Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 1 tháng 3, 2018

HỘI THẢO ĐỔI MỚI TƯ DUY TIỂU THUYẾT


Vũ Xuân Tửu



Cách đây 16 năm, vào năm 2002, Hội Nhà văn Việt Nam đã hội thảo đổi mới tư duy tiểu thuyết lần 1, ngày 28/2/2018, tại Hà Nội, HNV VN lại tổ chức hội thảo lần 2. Các nhà Lý luận phê bình Lê Thành Nghị và Bùi Việt Thắng điều hành hội thảo. Tham dự hội thảo có đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương và đông đảo các nhà văn, nhà lý luận phê bình. Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Liên hiệp các HVNNT VN, Chủ tịch HNV VN chỉ đạo hội thảo.

Với tiểu thuyết lịch sử,
không phải mọi sự thật đều được viết ra,
và cũng không phải, mọi điều viết ra đều là sự thật...
(Hội thảo Đổi mới tư duy tiểu thuyết,
do hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, tại Hà Nội, 28/2/2018)
Tham luận của Nhà văn Vũ Xuân Tửu
1/ Đổi mới tư duy sáng tác là công việc thường ngày:
Nhìn chung, đổi mới tư duy trong sáng tác văn chương, cũng như đổi mới tư duy trong quá trình viết tiểu thuyết, đã được các nhà văn trăn trở từ lâu và thường xuyên. Bởi vì, quá trình sáng tác chính là quá trình tự đổi mới, nếu không, sẽ sa vào lối mòn. Nhà văn không tự cách tân là báo hiệu sự già cỗi.
Đổi mới tư duy tiểu thuyết là vấn đề rất rộng lớn và cấp thiết, trong phạm vi bản tham luận này, tôi xin đề cập một vài suy nghĩ trong quá trình viết tiểu thuyết lịch sử, mà bản thân cũng chỉ hiểu biết trong phạm vi hạn hẹp.
Nước ta, tiểu thuyết lịch sử thì nhiều nhà văn lớn đã viết, chẳng hạn, về nhà Trần có Bão táp triều Trần của Nhà văn Hoàng Quốc Hải, về nhà Hồ có Hồ Quý Ly của Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, vv... Một điều dễ nhận ra, qua các bộ tiểu thuyết ấy, người đọc thấy hiện lên trong tâm trí mình, cả một triều đại, có khi kéo dài hàng thế kỷ. Những nhân vật chính có thực, hiện ra một cách sinh động, với hình thể, tâm lý, tính cách và bối cảnh sinh hoạt xã hội đa dạng, phong phú, giúp người đọc hiểu thêm về nhiều góc cạnh của lịch sử. Tất nhiên, cũng có những cuốn tiểu thuyết lịch sử chỉ viết về một vài khía cạnh xã hội, hoặc nhân vật nào đó, mà khái quát lên.
Tiểu thuyết lịch sử dù bối cảnh, sự kiện đã lùi xa, nhưng nhà văn lại muốn nói điều gì đó với xã hội đương thời. Bởi thế, nếu bản lĩnh không vững vàng, và kiến văn nông cạn thì dễ sa vào lối mượn xa nói nay, một cách sống sượng. Nhưng nếu chỉ viết về chuyện xưa cũ, để minh họa lịch sử thôi, thì bạn đọc không cẩn, thà đi đọc sách lịch sử còn hơn. Bởi thế, dù là câu chuyện xa xưa, thậm chí vừa mới diễn ra, nhưng tiểu thuyết lịch sử bao giờ cũng có hơi thở của cuộc sống, giúp bạn đọc soi chiếu vào xã hội đương thời, rút ra điều tâm đắc về nhân tình thế thái. Và chính đó, mới là điều gửi gắm của nhà văn.
Tiểu thuyết lịch sử được hư cấu trên cơ sở các sự kiện và nhân vật chính có thực. Từ đó, nhà văn sáng tạo nên tác phẩm văn chương. Có chỗ trùng khít với lịch sử, có chỗ bay bổng, thăng hoa. Thậm chí, có những tình tiết khác lạ so với lịch sử, do ý đồ của tác giả trong quá trình xây dựng tác phẩm muốn như thế, nhằm đề cao vai trò nhân vật, hoặc thể chế nào đó. Ví dụ, trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung đã cho Khổng Minh dùng mưu kế, bày binh bố trận hỏa thiêu gò Bác Vọng, làm món quà ra mắt ba anh em Lưu, Quan, Trương. Nhưng thực tế, Lưu Bị đã đánh thắng trận này, trước khi vời được Gia Cát Khổng Minh. Hoặc như, Tào Tháo là người văn võ song toàn, nhưng lại hóa thành kẻ đa nghi, phản Hán...
Trong tiểu thuyết lịch sử, thường thấy các nhân vật va chạm bộc lộ tính cách là chủ yếu. Nhưng bên cạnh đó, bối cảnh, phong tục, tập quán, văn hóa vùng miền, dân tộc như là cái nôi nuôi dưỡng nhân vật, khiến nó sống động bước từ tiểu thuyết ra đời thực, chứ không bị khô cứng đóng khuôn như trong lịch sử. Muốn có được điều đó, đòi hỏi nhà văn phải công phu sưu tầm tư liệu và phải có đầu óc tưởng tượng phong phú, để các nhân vật ăn khớp vào nhau, vận động nhuần nhuyễn trong cả một hệ thống, thì quả là không đơn giản. Có vấn đề cần tôn vinh, nhưng cũng có chuyện phải viết lại, chứ không phải viết về nhân vật lịch sử theo kiểu sùng bái cá nhân, và cũng không thể tư duy như tác phẩm trong Tủ sách "Người tốt, việc tốt"...
Tiểu thuyết lịch sử là tác phẩm văn chương. Như vậy, Tiểu thuyết lịch sử là phải có văn, chứ không phải thống kê sự kiện. Sau khi sưu tầm tư liệu, tôi thường làm Biên niên sự kiện, nhưng đó không phải công trình khoa học xã hội, mà nó lại là cái khung sườn tiểu thuyết.
Viết tiểu thuyết lịch sử về cả một triều đại thì nên dài hay vắn? Có người nói, viết ngắn mới khó. Lại có người bảo, dài hay ngắn không quan trọng bằng hay. Viết dài, viết nhiều mà hay thì càng tốt chứ sao? Chúng ta không thể cứ đặt vấn đề một chiều, mà cần xem xét trên nhiều khía cạnh, như bản thân cuộc sống vốn có. Thực tế, tác phẩm tiểu thuyết lịch sử thường dài, có khi gồm nhiều tập tạo thành.
Tôi xin lấy ví dụ về bộ tiểu thuyết dài, nhiều tập. Đó là, Chiến tranh và Hòa bình, bốn tập, khoảng 2000 trang của Lép Tôn-xtôi; trong đó, nhà văn miêu tả chi tiết, như sau: Buổi tiếp tân: 50 trang; Cuộc rượu: 9 trang; Mừng lễ thánh: 31 trang; Xin việc: 8 trang; An-đrây từ biệt ra trận: 54 trang; Ku-tu-dốp điểm binh: 20 trang; An-đrây trong doanh trại: 12 trang; Rô-xtốp bị thương: 3 trang; Cuộc đấu súng: 6 trang; Na-ta-sa bỏ An-đrây, toan trốn theo A-na-tôn: 150 trang. (Riêng đoạn này, có thể tách ra thành truyện, hoặc tiểu thuyết riêng cũng được); vv...
Tác phẩm này có tới 500 nhân vật, cốt truyện xoay quanh hai gia đình quý tộc Nga: Công tước An-đrây và Bá tước Rốt-tốp, thuộc nước Nga, thế kỷ XIX, với những nhân vật có thực, như Hoàng đế Na-pô-lê-ông (Pháp), A-lếch-xan (Nga) và vị tướng lừng danh Ku-tu-dốp...
Nhiều nhà văn viết tiểu thuyết ngắn, chừng vài ba trăm trang, ít có tiểu thuyết dài từ dăm trăm trang trở lên, hoặc các bộ tiểu thuyết. Đối với tiểu thuyết lịch sử và trường ca thì không thể quá ngắn được. Vấn đề đặt ra, nhiều người viết dài thường đuối về sau, bộc lộ bút lực chưa dồi dào, kiến văn thiếu phong phú. Phần đông tác giả có thể viết rất nhiều bài thơ, thậm chí xuất bản nhiều tập thơ, nhưng viết trường ca thì chưa. Nếu trong văn xuôi, tiểu thuyết được ví như cỗ đại bác, thì trong thơ, có thể coi trường ca là binh chủng hợp thành. Dung lượng lớn của tiểu thuyết và trường ca giúp cho nhà văn có đất rộng rãi, để tổ chức tác phẩm với chiều kích lớn. Tôi thiển nghĩ, đã là nhà văn thì nên có tiểu thuyết và đã làm thơ thì cần viết trường ca. Chỉ có tiểu thuyết và trường ca mới vắt kiệt cùng bút lực tác giả, và như vậy, nền văn chương đất nước mới vạm vỡ, sinh sôi.
Nhà văn Hoàng Quốc Hải viết bộ tiểu thuyết Bão táp Triều Trần, thực đồ sộ; gồm 6 quyển, ngót ba nghìn trang. Để thấy sức làm việc của một nhà văn già, tôi xin mạn phép lấy số liệu so sánh: một hội văn nghệ địa phương, với chừng dăm chục hội viên chuyên ngành văn học, viết 30 năm, xuất bản 150 cuốn sách, tổng cộng số trang in cũng chỉ gấp đôi bộ tiểu thuyết Bão táp Triều Trần).
