen lấn, xô đẩy nhưng không nhiều. 

Gia đình tôi đến đền từ 22h để vào làm lễ và đợi phát ấn. Tôi đi đền Trần xin ấn 3 năm rồi, năm nào cũng đông đúc nhưng năm nay đỡ hơn, tuy vẫn mệt mỏi chờ đợi nhưng không bị chen lấn, xô đẩy như mấy năm trước.. - Gia đình anh Trần Văn Thắng, ở Hà Nội vừa nhận được ấn vui vẻ chia sẻ

Mình ở Thanh Hoá ra từ sáng 1-3 để đi lễ đền và chờ phát ấn ở đây từ 0h. Đây là lần đầu mình đi lễ đền Trần, tuy chờ đợi mệt mỏi nhưng đi để lấy cái lộc đầu xuân nên mình vẫn thấy vui. - Bạn Nguyễn Thị Viên, 22 tuổi, ở Thanh Hoá chia sẻ.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, riêng đền Cố Trạch là khu vực phát ấn riêng cho người dân có phiếu đăng ký trước. Để có thể nhận ấn ở đây, trong năm tính từ Tết âm nguyên đán trở đi, người dân có thể đến đăng ký phiếu nhận ấn tại nhà đền, số phiếu đăng ký không giới hạn.

Tại khu vực phát ấn đền Cố Trạch đa phần là các công ty, cơ quan đã đăng ký phiếu từ trước đến nhận ấn, số lượng ấn thường từ vài chục cho đến cả trăm ấn. Khi đăng ký phiếu nhận ấn, người dân sẽ phải nộp 15 nghìn đồng cho một ấn.

Một số hình ảnh tại lễ phát ấn sáng 2-3: Ảnh: NAM TRẦN - PHƯƠNG CHINH



Nhiều người xếp hàng sớm ngay từ đầu đã sớm lấy được ấn - Ảnh: NAM TRẦN
.



Một người phụ nữ lấy được ấn cố thoát khỏi ra đám đông phía sau mình - Ảnh: NAM TRẦN
.



Nhiều người đi cùng gia đình nhưng do quá đông đã mất liên lạc với người thân 

Cảnh vật vờ tại nhiều nơi tại khuôn viên đền Trần - Ảnh: NAM TRẦN

Ban tổ chức đã lưu ý người dân đến lấy ấn chỉ có 1 loại ấn với giấy màu vàng.



Một người đàn ông ngất xỉu được lực lượng chức năng đưa ra khỏi đám đông



Ấn đền Trần chính thức được phát lúc 5h sáng 2-3 - Ảnh: NAM TRẦN
 

 

 






                                                                                              NAM TRẦN - PHƯƠNG CHINH

Phần nhận xét hiển thị trên trang

CÁC QUAN CHỨC CẤP CAO ĐI LỄ HỘI ĐÊM QUA


Lễ Phát lương đền Trần Thương (Hà Nam) năm Mậu Tuất 2018, đêm qua có đủ mặt các vị: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Cựu PCT nước Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Chủ nhiệm VP CP Mai Tiến Dũng và Bí thư tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang. Ảnh: Báo Hà Nam.
Nguyễn Hồng Kiên
VẦNG, KHI ĐƯỢC CÁN BỘ PHÒNG VĂN HÓA HUYỆN LÝ NHÂN HỎI XIN THÊM TƯ LIỆU LỊCH SỬ ĐỂ phát huy lễ hội NÀY, NHÀ CHÁU ĐÃ HIẾN KẾ: Đừng mời lãnh đạo, cụ thể là ông Mai Tiến Dũng về nữa. Chỉ tổ chức trong làng với nhau thôi ! 

