Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 4 tháng 2, 2018

Hào quang quan chức và nước mắt...trẻ con!


XUÂN DƯƠNG

(GDVN) - Con đường đến nhà tù khiến ông Đinh La Thăng phải khóc lóc xin xỏ chính là hình phạt cho những gì mà ông gây ra trong những năm tháng trên đỉnh danh vọng.

Những năm tháng chiến tranh giữ nước, thế hệ trẻ người Việt truyền nhau câu thơ của nhà thơ Nam Hà:

“Đất nước của những người con gái, con trai; Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép; Xa nhau không hề rơi nước mắt; Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt...".

Thế mà hôm nay, hơn 40 năm sau ngày thống nhất, có người cùng thời “Đẹp như hoa hồng, cứng như sắt thép” bỗng sụt sùi trước tòa, bỗng muốn làm “ma tự do” chứ không phải “ma tù”.

Sao cuộc đời chính khách lại có những bể dâu như thế?

Từng ở vị trí rất cao trong chính trường và tổ chức Đảng: Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đại biểu Quốc hội, tưởng như ông Đinh La Thăng không có gì phải lo lắng cho sinh mạng chính trị của mình.

Thế thì vì sao ông Thăng phải ra tòa và trước tòa ông lại khóc lóc xin khoan hồng?

Người Việt cả trẻ lẫn già đều biết sự hiên ngang của anh hùng Võ Thị Sáu, anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và bao nhiêu người con ưu tú khác trước họng súng quân thù.

Họ không hề rơi nước mắt, không hối tiếc khi hiến dâng tuổi thanh xuân cho quê hương dù thân thể của họ vĩnh viễn nằm đâu đó dưới sông Thạch Hãn, trong rừng U Minh, trong các trại giam Côn Sơn, Phú Quốc hay bên kia biên giới, họ ngẩng cao đầu làm “ma trong tù” chứ không phản bội niềm tin của dân tộc này, đất nước này.

Những giọt nước mắt của Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng có thể làm mủi lòng không ít người, có thể khơi dậy sự thương cảm của ai đó âu cũng là điều bình thường.

Thế nhưng với cương vị rất cao từng đảm nhận trong Đảng, Chính phủ mà khóc mếu như trẻ con trước tòa khiến cho người ta có cảm giác như trò đùa, như có cái gì đó “hèn hèn” không phải của người từng chỉ mặt đòi đuổi nhà thầu nước ngoài hay yêu cầu cách chức cấp dưới không hoàn thành nhiệm vụ.

Nói một cách công bằng, ông Thăng vừa có công vừa có tội, chỉ có điều công của ông không đủ chuộc lại những lỗi lầm ông gây ra cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn niềm tin của xã hội.

Sự suy giảm niềm tin của người dân với thể chế chính trị chính là bởi có không ít những con người như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh,…, những kẻ cơ hội chui sâu, trèo cao làm thì ít, phá thì nhiều.

Hàng trăm bài báo vinh danh ông Thăng với những “lời có cánh”, con đường thăng tiến thênh thang từ một viên chức đến chính trị gia chính là sự “trả công” cho những gì mà ông đóng góp.

Con đường đến nhà tù khiến ông phải khóc lóc xin xỏ chính là hình phạt cho những gì mà ông gây ra trong những năm tháng trên đỉnh danh vọng.

Những gì tuyên cáo trước tòa trong phiên sơ thẩm xử Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh vừa qua chưa phải là tất cả, cáo trạng với hai người này chưa cho thấy những giọt mồ hôi, nước mắt của hàng vạn công nhân, nông dân bị phung phí thế nào chỉ bởi một “quyết đoán” khi ông Thăng đứng đầu Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).

Việc Trịnh Xuân Thanh cho vợ con định cư ở nước ngoài chứng tỏ con người ấy đã sớm tiên liệu hậu quả việc mình làm, đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc rời bỏ quê hương cũng như một kẻ đào tẩu khác mới bị bắt là Phan Văn Anh Vũ.

Báo Thanhnien.vn [1] trong bài “PVN mất trắng cả chục ngàn tỉ đồng ở Venezuela” cho biết PVN tham gia dự án Junin 2 tại Venezuela với số vốn góp 1,825 tỉ USD.

Đây là dự án, công trình quan trọng của quốc gia thuộc diện phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết 66/2006/QH11.

Chưa xin ý kiến Quốc hội nhưng từ tháng 5/2009, PVN đã cho tiến hành các hoạt động phối hợp thăm dò, đàm phán và từ ngày 29/6/2010 đã ký hợp đồng với nhiều điều kiện phi lý.

Bài báo kết luận: “Chưa kể nhiều chi phí khác, ai chịu trách nhiệm về khoản thất thoát 532 triệu USD - hơn 11.000 tỉ đồng "tiền tươi thóc thật" này”?

Dùng từ “thất thoát” chỉ là cách nói văn vẻ, nói đúng bản chất đây là khoản tiền mất trắng mà những người lãnh đạo PVN ngày đó đã gây ra cho ngân sách, tức là những đồng tiền thuế mà người dân đóng góp.

Số tiền hơn 500 triệu đô la Mỹ ấy trớ trêu thay lại tương đương số tiền mà doanh nghiệp Formosa đền bù cho người dân cả bốn tỉnh miền Trung sau khi xả thải bức hại môi trường biển.