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh viết tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly, hơn 800 trang. Tác giả viết về các nhân vật như kiểu những "Bức tranh tứ bình", hết nhân vật này mới chuyển sang nhân vật khác. Đó cũng là cách viết lạ, nhưng dễ lặp lại sự kiện. Ví dụ, vua Trần Nghệ Tôn đã chết ở phần IV, nhưng rồi lại xuất hiện ở các phần sau, vì các nhân vật tiếp nối đều có liên quan. Theo tôi, viết tiểu thuyết lịch sử theo lát cắt ngang thời gian (đồng hiện), thì tiện lợi hơn viết theo lối bổ dọc.
Đây là một cuốn tiểu thuyết rất đáng chú ý, nhưng tôi còn phân vân về tên tác phẩm. Tuy mang tên Hồ Quý Ly, nhưng thực ra mới đề cập được một phần ba cuộc đời nhân vật mà thôi. Hồ Quý Ly gồm ba vấn đề chính: một- tiếm ngôi nhà Trần; hai- chính sách chấn hưng cải cách; và ba- chuyện mất nước rồi bị đi đày hải ngoại. Nhưng tác phẩm lại kết thúc ở Hội thề Đốn Sơn. Như thế, chưa thấy chính sách cải cách và chuyện mất nước bị lưu đày. Người đời đề cao vai trò của Hồ Quý Ly chính là cải cách kia mà? Có thể, phải thêm hai tập nữa, mới thỏa mãn tên tác phẩm chăng? Hơn nữa, phần đầu tác phẩm lại viết nặng về nhà Trần, phần sau hụt hẫng về nhà Hồ. Nếu chỉ viết về một phần cuộc đời nhân vật, thì có thể lấy tên tác phẩm là Hội thề núi Đún, chẳng hạn. (Núi Đún tức Đốn Sơn). Tất nhiên, tôi rất khâm phục lão nhà văn với nhiều tác phẩm nổi tiếng; trong đó, tôi được nhà văn gửi tặng cuốn Đội gạo lên chùa...
2/ Đổi mới tư duy phải đồng bộ:
Nhà văn thì trăn trở đổi mới tư duy tiểu thuyết, nhưng nhà quản lý, nhà xuất bản có ủng hộ không, hay đang xiết chặt lại? Nếu không có sự đồng bộ, tác phẩm sẽ bị đắp chiếu, thậm chí nhà văn còn dính hệ lụy khôn lường. Thực tế, xã hội mới dừng ở mức đổi mới tư duy kinh tế, mà chưa đụng đến đổi mới tư duy chính trị, nên nhà văn dù có bứt phá thì cũng bị câu thúc. Tôi nói "nhà quản lý" là ở phạm vi rộng, kể cả các cơ quan chức năng liên quan. Có câu chuyện cũ, nhưng còn mang tính thời sự, cần phải nhắc lại. Đó là, nhà văn sợ nhất những "chú gà" cứ ngỡ mình là "hạt thóc"...
Như vậy, đổi mới phải là sự chuyển mình của cả một hệ thống. Sự chuyển biến đó thường nặng nề và chậm chạp. Vậy, nhà văn phải đi tiên phong, chí ít là trong lĩnh vực văn chương? Tiểu thuyết viết ra như một hồi chuông cảnh báo, hay là một đốm sáng soi chiếu trên con đường phát triển của đất nước?
Một hôm, thấy VTV1, tường thuật Lễ trao Huân chương Sao vàng cho Hội Nhà văn Việt Nam, đại diện ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu, từ nay, các nhà văn sáng tác không cần phải tự biên tập nữa. Nếu được như vậy, tác phẩm của chúng ta sẽ sớm hội nhập thế giới, thỏa lòng mong ước bấy lâu nay.
3/ Tôi mới viết được hai cuốn tiểu thuyết lịch sử và đang viết cuốn thứ ba:
- Chúa Bầu, Nxb Quân đội nhân dân, năm 2006, ngót 500 trang; viết về hai anh em ruột Khánh Dương Hầu Vũ Văn Uyên và Gia quốc Công Vũ Công Mật, "phò Lê cự Mạc", vùng Tây Bắc, thế kỷ XVI.
- Đinh Tiên Hoàng, Nxb Công an nhân dân, năm 2018, hơn 500 trang; viết về Đinh Hoàn thôn tính 12 sứ quân, lập nước Đại Cồ Việt, xưng đế, thế kỷ X.
- Từ năm 2014 tôi bắt tay sưu tầm, phân tích tư liệu, để viết viết cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ ba, Võ Nguyên Giáp; viết về vị tướng được mệnh danh là "Người anh cả của Quân đội nhân dân", nhưng lại có óc canh tân đất nước, thuộc thế kỷ XX-XXI. Tất thảy chừng 400 nhân vật và tên người liên quan. Hầu hết các nhân vật đều mang tên thật, chỉ có vài nhân vật phải đổi tên và hơn chục nhân vật gọi tên theo nghề nghiệp cho đỡ phức tạp; Sau khi làm Biên niên sự kiện hơn 100 năm cuộc đời nhân vật trung tâm, đến khi viết lại xé ra, bằng thủ pháp: hồi ức, phục bút, bỏ ngỏ... Tác phẩm đa chiều, để ngỏ cho người đọc cùng tham gia sáng tạo. Qua đó, họ có thể đặt thêm giả thuyết, hoặc có cách xử lý tình huống khác với tác giả. Cuốn này, dự định đến 2020 hoàn thành.
Đã có nhiều tác phẩm viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thuộc nhiều thể loại, nhưng chưa có cuốn tiểu thuyết lịch sử nào. Duy cuốn Không phải huyền thoại của Nhà văn Hữu Mai, được ghi trên bìa 1: "Tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ". Nhưng theo tôi hiểu, đó là cuốn tiểu thuyết tư liệu, viết theo phương pháp Hiện thực Xã hội chủ nghĩa, phản ánh về cuộc kháng chiến chống Pháp, hay còn gọi là cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ Nhất; trong đó, Đại tướng đóng vai trò quan trọng.
Tuy mỗi thể loại có đặc điểm, cấu trúc khác nhau, nhưng thực ra, sự phân chia thể loại cũng chỉ là tương đối mà thôi. Chiến tranh và Hòa bình là một thiên anh hùng ca, viết về cuộc chiến tranh vệ quốc, nhưng Nhà văn Lép Tôn-xtôi, tự viết: "Đó không phải tiểu thuyết, cũng không phải trường ca hay sử biên niên. Đó là cái tác giả muốn và có thể diễn tả trong hình thức mà cái đó đã được diễn tả". Về thể loại tác phẩm này, ông ghi dưới tên tác phẩm: "Sáng tác của Bá tước L.N.Tônxtôi".
Tôi nhận thấy, viết tiểu thuyết lịch sử có hai điều khó:
Một là, Sưu tầm tư liệu văn bản, phim ảnh và đi thực địa điền dã thực là gian khổ và tốn kém, nhưng đó lại là điều không thể thiếu đối với người cầm bút. Khi viết Chúa Bầu, tôi đã phải sang vùng Tây Bắc và về quê hương bản quán của nhân vật chính, ở làng Ba Đông (Hạ Trang và Thượng Trang) thuộc huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Viết Đinh Tiên Hoàng, phải đi nghiên cứu bốn mươi địa điểm, liên quan cả mười ba sứ quân, từ Phú Thọ tới Thanh Hóa. Viết Võ Nguyên Giáp, phải khảo sát bảy mươi địa điểm từ Cao Bằng đến Sài Gòn, thăm hai chục nhà bảo tàng, khu di tích, nghiên cứu hơn một nghìn đầu tài liệu, sách báo, năm mươi giờ xem phim ảnh, gặp gỡ ba chục nhân chứng. Đồng thời, lập sơ đồ quan hệ các nhân vật, bản đồ trận đánh, vv... Qua đó, có cái nhìn bao quát tổng thể và cũng rộng đường đi sâu các chi tiết liên quan.
Hai là, Sưu tầm tư liệu xong, coi như thành công một nửa, viết cảm thấy tự tin và chắc tay. Dù sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, song khi viết, tôi luôn tạo ra không khí sáng tác hoàn toàn tự do. Bởi vậy, có nhiều chuyện phức tạp, dù nhọc công viết ra, nhưng biết chắc là chưa thể in, hoặc không được in. Vậy, phải xử lý sao đây? Với tiểu thuyết lịch sử, không phải mọi sự thật đều được viết ra, và cũng không phải, mọi điều viết ra đều là sự thật. Tuy nhiên, dù ngòi bút có thăng hoa đến mức nào đi nữa, thì cũng không được viết sai lệch bản chất lịch sử. Sự thật lịch sử không chỉ nằm trong sách giáo khoa, mà tồn tại khách quan trong xã hội, có khi ẩn hiện đâu đó, khiến người cầm bút phải tìm tòi, suy ngẫm.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: Lịch sử chỉ xảy ra một lần, nhưng có thể phải viết đi viết lại nhiều lần. Do đó, cùng một vấn đề, mỗi tác giả có cách xử lý khác nhau, dẫn đến những nội dung tiểu thuyết khác nhau.
Tôi nghĩ, một cuốn tiểu thuyết lịch sử thành công, là do nhà văn sáng tạo một nửa, phần còn lại thuộc về các nhà phê bình và độc giả. Những không gian mở, tư tưởng khai phóng, với thế giới đa chiều, đó là tư duy của tiểu thuyết hội nhập văn chương nhân loại...
Thành phố Tuyên Quang, 2/2018
VXT