VẬY MÀ NĂM NAY VẪN CÓ ẢNH CHỤP Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang đọc tấu văn trình tại lễ hội.http://media.phapluatplus.vn/…/04_bi_thu_doc_van_trinh-21_5…
 


Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và địa phương dự lễ phát lương đền Trần Thương năm 2018. http://media.phapluatplus.vn/…/01_dai_bieu_trung_uong-21_58…
 
"... hơn 18 vạn túi lương để phát cho nhân dân, du khách thập phương SẼ ĐƯỢC DÙNG NHƯ THẾ NÀO ĐỂ HIỆN THỰC những nhắn nhủ sâu xa về cuộc sống và vận sống của con người được khắc cốt ghi tâm như một bài học về sự trưởng thành của cá nhân con người và Đất nước... ???
 
KHÔNG THẤY NÓ TRONG TÚI CÓ KÈM 1 CÁI ẤN KHÔNG NGUỒN GỐC NHƯ MẤY NĂM TRƯỚC ???
 
CÓ BÁC NÀO BIẾT vận sống LÀ CÁI DZÌ KHÔNG Ạ?

BÁO GIẬT TÍT: "Hà Nam: Lễ phát lương đền Trần Thương - Lời nhắn nhủ về cuộc sống và vận sống của con người"http://www.phapluatplus.vn/ha-nam-le-phat-luong-den-tran-th…
________________________________
 
Lật chồng báo cũ năm 2012:
LẠI CHUYỆN PHỤC HỒI LỄ HỘI

Nguyễn Hồng Kiên
30 Tháng 1 2012 lúc 16:01

“Theo Ban tổ chức Lễ phát lương tại Lý Nhân-Hà Nam, số lượng túi lương đã tăng lên 18.000 so với con số 5.000 lúc ban đầu để đáp ứng cho nhân dân. Theo ông Nguyễn Thành Trọng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lý Nhân kiêm Trưởng ban chỉ đạo của Lễ phát lương thì: “Quy mô của lễ đã lớn hơn so với dự kiến ban đầu nên số lượng túi lương phát ra đã tăng lên gấp nhiều lần so với số ban đầu”. Cũng theo ông Trọng, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng rất nhiều lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương và địa phương sẽ tham dự sự kiện này. Lễ phát lương sẽ được tổ chức từ 21 giờ ngày 27/2 (tức 14 tháng Giêng âm lịch) tại đền Trần Thương (xã Nhân Đạo, Lý Nhân, Hà Nam). Đúng 0 giờ ngày 28/2 (tức 15 tháng Giêng âm lịch) các túi lương sẽ được phát cho các đại biểu và nhân dân. Lễ phát lương là hoạt động văn hóa hướng tới Lễ kỷ niệm 710 năm ngày mất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội./ .”

HẾT TRÍCH DẪN.(http://www.vietnamplus.vn/Home/Se-co-18000-tui-luong-cho-Le-phat-luong/20102/35666.vnplus)

Từng công tác trong ngành văn hóa hơn 20 năm, quê gốc Nam Hà (có thời sáp nhập Nam Định-Hà Nam), nhưng nhà cháu chưa bao giờ được nghe nói đến cái lễ hội này. May, nhờ đọc bài Hà Nam lần đầu tiên tổ chức lễ hội phát lương (cũng của Vietnam+http://www.vietnamplus.vn/Home/Ha-Nam-lan-dau-tien-to-chuc-le-hoi-phat-luong/20102/33788.vnplus) nhà cháu mới biết : “Tương truyền, xưa kia vùng Lý Nhân, Hà Nam ngày nay chỉ là một bãi sậy um tùm, rải rác một ít gò cao xen kẽ dân cư ở thưa thớt nhưng có vị trí giao thông hết sức thuận lợi, có thể vào sông Châu, ra sông Hồng ngược lên Thăng Long hoặc xuôi ra biển. Do đó, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương đặt ở đây 6 kho lương thực với đội quân thường xuyên canh gác để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai (1285). Địa điểm đền Trần Thương hiện nay là kho lương chính. Sau khi chiến thắng trở về Hưng Đạo Vương mới lấy dân ở đây là dân “tạo lệ” (chỉ tầng lớp dân đinh và loại ruộng đất được triều đình phong kiến cho phép miễn các khoản tô thuế, lao dịch để chuyên lo phục dịch các đền miếu) và từ đó xuất hiện thôn Trần Thương và các thôn khác như Đội Xuyên, Hoàng Xá, Khu Mật. Sử sách không ghi chép về kho lương thực của nhà Trần ở đây nhưng truyền thuyết dân gian cùng với những dấu tích đậm đặc quanh khu vực đền Trần Thương như mảnh gổm, sứ màu đen, men nâu, vàng ngà của bát đĩa vỡ có phong cách trang trí của nghệ thuật gồm thời Trần, nhiều vỏ chóe hoa than… đã củng cố thêm giả thuyết này. … Bắt nguồn từ truyền thuyết xa xưa cùng với tục phát lương của người dân nơi đây, ban lãnh đạo huyện Lý Nhân đã mạnh dạn lần đầu tiên tổ chức lễ phát lương trên quy mô lớn với mong muốn giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống quý báu của địa phương.“ HẾT TRÍCH DẪN.