Vậy những ai phải chịu trách nhiệm?

Tiểu sử ông Đinh La Thăng đăng trên báo Infonet.vn ngày 2/12/2017 [2]cho thấy giai đoạn 2006-2010 ông Thăng chính là người đứng đầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 13 diễn ra ngày 1/8/2011, ông Thăng được Quốc hội phê chuẩn làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

Ngày 23/1/2018 tìm hiểu trên mạng tại một địa chỉ có tên là “Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” người ta vẫn thấy ảnh và tên ông Đinh La Thăng với chức danh Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. [3]

Vậy địa chỉ nêu trên là chính thức hay mạo danh, người dân mong muốn các cơ quan chức năng cần làm rõ.

Cũng câu chuyện “tiền tươi thóc thật” là những đồng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng mà các lái xe cố tình thanh toán khi qua một số trạm thu phí BOT khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam.

Đây phải chăng cũng là một trong những “thành quả” thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải?.

Nhân nói về BOT, xin trích nguyên văn một đoạn trong bài “Ăn chặn tiền dân!” đăng trên báo điện tử Thanhnien.vn ngày 18/8/2017:

“Ông kể đã không còn hứng thú tham gia làm bất cứ dự án BOT nào nữa kể từ năm 2013, sau khi được “vỗ vai” phải nhường một dự án BOT đã hoàn thành những thủ tục cuối cùng, cho một doanh nghiệp “sắp chết”, vốn đứng tên người nhà một cựu lãnh đạo cấp cao”. [4]

Nếu thông tin mà báo Thanhnien.vn nêu lên là có cơ sở thì ông Đinh La Thăng có liên quan gì đến chuyện “vỗ vai” này?

Cùng khóc trước tòa, ngoài ông Đinh La Thăng còn Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, nghe nói nhân vật này còn được cơ cấu những chức vụ cao hơn nữa nếu vụ chiếc xe Lexus trị giá hơn 5 tỷ đồng gắn biển xanh không bị truyền thông phát giác.

Không khó để tìm thấy trên mạng xã hội khuôn mặt mãn nguyện của một Trịnh Xuân Thanh với “bộ cánh” lịch sự tại nơi nào đó mà người ta đoán là không phải Việt Nam.

Sự đối nghịch giữa hai hình ảnh của cùng một con người trước và trong phiên tòa cho thấy họ không có một trong những tiêu chuẩn cơ bản của người lãnh đạo là tôn trọng chính bản thân mình.

Ông Thăng biết trước bản án dành cho mình là khoảng 14-15 năm tù, Trịnh Xuân Thanh biết mức án bên tố tụng đưa ra là chung thân nên họ khóc.

Và người viết cứ băn khoăn tự hỏi, không biết khi phải nhận bản án oan nghiệt dành cho tội giết người mà họ không hề thực hiện, ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Huỳnh Văn Nén có khóc xin tòa chiếu cố đến gia cảnh, các ông có xin tòa cho làm “ma tự do” chứ không phải “ma tù”?

Từ cổ chí kim, quan trường luôn là chốn khắc nghiệt, dấn thân vào phải là những con người có thần kinh vững, có bản lĩnh dám làm, dám chịu.

Khóc lóc nhận lỗi và xin tha thứ chỉ có thể hoặc là đứa trẻ hoặc là con tốt trên bàn cờ vua với hai màu đen trắng.

Nếu không suy nghĩ như trẻ con thì vì sao Trịnh Xuân Thanh lại xin ra nước ngoài chăm sóc vợ con, lại xin lỗi Tổng Bí thư Nguyền Phú Trọng?

Trịnh Xuân Thanh phạm lỗi gì với cá nhân Tổng Bí thư mà phải xin lỗi?

Sự ấu trĩ về mặt pháp luật khiến người ta không thể không hỏi vì sao con người ấy lại có thể làm phó Chủ tịch một tỉnh?

Và càng không thể không nêu câu hỏi những ai đã có tiếng nói quyết định trong việc đưa không ít “đứa trẻ” với bản lĩnh kém cỏi như Trịnh Xuân Thanh, Lê Phước Hoài Bảo, Vũ Quang Hải,… tới vị trí quyền lực khá cao trong bộ máy?

Gia đình Trịnh Xuân Thanh xin nộp 4 tỷ đồng khắc phục hậu quả.

Nếu đây là thu nhập cá nhân của gia đình ông Thanh (không phải thu nhập doanh nghiệp) thì mức thuế là 35%, để có thu nhập sau thuế là 4 tỷ đồng thì thu nhập trước thuế phải là hơn 6 tỷ đồng nghĩa là số thuế phải nộp là hơn 2 tỷ đồng.

Các cơ quan tố tụng cần xem xét số tiền 4 tỷ đồng ấy là “tiền sạch” hay từ những nguồn mờ ám.

Nếu chưa nộp thuế thì đây là khoản tiền trốn thuế và đương nhiên không thể dùng “tiền bẩn” để “rửa” vết bẩn trong hồ sơ đương sự.

Vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh không chỉ cho thấy những rủi ro tiềm ẩn trong việc Nhà nước quản lý doanh nghiệp mà cũng cho thấy một lượng không nhỏ cán bộ được đặt vào vị trí quyền lực không dựa vào tài và tâm mà là những “tiêu chuẩn ngầm” nào đó.