Phần nhận xét hiển thị trên trang

TRUNG QUỐC ĐÃ COI THƯỜNG NHỮNG KỲ VỌNG CỦA HOA KỲ NHƯ THẾ NÀO?



 TBT Nhiều nhà phân tích cho thấy Trung Quốc nhiều lần làm đảo lộn kỳ vọng cua r Hoa Kỳ: (1) Sau Thế chiến 2, đặc phái viên George Marshall,  mối lái hòa bình bất thành giữa Quốc dân đảng và Cộng sản; (2) Trong chiến tranh Triều Tiên, chính phủ Truman thất bại trong việc ngăn chặn quân đội Mao Trạch Đông vượt qua sông Áp Lục,  biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Hàn, (3) Trong chiến tranh Việt Nam, chính phủ Johnson thì tin rằng Bắc Kinh sẽ cố tránh dính dáng vào cuộc chiến; (4) Năm 1967, Nixon đã viết trên tạp chí Foreign Affairs: “Thế giới không thể an toàn cho đến khi Trung Quốc thay đổi. Vì vậy mục tiêu của chúng tôi, ở mức độ mà chúng tôi có thể tác động đến các sự kiện, là đem lại sự thay đổi đó”, nhưng cả Nixon và Henry Kissinger đều đã lầm….
  Kurt Campbell & Ely Ratner có viết bài phân tích The China reckoning đăng trên Foreign Affairs, March/April 2018. khá sâu sắc sau đây
TÍNH LẠI VỀ TRUNG QUỐC (How Beijing Defied American Expectations)
Tác giả Kurt M. Campbell và Ely Ratner  Dịch giả Huỳnh Hoa
  Hoa Kỳ luôn luôn có một ý thức quá lớn về khả năng của mình trong việc quyết định con đường đi của Trung Quốc. Hết lần này đến lượt khác, các tham vọng của Hoa Kỳ đều tan vỡ như bọt nước.
   Sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, George Marshall, đặc phái viên Hoa Kỳ tại Trung Quốc, hy vọng được làm mối lái cho một nền hòa bình giữa phe Quốc dân đảng và phe Cộng sản trong cuộc nội chiến Trung Hoa. Trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên, chính phủ Truman nghĩ rằng Mỹ có thể ngăn chặn được bộ đội của Mao Trạch Đông vượt qua sông Áp Lục [biên giới giữa Trung Quốc và Bắc Hàn]. Chính phủ Johnson thì tin Bắc Kinh cuối cùng sẽ cố tránh dính dáng vào Việt Nam. Trong mỗi trường hợp này, thực tế của Trung Quốc đã làm đảo lộn mọi kỳ vọng của Hoa Kỳ.
Với sự kiện tổng thống Richard Nixon mở cửa với Trung Quốc, Washington đã làm cú đặt cược lớn nhất và lạc quan nhất. Cả Nixon và Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia của ông ta, đều cho rằng cuộc hòa giải này sẽ chêm một cái nêm vào giữa Bắc Kinh và Mạc Tư Khoa và làm thay đổi quan niệm của Trung Quốc về lợi ích của họ khi tiến gần hơn tới Hoa Kỳ. Vào mùa thu năm 1967, Nixon đã viết trên tạp chí Foreign Affairs: “Thế giới không thể an toàn cho đến khi Trung Quốc thay đổi. Vì vậy mục tiêu của chúng tôi, ở mức độ mà chúng tôi có thể tác động đến các sự kiện, là đem lại sự thay đổi đó”. Kể từ ngày ấy, chiến lược của Hoa Kỳ luôn đặt trên nền tảng là cái giả thuyết: làm sâu sắc hơn các mối quan hệ thương mại, ngoại giao và văn hóa sẽ có tác dụng làm thay đổi sự phát triển nội bộ của Trung Quốc và cách hành xử của nước này với bên ngoài. Ngay trong giới chính sách Hoa Kỳ những người mang nỗi hoài nghi về ý định của Trung Quốc cũng chia sẻ cái niềm tin tiềm ẩn rằng sức mạnh và vị thế bá chủ của Hoa Kỳ có thể dễ dàng uốn nắn Trung Quốc theo sở thích của Washington.
Nửa thế kỷ đã trôi qua từ những bước đi đầu tiên của Nixon hướng tới tái lập tình hữu nghị Trung-Mỹ, đã có các bằng chứng ngày càng rõ ràng rằng Washington một lần nữa lại đặt quá nhiều niềm tin vào sức mạnh của mình trong việc định hình con đường phát triển của Trung Quốc. Tất cả mọi phe trong cuộc tranh luận chính sách này đều sai: cả những người ủng hộ thương mại tự do và các nhà tài chính từng tiên đoán về sự cởi mở tất yếu và ngày càng tăng ở Trung Quốc; những người ủng hộ hội nhập từng cho rằng các tham vọng của Bắc Kinh sẽ được thuần hóa nhờ sự tương tác rộng lớn hơn với cộng đồng quốc tế; và cả những chính trị gia diều hâu từng tin rằng, sức mạnh của Trung Quốc có thể bị làm cho cùn nhụt bởi tính ưu việt vĩnh cửu của Hoa Kỳ.
Không có cây gậy hoặc củ cà rốt nào có tác động tới Trung Quốc như dự kiến. Những mối ràng buộc về ngoại giao và thương mại đã không mang lại được sự cởi mở về chính trị và kinh tế ở Trung Quốc. Cả sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ cũng như cán cân lực lượng khu vực đều không ngăn cản được Bắc Kinh tìm cách thay thế những thành phần cốt lõi của một hệ thống do Hoa Kỳ dẫn dắt. Và cái trật tự tự do quốc tế cũng đã thất bại trong việc thu hút hoặc ràng buộc Trung Quốc một cách mạnh mẽ như đã từng kỳ vọng. Thay vì vậy, Trung Quốc đã đi theo con đường của riêng mình, và chứng tỏ hàng loạt kỳ vọng của Hoa Kỳ cho tiến trình này là hoàn toàn sai lầm.
Thực tế ấy đặt cơ sở hợp lý để biện minh cho sự “nghĩ lại tỉnh táo” về đường lối của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc. Có rất nhiều rủi ro đi kèm với một sự đánh giá lại như vậy; những người bảo vệ cho khuôn khổ hiện hành cảnh báo về một sự mất ổn định trong quan hệ song phương, hoặc khả năng kích hoạt một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Nhưng công cuộc xây dựng một cách tiếp cận và một mối quan hệ vững mạnh hơn, bền vững hơn với Bắc Kinh đòi hỏi phải thật sự thành thực về nhiều giả định căn bản đã biến thành sai lầm như thế nào. Từ bên này sang bên kia phổ ý thức hệ, cộng đồng chính sách ngoại giao Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đầu tư sâu rộng vào những kỳ vọng về Trung Quốc – về đường lối của nước này với kinh tế, chính sách đối nội, an ninh và trật tự thế giới – ngay cả khi đã tích lũy được rất nhiều bằng chứng chống lại các kỳ vọng ấy. Những chính sách xây dựng trên kỳ vọng đã thất bại trong việc thay đổi Trung Quốc ngay trong cách mà chúng ta dự tính hoặc hy vọng.
SỨC MẠNH CỦA THỊ TRƯỜNG
Sự tương tác thương mại rộng lớn hơn với Trung Quốc được giả định sẽ mang lại cuộc giải phóng nền kinh tế Trung Quốc, từng bước một nhưng đều đặn. Chiến lược An ninh quốc gia năm 1990 của tổng thống Mỹ George H.W. Bush [Bush cha]miêu tả các quan hệ được nâng cao với thế giới là “cốt yếu cho triển vọng của Trung Quốc giành lại con đường cải cách kinh tế”. Lối suy nghĩ này chiếm ưu thế trong nhiều thập niên. Nó dẫn dắt các quyết định của Mỹ trong việc cấp cho Trung Quốc quy chế thương mại tối huệ quốc (MFN) trong thập niên 1990, ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001, thiết lập đối thoại kinh tế cấp cao năm 2006 và đàm phán một hiệp định đầu tư song phương dưới thời tổng thống Barack Obama.
“Thương mại hàng hóa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bùng nổ, từ mức dưới 8 tỉ USD năm 1986 lên mức hơn 578 tỉ USD năm 2016”
Thương mại hàng hóa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bùng nổ, từ mức dưới 8 tỉ USD năm 1986 lên mức hơn 578 tỉ USD năm 2016, tăng hơn 30 lần sau khi đã điều chỉnh theo lạm phát. Tuy nhiên, từ những ngày đầu tiên của thế kỷ này, công cuộc tự do hóa kinh tế của Trung Quốc đã dừng lại. Trái với những kỳ vọng của phương Tây, Bắc Kinh đã đầu tư gấp đôi vào mô hình tư bản nhà nước ngay cả khi họ đã trở nên giàu có hơn. Thay vì trở thành một lực lượng thúc đẩy sự cởi mở rộng lớn, mức tăng trưởng kinh tế liên tục đã phục vụ cho sự chính danh hóa quyền cai trị của đảng Cộng sản Trung Quốc và mô hình kinh tế do nhà nước dẫn dắt của nước này.
Các quan chức Hoa Kỳ tin rằng, nợ nần, sự kém hiệu quả và nhu cầu của một nền kinh tế tiến bộ hơn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những cải cách sâu rộng ở Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc cũng nhận ra những vấn đề trong đường lối của họ; năm 2007 thủ tướng Ôn Gia Bảo đã gọi nền kinh tế Trung Quốc là “không ổn định, không thăng bằng, không kết nối và không bền vững”. Nhưng thay vì mở cửa đất nước cho cuộc cạnh tranh lớn hơn thì với ý đồ duy trì quyền kiểm soát nền kinh tế, đảng Cộng sản Trung Quốc lại củng cố khối doanh nghiệp nhà nước và theo đuổi những chính sách công nghiệp nhắm tới việc thúc đẩy các tập đoàn hàng đầu về công nghệ quốc gia trong các lĩnh vực thiết yếu, bao gồm cả hàng không không gian, y sinh học và robotics (đáng chú ý là kế hoạch “Made in China 2025”). Và bất chấp những lời hứa hẹn cứ nhắc đi nhắc lại, Bắc Kinh vẫn luôn chống lại áp lực từ Washington và nhiều thủ đô khác đòi Trung Quốc phải tạo lập một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài. Trung Quốc đã hạn chế quyền tiếp cận thị trường và buộc các doanh nghiệp không phải Trung Quốc phải ký kết những hợp đồng liên doanh và chia sẻ công nghệ, trong khi họ vẫn tuồn vốn đầu tư và trợ cấp cho những công ty nội địa được nhà nước hậu thuẫn.
Cho tới gần đây, phần lớn các nhà hoạch định chính sách và quản lý doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn ngầm chấp nhận một sự phân biệt đối xử như vậy; những lợi ích thương mại tiềm tàng thì lớn đến mức họ cho rằng sẽ là không khôn ngoan khi đảo lộn mối quan hệ hiện hành bằng những chính sách bảo hộ thị trường hoặc cấm vận thương mại. Thay vì vậy, họ đấu tranh quyết liệt để giành những sự nhượng bộ nhỏ nhoi, từng chút một. Nhưng giờ đây, những gì có thời được coi chỉ là những thất bại ngắn hạn trong việc làm ăn với Trung Quốc đã trở thành những nỗi thất vọng thường trực và tai hại hơn nhiều. Năm ngoái Phòng Thương mại Hoa Kỳ báo cáo cứ 10 doanh nghiệp Mỹ thì có 8 đơn vị cảm thấy ít được hoan nghênh ở Trung Quốc so với những năm trước, và khoảng 60 phần trăm số doanh nghiệp được hỏi ý kiến có rất ít hoặc không có niềm tin rằng Trung Quốc sẽ mở cửa thị trường nhiều hơn trong vòng ba năm tới. Những cơ chế tự nguyện và hợp tác để thúc đẩy mở cửa nền kinh tế Trung Quốc nhìn chung đã thất bại, kể cả cơ chế Đối thoại Kinh tế toàn diện mới được chính phủ của ông Trump khai trương.
MỆNH LỆNH CỦA TỰ DO HÓA
Tăng trưởng kinh tế được giả định sẽ không chỉ mang lại sự cởi mở kinh tế rộng hơn mà cả sự tự do hóa chính trị. Lối tư duy này cũng cho rằng, sự phát triển sẽ kích hoạt một chu kỳ thuận lợi; một tầng lớp trung lưu mới manh nha sẽ đòi hỏi những quyền lợi mới và các quan chức thực dụng sẽ chấp nhận các cải cách tư pháp cần thiết để tiến xa hơn. Cuộc tiến hóa này dường như là điều chắc chắn sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ và các cuộc chuyển hóa dân chủ diễn ra ở Đài Loan và Nam Hàn. “Không quốc gia nào trên trái đất này tìm ra được một con đường nhập cảng hàng hóa và dịch vụ của thế giới trong khi vẫn ngăn chặn các ý tưởng nước ngoài tại biên giới của mình”, ông George H. W. Bush tuyên bố như vậy. Chính sách của Hoa Kỳ nhắm tạo thuận lợi cho tiến trình này bằng cách chia sẻ công nghệ, đẩy mạnh thương mại và đầu tư, hỗ trợ giao lưu nhân dân và tiếp nhận hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc vào các trường đại học Mỹ.