“Tiểu sử” của lễ hội rõ ràng chẳng có căn cứ gì thuyết phục, cho dù ông Nguyễn Thành Trọng, chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lý Nhân cho biết năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt quy hoạch tổng thể và chi tiết quần thể Di tích Lịch sử-Văn hóa đền Trần Thương giai đoạn 2009-2015 .

Mục đích tổ chức lễ hội nghe cũng thật… VUI: “để tưởng nhớ công lao của vị anh hùng năm xưa và giáo dục cho con cái sau này biết tiết kiệm, xây dựng những kho lương để đề phòng khi bất trắc và cũng là lấy cái may mắn đầu xuân”.

“Vật phẩm trong túi lương gồm ngô vàng, thóc nếp và tờ in Ấn vua Trần.” Ngô ấy lấy ở đâu ra? ẤN VUA Trần mượn đâu về? Ấn thật ai cho đem ra in như vậy? Hay đúc ấn mới? Túi lương phát hay bán. Người nhận mang về làm gì? Ai “bật đèn xanh” cho những việc này ? Ai mà “đạo diễn” được cả những lãnh đạo cao cấp. Và các vị ấy nghĩ gì khi đồng ý làm diễn viên cho những lễ hội kiểu này ? ... Rất nhiều điều nhà cháu không thể tự giải thích được.

Nhà cháu thấy Nó lai lai giữa lễ Khai ấn đền Trần – Nam Định (hiện cũng đã bị BIẾN TƯỚNG) và Lễ hội Bà Chúa Kho – Bắc Ninh.

Theo thống kê của Cục Văn hóa Cơ sở, có 7.966 lễ hội được tổ chức mỗi năm, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 544 lễ hội tôn giáo, 322 lễ hội lịch sử cách mạng… Với số lượng này, trung bình một ngày ở Việt Nam có khoảng 21 lễ hội.

Điều nguy hiểm nhất là từ QUY MÔ LÀNG XÃ, lễ hội địa phương này đã được nâng cấp để mời cả Phó chủ tịch NƯỚC về tham dự. Làng nào chả có lễ hội. "Tức nhau tiếng gáy" rồi người ta sẽ DÙNG MỌI QUAN HỆ để mời bằng được một VIP về, nhằm nâng cấp Hội Làng thành Hội Nước (Country Feast). Cứ thế này thì rồi ra các vị lãnh đạo cao cấp chẳng làm được việc gì khác ngoài việc đi Khai Hội.

Lại một sự CẠNH TRANH KHÔNG LÀNH MẠNH đầy chất thương mại. THẬT LÀ BÁNG BỔ !

Phần nhận xét hiển thị trên trang

HAI DỰ ÁN BÔ XÍT TÂY NGUYÊN ĐANG SẮP PHÁ HỦY MÔI TRƯỜNG


Bộ Tài nguyên môi trường cảnh báo nguy cơ ô nhiễm tại các dự án bô xít Tây Nguyên khi thực tế thiết bị xử lý môi trường xuống cấp sau 9 năm triển khai.