Điều đáng mừng là qua phiên tòa, người dân phần nào nhận rõ được tài năng, đức độ của không ít cán bộ mà trước đó ai cũng nghĩ họ là những “hạt giống đỏ” mọi người cần noi theo.

Còn một điều khác cũng cần phải nói là liệu còn hay không những cán bộ cao cấp “ngây thơ” về pháp luật và thiếu bản lĩnh như những bị cáo trong phiên tòa vừa xử?

Tại phiên họp thứ 13 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu thanh lọc đội ngũ cán bộ, đặc biệt là ngay trong cơ quan phòng, chống tham nhũng.

Điều này là vô cùng cần thiết bởi nếu những cơ quan này không trong sạch thì nguy cơ xuất hiện những cán bộ như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh trong tương lai là khó tránh khỏi.

Vụ án mới khép lại ở phiên sơ thẩm, có thể sẽ còn phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, liệu có xuất hiện thêm những đối tượng liên quan ở cấp cao hay dừng tại đây?

Câu hỏi này đặt ra không phải quá sớm hoặc vô căn cứ bởi ông Thăng, ông Thanh không thể làm việc một mình, không thể không báo cáo xin ý kiến chỉ đạo.

Chống tham nhũng không có vùng cấm, Tổng Bí thư đã khẳng định như vậy và người dân cũng mong muốn như vậy.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thanhnien.vn/thoi-su/pvn-mat-trang-ca-chuc-ngan-ti-dong-o-venezuela-831472.html

[2]http://infonet.vn/tieu-su-ong-dinh-la-thang-post247240.info

[3]http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/tieusulanhdao?personProfileId=2245&govOrgId=2856

[4]https://thanhnien.vn/toi-viet/chao-buoi-sang/an-chan-tien-dan-866955.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

"Đảng của những kẻ thích làm vương làm tướng"


FB Chánh Tâm
Cận kề kỉ niệm thành lập đảng, người ta thông tin quy hoạch ở Ba Vì một nghĩa trang cho lãnh đạo, nghe nói phải tiêu tốn 1400 tỉ.

Ba Vì được biết là một non thiêng của dân tộc.

Non thiêng ấy chẳng mấy chốc sẽ bị cuốc lỡ khi dân tộc còn chìm trong hố thẳm cách biệt giữa kẻ cầm quyền và nhân dân.

Không chỉ nạn thảm nhũng "ăn không từ một thứ gì" thách thức tồn vong của đảng cầm quyền.

Mà những kiểu dự án nghĩa trang cho lãnh đạo cấp cao này đã sắp xếp cho đảng số phận của một triều đại.

Đảng bị mưu biến thành tổ chức của những kẻ thích làm vương làm tướng, như cảnh báo của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một bài viết đăng trên báo Nhân Dân từ gần 30 năm trước. 

Những kẻ làm vương làm tướng ấy rất thích trị nước theo cách các hoàng đế thác mệnh trời. 

Nhưng dân mới là trời, lòng dân là ý trời trong thực tế. 

Từ xưa đến nay không một đế vương, một triều đại nào tiêu pha tiền của cho mộng mị yên giấc nghìn thu mà không bị phế bỏ.

Không có lăng mộ đế vương nào không từng phải thành phế tích.

Cho dù Hà Nội có chịu cuốc lỡ Ba Vì thì lãnh đạo cấp cao cũng không nên xây mộ làm vương làm tướng.

Lẽ ra những dự án kiểu nghĩa trang dành cho lãnh đạo cấp cao này phải hoang phế ngay từ khi nó còn là ý tưởng.

Hay một triều vua nữa lại bị phế?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Một chuyện tang ma


Cái nghĩa trang 1.400 tỉ ấy tính ra cũng hay lắm. Nó đo được lòng dân lẫn lòng cán bộ ra sao đấy! Cán bộ Đảng và Nhà nước chức to (thậm chí rất to) mà tôi biết và hỏi chẳng ai có nhu cầu chui vô nghĩa trang Quốc gia cả. Loại lập dự án ăn tiền dân thì xứng đáng chui vào lỗ hơn. Lỗ của “lò”! Lò đốt bọn tham lam.

Phối cảnh Nghĩa trang Yên Trung, huyện 
Thạch Thất, TP Hà Nội - Ảnh: VNExpress
“Nghĩa trang quốc gia sẽ được xây dựng khang trang rộng rãi, là nơi an nghỉ, khu tưởng niệm lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các anh hùng, danh nhân của đất nước sau khi từ trần.”

Dự án 1.400 tỉ đồng để xây nghĩa trang Quốc gia là một dự án rất hay!

Lý do là một trong các yếu tố khoa học trước khi thực hiện là cần khảo sát xã hội học đối với đối tượng thụ hưởng lẫn đối tượng bị tác động của dự án. Hơn một trăm hộ dân cần giải tỏa mà đồng ý thì thuộc nhóm bị tác động bởi dự án đã đồng ý. Nhưng hơn 95 triệu dân cũng bị ảnh hưởng bởi tiền thuế được đóng có lẽ cần được hỏi xem nên đêm ngân sách xây nghĩa trang Quốc gia hay không?