Vụ đàn áp những người biểu tình đòi dân chủ ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989 đánh tan niềm hy vọng về sự trỗi dậy của nền dân chủ đại diện ở Trung Quốc. Nhưng nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách của Hoa Kỳ vẫn kỳ vọng chính phủ Trung Quốc sẽ cho phép thực thi quyền tự do báo chí rộng rãi hơn, cho phép xã hội dân sự mạnh mẽ hơn trong khi dần dần chấp nhận cạnh tranh chính trị nhiều hơn cả bên trong đảng Cộng sản lẫn ở cấp địa phương. Họ tin rằng, cuộc cách mạng công nghệ thông tin của thập niên 1990 sẽ khuyến khích những xu hướng như vậy bằng cách giúp công dân Trung Quốc tiếp xúc nhiều hơn với thế giới bên ngoài và nâng cao những phần thưởng kinh tế cho việc mở cửa. Như tổng thống Bill Clinton có lần nói, “Không có tự do đầy đủ để suy nghĩ, để truy vấn và để sáng tạo, Trung Quốc sẽ rơi vào một tình thế bất lợi rõ ràng khi cạnh tranh với các xã hội hoàn toàn mở trong kỷ nguyên thông tin, trong đó nguồn lực lớn lao nhất của tài sản quốc gia là những gì nằm bên trong đầu óc của con người”. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh sẽ dần dần nhận ra rằng chỉ bằng cách chấp nhận tự do cá nhân thì Trung Quốc mới có thể thịnh vượng trong một tương lai công nghệ cao.
Nhưng nỗi lo sợ rằng sự cởi mở rộng hơn có thể đe dọa cả sự ổn định quốc nội và sự sống còn của chế độ đã thôi thúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc tìm kiếm một con đường thay thế. Họ coi cả hai cú sốc biến cố Quảng trường Thiên An Môn và biến cố Liên xô sụp đổ như là bằng chứng của những mối hiểm nguy mà công cuộc dân chủ hóa và cạnh tranh chính trị mang lại. Và thế là, thay vì chấp nhận những chu kỳ tích cực của công cuộc cởi mở, Bắc Kinh lại phản ứng chống lại các lực lượng toàn cầu hóa bằng cách dựng lên những bức tường và siết chặt quyền kiểm soát của nhà nước, thui chột thay vì tăng cường dòng chảy tự do của người dân, của ý tưởng và hoạt động thương mại. Những áp lực bổ sung lên chế độ của Trung Quốc trong thế kỷ này – bao gồm một sự giảm tốc về kinh tế, bệnh tham nhũng đặc hữu của chính quyền và quân đội, cũng như những trường hợp đáng ngại về sự nổi dậy của dân chúng ở khắp nơi trên thế giới – đã kích thích thêm chứ không làm giảm đi chế độ chuyên chế độc tài.
Thật vậy, những biến cố trong thập niên vừa qua đã phá hỏng những niềm hy vọng khiêm tốn nhất về tự do hóa chính trị ở Trung Quốc. Năm 2013, một chỉ thị nội bộ của đảng Cộng sản Trung Quốc, được biết tới như là Tài liệu số 9, cảnh cáo thẳng thừng rằng, “chế độ dân chủ hiến định phương Tây” và các “giá trị phổ quát” khác là những bức bình phong che giấu ý đồ làm suy yếu, mất ổn định, thậm chí làm tan rã nước Trung Quốc. Chỉ thị đó chứng tỏ rằng hố ngăn cách giữa những kỳ vọng của Hoa Kỳ với kỳ vọng của Trung Quốc về tương lai chính trị của nước này đang mở rộng ra rất nhanh. Như Orville Schell, một chuyên gia về Trung Quốc hàng đầu của Mỹ, nhận xét: “Trung Quốc chắc chắn đang trượt lùi vào một bầu không khí chính trị gợi nhớ tới ông Mao Trạch Đông trong thập niên 1970 hơn là ông Đặng Tiểu Bình của thập niên 1980”. Ngày nay, cuộc đàn áp đang diễn ra với các nhà báo, các lãnh tụ tôn giáo, người hoạt động xã hội và các luật sư nhân quyền không có dấu hiệu giảm xuống – chỉ trong năm 2015 đã có hơn 300 luật sư, người trợ giúp pháp lý và người hoạt động xã hội bị giam giữ.
“Công nghệ thông tin đã giúp tăng cường bàn tay của nhà nước, giúp nhà cầm quyền Trung Quốc kiểm soát dòng chảy thông tin và giám sát hành vi của công dân.”
Công nghệ thông tin, thay vì giúp chuyển giao quyền lực cho nhân dân Trung Quốc như ở nhiều nước phương Tây, lại giúp tăng cường bàn tay của nhà nước, giúp nhà cầm quyền Trung Quốc kiểm soát dòng chảy thông tin và giám sát hành vi của công dân. Kiểm duyệt, giam cầm, và một bộ luật an ninh mạng mới trao cho chính quyền quyền kiểm soát rộng rãi mạng Internet ở Trung Quốc, ngăn cản hoạt động chính trị bên trong “Vạn lý hỏa thành” (Great Firewall) của Trung Quốc. Giờ đây chế độ chuyên chế thế kỷ 21 của Trung Quốc còn triển khai cả một “hệ thống tín nhiệm xã hội”, sử dụng nguồn dữ liệu lớn (big data) kết hợp với trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence) để khen thưởng hay trừng phạt công dân Trung Quốc dựa vào hoạt động chính trị, thương mại, xã hội và hoạt động trực tuyến của họ. Ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, kết hợp với mạng lưới máy quay phim theo dõi phủ khắp Trung Quốc, đã giúp cho nhà nước có thể xác định vị trí của bất kỳ người dân nào chỉ trong vài phút đồng hồ.
NGĂN CHẶN VỊ THẾ HÀNG ĐẦU
Sự kết hợp giữa ngoại giao Hoa Kỳ với sức mạnh quân sự Hoa Kỳ – củ cà rốt và cây gậy – được giả định sẽ thuyết phục Bắc Kinh rằng Trung Quốc sẽ không thể và không cần thiết phải thách thức cái trật tự về an ninh do Hoa Kỳ dẫn dắt ở châu Á. Washington đã “thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia của Trung Quốc vào các cơ chế an ninh khu vực để trấn an các quốc gia láng giềng và làm dịu mối quan ngại về an ninh của chính mình”, Chiến lược An ninh quốc gia năm 1995 của chính phủ Clinton xác định như vậy và được hỗ trợ bằng những mối quan hệ giữa quân đội với quân đội cùng nhiều biện pháp xây dựng lòng tin khác. Những phương thức giao kết này được kết hợp với một “hàng rào an toàn” – gia tăng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ trong khu vực, được hỗ trợ bởi các đối tác và đồng minh có năng lực. Lối suy nghĩ này cho rằng, tác động của đường lối này là để làm nguội cuộc cạnh tranh quân sự ở châu Á và kiềm chế tham vọng của Trung Quốc trong việc thay đổi trật tự khu vực. Bắc Kinh sẽ hài lòng chấp nhận một mức độ đủ về quân sự, xây dựng lực lượng vũ trang cho những sự kiện bất ngờ hạn hẹp ở khu vực và dành phần lớn nguồn lực cho các nhu cầu nội địa.
Lập luận này giả định rằng, Trung Quốc sẽ tập trung vào cái mà họ tự mô tả là “cửa sổ cơ hội chiến lược” cho công cuộc phát triển ở trong nước với rất nhiều thách thức về kinh tế và xã hội xâm chiếm sự quan tâm của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách và các học giả Hoa Kỳ cũng giả định rằng Trung Quốc đã học được bài học quý báu từ Liên xô về cái giá khủng khiếp phải trả cho việc tham gia chạy đua vũ trang với Hoa Kỳ. Như vậy, Washington không chỉ có thể ngăn cản hành động xâm lăng của Trung Quốc mà còn có thể – dùng từ của Ngũ giác đài – “can ngăn” Trung Quốc đừng thử cạnh tranh với Hoa Kỳ. Zalmay Khalilzad, một quan chức trong cả hai chính phủ Reagan và Bush, lập luận, một Hoa Kỳ ở vị thế thống trị có thể “thuyết phục giới lãnh đạo Trung Quốc rằng một thách thức như vậy sẽ rất khó khăn khi chuẩn bị và hết sức rủi ro khi theo đuổi”. Hơn thế nữa, vẫn không rõ là liệu Trung Quốc có thể thách thức vị thế hàng đầu của Hoa Kỳ cho dù họ muốn vậy hay không. Vào cuối thập niên 1990, quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) được coi là vẫn đi sau quân đội Hoa Kỳ và quân đội các nước đồng minh nhiều thập kỷ.
Trong bối cảnh như vậy, các quan chức Hoa Kỳ luôn giữ sự thận trọng đáng kể để không bị vấp vào một cuộc chạm trán với Trung Quốc. Nhà khoa học chính trị Joseph Nye giải thích lối suy nghĩ này khi ông phụ trách văn phòng châu Á của Ngũ giác đài dưới thời chính phủ Clinton: “Nếu chúng ta đối đãi với Trung Quốc như kẻ thù, chúng ta chắc chắn sẽ có kẻ thù trong tương lai. Còn nếu chúng ta đối đãi với Trung Quốc như bạn bè, chúng ta không chắc có được tình bạn, nhưng ít ra chúng ta cũng để ngỏ khả năng có thêm nhiều kết quả tốt lành”. Trong cuộc điều trần trước quốc hội để được xem xét phê chuẩn làm bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ hồi tháng 1-2001, ông Colin Powell nói rằng: “Trung Quốc không phải là kẻ thù và thách thức của chúng ta là giữ cho họ không biến thành kẻ thù”.
Ngay cả khi Bắc Kinh bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào quân đội bằng nguồn của cải mà họ mới tích lũy được, chính phủ Trung Quốc vẫn tìm cách trấn an Washington; tỏ dấu hiệu cho thấy họ vẫn tiếp tục gắn bó với con đường chính sách ngoại giao ôn hòa, thận trọng mà ông Đặng đã vạch ra. Năm 2005, quan chức cao cấp của đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Trương Tất Kiên (Zhang Bijian) đã viết trên tạp chí Foreign Affairs rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ tìm kiếm quyền bá chủ khu vực mà vẫn duy trì cam kết “trỗi dậy hòa bình”. Năm 2011, sau một cuộc tranh luận sôi nổi trong các nhà lãnh đạo Trung Quốc về chuyện liệu đã đến lúc “sang số” chưa, ông Đới Bỉnh Quốc (Dai Bingguo), ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc, khẳng định với thế giới rằng “phát triển hòa bình là lựa chọn chiến lược mà Trung Quốc đã thực hiện”. Bắt đầu từ năm 2002, bộ quốc phòng Hoa Kỳ được quốc hội ủy quyền đã soạn thảo báo cáo hàng năm về quân đội Trung Quốc, nhưng có một sự đồng thuận trong các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ rằng Trung Quốc vẫn tiếp tục là một thách thức xa xôi và có thể quản lý được.
“Đối với Bắc Kinh, khối đồng minh của Mỹ và sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở châu Á đặt ra những mối đe dọa không thể chấp nhận cho lợi ích của Trung Quốc”.
Tuy nhiên quan điểm đó đã đánh giá không đúng mức thực trạng giới lãnh đạo Trung Quốc vừa đầy tham vọng vừa đồng thời bất an như thế nào. Đối với Bắc Kinh, khối đồng minh của Mỹ và sự hiện diện của quân đội Hoa Kỳ ở châu Á đặt ra những mối đe dọa không thể chấp nhận đối với lợi ích của Trung Quốc ở Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, biển Hoa Đông và biển Đông. Theo lời của Vương Cát Tư (Wang Jisi), giáo sư Đại học Bắc Kinh, thì “ở Trung Quốc, mọi người đều tin chắc rằng… Washington sẽ cố gắng ngăn cản các cường quốc đang nổi lên, đặc biệt là Trung Quốc, thực hiện các mục tiêu và nâng cao vị thế của họ”. Vì thế Trung Quốc đã bắt đầu phá hủy dần dần cái trật tự an ninh do Hoa Kỳ dẫn dắt ở châu Á, phát triển những khả năng [quân sự] để ngăn chặn sự tiếp cận của quân đội Hoa Kỳ tới khu vực này, và ly gián hoặc gây chia rẽ Washington với các đồng minh.
Cuối cùng, cả sức mạnh quân sự lẫn nỗ lực giao kết ngoại giao của Hoa Kỳ đều không can ngăn được Trung Quốc xây dựng một đội quân đẳng cấp thế giới của riêng mình. Những cuộc phô diễn công nghệ cao của lực lượng Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh Iraq và nhiều nơi khác chỉ có tác dụng thúc đẩy nhanh hơn những nỗ lực hiện đại hóa PLA của Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động những kế hoạch cải cách quân đội nhằm làm cho các lực lượng vũ trang của Trung Quốc có sức sát thương hơn, có khả năng phóng chiếu sức mạnh quân sự rất xa ngoài bờ biển Trung Quốc. Với chiếc hàng không mẫu hạm thứ ba đang được xây dựng, với những căn cứ quân sự tân tiến mới được lập trên các đảo ở biển Đông và với căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài được lập ở Djibouti (châu Phi), Trung Quốc đang trên đường trở thành một đối thủ quân sự bằng vai phải lứa mà Hoa Kỳ chưa từng nhìn thấy kể từ thời Liên bang Xô viết. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc không còn nhắc lại câu châm ngôn của Đặng Tiểu Bình rằng để phát triển, Trung Quốc cần phải “thao quang dưỡng hối” (che giấu năng lực, chờ đợi thời cơ). Hồi tháng 10-2017, Tập Cận Bình tuyên bố “đất nước Trung Quốc đã đi từ chỗ đứng lên, trở nên giàu có và trở nên hùng mạnh”.
NHỮNG HẠN CHẾ CỦA TRẬT TỰ