Nguy cơ ô nhiễm ở hai dự án bô xít Tây Nguyên 

VNE
Thứ sáu, 2/3/2018 | 16:22 GMT+7
 
Chậm tiến độ 2 năm, thiết bị xử lý môi trường xuống cấp, Dự án Bô xít Tân Rai và Nhân Cơ được Bộ Tài nguyên cảnh báo nguy cơ ô nhiễm lớn.

Dự án bô xít - nhôm Lâm Đồng lỗ gần 3.700 tỷ 
Vinacomin phải giải trình về bô xít Tây Nguyên

Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa có báo cáo gửi Bộ Công Thương đánh giá về hiệu quả đầu tư thí điểm 2 dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Than, khoáng sản (TKV) làm chủ đầu tư.

Đánh giá chủ đầu tư TKV, các nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm thực hiện gói thầu dự án, song Bộ Tài nguyên lo ngại về chất lượng thiết bị nhà thầu, thiết bị xử lý môi trường. "Thực tế kiểm tra sau 9 năm, các thiết bị tại Nhà máy alumin Tân Rai và tại một số hệ thống xử lý môi trường đã xuống cấp, khả năng tuổi thọ không được như mong muốn", Bộ Tài nguyên đánh giá.

Ngoài ra, các dự án bô xít này được giám sát, kiểm tra thường xuyên nhưng cơ quan quản lý môi trường vẫn cảnh báo về nguy cơ gây ô nhiễm phức tạp. Trong quá trình sản xuất alumin, dự án Tân Rai để xảy ra ba lần sự cố kỹ thuật liên quan tới chất lượng công trình, công nghệ và Nhân Cơ là 4 lần. Cơ quan quản lý về môi trường cũng đề nghị chủ dự án cần tuân thủ thực hiện các yêu cầu về môi trường tại khu vực khai thác mỏ, chế biến, tuyển quặng, xưởng tuyển quặng, hồ thải, hồ bùn đỏ... Hồ bùn đỏ tại dự án Tân Rai đã xây dựng xong khoang số 3 và đang thi công khoang số 4 nhưng chậm nghiệm thu, bàn giao. Tỷ lệ chất rắn, lỏng tại các khoang hồ đã được đưa vào sử dụng cũng không đạt yêu cầu. Vì thế, Bộ Tài nguyên đề nghị chủ đầu tư, nhà thầu “đặc biệt quan tâm tới lượng nước dư trong hồ bùn đỏ”.

Tại dự án Nhân Cơ, Bộ này yêu cầu cần cập nhật các văn bản pháp lý liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, duy trì khai thác theo đúng thiết kế và tuân thủ nghiêm các yêu cầu vận hành với xưởng tuyển và hồ thải, hồ bùn đỏ...

Trước nguy cơ gây ô nhiễm môi trường tại dự án bô xít Tây Nguyên, Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị Bộ Công Thương xem xét, hướng dẫn chủ đầu tư nhanh chóng thẩm định, thiết kế các khoang hồ bùn đỏ tiếp theo ở 2 dự án này. Đồng thời chỉ đạo chủ dự án ở Nhân Cơ nhanh chóng khắc phục sự cố lún, sạt trượt phần diện tích đất gần khoang hồ bùn đỏ số 1 và 2.

Hai dự án bô xít Tân Rai và Nhân Cơ có tổng vốn đầu tư khoảng 32.000 tỷ đồng, có công suất mỗi nhà máy 650.000 tấn alumin một năm (sau điều chỉnh). Bộ Tài nguyên Môi trường đã cấp quyền thăm dò, khai thác cho TKV để thực hiện khai thác bô xít, alumin. Số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cho các mỏ tại Tân Rai là 297,4 tỷ đồng, chia thành 21 lần nộp; dự án Nhân Cơ là 345,5 tỷ tương ứng 15 lần nộp.

Hiện TKV đã hạch toán số tiền trên 40 tỷ đồng phân bổ năm 2016, 2017 và 87,4 tỷ tiền sử dụng số liệu, thông tin về kết quả đánh giá khoáng sản của Nhà nước cho hai dự án trên.
Anh Minh

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

Xin đừng nói 'người Việt yêu nước' nếu...