Tiếp nữa là nên công bố khảo sát lãnh đạo Đảng và Nhà nước, anh hùng và danh nhân nào nằm trong nghĩa trang ấy. Họ vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là đối tượng chịu tác động của dự án ấy cơ mà. Về mặt bị tác động, không lẽ ý nguyện được chôn cất ở quê nhà của người được thụ hưởng không được thực hiện. Và có khi nào có cưỡng chế đám ma nên chôn ở đâu không?

Lại nói chuyện tâm linh thì cái nghĩa trang Quốc gia ấy chắc gì là “đất đẹp” để chôn? Tôi biết có rất nhiều người tin phong thủy và tốn tiền tỉ để có một huyệt mộ tốt cho cháu con về sau. Chôn ở đó đẹp phong thủy hay không thì… chưa biết.

Chỉ biết, cuối cùng thì chúng ta sẽ chết! Lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các anh hùng, danh nhân của đất nước rồi cũng phải chết về mặt sinh học. Họ “sống” trong lòng dân nếu họ biết lo cho dân cho nước chứ có nghìn nghĩa trang với vạn lần tưởng niệm mà dân chắn ghét, oán thán thì nhiều khi mả đẹp mà mồ không yên…

Chỉ là nằm dưới lỗ như xưa nay hay hỏa thiêu đem lên chùa hay rắc sông, rải đồng. Nhưng cách chọn chết thế nào mới là vấn đề….

Ai xem Đạo mộ bút ký mới thấy bọn trộm mộ nhắm tới mộ người giàu ra sao. Nước mình cũng có chuyện quật mộ kẻ thù để trả hận xưa. Lan man chuyện xưa thôi, mọi người đừng nghĩ gì nhiều nha…

Cái nghĩa trang 1.400 tỉ ấy tính ra cũng hay lắm. Nó đo được lòng dân lẫn lòng cán bộ ra sao đấy!

Cán bộ Đảng và Nhà nước chức to (thậm chí rất to) mà tôi biết và hỏi chẳng ai có nhu cầu chui vô nghĩa trang Quốc gia cả. Loại lập dự án ăn tiền dân thì xứng đáng chui vào lỗ hơn. Lỗ của “lò”! Lò đốt bọn tham lam.

Status sau tôi sẽ viết về thần tượng của chị em là thủ môn Tiến Dũng đẹp trai. Và kẻ xoa tay sau khi tung tin làm rộn dư luận để quên chuyện kỳ quan Sơn Đoòng bị xâm phạm. Có kịch bản cả đấy!


Mai Quốc Ấn
FB Mai Quốc Ấn


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Ở Singapore, ông Trần Bắc Hà vẫn “tất bật” với công việc


Giáp tết nhưng có vẻ như lò của bác Cả vẫn đang cháy rừng rực. Liên tiếp nhiều án kỷ luật được ban hành. Mấy hôm nữa có lẽ tòa sẽ tuyên án tù chung thân thứ 2 cho Trịnh Xuân Thanh. Cùng lúc, thông tin liên quan đến các cựu quan chức có nguy cơ án tù khác lại liên tục được báo chí đưa tin. Bác Bắc Hà chỉ là 1 trong số đó.Bác Hà “tất bật” chỉ đạo đẩy nhanh dự án Tâm linh Phật pháp Linh Phong có lẽ vì bác tin là khi công trình này hoàn thành, Tượng Phật Thích Ca cao nhất Đông Nam Á hiện nay được hô thần nhập tượng (để bảo vệ bác)... thì mọi hiểm nguy đối với bác đều tan thành mây khói. Thực tế đã chứng minh, khi ông Huỳnh Phi Dũng khánh thành Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến thì bác Nguyễn Minh Triết (Chủ tịch nước) hết sạch bệnh tật, tươi cười rũ bùn đứng dậy sáng lòa. Tương tự, khi ông Xuân Trường đưa quần thể chùa Bái Đính trong đó có Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, Bảo Tháp 13 tầng cao nhất châu Á... vào sử dụng thì vị thế của bác Nguyễn Tấn Dũng trở nên vững như bàn thạch, ba lần bị cấp trên tính chuyện xô đổ nhưng bác không hề hấn gì.
Trị bệnh ung thư ở Singapore, ông Trần Bắc Hà vẫn “tất bật” với công việc
03/02/2018 (NLĐO) – Dù đang điều trị bệnh ung thư gan ở Singapore nhưng nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà vẫn thường xuyên gọi điện thoại về quê điều hành công việc.Dù đang trị bệnh ung thư ở Singapore nhưng ông Hà vẫn thường xuyên gọi điện về chỉ đạo đẩy nhanh dự án Tâm linh Phật pháp Linh Phong

Sáng 3-2, nguồn tin riêng của phóng viên Báo Người Lao Động cho biết những ngày gần đây, dù đang điều trị bệnh ung thư gan tại một bệnh viện ở Singapore nhưng ông Trần Bắc Hà (quê huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) vẫn thường xuyên gọi điện thoại về cho người thân ở Việt Nam để chỉ đạo một số công việc đang triển khai dở dang. Đặc biệt, ông Hà thường xuyên gọi về điều hành việc xây dựng dự án Tâm linh Phật pháp Linh Phong tại xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

"Mấy ngày nay, ông Hà hay gọi điện về Ban Quản lý dự án chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình Tâm linh Phật pháp Linh Phong cho kịp khai trương trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Nghe nói đang bị bệnh ung thư nhưng giọng ông ấy qua điện thoại vẫn khỏe khoắn", nguồn tin cho biết.