Vào cuối cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, Hoa Kỳ xây dựng những thiết chế (institution) và luật lệ góp phần tạo nên cơ cấu chính trị toàn cầu và động lực khu vực ở châu Á. Những quy tắc được chấp nhận rộng rãi, chẳng hạn như tự do thương mại và tự do hàng hải, giải quyết hòa bình các vụ tranh chấp, hợp tác quốc tế để xử lý những thách thức toàn cầu v.v… đã thay thế cho các không gian ảnh hưởng của thế kỷ 19. Lối suy nghĩ thiện chí cho rằng, là người được hưởng lợi nhiều nhất từ cái trật tự tự do quốc tế này, Bắc Kinh chắc hẳn sẽ có phần đóng góp đáng kể vào việc duy trì cái trật tự ấy và coi sự tiếp tục cái trật tự này là hết sức thiết yếu cho tiến bộ của chính Trung Quốc. Chính sách của Hoa Kỳ nhắm khích lệ sự tham gia của Bắc Kinh bằng việc chào đón Trung Quốc vào các thiết chế hàng đầu và làm việc với Trung Quốc về những vấn đề quản trị toàn cầu và an ninh khu vực.
Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ hy vọng rằng, một khi Trung Quốc đã gia nhập các thiết chế đa phương thì Bắc Kinh sẽ học cách chơi theo luật lệ và chẳng bao lâu Trung Quốc sẽ bắt đầu góp phần vào việc duy trì các thiết chế ấy. Thứ trưởng bộ ngoại giao Robert Zoellick trong chính phủ George W. Bush [Bush con] đã kêu gọi Bắc Kinh hãy trở thành một “cổ đông có trách nhiệm” trong hệ thống quốc tế. Từ quan điểm của Washington, quyền lực lớn hơn đi kèm với nghĩa vụ lớn hơn, đặc biệt là vì Trung Quốc đã hưởng lợi rất nhiều từ hệ thống. Như ông Obama đã nhấn mạnh, “Chúng ta kỳ vọng Trung Quốc tôn trọng và bảo vệ chính những luật lệ đã giúp họ thành công”.
Ở một số thiết chế, Trung Quốc có vẻ sẵn sàng đảm nhận trách nhiệm, dù mưa nắng thất thường. Trung Quốc gia nhập tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 1991, Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân năm 1992, Tổ chức Thương mại thế giới năm 2001, và tham gia nhiều nỗ lực ngoại giao quan trọng, kể cả hội nghị 6 bên [Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật, Nam Hàn và Bắc Hàn] và các cuộc đàm phán P5+1 [5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc + Đức] để giải quyết các chương trình vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn và Iran. Trung Quốc cũng trở thành nước đóng góp quan trọng cho các hoạt động chống hải tặc và gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.
Nhưng Bắc Kinh vẫn cảm thấy bị đe dọa bởi các yếu tố trung tâm khác trong cái trật tự do Hoa Kỳ dẫn dắt – và đang ngày càng tìm cách thay thế chúng. Điều đó đặc biệt đúng về những gì mà Trung Quốc coi là những vụ vi phạm không mong muốn về chủ quyền quốc gia của họ do Hoa Kỳ và các đối tác của Hoa Kỳ thực hiện, dù dưới hình thức cấm vận kinh tế hoặc hành động quân sự. Những quy tắc của chủ nghĩa tự do liên quan tới quyền hay trách nhiệm của cộng đồng quốc tế được can thiệp để bảo vệ người dân khỏi những vụ vi phạm nhân quyền chẳng hạn, đã đối chọi trực tiếp với ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là bảo vệ hệ thống chuyên chế khỏi sự can thiệp của nước ngoài. Với một vài ngoại lệ đáng chú ý, Trung Quốc luôn bận rộn với việc làm giảm nhẹ những biện pháp cấm vận đa phương, che chở các chế độ chuyên chế trước sự lên án của phương Tây và kết bè cánh với Nga để ngăn chặn Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc phê chuẩn các hành động can thiệp. Một số chính phủ phi dân chủ – ở Sudan, Syria, Venezuela, Zimbabwe và nhiều nơi khác – đã được hưởng lợi rất nhiều từ sự ngăn chặn này.
Trung Quốc cũng bắt đầu xây dựng một tập hợp các thiết chế quốc tế và khu vực của riêng mình – mà Hoa Kỳ chỉ là kẻ ngoại cuộc đứng ngoài nhìn vào – hơn là làm sâu sắc hơn các cam kết của Bắc Kinh đối với các thiết chế hiện tồn. Bắc Kinh đã khai trương Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), Ngân hàng Phát triển mới (NDB) (cùng với Brazil, Ấn Độ, Nga và Nam Phi) và đáng chú ý nhất, Trung Quốc đã khởi động dự án “Nhất lộ nhất đới” (một vành đai, một con đường) – cái tầm nhìn phi thực tế của ông Tập nhằm xây dựng những tuyến đường bộ và đường hàng hải nối Trung Quốc với phần còn lại của thế giới. Những thiết chế và chương trình này đã trao cho Bắc Kinh tư cách đặt ra nghị trình và tập hợp sức mạnh của riêng mình trong khi bỏ qua các tiêu chuẩn và giá trị được các thiết chế quốc tế hiện hành tôn trọng và tuân thủ. Bắc Kinh công khai phân biệt rõ đường lối phát triển của mình bằng việc lưu ý rằng, không giống như Hoa Kỳ và các cường quốc châu Âu, họ không đòi hỏi các nước nhận viện trợ phải chấp nhận cải cách quản trị quốc gia như là điều kiện để được hỗ trợ.
“Những giả định dẫn dắt chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã có vẻ ngày càng mong manh.”
Trong khi đó, ở khu vực châu Á, Bắc Kinh đã bắt đầu thay đổi cán cân về an ninh, từng chút từng chút làm biến đổi hiện trạng bằng những bước đi đủ nhỏ để tránh kích hoạt một phản ứng quân sự từ Hoa Kỳ. Ở biển Đông, một trong những hải lộ quan trọng nhất của thế giới, Trung Quốc đã khéo léo sử dụng tàu tuần tra biển, chiến tranh pháp lý và cưỡng bức kinh tế để thúc đẩy đòi hỏi chủ quyền của mình. Trong một số trường hợp, Trung Quốc chỉ đơn giản xâm chiếm các vùng lãnh thổ tranh chấp hoặc quân sự hóa các đảo đá nhân tạo. Trong khi Bắc Kinh có lúc thể hiện sự kiềm chế và thận trọng có tính chiến thuật, đường lối chung của Trung Quốc cho thấy họ mong muốn tạo ra một không gian ảnh hưởng hiện đại trên mặt biển.
Vào mùa hè năm 2016, Trung Quốc bỏ qua một phán quyết có tính cột mốc của tòa án quốc tế theo Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển [UNCLOS], theo đó những đòi hỏi quá rộng của Trung Quốc về chủ quyền trên biển Đông là bất hợp pháp xét theo luật quốc tế. Các quan chức Hoa Kỳ đã giả định một cách sai lầm rằng một sự kết hợp nào đó giữa áp lực, sự sỉ nhục và mong muốn của chính Trung Quốc về một trật tự hàng hải căn cứ trên luật lệ sẽ dần dần làm cho Bắc Kinh chấp nhận phán quyết ấy. Nhưng thay vì vậy, Trung Quốc đã bác bỏ thẳng thừng phán quyết của tòa. Tháng 7-2017, một năm sau ngày tòa PCA ban hành phán quyết nói trên, nói chuyện tại một diễn đàn an ninh quốc tế ở Aspen, bang Colorado, một nhà phân tích cao cấp của Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ (CIA) đưa ra kết luận, kinh nghiệm đã dạy cho các nhà lãnh đạo Trung Quốc “rằng họ có thể coi thường luật pháp quốc tế mà vẫn không sao cả”. Các quốc gia trong khu vực, bị ảnh hưởng bởi sự phụ thuộc về kinh tế với Trung Quốc lẫn mối lo ngại ngày càng tăng về cam kết của Hoa Kỳ với châu Á, đã thất bại trong việc phản kháng sự xâm lấn của Trung Quốc chứ không như kỳ vọng của Hoa Kỳ rằng họ sẽ phản kháng mạnh.
KIỂM KÊ LẠI
Khi những giả định dẫn dắt chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ đã có vẻ ngày càng mong manh, khi khoảng cách giữa kỳ vọng của Hoa Kỳ và thực tế tại Trung Quốc ngày càng doãng rộng ra thì Washington lại tập trung phần lớn sự chú ý vào những nơi khác. Từ năm 2001, cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan (jihadist) đã choáng hết tâm trí của bộ máy an ninh quốc gia Hoa Kỳ, lôi kéo sự chú ý ra khỏi những thay đổi ở châu Á đúng vào lúc Trung Quốc thực hiện những bước tiến dài về quân sự, ngoại giao và thương mại. Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush lúc đầu đề cập tới Trung Quốc như là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, nhưng sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9, trong Chiến lược An ninh quốc gia năm 2002 của mình, ông lại tuyên bố, “Các cường quốc của thế giới tự thấy mình đứng về cùng một phía – đoàn kết chống lại những mối hiểm nguy chung của bạo lực và hỗn loạn mà bọn khủng bố gây ra”. Trong thời chính phủ của tổng thống Obama, đã có một nỗ lực “xoay trục” hoặc “tái cân bằng”, chuyển mối quan tâm chiến lược về châu Á. Nhưng đến cuối nhiệm kỳ của tổng thống Obama, ngân sách và nhân lực của Hoa Kỳ vẫn được tập trung chủ yếu cho các khu vực khác – ví dụ, đội ngũ chuyên viên Hội đồng An ninh quốc gia phụ trách khu vực Trung Đông thì đông gấp ba lần đội ngũ phụ trách Đông Á và Đông Nam Á.
Sự sao nhãng chiến lược này đã đem lại cho Trung Quốc cơ hội để tận dụng các lợi thế của mình, và được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bởi cái quan điểm ngày càng phổ biến ở Trung Quốc rằng Hoa Kỳ (cùng với phương Tây nói chung) đang trong tiến trình suy thoái nhanh chóng và không thể lay chuyển được. Các quan chức Trung Quốc nhìn thấy một nước Mỹ trong nhiều năm liền bước đi khập khiễng vì khủng hoảng tài chính toàn cầu, vì những nỗ lực chiến tranh rất tốn kém ở Iraq và Afghanistan và tình trạng rối loạn chức năng ngày càng sâu sắc ở Washington. Ông Tập đã kêu gọi Trung Quốc phải trở thành “một nhà lãnh đạo toàn cầu về phương diện sức mạnh toàn diện của quốc gia và ảnh hưởng quốc tế” vào giữa thế kỷ này. Ông ta khoe khoang mô hình phát triển của Trung Quốc như là “một lựa chọn mới cho các quốc gia khác”.
Giờ đây Washington phải đối mặt với đối thủ cạnh tranh mạnh nhất, năng động nhất trong lịch sử hiện đại. Để xử lý đúng đắn thách thức này, đòi hỏi nước Mỹ phải từ bỏ ngay lối suy nghĩ đầy hy vọng từ lâu đã là đặc điểm của lối tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc. Chiến lược An ninh quốc gia đầu tiên của chính phủ Trump đã tiến một bước theo hướng đúng đắn bằng cách đặt thành nghi vấn những giả định trong chiến lược của Hoa Kỳ trong quá khứ. Nhưng nhiều chính sách của ông Donald Trump – như tập trung chú ý quá hạn hẹp vào thâm hụt thương mại song phương, từ bỏ các hiệp định thương mại đa phương, đặt câu hỏi về giá trị của quan hệ đồng minh, và giáng cấp các chính sách ngoại giao và nhân quyền – đã đặt Washington vào nguy cơ đi theo cách tiếp cận đối đầu mà không cạnh tranh (confrontational without being competitive); trong khi Bắc Kinh theo đuổi đường lối ngày càng cạnh tranh mà không đối đầu.
Khởi điểm cho một lối tiếp cận tốt hơn là Hoa Kỳ cần tỏ ra khiêm tốn về khả năng làm thay đổi Trung Quốc. Nguyên tắc chỉ đạo chiến lược của Hoa Kỳ ở châu Á không phải là tìm cách cô lập và làm suy yếu Trung Quốc, cũng không phải là cố gắng thay đổi Trung Quốc theo hướng tốt hơn. Thay vì vậy, Washington nên tập trung chú ý nhiều hơn vào sức mạnh và cách hành xử của chính mình; sức mạnh và các hành xử của tất cả các đồng minh và đối tác. Xây dựng chính sách trên nền tảng là một tập hợp các giả định có tính hiện thực hơn về Trung Quốc có thể nâng cao lợi ích của Hoa Kỳ và đưa mối quan hệ song phương vào một cơ sở bền vững. Để đạt được điều đó đòi hỏi phải làm việc, nhưng bước đi đầu tiên tương đối đơn giản: Hoa Kỳ cần phải thừa nhận các chính sách của chúng ta đã thất bại trong việc thực hiện các kỳ vọng của chúng ta đến mức nào.
(*) Kurt M. Campbell là chủ tịch Asia Group, nguyên trợ lý bộ trưởng bộ ngoại giao Hoa Kỳ phụ trách vụ Đông Á-Thái Bình Dương trong giai đoạn 2009-2013. Ely Ratner là nhà nghiên cứu cao cấp về nghiên cứu Trung Quốc của Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR), nguyên phó cố vấn an ninh quốc gia của phó tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden giai đoạn 2015-2017.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