Nguyễn Văn Mỹ 


















MTG - Khi còn trẻ, trong các giờ học, tôi thường nghe các thầy cô dạy rằng “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước nồng nàn, có truyền thống lao động cần cù”. Rằng đất nước ta “Có bề dày lịch sử 4.000 năm văn hiến, có bờ biển dài và đẹp, có 54 dân tộc anh em…”. Tôi đã tin sái cổ. Mang những kiến thức đó vào nghề hướng dẫn viên, tôi “được” nhiều du khách bắt bẻ, nhất là người nước ngoài và ngày càng vỡ ra nhiều điều.

Nghe tôi huyên thuyên về những cuộc chiến tranh vĩ đại, có bạn Singapore nhỏ nhẹ rằng “Tôi tự hào vì từ ngày lập quốc, đất nước tôi chưa hề biết chiến tranh”. Có mấy nhà nghiên cứu chỉ cho tôi rằng “Lịch sử Việt Nam chưa chắc lâu đời bằng Indonesia và Malaysia. Chiều dài bờ biển Việt Nam thua xa Indonesia và Philippines. Indonesia có 350 dân tộc. Các nước giàu có như Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain… mới độc lập năm 1971; còn Singapore mới lập quốc từ 1965. Tự hào với rừng vàng, biển bạc nên không biết tiết kiệm, làm gì cũng hoang phí. Tự hào đất nước 4.000 năm văn hiến nhưng khi khách nước ngoài hỏi tôi về quốc phục, về cách chào truyền thống của người Việt thì cà lăm và á khẩu.

Nhiều người còn tranh luận với tôi rằng “Trên thế giới này, dân tộc nào cũng yêu nước, cũng phải lao động cần cù, chứ không riêng gì Việt Nam”. Có người còn mỉa mai là “Lao động cần cù sao năng suất của người Việt chỉ bằng 1/19 của Singapore và thua cả Lào?”. Thú thật là ấp úng, chỉ biết khỏa lấp và lảng sang chuyện khác.

Tôi cố chứng minh truyền thống yêu nước của người Việt bằng lịch sử chống ngoại xâm, không bị đồng hóa. Nô lệ cả ngàn năm vẫn có chữ viết và tiếng nói độc đáo riêng, không lẫn vào đâu được. Họ bảo “Như vậy, người Việt chỉ yêu nước khi bị xâm lược, khi cần bảo vệ tổ quốc?”. Bạn tôi là người Pháp, ở Việt Nam hơn chục năm, lấy vợ Việt, nói tiếng Việt sành hơn người Việt thì hùng hồn khẳng định “Người Việt hiện nay không cho thấy lòng yêu nước. Nếu có cũng không nhiều, so với đám đông”. Tôi dẫn chứng là các chiến sĩ ngày đêm bảo vệ biên giới hải đảo. Các thầy thuốc, thầy giáo vùng cao, rồi nhiều gương điển hình lao động, nghiên cứu khoa học, nhiều người tốt quanh mình… Bạn thừa nhận nhưng cứ khăng khăng là số đông người Việt không cho thấy lòng yêu nước. Tôi tức cành hông mà không cãi được.

Bạn đưa ra rất nhiều dẫn chứng. Kể cả những người từng rất yêu nước trong chiến tranh, có khi còn được phong là anh hùng. Nhưng sau, họ chỉ yêu bản thân, gia đình và các nhóm chung lợi ích. Không ít cán bộ sẵn sàng bán rẻ quyền lợi của cộng đồng, thậm chí của đất nước vì những lợi ích tầm thường. Làm việc gì cũng đặt lợi ích cá nhân lên hàng đầu, sau đó là đồng hội đồng thuyền, còn cộng đồng là thứ yếu, thậm chí không có.