Trước đó, dự án Tâm linh Phật pháp Linh Phong khởi công từ năm 2009 với số vốn 500 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, do ông Trần Bắc Hà khi đang giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT BIDV và UBND tỉnh Bình Định kêu gọi. Tuy nhiên, những tháng gần đây, dự án có dấu hiệu chậm lại do ông Hà thường xuyên vắng mặt ở nơi này trong thời gian dài.

Như đã thông tin, tại phiên tòa xét xử ông Trầm Bê (SN 1959, nguyên phó chủ tịch Thường trực HĐQT Sacombank), Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên chủ tịch HĐQT VNCB, tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và 44 đồng phạm khác về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", Hội đồng xét xử đã yêu cầu triệu tập ông Trần Bắc Hà đến tòa vì ông là người có nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, người đại diện của ông Trần Bắc Hà cho biết ông Hà không thể đến tòa theo triệu tập vì đang điều trị bệnh ung thư tại Singapore.

Resort 4 sao Hoàng Gia Quy Nhơn do vợ ông Trần Bắc Hà làm chủ đã được chuyển nhượng lại cho các em ruột của bà ấy

Trong một diễn biến khác, hiện phần lớn xe hơi ông Trần Bắc Hà cùng các con thường dùng để đi lại mỗi khi có dịp về quê Bình Định đã được bán cho người khác. Trước đó, resort 4 sao nằm tại vị trí đắc địa bên bờ biển giữa trung tâm TP Quy Nhơn trị giá cả ngàn tỉ đồng, do vợ ông Trần Bắc Hà làm chủ sở hữu cũng đã được chuyển nhượng lại cho các em ruột của bà ấy.

Cụ thể, từ cuối năm 2017 đến nay, người đứng tên đại diện pháp luật của Công ty CP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn (trụ sở tại 01 Hàn Mặc Tử, TP Quy Nhơn) – đơn vị chủ sở hữu Resort Hoàng Gia Quy Nhơn 4 sao - là bà Ngô Thị Kim Oanh. Bà Oanh cũng chính là em ruột của bà Ngô Kim Lan (vợ ông Trần Bắc Hà), người chiếm hầu hết vốn điều lệ và là đại diện theo pháp luật của Công ty CP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn trước đây. Ngoài việc thay đổi tên người đại diện pháp luật, phần lớn cổ phần của bà Lan tại Công ty CP Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn đã được chuyển nhượng cho các em ruột của mình trong thời gian gần đây.

Nhóm Phóng Viên
https://nld.com.vn/thoi-su/tri-benh-ung-thu-o-singapore-ong-tran-bac-ha-van-tat-bat-voi-cong-viec-20180203062857125.htm


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Vài lời với anh Nguyễn Công Khế và bạn bè


HOÀNG HẢI VÂN
Những điều tốt đẹp tôi viết về anh Nguyễn Công Khế trong những câu chuyện liên quan đến anh đã đăng trên báo Thanh Niên, trên blog và trên facebook này, giờ nếu phải viết lại thì một chữ cũng không thay đổi. Những người khác hiểu những bài viết đó như thế nào tôi không quan tâm, bạn bè tôi hầu hết hiểu đúng, dù có người phải đến 10 năm mới hiểu. Nhưng điều đáng buồn là chính anh Nguyễn Công Khế lại không hiểu thấu đáo được tư cách của tôi.

Dù anh Khế chỉ lớn hơn tôi vài tuổi nhưng tôi chưa bao giờ coi anh là bạn bè. Tôi coi anh là một vị thủ trưởng đáng kính và giờ vẫn coi anh là một vị thủ trưởng cũ đáng kính. Anh có đầy đủ phẩm chất để tôi suốt đời kính trọng. Nhờ anh mà tôi đã phát huy hết khả năng của một người làm báo chuyên nghiệp ở báo Thanh Niên. Đó là ơn tri ngộ. Nhưng tôi không phải là “cánh tay”, không phải là “đệ tử” của anh. Anh tôn trọng tôi, nên cũng không hề có ý định biến tôi thành một công cụ như thế. Hồi anh còn làm báo Thanh Niên, nhiều khi sáng thức dậy anh gọi điện, bảo sao tôi cứ nhè bạn của anh mà “đánh” hoài thế, khiến cho họ chửi anh, anh nói là nói vậy chứ không hề bảo dừng lại không đăng bài phê phán bạn anh nữa. Nhiều phóng viên gặp chuyện này chuyện kia có hỏi tôi, rằng người này người kia thân với anh Khế, có viết bài phê phán được không. Tôi nhiều lần đã phải nói rõ, nếu vi phạm pháp luật thì dù có thân với ai cũng không bỏ qua. Tôi đã viết những điều tốt đẹp về anh, không phải vì cái ơn tri ngộ kia, mà vì muốn truyền một cảm hứng cho các bạn làm báo trẻ, rằng làm báo phải chính trực như thế.