HỘI LIM QUAN HỌ BẮC NINH 2018



TBT Hằng năm, vào ngày 13 tháng Giêng, Hội Lim được khai mạc.  Đây là lễ hội lớn đầu năm độc đáo của văn hóa Kinh Bắc, được tổ chức tại thị trấn Lim, xã Liên Bảo, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Đặc sắc nhất của Hội Lim là dân ca Quan họ, một tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ.
 Hội Lim năm nay diễn ra vào ngày 27- 28 / 2 (12, 13 tháng Giêng). Từ sáng ngày 12 tháng Giêng tổ chức dâng hương tại chùa Hồng Ân, lăng Quận Công Nguyễn Đình Diễm trên đồi Lim. Sáng ngày 13 tháng Giêng tổ chức rước sắc từ đình làng Đình Cả sang đình làng Lộ Bao và tế lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống tại các đình, đền, chùa ở các làng thuộc xã Nội Duệ, Liên Bão, thị trấn Lim
[1]http://vietnamnet.vn/vn/giai-tri/di-san-my-thuat-san-khau/hoi-lim-2018-dien-ra-trong-yen-binh-433002.html
[2]http://dantri.com.vn/van-hoa/hang-van-nguoi-ve-dat-quan-ho-tray-hoi-lim-20180228114246147.htm


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Việt Nam vượt cả Triều Tiên khẳng định vị thế trong danh sách cường quốc quân sự thế giới


26.02.2018 - Danh sách sức mạnh quân sự toàn cầu năm 2017 đã được trang Global Firepower công bố, đáng chú ý là Việt Nam đứng thứ 16, vượt qua cả Thái Lan, Úc, thậm chí là Triều Tiên.
Danh sách 25 cường quốc quân sự thế giới năm 2017 được đưa ra với lời khẳng định đánh giá toàn diện sức mạnh quân sự từng quốc gia. Bảng xếp hạng cuối cùng của Global Firepower dựa trên hơn 50 yếu tố để xác định chỉ số sức mạnh Power Index (PwrIndx). 

Chỉ số PwrIndx lý tưởng là 0,0000. Điều đó nghĩa là, một quốc gia hay vùng lãnh thổ có chỉ số PwrIndx càng thấp thì thứ hạng trên bảng xếp hạng càng cao.

Bảng xếp hạng không chỉ đơn giản dựa vào tổng số vũ khí có sẵn ở bất kỳ quốc gia nào mà còn tập trung vào sự đa dạng vũ khí trong tổng số vũ khí cũng như khả năng cân bằng hỏa lực. Vũ khí hạt nhân không được xem xét như một tiêu chí chính thức khi đánh giá sức mạnh quân sự, song vẫn được thêm điểm.

Ngoài ra, bảng xếp hạng năm 2017 được xem xét dựa trên dữ liệu của 133 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo bảng xếp hạng, sức mạnh quân sự của Mỹ đứng thứ nhất, tiếp theo là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Việt Nam đứng thứ 16, ngay sau Israel Chỉ số PwrIndx là 0,3587 với tổng số dân 95.261.021 người, số quân nhân tại ngũ là 5.488.500 người, sở hữu 278 chiếc máy bay cùng với 76 chiếc chiến đấu cơ. Việt Nam cũng có 1.545 chiếc xe tăng, 65 tàu hải quân và ngân sách quốc phòng lên đến 3,4 tỷ USD. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ đứng sau Indonesia (thứ 14).

Bất ngờ là Triều Tiên chỉ đứng thứ 23 trên bảng xếp hạng, sau Thái Lan, Iran và Úc.

Theo: GFP, ĐS&PL
https://vn.sputniknews.com/vietnam/201802264906325-viet-nam-xep-thu-hang-16-danh-sach-cuong-quoc-quan-su-the-gioi/



Việt Nam lọt top 20 nền quân sự mạnh nhất thế giới?
© AFP 2018/ Hoang Dinh Nam
27.04.2017 Trang mạng Global Firepower hôm 25/4 đã công bố bảng xếp hạng chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu mới nhất.




Trong bản báo cáo công bố ngày 1/4/2016, Global Firepower cho biết "điểm PwrIndx" của Việt Nam là 0,3684 — đứng hạng 17. Chỉ số trên của Việt Nam theo dữ liệu mới nhất là 0,3701, giảm nhẹ so với năm 2016 nhưng vị trí của chúng ta lại tăng 1 bậc, lên thứ hạng 16 thế giới.

Đối với các chỉ số thành phần cốt lõi, Việt Nam đứng đầu thế giới về quy mô lực lượng dự bị động viên, xếp thứ 16 về số lượng xe tăng chiến đấu chủ lực, hạng 8 về số lượng pháo xe kéo, thứ 7 về pháo phản lực phóng loạt, hạng 7 về pháo tự hành, thứ 34 về không quân và thứ 37 về sức mạnh hải quân.

Hiện tại chưa rõ có sự thay đổi nào trong công thức tính của tổ chức Global Firepower hay không, tuy nhiên số quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát đã tăng thêm 1, từ 126 lên thành 127.

Vị trí mới của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu được Global Firepower công bố hôm 25/4/2017



 Việt Nam vẫn đứng thứ hai sau Indonesia, quốc gia Vạn Đảo giữ vững thứ hạng 14 tuy rằng điểm PwrIndx của họ bị giảm đôi chút so với năm 2016 (điểm PwrIndx của Indonesia trong năm 2016 là 0,3354).

Quốc gia đứng thứ ba ASEAN về chỉ số sức mạnh quân sự toàn cầu là Thái Lan với điểm PwrIndx là 0,4061; tăng nhẹ so với 0,4068 của năm 2016, nhưng lại bị tụt từ hạng 20 xuống 21.

Điểm đáng chú ý nữa là top 10 năm nay không có sự thay đổi, mặc dù chỉ số của các cường quốc quân sự hàng đầu không đứng yên.

So sánh với năm 2016 (trong ngoặc), điểm PwrIndx của họ lần lượt là: Mỹ 0,0891 (0,0897); Nga 0,0963 (0,0964); Trung Quốc 0,0977 (0,0988); Ấn Độ 0,1663 (0,1661); Pháp 0,2001 (0,1993); Anh 0,2198 (0,2164); Nhật Bản 0,2227 (0,2466); Thổ Nhĩ Kỳ 0,2614 (0,2623); Đức 0,2634 (0,2646); Italy 0,2772 (0,2724).


© AFP 2018/ STRINGER
Niềm tự hào của Việt Nam: Quân đội Nhân dân 72 năm thành lập và phục vụ
18Global Firepower xây dựng điểm PwrIndx dựa trên 50 thông số có ý nghĩa quyết định đến khả năng đương đầu với chiến tranh thông thường, được thu thập từ CIA và các báo cáo truyền thông.

Những yếu tố đó bao gồm tài nguyên, tài chính, sức mạnh Hải — Lục — Không quân, hậu cần, dân số… cho nên dẫn tới một vài nước như Iran (20), Australia (22) hay Triều Tiên (23) không được đánh giá cao.

Tuy nhiên cũng cần nhắc lại một lần nữa là bảng xếp hạng chỉ số sức mạng quân sự toàn cầu của Global Firepower không phải một kênh thông tin chính thống, nó chỉ đơn thuần mang ý nghĩa tham khảo.