Yêu ai thì luôn muốn làm điều tốt đẹp cho họ, luôn mong muốn mang niềm vui và hạnh phúc cho người mình yêu dù chẳng người yêu nào hoàn hảo. Yêu ai là phải chấp nhận cả những mặt khiếm khuyết và giúp họ thay đổi dần. Đất nước cũng vậy. Tôi không tin những người miệng nói yêu nước mà có những hành vi làm tổn hại đến môi trường, đến cuộc sống cộng đồng, đến xã hội. Yêu nước sao lại làm xấu đất nước bằng vô số hành vi bạc đãi và tổn thương đất nước. Từ việc nhỏ như xả rác bậy, khạc nhổ bừa bãi, vệ sinh tùy tiện, chửi thề bạt mạng cho đến vi phạm luật giao thông, gian dối mọi nơi mọi lúc, chà đạp lên pháp luật, làm hàng gian hàng giả, đầu độc thực phẩm, xâm hại môi trường, buôn lậu trộm cướp…

Hãy thôi tự sướng, hãy nhìn thẳng vào sự thật và chứng minh lòng yêu nước bằng hành động. Yêu nước phải được thể hiện bằng hành vi cụ thể và thiết thực. Phải đoạn tuyệt với kiểu yêu nước chỉ bằng khẩu hiệu. Bé thì làm việc nhỏ, lớn thì làm việc to. Từ trẻ đến già, ai cũng có quyền và có nghĩa vụ yêu nước. Yêu nước cũng không là đặc quyền của cá nhân hay tập thể nào cả.

Nếu chúng ta không thay đổi được những hành vi xấu xí đang từng ngày từng giờ làm tổn hại hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, xin đừng nói người Việt yêu nước.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Lê Luân: CUỐN SÁCH CỦA TÔI SẼ KHÓ LÒNG IN Ở VN



Luân Lê
1-3-2018
 
Tại sao cuốn sách “Một người quốc dân” của tôi sẽ khó lòng nào được xuất bản chính thống ở Việt Nam?!
 
Bởi mấy lý do chính sau đây:

Một là đã đưa ra những quan điểm về vấn đề chống lại việc độc đảng và độc quyền chính trị. Tức không thể quy định vị thế lãnh đạo nhà nước và xã hội một cách toàn bộ cho bất cứ nhóm người, tổ chức hay đảng phái nào. Phải biết chọn bạn mà chơi chứ không thể cứ coi kẻ lưu manh hay luôn với tâm thế chèn ép, chiếm đoạt tài sản của ta là bạn bè thân hữu. Phải đề phòng và có kế sách mà dự phòng, đối phó. Nêu rõ sự quyết định của thể chế chính trị đối với con người và xã hội, tức tới sự phát triển của quốc gia, nên phải tránh mọi sự độc tài và cần có cơ chế vận hành quyền lực khoa học.

Thứ hai là việc phải biết trung thực với lịch sử dân tộc, trong đó nói lên việc không được phép thiên lệch hoặc dùng vị thế của người chiếm lĩnh lịch sử (bên thắng cuộc) để viết và diễn giải biến sử theo những thông tin một chiều và không khách quan. Phải có trách nhiệm hoà hợp hoà giải dân tộc, không được dùng lịch sử thiên vị để ăn mừng mãi chiến thắng của mình mà làm tổn thương phần còn lại của chính đồng bào mình. Cũng không được mãi sống trong hào quang của quá khứ, vì cuộc sống là hiện tại và tương lai phía trước. Nên cần gác lại cả huy hoàng lẫn bi thương để xây dựng đất nước, không để quốc gia suy thoái và lụn bại. Phải có nỗi nhục khi đất nước kém phát triển để mà bắt tay vào tái thiết quốc gia.

Thứ ba là nói về việc phê phán mạnh mẽ thói thiếu trách nhiệm nhưng lại thích được tụng ca. Trong đó có đề cập đến việc nhiều người hám danh luôn tự mãn về bản thân, coi mình là đỉnh cao trí tuệ, đến mức thuê người khác viết để ca ngợi mình hoặc thậm chí tự mình lấy một bút danh khác để khen ngợi chính mình. Điều đó thật nguy hiểm và là hành vi của người không phải trí thức hay bậc chính nhân quân tử. Điều đó là không được phép với một người có nhận thức và phẩm cách trong một xã hội văn minh. Lên án và phê phán trực diện những đức tính và thói xấu của đa phần người dân trong xã hội, từ đó sẽ có hướng cải sửa và tu tính.