Cho đến gần đây. Tôi viết loạt bài “Sơn Trà ký sự” đăng trên báo điện tử Một Thế Giới. Tờ báo này được vận hành bởi Tập đoàn Truyền thông Thanh niên do anh Khế làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc (điều này có giới thiệu công khai trên trang chủ tờ báo). Có lẽ do không có điều kiện trực tiếp tìm hiểu vấn đề, loạt bài lại có nhiều đụng chạm, nên đăng 8 kỳ thì lãnh đạo báo yêu cầu dừng lại không viết nữa, trong 8 kỳ đó có gỡ xuống 1 kỳ. Tôi phản ứng kịch liệt với anh Khế. Anh bảo anh không biết. Anh có biết và có can thiệp để gỡ bài hay không thì tôi không rõ, nhưng tôi không có lý do gì để “sững cồ” lên với anh, vì anh đâu có phải là tổng biên tập tờ báo đó. Nhưng tôi có thể hiểu, anh lo cho sự an toàn của một tờ báo điện tử còn non trẻ, sự lo lắng đó là chính đáng, đã chấp nhận đăng được chừng ấy bài là quá tốt rồi.

Không tiếp tục đăng những vấn đề tôi am hiểu về Đà Nẵng trên báo Một Thế Giới nữa, tôi viết bài đưa lên facebook này. Anh Khế không có quyền gì đối với tôi, nhưng từ khi tôi đưa stt Vũ nhôm và “thần tượng” Nguyễn Bá Thanh, anh Khế liên tục gọi điện ngăn cản. Tôi nghĩ anh lo cho sự an toàn của tôi là một chuyện, điều quan trọng hơn là anh vốn là bạn của ông Nguyễn Bá Thanh, anh không muốn người khác đụng đến một người bạn đã qua đời. Xin lưu ý là không chỉ anh Khế, mà ngay cả một số vị lãnh đạo tôi cho là chính trực của Đảng ở Trung ương trước đây vẫn đánh giá cao về ông Nguyễn Bá Thanh, bằng chứng là ông ấy đã được rút ra Hà Nội làm Trưởng ban Nội chính Trung ương và nghe nói có đề nghị vào Bộ Chính trị (nhưng không thành). Tôi tôn trọng tấm lòng của anh Khế đối với bạn, cũng như tôi tôn trọng quan điểm của anh Nguyễn Quốc Phong (cựu Tổng Biên tập báo Thanh Niên), cũng là người thân thiết với anh Khế, khi anh ấy viết bài ca ngợi ông Nguyễn Bá Thanh sau loạt bài của tôi. Không muốn tôi viết những bài như vậy, anh Khế nhiều lần gọi điện nói khéo, rằng “tầm cỡ” của tôi phải viết những bài có “tầm cỡ” hơn, rằng tôi không nên viết những chuyện “lặt vặt” như thế. Tôi trả lời anh, tôi là thường dân, chẳng có “tầm cỡ” gì, tôi chỉ biết gì nói vậy thôi. Vì vậy, tôi vẫn cứ viết những gì tự tôi thấy cần phải viết, vì không “chạm” đến ông Nguyễn Bá Thanh thì những vấn đề của Đà Nẵng không bao giờ có thể giải quyết được rốt ráo.

Cho đến hôm qua, có một bạn link vào facebook tôi một bài viết trên mạng xã hội, nói rằng anh Khế đã sử dụng một “đệ tử” là tôi đây, để viết bài triệt hạ ông Nguyễn Bá Thanh và Vũ nhôm nhằm giúp cho ai đó “thâu tóm các dự án của Vũ nhôm”. Mục đích của bài viết này là công kích bêu xấu anh Nguyễn Công Khế và bảo vệ Vũ nhôm, nhưng chỉ riêng cái chi tiết bịa đặt trắng trợn này cũng đủ cho thấy toàn bộ những gì mà bài viết đó nêu ra đều không có giá trị. Tôi gọi điện cho anh Khế, anh bảo anh đã đọc rồi.

Tôi không quan tâm người ta nói gì về tôi, càng không quan tâm đến những thứ fake news của bọn cóc nhái trên mạng xã hội. Nhưng tôi hơi buồn và hơi thất vọng, vì anh Khế có ý trách rằng do những bài viết của tôi mà bọn họ đã “đánh” anh ấy. Anh đã không giấu được tâm lý của một bề trên, khi buột miệng nói rằng tôi thì có gì để mà bọn họ “đánh”, tôi làm gì để bọn họ thù thì bọn họ chỉ “đánh” anh ấy thôi. Tôi thấy áy náy, nói để tôi viết một cái stt giải thích là những gì tôi viết không có liên quan đến anh, nhưng anh nói không cần. Không cần, mà vẫn oán trách. Tôi thấy thiệt là khó xử.

Tôi tưởng lòng tôi bằng phẳng trước mọi thị phi. Nhưng khi tí tởn tham gia cái mạng xã hội này thì không thoát khỏi thị phi được. Những dòng này được viết ra chắc anh Khế không thích, nhưng tôi không thể không viết ra đây. Tôi không danh không tiếng gì, cũng không cầu danh cầu lợi, nhưng là một cá nhân độc lập, chỉ mong được ăn một ngày ba bữa bằng thu nhập lương thiện của mình, được làm những gì mình thích, viết những gì mình cho là đúng và tự chịu trách nhiệm về những gì mình viết. Ơn nghĩa thì không quên, nhưng lương tâm thì không thể không ngay ngắn. Mong anh Khế, người thân của anh Khế và những người tử tế hiểu cho, còn đám cóc nhái trên mạng xã hội kia thì mặc kệ đi !