Nguồn: Global Firepower, Thời Đại
https://vn.sputniknews.com/vietnam/201704273252053-quan-doi-viet-nam-top-20-manh-nhat-the-gioi-global-firepower/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Bắt Chước Người Việt Nam


Nghe Joe, tên bạn chung sở mời cuối tuần tới nhà hắn ăn sinh nhật đứa con, David tính từ chối vì anh dự định nằm nhà đọc cho xong quyển sách và xem bộ phim mới mua nhưng nhìn gương mặt hắn cười cười có vẻ thần bí nên David nổi máu tò mò thay đổi ý định.


David ăn phở
Trong bữa tiệc, Nga, cô vợ Việt Nam của Joe cứ theo David hỏi dò về tình cảnh độc thân của anh và nói:
- Tôi có một cô khách hàng rất dễ thương, mới từ Việt Nam qua đây cỡ 1 năm. Cô ấy vừa đi làm vừa đi học, hiền và chịu khó lắm, lại còn độc thân. David có thích không tôi giới thiệu cho.


Joe nói vô:
- Tao gặp cô này rồi. Khá lắm đó, chỉ thua bà xã tao một chút xíu thôi. Thương mày lắm tao giới thiệu cho mày ngay. Được thì tới luôn. Lấy vợ Việt Nam như tao nè, thú vị lắm, cuộc đời lên hương ngay.


David phải công nhận từ ngày cưới vợ trông Joe phơi phới hẳn ra. Hai mắt, nụ cười và gương mặt của hắn đầy nét yêu đời, hạnh phúc. Anh gật đầu:
- OK. Vậy người ta thì sao? Có đồng ý gặp mặt không?


Nga cười:
- Anh đừng lo. Tôi có hỏi cô ấy có bạn trai chưa và có muốn tôi giới thiệu quen với người Mỹ không thì cô ta chịu đó. Vài ngày nữa tôi có hẹn cắt tóc cho cô ta, anh ra tiệm của tôi xem mắt và hai bên làm quen với nhau nghe.


Cái ngày định mệnh ấy đã làm thay đổi cuộc đời của David. May mà anh đã tới nhà Joe ăn sinh nhật để được làm mai!


David đã từng có người yêu từ thời trung học nhưng vài năm sau chia tay và ế đến mốc xì từ ngày ấy đến nay. Tính anh hơi cù lần không thích ăn diện, hiền khô, dễ “mít ướt”, thích thiên nhiên, đọc sách, ẩm thực và... rất thương thú vật như chó, ngựa, cò và hươu cao cổ...v.v


Hoa là con gái út trong gia đình đông con. Sau khi tốt nghiệp lớp 12 nàng học một khoá đào tạo giáo viên nhà trẻ ngắn hạn của địa phương và được làm ở một trường Mầm Non gần nhà. Thế là các anh chị có gia đình và có con tha hồ mà gởi con đến trường Mầm Non cho cô em mình giữ từ khi đứa bé mới chập chững biết đi. Hoa chăm sóc trông nom hết đứa cháu này đến đứa cháu khác, đưa đón từ nhà đến trường rồi từ trường về nhà mình để chiều tối ba mẹ chúng mới đến đón về. Lúc nào có chuyện ra ngoài yên sau xe của nàng cũng chở một đứa bé cứ như mẹ chở con nhỏ. Có lẽ đây là nguyên nhân chính khiến Hoa bị... không ai theo đuổi tán tỉnh cho đến cái tuổi 40 mặc dù nàng rất xinh xắn. Cũng may nàng và gia đình một người em trai được người anh lớn bảo lãnh qua Mỹ và có cơ hội đổi đời.


Ngay cái nhìn đầu tiên David đã thích mê cô gái Việt Nam ốm nhách và... ngăm đen này rồi. Mới ở xứ nóng qua Mỹ hơn năm thì làm sao nhả nắng và có thêm chút thịt cho kịp! Anh chàng cứ tấm tắc khen dung nhan của nàng nào là cái mũi tẹt nhỏ nhắn dễ thương như... mũi chó, nào là cặp mắt to tròn như mắt... ngựa, chân cẳng lêu nghêu như cẳng cò và nhất là làn da lốm đốm vết nám như da hươu cao cổ. Vậy là dung nhan của Hoa hội đủ hình ảnh các con vật David thích. Chưa nói trong thời gian quen nhau nàng trổ tài nấu nướng và chiều chuộng chăm sóc trẻ em thì anh chàng lại còn đắm đuối say nắng hơn nữa.


Hoa ở chung với gia đình người em trai. Cậu em có “tâm hồn ăn uống” nên cuối tuần Hoa thường nấu vài món ngon để cậu em và David uống vài lon bia nói chuyện với nhau. Gọi là nói chuyện chứ một bên không rành tiếng Mỹ, bên kia không biết tiếng Việt thường dùng tay quơ là chính. Nhưng hai bên đều rất tâm đắc, cụng lon lia lịa, cười toe cười toét, và thức ăn thường hết sạch sành sanh. Sau vài buổi nhậu David biết cầm đũa, biết ăn cả tiết canh và biết nói một chữ tiếng Việt rất dõng dạc rõ ràng là “Zô! Zô! Zô!”


Nghe lời khuyên của Hoa, David ghi danh vào chùa học tiếng Việt. Chùa Phật Ân vào ngày Chủ Nhật có rất nhiều lớp miễn phí dạy tiếng Việt cho các em thiếu nhi và cả người Mỹ muốn học viết và nói. David được xếp vào lớp một vì lúc đó trường không có lớp mẫu giáo. David to con khổng lồ phải học chung với các em nhỏ xíu trông cũng hài nhưng anh chàng không mắc cỡ, tuần nào cũng đi học chuyên cần lắm.

 Đến lễ Tết Việt Nam cũng tham gia văn nghệ lên hát ngọng nghịu đơn ca và cả hợp ca bài hát tiếng Việt cùng các bạn học. Có điều chắc vì lớn tuổi gần 50 nên chậm tiêu, học được một năm thì qua năm sau David được... xuống lớp mẫu giáo. Có sao đâu, cứ chuyên cần thì mỗi tháng chắc cũng nhớ được một chữ, 12 tháng được 12 chữ, cũng nhiều chứ bộ. Thế là cứ mỗi tuần David vẫn tà tà cắp vở đến lớp mẫu giáo và cứ ở hoài lớp này không được lên lớp.

Không học giỏi tiếng Việt nhưng David chinh phục được cả gia đình Hoa nhờ tính tình hiền lành, tận tụy, tốt bụng cũng như hết lòng hướng dẫn Hoa cũng như gia đình nàng biết thêm về cuộc sống, xã hội của quê hương thứ hai này. David và Hoa cưới nhau sau hai năm tìm hiểu.


Hoa rất thích nấu ăn nên David cành ngày càng mê và sành ăn nhiều món ăn Việt. Rau muống luộc chấm nước mắm, bánh tét phải có dưa món, phở phải có rau é quế và ngò gai, và tức cười nữa là bắp nướng không ăn với bơ nữa mà đòi cho được nước mắm mỡ hành....v.v. . .



David chơi lắc bầu cua


Hai vợ chồng David và Hoa rất hạnh phúc. Có lẽ Hoa được ăn bơ sữa Mỹ, có công ăn việc làm lương khá, có vitamin tình yêu và nhà cửa ổn định nên nàng dần có da có thịt, da dẻ mịn màng trắng trẻo càng ngày càng xinh. Nhất là tiếng Mỹ của nàng tiến bộ khá lên rất nhanh nhờ kể chuyện cho David nghe mỗi ngày về gia đình, về quê hương Việt Nam, về hầm bà lằng đủ thứ. David rất thích thú và đòi về Việt Nam để biết thêm về quê hương của vợ và để ra mắt cha mẹ anh chị em bà con của vợ còn sống bên kia nửa vòng trái đất.


Ngày về Việt Nam anh chàng biết chào hỏi bằng tiếng Việt nên mọi người đều thương mến. Ba của Hoa cũng biết chút ít tiếng Mỹ nên cha vợ chàng rể có vẻ hợp gu lắm, rủ nhau hút thuốc lá và David mỗi ngày theo cha vợ ra vườn cuốc đất tưới cây.


Thấy vườn rau xanh um ngay hàng thẳng lối đâu ra đấy, David nhớ lời anh vợ nói khi thấy cái sân sau của nhà mình:


- Nếu ba tôi mà thấy cái vườn nhà anh là không gả con gái cho anh đâu.


Về lại Mỹ anh chàng bỏ ra hơn 2 tháng dọn dẹp lại sân nhà đang như cái rừng hoang và rất khoái chí khi được anh vợ tấm tắc khen:


- Được đó! Bây giờ thì mới xứng đáng làm con rể cưng của ông cụ!


David gặp được ba vợ lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng vì mấy tháng sau ông lâm bịnh nặng. Hoa cùng người anh và cậu em cùng trở về Việt Nam để chăm sóc cha nhưng được ít lâu thì ông qua đời. David đã khóc vì thương tiếc ba vợ và nói với Hoa:
- Anh rất thích tình thân gia đình, sự hiếu thảo, và tôn trọng của con cái trong gia đình dành cho cha mẹ già của gia đình em. Anh sẽ kể cho anh Dan nghe và bàn nhau cách chăm sóc ba của anh.


Ba của David đã 80 tuổi. Ông sống một mình ở nhà riêng chứ không chịu ở chung với con cháu. Mỹ mà! Sống “độc lập tự do” cho khỏe. Ông có bạn gái 76 tuổi cũng ở nhà riêng gần đó. Thỉnh thoảng hai anh em Dan, David và các con của Dan tạt qua thăm hỏi. Nay Dan và David bàn nhau mỗi ngày chia phiên đến nhà thăm nom ông chứ không có màn năm thì mười họa nữa. Người lớn tuổi thấy khỏe vậy mà không phải vậy, họ như ngọn đèn trước gió bị tắt hồi nào không hay. Hoa thì thường xuyên nấu những món ăn Việt Nam và học nấu những món ăn Mỹ để đem đến cho bố chồng ăn mỗi ngày cho nóng sốt và tốt cho sức khỏe.


David thấy chân tình của vợ dành cho cha mình mà càng quý và yêu vợ hơn. Anh muốn làm cho vợ vui nên nghĩ ra chuyện mua gà về nuôi trong sân nhà đã được dọn dẹp để lấy trứng tươi cho Hoa ăn và nghe tiếng gà cục tác sẽ đỡ nhớ quê nhà. Anh chàng tìm đến nông trại của người Việt Nam hỏi mua được sáu con gà con mới nở và hớn hở khoe vợ:


- Anh mua mấy con gà con giống gà “đi bộ” châu Á mà em thích nè. Anh đã ghi danh lớp học nuôi gà và có bằng rồi.


Hoa vừa cảm động vừa tức cười không nhịn nổi:


- Trời! Anh có nói chơi không? Nuôi mấy con gà mà phải đi học? Nhà em hồi xưa nuôi hết bầy gà này tới bầy gà khác có bao giờ phải đi học đâu. Rải thóc hoặc gạo cho nó ăn rồi tự nó đi kiếm trùn hoặc côn trùng mà ăn. Tối tự chui vô chuồng mà ngủ thôi à.
David giải thích:


- Bên Việt Nam khác bên Mỹ khác. Em muốn nuôi gà trong sân vườn phải được thành phố cấp giấy phép và phải tốt nghiệp lấy bằng nuôi gà đó. Phải biết cách nuôi để không làm phiền hàng xóm chứ.