Thứ tư là, giáo dục phải bằng tình yêu thương và lòng trung thực chứ không thể dùng các hình ảnh bạo lực từ thuở nhỏ (thiếu niên) để tuyên truyền và coi đó là các hình ảnh anh hùng. Những thế hệ được giáo dục bằng các tư liệu và hình ảnh như thế thì chỉ khiến chúng trở nên có xu hướng tiêu cực và bạo lực. Thay vì như vậy, ta dùng những hình ảnh đấu tranh bất bạo động và bằng tình yêu thương để cải biến và thay đổi xã hội thông qua các biểu tượng hoà bình trên thế giới đã làm được trong lịch sử mới là cần thiết và đúng đắn. Khẳng định tầm quan trọng của giáo dục tự do, khai phóng và không thiên lệch hay bị áp đặt về chính trị theo ý chí nhà cầm quyền, chủ yếu với mục đích tuyên truyền và trói buộc tư duy, tư tưởng.

Thứ năm là, phải có tinh thần phê phán đối với chính phủ. Chính phủ không được coi những quan điểm trái chiều hay bất đồng là nguy hại, mà phải coi đó là những giá trị để tham khảo và có nghĩa vụ tiếp nhận từ người dân. Vì người dân là người chủ của quốc gia và chính quyền chứ không phải là con cừu nào ở đây để phải sợ hãi chính phủ cả.

Thứ sáu là, trách nhiệm của người trí thức, phải độc lập, phải biết đấu tranh và lên tiếng, không được học bằng cách tầm chương trích cú theo kiểu khoa bảng xưa kia. Không chỉ chăm chăm chui vào nhà nước để hưởng lợi lộc và an thân hay cố đạt nhiều bằng cấp để loè bịp thiên hạ. Phải có chức phận đem kiến thức của mình để phổ biến tới người dân, khai sáng cho những người thiếu hiểu biết hoặc kém được tiếp cận thông tin hơn. Phải biết đấu tranh với tiêu cực và nhất là với cái chính phủ đang ăn bám người dân bằng những đồng tiền thuế là mồ hôi nước mắt của dân. Người trí thức thì phải có khí chất và không được ươn hèn. Không xu nịnh và sống theo kiểu gió chiều nào theo chiều đó.

Thứ bảy là, phải dùng luật pháp văn minh để quản lý đất nước, thiếu hiểu biết hoặc không tôn trọng luật pháp, mà đặc biệt là Hiến pháp khoa học, thì chỉ tạo ra loạn lạc cho xã hội. Trong đời sống quốc nội sẽ rối ren và tạo ra tình trạng vô chính phủ. Đối với quốc tế thì bị thiệt thòi và gánh chịu hậu quả là bị cô lập trong sự khinh rẻ của bạn bè thế giới. Và nói rõ việc quyền lực phải bị kiểm soát và nằm dưới luật pháp. Bất kể sự tiếm quyền nào cũng đều tiềm ẩn sự tha hoá quyền lực và tạo ra những khốn khổ cho dân chúng.

Thứ tám là, mỗi người phải có hai trách nhiệm cùng lúc, đó là vừa sống tốt và hữu ích với vai trò của bản thân, vừa phải gánh trọng trách của một người quốc dân với trách nhiệm người chủ quốc gia, cống hiến cũng như xây dựng, cải biến xã hội tốt hơn lên. Không được thờ ơ, bỏ mặc đất nước ra sao thì ra. Nếu chỉ an thân sống bàng quan thì đó là nỗi bất hạnh của dân tộc và đất nước.

Thứ chín là, không được bám vịn vào thần thánh, phải có đời sống kinh tế phát triển và dựa vào khoa học tân tiến, phải có niềm tin vào nhau để cùng liên kết và phát triển. Chống lại việc thần thánh hoá cá nhân, lãnh tụ. Nó vừa là để xã hội có nếp sống văn minh vừa bảo vệ được đất nước. Ở đó phê phán việc lười lao động nhưng thích ngồi mát hưởng bát vàng. Kinh tế phụ thuộc vào nước ngoài rồi mất nước lúc nào không hay. Mà nghèo đói thì dẫn tới bất ổn, nợ nần nhiều và có thể gây ra những hậu hoạ lớn cho quốc gia. Phải tiếp thu những thành quả văn minh của nhân loại chứ không thể bài bác và phủ nhận những thành tựu của thế giới đang vận dụng thành công và ngày càng vươn xa. Không thể một mình một đường vì sẽ lạc loài so với thế giới.
 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

(VTC14)_Sự thật về ấn đền Trần

Phần nhận xét hiển thị trên trang

NHÂN CÁCH LỚN TÀI NĂNG LỚN


Nguyễn Thị Bích Hậu
Trên FB tràn ngập hình ảnh và những lời thương tiếc nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Tất cả cho thấy ông được yêu quý như thế nào. Cho dù từ hơn 40 năm nay, ông sống trong im lặng. Những người yêu nhạc thì cứ nghe nhạc của ông. Nhưng vì ông không xuất hiện trong bất cứ một chương trình ca nhạc nào trong nước và báo chí cũng không thấy đưa tin tức gì về ông cả nên không phải ai cũng biết ông giờ ra sao.
Sau 10 năm đi tù cải tạo, ông trở về căn nhà nhỏ ở trên đường Nguyễn Trọng Tuyển, SG. Nhà có cửa hàng mang tên Nhiên Hương mà vợ ông đứng bán bánh mì, thịt nguội, sữa tươi... Y chang như những cửa hàng nhỏ mà ta có thể tìm thấy khắp Sài Gòn. Đó là sinh kế của gia đình nhạc sĩ.
Người như nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông hoàn toàn có thể đi Mỹ theo diện HO, song ông đã chọn ở lại. Ông là một trong số không nhiều người, có thể vì hoàn cảnh riêng, vì lý do sức khỏe mà chọn ở lại, nhưng có thể sâu xa hơn, ông chấp nhận sống cùng vận nước nổi trôi.
Chưa nghe thấy tai tiếng về ông bao giờ. Những người biết ông thì đều kính trọng ông vì tài và đức. Và điều mà ông chắc chắn làm nhiều người phải suy nghĩ, đó là nhân cách của một người ở vị trí công hầu khanh tướng như ông khi mất mát tất cả , trở lại với đời thường.
Và có lẽ vì nhân cách của ông nên ông được cũng rất nhiều sau mọi gian khổ. Ông được một người vợ là bà Nguyệt Thu chung thủy chờ đợi 10 năm đằng đẵng và sau đó tận tình chia sẻ, chăm sóc ông cho tới khi ông lìa đời. Cái chết cũng tới với ông rất nhẹ nhàng, không đau đớn dằn vặt. Và cho dù ông bà không có con cháu theo thông tin trên báo Người Việt nhưng gia đình ca sĩ Giao Linh, người học trò của ông kể từ 1965 đã đứng ra lo hậu sự cùng gia đình ông. Suốt nhiều năm nay, ca sĩ Giao Linh luôn giữ mối quan hệ lâu bền và trân trọng người thày của mình.
“Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn còn nhiều anh ơi” là câu kết trong bài Chiều mưa biên giới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Câu ca đó đã vận cả vào đời ông. Nhưng cuối cùng, ông đã ra đi nhẹ nhàng và thanh thản, để lại muôn vàn lời ca hay, những bản nhạc tha thiết dịu dàng. Và ông cũng để lại cho hậu thế một nhân cách sống thật đẹp.
Vô cùng thương tiếc nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông.
(Hình ông và ca sĩ Giao Linh, nguồn :Trần Quốc Bảo)


Phần nhận xét hiển thị trên trang