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Thứ Bảy, 3 tháng 2, 2018

Đặc quyền quan cách mạng


Thiên hạ đang ồn ào về cái dự án nghĩa trang Yên Trung dành cho quan chức cấp cao định mở ở ngoại thành Hà Nội. Rộng hơn trăm mẫu tây, dự chi ngân sách tròm trèm 1.400 tỉ đồng.
Lâu nay, nhà cầm quyền đã tự mặc định chỗ chôn ông to bà lớn ở nghĩa trang Mai Dịch. Nhắc tới cái tên này, một thời đồng nghĩa với sự kính cẩn, khiếp sợ, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” bởi đất vàng chỉ dành cho một hạng người nhất định. Nhưng rồi Mai Dịch, phần thì chật chội hết chỗ, phần kém thiêng, nên nhà nước đang tính phải có nơi thay thế, “cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”.

Nếu ai còn chút lăn tăn, giở từ điển tiếng Việt thì từ “đặc quyền” được giải thích là “quyền, quyền lợi đặc biệt dành cho cá nhân, tập đoàn, hay một giai cấp nhất định”. Muốn tin cậy hơn nữa, bởi đây là từ gốc Hán Việt, thì mở thêm cuốn “Từ điển Hán Việt” của cụ học giả Đào Duy Anh thì đặc quyền tức “quyền lợi đặc biệt”. Thế là rõ.

Trong xã hội loài người, xét về lý thuyết, chỉ khi nào tiến lên tới hình thái cộng sản, khi ấy mọi người đều bình đẳng, thì mới hết đặc quyền. Ấy, cứ nghe bộ máy cai trị dóng dả tuyên truyền vậy chứ đã ai biết cái xã hội cộng sản nó mặt ngang mũi dọc thế nào. Giá có sống lâu như cụ Bành Tổ cũng chả mong nhìn thấy thiên đường “cùng làm cùng hưởng, bình quân chia đều”. Câu này thế hệ chúng tôi sinh vào thập niên 50 thế kỷ trước đứa nào cũng thuộc, khoái lắm, nhiều đứa còn mơ mộng sau một đêm ngủ dậy, ngỡ ngàng thấy sự nghèo đói đã lùi xa tít tắp, ngay cả ăn ngon mặc đẹp cũng không thèm, chả cần làm gì vẫn có ăn. Xã hội cộng sản là thế, chỉ nghĩ tới người đã tràn cảm giác lâng lâng.

Lại nhớ câu thơ trong bài thơ “Hoa và rượu” nổi tiếng một thời, trước cách mạng tháng 8.1945, của thi sĩ tài danh Nguyễn Bính: “Chao ôi là mộng hay là thực/Là thực hay là mộng bấy lâu?”. Xã hội xứ ta suốt gần nửa thế kỷ nay, nếu kể luôn ở cả miền Bắc trước đó hơn 20 năm nữa thì những ¾ thế kỷ, cứ lẫn lộn mộng và thực, thực và mộng. Với người này thì là mộng, nhưng với kẻ kia lại là thực. Xã hội cộng sản không đến cùng lúc cho tất cả mọi người, dân chúng lại càng không được léo hánh tới nó, nhưng trên thực tế nó đã vào nhà không ít quan cách mạng. Oái oăm trớ trêu ở chỗ, những anh ra rả tuyên ngôn về xã hội không còn đặc quyền đặc lợi, bình đẳng thì lại chính là những anh đặc quyền đặc lợi nhất, đòi hỏi riêng tư có từ trong máu, và đã được hưởng cuộc sống thiên đường trước hết.

Thời chiến tranh, người dân dễ mủi lòng trước hình ảnh cán bộ 3 cùng, quần xà lỏn, gối đất nằm sương, chia bùi sẻ ngọt với dân. Dân chở che, đùm bọc họ bởi dân thấy những con người ấy gần gũi, bình đẳng, không có sự ngăn cách, đáng tin cậy. Bao nhiêu sinh mệnh, máu xương, của cái tiền bạc, cả vật chất lẫn tinh thần gom cả lại đi cùng họ, cùng nhau hướng về một xã hội bình đẳng, không còn bất công, một thế giới đại đồng. Cứ hy sinh đi, rồi sau này “bao nhiêu quyền lợi ắt qua tay mình”. Những người cộng sản từng nói rằng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Họ thường nói sai, nhưng câu này thì hoàn toàn đúng. Không có dân, không có thể chế này.

Nhưng khi cùng hưởng thụ thành quả thì bắt đầu sinh chuyện. (còn tiếp)

Nguyễn Thông
(Phần tiếp theo tôi sẽ biên cụ thể về những đặc quyền đặc lợi của quan cách mạng)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Chống tham nhũng, truy đến cùng những khối tài sản bất minh



Mạnh Quân
(Dân trí) - Như Dân trí đã đưa tin, ông Hồ Ánh, nguyên thư ký của cựu Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đã được Vũ “nhôm” ủy quyền sử dụng nhà đất tại Đà Nẵng. Vụ việc này đặt ra câu hỏi: Đã có bao nhiêu ông thư ký, rồi người nhà, người thân…đứng tên hộ các khối tài sản có dấu hiệu “bất minh” và làm thế nào để truy đến cùng nguồn gốc của chúng và cách xử lý?

Theo thông tin đã đăng tải trên Dân trí, năm 2013 khi đang công tác tại Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, ông Hồ Ánh, nguyên thư ký của cựu Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh được vợ chồng ông Vũ "nhôm" ủy quyền sử dụng lô đất, nhà, tài sản gắn liền trên đất tại số 51 Nguyễn Thái Học.

Đáng chú ý, ngôi nhà này nằm gần các ngôi nhà mà ông Nguyễn Xuân Anh sử dụng (cũng của ông Vũ "nhôm").

Mặc dù hợp đồng ủy quyền này hiện đã được hủy nhưng nó việc đó vẫn làm dấy lên mối nghi ngờ nhất định về sự minh bạch trong việc “nhờ” đứng tên này. Bởi vì, trong giai đoạn ông Nguyễn Xuân Anh còn làm phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Hồ Ánh khi đó làm trợ lý cho ông Nguyễn Xuân Anh. Và khi ông Nguyễn Xuân Anh lên làmBí thư Thành ủy Đà Nẵng thì ông Hồ Ánh được điều chuyển về Thành ủy Đà Nẵng và làm thư ký ông Xuân Anh.

Hơn nữa, ông Nguyễn Xuân Anh cũng đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận là đã “thiếu gương mẫu trong việc sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội”. Thì việc ông Hồ Ánh đứng tên “hộ” cho chính doanh nghiệp trên thì quả là điều không rõ ràng mà cơ quan chức năng sẽ làm rõ.

Không chỉ ở vụ việc này, trong nhiều vụ án kinh tế gần đây, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng đã làm rõ những vụ tham nhũng và đối tượng tham nhũng đã sử dụng tiền bạc tham ô được để mua những tài sản có giá trị: nhà, đất, biệt thự…Và để tránh nguy cơ bị cơ quan điều tra phát hiện, tránh “tai mắt” của thiên hạ,, những người có hành vi tham nhũng đã sử dụng phương cách trên: Nhờ người đứng tên.

Rõ ràng nhất là vụ Giang Kim Đạt, nguyên Trưởng phòng kinh doanh Công ty Vinashinlines, sau khi tham ô số tiền rất lớn là 19 triệu USD đã chuyển tiền mua 40 biệt thự, nhà ở, các mảnh đất có giá trị, xe sang và để cha mình là ông Giang Văn Hiển đứng tên sở hữu. Sau này, Đạt cũng đã trốn ra nước ngoài và bị bắt lại, bị truy tố ra tòa tại Việt Nam và nhận án tử hình (cha bị tù chung thân).

Ở một vụ án khác, vụ Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo hàng ngàn tỷ đồng vừa qua thì bị cáo này còn trơ trẽn đến mức kháng cáo xin tòa cho lại căn biệt thự trị giá tới 43 tỷ đồng đứng tên mẹ mình (bà Nguyễn Thị Lang) tại Hội An. Đương nhiên yêu cầu của bị cáo này bị bác bỏ vì Tòa án xác định rõ nguồn gốc tài sản trên cũng do Huyền Như lừa đảo mà có.

Với bị cáo Trịnh Xuân Thanh đang bị xét xử cũng vậy, mặc dù cơ quan chức năng cũng đã phong tỏa một số tài sản của bị cáo này để ngăn chặn các hoạt động giao dịch nhằm tẩu tán tài sản, đảm bảo việc thi hành án, khắc phục các hậu quả kinh tế cho nhà nước về sau này nhưng thực tế, có những tài sản còn đứng tên ông Trịnh Xuân Giới như biệt thự ở Ciputra thì dư luận cũng chưa hết nghi ngờ. Bởi vì với thu nhập của cán bộ về hưu như ông Giới, khó có thể có nhiều tiền để mua những tài sản có giá trị lớn như biệt thự trị giá khoảng 100 tỷ đồng trên đỉnh núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) hay biệt thự còn đứng tên ông Giới ở khu căn hộ cao cấp Ciputra.

Việc các cá nhân có hành vi tham nhũng hay có dấu hiệu bất minh trong sở hữu tài sản lớn nhưng đã nhờ người thân, quen đứng tên tài sản của mình rõ ràng đã không còn là câu chuyện hiếm. Theo các chuyên gia pháp luật thì do người thân của những người này không phải là diện đối tượng phải kê khai tài sản nên việc chuyển tài sản cho họ đứng tên là một cách để trốn tránh nghĩa vụ kê khai.

Và một điều đáng nói là trong hầu hết các vụ án tham nhũng, các vụ án kinh tế, hậu quả của các vụ án này thường rất lớn: Hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng nhưng tài sản đứng tên của các đối tượng có hành vi đó thường rất thấp, và chủ yếu đã sang tên, nhờ người khác đứng tên.

Do đó, với các vụ án kinh tế sau này, cơ quan chức năng không nhanh chóng phong tỏa tài sản của các đối tượng đó và cả người thân của họ, nếu có dấu hiệu đứng tên bất minh, không chứng minh được nguồn gốc thì sẽ không đảm bảo được việc thu hồi tài sản bị tham nhũng, khắc phục những hậu quả kinh tế to lớn mà các đối tượng này gây ra.



Phần nhận xét hiển thị trên trang