Có bằng nuôi gà mà mới được mấy hôm hai con gà lăn ra chết ngủm cù queo. 4 con còn lại lớn nhanh thành 4 con gà mái đốm vàng óng ả thật đẹp và cho trứng đều đặn.
Hoa thắc mắc hỏi:


- Ủa! Sao không có gà trống mà toàn gà mái vậy anh?
- Anh chọn gà mái để nuôi thôi chứ nuôi gà trống mà gáy ồn sẽ làm phiền hàng xóm.
Hoa nói:


- Chưa chắc gà mái không gáy. Hồi xưa trong bầy gà nhà em nuôi bỗng có một con gà mái cất tiếng gáy như gà trống. Ai cũng bảo điềm xui báo trước nhà sẽ bị cháy hoặc bị cướp bóc, phải làm thịt nó ngay nhưng ba không cho. Ba giải thích là gà cũng giống người, cũng bị lưỡng tính đến khi lớn giới tính kia mới lộ ra, không nên mê tín dị đoan mà giết nó tội. Và sau đó nhà em đâu gặp chuyện gì xấu. Ba em rất thích đọc sách như anh vậy, chuyện gì cũng lý giải theo khoa học chứ không mê tín dị đoan. Tính ba lạc quan vui vẻ bà con láng giềng ai biết ba đều yêu quý ông và đều thương tiếc là ông đang khỏe mạnh lại ra đi!


Mới đó mà đến ngày giỗ đầu của cha Hoa. Gia đình anh em tụ họp lại làm mâm cơm cúng giỗ gồm những món ông cụ thích ăn hồi còn sống và xem phim video quay những sinh hoạt của ông. Anh em ôn lại những kỷ niệm từ thời còn thơ ấu cho đến nay cũng vui. David rất thích buổi cúng giỗ này. Cuối tuần sau anh chàng chẳng nói chẳng rằng mua bó hoa, ba chai nước suối và ba cái hamburger rủ vợ ra thăm mộ mẹ mình.
David bày mấy thứ trên ra trước mộ rồi nói:


- Đã rất lâu con không ra thăm mộ mẹ. Ngày hôm nay đúng là ngày mẹ mất 30 năm trước, vợ chồng con mua hamburger mà mẹ thích để ăn chung cho vui.


David lấy một cái hamburger đưa cho Hoa và một cái cho mình cùng ăn và kể cho vợ nghe về những kỷ niệm ngày xưa của bà. Xong anh cầm tay vợ thủ thỉ:


- Mẹ anh ngày xưa thương anh nhất trong ba người con có lẽ vì anh lờ khờ chậm chạp nhất. Anh không giỏi chơi thể thao như anh Dan, lại cũng không học giỏi như em Denny. Hai người đó được ba anh cưng và quý lắm, thường đưa đi đây đi đó. Còn anh chỉ thích ở nhà với mẹ, lẩn quẩn bên bà ấy như con chó con. Mẹ mất vì bịnh năm anh vừa vào đại học. Từ đó anh không còn được mẹ chăm lo âu yếm nữa, lúc nào cũng mang cảm giác bơ vơ lạc lõng mấy chục năm nay cho đến ngày cưới được em. Em đem đến cho anh hình bóng và cảm giác được mẹ thương yêu chăm sóc ngày nào. Cám ơn Chúa! Cám ơn vợ chồng Joe đã giới thiệu em cho anh và cám ơn nhất là vợ yêu quý đã thay đổi cuộc đời của anh. Anh yêu em. Anh yêu Việt Nam của em.


Đúng là “Thương ai thương cả đường đi
Thương luôn phong tục, tông ti, giống nòi!

Thanh Mai


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Có phải khối ngân hàng ngoại đang rút khỏi Việt Nam?


Kính Hòa RFA 2018-02-28 Một số ngân hàng rút vốn ? Theo thông tin từ báo chí Việt Nam, vào tháng Giêng năm nay, 2018, một ngân hàng Mỹ là Standard Chartered đã bán toàn bộ 8,75% cổ phần của mình trong liên doanh với Ngân hàng Á châu của Việt Nam.


Ngân hàng Hong Kong và Thượng Hải,
 tại Hà Nội. Ảnh chụp tháng 8/2011.

Trong năm 2017, người ta cũng nhận thấy hai ngân hàng có tên tuổi của nước ngoài là BNP Paribas của Pháp, HSBC của Hongkong, và Commonwealth của Úc cũng bán cổ phần của mình trong các liên doanh với những ngân hàng địa phương của Việt Nam.

Chắc chắn không có việc ngân hàng nước ngoài rút vốn ra khỏi Việt Nam.
-Ông Huỳnh Bửu Sơn.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia ngân hàng hiện sống trong nước, nói với tờ báo mạng Vnexpress bảng tiếng Anh một số nguyên nhân khiến cho các ngân hàng có tên tuổi của nước ngoài phải rút vốn đó là môi trường kinh doanh không thuận lợi do sự trùng lắp của nhiều vấn đề pháp lý, và điều thứ hai là các ngân hàng này bị hạn chế ở tỉ lệ cổ phần tối đa trong các liên doanh là 30%.
Hồi giữa năm 2017, khi trả lời phỏng vấn đài RFA ông Hiếu có nói rằng ông tiếc cho thời kỳ các ngân hàng lớn nước ngoài vào Việt Nam cách đây 20 năm, nhưng hiện nay hoạt động của họ rất hạn chế tại đất nước này.
Ngân hàng nước ngoài sẽ vẫn hoạt động mạnh tại Việt Nam
Tuy nhiên không phải ai cũng đồng ý rằng các ngân hàng nước ngoài đang rút ra khỏi Việt Nam.
Một chuyên gia ngân hàng sống tại Sài Gòn là ông Huỳnh Bửu Sơn nói với chúng tôi:
“Tôi nghĩ đây cũng là những chuyện thông thường thôi, có thể là những mảng hoạt động nào đó của một ngân hàng nước ngoài, họ nhượng lại cho một ngân hàng khác quan tâm đến mảng đó, chứ chắc chắn không có việc ngân hàng nước ngoài rút vốn ra khỏi Việt Nam.”
Ông Sơn phân tích rằng mặt dù nền kinh tế Việt Nam hiện đang có nhiều mặt chưa được tốt, nhưng có xu hướng phát triển, và sắp tới đây với việc ký kết thỏa thuận mậu dịch xuyên Thái Bình Dương gồm 11 quốc gia, Việt Nam là một thị trường hứa hẹn cho ngành ngân hàng.
Ông Sơn đồng ý rằng việc qui định mức trần tối đa về cổ phần của các đối tác nước ngoài ở một ngân hàng thương mại Việt Nam cũng là điều gây trở ngại cho hoạt động của họ, nhưng theo phán đoán của ông thì mức trần này sẽ được Ngân hàng nhà nước nâng lên trong tương lai.
Hiện nay theo qui định thì tổng số vốn của các đối tác nước ngoài tại các liên doanh ngân hàng thương mại là 30%.
Trong một buổi làm việc với các quĩ đầu tư Hong Kong tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói rằng ông có thể quyết định tăng mức trần giới hạn cổ phần nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam lên hơn 30%.
Theo ông Sơn thì việc tạo nên mức trần qui định này là do sự lo ngại của Nhà nước Việt Nam về việc mất kiểm soát của mình đối với các tổ chức ngân hàng và tín dụng trong nước. Tuy vậy ông cũng nêu ý kiến của một số chuyên gia nói rằng nếu muốn Việt Nam hội nhập nhiều vào nền kinh tế thế giới thì điều đó là điều không đáng ngại.
Tuy nhiên ở một số mặt ngân hàng nước ngoài không cạnh tranh được là bởi vì hệ thống ngân hàng trong nước hiện nay cũng rất mạnh, mà tôi nghĩ đó là một tín hiệu tốt về mặt kinh tế.
-Một nhân viên ngân hàng nước ngoài giấu tên.
Chúng tôi có tiếp xúc với một người phụ trách một phòng nghiệp vụ tại một ngân hàng nước ngoài tại Sài Gòn, xin được không nêu danh tánh, thì chị cho biết rằng các ngân hàng nước ngoài hiện nay tại Việt Nam được đối xử bình đẳng về mặt luật pháp với các ngân hàng trong nước.
Tuy nhiên ở một số mặt ngân hàng nước ngoài không cạnh tranh được là bởi vì hệ thống ngân hàng trong nước hiện nay cũng rất mạnh, mà tôi nghĩ đó là một tín hiệu tốt về mặt kinh tế. Họ hoàn toàn có thể cạnh tranh với ngân hàng nước ngoài. Có một điều họ khó cạnh tranh là những khách hàng quốc tế. Những khách hàng này nằm ở khắp nơi, và thường họ chọn ngân hàng nước ngoài.”
Chị cho biết thêm là các ngân hàng nước ngoài thua các ngân hàng Việt Nam trong thị trường bán lẻ, tức là dành cho những khách hàng cá nhân, gửi tiền tiết kiệm.
Ông Huỳnh Bửu Sơn nêu nhận xét của ông về sự khó khăn của các ngân hàng nước ngoài khi cạnh tranh với các ngân hàng địa phương của Việt Nam:
Thực ra những chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài hoạt động tại Việt Nam bị hạn chế rất nhiều trong việc cho các doanh nghiệp Việt Nam vay, đặc biệt là các dự án lớn, nó tùy thuộc số vốn đăng ký của họ, cũng như khả năng huy động vốn của họ trong nước. Mà thật ra so với các ngân hàng Việt Nam đã hoạt động lâu, ví dụ như Vietcombank chẳng hạn, thì những ngân hàng nước ngoài ở đây thật sự là nhỏ thôi.”
Nhận xét tổng quát về sự hiện diện của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trong hơn 20 năm qua ông Huỳnh Bửu Sơn nói tiếp”
Sự hiện diện của họ là một sự thúc đẩy cho các ngân hàng Việt Nam cố gắng cải tiến về mặt công nghệ, về mặt kỹ năng quản lý. Thêm vào đó là có sự đan xem về vốn đầu tư, tức là những ngân hàng nước ngoài trong quá trình phát triển cũng có xu hướng mua các cổ phần của các ngân hàng thương mại ở đây. Họ không chỉ mang đến đồng vốn mà còn mang lại công nghệ ngân hàng, về kiến thức, về nhân sự.”
Khi được hỏi về các vụ án ngân hàng tại Việt Nam vừa qua, cũng như những tuyên bố sẽ sắp xếp lại hoạt động ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian qua, ông Huỳnh Bửu Sơn cho rằng đó là những điều cần làm, nhưng phải thận trọng để duy trì sự ổn định và lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng của Việt Nam, và ông khẳng định một lần nữa rằng sẽ không có chuyện các ngân hàng nước ngoài rút vốn ra khỏi Việt Nam.
Còn ông Farhan Faruqui, Giám đốc điều hành của nhóm ngân hàng ANZ, có hoạt động tại Việt Nam và vừa bán các khách hàng lẻ sang cho một ngân hàng Hàn Quốc, trả lời báo chí Việt Nam rằng ANZ vẫn tiếp tục hoạt động Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cho các tập đoàn lớn vay tiền, trong cả vùng lưu vực sông Mekong chứ không riêng Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/foreign-banks-not-withdraw-vietnam-02282018121031.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang